Kinh Pháp Cú tâm yếu

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Kinh Pháp Cú tâm yếu

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Dhamma

I. Kinh Pháp cú không phải là sách để đọc thoáng qua như một thiên tiểu thuyết, rồi kính cẩn xếp lại, để qua một bên. Phải đọc đi, đọc lại, và xem nó như người bạn cố tri, luôn luôn ở bên cạnh để đem lại cho ta nguồn cảm hứng, nguồn an ủi, để nâng đỡ, hộ trì, và cải thiện tâm linh ta, mỗi khi cần đến.

Ngay hai câu đầu tiên đã vắn tắt trình bày hệ thống luân lý triết học của Phật giáo. Tầm quan trọng của Tâm - lấy tâm làm khuôn vàng thước ngọc để đo lường giá trị luân lý - định luật Nhơn quả (nghiệp báo) trong Phật giáo, vấn đề đau khổ và hạnh phúc, trách nhiệm cá nhân v.v... cùng với hai thí dụ lấy ngay trong đời sống quen thuộc hằng ngày, tất cả bấy nhiêu được diễn đạt trong hai câu song yếu. Tiếp theo là hai tích chuyện thích đáng để làm cho vấn đề thêm sáng tỏ. Ở hàng đầu của hai câu song yếu đầu tiên có vài điểm khó hiểu, đặt biệt là danh từ Dhamma mà bản chú giải đã dài dòng phân tách. Nhờ hai tích chuyện đi liền theo sau người đọc thông hiểu rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, khi đã đọc qua những Phật ngôn vàng ngọc này, ta không nên tự mãn, cho đó là đủ. Phải đọc đi, đọc lại, suy niệm, cân nhắc cặn kẽ những câu kệ cũng như tích chuyện và rút tỉa những bài học thích đáng. Những chuyện tích hứng thú và xây dựng ấy mô tả rõ ràng tánh cách vĩ đại của Ðức Phật, xem như vị giáo chủ bi, trí, dũng, luôn luôn sẵn sàng tế độ, phục vụ tất cả. Những kim ngôn mỹ từ ấy phải được áp dụng thật sự vào đời sống hằng ngày. Và chỉ đến chừng ấy ta mới có thể, một cách chơn thành và hữu lý, nói lên lời dạy trong kinh Pháp Cú: "Người thấm nhuần Giáo Pháp sống hạnh phúc".

Người đọc sẽ ghi nhận rằng Ðức Phật dùng những chuyện ngụ ngôn rất giản dị để cho mọi người, chí đến các em bé, đều hiểu được. Như thí dụ cái bánh xe lăn theo chơn con bò kéo xe, bóng theo người, mái nhà khéo lợp, một làng đang say ngủ, ao hồ sâu thẳm và trong veo, hoa có hương thơm, ong hút mật v.v... Trí tuệ của Ðức Phật đã tỏ rạng trong cách trình bày chơn lý cao thâm với những danh từ thông thường, dễ hiểu, không rườm rà phiền phức.
Tôi cũng ghi ơn hai người đệ tử Việt Nam của tôi là cô Lê Thị Sanh (Jhāyīnī) và cô Cao Thị Cúc (Citrā) đã đánh máy bản thảo này.

Tôi cũng có lời tán dương ông Trương Ðình Dzu, một luật sư Phật tử Việt Nam lỗi lạc, nguyên là Thống Ðốc Ðông Nam Á của Hội Rotary đã phát tâm bố thí trong sạch, gánh chịu tất cả tổn phí để ấn hành quyển sách Phật giáo cổ điển này.

1. Tâm dẫn đầu các tâm sở (bất thiện) 3.
Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả (các tâm sở bất thiện).
Nếu nói hay làm với tâm ác,
do đó, đau khổ sẽ theo liền với ta
như bánh xe lăn theo dấu chơn con bò
2. Tâm dẫn đầu các tâm sở (thiện).
Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả (các tâm sở thiện).
Nếu nói hay làm với tâm trong sạch,
do đó, hạnh phúc sẽ theo liền với ta
như bóng không bao giờ rời (hình)

NĀRADA Jetavara Vihāra - Kỳ Viên Tự Sài Gòn, 14-7-1963.
Tác giả: Nārada Mahāthera Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971 KỲ VIÊN TỰ tái bản, 2003
-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

II. Giá trị chính của Bộ Kinh Pháp Cú là ở chỗ kinh này chứa đựng một cách gọn ghẽ và đầy đủ giáo lý nguyên thủy của Ðạo Phật, và những giáo lý này được trình bày dưới hình thức các bài kệ đơn giản và súc tích gồm phần lớn là 4 câu, thỉnh thoảng lên đến 6 câu và mỗi câu gồm có 8 âm đồng đều.

1. Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
2. Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Vietnamese translationby Bhikkhu Thích Minh Châu Sài Gòn, Việt Nam, 1996
-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

III. Bản dịch Thi Hóa Pháp Cú Kinh đây không ngoài mục đích là góp nhặt thi tứ, sắp xếp ngôn từ, chuyên chở ý nghĩa từ dịch bản tiếng Anh mà đại đức Narada đã dày công phiên dịch, chú giải từ nguyên bản Pali để sao cho có chút âm hưởng thi ca, nghĩa là có vần, có điệu, ngõ hầu giúp người đọc dễ đọc, dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ áp dụng lời Phật dạy vào nếp sinh hoạt hằng ngày của mình qua mọi thời đại, cũng như tục ngữ ca dao, nhờ nhạc điệu và tính chất trữ tình đặc thù của nó mà lòng người dễ dàng cảm nhận, suy gẫm, hành xử qua bao thế hệ.

Ước gì phần thi hóa này được phổ biến đến các thiền môn và đến tay các chú các cô sa di như bộ luật "Tỳ Ni Nhựt Dụng Thiết Yếu" vậy.

1. Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy.
2. Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.

TỊNH MINH Ðầu xuân năm Ðinh Mão 1987

-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

IV. Kinh Pháp Cú còn, Giáo Pháp còn, Giáo Pháp còn, kinh Pháp Cú còn.

1.Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo
bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe, bò kéo
khổ liền theo sau!
2.Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo
bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý tốt hiền
Như hình dọi bóng
vui liền theo sau!
Tỳ kheo Giới Đức (Minh Đức - Triều Tâm Ảnh) Huyền Không, Huế, 1995

-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

V. Khi soạn thảo cuốn Kinh Pháp Cú chuyển dịch thành thể thơ "lục bát" này người dịch đã tham khảo một số tài liệu quý báu về Kinh Pháp Cú viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Các tác phẩm tiếng Anh đa số được dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Pali. Các tác phẩm tiếng Việt thì được dịch từ nguyên bản Pali hay được dịch theo bản chữ Hán hoặc tiếng Anh.

Muốn cho đại đa số quần chúng khi đọc kinh này cảm thấy dễ hiểu, người chuyển dịch thơ đã cố gắng xử dụng chữ Việt với những ngôn từ bình dị, tránh dùng nhiều chữ Hán và những danh từ triết học hoặc đạo học cao siêu. Đôi khi một vài lời giải thích cũng đã được chuyển thành thơ và thêm vào trong bài. Để hoàn thành tác phẩm người dịch trong khi sắp xếp ngôn từ và tứ thơ đôi khi đã phải thêm bớt một vài chữ, hoán chuyển một vài câu trong cùng một bài, nhưng vẫn cố gắng chuyên chở đầy đủ ý nghĩa trong các lời dạy của đức Phật.

Mong rằng những vần thơ "lục bát", một thể loại thơ đầy tình tự dân tộc, sẽ để lại trong tâm tư người đọc cũng như người nghe những tình cảm nhẹ nhàng thanh thoát vì thơ đầy nhạc tính và vang lên những âm điệu thân thương như những lời ru nơi quê mẹ. Ngôn ngữ có bình dị mới dễ hiểu. Thêm vần thêm điệu mới dễ đọc, dễ nghe. Từ đó mới dễ nhớ, dễ thuộc. Có nhớ, có thuộc mới dễ áp dụng những lời vàng ngọc Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày.

Tại các nước theo Phật giáo Nam Tông, các Sa Di phải học thuộc lòng Kinh Pháp Cú này. Riêng tại Việt Nam ta, kinh này không được xếp vào danh sách các kinh để tụng niệm hàng ngày nên kinh ít được biết đến.

1. Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường.

2. Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO chuyển dịch thơ
DIỆU PHƯƠNG Virginia – USA (Mùa Phật Đản, tháng 4 năm 2003)

-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

VI.
Ðây là tiểu phẩm viết lại phần năm "Trích Pháp Cú Nam Tông" của cuốn Ðọc Pháp Cú Nam Tông. Viết lại bằng mỗi câu bốn chữ cho dễ tụng hơn. Tụng thì mỗi lần tụng trọn tiểu phẩm hay mỗi lần chỉ tụng một vài đoạn tùy thích. Dầu tụng cách nào cũng đừng bỏ đoạn đầu (Chú nguyện) và đoạn cuối (San sẻ).

1.Ðối với các pháp
tâm ý dẫn đầu.
làm chủ, tác động.
do vậy nếy ai
đem ý nghĩ ác
mà miệng nói ác
mà làm thân ác,
thì sự đau khổ
đi theo người ấy
như xe lăn theo
con thú kéo xe.
2.Ðối với các pháp,
tâm ý dẫn đầu
làm chủ, tác động.
do vậy nếu ai
đem ý nghĩ lành
mà miệng nói lành
mà làm thân lành,
thì sự yên vui
đi theo người ấy
như bóng thế nào
do hình thế ấy.
Hòa thượng Thích Trí Quang PL 2544 - TL 2000

-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

VII. Kinh Ngọc Quý (Dhammapada) Nguyên Tác Anh Ngữ: Ven. Khantipālo & Sister Susanna Sydney, Australia, 1993 Việt dịch & Chuyển thơ: Hạnh Đạo (Tỳ khưu Giác Hạnh)

Pháp Cú câu 01
Trong các pháp, ý làm chủ,
Sai sử chúng dân[1] tranh thủ thi hành.
Nói làm với ý lưu manh,
Khổ não đeo níu theo anh mãi hoài.
Pháp Cú câu 02
Trong các pháp, ý làm chủ,
Hướng dẫn dân chúng[2] tranh thủ thi hành.
Nói làm với ý tốt lành,
Hạnh phúc vẫn mãi trung thành người thi.

Món Quà Pháp Bảo ITBM University, Yangon, Myanmar PL. 2551 - DL. 20-09-2007

-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

VIII. Kinh Ngọc Quý (2) (Dhammapada) Nguyên Tác Anh Ngữ:Ven. Khantipālo & Sister Susanna Sydney, Australia, 1993 Việt dịch & Chuyển thơ (thể thơ 5 chữ): Hạnh Đạo (Tỳ khưu Giác Hạnh)

1. Các pháp ý dẫn đầu,
Ý làm chủ, bắt cầu,
Với ý ô nhiễm sâu,
Hành động hay nói thao,
Khổ não bước theo sau,
Như xe theo bò thau. [1]
2. Các pháp ý dẫn đầu,
Ý làm chủ, bắt cầu,
Với ý thanh tịnh sâu,
Hành động nói thâm cao,
An lạc bước theo sau,
Như bóng quấn hình nhau.

Món Quà Pháp Bảo University of Kelaniya, Colombo, Sri Lanka PL. 2551- DL. 18-02-2008

-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

IX. "Thà biết ít mà biết chắc, Khỏi tu mù và chẳng mắc tu lầm."-- Thiện-Nhựt.
Nhận thấy các lời dạy quí-báu của Đức Phật được kết-tập lại bằng lời thơ, có các Tích chuyện nêu rõ trong trường-hợp nào đã xãy ra khiến Đức Phật nói lên bài Kệ, tôi chẳng ngần-ngại sự ngu-dốt của mình, cố chuyển các lời văn trong Kinh sang văn-vần tiếng Việt, dễ hiểu, dễ đọc, mục-đích giúp cho các bạn đồng-tu có được tài-liệu để học-tập.
Cách tôi trình-bày lại Kinh Pháp-Cú chẳng giống y như trong Kinh-Điển, nhưng tôi đã cố-gắng giữ đúng ý-nghĩa căn-bản của lời Phật dạy, nói lại bằng lời-lẽ thông-thường, người chưa rành Phật-pháp cũng có thể hiểu được.

Trong phần Tìm Hiểu, vì muốn tránh cho người đọc phải giở lại các trang phía trước xem lại các danh-từ chuyên-môn về Phật-học, nên Thiện-Nhựt đã giải-nghĩa một danh-từ rất nhiều lần. Tuy nhiên, Thiện-Nhựt nghĩ sự lập-lại đó cũng có một công-dụng là vừa nhắc-nhở người đọc nghĩa đã được học qua, vừa nhẹ-nhàng và từ-từ đưa cất vào tiềm-thức mà chẳng cần phải khổ-công ghi nhớ.

Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo;
Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
Ai đem tâm-ý chẳng trong
Nói năng, hành-động, khổ đồng theo sau;
Như xe chuyển bánh theo trâu kéo hoài.
(Kệ số 001)
Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo,
Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
Ai đem tâm-ý sáng trong
Nói năng, hành-động, vui đồng theo sau;
Khác nào bóng chẳng lià hình.
(Kệ số 002)

Kinh Dhammapada được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, xem như một kho-tàng Chơn-lý rất quí-báu trong văn-chương của nhơn-loại. Bản dịch Anh-văn của Max Muller được xuất-bản năm 1870.

Kinh Pháp-Cú lại được xem như quyển sách gối đầu giường; các tu-sĩ Nam-tông ngay khi bước vào cửa Đạo, phải học thuộc lòng các bài Kệ trong Kinh Pháp-Cú, trước khi học các bản Kinh khác.

Thiện-Nhựt xin chấp tay sám-hối, trong khi lược-dịch, đã bỏ bớt nhiều chi-tiết nhiệm-mầu trong các Tích chuyện, đã viết lại một cách vụng-về bằng văn-vần các bài Kệ thâm-trầm đầy ý-vị trong bản nguyên-tác bằng chữ Pali.

Mục-đích là khiến cho phần dịch-thuật và tìm-hiểu được gọn-gàng và dễ hiểu mà chẳng đi xa quá với lời giảng-dạy cao-quí của Đức Từ-phụ.

Ước mong to-lớn của Thiện-Nhựt là, khi các Tập sách tìm hiểu về Kinh Pháp-Cú nầy vào tay người đọc, thì chúng sẽ được xem qua, hơn thế nữa, được đọc lên cho con cháu nghe, và quí hơn nữa là đem các bài Kệ ra ngâm-nga cho chính mình nghe, và dùng để ru cho con cháu ngủ.

Nếu một Tích chuyện, một bài Kệ, ngay cả một câu Kệ, mà được người chưa biết chữ Việt chỉ nghe thuật lại mà đọc lên được trôi chảy, đem kể lại cho người khác nghe thêm, chắc-chắn là giáo-lý của Đức Phật còn sống mãi và truyền-tụng mãi trong dân-gian.
Montreal, 09 Tháng 04, 2001, Thiện Nhựt lược-dịch và tìm hiểu.

-ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo--ooOoo- -ooOoo- -ooOoo-

Học-giả:

1. Sao khi xem qua các tác phẩm rồi, chúng ta nhận xét.
Tâm yếu của các Tác-giả, Dịch-giả điều muốn gởi lời nhắn nhủ này đến các đọc-giả, học-giả rằng Quyển kinh Pháp Cú thật là một chân lý bất hủ. Xưa sao thì nay cũng vậy. Là một triết lý sống mà tất cã các triết học gia không thể nào bất bẽ. Là một duy thức học luôn luôn hiện đại hóa.

2.
Muốn đạt tới chỗ cao diệu của kinh này, chúng ta cần phải nghiền ngẫm thêm lời các Tác-giả, Dịch-giả:

a- Kinh Pháp cú không phải là sách để đọc thoáng qua như một thiên tiểu thuyết. rồi kính cẩn xếp lại, để qua một bên.

b- Hay là xử dụng những bài Pháp-kệ để diễn tã cho bài văn của mình thêm linh động, cũng tốt. Nhưng không tốt hơn bằng hiểu cã sự và tánh của bài kệ.

c- Cũng không phải dụng những bài Pháp-kệ này để tranh luận và bất bí kẽ khác. Cho rằng trí tụê mình thâm sâu. Sự thật chỉ là mượn lời Thánh-ngôn khoe khoan.

d- khi đã đọc qua những Phật ngôn vàng ngọc này, ta không nên tự mãn, cho đó là đủ. Phải đọc đi, đọc lại, suy niệm, cân nhắc cặn kẽ những câu kệ cũng như tích chuyện và rút tỉa những bài học thích đáng.

3. Ngày nay phương tiện học kinh điển có phần dể dàng hơn ngày xưa là nhờ thông tin trên mạng. Không còn thiên vị về Tiểu-thừa, Đại-thừa, Tông-giáo, Xuất-gia, Tại-gia mà che lấp những kinh điển nào mình không thích, thì không truyền bá Phật-pháp.

Mà ngày nay ai ai cũng điều học được cã. Trình độ, giai cấp không thể ngăn cách chúng ta đi tìm sự thật, Nếu Quyển kinh điển nào có đem lại lợi ít cho ta, và cho mọi người học hỏi. Thì chúng ta được quyền giữ và truyền bá kinh pháp lại cho đời sao. (Cố chấp, mê tín, nhân nhượng là một sự bảo thủ kinh điển)

4.
Đại đức Narada 14/07/1898 - 02/10/1983. Hay tất cã các Dịch-giả khác cũng điều đã dày công phiên dịch, chú giải từ nguyên bản Pali để sao cho có chút âm hưởng thi ca, nghĩa là có vần, có điệu, ngõ hầu giúp người đọc dễ đọc, dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ áp dụng lời Phật dạy vào nếp sinh hoạt hằng ngày của mình qua mọi thời đại, cũng như tục ngữ ca dao, nhờ nhạc điệu và tính chất trữ tình đặc thù của nó mà lòng người dễ dàng cảm nhận, suy gẫm, hành xử qua bao thế hệ.

Ngôn ngữ có bình dị mới dễ hiểu. Thêm vần thêm điệu mới dễ đọc, dễ nghe. Từ đó mới dễ nhớ, dễ thuộc. Có nhớ, có thuộc mới dễ áp dụng những lời vàng ngọc Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày.

Bài này chúng ta thấy được 9 lối biên dịch hiện nay mà ta nay được biết, dể dàng lựa trọn cho lối ta đi. Có điều thuyết yếu chúng ta nên biết.

Đạo là một con đường vẫn ta đến giải thoát, Ví như ngón tay như lai chỉ vầng trăng, như nắm lá trong tay Phật-tổ, như thuyền Bát-nhã đưa ta qua bến bờ giác ngộ. Cho nên không phải chỉ dành riêng cho người Xuất-gia hay Tại-gia. Mà là tất cã những ai muốn đi tìm chân lý.

Đạo cũng không phải là ngôn ngữ Pali, Anh, Trung, Pháp, Việt.v.v. Tuyệt đối, mà chúng ta hiểu vì có ngôn ngữ mới có đạo.

Đạo cũng không phải dể tin (Xem lại kinh Tăng chi Bộ), nếu chúng ta chưa thấy, mà chúng ta phải áp dụng ngay trong thân tâm, ngay trong đời này, thì mới thấy được Chân Thiện Mỹ của quyển kinh này.

Do đó chúng ta không cần phải biết tiểu sử có thật hay không, Phật có thuyết kinh này hay không, ngôn ngữ nào mới đúng, Thầy nào dịch hay, đúng, qui tín.v.v. Hoặc nghe theo lời Đại chúng. Như hiện nay các chùa ở Việt-nam đã thống nhất là lời dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu.

phải nhìn lại mình coi Dịch-giả nào có hợp với căn cơ mình không. Thì sự lựa chọn đó mới thật sự đúng đắn đầy đủ (Xem bài Có ba loại đệ tử http://vn.360plus.yahoo.com/phapcukinh/ ... ew=1&mid=5 )


Elephant
Bài viết: 1
Ngày: 24/02/11 15:52
Giới tính: Nam

Re: Kinh Pháp Cú tâm yếu

Bài viết chưa xem gửi bởi Elephant »

Đạo hữu TN kính! kinhle

Tinh thần chia sẻ pháp là rất tốt. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi thì trên diễn đàn không nên copy và paste nhiều mà nên thiên về thảo luận trực tiếp những gì mình đang còn vương vấn về pháp học và pháp hành.

Đôi lúc chỉ cần đưa vài cái link là được nếu có đạo hữu nào muốn tìm...
Theo tôi thì đa phần các đạo hữu quan tâm đến giáo lý nguyên thủy hay "nam tông" đều đã biết đến trang web này,họ có thể tự tìm đến và "lục" thoải mái những gì họ cần tìm

http://www.buddhanet.net/budsas/uni/index.htm


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Kinh Pháp Cú tâm yếu

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Elephant đã viết:Đạo hữu TN kính! kinhle

Tinh thần chia sẻ pháp là rất tốt. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi thì trên diễn đàn không nên copy và paste nhiều mà nên thiên về thảo luận trực tiếp những gì mình đang còn vương vấn về pháp học và pháp hành.

Đôi lúc chỉ cần đưa vài cái link là được nếu có đạo hữu nào muốn tìm...
Theo tôi thì đa phần các đạo hữu quan tâm đến giáo lý nguyên thủy hay "nam tông" đều đã biết đến trang web này,họ có thể tự tìm đến và "lục" thoải mái những gì họ cần tìm

http://www.buddhanet.net/budsas/uni/index.htm
Cảm ơn Đạo Hữu có ý kiến hướng vẫn, nhưng mình đã tóm gọn lại các tâm yếu của các Dịch giả lại rồi đó, Nhưng mục đích thật quan trọng là Dịch giả nào hợp với Hành-giả.

Riêng phần bình luận trong Học-giả là mình viết cái cảm nghĩ. Nếu có sai hoặc sơ soát thì nhờ các Đạo hữu giúp giải thêm chỉ có vậy.

Chúc mạnh khõe.


whale
Bài viết: 350
Ngày: 23/09/09 02:04
Giới tính: Nam

Re: Kinh Pháp Cú tâm yếu

Bài viết chưa xem gửi bởi whale »

A;xin lỗi đạo hữu. Tôi không để ý phần bình luận của đạo hữu nên cứ tưởng chỉ là copy và paste...


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.10 khách