D2 - Kinh Bắc - Kí ức người Thầy

Bạn có thể tạo một ngôi nhà cho riêng mình, với những vật liệu mà bạn thích, xin giữ ngôi nhà được thanh tịnh trong ánh hào quang của Phật-đà. Kính mời các bạn.

Điều hành viên: quang_tam3

Như Mộng
Bài viết: 29
Ngày: 10/10/10 07:34
Giới tính: Nữ
Đến từ: Hà Nội

D2 - Kinh Bắc - Kí ức người Thầy

Bài viết chưa xem gửi bởi Như Mộng »

Phan Cẩm Thượng - Hoạ sĩ ở chùa

Hình ảnh
Đường về Bút Tháp xanh mươn mướt, con đê dài vượt lên không trung trên nền cỏ đồng và những bãi dâu non. Gió cuối xuân bắt đầu phóng khoáng. Con đường đẹp đẽ từ chân cầu Đuống, nối những bãi bờ Gia Lâm với vùng Thuận Thành, mang không khí huyền thoại và vẻ bình yên như nhiều trăm năm qua chưa từng thay đổi.
Em tôi chỉ rặng tre nhỏ dàn hàng ngang bên mép nước: Lâu lâu, ông Thượng với mấy anh học trò, hoạ sỹ Việt, hoạ sỹ Tuấn hay nhà báo Lâm lại xuống bến bơi lặn…
Ngoài căn phòng nhỏ sau chùa, treo đầy tranh và xếp đầy sách, hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng dán những lá quỳ bạc vào mấy bức tranh khổ nhỏ vừa phủ sơn.
Chùa Bút Tháp - Ninh Phúc tự được xây dựng tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh trong thế kỷ XVII. Kỹ thuật chạm khắc tượng và các hoa văn trên gỗ, đá ở đây được xếp vào hàng độc đáo, phong phú bậc nhất trong các công trình Phật giáo Việt Nam .
Sự liên kết của các gian thờ, những pho tượng, những bức phù điêu, lan can, cầu đá cùng những mảnh sân và hành lang dài có xu hướng vừa khép kín, vừa cởi mở. Không gian thiêng liêng, tịch mịch, u trầm, trong sâu xa phảng phất nỗi niềm thế cuộc đã níu chân Phan Cẩm Thượng.
Gần chục năm nay, hoạ sỹ thường xuyên đi về ngôi chùa, nghỉ ngơi, làm việc và hoà mình vào đời sống làng quê - nơi tưởng chừng tĩnh lặng nhưng lại ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và vận động phức tạp.
Chúng tôi ra ngồi dưới những lùm nhãn dẫn vào tam quan nhà chùa. Những tán lá tròn và dày, trưa nắng hăng hắc mùi bọ xít lẫn hương cỏ ngan ngát. Những con bọ xít bé xíu màu đen tìm đến khắp nơi, có con đã mắc vào chòm râu dài của hoạ sỹ. Sát ngay chỗ chúng tôi ngồi, một con bọ ngựa cái sau cơn cuồng say, đang xé xác bọ ngựa đực. Nó tha phần còn lại lên cành cao cất giấu…
Ngồi ở đây, ngắm con đê sau chùa cao đến ngang trời, thầy trò hoạ sỹ tiếp tục nói chuyện về văn hoá Việt. Về sự mất mát của hàng ngàn, hàng vạn di sản và nghệ thuật ở nông thôn đang trên đường phát triển, những biến đổi không thể kéo lại trong tâm lý và lối sống những người ở quê trong quá trình đô thị hoá.
Nơi thiền môn lặng lẽ, công việc vẫn được bàn tới, một bức khắc gỗ vừa hoàn thành, dự kiến cho chuyến giảng bài ở một trường nghệ thuật nào đó mà nhiều năm qua, người ta vẫn mời: Lạng Sơn, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế…
Về chùa hay ở Hà Nội cũng vậy, hoạ sỹ không ngừng làm việc - bằng tay khi đưa nét mực đen vẽ trên nền lụa, nền giấy dó; bằng mắt khi chậm rãi mở những cuốn sách tiếng Anh, sách Hán Nôm, đến các triển lãm tranh, tượng, sắp đặt, đọc nghệ thuật và chứng kiến đời sống; và bằng trí não khi tư duy để cho ra đời một tác phẩm mới, một bài phê bình hay suy ngẫm về thời cuộc.
Không riêng rẽ đến thế, trong con người rất phong phú và sâu xa này, sự làm việc của các giác quan luôn được hoà lẫn, trong một trạng thái thong thả, tưởng chừng thư giãn nhưng luôn đều đặn và liên tục. Có thể đó là một biểu hiện của mối tương quan tĩnh và động.
Phan Cẩm Thượng dường như không thay đổi khi trở về không gian chùa quê - bên ngoài thoáng đãng, bên trong u uẩn, sâu kín - với khi ở giữa phố xá đông đúc. Căn hộ thuê trên tầng 4 khu Cảm Hội - Lò Đúc, vốn đã nhỏ, lại càng chật vì những bức vóc đen bóng, những tấm gỗ đang đục dở, sách báo và máy tính.
Anh Thạo - thợ chạm khắc gỗ tài hoa sống gần chùa Bút Tháp, chậm rãi vạch chiếc đục sắc theo những nét vẽ tròn của thầy Thượng, đầu không ngửng lên. Hoạ sỹ vừa đi công việc về, mặc quần nâu ngồi gọt khoai, nấu cơm cho hai thầy trò.
Phan Cẩm Thượng là một dòng sông, đều đặn trôi, trong những sông lớn mà hoạ sỹ là người chứng nghiệm: Đừng mất quá nhiều thời gian kiếm ăn, vừa vừa thôi! Hãy nhìn những dòng sông! Chứng kiến thì sẽ thấy được nhiều hơn. Có thể từ đầu anh đã nhận ra một điều gì đó, nhưng anh vẫn cần thời gian để chứng nghiệm.
Làm nghệ thuật, anh phải chứng kiến những đổi thay của xã hội dù không can thiệp được. Anh chỉ phản ánh được bằng nghệ thuật! Nếu đưa ra một thứ nghệ thuật nghiêng về sự nhân ái là tốt rồi!
Quan điểm chứng nghiệm được tạo dựng lâu dài, là kết quả của những đời sống thấm đẫm tuổi thơ. Một cách tự nhiên, chúng dẫn đến mong muốn được nhìn ngắm, suy luận và phát hiện trước muôn mặt xã hội.
Tuổi thơ Phan Cẩm Thượng long đong và đầy những suy nghĩ về cuộc sống. Năm 1965 sơ tán Phú Thọ rồi sang quê mẹ Phù Chẩn - Bắc Ninh một thời gian ngắn, 1968 về học ở Quốc Oai - Hà Tây, có những ngày học ở Cự Đà, 1969 học Nhân Chính - Hà Nội, 1970 lên Phúc Yên, 1972 lại về Quốc Oai, 1974, 1975 về Hà Nội, Đông Anh, rồi từ Đông Anh đi bộ đội.
Cuộc sống trôi nổi, đâu cũng là nhà, đâu cũng có những người đùm bọc, có những cuộc phiêu lưu với đám bạn bè và những nỗi đau buồn. Càng lớn càng buồn vì biết mình nghèo, và xấu hổ vì những lúc hết tiền đóng học, phải nghỉ. Rồi có người giúp, lại đi học, rồi lại nghỉ…
Lẫn với hàng trăm sự việc như thế là những ngày loanh quanh trong các đình chùa Hà Nội và các làng quê, tự học chữ Hán và thư pháp theo sách của một ông già trên phố cổ tặng cho. Lớp 3, lớp 4 đã về những ngõ gạch làng Cự Đà, vào các đền miếu cũ, rồi chơi trong các làng cổ Cấn Thượng - Trung - hạ vùng Quốc Oai, nơi vẫn còn các bà cụ cạo trọc đầu mặc váy vuông, lôi cả kiếm gỗ trong đình ra đấu nhau. Phan Cẩm Thượng lên chơi nhiều ngôi chùa trên núi, có những nơi nay đã thành vôi.
Lớp 8, thấy mình mai sau không hợp với đua tranh, danh vị, buôn bán, không làm được nghiên cứu, có lẽ chỉ hợp với những thứ mà người ta bỏ đi - tức là văn hoá cổ, là mấy cái bị coi là cổ hủ một thời.
Đi bộ đội, đến năm 1979, giải ngũ, nộp hồ sơ thi Hán Nôm Trường Tổng hợp bị trả lại. May gần nhà có ông làm tuyển sinh Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, ông bảo đưa hồ sơ, thi thử bên này. Đỗ lý luận phê bình mỹ thuật, năm 1983 tốt nghiệp, ở lại trường giảng dạy, viết những bài đầu tiên về đình chùa cổ, nhớ về những nơi tuổi ấu thơ từng sống, nay đã biến đổi hoặc không còn. Đi điền dã triền miên, đều đặn đọc sách, đọc truyền thống và hiện đại để viết và dạy học.
Năm 1992, Phan Cẩm Thượng bắt đầu vẽ, lối vẽ cổ xưa, những bức tranh u uẩn, đầy những cảm thức về đời sống làng quê với những mặt người tưởng chừng mê ngủ, xung quanh con người có sự hiện diện của thánh thần, trong mỗi con người, có sự hiện diện khác nhau của những tính cách…
Trên hành trình nặng nhọc đi vào đất đai của mỹ thuật, điêu khắc cổ. Mà kéo về sau và mở sang hai bên là văn hoá truyền thống. Đẩy về trước là nền mỹ thuật hiện đại, Phan Cẩm Thượng luôn chọn sự dấn thân một cách điềm đạm để phù hợp với từng hoàn cảnh. Một phần nhờ thế, công việc luôn trôi chảy, liên tục.
Công việc, với Phan Cẩm Thượng, là vận động hình thành tác phẩm cùng tất cả những điều tiếp nhận, ngẫm nghĩ, là những dòng sông cõi người trôi qua trước mặt với nhiều khúc quanh, ngã rẽ, là phố đông và chùa vắng - những nơi mà lẽ xuất xử trong mình biến ảo nhịp nhàng.
Tôi nhớ lại từng triền đê chạy dưới những vừng mây lớn dẫn về ngôi chùa, dẫn tới Phan Cẩm Thượng, nhận ra vào những lúc nào đó trong ngày, với một số người, nó trở thành con đường đi tìm Đạo. Trên đó, khi từ nắng rực rỡ đi vào bóng rợp âm âm, mát lành của mây trời phủ xuống, tôi tin vào sự có thật của những huyền thoại

Theo CAND - 09/05/2007
Sửa lần cuối bởi Như Mộng vào ngày 20/12/10 01:04 với 1 lần sửa.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.40 khách