Nơi Nghiệp Phát Xuất?

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

hahaothien
Bài viết: 150
Ngày: 04/06/09 06:56
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam

Nơi Nghiệp Phát Xuất?

Bài viết chưa xem gửi bởi hahaothien »

Phóng tác theo những Giáo Lý của Tiến Sĩ Hòa Thượng K.Sri.Dhammananda
Theo Đức Phật dạy thì không một vị Thần Linh nào có thể ban thưởng hay trừng phạt bất cứ một người nào khi họ làm việc xấu hoặc tốt dù có theo đạo hay không theo, bởi vì chính chúng ta là người phải gánh chịu nghiệp do chính tạo nên. Sống dưới danh nghĩa Phật Giáo là một Phật Tử thì chúng ta phải thực hành những giáo lý của Đức Phật truyền lại chứ không phải là mượn việc tôn thờ hay sùng bái để cầu nguyện được những ước vọng, tức là chúng ta phải sống một cuộc đời trong sạch và cao thượng ở nơi cuộc sống nếu người đó muốn được hưởng niềm hạnh phúc an lạc.
Việc Thờ cúng và cầu nguyện thực chất chỉ là việc làm kính trọng hết lòng đối với phẩm hạnh cao thượng của Đức Phật và các Chư Phật, vì chúng ta biết ơn đến Đức Phật đã tìm ra chân lý để giúp ta thoát khỏi đau khổ của cuộc sống. “Trên thế giới, dân chúng chen chúc tại các chùa, nhà thờ, giáo đường và các nơi sùng bái để cầu nguyện, hy sinh các sinh vật, thực thi khổ hạnh. Nhưng khi họ ra khỏi các nơi trên, họ vẫn sân si, tham dục, ganh tị, thù hận và ác cảm như trước”. Đó thực sự là những con người không có đạo lý!. Nếu là như vậy thì họ không khác gì những con người “mượn hoa cúng Phật”, họ đến chùa chỉ để cầu khẩn được thỏa mãn những điều dục vọng và thoát khỏi khổ đau, bởi họ chỉ mong muốn những Chư Phật làm thỏa mãn những tâm tư trong lòng. Ngày nay có rất nhiều người theo Phật Giáo nhưng thực sự thì có bao nhiêu người là Phật Tử chân chính, là 1 con người có lối sống cao thượng không vị kỷ. Bạn suy nghĩ xem Bạn? Tôi? Hay những người bạn gặp? Nếu chúng ta mang đầy những ý nghĩ cùng việc làm xấu xa ác cảm thì chúng ta có cầu khuẩn đến đâu đi nữa thì vẫn phải chịu những khó khăn do những tư tưởng việc làm xấu ấy tạo nên. Nếu chúng ta phạm lỗi lầm rồi đến chùa cầu khuẩn Chư Phật để được tha lỗi và tránh được hậu quả xấu thì như thế quá bất công rồi, vì bạn làm mà bạn không phải chịu, vậy là bạn đang cố gắng chống đối lại với luật Nhân Quả. Bạn nên nhớ bạn tạo nên nghiệp xấu thì bạn phải gánh chịu và không có cách nào thoát khỏi bởi luật nhân quả là công bằng tuyệt đối. “Đức Phật không muốn các tín đồ của Ngài tin tưởng trong mù quáng. Với Ngài, tôn giáo không phải là sự mặc cả, mà là con đường sống cao thượng để đạt được giác ngộ và giải thoát”. Niềm tin không thôi đối với Đức Phật thì không thể cứu rỗi chúng ta được, khi ta vẫn tiếp tục phạm phải sai lầm mà không chịu thực hành theo giáo lý của Ngài dạy, giống như một đi lạc đường anh ta nhờ một người hướng dẫn con đường để đi đến nơi, sau khi cám ơn chúng ta phải bước đi để đến được nơi cần đến, chứ không phải vì biết ơn mà chúng ta ở lại chỉ lo quỳ lại tỏ lòng cám ơn, thì chúng ta sẽ mãi mãi không thể nào đến được nơi muốn đến. Giáo Pháp và Đức Phật chính là người chỉ đường, phần còn lại là ta theo những lời hướng dẫn mà tu tập rèn luyện tâm trong cuộc sống, còn lòng kính trọng, biết ơn các Chư Phật phải giữ trong tâm thành thật mà chúng ta phải biết.
Đạo Phật cần chính là lối sống cao thượng của một con người. Nó không phải là nơi để cho chúng ta chọn lựa giữ niềm hạnh phúc hay đau khổ bằng cách nguyện cầu những điều mong ước hay xin tha thứ những tội lỗi. Phật Giáo là một triết lý sống chân chánh nhằm mang lại một cuộc sống hòa bình an lạc, hạnh phúc cho mỗi chúng sanh hiện hữu trên cuộc đời này. Phật giáo là phương pháp đoạn trừ những khổ đau trong cuộc sống để tìm ra con đường giải thoát, giác ngộ bằng cách tu tập. Phật Giáo là nơi cho chúng ta tìm thấy con đường thoát khỏi đau khổ và tránh được những phiền phức nhưng phải do chính sự cố gắng của chính chúng ta bằng phương pháp thanh tịnh trong tinh thần. Chúng ta thường nghĩ rằng những việc xấu đến với chúng ta là do sự trừng phạt của các vị Thần Linh, nó hoàn toàn là một lối nghĩ sai lầm. Nếu bạn cho rằng Thượng Đế hay Thần linh quyết định số phận và tự phán quyết số mệnh của con người thì tại sao rất khó cho họ để thay đổi những bản tính xấu xa của chính mình và tại sao Thượng Đế không tạo cho tất cả mọi người được hưởng cảnh hạnh phúc nơi cuộc đời này để họ không phải làm những điều xấu xa hay đem mọi người lên Thiên Đàng sau khi chết mà phải xem xét việc xấu tốt của họ, bởi Thượng Đế hay Chư Phật là người có lòng từ bi thương chúng sanh vô lượng?. Khi chúng ta phạm phải một nghiệp xấu thì chúng ta phải sẳn sàng tâm lý gánh chịu những nghiệp ấy, chúng ta không thể cầu xin bất cứ nơi đâu để tránh được hậu quả ấy.
Sám Hối có nghĩa là gì? Sám là ngưng ngay những việc làm xấu xa, Hối là chúng ta cảm thấy hối hận vì hành vi không tốt rồi quyết tâm không còn phạm phải nữa. Chúng ta có thể ngăn những việc xấu đến với chúng ta bằng sự nổ lực của bản thân. Nơi Phật Giáo biểu hiện tình thương, lòng tôn trọng con người, lòng khoan dung và không có mặt của ích kỷ, không có thù hận, ác cảm, ganh ghét… Đó chính là Đạo Phật thực sự! “Bất cứ ai cũng có thể đứng trước Đức Phật trong tư thế một người có phẩm cách chứ không phải trong tư thế một người nô lệ”. Nếu chúng ta sống như một con người tốt đẹp thì chúng ta mới thực sự là người Phật Tử, như thế chúng ta mới xứng đáng là người theo Đạo Phật, như thế chúng ta mới cảm thấy rất gần với Đức Phật.
Đạo Phật chính là lối sống cao thượng của chính chúng ta, bạn có thực sự là một người có phẩm hạnh trong sạch cao thượng hay lối sống tốt đẹp?
Tự do tư tưởng trong ta! Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin ngay những gì được ghi sẳn trong sách, những truyền thống, tập tục được truyền lại hay những lời của một trưởng lão đạo sư nào đó một cách mù quáng. Đối với những con người không hiểu biết liền cho rằng những lời đó là đúng thì chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, có thể làm chúng ta trở nên yếu đuối, sợ sệt và trở thành những con gối thiếu tự tin. Lời khuyên của Đức Phật là chúng ta phải tự do suy nghĩ những điều chúng ta nghe hoặc thấy; điều đó là đúng hay sai, phải hay trái, nên hay không nên, chấp nhận hay bác bỏ. Chúng ta phải thực sự là những người làm chủ suy nghĩ của chúng ta, không nên theo quán tính và lòng tin của mình đã có từ trước, rồi chấp nhận hay bác bỏ điều mà chúng ta nghe hay thấy ngay lập tức. Chúng ta không phải là những đứa trẻ nít vô tư không biết gì, liền nghe theo khi một người lớn nào đó nói, mà phải cho thời gian chúng ta xem xét bàn cãi. Nếu chúng ta cứ trông chờ vào bên ngoài để được cứu rỗi thì nó sẽ là một việc tai hại cho chúng ta. Đức Phật nói: “Ta không bao giờ có một vị thầy nào hay một Thần Linh nào dạy ta hay bảo ta làm cách nào để đạt được giác ngộ. Cái mà ta thành công là do sự cố gắng, năng lực, kiến thức, thanh tịnh của chính ta để đạt được trí tuệ tối thượng”
Trước khi Ngài qua đời, Ngài dặn dò những lời cuối cùng. “Hãy tìm nơi nương tựa ngay nơi các con”. Tại sao sau 45 năm hoằng Pháp, Ngài lại thốt ra những lời như vậy? Tại sao Ngài không khuyên răn mọi người tìm sự cứu rỗi nơi Ngài. Cái Ngài muốn nói là chúng ta không nên tìm sự cứu rỗi ỷ lại vào người khác. “Với niềm hy vọng và tự tin, một người có thể quyết định vận mạng của chính mình”. Điều đó nhắc nhở ta phải cố gắng bằng chính bản thân mình vượt qua những thói quen xấu dường như đã trở thành bản tính của chúng ta và phải là một con người có hiểu biết thật sự, sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ của cuộc sống mang đến. Bằng phương cách thông qua sự giảng dạy của những bậc trưởng giáo chân chánh hoặc tìm kiếm để học hỏi, nếu không chúng ta sẽ chịu mãi đau khổ cho đến khi hiểu được những nguyên nhân của phiền não, bạn đã phải trả giá cho những hành động xấu của mình trong nhiều lần ở thời quá khứ mà có lẽ bây giờ bạn đã quên đi và bạn đã chưa bao giờ nghĩ đến nguyên nhân của những đau khổ ấy xuất phát từ đâu. Một số người nói rằng Đức Phật chỉ là một người bình thường không phải là một Thượng Đế, tại sao dân chúng lại theo Ngài? Những người này không hiểu rằng người Phật Tử không trông chờ sự cứu rỗi từ nơi Đức Phật mà là thực hành phương pháp cao thượng do Ngài dạy.
Niềm tin, sự tôn thờ và cầu nguyện các Chư Phật của chúng ta không phải là không có nghĩa lý gì? Điều đó cũng thực sự cần thiết vì sự an lạc trong tâm hồn. Cầu khẩn nơi Chư Phật chỉ được linh ứng khi chúng ta là những con người có lối sống tốt đẹp. Cầu khẩn Phật Bà Quan Thế Âm là một ví dụ qua một câu chuyện có thật như sau:
Vào khoảng những năm đầu khi đất nước hòa bình, một người đàn ông chưa bao giờ tin những gì về tôn giáo, ông thường cảm thấy phiền khi đến chùa để thờ cúng. Nhưng vào năm khi ông ta vượt biên qua nước ngoài, ông bị đắm thuyền trôi dạt trên biển mênh mông, dường như cái chết đang chờ. Được mọi người khuyên bảo niệm tưởng Phật Bà Quan Âm, thì trong tuyệt vọng ông ta nhìn thấy trên bầu trời đêm xuất hiện một người phụ nữ mặc áo trắng bay phất phới. Một lát sau bổng nhiên có thuyền đến rướt ông ta và những người trôi dạt trên biển. Từ khi an toàn vào đất liền thì ông ta đã thay đổi hoàn toàn, ông ta phát nguyện ăn chay trường và thường xuyên đến chùa lễ cúng. Đây là câu chuyện được ông viết thư kể lại cho người vợ sau khi ông ta đến được đất Mĩ.
Nhưng ta nên biết việc cầu nguyện không khác gì những viên thuốc chữa bệnh nhức đầu. Khi ta nhức đầu ta dùng những viên thuốc để chữa lành, cơn đau sẽ chấm dứt nhưng sau vài ba tiếng thì nó lại tái phát, vì nhức đầu không phải là căn bệnh mà chỉ là chịu chứng mà thôi. Vì thế nên chúng ta phải nhớ một điều rằng bạn phải tự mình chữa dứt căn bệnh bằng cách dứt bỏ hết những thói xấu trong tư tưởng, việc làm và lời nói, tập phát triển lòng yêu thương, khoang dung như thế bạn sẽ không bao giờ gặp phải những điều phiền phức, khó khăn, niềm an vui và hạnh phúc sẽ luôn đến với bạn.

Pháp Và Quy Luật của vũ trụ
Pháp (dharma hay Dhamma) ta có thể hiểu đó chính là những giáo lý của Ngài truyền lại, nếu chúng ta theo những phương pháp do Ngài đề ra, chúng ta sẽ không bao giờ sa vào những trường hợp bất hạnh như bị mù ngay từ lúc mới sanh, tàn tật, điếc, câm hay điên dại. Pháp là con đường mà tất cả mọi người đều phải đi theo và thực hành theo nó, nếu chúng ta đi ngược lại những giáo lý do Đức Phật dạy thì chúng ta sẽ phải chịu đau khổ trong kiếp sống này. Bởi những giáo lý ấy phù hợp hoàn toàn với những định luật của vũ trụ, và do chính Ngài trãi nghiệm trong nhiều kiếp sống của chính mình, những giáo lý ấy sẽ giúp chúng ta đạt được những an lạc và con đường giải thoát cuối cùng nếu chúng ta thực hành theo đúng vậy.
Chúng ta có thể chia ra làm ba loại người trong cuộc đời:
1. Thứ nhất: Đó là người có hiểu biết thì cuộc sống sẽ an lạc và vui sướng mãi trong cuộc đời
do không có nhiều vướng bận chăm lo đến cái ‘tôi giả’ mà chỉ vì lợi ích của nhân sinh và hướng đến việc thanh tịnh trong tinh thần và con đường giải thoát cuối cùng.
2. Thứ hai: Đó là loại người không có hiểu biết nhưng không làm xấu cũng không làm tốt hay loại người không có hiểu biết cũng làm việc thiện và cũng tránh điều bất thiện thì cuộc sống sẽ ở trung đạo, những dạng người này cũng sẽ đau khổ ở dạng tiềm ẩn chờ biểu hiện do không có hiểu biết.
3. Thứ ba: Đó chính là người không hiểu biết mà mãi tạo nhiều nghiệp ác chỉ lo cho cái tôi
của mình, cuộc sống mãi kiếm tìm lợi lạc không bền vững rồi mãi đau khổ ở đời sống hôm nay và cả đời sống mới bởi do tham dục của bản thân mình tạo ra.
Một bản chất khác của Cuộc đời thực sự nếu ta suy nghĩ kỹ thì nó là một trường thử thách vô cùng khắc nghiệt đối với con người ngày nay bao gồm người sung sướng hay khổ cực. Khi những việc thuộc về lợi ích của chúng sinh đến với chúng ta thì ta bảo vệ cái tài sản của chính mình mà không muốn phải tổn hao đó chính là sự ích kỷ của con người, với người khổ cực thì họ cảm thấy khó khăn khi làm ra được của cải nên khư khư giữ lấy cho mình thì đó là một việc làm vô cùng vị kỷ, họ không hiểu rằng sự chia sẽ quan trọng đến thế nào và việc giúp đỡ ấy không khiến chúng ta phải chịu khó khăn nếu chúng ta bỏ ra một ít, khi họ quá ích kỷ thì hạnh phúc và an lạc sẽ không bao giờ đến với họ, rồi họ càng tranh đấu tìm kiếm càng dẫn đến đau khổ do lòng ích kỷ của chính mình, bạn thử nghĩ xem nếu bạn có tư tưởng và việc làm ích kỷ thì nhân quả sẽ trả cho bạn một quả lợi lạc không? bởi vì nguyên nhân thành hậu quả thì hậu quả lại trở thành nguyên nhân, như khi con người gặp khó khăn thì họ bất chấp thủ đoạn để kiếm được lợi lạc, do tính bất chấp thủ đoạn là đã tạo ra nghiệp xấu do bản tính cố ý, nó sẽ sinh ra những khó khăn tiếp tục và khó khăn thì họ càng không đạt được lợi lạc, cứ thế mà xoay vòng mãi cho đến khi vào đường cùng của cuộc sống, nó sẽ dẫn đến những tội lỗi thâm trọng. Đối với người được hạnh phúc trong vật chất thì họ càng xa lìa và cảm thấy khó chịu hay không thích những người nghèo khổ đến gần họ, bởi sự so sánh tầng lớp quá nặng trong tâm trí của mình, đó chính là bản chất khinh miệt rồi tạo thành ích kỷ do họ chỉ mãi vui hưởng cho riêng mình, Ích kỷ thì tất yếu chỉ có khổ đau mà thôi. Đức Phật dạy: Những định lệ, những phân biệt được đặt ra là do lòng Ngạo mạn của chính con người. Con người sinh ra không phải vì cao quý, con người sinh ra không phải vì đê hèn mà là hành vi của họ mới quyết định sự cao quý hay đê hèn của một con người.
Ta cũng sẽ hiểu bất cứ việc gì trong đời chúng ta làm điều là những thử thách, khi ta vượt qua thì việc khác lại đến, bạn có lúc nào mà không phải lo lắng làm việc này hay việc khác không? Nó đến giống như đồng hồ quay vòng ấy. Ta có thể ví những con số chính là những khó khăn, đau khổ hay thử thách ta phải vượt qua, còn vòng quay tượng trưng cho sức lực và cố gắng của ta, bạn sẽ không bao giờ ngừng tranh đấu cho đến lúc đồng hồ ngừng quay thì chúng ta phải khép mắt xuôi tay, để lại tất cả những lợi lạc đã tranh đấu bao nhiêu tháng ngày. Ngoài nghiệp thiện và nghiệp xấu thì bạn chỉ có nấm mồ sâu ba tất đất và bộ xương khô. Những thử thách sẽ đến với ta bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, nó sẽ đến mỗi lúc dưới dạng cuộc sống mưu sinh hay việc hành thiện nghiệp. Vì đó là bản chất cuộc sống là phải đấu tranh nếu không vượt qua được ý niệm yếu lòng bạn sẽ mắc phải những lỗi lầm, rồi điều xấu sẽ đến với chúng ta và ta phải hối tiếc vì hành động ngu si của chính mình. Nghiệp xấu được tạo nên từ việc làm, ý niệm, lời nói xuất phát từ tham, sân, si của chính mình nếu trong đó là sự cố ý. Khi chúng ta làm một việc gì đó ta phải xét xem điều đó là đúng hay sai? Nó có tạo ra nghiệp xấu cho chúng ta hay không?
Mọi nguyện ước để đi đến thành công đó chính là nổ lực và thiện nghiệp của chính chúng ta. Khi ta nổ lực thì chúng ta sẽ nhận được một số kết quả xứng đáng với những cố gắng ấy, bởi nhân quả không bao giờ có sự bất công. Còn Nghiệp Thiện sẽ tạo cho chúng ta những hòan cảnh thuận lợi để mau đạt thành điều ước nguyện. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta chỉ mãi nổ lực chống đối với khó khăn để tìm kiếm thành công, nếu ta sống một cuộc đời không tốt thì khó khăn sẽ gấp nhiều lần đối với người có một tấm lòng trong sạch thanh cao để đi đến thành công, có khi bạn còn phải gánh chịu những thất vọng trong việc tìm kiếm ấy. Chúng ta sống trên cuộc đời cần phải có một tấm lòng chân thành, nếu bạn có tấm lòng thì Trời Đất đều quý mến bạn. Với người có những phẩm hạnh đẹp thực sự thì chúng ta cảm thấy rất tôn trọng và quý mến họ đó chính là sự giàu có thật sự, còn những người có vật chất sống với tư tưởng cao ngạo thì chúng ta không thể nào tôn trọng được. Khi mà bạn cảm thấy giàu có về vật chất là nhiều thì đó chính là cái nhìn thiển kiến không hiểu biết, bởi ngay trong lòng bạn đang có những ham muốn đấy!. Bạn phải sớm hiểu và cố gắng thực hiện những công việc giúp ích cho con người nhiều hơn nữa nhưng đó không phải là sự mong muốn được những quả hạnh tốt. Nếu mang trong tâm những ý nghĩ làm thiện để hưởng quả lành thì bạn cũng sẽ được nhận lại cái quả như bạn đã gieo nhưng nó hoàn toàn không đầy đủ giống như gieo hạt xoài vậy, bạn sẽ chỉ nhận được quả do chúng sinh ra mà thôi, nhưng nó còn cho ta được bóng mát, gỗ, hạt …, chúng ta sẽ không thể nhận được. Bởi luật nhân quả chỉ nhìn nơi tấm lòng của bạn mà thôi, nó không bao giờ nhìn nơi tiền bạc hay việc làm khi bạn hành thiện nghiệp, nếu bạn không có tâm thành thật thì nó sẽ trở nên vô nghĩa và việc làm ấy cũng như phí bỏ.
Chúng ta suy nghĩ kỹ thì Tâm chúng ta là người quyết định tất cả cho số phận của chính mình. Tâm ở đây có thể hiểu chính là những dòng suy nghĩ tốt hay xấu. Mọi việc làm xấu chỉ được thực hiện khi ý nghĩ của chúng ta đã xuất phát trong đầu. Những khổ đau và hạnh phúc nảy sinh do chính tâm của mình tạo ra. Thế nào gọi là Nghiệp xấu phát xuất? Nghiệp xấu chỉ xuất hiện khi chúng ta có ý nghĩ xấu phát khởi, như khi bạn đang đi vô tình đạp chết một chú kiến, đó chính là sát nghiệp nhưng không tạo ra nghiệp xấu do ta không có ý niệm muốn giết chỉ do ta vô tình mà sát sanh, nhưng nghiệp xấu sẽ được tạo ra như khi chúng ta có một ý niệm cố ý, như khi bạn nhìn thấy một món đồ rất quý của một người nào đó, tuy chưa lấy được nhưng trong lòng bạn có ý niệm chiếm đoạt thì nghiệp xấu đã được tạo ra. Nghiệp xấu chính là những khó khăn hay những điều phiền phức mà ta gặp trong cuộc sống hằng ngày, nó làm cho ta cảm thấy khó chịu và bực dọc, đối với những con người lương thiện với tấm lòng trong sạch thanh cao thì họ không bao giờ gặp những phiền phức và họ không tin vào sự may mắn hay xui rủi, bởi họ không bao giờ gặp những việc không toại nguyện. Hằng ngày chúng ta dù cố gắng đến đâu thì tư tưởng vẫn có những ý nghĩ xấu, bởi vậy tại sao lâu lâu chúng ta cứ gặp nhiều phiền phức hoài. Đó là điều không thể tránh khỏi do chúng ta chỉ là những phàm nhân không đủ nghị lực để ngăn những dòng suy nghĩ của chính mình, rồi bạn sẽ có những cảm giác sợ sệt, lo âu khi tư tưởng xấu xuất hiện. Nghiệp xấu xuất hiện có những mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo suy nghĩ, việc làm, lời nói của chúng ta mà chúng ta phải xem xét coi nó như thế nào!. Lòng ích kỷ, hận thù là nơi sinh ra đau khổ nhiều nhất.
1. Nghiệp xấu nhẹ có thể thuộc về tư tưởng của chúng ta, nó chỉ tạo ra cho ta cảm giác đau khổ
về tinh thần như phiền toái, bực bội, khó chịu nhưng không tổn hại đến bên ngoài của chúng ta, nhưng nó sẽ được biểu hiện ra bên ngoài khi những tư tưởng xấu tích lũy đầy đủ, thì nó sẽ bộc phát.
2. Nghiệp xấu nặng thuộc về thân của chúng ta đó chính là việc làm và lời nói, những hành vi
này làm ảnh hưởng đến người khác, cũng tùy theo mức độ mà ta phải chịu lại, với hành vi của thân này cũng dẫn đến đau khổ về tinh thần của chúng ta.
Bởi vậy bạn mới hiểu chúng ta đang sống trong một trường thử thách vô cùng khắc nghiệt, để giảm tối thiểu những nghiệp xấu mang đến theo như Đức Phật dạy đó chính là sống theo con đường Bát Chánh Đạo và đưa tâm vào sự thanh tịnh cao nhất. Nếu ngay bây giờ bạn có những biểu hiện bên ngoài của đức tính ích kỷ, hận thù, ác cảm, xấu xa thì chắc chắn rằng bạn còn chịu nhiều khó khăn của cuộc sống. Điều mà chúng ta nên làm ngay bây giờ chính là phát triển lòng thương yêu của mình đối với bất cứ con người, loài vật nào trên thế gian này, mà còn phát triển lòng khoang dung, không thù hận, không ích kỷ và ác cảm. Tâm từ chính là gốc căn bản nhất của Phật Giáo
Nếu ngay bây giờ bạn có hiểu biết thì một bạn đã có một viễn cảnh vô cùng tươi đẹp ở ngày tháng tương lai nếu như bạn thực hành theo những chân lý ấy. Bạn nhìn thử ngoài cuộc sống có người đi sớm về khuya, đi trong mưa gió của cuộc đời dù đau khổ hay vui sướng suốt bao năm tháng dài dẳng, họ đã phí thời gian quá nhiều để tranh đấu và chịu đau khổ mà không có hiểu biết, bạn mới cảm thấy những người đó mới thực sự đáng thương vì những tham vọng, ganh ghét, vị kỷ đang chiếm giữ tâm hồn của họ và rằng đau khổ đang ở phía trước chờ đợi họ đến để nhận lấy hay chống trả. Khi nhìn lại thì mình đã thực sự quá nhiều may mắn, bởi những người ấy không biết đến bao giờ mới có được những hiểu biết và có khi họ không bao giờ chịu nghe vì bản tính cố chấp mà họ có. Ngày nay khi con người nghe nói đến tôn giáo thì họ có nụ cười ngạo nghể, vì họ nghĩ những thầy tu là khác người vì cuộc sống ẩn dật ở nơi hẻo lánh do trong tư tưởng họ không có hiểu biết, lòng ham muốn hưởng lạc thú ngắn ngủi đã chiếm lĩnh toàn bộ tâm can của họ, họ có cảm giác sợ sệt rằng mình phải từ bỏ tất cả những lạc thú ở ngoài cuộc sống dù rằng họ đã đạt được hay chưa đạt được và không nhìn thấy được những khổ đau tiềm ẩn xung quanh mình. Họ chỉ nhìn thấy những vui sướng giả tạm trước mắt làm mờ đi tâm trí, rồi nó sẽ đem đến đau khổ khi mọi việc kết thúc, vì không điều gì trên thế gian mà không thay đổi.

Tất cả là hư ảo và Con đường duy nhất
Khi chúng ta theo con đường thiện nghiệp đã gieo; chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc và niềm vui về tinh thần và vật chất, đó chính là Thiên đường nơi trần thế. Nếu chúng ta hiểu thế mà gieo thiện nghiệp để mong được hưởng những lạc thú thì chúng ta vẫn là những con người chưa thực sự hiểu biết. Bởi khi chúng ta còn mãi đi trong vòng sinh tử thì chúng ta sẽ còn đau khổ mãi. Có khi con người hưởng lạc thú hoài mà không biết đau khổ thì họ sẽ không hiểu được sự giả tạm của đời sống và còn chịu đau khổ do những việc làm ở đời sống tương lai không nhìn thấy trước được. Vì có những người ngày nay sung sướng lúc ban đầu nhưng về già họ phải trở lại đau khổ vì lối sống không hiểu biết. Bởi đời sống này bạn hiểu biết thì đời sống mới chưa chắc bạn sẽ hiểu được vậy. Theo Đức Phật dạy con người không ai biết trước ngày mai, tháng sau hay năm tới của chúng ta. Chúng ta sẽ như khúc gỗ trôi trên sông có thể gặp đầy những bất trắc và nguy hiểm.
Một câu truyện về Đức Phật. Một hôm Đức Phật nhìn thấy một chú heo nái, Ngài đã nhìn thấy những tiền kiếp của chú heo này và đã thuyết giảng cho đệ tử. “Nguyên chú heo này những kiếp trước là chú gà mái, vì tìm thức ăn xung quanh chùa nên mỗi ngày đều nghe một vị sư tu thiền đọc kinh Thiền Minh Sát. Vì tích được thiện phước nên kiếp sống sau đã đầu thai vào làm công chúa tên Ubbari. Trong kiếp đó công chúa Ubbari đã vô tình nhìn thấy một đống vòi. Công chúa đã chú tâm niệm vào đống vòi và chứng đắt được Sơ Thiền. Trong phần còn lại của kiếp ấy bà sống trong Sơ Thiền, và do đó, sau khi qua đời, tái sanh vào cảnh trời. Lúc tuổi thọ ở cảnh trời chấm dứt vì nghiệp lực tốt được tích trữ đã hết, nghiệp bất thiện đã gieo trong những tiền kiếp xa xưa giờ đây trổ sanh, bà tái sanh trở lại làm con heo nái."
Trích trong Tứ Diệu Đế - Phạm Kim Khánh
Chúng ta hiểu rõ những nghiệp thiện và xấu khi chúng ta tạo ra nó không mất đi mà sẽ lưu giữ lại đó, đợi cho đến thời cơ thích hợp thì sẽ biểu hiện ra bên ngoài, nó có thể là ngay hiện tiền, đời sống sau hay đời sống sau sau đó nữa tùy thuộc vào lúc thích hợp mà nó tạo thành quả. Do chúng ta tích lũy thiện nghiệp với tư tưởng và hành động tốt nên những nghiệp xấu không có điều kiện thuận lợi để nảy xin, cùng khi hưởng lạc thú cho đến cuối đời với hiểu biết nên nghiệp xấu không thể phát sinh được, nhưng qua đời sống mới chúng ta bị hoàn cảnh tác động mà tâm tính bị thay đổi và nghiệp thiện đã dần hết chúng ta phải trả giá cho những nghiệp xấu đã gieo trước đây, rồi chúng ta sẽ phải chịu đau khổ. Nên bây giờ bạn có thể hiểu tại sao nghiệp xấu đến với chúng ta khi mà ta vẫn là một con người tốt hay tại sao những người xấu xa không gặp những quả báo ở hiện tiền, chúng ta không phải hỏi những câu hỏi dư thừa ấy nữa. Nhưng những niềm vui về vật chất, tinh thần chỉ là lạc thú tạm thời rồi nó cũng sẽ kết thúc mà thôi.
Phép lạ! Trên thế giới hiện nay những nhà nghiên cứu thần học không bác bỏ chuyện có phép lạ trong đời sống thường nhật. Phép lạ hay thần thông đó chính là những điều tiềm ẩn trong ta chỉ đợi chờ chúng ta đánh thức nó dậy. Thiền định được xem là con đường duy nhất, sự tuyệt diệu của nó rất là lớn. Khi chúng ta dứt bỏ tất cả ngũ dục của cuộc sống và thực hành kiên định về thiền thì chúng ta sẽ đạt được bật A La Hán (Bậc đã dứt bỏ hết mọi đau khổ, luyến ái và không còn bị vướn níu bởi dục vọng) khi đó chúng ta sẽ phát tuệ (sự hiểu biết vô tận) cùng đạt được những phép thần thông. Đức Phật sau 6 năm thiền định bước đầu đạt được tuệ giác. Ngài đã hiểu rõ về Tứ Diệu Đế ( Đế thứ nhất: Đó là đau khổ, Đế thứ hai: Đó là nguyên nhân của đau khổ, Đế thứ ba: Đó là con đường diệt khổ, Đế thứ tư: Giác ngộ và diệt khổ), cùng con đường Bát Chánh Đạo cao thượng. Ngài có những hiểu biết tại sao con người lại sinh vào những nơi đau khổ hay vui sướng. Ngài cũng nhìn thấy được những tiền kiếp của chính mình và của bất kỳ một chúng sanh nào. Ngài hiểu được mọi vạn vật và có thể nhìn thấy được tâm suy nghĩ của con người, không có gì là Ngài không biết cả. Ngài còn đạt được những phép thần thông vô hạn. Thực ra chúng ta cũng có thể làm được điều đó nếu chúng ta muốn, bằng cách tu tập để phát triển những năng lực có sẵn trong ta do chính những dục vọng và tư tưởng xấu đã che mờ nó đi mà không thể phát triển được. Khi chúng ta thiền định và rèn luyện tâm dứt bỏ mọi luyến ái của đời sống thì chúng ta sẽ đạt được bậc cao nhất là A La Hán. Sống với một cuộc đời trong sạch và thanh tịnh đó chính là đời sống của một vị Phật.
Như phần trên đã nói về sự phát sinh Nghiệp Lực mà ta biết. Nên ta hiểu tại sao Thiền Định được xem là con đường duy nhất, nó ngăn những suy nghĩ chúng ta hoặt động bừa bãi mà không có sự kiểm soát, do Thiền Định đưa tâm con người trở về trạng thái thanh lặng, không có sự xáo trộn của ngoại cảnh tác động, đó chính là phương cách chấm dứt đau khổ. Khi chúng ta sống đúng theo con đường Trung Đạo thì chúng ta vẫn phải chịu đau khổ, do chúng ta còn bám víu vào những vật chất cuộc sống, tư tưởng con dao động hoài thì sẽ nảy sinh ra đau khổ. Cuộc đời cho chúng ta lựa chọn con đường để chúng ta đi thì hà tất chi cứ mãi chịu đau khổ nơi cuộc sống này trong tâm trạng sợ sệt, phiền não và đau khổ. Ngay bây giờ bạn đang được vui sướng hưởng những lạc thú của trần thế mà không có lo âu phải không? Chúng ta nên mau cố gắng tu tập nơi cuộc sống này.
Để đạt được con đường giải thoát cuối cùng thì chúng ta phải đoạn tuyệt với những luyến ái ngoài cuộc sống cùng ngũ dục của đời thường. Trong Túc sanh truyện có thuật: Trong một tiền kiếp của Đức Phật khi Ngài đã đạt được phép thần thông do tu tập, do được vua thường thỉnh vào trong cung để dâng cúng vật thực. Nhưng bất hạnh thay, một hôm tình cờ chợt thấy hoàng hậu từ phòng tắm bước ra chỉ khoác một chiếc áo choàng mỏng. Trong một khoảnh khắc lơ đểnh, tâm bị xúc động. Bồ Tát đã mất hết các phép thần thông.
Chúng ta không thể phát huệ được nếu chúng ta còn nhiều những luyến ái của cuộc sống. Thiền Định là con đường đưa chúng ta đi đến thanh tịnh nơi tinh thần và giúp chúng ta phát được tuệ giác. Ngày nay con người quá bận rộn dù để đọc một quyển sách cũng không có, ta nên hành trì câu Lục Tự Di Đà, nó là phương cách không làm ta mất nhiều thời gian. Đức Phật đã thuyết giảng về nơi Niết Bàn (nơi được Phật Di Đà sáng lập nên) và Kinh Vô Lượng Thọ. Bởi thế chúng ta hiểu việc niệm Phật nó quan trọng đến thế nào. Khi hành trì thì chúng ta sẽ cảm thấy an lạc trong tâm hồn và những nghiệp lực sẽ được nhẹ hơn. Chúng ta nên cố gắng để hiểu được sự huyền diệu của nó.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.25 khách