KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Để giữ gìn sự trang nghiêm, thuần túy tạo nguồn tư liệu; nơi đây chỉ đăng Kinh Văn mà không thảo luận.

Điều hành viên: thử nghiệm global, Thanh Tịnh Lưu Ly

Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

Mười Sáu Phép Quán
1--Quán Sát Mặt Trời Sắp Lặn (Nhật Quán)
Đức Phật bảo: "Vi Đề Hy! Ngươi và chúng sanh nên chuyên tâm, buộc niệm một chỗ, để tưởng cảnh giới tây phương. Phương pháp này quán tưởng ấy như thế nào ?
Phàm tất cả những người, nếu không phải bị mù từ lúc sơ, sanh, đều thấy mặt trời lặn. Vậy ngươi nên ngồi ngay thẳng, hướng về phương tây, tâm trú định một chỗ không được máy động, rồi quán tưởng mặt trời sắp lặn hình như cái trống treo. Khi đã thấy hình tướng ấy, phải chú tưởng cho thuần thục, làm sao lúc nhắm mắt mở mắt đều được thấy rõ ràng. Môn nhật quán này là phương pháp quán tưởng thứ nhứt.


GIẢNG
Câu "Vi Đề Hi! ngươi và chúng sanh" là lời trân trọng khuyến nhủ của đức Phật, ý bảo: nếu Vi Đề Hy phu nhơn cùng chúng sanh muốn lìa biển trần lao, lên bờ giải thoát, phải chú tâm nghe, suy nghĩ, và tu tập theo phương pháp sau đây:
Môn quán thứ nhất "tưởng mặt trời sắp lặn" có ba thâm ý:
1. Tâm ý chúng sanh vẫn thường tán loạn, muốn thành tựu các phép quán vi diệu sau, trước phải tập trung tư tưởng để lần lần đi sâu vào thâm định.
2. Cõi Cực Lạc ở phương tây, đức Phật muốn cho hành giả tâm niệm khuynh hướng về Tây phương, để sự vãng sanh được thành tựu. Theo Kinh Vô Lượng Thọ thì nếu kẻ nào dùng tâm nghi ngờ tu công đức tịnh độ, tất sẽ lạc vào biên địa cõi Tây phương và có thể bị đọa trở lại kiếp thai sanh. Vì thế cổ đức cho đây là phương tiện phá nghi và kiên cố thêm niềm tin Cực Lạc.
3. Để cho hành giả tự biết nghiệp chướng mình nhẹ hay nặng mà chuyên tâm sám hối.
Theo Thiện Đạo đại sư, vị tổ thứ hai của Tịnh độ tông, thì người muốn trụ tâm nơi nhật quán, trước phải lựa chỗ thanh vắng ngồi kiết dà, tuần tự giữ đúng theo pháp điều thân và điều tức. Kế đó lại tưởng tứ đại nơi thân mình, địa đại tan về phương tây, thủy đại tan về phương bắc, phong đại tan về phương đông, hỏa đại tan về phương nam, cho đến không còn một mảy trần. Lại tưởng không đại của thân dung hợp với hư không mười phương, khắp các nơi toàn là hư không, chẳng còn một điểm trần nào. Xong, lại tưởng năm đại của tự thân đều không, duy còn có thức đại ngưng đọng lặng trong, dường như mặt gương toàn sáng. Sau khi trải qua các phương tiện trên, loạn tưởng được tiêu trừ, tâm lần lần an định. Rồi mới từ từ xoay tâm hướng về phương Tây quán kỹ tướng mặt trời sắp lặn.
Nếu là bậc thượng căn, thì khi khởi quán, liền thấy tướng mặt trời lặn hiện ra, đang khi cảnh hiện, hành giả hoặc thấy vầng nhật như đồng tiền lớn, hoặc như mặt gương tròn to. Cứ nơi hiện tướng ấy mỗi người tự thấy nghiệp chướng mình nặng hay nhẹ. Các tướng nghiệp ấy như sau: 1. Hắc chướng, như mây đen che mặt trời. 2. Hoàng chướng, như mây vàng che mặt trời. 3. Bạch chướng như mây trắng che mặt trời. Đại để như khi mặt nhật bị các thứ mây khói che thì hình tướng không hiển lộ; khi tâm chúng sanh bị nghiệp che, tất quán cảnh không đưọc sáng lặng rõ ràng. Nếu thấy biết nghiệp tướng của mình, hành giả phải sửa sang đạo tràng cho nghiêm sạch, rồi chí tâm sám hối, kỳ chừng nào nghiệp tiêu hết mới thôi.
Lúc tâm được thanh tịnh, tướng mặt nhật hiện ra sáng suốt rõ ràng, hành giả cũng đừng sanh tâm chấp trước. Nếu khởi lòng tham chấp, nhật tướng sẽ rung động, hoặc mờ ám, hoặc biến đổi thành nhiều màu, tự tâm mình cũng không yên. Phải dứt lòng tham trước, nhiếp tâm vào định, các tướng ấy sẽ mất. sự tà, chánh, đắc, thất của các môn quán sau cũng đồng như đây. Đại để như quán mặt trời thấy mặt trời, tâm cảnh sáng lặng tương ưng, gọi là chánh quán. Nếu quán mặt trời thấy các hình tướng tạp, tâm cảnh rối động không tương ưng là tà quán.
(17)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

3. Quán Cảnh Tướng Trên Dưới Ðất Lưu Ly (Bảo Ðịa Quán)
Môn tưởng này thành rồi, tiếp quán thấy đất lưu ly trong ngoài chói suốt. Dưới ấy có tràng kim cương thất bảo vàng ánh đỡ đất lưu ly. Tràng này có đủ tám góc theo tám phương, mỗi mỗi phương diện do trăm thứ báu hợp thành, mỗi mỗi bảo châu có ngàn tia sáng, mỗi mỗi tia sáng có tám vạn bốn ngàn màu, chói đất lưu ly như ngàn ức mặt trời, nhìn không thể xiết!
Đây là môn địa tưởng, thuộc về phép quán thứ ba.

GIẢNG
Đây là chuyển quán từ thể đất lưu ly trong suốt, hiện ra các tướng trang nghiêm. Trong Vãng Sanh Luận, ngài Thiên Thân đã tả: "Quán tướng thế giới kia. Thắng diệu hơn ba cõi. Cứu cánh như hư không. Rộng lớn không biên tế". Mấy câu này là thuyết minh chung về phần lượng đất đai ở cõi Cực Lạc.
Đoạn kinh văn trên đây đã chỉ rõ sự trang nghiêm dưới bảo địa. Trong ấy nếu tế phân ra, có bảy sự kiện.
1. Thuyết minh tràng thể là chất vô lậu kim cương.
2. Bảo tràng đỡ đất sáng rỡ trang nghiêm.
3. Bảo tràng có các góc theo tám phương.
4. Tràng ấy do trăm thứ báu hợp thành, số lượng như trần sa.
5. Các báu phóng ra không lường tia sáng chiếu suốt đến vô biên tế.
6. Ánh sáng nhiều màu sắc lạ khác nhau, soi khắp các phương tùy cơ biến hiện.
7. Những quang sắc ấy tỏa muôn phương sáng rỡ như ngàn ức mặt trời; người mới sanh về không thể nhìn khắp hết được. Có lời khen rằng:
Kim cương thất bảo tràng,
Rực rỡ sắc thần quang!
Tám mặt thành châu báu,
Muôn phương tỏa ánh vàng.
Nhiệm mầu trăm niệm dứt,
Trong sạch điểm trần tan.
Quán ngộ vô sanh nhẫn,
Siêu vào Cực Lạc bang!
Trên đất lưu ly có dây hoàng kim xen lẫn cùng thất bảo, phân chia các khu vực rành rẽ trang nghiêm. Mỗi mỗi thứ báu có năm trăm sắc kỳ quang. Các ánh sáng này hình như hoa, hoặc như trăng, sao, chiếu lên hư không kết thành đài quang minh lơ lửng. Ngàn muôn lầu các do trăm thứ báu hợp thành, mỗi mỗi lâu đài, hai bên đều có trăm ức tràng hoa cùng vô lượng nhạc khí để trang nghiêm. Tám thứ gió nhẹ mát từ những đài quang minh thổi ra, cổ động các nhạc khí, thành tiếng: khổ, không, vô thường, vô ngã.
Trước đã nói sự trang nghiêm dưới đất lưu ly, đoạn này lại trần thuật cảnh trang nghiêm nơi bảo địa và hư không. Theo ngài Thiện Đạo, dây vàng chỉ cho đường sá bằng vàng ròng phân chia các khu vực dường như những sợi dây bằng vàng. Có chỗ nói là từng khoảng cột trụ thấp treo dây liên tỏa bằng vàng. - Cực Lạc, hoặc lấy tạp bảo làm đất, lưu ly làm đường; hoặc lấy lưu ly làm đất, bạch ngọc làm đường, hoặc lấy tử kim, bạch ngân làm đất, trăm báu làm đường; hoặc lấy ngàn muôn thứ báu làm đất, hai, ba thứ trân bảo làm đường; hoặc lấy bất khả thuyết thứ báu làm đất, bất khả thuyết thứ báu làm đường. Như thế, đất đai và đường sá do từ một cho đến vô lượng thứ báu thay đổi xen lẫn hợp thành, mỗi mỗi hào quang, màu sắc đều không đồng ma không tạp loạn. Hành giả chớ lầm tưởng đường sá chỉ bằng vàng mà không có các thứ báu khác.
Từ câu "mỗi mỗi thứ báu có năm trăm sắc kỳ quang" về sau, là nói sự trang nghiêm trên hư không. Trong ấy có sáu điểm:
1. châu báu phóng ra nhiều ánh sáng;
2. Nói các thí dụ để hiển tướng của ánh sáng;
3. Ánh sáng kết thành đài quang minh;
4. Ánh sáng biến thành lâu các;
5. Áng sáng biến thành tràng hoa và nhạc khí;
6. Từ quang đài phát ra gió nhẹ cổ động nhạc khí thành tiếng pháp.
Gió sanh từ tám phương nên nói tám thứ, vì cõi kia không thời tiết, đức Phật muốn tỷ đối cõi này nên gọi là "tám". Có lời khen rằng:
Đất báu trang nghiêm khó sánh lường,
Nhiệm mầu quang sắc chiếu mười phương,
Lầu châu các ngọc hòa thanh nhạc,
Lá bích hoa quỳnh lẫn diệu hương.
Bảo đài lấp lánh vẻ kim ngân,
Bảo cái quang huy tự chuyển vần
Phi phất bảo tràng theo gió thoảng,
Hư không nghìn sắc bảo hương vân.
Tùy tâm nhạc báu lững lờ xoáy,
Buông tiếng viên âm, ánh sáng dài.
Trần niệm ngàn muôn đều tuyệt tích.
Không gian thánh chúng nhẹ nhàng bay.
Khi môn tưởng này đã thành, phải quán mỗi mỗi chi tiết cho cực rõ ràng, nhắm mắt mở đều có thể thấy, không để tan mất duy trừ giờ ăn ngủ, ngoài tất cả thời đều ghi nhớ việc ấy. Tưởng được như thế gọi là thấy cõi Cực Lạc về phần thô. Nếu được tam muội, hành giả sẽ thấy rõ ràng cảnh tướng của đất nước kia, không thể kể xiết.
(19)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

Đức Phật bảo ngài A Nan: "Ông nên ghi nhớ dạy của ta, để vì tất cả chúng sanh muốn thoát khổ đời sau truyền thuyết môn địa quán này. Nếu thành tựu phép tưởng đây, sẽ trừ được trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Khi xả báo thân, kẻ ấy quyết định sanh về tịnh quốc, nơi lòng không còn nghi ngại".
Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.


GIẢNG
Cảnh Cực Lạc tuy nhiệm mầu, nhưng người tu nếu dùng lòng tín thành chuyên chú, y theo lời dạy mà hành trì, nhờ sức Phật gia bị, sẽ tự được thấy. Môn tưởng này có hai phần: nếu thấy phần thô thuộc về tiệm tưởng quán, thấy phần tế diệu gọi là thật quán.
Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay hằng đọa tam đồ chịu nhiều nỗi khổ, dù được hưởng phước nhơn thiên cũng mong manh như bọt nước, sương mai. Người nào truyền pháp Tịnh độ để cho loài hữu tình được giải thoát, tức là làm thỏa mãn bi tâm của Phật và bản hoài xuất thế của Như Lai. Cho nên đấng Điều Ngự mới ân cần bảo ngài A Nan tuyên hoá. Kinh Thanh Tịnh Giác nói: "Nếu người nào đối với môn Tịnh Độ nghe như không nghe, biết như không biết, tất kẻ ấy vừa ở tam ác đạo ra hoặc còn nhiều tội chướng, nên không sanh được lòng tin tưởng. Như Lai nói kẻ ấy kém phúc duyên trên đường giải thoát. Lại Kinh nói: "Nếu người nào nghe pháp Tịnh Độ liền thương mừng rơi lệ, cảm động đến các chân lông nơi thân đều rợn đứng, nên biết kẻ ấy đời trước đã từng nghe, tin và tu tập môn này. Như kẻ ấy chánh niệm tu hành, tất sẽ được vãng sanh".
Tóm lại, môn địa quán nếu tu thành, tất diệt được vô biên tội chướng. Đời nhà Đường bên Trung Hoa, Đại Hạnh pháp sư cất am ở Thới Sơn tu tịnh nghiệm. Qua hai mươi mốt ngày chuyên tưởng, tâm nhãn pháp sư thông suốt, thấy rõ đất lưu ly. Đến sau trong lúc đau bịnh, tướng ấy lại hiện, ngài bảo đồ chúng: "Ta không quán tưởng mà đất báu hiện ra, đây tất là duyên lành sanh An dưỡng vậy".
Công đức địa quán quả thật không lường!
(20)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

4. Quán Tưởng Cây Báu (Bảo Thọ Quán)
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: "Môn địa tưởng đã thành, kế tiếp quán cây báu. Muốn tu phép quán này, phải tưởng rành rẽ bảy lớp hàng cây, mỗi cây cao tám ngàn do tuần, đầy đủ hoa lá thất bảo. Mỗi mỗi hoa lá hiển phát những quang sắc báu lạ. Trong sắc lưu ly chiếu ánh sáng vàng, trong sắc pha lê chiếu ánh sáng đỏ, trong sắc mã não chiếu ánh sáng xa cừ, trong sắc xa cừ chiếu ánh sáng lục chân châu. Đại khái các cây, hoa, lá đều bằng san hô, hổ phách, hoặc tất cả thứ dị bảo, trang nghiêm rực rỡ.
Trên mỗi mỗi cây có bảy lớp lưới diệu chân châu che phủ; giữa mỗi tầng lưới có năm trăm ức cung điện diệu hoa, nghiêm đẹp như cung Phạm vương. Trong đó có các thiên đồng, mỗi vị trang nghiêm bằng các chuỗi ngọc gồm năm trăm ức hạt Thích Ca Tỳ Lăng Già Ma Ni. Ánh sáng của những hạt ngọc này chiếu xa đến một trăm do tuần, vô cùng rực rỡ như quang minh của trăm ức vầng nhật nguyệt hòa hợp. Ngoài những hạt ngọc nghiêm sức còn xen lẫn các châu báu khác, màu sắc đều là bậc thượng.

GIẢNG
Cõi Cực Lạc rộng rãi vô biên, mỗi khu vực đều có bảy lớp hàng cây, đây là chỉ diển tả một phương xứ. Do tuần cũng gọi du thiện na, là khoảng cách giữa hai dịch đình (trạm) bên Thiên Trúc; theo nhiều nhà chú giải, lấy bốn mươi dặm làm chuẩn định. Các cây thất bảo, có cây thuần là một thứ báu, có cây do hai, ba, bốn, cho đến nhiều thứ báu tạo thành. Chẳng hạn như thân cây bằng tử kim, cành bằng bạch ngân, lá bằng san hô, hoa bằng bạch ngọc, trái bằng chân châu. Những chất báu, có thứ màu nào chiếu ánh sáng nấy, có thứ lại phóng ra ánh sáng khác. Đây đều do tịnh tâm vô lậu và công đức vi diệu của Phật A Mi Đà lưu xuất.
Các bảo thọ, mỗi cây có bảy tầng cao, trên mỗi tầng có lưới châu bao phủ, giữa mỗi tầng lưới có cung điện diệu hoa, trong cung điện có các thiên đồng, và mỗi thiên đồng hình mạo nghiêm đẹp, trang sức bằng chuỗi ngọc cùng các thứ dị thảo, Thích Ca Tỳ Lăng Già, Trung hoa dịch là Năng Thánh; Ma Ni, dịch là Vô Cấu, hoặc Như ý châu. Có lời khen rằng:
Tịnh tâm, công đức nhiệm mầu sanh,
Bảy lớp hàng cây diệu quả thành,
Ngọc vàng lá lá
Châu báu cành cành
Rực rỡ ma ni sắc diệu thanh.
Từ bi đạo chánh
Xuất thế căn lành
Lưới báu tầng tầng phủ khắp quanh.
Cung điện diệu hoa bày lộng lẫy,
Nghiêm đẹp thiên đồng trình mỗi vẻ,
Ngàn muôn khôn tả nét tinh anh!
Những cây báu ấy hàng hàng đối nhau, lá lá thuận nhau, giữa khoảng các lá sanh hoa đẹp mầu, trên hoa tự nhiên có trái thất bảo. Mỗi mỗi lá cây rộng hai mươi lăm do tuần, có ngàn màu sắc, và trăm thứ đường gân hình như chuỗi anh lạc của chư Thiên. Các hoa chói lộ sắc vàng diêm phù đàn, rực rỡ như những vòng lửa, uyển chuyển giữa lá. Từ hoa lạ nổi sanh trái quí hình như bình báu của trời của trời Đế Thích. Và từ trái mầu chiếu ánh sáng rực rỡ hóa thành tràng phan cùng vô lượng bảo cái. Trong bảo cái ảnh hiện tất cả Phật sự của ba ngàn thế giới và y chánh mười phương cõi Phật.
Khi thấy bảo thọ rồi, nên theo thứ lớp quán thân cây, cành, lá, hoa, quả, mỗi mỗi đều cho rõ ràng.
Đây là môn thọ tưởng, thuộc về phép quán thứ tư.
Tất cả cây báu ở cõi Cực Lạc đều do công đức vi diệu của Phật A Mi Đà hóa hiện, nên khác với cây nơi nõi Ta Bà. Những cây ấy đều cao lớn bằng nhau, không có cây nào mới sanh hoặc cỗi chết, cũng không có từ thấp nhỏ rồi lần lần lớn lên. Đoạn trên là thuyết minh sự trang nghiêm sai biệt của cành, lá, hoa, quả các bảo thọ. Phật sự là những tướng: thị sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, nhập nê hoàn. Chánh báo chỉ cho người, y báo chỉ cho cảnh. Các bảo thọ, từ thân cây, cành, lá, hoa, quả, mỗi loại đều do từ một cho đến nhiều thứ báu hợp thành; cây cao tàng rộng, hoa quả lại nhiều, sự thần biến cũng vô lượng. Một cây đã vậy thì các cây khắp trong nước cũng thế, duy trừ bồ đề thọ của Phật. Trong câu kết, vì sợ tâm ý hành giả tạp loạn, nên đức Phật dạy phải tuần tự quán mỗi chi tiết từ thân cây, lưới báu, cung điện, thiên đồng cho đến trái mầu hiện ra tràng phan, bảo cái. Khi sức quán tưởng đã thành thục rồi, các cảnh ấy đồng thời hiện ra trước mắt. Có lời khen rằng:
Trang nghiêm đâu chỉ một,
Mầu nhiệm có muôn ngàn!
Khắp xứ kỳ trân bảo,
Đầy trời vô cấu quang.
Cây hòa lưới báu trùm không điện,
Trái hiện mười phương cõi thế gian.
(22)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

5 - Quán Ao Nước Bát Công Ðức (Bảo Trì Quán)
Kế lại quán tưởng nước các bảo trì. - cõi Cực Lạc có tám ao nước bát công đức, mỗi ao do bảy báu hợp thành. Những thứ báu công đức, mỗi ao do bảy báu hợp thành. Những thứ báu này tánh chất nhu nhuyễn, từ như ý châu vương sanh ra. Nước ao phân thành mười bốn chi nhánh, mỗi dòng chiếu lộ sắc mầu bảy báu. Thành ao bằng vàng ròng, đáy ao trải cát kim cương tạp sắc. Mỗi ao nước có sáu mươi ức hoa sen thất bảo, và mỗi hoa sen tròn rộng mười hai do tuần.
GIẢNG
Cõi Cực Lạc có rất nhiều ao báu, trong đây nói tám ao là chỉ kể một khu phận và để cho vừa với cảnh của quán trí. Theo lời giải của cổ đức, tám bảo trì có những lạch thông nhau, chia thành mười bốn dòng nước chảy qua lại các ao. Từ thành bực, các lót, cho đến nước trong ao đều là bảy báu do Như ý châu vương sanh ra. Trong đây nói thành ao bằng vàng ròng, đáy ao trải cát kim cương tạp sắc, cho đến nói bảy báu, cũng là chỉ kể một phương diện. Thật ra các bảo trì hoặc thuần một chất báu, hoặc do hai, ba, bốn cho đến vô lượng chất báu xen lẫn tạo thành.
Nước ao đã từ Như ý châu vương sanh, tức là thuộc về như ý thủy. Nước này có tám công đức: 1. Trong sạch, trơn nhuần, nhiếp về sắc nhập. 2. Thơm tho không mùi hôi, nhiếp về hương nhập. 3. Nhẹ nhàng. 4. Mát mẻ. 5. Nhu nhuyễn; ba điều này nhiếp về xúc nhập. 6. Ngon ngọt, nhiếp về vị nhập. 7. Uống vào điều hòa, thích ý. 8. Uống xong, tăng ích thân căn, tiêu trừ các bệnh; hai điều nhiếp về pháp nhập.

Nước ma ni trong ao chảy lên xuống theo cọng sen và luồn vào các cánh hoa, phát ra tiếng nhiệm mầu. Âm thanh này tuyên dương những pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, các môn Ba La Mật, hoặc khen ngợi tướng tốt của chư Phật. Từ như ý châu vương lại tuôn ra ánh sánh vàng mầu nhiệm, hóa thành các sắc chim bá bảo. Tiếng chim thanh diệu hòa nhã cùng trổi giọng khen ngợi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Đây là môn tưởng ao nước bát công đức, thuộc về phép quán thứ năm.

GIẢNG
Đoạn nước ma ni chảy lên xuống, theo trong chánh văn có mấy chữ "tầm thọ thượng hạ". Ngài Nguyên Chiếu giải chữ "thọ" là cọng sen, ý nói nước ma ni chảy lên cọng sen luồn vào các cánh hoa phát ra tiếng pháp, rồi theo cọng sen chảy xuống ao. Ngài Thiện Đạo lại giải rộng hơn, là chẳng những nước chảy lên cọng sen mà còn lên bờ chảy lên xuống theo các cây báu quanh ao, vì đây thuộc về như ý thủy. Nước báu phát ra diệu âm không những chỉ nói bao nhiêu pháp, mà còn thuyết minh niệm mê vọng của chúng sanh, tâm bi trí của Bồ tát hoặc nói pháp nhơn thiên, pháp nhị thừa, pháp đại thừa về hàng địa tiền, địa thượng, hoặc nói tam thân của Phật; trong chánh văn duy dẫn phần đại lược. "Các sắc chim bá bảo", ý nói chẳng phải một loài chim mà có nhiều thứ, như trong tiểu bản nói các hóa cầm: bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tần già, và những giống: phù, nhạn, oan ương theo kinh văn sau đây.
"Phật" là đấng Thầy Vô Thượng phá tà chấp, khuyên hướng thượng của chúng sanh.
"Pháp" là thuốc mầu trừ bịnh độc phiền não, hồi phục pháp thân thanh tịnh cho loài hữu tình.
"Tăng" là ruộng phước của quần sanh, nếu kẻ nào dùng lòng tín hướng cúng dường sẽ được quả phước nhơn thiên và gieo nhân giải thoát.
Ma ni châu đã sanh nước bát đức, lại phóng sắc kim quang, hiển rõ chẳng những có công năng phá trừ tối tăm, mà còn hay thi tác Phật sự.
Có lời khen rằng:
Trang nghiêm sáng sạch trời Thanh Thái
Ao báu mênh mang dường đại hải
Chim hót thanh âm giục tỉnh mơ
Nước diệu trong ngần trôi lững lờ
Ánh sáng thành ao buông rực rỡ
Nhiều sắc hoa sen đua hớn hở.
Bồ tát nhẹ đi tỏa bảo hương
Bảo hương tụ thành mây bảo quang
Bảo quang vân hiện nghìn bảo cái
Bảo cái hư không che bảo tràng
Bảo tràng phi phất vây kim điện
Kim điện lưới châu thần diệu biến
Diệu biến vô cùng bảo ngọc linh
Bảo linh bảo nhạc ngàn trùng chuyển.
Kim điện Phật tuyên pháp diệu thường
Hằng sa thánh chúng lắng tư lương
Hữu duyên mong kẻ đồng tâm nguyện
Xả thọ đồng sanh tịnh pháp đường.
(24)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

6. Quán Chung Về Ðất Cây, Ao, Lầu Báu (Tổng Tướng Quán)
Nơi cõi báu Cực Lạc mỗi khu vực có năm trăm ức bảo lâu. Trong những lâu các ấy có vô lượng chư thiên thường trổi thiên nhạc. Lại có vô lượng nhạc khí lơ lửng giữa hư không như bảo tràng ở cõi trời, không ai trổi tự nhiên phát thành tiếng. Những tiếng này đều nói môn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ Khưu Tăng.
Khi tưởng chung các tướng trên gồm bảo địa, bảo thọ, bảo trì, bảo lâu được thành rồi, gọi là thấy thế giới Cực lạc về phần thô.
Đây là môn tổng tưởng, thuộc về phép quán thứ sáu.
Nếu thấy tướng này, sẽ trừ được nghiệp ác rất nặng trong vô lượng ức kiếp. Khi mạng chung, kẻ ấy quyết định được sanh về cõi cực Lạc.
Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tướng sai khác, là tà quán.

GIẢNG
Nếu hành giả duy tưởng đất cây, ao, mà chưa quán lầu các, thì sự thấy cõi Cực Lạc chưa được tinh, mà cảnh Tịnh độ cũng chưa gọi là trang nghiêm. Thế giới Cực Lạc rất rộng lớn gồm nhiều khu vực, mỗi khu vực có năm trăm ức bảo lâu. "Chư thiên thường trổi thiên nhạc" là lược thuật sự trang nghiêm bên trong lầu các; "nhạc khí lơ lửng giữa hư không" là nói sự trang nghiêm bên ngoài.
Đoạn chánh văn trên, trước tiên đức Phật dạy tưởng riêng về lầu các, sau bảo quán chung cả đất, cây, ao, lầu báu. Cho nên môn thứ sáu này có hai phương diện: phần riêng là bảo lâu quán, phần chung là tổng tưởng quán nay chỉ lấy tổng quán làm điểm chánh.
.
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: "Hãy để tâm lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các ngươi mà giảng thuyết phân biệt pháp trừ khổ não. Các ngươi nên ghi nhớ rồi giải nói rành rẽ lại cho khắp trong đại chúng nghe".
Khi đức Thế Tôn vừa nói lời ấy xong, thì Phật Vô Lượng Thọ đã hiện thân trụ lập giữa hư không, hai vị đại sĩ Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đứng đầu tả hữu. Ánh quang minh từ thân của Tây phương tam thánh tỏa ra rực rỡ, nhìn không thể xiết, dù cho trăm ngàn sắc vàng diêm phù đàn cũng không thể sánh ví được.
Vi Đề Hy phu nhơn được thấy Vô Lượng Thọ Như Lai, liền cúi đầu đảnh l Phật và thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn! nay con nhờ từ lực được thấy Phật A Mi Đà và hai vị Bồ Tát. Chúng sinh đời sau phải làm thế nào để quán tưởng Tây phương tam thánh?"

GIẢNG
Đức Thế Tôn vì thương xót chúng sanh bị lửa tam độc thiêu đốt, mãi trôi nổi trong biển luân hồi, nên mới bảo ngài A Nan và Vi Đề Hy phu nhơn thọ trì quán pháp sau đây rồi tuyên thuyết lại cho đại chúng cùng nghe. Bởi đấng Hóa Chủ cõi Ta Bà vì lợi sanh mà trụ tưởng nơi tây phương, nên bậc Từ tôn miền An Lạc cảm thông mới hiện thân ở trời đông độ. Đây là đạo giáo hóa của hai bậc chí thánh tương ưng để mở đầu cho sự khai giảng pháp Quán Phật tam muội. Và cũng bởi thánh chúng trong pháp hội, phần nhiều căn cơ còn kém nên Tây phương tam thánh mới giúp duyên bằng cách trình tượng giữa hư không.
Hỏi: Đức của Phật A Mi Đà rất tôn cao, ngài đã vì bản nguyện mà đến Ta Bà, sao không thị hiện ngồi đoan chính trên hoa sen, lại hiện thân đứng?
Đáp: Đó là vì chúng sanh ở cõi này bị nhiều sự khổn ác vây quanh, kiếp sống lại vô thường ngắn ngủi, cần được mau vớt khỏi dòng mê, nên đức Vô Lượng Thọ Như Lai mới hiện tướng đại bi cấp cứu.
Hỏi: Y chánh cõi Tây phương quá nhiệm mầu, mà chúng sanh miền ngũ trược loạn tưởng phân vân, màn vô minh dày đặc, làm sao tác quán được tường tất?
Đáp: Nếu duy cứ theo vọng nghiệp của chúng sanh thì chỉ luống công mệt sức. Như hành giả biết chí tâm nương cầu sức Phật gia bị, tất tùy theo chỗ quán đều sẽ được thấy. Muốn như thế, hành giả nên trang nghiêm đạo tràng, quì trước tượng Phật hết lòng hổ thẹn, bi thương rơi lệ, sám hối tội chướng của mình. Lúc ấy nên khải thỉnh đức Thích Ca Mâu Ni và mười phương hằng sa chư Phật, lại niệm bản nguyện của Mi Đà Thế Tôn, tâm nghĩ miệng nói: "Đệ tử pháp danh.... là kẻ phàm phu, tội chướng sâu nặng. Nguyện Phật xót thương hộ niệm, khiến cho con được khai ngộ và thành tựu cảnh sở quán. Nay con nguyện xả thân mạng, nương về đức A Mi Đà Thế Tôn, như được thấy cùng không đều nhờ ân lực của Phật". Kế đó tiếp tục chí tâm lễ sám, rồi dẹp hết muôn duyên y theo phương pháp bền chí một lòng tu tập. Hành trì như thế lâu ngày tự sẽ được thấy, bằng chẳng vậy dù tiêu hao nhiều năm tháng, quán hạnh cũng khó thành. Khi quán cảnh hiện ra có hai thứ:
1. Do tưởng mà thấy, vì còn có tri giác, nên tuy cảnh hiện sự thấy chưa được rõ ràng.
2. Do định mà thấy, bởi tri giác trong ngoài đã diệt, nên tịnh cảnh hiện ra nhiệm mầu không thể so sánh nghĩ bàn được.
****


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

7- Quán Tưởng Tòa Sen (Hoa Tòa Quán)
Đức Phật bảo Vi Đề Hy: Muốn quán đức Phật kia, trước tiên phải khởi tưởng trên đất thất bảo có hoa sen. Mỗi cánh sen này ửng sắc bá bảo, có tám muôn bốn ngàn đường gân dường như bức vẽ thiên nhiên. Mỗi đường gân có tám muôn bốn ngàn tia sáng, chiếu suốt rõ ràng. Các chi tiết trên đây, phải quán thấy cho rành rẽ.
Toàn hoa sen có đủ tám muôn bốn ngàn cánh, cánh nhỏ nhứt cũng rộng hai trăm năm mươi do tuần. Trong mỗi cánh có trăm ức hạt Ma Ni Châu Vương trang nghiêm sáng chói. Mỗi hạt châu ma ni phóng ra ngàn sắc quang minh như lọng thất bảo che khắp trên mặt đất.

GIẢNG
Muốn tưởng đức Phật, trước phải quán tòa sen của ngài thường ngự, ví như bề tôi cung kính chiêm bái vua, trước tiên từ dưới thềm nhìn lên. Đường gân như bức vẽ thiên nhiên, là chỉ cho sự khéo đẹp. Hoa sen có tám muôn bốn ngàn cánh, tiêu biểu cho đức Vô Lượng Thọ Như Lai đã trừ diệt 84.000 trần lao, thành tựu 84.000 diệu hạnh. Cánh sen nhỏ nhứt rộng 250 do tuần, hiển thị tòa sen này to lớn vô cùng, tất nhiên thân tướng của Phật cũng cao lớn vô tỷ. Mỗi cánh sen trang nghiêm bằng trăm ức hạt ma ni châu vương, mỗi hạt châu phóng lên hư không ngàn tia sáng tụ lại hình như tàng lọng thất bảo che khắp trên mặt đất; một hạt châu đã thế, trăm ức hạt châu cũng như vậy, mỗi cánh sen đã thế, 84.000 cánh cũng như vậy, chỉ rõ sự trang nghiêm kỳ lạ của hoa tòa thật vô cùng!

Đài sen được tạo thành bằng chất báu chính là Thích Ca Tỳ Lăng Già. Ngoài ra, còn có tám vạn ngọc báu kim cương, châu thúc ca, phạm ma ni và lưới diệu chân châu trang sức. Trên đài sen tự nhiên có bốn trụ Bảo Tràng; mỗi trụ cao lớn như trăm ngàn muôn ức núi Tu Di. Trên Bảo Trụ có mành báu và năm trăm ức vi diệu bảo châu che phủ, hình như cung trời Dạ Ma trang nghiêm rực rỡ. Mỗi hạt bảo châu có tám muôn bốn ngàn ánh sáng, mỗi ánh sáng phát ra tám muôn bốn ngàn kim sắc khác lạ soi khắp cõi báu, tùy mỗi nơi hiện mỗi mỗi tướng kim sắc khác nhau. Các tướng ấy như đài kim cương, hoặc lưới chơn châu hay mây tạp hoa... ở khắp mười phương, tùy ý biến hiện làm những Phật sự.
Đây là môn hoa tòa tưởng, thuộc về phép quán thứ bảy.

GIẢNG
Châu thúc ca, Trung Hoa dịch là xích sắc bảo, một loại báu sắc đỏ. Phạm ma ni là thứ ngọc như ý trong ngần sáng sạch vô cùng.
Dạ Ma Trung Hoa dịch: Thời Phận, thuộc về cõi trời Không cư, ở tầng thứ ba của Dục giới. Cõi trời này hoa quang cực trang nghiêm sáng suốt, nên trong kinh đem ra để thí dụ. Nói "tùy ý", chỉ rõ còn nhiều biến tướng khác lạ nữa.
Đại khái đoạn kinh này tả trên đài sen (tức gương sen) có bốn trụ bảo tàng trên trụ có mành báu và diệu châu, các châu báu phóng vô lượng quang sắc khác nhau soi khắp mười phương, tùy ý hiện ra vô số tướng lạ để làm những Phật sự.

Đức Thế Tôn bảo A Nan: Hoa sen mầu nhiệm ấy do nguyên lực của Tỳ Khưu Pháp Tạng thành tựu. Muốn quán đức Phật kia, trước phải tưởng hoa tòa này. Khi tu môn tưởng đây, không được quán tạp, phải quán từ đài sen đến mỗi mỗi cánh, hạt châu, ánh sáng, trụ bảo tràng, đều cho rõ ràng, như người soi gương tự thấy mặt mình. Phép tưởng này nếu thành, sẽ diệt trừ tội chướng trong năm muôn ức kiếp sanh tử, quyết định được sanh về thế giới Cực Lạc.
Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

GIẢNG
Đức Phật A Mi Đà trong nhiều kiếp lâu xa về trước, tiền thân là một vị quốc vương, được gặp Thế Tự Tại Vương Như Lai, bỏ nước xuất gia, hiệu là Pháp Tạng. Vị Tỳ kheo này phát bốn mươi tám điều đại nguyện để tạo thành cõi Tịnh độ. Thế thì quả tướng trang nghiêm ở Cực Lạc đều do nguyện lực mà thành, đâu phải chỉ riêng tòa sen? Chẳng qua điểm này được nêu lên, chính để hiển thị miền An Dưỡng tức là nguyện thể của Phật, và nguyện do tâm mà phát nên cũng là tâm thể của Phật, và nguyện do tâm mà phát nên cũng là tâm thể của Như Lai. Thế thì biết nguyện lực không thể nghĩ bàn vậy. Có lời khen rằng:
Sen mầu lạ,
Muôn cánh chói kỳ trân.
Đài ánh bảo tràng trùm lưới báu.
Quang thi Phật sự biến hoa thần.
Nghìn xứ nổi hương vân!
(26)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

8- Quán Tưởng Phật và Bồ Tát (Tưởng Quán)
Này A Nan, Vi Đề Hy! Khi thấy tướng hoa tòa rồi, kế tiếp nên quán hình tượng Phật. Việc ấy như thế nào? Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tất cả tâm tưởng của chúng sanh. Cho nên khi tâm các ngươi tưởng Phật, tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình; tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh. Vì thế các ngươi nên một lòng hệ niệm quán kỹ đức Đa Đà A Dà Độ, A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà kia.
GIẢNG
Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, phần nhiều chưa thấy chân thân của Phật, chỉ thấy hình tượng, nên trước tiên đức Thế Tôn dạy về môn tượng quán. Câu "việc ấy như thế nào" có những ý nghĩa; Việc quán Phật như thế nào? Tại sao phải tu môn Phật tưởng? Đoạn trước bà Vi Đề Hy chỉ hỏi đức A Mi Đà, nay Như Lai lại nói chúng chư Phật là muốn hiển thị chư Phật đồng một pháp thân. Danh từ "pháp giới" đây, hàm ba ý nghĩa: tâm cùng khắp, thân cùng khắp, và không chướng ngại. Pháp thân vẫn tự tại khắp nơi nên khi chúng sanh dùng tịnh tâm tưởng Phật, thì Phật thân tùy ứng. Trạng thái này như gương trăng tròn sáng trên nền trời cao, vẫn không có ý tư riêng, nếu nước lặng trong thì muôn dòng đều hiện bóng. "Tâm ấy" chỉ cho tâm quán Phật của hành giả, vì do quán tưởng Phật nên tướng hiện trong tâm, tức nơi tâm đủ tướng hảo của Phật. Chúng sanh y theo lời dạy, tâm này, nên gọi "tâm này làm Phật". Vì e hành giả tưởng lầm môn Phật quán khi thành do từ bên ngoài mà được, nên lại nói "tâm ấy là Phật". Trí huệ của Như Lai đầy khắp pháp giới bao la, sáng suốt không chướng ngại, biết các Pháp một cách chính xác gọi là "biến chánh biến tri". Đức của Phật vô biên, nay chỉ lược cử một chánh biến tri để nhiếp tất cả các thứ khác. Và vì muôn đức của Như Lai sở dĩ được thành tựu, khởi thỉ đều do sự phát tâm tu hành, nên gọi "từ nơi tâm tưởng mà sanh".
Buộc tâm chuyên chú một cảnh gọi là hệ niệm. Đa đà a dà độ, Trung Hoa dịch là Như Lai, A la Ha là Ứng cúng, Tam miệu tam Phật đà là Chánh biến tri. Đây là lược cử 3 đức hiệu trong mười hiệu của Phật.

Muốn quán Phật Vô Lượng Thọ trước phải tưởng hình tượng làm sao cho khi nhắm mắt mở mắt đều thấy một bảo tượng như sắc vàng diêm phù đàn, ngồi trên tòa sen kia. Lúc thấy Phật tượng rồi tâm nhãn tự được mở mang rõ ràng sáng suốt. Bấy giờ hành giả thấy cõi Cực Lạc bảy báu trang nghiêm, như: Bảo địa, bảo trì, hàng bảo thọ, trên cây có mành báu chư thiên che phủ, các lưới báu giăng khắp giữa hư không.
Khi thấy cảnh tướng rất rõ ràng như nhìn vào bàn tay rồi lại tưởng hai hoa sen lớn, một ở bên tả, một ở bên hữu của Phật, cả hai đều giống như tòa sen trước. Xong lại tưởng hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi tòa sen bên trái, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi tòa sen bên mặt, thân tướng đều rực rỡ như sắc vàng diêm phù đàn.

GIẢNG
Tướng hảo của Tây phương tam thánh rất nhiệm mầu, hàng phàm phu thô tâm không thể thấy hết được, nên phải mượn hình tượng tiêu biểu cho chơn thân, dùng phương tiện từ dễ đi vào khó. Câu "ngồi trên tòa sen" tức chỉ cho hoa đã tả ở đoạn trước. Câu "bấy giờ hành giả..." đến "giữa hư không", ý bảo dù đã thấy tượng Phật, cũng nên chú tâm đến y báo ở Tây phương, đừng cho quên mất. Theo ngài Nguyên Chiếu, tòa sen của hai vị Bồ tát tuy giống như hoa tòa của Phật, nhưng cứ nơi thân lượng, phải hơi nhỏ hơn; kinh văn trên đây chỉ nói đại lược song học giả phải hiểu phần thâm ý.

Phép quán này thành rồi, lại tưởng thân tướng của Phật và Bồ Tát đều phóng ánh sáng vàng, chiếu các cây báu. Nơi mỗi gốc cây đều có tượng Phật và hai vị Bồ tát ngồi trên tòa sen, như thế cho khắp cả bảo độ.
Quán như thế xong, hành giả lại tưởng tiếng nước chảy, ánh sáng, các cây báu, những loài chim: phù, nhạn, oan ương nói pháp mầu, cho đến khi xuất định, nhập định hằng được nghe thấy. Pháp mầu nầy dù cho khi xuất định, hành giả phải ghi nhớ đừng quên, và cần phải hợp với Tu đa la. Nếu pháp không hợp với khế kinh, gọi là vọng tưởng; như hợp, gọi là tưởng thấy thế giới Cực Lạc về phần thô.
Đây là môn tưởng thứ tám. Phép quán này tu thành, trừ diệt tội trong vô lượng ức kiếp sanh tử, ngay hiện đời hành giả tất chứng được Niệm Phật tam muội.
Tưởng mỗi gốc cây đều có tượng Phật, Bồ tát, gọi là Đa thân quán, tiêu biểu cho sự thần thông ứng hiện của Tam Thánh ở Tây Phương. Tu đa la, Trung Hoa dịch là khế kinh. Môn tượng quán nếu thành, tất sẽ thấy chơn thân, nên nói "hiện đời chứng được Niệm Phật tam muội".

(28)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

9- Quán Chân Thân Phật Vô Lượng Thọ (Phật Thân Quán)
Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: Môn tưởng này đã thành tựu, kế lại quán thân tướng quang minh của Phật Vô Lượng Thọ. Này A Nan! Ông nên biết thân Phật A Mi Đà rực rỡ như sắc vàng diêm phù đàn của trăm ngàn muôn ức cung trời Dạ ma. Phật thân cao sáu mươi sáu vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần. Tướng bạch hào giữa đôi mày uyển chuyển xoay về bên hữu như năm núi Tu di. Mắt Phật xanh trắng phân minh, rộng như nước bốn biển lớn. Các chơn lông nơi thân tuôn ra ánh sáng như Diệu cao sơn. Viên quang của Phật to rộng như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới. Trong ấy có trăm muôn ức na do tha hằng hà sa Hóa Phật, mỗi vị đều có vô số Hóa bồ tát làm thị giả.
Vô Lượng Thọ Như Lai có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, và mỗi vẻ đẹp lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng. Những tia sáng ấy soi khắp các cõi ở mười phương, thâu nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật.

GIẢNG
"Rực rỡ như sắc vàng diêm phù đàn" là nói về thể sắc; "trăm ngàn muôn ức cung trời Dạ Ma", nói về thân lượng to rộng. Na do tha cũng gọi Na du đa, Trung Hoa dịch là Ức. Số ức có ba hạng: mười muôn, trăm muôn, ngàn muôn, nên các cổ đức định về số này không đồng. Thân Phật tuy cao sáu mươi sáu vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, nhưng khi quán tùy theo căn cơ, tâm lượng, mỗi chúng sanh đều thấy khác nhau. Theo ngài Thiện Đạo,nếu kẻ nào tâm lực kém yếu, chỉ nên thành kính chú tưởng một trong ba tướng: nhục kế, bạch hào, hay thiên bức luân nơi chơn, sẽ lần lần được thấy các tướng hảo khác.
Hỏi: Nếu tu các hạnh lành hồi hướng về Tây phương, đều có thể vãng sanh. Tại sao ánh sáng của Phật soi khắp mười phương, lại chỉ thâu nhiếp chúng sanh niệm Phật?
Đáp: Trong ấy có ba nghĩa. 1. Thuyết minh về thân duyên: Chúng sanh khi khởi hạnh, thân lễ Phật, Phật liền thấy; miệng niệm Phật, Phật liền nghe; ý tưởng Phật, Phật liền biết. Chúng sanh nhớ tưởng Phật, Phật cũng ức niệm chúng sanh, kia và đây tương quan nhau, nên gọi là "thâu nhiếp". 2. Thuyết minh về cận duyên: Chúng sanh nguyện thấy Phật, Phật liền tùy niệm hiện thân, có cảm tất có ứng, gọi là "thâu nhiếp". 3. Thuyết minh về tăng thượng duyên: Chúng sanh niệm hồng danh được tiêu tội trong nhiều kiếp, khi lâm chung Phật cùng thánh chúng đến tiếp nghinh, các tà nghiệp không thể làm chướng ngại. Có tiếng tất có vang, đây gọi là "thâu nhiếp". Tóm lại, vì lý cơ cảm tương quan, nên ánh sáng của Phật mới thâu nhiếp chúng sanh niệm Phật. Cho nên các hạnh khác dù gọi là lành, so với công đức niệm Phật vẫn kém phần trực thiệp.
Hỏi: Người không niệm Phật, quang minh của Phật có thâu nhiếp chăng?
Đáp: Nghĩa thâu nhiếp trên đây là luận về sự cơ cảm giữa chúng sanh và Phật mà thôi. Thật ra, Phật A Mi Đà trải lòng từ bi bình đẳng, phóng quang soi khắp mười phương, những chúng sanh niệm Phật cùng không, đều ở trong vùng nhiếp thủ của Phật. Vậy sự đắc ích hay vãng sanh được cùng không là do chúng sanh chớ không thể nói quang minh của Phật thâu nhiếp có riêng tư. Như mặt trời buông ánh sáng soi khắp mọi nơi, nhưng kẻ mù lòa không thấy là do họ tối mắt chớ không phải tại vầng nhật. Vì thế Kinh Lăng Nghiêm nói: "Chư Phật mẫn niệm chúng sanh như mẹ trông nhớ con, nếu con cứ bỏ đi, thì mẹ dù nhớ cũng không biết làm sao được!"
.
.
Những tướng hảo, quang minh cùng hóa Phật đó vô cùng, nói không thể xiết! Hành giả chỉ nên thành kính nhớ tưởng, khiến cho tâm nhãn được thấy.
Thấy được tướng này, tất thấy tất cả chư Phật mười phương. Vì thấy chư Phật, nên gọi là niệm Phật tam muội. Tu phép quán này gọi là quán thân tất cả chư phật. Và vì quán thân Phật nên cũng thấy tâm Phật. Tâm Phật là tâm Đại từ bi, dùng vô duyên từ nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật. Quán như thế, khi xả báo thân sẽ vãng sanh về trước chư Phật, được vô sanh nhẫn. Cho nên người trí phải hệ niệm quán kỹ Phật Vô Lượng Thọ.
Muốn quán Phật Vô Lượng Thọ, phải từ một tướng hảo mà đi vào. Trước tiên phải quán tướng lông trắng giữa đôi mày cho cực rõ ràng. Khi thấy được tướng bạch hào, tự nhiên tám muôn bốn ngàn tướng tốt sẽ hiện. Và thấy được Phật A Mi Đà, tức thấy vô lượng chư Phật ở mười phương. Vì thấy vô lượng chư Phật, nên được chư Phật hiện tiền thọ ký.
Đây là môn tưởng tất cả tướng nơi sắc thân, thuộc về phép quán thứ chín. Quán như thế gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

GIẢNG
"Tâm nhãn" ở đây là chỉ cho dùng ý mà duyên tưởng. Vì chư Phật đồng một pháp thân, các tướng không ngoài bản thể mà có, nên nói "thấy được tướng này, tức thấy tất cả chư Phật mười phương". Các pháp đều duy tâm, thân là tướng của tâm, nên nói: "vì quán thân Phật, nên cũng thấy tâm Phật". Bởi Phật tướng đã không, tất cả đều duy tâm, chỉ là một thể đại từ bi, nên gọi: "tâm Phật là tâm đại từ bi". Vô duyên từ là đức Phật dùng tâm từ bi bình đẳng soi khắp pháp giới, không duyên trụ nơi các tướng có, không, cùng thời gian, không gian, mà phổ nhiếp tất cả chúng sanh. Trạng thái này, ví như mặt trăng trong tuy in bóng khắp muôn dòng nước lặng, song thỉ chung trăng vẫn vô tâm. Quán lý trên đây, duy bậc trí huệ mới có thể thâm nhập, nên nói: "người trí phải hệ niệm quán kỹ Phật Vô Lượng Thọ".
Tướng bạch hào gồm nhiếp các tướng, nên khi quán tướng này thì các tướng khác đều hiện. Cứ theo chánh văn, thì đây là quán tướng bạch hào lớn như năm núi Tu Di, chớ không phải hào tướng của kim thân một trượng sáu, nên mới nói: "tự nhiên tám muôn bốn ngàn tướng tốt sẽ hiện". "Thọ ký" là trao lời ghi nhận cho đương nhơn sẽ chứng các đạo quả, hoặc thành Phật.


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

10- Quán Thân Tướng Ðức Quán Thế Âm (Quán Thế Âm Quán)
Này A Nan, Vi Đề Hy! Khi đã thấy Phật Vô Lượng Thọ rõ ràng rồi, lại nên quán tưởng Bồ tát Quán Thế Âm. Vị Đại sĩ này thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, sắc tử kim, đảnh có nhục kế. Viên quang nơi đầu của Bồ Tát, mỗi phía đều rộng trăm ngàn do tuần. Trong viên quang có năm trăm Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Mỗi vị hóa Phật đều có năm trăm Hóa Bồ Tát và vô lượng chư thiên làm thị giả. Trong thân quang của Bồ Tát hiện tất cả sắc tướng của ngũ đạo chúng sanh.
Bồ Tát đầu đội thiên quang bằng chất báu Tỳ Lăng già Ma ni. Nơi thiên quang có một vị Hóa Phật đứng, cao hai mươi lăm do tuần. Quán Thế Âm Đại sĩ mặt như sắc vàng diêm phù đàn, tướng bạch hào giữa đôi mi có đủ sắc thất bảo, chiếu ra tám muôn bốn ngàn thứ quang minh. Mỗi ánh quang minh có vô lượng vô số trăm ngàn Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật lại có vô số Hóa Bồ tát làm thị giả. Các Hóa Bồ tát này biến hiện tự tại đầy khắp mười phương thế giới.
Cánh tay của Bồ tát như sắc hoa sen hồng, có tám mươi ức tia sáng nhiệm mầu dường như chuỗi anh lạc, trong ấy hiện ra tất cả việc trang nghiêm. Bàn tay Bồ tát như năm trăm ức sắc tạp liên hoa, nơi đầu mỗi ngón tay có tám muôn bốn ngàn làn chỉ đẹp dường như nét vẽ của chiếc ấn. Mỗi làn chỉ đều có tám muôn bốn ngàn sắc, mỗi sắc lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng nhu nhuyn soi khắp các nơi. Bồ tát thường dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sanh các cõi.
Nơi lòng bàn chân của Quán Thế Âm Đại sĩ có tướng Thiên bức luân. Khi Bồ Tát dở chân lên, từ nơi luân tướng ấy hóa hiện ra năm trăm ức đài quang minh. Lúc để chân xuống tự nhiên có vô số hoa kim cương ma ni tuôn rải tản mác khắp mọi nơi.
Ngoài ra, các tướng khác nơi thân bồ Tát đều đầy đủ và xinh đẹp như đức Vô Lượng Thọ Thế Tôn; duy trừ nhục kế và tướng vô kiến đảnh là không bằng Phật.
Đây là môn tưởng sắc thân chân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm, thuộc về phép quán thứ mười.

GIẢNG
Đoạn chánh văn trên đây đã tả chơn thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu "năm trăm Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Như Lai" là chỉ cho chư Hóa Phật đều cao một trượng sáu và có đủ ba mươi hai tướng như thân tướng của đức Thích Ca Mâu Ni. Những tướng lạ nơi tay của Bồ Tát, tiêu biểu cho năng dụng từ bi, sự hóa hiện nơi chân hiển thị về quả pháp công đức. "Thiên bức luân" là hình tướng bánh xe có ngàn cây căm. Câu"duy trừ nhục kế và tướng vô kiến đảnh là không bằng Phật" hiển minh phần quả nguyện của Bồ Tát chưa bằng Phật, nên hai tướng ấy phải kém hơn.
.
.
A Nan! Nếu chúng sanh nào muốn quán thân tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm, phải nên quán tưởng đúng như vậy. Kẻ tu thành môn quán nầy không còn gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng và tội lỗi trong vô số kiếp sanh tử. Chúng sanh chỉ nghe danh hiệu vị Bồ Tát ấy còn được vô lượng phước, huống nữa là quán kỹ sắc thân? Kẻ nào muốn quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, trước nên quán nhục kế trên đảnh, tiếp quán đến thiên quan, bao nhiêu tướng khác cũng lần lượt quán cho rõ ràng, như; thấy các làn chỉ trong bàn tay.
Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

GIẢNG
Đoạn văn trên, đức Phật đã nhấn rõ lại nghi thức tu quán. Quán Thế Âm Bồ tát có bản nguyện tìm tiếng cứu khổ, chúng sanh nào chỉ thường xưng niệm danh hiệu cũng được trừ tội, sanh phước, khỏi các tai nạn, huống chi là quán đến sắc thân? Cho nên kẻ nào tu thành môn quán này, không những hiện đời được lợi ích, mà khi lâm chung cũng chắc chắn sẽ được sanh về Tây phương vậy.


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

11- Quán Thân Tướng Ðức Ðại Thế Chí (Ðại Thế Chí Quán)
Kế đến Bồ Tát Đại Thế Chí. Thân lượng của vị đại sĩ nầy cũng tương đương với Bồ Tát Quán Thế Âm. Viên quang nơi đảnh của Đại Thế Chí Bồ Tát mỗi phía đều rộng một trăm hai mươi lăm do tuần; từ quang thể nầy ánh sáng lại chiếu xa thêm hai trăm năm mươi do tuần nữa.
Quang minh toàn thân của Bồ Tát ánh ra mầu sắc tử kim, chiếu khắp các cõi ở mười phương, những chúng sanh hữu duyên đều được trông thấy. Chúng sanh nào chỉ thấy ánh sáng nơi một lỗ chân lông của vị bồ Tát nầy, tức thấy quang minh trong sạch nhiệm mầu của mười phương vô lượng chư Phật. Vì thế, vị đại sĩ này được gọi là Vô Biên Quang. Và bởi Bồ Tát dùng ánh sáng trí huệ soi khắp tất cả chúng sanh, khiến cho xa lìa tam đồ, được sức vô thượng, nên lại có tên là Đại Thế Chí.
Thiên quang của Đại Thế Chí Bồ Tát có năm trăm bảo hoa, mỗi bảo hoa có năm trăm bảo đài. Trong mỗi bảo đài hiện rõ tướng quốc độ tịnh diệu rộng rãi của mười phương chư Phật. Nhục kế nơi đảnh của Bồ Tát hình như hoa bát đầu ma. Trên nhục kế có một bảo bình đựng các thứ quang minh, hiện Phật sự khắp mọi nơi. Ngoài ra, các tướng khác nơi thân, cũng đồng như Quán Thế Âm Bồ Tát.
Khi vị đại sĩ này cất chân bước đi, mười phương thế giới thảy đều chấn động. Ngay chỗ Bồ Tát bước tự nhiên hóa hiện năm trăm ức bảo hoa, mỗi bảo hoa trang nghiêm cao sáng như diệu tướng ở cõi Cực Lạc. Lúc Bồ Tát ngồi xuống, cả cõi thất bảo đồng thời rung chuyển. Giữa khoảng từ cõi Phật Kim Quang ở phương dưới cho đến cõi Phật Quang Minh Vương ở phương trên, có vô lượng trần số những phân thân của Phật Vô Lượng Thọ, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, đều vân tập đầy dẫy nơi hư không cõi Cực Lạc. Tất cả phân thân của Tam thánh đều ngồi trên hoa sen nói pháp mầu, độ chúng sanh mê khổ.
Đây là môn tưởng thân tướng của Đại Thế Chí Bồ Tát, thuộc về phép quán thứ mười một. Tu môn quán này sẽ trừ được a tăng kỳ sanh tử trong vô số kiếp, không còn ở bào thai, thường dạo chơi nơi các quốc độ tịnh diệu của chư Phật. Môn tưởng này thành, gọi là đã quán thấy đầy đủ sắc thân của Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí.
Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác là tà quán.

GIẢNG
Quang minh của Đại Thế Chí Bồ Tát thuộc ánh sáng trí huệ vô lậu, vì thể vô lậu vẫn đồng nhau, nên nói "chỉ thấy ánh sáng nơi một lỗ chân lông của vị Bồ Tát này, tức thấy quang minh trong sạch nhiệm mầu của mười phương vô lượng chư Phật". "Sức vô thượng" tức là thập lực của Phật. "Bát đầu ma" chính là hoa sen đỏ. Khi Đại Thế Chí Bồ Tát bước đi, tự nhiên hóa hiện ra nhiều bảo hoa, vì thứ hoa báu ấy có nhiều kỳ trần nghiêm sức rực rỡ, nên mới ví như tướng trang nghiêm ở cõi Cực Lạc.
Hỏi: - Kinh Mi Đà nói: "Chúng sanh ở cõi kia không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui." Như thế, tại sao trong chánh văn đây lại nói các phân thân tham thánh thuyết pháp độ chúng sanh mê khổ?
Đáp: - Hai chữ mê khổ trong đây, ý nói: cảnh giới của bậc địa tiền không bằng bậc địa thượng, trí chứng bậc sơ địa không bằng bậc nhị địa, chẳng phải chỉ cho sự khổ vui như tam giới ở cõi Ta Bà. Tam thánh thuyết pháp để đưa chư thượng thiện nhơn từ quả vị thấp lên quả vị cao, khiến cho vô minh phần diệt, chơn trí tăng sanh, nên mới gọi là "độ mê khổ." Bởi thánh chúng ở Cực Lạc đều lấy vô lậu làm thể, đại bi làm dụng, tâm an trụ nơi lý chân thường, lìa sự sanh diệt của phân đoạn, có tướng trạng gì gọi là khổ ư?
A tăng kỳ, Trung Hoa dịch là Vô số, hoặc Vô ương số. Không còn ở bào thai, là không còn bị đọa vào bào thai, thường được hóa sanh về các tịnh độ của mười phương chư Phật.
(32)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

12- Quán Thấy Mình (Tự Vãng Sanh Quán)
Khi đã thấy việc ấy, hành giả nên từ nơi chân tâm, khởi tưởng mình sanh về thế giới Cực Lạc ở phương tây, ngồi kiết già trong hoa sen. Kế tưởng hoa sen khép lại, rồi tưởng hoa sen nở ra. Khi hoa sen nở, tưởng có năm trăm sắc quang minh soi chiếu đến thân mình. Lại tưởng mình mở mắt ra, thấy Phật và Bồ Tát đầy giữa hư không, những âm thanh phát ra từ các Hóa Phật cho đến chim, nước, rừng, cây, đều nói pháp mầu, hợp với mười hai bộ kinh. Khi xuất định, vẫn phải ghi nhớ đừng để quên mất.
Thấy được tướng này, gọi là thấy Phật Vô Lượng Thọ và thế giới Cực Lạc. Hành giả sẽ được vô số hóa thân của Phật Vô Lượng Thọ cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí thường quang lâm đến chỗ mình.
Đây là môn phổ quán tưởng, thuộc về phép quán thứ mười hai.

GIẢNG
Trong môn quán này, nếu tuần tự phân ra, có mười chi tiết:
Trụ tâm nơi chân tánh của mình.
Khởi tưởng sanh về Tây.
Tưởng ngồi kiết già trong hoa sen.
Hoa sen khép.
Hoa sen nở.
Bảo quang soi đến thân.
Đã được quang minh chiếu đến, tưởng mình mở mắt.
Khi mở mắt ra thấy Phật, Bồ Tát cùng cảnh giới Cực Lạc.
Nghe pháp mầu hợp với khế kinh.
Lúc xuất định không quên mất.
Nếu hành giả quán thành, tất có sự cảm ứng thường được Phật và Bồ Tát đến an ủi, thuyết pháp, ấn hứa cho vãng sanh.
(33)


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.18 khách