MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 73:
  • Nhứt cú Di Đà
    Mãn Tỳ lê độ
    Bất nhiễm tiêm trần
    Trực đạp huyền lộ.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Đầy đủ tinh tấn độ
    Lòng không nhiễm mảy trần
    Bước thẳng lên huyền lộ.

Lược giải:

Khi tu hành mà còn thấy mình có tinh tấn, tức chưa đạt đến mức cứu cánh của tinh tấn, vì còn chấp ngã và pháp. Muốn tròn đầy Tỳ lê da ba la mật, phải thoát ly quan niệm đó, tuy hằng tinh tấn không gián đoạn mà chẳng thấy mình có tinh tấn. Hai vị đại sĩ đã đạt đến cảnh giới này, nên được tôn hiệu là Thường Tinh tấn và Bất Hưu Tức Bồ Tát.

Khi hành giả niệm Phật đến mức tâm trong sạch rỗng rang, không còn nhiễm một mảy trần, tức đã đặt bước lên con đường huyền vi, vào cảnh giới cứu cánh của Tinh tấn độ vậy.

Hán 74:
  • Nhứt cú Di Đà
    Mãn thiền na độ
    Hiện chư oai nghi
    Tang thậm khô thọ?

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Đầy đủ thiền độ lý
    Hiện trong các oai nghi
    Cây khô có gì quí?

Lược giải:

Liên trì đại sư đã bảo: "Niệm Phật và tham thiền chỉ là một, không khác nhau!". Tại sao thế? Bởi Thiền na có nghĩa: Tĩnh lự. "Tĩnh" thuộc về Định, về Chỉ, về Tịch, thể hiện công đức vắng lặng. "Lự" thuộc về Huệ, về Quán, về Chiếu, thể hiện công đức sáng soi. Khi hành giả niệm Phật đến mức dứt bặt muôn duyên, tâm yên lặng sáng suốt, thể hiện công năng tịch chiếu, trong ấy đã bao gồm thiền định rồi. Đó cũng gọi thật hành. Thiền na ba la mật, nghĩa là đương nhơn đã tiến bước vào cảnh giới chân thật của thiền định.

Thuở xưa đã có bà lão cất ngôi tịnh thất cho một nhà sư ở để tham thiền, thường cung cấp cho bốn sự cúng dường đầy đủ. Sau hai mươi năm, muốn thử xem trình độ sự tu hành đã đến mức nào, bà lão dặn cô con gái lúc đem cơm nước đến dâng, hãy thình lình ôm lấy vị sư và hỏi: "Hiện thời tâm của thầy ra sao?" Cô gái thật hành y như lời mẹ dặn, được nhà sư đáp: "Tâm của tôi lúc này như cây khô nương gộp đá lạnh trong ba tháng mùa đông, không một chút hơi nóng động nào cả!" (Khô mộc ỷ hàn nham. Tam đông vô noản khí). Bà lão nghe cô gái thuật lại lời ấy liền than: "Uổng công ta khó nhọc trong hai mươi năm, kết cuộc chỉ cúng dường cho một kẻ phàm phu!" Rồi đốt thất, đuổi nhà sư đi.

Trong bài kệ trên ý Tổ sư muốn nói: "Lúc tu Tịnh Độ đến mức tâm yên lặng sáng suốt, thì dù khi hiện các oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo, niệm Phật, tụng kinh; trong ấy đã đầy đủ Thiền định độ. Như thế còn hơn hạng khô thiền bám chặt lấy cảnh giới thiên không, như cây chết khô chẳng có chi là siêu xuất cả!"

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 75:
  • Nhứt cú Di Đà
    Mãn Bát nhã độ
    Cảnh tịch tâm không
    Vân khai nguyệt lộ.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Đầy đủ Bát nhã độ
    Cảnh thanh vắng lòng không
    Mây tan vầng nguyệt lộ.

Lược giải:

Ấn Quang pháp sư nói: "Với câu niệm Phật, nếu có một phần kính thành, thì tiêu một phần tội nghiệp, sanh một phần phước huệ". Được mười phần kính thành, sẽ tiêu mười phần tội nghiệp, sanh mười phần phước huệ. Cho nên khi niệm Phật, hành giả sẽ tùy tâm mà được tiêu trừ nghiệp chướng, phát huy trí huệ của công đức Bát nhã. Hành trì lâu ngày, người ấy sẽ tiến đến mức tâm cảnh rỗng không sáng lặng, và sẽ lần lần đầy đủ Bát nhã độ. Hiện tượng ấy ví như mây tan hiện ra vầng trăng trong sáng chiếu rạng khắp nơi, cảnh và ánh trăng đều lặng lẽ trong trạng thái dung hàm không còn phân biệt.

Hán 76:
  • Nhứt cú Di Đà
    Tưởng tịch tư chuyên
    Vị ly Nhẫn độ
    Dĩ tọa bảo liên.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Tâm lặng tưởng nhớ chuyên
    Tuy chưa lìa Nhẫn độ
    Đã ngồi tọa bảo liên.

Lược giải:

Bài kệ trên, hai câu trước ý nghĩa đã rõ ràng, duy hai câu sau, riêng một số độc giả chưa khỏi có điều nghi vấn. Theo Ấn Quang pháp sư, tác dụng nghiệp thức của chúng sanh không thể nghĩ bàn! Có người tuy còn ở Ta bà, mà một phần thần thức đã hiện thân ngồi nơi hoa sen cõi Tịnh Độ. Có người đang còn sống mà nghiệp thức đã hiện thân thọ tội nơi địa ngục dưới Âm ty. Chuyện Cửu Pháp Hoa và Kinh Dương phu nhơn trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, thân chơi Cực Lạc, thấy trước Dương Kiệt, Từ đạo cô, Tôn Trung, đã ngồi nơi hoa sen, là điều chứng minh cho hai câu: "Tuy chưa lìa Nhẫn độ. Đã ngồi tọa bảo liên" vậy. Nhẫn độ chính là cõi Ta Bà, vì Ta Bà có nghĩa "Kham Nhẫn". chúng sanh ở cõi này phải có sức nhẫn nại mới chịu đựng nổi với những cảnh chướng ác xung quanh.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 77:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt đóa bảo liên
    Duy tâm chi diệu
    Pháp chỉ như nhiên.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một đóa bảo liên
    Lý duy tâm mầu nhiệm
    Pháp hợp lẽ thiên nhiên.

Lược giải:

Câu hồng danh mà chúng ta đang hành trì, là kết tinh công đức của Phật A Di Đà đã tu từ vô lượng vô biên kiếp về trước. Cho nên khi chúng sanh khởi tâm niệm một câu Phật hiệu, theo nhân quả của lý "các pháp do tâm tạo", trong vô hình tự nhiên có ánh sáng và hoa sen phát hiện, mà mắt phàm thường không thể nhìn thấy. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp do tâm chí thành nên hoa sen hiện rõ, có thể mục kích được với đôi mắt thường. Bởi thế hành giả mới chứng biết được lý ấy.

Nhắc tới điều này, bút giả bỗng nhớ lại chuyện thầy Thiện Lộc, thân phụ Sư cô Diệu Châu, ở ngôi am sau chùa Vạn Đức tại Thủ Đức, đã thuật lại cho các liên lữu biết. Một đêm nọ vào khoảng tám giờ tối, thầy đang quỳ chí tâm niệm Phật theo thời khóa đầu hôm, bỗng thấy từ cạnh bàn Phật ở ngay trước mặt mọc ra một búp hoa sen đỏ to bằng cái tách. Vừa trì niệm vừa nhìn kỹ từng chi tiết, thầy thấy cuống hoa uốn lượn cong, búp sen ngửa lên, rồi lần lần theo tiếng Phật hiệu nở to ra bằng đĩa bàn. Độ mười lăm phút sau, đóa hoa ấy biến mất. Đây là một trong nhiều chuyện hiện thật, mà chư liên hữu ở khắp mọi nơi đã mục kích và trần thuật lại.

Để nói rộng thêm, câu niệm Phật chẳng những có công đức hiện ra tướng hoa sen, mà còn hiện đủ các tướng thuộc chánh báo, y báo ở Cực Lạc. Trong các truyện vãng sanh, có vị trước giờ phút thọ chung, đại chúng bỗng thấy mặt đất xung quanh hóa thành ra vàng ròng. Có vị đang nằm bịnh, tràng phan, lầu các hiện trong tảng băng để gần bên giường. Có vị đang niệm Phật, thân tướng trang nghiêm của đức A Di Đà hoặc chư Bồ Tát hiện giữa hư không, bay trên ngọn đèn lưu ly. Có vị trong khi trì niệm, chợt nghe mùi hương lạ bay thơm cùng khắp. Công đức trang nghiêm thanh tịnh của câu niệm Phật tùy tâm hiển hiện, đại khái là như thế.

Hán 78:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt đóa bảo liên
    Phàm tình bất tín
    Diệt như kỳ nhiên.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một đóa bảo liên
    Phàm tình không tin tưởng
    Cũng là lẽ tất nhiên.

Lược giải:

Như trên đã nói: Do công đức của câu Phật hiệu, theo lý duy tâm tạo, tự nhiên có hoa sen, ánh sáng hoặc các tướng đẹp lạ khác phát hiện. Nhưng các điều ấy tiếc thay, phần đông phàm phu không tin hiểu và công nhận. Sở dĩ như thế, vì sự thấy biết của họ còn thuộc hạn trong tâm lượng cạn hẹp của phàm tình. Âu đó cũng là lẽ tất nhiên.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 79:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt đóa bảo liên
    Quyết định bất tín
    Chân cá khả liên.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một đóa bảo liên
    Nếu quyết không tin nhận
    Đáng thương thật kém duyên!

Lược giải:

Trong các kinh luận về Tịnh Độ, nhiều nơi Phật và chư Tổ đã nói công đức niệm Phật hay trừ tội chướng, sanh phước huệ, hiện ra hoa sen, ánh sáng. Từ xưa đến nay các hành giả tu tịnh nghiệp, lúc thức tỉnh hay trong giấc mơ, đã thấy hiển hiện điều này, và cũng đã thuật lại rất nhiều. Đó là lý chiêu cảm của nhân lành quả lành, kẻ chưa tin phải theo lời giải thích và điều minh chứng mà phát lòng tin. Nếu còn quyết định không tin nhận, thì thật đáng thương kẻ ấy quá nông cạn, nhiều nghiệp chướng, kém phước duyên, cam chịu khổ mãi trong vòng luân hồi sáu nẻo.

Hán 80:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt đóa bảo liên
    Trực nhiêu bất tín
    Dĩ nhiễm thức điền.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một đóa bảo liên
    Dù cho không tin tưởng
    Cũng đã nhiễm thức điền.
Lược giải:

Tiếp theo ý trên, dù cho những kẻ chưa hiểu biết, hoặc đã nghe giải thích và chứng minh rõ ràng về công đức niệm Phật mà còn cố chấp không tin nhận thì câu Phật hiệu cũng đã ghi vào ruộng Tàng thức của kẻ ấy rồi! Khi hạt giống câu hồng danh đã nhiễm vào Hàm tàng thức, ngày kia trong một hoàn cảnh nào đó nó sẽ phát hiện. Và nhân đó đương nhơn sẽ được độ thoát, bất quá phải chịu khổ luân chuyển trong thời kiếp lâu xa mà thôi. Về điểm này, một bậc tôn đức đã bảo: "Khen chê cũng nhờ độ thoát. Tin nghi đều đến Liên bang". (Tán báng câu mong giải thoát. Nghi tín cộng nhập Liên bang).

Thuở Phật còn tại thế, có ông lão đúng trăm tuổi mới đến chư Tăng xin xuất gia. Các hàng Trưởng lão từ ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, đến chư Đại đức khác đều không thâu nhận, vì các vị nhận định xét thấy ông không có căn lành. Khi đức Thế Tôn đi khất thực trở về thấy ông lão khóc, Ngài quán biết liền chấp thuận cho xuất gia. Chư Tỳ kheo hỏi duyên cớ, Phật đáp: "Đạo nhãn bậc A la hán của các ông chỉ thấy biết sự việc trong vòng tám muôn bốn ngàn kiếp về trước và về sau mà thôi. Nhưng trước khoảng thời gian đó lâu xa, ông lão này là kẻ tiều phu đi đốn củi, bị cọp rượt, sợ hãi leo lên cây phát thanh niệm một câu "Nam mô Phật". Do chủng tử nhân lành đó, ngày nay ông mới gặp ta hóa độ và sẽ được giải thoát". Ông lão là Phước Tăng tỳ kheo, Phật giao cho ngài Mục Kiền Liên thâu làm đệ tử, không bao lâu chứng được quả A la hán.

Tóm lại, ảnh hưởng của câu Phật hiệu rất nhiệm mầu sâu rộng, chẳng những kẻ nghe danh hiệu Phật sanh lòng vui mừng, tin nhận, khen ngợi và thật hành đều được giải thoát, mà người nghi ngờ kinh báng nhái giọng niệm theo để chê bai, khi thọ ác báo rồi cũng nhờ chủng tử công đức ấy gây nhân duyên đắc độ về sau. Cho nên bài kệ: "Thà ở cõi Địa ngục. Được nghe hồng danh Phật. Không mong sanh Thiên giới. Chẳng biết hiệu Như Lai", như trong kinh nói rất là xác đáng.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 81:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hoằng thông cảm đọa
    Nhập Đại bi thất
    Tọa pháp không tòa.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Sốt sắng gắng hoằng thông
    Nguyện vào Đại bi thất
    Ngồi yên tòa Pháp không.

Lược giải:

Trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn đã từng khuyên các học nhơn: "Nếu muốn kham sống trong cõi đời ngũ trược để độ mình cùng độ sanh, thì phải mặc áo giáp Nhẫn nhục, vào nhà Đại Bi, và ngồi tòa Pháp không".

Tại sao thế? Bởi nơi cõi Ta Bà những nghiệp tham, sân, si, khinh mạn, nghi ngờ cùng ác kiến của chúng sanh tất mạnh mẽ lẫy lừng. Các phiền nghiệp ấy ví như những mũi tên lửa, dễ làm tổn não người, nếu không mặc áo giáp Nhẫn nhục nhu hòa, tất khó thể chịu đựng nổi. Song như thế cũng chưa đủ, vì nếu nhẫn nhục mà không có lòng đại bi thương xót tha thứ sự mê lầm tội lỗi của chúng sanh, thì chẳng thể hoằng pháp độ người. Cho nên hành giả phải nối gót Như Lai vào nhà đại Từ bi của Phật. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa được trọn vẹn. Bởi dù có tâm Từ bi, Nhẫn nhục, nhưng nếu chưa thấu suốt tất cả pháp đều không, mà vào nơi Vô sở trụ như kinh Kim Cang đã chỉ dạy, tức nhiên tướng Nhơn ngã chấp và Pháp ngã chấp hãy còn. Đã còn tác tướng ấy thì dù có Nhẫn nhục cũng chưa dứt hết gốc giận hờn, dù có niệm Từ bi cũng chưa tuyệt lòng ái luyến. Cho nên hành giả lại phải cần an trụ nơi tòa Nhứt thiết pháp không. Đạo lý này rất uyên thâm, như diễn rộng ra sáu trăm quyển Đại Bát Nhã cũng nói chưa cùng tận. Song nếu tóm tắt lại, có thể gồm trong một lời kệ của kinh Hoa Nhgiêm: "Vô trước vô y trí huệ lực", nghĩa là sức trí huệ không nương tựa dính mắc vào đâu.

Đại ý bài kệ trên, ngài Triệt Ngộ muốn nói: "Chư Như Lai từ trong nhân hạnh cho đến khi đắc quả, vì bi nguyện độ sanh nên đã mặc áo giáp Nhu hòa nhẫn nhục, vào nhà đại Từ bi, ngồi tòa Nhứt thiết pháp không mà tu học cùng nói ra pháp môn niệm Phật này". Các hành giả muốn độ mình một cách chắc chắn và rộng độ chúng sanh, cần phải siêng năng noi theo gương ấy.

Hán 82:
  • Nhứt cú Di Đà
    Vô tận bảo tạng
    Bát tự đả khai
    Phổ đồng cúng dường.

Dịch:
  • Một Câu A Di Đà
    Là kho báu vô tận
    Tám chữ mở toan ra
    Khắp cho không tiếc lẫn.

Lược giải:

Tám chữ trên đây, là "Đại từ đại bi A Di Đà Phật". Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có thuật chuyện một hành giả niệm Phật, khi lâm chung thấy tám chữ ấy hiện ra giữa hư không to lớn, sắc như vàng ròng. Tám chữ ấy hàm ý tiêu biểu cho bốn mươi tám bi nguyện độ sanh rộng lớn của đức A Di Đà Thế Tôn. Song về sự trì niệm, thì yếu ước lại chỉ có sáu chữ "Nam mô A Di Đà Phật". Sao gọi là tám chữ, hay sáu chữ mở kho báu vô tận?

Theo Hiển Giáo, sáu chữ ấy tiêu biểu cho sự nương về kho Vô lượng thọ mạng, Vô lượng quang minh, Vô lượng công đức.

Theo Mật giáo, về quyển Thánh Tài Tập, sáu chữ đó là chủng tử của năm đức Phật. Hai chữ Nam Mô có nghĩa là quy mạng. Mạng là Thọ thường trú, tức chỉ cho đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Còn bốn chữ kia, theo thứ tự là chủng tử của bốn đức Phật: A Súc Bệ, Bảo Sanh, A Di Đà, và Bất Không Thành Tựu. Cho nên sáu chữ hồng danh là kho bí mật, gồm thâu tất cả chánh báo, y báo khắp mười phương.

Theo Tâm giáo, sáu chữ này là kho chân tâm, gồm nhiếp tất cả nhân quả, tánh tướng, phước huệ, sự lý. Vì thế nên gọi: "Một câu A Di Đà, Là kho báu vô tận".

Về điểm dùng tám chữ hay yếu ước lại sáu chữ, để mở kho báu vô tận, cổ nhơn đã có câu: "Lục tự đã khai vô tận tạng. Thâu lai phóng khứ chỉ như nhiên". Hai câu này có ý nghĩa: (Niệm sáu chữ hồng danh có thể mở toang kho báu vô tận như trên đã nói. Và khi đã thể nhập vào kho chân tâm, thì niệm tức là vô niệm, vô niệm tức là niệm, buông ra thâu vào đều ở trong trạng thái như như).

Chư Phật Thế Tôn, chư Bồ Tát, chư Tổ, vì lòng bi nguyện, đã đem tám chữ hay sáu chữ nầy mà phổ thí cúng dường khắp tất cả loài hữu tình, để cho chúng sanh mở được cửa và thọ dụng kho báu vô tận ấy.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 83:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đoạn chư phiền não
    Toàn Phật toàn tâm
    Nhứt liễu bá liễu.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Dứt phiền não rộn ràng
    Tâm Phật toàn dung hợp
    Rõ một, rõ trăm ngàn.

Lược giải:

Ý nghĩa bài kệ trên rất hàm súc, muốn hiểu thấu đáo, chỉ nên dùng hạnh thể nhập hơn là theo phần lý giải. Tuy nhiên, để tùy thuận sở cầu cho người mới học đạo, xin tạm giải thích như sau:

Lúc hành giả chuyên tâm niệm Phật, thì nghiệp tham, sân, si cùng tất cả phiền não đều dừng lặng. Khi công phu lâu năm trì niệm chuyên thành như thế đến mức cùng tận, ngày kia đương nhơn chợt thấy tâm niệm rỗng rang như chiếc thùng lọt đáy, ngộ được tánh bản lai của mình. Chừng ấy toàn câu niệm Phật, toàn thể đức A Di Đà cùng chánh báo, y báo thế giới cực lạc của ngài, chính là toàn thể chân tâm diệu cảnh. Và các pháp không ngoài tâm đã ngộ được nhứt chân tâm, tất rõ được tất cả trăm ngàn muôn pháp.

Hán 84:
  • Nhứt cú Di Đà
    Diệt trừ định nghiệp
    Hích nhật khinh sương
    Hồng lô phiến tuyết.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Dứt trừ được định nghiệp
    Nhật rạng phá sương thưa
    Lô hồng tan điểm tuyết.

Lược giải:

Trong kinh có lời dạy: "Chí thành xưng một câu A Di Đà, diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sống chết, xung quanh hành nhơn mỗi bề ánh sáng phát ra rộng đến bốn mươi dặm.

Chí tâm xưng một câu hồng danh, ảnh hưởng còn được như thế huống chi chuyên thành niệm Phật nhiều năm, thì định nghiệp nào mà không dứt trừ? Công năng diệt nghiệp của sự trì danh, ví như vầng nhật chói rạng phá tan mau màn sương thưa, như lò lửa to dễ làm tiêu mảnh tuyết. Tổ sư đã mượn hai thí dụ trên để nêu rõ công đức niệm Phật, và khuyến tấn hành giả gắng sức tu trì.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 85:
  • Nhứt cú Di Đà
    Năng không khổ báo
    Thế giới, căn thân
    Tức thô nhi diệu.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Hay tiêu quả báo khổ
    Chuyển thế giới, căn thân
    Tức thô thành tế diệu.

Lược giải:

Các sự khổ đều do sức nghiệp làm chủ động, niệm Phật đã có công năng diệt nghiệp, tất nỗi khổ cũng lần lần tiêu trừ. Nhưng "một câu Di Đà làm cho khổ báo trở thành không", hàm ý nói về phần tánh nhiều hơn phần tướng. Bởi tất cả sự khổ từ lớn đến nhỏ, đều do tâm ta bị căn thân bên trong và thế giới bên ngoài chi phối. Nếu hành nhơn ngộ lý các pháp đều như huyễn, biết an trụ nơi tự tánh Di Đà mà niệm Phật, thì tâm trở nên vắng lặng, thoát khỏi sự chi phối của thân và cảnh. Như thế dù thời tiết nóng lạnh, cảnh ngộ an nguy, sự đói khát cùng mỏi mệt yếu đau cũng không làm cho đương nhơn cảm thấy khổ? Tại sao? Vì hành nhơn đã an trụ nơi định tâm, thoát ly cả hai sự chi phối trong và ngoài ấy.

Khi xưa, một thiền sư tu ở sơn tự bị chứng thương hàn, do thiếu thuốc thang điều dưỡng, nên bịnh càng trở nặng sắp lâm nguy. Một vài đệ tử thấy thế, xin phép đi xuống núi để rước y sư và tìm thuốc đem lên. Thiền sư ngăn lại bảo: "Căn bịnh đã nhập lý, chỉ nên dùng đạo pháp để điều trị, chớ không thể dùng thuốc cứu chữa kịp thời được!". Thế rồi ông xả hết muôn duyên, ngồi trụ tâm vào tịnh cảnh không ăn uống luôn trong bảy ngày. Đến khi xuất định, bịnh chứng tiêu tan, sức khoẻ lần lần bình phục. Lại một vị Tăng tu Tịnh Độ, lúc sắp vãng sanh, túc nghiệp phát hiện làm cho cả thân mình đều phù thủng, còn thêm nhiều chứng bịnh khác. Ông nói với hàng đệ tử: "Nếu thầy không nhờ mấy mươi năm công phu niệm Phật, tất không thể chịu nổi sự mỏi mệt nhức đau". Cho nên một bậc tôn túc đã nói câu: "Lão tăng có pháp an nhàn, dù cho tám khổ cháy lan ngại gì!" (Lão tăng tự hữu an nhàn pháp. Bát khổ giao tiên tổng bất phòng).

Về ý nghĩa hai câu sau của bài kệ, có thể dẫn giải tóm tắt: thế giới, căn thân đều như huyễn. Nếu tâm chúng sanh còn đầy nghiệp chướng phiền não, dù sống nơi cảnh mầu đẹp ở thiên đường, cũng cảm thấy buồn khổ. Với bậc hành giả đã đắc định, thì riêng có một thiên đường, tuy ở cảnh ác trược, cũng thấy mầu nhiệm an vui. Kinh Duy Ma bảo: "Tùy nơi tâm thanh tịnh, tức cõi Phật thanh tịnh". Kinh Viên Giác nói: "Địa ngục, thiên cung đều là Tịnh Độ". Ý nghĩa của hai câu kinh ấy, đều chỉ cho cảnh giới trên.

Hán 86:
  • Nhứt cú Di Đà
    Viên chuyển tam chướng
    Tức Hoặc, Nghiệp, Khổ
    Thành Bí mật tạng.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Chuyển tròn cả ba chướng
    Tức nơi Hoặc, Nghiệp, Khổ
    Trở thành Bí mật tạng.

Lược giải:

Ba chướng chỉ cho: Hoặc, Nghiệp, Khổ. "Hoặc" thuộc về Phiền não chướng. "Nghiệp" thuộc về Nghiệp chướng. "Khổ" thuộc về Báo chướng. Ba chướng này như chùm trái Ác xoa, có liên quan tương thông lẫn nhau, một tức là ba, ba tức là một.

Đại ý của bài kệ sau này cũng tương tự như bài kệ trước, nếu suy ra sẽ tự hiểu. Như các lượn sóng ở đại dương là biến tướng của nước, cho nên toàn thể sóng là nước. Cũng như thế, vọng giác từ nơi chánh giác mà thiên lưu, cho nên đi sâu vào, toàn thể vô minh vọng giác tức là chánh giác viên minh. Hành giả nếu đi sâu vào niệm Phật tam muội, sẽ ngộ được Hoặc, Nghiệp, Khổ chính là Bí mật tạng vậy.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 87:
  • Nhứt cú Di Đà
    Giải nạn giải oan
    Từ quang cộng ngưỡng
    Pháp hỷ quân triêm.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Giải tai nạn trái oan
    Quy ngưỡng ánh từ quang
    Thắm nhuần niềm pháp hỷ.

Lược giải:

Bài kệ trên đều là những lời nói trắng rõ ràng, không có ẩn ý sâu kín nào khác. Công đức niệm Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng, tai nạn, tà ma, giải những oan trái đời này cùng đời trước. Công đức ấy cũng khiến cho sanh phước đức trí huệ, độ thoát chính mình cho đến kẻ oan người thân. Các điểm vừa nói đã thể hiện rất nhiều đối với những hành giả niệm Phật từ xưa đến nay. Trong Mấy Điệu Sen Thanh đã có nhiều sự tích trần thuật, độc giả duyệt kỹ sẽ tự thấy, khỏi phiền dẫn chứng thêm nhiều.

Hành giả tu môn niệm Phật đều thọ hưởng được sự lợi ích an vui của pháp này, nên gọi là Pháp hỷ. Bởi thế, chẳng những riêng nơi cõi Ta Bà, mà ở khắp hằng hà sa quốc độ trong mười phương, vô số chúng sanh cũng tu môn niệm Phật và đều cùng hướng về ánh sáng từ bi của đức Giáo chủ Tây phương Cực Lạc thế giới.

Hán 88:
  • Nhứt cú Di Đà
    Báo vị báo ân
    Liệt Triền miên võng
    Nhập Giải thoát môn.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Đáp ân nặng chưa tròn
    Cắt đứt Triền miên võng
    Chứng vào Giải thoát môn.

Lược giải:

Người học đạo có bốn trọng ân là:
  • 1. Ân chư Phật, chư Bồ tát.
    2. Ân thầy lành bạn tốt và các thiện tri thức.
    3. Ân cha mẹ cùng thân quyến phù trợ.
    4. Ân đàn na tín cúng và tất cả chúng sanh.

Chúng ta nếu có đền trả bốn ân thì cũng chỉ một phần nào thôi, chớ thật sự chưa làm tròn, đại khái có thể gọi là chưa báo đáp. Muốn mau tròn bổn phận đền trả tứ ân, phải tu môn niệm Phật để sớm thành đạo quả, tế độ khắp kẻ oan thân cùng tất cả loài hàm thức.

Lại nữa, chúng ta sống trong lưới nghiệp dây dưa, nợ này chưa xong đã vay mối khác, nhứt là các nghiệp oan cừu, ân ái. Lưới nghiệp ấy vây quần kéo dài mãi không dứt, nên gọi là Triền miên võng. Chư Bồ Tát đã do tu pháp Niệm Phật, mà cắt được lưới Triền miên võng của nghiệp lực, chứng vào Vô lượng giải thoát môn. chẳng hạn như: Không Huệ Tam Muội Giải thoát Môn, thần Thông Du Hý Tam Muội Giải Thoát Môn, Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn Tam Muội Giải Thoát Môn, Sư Tử Phấn Tấn Tam Muội Giải Thoát Môn v.v... Tổ Triệt Ngộ khuyên chúng ta nên đi theo con đường ấy.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 89:
  • Nhứt cú Di Đà
    Không chư ác thú
    Vạn đức hồng danh
    Na dung tư nghị.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Hay trống không ác đạo
    Ức muôn đức hồng danh
    Khó nghĩ bàn kỳ ảo!

Lược giải:

Trong Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục có ghi một sự tích công đức Niệm Phật. Xin mượn nêu ra, để giải thích bài kệ trên với tánh cách chứng thật.

Một vị Bà la môn ở nước A Du Sa xứ Thiên Trúc có cô vợ rất đẹp. Vì tình si mê ái nhiễm sâu nặng, ông ta gần gũi mãi cũng không thấy chán đủ. Người vợ lại là một tín đồ Phật giáo; muốn nhân cơ hội đó hóa độ chồng, mới đặt điều kiện: "Nếu khi sắp gần gũi, phải gõ chiếc trống đồng, cả hai cùng niệm hồng danh A Di Đà một lúc lâu cô mới chấp thuận". Ông chồng bất đắc dĩ phải tuân theo.

Ba năm sau, vị Bà la môn bị bạo bịnh tắt hơi, chỉ nơi ngực mãi còn nóng ấm, nên người nhà chưa dám thiêu hóa. Trải qua năm ngày, ông chợt sống lại, gọi vợ khóc bảo rằng: "Tôi chết do nghiệp nặng bị đọa vào địa ngục Phất Thang. Khi quỷ tốt dùng đinh ba vít tội nhơn vào vạc dầu sôi, chỉa sắt đụng thành vạc đánh keng một tiếng. Lúc ấy tôi đang kinh hồn lạc phách, chợt nhớ tới việc bà bảo gõ trống đồng niệm Phật, nên bất giác lớn tiếng niệm Nam mô A Di Đà Phật. Lạ thay, ngay lúc ấy vạc dầu sôi liền biến thành ao sen nước trong mát, các tội nhơn đều hiện tướng tốt ngồi trên đài sen, rồi cùng bay về Tịnh Độ. Diêm Vương nghe báo sanh lòng hoan hỷ, thả cho tôi trở về!".

Truyện ký trên, chứng minh công năng niệm Phật có thể làm tiêu tan trống không cảnh Địa ngục. Lẽ dĩ nhiên, đối với các ác đạo khác như Ngạ quỷ, Súc sanh, Tu la, cũng lại như thế. Câu Nam Mô A Di Đà Phật là kết tinh phước huệ của vô lượng công đức lành, khi Phật còn tu Bồ Tát đạo, nên mới gọi Vạn Đức Hồng Danh. Bởi thế, hồng danh này có công năng rộng lớn kỳ diệu chẳng thể nghĩ bàn! Trong kinh gọi đó là Vô tác thần lực, nghĩa là sức thần thông đương nhiên, không phải do Phật tác ý khởi niệm xui khiến nên. Đại khai, bài kệ trên tán dương và nêu rõ công đức của câu hồng danh, khiến cho hành giả tăng thêm phần Tín, Hạnh, Nguyện.

Hán 90:
  • Nhứt cú Di Đà
    Cơ đậu nhơn thiên
    Sâm si tam bối
    Yên ánh cửu liên!

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Hợp cơ cả trời, người
    Ba căn tánh cao thấp
    Chín phẩm sen rạng ngời!

Lược giải:

"Tam bối" trong bài kệ là chỉ cho ba hạng người: Thượng căn, Trung căn, Hạ căn. "Cửu liên" tức chín phẩm sen, cũng phân ra ba cấp thượng trung hạ, mỗi cấp lại có ba bậc thượng trung hạ nữa, nên thành ra chín. Đó là các phẩm: Thượng thượng, Thượng trung, Thượng hạ. Trung thượng, Trung trung, Trung hạ. Hạ thượng, Hạ trung, Hạ hạ.

Ấn Quang đại sư nói: "Phật pháp tùy cơ, có khó dễ thấp cao. Đối với pháp cao khó, thì bậc hạ căn không kham tu. Với pháp thấp dễ, bậc thượng căn lại chẳng cần tu. Riêng môn Tịnh Độ có đặc điểm rất mực nhiệm mầu, vừa cao siêu vừa thuận dễ, thích ứng cả ba căn, hạng nào cũng thấy cần thiết và có thể tu tập được. Nói về phần cao siêu thì nơi hội Hoa Nghiêm, mười phương hải hội Bồ tát trong năm mươi mốt vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hướng, Thập địa và Đẳng giác, đều theo lời khuyên của Phổ hiền đại sĩ tu tập môn này. Bàn đến chỗ thuận dễ, thì những chúng sanh nhiều tội chướng, cho đến tạo nghiệp Ngũ nghịch, Thập ác, cũng có thể niệm Phật sanh về Cực Lạc. Cho nên kẻ chê pháp Tịnh Độ là thấp kém, tức chưa hiểu chi về môn này, và cũng phạm lỗi khinh báng các bậc Bồ tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đó!"

Điều dẫn giải trên cho ta thấy, pháp môn Tịnh Độ thích hợp với tất cả căn tánh thượng trung hạ của hàng nhơn thiên. Ba căn tánh ấy tuy có cao thấp so le, song nếu tu môn niệm Phật, tất sẽ tùy theo công hạnh, đều được nêu danh nơi chín phẩm sen sáng đẹp rạng ngời ở cõi Tây phương Cực Lạc.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 91:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hóa kiêm tiểu Thánh
    Hồi hiệp liệt tâm
    Hướng Vô thượng thừa.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Các quả vị tiểu thánh
    Chuyển tâm hẹp gồm đưa
    Hướng về Vô thượng thừa.

Lược giải:

Tiểu thánh tức là các quả Thanh văn, Duyên giác gồm: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích Chi Phật. Hàng Tiểu thừa lấy cảnh Sanh không Niết bàn làm quả vị cứu cánh, chỉ cầu mong cho mau thoát ly nỗi khổ sống chết luân hồi trong ba cõi. Các vị này không phát thệ nguyện rộng lớn, trên cầu Phật quả vô thượng dưới độ tất cả chúng sanh, như những bậc Bồ tát, cho nên đức Thế Tôn chê là tâm nhỏ hẹp.

Môn niệm Phật là pháp Đại thừa, nên có thể chuyển tâm nhỏ hẹp của hàng Tiểu thừa, đưa các quả vị Thanh văn, Duyên giác hướng về Vô thượng của Phật đạo.

Hán 92:
  • Nhứt cú Di Đà
    Siêu nhiên vô ngại
    Văn Thù, Phổ Hiền
    Đại nhơn cảnh giới.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Thật vô ngại siêu nhiên
    Như Văn Thù, Phổ Hiền
    Là cảnh bậc đại nhơn.

Lược giải:

Môn niệm Phật đi sâu vào bốn pháp giới, cùng tột là Sự sự vô ngại pháp giới. Cổ đức cũng nói: "Niệm Phật có thể khiến cho hành nhơn vào cảnh giới Vô ngại giải thoát".

Trên đây, Triệt Ngộ đại sư muốn nói: "Niệm Phật không phải pháp thấp kém tầm thường mà chính là cảnh giới của các bậc Bồ Tát đại nhơn như Văn Thù, Phổ Hiền vậy".

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 93:
  • Nhứt cú Di Đà
    Vi diệu nan tư
    Duy Phật dữ Phật
    Nãi năng tri chỉ.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Mầu nhiệm khó nghĩ bàn
    Chỉ có Phật với Phật
    Mới rõ biết tận cùng.

Lược giải:

Trên đã nói niệm Phật tam muội là cảnh giới của bậc đại Bồ Tát, Nơi đây Tổ Triệt Ngộ lại nhắn rõ thêm: Niệm Phật tam muội tuy chư đại Bồ Tát cũng thâm nhập, nhưng thật ra chưa được cùng tận. Duy có Phật với Phật mới rõ biết được hết, vì đó là Phật tam muội, là cảnh giới của chư Phật.

Điều này càng khẳng định rõ ràng hơn tánh cách cao thâm của pháp môn Tịnh Độ.

Hán 94:
  • Nhứt cú Di Đà
    Liệt Tổ phụng hành
    Mã Minh tạo luận
    Long Thọ vãng sanh.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Chư Tổ đều phụng hành
    Tổ Mã Minh viết luận
    Tổ Long Thọ vãng sanh.

Lược giải:

Môn Niệm Phật vì là pháp môn Tối thượng thừa cao siêu, nên chư Tổ đều phụng hành, bằng cách hoặc viết luận khen ngợi khuyên tu, hoặc niệm Phật cầu về Cực lạc. Chẳng hạn như hai vị Bồ Tát Mã Minh, Thế Thân đã viết Đại Thừa Khởi Tín Luận và Vãng Sanh Luận để xưng tán, chỉ đường Tịnh Độ. Và Long Thọ Bồ Tát chứng Sơ Hoan Hỷ địa đã niệm Phật vãng sanh về An dưỡng. Các vị Bồ Tát trên đều là chư tổ bên thiền tông.

Nơi đây Triệt Ngộ đại sư lại nêu ra một chứng liệu để minh xác điểm cao siêu của pháp môn niệm Phật. Điều này, Đại sư muốn cảnh tỉnh phá tan sự nhận thức sai lầm của một số người từ trước đến nay nghĩ rằng: "Môn Tịnh Độ là pháp thấp kém, chỉ dành cho hạng ông già bà cả quê dốt tu hành".

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 95:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhân duyên thời tiết
    Dị hương thường văn
    Liên xã sang kiết.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Hợp thời tiết nhân duyên
    Hương lạ hằng thanh thoảng
    Liên xã lập nhiều miền.

Lược giải:

Pháp môn Tịnh Độ sở sĩ càng lúc càng được thạnh hành, bởi có nhiều lý do:

Về phần nhân duyên: Điều thứ nhứt đức A Di Đà có pháp duyên rất lớn với chúng sanh ở Ta Bà, bằng chứng là các chùa đều có thời khóa Tịnh Độ, và hàng Phật tử khi gặp nhau thường chào với câu "A Di Đà Phật". Điều thứ hai, đức Di Đà Thế Tôn có bốn mươi tám bi nguyện độ sanh rộng lớn, rất thích ứng với cảnh ngộ cần cứu cấp nơi cõi ngũ trược này.

Về phần thời tiết, như lời Phật đã huyền ký. Bắt đầu từ thời mạt pháp trở về sau, muốn chắc chắn được giải thoát, chỉ có pháp môn niệm Phật.

Bởi những nguyên nhân ấy, nên chư thiện tri thức xưa nay đã sáng lập ra Liên xã khắp nơi để hướng dẫn người tu hành. Và các hành giả niệm Phật cũng cảm được nhiều điềm thoại ứng như: thấy sen lành, nghe hương lạ.

Hán 96:
  • Nhứt cú Di Đà
    Lợi đại long, tượng
    Vĩnh Minh thiền bá
    Trí Giả giáo tông.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Lợi bậc đại tượng, long
    Như Vĩnh Minh thiền bá
    Cùng trí Giả giáo tông.

Lược giải:

Long, tượng là rồng và voi. Hai loại này là hạng cao quí trong loài thú. Đại long, tượng tức rồng cùng voi lớn, lại còn cao quí hơn. Người xưa đã đem biểu tướng rồng, voi mà thí dụ cho những bậc cao siêu kiệt xuất trong hàng Tăng Ni. Vì thế mới có danh từ Pháp môn long tượng, nghĩa là hạng rồng voi trong cửa chánh pháp.

Môn niệm Phật chẳng những nhiếp hóa lớp trung, hạ căn, mà còn làm lợi ích luôn cho cả bậc thượng thượng căn nữa. Như Vĩnh Minh đại sư, một bậc thiền bá trong tông môn, ngộ suốt huyền cơ, viết một trăm quyển Tông Cảnh Lục để xương minh thiền đạo, nhưng cũng niệm mười muôn câu Phật hiệu mỗi ngày. Và Trí Giả đại sư, bậc giáo tông sáng lập ra Thiên Thai giáo, bình thời vẫn niệm Phật, khi lâm chung khen ngợi kinh Pháp Hoa cùng Vô Lượng thọ, bảo với đại chúng rằng Tây phương Tam Thánh với các đồng bạn của ngài đã sanh về Tây phương, nay hiện thân đến tiếp dẫn.

Sự kiện này, người học đạo nên để tâm suy nghĩ.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.27 khách