LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

14. Khai thị giảng sư

Tăng nhân rời bỏ Ứng viện [1] quy hướng Thiền viện cũng như nhà Nho bỏ cử nghiệp mà đàm đạo học, cả hai đều tốt. Nhưng quy mà không Tu, đàm mà không hành nào lợi ích gì? Nay vừa bỏ Ứng viện lại muốn thăng toà thuyết giảng, không biết rằng giảng thì phải rõ giáo, sau khi hiểu giáo, phải y giáo Tu hành. Nhưng tiếc thay vừa mới đến gần giảng toà, liền tầm văn trích cú, chép thơ, làm kệ, sao chép điển tích, mục đích để ngày sau thăng toà thuyết giảng. Cứ y như rằng vừa thăng toà liền chứng Thánh quả vậy. Không biết rằng ngoài thuyết giảng còn có sự Tu. Cho nên, cổ nhân bảo: “Vừa thoát thiên la, lại sa địa võng.” Thật tiếc thay!
Ban sơ rời bỏ Ứng viện, chắc hẳn là vì lòng hảo tâm; Tâm niệm ấy là căn bản thành Phật, nay như vậy thật trái nghịch sơ tâm. Xin đừng cho rằng tai nghe, miệng nói là đủ, điều thiết yếu là chân Tu thật hạnh; Phải tham phỏng minh sư, thân cận Thiện hữu, tâm tâm niệm niệm ôm ấp hoài bảo xuất thế; Từ ban sơ cho đến cuối cùng, đừng để lợi danh phú quý trói buộc. Lúc bấy giờ mới có thể rời minh sư, xả bỏ tập khí, không cô phụ tứ ân. Bằng chẳng vậy, chỉ là nối tiếp gia phong của Ứng Phó Viện dưới một hình thức khác mà thôi. Xin hãy nghĩ lại.
Đời mạt Pháp không có đại Pháp sư, người thời nay thua cổ nhân xa. Pháp sư ngày nay phần nhiều đọc Kinh điển chỉ mong giảng cho hay, người dốc lòng vì đạo đọc Kinh điển thì ít. Chẳng qua chỉ là thế đế sư mà thôi. Nay nếu có thể gia công gắng sức lấy việc tu hành là chính, ngoài ra nếu đủ khả năng thì có thể tinh cần nghiên cứu giáo lý, lấy hoằng Pháp, giải mê làm chí nguyện thì được.

[1]Ứng viện tức là Chùa chuyên về cúng đám v.v… chuyên lo cầu an cầu siêu. Giảng viện tức là Chùa chuyên về giảng Kinh thuyết Pháp. Thiền viện tức là Chùa chuyên về việc Tham Thiền.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

15. Khai thị Thiền nhân 1
Tham khán thoại đầu là công phu thiết yếu của Thiền tông. Pháp vi diệu này nếu tâm loạn, khí thô thì khó tương ưng. Hành giả Tu Tịnh độ, dùng một câu Phật hiệu làm thoại đầu, công phu Tu tập. Ở nơi câu Phật hiệu, yên lặng chiếu soi, khi công lực cùng cực liền ở nơi công phu ấy cảm ứng khế hợp cùng Phật.
Lại phải xả bỏ tất cả tri kiến đã có từ trước, chỉ yên tĩnh phản chiếu câu hồng danh cho rõ ràng. Ta sợ ngươi nhất tâm chưa đạt, tri giải lại sanh, nên nói trước vậy.
Ngươi hỏi thế nào là xuất thế? Cái gì là chơn đế? Đứng về phương diện tuyệt đối thì thế tức là xuất thế, do đó không cần cầu xuất thế. Chơn không ngoài vọng, vậy cần gì phải tìm chơn? Nếu không thể lãnh hội ý này, tốt hơn hết hãy nhất tâm niệm Phật, niệm đến cùng cực, tự nhiên khai ngộ, ngộ rồi thì chẳng cần luận bàn chi nữa. Dù không khai ngộ, cũng nhờ công phu niệm Phật, thoát khỏi cõi Ta-bà, sanh về Tịnh độ, đó là xuất thế. Tiêu diệt tạp niệm, thuần thục chánh niệm, tức là chân đế. Không Luận là xuất hay chẳng xuất, chân hay không chân, chỉ cần dụng công đến lúc nhất tâm bất loạn, tự nhiên sẽ thấu suốt tất cả!
Những lời vấn đáp của Vân Môn không cần suy cứu, vì đó là Thiền tông, thuộc về giáo ngoại biệt truyền. Chỉ nên Tham cứu câu này của họ “Tu thối bộ hướng tự kỷ cước lang hạ, thôi tầm thị cá thậm ma đạo lý?” (Hãy thối lui một bước, tự Tham cứu xem đạo lý gì dưới chân ngươi?) Việc suy tầm này không khó, nếu ngươi tín tâm niệm Phật, Tham cứu “Ai là người niệm Phật?” Chính là “suy tầm đạo lý dưới chân.” Lâu ngày thuần thục, tự nhiên sẽ như lời ta nói trong Chánh Ngoan tập: “Nếu nghiên cứu đến cùng cực thì hạt bụi nhỏ nhất cũng chỉ là tạm vay mượn mà thôi.” Chớ nên lo ngại rằng chẳng được.
Các Ngài chuyên tâm Tu tập, chí nguyện to lớn, kiến thức cao tuyệt, chân thật là những người bạn lành, cùng có chung nguyện vãng sanh về cõi Tây phương. Nay tôi có hai việc xin cùng nhắc nhở:
Một, không nên trụ tiểu ngộ, phải khán cho đến khi đại triệt đại ngộ. Hai, bây giờ là thời mạt Pháp dựng lập Pháp môn chẳng nên quá rộng, phải nên chân Tu thật hành, chờ trời rồng tiến cử.
Lời rằng: “soi sáng tối tăm, cởi mở sự trói buộc của nghiệp.” Lãnh hội được ý chỉ ấy thì u ám chính là quang minh, sự trói buộc há không phải là giải thoát ư? Như chẳng thể lãnh hội thì trong mọi thời khắc hãy nhiếp tâm niệm Phật, tâm định tĩnh lâu ngày trí huệ phát sanh, tự nhiên sẽ lãnh hội được lời ấy.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

16. Khai thị Thiền nhân 2
Trong suốt một thời giáo hóa của Đức Như Lai, không Pháp nào hơn Pháp môn niệm Phật! Chỉ một câu A Di Đà Phật, dùng hết tâm lực mà niệm, không chút vọng tưởng tạp niệm thì đó chính là công án chữ “Vô”. Công án chữ “Vô” không cần đề khởi, chỉ cần thuần thục một câu hồng danh. Nếu có thể xuyên suốt nơi câu Phật hiệu, thì có thể xuyên suốt khắp tất cả mọi nơi.
Họ Bàng nói: “Mười phương đồng tụ hội, người người học vô vi, nơi đây trường tuyển Phật, tâm không thời đỗ cao.” Nếu chưa thể ‘tâm không’ thì phải nên chuyên cần niệm Phật. Mỗi khi niệm Phật, trong không nhớ đến thân tâm, ngoài quên luôn cảnh vật thì tâm tự nhiên không.
Nếu Tham cứu mà không thể phát khởi nghi tình, tốt nhất hãy chuyên cần trì niệm danh hiệu Phật. Nhất tâm thành tựu tâm tự nhiên khai ngộ và sẽ không còn theo đuổi cảnh trần.
Kinh nói: “Phàm có hình tướng, đều là hư vọng.” Cho nên, từ nay những gì thuộc mắt thấy tai nghe đều phải quét trừ, chỉ một lòng chí thành niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ.
Ngươi hỏi: “Mạt hậu khẩn quan”, “Thậm thâm chi chỉ”, “Bổn địa tương ưng”, “Trực đề chỉ tư sự”. Đây toàn là những câu hỏi quan trọng của Tông môn đều rất đáng hỏi. Nhưng điều quan trọng là những gì nằm trong tầm tay, những gì vượt ngoài cái tâm tánh sáng suốt này đều không quan trọng, cạn cợt, vụn vặt và cong quẹo. Hãy chân thành tha thiết niệm Phật. Khi một niệm bừng tỉnh sẽ phá tan tất cả, đó là đại sự hoàn thành. Lại nữa, không nên thấy nói vậy liền khởi tâm suy tư, nghĩ quấy, xuyên tạc và cầu thông suốt, bằng con đường suy luận của tri thức, mà thành sai lạc, chỉ niệm niệm “thể cứu” [1] lâu ngày công phu tinh thuần, liền tự nhiên chứng ngộ.
Chưa kiến tánh mà chỉ bốc đoán cảnh giới của người kiến tánh, thật là làm điều si mê vô ích! Ngươi chỉ biết tọa Thiền là quán tâm, mà chẳng biết niệm Phật cũng có công năng quán tâm. Tọa Thiền và niệm Phật là hai Pháp quán tâm, mong rằng ngươi chọn lấy một và hãy chân thật Tu tập, đến khi kiến tánh rồi thì sẽ tự mình thân chứng cảnh giới ấy.
[1]Thể cứu nghĩa là khi nghe nói đến danh hiệu Phật chẳng những chỉ nhớ niệm thôi, mà vừa niệm vừa quán tưởng, thể xét quán chiếu tìm tòi, đến cùng tột nguồn gốc của nó, khi thể xét quán chiếu đến cùng tột, tự nhiên trong tâm có một niệm bừng sáng đại ngộ.( Kinh A Di Đà sớ sao- HT Hành Trụ dịch)


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

17. Khai thị Thiền nhân 3

Hỏi: Cổ nhân trước y theo “đơn truyền trực chỉ” Tu tập, sau mới Tu Tịnh nghiệp, cầu sanh Tây phương. Vậy, có phải ngộ rồi mới tùy nguyện khởi hạnh? Nếu thế khi chưa ngộ thì Thiền Tịnh song Tu hay sao? Kiêm Tu thì lòng thành chẳng đủ, tâm nguyện chia hai, làm sao công phu thành phiến? Nếu đã ngộ rồi, nơi nào không phải là Hoa Tạng, chỗ nào chẳng phải là Lạc bang, mười phương thế giới ở chổ nào chẳng được? Cần chi riêng vui cầu về Tây ?
Đáp: Người chơn thật tin Pháp môn Tịnh độ thì một lòng quyết chí cầu vãng sanh, chẳng luận ngộ hay chưa ngộ! Những người theo Thiền tông, Pháp “đơn truyền trực chỉ.” Tuy công việc hằng ngày là Tham Thiền, nhưng chẳng có gì chướng ngại việc phát nguyện vãng sanh. Được vậy thì dù Tham Thiền mà không ngộ đạo, rốt sau cũng có chốn quay về, không còn thọ thân sau nữa. Đó không phải là lòng thành chẳng đủ, tâm niệm chia hai!
Đối với những người đã ngộ đạo, người xưa còn nói: “Chỉ một phen ngộ đạo, ngươi nghĩ rằng sẽ chứng đồng chư Phật hay sao?” Cho nên, Phổ Hiền Bồ-tát là Hoa Nghiêm trưởng tử “mỗi mỗi đều là Hoa Tạng, nơi nơi đều là Lạc Bang.” Vậy mà trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Ngài phát mười đại nguyện, rốt sau hồi hướng cầu sanh An-dưỡng. Là bậc đại sĩ còn vậy, huống chi kẻ chưa ngộ đạo ư?
Hỏi: Tham Thiền thiết yếu một niệm không sanh, niệm Phật thiết yếu niệm niệm tương tục. Pháp Tham cứu niệm Phật, ý tại diệu ngộ rồi sẽ vãng sanh. Khi niệm Phật thì tâm và Phật phải rõ ràng, khi Tham cứu thì phải đoạn sạch không còn một chút niệm nào, tâm và Phật cả hai đều phải quên. Vì đoạn sạch và quên hết nên công phu Tham Thiền ngày một tăng, mà công phu niệm Phật ngày một giảm. Vậy làm sao vừa khai ngộ lại còn có thể vãng sanh?
Đáp: Một niệm không sanh chính là Thiền chẳng phải Tham! Phát khởi nghi tình và quét trừ vọng niệm gọi là Tham. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Đem tâm này, nghiên cứu nhiều lần, cho đến khi tỏ ngộ.” chính là ý này. Tham cứu và niệm Phật cả hai đều thuộc về hữu niệm, hai Pháp chưa từng chống trái lẫn nhau.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Khai thị đại chúng Niệm Phật

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

18. Khai thị đại chúng 1
Người xưa dạy: “Thân cận Minh sư, học Thiện tri thức.” Thật ra Thiện tri thức, Minh sư không hề truyền trao cho người đệ tử một Pháp môn bí mật nào! Họ chỉ vì người chỉ điểm, cởi mở trói buộc, đúng lúc đúng thời, khiến hành giả ngay lúc ấy đột nhiên khai ngộ, đó là Pháp bí mật. Nay “Chấp trì danh hiệu, một lòng không loạn.” Tám chữ này chính là Pháp môn bí mật, là cửa ngõ thoát ly sanh tử. Sáng niệm, chiều niệm, đi niệm, đứng niệm và ngồi niệm, trong bốn oai nghi một câu Phật hiệu liên tục nối nhau không dứt thì Tam muội tự thành, chẳng cần tìm cầu ở người khác.
Tâm vọng tưởng đã lâu, nay mới phát tâm niệm Phật, không thể trong một sớm một chiều mà có thể tận trừ hết vọng tưởng được. Niệm Phật tâm không quy nhất, cũng chớ lo buồn, thiết yếu cố gắng dụng công, kiên trì niệm Phật. Khi niệm Phật thì mỗi chữ mỗi câu rõ ràng trong tâm, lâu ngày thuần thục, vọng niệm tự diệt.
Chư vị vào núi này (Núi Vân Thê, thuộc địa phận Ngũ Đài sơn) vốn vì sanh tử đại sự, nhưng lâu ngày đánh mất chí nguyện ban đầu, dần thành thế đế. Nay phải thống thiết tự trách, hưng khởi chí nguyện, chuyên tâm hành đạo, đó là việc thiết yếu.
Các vị sơ tâm vào Chùa xuất gia, chắc chắn vì lòng mộ đạo. Lâu ngày mê mất bổn nguyện, bất quá chỉ vì sự ăn uống, y phục, khá chút thì Kinh Sám ngày hai thời, tự mãn cho rằng đã đủ, trọn vẹn chẳng còn nghĩ đến việc thoát ly sanh tử. Nếu tôi không nói, tội ắt khó thoát, nhưng nói mà không làm, lỗi ấy là tại các vị vậy.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

19. Khai thị đại chúng 2
Tôi sau khi xuất gia, Tham phương học đạo. Lúc bấy giờ Ngài Biện Dung Thiền sư, môn đình hưng thịnh, tôi tìm đến Kinh đô quỳ gối đảnh lễ, ân cần hỏi đạo. Ngài dạy: “Ngươi nên giữ bổn phận, chớ có đam mê danh lợi, không nên bám víu vào những người giúp đỡ, chỉ cần tin sâu nhân quả, nhất tâm niệm Phật.” Tôi thọ giáo rồi lui ra, bạn đồng hành đều cười nói: “Những câu nói đó, ai nói không được. Lặn lội ngàn dặm phương xa đến đây, tưởng rằng lời dạy đạo cao sâu mầu nhiệm, té ra là lời nói chẳng đáng nữa xu.” Tôi trả lời: “Chúng ta khát ngưỡng, hy vọng, tin tưởng những lời dạy, từ xa đến đây, Ngài không nói lời hoa mỹ, ảo huyền mà chỉ nói những lời chân thật, là công phu thiết thật mà chính Ngài đã kinh nghiệm qua, đây chính là điểm tốt ở Ngài.” Tôi từ dạo ấy đến nay, một lòng tuân thủ, chưa từng xả bỏ.
Cửa thiết yếu vào đạo, “Tín” quan trọng nhất. Những việc thế gian, không niềm tin còn chẳng thể thành tựu, huống chi là việc Thiện. Cũng như kẻ trộm, sau khi bị bắt, quan tòa không xử tội lại tha bổng thì kẻ trộm sẽ tiếp tục trộm cắp như cũ mà chẳng sanh hối hận. Vì sao vậy? Vì hắn nghĩ và tin rằng: “Mình sẽ không chịu hình phạt bởi những hành động bất Thiện của mình mà lại hưởng được lợi nhuận từ những vật cướp được.” Do đó hắn không sanh tâm hối hận.
Nay người niệm Phật, không thể chân thật dụng công, chỉ vì chưa từng suy nghĩ sâu xa, khởi niềm tin chân thật. Hãy khoan nói những người không có niềm tin vào Pháp môn Tịnh độ, chỉ như những người đã phát tâm niệm Phật mà một câu nói của Đức Thế-tôn: “Mạng người trong hơi thở.” Chỉ một câu nói ấy thôi, nghĩa lý cũng không phải là cao siêu và khó hiểu. Mỗi người các ngươi, thân tự chứng kiến, mắt thấy, tai nghe hằng ngày. Vậy mà nay ta yêu cầu các người, hãy tin lời nói ấy thì lại không thể y lời. Nếu tin lời nói ấy, tự nhiên chí thành khẩn thiết niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, chẳng cần ta phải tổn phí hết sức lực, khuyên nhủ ngàn lần.
Nhưng cơn vô thường như con nước dốc, dù vạn trâu cũng chẳng thể kéo lại được. Ngày hôm qua chúng ta tụng Kinh tống táng một vị Tăng, các ngươi thấy đó lấy làm không vui. Tôi nay xin hết lòng khuyến tấn đại chúng rằng: “Hôm nay ta cùng các ngươi tống táng một vị Tăng, ngày mai lại tống táng một vị Tăng khác, các ngươi vẫn không biết không hay, không chịu ý thức đời người vô thường. Cho đến một hôm, đến phiên các ngươi, lúc ấy dù hối hận cũng quá muộn màn! Từ nay phải siêng năng tinh tấn niệm Phật, chớ để ngày tháng lãng phí trôi qua. Nay ta thấy các ngươi tự nói thời giờ vô vàn quý báu, lại nói với người thời gian đáng quý, nhưng khi ở trong điện đường, lại cùng nhau nói cười tự nhiên, y như rằng các ngươi chẳng biết “Mạng người trong hơi thở vậy.”
còn tiếp


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Ta thấy những người mới học đạo ngày nay, khi đề khởi một câu Phật hiệu nơi tâm để diệt trừ vọng tưởng, nhưng khi thấy vọng tưởng dường như lại sôi nổi mãnh liệt hơn, liền nghĩ rằng vọng tưởng sôi nổi như vậy là do công phu niệm Phật không có công năng nhiếp tâm; Mà chẳng biết rằng cội gốc sanh tử trong vô lượng kiếp, làm thế nào trong một lúc có thể liền đoạn trừ?
Lúc tâm niệm tán loạn, vọng tưởng rối ren, chính là lúc dụng công phu. Khi ta cố nhiếp tâm niệm Phật, sự tán loạn càng mạnh mẽ; tán loạn càng mạnh mẽ thì ta càng cố gắng nhiếp tâm; lâu ngày công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm không khởi. Nay ngươi thấy vọng niệm nhiều thì cho đó là tại niệm Phật. Nhưng lúc ngươi không niệm Phật, vọng niệm nổi lên như sóng trào, sát na [1] chẳng ngưng, ngươi nào hay biết?
Niệm Phật có mặc trì, cao thanh trì, kim cang trì. Như niệm thầm dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng dễ tổn khí lực, chỉ miên miên mật mật, tiếng niệm ở giữa môi và răng gọi là kim cang trì. Tuy nhiên, khi Tu không nên cố chấp, thảng như khi niệm thầm thấy hôn trầm, chẳng ngại gì mà không niệm lớn tiếng. Như khi niệm lớn tiếng thấy tổn khí lực, thì nên niệm thầm tuỳ nghi vận dụng. Nay, người niệm Phật chấp cứng một Pháp, cứ tay đánh mõ gỗ, miệng niệm lớn, không biết uyển chuyển khéo léo, nên không đạt sự lợi ích chân thật.
Khi niệm Phật, điều quan trọng là câu Phật hiệu phát ra từ nơi miệng nghe vào trong tai, miệng niệm tai nghe tâm tiếng hợp, âm thanh Phật hiệu cứ tiếp nối nhau kêu gọi tự tâm. Thí như người ngủ mê, có người khác kêu gọi bên tai, tức thời người kia liền tỉnh, đó là nguyên do tại sao niệm Phật có công năng nhiếp tâm bậc nhất.
Người đời nay không chịu niệm Phật, vì xem thường Tây phương. Không biết rằng vãng sanh Tây phương, chính là người có đại đức, đại phước, đại trí, đại huệ, đại Thánh, đại Hiền và có năng lực chuyển đổi Ta-bà thành Tịnh độ. Đó chẳng phải là nhân duyên nhỏ vậy! Các ngươi có thấy trong phố này, một ngày đêm người chết biết là bao nhiêu chăng? Đừng nói vãng sanh Tây phương, chỉ nói sanh Thiên thôi, ngàn người chẳng được một. Lại có những người Tu hành chỉ mong đời sau không mất thân người, thật là phụ ân Đức giáo hóa của Đức Như-lai.
Đức Thế-tôn đại từ, đại bi thị hiện nơi đời, dùng tám vạn bốn ngàn Pháp môn chỉ dạy cho chúng sanh khiến tất cả đều quay về nhất thừa. Thế nhưng chúng sanh đời mạt Pháp, phước mỏng, nghiệp dày, chướng sâu, huệ cạn nên Ngài lại phải một phen chỉ dạy Pháp môn Tịnh độ, khiến trên bậc Thánh thì sanh về cõi Thường Tịch Quang đồng Phật thọ dụng, dưới kẻ phàm phu cũng đều có thể nương nhờ Phật lực mà thoát ly luân hồi sanh tử. Công hơn trời đất, ân hơn cha mẹ, dù chúng ta có chẻ thân này, nghiền nát như tro bụi cũng không đủ báo đền ân đức kia.
Khi còn thơ ấu ta nào biết niệm Phật, nhân thấy gần bên nhà có cụ già niệm Phật, mỗi ngày số hơn ngàn câu. Ta hỏi cớ vì sao niệm? Bà nói: “Chồng tôi khi còn sống thường niệm Phật, đến lúc chết ra đi thật an lành! Khi chồng tôi chết, chẳng chịu bệnh khổ, chỉ cùng bạn bè bái biệt, niệm Phật rồi mất, cho nên tôi nay niệm Phật.” Người tại gia niệm Phật, còn được lợi ích như thế, huống nữa là người xuất gia lại chẳng thể niệm Phật sao?
[1] Sát-na một đơn vị thời gian ngắn nhất.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

20. Cách sám trừ tội chướng 1 (Đáp Trí Đệ)

Gia đình ngươi xưa nay chuộng Đức, sao nay chỉ vì chút bệnh mà khởi phiền não? Đó chẳng phải do vì túc nghiệp xuôi khiến nên ư? Nguyên nhân bệnh tật phần nhiều do giết hại sanh mạng, cũng chính lý do ấy mà ta thiên trọng việc phóng sanh loài vật! Nay, nhân dịp này ta sẽ nói luôn, nhờ cậy chư Tăng thay mình Sám hối, so với chính mình tự thân Tu Sám, công đức khác xa vô lượng! Mong ngươi rủ sạch các duyên, ở trong “tâm không” chí thành khẩn thiết niệm một câu hồng danh “A Di Đà Phật” cho thuần thục. Khi niệm không cần phải cử động môi lưỡi, chỉ cần trong tâm nhãn, mặc niệm phản chiếu, bốn chữ hồng danh, rõ ràng trong tâm, niệm niệm liên tục, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng. Trong cơn bệnh khổ, hãy sanh tâm nhẫn nại, một lòng gắng niệm. Kinh nói: “Chí tâm niệm Phật một câu diệt được tám mươi ức kiếp sanh tử trọng tội.” Đây chính là lý do tại sao ta nói tự mình Tu Sám công đức khác xa hơn nhờ cậy chư Tăng Tu Sám.

21. Cách sám trừ tội chướng 2 (Đáp Quảng Thụ)
Sợ chết là vì chưa ngộ lý vô sanh, đã là vô sanh thì sao có tử, làm gì có sợ hãi? Nhưng lý vô sanh không phải dễ chứng, nay chỉ chuyên tâm, thành ý niệm Phật, niệm mãi lâu ngày tâm địa thuần thục, tự sẽ đạt cảnh giới “một lòng không loạn”, lúc bấy giờ tự nhiên sẽ khai ngộ. Dù không khai ngộ cũng nhờ công phu niệm Phật một đời, đến lúc lâm chung tự biết trước giờ chết, được Đức Phật A Di Đà đưa tay tiếp dẫn, hơi thở vừa dứt liền sanh Tịnh độ, được vô lượng lợi ích. Cũng như người lưu lạc tha phương, nay được về quê cũ, có điều chi đáng sợ?
Nếu đã không nghi sanh tử, lại chẳng nghi công án của cổ đức, vậy tại sao lại sanh sự sợ hãi? Tại sao lại để cho mũi tên nghi ngờ bắn trúng vào tâm. Trong trường hợp này người xưa nói: “Đối với người không nghi, mà lòng vẫn hoài nghi” là vậy.
Xưa có hai vị Tỳ-kheo vô tình phạm giới Dâm và Sát. Duy-ma chỉ nói một câu, hai vị Tỳ-kheo liền liểu ngộ nên tội tiêu diệt chẳng còn mảy may. Nay nếu ngươi có thể như hai vị Tỳ-kheo đó thì chẳng có chi để luận, bằng không được như vậy thì còn một phương pháp khác. Kinh nói: “Chí tâm niệm một câu Phật hiệu, tiêu diệt tám mươi ức kiếp sanh tử tội lỗi.” Vì vậy, hết lòng chí thành cung kính niệm mười vạn tám ngàn [1] câu Phật hiệu, thì quyết chắc không có tội nào chẳng diệt. Như gió cuộn mây trôi, sương mù trong nắng, đem một giọt nước ném vào biển cả, lại như một mảnh băng mỏng trên lò hồng, sẽ tiêu hết chẳng còn chút tung tích nào vậy.

[1]Trong quyển Nghiên Cứu về Thiền Uyển Tập Anh, quyển hạ, Truyện Thiền Sư Vạn Hạnh (? – 1117) chép Thiền sư ở núi hằng ngày chuyên tụng chú Ðại bi tâm đà la ni, đủ 10 vạn 8 ngàn biến (108,000). Một hôm Sư thấy thần nhân đến trước mặt mình nói: "Ðệ tử là Tứ trấn Thiên vương, cảm công đức trì chú của Sư, nên đến đây xin hầu để Sư sai bảo". Sư biết đạo Pháp của mình đã thành… nên mới đến bến Quyết, cầm gậy thử ném xuống dòng nước chảy xiết, gậy trôi ngược dòng như con rồng, đến cầu Tây Dương dừng lại. Sư mừng tự nói: "Pháp ta thành tựu rồi."
Ở đây có một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên là Liên Trì bảo nếu chí thành niệm đủ số ấy thì sẽ cảm ứng. Thì cách đó hơn 300 năm về trước, ta có TS Vạn Hạnh đã chí thành trì chú đại bi đủ số ấy và đã cảm ứng, do đó nếu chúng ta cung kính chí thành mẫn thiết niệm đủ số ấy quyết chắc cũng được cảm ứng vậy! Theo chúng tôi vấn đề quan trọng là niềm tin chân thật, cung kính, chí thành, mẫn thiết và chân thật hành trì, đủ năm yếu tố này cảm ứng chắc không khó!


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

22. Chân Phật tử (Đáp một vị Cư sĩ)
Trì giữ năm giới, nhất tâm niệm Phật, hiếu dưỡng cha mẹ, lại khuyên cha mẹ nhất tâm niệm Phật, hồi tâm hướng nguyện cả mẹ lẩn con, cả hai cùng sanh An Dưỡng. Hãy tùy duyên sống qua ngày, ai đến cho thì nhận, không cầu xin, không nên lập hội niệm Phật, giữ tròn bổn phận mà Tu hành thì ở trong thời mạt Pháp là người cực tốt, là người cư sĩ chân chánh.

23. Nguyện chân thật (Đáp Môn Thạch Dân)
Tâm niệm cầu mong đời sau làm Quan dù tốt, nhưng ỷ thế Quan to làm nhiều ác nghiệp, đời sau chắc chắn đọa lạc, chịu khổ vô lượng. Chi bằng hoán chuyển tâm niệm ấy, ngay trong đời này, một lòng tha thiết niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Dù giàu có chức quyền đến bậc tam công tể tướng cũng không sánh bằng được vãng sanh trong hoa Sen báu nơi miền Cực Lạc. Do vậy, niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thù thắng hơn làm Quan nhiều.
Tâm niệm cầu mong đời sau làm Tăng dù tốt, nhưng làm Tăng mà không Tu hành, đời sau đọa lạc, chịu vô lượng khổ. Chi bằng chí thành mẫn thiết một lòng niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Thân gần những tượng trổ chạm bằng vàng, đồng, gỗ cùng những loại như vậy, chẳng bằng thân cận chơn thân Phật hiện đang thuyết Pháp, làm Tăng ở cõi Tịnh độ thù thắng hơn làm Tăng ở thế giới này xa, xin hãy chính chắn suy nghĩ.
Tín, nguyện và hạnh là tư lương Tịnh độ. Chỉ nói nguyện mà bao gồm cả tín. Khi nguyện tha thiết, tín tự nhiên chơn thật, nương nguyện khởi hạnh. Chính vì vậy mà Kinh A Di Đà khuyến: “Phát nguyện, nguyện vãng sanh.” Do đó, khi nói đến nguyện thì bao gồm cả tín và hạnh, nói tín thì bao gồm cả hạnh và nguyện, nói hạnh thì gồm thâu cả tín và nguyện. Trong Pháp môn niệm Phật ‘tín, nguyện và hạnh’ như cái đỉnh ba chân, thiếu một quyết không thể được.

24. Tam giới chi đạo sư (Đáp Bành Quân)
Phàm những kẻ lên đồng, mười người chẳng được một người chân thật. Mỗi khi nương tựa đều tự xưng mình là Tiên là Thánh, chỉ toàn phường giả dối, chẳng thật. Nếu không biết cứ để họ nương tựa mãi, lâu ngày sẽ bị họ trộm thần khí, đến khi ấy thì dù có tài ba cách mấy cũng thành người vô dụng mà thôi.
Riêng Phật là đấng đại đạo sư trong ba cõi, để cho chúng sanh y theo Tu tập. Vậy từ nay hãy nhất tâm niệm Phật, các loài ma sẽ thôi không đến nữa.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

25. Hạnh chân thật 1 (Đáp Từ Trí Ức)
Bệnh do thân sanh, thân do nghiệp sanh; Chẳng tạo ác nghiệp, họa tiêu phước tăng; Ta-bà niệm Phật, Cực Lạc nêu danh; Nhất tâm bất loạn, thượng phẩm đề danh.
Di Giáo chính là lời di chúc của Phật, phải tuân theo như phụng sắc chỉ của Vua vậy. Lại thêm gia công trong sáu thời niệm Phật thì ở trong đời trược loạn mà không mất lối về vậy.

26. Hạnh chân thật 2 (Đáp Đại Trác)
Có sanh tất có tử, còn mất chẳng đủ luận, nay được tròn Tăng tướng, nguyện một đời đã mãn, nên sanh tâm hoan hỷ, chớ sanh tâm ưu não. Hãy buông xả vạn duyên, chỉ nhất tâm niệm Phật, nguyện sanh miền An Dưỡng, cầu đài vàng phẩm thượng, thấy Phật chứng vô sanh, nương thuyền từ đại nguyện, trở lại cõi Ta-bà, độ cùng tận chúng sanh.

27. Thế gian đại Hiếu (Đáp Quảng Bàn)
Nguyện cầu oai lực Tam bảo thương xót gia hộ cho hai mẹ con ngươi luôn sống trong niềm tin và ánh sáng của Phật A Di Đà. Mẹ ngươi đã gần thượng thọ (90 tuổi), ngươi lại là con trưởng trong nhà, nay chính là lúc từ mẫu nương cậy. Vậy hai mẹ con hãy nương tựa nhau Tu Tịnh nghiệp, khi báo thân này mãn, cùng vãng sanh Cực Lạc.

28. Đối trị vọng tưởng 1 (Đáp Đức Thanh)
Ngươi hỏi phương pháp nhiếp tâm, dụng quán pháp? Phàm những phương pháp Tu tập như quán tưởng, quán tượng, niệm Phật v..v… hành trì trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm và ngồi đều tùy nghi chớ nên chấp định.
Pháp quán vô thường, đối với những người trần duyên chưa dứt, khó có thể kham lãnh và mong thành tựu phép quán ấy. Tuy không thể thành tựu quán Pháp, nhưng cũng là công phu, đem lại nhiều lợi ích, chớ ngại rằng vô ích. Người tâm nhiều vọng tưởng, lại sống trong cảnh trần lao, Tu pháp quán khó thành tựu và đạt được lợi ích chân thật. Chi bằng mỗi ngày sau khi học và làm việc gia đình xong, lúc nhàn rỗi ngồi yên lặng trì niệm danh hiệu. Khi niệm thiết yếu là chữ chữ rõ ràng, câu câu tiếp nối, câu Phật hiệu phát ra từ nơi miệng, vào lại trong tai, tai nương theo tiếng, thì tâm tự nhiên nhiếp, không còn tán loạn. Lâu ngày không thối bỏ, tam muội tự thành tựu, niệm Phật như vậy, gọi là Quán.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Hình đại diện của người dùng
Thánh_Tri
Điều Hành Viên
Bài viết: 3851
Ngày: 21/12/07 21:02

Re: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ TỊNH ĐỘ NGỮ LỤC

Bài viết chưa xem gửi bởi Thánh_Tri »

A-Di-Đà Phật.

Kính chào đạo hữu Monggiac!

Không biết đạo hữu tìm được Ngữ Lục của Liên Trì đại sư ở đâu, website nào vậy? Tôi rất muốn tìm đọc. Kính mong chỉ cho.

Cảm ơn đạo hữu vì thương sót hàng mê như tôi mà đem những lời hay đẹp của Cổ Đức như Liên Trì Đại Sư truyền lại cho hậu thế. Những lời ngài dạy thật vô cùng thiết thực, là liều thuốc hay cho tôi cũng như mọi người trong thời kỳ "đấu tranh kiến cố" nầy.

Tôi xin Tùy Hỷ Công Đức của đạo hữu!

Nam-mô A-Di-Đà Phật.


"Tri Kiến Lập Tri Tức Vô Minh Bổn
Tri Kiến Vô Kiến Tư Tức Niết Bàn"

- Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.22 khách