Tây Phương Yếu Quyết

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tây Phương Yếu Quyết

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • LỜI BẠT

Đã sinh vào thời Tượng pháp, cách Phật quá xa, Đạo có ba thừa vẫn không sao khế ngộ. Hai cõi trời người, loạn động bất an, chỉ có bậc huệ tâm cao rộng, mới có thể ở lâu trong ấy; còn như kẻ trí cạn hạnh thô, e rằng mãi bị đắm chìm trong cõi tối tăm. Vì thế, thân cần phải lìa xa cõi Ta bà, tâm gởi vào cảnh Tịnh. Kính xin những bậc cùng tu Tịnh nghiệp, phát khởi thân tâm, nương theo pháp niệm Phật này, nhất định sẽ lìa bỏ được cõi Ta bà. Mong rằng mọi người chớ để tâm chạy theo danh lợi, luôn canh cánh nỗi sợ vô thường. Cho dù danh tiếng có đuổi kịp Huệ Viễn, Đạo An thì đâu khác nào bóng chớp; đức vượt xa Tăng Triệu, Đạo Sinh cũng giống như Càn thành?

Văn Tam không, Cửu đoạn, lý sâu kín mà ngôn từ lại quá đổi mênh mang; giáo Thập địa, Ngũ tu, nghĩa uyên áo mà lời lẽ vô cùng phức tạp. Chẳng thể với một ít công phu mà phải trải qua nhiều năm tư duy mới thành tựu Tịnh nghiệp, đâu có phần của khoảng sát na? Niệm chất chứa như cát bụi, mới có thể tuyên dương sự diệu kì trong chín cõi; tâm thường tạo cảnh mà cảnh hiển bày sự mầu nhiệm của Nhị vô. Nếu thức luyến tà ma, mà muốn làm lớn cái gốc đạt vọng , thì đời người lại quá ngắn ngủi; đợi gieo trồng trí hội chân, thì đường chết nào có hẹn? Chi bằng hãy lắng niệm trì trai mà dứt bỏ nghiệp rộng đa văn, an tâm nơi bến tuệ mà phát khởi pháp tu thiểu học. Thế thì lìa bỏ cõi Tabà mà dạo bước nơi Thượng uyển ở Lạc bang. Tâm ở nơi cõi Tịnh, thân nương nơi đài vàng, đồng đạt đạo nơi Đức Từ phụ A Di Đà, thì mối nghi nào không dứt. Cảm được lời dạy của Đức Phật, chứng nhập Vô sinh, lợi ích quá nhiều!

Tôi lược nêu những điều thô thiển để mọi người chọn lấy ý hay, hầu gắng sức tiến tu thành tựu Tịnh nghiệp. Xin chớ bỏ qua!

  • Phụ lục 1:
    TIỂU SỬ ĐẠI SƯ KHUY CƠ

Thích Khuy Cơ, tự Hồng Đạo, họ Uất Trì, người Kinh Triệu, Trường An, Trung Quốc. Tổ tiên dòng họ Uất Trì đồng thời với nhà Hậu Ngụy, lúc bấy giờ gọi là bộ lạc Uất Trì. Như các nước chư hầu của Trung Hoa, khi nhập vào nước này thì lấy tên bộ lạc làm họ. Cháu sáu đời của Bình Đông tướng quân tên Thuyết đời Ngụy là Mãnh Đô sinh ra La Ca. La Ca làm Tây Trấn tướng ở Đại Châu đời nhà Tùy, là tổ của Sư. Ông nội Sư húy là Tông, tước Hồng Do huyện Khai quốc công, chức Tả Kim Ngô tướng quân, Tùng châu Đô đốc vào đời nhà Đường. Còn cha của Sư là Ngạc quốc công Kính Đức.

Sách Đường Thư ghi: Mẹ Sư họ Bùi, nằm mộng thấy tay bắt lấy mặt trăng mà nuốt, khi thức dậy biết mình đã có thai. Thế rồi, ngày tháng khai hoa nở nhụy, Sư ra đời, dung mạo vượt xa những đứa trẻ khác. Mới mấy tuổi, Sư đã học tập, tâm trí rất sáng tỏ.

Một hôm, đang đi trên đường, ngài Huyền Tráng thấy Sư có vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, nhưng hành động lại thô lỗ, mới nói rằng: "Dòng giỏi tướng gia quả thật không sai! Nếu nhân duyên khế hợp độ làm đệ tử thì trong pháp của ta có bậc kỳ tài!". Nhớ lại khi còn ở Ấn Độ, nghĩ đến lộ trình trở về, Sư đến chỗ Ni Kiền Tử bói được một quẻ rất tốt. Trong quẻ bảo rằng: "Sư cứ nhanh chóng trở về, bởi bậc minh triết nhờ đó mà xuất hiện". Sau đó, Ngài đến Bắc Môn. Tướng quân tha thiết khuyên cho Khuy Cơ xuất gia. Người cha nói: "Nó tánh tình rất lỗ mãng đâu dễ gì chịu cho Sư dạy dỗ!". Huyền Tráng nói: "Người có khí độ như thế không phải tướng quân thì không ai sinh ra được, chẳng phải tôi thì không ai có thể biết được". Tuy người cha đã đồng ý, nhưng Khuy Cơ một mực cự tuyệt, phải cố gắng khuyên nhiều lần mới vâng chịu. Nhưng Khuy Cơ lại khẳng khái bảo rằng: "Chấp nhận cho ba việc thì con mới nguyện xuất gia: không đoạn tình dục, ăn mặn và ăn phi thời". Ngài Huyền Tráng trước muốn dùng Dục để độ, sau giúp khai mở Phật trí nên giả vờ chấp nhận ba điều kiện trên. Bởi thế, về sau mỗi khi Ngài đi đâu đều chở đầy những vật mà Sư ưa thích. Cho nên, Quan Phố nói: "Hòa thượng Tam Xa". Đó là vào niên hiệu Trinh Quán 22 (648).

Có lần, Sư tự trình bày rằng: "Chín tuổi chịu biết bao gian nan, dần dần dứt bỏ trần tục". Nếu đúng như vậy thì thuyết Tam xa quả là quá hư dối.

Năm 17 tuổi Sư xuất gia, đến lúc vào đạo thì vâng chiếu làm đệ tử của ngài Huyền Tráng. Ban đầu Sư ở chùa Quảng Phước, lại vâng theo chiếu chỉ về việc tuyển chọn những bậc thông minh tài giỏi của triều đình, nên Sư đến chùa Từ Ân dốc lòng thờ ngài Huyền Tráng học ngôn ngữ Thiên Trúc, nhằm tháo gỡ những gút mắc, đồng thời tổng hợp và sắp xếp lại văn nghĩa có thứ tự; mọi người nghe thấy, không ai mà không thán phục. Cả trăm kiền độ Bạt Cừ, một khi Sư đã xem qua thì nhớ kỹ không sai.

Năm 25 tuổi, Sư vâng chiếu dịch kinh, giảng thuyết thông suốt hơn ba mươi bộ kinh luận Đại thừa, Tiểu thừa. Sư vừa chuyên tâm vừa sáng tạo, siêng năng trước tác, đồng thời luôn thưa hỏi những điều gần gũi, suy nghĩ những việc thiết thực, chớ không đàm luận những điều viễn vông. Sư sớ giải hơn trăm bộ. Bộ Duy Thức luận của ngài Huyền Tráng dịch, ban đầu Sư cùng với Huyền Phưởng, Gia Thượng và Phổ Quang lãnh nhiệm vụ nhuận sắc, ghi chép, kiểm văn và chứng nghĩa, được vài hôm thì Sư xin thôi. Ngài Huyền Tráng hỏi thì Sư đáp: "Đêm nằm mộng thấy người vàng, sáng đi đến chùa Bạch Mã. Tuy được cặn bã của pháp môn, nhưng lại đánh mất tinh túy giáo pháp, con nguyện không phí công với bản lộn xộn này nữa. Theo con thì nên hợp thành một bản, nhận trách nhiệm thì phải có chỗ quy hướng". Ngài Huyền Tráng liền đồng ý, dùng những lý lẽ để từ chối ba vị kia, chỉ giao phó riêng cho Sư. Đây chính là ngài Huyền Trang lượng định tài mà giao cho nhiệm vụ. Khi ấy, Sư nhận lãnh trách nhiệm ghi lại điều đã nghe, lúc ngài Huyền Tráng giảng xong thì Sư chú sớ cũng hoàn tất.

Không bao lâu sau, pháp sư Viên Trắc ở chùa Tây Minh cũng là bậc tài giỏi thông minh, lập kế dùng vàng đưa cho người canh cửa giảng đường Duy Thức Luận để được ẩn núp lén nghe liên tiếp nhiều buổi, cho nên cũng thông hiểu yếu chỉ của luận. Còn mấy buổi giảng nữa là xong, Viên Trắc bèn đánh kiền chùy tập họp Tăng để giảng luận này, Khuy Cơ nghe việc này rất hổ thẹn, cho rằng mình kém hơn, nên không dấu được nỗi buồn bã tấm tức trong lòng. Ngài Huyền Tráng khích lệ: "Tuy Viên Trắc làm chú sớ, nhưng chưa đạt được Nhân minh". Sư bèn giảng luận Trần Na, vì Sư rất giỏi về ba chi Nhân minh nên cứ mặc tình tung hoành lập phá, thuật, nghĩa, mệnh, chương, từ trước đến nay không ai có thể sánh bằng. Sư lại thỉnh thầy giảng luận Du Già cho riêng mình, nhưng lại bị Viên Trắc trộm nghe như trước. Ngài Huyền Tráng nói: "Tông Ngũ tánh chỉ có ông mới thấu triệt, còn người khác thì không".

Sau đó, Sư đến núi Ngũ Đài, leo lên Thái Hành, đến tá túc tại chùa Cổ Phật ở Tây Hà, nằm mộng thấy thân mình nằm ở giữa lưng chừng ngọn núi, nghe tiếng kêu khổ của vô số người ở dưới chân núi, âm thanh vang lên giữa đêm tối mịt mờ nghe thật bất nhẫn. Sư bèn dần dần trèo lên đỉnh núi, thấy toàn màu sắc lưu ly, nhìn rõ các quốc độ. Sư ngước nhìn một tòa thành thì trong thành đó vọng ra tiếng rằng: "Dừng lại! Dừng lại! Ôi, Khuy Cơ chưa thể đến đây được!". Trong chốc lát, có hai thiên đồng từ trong thành đi ra hỏi: "Sư có thấy những chúng sinh đau khổ ở dưới núi không?". Đáp: "Tôi chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình". Đồng tử liền ném cho một thanh kiếm và nói: "Mỗ bụng sẽ thấy". Khuy Cơ tự mỗ bụng mình, trong bụng phát ra hai luồng ánh sáng rực rỡ chiếu xuống dưới núi thì thấy có vô số người đang chịu khổ.

Lúc ấy, đồng tử đi vào trong thành mang ra hai cuộn giấy và bút trao cho, Sư tiếp nhận rồi ra đi mà trong lòng vẫn còn bàng hoàng kinh ngạc. Trải qua hai đêm, trong chùa phát ra ánh sáng mãi không tắt. Sư tìm hiểu thì phát hiện ánh sáng phát ra từ mấy cuộn giấy; khi mở cuộn giấy ra có được kinh Di Lặc thượng sinh. Sư liền nhớ lại giấc mộng trước đây: "Chắc ngài Từ Thị sai bảo ta tạo sớ để giải thích nghĩa lý!". Khi Sư vừa hạ bút thì từ đầu ngọn bút rơi xuống mười bốn viên Xá lợi, giống như hạt đào đất Ngô, màu hồng trông rất đẹp, kế đến lại rơi ra những hạt Xá lợi như hạt hoàng lương.

Có thuyết cho rằng lúc Sư đến Thái Nguyên truyền pháp, mang theo ba xe. Xe trước chở kinh luận, xe giữa mình ngồi, xe sau chở gia đình, kỹ nữ, tôi tớ và thức ăn. Khi đang đi trên đường, lại gặp một ông già hỏi: "Chở ai vậy?". Sư đáp: "Gia đình quyến thuộc". Ông già nói: "Đã biết pháp rất thanh tịnh như vậy mà mang theo gia đình, e rằng không xứng với giáo pháp". Khuy Cơ nghe lời nói ấy, bỗng nhiên hối hận những điều sai phạm trước đây rồi, bỏ đi một mình. Ông già ấy chính là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Thuyết này là quá thiển cận, thiếu suy nghĩ. Bởi lúc Sư theo ngài Huyền Tráng tham gia công tác phiên dịch ở cung Ngọc Hoa thì ba xe để ở chỗ nào?

Sư giáo hóa khắp nơi, số người được lợi ích rất nhiều. Khi đi về phía Đông, đến Bác Lăng, có người thỉnh giảng kinh Pháp Hoa, Sư bèn tạo Đại sớ. Đến khi trở về bổn tự, thường trao đổi qua lại với những bậc cựu phiên dịch. Rất nhiều lần, Sư đến yết kiến luật sư Đạo Tuyên. Ngài Đạo Tuyên thường có sứ giả của các Thiên vương đến hầu hạ, hoặc thầm báo những việc trong ngày. Có một hôm nọ, Sư từ phương xa đến, ngài Đạo Tuyên lấy làm lạ vì các sứ giả đến rất trễ, bèn hỏi, thì họ thưa rằng: "Vừa rồi có Bồ tát Đại thừa ở đây, thiện thần theo hầu rất đông. Con dù có thần thông nhưng đều bị bọn họ chế ngự, cho nên đến trễ".

Đến năm Vĩnh Thuần thứ nhất, nhằm năm Nhâm Ngọ, Sư phát bệnh. Vào ngày 13 tháng 11 năm đó, Sư an nhiên nhập diệt tại viện Dịch Kinh chùa Từ Ân, hưởng thọ 51 tuổi, an táng ở thôn Phiền, bên cạnh mộ tháp tam tạng pháp sư Huyền Tráng. Đệ tử vô cùng thương xót. Lễ tang của Sư, ngoài những đệ tử, còn có rất đông đạo tục.

Những trước tác của Sư: Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, Du Già Luận Lược Toản, Bách Pháp Minh Môn Giải, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Sớ, Nhiếp Đại Thừa Luận Sao, Đối Pháp Luận Sao, Thắng Tông Thập Cú Nghĩa Chương, Pháp Hoa Huyền Tán, Di Dà Kinh Thông Tán Sớ, Kim Cương Bát Nhã Kinh Huyền Ký, Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Tán.

Khi còn sinh tiền, Sư là người có chí khí mạnh mẽ, tạo tượng Di Lặc và hàng ngày ở trước tượng tụng một thiên Bồ tát giới, nguyện sinh Đâu Suất, cảm được tượng phát ra hào quang toàn thân rực rỡ. Sau đó, Sư đến Ngũ Đài sơn tạo tượng Bồ tát Văn Thù bằng ngọc thạch, đồng thời viết kinh Bát Nhã bằng nhũ vàng, khi hoàn thành cũng có phát thần quang. Những đệ tử kế thừa đều lấy Sư làm chuẩn tắc và xem như ngài Huyền Tráng lúc còn sống.

Ngày Quý Dậu, tháng bảy, năm Bính Tuất, nhằm năm Thái Hòa thứ tư, đệ tử dời tháp Sư về Bình Nguyên, sa môn Lệnh Kiểm ở chùa Đại An Quốc kiểm tra tháp. Khi giở quan tài thấy Sư có bốn mươi chiếc răng, vẫn còn nguyên vẹn giống như ngọc. Mọi người bảo nhau rằng, đó là một trong những tướng hảo của đức Phật. Ngày nay, tượng Sư thờ trong các chùa đều ghi là "Bách Bổn Sớ Chủ". Vua Đường Cao Tông (có thuyết cho là Huyền Tông) có làm bài tán.

Sư khôi ngô tuấn tú, có chí khí vô cùng mạnh mẽ, với tâm từ bi cứu độ, dạy người không mệt, sau cổ có ngọc chẫm, diện mạo hết sức trác tuyệt, hai bàn tay xếp lại giống như ấn khế. Chữ đầu tên húy của Sư phần lớn không giống nhau. Cho nên, trong truyện Từ Ân ghi: "Vào niên hiệu Long Sóc thứ ba, ở cung Ngọc Hoa, ngài Huyền Tráng dịch kinh Đại Bát Nhã xong. Ngày 22 tháng 11 năm đó sai Đại Thừa Cơ dâng biểu, thỉnh vua đề lời tựa. Ngày mồng 7 tháng 12, Thông sự xá nhân tên Phùng Nghĩa truyền sắc chỉ đọc là Linh Cơ. Trong Khai Nguyên Lục gọi là Khuy Cơ, hoặc Thừa Cơ là sai. Ngày nay, trong nước đều gọi Sư là Từ Ân pháp sư.

Bài hệ ghi: "Nghĩa môn Tánh tướng đến đời Đường mới thấy hoàn bị. Tráng sư là Tổ, khai sáng Du Già Duy Thức, Khuy Cơ là Tông, theo văn trước thuật. Tổ và Tông trăm đời mãi mãi được kính thờ, bởi công đức lợi vật vô cùng rộng lớn. Nếu ngài Huyền Tráng mà không có Khuy Cơ thì làm sao phát triển lâu dài được cái học ấy và khai mở được mắt cho người trong thiên hạ? Công lao to lớn của hai Sư đã đi vào bất hủ. Vậy thì, Sư là con của Ngạc Công, đệ tử của Huyền Tráng. Đó gọi là con nhà tướng đến làm pháp tướng, ngàn năm chỉ có một người mà thôi! Cho nên, Kinh Thư có câu: "Cha cày con chịu gieo thì mới thu hoạch được". Bách Bổn Sớ Chủ là như vậy đó!


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tây Phương Yếu Quyết

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Phụ lục 2
    LÀM RÕ MỐI NGHI VỀ CHÂN TẠO NGỤY TẠO
    SÁCH TÂY PHƯƠNG YẾU QUYẾT THÍCH NGHI THÔNG QUY


Lưu Học Truyền Pháp Tướng Tông Sa môn Thích Cơ Biện, tại chùa Dược Sư ở Nam Đô biên soạn.

Nay để bàn về thật và giả của người soạn cuốn sách này, ta chia ra ba phần:

  • - Nêu điều nghi của người xưa.
    - Nêu nhận định của người nay.
    - Chính thức phán định.

    I. NÊU ĐIỀU NGHI CỦA NGƯỜI XƯA
Có ba chủ trương:

1. Ngày xưa, có vị Tăng đô Tế Tiêm ở chùa Nhân Hòa tại vùng Nam Nhạc đã đưa ra năm mối nghi đối với sách này:

- Sách này phán định sự khó dễ vãng sinh hoàn toàn trái với Thượng Sinh Kinh Sớ. Trong Sớ ghi: "Thiên cung có mười việc dễ sinh, Tịnh độ có bảy việc khó sinh". Hơn nữa, trong phần Khuyến Nội Viện cũng có ghi: "Kẻ hạnh nghiệp cạn cợt nguyện sinh Tây Phương, lỡ không được, e rằng thành sai lầm. Thế nên, hành giả phải tu pháp môn này". Chỉ một người giải thích, sao mà mâu thuẫn đến như vậy? Nên biết sách này không phải Khuy Cơ trước tác.

- Trong sách này có nói về Bản giác viên minh, nên hoàn toàn trái với nghĩa Thỉ giác Bồ đề.

- Có nói về Đồng quy nhất thật nên không giống với yếu chỉ Ba thừa chân thật.

- Phán định Đâu Suất có lui sụt thì phải giống với Sớ của chính tác giả soạn. Nhưng Sớ ghi: "Nếu sinh Ngoại viện, tuy bậc hạ hạ phẩm, nhưng mai sau cũng trở thành bất thoái". Nay sao lại trái ngược như thế?

- Định có và không về sự đến nghinh đón thì hoàn toàn trái với kinh Thượng Sinh. Kinh ghi: "Bấy giờ, Bồ tát Di Lặc phóng ánh sáng lông trắng giữa chặng mày đến đón rước người này". Nay nói không tiếp dẫn há chẳng phải hoàn toàn trái ngược sao? Vì có những sự trái ngược này nên nhất định không phải do Khuy Cơ sáng tác.

2. Gần đây có người nghi rằng: "Phàm phu được vãng sinh" là trích dẫn Cựu dịch chứ không theo Tân dịch, cho nên sinh nghi.

3. Trong đây nói: "Có ba thân không khác" thì không giống với thuyết của tông Pháp Tướng.

  • II. NÊU NHẬN ĐỊNH CỦA NGƯỜI NAY
Gần đây, có người giải thích mối nghi thứ nhất của sư Nam Nhạc rằng: "Đức Như Lai lập giáo tùy theo căn cơ mà có sai khác, các bậc Đại sĩ xiển dương nghĩa lý cũng tùy nghi mà chỉ bày". Hễ thâm nhập vào một môn thì đồng trở về nhất lý. Những điều nêu trong sách này có ý nghĩa như vậy. Như trong Thông Tán cũng có nêu mười việc thù thắng, chuyên khuyến khích Tịnh độ, mỗi mỗi tùy theo đường lối tu tập mà không hề trái nhau.

Giải thích nghi thứ hai: theo luận Duy Thức, pháp giới thanh tịnh vô lậu tùy tăng, tánh thanh tịnh viên minh, tuy có khách trần, nhưng bổn tánh vẫn thanh tịnh, cho nên nói: "Dù cho chân thể bị chướng ngại, nhưng thể tánh này vốn có. Hai thân giác ngộ, tự tánh bình đẳng, có đầy đủ vô lượng công đức, lìa các hý luận", nên nói: "Bản giác viên minh, hoặc pháp ấy vốn có chủng tử vô lậu nên gọi là Bản giác". Nay Sư giải thích văn kinh Lăng Già mà có hai nghĩa này.

Giải thích nghi thứ ba: căn cứ vào Bất định tánh hội ba thừa trở về Nhất thừa, nên gọi là Đồng quy nhất thật. Cho nên, không ra ngoài yếu chỉ ba thừa chân thật. Pháp Hoa Huyền Tán nói đây là Nhất thừa, nên nghĩa thông suốt tất cả.

Giải thích nghi thứ tư: đây là nói sinh vào Ngoại viện, phần nhiều đều bị lui sụt nhưng cũng có người không lui sụt. Nay nói không lui sụt, là căn cứ theo số nhiều.

Giải thích nghi thứ năm: Đức Di Lặc không có bản nguyện, nên cảnh đến tiếp rước cũng ít có. Vì quá ít cho nên cũng xem như không.

Giải thích mối nghi: "Chủ trương kia nói Hóa thân và quốc độ có ba:

1. Chỉ có Báo thân.
2. Chỉ có Biến hóa thân.
3. Chung cả Báo Hóa".

Vì sao người cứ chấp chặt một phía? Nếu chấp chỉ có Báo thân thì chỉ là tự lực niệm Phật. Phàm căn cơ được sức bổn nguyện hộ trì thì bao gồm tất cả giai vị, năm thừa đều nhập. Thế nhưng, những căn cơ thuộc về bổn nguyện thâu nhiếp thì trong Duy Thức không hề phán định và cũng không thuộc về Tánh, Tướng. Huống gì là trong văn ghi: "Sinh vào Hóa độ thấy Hóa Phật". Sao mà tối thế? Lại chỉ dẫn Cựu dịch là để gạn hỏi về tông nghĩa của các bản giải thích Quán Kinh...

Giải thích mối nghi: "Ba thân không khác": "Ở đây chẳng phải nói tương tức mà chỉ nói nhiếp tướng trở về tánh mà thôi". Huyền Tán ghi: "Ứng thân và Hóa thân chẳng phải chân Phật, cũng chẳng phải là người thuyết pháp. Đó là quy công đức về bản thể, chính là Pháp thân".

  • III. ChÍNH THỨC PHÁN ĐỊNH
Về Tăng đô Nam Nhạc, thứ nhất là nghi về sự khó dễ của vãng sinh Đâu Suất và Tây Phương. Gần đây, các sư giải thích là tùy theo căn cơ bất đồng của chúng sinh nên đức Phật diễn giáo cũng sai biệt. Nay phân tích rằng:

Giải thích trên, về lý thì đúng như vậy, nhưng ý thú vẫn chưa rõ ràng, lại còn dẫn Truyền Đăng Lục của Vĩnh Siêu chùa Hưng Phước, rồi cho rằng Thông Tán là ngụy tạo. Bởi thế, người học vùng Nam Kinh cho rằng Thông Tán không phải là chính. Nhưng Tây Phương Yếu Quyết này, trong Vĩnh Siêu Lục cho là pháp sư Cơ soạn, Chú Tấn Lục của Tạng Tuấn cũng nói như vậy. Nhưng từ xưa tới nay, môn đồ chùa Hưng Phước hàng ngày chuyên đọc tụng sáu bộ kinh, mười một bộ luận và những sớ giải mà ngài Khuy Cơ đã biên soạn, trong đó có Tây Phương Yếu Quyết, nhưng không có Thông Tán Sớ. Do đó, nên biết rằng Yếu quyết này là do ngài Khuy Cơ biên soạn chứ không phải ngụy tạo. Gần đây, dùng Thông Tán để nói chung là quá sai lầm vậy. Nay nêu ra văn để chứng minh, dùng nghĩa "tùy cơ" để phán định về người được vãng sinh Đâu Suất trong Thượng Sinh Kinh Sớ. Sớ chủ giải thích, nêu lên ba hạng người:

1. Bồ tát hành pháp không nhàm chán sinh tử, chịu khổ trong sinh tử làm lợi lạc, nên muốn sinh lên cõi trời, cần phải gá vào cảnh Sở y thù thắng để tu tập diệu hạnh. Cho nên, tất cả nơi thọ sinh đều tôn quý. Vì nơi thấp kém thì tự thể thực hành không toàn vẹn, vì sinh thiên được thấy đức Phật Từ Thị, cho nên không giống với Nhị thừa nhàm chán khổ sinh tử, sợ cõi trời buông lung không thích vãnh sinh về.

2. Người tôn kính tâm vô thượng Bồ đề thích tu thắng hạnh, cầu đại Bồ đề, được ở trước đức Di Lặc nghe đại pháp. Còn kẻ không thích Đại thừa chỉ mong cầu quả nhỏ, tùy theo chỗ thọ sinh mà vui với Niết bàn.

3. Người muốn làm đệ tử của ngài Di Lặc là nguyện ở trong cõi ác làm việc thiện lợi ích cho các hữu tình khổ đau. Chỉ mong cứu giúp, không nguyện sinh về Tịnh độ làm đệ tử của Phật khác, vì ở nơi kia không có hữu tình khổ đau để thực hành hạnh cứu độ, không có khổ để nhàm chán, nên tâm ưa thích cầu sinh không sâu. Do đó, nên biết vãng sinh Đâu Suất chỉ có căn cơ hàng Bồ tát, vì họ có đủ khả năng, còn căn cơ của hàng nhị thừa Thanh văn và Duyên giác thì không được. Nội viện Đâu Suất có đức Từ Tôn thuyết pháp cho chúng hội là hàng thiên tử, không nói cho chúng Thanh văn nghe. Tây Phương Tịnh độ thì không như vậy. Kinh A Di Đà ghi: "Lại nữa, Xá Lợi Phất, Đức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn đều đắc quả A la hán, không thể dùng toán số để tính đếm được. Các chúng Bồ tát cũng như vậy". Trong Quán Kinh nói: "Ba phẩm trung vãng sinh được lợi ích, vì chứng quả A la hán, Tu đà hoàn". Lại, kinh Vô Lượng Thọ nói: "Nếu trong trăm ngàn kiếp cùng tính đếm biết được số lượng Thanh văn, Duyên giác thì ta không nguyện thành Chánh Giác". Do đó, nên biết vãng sinh Tây Phương đều dành cho tất cả mọi căn cơ. Vì sao? Vì tâm nhàm chán xa lìa cõi uế chính là tâm Nhị thừa. Tâm không nhàm chán xa lìa cõi uế cùng tột thì không thể nói: "Hết lòng tin ưa muốn sinh về nước ta". Ý ưa thích phải tăng trưởng, nếu ý ưa thích mà không tăng trưởng tột cùng thì chẳng phải chân thật nương vào nguyện lực Phật. Tâm nhàm chán xa lìa của Nhị thừa tuy là thấp kém, nhưng từ tâm thấp kém đó lại phát khởi chí tâm tin ưa, nương bổn nguyện Phật, thế là tâm thấp kém chuyển thành rộng lớn. Nếu nhân chuyển biến này giảm thì cần phải ra sức chuyển. Vả lại, nếu tâm vãng sinh Đâu Suất nhàm chán, khổ, thô, chướng của hạ địa thì sinh thẳng lên cõi trên, không thể sinh vào cõi trời Đâu Suất làm đệ tử của ngài Di Lặc. Cho nên Kinh nói: "Không cầu đoạn kết hoặc, tu mười thiện pháp, không nhàm chán sinh tử thích sinh lên cõi trời", Sớ giải thích là chớ thực hành Sáu quán hạnh. Nên biết căn cơ thích hợp để vãng sinh Đâu Suất chỉ có hàng Bồ tát. Lại nói việc vãng sinh khó và dễ cũng là đối với căn cơ bất đồng mà luận. Thực hành sáu Sự pháp trong Thượng Sinh Sớ là thuộc Thượng phẩm hạnh sinh. Sớ chủ giải thích ý kinh nói về sáu Sự pháp như sau:

  • (1) Siêng năng tu tập hạnh nghiệp trong ruộng phước kính, ân và bi.

    (2) Đầy đủ oai nghi, giữ vững các giới hạnh và sống trong phép tắc.

    (3) Quét tháp, trang nghiêm đạo tràng và tu sửa linh tháp.

    (4) Hoa hương cúng Phật, tứ sự cúng dường trai tăng.

    (5) Phàm phu thực hành Tam muội văn, tư; Thánh nhân nhập chánh định, tùy theo từng địa vị mà đắc được quả thiền, hoặc phàm phu đã thực hành Tam muội mà chẳng phải sáu hành định. Sáu Hành định thì chắc chắn sinh lên cõi trên, nên trụ sâu trong văn và tư cũng gọi là Tam muội.

    (6) Đọc tụng kinh điển, diễn thuyết, tu tập và thực hành mười pháp thiện.
Vả lại, khi nêu lên các hạnh thù thắng dễ tu bậc nhất thì có sáu việc này, trong đó mỗi mỗi đều thâu nhiếp các hạnh nghiệp. Nếu tu tập đầy đủ sáu hạnh, hoặc có thể tu tập năm hạnh thì Thượng phẩm thượng sinh; nếu tu tập ba, bốn hạnh thì Thượng phẩm trung sinh; nếu tu một hai phẩm thì Thượng phẩm hạ sinh. Tiếp theo, ba phẩm trung là bốn chúng, tám bộ không phạm giới cũng không tạo tội ác. Người nhẹ nhất, khi nghe đến danh hiệu thì tâm hoan hỷ, miệng nói lời cung kính và thân lễ bái. Nếu đầy đủ ba nghiệp nầy là Trung phẩm thượng sinh, chỉ đủ hai nghiệp thì Trung phẩm trung sinh, chỉ có một nghiệp thì Trung phẩm hạ sinh. Tiếp theo, ba phẩm hạ, tuy có mười hạnh nhưng gom thành sáu hạnh: sám hối, tạo tượng, cúng dường, lễ bái, buộc niệm, xưng danh hiệu. Có đầy đủ sáu hạnh trên đây là Hạ phẩm thượng sinh, chỉ có bốn hạnh đầu là Hạ phẩm trung sinh, chỉ có ba hạnh đầu là Hạ phẩm hạ sinh; hoặc trong sáu hạnh này tùy theo mỗi một hạnh phát nguyện thấy Đức Từ Thị, hoặc sinh Ngoại viện được bất thối cũng đều thuộc hạ phẩm hạ sinh. Thậm chí, nếu không phát nguyện, cho dù không sinh lên cõi trời đó thì người nầy sẽ được giải thoát trong Tam hội, như Thượng Sinh Kinh Sớ đã nói.

Những hạnh như vậy, theo Quán Kinh nói: "Người tạo tội ác, đến khi lâm chung nhờ vào năng lực của bạn tốt nên chí tâm lắng nghe, đầy đủ mười niệm không gián đoạn thì tội liền diệt, được vãng sinh thấy Phật". Vậy thì biết rằng chín phẩm ở Đâu Suất cũng đều rất khó thực hành. Tuy nhiên, mỗi mỗi hạnh đều là những hành động của tâm tán loạn trong đời sống thường nhật. Nếu nhìn từ mặt lâm chung rất khó phát khởi chí tâm tin ưa thì những hạnh ấy vẫn còn dễ. Vả lại, vãng sinh Tây Phương, tuy chí tâm tin ưa khó phát khởi, nhưng đối với những hạng người có tâm nhàm chán cõi uế tăng trưởng mạnh thì chí tâm tin ưa cũng tăng trưởng mạnh. Do đó, chỉ mười lần xưng danh hiệu liền được vãng sinh, cho nên vãng sinh Cực Lạc dễ. Vả lại, hàng căn cơ Bồ tát sinh thiên thực hành hạnh lợi lạc, nếu sinh về Cực Lạc Tây Phương là nơi đã an lạc rồi, thì không thể thực hành hạnh nầy được. Cho dù trở lại cõi uế cứu độ trời người, nếu chẳng phải là hàng Thượng phẩm thượng sinh thì không thể mau chóng thực hành hạnh cứu độ. Còn những hạng căn cơ khác, sau khi vãng sinh, trải qua nhiều kiếp chứng được Hoan hỉ địa rồi mới nên làm Phật sự. Do đó, đối với căn cơ Bồ tát khó thực hành, mới cho vãng sinh Đâu Suất là dễ thì đâu trái với ý tâm ưa thích. Cho nên biết rằng, Thượng sinh sớ nói dễ là chỉ cho căn cơ Bồ tát. Nay, bộ Yếu quyết này đối với căn cơ ở trong cõi uế mà nói Tây Phương dễ vãng sinh thì ở trên mặt lý hoàn toàn không trái. Vả lại, trong Thượng Sinh Sớ, khi luận về vãng sinh khó và dễ có nói rằng: "Tây Phương có bảy việc khó vãng sinh, Đâu Suất có mười việc dễ vãng sinh". Ở đây chỉ khuyến khích riêng căn cơ Bồ tát chứ không dành cho tất cả mọi căn cơ. Cho nên, văn sớ kết luận: "Ở trong cõi uế tu tập hạnh thanh tịnh là chính hạnh của bậc Thánh, còn ở quốc độ nghiêm tịnh thì chẳng phải là chỗ giáo hóa của bậc Đại sĩ...". Lại nói: "Hạnh nghiệp cạn cợt thì chẳng may không vãng sinh". Đúng vậy, nếu thiếu chí tâm tin ưa thì có thể không được vãng sinh. Qua những văn trích dẫn trên thì chẳng nên nghi ngờ.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tây Phương Yếu Quyết

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Pháp sư Khuy Cơ ở chùa Đại Từ Ân chính là Bồ tát Đại thừa, vì muốn những hạng căn cơ kia được lợi ích nên soạn ra hai cuốn sách này. Chúng ta cần phải nhìn một cách toàn diện vấn đề trên thì không còn nghi ngờ. Như Duy thức sớ dùng Duy Thức nói về Trung đạo. Pháp sớ thì dùng uẩn, xứ và giới của Đại thừa nói về Trung đạo; Tâm Kinh U tán dùng "không" nói về Trung đạo. Bởi thuyết giáo là tùy theo căn cơ, tuy có khác nhau giúp cho người ngộ nhập, nhưng tánh lìa ngôn ngữ thì đồng một vị mặn của biển, hoàn toàn không sai khác.

Về câu "Bản giác viên minh", theo giải thích gần đây thì có hai nghĩa:

1. Nói Thanh tịnh pháp giới là "bản giác". Điều này không hợp, vì câu trên ghi: "Chân như thể tịnh là thanh tịnh pháp giới" mà lại cho là "bản giác", e rằng mắc lỗi ngôn ngữ trùng lặp. Dẫu giải thích rằng: "Chân như thể tịnh là bản tịnh Niết bàn" vốn tròn sáng (viên minh), là pháp giới chân thật thanh tịnh, sở chứng của đức Phật, là sở y của thân Thọ dụng biến hóa bình đẳng. Như thế cũng không hợp đạo lý. Nói "viên minh" là dùng "xa lìa hý luận" giải thích; nếu lý kia chưa rõ thì bản giác Niết bàn cũng chỉ là hý luận mà thôi! Đây cũng có lỗi trùng lặp ngôn ngữ, cho nên cách giải thích thứ nhất khó chấp nhận được.

Tiếp theo, dùng nghĩa "Chủng tử vô lậu vốn có" để giải thích. Điều này đúng, tuy nhiên ý nghĩa chưa rõ. Nay giải thích "bản" là bản hữu, "giác" là chánh trí, dùng Tứ trí tâm phẩm làm thể. Duy thức luận, quyển 10 nói Tứ trí tâm phẩm là bản hữu năng sinh, chủng tử là sở sinh đắc. Nay gọi Tứ trí là Bản giác, Tứ trí viên minh chính là quả Phật hiển hiện. Câu trước gọi Tịnh pháp giới là Chân như thể tịnh. Câu tiếp theo, gọi Tứ trí hiện là Bản giác viên minh. Như trong Đối Pháp Sao Quy Kính Tụng ghi: "Cúi lạy Bản tánh vắng lặng viên minh", viên minh là nêu Tứ trí, bản tánh vắng lặng là nói đến Tịnh pháp giới. Nếu lìa Tịnh pháp giới và Tứ trí tâm phẩm thì quả Phật không hiển hiện. Điều này nói đầy đủ trong luận Phật Địa.

Về Đồng quy nhất thật, những nhà giải thích gần đây cho rằng Nhất thừa là Nhất thật. Đây chẳng phải ý chỉ của tông ta. Tông ta cho rằng Nhất thật nghĩa là Phế thuyên đàm chỉ. Nhất thật như chính là tên gọi của pháp giới thanh tịnh. Bộ Liễu nghĩa đăng v.v... cho rằng Giáo thể nhất chân như bình đẳng được Như Lai trình bày giống với ý này.

Lại nữa, nghi về sự lui sụt và không lui sụt ở cõi Đô Sử (còn gọi là Đâu Suất Đà), các nhà giải thích gần đây căn cứ vào việc phần nhiều có lui sụt, (ở ngoại viện) tuy có lý, mà chưa rõ, nay sẽ giải thích thêm. Thượng Sinh Sớ ghi: "Nếu sinh về chúng ngoại viện, tuy thuộc về phẩm hạ của bậc hạ, nhưng tự nhiên tu tập một thời gian sau lại thành không lui sụt. Có Phật hiệu là Di Lặc, khéo tự tăng trưởng v.v...".

Trong đoạn văn này ghi: "... Thời gian sau lại thành...", như vậy là minh chứng rõ ràng có lui sụt! Nếu trước đã không lui sụt, tại sao lại nói "thời gian sau lại thành?" Dùng chữ "lại" là muốn nói rõ tuy có lui sụt, nhưng nhờ sức gia bị của đức Từ Thị nên lại được không lui sụt. Chữ "thành" có nghĩa là "đạt được".

Lại nữa, sau khi được vãng sinh Tây Phương Tịnh độ, hành giả hoàn toàn không lui sụt. So sánh điểm khác biệt này, Yếu quyết ghi: "Cõi Đâu Suất có lui sụt, Tây Phương không lui sụt". Huống gì nói "phần nhiều lui sụt". Hai đoạn văn hoàn toàn không trái nhau.

Nghi về việc lai nghinh hay không. Những nhà giải thích gần đây lấy việc hơn kém để biện luận là không thích đáng, nay sẽ giải thích rõ. Trong kinh Di Lặc Thượng Sinh ghi: "Ba tướng hành sinh" chung và riêng rất khó phân biệt, cho nên Sớ chủ chia ra chín phẩm để trình bày hành sinh riêng. Trong đó, chỉ có hàng Hạ phẩm thượng sinh nói có tướng lai nghinh của đức Từ Thị, nhưng tám phẩm còn lại đều không hề nói đến. Tướng lai nghinh ở Tây Phương Tịnh Độ, tuy Trung phẩm hạ sinh không nói tiếp dẫn, nhưng tám phẩm còn lại đều nói đến. Hạ phẩm hạ sinh nói thấy "hoa sen vàng", đó cũng là tướng đến tiếp dẫn. Nay, Yếu quyết này căn cứ theo ý nghĩa phần nhiều trong chín phẩm vãng sinh đều nói đến lai nghinh mà cho rằng: Nếu sinh về Tịnh độ ắt có Thánh chúng đến tiếp dẫn. Lại căn cứ sáu phẩm thượng, trung và hạ phẩm hạ sinh, người sinh về Ngoại viện không có tướng lai nghinh thì cho rằng: nếu sau khi chết sinh về cõi trời thì không có người đến tiếp dẫn, bởi vì ít là đồng nghĩa với không có.

2. Phán định về mối nghi thứ hai: Nghi sách này chấp nhận phàm phu vãng sinh và dẫn chứng Cựu dịch, mà không dẫn chứng Tân dịch. Những nhà giải thích gần đây cho là nhờ sức bản nguyện mà năm thừa đều được vào. Cho nên nghĩa phàm phu vãng sinh vào Báo độ thuộc về bản nguyện. Điều này, tông Duy Thức không hề phán định và cũng không thuộc về Tánh, Tướng.

Lại nữa, trong sách này nói: "Sinh Hóa độ thấy Hóa Phật", cho nên nêu lên ba nghĩa trong tông của ta để hội thông nghĩa Báo độ và Hóa độ rồi nói rằng: Người nghi sao tối thế?

Nay trình bày: Hội thích này chưa được rõ ràng, tông của ta phán định Báo độ và Hóa độ ở cõi An Dưỡng có ba trường hợp:

  • (1) Chỉ có Báo độ.
    (2) Chỉ có Hóa độ.
    (3) Cả Báo độ và Hóa độ.
Thượng nhân Hải Trụ Sơn phán định theo trường hợp thứ ba là đúng.

Đến nay, những người theo tông Pháp tướng ở Nam Kinh đều chấp nhận nghĩa này. Nay chọn những điểm chính để luận bàn, nếu cho rằng chỉ có Báo độ, không có Báo và Hóa độ thì chỉ có hàng Bồ tát Địa thượng chứng được, còn hàng phàm phu không thể đạt đến. Điều này Thánh giáo ghi: "Nếu phàm phu nương nhờ nguyện lực cho là tự sinh, khi vừa sinh Báo độ liền thấy Báo thân Phật, thì sự thị hiện Hóa thân và Hóa độ của đức Phật A Di Đà hoàn toàn vô dụng. Nếu Hóa thân và Hóa độ vô dụng là bản nguyện của đức Phật này thì lẽ ra không có Phật với ba thân viên mãn". Do đó, nghĩa "duy báo" (chỉ có báo) không thành.

Lại nữa, nếu cho rằng chỉ có Hóa thân, Hóa độ mà không có Báo thân, Báo độ thì các đức Phật khác cũng khiến cho phàm phu sinh về Hóa độ. Như thế có gì khác biệt để tôn xưng nguyện lực của đức Phật A Di Đà là Siêu thế biệt nguyện? Do đó, nghĩa "duy hóa" (chỉ có hóa) cũng không được thành lập.

Nói chung, cả Báo, Hóa đều đúng. Thế nào là nói chung? Đó là vì Hóa độ có hai trường hợp là Trường thời biến và Tạm thời biến.

Tây Phương Tịnh độ gồm cả Hóa độ là Trường thời biến, tức do Báo độ hiện hóa, cho nên lìa Báo độ ắt không có Hóa độ. Đây cũng là đáp lại năng lực bản nguyện mà Trường thời hóa. Nếu nói theo tánh thì hóa tức Báo độ, điều này thù thắng hơn các đức Phật khác, cho nên mới nói "Siêu thế biệt nguyện" vậy!

Nhưng Yếu quyết này cho rằng: "Sinh Hóa độ thấy Hóa Phật". Lại cho rằng: "Hành giả cầu thấy Hóa thân, liền cảm được đức Hóa chủ A Di Đà rủ lòng đến tiếp dẫn". Đó là căn cứ vào ba phẩm hạ mà nói. Lời này có nghĩa là đức Phật liền sai Hóa Phật, Hóa Bồ tát Quán Thế Âm, Hóa Bồ tát Thế Chí đến trước mặt hành giả. Cho nên các luận Duy Thức, luận Phật Địa v.v... cho rằng: "Biến hóa thân nương vào Biến hóa độ". Do đó, nếu lìa quốc độ mà có thân, là hoàn toàn không thể được! Nay căn cứ phần đắc ích của ba phẩm hạ mà cho rằng: "Sinh Hóa độ được thấy Hóa Phật v.v...". Về điều này tuy về cảnh thì đáp lại nguyện của Hóa Phật, không giống với các đức Phật khác, nhưng lý không trái nhau.

Hỏi: Nếu như thế thì tại sao Yếu quyết này cho rằng đức Hóa chủ tiếp dẫn, được Vô sinh nhẫn?

Đáp: Vô sinh nhẫn là phần đắc ích của ba phẩm thượng.

Hỏi: Điều này trái nhau như thế nào?

Đáp: Vô sinh nhẫn, có hai trường hợp mà tông Pháp Tướng thường nói đến:

1. Căn cứ hàng Bát địa trở lên.

2. Căn cứ vào hàng Sơ địa trở lên, ba phẩm thượng nói Vô sinh nhẫn là Bát địa trở lên. Ba phẩm hạ nói Sơ địa trở lên. Hạ phẩm thượng sinh nói được nhập Sơ địa, nên Yếu quyết này cho vào Sơ địa là được Vô sinh nhẫn, lý hoàn toàn không trái nhau. Lại nữa, không dẫn chứng Tân dịch vì cho rằng vãng sinh Tây Phương chỉ nói trong bản kinh Cựu dịch, cho nên chỉ dẫn Cựu dịch để giải thích.

Hỏi: Nếu như thế, kinh Thượng Sinh cũng là Cựu dịch, vì sao lại kết hợp giải thích Tân dịch?

Đáp: Thượng Sinh Kinh Sớ giải thích trọn vẹn kinh, cho nên kết hợp Tân và Cựu để dẫn chứng. Ở Yếu quyết này chỉ lập nghĩa giải thích, không giải thích kinh, cho nên chỉ dẫn kinh Cựu dịch, lý hoàn toàn không trái nhau.

Hỏi: Gần đây có người giải thích bản nguyện Phật, tông Duy Thức không phán định cũng không thuộc về tánh, tướng! Lý ấy đúng chăng?

Đáp: Bồ tát Thế Thân xác lập "tất cả pháp đều là thức biến". Kinh Giải Thâm Mật v.v... cũng cho rằng: "Các pháp chỉ do thức, trong đó bao gồm tất cả pháp hữu lậu, vô lậu". Trình bày đầy đủ như trong Nhị Thập Tụng Duy Thức Sớ v.v... nghĩa là Bản nguyện của Phật là những biến hiện trên thức của Phật, đó là tăng thượng duyên. Cho nên, hành giả niệm Phật, tâm tướng vãng sinh biến hiện trên ý thức. Như thế, tại sao cho rằng chẳng phải Duy thức phán định. Nếu gượng cho rằng bản nguyện của Phật chẳng phải do thức biến hiện, thì rơi vào cố chấp thật hữu. Tâm Phật làm gì có cố chấp! Lại nữa, cho bản nguyện Phật không thuộc về tánh tướng. Vậy, lìa tánh tướng thì có gì bàn luận, không luận thì thôi, ví như vừa khởi ngôn luận thì nghĩa tánh tướng được thành lập.

Lại nữa, Siêu thế biệt nguyện của Phật A di đà không thể nghĩ bàn, không thể dùng ngôn ngữ để luận biện. Cho nên nói "Tánh tướng chưa phán định", chính là Nhất pháp giới, là "Phế thuyên đàm chỉ", là "Nhất thật như" được nói trong tông của ta. Chân nhờ tục mà lập, nếu nương vào cửa ngôn ngữ thì cũng giống như tánh tướng, nếu phế bỏ cửa ngôn ngữ thì làm gì có bản, có nguyện, mà chỉ gượng nói là "bản nguyện" thôi! Nếu có riêng một bản nguyện, thì hiện tiền lập một chút cũng gọi là sức bản nguyện, nhưng vì có sở đắc nên chẳng phải là bản nguyện chân Phật. Có thể đó chỉ là kiến giải Duy an lập của Tiểu thừa, chẳng phải kiến giải của Đại thừa. Cho nên nói "không thuộc tánh tướng" chính là phán định sai lầm.

3. Phán định về mối nghi ba thân không khác: Gần đây, có người dùng nghĩa nhiếp tướng về tánh để hội thích. Nay cho rằng cách này chưa rốt ráo, như Thành Duy Thức, 10 ghi: "Pháp thân có ba:

  • (1) Tự tánh thân.
    (2) Thọ dụng thân.
    (3) Biến hóa thân".
Ba thân này đều là Pháp thân, đều là thân trang nghiêm của pháp Vô thượng tịch nhiên, cho nên không thể tách lìa. Đây chính là ba thân được lập trong tông của ta. Cho nên nói ba thân không khác, hoàn toàn không trái lý.

Có người cho cách trình bày sách nầy không giống như Duy Thức Sớ v.v.. cho nên vẫn còn nghi ngờ, là thế nào?

Đáp: Cách thức trình bày trong Sớ chương của đại sư Khuy Cơ rất phong phú. Những tác phẩm được Ngài đích thân hiệu đính có cách thức trình bày giống nhau như Duy Thức Tam Thập Tụng Sớ, Duy Thức Nhị Thập Tụng Sớ, Duy Thức Nghĩa Lâm Chương v.v...; hoặc những bản chưa hiệu đính như Đối Pháp Sao Lục về sau; hoặc Sư chỉ đàm luận rồi đệ tử ghi chép lại như Thắng Man Kinh Sớ v.v... Sách này e rằng cũng do đệ tử ghi chép lại những văn nghĩa được Sư giảng thuyết, ắt hẳn đã được hiệu đính rồi! Do đó, không nên nghi ngờ cách thức trình bày trong chương sớ!

Những lời bàn luận trên nhất định có điều sai sót, nhưng vì muốn sinh khởi thắng giải, nhàm chán cõi uế, ưa thích cõi tịnh, cho nên không ngại trí hiểu biết nông cạn, cố gắng cho hoàn thành tác phẩm.

- HẾT -


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.10 khách