Mùa Xuân Của Người Sống Đạo

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Mùa Xuân Của Người Sống Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

MÙA XUÂN CỦA NGƯỜI SỐNG ĐẠO
Hòa Thượng Thích Nhật Quang
(Sách "Đạo nhân và mùa Xuân", Hòa thượng Thích Nhật Quang, trang 57 - 85)


Trong ngày đầu xuân này, chúng tôi muốn nói đến công hạnh của Bồ tát Di Lặc để quí Phật tử hiểu và ứng dụng tu tập cho tới nơi tới chốn. Từ "Di Lặc" là phiên âm tiếng Phạn, dịch sang chữ Hán là Từ Thị.

Nói đến Bồ tát Di Lặc, chúng ta đều biết đó là vị Bồ tát tương lai sẽ thành Phật nối tiếp đức Thích Ca Mâu Ni, giáo hóa vô lượng chúng sanh. Nhưng tại sao ngài có tên là Từ Thị? Vì Bồ tát Di Lặc có một điều hết sức đặc biệt trong thời gian phát tâm tu nhân là nguyện không ăn thịt chúng sanh. Từ đó ngài có hiệu là Từ Thị. Chữ Từ là từ bi, thương tất cả. Từ còn là một trong tứ vô lượng tâm của đạo Phật. Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xã. Từ là đầu của bốn công đức này. Nó phát sinh từ chủng tánh Như Lai, khiến cho tất cả chúng sanh không mất Phật tánh của mình. Từ bi nguyện của chư Phật trong mười phương và từ bi nguyện của Bồ tát phát tâm trong thời tu nhân đã có hướng nguyện như vậy.

Theo Phật giáo đức Phật Thích Ca ra đời lúc tuổi thọ con người còn trăm tuổi. Qua mỗi trăm năm thọ số con người bớt xuống một tuổi, giảm đến nhân thọ còn lại mười tuổi, rồi lại tăng dần đến 84.000 tuổi là mãn tiểu kiếp thứ chín của kiếp trụ. Sang tiểu kiếp thứ mười, lúc nhân thọ từ 84.000 tuổi giảm còn 80.000 tuổi, đức Phật Di Lặc mới ra đời. Từ khi đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn đến nay đã 2.548 năm, mức sống của con người hiện thời là 75 tuổi. Tính theo đó thì từ đây đến lúc Phật Di Lặc ra đời còn khoảng 8.805.500 năm nữa. Lúc đức Di Lặc thành Phật, ngài ngồi dưới cội đại thọ cành cây như mình rồng, hoa nở tủa ra bốn bên như những đầu rồng, nên gọi cây này là Long Hoa Bồ đề.

Ngày xưa khi học về kiếp giảm, nói tuổi thọ của con người chỉ còn tới mười tuổi, tôi hết sức ngạc nhiên, thấy như vô lý. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy có lý rồi. Như chúng ta biết, ngày nay con người không chỉ chém giết nhau bằng các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất, mà con người còn giảm tuổi thọ bằng chính lòng tham vô bờ của mình. Như trong thức ăn người ta đã tiêm các loại thuốc kích thích cho trái cây, rau quả hay các loài gia cầm những thứ thuốc gì không biết, mà khi ăn vào con người sanh ra nhiều thứ bệnh, có khi ngộ độc chết hàng loạt.

Bây giờ quý vị thấy có những bệnh thời đại rất ghê gớm. Nhiều vị đang sống, đang hoạt động bình thường, khi đi siêu âm rọi ra thấy cái gì đó, thế là mọi thứ đều tăm tối, suy sụp hết. Y học cho biết trong các thức ăn có nhiều hóa chất chúng ta nghĩ là béo bổ, khi vào thân mình nó không tiêu hóa nổi, tồn đọng ở đâu đó, phá hoại tế bào của chúng ta, làm cho các tế bào phát triển bất thường tạo thành nguy cơ ung thư. Thời xưa, ông bà ta cũng nghe nói tới bệnh này, nhưng ít hơn bây giờ. Nên biết đời sống, sinh hoạt, ăn uống tạo ra những ảnh hưởng đe dọa đến tính mạng con người như vậy.

Sau khi thành chánh quả, dức Phật Di Lặc cũng ngồi dưới cội cây Long Hoa triển khai pháp hội Long Hoa với ba lần trọng đại, được gọi là Long Hoa nhất hội, Long Hoa nhị hội và Long hoa tam hội. Trong mỗi hội ngài độ vô lượng vô biên chúng sanh. Thật ra đức Phật Di Lặc thuyết pháp rất nhiều hội, chớ không phải có có ba hội này. Sở dĩ trong kinh nói ba hội là muốn nêu ra tính cách quan trọng và lớn lao nhất của ba hội trong nhiều hội thuyết pháp của Phật mà thôi. Người nào muốn dự ba hội Long Hoa, nên thực hành đứng ba điều kiện theo lời nguyện của đức Phật Di Lặc như sau:

1. Những vị Tăng Ni xuất gia trong giáo pháp của Phật Thích Ca, nếu có thể giữ gìn giới hạnh trang nghiêm, tương lai sẽ được tham dự và độ thoát trong pháp hội đầu tiên của ta.

2. Hàng Phật tử tại gia, nếu giữ được năm giới, bát quan trai giới, phụng thờ và cúng dường ngôi Tam Bảo, sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ hai của ta.

3. Những kẻ tuy chưa giữ giới, nhưng có lòng chánh tín đối với Tam Bảo, biết kính lễ Phật và đem tâm thành cúng dường Phật, Pháp, Tăng, sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ ba của ta.

Qua lời nguyện trên, hy vọng chúng ta có mặt trong lần pháp hội đầu tiên hay pháp hội thứ hai của ngài. Bởi vì chúng ta đã gieo duyên với Phật pháp, biết tu hành từ thời mạt pháp của Phật Thích Ca, chẳng lẽ đến pháp hội Long Hoa mình lại không có phần? Đức Phật Thích Ca thành Phật, trụ thế tám mươi năm, thuyết pháp trên bốn mươi năm, thâu thần nhập diệt tính đến nay hơn hai ngàn năm trăm năm, mà chúng ta còn ở đây. Pháp hội của Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta đã không có mặt là thiệt thòi rồi, bây giờ chỉ còn hy vọng trong pháp hội của Phật Di Lặc. Với ánh hào quang giáo hóa của Phật tương lai, chúng ta có mặt, khi ấy nếu không phải là những hàng Bồ tát thượng thủ, không phải là những đại đệ tử của đức Từ tôn Di Lặc, thì ít ra chúng ta cũng là thính giả được dự pháp hội, nghe Phật thuyết pháp và ngộ đạo, được an lạc và giải thoát thực sự. Rất hy vọng như vậy!

Nói về tuổi tác dù chúng ta sống 80.000 tuổi hay sáu mươi năm, càng không hưởng trọn được số tuổi đó. Chúng ta là con Phật, hiểu và áp dụng được lời Phật dạy vào đời sống của mình, dù sống lâu hoặc không lâu cũng có lợi lạc thiết thực ngay trong hiện đời, không phải đợi đến lúc nào. Nói thế để làm gì? Để chúng ta khỏi bi quan, sợ sệt vì chúng ta sinh trong thời tuổi thọ ngắn ngủi, ăn những thức ăn béo bổ đến nỗi trở thành những thứ độc hại làm mình bị mất mạng một cách dễ dàng. Là người con Phật, chúng ta đừng bi quan như vậy mà lúc nào ta cũng phấn khởi, cũng cố gắng áp dụng Phật pháp, để có được an lạc ngay trong hiện tại và những đời sau.

Nói đến đây tôi nhớ chuyện của Trang Tử ngày trước. Một hôm Trang Tử đi dạo với các đồ đệ thân tín. Khi đi ngang qua vùng rừng cây cổ thụ, thầy trò Trang Tử gặp một người thợ mộc, ông ta đứng dưới một gốc cây to cành lá xum xuê, nhưng đứng một hồi rồi bỏ đi, không đá động gì đến cây ấy. Thấy vậy, Trang Tử hỏi lý do tại sao người thợ mộc bỏ đi, ông ta trả lời:

- Trông thì xanh tốt to lớn, nhưng đây là loại cây tạp, cây bột không dùng được chỗ nào hết.

Trang Tử nghe nói vậy bảo rằng:

- Cây này vì bất tài mà hưởng tận tuổi trời.

Ra khỏi núi Trang Tử cùng môn đệ ghé qua nhà người quen nghĩ chân. Chủ nhà mừng lắm, hối thúc gia nhân giết chim nhạn làm thịt đãi khách quý, người nhà hỏi:

- Giết con biết gáy hay không biết gáy.

Chủ nhà đáp:

- Giết con không biết gáy.

Đệ tử của Trang Tử nghe thế hỏi:

- Cây ở trên núi nhờ bất tài mà sống trọn tuổi trời, con nhạn chủ nhà vì bất tài mà chết. Thầy xử thế nào?

Trang Tử dạy:

- Châu này (Châu là tên cúng cơm của Trang Tử) xử vào khoảng giữa tài và bất tài. Tài và bất tài đều không khỏi lụy thân.

Trang Tử còn nói thêm: "Nếu biết cưỡi trên đạo đức thì mặc tình ngao du", nghĩa là người sống với đạo đức sẽ vượt lên trên tất cả hình thức nhị nguyên, không vướng mắc bên này hay bên kia. Ngay đây với tinh thần người tu thiền ta có thể tìm được một lối thoát hay là pháp để tu. Pháp tu đó như thế nào? Ta không vướng mắc hoặc bên này hoặc bên kia, mà vượt lên trên, như vậy mới không lụy thân. Nếu chúng ta muốn được giải thoát thì phải là người vượt lên trên, không vướng mắc.

Trang Tử nói: "Không màng khen, không sợ chê, khi cần lên thì lên như rồng, khi cần bò thì bò như rắn, cùng hóa với chữ "thời" mà không chịu khư khư theo một thái độ nào nhất định". Trong đời sống chúng ta không màng khen chê, điều này nghe thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Ai mà đối với lời khen không nở lỗ mũi, bị chỉ trách chê bai không hề hấn gì, người đó phải tu mới được. Tu pháp nào cũng được, miễn sao không bị động, bị lụy bởi lời khen, tiếng chê là an toàn.

Chỗ này thời Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ có dạy: "Khi cần thì phô ra, khi bỏ thì ẩn tàng, đi qua chỗ nước sâu thì xắn áo, nước cạn thì chỉ nhón gót...". Nghĩa là chúng ta phải nên tùy thời, không có gì cố định cả. Nếu biết sống tùy thời không vướng mắc bên này bên kia, nhất định chúng ta được an lạc. Tuy nhiên muốn được thế cũng không phải là chuyện đơn giản, chúng ta phải có công phu, có phương thức áp dụng ngay trong đời sống của mình. Phương thức đó là gì? Không kẹt bên này, không vướng bên kia, không màng lời khen chê. Ta sống bằng sự tỉnh táo sáng suốt vượt lên trên tất cả thì sẽ được an lạc.

Nói tóm lại, chúng ta sống hình thức nào cũng xong, với điều kiện là không vướng bên tốt hay bên xấu, tùy thời mà không mất mình, tức là tùy duyên bất biến, không có gì cố dịnh cả. Dụ như bây giờ chúng ta có đủ duyên huynh đệ xum họp trong một đạo tràng, có sự ủng hộ của đàn tín, yên ổn tu học rất tốt đẹp. Nhưng nếu gặp hoàn cảnh khó hơn, chúng ta không thể tụ họp, không có điều kiện tốt như vầy, phải sống lẫn lộn trong phố thị... chúng ta vẫn kiên tâm giữ gìn công phu, lúc nào cũng tỉnh táo sáng suốt, không để cảnh duyên vướng mắc. Đó mới là việc chánh. Vì vậy các thiền sư thường dặn chúng ta sống tùy duyên bất biến.

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đâu phải ai cũng gặp thuận duyên, có khi phải đối đầu với vô số khó khăn cay đắng. Có người cả đời như vậy, mới sanh ra đã mất cha mẹ hoặc gia đình thiếu thốn, phải đi làm nô dịch cho người. Người đầy đủ ý chí vẫn kiên tâm khắc phục những khó khăn đó. Họ tìm học gầy dựng cho mình một sự nghiệp bằng chính nỗ lực và lòng quyết tâm của bản thân. Những người trải qua nhiều sự cay đắng, có sống thực, có nếm trải, có tất cả khúc khuỷu, nhưng họ bình thản vượt qua tất cả không vướng ở đâu hết là người sẽ thành tựu được ước nguyện của mình. Những người như thế dù ở ngoài đời hay trong đạo đều có thể thành công. Họ thật sự là những người cần thiết và có lợi cho cuộc đời này.

Theo định luật vô thường hễ có hợp thì có tan, có thành thì có hoại. Ngay thẳng thì bị chống đối, được tôn quý thì bị chê bai, giỏi thì bị mưu lật, dở thì bị khinh khi v.v... Cuộc đời này luôn như vậy. Nêu lên những điều này để làm gì? Để chúng ta vững vàng vượt qua nó, bình an khắc phục được tất cả sự chống đối. Nếu người có đạo đức, có tư cách thì dù xung quanh có gì gì ta cũng bình thường. Không nói là tài giỏi, nhưng trong cuộc sống hằng ngày người không bị lụy, không vướng mắc bất cứ gì hết, phải nói đây là người sống đúng tinh thần nhà thiền. Nhà thiền bảo: "Người nào nói được, làm được, đó là Tổ sư". Giản dị như thế.

Phật tử tụng kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa, kinh Niết Bàn, tự xưng mình là Phật tử chân chính... Đồng ý. Nhưng nếu quý vị làm đúng những điều Phật dạy thì ý nghĩa tụng kinh hoặc ngồi thiền mới toàn bị, xứng đáng. Chứ bên ngoài hành sự mà trong lòng không có gì thay đổi hoặc hiểu lý mà không hành thì lời nói và việc làm không khớp, lại chống đối nhau thì việc tụng kinh, ngồi thiền không có ý nghĩa gì cả. Thiền sư nói dù cho ông có nói như các bậc đại hùng biện khiến trời mưa hoa, đá gật đầu, ta cũng bảo không dính dáng gì.

Có thiền sư nọ là một họa sĩ nổi danh. Ngài có đệ tử là một chú Sa di nhỏ theo học. Ý đồ của chú không phải học thiền, cũng không học đạo lý mà là học vẽ. Nên khi được nhập môn rồi, chú cứ lẽo đẽo theo thầy xin học vẽ. Ông thầy cũng chiều đệ tử, bảo:

- Được rồi, ta sẽ dạy ngươi vẽ. Nhưng trước khi vẽ ngươi hãy chọn đề tài đi.

Chú tiểu thích quá chọn đề tài về trúc, vì trúc tượng trưng người quân tử. Ông thầy nói:

- Được, ngươi hãy nghe theo sự hướng dẫn của ta. Trước khi vẽ cành trúc ngươi phải quan sát kỹ nó. Quán xét từ khi cành trúc đó còn là cái măng non rồi dần dần lớn lên thành trúc, sự biến đổi màu sắc của cụm trúc như thế nào v.v... Người phải quan sát cho thật kỹ.

Chú tiểu vâng lời:

- Bạch thầy, ngay phòng con trước cửa số có bụi trúc. Mỗi bữa con sẽ quan sát bụi trúc này.

Từ đó, lúc nào chú tiểu cũng tạp trung quan sát bụi trúc. Trong cụm trúc có biến thái gì, màu sắc như thế nào, cành lá ra sao v.v... chú tiểu thuộc hết. Thuộc trên hình dạng và luôn cả trong tâm, mỗi lần gặp thầy, chú lại bạch xin thầy dạy vẽ. Ông thầy bảo:

- Người cứ quan sát, khi nào ta thấy được thì sẽ chỉ cho.

Ngày tháng trôi qua... Một buổi sáng tinh sương, thiền sư rất hoan hỷ gọi chú đệ tử lại:

- Bữa nay ta sẽ chỉ cho ngươi vẽ đề tài mà người đã chọn. Hãy đem giấy bút lại và bắt đầu vẽ đi.

Bấy giờ, chú tiểu nhắm mắt cũng thấy bụi trúc nữa. Trong cụm trúc có những cây cao, cây thấp, màu sắc, tỳ vết... chú thuộc hết, nó hiện rành rành trước mắt. Ngay buổi sáng tinh sương đó, chỉ một vài nét thôi chú tiểu đã hoàn thành xong bức tranh. Vị thầy kết luận là từ trước đến giờ chưa có bức họa nào sánh kịp bức họa này. Từ đó chú tiểu trở thành một họa sĩ vẽ trúc lừng danh.

Câu chuyện nói tới chỉ một ngành họa thôi, ở trong đời này còn biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu vấn đề. Không chỉ là một cụm trúc, một mái nhà mà vô vàn hình ảnh. Trong đó nếu chúng ta thâm nhập một cái nào, đi vào chiều sâu của nó, đến mức như chú tiểu họa sĩ lừng danh, nhắm mắt hay mở mắt đều thấy cụm trúc hiện rõ ràng. Đối với các sự kiện trong đời, nếu chúng ta là một họa sư muốn họa cái gì đó, đề tài ấy đã nhập thần, tâm ta không bị động bởi bất cứ gì khác thì bức họa sẽ thành công. Họa trúc là họa trúc, họa núi non là núi non, không xen tạp cái khác, nhất định thể tài ấy có một giá trị xứng đáng.

Tu hành cũng thế phải có chiều sâu. Chúng ta phần nhiều ít chịu đi vào chiều sâu, chỉ hiểu lan man, lơ mơ chung chung vậy thôi. Phật pháp một mớ, thế pháp một mớ, cái nào cũng một mớ, không có cái nào ra cái nào hết! Người như thế làm sao đi vào chiều sâu được? Trong Phật pháp, Kinh điển, Luận, Sử nhiều vô vàn, chúng ta có nắm vững không? Đọc còn chưa hết, nói gì tới chuyện hiểu và hành. Chính Tăng Ni chúng tôi đối với Kinh, Luật, Luận cũng chưa tham cứu hết. Như tuổi tôi bây giờ, ngồi lại thì nhức đầu, khi sổ mũi, bữa lại đau chân, mỏi lưng... làm sao đọc hết? Không đọc thì ta căn cứ vào đâu mà áp dụng? Phật pháp quá nhiều mình không nắm được cái nào hết thì tu làm sao? Với tình huống ấy nếu không có phương hướng giải quyết thì chúng ta sẽ chẳng thâm hiểu, chẳng có chiều sâu chút nào cả. Bởi vì mình tu Phật mà không đọc hiểu Phật, không rõ ý chỉ của Phật Tổ, làm sao nắm vững chủ trương đường lối để tu?

Cho nên trong vô vàn kinh luận, nếu không thể nào học hết thì chúng ta có thể chuyên tâm vào một loại nào thích hợp với mình. Giả dụ như lý Vô thường, Không, Vô ngã, một trong những pháp này, chúng ta hiểu tới nơi, hiểu một cách triệt để, nhận được cốt lõi của lý này rồi hành trì cũng đủ chúng ta tu và bảo đảm giải thoát. Bởi vì giáo lý của Phật mang tính Biệt giải thoát. Biệt giải thoát là sao? Là giải thoát riêng biệt từng phần. Phật nói các pháp vô thường, chúng ta nhận được, luôn sống sâu sắc trong lý vô thường nên không bị vướng mắc bất cứ pháp nào, là được giải thoát rồi. Trong nhiều pháp chúng ta chỉ chọn một pháp, áp dụng thích hợp với mình thì sẽ được an lạc giải thoát không khó khăn gì. Tinh thần biệt giải thoát của nhà phật rất hay. Chúng ta nắm vững, áp dụng một pháp thật sâu xa, chiếu rọi như chú tiểu chiếu rọi cụm trúc, sử dụng một phương thức tu hành nào đó, đi vào chiều sâu và đạt chất lượng cao. Như vậy là biết học Phật, tu Phật.

Nếu pháp nào cũng học, nghiên tầm đủ thứ mà chẳng cái nào ra cái nào, không hiểu tới nơi tới chốn, không ứng dụng tu hành thì không thể nào có chiều sâu được. Phật bảo vô đắc, vô chứng, song trên phần thực hành phải hành thâm mới được an lạc hết khổ. Thành thử chúng ta phải sống thực và gầy dựng cho mình một niềm an vui giải thoát, đi vào chiều sâu của phương thức nhất định mình đã chọn, mới đạt được kết quả viên mãn. Sống thực, thể nghiệm thực đối với pháp này, dần dần chúng ta sẽ đi đến hoàn toàn tự tại và giải thoát.

Không phải có thần thông bay lên hoặc biết quá khứ vị lai, nhịn đói không ăn, ngồi sững không ngủ hoặc làm việc gì khác thường v.v... mới gọi là tu. Tùy căn nghiệp của mỗi người mà chúng ta có những sở trường khác nhau. Phát huy hết sở trường của mình đến đỉnh cao được xem như thần thồng. Áp dụng một pháp nào đó trong Phật pháp đúng cách, chúng ta vẫn đạt được kết quả như ý của mình. An vui giải thoát do chính mình gầy dựng, chúng ta có thể thực hiện được trong đời này. Đừng quan niệm rằng đời này mình tu hành chỉ là một ông thầy, một Ni cô niệm Phật tụng kinh bình thường, cuộc đời qua suông không có lợi ích gì. Không phải vậy. Mỗi chúng ta đều có sở trường, đều có cách áp dụng.

Quý vị tụng kinh nào cũng được, nhưng con mắt nhìn ra ngoài, những hình ảnh đẹp xấu không vướng thì quí vị có con mắt trí tuệ. Tai cũng vậy. Rất giản dị. Ví dụ cái miệng của mình hay nói, chuyện gì cũng nói tất tật. Chuyện có nói được, chuyện không nói cũng được, đủ thứ chuyện trên đời. Nếu để cái miệng như vậy thì người ta bảo là miệng xấu. Bây giờ nói những gì cần thiết, đáng nói, khuyến khích người ta làm lành lánh dữ, động viên huynh đệ tu hành v.v... đó là tu, là chuyển miệng xấu thành miệng tốt. Một lời nói tốt, đúng thời, đúng tinh thần Phật pháp với đối tượng nào đó, có khi chuyển cả một đời người, khiến người ta phấn khởi tu tập, hết khổ được vui. Cũng như Hòa thượng viện trưởng thuyết pháp Phật tử nghe cởi mở, hiểu và áp dụng được, công đức vô lượng. Tất cả đều từ cái miệng mà ra.

Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm... tất cả các giác quan lúc nào cũng bình thản, không bị trần cảnh lôi kéo tức là được thần thông, được trí tuệ. Không cần phải thị hiện thàn thông bay lên mây, độn thổ, độn thủy như các vị thánh, ta cứ đi bình thường. Tới giờ ăn ta ăn, tới giờ nghỉ ta nghỉ, làm việc gì biết việc đó. Thường biết rõ ràng như vậy, không chạy theo dính mắc bất cứ thứ gì, đó là người có thần thông chân chánh. Nói như thế thì tất chúng ta ai không tu được, không áp dụng, không triển khai được thần thông ấy? Ai cũng làm được hết. Từ hướng đó mỗi vị triển khai thần thông của mình bằng cách sống, làm việc, tương giao với tất cả mà không dính mắc vào đâu. Khi nào cần cắt thì cắt. Chúng ta chuẩn bị cho mình cây đao thật bén, cây đao này tượng trưng cho trí tuệ. Hô "cắt" là cắt cho đứt, đừng có lây nhây hoài khổ lắm.

Trở lại luật vô thường, chúng ta biết các pháp có hợp là có tan, có thành thì có hoại. Rõ ràng như vậy. Con người muốn có thành mà không hoại, thật kỳ chứ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến phiền não. Cho nên đây cũng chính là chỗ chúng ta phải tu. Thân này không có gì bảo đảm, có người được sáu mươi tuổi, nhưng có người ba mươi, bốn mươi đã chết. Chúng ta lo lắng sắp dặt cho mình, muốn cái gì cũng trăm năm, ngàn năm. Cất cái nhà muốn nó còn hoài, sắm chiếc xe cũng muốn chiếc xe thật tốt để con cháu xài... Như vậy là mâu thuẫn với luật vô thường rồi. Đó là tự mình làm khổ mình.

Bây giờ cất cái nhà muốn nó trăm năm thì không xong đâu. Chừng hai mươi năm là nó lỗi thời. Vì thời đại tiến bộ này con cháu chúng ta thay đổi vù vù. Khi nó lớn lên thấy cái nhà trăm năm của ông bà già, chúng sẽ than thở "Hồi đó ông bố, bà mẹ tôi làm cái nhà này lỗi thời quá..." Hồi trước quí vị làm chắc quá, sau này nó muốn đập mà đập không ra, nó phàn nàn: "Không biết ổng bả làm bằng cái chi mà bây giờ đập cực khổ vày nè?" Quý vị thấy phiền chưa? Cho nên, muốn có thành mà không có hoại là sai lầm, chúng ta phải tu ở chỗ đó. Quí vị sống đúng với tinh thần các pháp có thành thì có hoại, thuận theo chiều như vậy thì an lạc. Thành ra các pháp thành ta cũng yên, các pháp hoại ta cũng bình thản. Đối với thành hoại mà ta bình thản được là thiền sư rồi.

Thiền sư Thiện Chiêu ở Phần Dương, nhân ngày Tuế đán, ngài dạy chúng:

  • Dư kim châu Giáp Tý,
    Thục khả tri sanh tử.
    Tứ đại mộng trung âu,
    Nhất thân diệp thượng thủy.
    Phù vân bất cửu đình,
    Cam giá khởi trường mỹ.
    Duy hửu nhất linh quang,
    Khoáng điệp hà tằng tụng.
    Dư kim lục thập nhất,
    Bạch phát tương thôi xuất.
    Huyễn chất tỷ phù vân,
    Không tâm đồng Tổ Phật.
    Xuân lai bất tiên hoa,
    Thứ khứ khởi hiềm vật.
    Cánh dữ tam thập niên,
    Miết nhiên như điện phất.

    Dịch:

    Nay tôi vòng Giáp Tý,
    Ai biết được sanh tử.
    Bốn đại bọt trong mơ,
    Một thân nước trên lá.
    Mây nổi chẳng dừng lâu,
    Cây mía nào ngon mãi.
    Chỉ có một linh quang,
    Nhiều kiếp đâu từng mất.
    Nay tôi sáu mươi mốt,
    Tóc bạc đuổi nhau điểm.
    Chất huyễn dường mây trôi,
    Tâm không đồng Phật Tổ.
    Xuân đến chẳng chê hoa,
    Thu về nào ghét vật.
    Lại cùng năm ba mươi,
    Bỗng nhiên như điện chớp.
Tuổi của ngài hết một hoa giáp là ngoài sáu mươi. Cái nhìn của người sống được với đạo lý, việc quan trọng nhất là việc sanh tử. Chúng ta ít ai để ý đến việc này, mà để ý sợ cái nhà của mình sập, sợ người thân chết, sợ đủ thứ, trong khi bản án tử hình của mình lại không sợ. Cho đến lúc ta nhăn răng mới méo miệng, giật tay giật chân, kêu trời thì không còn cứu kịp. Bởi việc chính không lo, chỉ lo việc tào lao đến giờ chót kêu khổ, không ai làm gì được nữa.

Thiền sư thấy thân tứ đại như bọt bóng, như giấc mơ, không có gì thật cả. Dòng nước chảy qua với con mắt trí tuệ, thấy trong đó có từng phân tử H2O dệt thành dòng nước. Từng tế bào sanh diệt, không có cái nào trường cửu lâu dài. Thấy được như vậy mới là người có trí tuệ.

  • Mây nổi chẳng tựa lâu,
    Cây mía nào ngon mãi.
    Chỉ có một linh quang,
    Nhiều kiếp đâu từng mất.
Cuộc đời thân này như mây nổi chẳng tựa lâu, tất cả những gì ngon ngọt còn mãi đâu. Những gì thuận lợi hay khó khăn đều qua nhanh. Có những thức ăn người ta đem tận bên kia Đại tây dương, cách bao nhiêu chục ngàn cây số, nói là ngon lắm. Nhưng nó ngon nhiều lắm cũng từ cái miệng đến cần cổ thôi. Mình nhai nhanh, nuốt nhanh, chớ qua tới cổ thì nghẹn, mà ọe ra thì đố ai ám nói ngon? Của mình ọe ra biểu xơi lại, mình cũng không xơi nổi huống là của người khác. Như vậy ngon ở chỗ nào đâu? Chẳng qua là ảo tưởng sai lầm mà thôi. Chỉ con mắt trí tuệ mới thấy điều này, mắt thường không thể biết được. Những cái quá thông thường nên chúng ta xem thường, thành ra bị vướng mắc hồi nào không hay, cuối cùng than khổ. Chúng sanh kêu khổ hoài mà không ai cứu được là vì vậy.

Các vị thiền sư sáng được việc của mình, đạt đạo rồi mới nói tất cả những thứ bên ngoài không bền. Duy có một linh, nhiều kiếp đâu từng mất. Chúng ta có khả năng thành Phật, có linh tánh, nó sẵn sàng nơi mọi người. Nhưng vì mình quay lưng với nó, sống với những thứ tầm phào nên không nhận ra được linh tánh. Bây giờ biết như vậy rồi, chúng ta quay về sống với linh tánh của mình.

  • Nay tôi tuổi sáu mốt,
    Tóc bạc đua nhau điểm.
    Chất huyễn dường mây trôi,
    Tâm Không đồng Phật Tổ.
Ngài nói chuyện của ngài nhưng để nhắc nhở chúng ta. Người đến tuổi sáu mươi mốt thì tóc trên đầu đã điểm sương, người nào khỏe lắm thì cũng muối tiêu. Thân này, hoàn cảnh chung quanh và tâm sinh diệt là huyễn hóa, không tồn tại bền lâu chắc thật. Câu cuối cùng "Tâm Không đồng phật Tổ" là sao? Là chỉ cho chúng ta có tâm Không chân thật đồng với Phật Tổ.
  • Xuân về chẳng chê hoa,
    Thu sáng đâu trách vật.
    Nhìn lại năm ba mươi,
    Nhanh như luồng điện phất.
Đoạn kết ngài nói mùa xuân về không chê hoa nào hết. Bởi vì mùa xuân hoa nào cũng nở, hoa dại cũng nở, hoa quý cũng nở. Mùa thu không lánh vật nào, mùa xuân hoa nở, mùa thu hoa tàn, tất cả đều như vậy. Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn. Mình bảo "Thu liễm" tức là mùa thu là mùa già cỗi thay đổi, là mùa hoa lá tàn rụng.

Nhìn lại năm ba mươi, nhanh như luồng điện phất. Bây giờ ngài sáu mươi mốt tuổi, nhìn lại khoảng hai mươi, ba mươi tuổi thấy nhanh làm sao. Mới năm nào mình còn học cấp tiểu học ở trường làng, rồi đi học cấp trung học ở đâu đó, bây giờ thành một người lớn, rồi già. Thời gian cứ qua nhanh như vậy, không có dừng. Thành người lớn, người già rồi thì bệnh, bệnh rồi chết. Luôn luôn thay đổi, dòng thời gian như thoi đưa, không ngừng nghĩ. Đây là câu nói thường, nhưng nếu chúng ta biết tu, biết áp dụng theo tinh thần thiền thì nó là một câu kinh, một đề án để ta hành pháp đưa đến giải thoát. Chúng ta biết rõ những gì thành rồi sẽ hoại, không có cái gì thoát được điều này. Như nói kim cương bất hoại, nhưng nó không hoại ở hình thức này song cũng hoại ở hình thức khác. Hạt kim cương quý ông vua này là chủ, mai mối bị ông vua khác tấn công, nếu không cướp đoạt được thì phá hủy bằng những cách khác, không bị nước trôi cũng bị lửa cháy hay bị người ta đập bể v.v...

Chúng ta nhận ra sự hình thành hoại diệt của các pháp như vậy là biết tu. Ở đây, ngài Thiện Chiêu nhắc mỗi người có một linh tánh sáng suốt, làm sao chúng ta nhận và sống được với linh tánh đó thì mãi mãi bất diệt. Còn đổi thay vô thường là sự vận hành của các pháp, không ai làm khác hơn được. Mùa xuân về thì hoa nở, mùa thu đến thì lá bay. Chúng ta không thể nắm chặt mùa xuân và cũng không thế cấm mùa thu không cho tới. Ví dụ quý vị có một vườn hoa đẹp, quý vị không thể ra lệnh "Mùa thu không thể đến với vườn hoa của tôi". Chúng ta thấy hoa mới nở đó, nếu loại bền thì dăm ba ngày, còn không thì sớm nở chiều tàn. Rõ ràng cuộc đời, các pháp là như vậy. Người mê muốn cái gì mình thích cũng tồn tại, cũng vận hành trái với luật vô thường, do vậy nên khổ. Nhà Phật nói nỗi khổ là tự ta bày đặt cho mình. Ai hiểu thế thì khỏi cầu thần thánh nào giải khổ cho mình. Chúng ta tự giải khổ cho mình bằng chính trí tuệ của mình.

Hồi trước trong thiền viện có mua một chiếc xe Scout cũ. Phật tử Sông Bé sơn sửa lại để quí thầy làm chân đi đây đi đó. Xe khỏe lắm. Một Phật tử chuyên môn ngành này nói chiếc xe tuy cũ nhưng còn nguyên, cả "mark" cũng còn nguyên. Quả thực đúng như vậy. Nhưng mới cách đây chừng một hai tuần, không biết đi đâu ai gỡ mất cái mark đằng trước. Hôm rồi đi thành phố, tôi thấy vậy mới nói với thầy tài xế:

- Bây giờ mình chạy tới chợ, tìm mua cái "mark" giống cái cũ gắn lại. Đi khắp thành phố tìm không ra cái đó. Tối thấy mười hai giờ trưa mới tự nhủ: "Quái thật! Xá gì cái mark mà mình mất thì giờ đi kiếm? "Mark" không có, xe vẫn cứ chạy chứ có hao hụt gì đâu mà tìm?" Thật vô lý, trên xe ba bốn ông thầy xúm nhau tìm cái "mark" gắn vào chiếc xe cũ cho đẹp!

Nhìn lại mới thấy thật là mình không có chút thiền sư nào hết, làm chuyện tào lao mất sức mà chẳng lợi ích chi. Tôi nói như vậy để huynh đệ đừng tào lao nữa. Chúng ta sống bình thường giản dị là hay nhất. Cái gì hoại nó biết hoại, không thể cấm được.

Trước khi kết thúc, tôi xin đọc bài thơ của Sơn Trung Tể tướng ở Trung Hoa:

  • Sơn trung hà sở hửu,
    Lĩnh thượng đa bạch vân.
    Chỉ khả tự di duyệt,
    Bất kham trí tống quân.

    Dịch:

    Nước non ta ở có gì?
    Mây vương đầu núi đến đi bời bời.
    Chỉ riêng có thể xem chơi,
    Chẳng sao nắm giữ tặng người cùng vui.
Xin được tặng tất cả quý vị bài thơ như một món quà Xuân, với hy vọng tất cả chúng ta đều có được một mùa Xuân an vui trong ánh sáng trí tuệ và từ bi của đức Từ Thị.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.25 khách