Rõ thông đầu mối

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Rõ thông đầu mối

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

RÕ THÔNG ĐẦU MỐI
Pháp thoại của Thượng Tọa Thích Phước Tịnh
26-01-2003: Tín Tâm Minh 7
Tâm Nguyên Khương phiên tả và trình bày
(Trích Tạp chí Đất Lành - 2003, trang 19 - 27)

  • Thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày 26 tháng giêng năm 2003, chúng ta đang ở tại Thiền đường Trăng Đầu Non, xóm Vững Chãi của Tu viện Lộc Uyển, trong mùa an cư Kiết đông (2002 - 2003). Hôm nay chúng ta sẽ học tiếp đoạn thứ 7 của Tín Tâm Minh, đoạn này cũng có tên là "Rõ Thông Đầu Mối":
  • Nhất chủng bất thông,
    Lưỡng xứ thất công,
    Khiển hữu một hữu,
    Tùng không bối không.
Ta đã quen với chữ "Nhất chủng" ở bài trước trong "Nhất chủng bình hoài" và ở đây Trúc Thiên dịch là "Đầu mối". Bốn câu trên có nghĩa là: Đầu mối mà không thông thì cả hai phía đều uổng công phu. Do vì không rõ thông đầu mối nên ta chạy theo hữu thì vướng vào hữu, chạy theo không thì vướng với không, tức là ta luôn bị chìm vào hai phía không thể nào nhận được diệu đạo hay trung đạo như lời Phật dạy mà đi vào việc tu tập được. Khiển hữu một hữu, tùng không bối không là như vậy. Ý chánh của đoạn này là nếu ta rõ thông được đầu mối thì dừng được tâm hành đuổi bắt và khi dừng được tâm hành đuổi bắt thì cuộc đời tu của ta rất thong dong. Chúng ta sẽ đi vào từng phần...

Điều thứ nhất chúng ta cần lưu ý "nhất chủng" ở đây có nghĩa là đầu mồi. Đầu mối ở mức độ cao nhất có nghĩa là thiền. Ở một đoạn trước, ngài Tăng Xán có dùng những từ như "chỉ động qui chỉ, chỉ cánh qui động" nghĩa là nếu dừng được cái động để trở về yên lặng thì cái yên lặng kia cũng chỉ là mặt khác của cái động mà thôi. Nhưng nếu ta đi vào tinh thần văn bản Phật giáo Đại thừa mà nhìn về đoạn này thì thấy có khi ngài Tăng Xán đã có những cái nhìn hơi lạ. Tại sao? Tự thân của thiền gồm hai yếu tố rất quan trọng: một là "chỉ", hai là "quán". Chúng ta bài bác "chỉ" như trong đoạn văn trước ngài Tăng Xán đã nói, tức coi thường phần quan trọng trong yếu tố tu tập của Thiền. "Chỉ" có nghĩa là lặng lẽ và "quán" có nghĩa là tỉnh sáng. Và cái lặng lẽ này, cái tỉnh sáng này đã có mặt hầu hết trong các văn bản của Phật giáo Đại thừa. Ngài Thiên Thai đã dùng hai căn bản "chỉ" và "quán" này để hình thành một truyền thống tu tập của Phật giáo Trung Hoa rất thịnh hành gọi là Tông Thiên Thai. Truyền thống thiền như Vipassana hay Minh sát thiền thì pháp hành Tứ Niệm Xứ và truyền thống thiền được biết trong dòng tu của Phật giáo Nam truyền hiện tại cũng nằm trong phạm vi của cái "chỉ" và "quán" này. Cho nên nhìn sâu một tí chúng thấy có những đoạn chúng ta cần phải lưu ý và đừng lệ thuộc vào văn bản một cách quá đáng. Chúng ta chỉ sử dụng văn bản này để đi vào những phần tu tập, nhất là vào công phu tu tập và xem nó như là một chỗ dựa để chúng ta triển khai nhiều hơn, sâu hơn trong tinh thần phật giáo Truyền thống và Phật giáo Đại thừa, ấy là chúng ta đã đi ngang qua Thiền tông để trở về cội nguồn của Phật giáo Truyền thống.

Trở lại nội dung đoạn này. Để đạt được trạng thái thiền tức là để đạt được "nhất chủng bình hoài" hay là "nắm được đầu mối", chúng ta cần sử dụng hai sự tu tập rất là căn bản: một là "chỉ" hai là "quán". Hai cái này có mặt và làm cân đối sự tu tập để chúng ta không lạc vào "có" và không lạc vào "không".

Điều thứ hai, nếu đi sâu vào truyền thống của thiền Trung Quốc thì "nhất chủng" này là tên khác của "thấu suốt được tâm", "Nhất chủng bình hoài, dẫn nhiên tự tận" là hai câu chúng ta học trong bài thứ năm được Trúc Thiên dịch là "Cứ một mực bình tâm thì tự nhiên dứt tận".

Làm thế nào chúng ta có thể nắm được yếu nghĩa này để có thể một mực bình tâm suốt một ngày một đêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ? Thưa đại chúng, nếu chúng ta đặt vấn đề tu chỉ để kiếm một chút hạnh phúc cạn cạn trong nhân gian thì không nói làm gì, nhưng nếu chúng ta quan niệm thiền tập của chúng ta là để làm nở hoa cuộc sống, để cho kiếp nhân sinh của mình ngang đây có thể chấm dứt được vòng luân hồi, và "thấu suốt được nguồn tâm" tức là biết được mình từ đâu có mặt trên cuộc đời này và xả thân tứ đại này rồi thì đi về đâu, chắc chúng ta không thể tu lơ phất phơ ngày ba thời công phu mà đủ, nếu các vị giỏi thì có thể trong giờ thiền tập an trụ được chánh niệm tức an trụ trong trạng thái không sinh không diệt và Niết bàn. Rồi những lúc không tọa thiền, không công phu, không thiền hành, các vị lại lạc vào thế giới tử sinh, tức là tâm thức bồng bềnh, nổi trôi thì đâu thể làm Phật được, không có vị Phật nào một chút xíu làm Phật, một chút xíu làm chúng sanh bao giờ?

Phật có nghĩa là luôn an trụ trong Niết bàn. Còn nhảy vào cõi Niết bàn, nhảy trở lại cõi tử sanh tức là còn vọng động, tâm thức còn thất niệm và chánh niệm xen nhau thì chưa thể được gọi là an trụ trong trạng thái bất sinh và bất diệt. Và như vậy thì không làm sao có thể nở được đóa hoa nhân phẩm tuyệt vời của kiếp người. Nếu mình bằng lòng cái nhìn cạn cạn có một vài giờ hạnh phúc trong thiền tập hoặc là nhiều hơn nữa có một ngày lên Tu viện Lộc Uyển sống với chư Tăng và tu được một ngày chánh niệm thật trọn vẹn, về nhà thì thả lỏng luôn hai mươi chín ngày còn lại trong nhân gian để nó đi chơi thì chắc chắn không thành được chi: niềm an lạc rất ít mà bất an thì nhiều. Mình cứ phải bỏ một tháng bốn lần lên Tu việc để tìm một chút xíu an lạc rồi về bị cuộc đời bào mòn, tức là đi làm cái chuyện không công. Và như vậy rõ ràng điều quan trọng là ta phải nắm được chánh niệm để thực tập liên tục, điều ấy cũng có nghĩa là ngang đây mình ký một hợp đồng đi về một cõi vĩnh viễn chấm dứt tử sanh. Chưa nắm được điều này tức hợp đồng ta ký với Diêm vương vẫn còn hạn, tức là ta vẫn còn trong bàn tay của Diêm vương mà thôi.

Thưa đại chúng, các vị cứ nghĩ là kẻ tử tù kia, họ còn biết được ngày nào họ ra pháp trường để thọ tội, chúng ta đều là những kẻ tử tù - không biết nói thế có quá đáng hay không - bởi rõ ràng chúng ta ai cũng có đeo một bản án là "chết", nhưng điều tội nghiệp là không có ngày. Không ghi ngày mai, ngày mốt, ngày kia gì hết, mà cứ để lửng lơ thế thôi. Có thể ổng tới ổng xỏ mũi chút xíu nữa, hoặc ổng để dành ngày mai, ngày kia, cái đó còn tùy. Như vậy nhìn lại thân phận mình đối với tên tử tù kia có khi mình phải buồn mới đúng. Quanh đi quanh lại việc quan trọng là chúng ta phải nắm được đầu mối này. "Rõ thông được đầu mối" thì chuyện hò hẹn với tử sanh không còn nữa. "Rõ thông đầu mối" có nghĩa là ngang đây mình bước vào dòng Thánh để dòng nước Thánh đẩy mình đi tới. Chậm hay mau gì khi đã bước xuống dòng tất nhiên sẽ được trôi vào biển cả giải thoát. Đó là vấn đề quan trọng của chúng ta.

Tôi nhớ một câu rất hay của đức Phật tuyên bố sau khi ngài thành đạo: "Ta từ lúc rời cung trời Đâu Xuất, thọ sanh xuống nhân gian, đến lúc ngồi dưới cội Bồ Đề thành đạo, rồi giáo hóa chúng sanh cho đến lúc nhập Niết bàn, ta chưa bao giờ rời "tự tánh định". Tự tánh định cũng còn gọi là na già định. Thưa cái định gì mà dễ thương như vậy? Cái định gì mà đi cùng trời cuối đất, từ cung trời xuống đây, rồi lao xao trong cõi tuần hoàn, từ lúc nứt mắt ra đời, đến đi tu sáu năm khổ hạnh, ngồi dưới cội cây bồ đề bốn mươi chín ngày, rồi giáo hóa khắp lưu vực sông hằng, rồi nhập Niết bàn, và ngài tuyên bố là ngài chưa rời cái "định" này một sát na nào cả. Tức là trong cái nheo mắt nhướng mày, trong cái nói cười và trong lúc ngài hành xử từ bé đến lớn ngài chưa rời cái định này. Nếu thực sự đức Thế Tôn có cái định này ngài dạy mình nắm được, thì mình có thể đến Lộc Uyển tu rồi khi về nhà vẫn mang được cái định này về, và như vậy mới hy vọng là thức cũng tu được, khép mắt đi vào giấc ngủ cũng đang ở trong định. Phật thì lúc nào cũng là Phật chứ vô lý Phật lúc thức, chứ lúc ngủ không phải là Phật à. Nếu đạt được trạng thái an lạc Niết bàn thì Niết bàn phải có mặt trường cửu, thường viễn, chứ Niết bàn chỉ có mặt trong lúc mình thức, lúc minh tu, lúc đi chơi mình quên đem Niết bàn theo thì điều đó không phải là đạo lý của Phật.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Rõ thông đầu mối

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Thưa đại chúng,
Thiền tự tánh định này là căn bản của truyền thống Thiền Đông Độ tức là Thiền tông Trung Hoa. Tự thân của nó, thứ nhất là nó không có đường vào, vì nếu có đường vào tức là nó ở bên ngoài mình, trong khi khả năng tự tánh định này phải phát từ bên trong ta. Nó là cái sẵn có của chính mình: mình lên trời nó cũng không mất, theo xuống địa ngục nó cũng không bị đọa đày. Trên mặt văn tự chữ nghĩa, nghe như thế chúng ta cảm thấy vui vui, nhưng quan trọng hơn cả là làm sao nhìn lại trong hình hài giả huyễn này, trong cái tư duy bồng bềnh này, cái gì là tự tánh định? Mình có một chút công phu, mình có khả năng kiểm soát tâm khi nhìn lại thì thấy tâm hành có hai phần rõ ràng: Phần thứ nhất là phần sanh diệt, phần thứ hai là nhìn thấy được cái sanh diệt. Trong tự thân con người nào cũng có hai phần như thế. Ở mức độ cao nhất - tôi sẽ đi từ cái cạn cạn, để chúng ta dễ phân biệt - chẳng hạn như đây là một cái cây. Khi các vị tiếp xúc với cái cây quý vị nhìn thấy nó, thì cái cây là vật bị nhìn, con mắt là cái nhìn thấy được cái cây. Nếu ta chú ý đến cái cây, ý ta có một niệm sinh khởi phân biệt về cái cây, liền tức khắc ý ta đi lang thang trong cõi Ta bà, có thể đi lên thiên đường, có thể đi xuống địa ngục, có thể đi rất nhiều nơi hoặc đi ngang hành tinh này. Bởi vì ý ta bắt đầu phân biệt nào là cái cây này cách đây mấy hôm có người mang đến cho, cây này trồng thế này thì không hợp lý, phải bỏ thêm phân, cây này vào mùa hạ thì toi rồi, không có nước nên mai kia phải dẫn nước... Và như vậy tuy tôi vẫn ngồi trong thiền đường, đang đằm thắm học kinh, thế mà lòng tôi thì mênh mang biển trời nào ai biết. Như vậy rõ ràng tôi đang làm công việc gì? Đang làm công việc lặn hụp trong chốn sinh tử. Vì lặn hụp trong chốn sinh tử, vì tôi thấy tôi là cái ý tưởng sinh diệt ấy, tôi là ý tưởng đang đi ngao du trong cõi thiên hà, cho nên nếu mất hình hài này thì tôi chính là ý thức. Do vậy tôi mãi mãi đi trong cõi luân hồi tử sinh mà thôi.

Cũng trường hợp cái nhìn như thế nhưng ta hồi phục trở lại. Cái hồi phục cạn nhất và đầu tiên là biết mình đang có con mắt để nhìn thấy đây. Thưa làm được không? Mình có hai trường hợp tự đánh mất niệm tỉnh giác, mất chánh niệm. Thứ nhất là mình đặt sự chú ý của mình vào đối tượng thấy, thứ hai khi hồi phục trở lại thì mình quay về thì mình quay về đặt sự chú ý của mình vào những kho tàng dự trữ cất trong bộ não này, tức là những ký ức của mình về cái thấy. Như vậy không cứ gì phải nhìn ra ngoài và thả cho ý thức suy nghĩ miên man mới chìm nổi trong sanh tử, nhìn trở lại kho dự trữ của mình, mình cũng sinh diệt và mất còn như chơi. Thưa có phải vậy không? Tất nhiên kho dự trữ này vốn là kho vô tận, cái gì đã có vật chất hữu hình như cái chuông thì còn có thể đầy, nhưng cái kho này giống như mạng Internet, mạng lưới có bao giờ đầy đâu? Nó vốn là không gian vô hình mà! Đã vào mạng rồi, người ta chơi suốt cả năm này tháng kia không hết như vậy. Cái kho của mình đây còn phong phú hơn mạng Internet nhiều. Nó không những chỉ có tô phở Sài gòn, nó còn có hình ảnh năm xửa, năm xưa... Lúc bình thường nó không có mặt, nó đợi khi mình ngồi thiền hơi yên một tí là bao nhiêu thứ tha hồ hiện lên. Và bệnh của chúng ta hễ không nhìn ra ngoài thì lại nhìn vào trong, nhìn vào những thứ này... Và như vậy là chúng ta đánh mất tự tánh định, tức khả năng linh thông, sáng suốt, tịch nhiên, bất động, rõ ràng trong hiện tại. Tóm lại ở cả hai trạng thái đi ra ngoài hay đi vào trong để dạo chơi trong kho tàng thức của mình cất chứa, đều là con đường dẫn mình đi trong cõi sinh tử, đều là con đường dẫn mình đi vào nỗi khổ cả. Không một hạt giống nào cất chứa trong tâm thức không dắt ta đi vào cõi sanh tử cả.

Bây giờ vấn đề quan trọng là ngoài hai con đường này còn có con đường nào khác dẫn mình đi vào cái "tự tánh định" không? Nếu mình hướng về tương lai, tức một hình thức nhìn ra ngoài, thì mình mất tự tánh định; thụt lui về quá khứ, tức một hình thức nhìn vào bên trong để dạo chơi trong tàng thức, mình cũng mất luôn tự tánh định. Chỉ có sát na hiện tiền đây, nếu mình đủ thông minh an trú được trong sát na hiện tiền này, thì nó sẽ kề với điều mà chúng ta gọi là "tự tánh định". Và làm thế nào đẻ ảntú được sát na hiện tiền? Thưa ngay ở đây và giờ phút này, cụm từ này ngày xưa các thiền sư hay dùng. Sư ông Làng Mai có một bài hát là: Đã về, đã tới/Bây giờ ở đây/ Vững chãi thảnh thơi/... Và câu cuối cùng xác định: Cửa vô sinh mở rồi/Trạm nhiên và bất động. Chỉ trong giây phút này thôi. Trở về quá khứ không được, chạy về tương lai cũng không được, ngay nơi đây, tại sát na này, khéo sống được, khéo an trụ được, khéo tỉnh lại được, rõ ràng được, thì cửa vô sinh mở ra tức khắc. Cửa vô sinh có nghĩa là "tự tánh định". Ngài Bàng Khuê nói: "Tâm Phật bất sinh của ông ở đây, tại chỗ này". Ngài Lâm Tế nói là "Tâm Phật của ông tức là cái tự tánh định của ông, nó ở ngay con mắt, ở ngay lỗ tai, ở ngay lỗ mũi". Lục đạo thần quang vị tằng gián cách. Sáu con đường linh thông rõ ràng. Sáu ánh sáng mầu nhiệm lúc nào cũng phóng ra hết . Phật tánh ở trong măt này phóng ra nên nhìn thấy sơn hà đại địa. Trong một sát na nhìn thấy rõ ràng núi non, xa hơn nữa là mây trời, gần hơn nữa là cỏ cây, gần hơn nữa là cái cửa và gần hơn nữa là những thiền sinh ở đây.

Thưa có cần khởi niệm suy nghĩ nào đâu, có cần phải bóp trán nhăn mày nào mới cảm nhận được đâu? Cứ nhìn là cảm nhận. Con mắt mình có thể nhìn xuyên mấy giải thiên hà. Nhìn là thấy. Và lỗ tai mình cũng có năng lực như thế. Cùng một lúc, tiếng nói, tiếng pháp thoại trong giảng đường, tiếng rì rào của gió ngoài kia, tiếng xe dưới phố lên, cùng một lúc ta không cần một sự chú ý, một sự nặng nhọc nào hết, chỉ cần dừng lại, tỉnh lại, lắng lại, thì bao nhiêu tiếng liền tức khắc hiện tiền. Và lúc mình dừng, mình tỉnh thì lúc đó mình đâu có chạy về tương lai, có phải không? Mình đâu cần phải trở về quá khứ nghĩ ngợi gì đâu để có thể có được cái hiểu biết về âm thanh đang đến với mình. Các vị cũng không cần lục lọi trong kho tàng quá khứ, các vị vẫn nghe rõ mồn một tất cả những âm thanh của đất trời đồng vọng, thế có phải là ngay sát na hiện tiền ta rõ ràng linh thông và tỉnh sáng hay không? Có phải là ngay cái sát na hiện tiền ta sử dụng được sáu đạo thần quang mà ngài Lâm Tế nói hay không? Chúng ta cứ tưởng Phật là cái gì xa xăm lắm, con người bất sinh bất diệt là cái gì ở nghìn trùng xa cách, mình phải leo đèo, vượt suối vượt qua bao nhiêu vạn đường dài mới có thể gặp được con người chân thật kia. Nhưng không, ngài Lâm Tế bảo là ngay trên cái bản mặt của ông, Phật đi ra đi vào mỗi ngày hằng triệu lần. Tại sao ngài nói như thế? Tức là mở mắt nhìn là có "vô vị chân nhân" tức Phật hiện ra, lắng lỗ tai là "vô vị chân nhân" đang có mặt trong tai. Điều yêu cầu là muốn "vị chân nhân" đó có mặt thì chúng ta đừng chạy về tương lai và cũng đừng lui về quá khứ, rõ ràng trong hiện tại, thì "vô vị chân nhân" hiện diện ngay nơi đây và giờ phút này. Cũng có nghĩa là cửa vô sinh mở rồi, trạm nhiên và bất động.

Thưa đại chúng, thiền Đông Độ chỉ đặt căn bản trên điều này mà thôi, biết rõ điều này và vững niềm tin vào điều này tức đã tìm được con đường để đi vào "tự tánh định", ta bước vào dòng chảy đưa mình vào biển thánh.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Rõ thông đầu mối

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Ý thứ hai của "nhất chủng" là thấu đạt được nguồn tâm. Thấu đạt được tức là cửa vô sinh đã mở rồi và đã trạm nhiên nơi đây và giờ phút này. Trong một bài pháp thoại gần đây sư ông Làng Mai có kể lại đoạn đường sư ông đi tìm pháp môn. Năm 23 tuổi, sư ông đã là một giáo sư Phật học rất giỏi, dạy cho Tăng Ni nhiều trường, làm chủ bút nhiều tờ báo lớn Phật giáo, viết nhiều bài pháp rất hay, và hầu như chưa có một vị tăng sĩ trẻ nào tài hoa, giỏi Phật pháp có sức thu hút lớn như sư ông cả. Ấy thế mà sư ông bảo rằng vẫn còn một điều không bằng lòng, vẫn còn một điều cảm thấy hổ thẹn là dạy Phật học rất giỏi, đứng trên bục giảng thiên hạ nghe say mê, nhưng vẫn là người chưa tìm ra được pháp môn sáng rõ để có thể trao truyền lại cho người. Và tới lúc rời Việt Nam, sư ông vẫn còn mang theo một cái trứng gà, và cứ ấp như thế suốt hai mươi năm liền, mãi đến khoảng ngoài bốn mươi tuổi, sư ông mới tìm ra được pháp môn. Các vị thấy đó, một vị thầy rất thông minh, rất giỏi Phật học, và trên đất nước Việt Nam bé nhỏ, hay trong cộng đồng Phật giáo thế giới rộng lớn tìm ra một sư ông Làng Mai thứ hai cũng chẳng có, thế mà cũng phải mất hai chục năm ấp trứng. Hai chục năm ấp trứng, là hai chục năm hoài bão, hai chục năm sinh hoạt tu tập với chánh niệm mới vạch ra được con đường như hiện tại để chúng ta đi.

Nhìn sư ông rồi nhìn lại mình, các vị hãy thử đọ trí thông minh của mình với ông cụ để xem mình thông minh đến bực nào và năng lực học Phật của mình giỏi đến bực nào. Các vị chắc phải thấy nếu mình gọi là tu để có chút an lạc trong cuộc đời mà thưởng lãm trời trăng mây gió và làm thơ chơi thì có thể hài lòng được, nhưng để nắm cho được đầu mối, rõ được nẻo tử sinh bời bời, nhất là để nở hoa kiếp người của mình có mặt trên nhân gian, tôi nghĩ không đơn giản đâu. Các vị biết Nam Nhạc Hoài Nhượng đế gặp Lục tổ Huệ Năng, Huệ Năng chỉ hỏi một câu thôi: Vật gì đến? Ngài Hoài nhượng phải mất chín năm ôm ấp câu nói đó. Lời nói gieo vào tâm thức và đánh bạt tất cả những ý niệm ngược xuôi nổi trôi. Đó là một câu nói có sức nặng, có năng lực đánh bạt hết những ý niệm của ông về quá khứ, về tương lai, để ông có thể thắp sáng được sát na hiện tiền, để ông có thể an trú được trong "hiện trú lạc pháp". Và khi câu này đã thuần thục sẽ đánh vỡ hết tất cả những khởi niệm lăng xăng, đem thân mình trở lại với tâm thì ngài Hoài Nhượng mới có điều kiện nhận ra được cửa vô sinh mở rồi và đất trời lồng lộng.

Thế đó, các vị thấy đoạn đường chúng ta đi ngang qua cõi tử sinh này để tìm về, để làm cho tự thân nở ra một bông hoa, có khi cay đắng là vậy. Và tóm tắt một câu để các vị nhớ "nhất chủng" là gì? Nhất chủng có nghĩa là chánh niệm hiện tiền mà thôi. Nói rất nhiều, rất mông mênh để trở lại một điểm rất là quen thuộc. Mình có sống được với cái chánh niệm hiện tiền, đừng để cho thất niệm, thì mình mới nắm được đầu mối vững vàng để từ đây đi ngang qua cõi tử sinh lồng lộng trở về đến nơi mình vốn từ đó sinh ra. Nắm được chánh niệm hiện tiền, sống chánh niệm được trong từng hơi thở thì trên con đường sinh tử không có mặt mình và chắc chắn mình sẽ trôi dần vào biển cả giải thoát.

Vấn đề thứ hai chúng ta cần chia xẻ là "Đầu mối chẳng rõ thông".

Người xưa có khi họ mất mấy chục năm để có thể nhận được điểm khởi đầu đi vào. Điểm khởi đầu thì đơn giản vô cùng, nhưng mình phải đi vòng vòng cho nên mình mất ba chục năm. Ngài Linh Vân có một bài thơ rất là dễ thương, các vị chắc cũng có nhớ. Ngài bảo rằng:

  • Tam thập niên dư tầm kiếm khách
    Kỷ hồi diệp lạc hựu trừu chi.
Tam thập niên dư tức là hơn ba mươi năm tìm người kiếm khách. Chúng ta nghe mấy thiền sư nói, tưởng chừng như ngày xưa các ông đọc chuyện võ hiệp nên mấy ông nói chuyện giống như võ hiệp. Không phải, thiền sư ngày xưa có lúc họ rất nghèo, họ không biết dùng chữ diễn đạt trạng thái an lạc, họ dùng vô vàn ngôn ngữ để diễn tả. Có khi họ nói trạng thái không sinh không diệt là "bản lai diện mục", có khi họ bảo đó là "thể kim cang", có khi họ bảo đó là "con mắt Sa môn", có khi họ dùng hai chữ rất tượng hình đó là "trời xanh". Vì sao dùng nhiều danh từ như vậy để chỉ trạng thái an lạc, bất sinh bất diệt có mặt nơi chính mình. Bởi trạng thái đó vốn vô hình, trong sáng, không hề có một bợn nhơ nào và không hề bị ai phá vỡ, và đó là cái quý vô ngần của một đời người; nếu chúng ta ra công tìm được thì chúng ta sẽ trở thành giàu có. Cho nên kinh Phật bải nó là "hạt châu trong chéo áo", nó là "tâm chân thật của chính mình", vân vân... có ngàn vạn ngữ ngôn chỉ cái thể đó. Ở đây ngài Linh Vân bảo là kiếm khách. Kiếm khách có nghĩa gì? Tức là một anh chàng tuyệt nghệ về múa kiếm. Chẳng những chàng kiếm khách này có trong tay cây kiếm rất bén, mà còn có năng lực quét sạch tất cả những phiền não khổ đau cho nên gọi là kiếm khách. Tôi dùng ví dụ này các vị sẽ thấy tâm mình là kiếm khách ngay. Chúng ta có chút công phu thực tập thiền quán, đôi khi thất niệm, mình để cho tâm đi chơi rất bồng bềnh; nó đang buồn, đang khổ, đang nhớ con, đang lo âu về về chuyện nọ, chuyện kia, chuyện cơm, chuyện nước. Nhưng chợt quay lại, mình hồi phục, thì nhớ tại sao mình để tâm mình thất niệm như vậy. Liền tức khắc những âu lo phiền não đó là cái bị mình thấy và khi mình phục hồi lại thì mình là cái đang thấy tất cả những tâm hành kia. Nó bắt đầu nhẹ một cách dễ dàng, không cần phải làm gì thêm. Chỉ với một công phu bé nhỏ như vậy, đã thấy được năng lực kỳ diệu của chánh niệm có mặt là như vậy. Huống nữa khi các vị công phu sâu hơn, ngay lúc các vị hồi phục trở lại, mời gọi năng lực chánh niệm có mặt thì tức khắc những rơm rác của phiền não, của âu lo, của suy tự vụn vặt vân vân... biến thành mây khói mất. Không cần phải làm gì thêm, chỉ cần nhìn lại thôi thì tức khắc tất cả những khởi niệm, dù cho niệm gì đi nữa cũng bốc khói bay đi, chẳng lưu một dấu vết gì cả.

Thưa, người xưa gọi nó kiếm khách là vậy. Và ngài Linh Vân tham thiền ba mươi năm - tam thập niên dư - chỉ tìm cho được mặt mũi anh chàng này thôi, chứ chưa thủ đắc nó trong tay. Cho nên vấn đề tu tập của người xưa quan trọng là như vầy: họ gõ cửa thầy này, gõ cửa thầy nọ, chỉ mong một điều Thầy làm ơn chỉ anh chàng kiếm khách này trốn ở đâu trong tự thân tôi. Và khi nhận ra anh chàng kiếm khách này là cái gì trong tự thân mình, trong dòng sinh diệt của tâm mình, thí tức khắc nắm được đầu mối rồi. Và từ đấy con đường mình đi thênh thang thôi...

-------------------------------------

Những chỗ tôi tô đậm và gạch ngang ở dưới là những điều mà người nào có thực hành tham thiền thường hay gặp. Trong bài có nói "hồi phục" là hồi phục cái gì, xin thưa đó là hồi phục chánh niệm đã bị những vọng tưởng nó dắt đi lang thang..., khi mình biết đang thất niệm (cái biết này cũng chớp nhoáng) thì các vọng tưởng kia cũng biến mất chớp nhoáng và chánh niệm của mình hồi phục lại tức thì. Điều này chính Hòa thượng Thích Thanh Từ cũng có nói đến trong các bài giảng của ngài với ý nghĩa "bắt đầu lại". (Đây chỉ là những hiểu biết của tôi, chứ chưa có chứng ngộ điều gì đâu!


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Rõ thông đầu mối

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Ý thứ nhất đó là chúng ta tìm, thứ hai là gặp. Có một câu chuyện người ta viết về thi hào Tagore của Ấn Độ. Ông vốn là người lãnh giải Nobel vào năm 1913. Ông có những tập thơ được dịch ra tiếng Việt rất sớm như "Lời Dâng". Tôi không có năng khiếu thơ và cũng không sính thơ, nhưng đọc vào những thi phẩm của Tagore, nghe nó ngọt ngào, đi vào lòng mình như những lời kinh. Và trong những chuyện viết về ông, có một chuyện làm chúng ta suy nghĩ. Đó là sau khi ông lãnh giải Nobel hòa bình về những tuyệt phẩm của ông và danh vọng của ông cao vời vợi, nhưng ông cực kỳ sợ anh chàng hàng xóm Anh chàng này rất ư là kỳ cục. Anh biêt Tagore là một nhà thơ được thế giới tôn sùng như một ông thánh, vì trong những lời thơ cho biết ông đã thấy được Thượng đế, đã hội nhập với cái thể không sinh không diệt mà ngôn ngữ trong Ấn Độ giáo gọi là "thể nhập vào Đại ngã, còn có nghĩa là cọng trú với Phạm thiên". Lời thơ bàng bạc đặc tính, nói theo ngôn ngữ nhà phật là dặc tính giác ngộ, chứng tỏ ông là một thiền sư đã ngộ đạo rồi. Trong khi cả hành tinh này, từ Mỹ, Âu, Ấn đều tin như thế qua lời thơ ngọt ngào đầy trí tuệ, đầy giác ngộ của ông, nhưng chỉ có anh hàng xóm kia không tin. Cho nên mỗi lần Tagore đi về thì hắn nắm áo ông hỏi, mỗi lần đi ra thì hắn nắm áo ông hỏi: "Có thật ông đã thấy được Phạm Thiên chưa? Ông có thực sự gặp được Phạm Thiên chưa?" Và nếu ta dùng ngôn ngữ trong bài pháp thoại này thì câu ấy có nghĩa là: "Ông đã thực sự nắm được đầu mối chưa?" Và con người nhà thơ kia thì tâm hồn rất là chân thực, không thể nói dối rằng mình đã thấy được Phạm Thiên, tức không thể nói dối rằng mình đã nắm được đầu mối, mà cũng không thể khước từ được là mình có thấp thoáng thấy, thấp thoáng cảm nhận nên đã viết được những lời thơ như vậy. Cái vô lý là mình đang ở trên đỉnh cao của danh vọng, cả một dân tộc Ấn tôn thờ mình, mình lại thú thật với ông hàng xóm là tôi chưa thấy Thượng Đế bao giờ, tôi chưa gặp Phạm Thiên bao giờ, tôi chưa có nắm được đầu mối thấy tánh bao giờ, thì còn gì uy tín của người lãnh giải Nobel.

Cho nên mỗi lần ông muốn ra khỏi nhà thì ông rình coi tên hàng xóm kia đứng ở đâu ông mới bước ra cửa. Và tới chừng về ông cũng rình coi tên hàng xóm đó trốn ở đâu ông mới lén đi vô nhà. Sự ngại ngần, sự sợ sệt của ông càng ngày càng lớn. Ông hàng xóm kia là tên khố rách áo ôm, vô công rồi nghề cứ ngồi đó rình, khốn khổ làm sao không có cách gì thoát được hết. Cho đến một hôm, sau cơn mưa lớn đất trời như được rửa sạch, và cũng may mắn thay áp lực tinh thần của ông già lì lợm kia - ở Việt Nam người ta gọi là ông già chết tiệt - không có mặt. Tagore nhẹ nhàng đi ra cửa rất là dung dăng dung dẻ, như một con chim sáo nhảy chuyền trên cành cây. Trên đường đi, tâm hồn sảng khoái, ông thấy trên mỗi vũng bùn đen nước đọng do mưa đêm qua còn lại, có mặt vành trăng nghiêng nghiêng khuyết ở trên bầu trời rọi xuống. Nhìn qua bên hồ nước, trong tĩnh lặng ông cũng thấy có vành trăng đang rọi xuống. Và phước đức nhà ông, ông bỗng bừng ngộ. Ông nhận ra được đầu đường này, cái đầu mối này, tức là nắm được yếu chỉ thiền cũng có nghĩa là thấy được Phạm Thiên, cũng có nghĩa là nếu ta dùng từ khác trong truyền thống của Ky Tô giáo, đó là đã phối hợp được với Thượng Đế, nhận ra được Thượng Đế trong chính mình, nhận ra được thiên đường ngay nơi đây, chớ không phải thiên đường ở một cảnh giới nào cao xa, cũng không phải chúa Ky Tô ở nơi nào khác. Chúa Ky Tô ở ngay nơi đây, có mặt trong ta, trong thân tâm này. Và nhận ra điều đó cũng có nghĩa là nhận ra trong từng cái lỗ nứơc bùn đen, hố chân trâu, cái hồ trong vắt, cái biển mênh mông đều có hình ảnh của mặt trăng; cũng có nghĩa đã nhìn ra ngay trong chính mình có mặt cái tính bất sinh bất diệt trong đó. Và thế là, ông như một đứa bé, ông vừa nhảy vừa hát tuy lúc đó râu của ông đã dài. Niềm vui lớn đó đến độ ông tưởng như đất trời này nở hoa cả, ông thấy trên mỗi chiếc lá cây đều có nụ cười đáp lại, trên con đường đi những viên sỏi và kể cả miếng phân bò cũng nở nụ cười đáp lại niềm vui của ông. Niềm vui lớn như vậy! Và tới chừng ông về nhà thì ông hàng xóm đó chạy ra mỉm cười. Ông không còn chận đầu nắm cổ hỏi chứ ông thấy được Thượng Đế hay không? Trái lại ông cười, ông bảo con cái trong nhà là Tagore hôm nay mới thực sự là Tagore, mới xứng đáng là một nhà thơ nhận giải Nobel hòa bình, và xứng đáng là người viết những dòng thơ như đã viết.

Cho nên thưa đại chúng, đầu mối này rất quan trọng. Trên con đường tìm kiếm có khi người ta mất rất nhiều tháng năm và cay cực vô cùng, nhưng khi gặp được rồi thì cuộc đời mình giàu sang phong nhiêu phú túc vân vân..., nghĩa là kho tàng châu báu nằm sẵn nơi đây. Đầu mối mà mình không thông, không nắm được thì có khi, không phải mất một kiếp này trôi qua mà trôi qua bao nhiêu kiếp trong cõi luân hồi mênh mông vời vợi.

Trên con đường tìm đầu mối này, tìm tâm này, bước đầu tiên những hành giả như chúng ta thấy trời đất rất là mênh mông, và người đi tìm thì bơ vơ lạc lỏng, không biết chỗ nào có mặt đầu mối để mình nắm, mình tu. Thiền sư Việt Nam Trần Thái Tông cũng có một câu thơ rất não lòng ở trong khóa Hư Lục:

  • Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
    Nhật mộ hương quang vạn lý trình.
"Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách" nghĩa là ta mãi làm người khách phong trần. Khách phong trần là những người khách không nhà, không gia đình để trở về, và cứ lang thang đây đó. Nếu mà "gươm đàn nửa gánh, giang san một chèo" như Từ Hải để đi dựng nghiệp, dựng cơ đồ thì cũng đáng làm khách phong trần, còn mình không được như thế. Lang thang làm khách phong trần là đi đầu đường xó chợ, mang nỗi khổ niềm đau từ kiếp này sáng kiếp nọ, không tìm được con đường trở về nhà để an nghỉ. Nghĩa là mình là người đi ngang qua cõi sinh tử như mặt trời lặn rồi mọc, sinh ra rồi chết, rồi trở lại làm thân người, rồi lại tiếptục đi vào cõi tử sinh. Giọt nước mắt kiếp xưa còn nóng trên bờ mi, kiếp này sinh ra đời lại tiếp tục khóc nữa. Và các vị thử nghĩ nếu sống hai trăm năm trên cuộc đời này thì nỗi khổ của mình sẽ trồng trên hai trăm năm, không phải chấm dứt khi chúng ta không còn trên thế gian. Chúng ta mất đi rồi lại loay quay tìm tìm một thân người chui vào tiếp rồi lại chịu bao nhiêu nỗi khổ tiếp. Và ví như chặng đường tử sinh của mình được thu ngắn lại một đời người thôi thì câu ngài Trần Thái Tông nó mới thảm làm sao: Nhật mộ hương quang vạn lý trình. Mặt trời thì nghiêng nghiêng gần xế núi rồi mà quê nhà thì xa lắc lơ, không biết chỗ nào. Nhật mộ là mặt trời lặn, hương quang là quê xa, vạn lý trình là con đường trở về thì diệu vợi. Nó biểu đạt được tâm hành chúng ta trên con đường tìm trở về, nắm mối đường để hiểu rõ được lý sắc không, hoặc nói gần hơn là để là để có thể đi vào được cánh cửa vô sinh đang mở ra lồng lộng. Tuổi đã già, niềm đau nỗi khổ cuộc sống đã trải ngang qua, cay đắng lắm rồi, muốn tìm một nơi yên, tức là nơi đạo lý an ổn để nằm trong đó thở hơi thở nhẹ nhàng, mà tìm hoài không thấy. Sư ông Làng Mai cũng có những câu thơ rất hay, khuyên nhủ:
  • Về đi lữ khách đường xa lắm...
    Cát bụi sầu thương vướng đã nhiều
    Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả
    Cho hồn thơ ấu được nâng niu.


    Thưa đại chúng,
Chuyện tu hành rất dài và mênh mông, và với bốn câu kệ này, chúng ta có thể đi thêm vài buổi học nữa cũng còn mà chúng ta kết thúc nơi đây cũng được. Tại vì ý chính của vấn đề là khi quá vị "Rõ thông đầu mối", nắm được đầu mối này, tự nhiên con đường được mở bung ra cũng có nghĩa là ta không chạy theo có, ta cũng không mất mình với cái không, không lạc vào bất cứ nẻo nào cả: nẻo có, nẻo không, nẻo phải, nẻo quấy, nẻo thất, nẻo đắc, nẻo lợi, nẻo danh v.v... Chúng ta trở thành người hùng giữa cuộc đời này, ngang nhiên mà đi, ngang nhiên mà sống, và sở dĩ sống được như vậy vì chúng ta đã nhận ra không có cái gì quý hơn con đường tu. Cái lợi, cái danh, cái tình ta thủ đắc trong tay đã chắc chưa, đâu có chắc, cái gì rồi cũng bỏ mình ra đi. Con người mình thật thương kia, mình chết mình sống vì con người đó, cũng có thể quay lưng lại với mình, và tệ hơn nữa họ không hề quay lưng, họ nhìn thẳng mặt mình nhưng họ không thương mình nữa, thì đâu có cấm họ được và điều cuối cùng là nếu họ ra đi trước mình thì lại chồng thêm nỗi khổ cho mình. Trong cuộc đời vô thường này có gì thủ đắc trong tay mà bền bĩ đâu, kể cả hình hài này. Trong khi đó nếu ta tìm được con đường đi, cáiđó sẽ theo mình suốt kiếp này đến kiếp khác. Gieo được chủng nhân Phật tánh, thắp được chánh niệm trong đời này thì nhân duyên đó khiến cho mình đời này chưa thể trọn được con đường tu, đạt được quả vị viên mãn Niết bàn thì đời sau, đời sau nữa sinh ra, chủng nhân Bát nhã sẽ tái hiện lại. Đối với người Đông phương chuyện này họ có thể tin được, nhưng đối với thiền sinh Tây phương nói đến chuyện nhân quả nhiều đời, họ còn hồ nghi không biết có thật hay không, tại vì nếu có đời trước sao tôi không biết. làm sao tin được chuyện tôi có đời trước. Thưa điều này không thật khó hiểu lắm, chỉ cần một chút tư duy thì có thể hiểu được. Bởi lẽ trí nhớ của chúng ta chỉ có thể đi về chăng đường từ em bé nằm nôi trở về đây mà thôi và có khi còn không nhớ xa được như vậy, mình chỉ nhớ đến khoảng 10 tuổi, 15 tuổi trở về đây thôi, và kỷ niệm nào sâu đậm nhất thì mình nhớ, xa hơn nữa thì không nhớ. Huống chi chuyện trước khi mình có mặt trên đời làm sao nhớ. Thử hình dung lúc còn nằm trong bụng mẹ chưa ra đời, mình nghĩ cái gì, làm sao suy nghĩ được, mà có chuyện đó không? Thưa có chứ! Nếu không nằm trong bụng mẹ thì làm sao có mặt trong cuộc đời này. Việc thật như vậy mà không thể hình dung được thay, huống nữa là kiếp xa xưa luân hồi, làm sao có thể tưởng tượng được.

Tóm lại, thưa đại chúng, khi mình nắm được đầu mối của đường về, nắm được phương pháp thực tập chánh niệm, và thực tập hết sức chân tình ấy là đã gieo được vào tâm thức chủng nhân Bát Nhã, chủng nhân trí tuệ và làm cho lòng mình ngày càng khát khao đi trở về ngôi nhà xưa, tức trở về chốn tịch lặng nguyên sơ, chốncội nguồn từ đó mình đã ra đi. Ví như đời này không hoàn thiện được quả viên giác, không thể thành Phật được, nhưng mà tối thiểu chủng nhân này đã lớn trong tâm thức mình rất nhiều, cho nên đời đời sinh ra sẽ không mất được chủng nhân Bát Nhã. Ta nhớ là Sư ông đến hai mươi mấy tuổi vẫn chưa tìm được pháp môn, nhưng tự tâm Sư ông cứ nghĩ rằng phải có một con đường, phải có một cách nào đó để đi vào, và niềm tin đó rất vững chắc cho dù kinh sách, thư tịch Thầy chưa kịp mở sáng nhưng Sư ông vẫn giữ niềm tin rằng phải có một con đường dẫn mình đi, có một pháp môn để mình hành trì, âu không phải là chủng nhân đó đã được gieo từ bao kiếp xa xưa là gì.

Thế đó, cho nên ngay trong hiện đời, thấy mình chưa có thể đột nhập hẳn vào cửa vô sinh, nhưng mà khi đã gieo được hạt giống Bát nhã vào tâm thức, đốt sáng lòng mình bằng ý niệm khát khao tìm về thì chắc chắn là chúng ta sẽ "rõ thông đầu mối" mà thôi.

Kính thưa đại chúng, hãy nắm được đường vào và thực tập viên mãn chánh niệm.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.20 khách