Trang 11 trên 26

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 19/09/10 17:25
gửi bởi binh
128 – LỢI DỤC

Ngái Phật Nhãn nói :
Người ta sinh trong vũ trụ này, bẩm theo khí âm dương mà thành hình. Tự mình không phải bậc ứng chân ( chỉ A La Hán, là bậc chân nhân ứng hiện, nhận sự cúng dàng của nhân thiên) theo sức bi nguyện, xuất hiện thế gian để độ sinh thì tâm lợi dục tựa hồ không thể bỏ được. Chỉ có bậc thánh nhân biết không thể bỏ được lợi dục của con người, nên trước đem đạo đức để chính tâm, sau này lấy nhân, nghĩa, lễ, trí giáo hóa, đề phòng. Đến ngày, đến tháng, dần dần lợi dục không thắng được nhân, nghĩa, lễ, trí mà đạo đức được hoàn toàn vậy.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 20/09/10 19:50
gửi bởi binh
129 – THỰC NGỘ

Ngài Phật Nhãn nói :
Người học đạo không nên chấp nê vào văn tự , ngữ ngôn. Vì văn tự, ngữ ngôn dựa vào sự hiểu biết của người khác, làm chướng ngại cửa chứng ngộ của mình, và không thể ra khỏi biểu tượng của văn tự, ngữ ngôn được . Xưa kia ngài Đạt Quan Đỉnh ( tức Kim Sơn, Đàm Dĩnh thiền sư ở Nhuận Châu , ngài nối pháp Thạch Môn Thông thiền sư thuộc đời thứ 11 phái Nam Nhạc) khi mới tới yết kiến Thạch Môn Thông hòa thượng , trong nhà thường có những lời biện luận dông dài. Ngài Thạch Môn Thông nói : Lời nói của các ông chỉ là lời nói trên giấy. Nếu bàn về chỗ tinh vi của tâm thì các ông chưa thấy được chỗ uyên áo. Các ông nên tìm ngay vào chỗ diệu ngộ. Diệu ngộ rồi thì tự thành cao siêu , hùng kiệt, không phải nhân theo lời nói, không phải chấp đọng câu văn, và khi ấy như tiếng sư tử vương gầm lên thì trăm con thú phải kinh hãi. Ngoảnh lại xem cái học văn tự , như mười sánh với trăm, và nghìn sánh với vạn vậy.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 21/09/10 18:48
gửi bởi binh
130 – QUI PHÁP

Ngái Phật Nhãn nói với ngài Cao Am (Vân Cư, Cao Am, Thiện Ngộ thiền sư ở quận Nam Khang . Ngài họ Lý ở Phán Châu , ngài nối pháp Phật Nhãn Viên thiền sư, thuộc đời thứ 15 phái Nam Nhạc) :
Thanh Qui của ngài Bách Trượng đại khái là nêu việc chính, xét việc tà, làm khuôn pháp cho người, làm tề chỉnh đại chúng và nhân thời cơ đem dùng để điều phục tình thức của những người sau. Tình người như nước, qui củ, lễ pháp là bờ đập. Bờ đập không chắc tất nhiên nước sẽ đục thủng, chảy ra. Tình người không điều phục thì phóng túng, loạn động. Cho nên muốn bỏ tình thôi vọng, cấm ác, ngăn tà thì không thể một giờ, một phút quên qui củ được. . Thế thì qui củ, lễ pháp có thể ngăn ngừa được hết tình thức của người chăng ? Đây chỉ là thềm, bậc giúp cho người vào đạo mà thôi. Qui củ được lập ra rõ ràng như mặt trời, mặt trăng trên không trung, người trông thấy không bị mê mờ ; rộng rãi như đường lớn người đi không lầm lạc, Tiên Thánh lập ra qui pháp tuy khác nhau, nhưng dòng chảy về nguồn thì không khác.
Cân đại, Tùng lâm có người dựa thế, ra sức sai khiến người khác làm theo qui củ, có người không biết quyền biến, giữ qui củ đến chết, nhưng cũng có người miệt thị qui củ. Những việc làm ấy đều trái đạo và thất lễ, và đó chỉ là thả tình theo ác mà sinh ra như vậy. Những người ấy họ không nghĩ rằng Tiên Thánh lập ra qui pháp là muốn cứu tệ bệnh thời mạt pháp, cấm tình thức,phóng dật, lấp đầu mối ham muốn, và dứt con đường tà vạy.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 22/09/10 17:08
gửi bởi binh
131 – TRÁCH MÌNH

Ngài Phật Nhãn nói với ngài Cao Am :
Thấy vật rất nhỏ như lông thú mùa thu mà không thấy lông mi mình . Nhắc được vật nặng nghìn cân, nhưng không nhắc được thân mình. Cũng như người học đạo, rõ việc trách người mà mờ việc suy xét mình , không khác.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 23/09/10 17:40
gửi bởi binh
132 – HỌC NHÃN

Cao Am Ngộ hòa thượng nói:
Khi tôi mới tới Tổ Sơn , thấy ngài Phật Giám tiểu sam ( Trong thiền gia có những danh từ chỉ cho thời khóa trong ngày: Buổi sáng lên tăng đường gọi là Tảo sam, buổi chiều tụng niệm gọi là vãn sam, Giờ chính tức lên Pháp đường gọi là đại sam, lúc thuyết pháp không đúng thời gọi là tiểu sam). Ngài nói :”Tham dục, giận tức tệ hơn giặc oan trái, cần phải đem trí tuệ mà ngăn chống. Trí tuệ như nước, không dùng thì ngưng đọng, ngưng đọng thì không chảy, không chảy thì trí tuệ không lưu hành. Như thế thì đối với tham dục, giận tức kia làm sao mà chống được?” Khi ấy tôi còn ít tuổi, nhưng tâm tôi biết ngài là bậc Thiện tri thức, tôi liền treo cất y bát, và xin y chỉ ngài.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 24/09/10 19:25
gửi bởi binh
133 – TRUNG CHÍNH

Ngài Cao Am nói :
Người học đạo giữ được tâm trung chính, tuy gặp trăm phương chèn ép, vẫn đường đường chính chính không lo. Nếu người tâm hướng về sự thiên tà, sớm hôm khu khu nghĩ kế vì lợi, tôi sợ thân tâm lồ lộ ấy sẽ không có chỗ an ổn trong khoảng trời đất này vậy.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 25/09/10 17:23
gửi bởi binh
134 – XƯA VÀ NAY

Ngài Cao Am nói :
Đạo đức, nhân nghĩa không riêng cổ nhân có mà người đời nay cũng có. Người đời nay trí thức không minh, học vấn không rộng, căn khí không sạch, chí khí hẹp hòi và không gia sức làm việc nên liền bị thanh sắc chuyển dời, khiến không tự giác được . Hơn nữa vì vọng tưởng người đời nay quá nhiều, tình niệm nặng nề, tập khí chứa chất dầy đặc mà không diệt trừ nhanh chóng được, cho nên không tới được địa vị cổ nhân.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 26/09/10 18:07
gửi bởi binh
135 – THANH KIỆM

Ngài Cao Am biết ngài Thành Khô Mộc (Tịnh nhân, Khô mộc, Pháp Thành thiền sư ở Đông kinh, ngài là người Hà Sóc, Ngài nối pháp Phù Dung Đạo Khải thiền sư thuộc đời thứ 12 phái Thanh Nguyên. Bình sinh ngài hay ngồi Thiền , trông như gốc cây khô, nên gọi là Khô Mộc) trụ trì chùa Kim Sơn, thụ dụng xa xỉ, tổn phí. Ngài than thở giờ lâu và nói :
Sự thụ dụng của tỳ kheo chỉ quí ở chỗ thanh kiệm, há nên thụ dụng xa xỉ như thế, khiến cho lũ hậu sinh mặc áo nhẹ, dùng đồ béo, tăng sự mong cầu không chán, há không thẹn với cổ nhân ư ?

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 27/09/10 17:47
gửi bởi binh
136 – KHUÔN MẪU

Ngài Cao Am nói:
Đại thể của trụ trì, lấy tùng lâm làm nhà, phân biệt sự việc phải thích đáng, giao phó công việc phải đáng người mỹ khí, khi cất, khi đặt hệ thuộc vào lẽ an – nguy , khi được – khi mất liên quan đến nguồn giáo hóa. Làm khuôn mẫu cho người há dễ dàng sao ?
Chưa thấy vị trụ trì nào phóng túng mà khiến được Tăng sĩ phục tùng, pháp độ lấn lướt mà muốn cấm được sự bạo-mạn trong tùng lâm. Xưa kia ngài Dục Vương Thậm (1) khiển trách ông thủ tọa, ngài Ngưỡng Sơn Vĩ (2) đuổi vị tăng hầu cận. Hai việc này có chép trong Tăng Bảo Truyện, đủ làm khuôn pháp tốt đẹp vậy.
Ngày nay , trụ trì cứ noi theo sự ham muốn riêng , phá nát qui củ, mực thước của ngài Bách Trượng. Lười dậy sớm và phần nhiều thiếu lễ pháp trong những buổi tảo sam, vãn sam. Hoặc mặc sức tham muốn mà không kiêng kỵ. Hoặc vì lợi dưỡng đến nỗi tranh giành ồn ào. Và cả những việc nhỏ nhen, xấu xa đều có cả.
Ôi như vậy mà mong muốn pháp môn hưng hiển , tôn giáo thịnh đạt làm sao được !
-------------------------------------------------------------------
GHI CHÚ :
(1) Vô Thị, Giới Thậm thiền sư ở chùa Dục Vương phủ Khánh Nguyên, Ngài họ Trương ở Ôn Châu. Ngài đắc pháp nơi Trường Linh Trúc thiền sư, thuộc đời thứ 15 phái Nam Nhạc. Tính tình ngài cương nghị. Một hôm có người thỉnh cả đại chúng đi phó trai , nhưng ông thủ tọa cáo bênh ở nhà. Sau khi chúng đi rồi, ông thủ tọa cùng vị thị tăng ngồi uống trà, Vị tri sự thấy thế cật vấn ông thủ tọa, ông thủ tọa chống lại vị tri sự. Vị tri sự bạch với Giới Thậm thiền sư. Thiền sư cho đánh chuông họp chúng quở trách và đuổi ra khỏi chùa. Chúng cố xin, thiền sư cất chức ông thủ tọa, và cho trông coi nhà khách, đón tiếp quan khách lui tới. Một hôm có quan quận thú đến chùa thăm , ông không tiếp, cứ nói chuyện với vị thị tăng cũ. Thiền sư liền quở trách nặng nề rồi đuổi hẳn.
(2) Ngưỡng Sơn, Hành Vĩ thiền sư ở Viên Châu, ngài là người Hà Sóc . Ngài nối pháp Hoàng Long Nam thiền sư , thuộc đời thứ 12 phái Nam Nhạc. Tính tình ngài cương nghị, xử việc có pháp độ, không ai dám trái. Ngài giao cho vị tri sự một danh sách 12 người, Cứ mỗi buổi sáng 12 người này phải lên nhà phương trượng để ngài uốn nắn, dạy bảo và uống trà. Một hôm thiếu một người, Ngài hỏi thiếu ai ? Chúng thưa “thiếu ông Vĩnh Thái ở Tùy Châu”. Vị thủ tọa thưa : Ông Vĩnh Thái đi núi chưa về. Chợt có người vào thưa: Ông Vĩnh Thái hiện đang ở nhà. Ngài nghiêm sắc mặt, cho người tìm, đúng ông Vĩnh Thái có ở nhà. Ông Vĩnh Thái tự nhận là vì sức yếu nên sợ không nhận nổi các việc giao phó nên không dám ra. Ngài cho đánh chuông họp chúng, và đuổi cả hai người ra khỏi chùa.
Ngài Vĩnh Thái sau nối pháp ngài Pháp Trụ, Hoàng Bá Sơn.
Vị thủ tọa tức Đại Qui, Tổ Thung thiền sư ở Đàm Châu , người họ Ngô ở Phác Châu, và đắc pháp nơi ngài Đại Qui Tú thiền sư, thuộc đời thứ 13 phái Nam Nhạc.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 28/09/10 17:14
gửi bởi binh
137 – SÁCH TIẾN

Khi ngài Cao Am trụ trì chùa Vân Cư , thấy Tăng sĩ nào vào trong nhà thiền mà lời giải đáp không hợp cơ, ngài liền nắm tay áo vị ấy, chính sắc và trách
Cha mẹ nuôi thân ông, thầy bạn thành chí ông, ông không bị ngặt nghèo vì đói khát, không bị mệt nhọc vì phục dịch chinh chiến, như thế mà ông không vững tâm, tinh tiến làm xong đạo nghiệp, một ngày kia, ông còn mặt mũi nào mà trông cha mẹ, thầy bạn ông ?
Tăng sĩ nghe lời dạy của ngài, có người khóc lóc thảm thiết, và do đó, hiệu lệnh nghiêm chỉnh.

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 29/09/10 16:52
gửi bởi binh
138 – ĐỨC HÓA

Khi ngài Cao Am ở chùa Vân Cư, nge biết có tăng sĩ nào đau phải dời đến Diên Thọ Đường, ngài than thở như tự mình đau, sớm hôm thăm hỏi, tự mình sắc thuốc, nấu món ăn cho vị kia. Và món ăn, ngài nếm rồi mới co ăn. Gặp thời khí hơi lạnh, ngài vỗ lưng vị kia hỏi : Áo có mỏng không ? Hoặc gặp mùa nắng, ngài xét mặt vị kia hỏi : có nóng lắm không ? Nếu bất hạnh, vị kia không cứu chữa được, ngài không hỏi vị kia có tiền bạc gì hay không, ngài đem của thường trụ hết lễ tống tiễn mai táng. Vị tri sự hay các vị khác khước từ, ngài trách rằng : Xưa kia, ngài Bách Trượng vì các vị già, bệnh mà lập ra thường trụ, ông không bệnh, không chết sao ?
Các thức giả bốn phương đều tôn ngài là bậc cao cả , và khi ngài lui từ chùa Vân Cư qua núi Thiên Thai, các tăng sĩ theo ngài gần 50 người, và nếu ai không đi được đều khóc lóc từ biệt. Đức của ngài cảm hóa người ta như thế

Re: THIỀN LÂM BẢO HUẤN

Đã gửi: 30/09/10 17:31
gửi bởi binh
139 – TÙY DUYÊN

Ngài Cao Am khi lui chùa Vân Cư, Viên Ngộ thiền sư rất ưu ái ngài, định sửa lại Ngọa Long am của ngài Phật Ấn, làm nơi an nhàn, dưỡng lão cho ngài. Ngài Cao Am nói :
Người ở dưới núi rừng cầu cái vui đạo nghĩa , thì hình hài này bỏ ngoài ý muốn. Năm nay tôi bảy mươi tuổi, như sao Trường Canh, mặt trăng cuối tháng, ánh sáng được bao lâu! Vả lại nhà lá gò đống suối rừng Tây Sơn liên thuộc nhau, đều là chỗ tôi dưỡng lão, hà tất phải có chỗ riêng cho tôi , sau mới làm vui được hay sao.
Không bao lâu ngài chống gậy qua Thiên Thai, và sau ngài thị tịch ở Hoa Đỉnh Phong