Trang 1 trên 1

Hãy nên dựa theo lời Phật, Bồ Tát, Tổ Sư để tu

Đã gửi: 31/03/10 00:43
gửi bởi laitutran247
593. Thư trả lời cư sĩ Lý Thiếu Viên (thư thứ hai)



Nhận được thư và Tự Tri Lục, biết tâm mộ đạo của cư sĩ và các vị hết sức chân thật, thiết tha, tiếc là chưa biết gương mẫu tu hành tốt đẹp, bèn coi những lời nói nhăng nói càn, đơm đặt bịa chuyện là quý báu nhất (chỉ Tự Tri Lục) rồi muốn lưu thông [những lời do kẻ khác bịa đặt], ngõ hầu ai nấy đều đạt được cảnh ấy, chẳng biết đấy chính là lời lẽ ma mị đáng ghét bậc nhất, dẫn dắt người khác lọt vào cảnh ma. Đầu mùa Hạ năm ngoái, cư sĩ La Tế Đồng ở Thượng Hải có được cuốn sách ấy liền cho in thạch bản một ngàn cuốn để biếu tặng người khác. Cư sĩ Đinh Quế Tiều muốn lưu truyền rộng rãi bèn bảo Tế Đồng gởi cho Quang một gói; còn Quế Tiều tự viết thư cho Quang, xin Quang đọc để “hễ sách chẳng đến nỗi làm cho người khác bị lầm lạc thì sẽ viết lời phê bình tường tận”, còn cậy Quang viết lời tựa để mong được lưu truyền rộng rãi. Quang đọc xong, khôn ngăn kinh dị, bèn để nguyên gói sách gởi trả lại cho Quế Tiều, cực lực thuật rõ những cái họa của cuốn sách ấy.

Bởi lẽ, [sách ấy sẽ] lôi kéo những kẻ sơ tâm chẳng dụng công nơi nhất tâm chí thành nghĩ nhớ, mà chỉ thường muốn thấy cảnh giới tốt đẹp. Nếu họ vừa thấy cuốn sách này sẽ liền chẳng học theo bà Hồ chân thật dụng công mà cứ chuyên muốn đạt được cảnh giới tốt đẹp giống như bà Hồ. Do cái tâm cuồng vọng, gấp rút, thiết tha, thường khởi ý niệm như thế ấy, ắt sẽ đến nỗi dẫn khởi oán gia trong đời trước biến hiện những cảnh kẻ ấy hâm mộ và khi vừa được thấy cảnh ấy liền sanh lòng hoan hỷ lớn lao, oán gia sẽ liền dựa vào thân. Kẻ ấy liền mất trí điên cuồng, Phật cũng chẳng thể làm sao [cứu giúp người ấy] được! Quang cũng chẳng thể bảo “lời bà Hồ kể toàn là bịa chuyện”, nhưng cũng chẳng dám bảo là chân thật không dối trá. Vì sao vậy? Nếu bà ta thật sự đạt đến loại cảnh giới ấy, há lẽ nào chẳng biết những lời lẽ ấy sẽ khiến cho người khác bị lầm lẫn. Xin hãy nói với ông La Tế Đồng, từ nay đừng gởi tặng cho người khác nữa! Những sách còn lại hãy nên giao cho ngọn lửa để diệt mầm họa.

Chưa đầy một tháng sau, ông Vương Mưu Phụng ở Hàng Châu lại nhận được cuốn sách ấy, khôn ngăn hoan hỷ, cũng cho in thạch bản một ngàn cuốn. Có người bảo hãy gởi cho Quang xin chứng minh, giám định. Do vậy ông ta viết thư và gởi sách đến, Quang liền lấy đại ý những lời đã nói với ông Đinh Quế Tiều để phúc đáp. Vương Mưu Phụng mới ngưng in, đem thư Quang đăng trên tờ Phật Học Châu San, sao các vị vẫn chưa đọc? Mùa Thu năm ngoái tôi sang đất Hỗ, hỏi Tế Đồng đã phân phát hết hay chưa? [Ông ta] nói hãy còn hai ba trăm cuốn, chẳng dám phân phát, tính đốt đi. Quang khen ngợi: “Ông thiêu đi sẽ có công đức vô lượng vô biên!”

Mùa Hạ năm nay tôi đến đất Hỗ, Tế Đồng từ kinh đô trở về, hỏi dò thực chất của bà Hồ mới biết con người ấy rất thông minh nhưng phiền não rất nặng! [Bà ta] sống trong Cực Lạc Am, hễ có chuyện nào hơi chẳng vừa ý bèn chửi bới người khác. Về sau bị bệnh thổ huyết, chẳng lâu sau đã chết. Lúc chết chẳng biết có phải là vì thổ huyết hay không? Cũng chẳng biết cảnh tượng lúc mất ra sao? Mà văn tự của bà ta cũng không được lưu loát như thế đâu; đấy là do một cư sĩ ở Tứ Xuyên soạn ra, Quang biết người ấy, nhưng chẳng muốn nêu tên! Đến tháng Sáu, có một cư sĩ người Hồ Nam từng sống tại Cực Lạc Am, kể [về bà Hồ] chẳng khác gì lời Tế Đồng đã thuật! Đủ thấy bọn họ chỉ muốn dối đời trộm danh, chẳng đoái hoài đã dẫn dắt người khác vào cái họa ma mị! Than ôi, đau đớn thay!

Chư vị muốn được lợi ích thật sự, hãy nên dựa theo lời Phật, Bồ Tát, Tổ Sư để tu, quyết sẽ được lợi ích chân thật. Cổ đức dạy người, chỉ giảng cho người khác cách dụng công, ai lại lôi hết cảnh giới của chính mình đã thấy để bảo ban người khác! Viễn công đại sư là Sơ Tổ Liên Tông đến lúc lâm chung thấy Phật mới nói với môn nhân: “Ta đã thấy thánh tượng ba lần, nay lại được thấy, ta vãng sanh đây!” Nếu luận về thân phận của Viễn Công thì cao hơn bà Hồ đâu phải chỉ như sự cách biệt giữa trời với vực! Há phải Ngài chỉ ba lần thấy thánh tượng, chẳng có một tí cảnh giới tốt đẹp nào khác ư? Nếu đạt đến lúc “tâm không, cảnh tịch” thì còn có cảnh giới chi nữa! Ấy gọi là “tâm và Phật tương ứng, tâm lẫn Phật cùng mất, bốn tướng chẳng còn, ba tâm[4] há được?” “Vô niệm mà thường niệm” chính là niệm mà trọn chẳng có cái tâm để niệm và [chẳng thấy có] đức Phật được niệm. Nơi ấy nào có cảnh giới? Nếu niệm đến mức như thế thì chẳng ngại gì tịnh cảnh Tây Phương sẽ phô bày trọn vẹn triệt để. Nhưng do “niệm tịch, tình vong” nên lại càng được lợi ích nơi đấy, quyết chẳng đến nỗi sanh lòng hoan hỷ lớn lao, hiểu lầm tin tức đến nỗi ma dựa phát cuồng.

Nếu lúc chưa đạt đến nhất tâm mà trong tâm cứ niệm niệm mong tưởng cảnh giới thì khi cảnh giới ấy hiện, chắc chắn sẽ gặp họa. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Chẳng nghĩ là thánh cảnh thì gọi là cảnh giới tốt lành; nếu coi là thánh cảnh thì sẽ lạc vào các loài tà”. Đấy tuy vẫn chưa phải là cảnh ma được cảm vời bởi cái tâm bộp chộp, vọng động, nhưng hễ sanh lòng hoan hỷ cho là “đã chứng thánh quả” thì sẽ trở thành gã ma con! Huống chi ngay từ lúc ban đầu tâm đã như vậy, tâm ma chiêu cảm cảnh ma, cứ tưởng là cảnh thánh ư? Xin hãy đọc kỹ Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục thì sẽ có cái để noi theo, không cách chi bị ma dựa được!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambie ... bien16.htm