Tình yêu Phật pháp.

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

Huệ Hiền
Bài viết: 1447
Ngày: 31/05/10 18:35
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Kiên Giang - Việt Nam

Tình yêu Phật pháp.

Bài viết chưa xem gửi bởi Huệ Hiền »

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Trong cuộc sống này, chúng ta có vô vàn tình yêu thương. Chúng ta có thể yêu thứ này, ghét thứ kia; chúng ta có thể yêu người này, ghét người kia; và một điều, không ai là chẳng có tình yêu cả, kể cả loài cầm thú.

Tình yêu là một khái niệm đa nghĩa trong cách diễn đạt và cách hiểu của mọi người, nhưng theo nghĩa chung nhất, tình yêu là trạng thái tình cảm của chủ thể này đối với một chủ thể khác ở mức cao hơn sự thích thú và phải nảy sinh ý muốn được gắn kết với chủ thể đó ở một khía cạnh hay mức độ nhất định. Tình yêu được cho là loại cảm xúc mạnh mẽ nhất, đẹp đẽ nhất nhưng cũng khó nắm bắt, định nghĩa nhất, ngay cả khi đem ra so sánh với các loại cảm xúc khác.

Chủ thể của tình yêu, ngoại trừ một số trường hợp được nhân cách hóa, còn lại đều là con người. Còn chủ thể tác động của tình yêu thì rất đa dạng, có thể là bất kỳ thứ gì, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ bé đến vĩ đại, từ hữu hình đến vô hình,... Tình yêu có nhiều loại và có nhiều cách biểu hiện khác nhau.

Đối với đạo Phật, nói về tình yêu như là một sự luyến ái, không muốn rời bỏ và chấp trước vào nó. Thường thì tình yêu theo đạo Phật, để chỉ cảm xúc của con người khi luyến tiếc hay quý trọng một cái gì đó hơn những thứ khác. Đức Phật chấp nhận tình yêu giữa nam và nữ, giữa con người với thiên nhiên hay một thứ tình yêu nào mà làm cho xã hội tốt lên, làm cho con người với con người gắn bó với nhau hơn và thậm chí có dạng tình yêu cũng giúp cho con người được giải thoát, đó là tình yêu Phật pháp.

Nhiều người hay bảo: "Thích gì không thích, lại thích đi tu" hay: "Sao không tìm người yêu mà cứ vùi đầu vào kinh sách vậy ?". Với cá nhân người học Phật đó, thì Phật pháp còn quan trọng hơn cả người yêu, Phật pháp còn quan trọng hơn là những tính toán suy diễn về cuộc đời và sự nghiệp. Phật pháp đối với cá nhân đó, là một sự gắn bó khăng khít không lúc nào không nguôi, như là nhớ người yêu vậy, như là nghĩ đến cuộc đời và sự nghiệp vậy, vì thế, con đường cá nhân đó chọn cuối cùng là xuất gia.

Một người có tình yêu đối với Phật pháp như thế là đi theo một chiều hướng tốt, một chiều hướng đi đến giác ngộ giải thoát. "Sống trong giáo pháp" là một sự hạnh phúc không gì so sánh được đối với người đó. Như vậy, không thể gọi là sự luyến ái hay chấp trước được, vì tình yêu như vậy, nó đưa con người gần với sự nổ lực tu tập giải thoát tự thân. Trong Tứ Như Ý Túc có Dục Như Ý Túc; là một người học Phật, phải có Dục Như Ý Túc, tức là mong muốn giác ngộ giải thoát, không ham muốn dục lạc thế gian.

Đối với người phàm tục, còn vướng bận việc đời, không có tình yêu với Phật pháp thì họ xem thứ tình cảm gọi là thiêng liêng, cao quý, trong sáng, hạnh phúc giữa nam và nữ là thứ tình cảm tuyệt vời, là thứ tình cảm cần phải có trong cuộc đời những ai đã từng sinh ra để làm người. Tình yêu đó, thực chất là một sự ích kỷ giữa hai cá nhân nhưng được xã hội chấp nhận. Đó cũng như là định nghiệp của chúng sanh cõi Dục khi mãi tạo nghiệp duyên để cứ xoay vần trong thứ tình cảm khó dứt bỏ đó.

Trong vòng 12 nhân duyên, có một mắt xích là Ái, chính Ái sanh ra Thủ, và Thọ sanh ra Ái. Làm sao tu học được giải thoát ? Phải trừ bỏ Ái. Ái là yêu mến, luyến tiếc, ham muốn. Chúng sanh cõi Dục kẹt vào vòng Ái rất nhiều, vì thế muốn tu học giải thoát phải đoạn được lòng ham muốn, sự luyến tiếc với dục lạc thế gian.

Tình yêu Phật pháp đem lại sự an lạc và vô tư trong cuộc sống, người càng có tình yêu với Phật pháp mãnh liệt, thì càng quyết tâm tìm về nguồn cội. Khi yêu một ai đó, người ta thường muốn tìm hiểu người mình yêu thật nhiều và thật kĩ; Phật pháp cũng như thế, yêu càng nhiều thì hiểu càng sâu. Và một quyết định cuối cùng của tình yêu đó, là đi đến kết hôn, kết hôn với Chánh pháp như Thiền sư Nhất Hạnh đã nêu ra.

Tình yêu Phật pháp cũng như tiến trình của tình yêu nam nữ. Mới đầu là sự tìm hiểu và thấy có sự hấp dẫn của đối phương nên tìm hiểu sâu hơn và phát hiện được điều hay của đối phương nên càng yêu thắm thiết và càng muốn gần gũi, cuối cùng là quyết định chung sống một cách lâu dài.

Và đương nhiên, tình yêu Phật pháp là một tình yêu trong sáng, không vẩn đục một hạt bụi nhơ nào. Còn tình yêu nam nữ là sự ái luyến, dựa trên nền tảng của sự ham muốn để thỏa mãn bản thân bằng sự dâm dục. Tình yêu của thế gian rất gần với tình dục; xã hội bây giờ, tình dục hầu như đi chung với tình yêu, chỉ là sự thỏa mãn thân xác mà thôi, tình yêu đó đã bị vẩn đục ngay từ đầu vì không có trí tuệ để nhìn nhận hậu quả mà nó gây ra, nó chính là nguồn gốc gây nên sự sinh tử luân hồi.

Và tình yêu Phật pháp, cớ sao trong sáng ? Vì tình yêu Phật pháp là một tình yêu không mù quáng và là một tình yêu chân chính không gây tổn hại cho người và mình, tình yêu Phật pháp đem lại hạnh phúc lâu dài và có thể đoạn được sanh tử luân hồi. Đương nhiên, đó không phải là một sự ái luyến như đã nói ở trên.

Khi Phật còn tại thế, ở Ấn Độ, có một số người không có tình yêu với giáo pháp mà Đức Phật giảng dạy, chỉ có tình yêu với thân xác mà Đức Phật đang có. Họ nhìn bằng mắt và đi đến tình yêu, cũng có một số trường hợp vì thế mà được giải thoát, nhưng đó là chuyện xa xôi, thời nay ít có. Phải rèn luyện có một tình yêu với Phật pháp, với Phật pháp tức là với Tam Bảo. Có tình yêu đối với Đức Phật, luôn nghĩ tưởng đến con đường giải thoát và lòng từ bi của Ngài; có tình yêu đối với kinh điển, luôn nhớ đến những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật và phương pháp tu tập giải thoát Ngài đã nói; có tình yêu đối với sứ giả Như Lai, luôn nhớ tưởng đến những bậc minh sư và thầy Tổ đã dìu dắt mình trên con đường tu học. Chỉ có tình yêu như thế mới thật sự đem lại hạnh phúc cho chúng ta giữa cuộc đời, vì nó lâu dài và bền vững hơn những tình yêu khác.

Một người yêu quý giáo pháp của Đức Phật, làm sao có thể so sánh với thứ tình cảm nam nữ tầm thường kia. Xã hội chấp nhận tình cảm này và phát huy nó thì người học Phật cũng có thể lan truyền tình cảm yêu quý Phật pháp và phát huy nó. Tình yêu với Phật pháp cần được lan truyền rộng rãi, nhưng có mấy ai thực sự có tình yêu với Phật pháp ?

Muốn yêu cần phải hiểu, khi đã hiểu thì sẽ dễ yêu hơn. Một người muốn bước chân vào đạo Phật cần phải hiểu từ những điều căn bản đến cao sâu. Người đó có nhiệm vụ là phải tự học hỏi và trau dồi Phật pháp, tình yêu ban tặng từ bên ngoài làm sao thật lòng bằng tình yêu tự chính mình đem đến cho mình ?

Vì thế, việc học Phật ngày nay đa phần các Phật tử trễ nãi, có một số người đi chùa nhưng lại không đọc kinh điển nên không hiểu và thành ra cải đạo. Nhiệm vụ của từng cá nhân cũng là nhiệm vụ của tập thể, phải làm sao, người mới vào đạo hiểu được giá trị chân thật của đạo Phật thì mới mong họ phát huy được tình yêu Phật pháp trong trái tim họ; chúng sanh nào cũng có Phật tánh, chúng sanh nào rồi cũng sẽ thành Phật, nhưng điều quan trọng phải có tác động từ bên ngoài để giúp họ tìm về nguồn cội của mình.

Tình yêu Phật pháp không mù quáng như tình yêu nam nữ. Cặp tình nhân yêu nhau sẵn sàng chết vì nhau hay yêu quá hóa điên rồi tự mình giết mình. Tình yêu Phật pháp là một tình yêu nhẹ nhàng và đáng trân quý trong cuộc đời. Vì chỉ có yêu giáo pháp của Đức Phật, một bậc Giác Ngộ toàn vẹn thì mới sống thanh thản được trên cuộc đời này, và tình yêu Phật pháp không đem đến kết cục bi thương vì nó hướng dẫn lương tâm mỗi cá nhân đi trên con đường sáng suốt và nhân đạo.

Một khi đã yêu thì ít ai dừng lại để quán xét con đường mình đang đi có đúng hay không, chỉ biết đi theo "tiếng gọi tình yêu" mà thôi. Người ta chỉ bừng tỉnh khi mình bị phản bội và bị lừa dối. Người học Phật xem Phật pháp như một người tình, một người tình trong sáng và không hề có ý dâm dục, vì người tình đó là một người tình vô cùng hoàn hảo từ thể xác đến tinh thần.

Khi yêu, người ta thường bao che những khuyết điểm của nhau với người khác. Người ta không màng tới những thói hư tật xấu của nhau. Có người vì yêu quá nên tự che mắt mình mà liều yêu người đó, để khi người đó không yêu mình và đi theo người khác thì lúc đó, ta mới hụt hẫng và như Trái Đất này sụp đổ. Yêu như thế là sai lầm và không có sáng suốt. Phật pháp - là một người tình không chút tỳ vết, một người tình vô cùng hoàn thiện, nhưng vì sao vẫn có những người dù yêu quý người tình đó vô cùng nhưng vẫn khổ đau ? Đó là vì cách chúng ta yêu sai lầm.

Yêu có nhiều cách thể hiện, như một tình yêu lãng mạn, một tình yêu nhẹ nhàng sâu lắng, một tình yêu cháy bỏng và mãnh liệt. Tình yêu Phật pháp không có những khập khiễn kiên cưỡng như tình yêu nam nữ, không có những lúc thái quá để rồi rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Cách mà người Phật tử đối xử với bản thân và giáo pháp của Đức Phật chính là cách yêu đối với người tình là Phật pháp.

Yêu như thế nào ? Là người Phật tử, cần hiểu rõ con đường mình đã chọn là khác hơn những con đường khác, thậm chí có phần ngược lại nhiều thứ. Nhưng một khi đã đặt niềm tin và tình yêu của mình vào Phật pháp thì phải dùng trí tuệ mà thâm nhập, dùng kinh nghiệm mà phân tích và phải tư duy để tránh đi sai đường. Người tình này dễ có mà cũng dễ xa, khó có thể hiểu sâu sắc về người tình này cho dù có chung sống lâu năm, thậm chí là phải qua nhiều kiếp sống khác.

Cách mà người Phật tử đối với giáo pháp của Đức Phật là phải nghe, đọc rồi chiêm nghiệm, suy ngẫm và cuối cùng là áp dụng vào đời sống thực tiễn. Giáo pháp của Đức Phật không sai mà là cách chúng ta tu học không phù hợp với mình thành ra sai. Hãy nhớ rằng, người tình của chúng ta rất là hoàn thiện, tuy có một số sai sót hiện nay (trải qua 2500 năm, kinh điển ít nhiều cũng bị biến đổi, không như bản gốc) nhưng một khi đã quyết tâm, chúng ta thế nào cũng sẽ đi hết đời và được thành tựu trong Phật pháp.

Là người Phật tử, cần rèn luyện cho tâm mình một tình yêu Phật pháp bền vững, không thay lòng đổi dạ, cần trau dồi kiến thức Phật học thường xuyên để nâng cao hiểu biết và thực hành giáo pháp của Đức Phật trong cuộc sống để thấy được giá trị của đạo Phật. Là người Phật tử, phải tùy theo năng lực và hiểu biết của mình mà hướng dẫn cho những chúng sanh đang lầm đường lạc lối, bị đau khổ giày vò có được một tình yêu cao thượng và hạnh phúc. Là người Phật tử, cần phải truyền được năng lượng tình yêu Phật pháp ra những người xung quanh, cho họ cảm nhận được, một tình yêu trong sáng đem lại hạnh phúc cho ta thì cũng có thể đem lại hạnh phúc cho họ.

Và một điều cần nhấn mạnh là kết hôn với Chánh pháp, chỉ với Chánh pháp, không mê theo Tà pháp. Vì chỉ có Chánh pháp mới có công năng đưa ta thoát khỏi sinh tử luân hồi và trở về với chân tâm. Và một khi đã kết hôn thì phải sống thật lòng và quan tâm đến những lời dạy của Đức Phật. Nếu chúng ta bỏ rơi hoặc ly hôn với người bạn đời này thì đó là một sai lầm vô cùng to lớn, nó có thể là một vết thương không bao giờ lành lặn cho dù trải qua hàng ngàn kiếp sống nữa.

Hãy nương tựa vào Tam Bảo, vào những lời dạy quý báu của Đức Phật. Hãy làm cho tình yêu Phật pháp trong chúng ta càng ngày càng mãnh liệt, càng ngày càng trong sáng. Đến khi đã chín mùi thì không gì có thể ngăn cản được sự tu tập tinh tấn trong ta.

Chúc quý vị tu học tinh tấn và được thành tựu trong Phật pháp. Nguyện đệ tử cùng tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.


Cổ thi Phật Tổ để một phong
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng
Người đời tu miệng, lòng không sửa
Bần Tăng lòng sửa, miệng thì không.


- Tế Điên Hòa Thượng -
onebiglove
Bài viết: 87
Ngày: 25/12/12 16:29
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Vietnam

Re: Tình yêu Phật pháp.

Bài viết chưa xem gửi bởi onebiglove »

Tình yêu Phật Pháp là tình bác ái từ bi đối với chúng sanh trên nền tảng vô ngã, vô điều kiện và chỉ có một chiều. Người sống bằng tình yêu Phật pháp chắc chắn sẽ tiến hoá như đi trên đường một chiều vậy, trước sau gì rồi cũng ra khỏi vòng nhân quả luân hồi.


nguyenphuc
Bài viết: 8
Ngày: 29/08/13 19:30
Giới tính: Nam
Phật tử: Xuất gia
Đến từ: dongnai

Re: Tình yêu Phật pháp.

Bài viết chưa xem gửi bởi nguyenphuc »

sự thực thì tình yêu không có tội gì cả. thế giới nếu không có tình yêu là thế giới chết, cuộc sống mà không có tình yêu thì khô khan và bạo tàn quá. tình yêu thì thật đẹp, chỉ do mỗi con người chúng ta cứ lấy bản ngã áp đặt vào mọi thứ thành ra tham sân si rồi đổ thừa cho cái này cái kia, và rồi đức Phật và chư tổ phải khô môi đắng miệng dùng nhiều phương tiện giúp chúng ta ra khỏi sự mê mờ.
Các bạn hãy cứ yêu đi nhưng quan trọng phải có trí tuệ để mang lại hạnh phúc cho mình và cho người, hãy yêu theo tinh thần vô ngã. người tại gia thì giữ giới và bổn phận của người tại gia. người xuất gia thì giữ giới và bổn phận của người xuất gia. như vậy là những con người biết yêu theo đúng nghĩa của tình yêu.
Chúc cho thế giới luôn hòa bình trong tình yêu thương!


Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tình yêu Phật pháp.

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

Bây giờ, Chân Lý Cao Cả về Khổ là gì? Sinh là khổ, chết là khổ, sầu muộn, bất hạnh, đau đớn (pain), phiền não (grief) và tuyệt vọng là khổ. Không đạt được cái mình mong muốn là khổ, luyến chấp (attchment) là khổ.
Đức Phật

Tri giác là khổ.

Aristotle

Những thiền sinh đôi khi bị đau nhức khi họ ngồi lâu trong một tư thế. Nhiều vị thầy khuyên họ hãy lấy sự đau nhức đó làm đối tượng cho thiền tập của mình.

Trong trầm cảm, chúng ta cũng bị nỗi đau chế ngự. Nó la hét kêu đòi sự chú ý của ta. Ta trở nên quá mệt mỏi với việc cảm nhận nỗi đau, đến mức ta sẽ tìm kiếm hầu như bất cứ cách nào để trốn tránh nó. Đôi khi ta trở nên quá vướng kẹt vào trong nỗi đau của bản thân, đến mức ta dồn hết mọi năng lượng của mình vào việc chống lại nó.

Thường khi, ta thậm chí không ý thức rằng đây là cái đang xảy ra. Và khi ta đáp ứng theo cách này, ta không thực sự trải nghiệm sự đau đớn, bởi vì ta đang chạy quá nhanh để thoát khỏi nó. Đôi khi ta trở nên quá quen với việc cố tảng lờ nó, đến mức ta có thể tiếp tục chạy ngay cả khi sự đau đớn đã qua đi.

Thế nhưng, chúng ta có thể lấy sự đau nhức làm đối tượng cho sự chú ý của mình, hơn là xem nó là một quái vật cần phải chạy trốn. Ta có thể bắt đầu đi vượt qua nó , bằng cách chỉ đơn giản xem nó như là “ sự đau đớn.” Ta có thể xem xét những tính chất của sự đau nhức, lưu ý xem nó thực sự tạo ra cảm giác như thế nào. Ta có thể ghi nhận, xem cái cảm giác trong cơ thể ta là cảm giác nóng, hay căng thẳng, hay rần rần như kiến bò, hay như kim châm. Ta có thể lưu ý xem, là ta có co xiết lại xung quanh sự đau nhức, hay là toàn bộ cơ thể ta có đang căng thẳng cực độ hay không, trong khi ta cố chạy trốn khỏi nó.

Rồi ta có thể nhìn một cách kỹ càng hơn vào những cách thức mà ta đáp ứng về mặt tâm lý. Có thể ta nghĩ về một cái gì khác. Hay có thể ta căng lên trong cái khu vực xung quanh nỗi đau nhức – mặc dù việc này chỉ càng phong tỏa nó, cầm giữ nó, và khuếch đại nó lên.

Sau khi Đức Phật đã khám phá con đường tự do, Ngài bắt đầu dạy một cách để tìm ra con đường tương tự. Ngài mô tả bốn chân lý nền tảng về cuộc sống và sự chết của con người ( tứ diệu đế). Cái khởi điểm cho mỗi trong số những chân lý này, là sự đau đớn.

Chân lý thứ nhất mà Đức Phật nói đến là, tất cả cuộc sống được đặc trưng hóa bởi dukkha. Cái từ Sanskrit này rất thường hay được dịch là “khổ”. Đúng hơn, nó nói tới sự bất như ý, tới sự kiện rằng chúng ta sống trong một thế giới mà ở đó tất cả chúng ta đều phải đương đầu với nỗi đau đớn thể xác và tâm hồn. Hơn nữa, khi ta trải nghiệm lạc thú, ta phải đối mặt với nỗi đau đớn của sự lo lắng – lo lắng rằng lạc thú sẽ chấm dứt, hay bị tước đi khỏi ta.

Đức Phật phân biệt giữa nỗi đau đớn và sự khổ. § Đây là một phân biệt mà hiếm khi chúng ta làm. Nỗi đau đớn giản đơn là một cái gì đó mà chúng ta không thể tránh. Cái từ dukkha nói đến tất cả mọi thể cách mà trong đó chúng ta làm cho nỗi đau của mình phức tạp thêm qua việc hối hả trốn tránh nó – và tất cả những cách mà trong đó chúng ta tự làm cho mình khổ, như là một hệ quả của việc chạy trốn đó.

Trong trầm cảm, chúng ta trải nghiệm nỗi đau đớn và nỗi khổ mãnh liệt, vừa thể chất vừa tinh thần. Ta cũng thường xuyên làm phức tạp cái nỗi đau ấy qua những nỗ lực nhằm trốn tránh nó. Và thường khi, ta không ý thức là ta đau khổ nhiều bao nhiêu, bởi vì ta quá dính líu vào việc cố gắng trốn thoát nỗi đau của mình, hay khuất lấp nó với sự giận dữ.

Trong cơn trầm cảm của riêng mình, thì ngay từ ban đầu, tôi đã cố phủ nhận cái mà tôi đang trải qua. Người ta cố nói cho tôi biết cái mà tất cả mọi người khác, trừ tôi ra, đều thấy rõ. Sau cùng, chính đứa con trai 3 tuổi của tôi đã đánh thức tôi dậy với cái (mà) đang xảy ra với tôi. Nó nhìn tôi với đôi mắt yêu thương, và hỏi, “ Bố ơi, Bố không hạnh phúc, đúng không?” Với câu hỏi đơn giản đó, sau cùng tất cả mọi sự kháng cự của tôi bắt đầu chảy tan, và tôi đã có thể bắt đầu nhìn vào cái lời nhận xét đó, và thấy nó đúng ra sao.

Khi ta ngừng chạy trốn cơn trầm cảm của mình, ta có thể bắt đầu xem xét nỗi đau của ta, và chú tâm một cách yêu thương đến nó và chính mình. Ta trở thành nhà khoa học nghiên cứu chính nỗi đau của mình, và để ý xem là nó ngụ ở đâu. Chắc chắn là nó có tính vật lý. Nó có thể là một cảm giác se thắt ở ngực, hay là một cơn đau nhức nhói nơi trái tim.

Mặc dù ban đầu thật là khủng khiếp khi phải xem xét nỗi đau của mình, nhưng một khi ta đã làm như vậy, ta bắt đầu làm nó dịu đi, và thực sự cảm nhận nỗi đau ấy. Ta có thể lo lắng rằng cái cảm thọ đó thì quá mãnh liệt, rằng ta sẽ không chịu đựng nổi. Nhưng sau cùng ta thấy rằng cái nỗi đau mà ta cảm nhận khi cố trốn tránh cái đang xảy ra, thì ít nhất cũng tồi tệ như cái nỗi đau không bị làm cho phức tạp thêm, vốn nằm bên dưới nó, nếu không nói là càng tệ hơn. Và có thể ta thấy, trước sự ngạc nhiên của mình, rằng nỗi đau nằm bên dưới trở nên càng khó chịu đựng hơn.

Khi ta nhận ra nỗi đau của mình, ta cũng bắt đầu thấy cái cách mà ta đáp ứng với nó. Ta có thể căng thẳng xung quanh nó, hay vũ trang chống lại nó, cho đến khi cái sự vũ trang này trở thành một cách sống trong tự thân nó. Trong cách này, trầm cảm tạo ra một rào chắn giữa ta và đời ta.
Nhưng khi chúng ta có thể dịu lại trước (soften to) nỗi đau của mình, và ít sợ nó hơn, có thể ta thấy rằng mình có thể bắt đầu, một lần nữa, để cho thế giới đi vào.

THÁM HIỂM THÊM:

Một khi bạn đã ngồi thoải mái, tập trung vào hơi thở, hãy chú ý đến bất cứ sự đau nhức hay khó chịu nào mà bạn có thể cảm nhận. Bạn có thể chọn hoặc là cơn đau thể xác, hoặc là nỗi đau tâm hồn (hai loại này thường không tách rời khỏi nhau).
Khi nỗi đau đớn bắt đầu tăng trưởng, hãy tự nhắc nhở cái ý định sẽ không chạy trốn, mà thám hiểm nó một cách cặn kẽ. Khi bạn đã trở nên ý thức về nó, hãy định danh cho nó là “đau nhức”. Rồi hãy tiếp tục nhìn kỹ vào những tính chất của nó. Nó nằm ở đâu trong cơ thể bạn? Nó vẫn giữ nguyên trạng, hay nó tăng lên rồi giảm xuống ? Nó là một cảm giác lạnh hay nóng? Căng thẳng hay tê điếng, hay bị kẹp cứng, hay như kim châm? Nó là một cơn đau nhức hay nóng như lửa đốt ?
Cái gì xảy ra cho cơn đau của bạn khi bạn chú tâm tới nó trong cách này? Nó giảm bớt? Tăng lên ? Phải chăng nó có vẻ ít giống như cơn đau và giống sự khó chịu
nhiều hơn ?
Bây giờ hãy nhìn vào những ý tưởng (mà) khởi lên cùng với cơn đau. Bạn có nghĩ rằng, lẽ ra cơn đau không nên đang diễn ra? Bạn có đang sợ hãi hay giận dữ không? Bạn có cố điều chỉnh tư thế một chút để giảm nhẹ cơn đau không ? Việc này có giúp làm giảm nhẹ, hay cơn đau nhanh chóng trở lại ? Bạn có căng thẳng trong cái khu vực xung quanh chỗ đau ? Hơi thở của bạn trở nên nông cạn hơn, hay nhanh hơn ?

Hãy cố thư giãn vào trong cơn đau. Nếu bạn đang căng thẳng xung quanh nó, hay hơi thở của bạn đã thay đổi, thì hãy để cho những bắp thịt thư giãn và hơi thở của bạn chậm lại. Nếu có thể, hãy để cho những ý tưởng của bạn thư giãn (ease) nữa.
Cái gì xảy ra với cơn đau của bạn khi bạn thư giãn ? Cái gì xảy ra khi bạn cố đẩy nó đi, hay cố tránh nó, hay làm thay đổi nó?

Nếu bạn có thể lưu lại với cơn đau, bạn sẽ thấy rằng, nếu bạn không làm gì cả, thì nó rút xuống và chảy đi, khởi lên và biến mất giống như những ý tưởng hay những cảm thọ khác. Điều này có khiến cho bạn ngạc nhiên khi nó xảy ra ? Bạn đã bao giờ lưu ý điều này, cùng với bất cứ cái gì khác?


§ Đau đớn (pain)/ Sự khổ (suffering). Bạn đọc lưu ý: sự phân biệt này rất quan trọng. ĐAU, chủ yếu thuộc về THÂN, còn KHỔ, thuộc về TÂM. Từ “nỗi đau” trong tiếng Việt không phải là “pain”, mà nằm trong phạm trù của “suffering” (khổ). (ND).

http://art2all.net/chantran/chantran_th ... phan3.html


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tình yêu Phật pháp.

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

Biết tự tha thứ

Sharon Salzberg

Nhà thơ Rumi viết, "Một cái nhìn sâu thẳm vào nội tâm sẽ làm phát khởi lên một nỗi đau lớn, nhưng nỗi đau ấy sẽ giúp ta bước ra được phía sau tấm màn che". Mỗi khi chúng ta nhớ lại những việc nào mình đã làm mà gây khổ cho kẻ khác, ngay trong giây phút ấy, ta sẽ kinh nghiệm một nỗi đau. Và nỗi đau đó có thể trở thành một phương tiện giúp ta chuyển hóa. Khi ta có thể "bước ra được phía sau tấm màn che" của vọng tưởng, ta sẽ không còn cho mình là "xấu xa" nữa, và ta biết cởi mở đối với tự tánh khổ đau của mọi kinh nghiệm.

Hình ảnh

Mỗi khi tưởng nhớ lại những lần mình đã làm khổ kẻ khác, chắc chắn sẽ gây cho ta nhiều khổ tâm. Tôi đã từng ngồi thiền chung với một người chồng đánh đập vợ mình tàn nhẫn mỗi khi nổi giận, với một người đàn ông chờ án tử hình vì đã vi phạm tội sát nhân trong một lần ăn cướp, hơn hai mươi năm về trước. Và tôi cũng đã từng ngồi với những ký ức buồn đau của chính mình về những nỗi khổ tôi đã gây cho người khác. Không cần biết việc lớn hay nhỏ, hễ khi ta làm cho người khác khổ là ta cũng sẽ chịu một sự đớn đau.

Có thể ta nghĩ rằng, mỗi khi ta nhớ lại những lỗi lầm của mình rồi tự hành hạ và dày vò, thì đó cũng là một hình thức chuộc tội. Nhưng thật ra, chính tâm từ mới là một sự hối tội chân chính. Khi ta bị một mặc cảm tội lỗi chiếm ngự, nó sẽ làm cái tôi của mình trở nên vô cùng giới hạn và nhỏ bé, "Ðây mới là con người của tôi, một người đã có những hành động xấu xa này...". Và một khi cái tôi đã bị giới hạn, ta sẽ càng cảm thấy bị tự trừng phạt bởi những sự khổ đau, xa cách, cô đơn và vô vọng của mình. Ta cho là mình xứng đáng bị như vậy. Và khi nghe đức Phật dạy, mọi chúng sinh đều muốn sống hạnh phúc và đều có khả năng sống hạnh phúc, ta lại càng cảm thấy cô độc hơn.

Nhiều năm trước đây, trong một giờ ngồi thiền của một khóa tu, tôi thấy mình nhìn lại một quãng đời khó khăn trong cuộc sống của mình. Nhớ lại những việc làm xưa chẳng làm tôi vui sướng gì. Nhưng khi hiểu rằng hành động của tôi chỉ là một phần của những biến cố nối liền, liên tiếp theo nhau, tôi có thể nhìn lại mình với một ánh mắt hiểu biết hơn và tha thứ hơn. Tôi có thể thấy rõ rằng khi một việc này khởi lên, nó sẽ làm nền tảng cho một việc kế tiếp phát sinh theo.

Kinh Phật có dùng một ví dụ để diễn tả tính cách nối liền, nhân quả của những sự kiện xảy ra với nhau. Khi nước trong đại dương theo thủy triều dâng lên cao, nước trong các con sông cũng sẽ dâng lên theo; khi nước sông dâng lên, nước trong các hồ lớn, kinh rạch cũng sẽ dâng lên. Khi nước trong đại dương theo thủy triều hạ xuống thấp, nước trong trăm con sông cũng sẽ hạ thấp, và nước trong hồ, kinh, rạch cũng thế. Sức hút của mặt trăng tác dụng lên khối lượng nước trên quả đất, trừ những trường hợp rất hiếm, khiến chúng chuyển động rất tương hợp với nhau. Khi một cái này phát khởi lên, sẽ khiến một cái kia có liên hệ với nó phát khởi lên theo. Bất cứ một sự kiện nào có mặt chắc chắn cũng sẽ bị điều kiện bởi một cái khác. Cũng thế, tất cả mọi yếu tố có liên hệ đến sự hiện hữu của ta - thân này, tâm này, thế giới bên trong, thế giới chung quanh ta - đều có một kết cấu rất mật thiết với nhau.

Trong khóa tu, tôi thấy được những sự kiện của đời mình, giống như sông và biển, chúng xảy ra theo một thứ tự rõ rệt. Tôi thấy mình đã cố gắng làm hết sức mình trong hoàn cảnh đang có mặt. Trong tình trạng ấy, với những điều kiện ấy, có lẽ tôi đã không thể nào làm gì khác hơn thế được. Vì một thái độ khác sẽ đòi hỏi một sự hiểu biết khác dựa trên những sự kiện và kinh nghiệm khác.

Chúng ta không thể nào hốt lại nước đã đổ và chúng ta cũng không thể nào trốn tránh được hậu quả về hành động của mình. Nhưng thay vì tự oán trách hoặc là cứ ôm một mặc cảm hổ thẹn mãi, ta có thể thay đổi nó bằng cách tưới tẩm hạt giống xấu ấy bằng chánh niệm và tâm từ. Ðó chính là nền tảng của sự tu tập.

Theo luật nhân quả, karma, thì cái tác ý đứng sau hành động mới là yếu tố chánh quyết định cho sự tốt, xấu của hạt giống ta gieo trồng trong mỗi giây phút. Một hạt giống, khi đủ điều kiện, đủ nhân duyên, nó sẽ nở hoa kết trái. Nhưng luật nhân quả không bao giờ vận chuyển một cách máy móc và cứng nhắc hết. Vì nếu thế thì chắc ta sẽ không bao giờ có thể làm gì để hay đổi được cuộc đời mình hết. Sẽ không có cách nào để ta chuyển hóa được khổ đau, cũng như sự tu tập sẽ chẳng đem lại cho ta một lợi ích gì.

Như thiên nhiên đã cho phép rất nhiều điều kiện khác nhau đóng góp vào sự chín mùi của một hạt giống, cũng thế, hạt giống chủ ý của ta không bao giờ hiện hữu cô lập. Quả trái của một hành động không phải chỉ tùy thuộc vào hạt giống của nó mà thôi, mà còn lệ thuộc vào tất cả những đặc điểm của miếng đất trong đó nó được gieo trồng. Vì chúng ta luôn thay đổi để ảnh hưởng sự sống của mình, nên miếng đất mà hạt giống ấy đang cắm rễ cũng sẽ biến đổi luôn. Và cũng vì thế, mục tiêu giải thoát và cơ hội chấm dứt khổ đau của ta là chuyện có thể thực hiện được.

Giả sử chúng ta đã lỡ có một hành động bất thiện hoặc gây hại cho ai, nhưng nếu biết trở lại sống trong chánh niệm và từ bi, ta sẽ có thể ảnh hưởng chuyển hóa được thửa vườn mà hạt giống xấu ấy được gieo trồng, và rồi tất cả sẽ được thay đổi. Ðó cũng chính là một sự chuyển hóa mà ta có thể bắt đầu ngay trong giờ phút này.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách dùng chánh niệm và tâm từ nhìn sâu vào những khổ đau ta đã gây cho kẻ khác, cũng như nỗi đau của chính mình. Chúng ta hãy nhìn sâu vào những mặc cảm tội lỗi, những hổ thẹn, sợ hãi bằng một tâm hiểu biết và bao dung. Chúng ta thấy được sự khác biệt giữa việc cho rằng, "Tôi là một người xấu xa" với lại "Tôi đã làm một việc xấu và tôi rất hối tiếc về hành động đó". Khi ta có thể kinh nghiệm được dòng sông cảm xúc của mình với sự tĩnh lặng, sáng tỏ, và thương yêu - không phán xét và hẹp hòi - tâm ta sẽ trở thành một tấm gương trong vắt, phản chiếu được hết những gì đang có mặt. Trong tiến trình ấy, tấm gương tâm của ta cũng sẽ phản chiếu luôn được cả tự tánh của chính nó: tỏa chiếu, thanh tịnh và ngời sáng. Như đức Phật dạy, "Chân tâm của ta bao giờ cũng trong sáng".

Chúng ta sẽ tìm lại được cái khả năng tỉnh thức, biết yêu thương và bắt đầu lại của mình. Mặc dầu trong quá khứ có thể ta đã có những hành động bất thiện, nhưng ta vẫn biết rằng sự trong sáng, tĩnh lặng mới chính là bản chất thật sự của mình, chứ không phải là những tâm tham sân thường xúi dục ta đi gây hại cho kẻ khác. Thật ra, ta không cần phải làm gì mới có thể xứng đáng có được bản chất thanh tịnh ấy - vì nó là bản tánh tự nhiên của ta. Dẫu trong quá khứ ta có thể sống mà không hề biết đến nó, nhưng chân tánh ấy vẫn không bao giờ bị mất đi hay lu mờ một chút nào hết. Chúng ta có thể xem thường nó, chà đạp nó, nhưng bản tính thanh tịnh ấy không bao giờ thay đổi và vẫn chờ đợi ta một ngày khám phá lại.

Khi khổ đau giúp ta bước ra được "phía sau tấm màn che" của một ảo tưởng về sự chia cách, ta sẽ tiếp tục được sự sống trọn vẹn, trong đó có chính ta. Sự sống lúc nào cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình mà thôi. Tha thứ không có nghĩa là bỏ qua hết những gì ta đã làm, hoặc tưởng tượng rằng một ngày nào đó những nỗi đau trong ký ức rồi sẽ giản dị biến mất. Nó chỉ có nghĩa là ta ý thức được màn lưới chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều kiện đã tạo nên hành động của mình. Và nhờ sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương mình và kẻ khác hơn./.

Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch
(Trích "Trái Tim Thiền Tập", Sharon Salzberg)


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tình yêu Phật pháp.

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

8 ĐIỀU CẦN NHỚ KHI BẠN THẤY BẾ TẮC

Chào các Bạn,

Cũng khá lâu rồi không hỏi thăm bạn nhỉ, Tết Ta đang cận kề trên khắp mọi miền đất nước, Sài Gòn cũng se lạnh làm cho lòng người cuối năm với bao lo toan tính toán dễ rơi vào cảm giác xốn xao.
Vì thế IMA muốn chia sẻ với bạn 8 Suy nghĩ Vàng Ngọc Bạn Cần Nhớ để vượt qua những lúc cảm xúc như thế này nhé

@/ - Hạnh Phúc không có nghĩa là không gặp phải khó khăn, mà là có khả năng để đối phó với chúng.

Thay vì tiếc nuối những gì bạn đã Mất, Hãy Trân trọng và Biết Ơn những gì bạn Đang Có.
Mỗi sáng thức dậy hãy Cảm ơn Cuộc đời vì đã cho bạn thêm một ngày để sống trong khi có biết bao người đang phải chiến đấu từng phút từng giây để được sống như bạn.

Dưới đây là một vài lời nhắc nhở có thể truyền động lực cho bạn trong những lúc bạn thấy tuyệt vọng nhất:

1./ Không ai khôn lớn mà chưa từng trải qua nỗi đau

Đôi khi cuộc sống đóng một cánh cửa lại vì đó là lúc để cho bạn tiến về phía trước. Và đó là một điều tốt bởi vì chúng ta thường sẽ không tiến lên trừ khi hoàn cảnh bắt buộc.

Vào những thời điểm khó khăn, hãy tự nhủ với lòng rằng luôn có một mục đích nào đó đằng sau sự đau khổ mà bạn phải chịu đựng. Hãy vượt lên những thứ làm bạn tổn thương nhưng đừng bao giờ quên những bài học mà nó mang lại.

Gặp khó khăn không có nghĩa là bạn đang thất bại.
Mỗi thành công lớn đều đòi hỏi những sự gian nan nhất định. Những điều tốt đẹp không bao giờ đến dễ dàng.
Hãy luôn lạc quan và kiên trì.

Hãy nhớ rằng Nỗi Đau có hai loại:
+ loại Làm Bạn Tổn Thương
+ và loại Khiến Bạn Thay Đổi.


Thay vì kháng cự hai loại nỗi đau này, hãy chấp nhận chúng vì chúng đều khiến bạn trưởng thành hơn.


2./ Tất cả mọi thứ trong cuộc sống chỉ là Tạm Thời

Trời mưa rồi cũng sẽ tạnh. Vết thương rồi cũng sẽ được chữa lành. Sau màn đêm tăm tối là ánh sáng của buổi bình minh.
Chớ có tin rằng bóng đêm sẽ kéo dài mãi mãi.
Không, không có gì kéo dài mãi mãi cả.

Vì vậy, hãy tận hưởng những điều tốt đẹp mà bạn đang có vì nó sẽ không kéo dài mãi mãi.
Và cũng đừng lo lắng vì những chuyện không mong muốn vì chúng cũng không kéo dài mãi.

Cuộc sống không dễ dàng, bạn gặp phải nhiều rắc rối, nhưng không có nghĩa là bạn không thể cười.
Mỗi khoảnh khắc đều mang lại cho bạn một khởi đầu mới và một kết thúc mới. Mỗi giây trôi qua bạn lại có một cơ hội mới.
Bạn chỉ cần nắm bắt cơ hội đó và tận dụng nó.

3./ Lo Lắng và Phàn Nàn Cũng Không Thay Đổi Được Gì

Những người hay phàn nàn là những người ít được việc nhất.
Làm sao bạn có thể phàn nàn vì một việc gì đó khi mà bạn đã không làm gì để đạt được nó ?
Nếu bạn tin vào một điều gì đó, tiếp tục cố gắng.
Đừng để bóng tối của quá khứ che phủ con đường tương lai của bạn.

Bạn có dành cả ngày hôm nay để than van về ngày hôm qua thì ngày mai của bạn cũng không khởi sắc được.
Thay vào đó hãy bắt tay hành động.
Hãy để những gì bạn đã học được cải thiện cuộc sống của bạn.

Hãy nhớ rằng hạnh phúc thật sự bắt đầu đến khi bạn không còn phàn nàn về những vấn đề của mình và cảm thấy biết ơn vì những vấn đề khác mà bạn không gặp phải.

4./ Vết sẹo của bạn là biểu tượng của sức mạnh

Đừng bao giờ xấu hổ về những vết sẹo cuộc đời đã để lại cho bạn. Một vết sẹo có nghĩa là nỗi đau qua đi và vết thương đã lành.
Nó có nghĩa là bạn đã chinh phục nỗi đau, đã học được một bài học, lớn mạnh
hơn, và tiến về phía trước.

Một vết sẹo là hình xăm của một chiến thắng đáng tự hào.
Bạn không thể làm cho những vết sẹo trong cuộc sống của bạn biến mất, nhưng bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận chúng.
Hãy bắt đầu xem những vết sẹo của bạn như là một dấu hiệu của sức mạnh chứ không phải là dấu vết của những nỗi đau.

Ai đó từng nói: - “ Vết thương là nơi mà ánh sáng xâm nhập vào bạn.”

Quả thật là vậy.

*** Trong đau khổ là nơi những Linh Hồn Mạnh Mẽ Trỗi Dậy.

Hãy nhìn vào những nhân vật quyền lực nhất thế giới mà xem, họ đều được hun đút nên từ những vết sẹo, cả thể chất lẫn tâm hồn.

Hãy để vết sẹo thay bạn nói rằng: - “ Tôi đã làm được! Tôi đã vượt qua và tôi có những vết sẹo để chứng minh điều đó! Và bây giờ tôi có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.”

5./ Mỗi cuộc đấu tranh nhỏ là một bước tiến

Trong cuộc sống, Kiên Nhẫn Không Phải Là Chờ Đợi - đó là khả năng Duy Trì một thái độ Tích cực trong khi theo đuổi giấc mơ của bạn.

Vì vậy, khi bạn quyết định cố gắng, hãy dành tất cả thời gian và đi hết con đường.
Nếu bạn không làm được như vậy thì đừng nên bắt đầu.
Bạn có thể mất đi sự ổn định và thoải mái trong một thời gian dài, thâm chí là “ ăn không ngon, ngủ không yên ”.

Bạn có thể phải hy sinh các mối quan hệ và tất cả những gì thân thuộc. Đôi khi bạn phải chấp nhận sự chế giễu từ người khác. Và nhiều lúc bạn thật sự thất rất cô đơn.
Nhưng cô đơn không hẳn là tồi tệ vì nó sẽ cho bạn không gian mà bạn cần.
Bạn chỉ cần kiểm tra độ quyết tâm của mình nữa mà thôi.

Nếu bạn muốn, bạn sẽ làm bằng được, mặc cho thất bại, phản kháng hay xung đột.
Bạn sẽ nhận ra rằng con đường của bạn được làm hoàn toàn từ những cuộc đấu tranh. Và những cuộc đấu tranh đó hoàn toàn xứng đáng. Vì vậy, một khi bạn đã quyết định cố gắng, hãy đi hết con đường.
Từng bước bạn tiến lên sẽ mang lại cho bạn cảm xúc tuyệt vời không gì có thể tả được.

6./ Bạn không cần phải để tâm đến tính tiêu cực của người khác

Khi xung quanh bạn tràn ngập sự tiêu cực, thì bạn hãy tỏ ra tích cực. Mỉm cười khi ai đó cố tình dìm bạn xuống. Đây là một cách dễ dàng để bạn duy trì nhiệt huyết và tập trung. Hãy luôn là chính bạn dù cho có ai đó đối xử với bạn tồi tệ. Đừng bao giờ để cho sự cay nghiệt của người khác thay đổi con người bạn.
Mọi người cư xử tệ với bạn không hẳn là do bạn không tốt, mà đó chỉ là do một số vấn đề từ chính họ mà thôi.

Quan trọng nhất, đừng bao giờ thay đổi chỉ để gây ấn tượng với một người cho rằng bạn không tốt.
Hãy thay đổi khi bạn tin rằng sự thay đổi đó sẽ giúp bạn hoàn thiện và có một tương lai tươi sáng hơn.
Người ta vẫn sẽ xì xầm về bạn cho dù bạn đã làm tốt như thế nào.

Vì vậy, hãy nghĩ về bản thân trước khi nghĩ về những gì đang diễn ra trong đầu người khác.
Nếu bạn tin tưởng vào điều gì đó, đừng ngại ngần để chiến đấu vì nó.

Bạn chỉ có Một Cuộc Sống.
Vì vậy, hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc và ở bên cạnh bất cứ ai làm cho bạn thường xuyên mỉm cười.

7./ Chuyện gì Cần Đến Sẽ Đến

Thay vì khóc lóc và than vãn, bạn chọn cách mỉm cười và trân trọng cuộc sống – đó chính là sức mạnh thật sự.
Luôn có sự may mắn ẩn trong mỗi cuộc đấu tranh bạn phải đối mặt, nhưng bạn phải sẵn sàng mở rộng trái tim và tâm trí của bạn để thấy chúng.
Bạn không thể cưỡng ép mọi việc. Chuyện gì cần đến rồi cũng sẽ đến.

Cuối cùng, yêu thương cuộc sống là tin vào trực giác của bạn, nắm bắt cơ hội, đánh mất rồi tìm thấy hạnh phúc, trân quý những kỷ niệm, và học hỏi thông qua kinh nghiệm.
Đó là một cuộc hành trình dài. Bạn phải ngừng lo lắng, băn khoăn, nghi ngờ trong mỗi bước trên con đường đó.

Hãy tận hưởng cuộc sống đang mở ra trước mắt bạn.
Bạn có thể không đến được nơi mà bạn muốn, nhưng cuối cùng bạn sẽ chắc chắn đến được nơi mà bạn cần.

8./ Điều tốt nhất bạn có thể làm là tiếp tục bước đi

Đừng ngần ngại nhận sự giúp đỡ từ ai đó.
Đừng ngần ngại yêu thêm một lần nữa.
Đừng để các vết nứt trong trái tim của bạn biến thành những mô sẹo cứng.
Hãy tìm thấy động lực để cười mỗi ngày và làm cho người khác mỉm cười theo.

*** Hãy nhớ rằng bạn không cần nhiều người trong cuộc sống, mà chỉ cần một vài người thật sự quan trọng với bạn mà thôi.

Hãy mạnh mẽ trong những lúc khó khăn.
Chấp nhận khi bạn sai và học hỏi từ nó.
Luôn luôn nhìn lại và xem bạn đã trưởng thành được bao nhiêu, và tự hào về chính mình.
Đừng thay đổi vì bất cứ ai, trừ khi bạn muốn thay đổi.
Cho Đi NhiềuHhơn.

Hãy luôn là Chính bạn.
Tiếp tục phát triển. Tiếp tục bước về phía trước.

tustus st Theo Marcandangel.com (IMA)


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
nguyenphuc
Bài viết: 8
Ngày: 29/08/13 19:30
Giới tính: Nam
Phật tử: Xuất gia
Đến từ: dongnai

Re: Tình yêu Phật pháp.

Bài viết chưa xem gửi bởi nguyenphuc »

sức mạnh của vọng tưởng lớn quá!


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.22 khách