Trang 1 trên 1

Nếu trung ấm không khởi lòng yêu giận ấy thì không ..

Đã gửi: 09/02/10 22:33
gửi bởi laitutran247
Trên thế gian, không ai có thể tránh khỏi lẽ vô thường của sanh, già, bịnh, chết. Để biết thêm về những nỗi khổ của người mẹ cũng như thai nhi, chúng ta hãy cùng nhau đọc qua lời Phật dạy về sự xuất sanh trong kinh Đại Bảo Tích, pháp hội Phật Thuyết Nhơn Xử Thai, quyển 4.

Đức Phật dạy rằng nếu duyên chưa đủ thì chúng sanh không thể thọ thân. Nghĩa là, dù lúc cha mẹ phát khởi tâm ái nhiễm và trung ấm ngay lúc đó muốn tìm chỗ thọ sanh, nhưng tinh cha huyết mẹ không cùng hòa hiệp đúng lúc, và trong thân cha hay mẹ có các thứ bịnh hoạn. Ví dụ, nếu thai tạng của người mẹ, hoặc có bịnh phong hoàn khí huyết bế tắc, hoặc mỡ bế tắc, hoặc thịt tăng kết, hoặc bịnh chất mặn, bịnh bụng lúa mạch, bịnh lưng eo kiến, hoặc như miệng lạc đà, như gỗ cong càng xe, như trục bánh xe, như miệng cốt bánh xe, như lá cây, hoặc cong vòng như măng tre cong, hoặc phía trong thai tạng như tua hột lúa mạch, hoặc tinh huyết rỉ chảy nhiều chẳng dứt, hoặc bịnh đái hạ chảy nước, hoặc đường thai tạng quá rít, hoặc trên nhọn dưới nhọn, hoặc cong, hoặc cạn, hoặc lủng lọt, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc ngắn nhỏ, và các tạp bịnh, thì thân trung ấm không nhập bào thai được.

Cũng vậy, theo y khoa, người phụ nữ bị sẩy thai vì nhiều nguyên nhân như hội chứng đa u nang buồng trứng, hệ miễn dịch rối loạn, tử cung có vấn đề, chất nội tiết tố mất quân bình, nhiễm sắc thể bất bình thường, bịnh tiểu đường, đau tuyến giáp, đau tim, đau gan, đau thận, nhiễm trùng vì bịnh u sơ tử cung, v.v…

Ngoài ra, đức Phật dạy rằng thân trung ấm ấy lúc muốn thọ thai trước phát khởi hai quan niệm điên đảo. Lúc cha mẹ hòa hiệp, nếu trung ấm nam thì đối với mẹ sanh lòng yêu, với cha sanh lòng giận; lúc cha chảy tinh thì cho là của mình. Nếu trung ấm nữ thì đối với mẹ sanh lòng giận, với cha sanh lòng yêu; lúc mẹ chảy nhớt thì cho là của mình. Nếu trung ấm không khởi lòng yêu giận ấy thì không thọ sanh.

Chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi chỉ vì hai niệm thương và ghét, hay yêu và giận. Vì thế, chỉ có ai không còn tâm niệm thương hay ghét thì mới thong dong tự tại, không bị nghiệp sanh tử cuốn trôi. Thiền sư Trì Bát (1047-1117) ở Việt Nam có làm bài kệ:

Có chết ắt có sanh. Có sanh ắt có chết. Chết thì người đời buồn. Sanh là người đời vui. Buồn, vui hai không cùng, chợt vậy thành kia đây, đối sống chết không để lòng. Án Tô Rô Tô Rô Tất Rị”.

Đức Phật lại dạy thêm rằng hoặc cha mẹ tôn quí có phước đức lớn mà trung ấm ti tiện, hoặc trung ấm tôn quí có phước đức lớn mà cha mẹ ti tiện, hoặc đều có phước đức mà không nghiệp tương cảm, nếu như vậy thì thân trung ấm cũng chẳng nhập thai.

Nghĩa là đa phần thân trung ấm chỉ thọ thai vào gia đình có nghiệp lực và phước báo tương đương. Ví như lúc muốn mua nhà hay xe, chúng ta phải chọn căn nhà hay chiếc xe đó vừa với túi tiền hay đồng lương của mình. Nếu quá nghèo thì không thể mua chúng theo ý thích của mình, còn nếu quá giàu thì không muốn ở những căn nhà lụp xụp hay chạy xe cũ kỹ. Căn nhà hay chiếc xe tựa như bào thai mà thân trung ấm gá vào.

Ðức Phật cũng dạy rằng thân trung ấm chỉ thọ thai khi cha mẹ khởi lòng ái nhiễm, nguyệt kỳ đều thuận, không có các căn bịnh và những lỗi như trên, nghiệp duyên đầy đủ. Trung ấm ấy lúc muốn nhập thai còn có hai thứ: Một là không phước đức, hai là có phước đức lớn. Trung ấm không phước đức, tâm giác quán khởi lên thấy cảnh giới liền nghĩ rằng: Nay tôi gặp gió lạnh mưa tối, người đông ồn ào, nhiều oai dữ đến bức hại; do đó trung ấm sợ hãi mà nghĩ rằng: Nay tôi phải chạy vào nhà cỏ, nhà lá, hoặc ẩn trốn chưn tường, hoặc chạy vào núi, chằm, rừng rậm, hang động, lại còn phát sanh nhiều thứ thấy khác nữa. Tùy theo chỗ nghĩ thấy bèn nhập vào thai mẹ.

Trung ấm lúc vừa vào thai mẹ, nương chất bất tịnh của cha mẹ và nghiệp quá khứ của nó mà được thọ thân. Nghiệp ấy và trong các duyên cha mẹ đều riêng chẳng tự sanh, do sức hòa hiệp mà thọ thân. Ví như nương nơi cỏ xanh, phân bò, táo và sữa mà đều riêng sanh côn trùng. Trong mỗi thứ không có côn trùng, chỉ do nhờ nhân duyên mà chúng sanh trưởng. Lúc sanh trưởng, mỗi côn trùng đều riêng theo chỗ nó nương mà có màu chỗ đó, hoặc xanh hoặc vàng đỏ trắng. Do đó, chúng ta biết rằng do chất bất tịnh của cha mẹ mà sanh thân ấy, tìm trong các duyên đều chẳng có thân, cũng chẳng rời ngoài các duyên hòa hợp mà thọ thai. Bốn đại của thân ấy và cha mẹ không khác nhau. Chất đất (xương, da, v.v…) làm chất cứng; chất nước (đàm, dãi, v.v…) làm chất ướt; chất lửa (trong thân) làm chất nóng; chất gió (hơi thở ra vào) làm chất động. Thân đó nếu chỉ có chất đất mà không có chất nước thì như người bốc bột hay tro khô trọn chẳng hòa hiệp được. Nếu chỉ có chất nước mà không có chất đất thì như dầu hay nước tánh nó lỏng ướt bèn chảy tan. Nếu chỉ có chất đất và chất nước mà không chất lửa thì như mùa hạ khối thịt tươi để chỗ râm không nắng chiếu nó sẽ thúi rã. Nếu chỉ có chất đất, chất nước, chất lửa mà không có chất gió thì chẳng tăng trưởng như có người thợ và đệ tử giỏi nghề thổi đường làm thành nhiều món trong ruột trống bọng, nếu không sức gió thổi thì chẳng nên được. Tánh của bốn chất đó y trì lẫn nhau mà được kiến lập. Vì vậy, thân thai nhi nhờ bốn chất đất, nước, gió, lửa của cha mẹ và gió nghiệp mà được sanh. Trong mỗi duyên tự không có bào thai, chỉ do sức hòa hiệp mà được thọ thân. Ví như hột giống mới sạch khéo cất chứa chẳng cho trùng ăn, không hư mục cháy khô lủng lỗ. Có người chọn ruộng tốt chỗ nhuần ẩm mà gieo hột giống ấy rồi muốn trong một ngày mầm cây nhánh lá tậm rợp bông trái sum suê thảy đều đầy đủ thì không thể được. Cũng vậy, các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của thân thai nhi đều từ nhơn duyên thứ lớp sanh trưởng mà chúng không thể sanh trưởng đầy đủ cùng một lúc. Thế nên phải biết dầu từ cha mẹ mà có thân ấy, nhưng tìm trong các duyên đều không có, do sức hòa hiệp mà có thọ sanh.

Ở đây, đức Phật cho chúng ta biết về nhân duyên tương ưng, tâm niệm cũng như có phước báo hay không có phước báo của thân trung ấm vừa khi nhập bào thai mà nền y khoa chưa đề cập hay chưa biết đến. Ngoài ra, đức Phật còn nhắc cho chúng ta nhớ về lý duyên hợp giả có của sắc thân bốn đại (chất đất, chất nước, chất gió, chất lửa) này; nghĩa là thân trung ấm nhờ gá vào tinh cha huyết mẹ (sẽ phát triển thành sắc thân bốn đại) mà thành thai nhi.

http://www.vanphatdanh.com/vietVPD1/sin ... hosanh.htm

Hình ảnh