Trang 1 trên 1

NHẸ MÀ CŨNG NẶNG

Đã gửi: 02/12/09 07:15
gửi bởi gioidinhtue
Lời Cảnh Tỉnh

Sư Cô Chứng Nghiêm

Sư Cô Chứng Nghiêm (Master Cheng Yen) quê quán ở tỉnh Ðài Trung, Ðài Loan. Năm 23 tuổi cô xuất gia, sống đời thanh đạm tu hành. Vào thời ấy vì hoàn cảnh khó khăn, cô đã phải làm nhang, đèn cầy, đậu hủ, bán để giúp chùa và duy trì sinh hoạt cá nhân. Thấy sự khổ sở của đồng bào, cô đã phát đại nguyện hành đạo bồ tát để cứu tế chúng sinh. Với đại nguyện và tinh thần vì người quên mình, nhiều nhân duyên bất khả tư nghì đã cảm ứng, để đến năm 1966, cô thành lập Từ Tế Công Ðức Hội (Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Foundation) http://www.tzuchi.org. Thế rồi trãi qua hơn ba mươi năm cần khổ phục vụ, hội đã giúp không biết bao nhiêu người nghèo khổ bịnh tật và vì vậy hội đã trở thành một trong những tổ chức từ thiện cung ứng nhu cầu về y tế, phục vụ, giáo dục, văn hóa tích cực nhất ở Ðài Loan.

Hiện tại Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Foundation đã có chi nhánh tại Nam Phi, Á Căn Ðình, Bỉ, Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản, Thái Lan... Sư Cô được trao tặng Ramon Magsaysay Award năm 1991 và cũng đã được đề nghị lảnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1993. Những lời khuyên sau đây là lời cô bản thân kinh nghiệm, nói lại cho chúng ta để đối diện với hoàn cảnh thực tế mỗi ngày.

(tiếp theo)



Phần 10

NHẸ MÀ CŨNG NẶNG

Giữa lời nói và thanh sắc



Người ta tiếp xúc nhau ai cũng dùng âm thanh sắc tướng làm phương tiện. Lời nói là thanh, thái độ là sắc. Khi nói chuyện với người: lời nói nên nhẹ nhàng, tinh tế. Khi đối đãi người: thái độ cần khoan nhu tươi cười.



Một lời nói không thích hợp sẽ làm người nghe sinh lòng bực bội bài khích. Vì vậy bạn nên nói cho thích đáng, đúng lúc đúng việc. Nói dư một lời hay thiếu một lời đều dở.



Khi nói năng, bạn phải cẩn thận, uyển chuyển. Ðối với người tri âm, bạn chẳng cần dài dòng tâm sự, y cũng thấu hiểu bạn rồi. Ðối với kẻ chẳng phải tri âm thì dù bạn kể lể tỉ mỉ tới đâu cũng vô ích.



Khi dạy dỗ kẻ khác, bạn phải chia ra trong và ngoài. Bên ngoài bạn phải nhu hòa mềm dịu. Bên trong bạn phải chân chính.



Khi miệng nổi nóng thì dù tốt tới đâu, bạn cũng chẳng được xem là người tốt.



Chuyện gì nghe rồi, bạn kể lại chuyện ấy thì phải cho đúng với bối cảnh thực tế cuả chuyện đó. Chớ nên chỉ tuyển chọn nghe câu này, nghe câu kia rồi ráp chúng lại thành lời sắc nhọn đâm xóc tim người. Lời nói ác ôn như thế tổn thương người nghe, chẳng gì cứu vãng nổi.



Không nên dùng cái miệng biết nói năng này nói chuyện thị phi, tạo khẩu nghiệp. Cũng chớ nên dùng tấm thân biết hoạt động này ăn uống chơi bời, đắm luyến vật dục.



Khi nghe lời nói tốt lành, mình nên như miếng xốp (foam: một vật liệu có khả năng thấm nước): gặp nước thì lập tức hút vào. Khi nghe chuyện thị phi ở đời, mình nên như đá xi măng: nước chảy qua rồi, nó liền khô.



Ðối diện ( chịu đựng, nhẫn nhịn) lời nói thô ác, độc hại: đó cũng là một pháp môn tu hành.



Không nên tranh chấp chỉ vì chuyện thị phi, nhân ngã, bỉ thử. Lời nói đem ra cân thì nhẹ hìu; nhưng nếu thiếu chút cẩn thận thì (lời nói) có thể đề nặng trình trịch lên tâm người ta. Bạn cũng nên tự phản tỉnh ( tìm đáp án nơi chính mình, đừng trách kẻ khác, đừng đổ thừa) , tự huấn huyện, đừng để mình dễ dàng bị lời nói của kẻ khác làm tổn thương (chạm tự ái).



Trong sinh hoạt hàng ngày, mình nên thường tử cảnh giác, thường tự phản tỉnh. Phải nhớ: rộng lượng đối với người, tế nhị trong lời nói. Làm vậy thì bạn có thể hóa giải tâm trạng hàm độc (oán ghét, tức, hận, thù hằn trong lòng), viên dung tất cả chúng sinh.



Khi nội tâm an bình, yên lặng va vui vẻ, đầu óc thảnh thơi thì bạn khảo sát tư duy mọi sự hết sức rõ ràng. Nói ra lời gì cũng sẽ hữu lý.



Dùng tâm nhãn (con mắt trong lòng) thanh tịnh để nhìn người thì bạn sẽ chẳng có va chạm xích mích với ai cả. Âm thanh thì vô hình, vô lượng; Hinh sắc chỉ là tướng giả: đừng để chúng lấn át tâm nhãn của bạn.



Dùng lỗ tai thanh tịnh để tiếp nhận lời nói thanh tịnh. Dùng tánh nghe viên thông để hấp thụ thiện âm khắp trần gian.



Một lời nói là trọng. Nói ngàn lời vô ích. Lời nói có trọng thì mới đáng tín nhiệm, tin cậy sâu dày. Tin cậy có sâu dày thì mới có công dụng lớn.



Cái đẹp của nhân tánh không gì bằng lòng thành. Lòng thành là nguồn cội của mọi thiện pháp. Cái quý của nhân tánh không gì hơn đức tin (cũng la sự tín nhiệm, sự đáng tin cậy). Ðức tin, sự tín nhiệm là gốc, là nền tảng để người ta lập thế, tạo dựng sự nghiệp.



Lòng thành mà bất nhất thì tâm chẳng sao giữ vững. Tín tâm mà bất nhất thì lời nói chẳng dùng vào đâu. Người xưa nói : Áo quần, ăn uống có thể thiếu, song không thể mất lòng thành và đức tin.



(còn tiếp)

http://www.dharmasite.net/bdh54/loicanhtinh.html