MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 25:
  • Nhứt cú Di Đà
    Như cảnh chiếu cảnh.
    Uyển chuyển hỗ hàm.
    Trùng điệp giao ánh.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Như gương chiếu các gương.
    Uyển chuyển ngậm bóng nhau
    Điệp trùng giao chói sáng.

Lược giải:

Đời Đường, Hiền Thủ đại sư khi giảng kinh Hoa Nghiêm đến nghĩa: "Vô tận pháp giới trùng trùng Đế võng". Ngài phương tiện dùng mười mặt gương tròn lớn, để tám hướng và trên dưới mỗi chỗ một tấm, cách nhau độ hơn trượng và đều cùng đối diện. Chính giữa lại an bài cốt Phật, rồi thắp một ngọn đèn sáng để soi. Lúc ấy học chúng đều thấy trong mỗi mặt gương nổi hiện lớp lớp tượng Phật và ánh sáng. Nhân đó tất cả đều hiểu ý nghĩa: Biển quốc độ giao chiếu xen lẫn nhau lớp lớp điệp trùng, không cùng tận, không ngằn mé. Đây là cảnh tượng tang nghiêm của Hoa Tạng thế giới hải. Bài kệ trên ý nói: Câu niệm Phật sẽ đưa hành giả vào cảnh đại trang nghiêm không cùng tận đó. Cho nên niệm Phật chẳng phải là pháp thấp kém thông thường. Đã có bài kệ khen ngợi:
  • Niệm Phật vào tướng thật
    Chứng biết Phật với Phật.
    Cảnh vô tận trang nghiêm
    Môn đại Ba la mật!

Hán 26:
  • Nhứt cú Di Đà
    Tợ không hợp không.
    Liễu vô ngân phùng
    Khước hữu Tây Đông.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Như không hợp hư không.
    Tuyệt không chút lằn dấu
    Nhưng vẫn có Tây Đông.

Lược giải:

Đem một ly nước đổ vào chậu nước thì nước cùng nước dung hòa nhau, không làm sao tìm thấy lằn dấu. Khi trút nước ra, khoảng hư không trong ly hợp với hư không bên ngoài, cũng tuyệt không lằn dấu. Hành giả niệm Phật, nếu trong quên thân tâm, ngoài quên cảnh giới, chẳng thấy mình là người hay niệm, Phật là vị được niệm, thì tâm rỗng rang hồn nhiên, dung họp với thể tánh chân không. Tâm cảnh ấy chẳng phải vào ngoan không có chi, vì như thế là lạc vào ngoan không của ngoại đạo. Trái lại, hiện tượng chân không ấy sáng suốt vô tận bao hàm muôn pháp, vẫn có đầy đủ màu sắc của cỏ cây, sông, núi, trời mây, vẫn có các phương hướng, cho đến cõi Ta Bà thuộc phương Đông, cõi Cực Lạc ở phương Tây. Đó mới đích xác tánh không chân chánh, cũng gọi là Như Lai nhứt thật cảnh giới.

Thuở xưa có vị cư sĩ đến hỏi đạo một cao Tăng ở chốn sơn lâm. Bậc thượng nhân này không đáp duy trỏ mây trên trời cùng cái bình đựng nước của mình. Tuy nhiên tuệ căn đã sẵn, vị cư sĩ liền ngộ vào thể đạo, tức thật tánh chân không, liền làm bài kệ, trình lên rằng:
  • Luyện được thân hình tợ hạc hình
    Ngàn thông tươi tốt mấy pho kinh.
    Ta nay hỏi đạo không chi khác
    Mây ở trời xanh, nước ở bình!

Niệm Phật đến chỗ vô niệm, sẽ dung hợp với tánh không bao la, tìm không thấy mối mang dấu vết, mà vẫn đầy đủ tất cả, không thêm bớt là như thế.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 27:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt Đại tạng kinh
    Tung hoành giao thái
    Tuyệt đãi u linh.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một Đại tạng kinh
    Dọc ngang giao chói sáng
    Tuyệt đối, thể u linh.

Lược giải:

Có một độ, bút giả vừa tụng xong bộ kinh Hoa Nghiêm, tâm niệm bỗng vắng lặng quên hết điều kiến giải, hồn nhiên viết ra bài kệ sau:
  • Vi trần phẩu xuất đại thiên kinh
    Nghĩ giải thiên kinh không dịch hình!
    Vô lượng nghĩa tâm toàn thể lộ
    Lưu oanh hựu chuyển tịch thường thinh.

Bài kệ này có ý nghĩa: Chẻ hạt bụi cực vi để lấy ra tạng kinh rộng nhiều bằng cõi Đại thiên thế giới. Tạng kinh ấy đã từ điểm bụi cực vi nơi không tâm diễn ra, thì tìm hiểu nghĩa lý làm chi cho mệt tâm hình? Tốt hơn là nên trở về chân tâm, bởi tâm này đã sẵn đầy đủ vô lượng vô biên diệu nghĩa, lúc nào cũng lồ lộ hiện bày. Kìa chim oanh bay chuyền trên cành cây kêu hót, đang nói lên ý nghĩa chân thường vắng lặng ấy!

Câu niệm Phật cũng thế, nó bao hàm vô lượng vô biên nghĩa lý nghiệm mầu, đâu phải chỉ một Đại tạng kinh? Gọi một Đại tạng kinh chỉ là lời nói ước lược mà thôi. Khi niệm Phật dứt hết vọng tưởng, đi thẳng vào chân tâm hay vô lượng nghĩa tâm, thì ánh sáng tự tâm phát hiện dọc ngang chói suốt bốn bề. Tâm cảnh ấy dứt hết sự đối đãi, u linh nhiệm mầu không thể diễn tả!

Hán 28:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt Đại tạng luật.
    Miết nhỉ tịnh tâm
    Giới ba la mật.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một Đại tạng luật.
    Chớp mắt vào tịnh tâm
    Đủ Giới ba la mật.

Lược giải:

Câu niệm Phật đã bao hàm đầy đủ nghĩa lý của một Đại tạng kinh, thì đối với một Đại tạng luật nó cũng như thế. Vì luật chẳng ngoài nhiếp giữ thân, khẩu, ý cho trong sạch. Và thân, khẩu, ý lại không ngoài tâm, nếu tâm thanh tịnh thì ba nghiệp cũng đều trang nghiêm thanh tịnh. Luật nói: "Phật chế tất cả giới, mục đích để trị tất cả vọng tâm. Nếu không có tất cả vọng tâm, thì cần chi dùng tất cả giới?" (Phật chế nhứt thiết giới, vi trị nhứt thiết tâm. Nhược vô nhứt thiết tâm, hà dụng nhứt thiết giới?).

Cho nên khi niệm Phật, thoáng chốc dứt hết vọng tưởng đi vào tịnh tâm, tức đã đầy đủ Giới ba la mật rồi. Ba la mật là "Bờ bên kia", là nơi giải thoát rốt ráo. Niệm Phật thanh tịnh, tức đã đầy đủ sự giữ giới đến bờ cứu cánh giải thoát vậy.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 29:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt Đại tạng luận.
    Đương niệm tâm khai
    Huệ quang như phúng.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một Đại tạng luận.
    Đương niệm tâm mở thông
    Ánh huệ tuôn vô tận.
Lược giải:

Như trên, câu niệm Phật đã bao hàm Kinh, Luật, tất nhiên đối với Luận cũng như thế. Kinh Viên Giác nói: "Trí tuệ sáng sạch vô ngại, đều từ nơi thiền định mà sanh". Niệm Phật thanh tịnh chính là thiền định, từ định phát sanh trí huệ. Đã có trí huệ thì nguồn biện luận sẽ vô cùng. Tứ vô ngại biện cũng từ nơi niệm Phật thanh tịnh tâm cảnh mở sáng, mà tuôn trào như suối chảy.

Hán 30:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhứt tạng bí mật.
    Phát bản thần thông
    Cụ đại uy lực.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là một tạng bí mật.
    Phát nguồn cội thần thông
    Đầy đủ uy lực lớn.

Lược giải:

Câu niệm Phật đã gồm ba tạng của Hiển giáo lại cũng đủ thần thông uy lực của bí tạng Mật giáo. "Bản thần thông" là thần thông sẵn có, phát sanh từ nguồn gốc chân tâm, không phải do tập luyện mà được. Niệm Phật công thuần đến mức thanh tịnh, cũng như người có sẵn tiền muốn mua món gì cũng được. Dùng công đức niệm Phật để cầu an, cầu siêu, trừ tai nạn, trị đau bịnh, hàng tà ma, sám tội chướng, cầu phước huệ duyên lành, nguyện sanh lên cung trời hoặc về cõi Phật, cho đến cầu đại Niết Bàn cũng đều thành tựu. Tất cả uy lực thần thông cũng từ câu niệm Phật mà phát sanh. Như thuở xưa, Thiện Đạo đại sư khi niệm Phật, mỗi câu đều có một luồng ánh sáng phóng ra. Một Đại sư về Tịnh tông bên Nhật Bản, mỗi câu niệm hồng danh, trong miệng bay ra một vị Phật. Liên Trì đại sư lúc dân chúng nhờ đảo võ, ngài chỉ ra ngoài đồng gõ mõ niệm Phật, đi tới đâu mưa rơi đến đó. Niệm Phật tùy ý phát ra thần thông uy lực là như thế.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 31:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hồn toàn Đại tạng
    Giới, định, huệ quang
    Lưu xuất vô lượng!

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Gồm toàn cả Đại tạng.
    Giới, định, huệ ánh mầu
    Tuôn ra không hạn lượng!

Lược giải:

Bài kệ trên nói tổng quát về sự bao hàm các Đại tạng của câu niệm Phật. Các Đại tạng đây, gồm Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, Tạp tập tạng và Bí mật tạng. Tạp tập tạng nói về các pháp Đại thừa cũng gọi Bồ tát tạng. Bí mật tạng gồm các phương thức đàn, ấn, chú, mở một lối tu đặc biệt, gọi là Kim cang thừa.

Đường lối chứng lên thánh đạo không ngoài căn bản giới, định, huệ, nhưng chỉ một câu niệm Phật đã gồm đủ. Niệm Phật nhiếp thân, khẩu, ý trong sạch là Giới. Niệm Phật thanh tịnh lòng không loạn động là Định. Niệm Phật sáng suốt dứt hết vọng tưởng điên đảo là Huệ. Hành trì như thế, công càng dày, niệm càng sâu, thì ánh nhiệm mầu của giới, định, huệ, càng sáng tỏ và chiếu xa đến nơi vô cùng tận!

Hán 32:
  • Nhứt cú Di Đà
    Thằng bản thị ma.
    Nại hà bất hội
    Phiên nghi tác xà?

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Dây gốc vốn là gai.
    Tại sao không thể nhận?
    Nghi là rắn lầm thay!

Lược giải:

Duy Thức Luận có đoạn thí dụ: Người nọ đi trong cảnh trời nhá nhem tối, chợt thấy một sợi dây to nằm uốn lượn, tưởng là con rắn, vội nhảy tránh la hoảng lên. Đến chừng nhìn kỹ lại mới biết mình lầm, vì đó chỉ là đoạn dây. Nếu người ấy thể nhận sâu thêm, sẽ thấy dây kia cũng không thật, vì do những tơ gai nhỏ kết hợp thành.

Lầm dây là rắn, Duy thức học thí dụ cho tánh Biến kế sở chấp thuộc Phi lượng, tức chấp trước mọi sự và lượng định một cách sai lạc. Nhận ra là dây, thí dụ cho tánh Y tha khởi thuộc về Tỷ lượng. Y tha khởi là tánh chất nương nơi cái khác khởi hiện, như sợi dây nương nơi cái khác khởi hiện, như sợi dây nương nơi tơ gai mà có. Tỷ lượng là sự lượng định tương tợ của ý thức so sánh, như thấy dây tương tợ như rắn. Thể nhận sâu thêm, thấy dây cũng giả, chỉ do tơ gai kết hợp thành, thí dụ cho tánh Viên thành thật thuộc Hiện lượng. Viên thành thật là tánh bao la sáng suốt tròn đầy xác thật. Hiện lượng là tâm lượng của trực giác không phân biệt. Đây mới là tánh lượng xác thật rốt ráo của chân tâm.

Sự ứng dụng về niệm Phật cũng thế. Nếu cho câu hồng danh là một pháp lành, dùng nó để tu cầu phước báu hư huyễn của cõi Nhơn thiên, đó thuộc về tánh Biến kế sở chấp và Phi lượng. Có người dùng câu niệm Phật như một thoại đầu hay phương tiện để dứt trừ vọng tưởng trở lại chân tâm, cũng còn thuộc về tánh Y tha khởi là Tỷ lượng. Như thể nhận niệm Phật tức là Phật, ngay câu hồng danh là phước, là huệ, là thật tướng, là chân tâm và Bồ đề Niết Bàn, đó mới là tánh Viên thành thật thuộc Hiện lượng. Ứng dụng niệm Phật như thế mới đúng mức. Dùng với hai cách trước còn là khuyết điểm sai lầm. Bài kệ trên, Triệt Ngộ thiền sư muốn nêu cao sự diệu dụng về niệm Phật, để phá lối nhận thức sai lạc của một số người đối với pháp môn này.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 33:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hản văn hản đổ.
    Ảnh hiện cảnh lâm
    Hưởng tuyên thiên cổ.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Rất ít nghe ít thấy.
    Gương hiện bóng rừng cây
    Trống trời tiếng vang dậy.

Lược giải:

Nơi cõi trời Đao Lợi có chiếc thiên cổ do Bồ Tát hóa hiện. Khi chư Thiên mê say theo ngũ dục, trống ấy nổi lên tiếng ầm ầm để cảnh giác, và nói ra các pháp: Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã. Thiên chúng nghe xong như chợt tỉnh, liền bỏ các thú vui, cùng nhau tụ họp lại Thiện pháp đường để giảng luận về đạo đức. Niệm Phật cũng có tác dụng giống như thế. Bởi công đức câu hồng danh, do sự nhiếp tâm xưng niệm, hành giả sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng, lần lần đi đến chỗ giác ngộ.

Lại như tấm gương tròn sáng vẫn lặng lẽ không phân biệt, mà hiện rõ bóng hoa cỏ, rừng cây với đầy đủ chi tiết. Hành giả niệm Phật đến mức tịch tĩnh vô phân biệt, thì tấm gương lòng tức Đại viên cảnh trí sẽ lần lần hiện ra sáng suốt lan rộng. Trong ấy cảnh y báo và chánh báo của mười phương đều ảnh hiện, đương nhơn có thể nhận biết rõ từng số điểm hạt mưa trong tam thiên thế giới. Như Di Lặc Bồ Tát đã khai thị cho Hư Vân thiền sư: "Gương đại trí trang nghiêm. Hiện cảnh giới sum la. Trời người và phàm thánh. Thiện ác đều an lạc".

Công đức câu hồng danh rất ít nghe ít thấy như thế, song tiếc thay cũng rất ít người am hiểu suốt thông!

Hán 34:
  • Nhứt cú Di Đà
    Vô khả thí dụ!
    Cổ cảnh đương đài
    Thủy ngân đọa địa.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Không thể thí dụ tất!
    Gương xưa nơi đài cao
    Thủy ngân rơi xuống đất.

Lược giải:

Công năng niệm Phật rất mầu nghiệm, không thể nào dùng thí dụ mà nói ra cho hết được! Về thể, thì niệm phật sẽ phát hiện Đại viên cảnh trí, ảnh hiện mọi cảnh giới: như tấm gương xưa để nơi đài cao chiếu rõ và in bóng cảnh vật một cách không phân biệt. Đã vô phân biệt thì làm sao dùng lời nói mà diễn tả thí dụ? Về dụng, câu niệm Phật viên dung không ngại, như hạt thủy ngân rơi xuống mặt đất liền lăn tròn. Sự trì niệm hồng danh có đủ Thiền, Giáo, Luật, Mật, một ngàn bảy trăm công án, tám muôn tư pháp tạng. Nói rộng ra, lục độ vạn hạnh, tất cả hành môn đều dung thông hàm chứa trong câu niệm Phật.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 35:
  • Nhứt cú Di Đà
    Lão bà tâm khổ!
    Vận vạn hộc chu
    Phát thiên quân nổ.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Lòng thương xót khổ tân!
    Đẩy thuyền nặng muôn hộc
    Kéo cung mạnh ngàn cân.

Lược giải:

Vì lòng đại từ đại bi, đức Thích Tôn cùng hằng hà sa số chư Phật ở sáu phương, đều hiện tướng lưỡi rộng dài, khen nói công đức không thể nghĩ bàn của môn niệm Phật, khuyên chúng sanh nên phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc. Từ xưa đến nay, chư Tổ cũng đã dẫn kinh viết luận rất nhiều, để tán dương môn Tịnh Độ. Tâm xót thương sâu rộng, lời khổ thiết khuyên răn của chư Phật, Bồ Tát, Tổ sư như thế, thật đã hết lòng hết sức. Ví như người đẩy thuyền chở nặng muôn hộc, dương cung cứng mạnh ngàn cân, sự dùng tâm vận lực đã đến mức điểm cuối cùng vậy.

Hán 36:
  • Nhứt cú Di Đà
    Minh minh thị hữu
    Tứ biện Bát âm
    Bà tâm khổ khẩu!

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Rõ ràng chính là có.
    Dùng Tứ biện Bát âm
    Khổ lời thương giải tỏa!

Lược giải:

Trong cảnh giới Nhứt chân, chẳng phải rỗng không, cũng chẳng phải thật có các pháp. cho nên tâm kinh nói: "Này Xá Lợi Tử! Huyễn sắc chẳng khác chân không, chân không chẳng khác huyễn sắc. Huyễn sắc chính là chân không, chân không chính là huyễn sắc". Tóm lại, chân không chẳng phải cái không trống rỗng, mà chính nó ở ngay nơi hiện tượng huyễn hữu. Có một số người tu về Không môn, như thiền tông chẳng hạn, chưa hiểu chân lý này, lầm nhận chân tâm là một từ thể sáng suốt rỗng không. Chư Cao đức bên tông môn cũng bác lối tu theo nhận thức sai lạc ấy, cho đó là Hư đầu thiền. Bởi hiểu biết sai lạc như thế, nên họ rất ngại niệm Phật, cho tu Tịnh Độ còn có cái chướng của tướng có, như cát lẫn vào cơm. Hoặc họ cũng nhận niệm Phật là có công đức, nhưng còn thuộc về pháp hữu vi. Vì vậy các vị ấy có người đã mượn câu nói của Cổ đức để thí dụ: "Mạt vàng tuy là quí, nhưng rơi vào mắt thì xốn xang thành bịnh!" Kỳ thật cổ nhơn cũng có lời ấy, song nói với một ý khác về bên Thiền khi hành giả hỏi, chớ không phải thuộc bên Tịnh. Các vị ấy cũng không hiểu: Pháp vô vi dung thông bao uát, đâu riêng có ngoài pháp hữu vi?

Thuở xưa Ni cô Đạo Càn đến chùa Quốc Thanh ở non Thiên Thai để phỏng đạo, có hỏi Bảo Lâm Trân thiền sư: "Bạch tôn đức! Thế nào là tướng đại nhơn?" Trân công đáp: "Đợi khi nào ngươi trừ hết ngũ chướng, đến đây ta sẽ nói cho!" Ni cô thưa: "Thế thì Hòa thượng đã bị che lầm rồi đấy!" Ngũ chướng là thân tướng người nữ. Ý Đạo Càn muốn nói chân tánh không có tướng nam nữ, nếu y cứ nơi hình tướng để tìm chân tánh là sai lầm. Ngài Bảo Lâm Trâm nghe nói biết chỗ tu của Ni cô còn lạc vào lối chấp thiên không, nên quát bảo: "Ngươi học ở đâu được cái hư đầu thiền như thế?" Đạo Càn bị quở, bất giác xuất hạn dầm mình, chợt tỏ ngộ, liền cúi xuống đảnh lễ. Trân công gạn hỏi lại: "Thế nào là tướng đại nhơn?" Ni cô liền đứng chẩm hẩm dang đôi chân, giăng hai tay ra. Đây là hành động biểu thị tướng đại trượng phu, cũng ngầm nêu rõ tánh chân không ở ngay trong tướng có. Ngài Bảo Lâm Trân thấy thế biết cô đã lãnh ngộ, liền gật đầu ấn khả.

Bài kệ trên của tổ Triệt Ngộ, nhấn rõ lý chân không ở ngay nơi hình thức diệu hữu của một câu A Di Đà, nên mới nói: "Rõ ràng chính là có". Tứ biện tài như tập trước đã dẫn giải. Còn Bát âm là tám giọng nói của Phật, gồm có:
  • 1. Âm thanh rất trong tốt.
    2. Âm thanh cực dịu dàng.
    3. Âm thanh hòa nhã thích ý.
    4. Âm thanh tôn trọng sáng suốt.
    5. Âm thanh không pha lẫn giọng nữ.
    6. Âm thanh giác ngộ không mê lầm.
    7. Âm thanh rất sâu xa.
    8. Âm thanh sang sảng tuôn trào bất tận.

Vì thương xót muốn cho chúng sanh giác ngộ, chư Phật đã dùng bốn thứ vô ngại biện tài, tám điệu âm thanh, khổ thiết tỏ bày dẫn đủ phương tiện chỉ rõ lý chân không ở ngay trong diệu hữu. Và chư Tổ sư trước nay cũng đã thương xót nói đến đắng miệng cạn lời để giải thích lý này.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.
Sửa lần cuối bởi Nguyenthu vào ngày 28/06/20 15:41 với 1 lần sửa.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 37:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đích đích thị vô.
    Dung tha vạn tượng
    Nhập ngã hồng lô.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Đích xác chính là không
    Nếu tiêu muôn vật tượng
    Tan vào một lò hồng.

Lược giải:

Như trên đã nói sáu chữ hồng danh nguyên là diệu hữu, bài kệ này khai thị một câu A Di Đà chính thật chân không. Với mục đích nêu rõ ý này, xin tạm mượn một việc đã qua để giải thích:

Nhớ lại độ nọ, có vị Sư cô tu thiền đến nói với bút giả: "Gần đây một cư sĩ niệm Phật hơn ba mươi năm, sau khi nghe lý thiền, muốn thể nhập vào cảnh chân không, cảm thấy mình bị trói buộc chướng ngại. Sở dĩ như thế, do vì niệm Phật đã lâu năm, dù muốn xả bỏ tất cả, câu niệm Phật trong tàng thức vẫn cứ hiện ra tiếp tục mãi, không làm sao dứt thoát được!" Biết cô muốn bác rằng: Niệm Phật còn sự chướng ngại về sắc tướng, bút giả đáp:

- Lý tánh chân không vẫn ở ngay nơi các pháp có, nên Bát Nhã tâm kinh đã nói: "Thị chư pháp không tướng". Nếu vị cư sĩ ấy muốn thể nhập vào chân không, thì cái không đó là ngoan không của ngoại đạo, chớ chẳng phải chân không. Tôi xin dẫn ra đây một ít bằng chứng:

1. Thuở xưa, đức Thế Tôn chỉ dạy nhiều vị Sa môn thật hành môn Bất tịnh quán để dứt trừ nhiễm dục. Và đã có vô số chư Tỳ kheo tu theo pháp này nên được chứng quả A la hán. Bất tịnh vốn tướng nhơ ác mà Phật còn bảo quán tưởng, huống chi câu hồng danh là tướng của công đức lành? Lại nếu như sắc tướng gây chướng ngại cho việc chứng lý chân không, thì làm sao các vị Sa môn kia đắc quả A la hán?

2. Từ trước đến nay, năm chi phái về Thiền tông như: Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, đều dùng câu thoại đầu làm công phu hạ thủ. Chẳng hạn như các thiền giả tham cứu câu: "Muôn pháp về một, một về chỗ nào?" (Vạn pháp qui nhứt, nhứt qui hà xứ?) Hoặc có vị chỉ tham đơn độc một chữ Vô hay tham tưởng chữ A theo Phạn ngữ. Sự tham cứu như thế đều nương nơi tướng có, nào khác chi hành trì câu niệm Phật? Nếu tham thoại đầu chẳng thể nhập được vào chân không, thì làm sao các thiền sư xưa nay đắc ngộ cho đến chứng quả? Và nếu niệm Phật chẳng có công hiệu tương tợ, thì tại sao nhiều bậc tôn đức như Nhứt Nguyên thiền sư, Minh Bản đại sư chỉ trì niệm một câu hồng danh mà được đại ngộ, đi sâu vào tam muội?

3. Nếu cho rằng hình tướng của văn tự ngôn âm gây chướng ngại đến lý tánh chân không, thì tại sao các bậc Tôn đức khi xưa, sau khi đại ngộ rồi, trở lại niệm Phật, trì chú, tụng kinh, cho đến phiên duyệt Tam tạng kinh điển? Trong số ấy, chẳng hạn như ngài Vĩnh Minh và Thủ Sơn Niệm thiền sư trọn đời trì tụng kinh Pháp Hoa. Phổ Am tổ sư trì tụng kinh Hoa Nghiêm, Khuê Phong Định Huệ thiền sư trì tụng kinh Viên Giác, Kim Hoa Câu Chi thiền sư trì tụng chú Chuẩn Đề. Minh Giáo Tung thiền sư, chuyên niệm danh hiệu đức Quán thế Âm. Cho đến như Phần Châu Vô Nghiệp thiền sư sau khi đại ngộ, ba lần duyệt xem qua Đại tạng kinh điển?

Cho nên vị cư sĩ đó nếu muốn thể nhập vào chân không, hãy bỏ sự nhận thức sai lầm ấy đi, đừng nghĩ rằng niệm Phật là chướng ngại mà tự thành chướng ngại. Vị đó cần chuyên nhứt niệm Phật hơn nữa, lâu ngày sẽ thấy tự thể câu hồng danh chính là chân không. Niệm như thế, chẳng những câu hồng danh là không, mà cho đến muôn vật tượng ở thế gian cũng do nhờ niệm Phật, được tan biến dung hòa vào lò chân không to rộng bao la khắp mười phương nữa!

Hán 38:
  • Nhứt cú Di Đà
    Diệc vô diệc hữu.
    Mộng lý sơn xuyên
    Cảnh trung hoa liễu.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Cũng không cũng có tướng
    Non sông nơi giấc mộng
    Hoa liễu ở trong gương.

Lược giải:

Bài kệ trên nêu rõ ý: Câu niệm Phật nói không cũng được, nói có cũng được. Ví như bóng cành hoa cội liễu lộ trong gương sáng, cảnh non cao sông rộng hiện giữa giấc mơ. Trường hợp ấy, nói không cũng được vì đó chỉ là hình bóng, là cảnh mơ; nói có cũng được, bởi nó vẫn có ảnh tượng của cảnh vật vậy.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 39:
  • Nhứt cú Di Đà
    Phi hữu phi vô.
    Nại trước tiện chuyển
    Thủy thượng hồ lô.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Chẳng có chẳng hư vô.
    Chạm đến liền lăn chuyển
    Trên nước chiếc hồ lô.

Lược giải:

Trong bốn bài kệ liên tiếp, bài đầu nói về lý Có, bài thứ hai nói lý Không, bài thứ ba nói lý Cũng có cũng không, và bài thứ sau sau này nói lý. Chẳng phải có chẳng phải không của câu niệm Phật. Thật ra câu hồng danh tuy không rời bốn lý trên, nhưng cũng chẳng thuộc riêng vào một thứ nào trong bốn lý ấy. Ý nghĩa đích thật của câu niệm Phật là "Viên dung tự tại chẳng thể nghĩ bàn!" Nếu hiểu ý này, hành giả có thể tùy duyên ứng phó với mọi hoàn cảnh trong mọi trường hợp: hoặc có, hoặc không, cũng có cũng không, cho đến chẳng phải có chẳng phải không, một cách dung thông tự tại, không bị nó làm dính mắc chướng ngại. Ví như chiếc hồ lô thả nổi trên mặt nước, chạm đến liền tùy tiện lăn chuyển, không nằm hẳn một bề nào. Bài kệ tiếp sau đây, sẽ nói rõ thêm về thật nghĩa của câu niệm Phật.

Hán 40:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đệ nhứt nghĩa đế.
    Thượng siêu Bách phi
    Khởi lạc Tứ cú!

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là Đệ nhứt nghĩa đế.
    Còn vượt khỏi Bách phi
    Huống rơi vào Tứ cú!

Lược giải:

Trước tiên xin giải qua về Tứ cú, Bách phi. Tứ cú là bốn câu gồm: Có, không, cũng có cũng không, và chẳng phải có chẳng phải không. Bách phi: Bách là ước số lấy một trăm làm giới hạn. Phi là chẳng phải, tiêu biểu cho nghĩa bác phá. Đây nói chân lý vốn phi hữu, phi vô, phi thường, phi đoạn, phi sanh, phi diệt, phi nhứt, phi dị, phi lai, phi khứ, phi hữu biên, phi vô biên v.v... cho đến cả một trăm thứ phi. Tại sao thế? Bởi lý tánh ấy tuyệt ngôn luận, dứt tâm tư, chẳng thể dùng lời nói và sự suy nghĩ mà vịn đến và diễn tả được.

Còn Đệ nhứt nghĩa đế là thế nào? Đây là nghĩa chân thật bậc nhứt, bên Tông mệnh danh là: Một bước trên đầu sào trăm trượng, bên Giáo gọi là: Bất nhị pháp môn hay Thánh đế. Xin mượn lời vấn đáp của vua Lương Võ hỏi tổ Đạt Ma để tạm giải thích: Hỏi: "Bạch ngài! Sao gọi là Đệ nhứt nghĩa đế hay Thánh đế?" Đáp: "Rỗng rang không thánh!".

Quy kết lại, ý bài kệ trên nói: Một câu A Di Đà, nếu vận dụng đến mức cùng tột, hành giả sẽ lìa tứ cú, vượt khỏi Bách phi, đi ngay vào Đệ nhứt nghĩa môn, tức thể nhập chân tâm vậy.

Qua năm bài kệ liên quan nhau nói trên, từ diễn dịch cho đến quy nạp, ở điểm nào câu niệm Phật cũng dung thông không ngại. Nhưng luận về phần căn bản, các lối chấp của nhà tu học Phật pháp xưa nay chẳng ngoài hai điểm: Có và Không. Bước đầu tiên vào đạo, và cũng thuộc phần đa số, người tu Phật thường hay chấp Có. Khi làm các công đức lành, họ sanh niệm trước tướng, đôi khi dẫn đến sự tự mãn khoe khoang. Lối chấp này gây trở ngại cho bước ngộ đạo, tiến trình đến cảnh giới giải thoát.

Sau khi đi sâu thêm vào biển Phật pháp, xem đến kinh Kim Cang, Pháp Bảo Đàn, hoặc nghiên cứu về thiên lý cao siêu, hầu hết lại rơi vào lối chấp Không. Do đó, có nhiều kẻ đã không xem trọng điểm ăn chay giữ giới, bác bỏ sự niệm Phật tụng kinh, cùng các việc làm lành, cho là thấp kém trước tướng, chẳng hợp với trình độ cao siêu của lý Không. Họ đâu hiểu lý Không của Đại thừa, là làm tất cả công đức hữu vi mà không chấp thấy có tướng làm. Chẳng hạn như kinh Kim Cang bảo Bồ Tát bố thí chẳng nên trụ tuớng, là không chấp thấy mình là người thí cho, đây là vật trao giúp, kia là kẻ được ân huệ nhận lảnh. Bố thí như thế công đức mới vô hạn lượng, rộng lớn như hư không. Trong ấy cũng nói về tụng kinh này sẽ được công đức như thế nào? Vậy thì kinh Kim Cang, một áo điển diễn đạt về lý Không của Đại thừa: Đâu từng bác bỏ việc tụng kinh, bố thí?

Trong hai lối chấp trên, chấp Có hãy còn gốc luân hồi, song chấp với những việc lành, cũng sẽ được phước báu cõi Nhơn Thiên. Đến như chấp Không, bác phá tất cả xự tướng, thì quả thật là tai hại. Kinh Phật gọi đó là tội phá chánh kiến, bởi vì bài bác nhân quả. Nó gây sự lầm lạc cho mình và người hủy hoại Phật pháp, khiến cho đương nhơn dễ sa vào địa ngục! Đây là hiện tượng mà các bậc thiện tri thức gọi là nhức đầu đau tim (thống tâm tật thủ) vì nó gây tổn thương rất nhiều cho Phật giáo. Chấp Không như thế lại dễ khiến cho loài không ma dựa vào tác hại, làm hành giả đảo điên. Bút giả đã gặp một Thượng tọa thuật lại câu chuyện như sau:

Theo ý tôi, vị Thượng tọa ấy nói, việc tham thiền chỉ thích hợp riêng cho một số ít người bậc thượng căn. Thời nay, phần đông hàng Tăng tục khi tu, nên lấy niệm Phật làm phần chánh, tụng kinh hoặc trì chú làm phụ. Bởi tham thiền mà chưa thể thường nhiếp tâm vào định, hoặc hiểu sai lầm rồi trụ tâm nói cái ngoan không ám muội, tất sẽ bị loài không ma dựa vào. Chính tôi đã mục kích vài ba người trong trường hợp này. Độ nọ, có một sư cô đến gặp tôi đảnh lễ trình thưa rằng: "Huynh đệ con hơn mười người, trước kia đã thọ giáo với một vị tự xưng là Khán Không thiền sư. Vị này bảo phải gạt hết tướng có, trụ tâm vào nơi không. Huynh đệ con thật hành theo một thời gian, về sau tất cả đều bị loài ma ám nhập, nói việc vị lai quá khứ, luận thuyết toàn là lý không. Riêng phần con, nó đã dựa vào hơn mười năm. Hiện thời khi gặp tượng hay kinh Phật, nó dục bảo phải đập phá xé bỏ. Gặp hàng Tăng Ni, lại dục bảo phải chửi mắng nói những lời thô tục. Con tự kềm hãm chống trả lại, tìm nhiều bậc Pháp sư cầu cứu, song họ đều nói con ma này uy lực cao không thể trục xuất ra được. Nay con đến đây đảnh lễ cầu xin thầy có phương pháp chi giải thoát dùm con!" Tôi nghe nói, bảo Sư cô ấy tạm nằm nơi ghế dựa, rồi ngồi phía sau để tay kiết ấn nơi đảnh mà trì chú Chuẩn Đề. Tụng một lát, cô ấy chuyển lời nói con ma năn nỉ xin tha, vì nó ra ngoài bơ bơ không nơi nương tựa. Tôi không chấp thuận, tiếp tục trì chú mãi. Ban sơ Sư cô nghiêng trở dằn vật mình, kế tiếp lần lần thở gấp gần như đứt hơi. Tôi thấy thế liền dừng lại, vì biết nếu cứ trì tụng tiếp, nó có thể liều chết giết người bịnh trước, phó mặc cho sự thể ra sao thì ra. Đã có vài vị Pháp sư bị cảnh ma giết người bịnh trong trường hợp này.

Tối hôm ấy, tôi trì chú cầu nguyện xin chư Thần giúp đỡ. Hơn một giờ đêm, trong giấc mơ tôi thấy có hai vị Kim Cang sứ giả. Một vị thân màu đen như sắt, khôi giáp toàn trắng; vị kia thân trắng như bạc, khôi giáp toàn đen. Trước tiên, Thiết sứ giả lấy ra một binh khí lạ dường như xa luân múa lên. Giây phút, từ binh khí ấy phát tiếng kêu vo vo, phóng ánh sáng lạ mắt. Kế tiếp vị Ngân sứ giả đưa tay ra ngăn lại bảo: "Hãy từ từ xem nó có chịu cải hối hay không đã!" Tới đây, cảnh tượng đều ẩn mất. Thức tỉnh, tôi ngẫm nghĩ biết chư vị mách bảo: Nên khuyến hóa hơn là dùng uy lực gây oan trái. Sáng ra tôi thuyết giáo chỉ rõ lối chấp sai lầm không lợi ích cho con ma nghe, nó xin sẽ chuyển hướng tu theo chánh pháp. Riêng phần Sư cô nọ, tôi bảo vì loài ma đã dựa vào quá lâu, nên thể phách của nó có phần dính liền với thể xác. Nếu vội trục xuất, e cho thân của người bịnh sẽ bị tổn. Tôi truyền ấn và chú Chuẩn Đề bảo cô nên hằng ngày trì tụng. Với uy lực của chú, ma sẽ từ từ xuất ra. Sư cô ấy vâng lời.

Nói xong vị Thượng tọa kết luận: Sự nhận thức cùng tu tập sai lầm, gây nên tổn hại và cứu gỡ khó khăn là như thế.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 41:
  • Nhứt cú Di Đà
    Diệu viên Tam đế.
    Tối thanh lương trì
    Đại mãnh hỏa tụ.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Mầu tròn Tam đế lý.
    Như ao rất thanh lương
    Tợ lửa to thiêu hủy.

Lược giải:

Tam đế là ba lý chắc thật: Không, Giả, Trung. không đế hiển công dụng phá tình chấp. Giả đế hiển công dụng lập các pháp. Trung đế hiển công năng dứt đối đãi. Trung quán Luận có bài kệ:
  • Các pháp nhân duyên sanh
    Ta nói tức là Không.
    Cũng gọi là Giả danh.
    Cũng là nghĩa Trung đạo.

Các pháp vì hư huyễn chẳng có thật thể, nên gọi là Không. Vì sanh diệt vô thường nên gọi là Giả. Vì tự tướng lồ lộ hiện bày, chẳng thể nói riêng là Không, là Giả, dứt ngôn thuyết tâm tư, nên gọi là Trung. Kinh Pháp Hoa nói: "Các pháp từ xưa nay. Tự tướng hằng tịch diệt" chính là nghĩa này. Trong ba đế, Không bao hàm cả Giả, Trung. Giả và Trung cũng đều lại như thế, nên gọi là mầu tròn, cũng gọi là Tam đế tương tức.

Dùng trí tuệ quán chiếu, các pháp đã như thế, thì câu hồng danh cũng đủ lý Tam đế nhiệm mầu tròn thông như vậy. Hiểu được lý này, tất có thể ứng dụng hạnh niệm Phật siêu vào cảnh giới đại tịch diệt, như đống lửa lớn cháy hừng đốt tiêu tất cả rác rến trần cấu, như ao to mát mẻ dứt trừ tất cả hơi nóng của não phiền. Hành giả sẽ lần lần chứng vào chân cảnh tịnh Bảo Nguyệt Quang Minh tam muội vậy.

Hán 42:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đắc Đại tự tại.
    Chuyển biến thánh phàm
    Dung thông thế giới.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Chứng được Đại tự tại.
    Hay chuyển thánh siêu phàm
    Dung thông mười giới hải.

Lược giải:

Với câu niệm Phật, nếu hành giả ngộ suốt lý Tam đế như trên, sẽ vượt Thánh siêu phàm chứng vào chân tâm tuyệt đối. Cảnh trí này không còn giới hạn giữa tự cùng tha, nhơn với pháp, chúng sanh và Phật, nên gọi là Đại Tự Tại tam muội. Ánh sáng chân tâm sẽ từ đó lan rộng ra, chiếu suốt vô biên thế giới ở mười phương. Trong ánh đại quang minh, biển thế giới mười phương đều lung linh như huyễn, tròn trịa nhiệm mầu, dung thông vào một chân cảnh.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 43:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hữu công giả thưởng.
    Vương thiện dinh tiền
    Kế châu tại chưởng.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Thưởng kẻ có công hay
    Yến tiệc vua đầy trước
    Châu mái tóc nơi tay.

Lược giải:

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật có thí dụ đại khái: "Như vua Chuyển luân đem quân dẹp giặc, thấy những binh tướng có công, đều tùy phần mà thưởng, hoặc cho y phục, châu báu, chí đến thành ấp tụ lạc. Duy hạt minh châu nơi mái tóc chẳng đem cho, vì riêng trên đảnh vua chỉ có một viên bảo châu ấy thôi. Nếu vua thấy vị nào có công lớn, mới đem hạt ma ni vô giá để từ lâu nơi mái tóc ra cho. Đức Như Lai cũng như thế, nếu thấy hàng đệ tử y theo các kinh khác dứt trừ ba độc năm ấm, liền ban cho các pháp thiền định, giải thoát, chí đến thành Niết Bàn, bảo rằng đã diệt độ. Nhưng riêng kinh Pháp Hoa lại không nói ra, vì kinh này rất sâu khó tin, quí báu bậc nhứt. Nếu hàng đệ tử nào có công lớn phá các vô minh phiền não, vượt ra ba cõi, phát tâm Đại thừa, mới đem kinh Pháp Hoa là tạng bí mật, từ lâu hằng nghiêm cẩn giữ gìn, ngày nay tuyên thuyết".

Môn niệm Phật cũng như thế, là Bí mật tạng chỉ thưởng riêng cho những kẻ có công tin nhận diệu pháp thành Phật này. Tin tưởng và thật hành theo môn niệm Phật tức như người đã có trước mặt yến tiệc đầy đủ sơn hào hải vị của vua ban, đã cầm vào tay viên minh châu nơi mái tóc của Chuyển luân vương vậy.

Hán 44:
  • Nhứt cú Di Đà
    Lý nhân vi mỹ.
    Cư bốc lai quy
    Khô thung phi quỷ.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Xóm nhân là tốt quí.
    Lựa chỗ ở nương về
    Cây khô không phải quỷ.

Lược giải:

Thuở thầy Mạnh Tử còn bé, nhà ở xóm có hàng thịt. Khi ông cùng lũ trẻ nô đùa, thường họp nhau nắn đất thành hình súc vật, rồi bày ra trò giết heo dê. Bà mẹ thấy thế e con mình về sau thành kẻ đồ tể, liền dời nhà đi nơi khác. Chỗ ở kế lại không may gặp nhằm xóm có một nhóm người chuyên nghề ma chay chôn cất. Hằng ngày Mạnh tử lại cùng đám trẻ bắt chước đào huyệt, nắn đất thành hòm, giả trang sức đồ tang, bày trò chơi khóc than tẩn táng. Thấy vậy bà mẹ không ưng, tìm chỗ tản cư. Lần sau này, nhà ở gần trường học. Mạnh Tử lại cùng lũ trẻ bắt chước lời nói khiêm nhường lễ nghĩa, học dáng điệu cung kính chào thưa, cùng ê a đọc sách. Bà mẹ trông thấy mừng thầm, yên lòng không dời đi đâu nữa. Cũng như thế, người gặp pháp giải thoát của môn niệm Phật, có khác nào kẻ tìm chỗ ở, được may mắn gặp nhằm xóm nhân đức hiền lương. Gia đình kẻ ấy sẽ lần lần tập nhiễm hạnh lành tánh tốt vậy.

Một người đi đem bất ngờ gặp trụ cây khô, lầm tưởng là quỷ nên thảng thốt kinh hoảng. Nhưng quan sát kỹ, đó chỉ là cây khô không làm sao có tác dụng của ma quỷ được, nên lại yên tâm ngẫm nghĩ buồn cười cho mình. "Trụ cây khô" còn tiêu biểu cho pháp chân như bất biến. Cổ đức có câu: "Cây khô xơ xác tựa rừng đông. Mấy độ xuân sang chẳng đổi lòng!" (Tồi tàn khô mọc ỷ hàn lâm. Kỷ độ phòng xuân bất biến tâm). Pháp niệm Phật là viên ngọc ma ni, là con thuyền giải thoát, mà kẻ không biết giá trị xem thường như đất sạn, khác nào anh chàng thảng thốt kia nhìn cây khô, tưởng là ma quỷ đâu!

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 45:
  • Nhứt cú Di Đà
    Phi nan phi dị.
    Cửu phẩm liên hoa
    Nhứt sanh tâm lực.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Chẳng khó, nhưng không dễ.
    Được về chín phẩm sen
    Một đời dùng tâm lực.

Lược giải:

Môn niệm Phật quả dễ thật hành, câu hồng danh niệm ra không phải khó. Tuy nhiên, niệm với tâm tín nguyện chắc thật, niệm với hạnh bền bỉ lâu dài, niệm với y dứt tuyệt trần duyên, lại là điều không phải dễ. Với ba điều kiện vừa kể trên, trong muôn ngàn người khó tìm được một. Cho nên cũng đừng vội xem thường hạnh niệm Phật. Muốn được dự vào chín phẩm sen ở cõi Tây phương, người tu tịnh nghiệp phải đem hết năng lực của thân và tâm, chẳng nài khổ nhọc thật hành suốt một đời, mới mong đạt được kết quả.

Hán 46:
  • Nhứt cú Di Đà
    Tự lộ hoàn gia.
    Khả tích si nhơn
    Khí kim đảm ma!

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Theo đường trở lại nhà.
    Tiếc cho kẻ khờ dại
    Bỏ vàng gánh vỏ gai!

Lược giải:

Trong kinh có đoạn thí dụ về điểm cố chấp của kẻ khờ dại: Hai người nọ vào rừng róc lột vỏ gai để lấy tơ dệt vải bố. Trên lối về với đôi gánh vỏ gai oằn oại nơi vai, cả hai gặp một đống tơ gai của ai bỏ sót trên đường. Một người mừng rỡ bảo: "Chúng ta đem vỏ gai về, chẳng qua để đập rồi ngâm lấy tơ. Nay đã có sẵn, tơ gai ở đây, nên bỏ thứ vỏ nặng nề này, lấy tơ đem về!" Nói xong liền thật hành theo ý định. Kẻ kia chấp mê rằng mình đã ra công gánh vỏ gai trải qua một quãng đường rồi, nên không chịu bỏ. Đi thêm đoạn nữa, cả hai bỗng gặp mấy xấp vải bố của một chiếc xe tải làm rơi rớt ngổn ngang. Người gánh tơ lại mừng nói: "Vỏ gai hay tơ gai dù đem về cũng chỉ dùng để dệt vải bố. Nay đã có thứ này ở đây, chúng ta phải bỏ hết cái cũ mà chọn lấy vải là quí hơn!" Nói đoạn vội bỏ tơ gai, chất vải bố đầy gánh. Kẻ kia cũng chấp rằng mình gánh vỏ gai quá xa, nên không chịu bỏ. Đi thêm một đoạn đường, cả hai dừng lại ngồi nghỉ, chợt thấy một hốc dưới gốc cây khô nằm la liệt mấy hũ vàng, có lẽ của ai đã chôn dấu từ lâu. Người gánh vải quá mừng, vội vất lại thứ cũ, chọn lấy hai hũ vàng đem về, vì vải không làm sao bằng vàng được. Còn kẻ si mê kia vẫn cố chấp mình đã ra công quá nhọc, thà chịu gánh vỏ gai chớ không lấy vàng.

Môn niệm Phật là pháp viên đốn, là đường lối thẳng tắt để trở lại nhà. Người đã gặp môn tối thượng mau thành Phật này, mà còn tham cầu phước báu nhơn thiên, còn mê chấp lối tu tà ngoại, còn giữ theo những hành môn quanh co khó bảo đảm cho sự giải thoát. Tổ Triệt Ngộ cho đó là một lối si chấp, như kẻ thà cam gánh vỏ gai không chịu chọn lấy vàng vậy.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 47:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hoành xuất Ta Bà.
    Nhữ tín bất cập
    Ngô mạc như hà?

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Vượt ngang thoát Ta Bà.
    Người tin không thấu đáo
    Ta biết làm sao mà?

Lược giải:

Có hai lối tu để thoát vòng luân hồi trong Tam giới. Đó là lối thụ xuất, vượt ra theo chiều dọc. Và Hoành xuất, vượt ra theo chiều ngang. Kẻ tu đường lối Thánh đạo, dùng sức giới, định, huệ lần lượt dứt trừ Kiến hoặc cùng Tư hoặc của Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, thoát ra ba cõi, gọi là Thụ xuất. Ví như con ong muốn ra khỏi cây tre, dùng sức khó nhọc đục từng mắt tre theo chiều đứng, mà tìm lối thoát. Còn người tu theo đường lối vãng sanh, tuy chưa dứt trừ hoặc nghiệp, nhưng biết dùng sức tín, nguyện, hạnh của mình và nương theo sức bản thệ nhiếp thọ của Phật, cũng được vượt thoát ba cõi Ta Bà, sanh ngang về Lạc quốc. Đã về cõi ấy rồi, tất không còn bị luân hồi, lần lượt chứng lên các Thánh phẩm, cho đến khi thành phật. Đây gọi là lối tu Hoành xuất. Ví như con ong biết dùng phương tiện đục ngang cây tre mà thoát ra, đã dễ dàng lại ít nhọc công phí sức.

Pháp môn Tịnh Độ là lối tu Hoành xuất tam giới, là phương tiện nhiệm mầu để mau thoát luân hồi, chứng lên quả Phật. Trong nhiều kinh luận, chư Phật và chư Tổ đã tuyên dương khen ngợi rộng về môn này. Song tiếc thay những kẻ kém duyên sức tin chưa thấu đáo, thì lòng từ bi của các ngài dù trải ra vô lượng vô biên, nhưng kết cuộc cũng không biết làm sao mà cứu vớt được!

Hán 48:
  • Nhứt cú Di Đà
    Quy nguyên tiệp kính.
    Khẩn yếu tư lương
    Duy Tín, Nguyện, Hạnh.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là đường tắt về nguồn.
    Những tư lương cần thiết
    Tín, Nguyện, Hạnh gọn suông.

Lược giải:

Câu niệm Phật là con đường thẳng tắt để trở lại nguồn tâm. Như người đi xa cần dự bị cho đủ tư lương là: tiền nong, đồ phục dụng và thức ăn uống. Tư lương cần thiết đi về Tịnh Độ cũng thế, chỉ suông gọn trong ba điểm: Tín, Nguyện, Hạnh mà sau đây sẽ nói.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.39 khách