Ngữ Lục

Bạn có thể tạo một ngôi nhà cho riêng mình, với những vật liệu mà bạn thích, xin giữ ngôi nhà được thanh tịnh trong ánh hào quang của Phật-đà. Kính mời các bạn.

Điều hành viên: quang_tam3

thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Trích "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm":

Lúc bấy giờ, Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo bày vai phải, chắp tay hướng về Phật, thưa như thế này:
- Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát do nhân duyên nào mà tên là Quán Thế Âm?
Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát:
- Này thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não, nghe nói tới vị Quán Thế Âm Bồ Tát này, nhất tâm xưng danh thì ngay lập tức Quán Thế Âm Bồ Tát quán sát âm thanh ấy, [khiến cho họ] đều được giải thoát.


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Trích "Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng":
Chuyển ngữ: Như Hòa

Trong Tín Tâm Lục, Lưu Sơn Anh nói: “Tôi phát tâm quỳ tụng các kinh chú Quán Âm, Chuẩn Đề để cầu cho mẹ được lành bệnh. Thoạt đầu vì thân thể yếu đuối, gối đau không thể chịu đựng nổi, lén nghĩ mẹ bệnh đàm hỏa[1] đã lâu, chưa chắc tụng kinh sẽ lành ngay, hơi manh nha ý niệm thoái thất. Kế đó, nghĩ tới Khổng Tử đã nói: “Vô hằng vô khả tác vu y” (Người không có ý chí thường hằng sẽ không thể làm đồng cốt hay thầy thuốc được), bèn gắng sức làm. Đối với chuyện giúp người lợi vật đều hoan hỷ phụng hành. Hơn một tháng, trọn chẳng còn [cảm thấy] đau khổ gì, nhưng bệnh mẹ chợt nguy kịch, bảo tôi: ‘Mẹ bệnh mấy chục năm, có lúc phát bệnh liền lành ngay. Nay con quỳ tụng kinh văn, đâm ra bệnh nặng hơn; chắc là mẹ phước bạc chẳng thể nhận lãnh đấy chăng? Hãy ngừng, đừng tụng kinh nữa’. Tôi khóc thưa: ‘Đây là do con chưa đủ lòng thành, chưa trừ được vọng niệm’. Liền thắp hương, hướng lên trời, dập đầu đến chảy máu, thề trừ vọng niệm ngõ hầu mẹ được khỏi hẳn. Đến đêm, mộng thấy Đại Sĩ kéo mẹ cùng ngồi, trao cho một chén nước màu xanh bảo uống. Ngày hôm sau, bệnh mẹ giảm hẳn một nửa, rồi lành. Bệnh dây dưa suốt ba mươi năm, từ nay vĩnh viễn khỏi hẳn”.

Chú thích:
[1] Theo Y Tông Kim Giám, chất đàm dơ trong cơ thể gặp phải hỏa vượng nung đúc tạo thành chứng Đàm Hỏa. Bệnh nhân thở khò khè, ho hen, lòng hay lo sợ vẩn vơ, chân tay tê lạnh, khí hay xông ngược, lưỡi cứng khó nói, dễ ngất. Do kiến thức quá kém, chúng tôi không biết tiếng Việt gọi là bệnh gì nên đành để nguyên chữ không dịch.


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Trích "Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 2":

290. Thư trả lời cư sĩ Tiền Hiểu Trẫm
(đính kèm thư gởi đến)

Con có những điều nghi vấn, xin thầy trả lời:
1) [Trong nghi thức] Du Già Diệm Khẩu có đoạn: “Tội tánh bổn không do tâm tạo. Tâm nhược diệt thời, tội diệc vong. Tâm vong, tội diệt lưỡng câu không. Thử tắc thị danh chân sám hối” (Tội tánh vốn không, do tâm tạo. Khi tâm diệt rồi, tội cũng tiêu. Tâm mất, tội diệt đều không cả. Đấy được gọi là chân sám hối). Trong những trước tác khác cũng có dẫn đoạn này (nhưng câu chữ hơi khác). Chẳng biết [những câu này] vốn phát xuất từ kinh nào, quyển nào?
2) Con thường thấy bài kệ tán Phật “thập phương tam thế Phật, A Di Đà đệ nhất” gồm một trăm lẻ tám chữ của Đại Từ Bồ Tát. Bài kệ ấy xuất phát từ sách nào, quyển mấy?
3) Theo quyển hai của sách Kính Trung Kính Hựu Kính, trích dẫn tác phẩm Tịnh Độ Hoặc Vấn của pháp sư Thiên Như, [trong Tịnh Độ Hoặc Vấn có] dẫn câu kinh: “Thọ trì danh hiệu Phật được mười thứ lợi ích thù thắng”, chẳng biết sách Tịnh Độ Hoặc Vấn đã dẫn từ chương nào trong kinh nào?
4) Niệm Phật có mười thứ lợi ích thù thắng như trên đây đã nói, thờ phụng, niệm tụng [kinh và danh hiệu] Địa Tạng Bồ Tát có hai mươi tám thứ lợi ích như trong Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh đã nói. Chẳng biết thờ phụng, niệm tụng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát có lợi ích giống như những kinh văn vừa được nêu trên đây hay không, thầy có từng thấy kinh nào, quyển mấy, kinh văn như thế hay không? (ngoại trừ phần kệ trong quyển thứ mười sáu của Lục Thập Hoa Nghiêm và kinh Đại Bi Đà La Ni)


Thưa cư sĩ Hiểu Trẫm! Ông đã có công phu rảnh rỗi để tìm tòi những chuyện chẳng cấp bách này.
1) Đã biết bài kệ sám hối trong [khoa nghi] Du Già Thí Thực là thù thắng nhiệm mầu, hãy y theo đó để sám hối ngõ hầu có thể được lợi ích lớn lao, cần gì phải hỏi bài kệ ấy phát xuất từ kinh nào? Tất cả những bài kệ trong khoa Thí Thực đều là trích dẫn kinh hoặc những câu văn đã thành khuôn phép, nhưng người chuyên y theo chuyện ấy (tức chuyện thí thực) để làm đã chiếm quá nửa! Nếu bảo bài kệ ấy chẳng phát xuất từ kinh, há chẳng thấy nó được coi trọng trong cõi đời ư? Dẫu bảo là bài kệ ấy phát xuất từ khoa Du Già Thí Thực thì cũng có gì là không được mà cứ phải hỏi đi hỏi lại người khác mãi! Ông đúng là hậu duệ của “kẻ hỏi cầu”, chỉ biết hỏi cầu đến nỗi lầm lẫn chẳng hưởng đại lợi ích thù thắng, uổng công sanh lòng áo não, có ích gì đâu?
2) Bài kệ phát nguyện của Đại Từ Bồ Tát cực hay, nhưng xưa nay chưa hề chú giải rõ ràng. Ngài là người thời nào, làm sao riêng chúng tôi biết được? (Long Thư Tịnh Độ Văn, Vân Thê Chư Kinh Nhật Tụng đều chưa nêu rõ).
3) Mười thứ lợi ích thù thắng đã từng được đại sư Vân Thê nêu ra ở cuối bộ Vãng Sanh Tập, nhưng cũng không nói phát xuất từ kinh nào. Thật ra lợi ích thù thắng vô cùng, nào phải chỉ có mười thứ! Nếu nói cặn kẽ, ắt sẽ vô lượng vô biên lần vô lượng vô biên lợi ích. Đây chẳng qua nêu đại lược một hai thứ để người ta sanh lòng tin đó thôi!
4) Ông đúng là người si nói chuyện dại. Ông đã từng đọc phẩm Phổ Môn hay chưa? Nếu có chúng sanh nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa dục. Sân hận, ngu si cũng thế. Tam Độc (Tham - Sân - Si) đã diệt, Tam Học (Giới - Định - Huệ) viên minh, lợi ích ấy há hạn cuộc trong số lượng ư? Do hai mươi tám điều lợi ích của ngài Địa Tạng mà ông nghi đức Quán Âm, chẳng biết hai mươi tám điều ấy là đối với tâm lượng của phàm phu mà nói. Còn đối với đức Quán Âm, hễ trọn trần sát cảm liền khắp trần sát ứng, nếu [đem sánh ví hai mươi tám điều lợi ích ấy] với hai mươi tám hạt bụi trong số những vi trần của tam thiên đại thiên thế giới thì vẫn chẳng thể diễn tả hết được! Vì sao vậy? Do Bồ Tát không tâm không cảnh, Ngài lấy tâm, lấy cảnh của chúng sanh làm tâm làm cảnh [của chính mình].
Vì thế, nơi phần nói về điều chẳng thể nghĩ bàn thứ tư [của đức Quán Âm] trong chương Quán Âm Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, kinh dạy: “Ta đắc Phật tâm, chứng đến rốt ráo. Có thể dùng đủ mọi thứ trân bảo để cúng dường mười phương Như Lai kiêm thêm mười phương pháp giới lục đạo chúng sanh, cầu vợ được vợ (cầu người vợ hiền lương, trí huệ, Bồ Tát gia bị liền được người vợ hiền lương, trí huệ. Chớ nên hiểu lầm “Bồ Tát liền ban cho vợ!” Cầu con cũng thế), cầu con được con, cầu tam-muội đắc tam-muội, cầu trường thọ được trường thọ. Như thế cho đến cầu đại Niết Bàn đắc đại Niết Bàn”. Đại Niết Bàn chính là Phật quả rốt ráo mà Ngài còn khiến cho chúng sanh đạt được, huống là tất cả những phước lạc thế gian xuất thế gian của hết thảy trời người và quả chứng trong tam thừa ư?
Ông đọc kinh mà không có con mắt chọn pháp; do hai mươi tám điều [lợi ích] của ngài Địa Tạng mà ngờ đức Quán Âm! Không phải là người khác chẳng thể đáp được, mà là người ta khinh ông chẳng đáng cho họ đáp đó thôi! Quang sợ ông tưởng đó là bản lãnh của chính mình, thường tìm những người chẳng chú ý đến chuyện ấy để hỏi người ta hòng tự khoe khoang, nhưng chẳng biết là đã tự khinh! Từ đấy sanh lòng đại ngã mạn, cho là ta có thể bắt bí được hết thảy mọi người, ắt sau này chắc phải có ngày bị ma dựa phát cuồng! Sao không dùng tâm tư ấy để nhất tâm niệm Phật ngõ hầu tâm tương ứng Phật, sống làm đệ tử chân thật của Phật, mất làm bạn lành chốn Liên Trì?
Ông hãy buông cuồng tâm xuống, đọc lá thư tôi gởi cho cư sĩ Cố Hiển Vi trong Văn Sao ắt sẽ được lợi ích, gốc bệnh sẽ hết sạch. Lá thư ấy thật ra là để nói với bạn ông Cố là Phan Thừa Ngạc, chứ chưa từng gặp gỡ ông ta. Ông Cố xin Quang trị bệnh tà chấp cho ông Phan. Vì vậy, tôi chẳng kỵ húy, nói thẳng thừng không úp mở. Ông Phan đọc xong, liền quy y pháp sư Đế Nhàn, từ đầu đến cuối chẳng dám gởi thư cho Quang. Đức Quán Âm do đắc Phật tâm nên ứng trọn khắp tâm của hết thảy thánh - phàm thế gian lẫn xuất thế gian, khiến cho ai nấy đều được mãn nguyện, há có thể nói được số lượng ư? Địa Tạng và Quán Âm đều là cổ Phật thị hiện. Những điều được nêu trong kinh là muốn cho kẻ phàm phu sanh lòng chánh tín. Nếu nói rộng thì ai nấy sẽ khó thể lãnh hội được. Ông khéo hiểu oai thần, công đức của Địa Tạng và Quán Âm, sẽ đáng gọi là “người có trí huệ sáng suốt”. Nếu không, sẽ theo lối mòn của kẻ si, rốt cuộc không có cách chi thoát được. Xin hãy sáng suốt soi xét!


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Trích: "Ấn Quang Ðại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai"

Người học Phật quan trọng nhất là ai nấy phải trọn hết bổn phận. Tròn bổn phận thì sẽ có liêm, có sỉ. [Những hạnh] như cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính đều nên nỗ lực thực hành. Sách Ðại Học có câu: “Ðại học chi đạo, tại minh Minh Đức” (Ðạo đại học cốt ở chỗ làm sáng tỏ cái đức sáng). Chữ “minh” thứ nhất là tu đức “khắc kỷ, xét soi, phản tỉnh”. Hai chữ “Minh Đức” tiếp đó chỉ tánh đức sẵn có trong tự tâm. Muốn làm sáng tỏ Minh Đức sẵn có trong bản tâm, không tu trì từ việc khắc kỷ, xét soi, phản tỉnh thì không xong! Tiến lên nữa, mới có thể nói: “Tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Chữ “thân dân” ở đây hàm ý ai nấy tận hết bổn phận. “Chỉ ư chí thiện” nghĩa là khởi tâm, làm chuyện gì, tự hành, dạy người, đều thuận theo lẽ trời, tình người, là Trung Ðạo chẳng lệch, chẳng cong quẹo. Ðược như vậy thì làm thánh làm hiền là điều có thể đạt được!
Vả nữa, Phật pháp nhằm dạy người đối trị phiền não, tập khí, nên có Tam Học Giới - Ðịnh - Huệ làm căn bản. Bởi lẽ, Giới ràng buộc cái thân thì chẳng dám làm điều trái đức nghịch lý, chẳng dám thốt lời vô ích có hại. Do Giới sanh Ðịnh nên những tạp niệm vọng loạn rối bời trong tâm sẽ dần tiêu, những hành vi hồ đồ sẽ tự ngưng. Do Ðịnh phát Huệ nên Chánh Trí mở mang, phát khởi, Phiền Hoặc tiêu diệt, thực hiện các thiện pháp thế gian hay xuất thế gian không pháp nào là chẳng phù hợp với Trung Ðạo vậy! Ba thứ Giới - Ðịnh - Huệ đều là Tu Ðức, đều là tâm thể do đích thân Chánh Trí thấy được! Ðấy chính là Minh Ðức. Sách Trung Dung gọi Minh Ðức này là Thành. Thành chỉ cho “thuần chân chẳng vọng”. Minh Ðức tức là “ly niệm linh tri”. Thành và Minh Ðức đều thuộc về Tánh Ðức. Do có Tu Đức “tu trì khắc kỷ, phản tỉnh, xét soi” thì Tánh Đức mới hiển lộ. Bởi thế, cần chú trọng vào chữ “minh” thứ nhất thì Minh Ðức mới có thể thấy thấu suốt, vĩnh viễn tỏa sáng!


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Pháp thế gian và xuất thế gian đều lấy lòng Thành làm gốc. Hễ có lòng Thành thì sẽ cảm được thánh ứng. Không có lòng Thành sẽ chẳng có cảm, thánh không cách gì ứng được! Ví như vầng trăng sáng ngời giữa trời, hiện bóng muôn sông. Nếu nước nhơ đục, xao động, bóng trăng sẽ khó thể hiển hiện. Do nước gây ra, chứ trăng đâu có lỗi! Vì thế nói: Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, cần phải cầu nơi lòng cung kính. Có một phần cung kính sẽ tiêu một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính sẽ tiêu mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ. Nếu không cung kính thì chỉ kết duyên xa, khó được lợi ích thật sự! Nếu lại còn khinh nhờn sẽ tạo tội vô lượng.
Ấn Quang Đại sư


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Bài dạy của Tổ sư dưới đây mình thấy tuyệt quá :)
-----------------------------------------------------
Trích yếu sách Linh Phong Tông Luận của đại sư Ngẫu Ích Trí Húc đời Thanh
Nguồn: http://niemphat.net/Luan/niemphatphapye ... apyeu1.htm

* Niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ là một môn bao hàm trọn vẹn trăm ngàn pháp môn, chứ chẳng phải là đề cao một môn, phế bỏ trăm môn khác. Nhưng cần phải thâm nhập một môn, lấy Niệm Phật làm Chánh Hạnh, còn hết thảy các môn Giới, Ðịnh, Huệ khác là Trợ Hạnh. Thực hành cả Chánh lẫn Trợ giống như thuyền đã đi thuận gió, còn kéo căng giây lèo, chóng đến được bờ.
Pháp Niệm Phật tuy nhiều, nhưng Trì Danh là giản tiện nhất. Pháp Trì Danh cũng nhiều, nhưng pháp Trì Danh Nhớ Số là ổn thỏa, thích đáng. Người thực hành chân thật, thuần thục, há có mong làm khác với kẻ ngu phu, ngu phụ đâu nhỉ?
* Ðể thoát khỏi nhà lửa tam giới, có hai đường dọc và ngang:
a. Dùng tự lực để đoạn Hoặc, vượt khỏi sanh tử thì gọi là vượt tam giới theo chiều dọc (thụ xuất tam giới), khó tu, kết quả chậm chạp.
b. Nương Phật lực tiếp dẫn sanh về Tây phương thì gọi là vượt khỏi tam giới theo chiều ngang (hoành xuất tam giới); dễ hành, kết quả nhanh chóng.
Tổ Huệ Viễn nói: “Có công năng cao, dễ tấn tu thì niệm Phật làm đầu”. Kinh dạy: “Ðời mạt ức ức người người tu hành, hiếm có một ai thành đạo. Chỉ có ai tu theo pháp Niệm Phật mới có thể được độ thoát” như giong thuyền vượt biển, chẳng mất công sức. Ai có thể dốc lòng tin tưởng vào đường tắt Tây Phương, chí thành phát nguyện, nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh thì thật đúng là bậc đại trượng phu. Còn nếu như lòng tin chẳng chân thật, nguyện chẳng khẩn thiết, hành chẳng tận sức, dẫu Phật đã sắp sẵn thuyền đại từ nhưng chúng sanh chẳng chịu xuống thuyền thì Phật còn biết làm thế nào được nữa?

* Muốn mau thoát nỗi khổ luân hồi thì không gì bằng pháp Trì Danh Niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc. Muốn quyết định sanh về thế giới Cực Lạc thì lại không gì bằng lấy Tín để dẫn đường, dùng Nguyện để thúc đẩy. Tin quả quyết, nguyện khẩn thiết, dẫu tán tâm niệm Phật cũng chắc chắn được vãng sanh. Tin chẳng chân thật, nguyện chẳng mạnh mẽ, dẫu nhất tâm bất loạn cũng chẳng được vãng sanh!
a. Thế nào là Tín?
- Một là tin vào nguyện lực của Phật A Di Ðà.
- Hai là tin lời dạy của Phật Thích Ca Văn.
- Ba là tin lời khen ngợi của sáu phương chư Phật.
Nếu chẳng thể tin những điều ấy thì thật chẳng còn cách nào cứu nổi. Vì thế, trước hết phải sanh lòng tin sâu xa, chớ khởi nghi hoặc.
b. Thế nào là Nguyện? Trong mọi lúc đều nhàm chán nỗi khổ sanh tử cõi Sa Bà, hoan hỷ ngưỡng mộ niềm vui Bồ Ðề chốn Cực Lạc. Hễ làm việc gì dù thiện hay ác; nếu thiện thì hồi hướng cầu vãng sanh, còn ác thì sám nguyện cầu vãng sanh, không còn chí nào khác. Ðấy gọi là Nguyện.
c. Tín và Nguyện đã đủ thì lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh, lấy cải ác tu thiện làm Trợ Hạnh. Tùy theo công sức cạn hay sâu, sẽ chia thành chín phẩm, bốn cõi Tịnh Ðộ, chẳng sai sót mảy may! Chỉ nên tự mình suy xét lấy, chẳng cần phải hỏi người khác nữa! Nghĩa là:
Tin sâu, nguyện thiết niệm Phật mà lúc niệm Phật tâm hay tán loạn thì sẽ đạt hạ phẩm hạ sanh.
Tán loạn giảm thiểu thì là hạ phẩm trung sanh.
Không còn tán loạn sẽ là hạ phẩm thượng sanh.
Niệm đến mức Sự Nhất Tâm Bất Loạn, chẳng khởi tham, sân, si thì thuộc về ba phẩm trung sanh.
Niệm đến mức Sự Nhất Tâm Bất Loạn, trong ba thứ Kiến Hoặc, Tư Hoặc và Trần Sa Hoặc, tùy ý đoạn trước một thứ và cũng đoạn trừ vô minh thì sẽ sanh trong ba phẩm thượng sanh.
Vì vậy, tín nguyện trì danh niệm Phật sẽ thuộc trong chín phẩm là điều đích xác chẳng sai!
Thêm nữa, tín nguyện trì danh tiêu trừ nghiệp chướng, mang theo Hoặc chướng đi vãng sanh chính là Phàm Thánh Ðồng Cư Tịnh Ðộ. Ðoạn sạch Kiến Hoặc và Tư Hoặc mà vãng sanh thì chính là Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Ðộ. Phá nát một phần vô minh mà vãng sanh thì chính là Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Ðộ. Trì đến mức rốt ráo, đoạn sạch vô minh rồi vãng sanh thì chính là Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ.
Vì thế, Trì Danh có thể đạt đến bốn cõi Tịnh Ðộ cũng là chuyện đích xác chẳng sai lầm!
Hỏi: Trì danh như thế nào để có thể đoạn được vô minh?
Ðáp: Ðối với danh hiệu của đức Phật được trì, chẳng cần biết là ngộ hay chưa, không gì chẳng phải là nhất cảnh tam đế. Cái tâm trì niệm chẳng cần biết là đã đạt hay chưa, không gì chẳng phải là nhất tâm tam quán.
Chỉ vì chúng sanh vọng tưởng chấp trước, tình kiến phân biệt nên mới chẳng thể khế hợp Viên Thường; họ đâu có biết Năng Trì (tâm trì niệm danh hiệu Phật) chính là Thỉ Giác, Sở Trì (đức Phật được ta trì niệm) chính là Bổn Giác. Nay cứ thẳng một bề trì niệm, ngoài việc trì niệm nào có đức Phật, ngoài đức Phật nào có trì niệm, Năng lẫn Sở bất nhị thì Thỉ Giác khế hợp Bổn Giác, gọi là Cứu Cánh Giác.

* Pháp môn Niệm Phật chẳng có gì là kỳ lạ, đặc biệt, chỉ quý ở chỗ tin tới nơi, giữ cho ổn, thẳng thừng mà niệm, hoặc là ngày đêm niệm mười vạn tiếng, hoặc năm vạn, ba vạn, lấy con số nhất định chẳng khuyết làm chuẩn. Trong suốt một ngày, niệm ra tiếng đến tàn một cây hương, rồi niệm thầm đến tàn một cây hương. Cứ xoay vần không gián đoạn [như thế], lấy Nhất Tâm Bất Loạn làm hạn. Suốt cả đời này thề không biến cải. Nếu chẳng được vãng sanh thì tam thế chư Phật đều nói dối. Một khi đã được vãng sanh, sẽ vĩnh viễn không bị thoái chuyển, các thứ pháp môn đều được hiện tiền.
Kỵ nhất là hôm nay Trương Tam, ngày mai Lý Tứ, gặp người tu theo Giáo môn liền toan tầm chương trích cú. Gặp kẻ tu Thiền bèn nghĩ chuyện tư duy, tham cứu, vấn đáp. Gặp người trì Luật lại nghĩ chuyện đắp y, trì bát.
Ðấy chính là kẻ chẳng rõ đầu mối, chẳng tỏ lớp lang, chẳng hề biết rằng niệm A Di Ðà Phật đến mức thuần thục thì giáo lý tối cực thuộc mười hai bộ của Tam Tạng đều nằm gọn trong ấy, một ngàn bảy trăm công án là cơ quan để hướng thượng cũng nằm gọn trong ấy, ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, tam tụ luật nghi cũng nằm gọn trong ấy.
Có thể thật sự niệm Phật, chẳng khởi tham, sân, si nữa thì đó chính là Ðại Trì Giới. Chẳng phân biệt ta-người, đúng-sai chính là Ðại Nhẫn Nhục. Chẳng chút gián đoạn, lai tạp chính là Ðại Tinh Tấn. Chẳng còn rong ruổi theo vọng tưởng chính là Ðại Thiền Ðịnh. Chẳng bị các thứ ngoắt ngoéo mê hoặc chính là Ðại Trí Huệ. Hãy thử tự kiểm điểm: Nếu thân, tâm, thế giới còn chưa buông xuống được, tham, sân, si còn tự phát khởi, thị-phi nhân-ngã còn ôm giữ; gián đoạn, xen tạp còn chưa trừ sạch, vọng tưởng rong ruổi còn chưa vĩnh viễn diệt hết, các thứ ngoắt ngoéo khác vẫn còn mê hoặc ý chí, đấy chẳng phải là chân thật niệm Phật.
Muốn đạt đến cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn thì biện pháp ban đầu là dùng xâu chuỗi để ghi nhớ phân minh, khắc định thời khóa quyết định chẳng thiếu. Lâu ngày thuần thục, chẳng niệm mà tự niệm, thì sau đấy nhớ số cũng được, chẳng nhớ số cũng xong. Nếu là kẻ sơ tâm mà lại thích bàn chuyện khán thoại đầu, muốn chẳng chấp tướng, muốn học viên dung tự tại thì toàn là kẻ tin chẳng sâu, hành chẳng tận sức, dẫu có giảng được mười hai phần kinh giáo, hiểu nổi một ngàn bảy trăm chuyển ngữ (công án Thiền) thì cũng đều là chuyện thuộc về sanh tử, lúc lâm chung cũng nhất định vô dụng mà thôi!

Nhận định:
Tổ đã minh thị: Tín Nguyện Trì Danh sẽ đạt đến cửu phẩm và bốn cõi Tịnh Ðộ. Nếu như Tín chẳng chân thật, Nguyện chẳng mạnh mẽ thì dù Nhất Tâm Bất Loạn cũng chẳng được vãng sanh. Lời dạy này thật là thiết yếu; hãy nên tín sâu, nguyện thiết để thẳng đường mà niệm. Niệm đến mức rốt ráo thì vô minh đoạn sạch sẽ vãng sanh về cõi Thường Tịch Quang.


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Trích: Một lá thư gởi khắp (Ấn Quang Đại sư)

Quán Thế Âm Bồ Tát thệ nguyện rộng sâu, theo tiếng cứu khổ. Nếu gặp phải những hoạn nạn như đao binh, nước, lửa, đói kém, sâu rầy, châu chấu, ôn dịch, hạn hán, lụt lội, giặc cướp, oan gia, ác thú, rắn độc, ác quỷ, yêu mị, bệnh tật do oán nghiệp, tiểu nhân hãm hại…. mà có thể phát tâm sửa lỗi hướng thiện, tự lợi lợi người, chí thành khẩn thiết niệm Quán Thế Âm, niệm niệm không gián đoạn, chắc chắn sẽ được Ngài từ bi che chở, chẳng bị nguy hiểm gì. Nếu vẫn giữ tấm lòng chẳng lành, dẫu có xưng niệm, chẳng qua chỉ tạm gieo căn lành cho vị lai, chẳng được cảm ứng trong hiện thời. Bởi lẽ Phật, Bồ Tát đều là thành tựu thiện niệm cho người, trọn chẳng thành tựu ác niệm cho người. Nếu chẳng phát tâm sửa lỗi hướng thiện, lầm lạc muốn niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát để mong thành tựu ác sự cho mình thì quyết định không được cảm ứng, chớ có dấy lên cái tâm điên đảo ấy!


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Theo Cao Tăng Truyện, tập 2, đời Tùy, sư Hồng Mãn lúc chưa xuất gia hai chân co quắp, tụng Quán Âm Kinh ba năm, chợt thấy một vị Tăng đứng trước mặt, hỏi: “Sư từ đâu tới?” Đáp: “Do ngươi thường gọi nên ta tới. Đời trước, ngươi từng bắt trói loài vật, dư ương gây nên như thế. Ngươi nhắm mắt lại, ta sẽ chữa trị cho ngươi”. Hồng Mãn cảm thấy trên hai đầu gối vừa được nhổ đi cây đinh dài mấy tấc. Mở mắt ra, vị Tăng đã biến đâu mất, mới biết đấy là Quán Âm.

Theo Quán Âm Kinh Linh Nghiệm, Giang Lăng Vương đi đường, té xuống vách đá gãy lưng, điều trị mãi chẳng lành. Vương tụng Bạch Y Kinh suốt một năm vẫn chưa lành, nghĩ kinh không ứng nghiệm bèn bỏ dở giữa chừng. Đêm mộng thấy thần quở mắng: “Ngươi tụng kinh coi như trả bài cho xong chuyện, lại ngược ngạo oán kinh chẳng linh ư?” Vương bèn rửa lòng, gột chí, kiền thành tụng niệm. Sau ba tháng, lại mộng thấy vị thần trước kia đưa tay vỗ vào lưng, giật mình tỉnh giấc, lưng đã duỗi thẳng như thường.

Theo Cao Tăng Truyện, tập 1, ngài Trúc Pháp Nghĩa đời Tấn chợt cảm thấy hơi xông lên ngực đau nhói, thường niệm Quán Âm, bèn mộng thấy có người mổ banh bụng rửa ruột, thức giấc liền lành bệnh. Thượng Thư Phó Lương soạn sự tích của Sư, thường nói: “Cha tôi chơi với ngài Pháp Nghĩa, hễ nghe nói tới sự thần dị của Quán Âm, không chuyện lớn nhỏ nào mà chẳng nghiêm túc [lắng nghe]”.

Theo Linh Nghiệm Ký, Trần Thanh Vân ở Huy Châu thuở nhỏ mắc bệnh, dần dần không dậy được, hứa in thí Quán Âm Kinh một ngàn quyển. Mộng thấy một vị thần cầm một chậu nước tắm, một vị thần khác mổ banh bụng [Thanh Vân] để rửa, kinh hoảng, thức dậy, toát mồ hôi liền lành bệnh. Từ đấy béo tốt, minh mẫn, không còn yếu ớt như xưa nữa!


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

* Đạo cảm ứng giống như gõ chuông. Gõ mạnh thì chuông kêu to, gõ nhẹ thì chuông kêu nhỏ. Trong đời thường có những kẻ do tiểu cảm mà được đại ứng chính là vì công đức tu trì trong đời trước cảm nên. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3, Lời tựa tái bản Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh)

Trong bài Linh Giới Sát Trung Ngôn của bộ Vương Ứng Cát Bút Ký, cho biết: “Trong thời Vạn Lịch nhà Minh, Cát phụng mạng đi sứ, tiện đường trở về quê, chợt bị bệnh nặng, hoảng hốt sai người khiêng tôi đi. Chợt rơi xuống nước, thấy các loài có vảy, có mai ở trước mặt, tự nghĩ trước kia ta ăn những thứ này nên nay gặp nạn. Chợt có người đỡ lên bờ, thấy [Quán Âm] Đại Sĩ ngồi dựa vào vách đá, Thiện Tài, Long Nữ đứng hai bên. Tôi khấu bái, Đại Sĩ dạy: ‘Ngươi vốn là thiện tri thức chuyển thân, dốc lòng thành kính thờ ta. Nay vì sát sanh nên bị bệnh này. Nếu kiêng giết sẽ lành’. Tôi kính cẩn, vâng theo lời dạy. Đại Sĩ ban Đề Hồ, màu vàng pha biếc. Uống vào vị trong ngần, bèn tỉnh giấc. Hương thừa vẫn còn đọng trên môi mép. Dần dần lành bệnh, bèn kiêng giết, quy y”.


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Trích "Kinh Thọ Thập Thiện Giới" [Thập Ác Báo Kinh]
Hán dịch: Thất lạc tên dịch giả
Việt dịch: THÍCH THIỆN THÔNG


Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tịnh xá Kỳ Hoàn, trong khu vườn của thái tử Kỳ Đà và Cấp Cô Độc, cùng với số đông một ngàn hai trăm năm mươi tỳ kheo, hội lại một chỗ.
Bấy giờ đức Phật, với giọng hiền hòa, bảo Xá Lợi Phất:
- Ta vì các ông nói sự trừ diệt quả báo chẳng lành của mười điều ác. Hãy lóng nghe nhận, một lòng nhớ lấy, dè dặt chớ quên. Mười nghiệp ác là:
- Nghiệp giết sanh mạng,
- Nghiệp hay trộm cướp,
- Nghiệp ham dâm dục,
- Nghiệp nói hư dối,
- Nghiệp nói đôi chiều,
- Nghiệp nói hung dữ,
- Nghiệp nói thêu dệt,
- Nghiệp ác tham lam,
- Nghiệp ác giận dỗi,
- Nghiệp ác ngu si.
- Này Xá Lợi Phất! Nay ông hãy nên dạy khắp chúng sanh, trong sạch thân nghiệp, trong sạch khẩu nghiệp, trong sạch ý nghiệp, năm vóc sát đất, quy y hòa thượng, thành tâm sám hối ba nghiệp ác này. Phật vì đại chúng và Xá Lợi Phất nói về thể thức truyền giới Thập Thiện và Bát Quan Trai (1) .
Nói pháp này rồi, kế đến đức Phật nói về nghiệp báo của mười điều ác:
Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất,
Nay ông nên biết rõ như vầy
Tất cả bao nhiêu loại chúng sanh,
Không loài nào chẳng quý thân mạng,
Vì thế nên thực hành bố thí
Trải lòng từ bình đẳng khắp loài
Xem chúng sanh dường như tai mắt,
Đây mệnh danh là giới không giết,
Các đức Phật quá, hiện, vị lai,
Và người trí thảy đều nói đến,
Tha loài khác như tha thứ mình,
Chớ giết hại, chớ dùng gậy gộc,
Nếu thấy người giết chết sanh vật,
Không khác gì dao cắt tim mình
Xem chúng sanh không khác chi ta,
Giữ giới sát, được sanh thiên giới,
Thường gặp Phật và các Bố Tát,
Thế nên vâng giữ giới không giết.
Để ban vô úy tất cả loài
Thác rồi sanh lên trời Đao Lợi,
Voi, ngựa, ngọc nữ cùng vui chơi,
Hoặc sanh Phạm thiên, điện lưu ly
Màu như bạc trắng, hoa vàng chối,
Thường ngồi tòa đẹp bằng bảy báu,
Ghế vàng, bát ngọc, hoa thất bảo,
Vô lượng thiên nữ tấu nhạc trời,
Cung điện cất bổng dạo hư không,
Đầu đội mão quý ngồi điện giữa,
Trừ bỏ ham dâm, vào chánh định,
Thấy các đức Phật nói Tứ Đế,
Hiểu ngộ mau được quả Dự lưu,
Hoặc là phấn chấn phát đạo tâm,
Về sau sẽ thành đạo Bồ Đề.
Cũng sanh Đâu Suất, trời Dạ Ma,
Hoặc trời Quang Âm, Tịnh Cư xứ,
Phạm Phụ, Biến Tịnh lầu sáng đẹp,
Trên nữa là trời Sắc Cứu Cánh,
Lui tới dạo chơi các vườn trời,
Câu hội cùng Bồ Tát Di Lặc,
Thong dong đi đứng, bữa ăn ngon,
Ngày đêm sáu thời thường nghe pháp,
Bồ Tát Di Lặc thường giảng nói
Hạnh bất thoái chuyển đại pháp luân
Tương lai sẽ gặp đức Di Lặc,
Hàng ma, thành Phật quay xe pháp
Trong pháp Phật ấy được xuất gia,
Lại gặp ngàn Phật trong hiền kiếp,
Được Phật Lâu Chí thọ ký cho
Vô thượng Chánh đẳng Đại Bồ Đề
Đó là thắng quả giới không giết,
Cũng gọi từ bi, gốc phạm hạnh,
Tất cả chư Phật đều nói đến,
Cũng là tất cả hạnh Phật làm,
Chúng sanh, hết thảy quý tai mắt,
Yêu mến con cái cũng như vậy,
Yêu quý mạng sống lại vô cùng,
Vì thế chẳng được giết sanh vật,
Đây gọi Phạm hạnh rất cao tột,
Không giết, ý tưởng giết cũng không,
Cũng chẳng ăn dùng các thứ thịt,
Thấy người giết hại, như thấy giặc,
Biết chắc người ấy đọa địa ngục,
Người ăn nhiều thịt, nhiều ốm đau,
Chấm dứt giết mạng, tự trang nghiêm,
Thể hiện lòng từ bi rộng lớn,
Vâng giữ gìn giới không sát sanh,
Quyết sẽ thành tựu đạo Bồ đề.
Đức Thế Tôn bảo ngài Xá Lợi Phất:
- Ông cần nên biết, nghiệp giết sanh mạng, tội ấy rất nặng. Trước đây có lần, ta cùng với ông, du hóa đến thành Ba tra liên phất, trong thành lớn này, có một cô gái, con một gia đình thuộc hạng trưởng giả, cô gái tên là Đề bà bạt đề. Cô ta sanh hạ một đứa bé trai. Dung mạo đứa bé đoan chánh đẹp đẽ, vẽ đẹp sen hồng của một thiên nữ cũng khó sánh bằng, mẹ của đứa bé rất thương yêu nó, bèn ẵm đến chỗ ta, và bạch rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Đứa con của con thật rất đáng yêu, nó đẹp như một đồng nhi thiên nữ, con yêu quý trẻ hơn thân của con, gấp ngàn muôn lần.
Khi đó ta bảo người con gái nọ:
- Thiện nữ nên biết, tất cả phàm phu, ai ai cũng tự yêu quý mạng sống, không bao giờ chán, cũng như biển cả, nuốt các dòng nước, vẫn không khảm đủ. Sao nay ngươi lại nói rằng thương con, hơn cả thân mình, lấy gì chứng minh?
Người con gái thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Con yêu đứa trẻ, đến nổi giả sử lửa mạnh nổi lên đốt cháy thân con, con vẫn không thể buông bỏ nó ra. Vì để cảm hóa người con gái nọ, lúc ấy Phật dùng thần lực hóa ra bốn quỉ Dạ xoa, mỗi quỉ Dạ xoa bưng một núi lửa, từ bốn mặt lại. Khi lửa còn xa, thì người con gái dùng thân mình và y phục tùy thân che đậy đứa trẻ. Lửa lần tới gần, cô gái hoảng hốt lấy tay che mặt, và đưa con ra ngăn chặn ngọn lửa.
Phật hỏi cô gái:
- Ngươi vừa mới nói yêu quý đứa con, bây giờ sao lại đem con ngăn lửa, để tự cứu mình?
- Người con gái thưa:
- Lạy đức Thế Tôn! Xin cứu giùm con, con chẳng tiếc trẻ!
Đức Thế Tôn nhiếp thần lực trở lại, thì cả mẹ con đều được mát mẻ. Ngay trong lúc ấy, cô gái tỉnh ngộ, và phát đạo tâm chơn chánh cao tột.
Phật hỏi cô gái:
- Nếu ngươi đã biết yêu quý thân mình và yêu dấu con, sao lại tự giết và sai người giết? Ngươi nên biết rằng, giết hại sinh mạng, chịu báo rất dữ, chắc chắn phải đọa địa ngục A tỳ, sự khổ kịch liệt, hệ thuộc pháp luật chốn vua Diêm La. Những gì gọi là pháp luật rất nặng?
- Vì vua Diêm La, ngày đêm sáu thời, nói đến ác báo của việc giết hại. Có mười [báo] nghiệp ác thuộc tội sát hại.
- Quả báo thứ nhất: Nghiệp giết sanh mạng, thường đọa địa ngục Núi đao hực lửa. Có bánh xe dao cắt rọc thân mình, tay chân lóng đốt, đứt ra thành tám muôn bốn ngàn đoạn, một ngày một đêm, sáu mươi ức lần chết đi sống lại. Bấy giờ vua Diêm la quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, ngươi có ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ hai: Nghiệp giết sanh mạng, chắc chắn sẽ đọa Địa ngục rừng gươm. Có đến tám muôn bốn ngàn cây gươm, mỗi thân cây gươm cao đến tám muôn bốn ngàn do tuần, mỗi mỗi cây gươm, sanh ra tám muôn bốn ngàn nhánh gươm, mỗi mỗi nhánh gươm, sanh ra tám muôn bốn ngàn hoa gươm, và mỗi hoa gươm, sanh ra tám muôn bốn ngàn trái gươm. Tội nhơn sát sanh trèo lên cây gươm, thì trái tim cũng lớn ra khắp cả các đầu cây gươm, ngoài ra tay chân, lóng đốt đều vào khắp giáp rừng gươm. Tám vạn bốn ngàn nhánh gươm đều vào mỗi mỗi lóng đốt trong khắp thân thể, gươm đó róc tận xương tủy tội nhân. Hoa gươm, trái gươm lan khắp các nơi, không sót chỗ nào. Thân thể tội nhân, bị nát vụn ra như hột Đình lịch, một ngày một đêm tám mươi bốn ngàn lần bị chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhân. Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ ba: Nghiệp giết sinh mạng, sau sanh địa ngục Vạt nước sôi trào. Trăm ngàn muôn ức giọt nước sôi sục, nấu thịt tội nhơn, bày ra xương xẩu, đặt lên trụ đồng, tự nhiên sống lại. Trăm ngàn gai nhọn biến thành dao sắt, tội nhơn tự cắt thịt mình mà ăn, ăn rồi trở vào trong vạt nước sôi, một ngày một đêm, tám mươi bốn ngàn lần bị chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ tư: Nghiệp giết sinh mạng, sau bị sanh làm Địa ngục giường sắt. Có một giường sắt, ngang rộng bằng nhau, mỗi bề dài đến năm mươi do tuần, bốn bên có những mũi sắt bén nhọn, bắn tim tội nhơn, vành bánh sắt lớn nghiến đầu người tội, bổ từ đảnh đầu, xoáy xuống dưới chân rồi xoáy ra ngoài, một ngày một đêm, tám muôn bốn ngàn lần bị chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn. Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ năm: Nghiệp giết sanh mạng, sau bị sanh làm Địa ngục núi sắt. Bốn bề núi này, như một hang sắt, trong hang phát lửa, bốn phía xáp lại. Năm quỷ Dạ xoa, chặt thân tội nhân ra làm bốn khúc, ném vào trong lửa. Bốn núi ép lại, thân thể tội nhơn tan tành ra bụi. Chim lửa nổi dậy, thứ chim mỏ sắt, chui vào tay chân lóng đốt, phá nát xương tủy tội nhơn. Một ngày một đêm, tám muôn bốn ngàn lần bị chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ sáu: Nghiệp giết sanh mạng, sau bị sanh làm Địa ngục lưới sắt: Có núi sắt lớn, cao vút đến hàng trăm ngàn do tuần, trong đó tràn đầy nước sắt nóng chảy, lưới sắt nằm trên. Mỗi mỗi mắt lưới, có trùng sắt [trùng sắt] này, từ trên đỉnh đầu, rúc vào xương tủy, bổ xuống dưới chân mà ra bên ngoài. Một ngày một đêm, tám muôn bốn ngàn lần bị chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ bảy: Nghiệp giết sanh mạng, sau bị sanh làm Địa ngục Hoa sen đỏ. Có một hoa sen vô cùng to lớn, gồm có tám muôn bốn ngàn cách sen, mỗi mỗi cánh sen, như một núi đao, cao năm do tuần, trăm ức rừng gươm cùng cháy một lúc, tội nhơn ngồi giáp trong hoa sen đó, mỗi mỗi cánh sen đều bung lớn ra. Khi sen bung ra, thì những núi lửa và rừng gươm đều đốt thịt phá xương, đau khổ trăm bề, không thể chịu nổi. Khi hoa xếp lại, thì trăm ngàn núi dao, cùng trong một lúc cắt đứt thân mình. Một ngày một đêm, tám muôn bốn ngàn lần bị chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ tám: Nghiệp giết sanh mạng, sau đọa địa ngục Năm phần bị chết và năm phần sống. Có năm quả núi, hình thù rất lớn, với năm trăm ức những bánh xe đao ở trên đỉnh núi, trên bánh xe đao, có bánh xe nước. Tội nhơn ngục này, thân thể như một cánh hoa nở ra, nằm trên băng giá. Những bánh xe đao của năm quả núi, năm phía ép lại, hô lên “Sống! Sống”. Xe đao cắt thân ra làm năm đoạn, năm đoạn nửa sống, nửa chết như thế, tan nát thành bụi. Một ngày một đêm, tám muôn bốn ngàn lần bị giết chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ chín: Nghiệp giết sanh mạng, sau đọa địa ngục Rừng đầy rắn độc. Có đến vô lượng số cát sông Hằng những con rắn độc, đều bằng sắt nóng, mỗi con rắn dài vài ngàn do tuần, miệng phun nọc độc, như hoàn sắt nóng, từ đầu tội nhân mà vào khắp thân. Mỗi mỗi lóng đốt, có vô lượng rắn, nhả độc phun lửa, đốt cháy tội nhơn, một ngày một đêm, tám muôn bốn ngàn lần bị giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
- Quả báo thứ mười: Nghiệp giết sanh mạng, sau sanh địa ngục Gông cùm xiềng sắt. Ngục này bề cao mười hai do tuần, núi sắt làm gông, sáu mươi do tuần, trụ sắt lưới lửa giáp vòng làm xiềng, tám mươi do tuần. Có những chó sắt, trong miệng phun lửa, làm thứ móc xích. Tên sắt từ trên hư không rơi xuống, bắn tim tội nhơn, gông cùm xiềng xích, thành viên đồng cháy, vào mắt tội nhơn, chạy khắp thân thể, tay chân lóng đốt, rồi từ dưới chân mà ra bên ngoài. Một ngày một đêm, tám muôn bốn ngàn lần bị chết sống. Nghiệp ác giết hại, việc ấy như vậy. Bấy giờ vua Diêm La quở trách tội nhơn: Ngươi ưa giết hại, nay khổ như thế, việc này ưa chăng? Ngươi còn phải chịu trăm ngàn muôn kiếp, đền nợ cho người, không thể nào hết.
Khi ấy, đức Thế Tôn bảo ngài Xá Lợi Phật:
- Nghiệp giết chúng sanh, phải ở địa ngục, tuy chịu khổ ấy, nhưng vẫn chưa đủ. Đây chỉ mới là hoa báo mà thôi. Tội mãn rồi mới sanh trong loài người, lại mang nhiều bệnh, mạng sống ngắn ngủi, sau đó lại sanh vào bốn loại sanh chịu các thứ khổ vô lượng vô biên, không thể kể xiết.

* Chú Thích
(1) Trong nguyên bản chữ Hán, từ câu này trở đi, là nghi thức truyền Thập thiện và Bát quan trai, gần như một phẩm, chúng tôi dịch riêng ra, không ghi vào đây.


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: Ngữ Lục

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Lâm chung gầy còm và bị bệnh khổ chính là do nghiệp chướng nhiều kiếp. Do vì bà ta dốc lòng tu Tịnh nghiệp nên mới chuyển hậu báo nặng nề thành báo nhẹ trong hiện tại. Ông bảo: “Do tu trì tinh tấn đến nỗi thân thể ngày càng yếu ớt’; nói như vậy không hợp lẽ, lại còn mắc lỗi khiến cho kẻ tín tâm nông cạn nhân đó bèn thoái đọa.

Phải biết: Người niệm Phật quyết định tiêu trừ nghiệp chướng. Những người có nghiệp chướng hiện tiền đều là chuyển ác báo tam đồ trong tương lai thành bệnh khổ hiện tại để giải quyết cho hết. Kinh Kim Cang dạy người trì kinh Kim Cang do có nỗi nhục nhỏ là bị người khác khinh rẻ, liền diệt được nỗi khổ nhiều kiếp trong ác đạo. Như vậy Phước Tuấn khi sắp sanh về Tây Phương, do nỗi khổ nhỏ nhặt này sẽ giải quyết sạch các ác báo trong vô lượng kiếp đến nay, quả thật là may mắn lớn lao! Chớ nên học theo kẻ chẳng biết sự việc, bảo là “do tu trì nên thành bệnh, bị chết!”

Người niệm Phật bình thời có lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết thì không ai chẳng được vãng sanh, huống chi Phước Tuấn lâm chung chánh niệm rỡ ràng, hiện các tướng xá bái, đảnh lễ v.v… Mất rồi thân thể vẫn mềm mại, sạch sẽ, vẻ mặt như còn sống, há có nên vì công phu của bà ta còn ít ỏi mà nghi ngờ hay chăng? Đối với Di Đà nguyện vương, mười niệm còn được độ, huống chi bà ta tinh tấn tu trì đã hai ba năm, há còn ngờ ư?
Ấn Quang Đại Sư


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU TỐI THƯỢNG HỌC PHẬT ĐẠI HỌC ĐƯỜNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU
TỐI THƯỢNG HỌC PHẬT
ĐẠI HỌC ĐƯỜNG
<<CỰC-LẠC THẾ-GIỚI>>

Giáo-chủ: - Đức Phật A Mi Đà.

Phụ tá: - Bồ tát Quan Thế Âm.
- Bồ tát Đại Thế Chí.
Vô-Lượng Nhứt-Sanh Bổ-Xứ Bồ-tát.

Đẳng cấp:
- Thượng, Trung, Hạ: chín phẩm.

Niên khóa tốt nghiệp:
- Nội một đời viên mãn Phật quả.

Điều kiện vào trường:
- Tin sâu.
- Nguyện thiết.
- Chuyên trì Phật hiệu.
HÂN TỊNH


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách