Bản Chất Cuộc Sống!

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

hahaothien
Bài viết: 150
Ngày: 04/06/09 06:56
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam

Bản Chất Cuộc Sống!

Bài viết chưa xem gửi bởi hahaothien »

Lời diễn giải theo những quan điểm của Tiến sĩ Hòa Thượng K. Sri. Dhammananda
Con người đang sống thực ra không có một mục đích cụ thể để theo đuổi. Có chăng đó là sự thụ hưởng những phẩm hạnh tốt được truyền lại từ gia đình hay một người có phẩm hạnh cao thượng nào đó. Khi sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời này thì nhiệm vụ chính của chúng ta là phải chu toàn trách nhiệm bản thân mình đối với: Gia đình, bạn bè, xã hội... Có nghĩa là chúng ta sinh ra là để làm việc thiện trong cuộc sống, phải làm lợi ích cho nhân sinh. Con người đã phí năng lực và thời gian cả cuộc đời để tìm kiếm tiền tài, tên tuổi và danh lợi. Mà thực sự thì không mang theo được bất cứ thứ gì mà mình đã tranh đấu. Khi chúng ta ra đi để trở về nấm mồ thì tất cả sẽ ở lại tiền tài lẫn danh lợi ở nơi thế gian này, bạn bè và người thân chỉ đưa tiễn chúng ta tới huyệt mà thôi, điều duy nhất chúng ta mang theo được đó là nghiệp tốt và nghiệp xấu. Nếu chúng ta có nghiệp tốt thì một điều tất nhiên chúng ta biết là cuộc sống của những ngày tháng hôm nay cùng đời sống mới sẽ tốt đẹp, nhưng với nghiệp xấu chúng ta sẽ có một cuộc đời mới đầy đau khổ và bất trắc. Nếu bạn không chấp nhận một lối sống chân chính và cao thượng thì bạn sẽ còn gặp nhiều điều phiền phức và đau khổ. Dale Carnegie có nói: “Dần về già chúng ta phải trả giá cho những việc làm trái luân thường đạo lý của chúng ta”, bạn phải trả giá cho tư tưởng xấu xa, ích kỷ, hận thù, ganh ghét hay việc làm xấu nào đó, bạn không thể không trả giống như bạn thê nhà vậy nhưng đổi lại sự thuê trả ấy là đau khổ về tinh thần và thể xác. Hiện tại chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn để tranh đấu trong cuộc sống để tìm kiếm hạnh phúc, có khi chúng ta sẽ vấp ngã, chịu đựng quá nhiều khổ đau và thị phi của kiếp sống này. Bạn đã có lúc trằn trọc bâng khuâng phải làm gì hay từng bỏ một thời gian dài để thực hiện một công việc nào đó, sức khỏe sẽ suy tổn và nổi lo bao trùm trong tâm trạng để tìm kiếm chút ít thành công. Có thể sẽ đạt được một chút lạc thú sau những đấu tranh ấy, nhưng lạc thú nào rồi cũng sẽ kết thúc với khổ đau. Đó chính là bản chất của cuộc sống! Bởi vì chính ta đã không chịu suy nghĩ về những tạm bợ của lạc thú về vật chất cả tinh thần và chưa nhận thấy rõ được bản chất của nó. Bạn hãy thử nghĩ lại một cuộc vui nào hào hứng nhất trong đời bạn xem, giờ thì nó đang ở đâu? Bạn nên nhớ rằng thời gian sẽ bôi xóa tất cả và nó trở thành thời gian chết, cho dù hồi ức ấy đẹp đến đâu đi nữa thì Lạc Thú ấy đã trở thành mây khói thoáng qua và sẽ trở thành hư ảo của quá khứ, giống như bạn có cha, và cha của bạn có cha ông nhưng bây giờ họ ở đâu? tất cả điều quá vãng. Bạn có thường nhắc lại hay muốn biết gì về ông cố cố của mình không? Nếu nhìn nhận kĩ thì Lạc thú ấy chỉ tồn tại một thời gian quá ngắn còn lại thời gian giành cho tranh đấu là cả cuộc đời. Vậy bạn sẽ có được nghiệp thiện ở đâu cho cuộc đời mới của mình khi mà thời gian chẳng có. Vì đời sống quá tất bật với những khó khăn mà bạn sẽ đổi lại bằng nước mắt, mồ hôi và những đau khổ cho những lạc thú tạm bợ ấy. Xin bạn hãy trả lời những câu hỏi sau đây: Đã đi được mấy chục năm cuộc đời rồi bạn đang tìm kiếm điều ước vọng gì? Ước nguyện đã làm bạn thỏa mãn chưa và bạn được an lạc gì từ đó? Bạn đã gieo được bao nhiêu thiện nghiệp trong bao năm tháng dài dẳng ấy và bạn còn được bao nhiêu năm bạn phải chịu những khó khăn cuộc sống và kết thúc dưới nấm mồ sâu 3 tất đất? Và hãy nghĩ đến ngày tháng tương lai và đời sống mới của bạn nó có tốt đẹp và hạnh phúc hơn những năm tháng đã qua khi mà bạn chưa có thời gian để gieo thiện nghiệp. Bạn hãy để ý những người xung quanh,có người sống suốt cả đời trong cơ cực hay sung sướng nhưng họ chưa bao giờ hiểu được cảm giác thương một người nghèo, già cả hay bệnh hoạn là sao cả?... Họ chưa bao giờ biết làm gì để giúp người khác mà không nghĩ đến lợi ích của chính mình, bởi họ xem sự hưởng lợi lạc của chính mình là quan trọng nhất, đó là một lối sống không đáng tôn trọng. Bạn sẽ không nhận được một cảm giác thoải mái về tinh thần lẫn vật chất nếu bạn còn tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi… Đức Phật dạy: “Con người tạo số phận cho chính mình. Bạn là người tạo ra hạnh phúc và đau khổ cho chính bạn”. Nếu một con người làm một điều xấu thì tất người đó phải chịu một hậu quả tương ứng như vậy. Bạn không thể cầu xin bất cứ một vị thiêng liêng, Thượng Đế hay Đức Phật để cứu rỗi mình. Chỉ có chính bản thân mình mới cứu rỗi bản thân mình được. Khi bạn làm một việc xấu thì phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận nghiệp quả đó và đừng nên phí năng lực để lo âu và sợ hãi. Thứ nhất chúng ta phải quyết định chấm dứt ngay việc xấu ấy, vì biết rằng nghiệp xấu ấy sẽ mang ta xuống nơi đau khổ. Thứ hai chúng ta phải luôn trao dồi và thực hành những nghiệp thiện. Thứ ba chúng ta phải giảm thiểu tư tưởng xấu xa, tội lỗi, ác cảm, ganh ghét… xuống mức thấp nhất kể cả từ bỏ. Thì chúng ta sẽ tránh được những hậu quả xấu mang đến và không còn gặp nhiều điều phiền phức trong cuộc sống bon chen hôm nay. Những ngày tháng tương lai của chúng ta sẽ thuận lợi như mong muốn, có thể nói là ước mơ được hiện thực dần dần. Rồi khi đó bạn sẽ cho đó là điều may mắn đấy! Nhưng không đâu, đó là do tư tưởng và việc làm chánh thiện của bạn tạo nên. “Tâm chúng ta là người kiến trúc sư cho số phận của chính mình”. Bạn hãy suy nghĩ xem mình muốn gì? Đau khổ hay vui sướng ở ngày tháng hôm nay?
Và xin bạn nhớ kỹ một điều Không phải chỉ có việc làm mới mang đến hậu quả xấu cho mình. Nhân quả là quy luật công bằng tuyệt đối nó nhìn thấu mọi thứ từ việc làm cho đến tư tưởng. Khi tư tưởng,lời nói xấu phát xuất nó sẽ tạo ra nghiệp xấu tiềm ẩn, tích tụ cho đến một lúc nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Những tư tưởng xấu ảnh hướng lợi ích của người khác hay bạn muốn cảm thấy một người nào đó mắc phải cảnh khó khăn... Thì tư tưởng đó sẽ không thể thoát khỏi tầm nhìn của Luật Nhân Quả. Tính xấu đó của bạn sẽ được Luật Nhân Quả trả cho bạn một hậu quả tương ứng như vậy. Khi bạn có một tư tưởng ích kỷ xuất hiện trong đầu, mà ý tưởng đó hướng đến người khác thì Luật nhân quả sẽ nhìn thấu điều đó và bạn sẽ không nhận được bất cứ thứ gì về niềm vui tinh thần hay vật chất. Có khi nào bạn mời một người vừa ích kỷ với bạn đến nhà ăn cơm không? Do Nhân Quả là luật công bằng tuyệt đối và không có sự thiên vị với mọi người, bạn gieo gì bạn sẽ gặt nấy. Tuy hôm nay đời sống con người với con người có nhiều bất công, sự bất công do con người tạo ra dẫn hậu quả xấu đến người khác giống như họ thực hiện một công việc nào đó nhưng luật nhân quả xem xét cả sự bất công đó. Bởi vậy muốn hạnh phúc và vui vẻ thì hãy nhìn lại tâm mình coi có xứng đáng hay không?
Sự khó khăn và thuận tiên là hai mặt trái ngược nhau nhưng chúng có quan hệ chặt chẽ đến nhân tố giúp đỡ con người của chúng ta. Khi chúng ta giúp đỡ con người thật lòng, khi nhìn thấy họ khó khăn ta sẳn sàng giúp đỡ không cần phải được nhờ vả, mà không cảm thấy rằng điều đó gây cản trở hay phiền phức, sự giúp đỡ này không mang tính chất mong muốn được sự tưởng thưởng, nhận ơn hay đền đáp của bất cứ một ngoại lực nào thì nó sẽ tạo cho chúng ta sự thuận tiện trong mọi việc của cuộc sống. Đó được gọi là may mắn mà bất cứ con người nào cũng luôn mong muốn. Nó liên hệ đến nhân quả ấy.
Dưới ánh sáng này thì đời sống của chúng ta hôm nay sung sướng hay đau khổ là do chính nghiệp ta đã gieo từ thời quá khứ (đời sống trước hay thời gian trước đây) cho đến nay ta phải gánh chịu. Nếu bạn muốn thoát khỏi khổ đau thì con đường duy nhất để làm được đó chính là hành thiện bằng tâm thật của mình. Chỉ có bản thân mình mới hiểu rõ mình nhất!. Bạn phải hiểu một điều rằng được hạnh phúc thì bạn phải sống theo con đường mà Đức Phật đã dạy, sống một cuộc đời đúng với luân thường đạo lý. Nếu không bạn sẽ không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu về an vui trong tinh thần, cho dù cầu khuẩn Thần Linh, Chư Thiên hay Thượng Đế. Bạn phải cho mình thời gian để suy gẫm lại những việc tốt và xấu phát xuất từ đâu? Lúc đó bạn sẽ hiểu rõ được định luật của vũ trụ. Bạn sẽ không dám cho tư tưởng và việc làm của mình hành động theo bản năng tự nhiên của một con người thiếu hiểu biết.
Sự ham muốn của con người. Bạn không thể chìu theo ngũ dục của chính mình để chiếm đoạt những gì không được mang đến, nếu càng nhận thì nợ của bạn sẽ càng ngày càng chồng chất. Tất yếu là khổ đau sẽ theo bạn mãi khi mà tờ giấy nợ chưa được xé bỏ và chỉ có chính bạn mới có thể xé tờ giấy nợ ấy bằng cách tích lũy thiện phước. Khi ngũ dục trói buột, tâm bị bao phủ nhiều tư tưởng xấu, bạn phải rèn luyện bản thân một cách nghiêm khắc để vượt qua nó. Thời gian luyện tập có thể dài và rất khó khăn nhưng bạn phải cố gắng và không chịu ngã gục trước thói quen ngũ dục của mình.
Bạn phải hiểu rõ một điều rằng nếu chúng ta không có sự thành thật của con tim khi hành nghiệp thiện thì bạn cũng đừng nghĩ đến việc được hưởng an lạc hay hạnh phúc, cùng một điều rằng chúng ta không thể mong muốn kết quả tốt sẽ đến với chúng ta, bởi nhân quả là luật của vũ trụ nó không bao giờ có sai sót. Việc hành nghiệp thiện của chúng ta không phải mang tính chất là để tránh hậu quả xấu mang đến hay trông chờ sự tưởng thưởng.

Tại sao phải luyện tập?
Nhân cách con người mỗi người mỗi khác, kẻ thông minh người khờ dại, người kỷ luật bản thân, kẻ chẳng ý thức được chính mình,người có lòng từ bi cao thượng, kẻ có tâm địa bất lương thiện… không một nhân thể nào giống nhau cả. Những tính tình ấy là dạng tiềm ẩn sâu trong tâm thức của con người được truyền từ đời sống này sang đời sống khác, từ đời quá khứ cho đến hiện tại của chúng ta, nó tồn tại trong nhiều kiếp sống trước đây do ta tích lũy. Chúng sẽ được khơi dậy trong quá trình giáo dục từ nhỏ cho đến lớn xung quanh gia đình, hàng xóm và bạn bè cùng những trãi nghiệm của cuộc đời, hoàn cảnh bên ngoài cuộc sống do con người, vật chất, và nhiều thứ khác thúc đẩy chúng. Tam tự kinh có nói: “Thiên tính vốn không khác xa nhau mấy chỉ vì chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh nên có sự khác nhau”. Bạn phải hiểu cuộc sống hôm nay đầy những bất trắc, tội lỗi và ghê gớm của nhân sinh. Xung quanh chúng ta nhìn ở đâu cũng thấy tư tưởng xấu xa và tội lỗi. Chúng là thuốc độc đang ngấm dần và làm cho Đức tính xấu của chúng ta sẽ tỉnh thức càng ngày càng nhiều mà những Đức tính thiện bị thay đổi và vùi lấp đi bởi ham muốn,ghen ghét, thù hận, ích kỷ v.v.v. Khiến chúng ta quen dần với chúng mà không thể chống cự do thói quen bản năng, nếu bạn cứ để nó phát triển một cách không quản thúc theo lối tốt đẹp thì bạn sẽ được nhiều tính xấu hơn là tốt. Rất hiếm và khó khăn để gặp được những tác nhân tốt tác động lại triệt tiêu tư tưởng xấu đã trở thành bản tính của chúng ta. Như bạn hiểu con người cho cái “tôi”, cái “ngã” là quan trọng nhất nó còn nặng hơn cả núi vàng ấy, nên không thể chịu nghe những lời nặng nhẹ với mình. Và ta phải chấp nhận rằng Bản tính cố chấp chính là tai họa lớn cho con người ngày nay. Đức Phật dạy: Chúng ta phải chăng chịu nghe những luân lý có tính trái ngược với ý thức của mình cho dù nó có làm ta khó chịu. Và phải cho tâm trí chúng ta được xem xét, nghiên cứu, bàn cãi điều đó là đúng hay sai, phải hay trái, nên hay không nên, chấp nhận hay bác bỏ nếu nó thực sự đúng thì chúng ta phải chấp nhận và thực hành theo nó. Do sự cố chấp và không hiểu biết mà chúng ta sẽ phải chịu đau khổ và khó khăn suốt cho đến khi chúng ta nhận ra được chân lý đúng và thực sự có kiến thức. Nó có thể sẽ là cả cuộc đời của con người mà không tìm được lối sống chân chính, bởi con người không bao giờ chấp nhận những giáo lý ảnh hưởng đến cái tôi giả tạm của mình hay rất ít gặp được tác nhân tốt, nếu vậy đau khổ đang chờ họ đến ở phía trước để gánh lấy. Nguồn gốc đau khổ của con người được Đạo Phật nói đến với ngôn từ là bị màn vô minh che phủ, nhưng đối với đời sống thực chúng ta hiểu chính là thiếu kiến thức về Pháp (những giáo lý được dạy bởi Đức Phật) không thấu triệt được bản chất của cuộc sống, sự thay đổi không ngừng của vạn vật, không gì là mãi mãi và nó chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi bao gồm: vui sướng và khổ đau. Vì mọi vật đều vận động không ngừng trong không gian này, duyên sinh tất duyên sẽ diệt, có hợp thì tất có tan rã đó là định luật của vũ trụ. Giống như trong cơ thể ta dần theo thời gian những tế bào sẽ chết dần và được thay thế bởi những tế bào khác, quá trình thoái hóa xảy ra trong con người từ khi sinh ra cho đến khi sự tái tạo tế bào sống không còn khả năng thực hiện thì chúng ta phải chấp nhận cái chết. Cái chết cũng là một điều nhắc nhở chúng ta sống đúng đạo lý, chúng ta không thể biết nó sẽ đến với chúng ta bất cứ lúc vào và dưới dạng thức nào. “Chúng ta tuy chỉ là một giọt nước nhỏ bé trong dòng sông to lớn nhưng phải đóng góp vào dòng sông ấy. Nếu một người nào đó chỉ sống cho bản thân mình trong cuộc đời, thì đó là một gánh nặng cho thế giới”, đời sống đó thật sự dư thừa, một cuộc đời vô nghĩa và chẳng đáng để chúng ta lưu tâm đến và kẻ đó sẽ gặp khó khăn nhất trong xã hội này. Bởi thế chúng ta phải sớm tìm ra con đường cho chính mình bằng sự tu tập và rèn luyện bản thân đạt được thanh tịnh hoàn toàn trong tâm trí để đi đến hạnh phúc vĩnh cửu (Niết Bàn).
Rèn luyện đức tính chính là việc làm của ta cần thực hiện ngay bây giờ, ta phải chấp nhận và vượt qua khó chịu khi những việc không như ý. Chúng ta không rèn luyện tâm ngay bây giờ thì chúng ta không thể vượt qua được những thói xấu, tư tưởng bất chánh do thói quen của chính mình. Mọi sự việc trên đời này để đi đến thành công chính là sự nổ lực và thiện nghiệp. Chính nhờ sự nổ lực không ngừng trong suốt 6 năm Thiền Định Đức Phật đã phát tuệ để hiểu rõ được những chân lý bất diệt. Nếu điều đó là đúng chúng ta cố gắng làm mặc người khác nghĩ ra sao. Ta phải hiểu rằng Ta tạo số phận cho chính mình.
Lòng Từ bi, yêu thương: Chúng ta nên tập phát triển tình thương chân thật, khi nhìn thấy những sự khó khăn của người ta phải thực sự muốn giúp họ với khả năng có thể, ban bố niềm tin và lời an ủi. Không nên để tư tưởng ích kỷ tồn tại, nếu giúp được chúng ta phải sẳn sàng hy sinh một ít tài sản và năng lực mà không làm hao tốn nhiều và đẩy chúng ta vào khó khăn. Có nghĩa là nếu giúp đỡ được thì cứ giúp, rồi bạn sẽ hiểu được cảm giác an vui khi mình giúp được người khác. Song Bởi vì bạn không có thời gian nhiều để làm những việc có ích cho nhân sinh, điều đó lại rất ít xuất hiện vì thể nếu có một điều kiện nào giúp được bạn phải sẳn sàng giúp ngay, bởi thời gian bạn giành cho bản thân và những việc cho cuộc sống là quá nhiều dường như nó đã chiếm hết thời gian của chính bạn. Sự giúp đỡ phải mang nghĩa là chân thật từ tình thương như lòng từ bi vô bờ bến của Đức Phật, không mong cầu được một sự đền đáp hay nhận ơn của ai, đó là tình thương, lòng khoan dung không vụ lợi. Rất ít người có được Đức tính này bởi thế chúng ta phải rèn luyện để có chúng, vì chúng không tự có trong ta được giống như việc biết chữ ấy, chúng ta không thể biết được chữ nếu nhờ một người nào đó học dùm mà phải do ta tự học. Bởi hiểu rõ rằng an lạc trong tinh thần là tất cả mà chúng ta muốn. Sự chia sẽ, lòng khoan dung, tình thương mến là tất cả điều chúng ta cần ngay bây giờ, bởi nó chính là điều kiện thiết yếu để chúng ta được sự an lạc và vui sướng. Có người nói rằng muốn giúp đỡ người khác ta phải có điều kiện, đó là một quan niệm sai lầm. Sự giúp đỡ được thể hiện qua nhiều cách chứ không phải đợi có của cải hay tiền bạc. Bạn có thể giúp đỡ bằng lời nói cho những con người thiếu lòng tin hay nản chí trong cuộc sống, giúp một người nào đó bớt gánh nặng bằng sức lực của chính mình hay điều mà mình có thể giúp được từ sự chân thật của tình thương, một chén cơm hay vài đồng nhỏ nhoi cho con người đang cần nó hơn chúng ta, sự khuyên răn cho con người hiểu biết rằng điều đó là sai và nên tránh đi. Một ví dụ phát triển dễ làm: Bạn có một phần vải thều, chúng ta phải chia sẽ cho người đối diện cũng được dùng phần ăn đó. Bạn hãy tưởng tượng xem phần ăn ngon đó vào miệng làm bạn cảm thấy vui sướng và thoải mái với rất nhiều xúc cảm từ chất ngọt lan trong miệng bạn, thì khi vào miệng và xuống cổ họng của người được chia phần ăn đó họ sẽ có cảm giác ngon ấy giống bạn. Bởi bạn biết cảm giác ngon ấy thì người khác cũng sẽ cảm nhận y hệt mà không khác chút chi. Lúc đó bạn được vui vẻ với lòng rộng lượng mà người bạn đó khắc trong đầu về bạn (người đó biết rằng bạn là một người tốt thực sự), sự vui vẻ vì tình thương, lòng không vị kỷ đang phát triển thành thói quen, và chính là lúc bạn đang gieo cho mình nghiệp thiện. Bạn biết rằng lúc này trên thế giới bạn đã làm được một người vui, và làm một điều thiện chí trong ngày hôm nay. Mà cảm giác này bạn không gặp nhiều trong đời sống của mình và có khi đã là một thời gian dài rồi.
Lòng từ bi được giành cho tất cả loài chúng sanh từ loài tiến hóa cao nhất là con người cho đến con vật bé nhỏ như kiến, muỗi, loài bọ…. Trong giới cấm đầu của Đức Phật thuyết giảng chính là giới cử sát sinh. Đức Phật giảng: “Thật là một tội ác cho chúng ta khi giết hại những sinh vật nhỏ bé để tránh khỏi phiền toái do chúng gây ra, đó không phải là phương cách duy nhất”. Khi chúng ta sát sinh quá nhiều, điều xấu tất yếu sẽ đến với chúng ta. Thứ nhất: nghiệp lực ta gieo càng nặng sự hung hăng trong tâm ta càng tăng, lòng cố chấp ương nghạnh sẽ tăng theo và ta có thể mắc một số loại bệnh nguy hiểm về già. Một câu chuyện kể rằng một người đàn ông trong suốt cuộc đời giết heo để mưu sinh và có nói ‘Nếu người không ăn thì ta đã không làm’, Nhưng những năm tháng cuối đời của ông ta thì sao, ông ta không được chết một cách yên bình như bao người có thiện nghiệp, bệnh tật hành hạ khiến ông ta la hét như tiếng heo bị thọt huyết trong suốt một quảng thời gian dài trước khi ông ta trút bỏ hơi thở cuối cùng và nghiệp xấu ấy sẽ vẫn còn theo ông ta đến cuộc đời mới. Điều Thứ hai ta hiểu đó là tuổi thọ chúng ta sẽ giảm dần, do chúng ta đã cướp đi mạng sống của những sinh vật có cảm giác như ta, khi chúng ta không phải là người tạo ra chúng nên ta không có quyền lấy đi sinh mạng ấy. Điều thứ ba, Trong Ngọc Lịch Minh Kinh có nói: Nếu ta cử sát sinh thì được Chư Thần phù hộ., Chúng ta sẽ không mắc phải một số tai nạn lớn trong cuộc đời như chết yểu, trộm cướp, cháy nhà…, gia đình sẽ được bình an mà không xảy ra sự việc không như ý. Sự cầu nguyện thành tâm trước các Chư Phật sẽ linh ứng như mong ước.
Lòng ganh tỵ trong bạn. Bạn phải hiểu rằng mọi người đều có một niềm vui và nổi khổ riêng biệt, không ai là không buồn mà vui suốt được. Khi một người nào đó được vui hưởng lạc thú nào đó thì họ phải sẳn sàng chịu đựng áp lực hay khổ đau sau những lạc thú ấy mang đến và có khi họ còn phải mang những nỗi lo ngay bây giờ mà bạn không thể nhìn thấy được. Nó sẽ sớm nhàm chán với chúng ta mau thôi. Nếu ngay bây giờ bạn còn ham muốn những vật chất ấy thì bạn sẽ còn đau khổ, bạn hãy xem lại một món vật mà bạn yêu quý nhất xem!. Bạn cũng phải hiểu rằng mình có được sự vui sướng, an lạc vì thanh thản mà không có được nổi lo như họ khi mà lạc thú sẽ sớm kết thúc cùng nổi khổ do chúng mang đến. Điều bạn có được có khi nhiều hơn những người mãi đắm chìm trong dục lạc ở đời sống, đó là sự hiểu biết để phát triển tâm thức của chính mình chứ không phải theo đuổi những lạc thú ngắn ngủi và tạm bợ đó (Bởi ta hiểu rõ bản chất của cuộc sống). Ngược lại khi đang được vui hưởng lạc thú thì bạn phải càng tiếp tục hành nhiều việc tốt và phát triển tâm thức đến thanh tịnh hoàn toàn chứ không phải đắm chìm quá nhiều vào chúng, vì bạn đã phí thời gian quý báo của mình thay vì có thể làm một số việc có ích hơn. Đạo Phật vẫn chấp nhận lạc thú nhưng nó phải ở con đường trung đạo và hợp với luân thường đạo lý, không được quá mức hay quá tệ đối với tinh thần mà phải giữ ở mức ấy, như thế bạn sẽ ngăn được sự khơi dậy những đức tính không tốt của chính mình.
Vô cùng khó khăn cho chúng ta trong cõi hồng trần này vì tư tưởng bị ô nhiễm, sự bận rộn làm ta quên đi những việc làm trước đây. Trong quá trình tu tập ta sẽ bị lãng quên đi những hiểu biết mà ta có, rồi tiếp tục chịu khổ đau do việc làm cố ý của chúng ta hay chúng ta không vượt qua được chính mình trong sự cám dỗ của trần tục. Cho nên sự rèn luyện tu tập phải có sự ôn luyện và học hỏi liên tục không thể ngừng nghỉ để chúng ta khắc sâu vào trong tư tưởng những kiến thức mà sẽ thực hành suốt trong cuộc sống này. Nguồn gốc đau khổ thực sự của đời sống chính là không có hiểu biết và luyến ái.
Sự giàu có nhất của đời người chính là tấm lòng, còn sự giàu có về vật chất không đáng để chúng ta nghĩ đến, một con người có tấm lòng giàu có hơn nhiều những kẻ có nhiều vật chất nhưng tâm hồn bị ô nhiễm bởi những tư tưởng không tốt, hẹp hòi, vị kỷ… Đức Phật nói: “Chúng ta nên tôn trọng những người xứng đáng được tôn trọng”.
Lòng thỏa mãn: Trong thế giới hôm nay không có bất cứ thứ gì có thể làm thỏa mãn cho con người được cả. Con người mãi tranh đấu trong chiến trường đau khổ để giành lấy những lợi lạc. Nhưng bản chất nó không tồn tại được lâu mà chỉ thoáng qua mà thôi giống như người dân quá cực khổ để có được một bữa ăn ngon vào một ngày nào đó nhưng sau khi thức ăn đưa vào miệng và đi qua thực quản xuống dạ dày, rồi được tống ra ngoài dưới dạng phân. Thời gian cho ta nhai trong miệng và cảm thụ cảm giác ngon là bao lâu? Những Lạc thú cũng như vậy, nếu chúng ta thực sự suy gẫm kỹ. Những Lợi Lạc hiếm hoi và nhỏ bé ấy phải đổi bằng sức lực và phiền não trong một thời gian dài, nhiều hơn thời gian ta được hưởng lạc thú ấy. Ngày nay con người càng tạo ra những vật chất hiện đại rất cao để phục vụ cho mình, nhưng không bao giờ có sự thỏa mản và ngừng lại, bởi khi họ tạo ra những vật chất ấy khi đã phục vụ được thì họ sẽ đi tìm điều tốt hơn, họ cứ đi tìm mãi mà không có sự dừng lại, họ tự gieo cho họ cái lòng ham muốn vô cùng. Nhưng bạn đã thấy đời sống con người bị phân biệt bởi giai cấp là quá nặng, chúng tạo nên những ganh ghét, thù hận, tội lỗi cho con người vì những theo đuổi vật chất rồi sẽ đi đến nhàm chán rồi quên lãng.Một câu chuyện thuật lại như sau:
Người kia đi quanh quẩn giữa một khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn. Trong khi lang thang bất định anh sực nhìn lại phía sau, và thấy một thớt voi đang rượt theo. Giựt mình, anh vụt chạy. Voi đuổi theo. Chạy đến một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống để tránh voi. Nhưng thấy dưới đáy giếng có con rắn độc. Thớt voi lù lù trờ tới. Hoảng hốt, anh chụp lấy một dây rừng từ cây cao lòng thòng phía trên miệng giếng và vội vã trèo phăng lên, bất chấp gai nhọn đầy trên sợi dây, quàu trầy cả mình mẩy và tay chân. Lúc ấy anh chàng ngước mặt nhìn lên, thấy một ổ ong. Bầy ong bay tủa ra vây đánh anh. Phía trên nữa có hai con chuột, một trắng một đen, đang cặm cụi gậm nhấm sợi dây mà anh đang đeo trên đó. Vừa lúc ấy một giọt mật từ ổ ong rơi xuống ngay vào miệng anh. Bấy giờ, quên cả thớt voi đang rượt, con rắn độc đang nằm dưới đáy giếng, sợi dây đầy gai nhọn quàu trầy cả mình mẩy, bày ong đang vây đánh, và hai con chuột đang gậm nhấm sợi dây, anh mê mệt thọ hưởng giọt mật một cách thỏa thích..."
Đó là hình ảnh của cuộc sống mà chúng ta đang sống: Người lang thang lạc bước giữa rừng là chúng ta. Khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn là kiếp nhân sinh trong vòng luân hồi. Thớt voi tượng trưng cho Tử Thần. Con rắn độc nằm dưới đáy giếng là sự già nua. Sợi dây rừng đầy gai nhọn là sự sanh. Bầy ong là những nổi khổ đau luôn luôn đe dọa tình trạng an lành của chúng ta. Giọt mật hình dung những thú vui hiếm hoi trong đời sống. Hai con chuột, một trắng, một đen, là ngày và đêm...
Tứ Diệu Đế - Phạm Kim Khánh
Chúng ta không nên quá chú trọng nhiều về những vật chất trước mắt dù chúng có làm ta say mê đến thế nào. Nói miệng thì rất khó lòng, bạn phải hiểu rằng khi nhìn chúng thì ta biết nó là một nổi lo cho người giữ nó, rồi nó sẽ trôi qua nhanh thôi, nó sẽ đến quên lãng sớm dù rằng chúng ta có cố giữ nó bằng cách mấy đi nữa. Rồi Lạc thú nào cũng kết thúc với đau khổ. Vì khi bạn quá ham thích điều đó bao nhiêu thì khi mất nó đi bạn sẽ đau khổ nhiều chừng ấy, nếu bạn có một vật quý giá thì bạn đã phải mang nổi lo giữ gìn, lo sợ rằng nó sẽ bị lấy mất bởi một người nào đó. Thời gian quý giá của chúng ta giành để chăm lo và ngắm nhìn chúng nếu xảy ra hư hại thì nổi lo sẽ được nhân đôi vì phải bận lòng cho việc sữa chữa. Nếu thời gian để ý tới nó thì ta nên lo chu toàn bổn phận của chính mình với gia đình và xã hội. Thực sự Lòng thỏa mãn được dung dưỡng và phát triển bằng lòng khiêm từ của chúng ta. Chúng ta đã hiểu bản chất của cuộc sống thì nên cố gắng tránh những sự việc nhận của người khác khi mà không được sự chân tâm dâng tặng của con người, nếu bạn nhận nhiều quá thì bạn phải trả đấy. Bạn cũng nên nhớ chúng ta không thể lấy không của bất cứ ai một xu nào cả, bởi quy luật nhân quả rất công bằng và nó được định sẳn như vậy. Như một kinh nghiệm được thụ hưởng lại, chúng ta không nên ở lại dùng cơm với một người khi ta đến nhà họ thăm hay đến chơi nếu như đó không phải là người thân của chúng ta, vì điều đó không nên. Hay ghi nhớ câu nói này của Đức Phật: “Chúng ta không thể làm nô lệ cho những xúc cảm” khi chúng ta có những tư tưởng sai trái.
Lòng Hiếu Hạnh: Đây là phẩm hạnh đầu của tất cả con người và không tội nào lớn hơn tội bất hiếu cả. Nhiệm vụ của con người cần thực hiện là phải Phụng dưỡng và thương yêu cha mẹ một cách hết lòng, bởi cha mẹ là người cho ta cả cuộc đời, cho ta sự sống trên thế giới: niềm vui và niềm thương yêu vô bờ bến. Nhờ có cha mẹ mà thân thể hôm nay của ta mới lớn khôn thế này.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ hơn Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe con
Lời Phật Dạy “Chữ Hiếu”
Ước nguyện của cả cuộc đời họ chính là những đứa con thân yêu. Họ mong muốn con cái của mình sống tốt đẹp trên cuộc đời đau khổ này. Để sau này ra đi thì họ mãn nguyện vì con cái họ không phải chịu khổ cực và bị nhiều uy hiếp lụy phiền bởi kiếp sống nhân sinh quá nhiều thị phi. Nếu họ có thể sống bao nhiêu năm thì tình thương và nổi lo cho đứa con họ không ngừng. Nước mắt và mồ hôi để đổi lấy no ấm cho con mình mà phải lăn lộn, chịu đựng và đối mặt với khó khăn trong biển người, thì giấy bút nào làm sao viết hết được. Nếu một đứa con trưởng thành sống với tư tưởng không hiểu biết, sống không theo luân thường đạo lý thì đó sẽ là một vết thương không thể chữa lành trong lòng ba mẹ và giọt nước mắt họ chỉ lặng lẽ rơi theo sự trôi dạt của dòng đời. Sự bất hiếu con người được nho giáo nói rất rõ:
Nếu mình hiếu với mẹ cha Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận
Chắc rằng con hiếu với ta khác gì Ngỗ nghịch sinh con nào khác chi
Nếu mình ăn ở vô nghì Xem thử trước thềm mưa xối nước
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công Hạt trước hạt sau có khác gì
(Thái Công)
Ý nghĩa rất rõ ràng cho con người hôm nay nếu chúng ta nghĩ kỹ hơn và đưa mắt nhìn xung quanh để hiểu rõ về luật nhân quả. Chúng ta đừng nên mong con cái hiếu với ta cho uổng phí công sức nếu như sự bất hiếu ta giành cho chính cha mẹ mình, rồi chúng ta sẽ là người cảm nhận được giọt nước mắt bi thương chảy trên khuôn mặt vì con cái. Câu hát của nghệ sĩ Thanh Ngân như sau: “Đừng để ngày phụ mẫu tàn hơi chẳng có ý nghĩa chi những dòng lệ đổ, đừng để hối tiếc khi quỳ bên nấm mộ sẽ thấy lạc loài trong cảnh mồ côi” hay “ Đừng tham đắm miếng mồi danh lợi mà bỏ gốc quên nguồn tội lỗi lắm ai ơi”. Chúng ta phải hiểu bổn phận mà cố gắng dù chưa biết ngày tháng tương lai ra sao nhưng phải giành thương yêu cho họ, giúp đỡ những công việc mà ta làm được, có thể làm gánh nặng nhẹ bớt trên đôi vai đã mang nổi lo của cuộc sống và sự tốt đẹp vì chúng ta. Điều mà họ cần nhất ở cuộc đời chính là tình thương yêu con cháu và lối sống tốt đẹp của ta. “Cho dù con biết chỉ còn sống được một ngày trên thế gian con cũng sống sao cho ra người như lời má dạy” - Minh Quân. Bởi thế ta phải tỏ ra cho họ biết mình thương yêu họ cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, giành những điều tốt đẹp cho cha mẹ nếu ta có thể được. Nguồn hạnh phúc mà ta có được nơi thế gian này không phải là sự thỏa mãn của vật chất mà là tình thân của gia đình và thân nhân. Vật chất rồi sẽ đi đến tan rã, rồi chúng ta sẽ đánh mất tình thương mà còn phải chịu những nghiệp xấu do bất hiếu. Bởi bạn nên biết rằng người thân là người yêu thương ta nhất và không ai giành cho ta tình thương chân thật ấy. Câu hát rằng: “Chỉ có má là người tốt nhất trên thế gian, Có má chúng ta sẽ có nguồn hạnh phúc vô biên. Không có má thì ta sẽ như cọng cỏ bơ vơ giữ cuộc đời rộng lớn này. Xa má, Bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc ở nơi đâu? ”
Một câu chuyện:
Người mẹ đang bận rộn nấu bữa ăn tối trong bếp, bất ngờ cậu con trai bé bỏng chạy ùa vào và đưa cho mẹ một mẩu giấy nhỏ. Sau khi lau tay vào chiếc tạp dề, người mẹ mở tờ giấy ra và đọc:
Cắt cỏ trong vườn: 5 đô la
Dọn dẹp phòng của con: 1 đô la
Đi chợ cùng với mẹ: 50 xu
Trông em giúp mẹ: 25 xu
Đổ rác: 1 đô la
Kết quả học tập tốt: 5 đô la
Quét dọn sân: 2 đô la
Mẹ nợ con tổng cộng: 14,75 đô la
Sau khi đọc xong, người mẹ nhìn cậu con trai đang đứng chờ với vẻ mặt đầy hy vọng. Bà cầm bút lên và lật mặt sau tờ giấy và viết:
Chín tháng mười ngày con nằm trong bụng mẹ: Miễn phí
Những lúc mẹ bên cạnh chăm sóc, cầu nguyện mỗi khi con ốm đau:Miễn phí
Những giọt nước mắt con làm mẹ khóc trong những năm qua: Miễn phí
Những đêm mẹ không ngủ vì lo lắng cho tương lai của con: Miễn phí
Tất cả những đồ chơi, thức ăn, quần áo mà mẹ đã nuôi con trong suốt mấy năm qua: Miễn phí
Và đắt hơn chính là tình yêu của mẹ dành cho con: Cũng miễn phí luôn con trai ạ.
Khi đọc những dòng chữ của mẹ, cậu bé vô cùng xúc động, nước mắt lưng tròng. Cậu nhìn mẹ và nói: “ Con yêu mẹ nhiều lắm!”. Sau đóm cậu đặt bút và viết thêm vào tờ giấy dòng chữ thật lớn: “ MẸ SẼ ĐƯỢC NHẬN LẠI TRỌN VẸN”.
M.Adam
Quan hệ tình thân được viết trong Thiên Tự Văn: “Cô, bác, chú là anh em của cha, cháu trai, cháu gái cũng phải tôn kính yêu quí giống như con đẻ. Anh em là cùng cha mẹ sinh thành, giống như cành nhánh một cây sinh ra.”. Chúng ta cũng phải thương yêu những người bên quan hệ gia đình, không nên có sự phân biệt đối xử bởi thế nó sẽ làm ta đánh mất đi những điều tốt đẹp mà ta có thể giữ và tình cảm cao quý đó không thể bị mất đi trong suốt cuộc đời này được. Những dư âm vui vẻ nhất mà ta có chính là thời gian được ở gần những người thân. Vật chất rồi sẽ đi đến tan rã nhưng tình thương thì không bao giờ mất đi được chỉ trừ khi chúng ta tự mình hủy bỏ.

Sự Thành Tâm?
Sự thành tâm và niềm tin của con người là hai thành phần quan trọng trong Phật Giáo, hai yếu tố này song hành với nhau và có ý nghĩa tương đương với sự nổ lực và niềm tin vậy. Trong Đạo Phật không nói rằng ta phải cầu nguyện và thờ cúng để được thoát khỏi những nghiệp xấu nhưng nó là nhân tố dẫn chúng ta đi đến sự giải thoát cuối cùng.
Đời sống hôm nay được nói đến đã là thời kì cuối, con người càng ngày càng khổ đau bởi chính con người tạo ra. Bạn có thể nhìn thấy thực tại mà không cần phải được nói rõ, con người đang sống trong sợ hãi, đau khổ và lo âu bởi đời sống. Những sự kiện cướp bóc, tai nạn, khó khăn về tài chính…. Cùng với tai họa thiên nhiên và những biến chuyển trong cuộc sống dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với con người ngày nay, nếu chúng ta không tu tập sẽ không còn kịp nữa, Chính con người đã đẩy mình vào cảnh diệt vong vì những hành động không có lương tâm. Thời kỳ xa xưa có nhiều con đường tu tập dẫn đến thoát khỏi đau khổ, Thiền Định được xem là con đường duy nhất nhưng với cuộc sống ngày nay quá nhiều bận rộn. Pháp môn ta có thể thực tập nhanh gọn mà không mất nhiều thời gian đó chính là Hành Trì câu Lục Tự Di Đà. Ngày nay chúng ta nên cố gắng một ngày niệm danh hiệu Di Đà ít nhất là 10 câu trong một ngày nếu thời gian quá bận rộn, nó giúp ta được nhẹ nhàng thanh thản trong tâm hồn. Khi trì niệm sẽ làm nghiệp lực của ta nhẹ bớt. Chúng ta nên thực hành càng nhiều sẽ dẫn đến sự thanh thản vô biên trong tâm hồn.
Câu chuyện thật được kể lại:
Một người phụ nữ và chồng cùng buôn bán làm ăn nhưng thất bại cứ mãi xảy ra. Sau hai lần mưu sinh cuối cùng, lần thứ nhất họ vẫn chịu số phận là thất bại vì làm ăn lỗ lã, lần thứ hai họ quyết định mở một cửa hàng thuốc để mưu sinh nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Người chồng quyết chí lên núi tu hành, người vợ ở lại nhà tu trong sự thanh tịnh tâm thần. Hằng ngày bà niệm danh hiệu Di Đà nhất tâm không xao lãng, sau khi dùng cơm bà tắm rửa sạch sẽ và quỳ trước bàn thờ tụng câu Lục Tự. Bà tụng liên tục dường như là suốt ngày từ sáng cho đến tối trong những thời gian rãnh kể cả khi làm việc. Mỗi khi con cháu đến thăm bà và kể cho bà nghe về chuyện của đời sống thường nhật nhưng bà đều từ chối. Sau quá trình không ngừng nghỉ và kiên định của bốn mươi mấy năm, ngày cuối cùng bỗng nhiên trên nóc nhà tỏa sáng luồng hào quang rực rỡ. Người con bên sông trông thấy cứ tưởng cháy nhà liền chạy vội cả về nhà mẹ, thì bà đã viên tịch để trở về đất Phật, thoát khỏi cảnh khổ của luân hồi và phiền não của thế gian mãi mãi.
Sự Thành tâm và niềm tin là vô cùng quan trọng nhiều vấn đề, khi lễ Phật, thắp nhang và khẩn nguyện lòng ta phải hướng về Chư Phật và lòng thành kính vô bờ bến trước những phẩm hạnh không gì so sánh được của các Chư Phật. Sự hành trì niệm Phật là rất cần thiết cho con người ngày nay, bởi ta đã bỏ thời gian quá nhiều và chưa bao giờ trong tâm ta có lời vang của tiếng niệm Phật. Đó là một nghiệp nặng hay là sự thiếu sót của tâm hồn. Khi thành tâm ta có cảm giác như câu niệm đi vào lòng ta đó là lúc ta được thành tâm nhất “Miệng niệm và lỗ tai phải nghe rõ từng chữ”.
Trong việc chữa bệnh của con người, ta có thể nghĩ mọi sự vật bắt nguồn từ thiên nhiên, con người cũng là sự hợp thành của tứ đại. Trong Thiên Tự Văn có nói: “Thân thể con người có liên quan đến đất, nước, lửa, gió. Con người có năm đức tính Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Phật Giáo cũng có thuyết quá trình hợp thành của con người từ chất lỏng, chắc rắn, lữa, gió. Do vậy con người sẽ dùng thuốc của tự nhiên ban cho để chữa lành những căn bệnh gây đau khổ cho con người ngày nay, đó là một hiệu quả vô cùng nếu được sự hướng dẫn của người khác. Câu chuyện thật được nghe kể lại như sau: Một người phụ nữ mắc 6 căn bệnh trong cơ thể, ai đã từng gặp mặt người phụ nữ ấy điều nói là mặt ma và nghĩ rằng người phụ nữ ấy không thể sống nổi. Khuôn mặt và thân hình xanh xao và hốc hác quá nhiều. Nhưng được sự chỉ dẫn dùng một loại thuốc: lá Nàng Hai. Người phụ nữ tin theo lời chỉ dẫn và thực hiện, hằng ngày đều dùng thuốc đó rửa sạch nấu nước uống thay cho nước uống, mỗi lần uống thuốc đều thắp một cây nhang và nguyện thành tâm: Xin Ơn Trên cho thuốc uống mau khỏi… Vậy chỉ sau hai tuần người phụ nữ đã khỏi hẳn hết 6 loại bệnh. Khi gặp mọi người dường như ai cũng không tin đó là một sự thật…
Chúng ta hãy nhớ một điều rằng Tâm chúng ta tạo ra đau khổ và hạnh phúc cho chính ta. Cùng Luật Nhân Quả là công bằng tuyệt đối không có sự sơ xuất hay chật lệch.

Trong tác phẩm “Tế Điên Hòa Thượng”. Khi kết thúc truyện Tế Điên lái thuyền khuất đi và cất khúc hát:
Đời thấm thoát chừ phù sinh giấc mộng
Thân người nhỏ bé chừ biển trời lồng lồng
Thấm thoát qua mau hết trẻ đến già
Ngoảnh mặt người thân bao người khuất bóng.
……………..


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.27 khách