Trang 1 trên 1

Người chân chính tu Đạo không thấy lỗi ...

Đã gửi: 28/03/09 19:26
gửi bởi laitutran247
Chư Phật Bồ Tát không thấy lỗi lầm của bất cứ một người nào ...
Lục Tổ nói một câu rất hay: ‘Nếu là người tu đạo chân thật thì không thấy lỗi lầm của người khác trong thế gian’. Nếu thường thấy lỗi lầm của người khác thì mình sẽ thất bại. Ngày nay chúng ta mắc phải một căn bịnh rất trầm trọng, mỗi ngày từ sáng đến tối đều nhìn thấy lỗi lầm của người khác nhưng không thấy lỗi của mình. Ðến khi nào chúng ta có thể không thấy lỗi người khác mà chỉ thấy lỗi của mình thì chúng ta sẽ thành công. Công phu của bạn sẽ đắc lực, bạn sẽ gặt hái được sự lợi ích chân thật.

Người khác làm cái gì và làm như thế nào cũng có nhân quả riêng của họ. Quan trọng là nhân quả của mình, nhân quả của người khác chúng ta không thể nhận chịu thay thế cho họ mà cũng không thể giúp họ thay đổi. Hơn nữa trong thời đại hiện nay, ai chịu nói lỗi lầm của người khác? Người xưa cũng không nói ? Chỉ có hai người, một là cha mẹ của bạn, hai là thầy giáo của bạn. Họ có trách nhiệm nói ra lỗi lầm của bạn mà bạn không phản đối lại. Bạn bè nếu nói ra sẽ có sự xích mích thù hận lẫn nhau rồi sẽ tìm cách trả thù. Cho nên không ai chịu nói ra lỗi lầm của người khác hết.

Chư Phật Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp thường dùng cách nói khéo mà nhắc nhở, để cho chúng ta nghe rồi suy nghĩ xem tự mình có phạm lỗi đó hay không. Nếu có thì mau mau sửa đổi, đó là ‘nếu có sai thì sửa đổi, nếu không thì khuyến khích ngăn ngừa’. Chư Phật Bồ Tát không chỉ trích lỗi lầm của chúng ta mà chỉ nói một cách gián tiếp khiến cho chúng ta tự mình phản tỉnh, tự mình giác ngộ. Tâm của họ là tâm thanh tịnh, nên những lỗi lầm đề cập trong kinh luận thực ra là Phật không thấy lỗi lầm của bất cứ một người nào; đây là sự cao siêu thâm áo của những phương pháp răn dạy của Phật, tất cả đều không đánh mất tâm thanh tịnh.

Chúng ta phải từ những điểm này mà thể hội, mà phản tỉnh, mà hiểu được lòng từ bi chân thành của chư Phật Bồ Tát, vô cùng từ bi; chỉ cần chúng ta nỗ lực, y theo lời dạy mà tu hành, bạn có thể không để ý đến hoàn cảnh, tự nhiên có Phật hộ niệm, thần Hộ pháp sẽ lo cho bạn; bạn không cần phải lo có người đến phá hoại hoặc gây ra chướng ngại. Nếu không như vậy thì người khác chưa đến phá khuấy mà ngược lại chính bạn đã gây chướng ngại cho mình. Bạn nghĩ đến những chuyện này để làm gì? Ðó chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước phá hoại bạn trước. Ðây là lý do tại sao chúng ta phải nhìn thấu, phải buông xả.