Có phải là con Phật hay không là ở chỗ có tâm Bồ Đề ?

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

laitutran247
Bài viết: 1113
Ngày: 16/08/07 05:59
Giới tính: Nữ
Đến từ: vô minh
Nghề nghiệp: Đã muốn liễu sanh tử ngay trong đời này thì phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật sự vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật.(Ấn Quang Đại Sư)

Có phải là con Phật hay không là ở chỗ có tâm Bồ Đề ?

Bài viết chưa xem gửi bởi laitutran247 »

8. Tâm Bồ-đề

Tâm Bồ-đề là cửa ngõ duy nhất vào Đại thừa. Có phải là con Phật hay không, chỉ cần điều này. Đây là đệ nhất phước điền. Đây là gốc để tịnh trừ nhân quả đau khổ. Từ đây tích lũy công đức cho tới ngày thành Phật. Cho chó một miếng ăn với tâm Bồ-đề, quả báo sẽ không cùng tận. Đã phát triển tâm Bồ-đề thì dễ dàng thành công trong các sự nghiệp. Người này dù không mời, bốn Thiên vương vẫn thường xuyên ủng hộ. Bậc đạo sư đầy từ mẫn này dùng năng lực từ bi đánh bại quân ma. Tâm Bồ-đề là pháp tu chính yếu của những người con anh dũng của Như Lai.

Luyện tập tâm Bồ-đề, phải quan sát suy ngẫm. Từ vô thủy, tất cả hữu tình đã từng làm cha mẹ lẫn nhau. Trông thấy một con mèo, ta nên tập nhớ nghĩ, có thể nó đã từng thương yêu phù trì ta như mẹ ta hiện tại. Con chim đang đi kiếm mồi kia, biết đâu kiếp trước chẳng đã có một lần ta làm con nó. Đôi cánh nó đã từng ấp ủ ta. Kiếm được một con sâu, nó cũng đã âu yếm để dành cho ta. Con rắn kia, một kiếp xa xôi nào đó, đã cho ta tất cả tình mẹ, hy sinh thân mạng nuôi con. Một con ngựa cái bị đâm vào bụng, lòi con ra. Ngựa đang hấp hối, vẫn yêu thương cố gắng liếm con trước khi tắt thở.

Chúng sanh bị ba độc tham sân si che mờ. Sát đạo dâm vọng đưa về ngã quỷ, bàng sanh, địa ngục. Biết bao thống khổ kiếp kiếp đời đời. Chúng ta may mắn gặp pháp Đại thừa, được chút ít giáo dục tâm linh, đã có thay đổi tầm tri kiến. Phật dạy chúng ta biết ơn. Bổn phận chúng ta phải đền ơn. Vậy chúng ta phải làm gì để cứu vớt cha mẹ quá khứ ?

Giả sử mẹ bị điên, cứ cầm dao rượt con. Con đâu có giận mẹ. Chỉ một lòng lo cho mẹ hết điên. Phải nghiêm túc luyện tập ý nghĩ này. Nỗ lực để có được tâm đại bi bình đẳng. Rèn luyện tâm xả năm này qua năm khác, mới hy vọng có nền tảng giác ngộ, mới có thể tận tình làm lợi ích cho cả những kẻ đã lăng nhục mình. Vì thế Bồ-tát không hề có kẻ thù. Chẳng những cho thức ăn y phục, lợi ích hiện đời, mà còn đưa tất cả cha mẹ quá khứ lên Phật quả, mới thỏa mãn tấm lòng tri ân.

Vì vậy Bồ-tát một lòng giáo hóa, đóng chặt các đường về nẻo ác, dẫn chúng sanh về cảnh giới không già, không bệnh, không chết, không ưu bi khổ não. Thời hiện tại gọi là mạt thế. Nhưng kỳ thật đây là cơ hội tốt, chưa từng có, cho những ai còn được thân người lại biết phát tâm Bồ-đề. Học đạo mà không phát tâm Bồ-đê là hụt mất cái cốt tủy.

Đi đứng nằm ngồi, đừng quên 2 việc :

a/- Thanh lọc nghiệp chướng.
b/- Tích lũy công đức.


Việc làm của Bồ-tát như hy sinh đầu mắt tay chân, tựa hồ như quá sức chúng ta. Nhưng thật ra cũng là thói quen. Có tập, có thành. Lúc đầu ta đâu có biết gì đến nghề thợ mộc thợ nề. Một khi đã học thành nghề thì có gì khó khăn. Chúng ta uống chén trà Tàu dễ dàng vì ta đã quen uống. Bồ-tát hy sinh thân mạng cũng dễ dàng như chúng ta cho kẻ nghèo một đĩa rau.

Đừng giống như tảng đá, năm này qua năm khác cứ y nhiên. Chúng ta phải cải thiện tâm tánh hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Lấy Vô-thượng Bồ đề tâm làm kim chỉ nam. Dùng tuệ quán cải thiện nội tâm. Như ngài Châu Lợi Bàn Đà Già đã từ bỏ vọng tưởng tiệt nọc cho đến chứng quả Thánh. Khi ăn nên nghĩ : Nuôi dưỡng thân để trên phụng thờ Tam-bảo, dưới lợi ích hữu tình. Bắt tay làm việc gì cũng nhớ, thân tâm này đã cúng dường Tam-bảo nên chỉ có một bản hoài vị tha. Trước khi ngủ, hồi hướng công đức tất cả thiện căn được vun trồng trong ngày, nguyện tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Lâm chung, càng kiên chí không rời tâm Bồ-đề. Di chúc cúng dường và bố thí tất cả sở hữu.

9. Từ bỏ ngã chấp

Quan sát lỗi lầm của ngã ái và thực hành những kỹ thuật để từ bỏ nó. Nhìn sâu vào sự thật, ta và người đều không hiện hữu. Yêu và ghét trong đời chỉ là giấc chiêm bao. Bệnh hoạn và nghịch cảnh là hiện tượng của quá khứ ác nghiệt. Một phen được trả quả là sạch nợ. Đối diện với bất hạnh, ta đỡ kiêu mạn. Lời phỉ báng giúp ta sạch tội nên được coi như ân huệ của chư Thiên.

Chấp ta, chấp người là cơ sở của biển độc tham sân si. Cần quán bất tịnh, quán vô thường, quán những thống khổ trong sanh tử để xả 2 tâm yêu và ghét. Lấy một người bạn, một kẻ thù và một người xa lạ làm đề mục thiền quán, để tập thở không khí bình đẳng.

Sớm mở mắt dậy, hãy quyết định ngay : Tôi sẽ không để ngày hôm nay đi qua vô ích. Tôi sẽ hàng phục ngã ái và nghiêm trị từng ngã tưởng.

Giảm thiểu ngã ái là bằng chứng rõ rệt của sự tu hành. Cần nhất là chủ tâm ngay cả khi bận công việc. Bất thần bị lăng nhục, ta dễ nổi giận. Chỉ sau một lúc nhớ lại, ta mới nguôi. Người luyện tâm đã thành công thì khi bị đánh bất chợt, lúc nào cũng lật ngược được ngã ái thành lòng vị tha. Nhẫn nhục, bình tĩnh, an định, từ bi, nghiêm trì giới luật, dù những giới vi tế cũng kính trọng, đó là tướng mạo của người đại thừa đã tự chủ.

Nhìn kỹ lỗi lầm của mình, không nhìn lỗi người khác. Bất luận một vọng tưởng nào phát sanh, phải đối trị ngay. Đừng cho nó kéo dài. Đừng nới tay khi đối xử với vọng tưởng. Các Tỳ-kheo, ai giận không giận lại, ai đánh không đánh lại. Đối trị được ngã ái thì dù ở hoàn cảnh bất hạnh vẫn tràn trề hạnh phúc. Vì tâm đã được luyện để chuyển tất cả nghịch thuận thành giác ngộ.

http://thientinhmat.net/nhanqua.php


Đã muốn liễu sanh tử ngay trong đời này thì phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật sự vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật.(Ấn Quang Đại Sư)
Có thể trở thành bậc đại thông gia, nhưng liễu sanh thoát tử đã trở thành vô vọng rồi!

http://www.niemphat.net/
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.4 khách