Trang 7 trên 16

Re: BÍCH NHAM LỤC

Đã gửi: 28/05/08 05:15
gửi bởi Chanhientam
Xin lỗi bác bình tuần này con lại phải đi "công tác" thành không có đầu óc đâu mà bàn công án với bác. bác tha tội độc hành độc bộ nghe.

Re: BÍCH NHAM LỤC

Đã gửi: 28/05/08 17:42
gửi bởi binh
chúc cô an lạc, Phật sự viên mãn

Re: BÍCH NHAM LỤC (TẮC 25)

Đã gửi: 28/05/08 17:45
gửi bởi binh
TẮC 25
LỜI DẪN :
Cơ chẳng rời vị, rơi trong biển độc, lời chẳng kinh quần, rơi vào lưu tục. Chợt trong lúc chọi đá nháng lửa biện biệt trắng đen , trong khoảng điện chớp biện được sống chết, khả dĩ ngồi dứt mười phương , vách đứng ngàn nhẫn. Lại biết có thời tiết thế ấy chăng, thử cử xem.

CÔNG ÁN
Am chủ Liên Hoa Phong cầm cây gậy đưa lên dạy chúng
- Cổ nhân đến trong đây sao không chịu trụ?
Chúng không đáp được. Tự đáp thế :
- Vì kia đường xá chẳng đắc lực.
Lại nói "
- Cứu kính thế nào ?
Tự đáp thế:
- Cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn, muôn ngọn .

GIẢI THÍCH :
Các ông biện biệt được am chủ Liên Hoa Phong chăng? Gót chân chưa chấm đất. Am chủ Liên Hoa Phong cất am ở Liên Hoa trên chót núi Thiên Thai. Cổ nhân sau khi đắc đạo, ở trong nhà tranh, thất đá, nấu rễ rau rừng trong nồi mẻ ăn qua ngày, chẳng cầu danh lợi, phóng khoáng tùy duyên, buông một chuyển ngữ cốt đền ơn Phật tổ, truyển tâm ấn của Phật. Vừa thấy tăng đến, sư cầm cây gậy giơ lên nói
- Cổ nhân đến trong đây vì sao không chịu trụ ?
Trước sau hơn hai mươi năm mà không có người đáp được. Câu hỏi này có quyền có thực, có chiếu có dụng. Nếu biết được cái bẫy của sư thì chẳng tiêu một cái ấn tay. Hãy nói vì sao hai mươi năm chỉ hỏi như thế? Là tông sư cớ sao chỉ giữ một cái cọc? nếu nhằm trong đây thấy được tự nhiên chẳng chạy theo tình trần. Trong hai mươi năm cũng đã có nhiều người cùng sư đối đáp, trình kiến giải, làm mọi cách, dù có nói được cũng chẳng đến chỗ cực tắc của sư. Việc này tuy chẳng ở trong ngôn cú mà không ngôn cú thì không thể biện luận. " Đạo vốn không lời, nhân lời mà hiển đạo". Vì thế nghiệm người đến chỗ cùng tột, mở miệng hợp đạo lý bèn là tri âm. Cổ nhân buông một lời, nửa câu cũng không có gì khác, cốt xem ông " biết" hay "chẳng biết" . Sư thấy người không hội nên đáp thay
- Vì kia đường xá chẳng đắc lực
Xem sư nói tự nhiên khế cơ, khế lý chưa từng mất tông chỉ.
Nhớ lúc xưa, nhân khi chùa làm giỗ cao tăng, Tướng Quốc Bùi Hưu hỏi ngài Hoàng Bá
- Cúng dàng cao tăng, cao tăng có đến nhận không?
Hoàng Bá đáp :
- Đợi có bạn liền đến.
Xem việc này cũng chẳng khác gì việc xưa. Thử hỏi các ông cây gậy là đồ dùng tùy thân của thiền tăng , tại sao lại nói : Đường xá chẳng đắc lực, cổ nhân đến đây chẳng chịu trụ. Kỳ thật mạt vàng tuy quí, rơi vào mắt cũng thành bịnh. Hòa thượng Thiện Đạo ở Thạch Thât thường lấy cây gậy dạy chúng
- Chư Phật quá khứ cũng thế ấy, chư Phật hiện tại cũng thế ấy, chư Phật vị lai cũng thế ấy.
Tuyết Phong một hôm ở trước tăng đường, cầm cây gậy đưa lên dạy chúng :
- Cái này chỉ vì trung căn, hạ căn.
Có vị tăng ra hỏi :
- Chợt gặp người thượng căn đến thì sao?
Tuyết Phong cầm gậy lên rồi đi.
Vân Môn nói
- Tôi chẳng giống Tuyết Phong, đập phá tan hoang.
Tăng hỏi :
- Chưa biết hòa thượng thế nào?
Vân Môn liền đánh.
Phàm tham vấn không có nhiều việc, ngoài ông thấy có sơn hà, đại địa, trong thấy có thấy nghe hiểu biết, trên có chư Phật để cầu, dưới có chúng sinh để độ, cần phải một lúc mửa bỏ hết, nhiên hậu trong hai mươi bốn giờ, đi đứng nằm ngồi, nhồi thành một khối. Được như vậy, tuy ở trên đầu sợi lông mà rộng như đại thiên sa giới; tuy ở trong vạc dầu lò lửa mà như ở cõi nước an lạc; tuy ở trong lầu các trân bảo mà như ở dưới nhà tranh vách lá. Việc này nếu là hàng thông phương tác gia đến chỗ chân thật của cổ nhân tự nhiên chẳng phí lực.
Sư thấy không có người hiểu được ý mình nên tự gạn hỏi lại
- Cứu cánh thế nào?
Lại không ai trả lời được. Sư tự đáp
- Cây gậy tức lật vác ngang, chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn, muôn ngọn (núi) .
Ý này thế nào ? Hãy nói ngàn ngọn, muôn ngọn là ở đâu?
Quả là " Cú trung hữu nhãn, ý tại ngôn ngoại" trong câu có mắt, ý tại ngoài lời. tự buông tự thâu, tự ngã tự đứng.
Tôn giả Nghiêm Dương đi đường gặp một vị tăng liền đưa cây gậy lên hỏi
- Là cái gì?
Tăng thưa :
- Chẳng biết
Tôn giả nói :
- Một cây gậy cũng chẳng biết.
Tôn giả lấy gậy tạo một cái lỗ ở dưới đất hỏi
- Lại biết chăng?
- Chẳng biết.
Tôn giả nói
- Cái lỗ đất cũng chẳng biết.
Tôn giả vác cây gậy lên vai hỏi
- Hội chăng?
Tăng thưa
- Chẳng hội.
Tôn giả nói :
- Cây gậy lật, vác ngang, đi thẳng vào ngàn ngọn, muôn ngọn.

Cổ nhân đến trong đó vì sao không chịu trụ? Tuyết Đậu tụng :

Ai đương cơ, nêu chẳng lầm, lại ít có
Phá hoại cao vót, nung chảy huyền vi
Nhiều lớp cổng to từng mở rộng,
Tác giả chưa đồng về
Thỏ ngọc chợt tròn chợt khuyết
Quạ vàng tợ bay, tợ chẳng bay.
Lão Lô chẳng biết đi đâu tá?
Mây trắng nước trôi thẩy nương nhau.

Bởi cớ sao? Sơn tăng nói " Dưới đầu thấy má chớ cùng lại qua, vừa khởi so sánh liền là trong núi đen, hang quỉ làm kế sống".
Nếu thấy được triệt, tin được đến, ngàn người muôn người bủa vây tự nhiên không thể chận đứng được. Động đến, chạm đến tự nhiên có chết có sống. Tuyết Đậu hiểu được ý kia nên tụng

TỤNG
Nhãn lý trần sa, nhĩ lý thổ
Thiên phong vạn phong bất khẳng trụ
Lạc hoa lưu thủy thái man man
Dịch khởi mi mao hà xứ khứ?

NGHĨA
Bụi cát trong mắt, đất trong tai
Ngàn ngọn, muôn ngọn chẳng chịu dừng
Hoa rơi nước chẩy trôi bát ngát
Vạch đứng lông mày xem nơi nào ?

GIẢI TỤNG
" Bụi trong mắt, đất trong tai" câu này ý nói am chủ Liên Hoa Phong khi thiền khách đến thì trên không cầu, vịn, dưới bặt chính mình, trong tất cả thời như khờ, tợ dại.
Nam Tuyền nói " Người học đạo như kẻ si độn cũng khó được"
Thiền Nguyệt thi "Thường nhớ lời hay của Nam Tuyền, như kia si độn vẫn còn ít"
Pháp Đăng nói " Người nào biết ý này khiến ta nhớ Nam Tuyền"
Nam Tuyền cũng nói " Bảy trăm cao tăng trọn là người hiểu Phật pháp, duy ông cư sĩ Lư (Lục tổ) chẳng hiểu Phật pháp, chỉ hiểu đạo thôi, vì thế nên được y bát của ngũ Tổ".
Hãy nói Phật pháp và đạo cách nhau xa, gần ? Tuyết Đậu niêm :
"Trong mắt dính cát chẳng được
"Trong tai dính nước chẳng được
"Nếu có kẻ tin được đến, nắm được đứng , chẳng bị người lừa thì lời dạy của "Phật Tổ có khác gì tiếng khua bát.
"Mời treo đẫy (cái túi) bát lên cao , bẻ gậy bỏ, chỉ giữ một kẻ đạo nhân vô sự.
Lại cũng nói :
" Trong mắt để được núi Tu Di
" Trong tai chứa được nước biển cả
" Bậc này chịu người thương lượng.
" Lời dạy của Phật Tổ như rồng gặp nước, như cọp dựa núi .
" Lại quẩy đẫy bát, vác cây gậy
" Cũng là một đạo nhân vô sự.
Lại nói :
" Thế ấy cũng chẳng được
" Chẳng thế ấy cũng chẳng được
" Nhiên hậu không còn dính dáng gì.

Trong ba vị đạo nhân vô sự, cốt chọn một người làm thầy, chính là người có khả năng đúc sắt thành dụng cụ. Vì sao ? vì người này gặp cảnh giới ác, hoặc cảnh giới Phật đến trước mắt thẩy đều giống như mộng, chẳng biết có sáu căn, cũng chẳng biết có sáng chiều. Dù đã đến nước này, điều tối kỵ là giữ trạng thái đó như tro lạnh, nước chết. Phải có một con đường chuyển thân mới được.
Vì thế am chủ Liên Hoa Phong nói " Vì kia đường xá chẳng đắc lực". Phải là đạp trên ngàn ngọn, muôn ngọn mới được. Hãy nói:Cái gì là ngàn ngọn, muôn ngọn? Sư nói " Cây gậy tức lật vác ngang, chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn, muôn ngọn". Hãy nói đi chỗ nào? Lại biết được có chỗ đi chăng?
Câu "Hoa rơi nước chảy, trôi bát ngát" Người có cơ điện chớp, trước mắt là cái gì?
Câu " Vạch đứng lông mày xem nơi nào?" Tuyết Đậu cũng chẳng biết đi nơi nào, vì sao?
Như sơn tăng nói "Cây phất tử đưa khi nãy, thử nói hiện giờ ở chỗ nào? Nếu các ông thấy được, cùng am chủ Liên Hoa Phong đồng tham, Nếu chưa thấy được thì : dưới ba cây đòn tay, trước cái đơn bảy tấc, thử tham cứu tường tận xem".

Re: BÍCH NHAM LỤC

Đã gửi: 28/05/08 21:41
gửi bởi Kim Sinh
Sách này có hại quá !
Nghe nói nó đã từng bị các Tổ lên án rất mạnh như đem đốt đi.

Re: BÍCH NHAM LỤC

Đã gửi: 28/05/08 22:00
gửi bởi nhampl
Thời nay cũng có nhiều thứ như thế ! tai hai vô cùng ! :shock:

Re: BÍCH NHAM LỤC

Đã gửi: 29/05/08 06:07
gửi bởi Chanhientam
Kim Sinh đã viết:Sách này có hại quá !
Nghe nói nó đã từng bị các Tổ lên án rất mạnh như đem đốt đi.
Đem đốt không phải vì nó tai hại, mà vì hành giả chấp vào công án giải thích bậy bạ, như một số người hiện nay nói pháp nói thiền rất "nghề" nhưng tu thì không tu, vì thế mà phải đốt. Đốt là vì người dùng nó không đúng không phải vì nó tai hại. Tham thoại đầu, khởi nghi tình vì sao lại nói như thế?

Re: BÍCH NHAM LỤC (tắc 26)

Đã gửi: 31/05/08 17:28
gửi bởi binh
TẮC 26
BÁ TRƯỢNG NGỒI RIÊNG NGỌN ĐẠI HÙNG

CÔNG ÁN :
Tăng hỏi Bá Trượng
- Thế nào là việc kỳ đặc ?
Bá Trượng đáp :
- Ngồi riêng ngọn Đại Hùng.
Tăng lễ bái. Bá Trượng liền đánh.

GIẢI THÍCH
Gặp cơ đủ mắt chẳng đoái nguy vong, cho nên nói " Chẳng vào hang cọp đâu bắt được cọp con". Bá Trượng bình thường như cọp trong rừng Thiền. Ông tăng này chẳng sợ chết, dám vuốt râu hùm, hỏi " Thế nào là việc kỳ đặc?" Ha, việc kỳ đặc của một thiền sư chẳng phải là " vô sự" sao? Bởi vậy Bá Trượng nói " ngồi riêng ngọn Đại Hùng". Đại Hùng là tên núi mà ngài đang trụ. Nhưng nói như thế chẳng phải là : Ta riêng trụ ở ngọn Đại Hùng, mà chính Ta là ngọn Đại Hùng, vẫn hằng ở nơi đây, không làm gì cả. Từ ngàn đời nay vẫn thế, bây giờ vẫn thế và mai sau vẫn thế. Như ngọn núi này vậy. Vị tăng lễ bái, Bá Trượng liền đánh. Hãy nói lễ bái này với việc lễ bái hàng ngày là đồng hay khác? Vị tăng lễ bái ý chỉ thế nào? Nếu bảo là tốt, sao Bá Trượng lại đánh ông ta, nếu bảo chẳng tốt thì lỗi tại chỗ nào?
Vị tăng lễ bái giống như vuốt râu cọp, chỉ giành chỗ chuyển thân. May gặp Bá Trượng có con mắt tại đảnh môn, thấu rõ mọi việc liền đánh, nếu gặp kẻ khác thì không làm gi được y. Vị tăng này lấy cơ đầu cơ, dùng ý dẹp ý cho nên lễ bái .
Nam Tuyền nói "
- Canh ba đêm qua Văn Thù, Phổ Hiền khởi Phật kiến, Pháp kiến, cho mỗi vị hai mươi gậy, đầy đến hai ngọn núi Thiết Vi
Triệu Châu ra chúng thưa :
- Gậy của Hòa Thượng bảo ai ăn?
Nam Tuyền nói :
- Vương lão sư có lỗi gì?
Triệu Châu liền lễ bái.
Bậc Tông sư bình thường chẳng thấy chỗ thọ dụng, gặp lúc đương cơ nêu ra, tự nhiên sống linh động. Ngài Ngũ Tổ nói " Giống như hai con ngựa đá nhau, Ông thường tập: thấy, nghe thanh, sắc, đồng thời ngồi dứt , nắm được đứng, làm được chủ, mới thấy Bá Trượng kia ". Vậy khi buông ra phải làm sao? Tuyết Đậu tụng:

TỤNG
Tổ vức giao trì thiên mã câu
Hóa môn thơ quyện bất đồng đồ
Điện quang, thạch hỏa tồn cơ biến
Kham tiếu nhân lai loát hổ tu.

NGHĨA
Đất Tổ lừng danh thiên lý mã
Cuộn bầy cửa, hóa chẳng cùng đường
Điện quang, đá nháng còn cơ biến
Cười ngất người kia nhổ râu hùm.

GIẢI TỤNG
Bá Trượng là đệ tử Mã Tổ, ngày nọ có vị tăng hỏi Mã Tổ
- Thế nào là đại ý Phật Pháp ?
Mã Tổ liền đánh, nói :
- Nếu ta chẳng đánh ngươi thì người trong thiên hạ sẽ cười ta.
Tăng lại hỏi
- Thế nào là ý Tổ sư từ tây sang?
Mã Tổ bảo :
- Lại gần đây, sẽ vì ông mà nói :
Tăng lại gần, Mã Tổ tát vào tai , nói :
- Sáu căn chẳng đồng mưu.
Người đã ngộ thì đại cơ, đại dụng, tùy ý xử sự, ngang dọc, đông tây như Thiên lý mã. Như Mã Tổ , ngài được tự do, tự tại. Trong chỗ dụng lập hóa môn, hoặc bày ra hoặc cuộn lại. Có khi cuộn chẳng ở chỗ bày, có khi bày chẳng ở chỗ cuộn, có khi cuôn, bày đều chẳng còn. Vì thế nói đồng đường mà chẳng đồng dấu (dấu tích, chỗ ngộ) Câu " Cuộn bày cửa hóa chẳng cùng đường " là nói Bá Trượng có được thủ thuật ấy.
Câu " Điện quang, đá nháng còn cơ biến". là nói vị tăng này cơ như điện chớp, đá nháng trong chớp mắt đã cơ biến đối phó.
Nham Đầu nói " Buông vật là thượng, theo vật là hạ. Nếu luận về pháp chiến, mỗi mỗi phải ở chỗ chuyển".
Tuyết Đậu nói " Bánh xe chưa từng chuyển, chuyển ắt có chạy. Nếu chuyển chẳng được, có dùng vào chỗ nào?"
Bậc đại trượng phu phải biết chút cơ biến mới được. Vị tăng kia ở chỗ điện xẹt, đá nháng khéo biết cơ biến, liền lễ bái.
Tuyết Đậu tụng " Cười ngất người kia nhổ râu hùm ". nói Bá Trượng như con cọp, vị tăng này đến nhổ râu cọp.

Re: BÍCH NHAM LỤC (tắc 27)

Đã gửi: 04/06/08 17:21
gửi bởi binh
TẮC 27

VÂN MÔN : THÂN BÀY GIÓ THU

LỜI DẪN :
Hỏi một đáp mười, nêu một rõ ba, thấy thỏ thả ưng, nhân gió thổi lửa. Chẳng tiếc lông mày hãy gác lại, như khi vào hang cọp thì thế nào? Thử cử xem.

CÔNG ÁN
Tăng hỏi Vân Môn
- Khi lá rụng, cành khô thì thế nào?
Vân Môn đáp :
- Thân bày gió thu.



GIẢI THÍCH
Hãy nói Vân Môn đáp thoại cho người hay vì người thù xướng? Nếu nói đáp thoại cho người là nhận lầm tiêu chuẩn (Thiền không phải vậy) . Nếu nói vì người thù xướng thì nào có dính dáng. Đã chẳng thế ấy vậy cứu cánh thế nào? Nếu ông thấy được thấu thì lỗ mũi thiền tăng chẳng nhọc cái ấn tay. Nếu chẳng được như thế, thì như cũ, đi thẳng vào hang quỉ. Là bậc tông sư, dựng lập tông thừa, phải toàn thân gánh vác, chẳng tiếc lông mày , nhằm miệng cọp nằm ngang, mặc nó lôi ngang kéo dọc. Nếu chẳng được như thế đâu thể độ người. Ông tăng này đặt câu hỏi thật là hiểm hóc Thử hỏi Lá rụng cành khô là cảnh giới của người nào? Nhớ khi trước (ở tắc 2 ) có người hỏi Hương Nghiêm
- Thế nào là đạo ?
Hương Nghiêm đáp
- Trong cây khô trổi nhạc (Khô mộc lý long ngâm)
Tăng lại hỏi :
- Thế nào là người trong đạo?
Hương Nghiêm đáp
- Tròng con mắt trong đầu lâu (Độc lâu lý nhãn tình)
Vị tăng này không hiểu, đem hỏi Thạch Sương
- Thế nào là trong cây khô trổi nhạc ?
Thạch Sương đáp
- Vẫn còn kẹt hỷ
Tăng hỏi :
- Thế nào là tròng con mắt trong đầu lâu?
Thạch Sương đáp
- Vẫn còn kẹt thức.

Nay xem vị tăng này hỏi Vân Môn " Khi lá rụng, cành khô thì thế nào?" thì biết rằng đã dẹp được tình thức, bỏ được nhân, ngã nhưng vẫn chưa có chỗ chuyển thân. Cổ nhân nói "Con đường hướng thượng, ngàn thánh chẳng truyền". Chỗ chuyển thân đó, đúng thời tiết thì nó sẽ đến, chẳng phải có thể dậy được. Vân Môn đáp " Thân bày gió thu" , đáp rất hay, mà cũng chẳng cô phụ câu hỏi của người. Chỗ hỏi kia có mắt sáng, chỗ trả lời cũng đúng đắn. Vân Môn trình kiến giải của mình, một người đã có chỗ chuyển thân, đã đi con đường hướng thượng. Một khi đã qua con đường đó thì ta và càn khôn , thảy thảy đồng. Đó là kinh nghiệm, là thực sống, chẳng phải suy luận, tình thức mà có thể hiểu được, giải được. Trong câu trả lời của Vân Môn có ba tính chất: Bao hàm càn khôn, tùy sóng đuổi sóng, và cắt mọi dòng ý thức của người hỏi.
(Phú cái càn khôn, tùy ba trục lãng, cát tiệt chúng lưu)
TỤNG
Vấn ký hữu tông
Đáp diệt du đồng
Tam cú khả biện
Nhất thốc liêu không
Đại dã hề lương tiêu táp táp
Trường thiên hề sơ vũ mông mông
Quân bất kiến
Thiếu Lâm cửu tọa vị qui khách
Tịnh y Hùng Nhĩ nhất tòng tòng.

NGHĨA
Hỏi đã có tông
Đáp cũng vẫn đồng
Ba câu khá biện
Một mũi băng không
Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát
Trời dài chừ lấm tấm mưa thưa
Anh chẳng thấy
Thiếu Lâm khách ngồi lâu chưa về
Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng

GIẢI TỤNG
Tăng hỏi Vân Môn: " Khi lá rụng cành khô thì thế nào?" Đáp " Thân bày gió thu". Vị tăng này chỗ hỏi có tông chỉ, Vân Môn chỗ đáp cũng vậy.
Vân Môn bình thường dùng ba câu tiếp người. Thế nào là ba câu?
Là trong một câu đủ ba tính chất: 1) nghĩa bao hàm ;2) thuận theo câu hỏi mà trả lời;3) cắt đứt mọi tình thức. Quả vậy, câu trả lời của Vân Môn " Thân bày gió thu " đủ cả ba tính chất đó. Nếu thấu đặng , biện đủ thì "Một mũi băng không" thoát ngoài tam giới. Tụng đến đây đã đủ nghĩa nhưng Tuyết Đậu dư tài, khai triển ra cảnh giới của sư :
"Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát"
"Trời dài chừ lấm tấm mưa thưa"
Hãy nói đây là cảnh hay là tâm? Là huyền? là diệu? Người xưa nói "Pháp pháp chẳng ẩn tàng, xưa nay thường hiển lộ". Vân Môn nói " Thân bày gió thu" , Tuyết Đậu liền vẽ ra một cảnh " Trời dài, đất rộng, gió mát vèo vèo, mưa thưa lấm tấm". Nếu ai do câu trả lời mà khởi hiểu thiền, hiểu đạo thì lại càng cách xa.
Câu " Thiếu Lâm khách ngồi lâu chưa về " là nói cái gì? Khách đó là ai? Ngồi lâu là bao nhiêu?
Câu này không nói gì ngoài thiền. Người khách ấy không ai ngoài Sơ Tổ , ngài ngồi đó,xây mặt vào vách, trên núi Thiếu Lâm suốt chín năm. Thế sao ngài không về? Về thế nào được, Tâm Ấn của Phật chưa trao truyền lại cho ai làm sao mà về được.
Cảnh giới lúc đó như thế nào? Là " lá rụng cành khô" hay " thân bày gió thu " ? Nếu nhằm trong đây dẹp sạch cổ - kim, phàm - thánh, càn - khôn đại - địa nhồi thành một khối mới thấy chỗ vì người của Vân Môn, Tuyết Đậu.
Câu " Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng" nguyên văn là "Tịnh y Hùng Nhĩ nhất tòng tòng " Tịnh y là tấm áo sạch, Hùng Nhĩ là tên núi Thiếu Lâm. Cái áo của núi Hùng Nhĩ là nương rẫy, là các rặng tùng. Do tâm đã tịnh nên thấy tấm áo đó cũng trong sạch vậy.
Các ông nhằm chỗ nào thấy? lại thấy chỗ Tuyết Đậu vì người chăng? Cũng là con linh qui lê đuôi trong bùn .

Re: BÍCH NHAM LỤC

Đã gửi: 06/06/08 02:21
gửi bởi Chanhientam
Vì người hay không vì người thì cũng chẳng dính dáng gì đến mình. Ngay câu nói đó phát hào quang chút nào không? Trước sau như một. Thế mới chán!

Re: BÍCH NHAM LỤC (tắc 28)

Đã gửi: 07/06/08 17:50
gửi bởi binh
TẮC 28
NAM TUYỀN: PHÁP CHẲNG NÓI
CÔNG ÁN
Nam Tuyền đến tham vấn hòa thượng Niết Bàn ở núi Bá Trượng. Bá Trượng hỏi :
- Từ trước chư thánh lại có pháp chẳng vì người nói chăng?
Nam Tuyền đáp :
- Có.
Bá Trượng hỏi
- Thế nào là pháp chẳng vì người nói ?
Nam Tuyền đáp :
- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.
Bá Trượng bảo :
- Nói rồi vậy.
Nam Tuyền thưa :
- Con chỉ thế ấy, hòa thượng thế nào?
Bá Trượng bảo :
- Ta chẳng phải đại thiện tri thức, đâu biết có nói, chẳng nói.
Nam Tuyên thưa :
- Con chẳng hội
Bá Trượng bảo :
- Ta rất vì ông , nói xong.

GIẢI THÍCH :
Đến trong đây chẳng phải tức tâm hay chẳng tức tâm. Từ đầu đến chân chẳng có một mẩy lông vẫn còn đôi chút so sánh.
Bá Trượng đặt câu hỏi rất khó
- Từ trước chư thánh lại có Pháp chẳng vì người nói chăng?
Nếu gặp sơn tăng, chỉ bịt tai đi ra, xem ông già này là một trường rối loạn. Nếu là hàng tác gia thấy sư hỏi thế liền biết phá được. Nam Tuyền cứ chỗ thấy đáp
- Có.
Thế là Bá Trượng bèn đem lầm đến lầm, theo sau nói
- Thế nào là pháp chẳng vì người nói?
Nam Tuyền đáp
- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.
Hừm , lão này thích xem mặt trăng trên trời, rơi mất hạt châu trong tay.
Bá Trượng bảo :
- Nói rồi vậy
(Đáng tiếc thay) vì người kia chú phá. Lẽ ra ngay khi ấy chỉ nhằm xương sống mà đánh cho kia biết đau nhức. Tuy nhiên như thế, ông hãy chỉ chỗ nào là chỗ nói rồi? Chỗ thấy của Nam Tuyền là " Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật" là chỗ chưa từng nói đến. Thử hỏi các ông tại sao lại bảo nói rồi? Dưới lời của sư không có dấu vết. Nếu bảo sư chẳng nói, vì sao Bá Trượng lại nói thế ấy? Nam Tuyền là người biến thông, liền theo sau một cái đẩy :
- Con chỉ thế ấy, hòa thượng lại thế nào?
Nếu là người khác chưa khỏi bối rối. Đâu ngờ Bá Trượng là hàng tác gia, chỗ đáp quả thật kỳ đặc
- Ta chẳng phải là Đại Thiện Tri Thức, đâu biết có nói, không nói.
Nam Tuyền thưa :
- Con chẳng hội.
Như thế là sư hội rồi mà nói chẳng hội, hay thật không hội?
Bá Trượng bảo:
- Ta rất vì ông nói xong.
Hãy nói chỗ nào là chỗ nói? Cả hai đều là tác gia hay cùng chẳng phải tác gia?
Kỳ thật, phần trước cả hai đều là tác gia, phần sau cả hai đều bỏ qua. Nếu là người đủ mắt sáng thì rõ ràng nghiệm lấy.
Tuyết Đậu tụng

TỤNG
Tổ, Phật tùng lai bất vị nhân
Nạp tăng kim cổ cạnh đầu tẩu
Minh cảnh đương đài liệt tượng thù
Nhất nhất diện nam khán Bắc Đẩu
Đẩu bỉnh thùy, vô xứ thảo
Niêm đắc tỵ khổng, thất khước khẩu.

NGHĨA
Tổ, Phật xưa nay chẳng vì người
Thiền tăng kim cổ đua nhau chạy
Gương sáng tại đài bày tướng lạ
Mỗi mỗi hướng nam nhìn Bắc Đẩu.
Chuôi sao duỗi , không chỗ tìm
Nắm được lỗ mũi, mất cái miệng.

GIẢI TỤNG
Phật Thích Ca ra đời, từ nước Quang Diệu đến sông Bạt Đề, ở trong khoảng giữa, bốn mươi chín năm chưa từng nói một lời. Nói thế ấy là có nói hay chẳng nói? Như hiện nay Phật Pháp đầy Long Cung, tràn Hải Tạng làm sao bảo chẳng nói? Hãy nghe Tu Di Sơn chủ nói : " Chư Phật chẳng xuất thế, bốn mươi chín năm nói, Đạt Ma chẳng tây sang, Thiếu Lâm có diệu quyết " lại nói" Chư Phật chẳng từng ra đời, cũng không một pháp cho người, chỉ xem tâm chúng sinh, tùy cơ hợp bệnh cho thuốc, bày phương tiện nên có ba thừa, mười hai phần giáo. Kỳ thật Phật Tổ từ xưa đến nay chưa từng vì người nói". Chỉ cái không vì người, phải tham cứu tường tận. Sơn tăng thường nói " Nếu phán một câu nghe ngọt ngào như đường mật, xét kỹ lại quả là độc dược. Còn nhằm xương sống đánh, nhằm miệng vả, đuổi ra ngoài , mới là thân thiết vì người".
Cũng vì cái chẳng vì người đó mà thiền tăng xưa nay chạy đôn chạy đáo khắp nơi, phải cũng hỏi, chẳng phải cũng hỏi, hỏi Phật hỏi Tổ, hỏi hướng thượng, hướng hạ.Tuy nhiên như thế, nếu chưa đến điền địa này thì cũng không thể thiếu hỏi được. Thế Tôn từ nơi ấy, nơi chưa từng nói một lời, nơi không có một pháp cho người mà bầy tướng lạ, Từ cái nơi "Mở miệng liền sai" mà bày phương tiện chỉ dạy, tùy cơ hợp bệnh cho thuốc mở ra ba thừa, mười hai phần giáo.
Người xưa nói " Vạn tượng, sum la là sở ấn của một pháp" Nhưng cũng nói " Sum la vạn tượng trong ấy thẩy tròn đầy". Đại sư Thần Tú nói :
Thân là cây Bồ-Đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi
Chớ để dính bụi bặm
Ngài Đại Mãn bảo " Ông chỉ ở ngoài cửa".
Tuyết Đậu nói " Gương sáng tại đài bày tướng lạ", hãy nói Tuyết Đậu ở trong cửa hay ngoài cửa?
Cả thảy các ông mỗi người một tấm gương xưa, sum la vạn tượng mỗi mỗi đều hiển hiện trong đó. Nếu ông đến sum la vạn tượng mà hiểu , thì dò tìm chẳng được gương kia.
"Mỗi mỗi hướng nam nhìn Bắc Đẩu" Tại sao muốn thấy Bắc Đẩu lại phải nhìn hướng nam. Bởi vì trong Thiền tông, Bắc Đẩu dụ cho ý kia, là đoan đích ý , là ý đúng, chính xác, là chỗ đến của người tu học. "Yếu tri đoan đích ý; Bắc Đẩu diện nam khan". Nhìn về hướng nam thì ta là Bắc Đẩu. Chỉ khi ta là Bắc Đẩu thì mới biết Bắc Đẩu mà thôi, còn nếu thấy Bắc Đẩu thì thành ra có hai rồi, ta chẳng phải là Bắc Đẩu, mà chẳng phải thì chẳng biết. Bởi vậy trong thiền tông muốn xem Bắc Đẩu thì nhìn phương nam. Tổ hỏi " có pháp nào chẳng vì người nói?" Nam Tuyền trả lời " Pháp : chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật " Tổ bảo " vậy là đã nói rồi " Nam Tuyền nói " Con chỉ thế ấy, hòa thượng thế nào?" Tổ né tránh, bảo " Ta chẳng phải đại thiện tri thức, đâu biết có nói, không nói". Nam Tuyền thưa " con chẳng hội" Hãy nói Nam Tuyền hội hay chẳng hội? Tổ bảo " Ta đã vì ông nói rồi vậy". hãy nói là Tổ nói cái gì?
Tổ bảo là đã vì Nam Tuyền nói cái pháp " chẳng vì người nói"
Thật là một pháp rất lạ, bởi nếu mở miệng ra nói thì nó chẳng còn là pháp "chẳng vì người nói" nữa, còn không mở miệng ra nói thì câu hỏi còn đó , chưa được trả lời. Bởi vậy mới nói " Nắm được lỗ mũi mất cái miệng".

Re: BÍCH NHAM LỤC (TẮC 29)

Đã gửi: 10/06/08 18:11
gửi bởi binh
TẮC 29
ĐẠI TÙY : THEO KIA ĐI

LỜI DẪN :
Cá lội nước đục, chim bay lông rụng, biện rõ chủ khách, phân rành trắng đen .Giống như : gương sáng tại đài , minh châu trong tay, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán, bày thanh hiển sắc . Hãy nói vì sao như thế? Thử cử xem.

Công án:
Tăng hỏi Đại Tùy :
- Kiếp hỏa cháy rực, Đại Thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại, chẳng hoại ?
Đại Tùy đáp :
- Hoại.
Tăng hỏi :
- Thế thì theo kia đi ?
- Đại Tùy đáp :
- Theo kia đi.

GIẢI THÍCH :
Hòa thượng Chơn Như ở Đại Tùy kế thừa thiền sư Đại An. Sư người huyện Diêm Đình , Đông Xuyên, đi tham vấn hơn sáu mươi vị thiện tri thức . Xưa, khi ở trong hội Qui Sơn, sư làm đầu bếp. Một hôm Qui Sơn hỏi :
- Con ở đây nhiều năm mà không biết đặt câu hỏi xem thế nào?
Sư thưa :
- Bảo con hỏi cái gì mới được?
Qui Sơn bảo :
- Sao con chẳng hỏi : Thế nào là Phật ?
Sư liền lấy tay bụm miệng Qui Sơn. Qui Sơn nói :
- Ngươi về sau tìm một người quét đất cũng không.
Sau sư trở về Đông Xuyên, cât quán trà trên con đường lên núi Bằng Khẩu để tiếp đãi người qua lại đến ba năm. Sau sư khai đường ở Đại Tùy dạy chúng. Có vị tăng hỏi :
- Kiếp hỏa cháy rực, đại thiên đều hoại, chẳng biết cái này hoại, chẳng hoại?
Kinh nói : Qui luật của vũ trụ "Thành, Trụ, Hoại, Không". Khi kiếp tam tai dấy khởi, hoại đến cõi trời tam thiền. Vị tăng này y cứ vào kinh điển đến hỏi như vậy. Vị tăng này cũng chưa biết chỗ rơi của thoại đầu. Cái này là gì? Có người nói: Cái này là Pháp tánh, là chơn như.
Đại Tùy nói " Hoại ". Vị tăng hỏi " Thế ấy thì theo kia đi?". Đại Tùy đáp " Theo kia đi". Chỉ câu này bao nhiêu người tình giải dò tìm chẳng được. Nếu nói theo kia đi thì ở chỗ nào? Nếu nói chẳng theo kia, tại sao lại không thấy ? Vì vậy nên nói "Muốn được thân thiết chớ đem câu hỏi tới".
Sau vị tăng hỏi Tu Sơn chủ
- Kiếp hỏa cháy rực, Đại Thiên đều hoại, chẳng biết cái này hoại, chẳng hoại?
Tu Sơn chủ đáp
- Chẳng hoại.
Tăng hỏi :
- Vì sao chẳng hoại?
Tu Sơn chủ đáp :
- Vì đồng với đại thiên, hoại cũng bít lấp giết người, chẳng hoại cũng bít lấp giết người.
Vị tăng kia chẳng hiểu lời nói của Đại Tùy, mang nghi vấn thẳng đến Đầu Tử. Vừa thấy mặt, Đầu Tử hỏi :
- Vừa rời chỗ nào?
Tăng thưa :
- Núi Đại Tùy, Tây Thục.
Đầu Tử hỏi
- Đại Tùy có ngôn cú gì?
Tăng liền nhắc lại lời trước.
Đầu Tử thắp hương, lễ bái nói :
- Tây Thục có cổ Phật ra đời, ông nên mau trở lại.
Vị tăng về đến Đại Tùy thì Đại Tùy đã tịch. Vị tăng này một trường rối loạn.
Cảnh Tuân đề thơ :

Rõ ràng không pháp khác
Ai nói ấn Nam Năng?
Một câu theo lời họ
Thiền tăng chạy núi ngàn
Dế lạnh kêu đống lá
Quỉ đêm lễ lồng đèn
Ngâm xong ngoài song lẻ
Bồi hồi hận chẳng cùng.

Tuyết Đậu dẫn hai câu , làm tụng

TỤNG
Kiếp hỏa quang trung lập vấn đoan
Nạp tăng du trệ lưỡng trùng quan
Khả lân nhất cú tùy tha ngữ
Vạn lý khu khu độc vãng hoàn.

NGHĨA
Kiếp hỏa sáng ngời, hỏi thành câu
Thiền tăng còn kẹt cửa hai vùng
Đáng thương, chỉ một lời theo đấy
Muôn dặm nhọc nhằn riêng tới lui.

GIẢI TỤNG
Chỗ hỏi của vị tăng " hoại cùng chẳng hoại", gọi là kẹt ngoài hai vòng cổng. Nếu là người có mắt thì nói họai hay chẳng hoại đều được cả. Hai câu sau là nói vị tăng mang câu hỏi đến Đầu Tử , lại trở về Đại Tùy đáng gọi là muôn dặm nhọc nhằn.

Re: BÍCH NHAM LỤC

Đã gửi: 14/06/08 02:10
gửi bởi Chanhientam
Người xưa nói "Khi mê thì tứ cú đều sai. Khi tỉnh thì tứ cú đều đúng". Tứ cú là Hoại, không hoại, vừa hoại vừa không hoại, không hoại không không hoại.

Cứ hướng ngoại mà cầu hay trên chữ nghĩa mà tìm, thì tới cũng trật nhịp mà lui cũng trật nhịp. Thiệt tội! Phải là kẻ có công phu, khi mất chỗ bám (Đại Tùy thị tịch) thì chắc cũng ngộ ít nhiều, không đến nỗi bị một trường rối loạn như thế.