TỊNH ĐỘ HOẶC VẤN

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ HOẶC VẤN

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

23. Hỏi: từ trước đến nay, kẻ hậu tiến nầy chỉ nghe nói nhiều về niệm Phật mà chưa hiểu rõ phương châm; và pháp Thập Niệm Hồi Hướng thế nào, riêng lòng cũng chưa được tường tất. Xin nhờ Đại sư chỉ thị?

Đáp: Niệm Phật là duyên tưởng theo ba mươi hai tướng, buộc tâm vào định, làm sao cho khi mở mắt hay nhắm mắt thường được thấy Phật. Hoặc phương pháp nữa là chuyên xưng danh hiệu, chấp trì không tán loạn, cứ bền giữ như thế, trong đời nầy cũng được thấy Phật. Hiện nay, tôi thấy phần đông người tu Tịnh Độ đều lấy pháp Trì Danh làm thắng. Phép xưng danh cần phải lắng lòng không cho tán loạn, mỗi niệm nối tiếp nhau, buộc tâm nơi hiệu Phật. Khi miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tâm phải soi theo mỗi câu mỗi chữ cho rành rẽ rõ ràng. Khi xưng danh hiệu Phật, không luận ít hay nhiều, đều phải một lòng một ý tâm tâm nối nhau. Niệm như thế, mới có thể mỗi câu diệt được tội nặng nơi đường sanh tử trong tám mươi ức kiếp. Nếu chẳng vậy thì tội chướng khó tiêu trừ.

Còn về pháp Thập Niệm, thì mỗi buổi sớm mai hành giả phải quì trước bàn Phật, hoặc chấp tay đứng ngay thẳng hướng về phương Tây, niệm Phật liên tiếp, luôn một hơi, cứ mỗi hơi kể một niệm, mười hơi là mười niệm. Khi niệm không hạn số câu ít hay nhiều, chỉ tùy theo hơi dài ngắn, chuyên chú niệm luôn cho hết hơi mới thôi. Nên giữ tiếng niệm Phật cho rành rẽ, không thấp không cao, không gấp không huởn, niệm mười hơi liên tiếp, chớ để tâm ý tán loạn. Đây là pháp mượn hơi nhiếp tâm, quí ở nơi chuyên nhứt, và phải giữ như thế trọn đời, không được một ngày tạm bỏ.

Về phần hồi hướng là sau khi niệm xong, dùng tâm chí thành nguyện rằng: "Con là (pháp danh), phát lòng Bồ Đề, một lòng quy mạng đức A Di Đà, nguyện về Cực Lạc". Xưa Phật lập thệ: "Nếu chúng sanh nào muốn về nước ta, hết lòng xưng danh, cho đến mười niệm, như không được sanh, ta không thành Phật. Con nguyện nương nhờ, từ lực của Phật, tội diệt phước sanh. Con nguyện lâm chung, biết ngày giờ trước, dứt trừ chướng ngại, Phật cùng Thánh Chúng, tiếp dẫn vãng sanh, mau ngộ Phật Thừa, độ khắp muôn loại".

Môn Thập Niệm Hồi Hướng trên đây là phương pháp rất thiết yếu của tiên đức đã chỉ dạy. Môn nầy rất được thạnh truyền và có lợi ích cho đời, người niệm Phật nên tuân hành.

24. Hỏi: Đối với người ở trong lưới tục, Cổ đức đã tùy lượng mà chỉ dạy phương pháp rất cặn kẻ rõ ràng. Nhưng với chúng tôi là hạng người thế ngoại, lại phải làm sao để dụng công?

Đáp: Trước tôi đã nói pháp tu có nhiều loại tổng nhiếp thành ba môn. Trong ba môn ấy, mỗi người tùy ý mình lựa chọn hoặc chuyên tu hay kiêm tu, chỉ yếu tâm chân thiết và giữ cho bền lâu, tự sẽ có kết quả.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ HOẶC VẤN

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

25. Hỏi: Phương tu viên quán, pháp niệm duy tâm, dường như hành môn của bậc thượng khí. Còn mười nguyện trong kinh Hoa Nghiêm, mười tâm trong kinh Bảo Tích, cũng là dụng công của hạng lợi căn. Nếu như căn khí không xứng hợp, e cho công hạnh khó thành! Nay tôi tự xét căn tánh và sở thích của mình, thì chỉ nên chuyên trì danh hiệu, nếu rảnh thì thêm lễ Phật sám hối mà thôi. Ý Đại sư như thế nào?

Đáp: Lành thay! Ông biết tự lượng đó! Xét qua lời ông nói thật rất hợp với thuyết chuyên tu vô gián của Thiện Đạo Đại sư. Thuyết ấy đại khái như sau:

Chuyên tu là do chúng sanh phần nhiều chướng nặng, tâm tưởng thô phù, ý thức rối loạn, mà quán cảnh lại quá tinh tế, nên công hạnh khó thành. Do đó nên đấng đại thánh xót thương, bảo chuyên xưng ngay danh hiệu; vì xưng danh rất dễ, nếu giữ mỗi niệm tương tục, liền được vãng sanh. Kẻ nào suốt đời hành trì như thế, thì mười tu mười người về, trăm tu trăm người về. Bởi tại sao? Vì không tạp duyên nên dễ được chánh niệm. Vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau. Vì không trái giáo pháp. Vì thuận theo lời Phật dạy. Nếu bỏ chuyên tu mà hành theo tạp hạnh để cầu sanh thì trong trăm ngàn người chỉ hy vọng được ba bốn. Sở dĩ như thế, vì bởi tạp duyên loạn động làm mất chánh niệm. Vì trái bản nguyện của Phật. Vì trái giáo pháp. Vì không thuận theo lời Phật dạy. Vì sự hệ niệm không nối tiếp nhau. Vì không tương tục để báo ân Phật. Vì tuy có hạnh lành mà tương ưng với danh lợi. Vì ưa theo tạp duyên mà làm chướng sự sanh Tịnh Độ cho mình và người.

Vô gián tu là thân chuyên lễ Phật A Di Đà, không lễ vị thánh nào khác; miệng chuyên xưng danh Phật A Di Đà, không trì tụng các kinh và xưng danh hiệu khác; ý chuyên tưởng Phật A Di Đà, không xen tạp các tưởng niệm khác. Lại khi những nghiệp tham, sân, si, nổi lên làm cho công tu gián đoạn, phải tùy phạm tùy sám hối, đừng để qua cách ngày, cách đêm, cách giờ. Phải làm sao giữ một niệm thanh tịnh, không xen tạp, không hở dứt, đó mới thật là vô gián tu.

Trên đây là pháp chuyên tu vô gián của Thiện Đạo Đại sư. Theo Thiên Trúc Truyện, Đại sư là hóa thân của Phật A Di Đà. Chỗ lập thuyết của ngài, điểm chính yếu là ở nơi niệm niệm tương tục. Cô Sơn Hòa Thượng cũng bảo: "Chẳng nên xưng danh tán loạn, phát nguyện lơ là". Và Vĩnh Minh Đại Sư cũng dạy: "Phải một lòng quy mạng, trọn kiếp tinh tu khi ngồi nằm thường hướng về Tây. Lúc lễ bái, niệm Phật, phát nguyện, phải khẩn thiết chí thành, không xen lẫn tạp niệm, trạng như người sắp bị hình lục, như kẻ đang ở lao tù, như người gặp giặc oán rượt theo, như bị nạn nước lửa bức bách, một lòng cầu cứu, nguyện thoát khổ luân, mau chứng vô sanh, để nối ngôi Tam Bảo, đền đáp bốn ân, độ loài hàm thức. Chí thành như thế, tất công phu không uổng. Trái lại, nếu lời và hạnh không hợp nhau, lòng tin không vững chắc, niệm lực thường gián đoạn không tương tục, đem sự biếng trễ ấy để mong vãng sanh, thì e cho khi lâm chung khó gặp bạn lành, bị sức nghiệp lôi kéo, sự đau khổ ép bức mà không thành chánh niệm. Vì sao? Bởi việc hiện tại là nhân, lúc lâm chung là quả; nhân phải cho thật, quả mới không hư, như âm thanh lớn thì tiếng vang dội rền xa, và hình ngay bóng mới thẳng vậy".

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ HOẶC VẤN

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

26. Hỏi: Tu làm sao cho mỗi niệm nối nhau, thật ra tôi vẫn muốn được như thế. Song chỉ hiềm định lực chưa thành, niệm đầu không chủ, hoặc tri giác cũ khó quên, hoặc tư tưởng vọng nổi dậy, hoặc xúc đối cảnh duyên tự kềm giữ không vững, hoặc tâm tình rối loạn cố ngăn dẹp chẳng kham. Cứ ngồi vào lần chuỗi một lúc, là tâm niệm đã chạy hết đông sang tây, bất giác nó đã đi xa cách mấy ngàn muôn dặm hồi nào, cũng không tự hay biết. Có khi phải bận lo một việc chi, thì luôn trong năm mười ngày hoặc đến cả tháng, tâm trí vẫn vướng vít chưa quên, chỉ dẹp trừ nó còn chưa xong, nói gì đến việc gián đoạn! Điều nầy thốt ra thật đáng hổ thẹn, song nghĩ lại cũng đáng thương tâm! không biết có cách gì đối trị chăng, xin nhờ Đại sư chỉ bảo?

Đáp: Đó là căn bịnh chung của hầu hết người tu. Trong lúc ấy nếu ông không thống thiết tự trách răn, thì khó mà thành tựu pháp chuyên tu vô gián. Tôi nghe người xưa có ba điều thống thiết tự trách răn, nay vì ông tỏ bày, nên ghi nhớ cho kỹ:

- Điều thứ nhất là phải nghĩ đến sự báo ân. Người tu có những ân trọng. Hãy tạm gác qua ân Phật ân thầy, như ông là phận xuất gia, công ơn sanh dưỡng của cha mẹ há chẳng phải là sâu nặng ư? Ông đã lìa tục xuất gia, vì đi học đạo nên phải xa cách quê quán nhiều năm, cha mẹ nhọc nhằn cực khổ ông cũng không biết, khi già yếu đau bịnh lại cũng không hay mà săn sóc thuốc thang. Đến lúc cha mẹ mãn phần, ông không biết, hoặc có được tin gì về cũng đã trễ muộn. Khi ông còn nhỏ, có khi cha mẹ vì nuôi nấng thương lo cho con mà gây ra nhiều tội nghiệp, lúc chết rồi hoặc bị đọa vào nẻo khổ, hy vọng ông cứu độ, như khát chờ uống, như hạn trông mưa. Nếu ông tu hành lơ láo tất tịnh nghiệp không thành; đã không thành thì tự cứu chưa xong, làm sao cứu được cha mẹ? Đối với song thân ông đã lỗi phần phụng dưỡng về thể chất, mà còn không cứu độ được phần hương linh, tức là phụ nghĩa quên ân, là người đại bất hiếu. Kinh nói: 'Phạm tội bất hiếu, sẽ bị đọa vào địa ngục.' Thế thì tâm niệm gián đoạn không chuyên tu, chính là nghiệp địa ngục vậy.

Lại ông không dệt mà mặc, không cày mà ăn. Phòng, nhà, chăn, gối, cơm áo, thuốc thang đều do đàn việt cúng dâng. Tổ sư từng răn dạy: Hàng thiện tín vì sùng kính Tam Bảo đã chia cắt bớt phần ăn của gia đình đem đến cúng dường. Nếu người tu đạo hạnh không tròn, thì dù là tấc vải hạt cơm, kiếp sau cũng phải đền trả. Muốn báo ân đàn việt ông phải lo chuyên tu tịnh nghiệp để độ mình độ người. Nếu ông sanh một niệm gián đoạn không chuyên. Tất đã có phần trong kiếp luân hồi vay trả. Và tâm niệm ấy chính là nghiệp hạ tiện hoặc súc sanh vậy.

- Điều thứ hai là phải có chí quyết định. Người tu hành phải kiên quyết để đi đến kết quả. Ông một đời tham thiền đã chẳng ngộ thiền, khi học giáo lại không tinh về giáo. Cho đến ngày nay tâm địa chưa lắng yên, niệm đầu còn sôi nổi, khi thì muốn làm thi, lúc lại thích tả tự, khi thì thuyết giáo, lúc lại đàm thiền, ý chí ly tán đi ba bốn nẻo. Tổ sư đã bảo: "Tâm niệm còn vướng mắc, đó là nghiệp luân hồi. Tình tưởng vừa sanh ra, muôn kiếp bị ràng buộc". Sở dĩ ông chưa được chánh niệm, là do vì còn tình tưởng phân vân, và tình tưởng còn phân vân cũng bởi chí không quyết định. Cho nên người tu mà ý chí không nhất quyết, đó chính là đầu mối của sự sa đọa tam đồ vậy.

Lại nếu người tu ý chí không quyết định, thì không thể gìn giữ giới căn. Do ý niệm phân vân nên không thể thâu nhiếp thân và khẩu. Kinh nói: "Thà lấy nước đồng sôi rót vào miệng, nguyện không để miệng phá giới nầy thọ các thức ăn uống của tín tâm đàn việt. Thà dùng lưới sắt nóng quấn thân thể mình, nguyện không để thân phá giới nầy thọ những y phục của tín tâm đàn việt". Phương chi, do các giới không trang nghiêm, nên tâm càng vọng động; nhân sự vọng động ấy mà phần chuyên tu bị gián đoạn. Thế thì một niệm gián đoạn, đâu chỉ là nghiệp nhân của lưới sắt nóng và nước đồng sôi ư?

Và nếu người tu ý chí không quyết định, tất không nhận rõ tướng đời giả huyễn, dễ chạy theo danh lợi hư phù. Khi danh lợi thuộc về mình thì sanh lòng mê đắm, danh lợi thuộc kẻ khác lại sanh lòng ganh ghét hơn thua. Cổ đức bảo: "Tham đắm danh lợi đi về nẻo súc, đường quỷ, buông lòng thương ghét đồng vào hầm lửa vạc dầu!" Thế thì một niệm gián đoạn chính là ngạ quỷ, hầm lửa vậy.

- Điều thứ ba là cầu sự ứng nghiệm. Người đã tu tịnh nghiệp, nên cố gắng làm sao cho có sự ứng nghiệm. Kiếp người mong manh, vô thường chẳng hẹn. Như ông nay tóc đã điểm bạc, da đượm nét nhăn, tướng suy tàn hiện rõ, kỳ lâm chung phỏng còn được mấy ngày? Vậy ông phải cố gắng chuyên tu, làm sao cho có triệu chứng vãng sanh chắc chắn. Như khi xưa, Huệ Viễn Pháp Sư ở Lô Sơn, ba phen thấy Phật xoa đầu. Lại như Hoài Cảm Pháp Sư chí thành xưng danh hiệu Phật, liền thấy đức A Di Đà phóng ánh quang minh, hiện ra tướng hảo. Và như Thiếu Khang Pháp Sư khi niệm Phật một câu, đại chúng liền thấy một vị Phật từ nơi miệng bay ra, cho đến trăm ngàn câu cũng như thế, tợ hồ các hạt chuỗi nối tiếp nhau. Những sự ứng nghiệm như thế có đến muôn ngàn. Nếu tâm ông không gián đoạn, thì thấy Phật rất dễ; như còn gián đoạn, tất khó thấy Phật. Đã không thấy Phật thì cùng với Phật vô duyên. Và đã vô duyên quyết khó sanh Tịnh Độ. Khi không được sanh về Tịnh Độ tất sớm muộn gì cũng bị đọa vào ác đạo. Thế thì một niệm gián đoạn chính là nghiệp tam đồ vậy. Phải nên răn dè và suy nghĩ kỹ!

Ba điều cảnh sách trên, người tu tịnh nghiệp phải ghi nhớ suy nghĩ rồi tự trách răn một cách thống thiết, làm sao cho tâm không rời Phật, Phật chẳng rời tâm, đạo cảm ứng giao thông, hiện đời được thấy Phật. Đã thấy đức Phật ở Cực Lạc, tức thấy chư Phật khắp mười phương, và thấy chư Phật mười phương, tức thấy vị Phật thiên chân của tự tánh. Khi thấy được Phật tự tánh, thì sự đại dụng sẽ hiện tiền. Chừng ấy mới theo lòng bi nguyện, độ khắp quần sanh. Đó gọi là Tịnh Độ Thiền mà cũng là Thiền Tịnh Độ vậy. Thế thì ý của ngài Vĩnh Minh nói: "Có Thiền có Tịnh Độ, dường như cọp mọc sừng, đời nay làm thầy người, đời sau làm Phật Tổ", há chẳng là ứng nghiệm trong giai đoạn này ư? Phải nên cố gắng!

Thiền giả nghe xong vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, lặng lẽ giây lâu, dường như tìm được vật chi đã mất. Thiên Như lão nhơn lại bảo: "Thiền cùng Tịnh Độ vẫn không hai, nếu liễu thì liễu cả, mê cũng đồng mê, bởi ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm, đừng nên lầm nhận!' Thiền thượng nhơn liền đảnh lễ mà thưa rằng: "Tôi rất may mắn được nhờ ơn chỉ bảo, nay đã biết đường về!" Rồi từ tạ mà lui.

- Lời phụ:

"Thiền cùng Tịnh Độ vẫn không hai, nếu liễu thì liễu cả, mê cũng đồng mê". Lời của Thiên Như Đại sư quả thật xác đáng. Bởi chân tâm bao hằng sa muôn pháp, hàm vô biên quốc độ, nơi Thiền gọi là Bản Lai Diện Mục, nơi Tịnh gọi là Tự Tánh Di Đà. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Mười phương hư không sanh trong tâm ông như áng mây nổi điểm giữa trời xanh rộng lớn bao la, huống chi vô lượng thế giới ở trong hư không ư?" Cổ đức cũng bảo: "Hằng sa pháp ấy Bồ đề đạo, nghĩ đến Bồ Đề cách vạn tầm!" Vì chân tâm bao hàm muôn tượng nên nếu người tu Thiền mà hiểu Thiền bằng lý không không, rồi bác chẳng có Cực Lạc, bác sự cầu sanh, tất chưa phải là người hiểu Thiền. Sở dĩ ngài Thiên Như nhiều phen cặn kẽ chỉ bày là để phá mối chấp không đó. Về phần thể, chân tâm sáng lạng bao hàm vô biên thế giới, gọi là Thiền Tịnh Độ và vô lượng thế giới ảnh hiện trong chân tâm, tất cả đều tịch tịnh như huyễn, gọi là Tịnh Độ Thiền. Về phần dụng, hành giả khi đã ngộ tánh bản lai, rồi khởi lên bi nguyện tu những hạnh trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh, gọi là Thiền Tịnh Độ và nếu dùng môn Tịnh Độ để nhiếp hóa hữu tình trở về chân tánh, gọi là Tịnh Độ Thiền.

Tóm lại, Thiền tức Tịnh Độ, Tịnh Độ tức là Thiền. Nếu bác Tịnh Độ chính là chưa hiểu rõ Thiền, và bác Thiền cũng chẳng suốt thông Tịnh Độ. Liễu thì liễu cả, mê cũng đồng mê, bởi do lý đó.

- Đề Bạt:
  • Tức tâm là độ lý không ngoa
    Tịnh khác Thiền đâu vẫn một nhà
    Phước kết trang nghiêm phần sắc tướng
    Huệ tuôn vô ngại cõi hằng sa
    Trời Tây sáng lạ màu vi diệu
    Nguyện Phật thâm sâu đức hải hà
    Ngoảnh lại đường tu ai sớm tỉnh?
    Nỗi thương ác đạo mãi vào ra!

Tây Trai Lão Nhơn
Thiên Như Đại Sư.

- HẾT -
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Bing [Bot]34 khách