LUẬN TỊNH ĐỘ

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

(4) Kinh Cổ Âm Thanh Vương ghi:

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:

- Một thời đức Phật cùng nhóm họp với năm trăm đại tỳ kheo ở cạnh ao Già Linh trong nước Chiêm Ba. Bấy giờ, Phật bảo các tỳ kheo: "Nay ta sẽ nói đầy đủ cho các ông nghe về thế giới An Lạc ở Tây phương, nơi hiện đang có đức Phật hiệu A Di Đà. Nếu Tứ chúng có thể chính niệm thụ trì danh hiệu Phật ấy, nhờ công đức ấy, lúc họ lâm chung, Phật A Di Đà sẽ cùng Thánh chúng hiện đến chỗ họ khiến cho họ được thấy. Nhìn thấy Phật ấy rồi, họ liền vui mừng, công đức tăng gấp bội. Nhờ nhân duyên ấy, người ấy mãi mãi xa lìa thân hình thai sinh nhơ bẩn, mà chỉ tự nhiên hóa sinh trong hoa sen báu tươi đẹp, đầy đủ thần thông, ánh sáng rực rỡ. Lúc ấy, vô số chư Phật trong mười phương đều cùng khen ngợi thế giới An Lạc kia có Phật pháp không thể nghĩ bàn, thần thông hóa hiện và các thứ phương tiện không thể nghĩ bàn. Nếu có người tin việc như thế, nên biết, người ấy là người không thể nghĩ bàn, nghiệp báo của người ấy cũng không thể nghĩ bàn. Xưa kia, A Di Đà Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri và các Thanh Văn cùng ở trong cõi nước tên là Thanh Thái. Kinh thành của vua nước ấy có chiều dài và chiều rộng mỗi bề mươi ngàn do tuần, trong thành có rất nhiều người thuộc dòng Sát đế lợi. A Di Đà Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri có cha là Chuyển Luân Thánh Vương Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan, con tên Nguyệt Minh, đệ tử hầu cận tên Vô Cấu Xưng, đệ tử trí tuệ tên Lãm Quang, đệ tử thần túc tên Đại Hóa. Bấy giờ, có Ma vương tên là Vô Thắng, Đề Bà Đạt Đa tên Tịch Tĩnh. Phật A Di Đà thường cùng tụ hội với hai vạn tỳ kheo.

Nếu có người thụ trì danh hiệu Phật ấy, giữ tâm bền vững, nhớ nghĩ không quên trong mười ngày mười đêm, tâm hết tán loạn, siêng năng tu tập Niệm Phật Tam muội, biết đức Phật kia thường trụ ở thế giới An Lạc, nhớ nghĩ liên tục như thế, không để bị gián đoạn; hoặc thụ trì đọc tụng Cổ Âm Thanh Vương Đại Đà la ni, trong mười ngày mười đêm, sáu thời chuyên niệm, năm vóc sát đất kính lễ Phật kia, giữ vững chính niệm, trừ hết tán loạn; nếu giữ được niệm niệm không gián đoạn trong mười ngày, thì chắc chắn thấy được Phật A Di Đà, đồng thời thấy được các đức Như Lai và các trụ xứ của các Ngài trong mười phương thế giới. Chỉ trừ người căn tính đần độn và nghiệp chướng nặng nề thì dù muốn thấy thoáng qua cũng không thể được. Nên hồi hướng tất cả những thiện hạnh ấy, nguyện được vãng sinh về thế giới An Lạc, thì lúc lâm chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng sẽ hiện đến trước mặt an ủi và khen ngợi, người ấy liền được vãng sinh”.

Giải thích: Căn cứ kinh này, người niệm Phật mười ngày liền được thấy Phật A Di Đà, chẳng nói phải đến lúc lâm chung mới thấy Phật.

(5) Kinh Xưng Dương Chư Phật Công Đức ghi:

- Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cách đây về phía Tây mười vạn ức cõi Phật có thế giới tên là An Lạc. Cõi nước ấy có đức Phật hiệu A Di Đà Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chính Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Chúng Hựu. Đức Phật ấy độ vô số người. Nếu có người được nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Như Lai, một lòng tin ưa, thụ trì tụng niệm danh hiệu Ngài, sinh lòng vui mừng vô cùng, an lập tâm ý, hết mức chân thành, vô cùng tín tâm, nhớ nghĩ đức Như Lai kia, người ấy sẽ được vô lượng phúc, mãi mãi xa lìa ách khổ Tam đồ, sau khi qua đời, sẽ vãng sinh về cõi Phật kia. Lúc lâm chung, người ấy một lòng tin ưa, nhớ nghĩ Phật ấy không gián đoạn, Phật A Di Đà sẽ cùng các tỳ kheo hiện đến trước mặt người ấy, không có trở ngại nào hủy hoại được tâm Chính Đẳng Giác của người ấy. Vì sao vậy? Vì đức Phật ấy khởi tâm Đại bi thề cứu giúp tất cả vô lượng chúng sinh, và bảo vệ tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới. Những chúng sinh được sinh về thế giới An Lạc ấy sẽ được đầy đủ trí tuệ của bậc Như Lai Chính Đẳng Giác. Xá Lợi Phất! Bản thệ nguyện của đức Phật ấy là: Nếu có người cầu Đệ nhất thừa, sẽ ở trong thế giới Phật ấy chứng được đầy đủ pháp của chư Phật, đầy đủ Chính giác phần(60). Nếu người nào cầu Thanh văn thừa, sẽ ở trong cõi nước Phật kia chứng được quả A la hán. Người vãng sinh về cõi Phật kia, tùy điều nguyện của mình muốn được quả Tiểu thừa hay Đại thừa, đều sẽ được đầy đủ ở cõi ấy. Nếu có người vào lúc sau cùng của cuộc đời được nghe danh hiệu Phật A Di Đà, ca ngợi, tin thật lòng, chí tâm cung kính, nhớ nghĩ Ngài như nhớ nghĩ cha mẹ, những người có tâm ý như thế đều sẽ thỏa mãn các nguyện của mình ở cõi nước Phật kia. Nếu người nào tin, nhưng không ca ngợi công đức xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mà lại bài bác, sẽ đọa địa ngục, chịu đủ các đau khổ trong năm kiếp.

Giải thích: Theo kinh này, nhớ nghĩ Phật như nhớ nghĩ cha mẹ, mới được vãng sinh.

(6) Kinh Phát Giác Tịnh Tâm ghi:

"Bấy giờ Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

- Thưa Thế Tôn, Như Lai ca ngợi A Di Đà Như Lai. Có mười điều phát tâm, nếu ai muốn sinh về cõi kia, cứ theo đó tùy ý phát nguyện, thì liền được sinh về cõi đó. Vậy mười điều phát tâm để sinh về cõi kia là gì?

Phật bảo Bồ tát Di Lặc:

- Những điều phát tâm đó không phải của người trí tuệ kém cỏi, mà là của người muốn làm việc lớn. Người muốn sinh về cõi nước của Phật A Di Đà thì phải:

a. Phát tâm từ vì tất cả chúng sinh, không sinh lòng oán giận, thì sẽ sinh về cõi Phật A Di Đà.

b. Khởi tâm từ bi vì tất cả chúng sinh, thì sẽ sinh về cõi Phật kia.

c. Phát tâm lìa bỏ sát sinh, thụ trì chính pháp, thì sẽ sinh về cõi Phật kia.

d. Quên thân mạng, phát tâm không đắm chấp tất cả pháp, thì sẽ sinh về cõi kia.

e). Khởi hạnh nhẫn nhục sâu sắc, có lòng tin thanh tịnh, thì sẽ sinh về cõi kia.

f. Phát tâm không mê đắm tiếng tăm, lợi dưỡng và tất cả của báu, thì sẽ sinh về cõi kia.

g. Phát tâm luôn luôn nhớ quí trọng tất cả chúng sinh, thì sẽ sinh về cõi kia.

h. Phát tâm không sợ hãi và không theo các học thuyết thế gian, thì sẽ sinh về cõi kia.

i. Phát tâm tu bồ đề phần(61) và các căn lành, thì sẽ sinh về cõi kia.

j. Phát tâm luôn luôn không lìa việc nhớ nghĩ Phật, thì sẽ sinh về cõi kia, vì lìa được các tướng.

Này, Di lặc! Mười điều phát tâm này, nếu Bồ tát phát khởi tâm niệm một khi đầy đủ, sẽ sinh về cõi Phật A Di Đà. Nếu không được sinh về đó thì thật vô lý".

Giải thích: Đây không phải là mười niệm trong Quán Kinh. Mười niệm này được thực hành trong hiện tại, mười niệm của Quán Kinh phải thực hiện lúc lâm chung.

GHI CHÚ:

(60): Tức Chính giác, là giác trí chân chính chứng ngộ tất cả các pháp, tức là thật trí của Như Lai.

(61): Còn gọi Giác chi, Giác phần, chỉ chung ba mươi bảy phẩm trợ đạo, là những phương pháp tu hành tìm cầu trí tuệ, gồm: Tứ niệm trụ, Tứ chính cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chính đạo.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

(7) Kinh Đại Tập ghi:

"Phật bảo Hiền Hộ:

- Trong đây, những tam muội nào có thể sinh công đức như thế? Tư duy chư Phật hiện tiền tam muội là pháp có thể sinh công đức như thế. Hiền Hộ! Tại sao gọi là Tư duy chư Phật hiện tiền tam muội của Bồ tát? Hiền Hộ! Nếu có tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di giữ gìn giới luật thanh tịnh, tu tập đầy đủ các hạnh, ở một mình chỗ vắng vẻ, nghĩ rằng ở mọi nơi, nếu có ai nghe nói về A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác, theo điều được nghe, người ấy nên nghĩ: Như điều ta được nghe, A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác kia hiện đang ở Tây phương, cách đây hơn trăm ngàn cõi Phật. Nơi đó có thế giới tên An Lạc. Đức Như Lai ấy hiện đang ở đó, có các Bồ tát vây quanh. Ngài đang thuyết pháp, giáo hóa mọi người. Người ấy theo những điều nghe được về Phật, chú tâm tư duy, quán sát không ngừng, rõ ràng rành mạch, cuối cùng được thấy A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác kia.

Lại nữa, Hiền Hộ! Ví như trong thế gian có người thiện nam, thiện nữ thấy các việc trong mộng như: Vàng, bạc, các thứ báu, các kho báu, hoặc thấy bạn bè và các bậc thầy sáng suốt..., đến khi tỉnh dậy thì lòng không còn vui như trong mộng. Những cảnh trong mộng của người ấy có nghịch, có thuận, có vui, có buồn. Có lúc nói năng vui vẻ thì vô cùng vui, có lúc buồn rầu thì hết sức thương đau. Tỉnh ngủ rồi, người ấy suy nghĩ, nhớ lại những cảnh thấy trong mộng, kể đầy đủ cho mọi người nghe. Mỗi khi hồi tưởng việc trong mộng liền vui hoặc buồn. Cũng như thế, Hiền Hộ! Người thiện nam, thiện nữ kia ngồi ngay ngắn chú tâm chuyên tưởng A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác kia có tướng hảo như vậy, oai nghi như vậy, đại chúng như vậy, thuyết pháp như vậy, y theo những điều được nghe, tập trung tâm ý, giữ nhất tâm liên tục, dần dần tâm hết tán loạn. Hoặc trải qua một ngày, hoặc lại thêm một đêm, hoặc cứ như thế đến bảy ngày bảy đêm, nhớ nghĩ đầy đủ đúng những điều mình được nghe, người ấy chắc chắn sẽ thấy A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác. Nếu ban ngày không thấy, thì vào ban đêm hoặc trong giấc mộng hẳn Phật A Di Đà sẽ hiện đến".

Giải thích: Theo kinh này, chỉ cần tưởng nghĩ đến Phật bảy ngày thì hiện tại liền được thấy Phật, chẳng phải đợi đến lúc qua đời.

(8) Kinh Vãng Sinh ghi:

"Đại Bồ tát Phổ Quảng bạch Phật:

- Thưa Thế Tôn, các cõi nước tịnh diệu của chư Phật ở khắp mười phương có khác nhau không?

Phật nói:

- Này Phổ Quảng! Các cõi nước ấy không khác nhau.

Bồ tát Phổ Quảng lại hỏi:

- Thưa Thế Tôn, tại sao trong kinh khen ngợi cõi Phật A Di Đà có cây cối, cung điện, lầu gác đều bằng bảy thứ báu? Thế thì, người phát nguyện sinh về đó đều là theo sự mong muốn trong lòng mình, hễ nghĩ tới thì liền đến được đó chăng?

Phật bảo Đại Bồ tát Phổ Quảng:

- Ông không hiểu ý ta. Người ở thế giới Ta bà có nhiều tham muốn ô trược, nên ít ai tin theo đường chính, nhiều kẻ học theo thói tà, không tin chính pháp, tâm ý không thể chuyên chú mà thường tán loạn, không có ý chí. Mười phương thế giới thực không khác nhau, nhưng vì muốn chúng sinh chuyên tâm vào cảnh Tây phương, cho nên trong kinh khen ngợi cõi nước ấy mà thôi. Những người vãng sinh, tùy theo nguyện của mình, đều được chứng quả”.

Giải thích: Theo kinh này, một mực chuyên tâm quán tưởng cảnh Tây phương thì liền được vãng sinh.

(9) Kinh Dược Sư ghi:

Nếu bốn hàng đệ tử Phật: Tỳ kheo, tỳ kheo ni, thanh tín sĩ, thanh tín nữ thường ăn chay sáu ngày mỗi tháng và ba tháng trường chay mỗi năm, hoặc ngày đêm siêng năng, một lòng tu khổ hạnh, nguyện muốn sinh về cõi Phật A Di Đà ở Tây phương, đêm ngày nhớ nghĩ Phật ấy, được một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc bảy ngày, rồi lại hối hận giữa chừng, sau đó nghe ta nói công đức và bản nguyện của Phật Lưu Ly Quang. Người đó cuối đời lúc lâm chung, sẽ được tám vị Bồ tát: Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Bảo Đàn Hoa, Bồ tát Vô Tận Ý, Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Dược Thượng, Bồ tát Di lặc sẽ bay đến tiếp rước thần thức, không để người ấy phải rơi vào Tám nạn(62), được sinh trong hoa sen, nghe âm nhạc liền được vui sướng.

Giải thích: Theo kinh này, người niệm Phật bảy ngày, dù có sinh tâm hối hận, nhưng lại được nghe danh hiệu Phật Dược Sư, thì vẫn được vãng sinh.

(10) Kinh Bát Chu ghi:

Đức Phật bảo Bạt Đà Hòa:

- Một vị Bồ tát ở cõi này thường xuyên niệm Phật A Di Đà. Nhờ niệm như thế, vị ấy được thấy Phật A Di Đà. Thấy Phật rồi, vị ấy theo hỏi Phật: "Nên thụ trì pháp gì để được sinh về cõi nước của Phật A Di Đà". Bấy giờ, Phật A Di Đà bảo Bồ tát ấy: "Người muốn sinh về cõi nước của ta, phải thường chuyên niệm danh hiệu ta. Thường chuyên niệm danh hiệu Phật sẽ được công đức thù thắng nhất trong tất cả các hạnh".

Giải thích: Theo kinh này, cũng phải niệm Phật mới được vãng sinh.

(11) Kinh A Di Đà (Đại bản) ghi:

Người muốn sinh về cõi nước Phật A Di Đà, phải nên giữ gìn trai giới, một lòng thanh tịnh, ngày đêm thường niệm danh hiệu Phật trong mười ngày mười đêm không gián đoạn, ta sẽ thương xót làm cho họ được vãng sinh về cõi nước của ta. Trái lại, nếu không thể làm như vậy, phải tự suy nghĩ, tính toán kỹ, muốn độ thoát thân mình thì phải luôn luôn nghĩ nhớ đến việc khử bỏ ái dục, đừng nhớ nghĩ việc nhà, không ngủ chung với phụ nữ, giữ thân tâm đoan chính, dứt trừ ái dục, một lòng trai giới thanh tịnh, chí tâm niệm Phật cầu sinh về cõi Phật A Di Đà. Người thực hành như thế được một ngày một đêm không gián đoạn, rồi qua đời, thì đều vãng sinh về cõi nước kia, hóa sinh trong hoa sen ở ao bảy báu.

Giải thích: Theo kinh này, nếu có thể niệm Phật, giữ giới, không ngủ cùng giường với phụ nữ chỉ một ngày một đêm, thì cũng được vãng sinh.

(12) Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Giác ghi:

Nếu người thiện nam, thiện nữ nào nghe ta nói pháp môn Tịnh Độ, trong lòng vừa thương cảm vừa mừng rỡ đến độ chân lông dựng đứng, nên biết, người ấy đã tu hành Phật đạo trong đời quá khứ. Nếu lại có người nghe giảng pháp môn Tịnh độ, mà không tin, nên biết, người ấy vừa mới thoát khỏi ba đường ác, tội lỗi chưa hết, vì thế, họ không tin theo Tịnh độ. Ta nói người này chưa thể được giải thoát.

Giải thích: Theo kinh này, người nghe nói Tịnh độ mà sinh lòng tin ưa, thì đều là người trong quá khứ đã từng cúng dường chư Phật. Nhờ nhân quá khứ ấy, hiện tại người ấy niệm Phật A Di Đà cho đến mười niệm thì chắc chắn được vãng sinh.

GHI CHÚ:

(62): Tám nơi khổ nạn ngăn trở chúng sinh đến với đạo pháp, gồm:

1. Nạn địa ngục,
2. Nạn ngạ quỉ,
3. Nạn súc sinh,
4. Nạn sinh lên cõi trời Trường Thọ,
5. Nạn sinh ở cõi Uất đan việt,
6. Nạn đui, điếc, câm,ngọng,
7. Nạn thế trí biện thông,
8. Nạn sinh trước Phật và sau Phật.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

2. DẪN CHỨNG LUẬN

Có bảy bộ.

(1) Luận Vãng Sinh ghi:

- Nếu người thiện nam, thiện nữ tu tập năm môn niệm được thành tựu thì cuối cùng sẽ được sinh về cõi nước An Lạc, được diện kiến Phật A Di Đà. Năm môn niệm là gì? Đó là lễ lạy, ca ngợi, phát nguyện, quán sát, hồi hướng. Năm môn này là Nhân môn.

Nên biết, còn có năm môn giúp thành tựu tuần tự năm thứ công đức. Năm môn đó là gì? Đó là:

a. Cận môn.
b. Đại hội chúng môn.
c. Trạch môn.
d. Ốc môn.
e. Viên lâm du hí trì môn.

Trong năm môn này, bốn môn đầu giúp thành tựu công đức Nhập, môn thứ năm giúp thành tựu công đức Xuất.

- Môn Nhập thứ nhất: Do lễ lạy Phật A Di Đà để cầu sinh cõi kia, nên được sinh về thế giới Cực Lạc.

- Môn Nhập thứ hai: Do ca ngợi Phật A Di Đà, thuận theo ý nghĩa danh hiệu mà xưng niệm Như Lai, và căn cứ theo trí tướng rực sáng của Như Lai mà tu hành, nên được vào hội chúng đông đảo.

- Môn Nhập thứ ba: Do nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Phật và phát nguyện sinh về cõi nước kia, tu tập Samatha (tịch tĩnh, tam muội), nên được vào thế giới Liên Hoa Tạng.

- Môn Nhập thứ tư: Do chuyên tâm quán sát sự trang nghiêm vi diệu của cõi kia, tu Tỳ Bà Xá Na(63), nên được đến cõi kia, thụ dụng hỉ lạc của pháp vị.

- Môn Xuất thứ năm: Dùng tâm từ bi quán sát tất cả chúng sinh đau khổ, thị hiện Ứng hóa thân, trở vào trong vườn sinh tử, rừng phiền não, dùng Du hí thần thông đến chỗ cần giáo hóa, theo sức bản nguyện mà hồi hướng.

Nên biết bốn môn Nhập của Bồ tát giúp tự thành tựu hạnh tự lợi, môn Xuất thứ năm của Bồ tát giúp thành tựu hạnh lợi tha và hồi hướng. Bồ tát tu năm môn như thế sẽ chóng thành tựu A nậu đa la tam miệu bồ đề.

Giải thích: Đây là Quả môn.

(2) Luận Khởi Tín ghi:

- Lại nữa, chúng sinh lúc mới học pháp môn này để mong cầu chính tín, tâm họ thường yếu đuối, vì ở thế giới Ta bà này họ tự sợ không thể thường xuyên gặp chư Phật để gần gũi cúng dường, sợ khó thành tựu được tín tâm, nên có ý muốn lui sụt. Nên biết Như Lai có phương tiện ưu việt giúp họ vững lòng tin: Nhờ nhân duyên chuyên tâm niệm Phật, nên tùy nguyện được sinh về cõi Phật ở phương kia, thường diện kiến Phật, mãi lìa xa đường ác. Như Kinh ghi: Nếu người nào chuyên niệm Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc thì liền được vãng sinh, thường được gặp Phật, không bao giờ bị lui sụt. Nếu quán pháp thân chân như của Phật kia, luôn luôn siêng năng tu tập, cuối cùng sẽ được vãng sinh, trụ ở chính định tụ.

Giải thích: Theo luận này, ở cõi Ta bà tu tín tâm không thể thành tựu, nên Phật dạy cầu đến Tây phương tu tập. Chúng sinh như thế lẽ nào là Bồ tát từ hàng Thập giải (Thập trụ) trở lên?

GHI CHÚ:

(63) Dịch âm của chữ Phạn vipa’sanā, nghĩa là Quán, là pháp tu dùng tuệ tịch tĩnh quán sát sáu căn, sáu trần khiến thành tựu tam muội và tiến đến Bồ đề.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

(3) Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa:

Trong luận này, Bồ tát Long Thọ nói: Hành giả nên dùng kệ này để ca ngợi và tỏ lòng tôn kính Phật A Di Đà. Luận ghi:

- Bản nguyện của Đức Phật A Di Đà như thế này: Nếu người nào nhớ tưởng, xưng niệm danh hiệu Ta, và tự quay về nương tựa Ta thì chắc chắn chứng được quả A nậu đa la tam miệu bồ đề. Vì thế nên, phải luôn luôn nhớ nghĩ Ngài, dùng kệ ca ngợi:

Trí tuệ vô lượng quang
Thân như núi vàng ròng
Nay đem thân, khẩu, ý
Chí thành xin đỉnh lễ.

Thân vàng sáng vi diệu
Đến khắp các thế giới
Hiện thân tùy chúng sinh
Thế nên con kính lễ.

Nếu người lúc qua đời
Được sinh về nước kia
Liền đủ vô lượng đức
Thế nên con kính lễ.

Người hay niệm Phật này
Công đức lớn vô lượng
Liền vào chính định tụ.
Thế nên con thường niệm.

Người nước kia qua đời
Dù phải chịu các khổ
Cũng chẳng vào địa ngục
Nên con cung kính lễ.

Nếu người sinh nước kia
Thì chẳng sa đường ác
Và cả A tu la
Nay con cung kính lễ.

Trời, người giống thân tướng
Cũng như đỉnh núi vàng
Người phúc đức về đó
Nên con dập đầu lễ.

Người sinh về nước kia
Đủ thiên nhãn, nhĩ thông
Mười phương không ngăn ngại
Kính lễ Thánh Trung Tôn

Chúng sinh trong nước ấy
Thần biến và Thần thông(64)
Cũng đủ Túc mạng trí(65)
Nên con cung kính lễ.

Người sinh cõi nước kia
Không còn ngã, ngã sở
Không có tâm phân biệt
Nên con dập đầu lễ.

Vượt thoát ngục Tam giới
Tựa như cánh hoa sen
Chúng Thanh văn vô lượng
Nên con cúi đầu lễ.

Chúng sinh trong nước kia
Tâm tính đều nhu hòa
Tự nhiên tu Thập thiện
Kính lễ các Thánh vương

Do thiện sinh tịnh minh
Vô lượng vô biên giới
Bậc phước trí đệ nhất
Thế nên con kính lễ.

Nếu người nguyện làm Phật
Tâm niệm A Di Đà
Ngài liền vì họ hiện
Thế nên con kính lễ.

Sức bản nguyện Phật kia
Các Bồ tát mười phương
Đến cúng dường pháp Phật
Nên con dập đầu lễ.

Các Bồ tát cõi kia
Đầy đủ các tướng hảo
Đều tự trang nghiêm thân
Nay con dập đầu lễ.

Đại Bồ tát cõi ấy
Hàng ngày đều ba thời
Cúng dường Phật mười phương
Nên con cung kính lễ.

Nếu người trồng cội lành
Nghi ngờ, hoa không nở
Người tín tâm thanh tịnh
Hoa nở thấy Phật ngay.

Phật hiện tại mười phương
Dùng đủ các nhân duyên
Khen công đức Phật kia
Nay con cung kính lễ.

Cõi ấy được trang hoàng
Hơn các cung trời kia,
Công đức rất sâu dày
Nên con lễ chân Phật.

Tướng bánh xe chân Phật
Mềm mại, màu sen hồng
Người thấy đều vui vẻ
Cúi đầu lễ chân Ngài.

Bạch hào giữa lông mày
Như vầng trăng trong sáng
Làm rạng thêm nét mặt
Con kính lễ chân Phật.

Lúc xưa cầu Phật đạo
Thường làm việc diệu kỳ
Như các kinh ghi chép
Con dập đầu kính lễ.

Những lời Phật kia dạy
Phá trừ các gốc tội
Lời tốt lành lợi ích
Nay con cung kính lễ.

Đem lời tốt lành này
Cứu người bệnh ham vui
Đã độ, nay vẫn độ
Nên con cung kính lễ.

Vô thượng trong trời, người
Các trời cung kính lễ
Ma ni, đầu bảy báu
Nên con về nương lễ.

Tất cả Hiền Thánh chúng
Chư thiên và loài người
Con cung kính tất cả
Nên con cũng đỉnh lễ.

Nương thuyền Bát chính đạo
Vượt được biển khó vượt,
Tự độ và độ người
Con lễ bậc Tự tại.

Chư Phật vô số kiếp
Ca ngợi công đức ấy
Cõi nước cũng không hết
Kính lễ bậc Thanh tịnh.

Nay con cũng như vậy
Ca ngợi vô lượng đức
Đem cả phúc duyên này
Nguyện Phật thường nhớ con.

Nay con trong đời trước
Phúc đức dù lớn, nhỏ
Con nguyện ở chỗ Phật
Tâm thường được thanh tịnh.

Nay nhờ phúc duyên này
Được công đức thượng diệu
Nguyện cho khắp mọi loài
Cũng đều sẽ được cả.

GHI CHÚ:

(64): Tức Thần túc thông, là khả năng đến đi một cách tự tại.

(65): Tức Túc mạng thông, cũng gọi Túc trụ, là thần thông biết rõ được những việc thụ báo sai biệt, thiện ác, khổ vui trong một đời hoặc nhiều đời.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Kệ ca ngợi hai Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí:

Danh hiệu lớn: Quán Âm, Thế Chí
Công đức, trí tuệ đều vô lượng
Đầy đủ từ bi cứu thế gian
Dạo khắp mọi nơi độ chúng sinh
Bậc Thánh như thế thật khó gặp
Một lòng cung kính dập đầu lễ
Chúng sinh mãi ngủ trong vô minh
Chỉ bậc Đại bi này lay thức
Tùy duyên thị hiện các thân tướng
Như cha hiền luôn nghĩ nhớ con
Cúi xin Đấng từ bi cứu giúp
Dốc lòng kính bậc Chiếu thế đăng
Nam mô Quán Âm, Đại Thế Chí
Thường vào thế gian, không tạm nghỉ
Sinh vào sáu đường cứu quần sinh
Thân tướng siêu tuyệt màu vàng tía
Oai nghi trang nghiêm chẳng ai bằng,
Bình báu, Hóa Phật nơi thiên quan
Tận cung kính bậc Xảo phương tiện
Lay động vô lượng cõi Đại thiên
Đi đứng diệu hoa thường nâng bước
Luôn đưa tay báu dắt chúng sinh
Tận cung kính bậc Thí vô úy
Vô lượng, vô biên, vô số kiếp
Tu đủ nguyện lực giúp Di Đà
Thường trong đại chúng giảng dạy pháp
Chúng sinh nghe đều được Tịnh nhãn
Cúi xin đời đời được gần gũi
Nên con một lòng cung kính lễ
Thần thông trùm khắp cõi mười phương
Hiện trước mặt tất cả chúng sinh
Nếu chúng sinh hay dốc lòng niệm
Hẳn Ngài dẫn đến nước An Lạc
Cha từ bi thương xót thế gian
Nên con một lòng cung kính lễ
Ngài ngự tòa hoa sen xuất thế
Như Tu Di soi bóng biển lớn
Điều phục chúng sinh hết sợ hãi
Một lòng cung kính Thiên Nhân Sư
Con đã thuận theo Tu đa la(66)
Ca ngợi công đức của Quan Âm
Công đức như thế không thể cùng
Ví như giọt nước trong biển cả
Giả sử các Như Lai mười phương
Ca ngợi hết kiếp cũng chẳng hết
Vô tận tạng vô biên như thế
Nên con một lòng cung kính lễ
Đã khen Quan Âm, Đại Thế Chí
Tức khen các Bồ tát mười phương
Nguyện công đức này trùm thế gian
Con cùng chúng sinh sinh cõi ấy.
Giải thích: Theo luận này, chỉ ca ngợi và lễ lạy thì cũng được vãng sinh.

GHI CHÚ:

(66): Dịch âm của tiếng Phạn Sutra, nghĩa là kinh hay khế kinh, chính kinh, quán kinh, là một trong ba tạng Thánh điển gồm Kinh, Luật, Luận của Phật giáo.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

(4) Nhất Thiết Kinh Trung Di Đà Phật Kệ ghi:

- Nhớ lại tỳ kheo Pháp Tạng đời xưa lúc còn là vua Thế Nhiêu, ở trước chư Phật phát hai mươi bốn điều thệ nguyện, đời đời được thấy chư Phật, không lìa bỏ vô số hạnh đời quá khứ, mới thành tựu đầy đủ công đức. Ngài được thành Phật hiệu Vô Lượng ở thế giới tên Thanh Tịnh.

Cõi nước thật bằng phẳng
Giàu có, nhiều Thượng nhân
Rất nhiều loại cây báu
La liệt mọc khắp nơi
Gốc, thân, cành, lá, hoa
Mỗi thứ một hương lạ
Gió mát ngày ba lần
Ngập tràn muôn hoa nở
Trải đất như thảm lông
Chỗ dơ đều bằng phẳng
Khắp cõi không có núi
Nước biển và các suối
Chỉ có các sông chảy
Tiếng vang như giảng kinh
Trời, người chơi dưới sông
Tùy theo ý ưa thích
Muốn nước đến ngang mày
Ý muốn nghĩ liền được
Tuổi thọ Phật vô lượng
Ánh sáng tỏa vô biên
Bồ tát và đệ tử
Số không thể tính đếm
Nếu muốn thấy Phật kia
Đừng nghi, cũng đừng cầu
Nghi thì ở trong thai
Đến tận năm trăm năm
Không nghi, sinh trong hoa
Chắp tay trước Di Đà
Muốn dạo khắp mười phương
Rồi về chỉ chốc lát
Nhớ nghĩ Bồ tát kia
Nhiều kiếp tạo công đức
Bản hạnh đến như thế
Được hiệu Tăng Thế Tôn
Phật ra đời khó gặp
Khó được nghe phút chốc
Khó gặp nơi giảng pháp
Khó gặp bậc giác ngộ
Nếu sau gặp mạt thế
Lúc pháp sắp suy vi
Nên cùng nhau giữ gìn
Tu Phật pháp vô dục
Phật nói pháp yếu ấy
Nên siêng nghĩ và tu
Thụ vô lượng giới ấy
Đời đời phải kính lễ.

(5) Luận Bảo Tính ghi:

Nương các công đức ấy
Nguyện vào lúc qua đời
Được thấy Phật Di Dà
Thân vô biên công đức
Con và những người tin
Đã thấy Phật ấy rồi
Nguyện được mắt Vô cấu
Chứng Vô thượng Bồ đề.

(6) Tán Lễ A Di Đà Phật Văn:

Ngài Thiền Na Quật Đa dịch Tán Lễ A Di Đà Phật Văn của Long Thọ, trong đó có mười hai bài tán lễ đều là chí tâm qui mạng lễ Phật A Di Đà ở Tây phương:

Đỉnh lễ bậc trời người cung kính,
A Di Đà Phật Lưỡng Túc Tôn
Tại nước An Lạc vi diệu kia
Có vô lượng Phật tử vây quanh.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Thân vàng thanh tịnh tựa Tu di,
Tu định vững như bước chân voi.
Hai mắt thanh tịnh như sen xanh
Nên con kính lễ Phật A Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Mặt đẹp thanh tịnh như trăng tròn
Sáng uy nghi tựa nghìn nhật nguyệt
Tiếng như trống trời Câu xí la(67)
Nên con kính lễ Phật Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Trụ trên mũ của Quán Thế Âm
Đủ các tướng đẹp báu trang nghiêm
Hàng phục ngoại đạo, ma, kiêu mạn,
Nên con kính lễ Phật Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Thanh tịnh vô cấu không thể sánh
Các đức trong sạch như hư không
Nhờ tạo lợi ích, được tự tại
Nên con kính lễ Phật Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Bồ tát nổi tiếng khắp mười phương
Vô số các ma thường ca ngợi,
Do sức nguyện trụ vì chúng sinh
Nên con kính lễ Phật Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Hoa mọc ao báu đáy cát vàng
Nhờ căn lành, thành tòa Diệu Cao
Ngự trên tòa ấy như Tu Di
Nên con kính lễ Phật Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Những Phật tử từ khắp mười phương
Hiển bày thần thông đến An Lạc
Cung kính chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài
Nên con kính lễ Phật Di Dà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Các cõi đều vô thường, vô ngã,...
Như trăng đáy nước, điện, bóng, sương
Vì chúng, nói pháp Không tên gọi
Nên con kính lễ Phật Di Dà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Cõi vô lượng phương tiện của Ngài,
Không có các đường ác, bất thiện,
Vãng sinh được bất thoái Bồ đề,
Nên con kính lễ Phật Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Cõi kia không có danh tự ác
Không nỗi sợ người nữ, nẻo ác
Mọi người chí tâm cung kính Ngài
Nên con kính lễ Phật Di Đà.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

Con nói việc công đức Phật kia
Vô số điều thiện như nước biển
Được những căn lành thanh tịnh gì
Hồi hướng chúng sinh sinh cõi ấy.
Nguyện cùng các chúng sinh
Vãng sinh nước An Lạc.

(7) Luận Nhiếp Đại Thừa ghi:

Cõi báu do đức nghiệp của Phật
Con nói đến, được chút thiện nào
Nhờ thế, nguyện được thấy Di Đà
Được mắt thanh tịnh, thành Chính Giác.

GHI CHÚ:

(67): Tức trời Đa Văn, một trong Tứ thiên vương.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

QUYỂN HẠ
CHƯƠNG VI
DẪN CHỨNG NGƯỜI ĐƯỢC VÃNG SINH

Nêu sơ lược hai mươi người gồm cả xuất gia lẫn tại gia được vãng sinh:

1. Sáu tỳ kheo.
2. Bốn tỳ kheo ni.
3. Năm cư sĩ nam.
4. Năm cư sĩ nữ.

- Hỏi: Những kinh và luận được dẫn chứng ở trên để chứng minh việc vãng sinh thật là những chứng cứ tốt. Nhưng chúng sinh trí tuệ cạn cợt không thấu hiểu được ý Phật, chẳng bằng ngài hãy dẫn chứng những tình tiết của người thời nay được vãng sinh để khích lệ tinh thần, khiến mọi người lập tức tin ưa điều được nghe và tiến tu.

- Đáp: Theo các kinh luận, số lượng người vãng sinh được tướng lạ và đài sáng thì rất nhiều. Nhưng nay tôi dẫn sơ lược hai mươi người để phát khởi lòng tin cho người học.

1. TỲ KHEO TĂNG ĐƯỢC VÃNG SINH:

Có sáu người:

(1) Pháp sư Phương Khải:

Người Hoa Âm. Năm Trinh Quán thứ 9 (635), Sư và pháp sư Huyền Quả ở chùa Ngộ Chân, huyện Lam Điền cùng nhau niệm Phật A Di Đà suốt một mùa hạ. Sau đó, Sư lấy một cành dương đặt vào tay tượng Bồ tát Quán Thế Âm, thề: "Nếu con niệm Phật được vãng sinh, nguyện cành dương này bảy ngày không héo". Và Sư được toại nguyện, cành dương qua bảy ngày không héo. Sư lại vì tất cả chúng sinh mà thỉnh cầu: "Luận Nhiếp Đại Thừa nói vãng sinh vào thời điểm khác, Quán Kinh lại nói vãng sinh ngay. Nguyện cho con trong mộng thấy Phật A Di Đà để xin giải quyết mối nghi này". Ngay trong đêm ấy, Sư nằm mộng ba lần mà thấy chỉ ở một địa điểm. Đầu tiên, Sư mộng thấy một cái ao lớn, phía tây nam ao có một tòa lầu cao. Sư từ trên lầu bước xuống, đi đến bờ phía đông bắc ao, thấy một tấm trướng báu cao hơn hai trượng, mở cửa về phía đông. Sư bỗng nhiên bay vào tấm trướng, nửa người được vào trong, lại bay trở ra và hạ xuống phía tây tấm trướng, ở đó có một tòa điện lớn, một vị Đại đức ở trong đó bảo: "Người chỉ cần tu hạnh Tịnh độ đều được sinh trong trướng này". Đến đây Sư liền tỉnh dậy, rồi lại mộng thấy Bồ tát Quán Thế Âm ngồi duỗi chân bên bờ phía bắc ao, mặt nhìn về phía bắc. Sư đưa tay nâng chân Bồ tát đặt lên đầu mình. Sư thấy hình bánh xe ngàn căm ở lòng bàn chân Bồ tát, thân Ngài màu vàng Diêm phù đàn. Bỗng nhiên Sư tỉnh dậy, rồi lại mộng thấy mình đứng trên bờ phía nam ao nước, mặt nhìn về phía tây. Từ ao nước trở về phía tây là mặt nước mênh mông, chen chúc đầy hoa sen. Bỗng thấy Phật A Di Đà từ phía tây tiến lại đến trước mặt, Sư cúi đầu sát đất lễ Phật, lễ xong liền quì thẳng chắp tay trước Phật thưa: "Chúng sinh ở thế giới Ta bà căn cứ vào kinh mà tu hành có được sinh về cõi nước của Thế Tôn không?". Phật đáp: "Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh chỉ cần tu hạnh Tịnh độ đều được sinh về cõi nước của ta. Đừng nghi ngờ gì cả!"

Một đêm khác, Sư lại mộng thấy mình ở thế giới Ta bà, nhìn về phía tây thấy cõi Phật A Di Đà bằng phẳng như mặt gương, thấy thế giới Ta bà chỉ toàn là núi và sông, Đông Tây thật khác biệt; nhìn về phía nam, thấy bằng phẳng, có mười lăm tấm trướng báu đang đi về phía tây trên sông, tất cả đều là bảy báu, chỉ một tấm ở giữa là bằng bạc trắng, phía dưới trướng vang lên tiếng âm nhạc, ca vịnh, khen ngợi. Sư hỏi: "Đây là những tấm trướng gì?". Người dưới trướng đáp: "Đây đều là những người được vãng sinh". Sư vui vẻ, tung người lên không trung, bay về phía tây trong chốc lát rồi đứng lại.

Lại vào một đêm khác, Sư mộng thấy mình ở trong một điện Phật, đang ở trước mặt Phật. Có một vị tăng tên Pháp Tạng ngự trên một cỗ xe vào tận trong điện Phật đón mình lên xe, chở đi về phía tây. Pháp Tạng chính là Phật A Di Đà, cỗ xe chính là bốn mươi tám đại nguyện của Ngài.

Trong một đêm khác, Sư lại mộng thấy chính mình ngồi duỗi chân trên tòa hoa sen lớn làm bằng trăm thứ báu, mặt nhìn về hướng nam, thành Chính giác. Có đêm Sư mộng thấy Phật Thích Ca và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đứng trước mặt mình ca ngợi kinh Pháp Hoa. Rồi đêm khác Sư lại mộng thấy có ba con đường hướng thẳng về phía Tây: Trên con đường thứ nhất chỉ có tăng ni, con đường thứ hai toàn là người tại gia, con đường thứ ba chỉ có một vị tăng, tất cả đều đi về hướng Tây, đều là người vãng sinh.

(2) Pháp sư Đàm Loan (476 –- 542):

Người Vấn Thủy, châu Tinh, sống vào cuối đời Ngụy, đầu đời Cao Tề. Sư có tâm trí cao xa, vang danh ở ba nước(68), thông hiểu các kinh, kiến thức hơn người. Tiêu Vương, vua nước Lương, thường quay mặt về phía bắc lễ và tôn xưng Sư là Bồ tát Đàm Loan. Sư soạn bản chú giải luận Vãng Sinh của Bồ tát Thiên Thân gồm hai quyển, và soạn tập Vô Lượng Thọ Kinh một quyển có kèm theo một trăm chín mươi lăm hàng kệ thất ngôn và những câu vấn đáp, cho lưu hành ở đời để khuyên người xuất gia lẫn tại gia quyết định cầu vãng sinh được thấy Phật A Di Đà. Sư thường thỉnh Bồ tát Long Thọ đến khai thị khi lâm chung. Đúng như ý nguyện của mình, khi chính báo của Sư ở cõi này hết, giữa đêm ấy có vị Thánh tăng xuất hiện bước vào phòng của Sư nói:

- Ta là Long Thọ, muốn nói với ông: "Lá đã rụng rồi, không thể bám lại cành; lúa chưa thu hoạch, đâu thể tìm trong kho; bóng câu qua khe cửa, không thể tạm dừng. Quá khứ không quay lại, vị lai chưa thể đến, hiện tại nay ở đâu? Bóng câu không thể quay lại". Pháp sư ngầm hiểu ý của lời nói này, tự biết mình sắp mạng chung.

Ngay giữa đêm ấy, Pháp sư sai người báo cho hơn hai trăm đệ tử tại gia ở các thôn và đệ tử xuất gia trong chùa đồng thời tụ họp. Pháp sư tắm gội, mặc y mới sạch, tay bưng lư hương, ngồi ngay ngắn nhìn về hướng tây dạy môn đồ phải theo nghiệp Tịnh độ. Khi mặt trời vừa mọc, mọi người đồng thanh niệm Phật A Di Đà, Sư liền qua đời. Cách chùa năm dặm về phía tây, có ngôi chùa ni, ni chúng ở đó cũng là học trò của Sư. Sau khi trời sáng hẳn, đang tụ tập ở trai đường ăn cháo, tất cả ni chúng đều nghe thấy trên không có tiếng nhạc vi diệu từ phía tây vọng lại và đi về phía đông. Trong chúng có người thông hiểu bảo mọi người:

- Pháp sư hòa thượng trọn đời dạy người tu nghiệp Tịnh Độ. Nay tiếng nhạc này đi về hướng đông, nhất định đúng là đến đón Pháp sư.

Ăn xong, mọi người bảo nhau đến cung tiễn Pháp sư đi. Đang ở trước sân chờ nhau, chưa ra khỏi chùa, lại nghe tiếng âm nhạc đi về phía tây ở trên không, ni chúng cùng vội đến chỗ của Sư thì thấy ngài đã thị tịch.

Theo kinh luận, vị pháp sư này nhất định được sinh về Tây phương.

(3) Pháp sư Thế Đăng (? -– 592):

Sư sống vào đời Tùy ở chùa Hưng Quốc, Tinh châu, xuất gia từ bé, tinh tấn tu hành, đạo tâm rất kiên cố. Sư từng giảng trọn bộ kinh Niết bàn. Người đến học, dù tăng hay tục, nhỏ tuổi hay lớn tuổi, từ sa di trở lên, Sư đều không cho đứng thưa hỏi, mà bảo ngồi xuống, rồi giảng cho nghe diệu pháp, truyền miệng cách niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khuyên cùng nhau cầu vãng sinh Tịnh độ. Cả đời Sư giữ hạnh nghiệp thanh tịnh, thường xuyên đốt hương niệm tụng, tạo phúc rất nhiều, lòng dạ rất từ bi, các loài chim tu hú, bồ câu, v.v... thường bay đến ăn trên tay Sư rồi bay đi. Trong năm Khai Hoàng thứ 12 (592) đời Tùy, Sư thị tịch trong chùa. Lúc ấy, mọi người đều ngửi thấy mùi thơm lạ. Hôm đưa nhục thân Sư đi an táng, có mây hương từ phía Tây đến đón. Nghe tin Sư thị tịch, tất cả mọi người trong thành, già, trẻ, nam, nữ đều tiễn đến nơi an táng.

Đã có điềm lành ấy, thì nhất định Sư được vãng sinh Tịnh Độ.

(4) Pháp sư Chủ Hồng (604 - ?):

Sống vào đời Tùy ở Hán Vương Nội Đạo Tràng, Tinh châu. Sư sinh năm Nhân Thọ thứ 4 (604), xuất gia từ bé, cả đời tinh tấn tu hành, tay không cầm tiền, cúng dường Tam bảo, giáo hóa người hữu duyên. Sư cũng chuyên tâm tu Tịnh Độ, cầu được thấy Phật A Di Đà. Lúc Sư lâm chung, tâm nhãn sáng suốt, an tịnh, thấy thiên nam và thiên nữ từ trời Đâu Suất đến đón, tiến lại gần, nắm ca sa Sư, nói pháp sư sắp được sinh lên cõi trời. Pháp sư quở trách: "Ta không mong chỗ ấy", và không chịu đi. Các đệ tử ở bên cạnh liền niệm Phật A Di Đà. Chốc lát sau, thấy Hóa Phật và các Bồ tát ở Tây phương Tịnh Độ đến đón, Pháp sư mới bảo mọi người: "Các Bồ tát ở cõi Tịnh Độ mà ta cầu mong nay đã đến". Ngay lúc ấy, Pháp sư qua đời.

(5) Pháp Sư Tăng Diễn (547 - –642):

Pháp sư người Vấn Thủy, Tinh Châu, xuất gia từ bé, chuyên tâm tu học, từng giảng nhuần nhuyễn bốn bộ kinh và luận là kinh Niết bàn, luận Nhiếp Đại Thừa, luận Thập Địa, kinh Địa Trì. Sư thọ chín mươi sáu tuổi, thị tịch năm Trinh Quán thứ 16 (642). Pháp sư chuyên niệm Phật A Di Đà được năm, sáu năm; lúc mới hồi tâm, giữ mức một ngày một đêm lễ Phật A Di Đà năm trăm lạy; về sau, cứ tăng dần lên, đến lúc sắp lâm chung, mỗi ngày đêm lễ một ngàn lạy, niệm bảy, tám vạn biến danh hiệu Phật A Di Đà; chưa bao giờ biếng trễ. Ngày lâm chung, Sư bảo đệ tử: "Phật A Di Đà đã đến trao y và hương cho ta, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, và Thánh chúng đến đầy khắp trên không trung, từ đây trở về phương Tây đều là Tịnh Độ”. Ngay lúc ấy, Sư qua đời. Thời gian đầu tu hành, pháp sư hoàn toàn không để tâm đến nghiệp Tịnh Độ; từ năm chín mươi tuổi trở đi, gặp pháp sư Đạo Xước giảng kinh Vô Lượng Thọ, sau khi nghe xong, Sư mới hồi tâm được chừng bốn, năm năm, lúc lâm chung đã có cảnh giới vừa nói sơ lược ở trên.

(6) Pháp sư Đạo Xước (? -– 645):

Pháp sư cũng là người Tấn Dương, Tinh châu, là đệ tử đời thứ ba của pháp sư Đàm Loan. Sư từng giảng trọn bộ kinh Niết bàn, thường ca ngợi trí đức cao xa của pháp sư Đàm Loan. Sư tự nói: "Trí đức của Ngài cao hơn tôi một trời một vực, mà Ngài còn bỏ việc giảng dạy để tu Tịnh Độ và đã được vãng sinh. Huống gì kẻ tầm thường tôi, hiểu biết đâu được bao nhiêu, mà cho đó là đức? Từ năm Đại Nghiệp thứ 5 (608) trở đi, Sư bỏ việc giảng dạy, chỉ tu hạnh Tịnh Độ, một mực chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, lễ bái cúng dường liên tục không gián đoạn. Năm Trinh Quán (627) trở về sau, để khai ngộ người hữu duyên, Sư thường xuyên giảng Vô Lượng Thọ Quán Kinh một quyển, dạy người xuất gia và tại gia trong ba huyện Tấn Dương, Thái Nguyên và Vấn Thủy thuộc Tinh châu. Từ bảy tuổi trở lên, ai nấy đều hiểu biết pháp môn Niệm Phật; người tinh tấn mức thượng dùng đậu để đếm số lần niệm Phật A Di Đà thì được tám mươi thạch, hoặc chín mươi thạch; người tinh tấn mức trung thì niệm được năm mươi thạch; người tinh tấn mức hạ thì niệm được hai mươi thạch. Người hữu duyên được Sư dạy, không ai nhổ nước bọt, xì nước mũi, hoặc tiểu tiện, không ngồi hoặc nằm xoay lưng về phía Tây. Bộ An Lạc Tập hai quyển do Sư soạn được lưu hành ở đời. Ngày 24 tháng 4 năm Trinh Quán thứ 19 Ất Tỵ (645) Sư từ biệt cả hai giới xuất gia và tại gia. Đệ tử trong ba huyện liên tục đến từ biệt Sư, đông không thể kể xiết. Đến ngày 27 Sư thị tịch ở chùa Huyền Trung. Lúc ấy, có vầng mây trắng từ phía Tây bay đến, biến thành ba luồng ánh sáng trắng chiếu xuyên đến giữa phòng của Sư, đến khi Sư tịch rồi mới biến mất. Sau đó, khi làm lễ thiêu và lập lăng mộ thờ Sư, lại có ba luồng ánh sáng năm màu hiện trên không trung, che quanh mặt trời, đến lúc thiêu xong thì ánh sáng ấy mới mất. Tiếp đó, còn có mây tía hiện ba lần trên lăng mộ của Sư, tất cả đệ tử đều thấy các điềm lành ấy.

Theo kinh, có thể đoán đó chính là năng lực căn lành từ bi của chư Phật hay khiến cho chúng sinh thấy những việc như thế. Lại trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:

Lại phóng ánh sáng là thấy Phật
Người giác ngộ qua đời mới có
Niệm Phật Tam muội ắt thấy Phật
Qua đời rồi, sinh trước mặt Phật.

GHI CHÚ:

(68) Ba nước: Lương, Đông Ngụ và Tây Ngụy.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

2. TỲ KHEO NI ĐƯỢC VÃNG SINH

Có bốn người:

(1) Ni Pháp Thịnh (368 -– 439):

Ni sư vốn họ Nhiếp, người Thanh Hà. Năm Nguyên Gia thứ 10 (433) xuất gia ở chùa Kiến Phúc. Ni sư là người đạo cao đức trọng, thường nguyện sinh cõi An Dưỡng. Ni sư bảo hai người bạn học Đàm Kính và Đàm Ái: "Tôi lập thân hành đạo luôn giữ chí cầu sinh Tây phương". Ngày 27 tháng 9 năm Nguyên Gia thứ 16 (439), sau khi đến tháp lễ Phật, ni sư bị bệnh và mỗi ngày một nặng thêm. Vào đầu đêm cuối tháng ấy, vừa mơ màng tựa như ngủ, ni sư thấy đức Như Lai từ trên không trung hiện xuống, bàn luận giáo nghĩa với hai vị Đại sĩ; khoảnh khắc sau, ni sư thấy mình cùng Thánh chúng lên đến chỗ cây cối xum xuê, hương thơm ngào ngạt. Khi thức dậy, ni sư trở bệnh nặng, trong phòng bỗng có ánh sáng tỏa chiếu rõ như ánh đuốc, cả chùa đều trông thấy, cùng đến hỏi đó là ánh sáng gì. Kể mọi việc vừa xong, ni sư liền qua đời, thọ bảy mươi hai tuổi. Thái thú Dự Chương là Trương Biện, người quận Ngô, vì tôn kính ni sư từ trước, nên thuật lại chuyện này.

(2) Ni Pháp Thắng ở chùa Nam, huyện Ngô:

Sau khi xuất gia, ni sư liền đến kinh đô tu học thêm Thiền và Luật. Ni sư thông hiểu hai môn Định và Tuệ, suy tìm đến chỗ sâu kín của giáo nghĩa. Ni sư khuyên dạy quyến thuộc của mình tuy không nghiêm khắc, nhưng họ đều thành tựu. Ni sư thường tọa thiền niệm Phật. Lúc lâm chung, được Phật phóng ánh sáng đến đón.

(3) Ni Quang Tĩnh ở chùa Quảng Lăng Trung:

Ni sư họ Hồ, người Ngô Hưng, xuất gia từ bé, giới hạnh cao khiết ngay khi còn ít tuổi, thường tu tập Thiền tuệ, không ăn thức ngon. Có đến hơn trăm người theo Ni sư học thiền. Ni sư thường xuyên niệm Phật và giữ giới thanh tịnh. Lúc lâm chung, hương thơm tỏa khắp không trung và nhiều cảnh lạ hiện ra nghênh đón.

(4) Ni Đại Minh Nguyệt:

Ni sư người Bình Dao, Giới châu, xuất gia từ nhỏ, ở chùa Độ Thoát. Năm Trinh Quán thứ 1 (627), gần sáu mươi tuổi, Ni sư gặp Pháp sư Đạo Xước ở chùa Huyền Trung giảng kinh Vô Lượng Thọ, dạy tu hạnh Niệm Phật. Trước khi niệm Phật, Ni sư luôn luôn mặc y sạch, ngậm hương trầm thủy, và đốt các thứ hương trong tịnh thất. Ni thực hành liên tục như thế suốt ba, bốn năm. Lúc lâm chung, sức khỏe Ni sư vẫn không suy giảm, mọi người đều thấy có ánh sáng lạ, trong vầng ánh sáng ấy lại thấy khói thơm mùi trầm thủy tỏa đến nghênh đón, ngay lúc ấy Ni sư qua đời. Bấy giờ, Ni sư có người em gái tên Thiếu Minh Nguyệt, cũng giống như chị mình, lấy việc niệm Phật làm hạnh nghiệp, đến phút vô thường cũng cảm được các tướng tốt... khó thể tả được. Người xuất gia hoặc tại gia, khi nghe kể các việc ấy, đều phát tâm niệm Phật.

(Còn tiếp)


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: LUẬN TỊNH ĐỘ

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

3. CƯ SĨ NAM ĐƯỢC VÃNG SINH

Có năm người:

(1) Đàm Viễn:

Người Lô Giang, tinh tấn thờ Phật, giữ giới Bồ tát. Đến niên hiệu Nguyên Gia đời Tống (424 – 453), mới mười tám, mười chín tuổi, ông đã hướng tâm về Tịnh Độ. Vì mong cầu được sự cảm ứng, Viễn thường thỉnh vài vị tăng đến nhà tụng kinh, và nhân đó hỏi thầy Tăng Hàm về pháp sám hối, bởi ông sợ mình có tội khiến tâm nguyện không cảm thấu đến chư Phật và Bồ tát. Sư Tăng Hàm thường xuyên khích lệ, khuyên ông đừng lười biếng. Đêm hôm 16 tháng 2 năm Nguyên Gia thứ 10 (433), sau khi tụng kinh xong, chư Tăng đều đã ngủ, đến giữa canh tư, bỗng Viễn nói to: "Xướng tụng, xướng tụng đi!" Tăng Hàm giật mình, hỏi thì Viễn nói ông thấy đức Phật thân màu vàng ròng, hình dáng và kích thước giống như tượng thờ, ánh sáng vàng tỏa quanh thân, tràng phan và hoa tung bay đầy trong không trung; Ngài từ phía Tây đến, gọi ông hãy đi mau. Viễn thường đau yếu, hơi thở gấp gáp, hổn hển, nhưng đêm ấy lại khoẻ, nét mặt tươi vui hẳn lên, đứng dậy thỉnh tăng. Thầy Tăng Hàm bèn cầm hương và hoa tung rải lên Phật. Bà mẹ bảo Viễn: "Con nỡ quên mẹ mà đi sao?" Viễn không đáp, một lát sau bỗng nằm xuống. Cả nhà đã nghe thấy những điều linh dị, nên đều vui mừng, bình tĩnh, không buồn, không sợ. Đến canh năm, Viễn bỗng nhiên qua đời. Trong nhà có hương thơm suốt mấy ngày mới hết.

(2) Thế tử nước Ngụy:

Người quận Lương. Sách Tuyên Tường Ký ghi ba cha con ông đều được vãng sinh. Ông tinh tấn tu học Phật pháp, các con cũng tu tập theo, chỉ có người vợ mê muội, không tin kinh Phật. Đầu niên hiệu Nguyên Gia (424), đứa con gái mười bốn tuổi của ông bị bệnh chết, bảy ngày sau bỗng sống lại, nói với Thế tử: "Cha hãy làm một tòa cao, và tìm một bộ kinh Vô Lượng Thọ cho con". Thế tử liền cho làm tòa và chuẩn bị kinh. Người con gái, trước đó tuy có ăn chay, giữ giới, lễ Phật, nhưng chưa từng đọc kinh, bấy giờ lại lên tòa đọc kinh Vô Lượng Thọ, tiếng rõ ràng, trôi chảy, câu cú rành mạch. Sau đó, cô gái xuống tòa, bảo cha: "Con vừa qua đã chết, được vãng sinh về cõi Phật Vô Lượng Thọ, thấy ba người là cha, anh và con đều đã có hoa sen lớn dành sẵn trong ao thất bảo để về sau sẽ hóa sinh vào đó. Vì chỉ một mình mẹ con không có hoa, nên con không đành lòng, mới quay về báo với cha". Nói xong, đứa con gái qua đời. Từ đó, người vợ của Thế tử mới kính tin Phật pháp.

(3) Trương Nguyên Tường:

Người huyện Vạn Niên, Ung châu, bẩm tính ngay thẳng, siêng năng giữ giới, thường tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ, niệm Phật A Di Đà. Tường bị bệnh từ tháng 5 năm Khai Hoàng thứ 20 (608) đời Tùy, đến giờ Thìn ngày 3 tháng 6 thì muốn ăn và nói: "Mang thức ăn chay cho ta". Người nhà mang thức ăn đến, Tường ăn xong, lại thắp hương và đèn, giữ tâm chính niệm mà qua đời. Mặc dù được quàn lại hơn hai ngày sau mới đưa đi an táng, nhưng nét mặt ông vẫn giữ y như lúc còn sống. Mọi người đều khen ngợi.

Chính sức của công đức lành khiến được như thế.

(4) Ông cụ ở huyện Phần Dương, Tinh châu:

Người kể không rõ tên họ ông ta. Trong năm Trinh Quán thứ 5 (631), nghe nói về công đức vãng sinh Tịnh độ, ông cụ liền mang lương thực đến Pháp Nhẫn Sơn Tự, xin chư Tăng cho ở nhờ một gian phòng. Cụ ở đó ngày đêm chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, không hề chợp mắt suốt ba, bốn năm. Lúc lâm chung, chư Tăng sai người gọi con gái của ông cụ tên Đắc Nhi đến thăm. Khi ấy, ông cụ bảo mọi người: "Dạo này, hằng ngày đều có vô số sư tăng từ phương Tây đến, và đi về phương Đông như dự trai tăng". Ông cụ còn bảo con: "Ngày mai sẽ có ánh sáng chiếu thân ta, khi ấy con đừng lấy làm lạ nhé!". Hôm sau, đến giờ, quả thật có ánh sáng chiếu khắp trong phòng. Ông cụ qua đời ngay lúc đang hướng về phía tây, dáng người như muốn bước lên cao.

(5) Một người không rõ họ tên:

Nghe đồn, người ấy tính tình hiểm ác, lại không tin nhân quả, thường hay săn giết thú rừng. Bấy giờ, người ấy bị bệnh, đến lúc lâm chung thấy đủ các cảnh khổ ở địa ngục, những chúng sinh bị ông giết trước kia đến đòi mạng. Người ấy hối hận, tự nhủ: "Ta suốt đời không tin lời sư tăng; những điều hôm nay được thấy thật đúng như kinh nói". Ông liền bảo người nhà:

- Các ngươi hãy cứu ta.

Vợ con ông ta nói:

- Cứu ông bằng cách nào?

- Nếu các ngươi không cứu được ta thì mau sai người đến chùa mời một vị sư đến cứu ta.

Theo lời ông ta, người nhà mời được một vị tăng đến nhà. Trông thấy vị tăng, người ấy buồn bã, vừa khóc vừa nói:

- Xin thầy từ bi cứu gấp đệ tử.

- Thí chủ suốt đời không tin Tam bảo, hôm nay sắp qua đời, e rằng khó cứu được!

- Thật thế sao?! Thầy đọc kinh Phật, có thấy nói người mắc tội như đệ tử lúc lâm chung có cách gì cứu không?

- Quán Kinh có đoạn văn nói về việc này.

Người ấy bỗng vui mừng hớn hở, nói:

- Phật nói có địa ngục, thì đúng như lời Ngài, tức có địa ngục. Phật nói được vãng sinh, thì đệ tử chắc chắn được vãng sinh.

Người ấy liền bảo người nhà:

- Hãy mang hương và đèn đến đây.

Người nhà đưa đèn và lư hương đưa cho ông ta. Ông ta nói:

- Nay ta sắp vào địa ngục, ở trong lò lửa, vạc sôi rồi. Đâu cần lư hương! Hãy mang hương, đèn đặt vào tay ta.

Thế rồi, ông ta tay trái cầm đèn, tay phải cầm hương, xoay mặt về phía Tây, chí tâm niệm Phật, chưa đầy mười niệm, liền bảo mọi người:

- Đức Phật từ Tây phương đến, cùng rất nhiều Thánh chúng, tất cả đều phóng hào quang. Đức Phật trao cho ta một tòa hoa sen.

Nói xong, người ấy liền qua đời.

(Đây là trường hợp niệm Phật mười niệm được vãng sinh).

(Còn tiếp)


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Google [Bot]31 khách