Trang 1 trên 1

Trì giới ăn chay niệm Phật

Đã gửi: 12/01/11 03:46
gửi bởi trungtamtutam
Xin coi kinh văn:



Sở vị: Ðàn Ba La Mật âm, Thi Ba La Mật âm, Sằn Ðề Ba La Mật âm, Tỳ Ly Da Ba La Mật âm, Thiền Ba La Mật âm, Bát Nhã Ba La Mật âm.[10]

Như là tiếng Ðàn Ba La Mật, tiếng Thi Ba La Mật, tiếng Sằn Ðề Ba La Mật, tiếng Tỳ Ly Da Ba La Mật, tiếng Thiền Ba La Mật, tiếng Bát Nhã Ba La Mật.

Chúng ta nói trước sáu câu này, sáu câu này nói về Lục Ðộ. Thứ nhất ‘Ðàn Na’ là tiếng Phạn, dịch nghĩa là ‘Bố Thí’. Chư Phật, Bồ Tát, nói thật ra tức là Pháp Thân. Pháp Thân là gì? Họ khẳng định tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là chính mình. Họ nhất định chẳng cho rằng thân này là mình, tận hư không trọn khắp pháp giới mới là chính mình, thế nên họ chứng được vô lượng thọ. Hư không pháp giới chẳng diệt, thân này của chúng ta có sanh diệt, ví giống như cái gì? Tế bào trong thân chúng ta, tế bào có lớp mới thay lớp cũ, có sanh diệt. Nhưng thân này phải trụ mấy mươi năm, thời gian của tế bào rất ngắn. Y Học hiện đại nói thân thể người ta cứ bảy năm là một chu kỳ, hết thảy tế bào có một lần thay đổi. Thế nên trước bảy năm những tế bào cũ đã mất đi, những tế bào hiện nay đều là mới hết, vĩnh viễn lớp mới thay lớp cũ. Tre già măng mọc, tại sao chúng ta chẳng đổi một cái mới, đổi cái tốt, mới hoàn toàn? Thí dụ một cái máy, linh kiện (bộ phận) trong máy hư rồi, tìm một linh kiện tương tợ như cái này rồi gắn vào thì cũng có thể dùng được, đó là đồ cũ chẳng phải mới. Tại sao không lựa một linh kiện mới hoàn toàn gắn vô, thế thì thân thể này của bạn vĩnh viễn khoẻ mạnh, sống lâu, người một trăm tuổi còn giống như người trẻ tuổi vậy, tại sao? Bạn thay tế bào này bằng tế bào mới, thanh tịnh, chẳng ô nhiễm. Nhưng khi chúng ta thay đổi đều đổi tế bào ô nhiễm. Ô nhiễm như thế nào? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn đã ô nhiễm, những gì đổi được đều chẳng tốt đẹp! Bạn xem con nít cũng vậy, con nít bảy tuổi, mười tuổi, đã đổi hai chu kỳ rồi, tại sao vẫn còn tốt như vậy? Vọng tưởng ít, vọng niệm ít. Nếu nói một câu khó nghe thì tâm niệm hại người, hại mình ít, thế nên những tế bào họ đổi vẫn còn mới. Tuổi càng lớn thì tâm niệm hại người hại mình càng nhiều, càng mạnh, càng đổi thì càng tệ, là đạo lý như vậy.

Chúng ta nhìn xem thế giới của Phật, tây phương Cực Lạc thế giới cũng vậy, tại sao thể chất của người ta vĩnh viễn không thay đổi? Hình như ngưng tụ tại nơi ấy, trên thực tế có phải là ngưng tụ không? Không phải, hay là đời đời chẳng trụ. Tức là trong sự thay cũ đổi mới của họ hoàn toàn chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nghĩa là linh kiện mới vừa đổi này là hoàn toàn mới, vĩnh viễn sẽ mới hoài. Trong máy này thay mười lần, thay hai mươi lần đều là thay đồ mới, là đạo lý như vậy. Sự thiệt thòi của chúng ta ở tại đâu? Tự mình hại mình, tự tư tự lợi, chuyện này chẳng phải là ‘tự lợi’ mà là ‘tự tư tự hại’, danh từ dùng sai rồi, đâu có chuyện tự lợi? Là tự hại. Lợi tha mới là tự lợi, ai biết việc lợi tha? Phật, Bồ Tát biết lợi tha, người giác ngộ biết lợi tha. Người mê hoặc điên đảo chỉ biết tự lợi, tự lợi là tự hại, chẳng phải là tự lợi.. Nói đến lợi không đúng. Chẳng nói gì khác, chỉ nói về tình trạng sức khỏe thì bạn sẽ hiểu, tự mình hại chính mình. Tại sao tế bào thay cũ đổi mới này chẳng thể đổi thành mới hoàn toàn, chẳng thể đổi thành khoẻ mạnh? Phải biết tham, sân, si, mạn là độc tố bịnh hoạn nặng nhất, trong tâm của bạn có tham, sân, si, mạn thì đổi tế bào đều là tế bào bị bịnh, đều mang độc tố bịnh hoạn nghiêm trọng, bạn không có lợi gì hết! Dù con nít cũng có tâm tham, sân, si, mạn, nhưng rất yếu ớt, chẳng mạnh, những độc tố trong các tế bào thay đổi của nó rất ít, người lớn tuổi mang theo độc tố bịnh hoạn rất nhiều. Nếu chúng ta chẳng thâm nhập kinh tạng, chẳng hiểu đạo lý Ðại Thừa, chúng ta làm sao biết nổi những chân tướng sự thật này! Khoa học gia tìm tòi đến ngày nay vẫn chưa phát hiện ra, cũng chẳng tìm hiểu. Thế nên vừa mở đầu thì dùng Sáu Ba La Mật để trước mặt, hết thảy chư Phật, Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp cho chúng sanh, dạy chúng sanh tu hành chứng quả đều chẳng ra ngoài sáu cương lãnh này.

Bố Thí gồm có ‘Bố Thí tài vật, bố thí pháp, bố thí vô úy’, khi Thế Tôn giảng kinh, thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh thì cả ba thứ bố thí này đều trọn đủ. Giảng kinh thuyết pháp có ‘bố thí tài vật’, tài vật gì? Nội tài, nội tài là trí huệ, thể lực, đây là bố thí nội tài. Những gì nói ra là quan niệm và phương pháp, đây là ‘pháp bố thí’. Chúng sanh được pháp này, hiểu rõ pháp này, có thể lìa khỏi hết thảy âu lo, buồn rầu, khổ não, biết được con đường thoát ly luân hồi, đây là ‘vô úy bố thí’. Chư Phật, Bồ Tát làm ba thứ bố thí này. Bản thân các ngài trì giới, ‘Trì giới’ tức là đúng như pháp, đời sống của ngài có quy củ, ngài thuyết pháp có lý luận, có thứ tự, chẳng có gì không đúng như pháp, như pháp chính là trì giới. ‘Nhẫn nhục’ là có tâm nhẫn nại, sanh nhẫn, pháp nhẫn, hết thảy chúng sanh chống lại, Phật, Bồ Tát có thể nhẫn, chẳng nề hà, chẳng giữ trong tâm. Ngày nay chúng ta nói những tai biến tự nhiên này cũng có thể nhẫn. Tu học Phật pháp cần phải có thời gian rất dài, phần cuối kinh Hoa Nghiêm có đoạn Thiện Tài đồng tử năm mươi ba lần tham vấn, tham học cũng rất cực nhọc, chẳng có một việc gì không thể nhẫn. Nói cách khác, ngài có tâm nhẫn nại rất lớn nên ngài có thành tựu to lớn. Thành tựu lớn nhỏ, nói thật ra là hoàn toàn tỷ lệ thuận theo tâm nhẫn nại, bạn có tâm nhẫn nại bao lớn thì bạn sẽ có thành tựu lớn bấy nhiêu, nếu bạn chẳng có tâm nhẫn nại thì thành tựu của bạn sẽ chẳng thể tiến triển thêm. Thế nên Nhẫn nhục xong thì mới có Tinh tấn.

‘Tỳ Ly Da’ là ‘Tinh tấn’. Tấn là tiến bộ, tinh là tinh thuần; ‘Tinh’ hoàn toàn là nói về vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ngày càng ít, đây là ‘tinh’. Trí huệ, đức năng ngày càng sáng tỏ, càng nhiều, đây là tiến bộ. ‘Thiền định’ là trong tâm có chủ tể, chẳng bị lay động bởi hết thảy. Hiện nay đồng tu học Phật, chúng ta được Phật pháp thực sự chẳng dễ, pháp môn vô thượng hy hữu, đắc lực ở chỗ Tổ Tổ truyền thừa, chúng ta gặp được thiện tri thức mới biết được, mới hiểu được. Chẳng gặp chân thiện tri thức thì pháp môn này bày trước mặt bạn, bạn chẳng biết quý, gặp rồi mà bỏ lỡ, bạn nói như vậy đáng tiếc biết bao. Trong hết thảy pháp môn, pháp môn Tịnh Ðộ thù thắng bậc nhất, có bao nhiêu người biết được? Bao nhiêu người có thể hiểu rõ triệt để? Chỉ có hiểu rõ thật sự thì mới có thể sanh khởi lòng tin, cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp. Thời Mạt pháp còn chín ngàn năm, phương pháp gì có thể độ những chúng sanh khổ nạn này? Chỉ có pháp môn Niệm Phật, pháp môn Niệm Phật y cứ vào kinh thứ nhất là kinh Vô Lượng Thọ.

Kinh Vô Lượng Thọ được dịch tổng cộng mười hai lần tại Trung Quốc, có mười hai bản dịch gốc. Lúc Thế Tôn còn tại thế đã giảng nhiều lần nên nguyên văn có rất nhiều bản khác nhau. Chúng ta phải coi hết những bản kinh này mới có thể nhận thức Tây phương Cực Lạc thế giới rõ ràng, mới có thể kiên định tín nguyện, việc này rất quan trọng! Nhưng muốn gộp chung những bản dịch gốc này lại để xem thì thời đại hiện nay chẳng dễ, huống gì là thời xưa! Thế nên việc hội tập rất cần thiết. Người hội tập lần đầu tiên là cư sĩ Vương Long Thư, là một vị tại gia, bản hội tập của ngài được ghi vào Ðại Tạng Kinh. Chư vị phải biết những tác giả, tác phẩm có thể ghi vào Ðại Tạng đều được sự thừa nhận của bốn chúng đệ tử trong Phật môn, khẳng định chẳng có sai lầm mới được ghi vào Ðại Tạng. Chẳng phải những trứ tác thông thường đều có thể ghi vào Ðại Tạng Kinh, phải được sự tiến cử của cao tăng đại đức đương thời, gởi cho nhà vua coi, hoàng đế phê chuẩn xong mới có thể ghi vào Tạng kinh, chứng minh trứ tác này chẳng có sai lầm.

Tổ Liên Trì của Tịnh Ðộ Tông chú giải Di Ðà Kinh Sớ Sao, những đoạn trích dẫn kinh Vô Lượng Thọ có hai phần ba là dùng bản ‘Ðại A Di Ðà Kinh’ của Long Thư cư sĩ, tức là bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, như vậy là Liên Trì đại sư thừa nhận và khẳng định. Bồ Tát Long Thư tự mình đích thật niệm Phật đứng mà vãng sanh, nếu ngài hội tập chẳng đúng, tạo tội lỗi thì ngài làm sao có thể đứng vãng sanh? Việc này nói rõ công đức của ngài vô lượng vô biên. Nhưng bản hội tập của cư sĩ Long Thư chỉ bao gồm bốn bản dịch gốc. Hội kinh Vô Lượng Thọ trong kinh Ðại Bảo Tích đời Ðường, cư sĩ Long Thư chẳng xem qua nên bản hội tập của ngài cũng chưa viên mãn. Nhiều người trong các đời sau chú ý đến vấn đề này, Bành Tế Thanh đầu đời Thanh đã làm một bản tiết hiệu[11], chẳng phải hội tập. Năm Hàm Phong, cư sĩ Ngụy Nguyên hội tập thành một bản nhưng những chỗ lấy - bỏ đều chẳng thích hợp, Ấn Quang đại sư có lời phê bình bản này. Thế nên đến những năm đầu Dân Quốc, cư sĩ Hạ Liên Cư phải làm một bản hội tập viên mãn nhất. Hạ lão cư sĩ là người tái lai, chẳng phải người thường. Có người nói với tôi từ bức ảnh của ngài nhìn thấy thân thể ngài trong suốt, [việc này] nói cho tôi biết ngài chẳng phải người thường, là người tái lai, là Phật, Bồ Tát tái lai, đến để cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp.

Tương lai kinh điển Tịnh Tông đến thời Phật pháp diệt tận, kinh Vô Lượng Thọ còn được lưu lại trên thế gian một trăm năm. Những đại đức đương thời như lão pháp sư Huệ Minh, lão pháp sư Từ Châu bên Luật Tông, lão cư sĩ Mai Quang Hy đều khẳng định tương lai bản kinh cuối cùng được lưu truyền một trăm năm chính là bản hội tập này. Bản này là bản hội tập những bản in gốc của kinh Vô Lượng Thọ hợp thành, nếu chư vị không tin thì có thể lấy năm bản dịch gốc ra đối chiếu, đừng hủy báng nữa, đừng kỳ thị nữa, tạo nên tội nghiệp vô lượng vô biên. Nếu bạn nói lão cư sĩ Hạ Liên Cư là một cư sĩ, cư sĩ chẳng có khả năng để hội tập, thế thì bạn hãy xuất gia, bạn hãy hội tập xem. Vương Long Thư là cư sĩ, Ngụy Mặc Thâm cũng là cư sĩ, những công tác hội tập từ đời Tống đến Dân Quốc đều do cư sĩ tại gia làm, Liên Trì đại sư là Tổ sư, là người xuất gia, đã khẳng định, thừa nhận. [Những lời hủy báng bản hội tập này] đều là thiên kiến của cá nhân, thật rất đáng tiếc!

Hiện nay ở Tân Gia Ba chúng ta phát tâm giảng rõ bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư thêm một lần, [nội dung] giảng lần này phải rõ hơn những lần giảng trước gấp nhiều lần. Nếu chúng ta không hiểu rõ triệt để Lý Sự, nhân quả của Tịnh Tông, trong tâm chẳng có chủ ý, niệm Phật được vài năm, gặp một người lại nói những câu bóng gió như vầy: ‘Tôi nghe nói chẳng cần phải niệm Phật nhiều như vậy, cũng chẳng cần phải trì giới, chẳng cần phải ăn chay, chỉ cần phát nguyện vãng sanh thì cũng được!’. Câu này đề xướng việc gì? Ðề xướng ‘Bổn Nguyện Niệm Phật’, như vậy là hại chết người ta! Họ chiếu theo nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện [của đức Phật A Di Ðà ghi trong] kinh Vô Lượng Thọ, lúc lâm chung một niệm, mười niệm cũng có thể vãng sanh. Lúc bình thường chuyện xấu xa gì đều làm cũng chẳng sao, đến lúc lâm chung niệm mười niệm, A Di Ðà Phật liền đến tiếp dẫn thì được vãng sanh. Lời này nói chẳng sai [nhưng] lúc lâm chung đầu óc của bạn có tỉnh táo, rõ ràng không? Nếu lúc lâm chung bạn bất tỉnh nhân sự, mê man ngớ ngẩn, dù cao tăng đại đức đến hộ niệm thì bạn cũng chẳng thể vãng sanh. Người hiện nay chẳng có công phu định lực, nghe lời gạt gẫm chứ chẳng nghe lời khuyên lơn, nhận đồ giả chứ chẳng nhận đồ thiệt. Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ, thời đại hiện nay của chúng ta ‘Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’. Bạn đừng nghe theo những người đến từ bên ngoài, ‘hòa thượng bên ngoài biết niệm kinh’, coi thường người bản xứ, mê theo, tin theo người đến từ nơi khác, bạn sẽ bị lầm, sai lầm quá đỗi! Hy vọng đồng tu niệm Phật phải quay lại, y theo lời dạy của Ấn Quang lão pháp sư: ‘Tận lực giữ trọn luân thường, Làm tròn bổn phận, Ngăn ngừa tà ác, Giữ tâm tánh chân thành, Tín nguyện niệm Phật, Cầu sanh Tịnh Ðộ’ [12], được vậy thì đời này của chúng ta mới được độ. Thế nên ‘Thiền định’ là trong tâm có chủ tể, chẳng nghe lời đồn đãi.

Trì Giới Niệm Phật nhất định là chính xác, chẳng ăn thịt chúng sanh là tâm từ bi, bạn xem cách tiêu biểu pháp ở phía trước, mười vầng mây sáng, tiếp theo sau Ðại Viên Mãn là Ðại Từ Bi, Phật pháp lấy ‘từ bi làm gốc’, bạn làm sao xả bỏ căn bản được! Quên mất căn bản thì làm sao vãng sanh được! Niệm câu A Di Ðà Phật này, như thế nào gọi là ‘niệm’? Rất ít người hiểu việc này, bạn chỉ biết niệm trong miệng, chẳng dùng được. Người xưa nói một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, có miệng niệm chứ không có tâm niệm, hét bể cổ họng cũng uổng công. Bạn có thể vãng sanh không? Hai chữ Bổn Nguyện giảng không sai, họ chẳng giảng rõ ràng, tâm của bạn, nguyện của bạn, hạnh của bạn phải hoàn toàn giống đức Phật A Di Ðà, sau đó niệm một câu thì một câu tương ứng, niệm mười tiếng thì mười tiếng tương ứng. Nếu tâm bạn, nguyện của bạn hoàn toàn trái nghịch với Phật, bạn niệm mười vạn tiếng cũng chẳng tương ứng. Tâm - Nguyện - Giải - Hạnh của A Di Ðà Phật ở đâu? Trong kinh Vô Lượng Thọ.

Tôi giảng kinh, nói chín phẩm vãng sanh, cách nói của tôi cùng với cách nói của đại đức thời xưa có chỗ khác nhau, nhưng ý nghĩa chẳng khác, [nghe] cách nói của tôi thì mọi người dễ hiểu hơn. Pháp môn Tịnh Tông cũng chẳng trái nghịch giáo lý: ‘Tín - Giải - Hành - Chứng’. Pháp môn khác phải Giải (hiểu rõ lý luận) xong rồi mới Hành, pháp môn Tịnh Ðộ phương tiện, tức là bạn có thể Hành trước, vừa Hành vừa Giải, chẳng phải dạy bạn chỉ có Hành chẳng có Giải; là dạy bạn vừa Hành, vừa cầu Giải. Chỉ có Hành chứ không Giải cũng được, chúng ta thấy rất nhiều cụ già chẳng hiểu kinh giáo, cũng chẳng nghe kinh, một câu A Di Ðà Phật niệm đến cùng, lúc vãng sanh đứng, ngồi mà vãng sanh, chúng ta đều đã thấy được. Họ là hạng người như thế nào? Họ là những người thật thà. Thật thà là như thế nào? Bạn nói với họ bất cứ chuyện gì, họ đều nghe lời, họ chắc thật niệm câu A Di Ðà Phật, họ là hạng người thật thà. Người thật thà rất ít, quá ít quá ít, trong một vạn người may ra có một, hai người thật thà như vậy. Cả ngày từ sáng đến tối luôn khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là chẳng thật thà, người chẳng thật thà nhất định phải cầu Giải. Rõ ràng lý luận rồi, hiểu rõ phương pháp rồi thì niệm câu Phật hiệu này mới được tương ứng. Cứ nhẹ dạ, cứ nghe lời đồn đãi, tà thuyết là không thật thà; đến cuối cùng đánh mất nhân duyên vãng sanh thù thắng ngay trong đời này của chúng ta, bạn nói như vậy có đáng tiếc không! Nhất định đừng nghe lời đồn đãi, trong tâm phải có chủ ý, như vậy là ‘Thiền Ba La Mật’.

‘Bát Nhã Ba La Mật’ là trí huệ, tức là đối với hết thảy Lý, Sự đều rõ ràng minh bạch. Tuy rõ ràng, minh bạch nhưng tuyệt đối không chấp trước, tuyệt chẳng phân biệt, đó là chân trí huệ. Ðây là tổng cương lãnh tự hành hóa tha của hết thảy chư Phật Như Lai. Vì người diễn nói, biểu diễn là biểu diễn những thứ này, khuyến đạo hết thảy chúng sanh đều là những cương lãnh này.