TÌM THÁNH TĂNG

Kính mời các bạn tham gia ghi lại kinh nghiệm tu tập và những gì mắt thấy tai nghe về sự cảm ứng nhờ hành trì giáo lý Phật.
dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

TÌM THÁNH TĂNG
Trích “Truyện cổ Phật giáo” - tập 4- tác giả Thích Minh Chiếu
Tại một ngôi chùa Trung Quốc hồi xưa, có một vị sư nổi tiếng về hạnh ở dơ. Thầy lại không đủ điều kiện thân tướng trang nghiêm để thọ giới, vì thế mặc dù ở chùa đã lâu, thầy vẫn giữ chức vụ của chú tiểu là làm các công việc ở nhà vệ sinh và trong bếp, ngoài vườn.

Tất cả những công việc nặng nhọc dơ dáy đại chúng đều giao cho thầy phụ trách. Thầy làm tất cả mọi sự với tâm hoan hỷ, không phàn nàn, lúc nào nụ cười cũng nở trên môi. Mặc dù y phục rách rưới dơ dáy nét mặt thầy luôn luôn rạng rỡ, có điều đáng phàn nàn nhất về thầy là mặc dù đã lớn tuổi, không còn bé bỏng gì, thế mà thầy luôn luôn để mũi chảy thò lò như một cậu bé, không chịu lau chùi, không bao giờ rửa mặt.

Cho nên, tuy thầy rất dễ thương, cũng ít ai dám đến gần vì nhờm gớm. Mỗi khi các bạn đồng tu đề nghị:
- Xin chú mày làm phúc quẹt mũi giùm đi. Dơ dáy lắm.

Thầy chỉ cười hề hề!
- Em không có thì giờ quẹt mũi, Sư huynh ạ!

Rồi bỏ đi một nước. Một hôm, nhân ngày lễ Vu Lan, nhà vua thỉnh tất cả chư Tăng trong chùa không chừa vị nào, vào cung để dự trai Tăng. Nhà vua tha thiết yêu cầu vị Hòa thượng đừng để một vị nào ở chùa, vua sẽ cho người đến giữ chùa trong thời gian Tăng chúng vào cung.

Sở dĩ nhà vua muốn như vậy là vì Ngài có dụng ý. Vua vốn là người mộ đạo tha thiết, cầu gặp Thánh Tăng để khai thị cho mình yếu nghĩa bộ kinh Kim Cang. Do lòng chí thành, một hôm vua được thần nhân báo mộng trong ngôi chùa lớn có vị Thánh Tăng, hãy thỉnh về cung thuyết pháp.

Tỉnh dậy, nhà vua hoang mang không biết Thánh Tăng ấy là ai, trong ngôi chùa đông cả ngàn Tăng chúng đó. Sau một hồi bàn luận với cận thần, vua được bày một mưu kế hay ho và vội thực hành ngay kế đó để tìm gặp Thánh Tăng. Thế là vua cho sửa soạn một buổi trai Tăng cúng dường toàn thể Tăng chúng trong ngôi chùa nọ.

Về phần Tăng chúng trong chùa, họ bàn nhau:

- Hôm nay vua thỉnh toàn thể Chư Tăng vào cung thọ trai không chừa một vị nào ở lại giữ chùa. Nghĩa là phải cho cái chú ở dơ của mình đi theo. Chú ấy chưa thọ giới, vậy trong khi chúng ta đắp y đi có hàng ngũ chỉnh tề thì hãy để chú ấy đi một mình sau rốt khỏi mất thể diện chúng Tăng.

Tăng chúng bằng lòng theo sự sắp đặt ấy và báo tin cho chú ở dơ sửa soạn theo hầu chư Tăng vào cung dự lễ.
Họ không quên dặn chú làm phúc quẹt mũi giùm trước khi ra đi. Chú cười hề hề:

- Dạ được rồi, quý huynh đừng lo. Lần này em xin lau mặt mũi sạch sẽ để theo hầu quý sư huynh.

Vua và đình thần đứng xếp thành hàng rào danh dự đón chư Tăng đông đủ uy nghi từ từ bước qua cổng chính để vào cung. Mặt nhà vua hơi lộ vẻ thất vọng khi thấy gần hết chư Tăng đều điềm nhiên bước qua cổng lớn.

Khi người cuối cùng của hàng dài Tăng chúng đắp y đã đi qua cửa cung, sắp có lệnh đóng cửa, thì một vị sư không đắp y, ăn mặc dơ dáy ở đâu nhảy bổ tới, lộn nhào hai ba vòng để tránh dẫm chân lên ngưỡng cửa, vừa lẩm bẩm nói một mình:

- Chết chửa! Ai dám dẫm chân lên pháp bảo của Như Lai.

Vua và đình thần quỳ mọp xuống trước vị Thánh Tăng, dâng bộ y quý giá:
- Ngưỡng bạch Hòa thượng, đệ tử xin cung thỉnh người thăng pháp tòa, để chúng con được ân triêm pháp nhủ.

Thánh Tăng bước lên pháp tòa dành sẵn, giảng kinh Kim Cang như nước chảy hoa bay cho tất cả đại chúng và triều đình.

Ðến đoạn: “Ly nhứt thiết chư tướng tức danh chư Phật” nhà vua thoát nhiên đại ngộ.

Sau thời thuyết pháp nhà vua quỳ sám hối trước đại chúng. Vì lòng tha thiết cầu gặp Thánh Tăng, nhà vua buộc lòng phạm đến pháp bảo bằng cách chôn một quyển kinh Kim Cang ngay lối vào cung điện.

Với kế đó, nhà vua đã tìm ra vị Thánh Tăng trong hơn nghìn Tăng chúng, ấy là vị có thần thông biết được chỗ chôn kinh và tránh dẫm chân lên pháp bảo bằng cách lộn nhào qua cửa ngọ môn.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI
“Nhạn lướt mặt hồ không để bóng,
Gió luồn khóm trúc chẳng lưu vang”.
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 12/04/20 20:56 với 2 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Sự linh nghiệm trong tu tập Kinh Kim Cang, Pháp Hoa
(theo báo giác ngộ)

Tôi là một nữ Phật tử lớn tuổi, qua 40 năm tu tập, xin kể lại đúng như thật những gì bản thân đã trải nghiệm.
Năm 1980, lúc đó chồng đi bộ đội, con thì mới sinh, gia đình tôi khổ lắm, cuộc sống như bế tắc. Chợt nhớ đến thùng kinh của ông nội để lại, trong đó tôi thích nhất là kinh Kim cang nên lấy ra đọc. Dù không hiểu hết ý kinh nhưng đêm nào tôi cũng thắp đèn đọc, nước mắt chảy ràn rụa.

Đến năm 1983, sinh thêm bé thứ 2, được nhà nước cấp cho một căn nhà ở quận 3 (TP.HCM), tôi thấy mình may mắn, thầm nghĩ bộ kinh này linh ứng quá nên tụng đọc tiếp, đến năm 1984 thì có việc làm lương rất cao.

Nhiều năm nay trong lòng không suy nghĩ, không động
nhưng xử lý mọi việc rất sáng suốt. Giải quyết việc xong liền buông tất cả...

Mải làm ăn, đến năm 1994, tôi có duyên đọc được sách Đức Phật và Phật pháp của ngài Narada. Quyển sách đã khai mở cho tôi rất nhiều, tôi hiểu và biết được nghiệp của mình như thế nào, tại sao đầu thai vào thế gian này? Năm 1996, tôi nghe băng Lược giải kinh Pháp hoa của HT.Thích Trí Quảng (cô Bạch Tuyết đọc), nghe từng lời thầy giảng tôi thấy chính xác, thấm thía vô cùng, bật khóc vì xúc động.

Cũng năm 1996, tôi nhận thấy nơi công ty mình làm việc có biểu hiện làm ăn mờ ám nên quyết định nghỉ, phải tránh vì sợ mang tội. Về nhà không biết làm gì, tôi cầu nguyện Phật Bà Quan Âm định hướng, tạo phương tiện làm ăn lương thiện để nuôi con ăn học mà cũng có thể giúp đời.

Cơ duyên năm 18 tuổi tôi quen một người phụ nữ đến từ Châu Đốc, dạy cho gia đình tôi phương pháp xem bói bằng bài Tây, sau khi dạy hết, cô nói chỉ có mình tôi theo nghiệp được. Bởi cô chỉ dạy cơ bản nhưng tôi tự sáng tạo, ra đáp án rất chính xác. Sau này khi nghỉ việc, cầu nguyện Phật Bà chỉ đường xong tôi chọn coi bói bài Tây làm sinh kế, dù bản thân không thích các trò mê tín dị đoan.

Như có điều gì đó rất nhiệm mầu, tôi coi đâu đúng đó. Người tìm đến tôi ngày càng đông, họ là doanh nhân, công chức, người mẫu, kể cả thành phần ăn chơi dữ dằn. Nhân việc xem bói tôi hiểu được nghiệp của họ nặng hay nhẹ rồi mới hướng dẫn họ làm phước, đọc kinh Pháp hoa, kim cang, kinh Cầu an, Sám hối. Rất nhiều người nhờ tụng kinh, làm phước mà cuộc sống họ đi lên, vượt qua chướng ngại một cách nhẹ nhàng.

Đơn cử như cô Hậu (bây giờ đã xuất gia tại Bình Dương), lúc trước là chủ tiệm áo cưới đường 3-2, có nhà Q.7, khi cuộc sống bế tắc, tôi hướng dẫn cô tụng kinh Pháp hoa, kim cang, làm phước tự nhiên cuộc sống thay đổi, rồi sau cô chọn con đường xuất gia.

Bà Khỏi bất hiếu với mẹ, nên khi mẹ mất, tiền bạc tài sản tự nhiên đội nón ra đi. Nhờ xem bói, biết bà phạm tội trọng, tôi hướng dẫn bà đọc Hồng danh Sám hối, hướng dẫn bà cúng bái, làm phước cầu siêu cho mẹ, nhờ đó bà vượt qua khổ nạn.

Cháu Thanh, gây nợ đến 900 triệu, xã hội đen đến nhà đòi, tôi hướng dẫn cháu đọc kinh Pháp hoa, kim cang, Hồng danh Sám hối. Cháu đọc ráo riết mấy chục ngày tự nhiên có mẹ chồng ở Mỹ gửi tiền về giúp trả nợ… cứu nguy.

Sau này tôi mới biết việc xem bói của mình là “dĩ huyễn độ chơn”. Rất nhiều trường hợp nhờ làm theo sự hướng dẫn của tôi mà chuyển hóa, không thể kể hết. Có một số trường hợp ban đầu họ không tin, nhưng sau một thời gian được tôi hướng dẫn tụng kinh, sám hối thì họ được chuyển nghiệp lại tìm đến, tôi hướng dẫn họ về chùa để quý thầy hướng dẫn tiếp.

Trong cuộc đời mình, tôi thấy có nhiều điều mầu nhiệm. Mấy lần đi đường bị tai nạn, xe cộ hư hết, còn tôi không hề hấn gì, lúc tai nạn thấy người như được nhấc bổng lên rơi xuống nhẹ nhàng. Tôi nghĩ chắc Thiên long, Bát bộ, Hộ pháp đã che chở giúp tôi, vì tôi chuyên tụng kinh, niệm Phật và làm phước giúp đời.

Giữa năm 2011, tôi ngưng mọi công việc vì được tiền bồi thường căn nhà. Tôi nghĩ do phước báu mình tạo qua bố thí chia sẻ với mọi người, hướng dẫn mọi người theo con đường thiện.

Từ khi biết đọc kinh Kim cang, sau đó là Pháp hoa, tôi được hưởng phước lớn cùng nhiều sự linh thiêng khác trong đời. Những người gặp tôi, họ tin vào Đức Phật và phát tâm tu học cũng vượt qua những khó khăn của họ.

Hiện tại tôi thích chu du, tặng quà cho người khó khăn, buổi tối lễ Phật, đọc kinh, trong lòng lúc nào tôi cũng thấy an lạc. Đọc kinh Kim cang tôi thấy chồng con bạn bè đồng nghiệp, tất cả là đều có nhân duyên kiếp trước. Nên tôi tùy duyên ứng xử, yêu thương và trân trọng nhưng không dính mắc bất cứ điều gì. Đọc Pháp hoa nhiệm mầu lắm, chuyển được nghiệp của mình. Đọc Hoa nghiêm, càng đọc càng cảm động, thương Đức Phật lắm. Nhờ đọc kinh nên tôi vui vẻ đối diện, sáng suốt giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và vượt qua được hết.

Tôi sống dựa vào lời Phật dạy, thực hành và có kết quả. Nhiều năm nay trong lòng không suy nghĩ, không động nhưng xử lý mọi việc rất sáng suốt. Giải quyết việc xong liền buông tất cả nên nằm xuống là ngủ. Tu một thời gian tôi bây giờ giống như trẻ nít, không nghĩ gì hết, không giữ gì cho riêng mình, vật chất đầy đủ, cuộc sống tự do, bệnh tật cũng không có cho dù đã 63 tuổi, thân tâm luôn hỷ lạc.

tác giả :Nguyên Nhung
báo Giác Ngộ


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

KINH KIM CANG TỘI NGHIỆP TIÊU DIỆT

( nguồn:thuongchieu.net)

LỜI DẪN: Nắm một buông một chưa phải tác gia, đưa một rõ ba vẫn trái tông chỉ. Dù được trời đất bỗng đổi, bốn phương bặt tiếng, sấm vang chớp nhoáng mây bay mưa đuổi, hồ nghiêng núi ngả, chậu bể bồn nghiêng, cũng chưa đề được phân nửa. Lại có người khéo chuyển cửa trời hay dời trục đất chăng, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Kinh Kim Cang nói: “Nếu bị người khinh tiện, người ấy tội nghiệp đời trước nên đọa đường ác, vì đời nay bị người khinh tiện nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt.”

GIẢI THÍCH: Kinh Kim Cang nói: “Nếu bị người khinh tiện, người ấy tội nghiệp đời trước nên đọa đường ác, vì đời nay bị người khinh tiện nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt.”

Căn cứ chỗ bình thường giảng cứu là thường luận trong kinh. Tuyết Đậu nêu ra tụng là ý muốn đả phá các nhà giảng kinh nhằm trong hang quỉ tìm kế sống.

Thái tử Chiêu Minh phân khoa phần này là “hay sạch nghiệp chướng”.

Đại ý kinh nói, kinh này linh nghiệm, người như thế đời trước tạo nghiệp địa ngục, vì sức lành mạnh chưa thọ, do đời nay bị người khinh tiện, tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt.

Kinh này vẫn hay tiêu tội nghiệp từ vô lượng kiếp đến giờ, chuyển nặng thành nhẹ, chuyển nhẹ khỏi thọ, lại được Phật quả Bồ-đề. Cứ theo các nhà kinh luận thì tụng hơn hai mươi chương kinh này, gọi là trì kinh.

Có gì dính dáng. Có người nói, kinh tự có linh nghiệm. Nếu như thế, ông thử đem một quyển kinh bỏ ở chỗ trống, xem có cảm ứng hay không ?

Pháp Nhãn nói: “Người chứng Phật địa gọi là trì kinh này.” Trong kinh nói: “Tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này ra.” Hãy nói gọi cái gì là kinh này ?

Đâu phải là gáy vàng bìa đỏ là phải sao ? Chớ nhận lầm trái cân bàn. Kim Cang là dụ cho pháp thể kiên cố nên vật không thể phá hoại, vì cái dụng bén hay phá dẹp tất cả vật, nghĩ đến núi thì núi băng, nghĩ đến biển thì biển cạn, căn cứ trên dụ đặt tên, pháp ấy cũng vậy. Bát-nhã có ba thứ:

1)- Thật tướng Bát-nhã.

2)- Quán chiếu Bát-nhã.

3)- Văn tự Bát-nhã.

Thật tướng Bát-nhã tức là chân trí, một đoạn đại sự đang ở dưới chân các ông, sáng tột xưa nay, vượt hẳn thấy biết, lột trần bày lồ lộ. Quán chiếu Bát-nhã tức là chân cảnh, trong mười hai giờ phóng quang khắp nơi, nghe tiếng thấy sắc. Văn tự Bát-nhã tức là văn tự nói ra, tức như hiện nay người nói kẻ nghe.

Hãy nói là Bát-nhã hay chẳng phải Bát-nhã ? Người xưa nói: Mỗi người tự có một quyển kinh. Lại nói: Tay chẳng cầm quyển kinh, thường tụng như thế. Nếu căn cứ sự linh nghiệm của kinh này, đâu những chuyển nặng thành nhẹ, chuyển nhẹ khỏi thọ, giả sử công năng bằng bậc Thánh cũng chưa phải là kỳ đặc.

Bàng cư sĩ nghe giảng kinh Kim Cang, hỏi Pháp sư: “Kẻ tục có việc nhỏ muốn hỏi, chẳng biết được không ?” Pháp sư đáp: Có nghi xin hỏi. Bàng Uẩn hỏi: Không tướng ngã, không tướng nhân, đã không tướng ngã nhân, bảo ai giảng ai nghe ? Pháp sư không đáp được, lại nói:
Tôi y văn giải nghĩa chẳng biết ý này. Bàng Uẩn làm một bài tụng: “Không ngã cũng không nhân, làm gì có sơ thân, khuyên ông thôi đừng giảng, đâu bằng thẳng cầu chân. Tánh Kim Cang Bát-nhã, ngoài dứt mảy bụi trần, tôi nghe cùng tin nhận, cả thảy đều giả danh.”

Bài tụng này rất hay, rõ ràng một lúc nói xong. Khuê Phong phân khoa tứ cú kệ nói: “Phàm đã có tướng, đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai.” Đây là nghĩa bốn câu kệ, giống như “Người chứng Phật địa gọi là trì kinh này”.

Lại nói: “Nếu do sắc thấy ta, do âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” Đây cũng là bốn câu kệ. Chỉ ở trong đó nhận nghĩa nó thì đúng vậy.

Có vị Tăng hỏi Hối Đường: Thế nào là tứ cú kệ ? Hối Đường đáp: Lời rơi rồi, chẳng biết. Tuyết Đậu ở trên “Kinh này” chỉ ra, nếu có người trì “Kinh này” tức là Bản địa phong quang, Bản lai diện mục của các ông.
Nếu căn cứ Tổ lệnh đang hành Bản địa phong quang, Bản lai diện mục cũng chặt làm ba đoạn, chư Phật ba đời, mười hai phần giáo chẳng tiêu một cái ấn tay. Đến trong đây giả sử có muôn thứ công năng cũng không thể xem xét được.

Người nay chỉ cần tụng kinh, trọn chẳng biết là đạo lý gì ? Chỉ thích nói tôi một ngày tụng được nhiều hay ít, nhận lấy bìa vàng gáy đỏ, chạy theo những hàng chữ mực. Đâu chẳng biết toàn do tự kỷ trên bản tâm dấy khởi, cái này chính là chỗ tụng vậy. Hòa thượng Đại Châu nói: “Nhằm trong thất chồng mấy hòm kinh, xem có phóng quang chăng ?

Chỉ do chính mình một niệm phát tâm là công đức. Vì sao ? Bởi muôn pháp đều xuất phát nơi tâm mình, một niệm tức linh, đã linh tức thông, đã thông tức biến.”

Cổ nhân nói: “Trúc biếc xanh xanh trọn là chân như, hoa vàng rợp rợp đều là Bát-nhã.” Nếu thấy được triệt tức là Chân như, nếu thấy chưa được hãy nói cái gì là Chân như ? Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu người muốn biết rõ tất cả Phật ba đời, nên quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo.”

Nếu ông biết được rồi, chạm cảnh gặp duyên làm chủ làm tông. Nếu chưa thể rõ được, hãy lắng nghe xử phân. Tuyết Đậu mở mắt tụng đại khái, cốt rõ sự linh nghiệm của “Kinh này”.

theo http://www.thuongchieu.net/


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

SỰ KỲ LẠ CỦA KINH KIM CANG
Tác giả: THIỆN QUẢ- ĐÀO VĂN BÌNH

Trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa, có một giai thoại về Kinh Kim Cang còn truyền tụng cho tới ngày nay đó là Lục Tổ Huệ Năng. Huệ Năng sinh trong một gia đình nghèo, phải phụ mẹ bán củi.

Một hôm đi ngang nhà phú ông tụng Kinh Kim Cang có đoạn, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Tâm trụ tức tâm bất trụ”, Huệ Năng hốt nhiên đại ngộ. Huệ Năng về nhà xin mẹ xuất gia với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, được trao truyền y bát của Phật Tổ và trở thành truyền nhân đời thứ sáu của Thiền Tông và cũng là sinh mệnh của Phật Giáo.

Đó là chuyện ở bên Trung Hoa. Còn ở Việt Nam, sách Khoa Cử Việt Nam của Đỗ Trọng Huề, viết chung với thân phụ là Cụ Đỗ Bằng Đoàn, xuất bản năm 1998 tại Gia Nã Đại có một giai thoại liên quan đến Kinh Kim Cang như sau:

“Lê Ích Mộc quê Làng Thanh Lãng, Huyện Thủy Nguyên, Tỉnh Kiến An. Năm Cảnh Thống thứ 5 đời Lê Hiến Tông, lên Thăng Long thi Hội. Qua quãng đường vắng thấy trời sắp tối mà chung quanh tuyệt đối không có xóm làng nào để vào ngủ trọ. Gần đấy chỉ có một ngôi chủa cổ gọi là Chùa Diên Phúc, thầy trò (tiểu đồng) xin vào ngủ nhờ qua đêm.

Sư cụ tiếp đãi rất tử tế, làm cơm chay mời ăn. Ăn xong lên phòng khách uống trà. Lê Ích Mộc thấy trên án thư có bộ Kinh Kim Cương liền mở ra xem suốt từ đầu đến cuối, nhập tâm nhớ hết. Sáng hôm sau từ tạ nhà chùa ra đi sớm.

Khoa ấy có hơn năm ngàn sĩ tử ứng thí. Đầu bài văn sách hỏi về công việc của đế vương trị nước. Hôm yết bảng, Lê Ích Mộc trúng cách. Đến khi thi Đình, Vua Hiến Tông đích thân ra đầu bài văn sách, dài hơn ba tờ giấy viết hai mặt, mỗi mặt chín dòng. Đoạn cuối hỏi về nghĩa lý kinh Phật trong đó có câu:

“Kim Cương tam thập nhị phận, hà phận vô Tu Bồ Đề? (Trong Kinh Kim Cương có 32 phần, phần nào không có chữ Tu Bồ Đề?)
Luận Ngữ thập nhị thiên, hà thiên vô Tử Viết? (Trong sách Luận Ngữ có 20 thiên, thiên nào không có chữ Tử viết tức Khổng Tử nói?)

Lê Ích Mộc vừa xem Kinh Kim Cương ở Chùa Diên Phúc, ông còn nhớ rõ ràng. Ông trả lời:
“Kim Cương tam thập nhị phận, duy pháp hội nhân, do phận vô Tu Bồ Đề.”(Chỉ có phần pháp hội nhân là không có Tu Bồ Đề.)
“Luận Ngữ thập nhị thiên, duy Hương Đảng thiên vô Tử viết.” (Duy có thiên Hương Đảng, thiên thứ 10 là không có hai chữ Tử viết.)
Hôm vua chấm quyển, khen ông học lực quán trường, lấy đỗ Trạng Nguyên trên 60 người khác. Lê Ích Mộc làm quan tới Tả Thị Lang. Khi ông chết, nhân dân địa phương lập miếu và tạc tượng ông thờ ở cạnh Chùạ Diên Phúc. “

Đấy là những chuyện kỳ lạ về Kinh Kim Cang. Còn riêng cá nhân tôi cũng có “duyên kỳ ngộ” với Kinh Kim Cang. Vào khoảng năm 1980, sau năm năm cải tạo, đã thấm mùi đau khổ, anh em tại trại Hà Tây - Hà Sơn Bình bắt đầu tìm vào tôn giáo để làm chỗ dựa tinh thần.

Có lẽ do sự dễ dãi, làm ngơ của các giám thị cho nên đã đem vào được các bộ kinh như Viên Giác, Kim Cang, Pháp Hoa…truyền tay nhau chép lại, nghiên cứu, giảng thuyết và đọc tụng kể cả xin nhà bếp cho ăn chay. Riêng tôi, rất ái mộ hai bộ Viên Giác và Kim Cang. Cứ mỗi tối, ngồi xếp bằng tròn, tụng nho nhỏ Kinh Kim Cang. Có điều lạ là một vài anh em nói rằng họ không dám tụng kinh này vì mỗi lần tụng Kim Cang là thấy ma quỷ hiện lên quấy phá. Còn tôi thì rất thung dung, thoải mái và vui sướng mỗi khi tụng Kim Cang. Chẳng hiểu tại sao.

Được thả ra năm 1984, tôi để lại tất cả cho các bạn chưa được thả. Khi về nhà, tôi ra chợ trời lùng kiếm kinh Phật và may mắn mua được cuốn Kim Cang Kinh của học giả Đoàn Trung Còn, in trên giấy vàng khè, bìa đã sờn rách, xưa cũ lắm rồi. Ở nhà được một tháng tôi quyết định vượt biên với số tiền do bà chị ruột cho. Khi vượt biên, tôi không mang theo gì hết ngoại trừ bộ kinh này.

Tôi lấy một bao ny-lông bọc cuốn kinh lại, nhét trước ngực ở bên trong chiếc áo len, bên ngoài khoác chiếc áo màu xanh công nhân.

Chúng tôi vượt biển tại Bà Rịa và tới một thôm xóm hẻo lánh trên đường Bà Rịa-Vũng Tàu vào lúc 7 giờ tối. Cậu bé hướng đạo đưa chúng tôi vượt qua một khu xóm và tới ven bờ sông. Tại đây chúng tôi chờ trong nghẹt thở đến khoảng 10 giờ đêm mới được tắc-xi (ghe nhỏ) chở ra cửa biển để ra gặp “con cá lớn” (ghe vượt biên). Chờ trong hồi hộp, lo âu muốn vỡ tim suốt đêm đó mà không thấy “con cá lớn” đâu cả. Khi mặt trời ló dạng, chúng tôi nhận ra chỗ mình đang đứng là một khoảng trời nước bao la, chung quanh là rừng tràm bạt ngàn.

Đây là cửa biển, cho nên buổi tối lúc thủy triều lên thì nước ngang tới bụng. Buổi sáng khi nước xuống là một bãi xình lầy không sao ngồi được mà phải đứng lóp ngóp. Toán người vượt biên hết sức lo âu. Cộng thêm nỗi kinh hoàng đó là sự xuất hiện của một gã “canh me” vai vác một con dao thật dài, chèo ghe hết chỗ này chỗ kia…mắt trừng trừng nhìn vào đám người vượt biên đang lúc nhúc ở bãi xình lầy.

Bà chủ ghe sợ quá, lội nước vòng quanh xin mỗi người đóng góp chút tiền cho gã này đi khuất cho rồi. Tôi trút hết số tiền “độ nhật” trong túi đưa bà chủ tàu để cúng gã “canh me” này.

Khi gã “canh me” đi rồi, nỗi lo sợ lại càng tăng thêm. Không còn con đường nào cứu nguy, chỉ còn nương nhờ vào sự linh thiêng, màu nhiệm. Tôi đạp mấy cây bần đè lên nhau để làm chỗ ngồi, nhưng vẫn ướt đầy bùn. Tôi rút cuốn Kinh Kim Cang trong người ra, ngồi xuống và đọc tụng giữa khoảng trời nước mênh mông và trong nỗi lo sợ tột cùng. Chờ suốt cả ngày hôm đó, may đâu vào lúc nửa khuya, “con cá lớn” xuất hiện và chúng tôi leo lên.

Có thể do may mắn, do phúc đức hay do Đại Thần Kim Cang, Thanh Tịnh Trừ Tai Kim Cang hộ trì. (*) tàu đi êm xuôi, không gặp hải tặc và tắp vào bờ biển Terengganu, Mã Lai.

Ở Terengganu một ngày thì được xe đưa tới trại chuyển tiếp Marang rồi được tàu chở ra Đảo Bidong. Ở Bidong được khoảng một tháng thì được tàu di chuyển về Sungai Besi là trại tạm giam ở đất liền, gần Thủ Đô Kualar Lumpur.
Tại Sungai Besi có một ngôi chùa tên Bồ Đề Lan Nhã không biết dựng lên từ lúc nào.

Có điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là đằng sau bức tượng Phật là một bức tranh lớn vẽ cây bồ đề và cảnh trí của một khu rừng theo Trường Phái Lập Thể (Cubic do danh họa Picasso sáng tạo) thật đẹp. Thì ra đây là tác phẩm của họa sĩ Tạ Tỵ, người nổi danh với lối vẽ lập thể, đã vượt biển tới đây trước và đã vẽ bức tranh này.

Vì trại Sungai Besi gần Thủ Đô Kuala Lumpur nên các bà mệnh phụ, giàu có người Hoa thường ghé thăm chùa để an ủi và tặng rất nhiều kinh sách. Thời giờ ở đây rất rảnh rỗi cho nên tôi dành hết thời gian phục vụ cho chùa. Tôi làm Trưởng Ban Hoằng Pháp và được trụ trì tạm thời lúc bấy giờ là Đại Đức Thích Minh Dung (còn trẻ, người Huế) và sau này là Sư Cô Thích Nữ Liên Chi (đã viên tịch) cho đọc tin tức Phật sự trước khi hành lễ.

Tôi lo sợ khi định cư vào Mỹ không có kinh sách cho nên tôi ra sức chép kinh. Tôi đã chép The Diamond Sutra (Kinh Kim Cang) do Ngài Kumarajiva dịch từ tiếng Sanskrit ra tiếng Hán rồi do Ngài Upasaka Lu K’uan-Yu dịch từ tiếng Hán qua tiếng Anh. Rồi Bát Nhã Tâm Kinh (The Prajna -Paramita- Hridaya Sutra) do ngài Hsuan Tsang dịch từ Sanskrit sang tiếng Hán và ngài Upasaka Lu K’uan-Yu dịch từ tiếng Hán qua tiếng Anh.

Rồi Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện (The Great Vows of Samantabhadra) của Garmac C.C. Chang dịch từ tiếng Hán qua tiếng Anh. Rồi Ullambana Sutra (Phật thuyết Vu Lan Bồn Kinh) bằng tiếng Anh. Ở trại tỵ nạn xa nhà, cô đơn, buồn tủi, không biết mai đây sẽ trôi giạt về nơi nao cho nên thèm thuốc lá kinh khủng.

Không thuốc lá kể như chết nửa đời người. Thế nhưng tôi miệt mài chép kinh từ sáng tới 12 giờ trưa, chẳng nhớ đến thuốc và chẳng hút điếu nào. Khi chợt tỉnh, trong tôi lóe lên một ý tưởng, “Từ sáng tới giờ mình không hút điếu nào. Thôi thì bỏ không hút nữa.” Và không biết có phải do “Phật pháp nhiệm màu” mà ngay giờ từ phút đó tôi bỏ luôn thuốc lá và cho tới nay, hơn 35 năm tôi không cầm tới điếu thuốc lá …dù để cầm chơi cho đỡ nhớ.


Lên đường định cư vào Hoa Kỳ năm 1985, tôi mang theo cuốn Kinh Kim Cang và tất cả những kinh gì tôi ghi chép tại Sungai Besi. Tất cả hiện đang ở trước mắt tôi đây. Riêng với bộ Kinh Kim Cang, tôi không phải chỉ đọc tụng, mà đặt trên bàn thờ Phật để “thờ” và đã đọc tụng suốt mấy chục năm qua.

Đọc tụng như thế đã bao lần, nhưng có một lần cách đây vài năm. Khi đọc tới đoạn “Này Tu Bổ Đề, pháp cao thượng còn xả bỏ huống hồ không phải pháp.” tự nhiên tôi không cầm được nước mắt và cứ vừa đọc tụng vừa khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi đột nhiên xúc động vì tấm lòng cao thượng và khiêm tốn của Đức Phật – điểu chưa từng thấy trong số các giáo chủ của các tôn giáo trên thế giới.

Có giáo chủ tôn giáo nào dám nói tới việc xả bỏ giáo pháp của mình không? Chỉ có Đức Phật mà thôi. Giáo pháp của ngài đứng sừng sững trong dòng tư tưởng và tâm linh của nhân loại đã hơn 2500 năm và đang có khuynh hướng trở thành lương tâm của nhân loại.

Thế nhưng nếu ta cứ chấp chước vào đó thì chúng ta sẽ bị pháp trói buộc. Khi đã hết khổ, khi đã ung dung tự tại, thì giáo pháp cần phải xả bỏ cũng như chiếc bè đã qua sông thì ôm chiếc bè làm gì? Một số tôn giáo trở nên cực đoan vì chấp trước vào giáo pháp của mình là tối thượng, là tối linh là miên viễn cho nên đã gây khổ đau cho nhân loại.

Giáo pháp của Phật chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Nếu cần xả bỏ thì phải xả bỏ. Thật vĩ đại thay tư tưởng của Phật. Thật từ bi thay giáo pháp của Phật. Thật lành thay tấm lòng của Phật. Cũng chính vì thế mà khi Phật thuyết Kinh Kim Cang, vì hiểu được tấm lòng của Phật mà ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề đã khóc.


Kể về những giai thoại liên quan đến Kinh Kim Cang trong lịch sử và duyên may của chính bản thân mình với kinh này, tôi không có ý đề cao sự màu nhiệm của Kinh Kim Cang.

Cái đó để từng người phán xét “Linh tại ngã, bất linh tại ngã.” Sự màu nhiệm ở đây không phải Kinh Kim Cang đã giúp tôi qua cơn nguy khốn rồi bỏ được thuốc lá…mà là ý nghĩa tuyệt vời của kinh.

Muốn giải thoát, muốn an nhiên tự tại, hành giả phải phá chấp, không chấp trụ vào đâu, dù là giáo pháp để sanh tâm mình. Tâm không trụ là tâm Phật. Đó là yếu chỉ của Kim Cang. Kinh Kim Cang chính là kinh phá bỏ mọi ràng buộc để đi tới thanh tịnh, giải thoát.


Sự vĩ đại của một con người không nằm ở chỗ gom góp tất cả những gì đang có trên thế gian này để làm của cải hay tài sản riêng cho mình. Sự vĩ đại nằm ở chỗ dám xả bỏ tất cả những gì mình đang có để cống hiến cho đời. Và Đức Phật chính là con người như vậy.

Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 22/5/2019)


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Ứng dụng KINH KIM CANG như một liệu pháp trong tham vấn và trị liệu tâm lý

Tác giả: ThS NGÔ MINH DUY

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và ứng dụng Kinh Kim Cang trong hoạt động tham vấn và trị liệu tâm lý cho những thân chủ có tâm bệnh, tác giả nhận thấy, sau khi được điều trị bằng liệu pháp này, thân chủ đã có những biến đổi khá tích cực, giải quyết vấn đề tận gốc và khả năng tái phát rất ít.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày Kinh Kim Cang như một liệu pháp tâm lý dùng để điều trị tâm bệnh cho con người và tạm gọi là LIỆU PHÁP AN TRỤ VÀ HÀNG PHỤC TÂM mà bản thân tác giả đã lĩnh hội và ứng dụng thành công.

Nếu quý vị muốn nghiên cứu bộ kinh này, vui lòng tải tài liệu từ đây.

1. Khái lược về KINH KIM CANG và nguyên lý nảy sinh TÂM BỆNH theo Kinh Kim Cang
1.1. KHÁI LƯỢC VỀ KINH KIM CANG

Kinh Kim Cang hay còn được gọi là kinh Kim Cương do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết bằng tiếng Phạn.

Về sau, kinh Kim Cang được truyền qua Trung Quốc và được phiên dịch sang chữ Hán. Kinh Kim Cang được nhiều học giả nghiên cứu và phiên dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt như: hòa thượng Thích Trí Tịnh, hòa thượng Thích Thiện Hoa, thượng tọa Huệ Hưng…

Trong các bản dịch sang tiếng Việt, bản dịch và giảng giải của hòa thượng Thích Thanh Từ giúp người đọc dễ lĩnh hội tinh thần của kinh Kim Cang nhất.

Kinh Kim Cang có tên đầy đủ là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. Kim Cang là chất cứng và có thể phá hoại các thứ khác mà các loại khác không thể phá lại nó.

Bát-nhã là trí tuệ, loại trí tuệ này trong nhà Phật giúp con người thấu rõ chính xác bản chất của tất cả các sự vật, hiện tượng. Ba-la-mật có nghĩa là “đến bờ giải thoát” hay “giải quyết tận gốc rễ vấn đề”.

Như vậy, người có trí bát-nhã là người thấy đúng lẽ thật, thấy đúng bản chất của sự vật, hiện tượng từ đó dẹp tan được mê lầm chấp trước để giải thoát thân và tâm.

Trong bộ kinh này, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trình bày rất nhiều vấn đề, tuy nhiên phương pháp an trụ tâm và hàng phục tâm là những nội dung mà nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần nên nghiên cứu, tìm hiểu.

1.2. NGUYÊN LÝ NẢY SINH TÂM BỆNH THEO KINH KIM CANG

Theo quan điểm chung của Phật giáo, nguyên nhân chính dẫn đến tâm bệnh (khổ) là do vô minh. Vô minh là không sáng suốt, không hiểu rõ bản chất vấn đề, không thấy đúng lẽ thật.

Tư tưởng này cũng thể hiện rõ trong Kinh Kim Cang. Theo Kinh Kim Cang, tâm bệnh phát sinh là do chúng ta không an trụ và hàng phục được tâm mình. Vì thế, đức Phật đã hướng dẫn phương pháp an trụ và hàng phục tâm để điều trị tâm bệnh.

PHƯƠNG PHÁP HÀNG PHỤC TÂM

Theo đức Phật, khi tiếp xúc với cảnh vật, với người hoặc với vật thì niệm (ý nghĩ) trong tâm trí chúng ta sẽ phát sinh. Mỗi một niệm (ý nghĩ) trong tâm xuất hiện, chúng ta liền biết nó giả chứ không thật và ý nghĩ đó liền lắng xuống. Tại sao lại là giả mà không phải là thật? Muốn hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần phải tìm hiểu triết lý nhân duyên trong Phật giáo.

Theo thuyết nhân duyên, vạn vật là do duyên sanh và cũng là do duyên diệt. Khi hội đủ các duyên thì hình thành nên sự vật, hiện tượng, con người và cả vũ trụ này. Khi hết duyên rồi thì tan rã trở về với cát bụi vô thường.

Ví dụ: Muốn có cái bàn thì phải có gỗ, có đinh, có tác động cưa, đục, đẽo, đóng, ráp của người thợ mộc để tạo thành các bộ phận của cái bàn, lắp chúng lại với nhau mới hình thành cái bàn. Sự kết hợp này được gọi là “duyên sanh”. Nhờ các duyên hội đủ mà có cái gọi là “cái bàn”. Khi các bộ phận của cái bàn đã hư hoại không còn hình tướng là cái bàn nữa đó là duyên diệt.

Con người chúng ta cũng vậy, theo lý nhân duyên, con người chúng ta bản chất là do 4 yếu tố chính (tứ đại) hợp thành (đất, nước, gió, lửa). Yếu tố đất: thịt, xương, các bộ phận trên cơ thể; nước: máu huyết, nước tiểu…; gió: hơi thở; lửa: hơi ấm của nhiệt độ cơ thể. Nếu các yếu tố này duyên với nhau sẽ hình thành sự sống.

Nếu một trong 4 yếu tố này không còn (duyên diệt) thì sự sống không còn, con người cũng trở thành cát bụi. Như vậy, sự sống của con người cũng như vạn vật trong vũ trụ có bản chất là do duyên sanh chứ chúng đâu có thực có. Cái có đó chỉ là tạm bợ trong một khoảng thời gian nhờ duyên thôi, vậy mà chúng ta chấp thân này là có thật.

Chấp thân này là có thật nên những lời nói và hành động của người khác đối xử với chúng ta chúng ta cũng xem là thật nên chúng ta đau khổ, buồn bã, giận, hờn, thương, ghét… Tư tưởng “sắc tức thì không, không tức thị sắc” trong Kinh Bát Nhã chính là ở chỗ này.

Người hiểu và hành trì Kinh Kim Cang thì phải nhận thức cái thân xác của mình là tạm có do nhân duyên chứ không phải thực có nên không thể tồn tại vĩnh viễn được. Cái thân này còn không thật có thì những lời nói, hành vi của người khác với mình thì cũng chỉ là đồ giả hơi đâu mà chấp, hơi sức đâu mà bận tâm. Làm được như thế thì chúng ta đã dần hàng phục được tâm mình.

1.3. AN TRỤ TÂM

Theo đức Phật, tâm chúng ta loạn động, chúng ta đau khổ là vì bị dính với 6 yếu tố (nhà Phật gọi là 6 trần): màu sắc/hình dáng (sắc); âm thanh (thanh); mùi hương (hương); mùi vị (vị); cảm giác: cứng mềm, nóng, lạnh (xúc); những hình ảnh, màu sắc, hương vị, cảm giác được lưu lại từ 5 loại trên (pháp).

Chúng ta không trụ được tâm là vì tâm chúng ta dính mắc với 6 yếu tố này. Vì vậy, muốn an trụ tâm thì chúng ta phải buông xã, không dính mắc tới sáu yếu tố này nữa.

Bởi vì, 6 yếu tố này cũng như thân chúng ta và vạn vật trong vụ trụ đều là không thật có. Có nghĩa là, ai chửi chúng ta chúng ta không thèm chấp vào những lời chửi mắng đó (không trụ nơi thanh) vì chúng ta đã hiểu được bản chất của tất cả các sự vật hiện tượng trong vụ trụ này là do nhân duyên.

Cái thân của người đó còn không thật thì những lời chửi bới đó đâu có thật, không có thật thì chấp làm chi, buồn giận làm chi? Như vậy, không trụ tức là trụ (không dính mắc với 6 yếu tố trên) tức là chúng ta đã an trụ được tâm mình.

2. Phương pháp tham vấn và TRỊ LIỆU TÂM LÝ THEO LIỆU PHÁP AN TRỤ và Hàng Phục Tâm

Tiến trình tham vấn và trị liệu tâm lý theo Liệu pháp An trụ và hàng phục tâm được tiến hành theo các bước sau:
2.1. THIẾT LẬP MỐI QUAN HỆ TIN CẬY TRONG THAM VẤN/TRỊ LIỆU TÂM LÝ

Đây là giai đoạn khá quan trọng trong nhiều liệu pháp. Nhà tham vấn/trị liệu cần thiết lập mối quan hệ hỗ trợ tin cậy theo đúng nghĩa của nó và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức hành nghề. Mối quan hệ tin cậy được thiết lập có tác dụng tăng niềm tin và làm giảm tính phòng vệ của thân chủ. Điều này có tác dụng không nhỏ đến kết quả tham vấn/trị liệu.

2.2. GIẢI TỎA CẢM XÚC TIÊU CỰC
Thân chủ khi gặp khó khăn thường bị ức chế về cảm xúc. Một khi cảm xúc bị ức chế sẽ làm cho khả năng nhận thức và điều chỉnh nhận thức bị hạn chế. Một ly nước đã đầy thì dù bạn có rót cỡ nào đi chăng nữa thì nước vẫn tràn ra khỏi ly và chảy lênh láng. Vì thế, muốn rót nước vào ly, bạn phải lấy bớt nước trong ly ra ngoài.

Vì thế, nhà tham vấn/trị liệu cần phải giải tỏa cảm xúc cho thân chủ trước để tiến trình tham vấn/trị liệu diễn ra thuận lợi và đạt được nhiều thành tựu. Để làm được việc này, nhà tham vấn trị liệu có thể dùng kỹ thuật trò chuyện không định hướng trong tham vấn/trị liệu theo trường phái Thân chủ trọng tâm của Carl Rogers hoặc kỹ thuật chiếc ghế trống của liệu pháp Gestalt hoặc là Kỹ Năng Bày Tỏ Cảm Xúc.

2.3. GIÚP THÂN CHỦ HIỂU RÕ TRIẾT LÝ NHÂN DUYÊN
Sau khi đã thiết lập được mối quan hệ tin cậy và giải tỏa cảm xúc tiêu cực cho thân chủ. Nhà tham vấn trị liệu bắt đầu công việc giúp thân chủ nhận thức về triết lý nhân duyên của Phật giáo.
Mục tiêu chính ở giai đoạn này là thân chủ phải nhận thức được rằng, vạn vật trong vũ trụ, kể cả con người chúng ta là không thật có mà đó chỉ là sự tồn tại do nhân duyên nên chỉ mang tính chất tạm bợ và không thể tồn tại vĩnh viễn được.

Đây là giai đoạn tốn khá nhiều thời gian trong tiến trình tham vấn/trị liệu. Bởi vì, quan niệm của thế gian, cái gì vốn hữu hình là thật có. Vậy mà nhà tham vấn/nhà trị liệu phải giúp thân chủ suy nghĩ ngược lại quan niệm này. Đây cũng là một trong những lý do tại sao sau khi đức Phật thành đạo ngài chỉ ngồi tại gốc cây mà không đi thuyết pháp độ sanh.

Bởi vì ngài nhận thấy rằng, chúng sanh bị yếu tố vô minh che lấp trí tuệ nên đau khổ và muốn thay đổi là điều này là việc làm không phải dễ. Trong giai đoạn này, nhà tham vấn/nhà trị liệu cần gợi mở và dẫn chứng những ví dụ cho thân chủ nhận thức vấn đề. Ở giai đoạn này, nếu thành công, thân chủ sẽ có sự thay đổi đáng kể trong nội tâm.

Đây là một thay đổi rất lớn trong nội tâm vì thế, cảm giác bất an, lo lắng của thân chủ sẽ xuất hiện. Sự khuyến khích và động viên của nhà tham vấn/nhà trị liệu trong giai đoạn này là rất cần thiết. Giai đoạn này có thể kéo dài tối thiểu từ 4-9 phiên/buổi tham vấn/trị liệu.

2.4. ĐƯA TRIẾT LÝ NHÂN DUYÊN VÀO VIỆC NHÌN NHẬN VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN MÀ THÂN CHỦ ĐANG GẶP PHẢI

Sau khi thân chủ đã nhận thức đầy đủ, hiểu khá nhiều về triết lý nhân duyên. Nhà tham vấn/nhà trị liệu dùng triết lý này giúp thân chủ nhìn lại bản thân mình, vấn đề khó khăn mình đang gặp phải để tìm ra nguyên nhân phát sinh vấn đề.

Mục tiêu của giai đoạn này là giúp thân chủ nhận thức được rằng mình không an trụ và hàng phục được tâm của chính mình bởi vì thân chủ vẫn còn chấp “có” và thân chủ còn dính mắc với 6 yếu tố như đã đề cập ở trên (lục trần). Thân chủ sẽ khám phá được căn nguyên của khó khăn mình đang gặp phải và cách thay đổi nó để giải quyết vấn đề.

2.5. HƯỚNG DẪN THÂN CHỦ THỰC HÀNH PHƯƠNG PHÁP AN TRỤ VÀ HÀNG PHỤC TÂM
Đến giai đoạn này, nhà tham vấn/nhà trị liệu hướng dẫn và giải thích cách thức thực hiện biện pháp an trụ và hàng phục tâm. Thực hành phương pháp này trong cuộc sống thường nhật trong một khoảng thời gian để hình thành thói quen mới trong suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống.

2.6. LƯỢNG GIÁ VÀ KẾT THÚC TIẾN TRÌNH THAM VẤN/TRỊ LIỆU TÂM LÝ

Đây là bước cuối cùng trong tiến trình tham vấn/trị liệu tâm lý theo liệu pháp này. Ở giai đoạn này, nhà tham vấn/nhà trị liệu giúp thân chủ nhận thức tiến trình đã trải qua, từ nhu cầu ban đầu của thân chủ và kết quả ở hiện tại, chúc mừng những thành công của thân chủ và tái cam kết hỗ trợ và nâng đỡ thân chủ khi vấn đề tái phát.

3. HẠN CHẾ CỦA LIỆU PHÁP AN TRỤ VÀ HÀNG PHỤC TÂM

Như đã trình bày ở trên, liệu pháp An trụ và hàng phục tâm được đúc kết từ Kinh Kim Cang-một bộ kinh khá nổi tiếng của Phật giáo. Vì thế, liệu pháp này sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cho những thân chủ là Phật tử (người theo đạo Phật) và cả những thân chủ theo chủ nghĩa vô thần.

Tuy nhiên, với những thân chủ thuộc tôn giáo khác có tư duy kỳ thị tôn giáo thì rất khó hoặc không thể dùng được. Nếu dùng liệu pháp này cho thân chủ có tư tưởng kỳ thị tôn giáo, thân chủ đó sẽ khó tiếp nhận và sẽ bị “dội”.

Tiến trình tham vấn/trị liệu có nguy cơ bị gián đoạn. Nhà tham vấn/nhà trị liệu cũng phải là người có am hiểu về kiến thức Phật học và sống được với tinh thần của Kinh Kim Cang.

4. KẾT LUẬN
Chúng ta không bàn nhiều đến khía cạnh tôn giáo của Kinh Kim Cang trong liệu pháp này. Là một nhà khoa học, một người làm công tác tham vấn và trị liệu tâm lý, chúng ta cần phải tìm kiếm những phương pháp tác động tích cực từ các liệu pháp khác nhau nhằm hỗ trợ và nâng đỡ cho tiến trình phục hồi và giải quyết khó khăn (tâm bệnh) của thân chủ.

Trên đây là kết quả bước đầu trong việc ứng dụng liệu pháp An trụ và Hàng Phục Tâm trong công tác tham vấn/trị liệu tâm lý của tác giả xin được chia sẻ với những ai quan tâm đến lĩnh vực tham vấn và trị liệu tâm lý.

Tác giả rất mong nhận được những đóng góp ý kiến từ các nhà chuyên môn, các nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý và các bậc thiện hữu tri thức để liệu pháp này ngày càng hoàn thiện hơn.

Tác giả bài viết: ThS Ngô Minh Duy


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

LINH ỨNG TỤNG KINH KIM CANG
TỪ QUANG
(Trích “NHÂN QUẢ GIẢI THEO PHẬT GIÁO”- sưu tầm & biên dịch: Hạnh Đoan)

Tác giả bài viết này là cư sĩ Từ Quang, cả nhà ông đều là những nhà khoa học lỗi lạc. Song thân ông là hai khoa học gia, đồng công tác tại Viện Khoa học Trung Quốc. Sau khi tác giả nghiên cứu Phật giáo, sinh cảm phục và phát tâm qui y Tam Bảo.

Chính lòng hiếu thảo và tâm thành ứng dụng Phật pháp của ông đã cứu được mẹ ngay lúc một chân bà đã bước vào quỷ môn quan. Nhờ vậy mà cha mẹ ông hồi tâm, đồng bước vào con đường tu học theo Phật.

Câu chuyện này hoàn toàn có thật và rất đáng tin. Mời quý vị xem bài văn tự thuật của ông:

“Tháng 02 năm 1989 tôi qui y Phật tại chùa Ngoạ Long ở Tây An ( Trung Quốc ) với Đại sư Trí Chân. Năm 1991 tôi đến nhậm chức và giảng dạy tại một Cao học nọ ở Bắc Kinh. Hơn 20 năm nay, tôi chuyên giảng dạy đào tạo người, vừa nghiên cứu khoa học vừa tu hành, tuy chưa đủ tinh tấn, nhưng trong sinh hoạt lẫn công tác đã hưởng được nhiều lợi ích thâm sâu.

Trước đây, những chuyện học Phật chiêu cảm ứng vô biên toàn là tôi được nghe các pháp lữ kể. Nhưng sau này thì chính tôi đích thân trải qua. Chuyện có thật này phát sinh ngay tại nhà tôi, kỳ lạ và huyền diệu không lường. Vì muốn báo ân chư Phật, Bồ Tát, tôi xin đem việc này thuật lại, mong chư vị Phật tử tăng trưởng thêm lòng tin chân chánh kiên định.

Đầu năm 2008, mẹ tôi bệnh tim và cao huyết áp nghiêm trọng, chưa đầy nửa năm đã bốn lần do tim đập nhanh, ngừng đột ngột mà bị hôn mê ngất xỉu.

Có lần ba tôi ra chợ mua đồ, mới rời mẹ tôi ra ngoài chừng nửa tiếng, thì khi về đã thấy bà té nằm trên đất, dập đầu chảy máu… rồi sau đó dù bà có tỉnh, nhưng không đủ sức bò dậy.

Lúc tôi đưa mẹ đến các bệnh viện lớn điều trị, mẹ tôi không còn sức để đi. Bác sĩ khám, thấy tim mẹ tôi đập nhanh, hay bị hồi hộp, hoảng loạn, mạch bị bế và nhảy bất thường.

Bác sĩ bảo: người già 85 tuổi mà mổ, sẽ nguy hiểm rất lớn, nếu không suy kiệt đến cùng thì cố gắng không phẫu thuật, vì vậy chỉ có thể dùng thuốc để xoa dịu bệnh tình thôi.

Đến năm 2009, mẹ tôi cứ cách một, hai ngày là phát bệnh, cơ hồ suốt đêm không ngủ được. Bác sĩ cho thuốc trị tim và cao huyết áp nhưng thảy đều vô hiệu. Thế nên tôi thật buồn khi nhìn cảnh mẹ tôi trị bệnh không hiệu quả. Những khi tiết trời thay đổi, bệnh bà càng trở nặng.

Thậm chí đài khí tượng mới dự báo khí lạnh vừa đến Tân Cương là mẹ tôi đã cảm thấy khó chịu rồi. Thân thể bà suy cực điểm. Ban đêm tim thường bị ngừng đập hoặc nhảy loạn xạ, gây cho bà cảm giác hồi hộp khủng hoảng…
Thứ bảy cuối tháng 5/2009, tôi đến thôn Trung Quan thăm song thân. Cha tôi bảo:

- Khí trời mùa hạ oi bức, nung nấu như thế này, e rằng mẹ con không qua khỏi.

Không thể ngồi đó nhìn mẹ chờ chết, trong giây phút nguy cấp tôi nghĩ đến Phật pháp, và muốn ngầm tạo công đức cho mẫu thân. Lúc đó tôi mới thuộc “kinh Kim Cang”. Tôi biết công đức “kinh Kim Cang” vi diệu không thể nghĩ lường, nên quyết định tụng “kinh Kim Cang” hồi hướng công đức cho bà, cầu chư Phật Bồ tát gia hộ bệnh mẹ tôi chuyển tốt.

Thế là Chủ nhật tôi bắt đầu tụng, hằng ngày cứ 5 giờ sáng tôi thức dậy tụng một bộ “kinh Kim Cang”, tụng rồi thì hồi hướng hai nguyện:

1. Trước tiên là cầu cho oan gia trái chủ của mẫu thân. (Học Phật hơn 20 năm, tôi biết những bệnh chữa trị vô hiệu đều thuộc về nghiệp chướng, nhất định do oan gia trái chủ tìm đến đòi nợ, quấy nhiễu… Vì vậy rất cần hồi hướng cho những oan gia trái chủ mà mắt phàm không nhìn thấy này). Nội dung hồi hướng đại khái như sau:

“Tôi xin hồi hướng công đức tụng ‘kinh Kim Cang” này cho tất cả oan gia trái chủ của mẫu thân, xin chư vị oan gia trái chủ đừng hành hạ giày vò mẹ tôi nữa, tôi biết các vị rất khổ, mẹ tôi cũng khổ. Nhưng cứ quấy nhiễu thế này sẽ khiến đôi bên đều bị thiệt hại. Giờ đây tôi tụng kinh Kim Cang xin hồi hướng công đức cho chư vị, cầu chư vị tiêu nghiệp chướng, có thể ly khổ đắc lạc, thác sinh vào cõi lành, mong chư vị phát tâm qui y Tam Bảo, tin và nguyện niệm Phật, vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới”.

2. Sau đó tôi hồi hướng cho mẫu thân như sau:

“Nguyện mẹ con nghiệp chướng tiêu trừ, phúc huệ tăng trưởng, khang kiện trường thọ, phát tâm tin và nguyện niệm Phật, sau khi mãn báo thân này, vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới”.
Tôi tụng một tuần, xong bảy bộ “kinh Kim Cang”. Bởi lúc tụng vào khoảng 5 giờ sáng, sợ làm ảnh hưởng giấc ngủ người thân nên tôi chỉ tụng thầm, lúc tụng Văn hồi hướng cũng niệm thầm, trong tâm tưởng rõ ràng từng biến, chỉ là không đọc ra tiếng.

Nhưng mà chuyện tụng “kinh Kim Cang” hồi hướng cho mẹ này, tôi tuyệt chẳng hé răng nói với mẹ hay bất kỳ ai hết.
Sau một tuần, tôi đi Trung Quan thăm song thân, khi tôi hỏi thăm bệnh tình của mẹ, phụ thân tôi tỏ vẻ hưng phấn nói:
- Thật may, cả tuần nay tim và huyết áp của mẹ con đều ổn cho nên hằng ngày bà ngủ rất ngon. Liên tục 7 ngày mà không phát bệnh, đây là việc chưa từng có gần một năm nay.
Nghe vậy tôi khấp khởi mừng, thầm đoán rằng chuyện mình tụng kinh cho mẹ đã có tác dụng…
Thế là tôi kể cho mọi người nghe sự tình, ai nghe xong cũng kinh ngạc, đồng cho là vi diệu không thể lường!
Sau đó mẹ mới khai ra chuyện bà giấu diếm bấy lâu, tôi nghe càng chấn động dữ. Mẹ tôi thổ lộ rằng trước đây bà sợ nói ra cả nhà sẽ không ai thèm tin nên đành im lặng.

Số là gần một năm nay, tối nào bà cũng bị huyết áp tăng cao, tim mệt cực kỳ, ngủ không được, hơn nữa còn luôn nhìn thấy có người đi qua lại trong nhà.
Mẹ tôi nhấn mạnh là bà không hề nằm mơ, vẫn hoàn toàn tỉnh táo, vậy mà luôn nhìn thấy đám người đó! Tôi hơi hoảng, hỏi liền:
- Họ ra sao?
Mẹ đáp:
- Họ có đủ nam nữ, tuổi tương đối lớn…
- Thế hình dáng thế nào?
- Đa số mẹ không nhìn rõ mặt mày. Không chỉ có vậy, vào nửa khuya mẹ còn nghe tiếng phụ nữ khóc lóc. Có lần còn bị một ông to lớn cường tráng, tướng mạo hung dữ nhào đến chụp cánh tay mẹ, mẹ giằng lại, thoát ra…
Mẹ giải thích:
- Bởi vì sợ thấy đám người này nên mỗi tối ngủ mẹ đều không dám quay mặt ra ngoài. Nhưng dù có nằm quay vô vách, thì lần nọ, trước mặt mẹ chưa đầy 30 cm bỗng xuất hiện một kẻ vừa già, vừa xấu, cực kỳ dơ bẩn hôi tanh… đến nỗi mẹ phải nôn thốc nôn tháo, ói mửa liên hồi, rồi kẻ quái dị đó mới biến mất.
Trước 1949 mẹ tôi tốt nghiệp đại học, hồi chưa nghỉ hưu từng là nhân viên “Viện Nghiên cứu Khoa học cao cấp Trung Quốc”, bà làm việc tại Thôn Trung Quan, do bản thân là dân trí thức cấp cao lại có bề dày công tác mấy mươi năm tại Viện Khoa học, bà đâu bao giờ tiếp xúc với những gì được xếp loại là mê tín?
Tất nhiên chẳng thể nào chấp nhận được các hiện tượng (bao gồm người và vật) thuộc lãnh vực này, bà không bao giờ tin là có quỷ thần! Nhưng lần này, oái ăm thay!
Chính bà lại đích thân diện kiến quỷ khi còn đang sống, lại không phải do ảo giác mà thấy, điều này khiến mẹ tôi dù không muốn, cũng phải tin!
Tôi hỏi:
- Sao mẹ không nói sớm cho con biết? Mẹ không hiểu chuyện này rất nguy hiểm và đáng sợ hay sao? Điểm đáng sợ chính là, khi đó một chân mẹ đã bước vào quỷ môn quan rồi!
Tôi giải thích cho mẹ rõ:
- Trong lục đạo, thì Nhân đạo, Súc sinh đạo và Quỷ đạo… cả ba cõi này đồng sống trong một không gian. Cõi súc sinh chúng ta có thể nhìn thấy, nhưng cõi quỷ thuộc âm tính, vì vậy mà con người bình thường nhờ dương khí thịnh hơn nên những chúng sinh cõi quỷ không cách chi tiếp cận được, bởi vậy mà ta không thấy họ.
Thế nhưng các oan gia trái chủ đã qua đời hiện đoạ trong Quỷ đạo luôn chực sẵn, đợi lúc con người bệnh nặng hoặc sắp chết, khí âm thịnh và dương suy, thì chúng lập tức đến tiếp cận để đòi nợ, hành hạ, báo thù…
Vì vậy ngay giây phút mẹ nhìn thấy chúng sinh cõi Quỷ tức là một chân đã bước vào cõi chết rồi, nếu mẹ chịu báo sớm cho con hay mọi điều, thì con có thể làm Phật sự để giải cứu mẹ sớm hơn…
Mẹ nói:
- Nhưng khoảng một tuần nay mẹ không còn thấy quỷ nữa (chính là bắt đầu từ hôm tôi tụng kinh hồi hướng công đức cho mẹ và oan gia trái chủ của bà thì ngay tối đó chúng quỷ đã biến mất hết, suốt cả tuần không đến quấy rầy nữa).

Trọn cả nửa năm sau đó, tôi một bề tụng “kinh Kim Cang” hồi hướng cho song thân, tụng khoảng 100 bộ. Kể từ chủ nhật mùa hạ năm 2009 trở về sau, bệnh tim và chứng cao huyết áp của mẹ tôi đã chuyển tốt, mỗi ngày uống thuốc một lần, lượng thuốc cũng giảm đi phân nửa, ít hơn bình thường.

Song thân tôi thuộc giới trí thức, họ tốt nghiệp đại học trước 1949, cùng là nhà khoa học ưu tú, công tác tại Viện Khoa học cao cấp nên thuyết phục họ tin Phật rất khó.
Tôi học Phật đã hơn hai mươi năm, một bề tuyên dương Phật pháp cho song thân hiểu, nhưng gia phụ một mực bán tin bán nghi, còn mẹ thì dứt khoát không tin.

Nhưng kể từ lúc tôi tụng “KINH KIM CANG” cầu cho mẹ, chiêu được cảm ứng vi diệu, chính việc này đã khiến hai nhà khoa học gia cứng cỏi của tôi chấn động và cảm kích, lần này thì hai vị hoàn toàn tâm phục khẩu phục, bắt đầu tin Phật giáo và phát tâm niệm Phật cầu sinh Tây Phương.

Mẹ tôi năm nay 88 tuổi, hằng ngày, mỗi sáng, tối bà đều bỏ ra một tiếng đi tản bộ, vừa đi vừa niệm Phật, tinh thần và sức khoẻ sung mãn, so với nửa năm trước giống như là hai người khác nhau vậy.

Gia phụ cũng 88 tuổi, hàng ngày ông kinh hành niệm Phật hơn hai tiếng.Tôi còn mua một máy niệm Phật, cho mở ở nhà suốt 24 giờ, hỗ trợ song thân nhiếp tâm mạnh thêm.

Chuyện cảm ứng của tôi, nếu nhận xét theo khoa học vẫn hội đủ điều kiện để chứng minh:

Rõ ràng là, suốt tuần lễ tôi tụng ‘kinh Kim Cang’ cầu cho mẹ, tôi không hề thổ lộ điều này cho song thân hoặc bất kỳ ai biết, và ngay trong thời gian tụng kinh tôi cũng hoàn toàn không hay biết gì về chuyện bí ẩn của mẹ.

Vì vậy khi mọi sự được hoá giải êm đẹp, chẳng thể kết luận rằng tất cả đều do tôi “tự kỷ ám thị” hoặc “ảo giác” tạo thành.

Do vậy mà tôi hoàn toàn xác tín công đức ‘kinh Kim Cang’ quả thực mầu nhiệm không thể nghĩ lường.

Trích “NHÂN QUẢ GIẢI THEO PHẬT GIÁO”- sưu tầm & biên dịch: Hạnh Đoan)
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 12/04/20 07:50 với 1 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

TÔI ĐÃ KHỎI BỆNH NHƯ THẾ.
Nguồn :sưu tầm trên internet


“Tôi tên Phạm Thị Hiền, sinh năm 1934, hiện sống tại số 9 ngõ 78 Phố Thái Thịnh, Hà Nội.

Gần hai mươi năm nay, tôi bị chứng bệnh xương khớp, đau đầu gối, đau lưng… dày vò, dù đã chạy chữa khắp nơi, nào bệnh viện tư, nào thầy thuốc danh tiếng, nào là lương y gia truyền, cứ nơi nào báo đăng là có thầy thuốc giỏi là tôi tìm đến, có khi mấy trăm ngàn một thang thuốc mà uống chỉ đỡ được vài hôm là bị lại như cũ, không tài nào khỏi được.

Mà bệnh xương khớp ai bị rồi thì đều biết, nó hành hạ con người ta khổ sở tới mức nào, ngày đêm đau nhức, ăn không ngon, ngủ không yên với cái cơn đau dai dẳng ấy, cứ như có người cưa cắt, đục đẽo gì trong xương tủy mình vậy.
Nhiều khi chỉ muốn tháo hẳn cái khớp này mà vứt quách đi cho xong, thế mà tôi cứ bị liên miên như thế suốt mười mấy hai chục năm trời.

Mới gần đây, con gái tôi thông qua facebook, có xin về một cuốn sách, tựa là “BỆNH VIỆN TRẢ VỀ, PHẬT PHÁP CỨU SỐNG”, tôi xem qua và như bừng tỉnh. Hóa ra trên đời này quả thực có báo ứng, có nhân, có quả , chi ly từng chút không hể sai sót. Đáng sợ thật !

Và cứ thế tôi vừa đọc, vừa hồi tưởng lại những sai lầm suốt hơn tám mươi năm cuộc đời của mình. Có những câu truyện tôi xem qua mà như thấy chính mình trong đó, cũng tội lỗi như thế, cũng báo ứng như thế, khiến tôi thực sự thấm thía cái đạo lí nhân quả , nghe thì thấy thường, vì tôi từng này tuổi thì cũng đã nghe người ta nói chán rồi, nhưng để thấm thía thì lại là chuyện khác.

Thế là, tôi bắt đầu thực hành theo những phương pháp trong cuốn sách ấy.
Đầu tiên là sám hối. Tôi lần lượt nhớ lại những sai lầm thủa xưa mình đã trót phạm.

Tôi đã từng mang thai hai mươi tư lần, sinh ra chín người con, sẩy hai lần, và… phá bỏ mười ba cái thai nhi.
Đối với một người phụ nữ ở thế hệ của tôi, thì có lẽ chuyện này bình thường, vì khi ấy đất nước còn nghèo, các phương pháp tránh thai rất hạn chế. Nhưng không ngờ đó là nguyên nhân chủ yếu khiến tôi bị dày vò bệnh tật như thế này.
Chính các vong linh thai nhi đó ôm mối căm hận, bám theo tôi mà hành hạ, thành ra bệnh tật như thế. Chừng nào các vong linh ấy chưa siêu thoát, thì sao mà khỏi bệnh được.

Trước kia tôi theo Tứ Phủ , hầu đồng cũng nhiều, nhưng việc ấy không có kết quả gì. Cũng từng sám hối chung chung các tội, nhưng chưa cụ thể.
Đến giờ tôi nhận ra tội lỗi to lớn của mình, theo như hướng dẫn trong sách, tôi hướng tâm đến những oan gia trái chủ của mình ,

Chính là mười ba vong linh thai nhi đã phá bỏ, thành tâm sám hối, thành khẩn nói lên lời xin lỗi, rồi xin được tụng kinh, niệm Phật cầu cho các vong thai ấy đều được siêu sinh về Tây Phương Cực Lạc.

Tôi kiên trì niệm Phật hơn một tháng, kết hợp với tụng KINH KIM CANG, chú Đại Bi, hết thảy công đức đều xin hồi hướng cho các thai nhi đã phá bỏ, cùng với các vị oan gia trái chủ khác.
Kì diệu thay, chứng đau nhức gần hai chục năm qua, bao nhiêu thuốc không khỏi, thế mà nay đỡ dần, đỡ dần, rồi khỏi hẳn.
Chẳng phải uống thuốc gì cả, mà chính cái tâm thành sám hối, ăn năn, cùng với câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, với những bài kinh Kim Cang, thần chú của Đức Phật là liều thuốc thần diệu, chữa lành căn bệnh trên thân tôi, và cả trong tâm hồn tôi.

Bỗng dưng một đêm, khi mà bệnh đã đỡ hẳn, tôi đột nhiên bị đau trở lại.
Từ chỗ đầu gối trở xuống bị đau nhức dữ dội, không tài nào ngủ được. Tôi liền kiểm lại, không biết còn tội gì mà mình chưa sám hối không ?

Được một lúc, tôi chợt nhớ ra. Thôi chết , còn một tội này tôi đã bỏ sót !

Hồi trẻ, trong lúc kinh tế khó khăn, sợ mấy đứa con còn nhỏ thiếu dinh dưỡng, tôi hay đi bắt những con cóc về, đặt lên thớt, chặt đứt đôi chân rồi nấu nướng.

Còn thân mình thì quăng bỏ. Để cải thiện bữa cơm cho đám con thơ, mà tôi đã gieo rắc kinh hoàng, đau đớn cho rất nhiều chú cóc tội nghiệp như thế.
Có lẽ vì nay tôi đã biết ăn năn, tu tập, nên các vị oan gia “Cóc” ấy tìm về đòi nợ một thể.

Thế là, tôi liền khấn với các vị “ Cóc” ấy, xin sám hối tội giết hại, chặt chân các vị, xin các vị ấy tha cho tôi.
Sau đó thì tôi niệm Phật cầu cho các vị ấy siêu thoát, và cơn đau từ từ lắng xuống rồi biến mất.
Đến nay, tôi có thể đi lại bình thường, không còn đau đớn nữa.

Trong khi bao nhiêu người trẻ hơn tôi, trong cái lạnh mùa Đông ở Bắc Bộ cắt da cắt thịt cũng còn thấy đau nhức, mà tôi giờ lại chẳng hề hấn gì, sức khỏe ngày càng tốt hơn.

Tôi cũng thường đem cuốn sách “Bệnh viện trả về, Phật Pháp cứu sống” ấy, photo ra nhiều bản, tặng cho những người bị bệnh nặng, tự tin mà nói với họ rằng : ‘
Cứ theo đó mà thực hành , nhìn tôi đây này…” Mong rằng họ cũng sẽ được Phật Pháp cứu chữa, như tôi đã từng được cứu chữa, cả về thể xác lẫn linh hồn.

Phật Pháp quả thật nhiệm màu, lời Phật dạy quả thật là chân lí.
Trăm người thực hành, trăm người thấy linh ứng.
Ngàn người tu tập , ngàn người đều được an vui.

Nguồn : sưu tầm trên internet
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 12/04/20 20:45 với 1 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Người Đàn Bà Chữa Bệnh Bằng Tụng Kinh Niệm Phật


Bà Lê Thị Tâm (76 tuổi ở ngõ 78, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội) từng bị bệnh ung thư cổ tử cung ác tính, đã đi phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Khi phẫu thuật xong, bà ăn chay niệm Phật tự điều trị vết thương cho mình. Cũng bằng phương pháp đó, bà đã giúp đỡ hàng chục người nhiễm HIV trở lại với cuộc sống…

TỪNG BỊ 15 CĂN BỆNH QUÁI ÁC


Bà Lê Thị Tâm sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm bà 18 tuổi, tỉnh đội Thanh Hóa về thôn bà để tuyển dân quân đi công tác tại tỉnh Thái Nguyên.
Khi đó bà Tâm chỉ cao 1m45, nặng 35kg, không đủ tiêu chuẩn tuyển. Thấy bà khóc nức nở, vì không được chọn, người chỉ huy an ủi bà và bảo, nếu bà nâng được cái cối đá nặng gần 50kg họ sẽ đề xuất với lãnh đạo cho bà đi dân quân lần này. Mọi người hoàn toàn bất ngờ trước việc cô gái nhỏ bé lại có thể nâng được một vật lớn hơn cả cân nặng của mình.

Sau đó bà được nhận đi dân quân trên Thái Nguyên. Tuy sức vóc bà nhỏ bé, nhưng trong đơn vị bà làm việc không kém bất kỳ chị em nào. Lần nào đơn vị thi bắn, bà cũng đạt số điểm cao nhất, ba vòng mười.
Năm 1965, bà được cơ quan cử đi học cơ điện tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Học xong bà được phân công làm Trưởng ban Giám sát điện năng quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Nhưng rồi bệnh tật đã khiến bà phải rời xa công việc. “Tôi đang khoẻ mạnh bình thường, không hiểu sao bệnh tật lại nhiều thế. Ban đầu là bệnh viêm đầu thống, rối loạn thần kinh tiền đình, sau đó là hàng chục căn bệnh nan y khác. Trong đó, bệnh lao phổi là nguy hiểm nhất, bảy năm trời tôi đi hết bệnh viện này, đến bệnh viện khác để chụp chiếu, điều trị. Khổ nỗi cứ chữa được bệnh này khỏi, bệnh khác lại phát sinh. Lúc cao điểm nhất tôi bị không dưới 15 bệnh”, bà Tâm nhớ lại.

TÌM ĐƯỜNG ĐẾN PHẬT

Người viết bài không có ý định cổ súy cho mê tín dị đoan, mà chỉ nói về đức tin về thần Phật của một con người, để chiến thắng bệnh tật. Vốn từng tham gia nhiều hoạt động xã hội, từng vào sinh ra tử trong chiến tranh chống thực dân Pháp, bà Tâm chưa bao giờ tin vào tâm linh, cũng như thánh thần.
Khi bệnh tật trong người làm sức lực kiệt quệ, bà Tâm đã đi đến nhờ nhiều bệnh viện chữa trị, trong suốt nhiều năm trời, nhưng bệnh tình càng ngày nặng hơn. Vì thế bà đã tìm đến thần Phật.

Bà Tâm đến gặp hòa thượng Thích Tâm Tịch (trụ trì chùa Quán Sứ lúc đó), giảng giải cho bà về kiếp luân hồi của con người, nói về khổ đau của người bệnh là có từ kiếp trước.
Đồng thời, hướng dẫn cho bà Tâm cách đọc kinh sách để giảm đi nỗi đau bệnh tật. “Thay vào việc đến các bệnh viện điều trị bệnh, tôi ở nhà tụng kinh. Và điều kỳ diệu đã diễn ra, trong suốt 10 năm tôi không phải đi bệnh viện, sức khoẻ của tôi ổn định”, bà Tâm nhớ lại.

Nhưng bệnh tình của bà Tâm cũng chỉ được ổn định được một thời gian. Đến tháng 10/2010, khi bà đang làm việc bỗng thấy âm hộ bị ra máu, các con bà thấy lo lắng quá đưa bà sang Bệnh viện Thanh Nhàn để khám, họ nghi vấn bà bị ung thư cổ tử cung và giới thiệu cho bà sang Bệnh viện K (Hà Nội).
Theo kết luận của Bệnh viện K, bà bị bệnh ung thư cổ tử cung ác tính. Cả gia đình giấu không cho bà biết vì sợ bà bị sốc, suy sụp.

Trái với sự lo lắng của mọi người, bà Tâm điềm tĩnh, hằng ngày bà vẫn ăn uống, làm việc bình thường. Mọi người trong gia đình muốn đưa bà đi phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Nhưng bà Tâm cương quyết không đến viện phẫu thuật, thay vào đó mỗi khi lên cơn đau bà mang kinh sách ra tụng. Mỗi lần tụng kinh cơ thể bà dễ chịu bớt đau đi nhiều.
Tuy nhiên, căn bệnh của bà đã trầm trọng, khối u trên cơ thể của bà đã chuyển sang giai đoạn cuối, hoại tử, vỡ ra và chảy như một vòi nước. Nhờ các con đưa đi cấp cứu bà mới thoát khỏi cái chết. Sau đó bà được phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.

KHỎI BỆNH NHỜ NIỆM PHẬT

Bà Tâm cho biết, bởi căn bệnh ác tính mang phải, ngay sau phẫu thuật xong, bà phải chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để xạ trị bằng máy gia tốc. Theo phác đồ điều trị của BS Phương khi đó, bà phải xạ trị 30 lần. Nhưng bà mới xạ trị chưa được nửa số đó thì vùng tiết niệu bị phù, không thể đi tiểu.
Cơ thể mệt mỏi, bà đã xin với bác sĩ không xạ trị nữa. Bà không còn sức lực để điều trị. Về nhà hằng ngày bà mang các loại sách kinh Phật để tụng niệm, kết hợp với ăn đậu đen rang vàng, hạ thổ và uống thuốc Đông y.

Bà Tâm lấy cho chúng tôi tờ giấy kiểm tra sức khoẻ tại Bệnh viện Thanh Nhàn cuối năm ngoái, thật bất ngờ, khối u của bà đã biến mất hoàn toàn trên cơ thể. Sức khoẻ của bà ổn định. Đến khi nhìn vào tờ kết quả đó bà cũng không ngờ kỳ diệu đến thế. Bà Tâm bảo, nhiều người cho rằng bà khỏi căn bệnh nan y đó là nhờ thần Phật cứu giúp. Nhưng với bà đơn thuần đó là sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Bà chưa bao giờ tuyệt vọng kể cả trong sự đớn đau tận cùng của cơ thể. Bà khỏi bệnh nhờ kết hợp Đông y, Tây y và Phật pháp.

TỤNG KINH, NIỆM PHẬT CHỮA… HIV

Tôi thực sự bất ngờ khi bà Tâm nói rằng phương pháp niệm Phật đã giúp cho nhiều người có căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS khoẻ mạnh và tin yêu trong cuộc sống.
Từ năm 2006, bà Tâm đã kết hợp với GS.TS Phan Thị Phi Phi (trường Đại học Y Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, áp dụng phương pháp tụng kinh niệm Phật để chữa trị cho những người bị HIV/AIDS.

Năm 2006, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 28 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có 20 trường hợp nhiễm bệnh sớm và trung gian, 8 trường hợp muộn mới xét nghiệm. 23 bệnh nhân đầu tiên đều được xét nghiệm 2 lần (trước và sau tụng niệm).
Kết quả cho thấy, đa số các bệnh nhân khi tụng kinh, niệm Phật đều tăng các thành phần miễn dịch tế bào, đặc biệt họ không chuyển sang giai đoạn AIDS, sức khoẻ của họ tốt hơn trước đó. Tuy nhiên, theo bà Tâm đó là những kết quả ban đầu.

Bà Tâm bảo, căn bệnh này y học hiện đại của thế giới cũng đã phải bó tay, nhưng điều kỳ diệu là bà đã truyền cho họ ngọn lửa của tình yêu cuộc sống. Nhờ tụng niệm mà nhiều người từ sức lực kiệt quệ, muốn tìm đến cái chết đã sống khoẻ mạnh.

Theo sự chỉ dẫn của bà Tâm, chúng tôi đã đến gặp gia đình anh Nguyễn Quốc Khanh (thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Anh Khanh buồn bã cho biết, mấy năm trước vì bị bạn bè rủ rê đi chơi bời, quan hệ tình dục với gái mại dâm nên anh đã mắc bệnh. Năm 2007, thấy trong người mệt mỏi, đi khám mới biết mình bị nhiễm HIV.

Thật buồn bã thay, người vợ và con trai út của anh cũng bị nhiễm bệnh. “Tôi vốn hiền lành, khi bị bệnh mọi người rất bất ngờ. Trước đây sức khoẻ của tôi rất yếu, chỉ nằm một chỗ. Từ khi gặp bà Tâm, bà đã dạy tôi đọc kinh Phật.

Vì thế sức khoẻ và tinh thần được nâng cao. Hơn một năm nay tôi đã đi làm, có lương hằng tháng để nuôi vợ con”, anh Khanh cho biết.

Bà Tâm nói: “Theo đạo Phật thì con người có số phận, bệnh tật là do Nghiệp gây ra.
Nếu ai đó tu dưỡng, trì tụng bằng kinh Phật tốt thì Nghiệp có thể thay đổi, bệnh tật có thể sẽ khỏi.

Và nếu như ai đó muốn thực hiện phương pháp này đầu tiên phải có đức tin, tin tưởng vào Phật pháp mới giúp con người ta chiến thắng bệnh tật”.


(Theo báo Kiến Thức)


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

SÁM HỐI VỚI HEO
nguồn internet


Tôi tên Thùy Hương , pháp danh Diệu Lan, hiện tôi 38 tuổi (2017), sống tại TP. HCM. Tôi có nhân duyên rất lớn với Bồ Tát Địa Tạng. Câu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng nhờ trì tụng kinh Địa Tạng và thành tâm sám hối nên căn bệnh viêm họng hạt, biến chứng sang bệnh xoang của tôi đã lành hẳn, không những thế, còn giúp tôi nhớ lại được một tiền kiếp của mình.

Vào năm tôi 18 tuổi, khi vừa tốt nghiệp PTTH, tôi phát hiện ra mình bị một chứng bệnh lạ, khoảng từ 3-5h sáng mỗi ngày, khi giấc ngủ say nhất thì tôi đều rất ngứa trong cuống họng.

Tôi ngứa đến nỗi phải thò tay vào trong họng để gãi, hoặc khọt khẹt rất mạnh trong cổ cho đã ngứa.
Vì lười biếng đi khám nên tôi toàn ra hiệu thuốc tây nói triệu chứng và mua thuốc về uống.

Nhưng cuối cùng, tôi cũng phải đi bệnh viện khám vì quá khó chịu. Bác sĩ của bệnh viện Tai –Mũi –Họng TP.HCM chuẩn đoán tôi bị viêm họng hạt mãn tính, cả đời phải sống chung với nó, dù có chữa cũng không khỏi.

Nghe vậy, tôi đành chấp nhận vì bác sĩ đã nói vậy thì làm sao mà chữa hết được. Cứ thế tôi uống thuốc ngày này qua tháng nọ, một năm có 365 ngày thì tôi uống không sót một ngày nào. Nếu như quên thuốc chỉ một ngày thì tờ mờ sáng hôm đó lại ngứa cổ ngay.

Đến năm 23 tuổi, một người bạn chỉ tôi đi đốt những nốt hạt trong họng. Tôi cũng đi, và đây quả thật là khoảng thời gian khá thoải mái vì tôi không còn cảm giác ngứa nữa.

Nhưng cũng chẳng bao lâu sau. Tôi lại trở lại triệu chứng ngứa cuống họng như lúc trước. Một lần nữa tôi lại đi đốt các hạt viêm trong họng.
Cũng như lần trước, sau khoảng thời gian ngắn là bệnh của tôi lại tái phát. Lần này, tôi lại đến bệnh viện xin đốt hạt viêm, sau khi thăm khám, bác sĩ bảo rằng không thể và cũng không nên đốt vì cuống họng bên trong của tôi đã mỏng lắm rồi.
Nghe vậy, tôi rất buồn vì lại phải làm bạn với thuốc cả đời. Tôi luôn tự hỏi tại sao người khác bệnh chữa hết, còn tôi lại không hết?
Khi lập gia đình, sinh đứa con đầu lòng, trong thời gian ở cữ, tự dưng tôi nghe hơi thở của mình có vị tanh.
Vì nghĩ cơ thể vừa trải qua sinh nở nên còn yếu, tôi để mặc nó với niềm tin là ra tháng sẽ hết

Nhưng không, tôi vẫn ngứa cuống họng và hơi thở vẫn thấy mùi tanh. Tôi liền đi khám và lần này bác sĩ thông báo với tôi rằng, tôi bị vẹo vách ngăn, bệnh viêm họng hạt đã biến chứng sang bệnh xoang.

Vậy xem như cả đời này tôi phải sống chung với bệnh viêm xoang, vì có lẽ ai cũng biết viêm xoang khó mà chữa lành bệnh. Tôi uống đủ thứ thuốc, ai chỉ gì uống nấy, bệnh tuy không nặng hơn nhưng cũng không thuyên giảm chút nào.

Cho đến khi hội đủ duyên lành, tôi biết đến kinh Địa Tạng. Ban đầu, tôi chỉ đơn giản trì tụng xong là hồi hướng cho chúng sanh. Nhưng về sau, vì bệnh tật bức bách, tôi muốn đem công đức tụng kinh để cầu được gặp thầy hay thuốc giỏi để chữa lành bệnh viêm xoang.

Khi tìm hiểu giáo lí nhân quả, tôi tự suy diễn rằng những kiếp trước mình buộc mũi trâu nên kiếp này bị bệnh xoang hành hạ. Tôi tự suy nghĩ vậy nên ung dung trì tụng kinh Địa Tạng và hồi hướng cho chúng. Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại thì tự mắc cười vì suy diễn của mình.

Có lẽ do nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp đã trì tụng kinh Địa Tạng, nên tôi thường gặp cảm ứng khi trì tụng.
Ngày nào như ngày nấy, tôi trì tụng đều đặn, cứ sắp xếp được giờ nào thì tôi tụng theo giờ ấy. Ngày nào cũng tỏ lòng kính ngưỡng với Bồ tát Địa Tạng.

Cho đến một buổi trưa năm 2012, như thường lệ, tôi đang cung kính tụng kinh, thì có một hiện tượng rất lạ xảy đến với tôi.
Giữa ban ngày ban mặt, tôi đang rất tỉnh táo tụng kinh, bỗng dưng nhìn thấy chung quanh mình rất, rất nhiều heo. Nằm kế bên tôi là con heo nái như đang mang thai. Xung quanh là các con heo khác nhiều vô kể. Tôi định thần, nhìn kĩ lại, rõ ràng chúng đang nằm ngoan ngoãn nghe tôi trì kinh, hình ảnh rất thực.

Cho là mình đang bị ảo giác, tôi xếp bằng theo thế kiết già, nhắm mắt, tĩnh tâm hầu xua đuổi những vọng tưởng không mong muốn.

Lạ kì thay, khi tôi định thần, tâm như nhập vào cõi hư không thì thấy một hình ảnh rất rõ. Tôi thấy một người đàn ông mập mạp, đeo tạp dề, chân mang ủng, có râu quai nón. Tạp dề vấy đầy máu. Ông ấy đang thoăn thoắt dùng con dao cắt cổ những con heo.

Có một con heo con, vì biết mình sắp chết nên ghì chặt hai chân sau xuống nên nhà, miệng kêu éc éc nghe rất thê lương. Nhưng với sức mạnh của một người đàn ông vạm vỡ, ông lôi hai chân trước của nó đi một đoạn, và cuối cùng con heo ấy cũng bị giết chết.

Tôi thấy rất rõ và chân thật như đang ở đó vậy. Trong cái cảnh tôi đang thấy thì thời gian tầm 4-5h sáng.
Nhưng sau khi nhìn thấy cảnh đó, tôi lại chìm vào an nhiên, để cho tâm thanh tịnh khoảng gần 20 phút, tôi mở mắt ra, thật lạ kì, bầy heo chúng vẫn nằm đó, rất ngoan. Không ồn ào gì cả.

Chợt hiểu ra, nhờ oai thần của kinh, tôi vừa thấy kiếp trước của chính mình – là một gã đồ tể chuyên mổ heo – lúc này tôi chấn động thật sự.

Buông quyển kinh đang còn trì tụng dở dang. Tôi quay lại vừa dập đầu khóc, vừa sám hối tội lỗi. Chưa bao giờ trong cuộc đời của tôi khóc to đến như vậy. Tôi lạy không biết bao nhiêu lạy, sự ân hận lên đến cực điểm. Tôi cứ lạy, miệng thì liên tục sám hối và nước mắt tuôn ra không ngớt.

Và thế là từ từ đàn heo như tan dần vào không trung. Do tôi quá nhập tâm lạy và sám hối, nên cũng không để ý là tôi đã không còn trông thấy đàn heo nữa.

Kể từ đó, ngày lại ngày, tôi đều đặn chân thành sám hối tội lỗi của mình, không những với bầy heo mà với tất cả những loài vật mà tôi đã từng giết hại.
Thời gian sau đó, cũng trong những khi tụng kinh Địa Tạng, những hình ảnh tiền kiếp lại hiện lên trước mắt tôi, đều là về kiếp làm đồ tể.

Tôi thấy gã đồ tể đó là người Trung Quốc, xem xét trang phục thì chỉ cách thời nay khoảng một thế kỉ là cùng. Tuy sát sanh nhiều, nhưng đôi khi gã cũng thắp nhang bái Phật. Gã cũng giúp vài người no bụng, ai lỡ đường nhưng hết tiền lộ phí, gã sẵn sàng thết đãi bữa cơm ngon. Có lần, khi đang chặt thịt để bán, gã nhìn thấy một người co rúm vì lạnh, gã cởi phăng cái áo đang mặc, choàng lên người ấy.

Một lần, gã đang say sưa làm công việc giết mổ. Bỗng nhiên tôi nghe “hự” một tiếng, gã ngã lăn ra đất. Tay chân cứng đờ, toàn thân không cử động được. Thì ra gã đã chết, chết ngay trong lò giết mổ của gã, có lẽ bị đột quỵ hay đại loại thế. Gã chết mà máu mồm ọc ra liên tục, mắt cứ trợn trừng không nhắm lại được, một cái chết đau đớn.

Tôi giật mình, mồ hôi tứa ra đầm đìa, sự sợ hãi tột độ. Sau lần đó, tôi không còn thấy những cảnh tiền kiếp ấy hiện ra nữa.
Quay trở lại căn bệnh viêm xoang của tôi. Tôi uống thuốc quả thật rất là ngán, uống từ 18 tuổi đến năm 34 tuổi (chỉ nghỉ được một thời gian ngắn khi đốt những hạt viêm họng). Số tiền tốn vào tiền thuốc không biết bao nhiêu mà kể.
Nếu không uống thì lại ngứa cuống họng vào khoảng thời gian 3-5h sáng – chính là khoảng thời gian đồ tể giết heo.

Sau gần hai năm tụng kinh sám hối tội lỗi kiếp xưa, nghiệp xấu tiêu tan, oán thù với bầy heo chắc đã được hóa giải, khiến tôi gặp một duyên lành. Có một người chỉ tôi dùng cây xương cá (hay còn gọi là cây giao) nấu lên và hít. Tôi cũng thử hít, tuy nhiên không hi vọng bệnh mình khá hơn vì tôi đã thử quá nhiều cách rồi, hơn nữa đâu phải ai dùng cách này cũng khỏi bệnh đâu.
Tôi nấu nước và hít đúng 21 ngày. Ban đầu rất khó hít, nhưng sau quen dần, tôi liều bỏ thuốc không uống nữa.
Theo dõi vài hôm sau, tôi đã không còn bị ngứa cuống họng nữa. Hơi thở cũng không nghe tanh. Tôi đi chụp hình xoang thì bác sĩ báo cho tôi một tin rất vui, lỗ xoang đã được thông – tôi đã hết bệnh.

Khi nghe bác sĩ nói như vậy, tôi chạy nhanh về nhà, vội quỳ trước bàn thờ và cám ơn những con heo đã tha thứ cho tôi. Cám ơn sự linh ứng, màu nhiệm của Phật pháp đã hoá giải mối oán thù từ nhiều đời nhiều kiếp giữa tôi và bầy heo.
Cho đến nay ( 2017) là đã gần 4 năm. Tôi không bệnh lại, nhưng thỉnh thoảng vẫn chảy nước mũi, xong chỉ cần nghỉ ngơi vài tiếng là khỏi.

Hiệu lực sám hối và trì tụng kinh thật không thể nghĩ bàn. Chỉ cần thành tâm y giáo phụng hành, thì khi đủ nhân duyên, mọi điều mong cầu tất sẽ linh ứng.

Cho đến thời điểm này, mỗi ngày tôi đều mỗi sám hối. Lòng luôn kính thờ, quy ngưỡng Địa Tạng Vương Bồ tát. Đối với Ngài, tôi quả thật có nhân duyên rất sâu đậm, bản thân tôi có nhiều chuyện linh ứng liên quan đến Ngài.

Mong rằng những ai có nhân duyên với Tam Bảo, đều hiểu sâu nhân quả, ngoài việc tu tập, làm thiện, còn luôn biết hồi hướng phước báu cho oan gia quá khứ, sám hối chân thành mọi ác nghiệp, để nghiệp nặng hoá nhẹ, nghiệp nhẹ hoá lành.

nguồn internet, sưu tầm


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Trì Tụng Kim Cương Kinh Linh Nghiệm Công Đức Kí
Bản dịch tiếng Việt của Thích Chúc Hiền


Xưa vào thời nhà Lương có vị tăng tên là Diễm ở chùa Chiêu Đề,mới làm Sa-di, khi đó có vị thầy coi tướng nói với sư rằng:

Ngài rất thông minh trí tuệ nhưng không hiểu vì sao lại có tuổi thọ rầt ngắn. Diễm nghe vậy, liền đi đến thưa hỏi một vị đại đức để rõ về phưóc đức của mình. Ngài hỏi rằng;

Tu công đức gì để kéo dài tuổi thọ?

Đại đức bảo:

Theo lời Phật dạy nương vào pháp thọ trì Kim Cang Bát Nhã thì có công đức rất lớn,hẵn là được tuổi thọ kéo dài

Bấy giờ,vâng theo lời dạy, Diễm tức thì vào núi thọ trì kinh Bát-nhã ròng rã suốt sáu năm mới ra đoạn gặp lại thầy coi tướng hỏi rằng :

Gần đây pháp sư tu công đức gì mà chóng được tướng trưòng thọ như thế

Diễm liền nói trưóc đây bị tướng tuổi thọ ngắn bèn vào núi thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã nên không còn nghiệp báo nữa.

Thầy coi tưóng khen:

Thật không thể nghĩ bàn. Nhờ công đức nầy cho nên được đức lớn, tuổi thọ của pháp sư hơn trăm tuổi mới thị tịch.
----
Vào đời Lưong, ở chùa Khai Thiện,có vị tăng tên là Tạng sư vang danh giảng thuyết. Bấy giờ, có Dận sư coi tướng rất giỏi,vừa gặp Tạng sư liền nói rằng:

Thưa Tạng sư! Thầy nên dừng sự thông minh làm việc giảng thuyết lại,mà hạ bút nương vào kinh tạng soạn một quyển thì nhất định sẽ được sống lâu.

Thời gian sau, Tạng mới đưọc tìm được kinh Kim Cang Bát Nhã, nên bèn đem kinh Kim Cang Bát Nhã trì tụng suốt ba năm không ra khỏi phòng.

Sau, Dận gặp lại Tạng thì vui vẻ mà hỏi rằng:

Thầy có pháp gì mà thay đổi dung mạo như thế , điều coi tướng của đệ tử không linh nghiệm rồi

Tạng nói:

Thí chủ coi tưóng có linh nghiệm lắm

Khi ấy bần tăng trãi qua nguy khốn nhưng nhờ vào năng lực thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã nên nay mới được như vầy.

Dận nói rằng:

Công đức và phước báo như vậy là rất lớn không thể nghĩ bàn. Nay Thầy được tướng thọ ngoài trăm tuổi.Về sau quả thật tuổi thọ cuả Tạng đúng như điều mà Dận đoán.
-----
Vào đời nhà Tùy có Pháp sư Bà-la-tăng-tạng thường hay trì Kim Cang kinh cấm chú, trừ nhất thiết chư ác, có tiểu tăng đến học thành tựu chú pháp trong vòng vài năm phục Ngài,rồi đến bên bờ sông,thấy có một cái miếu của thần hồ tức thì vào ngồi trong miếu,ban đêm tụng cấm chú, thần phạm đến liền chết.

Tạng nghe đệ tử chết,lòng phẫn uất tự mình đích thân đến chỗ thần,cũng ngồi ở nơi miếu tụng chú,nhân đó liền chết

Bấy giờ có vị cúng chùa hằng thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã nghe Tạng sư và học trò của sư đều bị thần đánh chết,bèn đến chỗ thần cũng ngồi trong miếu tụng kinh Bát Nhã, đến tối nghe có tiếng gió lưót qua rất nhanh,thoáng thấy một vật kỳ hình hoài dị tráng lệ kì đặc khả úy bội thường chủng chủng hình dung nhãn quang tự điện hình nó tráng lệ kỳ lạ đáng sợ hơn người thường gấp bội,mắt sáng tợ như điện.

Sư ngồi chánh niệm tụng kinh Kim Cang không ngớt,cũng không thấy gì sợ hãi. Thần đến phía trước gôm hết uy thế gối phải chạm đất chấp tay cung kính ,nghe tụng kinh xong, sư hỏi Thần rằng:

Đàn Việt là thần gì mà ban đầu đến thì có vẻ hung hổ nhưng sau lại lặng lẽ bất động?

Thần đáp:

Đệ tử là thần hồ ở miếu nầy,vì có tánh cứng rắn, đến thấy Sư tu tập kinh điển đại thừa không thể nghĩ bàn, do vậy lắng nghe.

Đàn Việt đã hay tin kính như thế. Trước đây có hai vị tăng tụng chú, lý do gì đánh chết?

Thần đáp:

Hai vị tăng kia không trì được kinh điển Đại Thừa. Thấy đệ tử đến thì ngảnh đầu mắng nhiếc, miệng tụng chú thuật mà lại nói lời hung ác, đệ tử không kính phục.Hai vị tăng đó thấy hình dáng của đệ tử thảy đều tự mình sợ hãi mà chết chứ cũng chẳng phải do đệ tử cố sát hại họ.

Mọi ngưòi ở xung quanh vùng biết sư vào nghỉ lại đêm ở trong miếu thần ấy,sợ sư cũng bị đánh chết như hai vị tăng trước nên đến sáng mọi người cũng nhau lũ lượt đến chỗ thần đẻ xen thì thấy sư vẫn bình an hỏi sư duyên do sự việc,sư trả lời tường tận mọi người nhân đó phát tâm thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã rất đông.
-----
Vào năm Khai Hoàng thứ mười một Quan Thái Phủ Tự là Triệu Văn Xương qua đời, ngưòi nhà không dám tẫn liệm. Nhưng Xương bèn đến vua Diêm La.

Diêm La hỏi Xương rằng:

-Từ khi sanh ra đến nay ông làm phước nghiệp gì?

Xương đáp:

-Không có công đức gì khác, chỉ thường trì tụng kinh Kim Cang Bát Nhã.

Vua Diêm La nghe vậy, chấp tay cung kính khen rằng:

Lành thay! Thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã công đức rất lớn, không thể nghĩ bàn. Liền bảo Chấp nhơn rằng:

Ngươi tra xét lại,trong tương lai đừng để lầm lẫn nữa! Hễ còn lầm lẫn với bất kỳ người nào nữa trong tương lai thì ta không chấp nhận.

Nói xong, Vua Diêm La lien bảo với Xướng rằng:

Ngươi có thể hướng vào trong tạng kinh lấy ra kinh Kim Cang Bát Nhã đem đến.

Rồi Diêm La sai một sai một người dẫn Xương đi xuống hướng Tây Nam đến tạng kinh

Đến nơi,Xương thấy dãy nhà rộng lớn hơn mười gian rất tráng lệ, trong đó chứa đầy kinh, đều là pho kinh gáy bằng vàng báu, và trưng bày nhiều hoa đẹp cực kỳ trang nghiêm không thể diễn tả. Xương bèn nhằm mắt nhất tâm rút ra một quyển tên là: Đại Đức Tối Vi Đệ Tử Nhất Kinh. Xương sợ hãi nói đây chẳng phải Bát Nhã cầu mong Ngài sai người xin đổi nhưng không chịu. Xương liền mở mắt xem thì đó chính là kinh Kim Cang Bát Nhã. Đem đến chỗ vua Diêm La sai chấp nhơn ở bên Tây.

Xướng đứng bên Đông tụng kinh Kim Cang Bát Nhã một biến, đều được thông lợi. Vua Diêm La tức thì thả Xướng nhưng vẫn còn điều ràng buộc là Xướng hãy thọ trì kinh nầy thật sự đừng lãng quên.Vua Diêm La bèn sai một người dẫn Xướng tiễn ra cửa thì lại gặp Chu Vũ Đế giam cầm ở trong phòng cửa Đông gọi hỏi:

-Ngươi là người nước nào? Hãy tạm đến đây cùng nói chuyện.

Xương liền đến gặp Võ Đế vái chào.

Võ Đế hỏi:

-Ngươi biết ta chăng?

Xương nói:

-Xưa kia,bề tôi từng đảm nhiệm Phục Sự Vệ Bệ Hạ.

Võ Đế vui vẻ nói:

-Khanh chính là cựu thần của ta.Khanh có thể vì ta mà hướng trở lại nhà. Nay đế luận về các tội của ta đều xong chỉ có chuyện diệt Phật Pháp thì chưa rõ. Đương thời, Ta bị Vệ Nguyên Tung sàm tấu nên bị giam giữ chẳng bao lâu thì điều nầy chưa rõ.

Xương nói Võ Đế:

Vệ Nguyên Tung là người ngoài ba cõi chẳng phải nằm trong sự quản nhiếp cuả Vua Diêm La. Vì thế không thể truy được, nay Đế xin ít công đức cầu cứu khổ nạn mới dám mong rõ được.

Xướng về nhà thì liền được sống lại, trãi qua năm ngày hoạn nạn từ từ giảm bớt, Xướng bèn đem việc ấy tâu rõ. Văn Đế biết rõ sự việc bèn ban chiếu chỉ cho mời sư tăng ở cá chùa trong nước vì Chu Võ Đế trì trai tu đạo, tụng kinh Kim Cang Bát Nhã cũng như việc ghi chép vao sử ký trong vòng ba ngày.
----
Vào năm Trinh Quán thứ nhất, ở Toại Châu có một người chết nhưng trãi qua ba ngày thì sống lại. Khi vừa chết bị số ngưòi đồng bạn kéo đến Vua Diêm La, trong đó có một vị Tăng. Vua Diêm La thấy trước gọi sư đến hỏi trưóc đây đã tu công đức gì?

Sư đáp:

Chỉ tụng kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật

Vua Diêm La vừa nghe liền chấp tay khen ngợi:

Lành thay! Đã là thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật thì đáng lẽ được lên trời,vì lỗi lầm gì mà phải đoạ vào đây. Diêm La nói chua dứt lời tức thì liền thấy y trời giáng xuống dẫn sư lên trời.

Vua Diêm La ngồi lại thừ tụ hỏi người Toại Châu các ngươi xưa kia đã làm phước báo gì?

Đáp:

Kinh điển đọc tụng một đời đến nay là ưa tập theo văn chương của Dữu Tín và các sách của chư tử. Gần đây học tụng kinh Kim Cang Bát Nhã mà vẫn chưa được.

Vua Diêm La hỏi:

Người có tội lớn các ông biết không?

Đáp:

Mặc dù, đọc văn chưong của Dữu Tín nhưng thật sự không biết mặt mũi.

Vua Diêm La liền chỉ người khồ chính là con rùa lớn một mình hai đầu. Người cho đây là Dữu Tín. Rùa vừa đi khỏi, Vua Diêm La nói người này học tụng kinh Kim Cang Bát Nhã lại khiến thả ra, đi đến thấy một người nói rằng:

Ta là Dữu Tín khi còn sống ở đời ưa dẫn các kinh dùng làm văn chưong hoặc sanh lòng chê bai, huỷ hoại kinh văn nay mắc phải tội báo rất lớn, trước đó thì bị đoạ làm thân rùa,do đó sống lại nói nhân duyên này.

Mọi người nghe cảm thấy bi thương, đề rõ đó là sự thực.

Đất đai của người Toại Châu phần nhiều là do người di dân sống nghề săn bắn, giết hại mạng sống để làm thức ăn. Đương thời chúng tôi biết rõ sẽ bị cộng thức, để đoạn trừ nhân giết hại sinh linh, nên chúng tôi phát tâm cùng thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã tin nhận sự cung kính của người cúng dường.
---
Huề Ngạn Thông ở Vị Châu suốt một đời thưòng tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Trước kia, Lý Mật Hạ đảm nhận chức Võ Ngục Huyện, khiến bị giặc phá thành mong tìm muốn giết.
Ngạn Thông sợ hãi,liền xuống phía Dông thành giêo mình xuống suối để chuốc lấy cái chết.

Dòng suối ấy nằm sâu dưới ngọn núi hơn cả trăm trượng, từ trên không mà gieo mình xuống như có người tiếp giúp thoáng chốc xuống đến đáy suối bèn ngồi an nhiên ngay ngắn trên phiến đá, hồi lâu mới đứng dậy,hoàn toàn không bị hề hấn gì.

Ngạn Thông tự lấy làm lạ vui sợ khác thường than thở không thôi từ đó trở đi tự biết oai lực của kinh Kim Cang Bát Nhã rất lớn. Nhờ biết oai lực của kinh rất lớn, công đức không thể nghĩ bàn, càng thêm đem lòng tin kính, siêng năng thọ trì, không dám coi thường, thường được vô lượng phước báo.
----
Vị tăng Pháp Tạng ở chùa Bào Thất ở Phu Châu,giới hạnh tinh nghiêm ,tánh tình chất phát ngay thẳng.
Vào năm Khai Hoàng thứ mười ba đời nhà Tùy, sư xây một nhà tăng ở thành Lâu Xuyên, Huyện Lạc Giao hơn hai mươi gian, điện Phật cổng tam quan khung sườn đều xây bằng gạch, lợp ngói màu sắc tráng lệ, nhưng trang trí bằng tranh tượng trắng cao sáu trượng, gồm có các bộ khác nhau, đều có mười một việc. Tượng Quán Thế Âm bằng đá, một tượng thân ngàn bình phong, đến năm Đại Nghiệp được nhiều chùa.

Bấy giờ, chùa tượng đều bị lịnh phải dời đến Châu Quách, già lam an trí phá hoại đều được tu bổ thành tựu, lại in chép tất cả kinh điển khoảng được hơn tám trăm quyển, tạo riêng chùa Nguyện Ái ở kinh thành, để người sao chép kinh. Tất cả đều bằng đàn hương cốt là để làm đẹp trang nghiêm.

Đến tháng tư năm Vũ Đức thứ hai,Tạng lâm bịnh suốt hai tuần mộng thấy một người áo xanh ở trên gác cao, tay cầm một quyển kinh nói rằng:

Pháp sư Tạng một đời đã tạo công đức đều rất tốt, duy chỉ có tội nhỏ là dùng đồ của Tam Bao là chưa được tiêu trừ, trong tay ta là một quyển kinh Kim Cang Bát Nhã là bộ kinh điển Đại Thừa bậc nhất do ngươi tư tạo một quyển nhờ đó mà các tội được tiêu trừ.

Tạng nghe vậy đáp rằng:

Nếu được hết bịnh thì đệ tử sẽ nhất định phát tâm tạo trăm bộ Bát Nhã. Đệ tử tự xét một đời đã qua, mặc dù tu công đức nhưng thật sự chưa chép Kim Cang Bát Nhã nay được Chư Phật, Bồ-tát khai ngộ chắc chắn không còn biến lười, đệ tử chỉ có ba y, bình bát khi bày vai bên phải đem hết phó chúc.

Đại đức đệ tử đích thân biết dùng tạo Kim Cang Bát Nhã năm ba ngày có thể khỏi tâm nương vào ý nguyện liền đến nước Bà già sa Xá-vệ chép một quyển đem phân phát cho mọi người lưu truyền đọc tụng biết rõ rằng kinh Kim Cang Bát Nhã là bộ kinh điển Đại Thừa có uy lực rất lớn kỳ diệu không thể nghĩ bàn.

Nếu có người nào có nhân duyên thì cùng nhau sách tấn thọ trì kinh Kim Cang Bát Nhã thì sẽ được vô lượng công đức.
----
Vào đời Tùy có vị tăng Linh Thúc có hai người đệ tử. Một hôm Tăng chủ bỗng gọi hai vị đệ tử này đến bảo rằng Ta nghe trong núi Ngũ Đài có Bồ- tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, mỗi khi có ngưòi đến lễ lạy thì Ngài hiện ra để tiếp dẫn, ba thầy trò ta hãy đến đó đảnh lễ Ngài thật là điều tốt lành cho chúng ta! Ý muốn đem hai đầu lừa một giá chở hai trăm tấm lụa sống sai hai đệ tử một đầu còn Tăng tự cỡi để đi đến Ngũ Đài.
Vị tăng ấy sống ở đó một năm chỉ trì kinh Kim Cang Bát Nhã không làm gì khác.

Bấy giờ ở nơi đó trong cái tráp chỉ đem kinh Kim Cang Bát Nhã cuộc hành trình trãi qua vài tháng, nhân vì dừng lại nghỉ ngơi, thả lừa trong đầm cỏ, Tăng liền dừng chân nơi gốc cây trải dồ nằm ngủ.
Hai người đệ tử bàn bạc chúng ta định giết Hòa Thượng, mỗi người lấy một trăm tấm vải và một con lừa vào kinh dạo chơi. Há chẳng phải là sung sướng một đời sao?

Tâm niệm vừa dấy khởi, một người đệ tử nắm lấy con dao,một người chận ngang hông, liền chặt xuống ba nhát đến chả máu dao thứ tư thì vừa đưa dao lên thì dao mắc trong không, lấy dao không được nhưng tay cũng không rời dao trên dao như có đôi chút thức ăn,
bỗng nhiên Hòa Thượng tỉnh giấc, thấy hai người đệ tử qùy gối,hai tay cầm dao im lặng không nói.

Tăng hỏi:

Các thầy khởi ác ý gì?

Hai người đệ tử qùy song song hướng về thầy thưa hết ý nghĩ của mình, Hòa Thuợng cũng có thể bị lỗi lầm của nghiệp qủa nên liền lục trong tráp lấy ra kinh Kim Cang Bát Nhã định đọc, thì giữa hông của cái tráp có ba vết dao đều bị chặt đứt thẳng đến gấy kinh, giữa hông của vị tăng khi sai người xem thì có ba đường mảu đỏ do vì có hai ba lớp y nên nhũng nhát dao đâm không xuyên qua và không làm tổn thưong đến Ngài.

Đó há chẳng phải là nhờ thần lực của kinh Kim Cang Bát Nhã mà được như vậy sao?
-----
Xưa kia, tại chùa Ôn Quốc ở Trường An có v ị tăng Linh U bỗng nhiên chết. Trãi qua bảy ngày gặp vua Bình Đẳng.

Vua hỏi:

Khi còn sanh tiền Hòa Thượng có nghiệp kinh gì?

Linh U đáp:

Trì kinh Kim Cang. Vua bằng chấp tay thỉnh niệm,thoáng chốc niệm xong.

Vua lại hỏi:

Hòa Thưọng cho biết mặc dù Hòa Thưọng tụng kinh ấy nhưng còn thiếu bài kệ nào?

Linh U tâu rằng:

Tiểu tăng chỉ nương vào bổn kinh tụng niệm,nhưng không biết bài kệ nào thiếu.

Vua nói :

Hòa Thượng thọ mạng đã hết nhưng còn sống đến mười năm nữa. Kinh ấy ở trên bia đá nằm phía Tây thành Hào Châu từ khi có chơn bản khiến thiên hạ lưu truyền.Vị tăng đó khi sống lại, kể rõ duyên do đầu đuôi sự việc.
---------
Vào đời nhà Hán ở Châu Khổng có Mục Điển Trần Chiêu chết trải qua hai ngày thì sống lại kể rõ rằng vừa đến âm phủ phán quan hỏi:

Ngươi làm việc cho Lưu Thưọng Thư giết bốn mươi bảy đầu bò. Chiêu vì cớ gì lấy của ông ấy một đầu?

Chiêu tránh không nhận lấy, bỗng nhiên có một người hiện ra xưng là Giáp đưa Chiêu đầu trâu, khiến Chiêu biết là không thể nào tránh được, Chiêu bèn hỏi phán quan làm sao thoát khỏi tội này.

Phán quan hỏi:

Sanh tìền đã gieo tạo công đức gì?

Chiêu đáp:

Thường trì tụng kinh Kim Cang

Nói chưa dứt lời thì kinh ấy từ trên không mà đến liền được thả về sống lại đến mười tám năm.

Nếu cư sĩ tích chuyên tâm trì tụng kinh Kim Cang thì hãy phát tâm.
---
Trong thôn phía Tây Bắc của huyện Tân Phồn dùng bút viết kinh Kim Cang cho chư thiên nơi ấy mỗi khi có trời mưa không ướt, ban đầu không ai biết người trong thôn thả trâu ở đó bò lại đến đó núp mưa, sau có một vị Tang người Ấn từ khi qua đó thấy vậy mới bảo với mọi người trong thôm rằng:

Đây là đàn kinh, trong không có kinh, ngày trai có hóa ra báu, mây thường xuất hiện ở đây. Đàn nầy cách thành huyện về hướng Tây Bắc khoảng ba mươi dặm, hiện nay còn thấy

Xưa kia,Vương Đà một đời giết hại vô số bèn phát tâm chuyên trì kinh Kim Cang một vạn biến nhưng tụng được năm ngàn biến bỗng một hôm vào giờ ngọ thấy mấy chục con qủy tới trưóc mặt nói rằng:

Vua có công văn truy tìm ngươi,ngưoi hãy đừng trì kinh.

Đà liền nói khiến qủy theo sau, lại có qủy khiến phi ngựa đến bảo qủy rằng:

Vua ban sắc lệnh hãy thả người trì kinh.

Vương Đà liền thoát chết. Sau đó, thọ đến chin mươi tám tuổi mới qua đời.
----
Xưa kia, Vương Xước bị Thiên Thủy Quận Ty Pháp là Tiết Cử làm loạn giết hại binh sĩ đến lượt Vương Xước thì dao liền gãy lại sai lực sĩ là Tống La cầm dao trảm Vương Xưóc nhưng dao cũng bị gãy. Tiết Cử tháy thế lấy làm lạ nói rằng:

Ngươi có pháp thuật gì?

Vương Xưóc đáp:

Thuở nhỏ tôi trì kinh Kim Cang, nên đó là thần lực của kinh.

Tiết Cử nghe vậy, liền thả Vương Xước, Vương Xước sợ hãi vào nấp trong nhà xí thầm niệm kinh Kim Cang, trong nhà xí phát sáng bị chúng giặc tìm ánh sáng đi đén nhà xí thì thấy người hỏi rằng:

Ai đó?

Người trong nhà xí đáp:

Tôi là Vương Xước bị đao hình nhưng không chết.

Giặc nói:

Ngươi không cần phải nấp, các binh sĩ đã biết hết rồi,thôi mau về nhà đi.

Từ đó, Vương Xước đưọc thoát nạn.
---
Xưa kia có Châu Sĩ Hành do tính tình thô ác không kính tín Tam Bảo, bị Tả Bộc của nước Lưong bắn. Vợ ông thuòng ưa chuyên tâm trì kinh Kim Cang, người chồng ấy đi vắng trong lúc ngưòi vợ trì kinh Kim Cang, đến khi người chồng từ ngoài về thấy bèn đoạt cuốn kinh trong tay vợ ném vào trong lửa,cho đến khi lửa tắt nhưng kinh không bị cháy cả hai vợ chồng nhặt lấy quyển kinh, đến trưóc bàn Phật sám hối.
---
Xưa kia, Thôi Thiện Xung làm quan phán ở Huề Châu gặp kẻ phản bội là Thứ Thứ Sử bị giết. Thiện Xung dẫn dắt hơn hai mươi ngườitrang bị đầy đủ cung kiếm đến thành Côn Minh thì gặp lúc trời tối nên không biết đường. Thìện Xung bảo binh sĩ rằng:

Hãy hết lòng niệm Phật!

Riêng Thiện Xung thì niệm kinh Kim Cang. Tín Mã đi trước bỗng thấy một ngọn đuốc dẫn đường đì được vài dặm thì lửu tắt không còn thấy, bèn đến được thành Côn Minh đều là nhờ vào thần lực của kinh.
---
Xưa kia, Đường Yến là quan lại của huyện Tử Châu Thê, thưòng trì kinh Kim Cang do vì làm việc không cẩn thận trở về đến huyện Lộ Bổn ở Toại Châu thì bị Quan Trung sai ngưòi bắt. Yến nghe trên không có tiếng người nói rằng:

Đường Yến! ông hãy đi mau đi

Yến bèn ngẫn đầu lên thì thấy có một vị tăng người Ấn Yến tức thì đến bên bớng cây dốc lòng niệm kinh người bắt số vài mươi người đối diên mà không thấy. Đường Yến đưọc thoát nạn.
-----
Ngụy Hu là người Tần, thường trì kinh Kim Cang, thầm khiến ba lần truy tìm không được, vua mời đến báo là Trẫm tha cho ngưoi.
----
Lý Diên là ngưòi quận Nam Dương làm quan úy ở huyện Đức Châu một đời trì kinh Kim Cang, mỗi khi đến giờ trì kinh thì có hào quang hiện.
----
Xưa kia, Đậu Thị ban đêm bị đau đầu bèn sai tỳ nữ vào trong bếp lấy lửa, tỳ nữ thưa không có lửa,bỗng nhiên thấy trước thềm có một ngọn đuốc sáng,bèn bước lên thềm thì sáng như ban ngày đầu phu nhân liền bớt đau, thấy thế ai nấy đều thành tâm thọ trì kinh Kim Cang.

Đó đều là thần lực nhiệm mầu của kinh Kim Cang, lại có người trì kinh Kim Cang thì đưọc linh nghiệm như thế rất nhiều vì sợ văn rườm rà nên không thể kể hết ra đây.

TRÊN ĐÂY LÀ NHỮNG ĐIỀU LINH ỨNG KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT.
---
Giả sử có người đem bảy báu trong ba ngàn đại thiên thế giới ra dùng làm bố thí thì không bằng lưu truyền công đức thù thắng của kinh nầy.

Nếu có người biên chép,thọ trì đọc tụng kinh Kim Cang cũng khiến cho người khác biên chép, lưu bố kinh nầy thì cũng ví như từ một ngọn đèn đem mồi ra hang trăm ngàn vạn đèn thì mọi nơi tối tăm đều được chiếu sáng không cùng.

Nếu có người sao chép kinh văn nầy trên vách chùa thì được vô lượng vô biên công đức không thể nghĩ bàn.
  
Khai Nguyên Hoàng Đế khen ngợi công đức kinh Kim Cang rằng:

Kim Cang một quyển nặng Tu Di
Vì thế Trẫm đây chuyên thọ trì
Tám vạn pháp môn đều thấu đạt
Mắt tuệ rạng soi chẳng ngại gì

Ví ngày vịnh hát ca khúc cũ
Lắng nghe trì niệm Kim Cang kinh
Khai Nguyên Hoàng Đế đích thân chú
Chí thành đảnh lễ chớ sanh nghi
 
Kinh đây trừ sạch bao đau khổ
Phát tâm thiên nhãn dự quán tri
Không bị vô minh sáu giặc dắt
Thoát ngày tăm tối lẫn chấp si
 
Thế Tôn Niết-bàn vô lượng kiếp
Tăng kỳ trăm ức quá khứ xưa
Quốc vương đại thần truyền thánh giáo
Trẫm nay tín kinh thế gian hi
 
Mỗi tháng mười trai gìn không giết
Rộng tu nghiệp thiện giúp Tăng ni
Thai sanh noãn sanh siêng niệm Phật
Tinh cần dũng mãnh lớn từ bi
 
Nhàm thấy ngũ dục ở trong cung
Rõ biết tướng thân là hư ảo
Ở ngôi vương vị còn giác ngộ
Huống gì phàm tục chẳng nghĩ suy
 
Xưa kia Đề-bà vua nước nọ
Vì cầu diệu pháp bỏ cung phi
Khổ hạnh tinh cần cầu Phật Pháp
Thân làm nô bộc sá quan gì
 
Nay Đế rõ xa ngàn muôn nước
Cử tâm động niệm quán không ngừng
Uy danh văn võ trùm thiên hạ
Bốn bề yên ấm muôn dân an
 
Ngự chú Kim Cang nghĩa diệu kỳ
Xuẩn đông hàm linh cùng thọ trì
Hộ pháp thiện thần đều khen ngợi
Chư thiên tán thán chẳng nề chi

Voi trắng giá lâm chùa Kính Thọ
Xe báu tràng phang phủ vây quanh
Minh sư thỉnh dẫn dâng hương hoa
Giá hạc tiên nhơn bay khắp chốn

Tám nạn xoay về sanh cực lạc
Năm trược hóa thành bảy báu ao
Khai Nguyên vang mãi hằng sa kiếp
Ma vương ngoại đạo thảy nương về
 
Muôn đời ngàn kiếp truyền thánh giáo
Tựa hồ kiếp chẳng phủi thiên y
Do bởi chúng sanh có nhiều phước
Đắc phùng chư Phật trọng khí thời
 
Diệu lý Kim Cang khó giảng bày
Hết thảy trong kinh Trẫm gôm đây
Vì Phật trãi vàng trùm mặt đất.
Định mua vườn cảnh của Kỳ Đà
 
Bát bộ quỷ thần cùng theo Phật
Tháp nhạn cung rồng hiện khắp ra
Trên cành Kỳ Thọ chim nương hót
Dưới có suối vàng để rửa chân

Việc ăn ôm bát vào Xá-vệ
Dẫn dắt muôn loài ruộng phước gieo
Bấy giờ Thế Tôn không ngã tưóng
Tu-Bồ-đề kính ngưỡng nhận kim ngôn
 
Bốn qủa sáu thông là thượng phẩm
Cung rồng hưởng lạc cõi chư thiên
Nơi ở Thánh Vưong là tiên giới
Võ thần Hoàng Đế cũng như nhiên
 
Lại nói xưa kia Ca-lợi vương
Cắt đi thân thể được sanh thiên
Thi-tì bỏ mạng nuôi cưu cáp
Làm thân La-hán qúa ba ngàn
 
Chúng sanh Diêm Phù vin nhà lửa
Trẫm đây dắt dẫn khiến sanh thiên
Hết thảy hữu tình như con đỏ
Chỉ là trăm họ đều lợi lanh

Chưng ngôi qủa vị Vô Thưọng Giác
Lại cùng chư Phật kết nhân duyên
Trăm kiếp ngàn đời không thối chuyển
Công đức vô lượng cũng vô biên
 
Không chỉ như hình nơi chùa quán
Mười phưong thế giới rạng chơn thiền
Đây là diệu nghĩa của Kim Cang
Đệ tử há đâu dám thất truyền
----
Phàm người muốn tụng niệm kinh Kim Cang trước hết cần phải khải thỉnh tên gọi của tám vị đại thần Kim Cang, tám vị Kim Cang nầy tự đến thường ủng hộ cho người trì kinh

1. Phụng thỉnh Thanh Trừ Tai Kim Cang
Có thể trừ tất cả tai ương đời trước

2. Phụng thỉnh Tích Độc Kim Cang
Có thể trừ tất cả những bức bách bịnh khổ của chúng sanh

3. Phụng thỉnh Hoàng Tùy Cầu Kim Cang.
Có thể khiến cho những điều mong ước của tất cả chúng sanh đều được thành tựu

4. Phụng thỉnh Bạch Tịnh Thủy Kim Cang
Có khiến cho khổ não bức bách của tất cả chúng sanh được tiêu trừ

5. Phụng thỉnh Xích Thanh Kim Cang
Có thể chiếu soi khiến cho tất cả chúng sanh thấy được ánh quang minh Phật

6. Phụng thỉnh Định Tai Trừ Kim Cang
Có thể trừ nỗi khổ tam tai,bát nạn cho tất cả chúng sanh

7.Phụng thỉnh Tử Hiền Kim Cang
Khiến cho tất cả chúng sanh tỏ ngộ phát tâm bồ-đề

8.Phụng thỉnh Đại Thần Kim Cang
Có thể khiến cho tất cả chúng sanh thành tựu mầm trí tuệ lực tăng trưởng

Đại thân chân ngôn:
Nam Mô Bà Già Phiệt Đế Bát La Nhưỡng Ba-la-mật-đa Duệ Úm Y Lợi Để Y Thất Lợi Du Lô Đà Tỳ Xá Da Tì Xá Da Ta Bà Ha. (3 lần)
  
Tùy tâm chân ngôn:
Nam Mô Bạc Ca Phiệt Đế Bát Lạt Nhạ Ba-la-mật-đa Duệ Đát Điệt Tha Úm Hô Phiệt Chiết La Miệt Lệ Ta Bà Ha. (3 lần)
  
Tâm trung tâm chân ngôn:
Úm Ô Luân Nê Ta Bà Ha. (3 lần)

Kim cương nhi chú:
Nam Mô Bạt Chiết Cưu Ma La Ca Nễ Độ Ám Bà. (3 lần)
  
Phật mẫu chú:  
Nam Mô Đà Xá Nam Mô Đà Câu Nam Úm Hộ Lỗ Hộ Lỗ Tử Đà Lô Già Nễ Tát La Sa La Tha Sa Đạt Nễ Ta Bà Ha. (3 lần)

Văn-thù Bồ-tát tâm trung chân ngôn:
Ôm A Ra Ba Sa Na Đi (3 lần)
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 12/04/20 08:04 với 1 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Bài tựa Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật giảng nghĩa
Nguyên tác : Lục tổ Huệ Năng
Việt dịch : Nguyên Hiển


Kinh Kim Cương lấy vô tướng làm tông, vô trụ làm thể, diệu hữu làm dụng. Từ khi Bồ-đề Đạt-ma đến từ Tây Trúc truyền trao ý chỉ kinh này khiến người đời ngộ lý đạo, thấy tính. Chỉ vì người đời không thấy tự tính nên lập pháp môn kiến tính, nếu thấy được bản thể chân như thì chẳng cần lập pháp môn.

Kinh Kim Cương Bát-nhã này được vô số người đọc tụng, vô biên người xưng tán, có hơn tám trăm nhà luận giải. Sự tạo luận tùy theo cái thấy của mỗi người. Năng lực thấy đạo dầu không đồng, nhưng chân lý thì không hai.

Những người thượng căn một lần nghe liền liễu ngộ. Những người độn căn dầu đọc tụng nhiều nhưng không thông đạt Phật ý. Đó là lý do cần giải thích nghĩa lý của Thánh nhân để đoạn trừ nghi lầm. Nếu hiểu được ý chỉ của kinh, không còn nghi lầm, thì không cần giải thích.

Như Lai từ ngàn xưa thuyết giảng thiện pháp là để diệt trừ tâm xấu ác của phàm phu. Kinh là lời dạy của Thánh nhân để người đời nghe lĩnh hội mà vượt qua thân phận phàm phu , thấy thánh đạo, vĩnh viễn diệt trừ mê tâm.

Một quyển kinh văn này, tự tính chúng sinh đều có mà không thấy bởi chỉ đọc tụng lời văn. Nếu ngộ được bản tâm thì biết ngay rằng kinh chẳng ở nơi văn tự. Có khả năng thấy rõ tự tính mới có thể tin rằng tất cả chư Phật đều từ kinh này mà ra.

Nay sợ người đời tìm Phật ngoài thân, hướng ra ngoài mà kiếm kinh, không khai phát nội tâm, không gìn giữ cái ý nghĩa kinh trong tâm của mình, vì vậy mới phải tạo luận, giải quyết nghi lầm để người tu học biết giữ lấy kinh trong tâm của mình, thấu rõ Phật tâm thanh tịnh vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Nếu kẻ hậu học đọc kinh còn nghi ngờ, đọc lời giải thích này các nghi vấn sẽ tan dứt. Mong người tu học biết có vàng trong quặng và dùng lửa trí tuệ nấu chảy quặng để được vàng.

Đức Bản sư Thích-ca nói Kinh Kim Cương tại nước Xá-vệ là do Tu-bồ-đề thưa thỉnh. Phật từ bi tuyên thuyết, Tu-bồ-đề nghe pháp tỏ ngộ xin Phật đặt tên kinh để người sau theo đó mà thụ trì. Vì vậy trong kinh có nói : “Phật bảo Tu-bồ-đề kinh này tên là Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật, ông nên phụng trì như vậy !”

Như Lai nói Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật là ẩn dụ cho chân lý. Nghĩa ấy thế nào ? Kim cương là báu vật của thế giới, tính cứng sắc bén có thể làm vỡ nát các vật.

Kim loại tuy rất cứng, sừng linh dương có thể phá hoại. Kim cương dụ Phật tính, sừng linh dương dụ phiền não. Kim loại tuy cứng, sừng linh dương vẫn có thể phá hoại. Phật tính tuy kiên cố, phiền não vẩn có thể não loạn. Phiền não tuy cứng chắc, trí Bát-nhã vẫn phá được. Sừng linh dương tuy cứng chắc nhưng sắt thép có thể cắt được.

Người ngộ lý này tức thấy được Phật tính.

Kinh Niết-bàn nói :“Người thấy được Phật tính, không gọi là chúng sinh, không thấy Phật tính, gọi là chúng sinh.” Như Lai ví dụ kim cương vì người đời tính không kiên cố, tuy miệng tụng kinh mà ánh sáng tuệ giác không phát. Nếu ngoài tụng trong hành trì, ánh sáng tuệ giác sẽ phát sinh. Nếu nội tâm không kiên cố thì định tuệ liền mất. Miệng tụng tâm hành định tuệ đồng đẳng, như vậy là rốt ráo."

Vàng ở trong núi, núi không biết vàng là báu. Báu vật không biết núi, núi không biết báu vật. Vì sao ? Vì vật là vô tính.

Con người là hữu tính, biết sử dụng của báu. Nếu tìm được thợ mỏ, đục núi phá đá, lấy quặng đúc luyện thành vàng ròng, tùy ý sử dụng không còn nghèo khổ.

Cũng thế, Phật tính ở trong thân tứ đại này. Thân dụ thế giới, nhân ngã dụ núi cao, phiền não dụ quặng mỏ. Phật tính dụ vàng, trí tuệ dụ thợ mỏ, tinh tiến dũng mãnh dụ cho sự công phá đúc luyện.

Trong thế giới của thân có núi nhân ngã, trong núi nhân ngã có quặng mỏ phiền não, trong quặng mỏ phiền não có báu vật Phật tính, trong báu vật Phật tính có thợ trí tuệ.

Dùng thợ trí tuệ công phá núi nhân ngã, sẽ thấy có quặng mỏ phiền não. Dùng lửa giác ngộ luyện rèn, sẽ thấy được Phật tính kim cương của mình trong sạch chiếu sáng.

Vì vậy kim cương được dùng làm ví dụ và đặt tên kinh là như thế.

Nếu chỉ hiểu suông mà không thực hành, tức chỉ có tên không có thực chất. Nếu có trí có hành, tức có tên và bản chất đầy đủ. Không tu là phàm phu, tu là tương đồng với Thánh trí, nên gọi là kim cương.

Bát-nhã là gì ? Bát-nhã là danh từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa là trí tuệ. Người trí không khởi tâm mê, người tuệ có phương tiện khéo léo. Tuệ là thể của trí, trí là dụng của tuệ.

Nếu trong thể có tuệ thì dụng trí không ngu. Thể mà không có tuệ thì dụng ngu không trí. Vì ngu si chưa ngộ nên tu trí tuệ để diệt trừ, cho nên gọi là Ba-la-mật.

Ba-la-mật là gì ? Tiếng Trung Hoa nghĩa là đến bờ kia. Đến bờ kia nghĩa là thoát ly sinh diệt. Vì người đời tính không kiên cố, đối với tất cả vạn vật đều khởi ý tưởng sinh diệt, trôi lăn trong các nẻo, chưa đến bờ Chân như, nên gọi là bờ bên này. Điều thiết yếu là có đại trí tuệ đối với tất cả pháp, hoàn toàn xa lìa ý tưởng sinh diệt, tức là đến bờ kia.

Vậy nên nói tâm mê là bờ này, tâm ngộ là bờ kia. Tâm tà là bờ này, tâm chính là bờ kia. Miệng nói tâm hành tức tự Pháp thân có Ba-la-mật. Miệng nói tâm chẳng hành, tức không có Ba-la-mật.

Sao gọi là kinh ? Kinh là con đường để thành tựu Phật đạo. Phàm người muốn phát tâm thành tựu Phật đạo, trong tâm phải tu hạnh Bát-nhã cho đến chỗ rốt ráo. Còn như chỉ miệng tụng niệm suông mà tâm không y theo đó hành trì thì tự tâm không có kinh. Thấy đúng, thật hành đúng là tự tâm có kinh. Vì vậy Như Lai đặt tên kinh này là Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật.


dammaythongdong
Bài viết: 462
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: TÌM THÁNH TĂNG

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

LINH ỨNG KHỎI BỆNH THAI TRỨNG NHỜ TỤNG KINH NIỆM PHẬT

nguồn:https://www.facebook.com/quangtu.chuyennhanqua/
(Fanpage Quang Tử)

Tôi năm nay đã bước vào độ tuổi ba mươi, là một người vợ và là mẹ của một cô con gái 7 tuổi. Tôi tên Lê Lưu Ly, hiện sống tại Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP. HCM. Sau khi sinh cháu, tôi bị bệnh phụ khoa, tưởng rằng mình không thể sinh con được nữa.

Có lần, trong giấc ngủ, tôi mơ thấy mình sinh được một đứa con trai. Khi cháu vừa ra khỏi bụng mẹ, gương mặt cháu rất sáng và cháu nở nụ cười khi nhìn thấy tôi. Vì nghĩ rằng mình không còn khả năng sinh con, tôi xem đó chỉ là một giấc mơ bình thường và quên bẵng đi mất.

Nào ngờ, một thời gian sau, tôi thấy trong người mệt mỏi và uể oải. Như có linh tính mách bảo, tôi nhờ chồng đi mua que thử thai rồi vào viện siêu âm thì mới biết tôi đã có thai được năm tuần, và còn mang thai trứng.

Bác sĩ đề nghị tôi nhập viện gấp vì thai trứng không những không giữ được mà còn nguy hiểm tới người mẹ. Lúc đó, tôi rất buồn nhưng quyết định không nhập viện. Hai vợ chồng tôi cùng nhau mỗi ngày hai lần sáng tối đọc Kinh Địa Tạng, trì Chú Đại Bi và niệm Phật.

Tôi nghĩ, nếu con có duyên với vợ chồng mình thì bé sẽ ở lại, còn nếu không, thì coi như ba mẹ đọc kinh để bé được siêu thoát.

Ba ngày sau, trong mơ tôi thấy xuất hiện một người phụ nữ mặc áo trắng dẫn mình đi tới một ngôi nhà trên đỉnh núi, xung quanh mây phủ trắng xóa. Người phụ nữ đó dặn tôi đứng chờ ở ngoài, rồi vào trong nhà và mang ra cho tôi một hộp thuốc.
Khi đưa tay nhận thuốc, tôi mới nhìn thấy rõ mặt Người và nhận ra đó chính là Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi vui mừng quỳ xuống lạy liên tục, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát rồi giật mình tỉnh dậy.

Một vài ngày sau, một lần nữa, trong mơ tôi thấy có người chỉ đường cho mình đi sâu vào trong một khu rừng để tìm Phật. Tôi không thấy mặt hay dáng hình của người đó mà chỉ nghe thấy giọng nói hướng dẫn tôi đi theo.
Càng vào sâu trong rừng, khung cảnh càng trở nên mờ ảo, tôi hoang mang lo sợ. Như biết được suy nghĩ của tôi, giọng nói đó dặn tôi niệm Phật. Cứ thế, tôi vừa đi, vừa niệm rất to “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Tôi có cảm giác có một thứ gì đó mơ hồ đang đuổi theo từ phía sau lưng. Lấy hết sức bình sinh, tôi vừa cắm đầu chạy, vừa liên tục niệm Phật. Giọng nói đó động viên tôi đừng bỏ cuộc, cố gắng chạy thật nhanh rồi sẽ được gặp Phật.

Gió thổi mỗi lúc một mạnh thêm, lá cây trong rừng bị hất tung lên, vần vũ. Khi bắt đầu cảm thấy kiệt sức, bỗng dưng tôi thấy trước mặt mình là một cửa hang. Tôi liền chạy vào trong, thầm nghĩ rằng nếu mình có chết thì nhắm mắt lại và niệm Phật, chứ thật sự tôi không còn đủ sức để chạy thêm nữa.

Vào trong hang, bất ngờ tôi thấy một tảng đá rất to, trên đó có một người đang ngồi. Giọng nói dẫn dắt tôi lại vang lên: “Phật đó! Lạy Phật đi! Nhanh lên!”.

Tôi liền quỳ xuống lạy liên tục, miệng vẫn không ngừng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Tôi bình tâm trở lại và cảm thấy thứ vô hình vừa bám đuổi theo mình giờ đã biến mất. Người ngồi trên tảng đá đi xuống, đưa cho tôi một viên ngọc rất to đang tỏa ánh hòa quang rực rỡ. Tôi nhận ra đó chính là Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Tỉnh giấc, tôi bắt đầu nôn mửa dữ dội. Ngày nào tôi cũng nôn đến hơn hai chục lần. Không ăn được gì, tôi nôn ra cả mật xanh mật vàng. Kiệt sức vì mệt, tôi vẫn cố gắng đọc Kinh Địa Tạng. Kể cả khi ngồi không nổi, tôi nằm gục xuống, miệng vẫn lẩm nhẩm đọc kinh. Dần dần, tôi phục hồi, không còn nôn mửa nữa và ăn uống ngon miệng hơn.

Hai tuần sau, tôi đi siêu âm lại. Thật bất ngờ: thai hoàn toàn bình thường! Cầm kết quả siêu âm trên tay, tôi run rẩy hạnh phúc. Tôi tới nhiều bệnh viện khác để kiểm tra cho chắc chắn, thai nhi vẫn hoàn toàn bình thường.

Khi lâm bồn, tôi sinh bé khá nhẹ nhàng, có cảm giác như bé tự chui ra. Lúc đón bé trên tay, bé nhìn tôi và nở nụ cười, mặt mũi bé giống y hệt như trong giấc mơ của tôi lúc trước. Bé rất cuốn mẹ. Giờ đã được gần sáu tháng tuổi, bé lúc nào cũng theo mẹ.

Từ ngày sinh bé, gia đình tôi luôn gặp may mắn, tiền bạc tự dưng có người cho, ngay cả người chưa bao giờ gặp bé mà mới chỉ thấy ảnh bé trên facebook cũng gửi tiền cho bé.

Còn con gái lớn của tôi thì bỗng nhiên muốn ăn chay trường và đọc Chú Đại Bi. Mới đọc có một tuần, cháu đã thuộc làu làu và tỏ ý muốn đọc thêm Kinh Địa Tạng. Con gái tôi khi đó đang học lớp một, mặt chữ còn chưa rõ nhưng cháu
Vừa đọc kinh vừa đánh vần, một ngày đọc mấy trang. Hiện nay, cháu đã lên lớp hai và đòi đi tu nên tôi gửi cháu vào chùa Dược Sư ở huyện Cần Đước để con làm quen dần.

Về phần tôi, sức khỏe ngày càng tiến triển rõ rệt. Trước đây, thể trạng tôi yếu ớt, hay ốm đau, lại mắc thêm chứng thiếu máu, huyết áp thấp, hở van tim bẩm sinh và bệnh phụ khoa. Khi còn ăn mặn, tôi ăn rất nhiều đồ bổ và đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không thuyên chuyển. Vậy mà sau khi phát nguyện ăn chay, huyết áp của tôi dần ổn định, tôi ít khi hoa mắt chóng mặt và cũng đã khỏi bệnh phụ khoa.

Đặc biệt, khi tôi mang thai bé thứ hai, tôi không tăng cân nhiều, ăn bao nhiêu đều dồn cả vào cho bé. Trong suốt thai kì, tôi chỉ tăng có 8kg, bụng nhỏ gọn như người đang mang bầu tháng thứ tư thứ năm. Tôi sinh thường lúc thai được 38 tuần tuổi, bé nặng 3,4kg.

Hai vợ chồng tôi vẫn tiếp tục đọc Kinh Địa Tạng, trì Chú Đại Bi và niệm Phật hằng ngày, đều đặn cho tới tận bây giờ.
Cuộc đời vốn có rất nhiều điều kì diệu, vượt ngoài những đo đạc tính toán của khoa học.

Tôi mong rằng câu chuyện của gia đình tôi sẽ đến được với những người hữu duyên để chúng ta càng vững tin thêm vào Phật Pháp nhiệm màu, tinh tấn nương theo lời Phật dạy mà dốc sức tu hành.

( Hoàng Anh, viết lại từ lời kể của Lưu Ly)
theo nguồn từ : https://www.facebook.com/quangtu.chuyennhanqua/


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.26 khách