Đi gặp mùa Xuân

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • BỆNH SINH


Sinh là một cái bệnh. Điều này mới nghe thì thấy lạ lùng. Tại vì sinh la naissance thường được người ta cho là một hiện tượng rất vui, rất hy hữu. Khi sinh con, người ta làm tiệc ăn mừng và tới ngày sinh nhật người ta thường làm một cái bánh và đốt lên bao nhiêu ngọn nến. Mình muốn thoát ly khỏi sự chết, chứ mình đâu có muốn thoát ly khỏi sự sống. Vì vậy cho nên giữa hai cái sinh và tử, mình chỉ muốn chọn một cái. Chọn sinh thôi, còn tử thì bỏ ra ngoài. Nhưng quán sát lại ta sẽ thấy có những người đã từng trải qua rất nhiều khổ đau. Niềm vui rất ít, mà nỗi khổ thì vô lượng. Có những người sống ngay trong thế kỷ này mà mỗi ngày đã tìm cách tự tử ba, bốn lần, tại vì chịu đựng không nổi sự sống, họ không có nhẫn nhục Ba la mật. Chúng ta đã từng đọc hồi ký của những người trong tù, của những người gian nan, vào sinh ra tử. Chúng ta hiểu được tại sao có những người cảm thấy rất mệt mỏi với sự sống. I am tire of living. Số người nói như vậy nhiều lắm, nghĩ như vậy nhiều lắm. Ngay trong giới những người còn trẻ có người muốn chết, muốn tìm giải thoát trong cái chết. Nhưng đức Thế Tôn dạy rằng chết không phải là một giải pháp. Tại vì sau khi chết rồi, anh lại phải sinh ra trở lại. Con đường tự tử là con đường dại dột. Anh nghĩ rằng chết là để chấm dứt, nhưng theo tuệ giác của tôi thì chết không phải là chấm dứt, mà là một khúc quanh để chuyển sang một giai đoạn mới. Chết là để sinh ra trở lại. Điều này không phải chỉ đúng trong giờ phút lâm chung mà đúng ở trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, anh luôn luôn chết để sinh trở lại. Nếu thực tập thì anh sẽ sinh vào một cõi nhẹ nhàng hơn, nếu anh không thực tập thì anh sẽ sinh vào địa ngục, ngay trong giờ phút hiện tại. Trong một ngày mình có thể sinh ra và chết đi rất nhiều lần, và cõi mình sinh ra tùy thuộc ở cách mình chết.

Vì vậy cho nên ngày xưa và cả bây giờ cũng vậy, có rất nhiều người sợ sinh, tại vì sinh ra là phải chịu đựng những cái mà mình đã chịu đựng trong suốt cuộc đời mình. Giải thoát tử rồi lại còn muốn giải thoát sinh nữa. Nếu không giải thoát sinh thì ta còn phải chết hoài, chết trăm lần, ngàn lần, vạn lần. Ở địa ngục, người ta nói rằng mỗi ngày người ta phải chết cả triệu lần. Đúng như vậy. Trong địa ngục, giây phút nào ta cũng đau khổ, vì vậy cho nên giây phút nào ta cũng muốn chết. Nhưng chết đâu có phải là yên, là hết. Chết là để sinh ra trở lại. Cho nên giải thoát không phải là giải thoát tử, mà là giải thoát sinh tử. Mục tiêu đó trong đạo Bụt gọi là vô sinh. Cửa vô sinh mở rồi. Vì vậy tìm cách giải thoát ra khỏi cái chết, mà không tìm cách giải thoát ra khỏi cái sinh thì đó là một điều mơ ước viễn vông. Làm sao có cái sinh mà không có cái chết. Sự thật đơn giản là có sinh thì phải có tử, có ngày thì phải có đêm, có trái thì phải có phải, có trên thì phải có dưới. Tại sao anh muốn có một cái mà không muốn có cái kia? Anh muốn có phải mà không muốn có trái thì làm được, làm sao có thể có trái mà không có phải? Nếu anh chấp nhận sinh thì anh phải chấp nhận tử. Chúng ta đã hiểu rằng tại sao trong kinh điển có câu giải thoát sinh tử. Nếu thấy được điều đó, quí vị mới bắt đầu hiểu được mười hai nhân duyên trong đạo Bụt.

Người ta tu đạo Lão để trốn thoát cái tử. Người ta tu đạo Bụt để giải thoát cả sinh lẫn tử. Cái khác là ở chỗ đó. Giả dụ có người đau khổ tới mức cùng cực, trong đời không có điều gì vui hết, đời không đáng sống. Như Thúy Kiều có lúc nói: "Đã không biết sống là vui, tấm thân nào biết thiệt thòi là thương". "Sống mà đã không vui thì tại sao không chết đi". Có rất nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng may mắn là ta còn có thể chết được. Giả dụ có người tuyên án rằng: anh ta phải sống mãi mãi, hoài hoài, không bao giờ chết được. Đó là một cái án ghê gớm. Cái án đó nặng bằng muôn ngàn án tử hình. Lâu nay anh có tự do muốn chết thì chết, nhưng bây giờ vì có bản án đó rồi, nên anh bắt buộc phải sống hoài. Có những lúc anh mệt quá chừng, mệt tới mức nghĩ rằng chỉ có cái chết mới giúp anh được nghỉ ngơi. Thành ra trường sinh bất tử có thể không phải là cái mà chúng ta đi tìm. Cái chúng ta đi tìm là giải thoát sinh tử. Tức là ta có khả năng coi sinh và tử nhẹ như một sợi tóc, một chiếc lông hồng, một sợi tơ. Chỉ có thực tập đạo Bụt và tiếp xúc với bản môn ta mới giải thoát được sinh và tử.

Cho nên người ngộ đạo thì sinh ra cũng được, chết đi cũng không sao. Gọi là ra vào sinh tử. Nhưng ra vào với một cái lượng của một vị Bồ tát. Cỡi trên sóng sinh tử mà đi. Sinh hả, cũng được! Tử hả, cũng được! Tại vì mình có một cái thấy lớn, một tình thương bao la, một tâm lượng bao la, cho nên sinh và tử không thực sự đụng chạm tới mình. Vì vậy cho nên thiền sư Tuệ Trung đời Trần, trong bài Phóng Cuồng Ca đã thốt lên: "Cái sống và cái chết ép uổng ta, vây hãm ta, nhưng làm sao động tới ta được?" (Sanh tử tương bức hề, ư ngã hà thương). Đó là câu thơ của một người ngộ đạo có thể xem sinh tử nhẹ như chiếc lông hồng.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • BỆNH GIÀ


Già là một cái bệnh, và tất cả chúng ta đều mang hạt giống của bệnh già. I am bound to grow old. Có ai mà sẽ không già? Thế nào ta cũng sẽ phải già. Ta có chịu đựng được không? Giờ này đây sư em Tuệ Nghiêm đâu có chấp nhận được sự kiện sau này mình sẽ trở thành một sư bà móm. Nhưng thế nào một ngày mai sư bà cũng móm, không thể nào tránh thoát được. Sư cô có thể là không tin rằng chuyện đó sẽ xảy ra cho mình. Sự thật là tất cả chúng ta đều sẽ phải trở thành những ông già móm, những bà già móm. Chúng ta đều sẽ phải chống gậy để đi. Chúng ta đều sẽ không còn có hai chân khỏe để chạy. Quí vị hãy nhớ đi thiền hành mỗi ngày, nếu không thì uổng lắm đó. Đến khi hai chân run rồi thì dù ta có muốn đi thiền hành nữa cũng không đi được. Tôi cũng đang mang bệnh già và tôi đang thực tập quán chiếu rất nhiều về cái bệnh già của tôi. Ngày xưa ký ức tôi rất tốt. Đến khi về già rồi, tự nhiên có những cái tiếng, có những cái chữ mình muốn nhớ lại mà chúng không chịu nhảy lên, và dù có đi tìm tòi lục lạo trong kho tàng thức mình cũng khó nhớ lại. Ban đầu tôi không chấp nhận được điều đó. Tôi không chấp nhận được cái chuyện là mình đang già. Có một lúc, vào hai ba giờ khuya, tôi quên một chữ. Quên một chữ mà ngủ không được nữa. Mà chữ ấy đâu có quan trọng gì lắm, đến nỗi mình phải bỏ giấc ngủ. Mình bỏ giấc ngủ đi tìm là tại vì mình giận. Mình giận vì không chấp nhận được sự kiện là mình đã già. Chữ đó là chữ Salprêtre. Salprêtre là một thứ muối mọc ra ở những chân tường đá ẩm thấp. Tôi tự bảo: "A lại gia thức ơi, chữ đó là chữ gì, giúp tôi với!" Tàng thức không giúp tôi được. Mà mở tự điển ra thì mình đâu có biết rằng chữ ấy phải bắt đầu bằng chữ "S".

Có một lần cả cái tên của thành phố Darwin tôi cũng quên mất. Đi trên xe buýt tôi nghĩ tới cái thành phố mang tên nhà bác học đó mà không nhớ được cái tên ấy. Nhà bác học đã tạo ra thuyết tiến hóa. Sự thật là tôi đã già. Mỗi ngày có nhiều tế bào óc chết. Những phản kháng và bực mình của ta chỉ là do vô minh tạo ra thôi. Chúng ta nhiều người có trí tuệ, nhưng không chịu đem trí tuệ của mình ra để sử dụng. Mình biết chứ không phải không biết đâu, nhưng mình vẫn không chịu đem trí tuệ ấy ra sử dụng. Vì vậy khi còn trẻ, hãy làm những gì mà người trẻ có thể tìm được. Điều này rất quan trọng.

Thiền sư Huyền Quang, tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, ngày xưa ưa ở Côn Sơn. Có mấy sư chú ở chung với ngài. Mùa đông này chúng ta sẽ được học về thầy Huyền Quang trong khóa tu về chủ đề Truyền Thống Sinh Động Của Thiền Tập. Thầy Huyền Quang lúc đó đã già và vì vậy rất ưa sống với các sư chú. Tại vì thầy nghĩ rằng sống với các sư chú thì mình có cảm tưởng là mình ít già hơn. Thầy Huyền Quang rất ưa hoa cúc. Thầy để rất nhiều thì giờ chăm bón hoa cúc. Thỉnh thoảng đến mùa hoa mai nở, thầy cũng đi vào núi cắt một vài cành mai về cắm. Thầy nói rằng sở dĩ thầy cắt cành mai về là để cho cái bệnh già của thầy được thuyên giảm chút đỉnh đó mà thôi.

  • Ngửa mặt trời cao hỏi lý do
    Hiên ngang trong núi mọc thành hoa
    Hái về không để chưng vui mắt
    Chỉ mượm màu xanh đỡ bệnh già.
Tôi có cái bệnh già, vì vậy cho nên tôi cắt một cành mai về, cắm ở trong phòng để ngắm nhìn và cảm thấy bớt già. Khi đọc thơ thầy Huyền Quang, tôi mới hiểu tại sao tôi ưa ngồi chơi với các sư cô và các sư chú trẻ. Tại khi ngồi với các người trẻ, ta thấy là ta không già. Nếu quán chiếu, mình có thể làm hay hơn. Mình có thể vượt được cái bệnh già chứ tại sao không. Nếu quán chiếu vào bản thân, nếu quán chiếu vào bông hoa, vào cành mai, nếu quán chiếu vào các sư chú và các sư cô ta sẽ thấy rằng ta đâu có già. Ta là một với họ. Ta đang trẻ mà, ta sẽ trẻ mãi mãi. Tất cả đều do sự quán chiếu. Quán chiếu như vậy, cái thấy lớn lên và cái bệnh già sẽ tiêu mất. Vì vậy cho nên bốn câu thơ mới đọc kia cũng chưa có gì là siêu việt lắm.
  • Ngửa mặt trời cao hỏi lý do
    Hiên ngang trong núi mọc thành hoa
    Hái về không để chưng vui mắt
    Chỉ mượm màu xanh đỡ bệnh già.
Đó chỉ mới là thoa kem cho bớt đau nhức mà thôi, chứ chưa phải là sự trị liệu.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • BỆNH BỆNH


Cái bệnh thứ tư gọi là bệnh bệnh. Bệnh sinh, bệnh chết, bệnh già và bệnh bệnh. Bệnh bệnh có nghĩa là chúng ta không ai tránh khỏi bệnh bệnh. Nous sommes tous sujets à la maladie. Anh nói anh không có bệnh gì hả, nhưng mà anh cũng có bệnh bệnh. Nghĩa là anh có thể bị bệnh bất cứ lúc nào. Sự kiện chúng ta có thể bị bệnh, cái đó gọi là bệnh bệnh. Chúng ta phải quán chiếu. Bụt không muốn chúng ta trốn chạy. Cho nên ngài mới nói rằng mỗi ngày ta đều phải thực tập: "Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào chạy thoát khỏi cái bệnh". Luận Bảo Vương Tam Muội có nói: "Tu học đừng có cầu cho không có bệnh. Không bệnh thì tham dục dễ sanh". Mình phải học làm thế nào để chấp nhận được cái bệnh của mình. Mình phải làm quen với nó. Mình phải cười với nó. Mình phải ôm lấy nó. Mình phải đồng nhất với nó. Cuối cùng mình với nó cùng siêu việt. Mà con đường thực tập cũng là một con đường làm cho cái lượng của ta lớn lên. Có những người bệnh ít thôi, nhưng cũng chịu đựng không nổi. Bệnh chưa ghê gớm gì mấy, nhưng đã hoảng hốt và xuống tinh thần. Đôi khi mới tưởng tượng là mình có cái bệnh đó thôi, chứ chưa thực sự có bệnh mà đã hoảng lên, và đã bị trầm cảm (depression). Những người ấy có cái lượng rất nhỏ.

Có một vị nữ thiền sư ở Boston biết bà ta có bệnh ung thư. Trong những năm chót của đời bà, bà thực tập rất sâu sắc. Có thể cái bệnh đó là một trong những nguyên do khiến cho vị đạo sư đó thực tập rất vững chãi, rất êm ả. Đến ngày lâm chung, thị tịch, nữ đạo sư đó có rất nhiều an bình. Ai cũng công nhận như vậy. Ngày xưa tôi đã từng giảng ở trong thiền viện của vị nữ đạo sư đó. Từ khi được nghe tin rằng mình có ung thư, vị nữ đạo sư đó đã đi qua một cơn sóng gió. Nhờ sự thực tập cho nên sau một thời gian ngắn bà chấp nhận được. Biết rằng mình còn có bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm để thực tập, nên bà đã đem hết tất cả con người của mình để thực tập. Do đó bà không còn chạy theo những cái danh, những cái lợi tầm thường nữa. Sự có mặt của một người như vậy rất có ích cho những người xung quanh. Đâu có cần phải sống một trăm năm. Chỉ cần sống một năm thôi, hay là sáu tháng thôi, mà sống đúng với cái phong thái của một bậc thầy còn hơn là sống sáu mươi năm, bảy mươi năm mà phong thái của mình và đời sống của mình không phản ảnh được những ngôn từ mà mình nói ra. Những người như thế, như vị nữ đạo sư kia đã có thể vượt ra khỏi cái bệnh gọi là bệnh bệnh. Thấy được rằng bệnh bệnh là một chuyện tất nhiên. Nếu mình không bệnh thì người khác bệnh. Mà người khác cũng là mình thôi. Cho nên, nếu mình thấy người khác bệnh mà mình mừng: "May quá, không phải mình", tức là cái lượng của mình còn rất nhỏ.

Trong sự thực tập hàng gnày, mình phải thấy cái bệnh của người kia là cái bệnh của mình. Do đó mình có thể lân mẫn, giúp đỡ và chăm sóc người đó như là chính mình bệnh. Những người như vậy có tâm lượng rất lớn. Nếu có rủi ro mà người như vậy mắc bệnh, thì người đó không đau khổ nhiều như những người khác. Cùng gặp những biến cố như nhau mà một người thì đau khổ cực kỳ, một người thì có thể mỉm cười được. Cái gì làm ra sự sai biệt đó? Đó là Ksantiparamita, Nhẫn nhục Ba la mật. Chúng ta phải học hỏi. Chúng ta phải thực tập trong đời sống hàng ngày.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • TIẾNG CHUÔNG VÀ BƯỚC CHÂN


Tiếng chuông chánh niệm là phương pháp thực tập đã có từ thời Bụt còn tại thế. Mỗi khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều ngưng hết suy tư, ngưng hết nói năng, và lắng nghe tiếng chuông với hơi thở chánh niệm. Tiếng chuông được tiếp nhận như tiếng gọi của đức Thế Tôn gọi chúng ta về với chánh niệm. Trong thiền môn chúng ta vẫn có truyền thống thực tập này, vì vậy trong sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu ta thấy có những bài kệ thình chuông và nghe chuông như bài: Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới" và bài: "Văn chung thinh phiền não khinh"[/i]. Những bài này đã được các tổ sáng tác để thực tập tiếng chuông chứ không phải để xướng tán. Vậy thì thực tập trở về với hơi thở chánh niệm mỗi khi nghe tiếng chuông chỉ là sự tiếp nối tự nhiên của truyền thống thiền tập. Người tu Thiền khi nghe tiếng chuông thì trở về nhiếp niệm an ban hay quán chiếu, người tu Tịnh độ khi nghe chuông thì trở về nắm lấy vững chãi phép niệm Bụt trì danh hay quán tưởng. Trong khi thực tập, người hành giả có định, có tuệ và có an lạc. Theo phép thực tập này, vị tri chung trước khi thỉnh chuông, phải chắp tay xá chuông và quán niệm theo bài kệ thỉnh chuông, một câu kệ đi theo một hơi thở vào hoặc thở ra; và khi tiếng chuông vọng lên, tất cả mọi người, kể cả vị tri chung, phải dừng lại mọi suy tư và nói năng để trở về chánh niệm, cùng thực tập với nhau ít nhất là trong ba hơi thở. Trong giờ phút thực tập ấy, năng lượng của niệm, định và tuệ của đại chúng có mặt rất rõ ràng, và người đến chùa sẽ cảm thấy năng lượng ấy đi vào trong con người của họ và sẽ tiếp nhận được rất nhiều lợi lạc. Buổi khuya, đại chúng có thể thực tập im lặng trong tư thế ngồi, suốt trong thời gian thỉnh đại hồng chung, hoặc thiền quán, hoặc niệm Bụt, ngồi chung trong thiền đường, Phật đường hoặc trên đơn của mình. Những vị có trách vụ như hương đăng, trà giả, trị nhật v.v... có thể tiếp tục chấp tác trong im lặng, cùng theo dõi hơi thở và thực tập thiền quán hay niệm Bụt trong khi làm việc. Sau khi chung nhập, tất cả đại chúng mới vân tập lên Phật đường để tụng niệm. Tụng niệm như vậy, chỉ là một phần của công phu buổi sáng và buổi tối. Buổi tối, trong thời gian thỉnh đại hồng chung, chúng ta cũng thực tập giống như buổi khuya, và khung cảnh thiền môn sẽ có sự im lặng tuyệt đối trong những giờ giấc ấy.

Bước chân thiền hành cũng là một pháp môn thực tập có từ hồi Bụt còn tại thế. Người xuất gia khi đi, đứng, nằm và ngồi đều có uy nghi và chánh niệm. Bước chân nào cũng có chánh niệm, vì thế nên từ người xuất gia tỏa chiếu ra năng lượng của sự vững chãi và sự thảnh thơi. Người xuất gia không thể đi đứng vụt chạc và hấp tấp. Bước chân vững chãi và thảnh thơi giúp cho người xuất gia an trú được trong chánh niệm, trong giây phút hiện tại và gây niềm tin lớn cho mọi người. Đi kinh hành trong thiền đường hay Phật đường chưa đủ. Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi cần di chuyển, ta phải sử dụng phép thiền hành, nghĩa là đi từng bước có chánh niệm, dù khoảng cách di chuyển chỉ là dăm bảy bước. Đi trong khuôn viên chùa cũng thế, mà đi vào thành phố cũng thế. Mỗi ngày ta thực tập thiền hành với đại chúng một lần và có thể thực tập thiền hành riêng nhiều lần. Đi thiền hành là một pháp môn nhiệm mầu có thể tập cho chúng ta biết an trú trong giây phút hiện tại, biết sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày và giúp giải tỏa và chuyển hóa những buồn giận và lo lắng của ta. Để thực tập thành công, ta nên học cách phối hợp hơi thở với bước chân và sử dụng những bài kệ thi chánh niệm.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

HIỆU LỰC CỦA CẦU NGUYỆN

  • I.
Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 7.3.1996, chúng ta đang ở tại Xóm Thượng.

Những Câu hỏi

Trong khóa tu mùa Đông vừa qua, chúng ta có nhắc tới thiền như một truyền thống nương vào tự lực nhiều hơn là tha lực. Mình phải nắm vận mệnh của mình trong tay chứ không trông cậy vào một kẻ khác. Nhưng nếu như vậy thì vai trò của cầu nguyện như thế nào? Chúng ta có cầu nguyện không? Nếu có thì chúng ta cầu cái gì? Chúng ta cầu ai? Cầu nguyện có kết quả không? Tôi còn nhớ hôm hai sư em Định Nghiêm và Giải Nghiêm đi Ste. Etienne về. Hai sư em nói là thấy mấy bà sơ trong tu viện mà ham, tại vì cái gì họ cũng hoàn toàn tin cậy vào nơi Chúa, họ khỏi phải làm gì hết. Bên đạo Bụt của mình, mình phải lo chu toàn tất cả mọi cái. Mình phải thiền hành, thiền tọa; mình phải thực tập, phải nắm lấy vận mạng mình trong tay, nhiều khi hơi mệt. Còn bên kia, cái gì họ cũng khoán trắng cho Chúa thành ra thấy khỏe quá. Câu nói đó còn nằm trong tim thầy và hôm nay thầy trả lời cho hai vị. Câu hỏi này mọi người đều đã đặt ra trong đầu là ở trong Cơ Đốc giáo, Phật giáo hay là một truyền thống tôn giáo khác. Đó là: cầu nguyện có hiệu lực không? Does it work to pray? Cầu nguyện có kết quả không? Nếu có kết quả thì mình mới cầu, còn nếu như không thì tại sao mình phải cầu? Ta phải trả lời câu hỏi này trước. Sự thực là có khi cầu nguyện có hiệu lực, có khi chẳng thấy có hiệu lực gì. Thành ra nói có cũng không được mà nói không cũng không xong.

Có một cậu bé nọ, sáu tuổi, ra ngoài sân chơi với con chuột trắng của mình. Con chuột này cậu ta thích lắm, nhưng không biết cậu chơi làm sao để con chuột chun vào một cái lỗ đi thẳng xuống đất rồi không lên nữa. Nó buồn quá! Nó quỳ xuống cầu nguyện Chúa để Chúa đem con chuột lên cho nó, tại vì con chuột đó là cái thân thiết với nó nhất. Ngoài má nó ra con chuột là số một! Nếu không có con chuột thì nó rất buồn, rất khổ, coi như đời không còn đáng sống nữa. Vì vậy nó đã quỳ xuống và hai tay nó chắp lại với tất cả trái tim của nó. Nó cầu nguyện Chúa. Nó nói rằng nó tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể đem con chuột trở lên. Nó quỳ cả một giờ đồng hồ với tất cả sự chí thành của nó, nhưng con chuột vẫn không lên. Rốt cuộc nó phải vô ăn cơm mà không có con chuột. Nó buồn khổ lắm! Bây giờ lớn lên bốn mươi tuổi rồi, nhớ lại câu chuyện đó thấy giống chuyện giống như chuyện con nít. Nhưng quả thật đối với đứa bé ngày xưa, chuyện đó quan trọng lắm và đức tin nó rất thuần thành. Một vài câu chuyện như vậy xảy ra cho đời của cậu bé và cậu bé không còn tin tưởng nơi sự cầu nguyện nữa.

Cho đến một hôm chàng sinh viên đi học nhạc. Giáo sư âm nhạc là một ông già lớn tuổi và bệnh hoạn. Cái giọng nói của ông hơi run nhưng sáng nào vào lớp học ông cũng cầu nguyện. Cầu nguyện tới mười lăm phút và học trò trong lớp buồn lắm vì cách thức ông ta cầu nguyện không hay ho gì cả. Mỗi khi vào lớp, ông hỏi: "Anh có điều gì cầu nguyện không, chị có điều gì cầu nguyện không?" Ông ghi lại hết. Rồi ông bắt mọi người cúi đầu xuống và cầu nguyện cho tất cả mọi người, dầu có những điều cầu xin rất buồn cười. Ví dụ ngày mai chúng tôi đi picnic xin trời nắng chứ đừng có mưa. Vì vậy đối với anh chàng sinh viên âm nhạc mười lăm phút cầu nguyện trước giờ học là mười lăm phút chán ngấy. Anh ta không tin gì hết, vậy mà ông giáo sư đã tiếp tục làm một cách tinh chuyên. Một hôm, có một cô gái vô lớp khóc nức nở. Cô nói bác sĩ vừa mới khám phá ra một cái bướu trong óc của má cô và bác sĩ nói rằng sợ bà ta không sống nổi qua tuần này. Cô gái khóc bù lu bù loa rất tội nghiệp, làm chấn động hết cả lớp. Lúc đó, ông thầy đứng dậy. Ông đưa mắt nhìn hết cả lớp một cái nhìn mãnh liệt. Ông tuyên bố: "Trong lớp này có ai không tin ở khả năng cứu chữa của Thượng đế thì đi ra hành lang đi. Đi ra hành lang mà đứng, tại vì chúng ta sẽ cầu nguyện cho má của cô này. Sau khi cầu nguyện ta sẽ cho người ra đón vô trở lại". Anh chàng kia tính đứng dậy đi ra, vì anh không tin vào sự cầu nguyện. Nhưng không viết tại sao anh ta không có can đảm đi ra và anh ta đã ngồi lại. Ông giáo sư mới yêu cầu mọi người cúi đầu xuống và ông đọc lên một lời cầu nguyện rất ngắn, rất hùng tráng như sau: "Chúng con xin cảm ơn Thượng đế đã chữa lành cho má cô Nancy ngay trong giờ phút này, nhân danh Chúa Ky Tô, Amen" (Lord, we thank you for healing Nancy's mother right now in the name of Jesus Christ, Amen). Chỉ có từng đó thôi. Hai tuần sau thì người ta báo tin bà đó đã lành bệnh. Bác sĩ đi rọi kiếng và làm scanner thì thấy không có dấu tích tối thiểu nào của cái tumor ngày xưa nữa. Đúng là một phép lạ! Nó lành lập tức chứ không trải qua thời gian gọi là trị liệu gì hết. Lúc đó anh chàng mới tin và anh chàng lại bắt đầu cầu nguyện cho ông thầy giáo của mình. Anh cầu nguyện thật sự vì anh thấy chuyện chữa lành cho mẹ cô Nancy là một phép lạ. Anh cầu nguyện với tất cả tâm hồn và trái tim của anh cho ông thầy giáo, nhưng mà chỉ một năm sau thì ông qua đời. Như vậy có nghĩa là cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công.

Vậy cho nên câu hỏi thứ hai được đặt ra là Tại sao cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công? Có một phương thức cầu nguyện nào có thể bảo đảm đem lại kết quả? Nếu người nào bán cho mình phương pháp đó, mình chắc chắn sẽ mua dù là rất đắt, tại vì làm đúng phương cách đó thì thế nào cũng có kết quả. Ai là người nắm trong tay phương cách cầu nguyện? Câu hỏi thứ ba là Nếu trời đã quyết định như vậy, nếu Thượng đế đã an bài như vậy rồi thì cầu nguyện có ích lợi gì không? Người ta nói rằng Thượng đế đã muốn như vậy thì ý nguyện của Thượng đế sẽ thành tựu. Ví như người kia tới tuổi đó bị bệnh cancer thì tại sao phải cầu nguyện vì Thượng đế đã quyết định chuyện ấy rồi. Cũng như theo luật nhân quả thì người đó đã làm những điều ác, tới giờ phút đó tự nhiên phải bị bệnh. Làm sao cầu nguyện có thể thay đổi được? Một bên là ý chí của Thượng đế, một bên là cái nghiệp của chúng sanh. Cái nghiệp đã như vậy rồi thì làm sao có thể thay đổi? Ý chí của Thượng đế tương đương với nghiệp báo trong đạo Bụt. Câu hỏi thứ tư là Nếu mình cầu nguyện không có kết quả thì đó có phải là do đức tin của mình đang còn yếu kém hay không? Đức tin của mình lúc nào mới gọi là thực sự vững chãi? Trong Thánh Kinh có nói: "Nếu đức tin của anh vững chãi thì anh có thể dời ngọn núi từ chỗ này sang chỗ kia". Đối với câu chuyện con chuột chạy vào hố đất, thì sự kiện một cậu bé quỳ xuống cầu nguyện như vậy là cậu ta có đức tin rất lớn. Cậu ta tin rằng nếu Thượng đế muốn thì chắc chắn sẽ được. Nếu mình hỏi thì cậu ta sẽ nói rằng đức tin nơi cậu rất lớn tại vì nó đã được un đúc biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm. Mỗi đêm cậu đều có cầu nguyện theo lời chỉ dạy của mẹ, vậy mà hôm ấy cậu cầu nguyện không được. Hay là tại vì trong sự cầu nguyện đó chỉ có ước muốn thỏa mãn cái ham muốn của riêng mình thôi, chứ không phải vì thật sự thương con chuột, sợ nó chết mà cầu nguyện? Cầu nguyện không có kết quả có phải là do mình không có tình thương hay không? Nhiều khi mình tin tưởng rằng mình cầu nguyện hết lòng với tất cả mọi tế bào trong cơ thể của mình, với tất cả giọt máu trong con người của mình, vậy mà cầu nguyện cũng không thành công nữa. Mình thương người kia quá chừng! Người kia đang hấp hối mà nói mình không có tình thương thì làm sao đúng. Mình có tình thương nhưng nếu nhìn sâu, mình sẽ thấy rằng đó không hẳn là mình thương người kia, mà là vì mình sợ bơ vơ, trống vắng. Nếu mình thực sự thương thì khác. Mà nếu mình lẫn lộn tình thương với nỗi sợ hãi bơ vơ của mình thì đó có phải là tình thương chân thật không, hay đó chỉ là cái ước muốn người kia được sống để cho mình đừng thấy bơ vơ? Đó là những câu hỏi nhỏ được đặt ra trong khi ta thực tập nhìn sâu vào vấn đề. Tất cả các câu hỏi ấy cần phải được trả lời. Rồi có những câu hỏi khác nữa. Ví dụ như người mình câu nguyện là ai? Thượng đế là ai? Bụt là ai? Bồ tát Quán Thế Âm là ai? Ta đang cầu ai?

Ta biết rằng muốn cho điện thoại có thể sử dụng được thì trong đường dây điện thoại phải có dòng điện. Cũng như khi ta sử dụng máy quạt, tủ lạnh hay bóng đèn thì trong sợi dây điện phải có dòng điện chạy. Cầu nguyện cũng vậy. Cầu nguyện phải có một năng lượng. Năng lượng đó là đức tin và tình thương yêu. Nếu cầu nguyện mà không có năng lượng của đức tin và của tình thương yêu thì cũng giống như đường dây không có điện. Và cầu nguyện sẽ không có kết quả gì hết.
Sửa lần cuối bởi battinh vào ngày 28/12/11 05:24 với 1 lần sửa.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Cầu Nguyện Và Thực Tập

Trong đạo Bụt có danh từ tụng kinh. Tụng kinh có nghĩa là đọc lại, ôn lại những lời của Bụt dạy. Có khi ta tụng một mình, có khi ta tụng với tăng thân, có khi ta tụng thầm, có khi ta tụng thành tiếng với năng lượng của chánh niệm, của đức tin và của tình thương, có khi ta chỉ tụng như là con vẹt, chỉ để ý tới âm điệu mà thôi. Tụng kinh để làm gì? Trước hết, chúng ta biết rằng tụng kinh như vậy là để tiếp xúc với lời của Bụt, tiếp xúc với tuệ giác của Bụt đồng thời tưới tẩm những hạt giống đẹp, lành, tốt và tuệ giác ở trong ta. Sự thực tập này có thể được gọi là cầu nguyện hay không?

Nếu hiểu chữ cầu nguyện theo nghĩa lớn của nó, thì chúng ta cũng có thể nói rằng tụng kinh là cầu nguyện. Ngoài những kinh văn ra, ta còn có các bài có tính cách cầu nguyện nhiều hơn như bài:

  • Nguyện trú cát tường dạ cát tường
    Trú dạ lục thời hằng cát tường.

    (Nguyện ngày an lành đêm an lành
    Đêm ngày sáu thời đều an lành).
Đó là một ước mơ, đó là một sự cầu nguyện. Nhưng đây không phải là một lời cầu nguyện suông tại vì đứng sau lưng của lời cầu nguyện đó có sự thực tập, sự thực tập trì tụng kinh chú và sự thực tập chánh niệm. Thành thử lời cầu nguyện đó không hoàn toàn căn cứ trên tha lực, nó căn cứ rất nhiều trên tự lực. Và ta biết rằng khi không có tự lực thì cũng không có thể có tha lực. Hay là câu nguyện:
  • Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não
    Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu.
Đây cũng là một ước mơ. Ước mơ đó là hướng về Bụt, để Bụt có thể hộ trì cho mình trong việc tiêu diệt tam chướng và những phiền não, đạt tới trí tuệ thấy được chân tướng của sự vật. Khi đọc lên những câu nguyện này, ta biết đây không phải là chuyện khoán trắng tất cả cho một thế lực ở ngoài ta. Ta biết sở dĩ ta mở miệng ra và cầu nguyện:
  • Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não
    Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu
    Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
    Thế thế thường hành Bồ tát đạo.
Là vì ta đang thực tập theo những lời dạy của đức Thế Tôn, của các vị Bồ tát, cho nên ta mới có được thế đứng để có thể cầu nguyện. Như vậy ta đang phối hợp tự lực với tha lực. Chúng ta hãy nhắc lại một vài câu trong bài "Đệ Tử Kính Lạy". Bài này là một bài tụng rất phổ biến ở Việt Nam, người lớn cũng như trẻ em đều thuộc lòng:
  • Đệ tử lâu đời lâu kiếp
    Nghiệp chướng nặng nề
    Tham, giận, kiêu căng
    Si mê lầm lạc
    Ngày nay nhờ Phật
    Biết sự lỗi lầm
    Thành tâm sám hối...
Đây có phải đích thực là một lời cầu nguyện hay không?

Trước hết, đây là một sự soi chiếu để có tuệ giác về sự thật đang xảy ra cho mình:

  • Đệ tử lâu đời lâu kiếp
    Nghiệp chướng nặng nề
    Tham, giận, kiêu căng
    Si mê lầm lạc
    Ngày nay nhờ Phật
    Biết sự lỗi lầm
    Thành tâm sám hối...
Đây chỉ mới là sự hành trì chứ chưa phải là lời cầu nguyện. Đây chỉ mới là sự phản quang. Đem ánh sáng chánh niệm phản chiếu lại tình trạng của mình để thấy rằng trong quá khứ mình đã tạo tác những lỗi lầm đó, nay nhờ ánh sáng từ bi của Bụt mà mình thấy được lỗi lầm và quyết tâm sẽ không làm lại nữa. Đó là sự thực tập: "Thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành". Đó là giáo lý của Bụt: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành" Rồi ta mới tụng tiếp:
  • Ngưỡng mong ơn Phật
    Từ bi gia hộ
    Thân không tật bệnh
    Tâm không phiền não...
Tu tập cũng như cầu nguyện là để thân và tâm được an lành. Thân không tật bệnh, tâm không phiền não để làm gì? Không phải để chạy theo dục vọng, mà để:
  • Hàng ngày an vui tu tập
    Pháp Bụt nhiệm mầu
    Để mau ra khỏi luân hồi
    Minh tâm kiến tánh...
Ta cầu nguyện như vậy. Cầu nguyện cho thân không tật bệnh, tâm không phiền não để hàng ngày có thể an vui tu tập pháp Bụt nhiều mầu, để thoát khỏi luân hồi và đạt tới minh tâm kiến tánh, mà độ thoát cho các loài chúng sanh. Đó là lời đại nguyện. Bài Đệ Tử Kính Lạy là một bài tiêu biểu về tinh thần cầu nguyện của đạo Bụt. Cầu nguyện, nhưng mà tất cả đều căn cứ trên sự hành trì tu tập của mình. Y vào tự lực nhưng cũng y vào tha lực, vì mình biết rằng nếu không có tự lực thì tha lực cũng không có. Cái ranh giới giữa tự và tha là cái ta phải quán chiếu. Chỗ nào là chấm dứt cái tự và chỗ nào là bắt đầu của cái tha, đó là một câu hỏi rất lớn. Nó thuộc về câu hỏi thứ năm.
Sửa lần cuối bởi battinh vào ngày 28/12/11 05:24 với 1 lần sửa.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Cảm Ứng Đạo Giao


Trong đạo Bụt, có thể câu hỏi: "Cầu nguyện là cầu nguyện với ai?" là câu hỏi căn bản. Nếu ta tìm được giải đáp về câu hỏi này, thì những câu hỏi khác ta có thể giải quyết một cách không khó khăn. Trong truyền thống đạo Bụt, mỗi khi ta chắp tay lại trước đối tượng của sự lễ bái thì ta phải quán chiếu để biết mình là ai và người ngồi trước mặt mà mình sắp lạy là ai. Phải thấy giữa hai ta có liên hệ gì với nhau, giữa ta với Bụt có liên hệ gì với nhau thì ta mới lạy xuống được. Nếu anh tưởng rằng Bụt là một cái gì hoàn toàn biệt lập, không có dính líu gì tới tự thân anh cả, hai bên là hai thực thể biệt lập thì khi anh lạy xuống, cái lạy của anh không đúng chánh pháp. Tại vì cái lạy của anh căn cứ trên một tà kiến gọi là ngã kiến. Nếu anh nghĩ Bụt có một cái ngã riêng biệt hoàn toàn khác biệt với anh và anh có một cái ngã riêng biệt hoàn toàn khác biệt với Bụt, thì cái lạy đó là cái lạy tà kiến, cái lạy mê tín. Khi đứng chắp tay trước đức Thế Tôn, mình phải quán tưởng cái tượng bằng đồng, bằng xi măng hay bằng ngọc kia không hẳn là đức Thế Tôn. Đó chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng. Đức Thế Tôn hay Bồ tát Quán Thế Âm không phải là một thực tại nằm ngoài ta như là cái tượng đá hay tượng đồng. Cho nên để đừng bị kẹt vào quan niệm sai lầm ngã chấp của sự kính lạy thì chúng ta phải quán tưởng. Chúng ta bắt đầu: Năng lễ, sở lễ tánh không tịch. Nếu mình là một chú bé mười sáu tuổi, mới đi tu mà đọc câu đó và lạy xuống, thì có thể mình chưa hiểu được. Thầy mình đã dạy mình học thuộc trước khi lạy thì mình học thuộc vậy thôi. Có thể mười năm sau hay hai mươi năm sau mình mới hiểu được. Năng lễ, sở lễ tánh không tịch có nghĩa là người lạy và người được lạy cả hai đều có tính cách trống rỗng. Một người tín đồ Cơ Đốc mà nghe điều này có thể sẽ rùng mình. Tại sao một tín đồ mà lại dám nói với đức giáo chủ của mình rằng ngài là trống rỗng, nghĩa là ngài không có một cái ngã riêng biệt. Bụt và chúng sanh thể tánh đều rỗnglặng. Hòa thượng Thiện Siêu dịch: Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng. Mình đọc vẫn không hiểu. Trong cuốn Thương Yêu Theo Phương Pháp Bụt Dạy có một câu dịch: Người lạy và người được lạy cả hai đều không có bản chất riêng biệt. Mình và Bụt không phải là hai thực thể riêng biệt. Mình ở trong Bụt và Bụt ở trong mình. Phải thấy được điều đó trước khi lạy xuống. Điểm này rất đặc biệt trong đạo Bụt. Những hạt giống của tuệ giác này có thể có trong Cơ Đốc giáo và các tôn giáo khác, nhưng không được triển khai ra một cách rõ rệt như trong đạo Bụt. Năng lễ là người lạy Ce lui qui fait la prosternation. Sở lễ là người bị lạy, được lạy. Ce lui qui reçoit la prosternation. Cả hai đều trống rỗng, nghĩa là cả hai đều không có cái ngã riêng biệt.

Mùa hè năm rồi có một thiền sinh bị bệnh tới Làng Mai để thực tập. Trong cơ thể của người thiền sinh đó có những tế bào đang mọc lên lộn xộn. Khi những tế bào của mình mọc ra lộn xộn, không có quy củ thì cái đó gọi là ung thư. Có thể mình bị ung thư vì nếp sống hàng ngày của mình không được chỉnh đốn. Mình lo lắng quá nhiều, sống không chừng mực. Phiền não loạn tâm, ăn uống không đàng hoàng. Sư cô Chân Không dạy cho ngườithiền sinh đó phương pháp cầu nguyện. Trước hết là cầu nguyện ông chú và bà ngoại của cô ta. Tại vì sau khi nói chuyện với vị thiền sinh ấy, sư cô Chân Không biết người đó có một bà ngoại và một ông chú sống tới 95 tuổi. Sư cô nói: "Đạo hữu có thấy hay không, những tế bào trong ông chú và trong bà ngoại rất khỏe mạnh, Những tế bào này cũng có trong cơ thể đạo hữu. Vì vậy đạo hữu phải kêu cầu tới ông chú và bà ngoại: "Ông chú ơi, tới giúp con. Bà ngoại ơi, tới giúp con". Phải cầu nguyện như vậy là vì trong bản thân mình có ông chú, có bà ngoại và điều này là một chuyện có thật. Nếu mình không có mặt đó thì bà ngoại cũng không có mặt, nếu bà ngoại không có mặt thì mình cũng không có mặt.

Mình và bà ngoại là hai thực thể tương tức với nhau. Những tế bào rất tốt của ông chú và của bà ngoại hiện đang có trong mình, mình phải kêu gọi chúng về để chúng giúp mình. Tuy rằng đứng về mặt nổi, ông chú và bà ngoại không còn đó nữa, nhưng mà những tế bào của họ vẫn còn trong ta và như vậy nghĩa là họ còn trong ta. Vì vậy khi mình kêu gọi ông chú hay bà ngoại thì mình thẫyo ràng mình và ông chú là một, mình và bà ngoại là một. Người đạo hữu đó đã thực tập với niềm tin. Và niềm tin này không phải căn cứ trên mê tín và giả tưởng. Người ấy thấy rất rõ ràng và rất khoa học là mình cũng có khả năng của ông chú và của bà ngoại, nhưng tại mình chưa vận dụng được khả năng ấy và bây giờ tình trạng đã sinh ra thế này. Mình phải cầu cứu tới ông chú và bà ngoại và phải chỉnh đốn nếp sống hàng ngày của mình lại trong khi cầu nguyện ông chú và bà ngoại. Sư cô Chân không chỉ dạy trong vòng mười lăm phút thôi và người đó đã có được một niềm tin rất lớn, một niềm chánh tín vì cô biết rằng sự cầu nguyện này đặt trên cơ sở nhận thức trí tuệ.

Hồi hôm trong khi ngồi thiền, khoảng lúc mười giờ rưỡi tối, thầy có gởi năng lượng của thầy cho sư chị Đàm Nguyện ở Hà Nội. Đó là một hình của sự cầu nguyện. Thực tập Từ Bi quán là một hình thức cầu nguyện. Chuyện sư chị sẽ lành bệnh hay không lành bệnh là một chuyện khác. Chuyện trái tim mình tràn đầy yêu thương, năng lượng thương yêu của một người thầy, sự an lạc vững chãi của một người thầy, đó là một loại năng lượng có thật. Gởi năng lượng cho một người học trò của mình, đó là vấn đề quan yếu. Người học trò của mình có biết hay là không biết, điều đó không quan trọng. Quan trọng là ở chỗ năng lượng ấy có đó, ý chí và lòng thương yêu có đó và năng lượng đã được gởi đi. Nếu bản chất từ bi có thật, nếu bản chất ấy được gởi đi thì đó là một sự cầu nguyện. Trước hết mình thẩytong lòng mình có sự thay đổi thì sự cầu nguyện bắt đầu có kết quả trong lòng mình. Còn sư chị có nhận được bao nhiêu năng lượng đó và sư chị lành bệnh ngày hôm nay hay là phải đợi đến mười năm sau mớilành, chuyện đó còn tùy thuộc vào những yếu tố khác. Nhưng nếu sư chị sống thanh thản, sốn gkhông sợ hãi, nhớ đi thiền hành, nhớ thở chánh niệm thì hiệu quả của sự càu nguyện sẽ biểu lộ một cách mau chóng và rõ ràng hơn dù sư chị có biết hay không biết rằng Thầy ở bên này đang cầu nguyện cho sư chị. Thời gian sư chị ở bên này, các sư em ở Xóm Hạ chăm lo cho sư chị và biểu lộ sự thương yêu rất nhiều. Sư em Định Nghiêm chở sư chị đi nhà thương nhiều lần trong tuần. Tất cả những sự thương yêu đó, những năng lượng đó còn nằm trong sư chị và còn nằm trong mỗi chúng ta. Nếu trở về tiếp xúc với những năng lượng đó, thì chúng ta sẽ có thêm năng lượng để có thể chữa trị được cái thân và cái tâm của chính chúng ta.

  • Năng lễ, sở lễ tánh không tịch
Người cầu nguyện và đấng được cầu nguyện, hai thực tại ấy không phải là hai thực tại tách rời nhau. Điều này rất căn bản trong đạo Bụt. Tôi tin chắc rằng trong Cơ Đốc giáo, những người tu lâu và có tuệ giác cũng thấy như vậy. Họ thấy Chúa ở trong trái tim của họ. Chúa là mình, mình là Chúa chứ không phải mình và Chúa là hai thực tại riêng biệt. Chúng ta không bị chia cách bởi những danh từ. Nếu chúng ta thực sự tu học thì chúng ta có cùng một bản chất của tình thương, của chánh niệm và của tuệ giác. Vì vậy cho nên có những người Ki Tô hữu thấy rõ được là đối tượng của sự cầu nguyện với người cầu nguyện không phải là hai thực thể tách biệt. (The nature of both the one who bows and the one who is bowed at are empty). Đó là giáo pháp về Sunyata (Không) của đạo Bụt. Trống rỗng ở đây không có nghĩa là không có mặt. Trống rỗng ở đây nghĩa là không có một thực tại riêng biệt. Thượng đế và ta có cùng một bản chất. Giữa ta và Thượng đế không có sự cách biệt cũng như giữa người đạo hữu kia với ông chú và bà ngoại của cô. Vậy thì khi đi sang câu thứ hai, chúng ta mới có thể hiểu:
  • Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Câu này có nghĩa là vì vậy mà sự cảm thông và giao tiếp giữa hai bên không thể nào diễn tả được (That's way the communication is unconceivable).

Sự truyền thông giữa đôi ta, giữa mình và Bụt, mầu nhiệm vô cùng. Nó không cần tới thời gian, nó không cần tới không gian. Khi quán niệm như vậy ta thiết lập được sự lớn lên chặt chẽ giữa ta với đấng mà ta cầu nguyện. Ta thấy tính cách tương tức giữa mình và người. Ta cầu nguyện rồi, lúc đó sự cảm ứng mới được thực hiện. Lúc đó trong đường dây mới có luồng điện động, nếu không sẽ hoàn toàn không có hiệu quả.

---------------------------------------

Kính xin quý vị đọc bài này với cái tâm bình đẳng học hỏi Phật pháp, đừng có chấp nhân và ngã. Vì trong đạo tràng Mai Thôn của Sư Ông Nhất Hạnh có những người Tây phương theo đạo Cơ Đốc giáo đến gia nhập vào hàng ngũ tăng thân để tìm hiểu về đạo Phật. Những câu chuyện và ví dụ của Sư Ông Nhất Hạnh nêu ra trong bài là muốn dung thông giữa hai tôn giáo, chứ không có đề cao một tôn giáo nào hết.

Hồi xưa thời Phật còn tại thế, có những Bà la môn cũng gia nhập vào tăng đoàn của Phật để học hỏi giáo lý. Phật tùy cơ thuyết pháp với phương tiện thiện xảo để đưa họ về với chánh pháp.


Kính.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Hiệu Lực


Cầu nguyện ai? Chúng ta đi tới câu hỏi thứ hai. Có phương thức nào cầu nguyện bảo đảm có hiệu quả hay không? Chúng ta đã thoáng thấy nguyên tắc đầu của phương pháp đó, tức là cảm ứng đạo giao. Sự thông cảm giữa ta và đấng mà ta cầu nguyện phải được thiết lập. Đó là nguyên tắc đầu của công thức, trong ấy sự thông cảm không cần thời gian và không gian.

Chúng ta biết khi đài truyền hình TF1 gởi những tín hiệu lên vệ tinh, những tín hiệu đó từ trên vệ tinh gởi trả lại gần như tức khắc cho mình, nhưng cũng tốn chút ít thì giờ, vì chúng phải đi ngang qua thời gian và không gian. Tuy gần như là đồng thời, nhưng vẫn có một hạt bụi thời gian và một hạt bụi không gian giữa cách. Còn khi chúng ta thiết lập được cảm thông giữa chúng ta với Bụt, thì chúng ta hoàn toàn vượt khỏi ranh giới của thời gian và không gian. Chúng ta không cần đợi một tuần lễ sau mới có kết quả. Kết quả tức thời. Cà phê uống liền, gọi là instant coffee. Gọi là instant nhưng chúng ta cũng phải nấu nước sôi, rồi phải có thời giờ để chế nước sôi vào mới uống được. Còn cầu nguyện thì không cần. Nguyên tắc thứ nhứt là cảm ứng đạo giao nan tư nghì do năng lễ sở lễ tánh không tịch. Yếu tố thứ hai là ta phải có năng lượng, phải có dòng điện đi qua trong đường dây cảm ứng. Dòng điện đó là tình thương. Dòng điện đó tức là chánh niệm và chánh định. Phải có niệm, có định, có tuệ, có từ và có bi. Nếu đã thiết lập được liên hệ rồi tức là ta đã nối được đường dây. Điều thứ hai phải là truyền năng lượng đó qua đường dây. Năng lượng đó là năng lượng của chánh niệm.

Trong tư thế ngồi, đứng, quỳ hay nằm nếu anh có năng lượng của niệm, dịnh, từ và bi thì anh có thể cầu nguyện được, và hiệu quả của sự cầu nguyện có thể là đồng thời với sự cầu nguyện. Chúng ta bắt đầu đi sáng câu hỏi thứ tư: "Nếu cầu nguyện mà không có kết quả, đó có phải là do đức tin yếu kém hay không? Đó có phải là do tình thương không có mặt hay không?" Chúng ta nói: "Đúng!" Nếu cầu nguyện mà không có niệm, định, từ và bi thì cầu nguyện không thành, vì không có năng lượng truyền vào đường dây. Khi trái tim anh mở ra, anh thấy khỏe liền lập tức, anh đâu có cần thì giờ. Không những là đức tin cần phải có mà tình thương và chánh niệm cũng cần phải có. Niệm, theo sự thực tập của chúng ta, là sự có mặt đích thực của thân và tâm. Minfulness, smrti, theo định nghĩa của Làng Mai là sự có mặt của thân và tâm trong giờ phút hiện tại. Nếu không có cái đó thì chúng ta không cầu nguyện được, dù chúng ta là người Cơ Đốc hay người Hồi. Nếu anh không có mặt thì ai cầu nguyện? Anh phải có mặt đích thực. Thân và tâm anh phải an trú về một mối. Và khi có niệm thì ta có định. Cái mà chúng ta gọi là nguyên tắc đầu: "Cảm ứng đạo giao, năng lễ sở lễ tánh không tịch" là một thứ tuệ. Cái tuệ đó là không, là tương tức. The nature of interbeing.

Khi quán tưởng: "Năng lễ sở lễ tánh không tịch, chúng ta đem tuệ Bát nhã, tuệ giác Tương tức vào để thiết lập sự liên hệ giữa ta và người mà ta cầu nguyện. Nếu không có cái đó thì cầu nguyện không thành và đó chỉ là một sự mê tín. Khi cầu nguyện ông nội, bà ngoại hay ông chú, ta phải có tuệ giác tương tức này thì mới chạm được tới những tế bào của ông nội, của bà ngoại và của ông chú ở trong ta. Những tế bào đó trở về trong ta để hoạt động, để giúp những tế bào khác. Nhờ đó mà chúng ta biết đi thiền hành, biết thở và biết nuôi dường các tế bào của chúng ta. Lúc mà ta chạm được ông nội, bà ngoại hay ông chú trong ta thì những tế bào kia bắt đầu làm việc rồi, không đợi thời gian nào nữa. Khi ta tiếp xúc được với Bụt và Bồ tát ở trong ta rồi thì ta không cần thời gian đợi chờ gì nữa. Năng lượng đó của ta và Bụt giao nhau và bắt đầu có sự chuyển hóa.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Chuyển Nghiệp


Chúng ta hãy trở lại câu hỏi thứ ba: "Nếu Thượng đế đã quyết định như vậy rồi, nếu nghiệp lực đã như vậy rồi thì làm sao chúng ta có thể thay đổi bằng sự cầu nguyện được?" Tại sao không? Trong đạo Bụt, chúng ta học được rằng tất cả đều là vô thường. Vô thường có nghĩa là có thể thay đổi. Hôm nay khỏe, mai bệnh. Hôm nay bệnh, mai có thể hết bệnh. Tất cả đều vâng theo luật nhân quả. Nếu ta có năng lượng mới, nếu ta có tuệ giác mới, nếu ta có niềm tin mới thì ta có thể mở ra một giai đoạn mới của thân và của tâm. Khi ngồi thực tập, gom thân tâm về một mối để đưa năng lượng tình thương của mình về cho sư chị hay sư em thì lúc đó chúng ta đang chế tác ra năng lượng mới. Năng lượng đó lập tức làm cho trái tim ta mở ra và cam lộ từ bi bắt đầu tuôn chảy. Khoảng cách từ đây tới Hà Nội không có nghĩa gì cả. Khoảng cách đó so với khoảng cách từ đây tới vệ tinh viễn thông còn ngắn hơn nhiều. Mà khoảng cách từ đây tới vệ tinh viễn thông cũng không có nghĩa lý gì cả trong sự cảm thông không thể nghĩ, không thể bàn.

Trong nguyên tắc năng lễ sở lễ tánh không tịch, thời gian và không gian không còn là một trở ngại nào nữa hết. Vậy thì ý chí của thượng đế cũng là ý chí của ta, bởi vì thượng đế với ta không phải là hai thực tại riêng biệt. Nếu ta muốn thay đổi thì thượng đế cũng chiều ta. "Khi nên trời cũng chiều người, nhẹ nhàng nghiệp trước đền bồi duyên sau" (Kiều). Vấn đề là anh có chịu thay đổi không, anh có muốn thay đổi không? Nếu anh muốn thay đổi thì thượng đế cũng sẽ chiều anh, cũng sẽ thay đổi. "Khi nên trời cũng chiều người", trời ở đây là tha lực. Trời với ta không phải là hai thực thể tách biệt. Cha và con cũng vậy, mẹ và con cũng vậy. Nếu con thay đổi thì mẹ sẽ thay đổi, nếu con thay đổi thì cha cũng thay đổi, ăn thua là cái năng lượng phát xuất từ người con. Năng lượng ấy sẽ làm thay đổi trái tim của người con trước, rồi sau sẽ làm thay đổi trái tim của người cha và người mẹ, bởi vì chúng ta không phải là những thực thể riêng biệt với nhau. Vậy thì, tuy thượng đế đã an bài như vậy nhưng ta có thể thay đổi, tại vì ta là con của thượng đế. Đây là nói theo ngôn ngữ của Cơ Đốc giáo. Giữa tạo hóa và tạo vật có liên hệ gì? Một bên là năng tạo, một bên là sở tạo. Hai bên có dính líu gì với nhau thì mới gọi là năng và sở chứ. Năng tạo là thượng đế và sở tạo là thế giới vũ trụ của chúng ta. Giữa cái năng và cái sở tất nhiên có sự liệ hệ cũng như giữa cái thấy và cái bị thấy. Vì vậy cho nên cái mà chúng ta gọi là ý chí của thượng đế cũng dính líu với ý chí của ta. Thành ra nghiệp có thể thay đổi được. Hơn nữa nghiệp có tính cách vừa cá nhân vừa cộng đồng. Trong cộng đồng có cá nhân và trong cá nhân có cộng đồng. Liên hệ giữa đôi ta rất quan trọng. Đôi ta này là mình với thượng đế, mình với Bụt, mình với Bồ tát Quán Thế Âm. Phải thấy được điều đó. Chúng ta có những điều mong ước, những điều tâm nguyện và chúng ta muốn những điều đó được thực hiện. Vì vậy cho nên chúng ta cầu nguyện.

Đại đa số chúng ta mong ước gì? Trước hết là sức khỏe. Tất cả chúng ta ai cũng mong ước có sức khỏe. Rồi chúng ta mong ước gì nữa? Chúng ta mong ước sự thành công. Làm gì chúng ta cũng muốn thành công hết, thành công và thịnh vượng. Thứ ba là sự hài hòa, thiếu nó ta không sống được. Nếu liên hệ giữa và những người thương không được tốt đẹp thì ta không có hạnh phúc. Vì vậy chúng ta cầu cho giữa ta và những người kia có sự hài hòa. Đây là vấn đề liên hệ (relationship). Ở Đài Bắc, tôi biết có một phụ nữ, chồng thường đi đánh bạc và ba ta rất đau khổ, không biết phải làm gì. Bà đến chùa cầu nguyện đức Bồ tát làm thế nào để chồng mình bỏ bài bạc. Một bên làm lụng, buôn bán tảo tần, một bên thì phung phí tiền bạc, không để ý gì đến vợ con. Người đàn bà này không cầu tiền bạc, không cầu thành công, không cầu sức khỏe, chỉ cầu đức Bồ tát làm thế nào để cho chồng mình bỏ bài bạc. Và có một phụ nữ khác tới chùa cầu nguyện để người đàn bà kia buông chồng mình ra, tại vì chồng mình đang đi theo một người đàn bà khác. Chúng ta hãy tưởng tượng một người đàn bà khóc thầm ngày đêm, trong lòng chất chứa đau khổ, oán hận, ganh tị và giận hờn tại vì chồng bỏ rơi mình để đi theo một người đàn bà khác. Những giận hờn, oán hận và ganh tị đó được biểu lộ trong cuộc sống hàng ngày bằng cái nhìn oán trách và những lời nói cay đắng. Bà càng làm như vậy ông chồng lại càng chán bà và càng bám sát lấy người đàn bà kia. Sự thực tập của người đó tới chùa là lạy đức Bồ tát Quán Thế Âm, cầu nguyện cho người đàn bà kia nhả chồng mình ra. Cầu nguyện như vậy có đúng hay không, nhất là trong tinh thần đạo Bụt? Có cần phải có một sự thực tập nào để đi theo lời cầu nguyện đó không? Trong sự cầu nguyện đó có niệm, định, tuệ, từ và bi hay không, hay chỉ có giận hờn, oán trách, nguyền rủa và uất hận? Nếu không có năng lượng của niệm, định, tuệ và tình thương thì làm sao mà đường dây có điện? Nếu không có trí tuệ để biết rằng mình với chồng mình và người đàn bà kia có liên hệ mật thiết với nhau, rằng mình phải có những năng lượng phát xuất nơi bản thân thì mới có thể thiết lập được liên hệ cần có giữa chồng với người đàn bà kia.

Tất cả những vấn đề đó thuộc phạm vi thực tập cả. Cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện bằng ý, bằng lời hay bằng sự sống hàng ngày của mình,đó là vấn đề. Ta phải cầu nguyện bằng cả thân, khẩu, ý. Thân, khẩu và ý phải hợp nhất lại trong chánh niệm, trong tình trạng gọi là thân tâm nhất như, ta mới có thể chế tác ra được năng lượng của đức tin, của thương yêu và mới làm thay đổi được tình trạng.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Sức Khỏe


Trước hết là sức khỏe. Ta mong muốn có cái sức khỏe gọi là toàn hảo (perfect health). Cái gọi là sức khỏe toàn hảo, đó chỉ là một ý niệm. Nó không bao giờ có thật trên sự sống. Sở dĩ chúng ta còn sống là nhờ ngày xưa chúng ta có bệnh. Người nào trong chúng ta cũng đã trải qua những thời gian đau vặt vãnh hoặc ốm liên miên, nhất là trong thời gian còn là một bé thơ. Con người là một sinh vật luônluôn bị hăm dọa bởi những loài rất bé nhỏ. Chúng có mặt khắp nơi trong không khí, trong nước uống và trong thức ăn. Có ba thứ: một là những con virus, hai là những con bacteria, ba là những cai nấm fungus. Em bé mà đau vặt vãnh là do ba anh chàng đó. Chính nhờ đau vặt vãnh nên thân thể em bé mới tạo dựng được một hệ thống tự vệ gồm có những yếu tố kháng thể. Mình sống được là nhờ mình có bệnh. Cho nên đừng có ham cái gọi là sức khỏe toàn hảo. Biết như vậy, ta có thể sống mọt cách hòa bình, an lạc với cái bệnh của ta. Trong bụng đầy hơi, ta đừng nói rằng có hơi trong bụng thì đi ngồi thiền không được. Ta phải tạp ngồi thiền với một ít hơi trong bao tử. Có hơi trong bao tử mà ngồi thiền an lạc thì mới giỏi. Trong chúng ta người nào cũng có một ít bệnh. Chúng ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc với những cái bệnh của chúng ta. Vậy trong sự cầu nguyện, ta đừng mơ tưởng hoàn toàn không có bệnh.

Trong bài Đệ Tử Kính Lạy có câu: "Thân không tật bệnh" mình phải hiểu là không có những bệnh tật lớn đến nỗi mình không tu tập được. Phải có một sức khỏe nào đó thì mình tu tập mới thành công. Trong vườn cảnh của ta có ba trăm cây đẹp: tùng, bách, bồ đề, hạnh, lê, táo... Có thể có ba hoặc bốn cây đang chết, nhưng không phải vì thế mà khu vườn đã chết hoặc không đẹp. Ta đừng than khóc khi thấy ba, bốn cây trong vườn chết khô. Ta phải vui lên vì gần ba trăm cây trong vườn còn khỏe mạnh. Cơ thể của ta cũng vậy. Có thể ta có một, hai chứng bệnh, nhưng những bộ phận khác của cơ thể ta đang tốt. Mắt của anh còn sáng không, hai lá phổi của chị còn tốt không, hai chân bác còn đi vững không? Tại sao ta không sung sướng nhận diện những yếu tố đó của sức khỏe mà cứ than thở về chứng đầy hơi hay thiếu ngủ của mình? Đức Bổn sư của chúng ta cũng đã được thầy A Nan xoa bóp. Ngài cũng đã từng bị bệnh tiêu chảy. Câu "thân không tật bệnh", ở đây có nghĩa là tuy có một vài ốm đau lặt vặt nhưng những ốm đau lặt vặt đó không đủ sức ngăn chận sự tu học của mình. Thân không tật bệnh là để hàng ngày chúng ta an vui tu tập pháp Bụt nhiêm mầu, để mau ra khỏi luân hồi và giúp cho những người khác. Nếu có một công thức cầu nguyện cho sức khỏe tuyệt hảo thì tất cả các nhà thương đều phải đóng cửa, tất cả các cô ý tá, các bác sĩ đã ra trường và sẽ ra trường đều sẽ thất nghiệp hết. Chúng ta phải thực tế, đừng mơ tưởng chuyện viễn vông. Bệnh tật là một thực tại mà chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta phải ký hiệp ước sống chung an lạc với nó. Chúng ta chỉ cần một sức khỏe tương đối thôi. Điều đó chúng ta phải biết và trong khi cầu nguyện đừng nên ham hố. Nếu tất cả mọi người đều không bệnh và không chết, thì làm gì có chỗ cho chúng ta ngồi trong thiền đường này. Trái đất sẽ không còn chỗ chen chân. Cái bệnh và cái chết phải có mặt, vì đó là một phần của sự sống.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Thành Công


Thứ hai là sự thành công. Ai cũng muốn thành công. Nhà buôn muốn thành công với tư cách nhà buôn. Nhà văn muốn nổi tiếng và sách bán chạy. Người làm phim muốn được nhiều hãng mua. Ai cũng muốn thành công cả. Người nào cũng muốn cầu nguyện cho sự thịnh vượng và thành công. Mỗi khi Tết đến, chúng ta thường chúc nhau "thịnh vượng". Nhưng sự thịnh vượng đó có hẳn là yếu tố của hạnh phúc hay không? Sự thịnh vượng của một người có phải kéo theo với sự sa sút của những người khác hay không? Nếu một nước sản xuất lúa gạo như Việt Nam mà không sản xuất được lúa gạo thì nguy lắm. Nhưng nếu tất cả các nước đều sản xuất lúa gạo thì thử hỏi ai sẽ mua cái thặng dư đó? Thỉnh thoảng có những năm mất mùa, rải rác có những nơi người ta cần mua lúa, mua gạo thì những nước sản xuất lúa gạo mới có thể làm ăn được. Vì vậy tất cả đều có giá trị tương đối.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đi gặp mùa Xuân

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Hài Hòa


Làm thế nào để có hòa điệu giữa mình với những người thân, giữa mình với gia đình và giữa mình với xã hội. Đó là một yếu tố khác của hạnh phúc. Chúng ta có thể làm được gì không? Chúng ta có thể cầu nguyện cho cái hài hòa ấy không? Chúng ta cầu nguyện như thế nào, với công thức nào? Đây là ba đối tượng của cầu nguyện của rất đông người trong chúng ta từ nhỏ đến lớn. Thông thường, chúng ta cầu nguyện cho bản thân trước, sau đó là cầu nguyện cho người ta thương. Chúng ta không cầu nguyện cho người dưng nước lã, nhất là không cầu nguyện cho những người mà ta thù ghét, những người đã từng làm khổ ta. Và như vậy thì năng lượng của niệm, định, tuệ, từ và bi không có trong đường dây thông cảm giữa ta với Thượng đế, với Bụt và với các vị Bồ tát. Người đi tu có một ý niệm khác về cầu nguyện.

Ngay trong chính bài Đệ Tử Kính Lạy, là bài cầu nguyện của giới Phật tử Việt Nam phổ thông nhất trong nước, cũng đã nói rất rõ ràng về mục đích của sự sống và mục đích rõ ràng của sự cầu nguyện. Đã đành chúng ta có cầu nguyện "thân không tật bệnh, tâm không phiền não" nhưng chúng ta không nhận lấy hai cái đó làm cái cứu cánh, tại vì chúng ta muốn đi xa nữa. Nên nhớ là bài này không chỉ để dành cho người xuất gia, mà cũng để cho người tại gia và cho những Phật tử rất trẻ trong Gia đình Phật tử. "Ngưỡng mong ân Phật, từ bi gia hộ, thân không tật bệnh, tâm không phiền não". Để làm gì? Để "hàng ngày an vui tu tập, pháp Bụt nhiệm mầu", để "mau ra khỏi luân hồi", và "minh tâm kiến tánh". Đó là lời cầu nguyện của người xuất gia: ra khỏi luân hồi, vượt thoát sanh tử. Người xuất gia có thể cầu nguyện sức khỏe, sự thành công và sự hài hòa trong tăng thân, nhưng chừng đó không đủ. Ta phải đi tới một sự cầu nguyện xa hơn là giải thoát sanh tử, để có thể thỏa mãn những nhu yếu rất sâu sắc mà có người chưa thấy. Nhu yếu biết rõ tôi từ đâu tới, tại sao tôi có mặt ở đây, tôi sẽ đi về đâu sau khi tôi chết, tôi còn hay là tôi không còn, tôi với Bụt có liên hệ gì không, mặt mũi đích thực của tôi là gì, bản lai diện mục của tôi là gì... Đó là những cầu nguyện sâu sắc nhất của người tu. Làm thế nào để trong đời sống hàng ngày ta có thể có cái nhìn chọc thủng được bình diện tích môn, đi tới được bản môn, thấy được bản chất tương tức của vạn sự vạn vật, thấy được Như Lai tạng, Chân như bản thể và Niết bàn. Lúc đó ta có một sự thỏa mãn rất lớn. Khi sự thỏa mãn đó có rồi thì dầu có sức khỏe nhiều hay ít ta cũng có hạnh phúc, dầu thành công hay là không thành công ở chuyện buôn bán, hay tạo dựng chùa chiền, hoặc tổ chức tăng thân, ta cũng không đau khổ gì cả. Cố nhiên là khi ta đạt được cái ấy rồi thì sẽ không còn tranh chấp và sự hài hòa tự nhiên sẽ đến.

Chúng ta khác nhau ở trình độ cầu nguyện của chúng ta. Khi chúng ta tiếp xúc được với bản môn rồi, nghĩa là đã tiếp xúc được với Niết bàn, Chân như và Như lai tạng, khi ta đã bước vào trong thế giới của Hoa Nghiêm và của Pháp Hoa, khi ta đã tiếp xúc được với nước Chúa và Thượng đế rồi, thì dù cái gì xảy ra trong ba phạm vi này ta cũng chấp nhận được hết, ta hoàn toàn có an lạc, không còn khổ đau nữa. Sống mười năm cũng được mà sống nửa năm cũng được, không sao. Chúng ta đã đổi hẳn được cái nhìn của chúng ta. Trước kia thì nếu không đạt được cái mong cầu thường tình này ta sẽ đau khổ vô cùng. Nhưng khi tiếp xúc được với bản môn rồi thì không có cái này cũng không sao. Trước kia, nếu không có sự thành công này thì ta coi như cuộc đời ta là thất bại. Nhưng khi đã tiếp xúc được với bản môn rồi thì dầu cái nhà hay cái chùa của mình có bị đốt, dầu mình có bị người ta bôi xấu và đổ lên mình hàng vạn tấn oan ức, mình vẫn mỉm cười an lạc được như thường. Cái mà người khác cho là thành công, là căn bản của hạnh phúc con người, ta không cần nữa. Tại vì hạnh phúc của ta ở đây là một hạnh phúc rất lớn, vượt thoát cái thành và bại. Và khi ta thấy được ta và tất cả chúng sanh là cùng một bản thể thì làm gì còn có sự chia cách nữa mà không có sự hài hòa? Ta và Bụt đã là một rồi thì làm gì còn có sự chia cách nữa? Vì vậy là người tu, ta phải biết cách cầu nguyện và luôn luôn nhớ rằng ước muốn sâu sắc nhất của chúng ta là sự tiếp xúc được với bản môn. Tiếp xúc được với bản môn rồi thì tự nhiên sức khỏe của chúng ta sẽ tăng tiến. Chúng ta sẽ thành công trong sự tu học và hóa độ. Chúng ta sẽ dựng nên tăng thân rất an lạc, rất hạnh phúc. Dầu sự thành công này không tới mức chúng ta mong ước, chúng ta cũng không khổ. Chúng ta nên biết hành động cầu nguyện của người tu rất sâu sắc, nó không nằm trên bình diện tích môn. Chúng ta đừng nghĩ rằng sức khỏe chúng ta là quan trọng nhất, sự thành công của chúng ta là quan trọng nhất, hay sự liên hệ giữa chúng ta với người thương, với gia đình, với xã hội là quan trọng nhất. Cái quan trọng nhất là chúng ta phải chọc thủng được bức màn của tích môn để đi vào thế giới của bản môn, mà thấy được cái liên hệ tương tức giữa ta và Bụt, giữa ta và tất cả những hiện tượng khác của sự sống.

Khi cầu nguyện, chúng ta phải có trí tuệ. Thường thì khi cầu nguyện, ta muốn đức Bồ tát làm cho ta cái này, cái kia, ta muốn Thượng đế làm cho ta cái này, cái kia. Ta tưởng nếu Bụt, nếu Bồ tát, nếu Thượng đế cho ta cái đó thì ta sẽ hạnh phúc. Nhưng tuệ giác của ta đâu đủ để đặt chương trình cho Bụt và Bồ tát làm theo. Ví dụ về sinh môi, chúng ta muốn cầu nguyện như thế nào? Chúng ta muốn cầu nguyện cho cây rừng đừng bị đốn phải không? Cho các loài chúng sanh không bị sát hại và diệt chủng phải không? Nhưng cái thấy của chúng ta có đủ sáng để đưa ra một chương trình nhờ Thượng đế thực hiện không? Trong chương trình của Thượng đế có sự sinh nở mà cũng có sự tiêu diệt. Những con châu chấu đó nếu không chết thì mỗi khi đáp xuống hàng trăm triệu con, chúng sẽ làm cho mùa màng cả tỉnh bị tiêu tan. Có những con vi khuẩn có thể ăn những con vi khuẩn khác. Chúng ta thực sự chưa có đủ kiến thức và trí tuệ để thiết kế một sinh môi. Trong sự sống phải có sự sinh diệt, phải có những con vật này ăn những con vật khác và có những loại này tấn công những loại khác. Điều đó tạo thành ra một thế thăng bằng để cho sự sống có thể có mặt. Chúng ta có đủ tuệ giác để thiết lập ra sự thăng bằng đó hay không? Nếu không có, thì sự cầu nguyện của chúng ta chỉ biểu lộ cái ngu si và cái tham lam của chúng ta mà thôi. Ta có nên cầu nguyện nuôi bò và nuôi heo thành công để chúng ta có đủ thức ăn hay không? Nếu vậy, thì ta đã căn cứ trên đức tin là con người có quyền ăn những sinh vật khác và những sinh vật khác đã được Thượng đế sáng tạo ra để cho con người ăn. Trí tuệ của ta về sự sống như thế nào, từ bi của chúng ta có bao nhiêu mà chúng ta dám làm một danh sách những nhu yếu để bắt Thượng đế thực hiện? Vì vậy cho nên trong cầu nguyện ta phải có trí tuệ. Chúng ta đừng đòi hỏi quá đáng như chúng ta đòi hỏi cái gọi là sức khỏe toàn hảo. Đó là một đòi hỏi vô lý. Đối với sự thành công cũng vậy.

Chúng ta cầu nguyện cho bản thân ta và cho nhưng người ta thương. Chúng ta đòi hỏi những cái mà nếu làm theo thì Thượng đế sẽ tạo ra một sự xáo trộn rất lớn trong thế giới này và gây ra nhiều nỗi đau khổ cho mọi loài. Mà làm sao có tuệ? Muốn có tuệ thì phải quán chiếu, phải đi vào bản môn. Có một điều ta có thể biết được là khi năng lượng của từ bi, của trí tuệ và của chánh niệm được khơi đậy thì ta có thể thay đổi được tình trạng, không phải chỉ bằng cá nhân ta mà bằng cả tâm thức cộng đồng. Cái tâm thức cộng đồng đó là chìa khóa của tất cả mọi sự thay đổi. Có một ông bác sĩ Mỹ tên là Lary Dorsey. Ông nói rằng Thượng đế là một vệ tinh viễn thông. Tất cả những ước muốn của mình, mình phải phóng lên trên đó. Thượng đế sẽ gửi lại cho người mình muốn cầu nguyện. Ví dụ mình là X, mình muốn cầu nguyện cho Y. Hai người ở xa nhau. Mình phải hướng lời cầu nguyện lên Thượng đế và Thượng đế gửi lại cho Y. Mình cầu cho người này lành bệnh thì người này sẽ được lành bệnh. Cái vệ tinh viễn thông mà ông ta gọi là Thượng đế đó, chúng ta gọi là tâm thức cộng đồng, là A lại gia thức trong đó Bụt và chúng ta là một. Nếu có một sự chuyển biến trong tâm thức cá nhân thì tức khắc có sự chuyển biến trong tâm thức cộng đồng. Nếu có sự chuyển biến trong tâm thức cộng đồng thì tự khắc có sự chuyển biến cho tình trạng của người mà ta muốn hộ niệm. Tất cả đều do tâm. Tâm của chúng ta là một sáng tạo phẩm của tâm thức cộng động. Và nếu muốn có sự thay đổi thì chúng ta phải trở về tâm. Mà trở về tâm, chúng ta phải có năng lượng. Tâm ta là một trung tâm điện lực. Từ trung tâm điện lực đó, ta có thể thay đổi được thế giới vũ trụ và thay đổi bằng những năng lượng có thật mà ta có thể chế tác.

Chúng ta sẽ tiếp tục trong một ngày khác, vì đây là một đề tài rất lớn, rất hay. Hôm nay sẽ có một buổi cầu nguyện cho hai người Pháp vừa rớt máy bay ở Xóm Trung lúc ba giờ chiều, xin mời đại chúng tham dự.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.30 khách