MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 97:
  • Nhứt cú Di Đà
    Cảm ứng phi khinh
    Thiếu Khang hóa Phật
    Thiện Đạo quang minh.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Cảm ứng chớ xem khinh
    Thiếu Khang hiện hóa Phật
    Thiện Đạo phóng quang minh.

Lược giải:

Thiếu Khang đại sư niệm một câu hồng danh, trong miệng bay ra một vị hóa Phật. Thiện Đạo Hòa thượng niệm mỗi câu Phật hiệu, nơi miệng phóng ra một đạo quang minh. Hai điều trên chứng minh cho công đức niệm câu hồng danh A Di Đà thật lớn lao, và sự cảm ứng của Phật hiệu như thế đã đến mức cùng diệu. Và điều trên đây cũng nhắc cho người học đạo nên thức ngộ, đừng xem môn niệm Phật là dung thường.

Trong mấy bài kệ liên tiếp, Triệt Ngộ đại sư đã dẫn chứng trên từ chư Phật Thế Tôn, nói rộng ra là các đức Như Lai ở sáu phương như kinh A Di Đà đã thuyết minh, đều khen ngợi khuyên tu Tịnh Độ, và chỉ riêng các ngài mới biết cùng tận pháp này. Kế đến chư đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, các bậc đại Tổ sư như Mã Minh, Long Thọ những vị đại long tượng về bên Tông như ngài Vĩnh Minh, về bên Giáo như ngài Trí Giả và sau cùng chính chư Tổ bên Tịnh Độ như Thiện Đạo, Thiếu Khang. Những vị trên tuy cũng suốt thông các pháp môn khác, song vẫn quy hướng về Tịnh Độ. Tại sao Tổ Triệt Ngộ lại nhiều phen dẫn chứng như thế? Trong đây có hai nguyên nhân rất quan trọng.

- Điều thứ nhứt: Các vị học thức xưa nay "bút giả dùng danh từ học thức chớ không nói trí thức, vì học thức là một việc, trí thức lại là việc khác", khi mới tìm đạo, đều ưa thích những lý luận cao siêu huyền diệu. Sự ưa thích đó không phải là điều lỗi. Nhưng phần nhiều họ lầm lạc chấp theo thiên không, chưa dung hội được giữa không và có, bài bác nhân quả sự tướng, nên hầu như thành một căn bịnh trong khi học đạo. Đối với môn Tịnh Độ, họ chưa thấu đáo được sự cao diệu của pháp này, nên khi thấy những kẻ tối dốt, hạng bình dân cũng tu hành được, lại xem thường cho là pháp thấp kém. Chư đại thiện tri thức thấy sự lầm lạc tà kiến đó, mới thẳng thắn bác phá chỉ bày. Vì thế Tổ Triệt Ngộ đã dẫn những chứng minh trên để cảnh giác, ngụ ý bảo: "Nếu Tịnh Độ là thấp kém, tại sao từ chư Phật, Bồ Tát, cho đến chư Tổ, các bậc đại long tượng bên Tông lẫn bên Giáo đều ngợi khen khuyến khích, hoặc thân thiết phụng hành?"

- Điều thứ hai: Các vị thông minh kiến thức trên, khi luận đạo thường nói những lý luận siêu huyền, để tỏ ra mình là những người hiểu rộng tu cao. Nhưng họ lại không tự xét rằng: Về phần thật hành, mình có làm được môt phần nào đối với những lời nói đó chăng? Nhứt là buổi đi sâu vào thời mạt pháp này, người tu căn cơ non kém, nghiệp chướng nặng nề, dùng những hình thức dễ làm như niệm Phật tụng kinh, mà kẻ hành đạo tại gia lẫn xuất gia còn vọng niệm rối ren, nay chầy mai trễ, huống chi là sự nhiếp tâm nơi định trong tất cả thời, tất cả hành động nói năng? Bút giả từng nghe một vài vị tu học về Thiền, khi luận đến sự hành trì, thường dẫn lời của những chư Tổ hoặc các bậc tôn túc thời xưa mà trạng huống cho lối tu của mình và còn ra vẻ đắc ý. Chẳng hạn như câu: "Viên bảo tử quy thanh chướng lý. Điểu hàm hoa lạc bích nham thiền!". (Vượn ôm con chuyền về rặng núi xanh. Chim ngậm hoa sa trước gộp đá biếc). Hoặc như: "Nhập lâm bất động thảo. Nhập thủy bất đạp ba". (Vào rừng mà không làm động đến ngọn cỏ. Xuống nước nhưng chẳng đạp sóng nước). Các vị đó không xét lại hai câu trước là tâm cảnh của ngài Giáp Sơn, chớ chẳng phải cảnh giới của mình. Thỉnh thoảng có việc chi xúc động, thì các vị liền tỏ vẻ phiền hà tức giận. Thế là cỏ cây đã động, chân đã đạp sóng nước rồi đấy! Trước tệ trạng lạc lầm lạc rộng đó, chư thiện tri thức vì xót thương, vì muốn cứu vãn đạo pháp, nên mới thẳng lời phê trích, cho hành động ấy là cuồng thiền. Và các ngài còn nói đến hạng cuồng Mật nữa, mà nếu có dịp, sau này bút giả sẽ dẫn giải.

Để kết luận, cần nhấn rõ thêm là những điều nói trên, tuyệt không có ý bài bác Thiền, Mật. Thiền và Mật là hai pháp môn cao siêu, và thật ra Thiền, Mật, Tịnh cả ba đều có đặc điểm riêng, cần tu học để hỗ trợ cho nhau. Chẳng hạn như khi trì chú theo của chân ngôn, Phật hiệu huân sâu vào tạng thức, kích động cho phiền não nổi dậy, phương pháp làm lắng động hữu hiệu nhứt, không chi hơn Thiền. Trong lúc tham thiền hoặc niệm Phật, ma chướng trong ngoài khuấy rối, cách hàng phục kiến hiệu mau lẹ nhứt, không chi hơn Mật. Và muốn giải quyết việc lớn là sống chết luân hồi một cách thẳng tắt chắc chắn nhứt, lại không chi hơn Tịnh. Luận cho cùng mỗi môn tự hàm đủ công năng của ba, song đó là ứng dụng của bậc trình độ cao siêu. Còn với bậc sơ cơ non kém, thật ra vẫn có sự sai biệt. Ví như bậc Tổ sư về võ, dù sử dụng côn, chùy, kiếm, sự lợi hại vẫn đồng như nhau. Nhưng với hạng võ nghệ thông thường, thì tác dụng của ba môn binh khí kia lại có sai biệt. Nếu chẳng thế, trong võ lâm cần chi bày ra ba môn ấy cho thêm phiền!

Cho nên trong thời mạt pháp, theo thiển ý, nên lấy Tịnh Độ làm chánh yếu, Thiền, Mật làm phụ trợ. Hoặc nếu có tu Thiền hay Mật cũng nên niệm Phật nhiều ít hồi hướng về cõi Cực Lạc ở Tây phương.

Hán 98:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hữu giáo vô loại
    Hùng Tuấn nhập minh
    Duy Cung diệt tội.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Hóa độ kẻ vô loại
    Hùng Tuấn vào minh ty
    Duy Cung trừ chướng tội.

Lược giải:

Môn niệm Phật chẳng những làm lợi ích cho các bậc Thượng thượng căn như trên, lại còn hóa độ đến cả hàng vô loại như Hùng Tuấn, Duy Cung, mà trong Mấy Điệu Sen Thanh đã trích dẫn.

Bài kệ trên đại ý chỉ rõ: Pháp Tịnh Độ gồm thâu lợi độn, giúp ích khắp ba căn.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 99:
  • Nhứt cú Di Đà
    Thị Vô thượng thiền
    Nhứt sanh sự biện
    Khoáng kiếp công viên.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là môn thiền Vô thượng
    Việc lớn một đời xong
    Công tu nhiều kiếp trọn.

Lược giải:

Triệt Ngộ đại sư tuy được đời sau tôn làm vị tổ hoằng dương Tịnh Độ, nhưng thuở đương thời ngài chính thật là một thiền bá. Bởi duyên Đại sư đã tham thiền chứng ngộ và viết ra quyển Triệt Ngộ Ngữ Lục để xương minh thiền đạo. Một bậc đại triệt đại ngộ về thiền, mà nói niệm Phật là môn thiền Vô thượng, đó là điều chứng minh xác đáng rồi, không cần phải bàn luận chi thêm nữa.

Việc lớn một đời của người tu Phật, là phải làm thế nào để giải quyết sự sống chết luân hồi ngay trong kiếp hiện tại. Bởi nếu còn luân hồi, tất đời sau dễ bị mê lạc rồi sẽ sa đọa nữa. Khi đã thoát khỏi sự sống chết luân hồi, lại còn phải hiện thân tu Bồ Tát hạnh trong vô số kiếp, công đức viên mãn, mới thành đạo Vô thượng Chánh giác. Pháp môn niệm Phật có thể giải thoát luân hồi ngay trong hiện đời, và khi được sanh về Tây phương, thì sự tiến tu để thành Phật không còn bị thối chuyển, kể như đã nắm chắc trong tầm tay rồi.

Hán 100:
  • Nhứt cú Di Đà
    Lý phi dị hội
    Bách kệ nga thành
    Tam tôn gia bị.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Lý mầu chưa dễ hiểu
    Thoáng chốc trăm kệ xong
    Tam tôn thầm gia bị.

Lược giải:

Từ lúc sơ khởi đến đây, Triệt Ngộ đại sư đã viết ra một trăm bài kệ để tuyên dương Tịnh Độ. Song Đại sư vẫn tự thấy còn chưa nói ra hết điểm huyền diệu của pháp môn này. Vì như chư Cổ đức đã nói: "Lý Tịnh Độ là bí mật tạng. Sự Tịnh Độ là đại nhân duyên" thì người học Phật dễ gì thấu đáo?

Tuy nhiên, Đại sư cũng nguyện cầu Tam Bảo gia bị cho lời mình trên hợp ý Phật, dưới lợi quần sanh, khiến người đọc được thấu hiểu phần nào để tiến tu trên đường giải thoát. Và ngài cũng cảm ân Tam Bảo thầm gia bị khiến cho tâm đại linh thông, nên trong thoáng chốt đã viết xong một trăm bài kệ này.

- HẾT -
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.26 khách