Lời dành cho người tầm Đạo

Bạn có thể tạo cho mình một khu vườn nhỏ xinh đẹp với đủ hoa thơm cỏ lạ và mọi người có thể cùng bạn xây dựng khu vườn ấy. Xin hãy giữ khu vườn ấy thanh tịnh như tâm của bạn. Kính mời các bạn.

Điều hành viên: quang_tam3

timchan54
Bài viết: 15
Ngày: 10/04/12 16:01
Giới tính: Nam
Đến từ: tay ninh

Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi timchan54 »

Kính chào ban điều hành DĐPP.
Tìm Chân xin chân thành cám ơn ban điều hành, đã có nhiều thiện tâm và nhiệt huyết tạo nên một trang web hữu ích, không những riêng cho Phật tử mà còn giao lưu chung cho mọi người, với hoài bảo “Đại Tạng Kinh Việt Nam”, là mong kết tập “tinh hoa” mang đậm bản chất dân tộc.
TC thiết nghĩ tuy chúng ta nhận được sự thừa truyền Giáo Pháp, tư tưởng phần lớn bên ngoài từ Ấn Độ, Trung Quốc, lẫn cả Tây phương. Nhưng ngay trong bản chất nội tại của Dân Tộc Việt Nam từ xưa ngàn đời đã có Đạo lý đặc thù, được thể hiện trong việc dựng nước, giữ nước chống ngoại xâm, đối nhân xử thế trong Đạo lý đồng bào (anh em), vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Sự bổ xung ấy là cộng thêm vào ý thức Đạo lý sẳn có, đã hình thành ý thức tương đối hoàn chỉnh, hoàn toàn có thể phù hợp với hoàn cảnh và con người Việt Nam.
Đây là lần đầu Tìm Chân đến với diễn đàn, mục “ Vườn Tao Ngộ” dựng một chủ đề mới: “Lời dành cho người tầm Đạo”. Là những lời chân thật trau đổi trên diễn đàn, với hy vọng có ít nhiều ích lợi cho người tầm Đạo để tu hành.
Chào quý Đạo Tâm.
Vừa cách đây không lâu TC có biết tin, ở Tích Lan một thanh niên tên Premanath Pereralage Thungasiri. Giấy thông hành mang số 2353715, bị kết án chết, do thanh niên này đã lễ tượng Phật, nơi nhà mướn riêng tại Saudi Arabia. Thanh niên trên sẽ bị chặt đầu bởi qui định luật Shariah của xứ này.
Cũng có 4 trường hợp đã xảy ra tương tự như vậy ở đây. Hẳn không phải đây là nơi duy nhất xảy ra những bi kịch não lòng về tín ngưỡng. Mà lịch sử đã chứng minh, con người đã chịu nhiều đau khổ do tín ngưỡng, thay vì sự an lành, được che chở như điều này đã hứa hẹn!
Tất cả những điều như trên đã thúc đẩy TC, cho ra đời “lời dành cho người tầm Đạo”. Đây là sự kiến giải và kinh nghiệm từ sự tu tập bản thân, mong chia sẻ cùng bạn đồng tu hữu duyên; và những ai sơ căn đang trên đường tìm chân lý.
A- NHÂN VÀ QUẢ:
Câu chuyện trên có phải nhân quả bất tương đồng (ở lành gặt dữ) hay chăng?
Câu trả lời là: Nhân quả tương sanh luôn luôn đúng, không hề sai nơi cõi đời hữu tướng này. Đúng cả đối với vật lý lẫn tâm lý.
Vậy ta lý giải những trường hợp trái ngược trên như thế nào? Nếu xét kỹ sẽ nhận ra do mê, lầm nhân quả mà thôi !
Như ở trường hợp kể trên, không phải người lạy tượng Phật, hoặc lạy ảnh Phật mà bị nhân quả chẳng lành, cũng chẳng phải trả quả gì ở kiếp trước (theo thuyết luân hồi) cả, mà vì đã phạm vào luật cấm ở xứ đó. Vì quá đức tin vào tín ngưỡng, bất chấp, hoặc thiếu hiểu biết. Là thiếu sáng suốt, đó là “mê”.
Lại nếu như biết lạy Phật bị cấm, mà vì quá đức tin vào tín ngưỡng, tin là Phật sẽ cứu. Là thiếu xét nét, thiếu sáng suốt, đó là “lầm”.
Có câu người tu hành không nên “mê, lầm nhân quả”. Không nên tin, dựa vào đâu, mà phải sáng suốt tự mình xét nét. Lấy sự “chân thật” nơi bản thân để phán đoán chân lý xung quanh ta. “Tự một mình, can đảm xem chân lý là ngọn đuốc …, không nương tựa vào đâu”. Tự mình đạt đến cứu cánh giải thoát thật sự. Trọn từ khởi đầu đến chung cuộc phải sáng suốt mới được.
Có câu người giác ngộ, là người “sáng suốt với nhân quả”. Vậy sáng suốt là gì?
Sáng suốt là tinh hoa của đất, trời, thọ bẩm cho người. Người mà thọ bẩm được tinh hoa thì tâm, trí sáng suốt. Trời đất và người đồng hành, đồng điệu, người xưa gọi là Thiên lý (xin chớ lầm Trời là đấng thần bí, sáng tạo thế giới). Ấy là lý tự nhiên, vận hành theo luật nhân quả tự nhiên (xin chớ lầm thuyết nhân quả luân hồi!). Nhân quả tự nhiên là hiện tượng vật lý trong thiên nhiên, nhân nào là quả đó. Nhân là nguyên nhân đưa đến kết quả. Quả là kết quả của nguyên nhân, không sai trật.
Thí dụ như: Lười biếng là nguyên nhân của nghèo túng, người nghèo túng ấy có cầu nguyện xin Phật ban cho đầy đủ, bỗng một hôm đi thơ thẩn bên đường, chợt nhìn thấy chiếc nhẫn vàng bên lề, bèn nhặt lên, đem bán được một số tiền khá, mừng quá liền cho là nhờ cầu khẩn Phật ban cho. Nghĩ như vậy là mê lầm.
Lười làm việc là nguyên nhân dẫn đến kết quả túng thiếu.
Còn cầu nguyện là nguyên nhân dẫn đến kết quả là tâm được an ổn, do nghĩ là có Phật hộ trì.
Việc tạm thời bớt túng thiếu là kết quả của nhân nhặt được vàng. Vàng có để nhặt là do nguyên nhân có người đánh rơi, mà người đánh rơi là quả của nhân lơ đễnh, gấp rút của ai đó lúc cho tay vào túi lấy ra mang theo…Người đi thơ thẩn mà nhặt được vàng, ấy là kết quả của nhân đi đúng lúc, lại chưa có ai nhìn thấy trước, nếu có ai đó nhìn thấy trước nhặt mất thì nhân quả sẽ khác đi. Hoặc chính người ấy thấy vàng nhưng không nhặt bán lấy tiền, thì nhân quả cũng khác đi. v.v…
Người đó dần dần tiêu hết tiền ấy, tiếp tục cầu nguyện tiếp, và đi thơ thẩn tiếp , lần này không còn nhặt được vàng nữa, lại tiếp tục túng thiếu.
Vậy nguyên nhân cầu khẩn Phật, không cho ra kết quả đầy đủ hoặc túng thiếu. Mà nguyên nhân của sự túng thiếu hoặc đầy đủ, là sự chăm làm hay lười biếng mà thôi.
Thêm một thí dụ nữa: Chuyện ngụ ngôn châu Âu có kể về một người nhà quê, ra đồng bỗng gặp một con rắn độc nằm bên đường, nó sắp chết vì lạnh, không thể cựa quậy nổi. Người nông dân nọ động lòng trắc ẩn nghĩ: “Ta nên thương hết tất cả mọi loài, không nên phân biệt, dù nó là rắn độc nhưng ta có ơn chắc nó không hại ta”. Nghĩ thế anh bắt nó bỏ vào ngực trong áo để ủ ấm. Quả thật sau hồi lâu được ủ ấm nó tỉnh dậy và trở nên khỏe mạnh. Nó nhìn anh và không quên cắn cho anh một phát trước khi bỏ đi. Anh ngạc nhiên la lên “ sao ở hiền lại gặp quả báo thế này?”
Nhân quả không bao giờ sai. Chỉ tại anh nông dân mê, lầm nhân quả mà thôi. Nếu anh cứu giúp người hoặc vật hiền lành gặp nạn, ắt người lành ấy nhớ ơn và luôn mong có dịp báo đáp lại. Hoặc vật hiền thì cũng chẳng bao giờ làm gì hại anh. Đằng này anh đã giúp cho vật độc ác, nó đã quen cắn bất cứ cái gì đến gần nó, vì thế theo phản xạ nó cũng cắn anh, là đúng nhân quả chẳng sai. Nhân ở đây là sự hiểu biết phán đoán sai, lầm, nên quả của nó là bị hại vậy. (chúng ta có thể nhìn xung quanh để nhận định và suy diễn nhân quả tiếp…)
Qua những thí dụ trên ta thấy nhân quả linh động, đa dạng và biến thông, tương tục không bao giờ dứt. Mỗi một hành vi, một tư tưởng đều có nhân quả tự nhiên, như đi một nước cờ ta chuyển con cờ ở những vị trí khác nhau, sẽ có những kết quả hoàn toàn khác nhau. Nhân quả không ngoại trừ bất cứ ai, bất cứ vật gì nơi cõi hiện tượng này. Nhân quả tự nhiên luôn tác động vào giới tự nhiên ở mọi nơi là tương đồng như nhau, còn ở nơi cuộc sống con người thì cộng thêm tác động của con người vào, mà thành ra kết quả rất tự nhiên.
1/- Lời khuyên dành cho người tầm Đạo, là chớ mê, lầm nhân quả !
B- SỰ PHÁN XÉT:
Muốn biến mình để trở nên điều gì đó, ta nhìn vào ưu điểm của nó, để thêm tinh thần hăng hái, cố gắng thực hiện để đến thành công.
Ngược lại, muốn tìm Đạo tu hành để đạt đến chân lý giải thoát thật sự, thì phải nhìn vào khuyết điểm (điều không hợp lý) của nó.
Thật không dễ chút nào. Lý là tư duy của con người về đối tượng là sự, việc gì đó mà phần đông chưa được kiểm chứng, hoặc chứng minh cụ thể.
Lý thường được giải bằng lý. Vì thế nhiều học phái suốt đời cố theo đuổi một lý tưởng nào đó, mà họ công bố và cố gắng thực hiện mà vẫn chưa đạt được, thì họ cho rằng là công phu chưa tới nơi, công quả của kiếp trước chưa đủ. Họ lại khuyên những người sau nên làm nhiều công quả hơn nữa, thì sẽ được chứng Đạo…không biết là mình đang thực hiện ảo tưởng, (nhân quả không hợp)!
Hoặc giả có kết quả theo điều họ thuyết (nhân quả phù hợp), nhưng lại là những kết quả khác nhau. Cũng như học làm nghề nào thì thành thuộc nghề nấy vậy.
Chúng ta muốn học nghề, hay muốn thành điều gì, thì cứ nhận lấy mà thực hành.
Còn nếu muốn nương vào lý giải của Kinh , sách, hoặc của ai đó, tìm chân lý để đạt đến cứu cánh giải thoát, thật lý, thật chứng ngay tại kiếp sanh của ta (không phải là kiếp nào khác). Thì sự xét nét, cẩn thận là điều trọng yếu.
Chừng nào ta xét kỹ mọi khía cạnh mà vẫn không tìm thấy được điều bất hợp lý, hoặc mâu thuẫn. Nó hoàn toàn hợp lý. Thì lúc ấy ta mới nên tin và hành theo. Ta vừa thực hành vừa so lại, kết quả nó có đúng như ta đã suy nghiệm lúc trước hay không. Nếu quá trình so xét kết quả không đúng, là ta sai lầm, ta nghiệm lại…
2/-Lời khuyên dành cho người tầm Đạo là tầm chân lý, chính là tìm điểm bất hợp lý của chân lý đó. Chân lý phải hoàn toàn hợp lý.
C- CĂN BẢN CỦA SUY NGHĨ:
Không suy nghĩ, là căn bản của suy nghĩ. Giấc ngủ giúp cho ta ngưng suy nghĩ, nhưng thường là không như thế, nằm mộng là não vẫn hoạt động, ở thể bán hoạt động (tham gia nhiều hay ít của ý thức).
Nhưng sẽ tốt hơn nếu khi tỉnh thức mà ta không suy nghĩ (ngồi an tịnh), hàng ngày nên bỏ ra ít thì giờ, ngồi (im lặng) không suy nghĩ.
Trở lại đời sống bình thường, mỗi một sự việc xảy đến, ta suy nghĩ về sự việc ấy, vì sao? Như thế nào thì sẽ hay hơn? Có giá trị như thế nào? Ta đánh giá và kết luận nó.
Nếu ta không tìm được câu trả lời thỏa đáng, hoặc chưa hiểu được, đừng vội. Ta ngồi im lặng…rồi lại suy nghĩ tiếp…Hãy quan sát xung quanh và tìm câu trả lời.
Một cách giúp ta suy nghĩ chín chắn, mau lẹ là học hỏi nhiều. Thầy chúng ta ở khắp nơi. Trong trường lớp. Trong Kinh, sách vở. Ngoài đời sống thường nhật. Trong Trời, Đất. Nơi người tốt lẫn người xấu. Nơi vật…
Nghiên cứu lịch sử triết học , sẽ giúp ta có cái nhìn bao quát.
3/- Lời khuyên dành cho người tu hành là nên thường ngồi im lặng, không suy nghĩ làm căn bản cho suy nghĩ.
D- SÁNG SUỐT:
Dục vọng làm mờ lý trí. Lòng tham muốn ích kỷ thái quá trở thành dục vọng, Như bẩn bám vào gương, không còn soi được nữa. Như bùn bẩn trong ao không còn nhìn thấy đáy được.
Ý niệm, muốn thích, tham muốn chiếm hữu, dục vọng thôi thúc: Là từ nhẹ tới nặng.
Tham muốn bất cứ gì, từ tinh thần lẫn vật chất, đều làm cho tâm trí xao động , kém sáng suốt. Tình dục là tổn hại nhiều nhất.
Học hỏi nhiều, trí ta mở mang, biết thêm được nhiều điều mới lạ. Tầm nhìn rộng hơn, kiến thức trở nên bao quát hơn. Nhưng học nhiều chưa phải là sáng suốt .
Sáng suốt là nhận thức, và đánh giá đúng được, những gì đã học, nó có chiều sâu.
Người ít lòng dục, tâm trí thường sáng suốt.
Tâm trí sáng suốt, như nước trong trẻo có thể nhìn thấy tận đáy, như gương sạch bẩn, soi được mọi vật.
Thường ngồi im lặng cũng là cách chuyển hóa dục vọng.
4/- Lời khuyên dành cho người tu hành là nên khắc kỷ, kềm chế tham muốn và lánh xa dục vọng. Để tâm trí được sáng suốt.

E- SỰ CHÂN THẬT:
Chân lý là phần thưởng của Tạo Hóa dành cho ai có tâm hồn chân thật. Vì vậy chúng ta không nên giả dối. Sống chân thật từ nơi suy nghĩ, lời nói lẫn việc làm…
Trong quá khứ TC luôn băn khoăn giữa đời thường và sự chân thật. Một số ít trường hợp sự thật và lòng nhân Đạo được đặt trong sự lựa chọn khó khăn.
Thí dụ: Câu chuyện ngụ ngôn, kể về một con thỏ nhỏ xinh xắn, nó bị con chó sói đuổi bắt, thỏ quýnh quá chạy bán mạng, đến một cái hang trong hốc đá là nhà của mẹ con nhím, thỏ chui lẹ vào hang tránh sói. Sói chạy đến sau không thấy thỏ đâu nữa, chỉ có một cái hang , nhím mẹ đang đứng nhìn. Nó hổn hển cất tiếng hỏi xem nhím có thấy một con thỏ chạy đi đường nào không? Nhím bảo ngay có thấy con thỏ chạy nhanh về đằng tây, chỉ hướng có nhiều cây rậm rạp. Con chó sói vội đuổi theo mất dạng.
Sói đi rồi nhím con ngây thơ hỏi mẹ nó, mẹ thường dạy bảo con phải luôn thành thật, sao giờ mẹ lại nói dối với bác sói vậy? Nhím mẹ vò đầu nhím con và nói, đúng mẹ có dạy con như thế, nhưng vì cứu con thỏ nhỏ đáng thương, khỏi chết vì con sói hung tợn, mẹ phải nói dối. Đây là trường hợp ngoại lệ con nên biết thêm.
Trong cuộc sống không phải lúc nào sự thật cũng chiếm ưu thế. Đa phần vẻ không thật có thể dung thông và thực dụng, nó chiếm ưu thế trong xã giao làm mọi người hài lòng. Dẫu đằng sau là gì, người ta thích nhìn vào bề mặt hơn! Nó thể hiện thông thường trong phép lịch sự, trong xã giao thường nhật, trong sự động viên, trong trường hợp tránh tổn thương người khác… Về mặt này thì chúng ta cũng không nên ngoại lệ.
Riêng về mặt tầm Đạo để tu học, hướng đến chân lý, thì lại khác. Ở đây sự chân thật là điều khắt khe, không thể có mặt của sự giả dối. Sự thật phải chịu phê phán và xét nét của mọi người. Không thể một người, hay một giáo lý nào đó mệnh danh là chân lý, mà có xen vào điều giả dối, dù bất cứ lý do gì ?
Còn về phía người tu, sự chân thật là một Đạo hạnh bắt buộc. Vì nếu lòng ta chưa chân thật, thì còn tìm sự chân thật ở bên ngoài được sao ?
Một điều quan trọng mà ta cần lưu ý, mọi hiện tượng vật chất cụ thể, đều được xét đoán và nhận biết được bằng giác quan của con người, nhờ quan sát và kiểm nghiệm mà con người biết được những định luật thuộc về vật lý rất chính xác. Còn về chân lý giải thoát thì sao?. Đây là lý giải “tiên nghiệm”, chỉ khi ta nghiệm đúng lý thì mới có thực chứng. Nếu không nó chỉ đơn thuần là lý tưởng hay ảo tưởng mà thôi !
5/- Lời khuyên dành cho người tu hành là sống chân thật. Người có tâm chân thật mới có thể lĩnh hội được chân lý.
F- ĐẠO VÀ ĐỜI:
(còn tiếp)


timchan54
Bài viết: 15
Ngày: 10/04/12 16:01
Giới tính: Nam
Đến từ: tay ninh

Re: Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi timchan54 »

Đạo và đời cũng chính là đời. Đời và đạo cũng chính là Đạo. Tại sao vậy?
Vì đời hay đạo không khác, chỉ khác ở ý niệm mà thôi !
Người tu hay người không tu không khác, chỉ khác ở hình thức mà thôi !
Người Á Đông giàu tưởng tượng, lại quá cường điệu, đã đưa người tu thăng hoa đến siêu nhân cách, biến đời thật của người xưa trở nên hoang đường!
Chân tính đạo và đời vốn không có ranh giới. Nay chúng ta gọi chung là con người. Con người có chung lịch sử tiến hóa, từ lạc hậu tiến đến văn minh. Từ những ý niệm thô sơ tiến đến thành những khoa học như ngày nay.
Trong những khoa học thì triết học là khoa học của tư duy. Lịch sử triết học là lịch sử tiến hóa suy tư của con người về bản thân và thế giới quan chung quanh.
Phát minh bản chất của sự vật là triết học, người phát minh triết lý nơi sự vật là triết nhân.
Phật xưa kia đã suy gẫm, tự tìm tòi, phát hiện được ‘chân lý giải thoát’. Người gọi ngài là Buddha (người Trung Quốc dịch là Phật, có nghĩa là giác ngộ ).
Người ta còn gọi ngài là Sakya-muni (người Trung Quốc dịch là Thích Ca Mâu Ni, có nghĩa là nhà hiền triết của xứ Sakya ) . Ngài là một triết nhân. Xem như vậy không phải hạ thấp giá trị ngài, mà là đúng với sự chân thật của ngài. Là kính trọng ngài.
Ngài cũng là một con người như chúng ta, nhưng ngài khác hơn chúng ta về suy nghĩ. Ngài cũng sống chung với chúng ta nhưng ngài khác chúng ta về cách sống.
(sẽ nói thêm ở phần cuối)
Khái niệm như trên thì đạo và đời gọi chung là ‘chúng ta’. Chúng ta có chung một mục đích là học hỏi để hoàn thiện bản thân. Học và tu để phát hiện chân lý cuộc sống và hơn thế nữa chúng ta có thể ngộ được chân lý giải thoát, mà Phật Thích Ca xưa kia đã chứng ngộ được.
Trước khi nói đến chân lý giải thoát sau cùng. Ta nên nói về đời thường của người học tu nên như thế nào ?
Không nên cố chấp, bám víu vào cuộc sống. Cũng đừng buông xuôi, từ bỏ cuộc sống !
Tất cả chúng ta và vạn vật là Tạo Hóa. Chúng ta có bổn phận với cuộc sống xung quanh chúng ta. Bổn phận tình nguyện của tạo hóa.
Không bao giờ ta muốn làm xấu mình, hoặc làm đau đớn cho mình. Vì vậy nếu cách nào đó làm cho cuộc sống càng tốt đẹp, an vui , hoàn hảo hơn, sẽ làm cho tâm hồn chúng ta hài lòng lắm vậy !
Trước tiên ta phải học và tìm hiểu vạn vật, để nhận ra được sự có hạn của vật chất, sự biến đổi không bao giờ ngừng nghỉ . Theo quy luật sanh, trưởng, hoại, không. Ta nhận ra được bản chất vốn vô thường (không vĩnh cửu) luôn biến đổi của vạn vật. !
Mọi loài, con người là sự kết tập của nhiều yếu tố hữu hạn, theo quy luật sanh, lão, bệnh, tử. Không có ai ngoại lệ. Trong một thời gian sẽ tan rã để trở về nguyên bản của nó. Ta nhận ra được bản chất vốn vô ngã (không có cái ta) của một con người !
Hiểu như vậy ta nên buồn hay nên vui ? Nên vui, vì ta sẽ được giải thoát thật sự. Không nên muốn ngược lại quy luật của thiên nhiên, vì thiên nhiên luôn vô tư và công bằng !
Thế giới tự nhiên là biểu hiện của chân lý. Là Thầy muôn thuở của những tâm hồn trong sáng .
Chúng ta được sáng suốt hơn vì màn che chắn đã được vén bỏ. Tấm màn đó là dục vọng, lòng tham muốn nhiều, ích kỷ bản thân, chấp ngã, thiếu hiểu biết chân tính của cuộc sống, và một tâm trí luôn xao động. Nói sáng suốt hơn thì cũng có phần hơi quá, chính xác là ta sẽ nhìn thấy thêm được những phần, những ngóc ngách mà trước kia đã bị che chắn bởi thành kiến. Nay đã lộ ra dưới con mắt vô tư và khách quan.
Đấy là nhận thức, còn cuộc sống ta thế nào ?
Ai cũng có một cuộc đời gần giống nhau. Tuổi thơ, trung niên, trưởng thành và lão thành. Ngoại trừ những trường hợp bất hạnh cá biệt !
Tuổi thơ đối với chúng ta tất cả là mới mẻ, sự hồn nhiên và ngạc nhiên luôn thôi thúc chúng ta ham học tập chung quanh. Tuổi thơ của chúng ta luôn được bảo vệ và che chở của người lớn. Đồng thời chính tuổi thơ cũng đã mang lại cho người lớn nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Tuổi thơ trôi mau, lớn hơn sự nảy nở bắt đầu, con người lúc này nhiều sinh lực, sự khát khao, trí tưởng tượng mơ mộng cũng nhiều. Nếu năng lực được hướng đến những điều lành mạnh, sẽ là tiềm năng nhiều hứa hẹn. Tuổi trung niên ta nên học hỏi nhiều ở người lớn và chuẩn bị làm người lớn.
Bước vào trưởng thành trưởng thành, là người đã lớn có mối quan hệ xã hội khắn khít hơn, chúng ta thực hiện nhiều bổn phận. Kết hôn thành lập gia đình là một bổn phận để duy trì nòi giống. Nam nữ cần chín chắn trong hôn nhân, tìm hiểu để thông cảm và chấp nhận nhau. Người thanh niên có giáo dục không bao giờ lừa dối hoặc lợi dụng, đem xấu hổ lại cho người mình yêu mến.
Người nữ có giáo dục, khéo léo khôn ngoan lựa bạn trăm năm có nhận thức đúng đắn, có tư cách, trung thực và có năng lực để mình có thể nương tựa được. Luôn kín đáo trong ăn mặc. Phải đề phòng và tránh những nơi vắng vẻ, kẻ xấu có thể thực hiện việc bất lợi cho mình ! Ngay cả bạn trai người mình lựa chọn, nên thẳng thắn đòi hỏi phải có lễ hôn với sự chứng kiến của người lớn đôi bên, hợp với phong tục và hợp với luật pháp trước hết, thì mới chấp thuận làm vợ. Đây mới là có văn hóa và làm vui lòng đấng sanh thành vậy.
Đạo lý vợ, chồng nên hòa thuận và thương yêu chân thật với nhau. Chồng nên lớn tuổi hơn vợ là phù hợp nhất. Người vợ bề nào cũng có kém hơn chồng, lại yếu hơn, vì vậy nên lấy chữ ‘kính, nhường’ làm gốc. Người chồng hơn vợ nhiều mặt, lại có năng lực hơn, nên có bổn phận che chở và bảo vệ cho vợ, tạo kinh tế không để đói thiếu, để gia đình được hạnh phúc. Nên lấy chữ ‘lo, thương yêu’ làm gốc vậy.
Lẽ thường của tạo hóa, nên vợ chồng thì sanh con, đẻ cháu. Gia đình được thành lập từ đây.
Vợ, chồng gần gũi, phát sanh tình ái là lẽ tự nhiên, nhưng nên xem đó là nhu cầu duy trì nòi giống. Đừng nên lạm dụng nhiều. Dinh dưỡng kém và lạm dụng tình dục, chỉ có hại, sẽ cho ra những đứa trẻ ốm yếu và kém cỏi mà thôi.
Cũng chẳng nên nghiện ngập, say sưa, như thế con cái sanh ra sẽ nhiều tật bệnh, có hại cho giống nòi lắm !
Bậc làm cha, mẹ, nên ý thức bổn phận trong việc sanh, và nuôi dưỡng con cái. Rủi sanh ra con xấu xí hay có tật gì cũng nên hết lòng thương yêu, dạy dỗ cho con thành người. Đừng tin theo thuyết luân hồi, cho là kiếp trước làm tội hay ác gì đó…là sai lầm lớn. Nên xét lại bản thân cha mẹ đã sai lầm điều gì như : di truyền do bệnh tiềm ẩn. nghiện ngập chất kích thích, hoặc nhiễm phải hóa chất độc hại trong thức ăn, uống, môi trường…
Gia đình nào may mắn sanh ra con cái tốt đẹp, lành mạnh, mà việc làm ăn có dư dả, thì cũng nên lưu ý, tiếp tay cùng xã hội chia sớt ít nhiều, chăm lo cho những trẻ em bất hạnh bị tật nguyền hoặc mồ côi, thiếu người nuôi dưỡng…Mới là biết Đạo làm người.
Hạnh phúc gia đình, là một khái niệm hơi mơ hồ. Hạnh phúc chính là hạnh phúc mà không là gì khác. Những thứ khác như tiền bạc, tiện nghi, học vấn, hay sức khỏe…tất cả cũng chỉ là phương tiện giúp chúng ta cảm nhận được hạnh phúc. Ta định nghĩa dễ hiểu hơn thì hạnh phúc là sự "an, vui".
Vậy muốn có an vui, ta không thể chờ, hoặc ai đó ban cho được. Trước tiên là phải chăm chỉ làm việc, chi tiêu tiết kiệm. Hàng ngày nên xét những chi nào không cần thiết lắm thì hạn chế, dành tiền bạc nuôi dưỡng con cái dinh dưỡng đầy đủ, thì có sức khỏe và ít bệnh tật. Được như vậy gia đình sẽ được "an".
Trên là phần nuôi, lại còn phải dạy nữa. Tuổi nhỏ nên dạy cho con vâng lời dạy bảo của cha mẹ, ông, bà lớn tuổi. Trẻ ngây thơ dễ tiêm nhiễm, chưa biết suy nghĩ phân biệt . Cha mẹ là tấm gương để trẻ học hỏi và tiêm nhiễm những điều lành mạnh trong gia đình. Tránh trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường xấu xung quanh, nếu có, phải hướng dẫn và giải thích cặn kẽ để trẻ có sự tự phân biệt. Cũng nên nói thêm, làm cha mẹ dầu vì lý do gì cũng không nên để con cái nhỏ nơi vắng vẻ, cô độc, phải dè chừng những chuyện đáng tiếc xảy ra. Hãy bảo vệ an toàn con cái của mình !
Trẻ con chưa hiểu nhiều về cuộc đời, chưa có kinh nghiệm sống, chưa nếm trải, chưa được học hỏi nhiều, và chưa tự ý thức được hành động của mình. Vì vậy không nên đưa trẻ vào môi trường tu hành, (chỉ dành cho người lớn). Nên cho trẻ đi học ở trường lớp, trẻ sẽ có được kiến thức phổ thông rất cần thiết cho sự tìm hiểu và suy nghĩ đúng đắn về cuộc sống. Trẻ sẽ học được nhiều điều hữu ích cho mai sau. Cha mẹ luôn theo dõi, động viên và giúp đỡ con cái trong việc học, bên cạnh giáo dục trí tuệ ở học đường thì cha mẹ cũng góp phần không nhỏ về giáo dục nhân cách của con cái,những đức tánh như : ngoan, chăm học, lòng tốt với mọi người xung quanh, bổn phận đối với xã hội… Nên giúp cho trẻ học lên cao, đến nơi đến chốn, trẻ sẽ trở thành người hữu dụng đóng góp nhiều hữu ích cho xã hội. Niềm vui của cha, mẹ đến đây mới được trọn vẹn. Như vậy là được "vui".
Hạnh phúc trong cuộc sống không phải ai cũng như nhau. Nếu hoàn cảnh không may đến với ta, như mồ côi, bệnh tật, nghèo túng, thiếu giúp đỡ…Cuộc đời tạo hóa đã sáng tạo rất đa dạng, chúng ta là những phần tử trong vai trò của mình. Không có lý giải nào hoàn chỉnh cả (đừng cho là do tiền kiếp báo ứng, rất sai lầm !). Mọi sự vật ứng hiện theo đúng nguyên lý nhân quả của nó.
Như cha, mẹ nghèo thì con cái bị khó khăn. Cha mẹ có bệnh thì sanh con có bệnh, tật. Cha mẹ đã chết nên con mồ côi…Suy ra đều có lý do chánh đáng của nó. Cho nên mặc dù thiếu may mắn, chúng ta cũng nên vui lòng, an phận với những gì hiện có, dẫu đang có gì thì vẫn hơn là không ! Luôn cố gắng tự đứng lên, khắc phục khiếm khuyết đó. Phải tự hiểu là mình đang làm bổn phận cao cả của tạo hóa. Hoàn cảnh khó khăn là thách thức dành cho ai có nhiều năng lực. Phần thưởng dành cho những người kém may mắn, là sự nhận thức được bản chất của cuộc sống sớm hơn những người bình thường khác.
Những nhà khoa học : Triết Học, Giáo Dục, Y Học, Kỹ Thuật, Kinh Tế, Xã Hội ….là người ưu tú, ân nhân của nhân loại, rất đáng kính ngưỡng.
Xã hội luôn có trách nhiệm đem lại sự an vui cho những người kém may mắn. Đây là ‘nhân Đạo’ , là Đời có Đạo. Và Đạo trong Đời vậy.
Một câu hỏi khiến cho chúng ta phải phân vân. "Đạo" là gì và như thế nào là "nhân Đạo" ?
Câu trả lời chỉ có tính tương đối. Đạo là đường lối mà con người cần noi theo. Nhân đạo là Đạo của con người, và người có lòng nhân…
Tuy nhiên để đi vào cốt lõi của phạm trù trên, ta đơn giản hóa Đạo thành ba phương diện cụ thể là: Sống phải. Sống tốt. Sống đúng.
-Lẽ phải là sự thống nhất do số đông mà mọi người qui ước tuân theo, nó mang tính đúng tương đối mà mọi người trong một tổ chức, một địa phương, hay một cụ thể lãnh thổ điều phải tuân theo. Lẽ phải ở nơi này, có thể là không phải ở nơi khác. Tính nổi trội của nó là ở số đông, nó thể hiện như là luật, lệ, phép tắc, phong tục…
Ở đâu cũng thế, nếu ta muốn sống yên ổn thì nên theo lẽ phải của mọi người xung quanh, như vậy là hòa đồng với cuộc sống.
-Tốt bao gồm cả phải, không thể có cái tốt mà không được mọi người công nhận là phải. Nhưng thế nào mới thật là tốt ? Vật tốt thì theo thời gian nó không thay đổi. Người tốt thì lâu ngày cũng không gì khác, vẫn tốt. Việc tốt không để lại hậu quả đáng tiếc.
Tốt được đánh giá bằng thời gian, mau hay lâu, trước hay sau, gần hay xa, trực tiếp hay gián tiếp, nhân và quả, ta và người… cũng đều có một kết cục an vui, hài mãn. Thực chất không nên có kết quả trái ngược. Cuộc sống tốt luôn là lý tưởng chung cho mọi người, nó thể hiện cho đời sống văn minh.
-Cái đúng, là khi nào chính nó. Lý đúng chỉ khi so sánh với đối tượng, còn không thì ta không xác định được. Vật đúng ta hiểu chúng chính là bản sao vậy.
Lý đúng mang tính nghiêm nhặt, không cho phép sai, khác. Khi ta nói ‘sống đúng’ đối với người tu hành là quá trừu tượng và không xác định. Lý đúng chỉ thích hợp cho hành giả muốn đồng hóa mình với đối tượng đã được xác định trước một cách chính xác mà thôi ! Lý đúng không nhất thiết phải tốt hay có phù hạp với thế thường hay không, nó nhằm để phát minh hay nghiệm chứng một lý tưởng khác thường hoặc phi thực tế. Kết quả cuối cùng của một quá trình đúng cho ta sự "đạt", hay thành rất giống đối tượng.
Sự đạt không giống như "ngộ". Ngộ là một quá trình khát khao tìm kiếm lâu ngày với một đối tượng không xác định trước, tình cờ do một duyên cớ gì đó, hoặc tự ta phát hiện ra một cách bất ngờ, "khác hẳn" với những gì ta đã được biết. Vì nếu ta đã từng biết thì gọi là "gặp", và nếu thành công cụ thể thì là "đạt" chớ không phải là ngộ! Còn nếu ta ngộ lý mà không chứng ngộ được. Thì ngộ đó lại chỉ là ngộ nhận mà thôi !
Nhìn chung ngộ và đạt đều mang một đặc tính chung xác thực, đúng.
Phần lớn người tu hành và tất cả chúng ta, đều nên sống phải, sống tốt, như vậy cũng xem là trọn Đạo rồi vậy.
Lòng nhân hiểu theo nghĩa thông thường, là thương yêu tất cả không phân biệt. Lòng nhân tiềm ẩn giá trị Đạo đức, cảm xúc và cả lý trí, là lãnh vực lớn bao gồm những ứng xử cá nhân và xã hội, trong từng tình huống thông thường hoặc đặc thù, đôi khi có mang tính địa phương ! Vì thế có phần không hoàn toàn thống nhất, được phản ảnh phần lớn bởi nhu cầu đời sống, kinh tế, hoàn cảnh địa lý của từng thời đại, cũng còn tùy thuộc vào lý tưởng, quan niệm mà xuất hiện nên học thuyết hoặc trường phái khác nhau. Trong khuôn khổ ở đây chúng ta không đi sâu vào từng chi tiết .
Đến đây chúng ta đã từ khái niệm trừu tượng "Đạo đức", "nhân Đạo". Ứng vào cuộc sống cụ thể là sống phải, sống tốt. Thương nhơn ái vật…Nhưng như thế cũng chưa phải là thật rõ ràng, dễ hiểu được. Lý trí lúc nào cũng thắng thế cho những trường hợp đứng trước sự cân nhắc, chọn lựa.
Thí dụ như : Ta có nên ăn chay không ? Ta nghèo quá, có nên dành tiền ra để làm từ thiện không ? Có một con rắn độc lãng vãng quanh nhà, ta có nên sát sanh đập chết nó không ? Những con vật nhỏ, hiền không phương chống đỡ như con sâu, rầy…chỉ ăn lá cây, rau, là nhà nông, ta có nên sát sanh chúng không ? Ta nên thương yêu và giúp đỡ mọi người, thế còn kẻ xấu, ác thì sao ? Nếu ta là người ‘hiền’, mà thấy kẻ mạnh lấn hiếp người yếu. Kẻ xấu xâm hại bất công với người cô thế, ta có nên bênh vực kẻ yếu không ?...v…v…còn nhiều nữa. Không phải lúc nào ta cũng dễ dàng đưa ra những quyết định đúng đắn và mau lẹ được. ( sẽ đề cập đến sau ).
Trước kia TC cũng đã phải phân vân, suy nghĩ mãi những vấn đề đại loại như vậy. Nhà của TC ở cạnh mé rẫy và đồng ruộng. Một hôm có một con rắn không biết rõ có độc hay không, thân nhiều rằn ri, nó khá là to, bò gần nhà và chui vào một cái đụn đá trước sân, có lẽ nó đang chui vào một cái hang để kiếm chuột, phần đầu và thân đã vào quá nữa, còn để lại phần thân và đuôi im lặng, tư thế thật dễ đập. TC nhìn thấy vừa muốn ra tay đập quách đi, lại vừa lo nghĩ (không sát sanh), cái nghĩ bị hại và bị tội cứ đan xen lẫn nhau. Chần chờ một hồi lâu con rắn ấy rút mình ra và bò đi chầm chậm, như để thách thức tấm lòng nhân đang hồi hộp của một người đầy sùng tín. Nhìn nó đi rồi TC quay vào trong nhà nói với đứa con gái nhỏ :‘Ba vừa thấy một con rắn to lắm’- Nó đâu rồi Ba ?- ‘Ừ, nó bò đi rồi !’. Không biết khi đứng trước hoàn cảnh như thế, quyết định của quý ĐT như thế nào ? Xin kể tiếp. Rồi một hôm khác, khi vừa nhấc cái thùng thiết tròn đựng nước để dùng trong nhà, bỗng TC phát hiện có một con rắn nhỏ bằng ngón tay trỏ, đang nằm cuộn khoanh dưới đáy thùng, lúc chiếc thùng hở ra nó vội ngóc đầu lên, đưa qua đưa lại lè lưỡi liếm liếm như đang thèm cái gì lắm vậy. Không chần chờ như lần trước TC thả vội chiếc thùng nước xuống, cạnh thùng ấn đè lên lưng, con rắn ấy trở đầu lại mổ vội vào thành thùng nghe tiếng cạch nhỏ. TC hô to bảo bà xã đưa cho que củi, một tay cầm thùng, một tay cầm que củi, đập nó chết tươi. Quan sát lại vết chỗ nó mổ thấy có vùng nước đục còn dính ở đấy. Nghĩ đến đứa con gái nhỏ TC thở phào nghe trong lòng nhẹ nhõm. Không biết có ai đồng tình với TC hay không. Đấy là lần đầu tiên sau nhiều năm sống với đạo hạnh TC sát sanh. Sau đó thì không còn lo lắng về con rắn đã chết, nhưng còn con rắn sống rằn ri lúc trước vẫn là nỗi lo chưa dứt trong lòng…
Chẳng phải chúng ta luôn tìm đến chân, thiện, mỹ đó sao ? Đúng vậy. Nhưng đây là cõi đời ‘tương đối’, chưa có ai tìm được cái toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ cả. Lý tương đối là đồng bản chất nhưng chứa đựng đối kháng nhau, biến dịch, qua lại không ngừng. Lại tương hợp với nhau mà sanh hóa ra thiên hình vạn trạng như chúng ta đã thấy.Thuyết Âm Dương là biện chứng sơ khai thế giới tự nhiên của người Trung Quốc cổ đại. Mãi cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn còn dùng để lý giải những hiện tượng thiên nhiên, được thông biến và hợp lý. Vậy ngày nào, chưa xuất hiện thuyết mới, đầy đủ hơn, hợp lý hơn, đủ sức đánh đổ được thuyết Âm Dương. Thì chúng ta vẫn xem là chánh lý vậy.
Thủy tổ của lý Âm Dương là lý Vô cực. Lý Vô cực không phân định (chưa có sự vật gì rõ ràng) lộn lạo, mờ ảo chưa thành hình tướng. Bản chất của Vô cực là ‘Hữu’ (có) và ‘Dịch’ (biến đổi). Nên dần tạo thành có hình tướng. Khi có hình tướng rồi thì có phân ra Hữu và Vô, Thái cực Âm Dương hình thành từ đây.
Lý Âm Dương, tương đối được tạo nên cùng một nguồn gốc, do đó bản chất giống nhau, nhưng biến dụng đặc tính lại khác nhau, trong giống có khác, trong khác có lẫn giống, vì thế chúng vừa đối kháng lại vừa thu hút nhau, xây chuyển, tương hợp biến ra thành thiên sai vạn biệt như ta đã thấy.
Lý ấy tồn tại mọi nơi, trong lý, trong sự, trong vật…Ở đâu không có lý ấy là không có biến dịch, không có sự sanh hóa…
Nơi sự, vật biểu hiện như là lớn nhỏ, cao thấp, dài ngắn, mới cũ, tốt xấu, sáng tối, dữ hiền, thiện ác, sanh tử….
Nếu xét kỹ ta sẽ thấy nơi cõi đời tương đối này, không nơi đâu có ngoại lệ. Cũng chính vì vậy chúng ta có cơ sở để suy nghiệm, suy đoán hoặc để tiên nghiệm những gì vượt ngoài kinh nghiệm, hay sự quan sát bằng giác quan.
Thí dụ : Như bằng giác quan, với kinh nghiệm theo thời gian, khi nhìn thấy một bông hoa tốt tươi, ta xác định được nó sẽ héo úa, xấu xí trong tương lai, mặc dù hiện tại ta chưa nhìn thấy điều đó (trong cái tươi đã ẩn cái úa, tươi và héo là hai thái cực của tương đối).
- Nhìn thấy một đứa trẻ vui chơi lêu lỏng, không chăm học, ta có thể xác định được nó sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều sai lầm trong cuộc sống, mặc dù hiện tại ta chưa nhìn thấy điều đó (trong cái vui sướng đã ẩn cái lo, kém cỏi rồi vậy).
-Như chúng ta đang sống, sinh hoạt trong hiện tại, nhưng bằng suy nghiệm ta cũng chắc chắn rằng tương lai ta sẽ thụ động và chết đi (chết ẩn trong sống).
Thế giới tự nhiên luôn biến dịch theo một nguyên lý thống nhất, đúng ở mọi nơi và không ngoại lệ. Nguyên lý đúng ấy chúng ta phát hiện được và gọi là luật nhân quả. Kinh nghiệm và hiểu đúng được luật nhân quả cũng là cơ sở tương đối nhân quả, giúp ta suy đoán về quá khứ cũng như tương lai của một sự, vật. Đồng thời cũng giúp ta phát hiện được sự giả dối, ảo tưởng không chân thật của các học thuyết sai lầm !
Thí dụ : Như ai đó bảo rằng chúng ta tu theo họ, sẽ được ‘kim thân bất hoại’. Hoặc chết sẽ được họ rước về sống ở cảnh bất diệt, không cần làm gì mà vẫn no, không cần may mặc mà vẫn lành đẹp… Chúng ta suy nghiệm theo luật tương đối nhân quả, sẽ biết được là lời không chân thật ngay !
Lý biến dịch là của thế giới tự nhiên. Luật nhân quả là sự phát hiện lý ấy do con người.
Con người luôn khát vọng và tốn nhiều công sức để lái nhân quả theo chiều hướng khác với tự nhiên, hầu mong có được những kết quả như ước muốn của riêng từng cá nhân. Nhưng như thế ta cần hiểu chính xác là ta đang tham gia tạo nhân quả mới thêm, do ta tác động vào nhân quả tự nhiên, chứ không phải ta đang làm cho nhân quả tự nhiên khác đi được.
Tất cả mọi người không phân biệt tu, hay không tu, chúng ta đều có chung một cuộc sống trên cõi đời này. Nếu hiểu đúng và sáng suốt với nhân quả. Ta sẽ có được một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp và an vui, không chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người xung quanh ta nữa.
Đến đây chúng ta thử áp dụng luật nhân quả vào những câu hỏi thí dụ ở trên xem sao ? Trước hết ta phải xác nhận nhân quả của từng sự việc, từng hành động, để thấy ta được gì, mất gì. Xem xét bên nào nhiều, bên nào ít, điều nào trọng thì chấp lấy, điều nào nhẹ thì có thể bỏ đi, để sau cùng chọn được kết quả nhiều điểm trội. Đó chính là kết quả ‘tương đối tốt nhất’ mà ta cần quyết định, khi chọn lựa. Hãy tin vào tri thức phán xét và sự lựa chọn đúng đắn của chính mình.
Sự sáng suốt vô tư của chính ta, cộng với lý giải tương đối nhân quả đúng đắn, xét nét cân nhắc nặng nhẹ, tốt xấu, chọn ưu trội, sẽ cho ta cách ứng xử rất khác biệt so với những gì mà các giáo thuyết mang lại cho chúng ta, từ trước tới giờ !
6/- Lời khuyên dành cho người tu hành là nên học nhiều. Góp phần kiến tạo nên xã hội tốt đẹp an vui.
G- CHÂN LÝ GIẢI THOÁT :
(còn tiếp)


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

timchan54"]Kính chào ban điều hành DĐPP.
Tìm Chân xin chân thành cám ơn ban điều hành, đã có nhiều thiện tâm và nhiệt huyết tạo nên một trang web hữu ích, không những riêng cho Phật tử mà còn giao lưu chung cho mọi người, với hoài bảo “Đại Tạng Kinh Việt Nam”, là mong kết tập “tinh hoa” mang đậm bản chất dân tộc.

TC thiết nghĩ tuy chúng ta nhận được sự thừa truyền Giáo Pháp, tư tưởng phần lớn bên ngoài từ Ấn Độ, Trung Quốc, lẫn cả Tây phương. Nhưng ngay trong bản chất nội tại của Dân Tộc Việt Nam từ xưa ngàn đời đã có Đạo lý đặc thù, được thể hiện trong việc dựng nước, giữ nước chống ngoại xâm, đối nhân xử thế trong Đạo lý đồng bào (anh em), vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Sự bổ xung ấy là cộng thêm vào ý thức Đạo lý sẳn có, đã hình thành ý thức tương đối hoàn chỉnh, hoàn toàn có thể phù hợp với hoàn cảnh và con người Việt Nam.
Hỏi 1:Bạn có thể cho biết Đạo lý đặc thù từ đâu mà có không?
Đây là lần đầu Tìm Chân đến với diễn đàn, mục “ Vườn Tao Ngộ” dựng một chủ đề mới: “Lời dành cho người tầm Đạo”. Là những lời chân thật trau đổi trên diễn đàn, với hy vọng có ít nhiều ích lợi cho người tầm Đạo để tu hành.
Chào quý Đạo Tâm.
Vừa cách đây không lâu TC có biết tin, ở Tích Lan một thanh niên tên Premanath Pereralage Thungasiri. Giấy thông hành mang số 2353715, bị kết án chết, do thanh niên này đã lễ tượng Phật, nơi nhà mướn riêng tại Saudi Arabia. Thanh niên trên sẽ bị chặt đầu bởi qui định luật Shariah của xứ này.

Cũng có 4 trường hợp đã xảy ra tương tự như vậy ở đây. Hẳn không phải đây là nơi duy nhất xảy ra những bi kịch não lòng về tín ngưỡng. Mà lịch sử đã chứng minh, con người đã chịu nhiều đau khổ do tín ngưỡng, thay vì sự an lành, được che chở như điều này đã hứa hẹn!
Tất cả những điều như trên đã thúc đẩy TC, cho ra đời “lời dành cho người tầm Đạo”. Đây là sự kiến giải và kinh nghiệm từ sự tu tập bản thân, mong chia sẻ cùng bạn đồng tu hữu duyên; và những ai sơ căn đang trên đường tìm chân lý.
Hỏi 2:Bạn có thể cho biết đường links về anh Premanath Pereralage Thungasiri. Giấy thông hành mang số 2353715, bị kết án chết...?
:) caunguyen kinhle tangbong

Xin bạn chia sẽ ba việc dưới đây, nếu có thể...! :)

Cảm ơn bạn đã cho ra đời "Lời dành cho người tầm Đạo". Không biết những điều thắc mắc chung cho cộng đồng để hỏi rõ thêm như hai câu trên. Không biết có gây sự khó chịu cho đ/h không ạ...!? :)

Việc thứ hai bài viết "Lời dành cho người tầm Đạo" của bạn viết hơi dài. Nên mình chia ra làm nhiều đoạn như vậy bạn nghĩ thế nào...!? :)

Việc thứ ba: Bài viết của bạn thì hoàn thiện, nhưng cũng có đoạn khó khăn, hoặc là không nhất trí với cộng đồng...Có thể là tôi sẽ ba phải; có thể là tôi sẽ chọc gậy bánh xe, hoặc là tán thán. Như vậy, có làm phiền bạn chỉnh sửa lại không ạ...!? :)


timchan54
Bài viết: 15
Ngày: 10/04/12 16:01
Giới tính: Nam
Đến từ: tay ninh

Re: Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi timchan54 »

Chào đ/h Thien Nhan.
Rất vui được hội ngộ với đ/h, không có gì phải phiền lòng cả TC xin hân hoan chào đón những lời xây dựng chung, để chúng ta càng hoàn thiện hơn nữa. Xin mời đ/h một tách trà thân mật vậy cafene
Đây là đường link http://4.hidemyass.com/ip-2/encoded/Oi8 ... PTkxMzk%3D
TC sống ở Việt Nam, đường link thường bị chận mở rất khó, thường phải kết nối vài lần mới thành công được.
Hoặc đ/h vào trang Vườn Tao Ngộ > "Hãy cùng ký tên phản đối hành vi in hình Phật lên giày dép" 1/3> "Những nguyên nhân của bạo động" 4/8/12 . Do PhuocTuong gởi.


timchan54
Bài viết: 15
Ngày: 10/04/12 16:01
Giới tính: Nam
Đến từ: tay ninh

Re: Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi timchan54 »

(tiếp theo)
Sống ở đời sự ngu dốt, nghèo đói, bệnh tật, là khổ nạn cá nhân.
Chiến tranh, thiên tai là khổ nạn của xã hội nói chung, nhưng nếu nói riêng thì cũng vẫn là khổ họa của từng cá nhân. Vậy trong khuôn khổ này chúng ta chỉ nói đến cá nhân con người mà thôi. Trong từng trường hợp trên đều cần đến sự phấn đấu tích cực, để khắc phục và cải thiện. Như vậy gọi là những phương, Pháp Giải Thoát khổ đau của cuộc sống, mà chúng ta đã có dịp nêu rõ ở phần trên.
Người mà vui sống, luôn bằng lòng với những biến đổi của cuộc đời, không cố chấp, bám víu, được cũng như mất, sống cũng như chết, không cầu vọng lo âu, sống một cuộc đời lương thiện, thật thà, luôn đem an vui đến cho mọi người. Đấy là người sống thuận tự nhiên, trọn vẹn và thể hiện được nhiều chân tính của tạo hóa nhất. Là người có cuộc sống tốt, "vô bệnh", là bậc Chân Nhân ở đời. Hầu hết chúng ta đều nên sống như thế. Đến đây thiết tưởng cũng nên dừng lại "lời dành cho người tầm Đạo".
-Mục cuối này, chúng ta nói đến chân lý giải thoát siêu xuất sanh tử, chỉ dành cho rất ít ai thật sự cần thiết mà thôi ( người có tâm bệnh).
Cũng từ lý giải tương đối trên, chúng ta biết chắc chắn rằng sanh và tử như bề mặt với bề trái của một sự vật, không thể có bề này mà không có bề kia. Nơi cõi đời tương đối này không thể có hoài mà không mất, sống hoài mà không chết.
Ngoại trừ, theo lý thì điều gì đó, ngoài nhân quả, ngoài hiện tượng "phi tương đối" thì mới không sống, chết. Bởi vì nó không phải là sống, nó không phải là chết. Cũng không phải là vừa sống, vừa chết. Cũng không phải là không vừa sống, vừa chết nữa. Không phải là gì hết, tạm gọi ấy là lý "tuyệt đối".
Tóm lại chúng ta không thể đem cái hữu tướng "tương đối" này, biến thành hay đạt được "tuyệt đối" !
Xem thế là nan giải rồi còn gì ? Vậy còn những giáo thuyết nói về "chân tâm" , "tâm bất sinh" (cũng hiểu là bất tử), thuyết về "lý tuyệt đối" thì sao ?
Không khó lắm để nhận ra, cũng từ lý giải trên ta nhận ra rằng, thuyết gì thì cũng là thuyết, lý gì cũng chỉ là lý. Vẫn còn là khuôn khổ của thuyết và lý, thì sao là phi thuyết, lý được. !
Cũng có vị nhận lầm tuyệt đối là cái tuyệt đỉnh, nên đã diễn tả nó là cảnh giới sáng suốt, bất biến, không có sống hay chết, hoàn hảo như là thường, lạc ngã, tịnh…Đấy là những gì tốt đẹp nhất mà trí của con người tưởng tượng ra được. Nhưng tưởng gì thì cũng chỉ là tưởng mà thôi, không ra khỏi cái tưởng của nhị nguyên, tương đối !
Lại có thuyết, cho cuộc đời này là khổ phải luân hồi mãi mãi, nên khuyên ta giải thoát là tu như thế này… sẽ được sống trường cửu ở cảnh giới khác, luôn sáng không có tối, luôn sống không có chết, muốn gì được nấy hưởng hoài không hết…Nhưng chẳng biết, cảnh gì thì cũng là cảnh (cùng một bản chất), vẫn không ngoài hình tướng, đã hình tướng mà lại phi tương đối là không chân thật !
Vậy thuyết nào mới là chân thật ?
Xét cho cùng thì nhận thức thế giới quan, thực chất chính là nhận thức chủ quan của ý thức từng cá nhân, luôn có sự trùng hợp với cùng một hiện tượng vật chất. Vì thế vấn đề bắt nguồn từ chính nội tại ý thức của chúng ta, chứ không phải là ngoại giới.
Nhận thức cái ta (ngã), bản chất thực là không có cái ta (vô ngã), cũng là bước khởi đầu để vào phi tương đối.
Nhưng vô ngã cũng là một phương diện của ngã, bản chất không khác, vì thế chỉ là cái cửa, là ranh giới của hiện tượng.
Ngày xưa Phật Thích Ca đã từ bỏ cả quyền lợi, địa vị và mọi hưởng thụ vật chất. Một mình tìm đến nơi cô tịch vắng vẻ, dùng ý thức của chính mình mà suy nghiệm cuộc đời. Sau cùng ngài "giác ngộ" và "chứng ngộ" được chân lý giải thoát. Theo sử liệu chúng ta biết rõ được, thì ngài là người đầu tiên mà cũng là duy nhất chứng ngộ được chân lý giải thoát. Về sau ngài có truyền dạy cho nhiều đệ tử, nhưng rất ít người lãnh hội và hiểu được. Vị nào lãnh hội được, ngài giao ấn chứng y bát để làm Tổ. Tổ là người thay thế ngài giữ chân truyền để chỉ dạy lại cho người hậu học.
Vậy chúng ta hiểu giáo lý của ngài như thế nào ?
Có thể nói một cách dứt khoát, rốt ráo, thì ngộ hay đắc gì cũng là hữu lậu cả, những điều Phật dạy chưa phải là tuyệt đối, vì thế Phật thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần, những gì ta nói như "ngón tay chỉ trăng" mà thôi. Mà tay là tay, trăng là trăng, khác nhau rất xa ! Nhưng nếu không dùng tay để chỉ, ta khó nhận được trăng, người hậu học nên nhớ kỹ điều này. Nói nhiều là người đang "mê", nghe nhiều là người đang "lầm".
Trong mê nói chuyện tỉnh, thì tỉnh ấy vẫn nằm trong mê, là điều dễ ngộ nhận, lầm lẫn.
Chúng ta hiểu được cái tuyệt đối, không hề có dính dáng gì đến sanh hay tử, cũng có nghĩa là không hề có hình tượng gì cả. Vì thế cửa bước vào tuyệt đối là từ "không là gì cả". Đấy chính là Thiền, là Huệ, Là Chân Lý giải thoát, chân chánh.
Khởi đầu cũng là sau cùng, chính nó hoặc không phải nó. Không phải được tạo ra bởi cái gì, vì thế không phải là cái đạt được. Không phải đến từ đâu, nên nói "hoát nhiên" ta lãnh hội được. Tất cả chấm dứt, không còn đối tượng để giải thoát, nên mới gọi là "chân giải thoát".
Hành giả muốn đến nơi, phải cần tu theo hạnh "xuất thế". Trước tiên là phải an bày cuộc sống, những liên hệ đời thường của mình cho ổn thỏa, mọi bổn phận thế sự đều dứt, chẳng còn sự phải lo lường, tâm chẳng ham muốn điều chi. (giải thoát cũng là một vọng niệm sau cùng của hành giả). Đến đây tâm ý tự nhiên vắng lặng.
Lại cần tìm nơi thích hợp, không phải lo miếng ăn, cảnh trí vắng vẻ, hợp với cảnh nhàn. Mới bắt đầu tu dưỡng được.
Ai bảo nên tu ở chợ, hoặc ở đời thường, tùy họ, ta cứ tu như ta mới thành công được (Phật xưa cũng như thế).
Xét xem ta có chuẩn bị được hoàn chỉnh như trên chưa ? trí đã hết cái lo chưa ? lòng còn muốn, thích gì không ? Nếu còn thích hay muốn vài điều gì đó thì nên ở lại đời thường mà thỏa mãn đi, chớ nên "gượng ép" mà tu chẳng thành công, lại thêm vỡ lở ( không vào thiền, huệ được !)
Cũng cần nói thêm, người muốn tìm đến chân lý giải thoát là một triết nhân, người đã tiến hóa rất cao trọng trong nhân loại, tri thức sâu xa thấu triệt lẽ thường tình nhân thế, thấy được đời như mây nổi bèo trôi, tan hợp vô thường, thú vui của dục vọng như giấc mộng, ảo giả không tồn tại. Vì thế lòng lạnh lẽo với cuộc đời, ham muốn lặng lẽ. Tâm tự thích hợp sự tĩnh mịch, lòng tự hướng đến giải thoát chân chính, không cần học ai, không cần ai chỉ. Tự nhiên hòa vào lý tự nhiên, ngộ được chân lý giải thoát chẳng sai.
Hành giả tự xét thấy đã được như thế thì mới nên tu xuất thế. Vào tu hàng ngày, ăn uống ít lại, đạm bạc dễ tiêu. Trước phân thời khắc ngồi "tịnh tọa" cho yên (ngồi thế nào ngay thẳng thích hợp, thì được lâu), đóng "lục thông", cũng chính là lục căn, không thấy biết bên ngoài nữa, bên trong cũng quên, không tâm, không ý, chẳng cầu, chẳng tưởng, cũng chẳng dụng công sức chi. Lâu ngày quen dần, thời khắc dần tăng thêm lâu hơn, cho đến lúc nào cũng vậy không cần thời khắc, dù cho đi đứng, ngồi, nằm gì thì tâm cũng an tịnh suốt như thế. Trong trẻo thuần thục sẽ có lúc, tùy theo nghiệp duyên nặng nhẹ, lâu hay mau, tự nhiên "tâm vào lý".
Cái tuyệt đối (bổn lai vô nhứt vật) hiện rõ rất tự nhiên.
Trở lại ý thức, hành giả biết rằng mình vừa trải nghiệm (chứng ngộ) được Chân Lý Giải Thoát. Cái trí trong trẻo giúp hành giả trải nghiệm được khoảnh khắc đặc biệt ấy chính là trí Huệ. Cách ngồi tâm an tịnh đó chính là pháp ngồi Thiền.
Thiền, Huệ, tên gọi và trình tự có khác, nhưng cùng một lý. Lý ấy không biết mà thông, chính vì đặc biệt như thế mới có khả năng thông đồng được "lý giải thoát tuyệt đối".
Lý đặc biệt này muôn đời "không cho ai được biết". Vì thế nếu ai biết nó như thế nào, diễn tả ra làm sao, thì cũng đều là giả, là sai cả !
Chỉ riêng hành giả, từ trong chứng nghiệm ấy bước ra, mới là người hiểu rõ sự thật về cuộc đời này,sự thật ta là gì ? thuyết nào chân, thuyết nào giả ? Chấm dứt mọi thắc mắc. Tâm bệnh đến đây liền dứt ( như gặp được thuốc) sau đó không cần ai chỉ, dạy, tự biết mình phải làm gì là tốt nhất, đúng nhất…
Chúng ta nghe lại lời Phật dạy ông Xá Lợi Phất :
"Xá Lợi tử ! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức ; vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý ; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp . Vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức giới . Vô vô- minh diệt ; vô vô- minh tận. Nãi chí vô lão tử diệt ; vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo ; vô trí diệt, vô đắc".
Gần hơn chúng ta nghe ngài Huệ Năng nói về chân lý ấy :
- Bồ đề vốn không cội.
- Minh cảnh thiệt không đài.
- Xưa nay không một vật,
- Sao gọi nhiểm trần ai !
Vậy chúng ta đã tỉnh ngộ ra chưa ?
Vì quá "sùng tín" anh thanh niên ở Tích Lan chết vì lễ bái tượng Phật . Đã gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người, nó đánh vào trái tim nhân đạo của những người truyền giáo, làm cho họ thấy rõ trách nhiệm của mình hơn. Nhân loại cần đến sự "chân thật" !
Đến đây TC xin mạn phép, khép lại chủ đề "lời dành cho người tầm Đạo".
Xin chúc quý ĐT thân tâm an tịnh.


Hình đại diện của người dùng
Hoa Sen Cõi Tịnh
Bài viết: 388
Ngày: 23/07/12 19:33
Giới tính: Nam
Đến từ: Viet Nam - HCM

Re: Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi Hoa Sen Cõi Tịnh »

- Bồ đề vốn không cội.
- Minh cảnh thiệt không đài.
- Xưa nay không một vật,
- Sao gọi nhiểm trần ai !
Nếu chấp câu trên cho là tâm ta vốn thanh tịnh, cần gì phải tu? là như các Tổ thường nói '' trên lưỡi nói trăm phần diệu, dưới gót không ly một mảy trần'' là vậy. Tổ Huệ Năng chỉ cho chân tâm vốn trong sáng, không nhiễm ô. Nhưng nếu ta cứ làm nó nhiễm ô thì nó cũng nhiễm ô thôi, nhiễn ô hay không là do mình.
ví như: Nước vốn sạch mà ta cứ bỏ cát và đồ dơ vào thì nuớc biến thành nước bẩn. Đến khi lọc lại thì nuớc lại sạch như ban đầu.
Vì quá "sùng tín" anh thanh niên ở Tích Lan chết vì lễ bái tượng Phật . Đã gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người, nó đánh vào trái tim nhân đạo của những người truyền giáo, làm cho họ thấy rõ trách nhiệm của mình hơn. Nhân loại cần đến sự "chân thật" !
Chấp cái tướng '' chết'' của người này là sai. Lỡ người ta vãng sanh hay nhập Niết Bàn thì sao? chết là do '' vô thường'' chẳng phải do Lạy mà chết.


Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng
(Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
Hoa Sen Cõi Tịnh
Bài viết: 388
Ngày: 23/07/12 19:33
Giới tính: Nam
Đến từ: Viet Nam - HCM

Re: Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi Hoa Sen Cõi Tịnh »

- Muốn tìm Đạo, phải biết Đạo là gì?
''Đạo'' là: con đường
'' Phật'' là: giác ngộ. giác ngô nơi đâu? nơi ''Tâm''.
'' TÂM VÔ SANH MÀ VẪN HẰNG SANH, TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN''.


Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng
(Kinh Kim Cang)
sotam26
Bài viết: 631
Ngày: 30/01/09 02:14
Giới tính: Nam
Đến từ: NVM
Được cảm ơn: 3 time

Re: Lời dành cho người tầm Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi sotam26 »

Kính h/h tim chan 54!
Thấy h/h viết về nhân quả lạ quá ! st muốn trao đổi !
Kính chúc h/h thân tâm an lạc.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.31 khách