Trang 1 trên 1

Nền đất vững vàng, có thể tùy ý xây dựng

Đã gửi: 09/09/10 01:40
gửi bởi trungtamtutam
32. Duyên khởi của Phước Châu Phật Học Đồ Thư Quán (thư viện Phật học Phước Châu)

(năm Dân Quốc 27 - 1938)



Phật là giác; tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn thì mới gọi là Phật, tức là hết sạch Phiền Hoặc, phước huệ trọn đủ, Ngũ Uẩn đều không, chứng triệt để ba đức, là danh hiệu cao đẹp của bậc “thánh trong các thánh, trời trong chư thiên”, là danh hiệu chung của mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Thích Ca Mâu Ni chính là tên riêng của đấng giáo chủ cõi Sa Bà. Tiếng Phạn “Thích Ca Mâu Ni” cõi này dịch là Năng Nhân Tịch Mặc. Năng Nhân nghĩa là rộng độ chúng sanh; Tịch Mặc là triệt chứng tự tánh. “Học” là bắt chước theo, tức là tùy phần tùy sức tu hành theo lời dạy. Đã tu hành theo lời dạy, sao lại nói “tùy phần, tùy sức”? Là vì đức Phật thuyết pháp tùy theo căn tánh của chúng sanh. Do căn tánh chẳng chỉ có một nên tùy theo sự hiểu biết, khả năng của họ mà nói pháp thích hợp.

Tùy theo căn cơ ban bố giáo pháp, đối bệnh cho thuốc, sao cho giáo pháp phù hợp căn cơ, khiến cho ai nấy đều được lợi ích. Dạy chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử quy y Tam Bảo Phật - Pháp - Tăng để làm chỗ nương tựa, dạy họ giữ năm giới “chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu”, dạy họ tu Thập Thiện, đối với ba điều nơi thân, bốn điều nơi miệng, ba điều nơi ý đều dạy dứt ác làm lành. Tức là thân chẳng làm chuyện giết - trộm - dâm, miệng chẳng nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói ác độc, ý chẳng khởi ý niệm tham dục, nóng giận, ngu si. “Ngu si” nghĩa là không tin nhân quả, nói ra những lời tà kiến như “làm lành làm ác chẳng có báo ứng, con người chết đi thần hồn diệt mất, không có đời sau” v.v… Lại còn gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, khuyên bạn bè hướng thiện sửa lỗi, chủ giữ lòng nhân, tớ giữ lòng trung, mỗi mỗi đều giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Đấy chính là pháp Nhân Thừa. Tu theo pháp này sẽ đời đời làm người. Nhân Thừa là căn bản của Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa, như đắp nền đất vững vàng, có thể tùy ý xây dựng lầu cao.

Thiên Thừa thì ngoài Ngũ Giới Thập Thiện ra, còn tu thêm các thứ Thiền Định để sanh vào các cõi trời Lục Dục, Tứ Thiền, Tứ Không v.v… Nhân Thừa lẫn Thiên Thừa đều chẳng phải là pháp liễu sanh tử.

Thanh Văn Thừa thì y theo Giới - Định - Huệ, tu pháp Tứ Đế để liễu sanh tử.

Duyên Giác Thừa thì y theo Giới - Định - Huệ, quán sát hai môn Lưu Chuyển và Hoàn Diệt[25] của Thập Nhị Nhân Duyên hòng liễu sanh tử.

Bồ Tát Thừa thì y theo Giới - Định - Huệ tu lục độ, vạn hạnh, dưới hóa độ chúng sanh để mong trên là thành Phật đạo.

Nhưng pháp ba thừa này đều thuộc vào pháp phổ thông cậy vào tự lực, người tối thượng thượng căn mới có thể liễu sanh tử ngay trong đời này, dẫu khi Phật đang còn tại thế cũng là trăm người mới có được một. Nếu như hiện thời, e rằng cả thế giới cũng không có được một hai người!

Nhưng do tâm đại từ bi, đức Phật biết trước chúng sanh đời sau không có kẻ nào cậy vào tự lực để liễu sanh tử ngay trong đời này được, bèn mở riêng một pháp môn đặc biệt là tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận già, trẻ, trai, gái, sang, hèn, trí, ngu, sĩ, nông, công, thương, công chức, quân nhân, giới giáo dục học thuật, tại gia, xuất gia, thượng thánh, hạ phàm đều trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Phàm phu sát đất đới nghiệp vãng sanh. Đã vãng sanh Tây Phương, ba thứ Hoặc - Nghiệp - Khổ thảy đều tiêu diệt.như mảnh tuyết rớt vào lò to, chưa đến nơi đã tan mất. Hàng Nhị Thừa đã liễu sanh tử và Quyền Vị Bồ Tát vãng sanh sẽ mau chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Bậc Pháp Thân đại sĩ đã chứng Vô Sanh mà vãng sanh sẽ mau chứng Phật quả.

Hết thảy các pháp Đại Thừa, Tiểu Thừa do đức Thế Tôn đã nói trong cả một đời đều cậy vào tự lực, cho nên khó khăn; chỉ có một pháp này hoàn toàn cậy vào sức từ bi thệ nguyện nhiếp thọ của A Di Đà Phật và sức tín nguyện thành khẩn ức niệm của hành nhân nên được cảm ứng đạo giao, giải quyết xong xuôi ngay trong một đời này. Nhưng đã muốn vãng sanh Tây Phương thì phải nghĩ hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai, nghĩ báo ân ấy sẽ càng thêm mến tiếc, che chở, chẳng dám giết ăn, thấy hết thảy những người cùng hàng và các quỷ thần cùng với chim, thú, côn trùng đều tâm niệm miệng nói, dạy bọn họ niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu như ba nghiệp thanh tịnh, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, đem pháp môn Tịnh Độ khuyên lơn thì người ta sẽ nhìn theo bắt chước nhau làm lành, ắt sẽ có hy vọng thay đổi cảm hóa ngấm ngầm, khiến cho phong tục tốt đẹp thuần hậu.

Người đời chưa đọc kinh Phật, chẳng biết Phật suy tính sâu xa để hóa độ chúng sanh, thấy bọn Hàn - Âu - Trình - Châu báng Phật, liền tự mình gánh lấy trách nhiệm “đề cao điều chánh, quở trách thói tà”, người ta nói sao mình cũng bảo vậy, thốt lời khinh miệt, phỉ báng cho sướng miệng, chẳng biết bọn Hàn - Âu hoàn toàn chưa từng đọc kinh Phật. [Lý luận về] đạo Phật của họ Hàn vốn chỉ có hai chữ Tịch Diệt là từ ngữ trong Phật pháp, còn những từ ngữ khác đều là lời lẽ của Lão Tử, Trang Tử. Về sau, do thiền sư Đại Điên khơi gợi, hướng dẫn, [Hàn Dũ] mới không báng Phật nữa. Họ Âu chỉ đề cao họ Hàn, căn cứ để ông ta báng Phật là “do sự cai trị của nhà vua đã suy vi, đạo nhân nghĩa không ai đề xướng, nên Phật thừa cơ xâm nhập”. Nếu như ông ta hiểu biết đạo giúp đời độ sanh do đức Phật tùy thuận cơ nghi [mà lập] như đã nói trong phần trước, ắt chẳng đến nỗi coi Phật là họa hoạn của Trung Quốc để rồi muốn xua quét đi. Họ Âu đề xướng như thế, kẻ học [đạo Nho] coi họ Âu như tông sư, đều bắt chước bài bác Phật giống như vậy. Đại sư Minh Giáo[26] muốn cứu vãn thói tệ ấy, soạn Phụ Giáo Biên dâng lên hoàng đế [Tống] Nhân Tông. Nhân Tông đưa cho Hàn Ngụy Công[27] xem, ông Hàn đưa cho họ Âu xem, họ Âu kinh ngạc nói: “Chẳng ngờ trong Tăng chúng lại có người như vậy? Sáng mai sẽ gặp mặt một phen!” Ngày hôm sau, ông Hàn đưa Minh Giáo đến gặp, bàn luận thông suốt trọn một ngày, từ đấy [họ Âu] chẳng còn báng Phật nữa. Hàng môn hạ [của Âu Dương Tu] tiếp nhận giáo huấn của ngài Minh Giáo, đa số đều cực lực học Phật.

Họ Trình, họ Châu đọc kinh Đại Thừa nhà Phật, thân cận thiện tri thức Thiền Tông, biết được những nghĩa “toàn sự chính là lý” trong kinh và “pháp gì, chuyện gì cũng quy về tự tâm” của Tông môn, liền tưởng mình đã lãnh hội lớn lao, chứ thật ra chưa hề đọc trọn các kinh Đại Thừa, Tiểu Thừa và thân cận tri thức các tông, bèn chấp lý phế sự, bác không nhân quả, bảo đức Phật nói ra nhân quả ba đời, luân hồi sáu đường để làm căn cứ gạt gẫm ngu phu ngu phụ sùng phụng giáo pháp của Ngài, chứ thật ra chẳng có chuyện ấy. Lại còn nói: “Con người chết đi, hình hài đã mục nát thì thần hồn cũng phiêu tán, dẫu có chém - chặt - xay - giã sẽ thi thố vào đâu? Thần hồn đã phiêu tán, lấy ai để thác sanh?” Do vậy, kẻ ác mặc lòng tạo nghiệp, người lành cũng khó gắng sức [làm lành]. Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân trị thiên hạ, để Như Lai độ chúng sanh mà họ bảo là “không có thật” khiến cho những kẻ học đời sau đều chẳng dám nói đến nhân quả, chỉ lấy chánh tâm, thành ý để làm gốc cho tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; nhưng nhân quả chính là cái khiến cho người lành chẳng thể không chánh tâm thành ý, kẻ ác chẳng dám không chánh tâm thành ý. Đã không nói đến nhân quả thì pháp trị quốc, trị gia, trị thân, trị tâm chỉ là lời xuông, chẳng có lợi ích thật sự! Mấy trăm năm qua vẫn còn duy trì được là nhờ phong thái lẫn sự cai trị tốt đẹp của bậc đại nhân thời cổ còn chưa bị hoàn toàn diệt mất.

Gần đây, những kẻ phế bỏ đường lối cũ đua nhau đề cao duy tân, tranh thành, giành đất, tàn sát lẫn nhau, cậy mạnh nuốt yếu, ươm thành đại kiếp đều là do Nho sĩ trong cả nước chẳng dám nói đến nhân quả, sợ bị người khác công kích mình đã trái nghịch tiên hiền! Hơn nữa, nếu kẻ nào có chút thành tựu sẽ được dự vào Văn Miếu, [nếu nói đến nhân quả] sẽ bị người khác coi là nịnh Phật rồi ngăn trở, nên coi việc nói đến nhân quả là điều phải tránh né! Do vậy bèn phát sanh đại loạn từ xưa đến nay chưa hề có! Nếu gia đình, nhà trường, xã hội đều giảng nhân quả, chắc chắn chẳng đến nỗi loạn lạc cùng cực như thế. Vào thuở ấy, Trình - Châu sợ Phật giáo hưng thịnh thì Nho Giáo sẽ suy tàn, nên mới bài báng bằng cái tâm mê muội trái lý ấy hòng bảo vệ Nho giáo. Thảm trạng tranh chấp, tàn sát lẫn nhau nhiều năm không dứt quả thật chưa hề thấy! Đó gọi là “nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (người không lo xa, ắt có buồn gần).

Bọn họ sợ rằng nếu không báng Phật, Nho sĩ sẽ đều học theo Phật hết, chẳng biết nếu nhà Nho học Phật thì Nho giáo sẽ càng thêm hưng thịnh. Nghĩa lý này đã được trình bày tường tận trong bài viết nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín qua cuốn Hành Dư Nhật Khóa của Lâm Văn Trung Công, [bài viết ấy] sẽ được sao chép riêng để những nhà Nho nơi quý địa được mở rộng tầm mắt, có chỗ nương theo. Đời đã loạn đến cùng cực, những vị nghĩ đến [phương cách] bình trị đều cùng đề xướng Phật học để sao cho ai nấy đều hiểu rõ nhân quả, biết tội phước, hồi tâm hướng thiện, vãn hồi kiếp vận để dân được sống yên. Các vị cư sĩ như La Khanh Đoan v.v… tính lập ra Phật Học Đồ Thư Quán, cậy tôi viết lời trần thuật duyên khởi hòng nêu tỏ chỉ thú giúp đời độ sanh của Phật giáo, do vậy tôi bèn viết bài này cho xong trách nhiệm!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstucbien/aqvstb12.htm