Trang 1 trên 1

Chẳng vãng sanh khó đảm bảo đời sau không tạo ác nghiệp

Đã gửi: 24/02/10 22:28
gửi bởi laitutran247
361. Thư trả lời cư sĩ Từ Giám Chương

Hình ảnh

Hôm trước nhận được thư con, biết con tuổi trẻ phát tâm tu Tịnh nghiệp, khôn xiết vui mừng, an ủi! Mong con hãy cung kính đọc kỹ càng Tịnh Độ Ngũ Kinh, Thập Yếu sẽ hiểu tường tận nguyên do của pháp môn Tịnh Độ. Các pháp môn được nói trong cả một đời đức Phật đều cậy vào tự lực để tu trì, đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử, khó khăn lắm, khó hơn lên trời! Nếu dùng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì vạn người tu vạn người về. Nhưng phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại dạy cho người khác, khiến cho khắp hết thảy mọi người cùng tu Tịnh nghiệp, cùng sanh Tịnh Độ.

Con tuổi còn trẻ dại, phải hết sức chú ý giữ gìn thân thể, hãy nên đọc kỹ cuốn Dục Hải Hồi Cuồng trong bộ An Sĩ Toàn Thư và Thọ Khang Bảo Giám. Có nhiều thiếu niên khi ý niệm tình dục khởi lên bèn thủ dâm. Chuyện ấy gây tổn thương thân thể cực lớn, chớ nên phạm. Hễ phạm chính là tự tàn hại thân mình, nhơ bẩn tự tâm, khiến cho thân thể hữu dụng bị chết yểu, hoặc thành phế nhân bấy bớt không nên cơm cháo gì! Hằng ngày phải phản tỉnh, quán sát tội lỗi nơi thân tâm, ngõ hầu chẳng đến nỗi tự tàn, tự hại. Nếu không, cha mẹ chẳng nói, sư trưởng không nói, bạn bèn đàn đúm xúi giục nhau đến nỗi thành ra thói ác ấy. Nguy hiểm lắm, còn hơn vào vực sâu, đi trên băng mỏng!

Tăng Tử mang tư cách đại hiền mà đến khi sắp chết mới nói: “Kinh Thi chép: ‘Dè dặt kinh sợ, như vào vực sâu, bước trên băng mỏng’, từ nay trở đi, ta biết thoát khỏi”. Chưa đến lúc sắp chết, vẫn thường dè dặt, kinh sợ, biết mình ắt có chỗ thiếu sót. Nay sắp chết rồi, mới biết mình không thiếu sót! Cừ Bá Ngọc năm hai mươi tuổi, biết mười chín năm trước sai trái; đến khi tuổi tròn năm mươi, biết bốn mươi chín năm trước sai trái. Khổng Tử vào độ tuổi bảy mươi, vẫn mong trời cho sống mấy năm nữa, hoặc dăm mười năm để học Dịch, ngõ hầu tránh khỏi lỗi lớn. Đấy chính là cách dưỡng tâm giữ ý, phản tỉnh, quán sát của thánh hiền, là cơ sở để học Phật liễu sanh tử vậy. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao và các sách khác, nên không ghi cặn kẽ.

Con tên là Giám Chương, lại thêm có chánh trí huệ thì không gì chẳng hợp với Phật, với thánh, không gì chẳng đúng pháp thế tục. Người đời nay hơi thông minh bèn cuồng vọng. Đấy đều là chẳng biết nghĩa lý “vị học nhật ích, vị đạo nhật tổn” (vì việc học [đạo đức] ngày càng tăng thêm, vì đạo [thói xấu] ngày càng giảm bớt). “Vị đạo nhật ích” là đem đạo đức thánh hiền cất chứa trong thân tâm ta, “vị đạo nhật tổn” là nghiêm túc phản tỉnh, quán sát, để khởi tâm động niệm trọn chẳng có tội lỗi gì! Nếu không, chỉ là bậc văn tài lỗi lạc, đã chẳng thể vì việc học, huống là vì đạo ư? Hiện nay thời cuộc nguy hiểm, hãy nên khuyên hết thảy già - trẻ - trai - gái hằng ngày thường kiền thành niệm thánh hiệu Quán Âm để làm thượng sách cầu hòa bình, giữ gìn thân mạng. Ngoài cách này ra, không còn tìm được cách nào khác nữa đâu! (ngày Hai Mươi Sáu tháng Bảy)



362. Thư trả lời anh em Úc Liên Xương



Cha ông do bịnh tật mà toan ăn thịt là vì chẳng biết hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai, cho nên mặc tình giết ăn. Nếu biết là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai, cái tâm tham vị ngon ấy sẽ ngay lập tức tiêu diệt chẳng còn! Ở đất Tần ta trước khi xảy ra loạn Hồng Dương, một người dân quê ở huyện nọ tại Hưng An cùng với mẹ sống trong cảnh nghèo khó. Người con đi làm thuê để nuôi mẹ; về sau mẹ chết, chỉ trơ trọi một mình, người con liền chẳng sốt sắng đi làm thuê nữa. Một bữa nọ ngủ ngày, mộng thấy mẹ đau đớn khóc lóc đến nói: “Mẹ chết đi biến thành lợn, nay đang ở chỗ X…, gã Y… nọ sắp giết mẹ, con hãy mau đến cứu mẹ”. Người ấy kinh hoảng, tỉnh giấc, liền sang chỗ đó, thấy người giết lợn khớp với giấc mộng, nhưng lợn đã bị giết rồi! Do vậy đau đớn không chịu nổi, lăn lộn trên đất, gào khóc mất cả tiếng. Có người hỏi đến, do không có tiền để mua con lợn bị chết ấy bèn nói: “Lòng tôi đau khổ, chẳng tiện nói thẳng ra!” Từ đấy phát tâm ăn chay.

Do [anh ta là] kẻ dân ngu trong làng chẳng biết pháp môn tu hành, bèn đi quyên hóa dầu thắp đèn, hễ được một gánh đầy, liền gánh sang núi Võ Đang để cúng đèn trong Kim Điện[21]. [Anh ta] quyên mộ người khác, [quy định tiền] dầu thắp cho mỗi một ngọn đèn là ba đồng; tiền ấy dùng để mua hương, nến, trái cây, đã đưa sang đấy mấy lần. Về sau, có một gã đầu sỏ ngoại đạo muốn tạo phản, do sự việc bị tiết lộ bèn bỏ trốn, quan phủ sai vẽ hình tróc nã khắp nơi. Do gã ấy có cùng tên họ, tướng mạo với anh chàng quyên hóa dầu; anh chàng đi quyên hóa dầu liền bị bắt giữ. Anh ta thưa trình chuyện mẹ bị biến thành lợn nên quyên hóa dầu, [nhưng quan] không tin. Quan lại bắt được cuốn sổ ghi tên đến mấy ngàn người, vốn là tên của những người cúng tiền mua dầu, bèn coi đó là danh sách tạo phản. Anh ta bị khổ hình tra khảo tại dinh quan huyện Trúc Khê thuộc ranh giới tỉnh Hồ Bắc; nhân đó quan gán tội, phán án xử tội chết.

Lại giải lên phủ Vân Dương phúc thẩm. Tới phủ anh ta kêu oan, nhân đó thuật chuyện do mẹ biến thành lợn mà quyên hóa dầu. Tri Phủ rất có cao kiến, do thấy vẻ mặt người ấy hết sức từ thiện, quyết chẳng phải là kẻ tạo phản, nghe anh ta kể chuyện mẹ bị biến thành lợn, bảo: “Lời ngươi nói đó, bổn phủ chẳng tin. Hôm nay bổn phủ buộc ngươi thôi ăn chay”, sai dọn ra một bát thịt, ép ăn. Người ấy một tay bưng bát, một tay cầm đũa, Tri Phủ vỗ “tỉnh mộc”[22] thúc anh ta gắp ăn. Người ấy gắp một miếng thịt, chưa đưa đến miệng liền ói ra một bụm máu. Tri Phủ mới biết anh ta bị vu cáo, liền tống đạt công văn xuống huyện Trúc Khê gỡ tội cho anh ta, bảo đi xuất gia ở chùa Liên Hoa thuộc biên giới huyện Trúc Khê.

Do chùa Liên Hoa thuộc quyền quản trị của quan Trấn Đài Hưng An lẫn Trấn Đài Vân Dương, vào tháng Mười mỗi năm hai tỉnh mở hội tranh tài tại chùa này, nên chùa có tiếng. Người ấy sau khi xuất gia nhất tâm niệm Phật khá có cảm ứng. Về sau, trở về quê cũ ở Thiểm Tây, người địa phương gọi là Châu lão thiền sư, dựng nên hai ngôi miếu nhỏ. Khi loạn Hồng Dương nổ ra, đồ đệ, đồ tôn đều trốn hết, Sư sắp thị tịch bèn nói với người làng: “Sau khi ta chết, nên bỏ vào chum, xây một cái tháp. Ba năm sau mở tháp ra xem. Nếu đã rữa nát thì thiêu đi; nếu không rữa nát thì thờ bên cạnh đại điện”. Về sau, mở tháp ra, [xác] chưa rữa nát, bèn thờ trong đại điện. Sư hiện thân làm con trai quan huyện bên cạnh đi khám bệnh, bệnh lành chẳng nhận lễ tạ, nói: “Nếu ngươi nghĩ đến ta thì đến chùa X… ở chỗ Y… để thăm hỏi”. Sau người ta đến chùa thăm viếng, [nhà chùa] nói: “Đấy là tên của vị Tăng được thờ trong đại điện”, đọc tên thấy chính là Ngài. Do vậy hương đèn suốt năm chẳng ngớt. Vị ấy chính là sư công[23] của vị Hòa Thượng truyền giới cho Quang vậy. Đã năm mươi tám, năm mươi chín năm, tên người, tên chùa đều quên hết.

Vị ấy nếu mẹ không bị biến thành lợn thì bất quá vẫn là một người dân lành yên phận mà thôi! Nếu quan phủ Vân Dương chẳng ép vị ấy ăn thịt, thịt chưa đưa vào miệng đã hộc máu ra, án ấy chắc chắn chẳng được sáng tỏ. Do vị ấy xem thịt đó giống như thịt mẹ mình, vì oai thế của quan bức hiếp, chẳng dám không ăn, chưa ăn mà tim gan đã đau xé nên hộc máu. Vì thế, quan biết là bị vu cáo, bèn tìm cách truyền đạt văn thư xóa tội, bảo đi xuất gia. Nếu cha ông biết nghĩa này, chắc chắn chẳng nỗi cứ mong tưởng mùi vị thịt mãi! Nếu vẫn còn khởi lên ý niệm ấy, liền tưởng như muốn ăn thịt cha mẹ của chính mình, niệm ấy liền bị tiêu diệt! Người chết đi, biến thành súc sanh vẫn còn tốt; nếu đọa trong ngạ quỷ, địa ngục, so với làm súc sanh chẳng biết càng khổ hơn mấy vạn vạn lần!

Xin hãy đưa thư này cho cha ông xem. Chẳng những cụ không chịu mong tưởng ăn thịt nữa, mà còn chẳng chịu mong làm người mãi mãi trong thế gian này. Hãy nên nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương hòng khỏi bị đọa lạc trong tam đồ ác đạo nữa! Hãy nên hiểu rằng: Chẳng liễu sanh tử, dẫu có tu hành, cũng khó bảo đảm đời sau hay trong những đời sau nữa chẳng tạo ác nghiệp. Bởi lẽ người già bảy mươi tuổi, ăn chay trường nhiều năm, vẫn còn muốn ăn thịt; huống là đời sau, những đời sau nữa vẫn có thể chẳng tạo nghiệp, tu trì giống như đời này ư? Vì thế, Phật, Tổ đều khuyên người cầu sanh Tây Phương. Do sanh về Tây Phương liền dự vào cảnh giới Phật. Tâm phàm đã không còn, Phật huệ ngày một mở mang, tốt đẹp hơn tham Thiền, nghiên cứu Giáo, đại triệt đại ngộ, thâm nhập kinh tạng vô lượng vô biên lần vậy! (ngày mồng Hai tháng Hai năm Dân Quốc 29 - 1940)

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambie ... bien10.htm