KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Để giữ gìn sự trang nghiêm, thuần túy tạo nguồn tư liệu; nơi đây chỉ đăng Kinh Văn mà không thảo luận.

Điều hành viên: thử nghiệm global, Thanh Tịnh Lưu Ly

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Người kia lên đỉnh núi,
Gặp được đại thánh nhân,
Bỗng sinh lòng kính ngưỡng,
Liền quì xuống đê đầu:

Con nay khổ đã nhiều,
Lắm sợ hãi đau thương,
Xin thánh nhân che chở,
Cho con về nương dựa,
Cho con được nghe Pháp,
Dù chỉ chốc lát thôi.
Cho con được sám hối,
Những tội lỗi đã làm.
Xin thánh nhân hãy nói,
Với con một lời thôi.

Vị thánh nhân an ủi:

Ông nay khóc đã nhiều,
Chịu bao nhiêu khổ não,
Đói khát và tuyệt vọng,
Trong ba cõi luân hồi.
Vậy ông hãy vào đây,
Ăn uống rồi ngơi nghỉ.
Bao giờ thân bình an,
Bấy giờ hẳn nghe Pháp.

Bao nhiêu món ăn ngon
Người ấy ăn hết cả.
Ăn xong rửa sạch tay,
Đi nhiễu quanh thánh hiền.
Rồi xếp chân tĩnh tọa.

Con giết mẹ giết cha,
Hủy chùa tháp của Phật,
Phá hoại hòa hợp Tăng,
Ngăn Bồ tát thành đạo.

Nghe xong những lời ấy,
Vị thánh nhân nói rằng:
Ông tạo nên nghiệp dữ,
Làm lắm việc tày trời.
Bây giờ phải sám hối,
Những việc ác đã làm
Hay đã bảo người làm.

Nghe thánh nhân nói vậy,
Tim người ấy rụng rời,
Tâm kinh hoàng tuyệt vọng:
Ai che chở cho con?
Việc ác kia đã làm,
Khổ đau ắt phải chịu!
Người ấy cả hai chân
Quỳ xuống chấm mặt đất.
Những tội ác sâu nặng,
Đã làm hay bảo làm,
Con xin sám hối cả.
Nguyện đừng thành quả dữ,
Nguyện đừng chịu khổ đau.
Bây giờ con ở đây,
Xin thánh nhân che chở,
Xin cho con nương dựa,
Xin giúp con sám hối,
Cho tội chướng tiêu tan.
(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Lúc bấy giờ vị thánh nhân cất lời trấn an: "Ta sẽ làm nơi nương dựa. Ta sẽ nâng đỡ ông. Ta sẽ là người bạn che chở cho ông. Ông chớ nên lo sợ, hãy lắng nghe cho kỹ. Phật có một chánh pháp tên gọi Sanghata, ông đã từng nghe qua bao giờ chưa?"

Người ấy thưa: "Con chưa từng được nghe qua".

Thánh nhân nói:

- Thật là tội nghiệp. Nếu không trú ở lòng từ bi, có ai mang chánh pháp ra nói cho người bị lửa đốt bao giờ. Thiện nam tử, ông hãy nghe câu chuyện này. Ở một thời xa xưa, vô lượng kiếp về trước, có một vị Pháp Vương tên gọi Vô Cấu Nguyệt (Vimala-chandra). Lúc bấy giờ vua Vô Cấu Nguyệt sinh được người con trai, liền mời các vị Bà la môn rành xem tướng đến hỏi rằng: "Các ông xem tướng đứa bé này ra sao". Tất cả đều nói: "Thật chẳng lành. Đứa bé mới ra đời này, thật chẳng lành". Vua hỏi: "Đứa bé lớn lên sẽ ra sao?" Tất cả đều nói: "Đứa bé này khi bảy tuổi sẽ làm hại tánh mạng của cha mẹ mình". Bấy giờ vua nói: "Dù đứa bé có sẽ hại mạng ta, nhưng nó vẫn là con ta, ta sẽ không hại nó. Huống chi thân người trong cõi thế gian này thật vô cùng quí hiếm, ta nhất định sẽ không giết hại bất cứ một ai".

Đứa bé lớn thật nhanh, qua một tháng đã lớn bằng trẻ hai tuổi. Thấy đứa bé lớn nhanh, vua biết đều là do nghiệp báo của mình, nên sớm trao ngôi báu lại cho đứa trẻ, dặn dò kỹ lưỡng: "Giang sơn này ta giao lại cho con. Con hãy là một vị vua tốt, hãy dùng chánh pháp mà trị dân, chuyện gì trái với chánh pháp, đừng bao giờ làm". Truyền ngôi xong, vua rũ bỏ mọi quyền hành của người trị nước.

Hàng triệu quan đại thần kéo về cạnh vua Vô Cấu Nguyệt, thưa rằng: "Đại vương, vì lý do gì mà ngài dứt bỏ giang sơn, thôi không trị nước?"

Vua đáp: "Cho dù từ nhiều lần vô lượng kiếp ta luôn được làm vua với đầy đủ giang sơn, tài sản, quyền hành, nhưng vẫn không thấy mãn nguyện".

Chẳng bao lâu sau, đứa con trai cướp đi mạng sống của cha mẹ, vướng nghiệp vô gián.

Ông có biết, ta còn nhớ khi vị vua trẻ giết cha mẹ mình rồi, cũng cảm thấy hối hận, cũng khóc than vật vã. Ta thấy vậy phát tâm đại bi, đến nói chánh pháp cho người ấy nghe. Người ấy nghe xong, nghiệp vô gián tiêu diệt nhanh chóng, không còn dấu vết.

Vị thánh nhân nói tiếp: "Chánh Pháp Sanghata là chúa tể của mọi kinh, chư đại khổ hạnh nghe được rồi sẽ nắm được cội nguồn chánh pháp vô thượng, xóa mọi nghiệp chướng, tiêu diệt mọi phiền não thác loạn.
Đường dẫn đến giải thoát
Ta sẽ nói ở đây,
Ông hãy nghe cho kỹ.

Một bài kệ bốn câu
Nếu được giảng liên tục,
Sẽ diệt mọi nghiệp chướng,
Đạt quả Tu đà hoàn,
Giải thoát mọi ác nghiệp.

Khi lời này nói ra,
Chúng sinh bị ràng buộc
Trong địa ngục kinh hoàng
Đều được giải thoát cả.
Người ấy nghe xong rồi
Từ chỗ ngồi đứng dậy,
Hai bàn tay chắp lại,
Đảnh lễ dưới chân Thầy:

Lành thay, ôi lành thay!
Lành thay, thiện tri thức,
Lành thay, đấng đạo sư,
Vạch lối đi vi diệu,
Chánh Pháp Sanghata,
Chiến thắng mọi nghiệp dữ.
Lành thay, cho những ai
Được nghe chánh pháp này!
Vào lúc bấy giờ, ở khoảng không phía trên, mười hai ngàn Thiên tử cùng chắp tay, tiến đến trước mặt thánh nhân, quỳ xuống đảnh lễ, nói rằng: "Thượng nhân, thượng nhân biết được bao nhiêu kiếp về trước?" Đồng thời, có bốn triệu Long vương và mười tám ngàn La sát vương cũng đến. Tất cả chắp tay hướng về thánh nhân, cung kính cúi đầu đảnh lễ, nói như sau: "Thượng nhân, thượng nhân biết được bao nhiêu kiếp về trước?" Vị thánh nhân đáp: "Hàng trăm ngàn triệu thời kỳ vô số".

Tất cả cùng hỏi: "Nhờ thiện nghiệp nào mà ác nghiệp có thể tức thì tẩy sạch?"

Thánh nhân đáp: "Nhờ nghe Chánh Pháp Sanghata. Trong số chúng sinh đến đây ngày hôm nay, tất cả những ai có lòng tin tưởng khi nghe chánh pháp này, sẽ được thọ ký vô thượng Bồ đề. Người nào vướng năm nghiệp vô gián, chỉ cần nghe nói đến chánh pháp tên Sanghata, nghiệp chướng tức thì tiêu diệt. Hàng trăm triệu thời kỳ vô số vô lượng kiếp, cửa vào ác nghiệp sẽ khép kín, ba mươi hai cánh cửa dẫn vào các tầng trời sẽ mở ra. Gốc rễ điều lành của người chỉ nghe một bài kệ bốn câu đã đồ sộ như vậy, huống chi mang lòng tin tưởng tôn kính, cúng dường chánh pháp ấy bằng hoa, vòng hoa, hương đốt, hương xoa, hương bột, y phục, màn trướng, tràng phan, hay người dùng nhạc cụ tấu nhạc cúng dường, phát sinh một niệm hoan hỷ, tán dương lành thay, lành thay".

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Đại Bồ tát Phổ Dũng kể lại với đức Thế Tôn: "Thưa Thế Tôn, còn những người khi nghe tuyên thuyết Chánh Pháp Sanghata mà đảnh lễ bằng cách chắp tay cung kính, họ được công đức gì?"

Đức Thế Tôn đáp: "Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Bất cứ một ai vướng nghiệp vô gián, tự mình làm, bảo người làm, hay thấy người làm mà lòng mừng theo, khi nghe bài kệ bốn câu của Chánh Pháp Sanghata mà biết đảnh lễ bằng cách chắp tay cung kính, Phổ Dũng, ông nên biết tội chướng vô gián của người ấy đều tiêu diệt cả, huống gì nghe được trọn vẹn Chánh Pháp Sanghata, công đức lại nhiều hơn gấp bội. Thiện nam tử, Như Lai sẽ giải thích ý nghĩa này cho ông. Ví dụ cung điện Long vương trong hồ Vô Nhiệt Não (Anavatapta ), nơi đó mặt trời không soi sáng, lại có năm con sông lớn, nước chảy xiết vô cùng vô tận. Có người muốn đếm từng giọt nước trong năm con sông lớn kia, Phổ Dũng, ông nghĩ thế nào, có đếm hết được không?"

Phổ Dũng thưa: "Không thể, thưa Thế Tôn".

Đức Thế Tôn nói: "Phổ Dũng, gốc rễ điều lành của Chánh Pháp Sanghata này cũng vậy, dù có đếm hàng trăm hàng ngàn kiếp cũng không thể nào đếm hết. Phổ Dũng, nếu ông thắc mắc vì sao lại như vậy, Như Lai hỏi ông, người tuyên thuyết Chánh Pháp Sanghata trong một phút giây, có nhọc công hay không?"

Phổ Dũng đáp: "Dạ có, thưa Như Lai".

Đức Thế Tôn nói: "Phổ Dũng, người nào có khả năng tuyên thuyết Chánh Pháp Sanghata phải nhọc công còn hơn vậy nữa. Ví như đếm nước trong năm con sông lớn chảy từ hồ Vô Nhiệt Não, không thể nào cùng".

Bồ Tát Phổ Dũng thưa: "Thưa Thế tôn, năm con sông lớn ấy tên gọi là gì?"

Đức Thế Tôn đáp: "Đó là sông Ganges, sông Sita, sông Vakshu, sông Yamuna và sông Chandrabhaga. Năm con sông lớn này đổ ra đại dương. Mỗi con sông đều có năm trăm nhánh sông đổ vào. Phổ Dũng, năm trăm nhánh sông này từ trời chảy về, mỗi nhánh sông lại có hàng ngàn nhánh sông nhỏ, nhờ vào đó mọi loài chúng sinh đều được lợi ích".

Phổ Dũng thưa: "Hàng ngàn nhánh sông nhỏ đó là gì?"

Đức Thế Tôn đáp: "Sundari có hàng ngàn nhánh sông, Samkha có hàng ngàn nhánh sông, Vahanti có hàng ngàn nhánh sông, Chitra-sena có hàng ngàn nhánh sông, Darma-vritta có hàng ngàn nhánh sông. Những con sông lớn này đều có hàng ngàn nhánh sông, làm thành suối mưa lên cõi địa cầu. Phổ Dũng, suối mưa rơi xuống tạo hoa màu, cây trái, vụ mùa. Khi rớt trên cõi địa cầu thì thành nước. Nhờ nước mà đồng ruộng vườn tược đều được thỏa thuê xanh tốt. Phổ Dũng, ví như toàn thể thế giới có một vị Luân vương nắm giữ thiên hạ, làm cho ai cũng được hạnh phúc. Chánh Pháp Sanghata cũng vậy, được tuyên thuyết trong thế giới hệ này là để chúng sinh cùng được lợi ích hạnh phúc. Chư thiên cõi trời Trayastrimsha (Tam Thập Tam) sống rất thọ, nhưng loài người thì không được như vậy. Nếu ông hỏi cõi trời Tam Thập Tam là cõi trời nào, ông phải biết đó là cõi của thiên vương Đế Thích (Indra).

Phổ Dũng, có những người khẩu nghiệp thanh tịnh, công đức nhiều không thể ví dụ được. Lại có những người khẩu nghiệp nặng nề, sinh vào địa ngục và súc sinh. Chúng sinh đau khổ trong ba cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh không có nơi nương dựa, hy vọng đứt đoạn, ấy là vì ảnh hưởng của thầy bạn không tốt. Còn kẻ khẩu nghiệp thanh tịnh, công đức không thể ví dụ, ấy là nhờ ảnh hưởng của thầy bạn tốt. Thầy bạn tốt là thiện tri thức, gặp thiện tri thức là gặp Như Lai. Gặp Như Lai thì ác nghiệp tiêu diệt cả. Vua mà làm lợi ích cho chúng sinh, chúng sinh mừng vui không thể ví dụ.

Phổ Dũng, Chánh Pháp Sanghata cũng vậy, mang đầy đủ chức năng của đấng Như Lai trong thế giới này. Ai không được nghe Chánh Pháp Sanghata thì không thể thành tựu vô thượng Bồ đề, không thể chuyển pháp luân, không thể đánh trống đại pháp, không thể ngồi tòa Sư tử chánh pháp, không thể nhập cõi Niết Bàn, không thể phóng vô lượng ánh sáng. Phổ Dũng, không nghe Chánh Pháp Sanghata này thì không có khả năng ngồi trong trái tim của giác ngộ".

Phổ Dũng hỏi: "Thưa Thế Tôn, con có điều thắc mắc, thưa Thiện Thệ, con có thể hỏi được chăng?"

Đức Thế Tôn đáp: "Phổ Dũng, ông có thắc mắc gì, Như Lai sẽ vì ông mà giải đáp".

Phổ Dũng nói: "Thưa Thế Tôn, đức Liên Hoa Tạng Như Lai có nói về vị thánh nhân giúp nhiều chúng sinh diệt nghiệp vô gián, rồi đặt từng người vào thánh vị Tu đà hoàn. Vậy vị thánh nhân đó là ai?"

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Đức Thế tôn đáp:

Phổ Dũng đại Bồ tát,
Lời nói của Như Lai
Rất thâm sâu vi diệu,
Ông hãy nghe cho kỹ.

Chính kinh Sanghata
Là Pháp sư giảng pháp,
Hóa hiện làm thánh nhân,
Hóa hiện thân Phật đà,
Nhiều như cát sông Hằng,

Sắc tướng thật phong phú.
Thân Phật nói pháp Phật,
Vén mở cả kho tàng
Tinh túy của chánh pháp.

Nếu có chúng sinh nào
Khao khát gặp đức Phật,
Thấy được Sanghata
Là thấy được Như Lai.
Sanghata ở đâu,
Như Lai ngay nơi ấy.

Đức Phật lại nói: "Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Trong quá khứ, chín mươi chín thời kỳ vô số về trước, có mười hai triệu Phật đà cùng tên là Ratnottama. Như Lai lúc ấy đang là vị đại thí chủ, chí tâm cúng dường mười hai triệu Phật đà tên Chandra, mang đồ ăn thức uống, hương thơm, hương xoa, vòng hoa, tất cả những gì có thể làm vui lòng Phật, Như Lai đều cúng dường đủ cả. Bấy giờ Như Lai được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề.

Phổ Dũng, Như Lai còn nhớ trong kiếp quá khứ có mười tám triệu Phật đà tên gọi Ratnavabhasa. Như Lai lúc bấy giờ cũng đang là vị đại thí chủ, đã cúng dường mười tám triệu Như Lai tên gọi Garbha-sena với đầy đủ vòng hoa, hương xoa, vật trang trí và trang sức, cứ điều gì thích hợp với vị Phật nào, Như Lai đều cúng dường đủ cả. Bấy giờ Như Lai được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề.

Phổ Dũng, Như Lai còn nhớ hai mươi triệu đức Phật cùng mang tên Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri Shikhi-sambhava. Phổ Dũng, Như Lai cũng nhớ hai mươi triệu đức Phật cùng mang tên Kashyapa, lúc bấy giờ Như Lai cũng đang là một vị đại thí chủ, cúng dường chư Phật với hương liệu, vòng hoa, hương xoa, hết lòng tôn kính phụng sự. Bấy giờ Như Lai được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề.

Phổ Dũng, lại có mười sáu triệu đức Phật cùng tên là Vô Cấu Quang (Vimala-prabhasa), lúc ấy Như Lai đang là một đại trưởng giả, tiền của rất nhiều. Như Lai mang hết tài sản cúng dường chư Phật, và được thọ ký tương lai sẽ thành bậc chánh giác. Tuy nhiên thời gian vẫn chưa chín mùi.

Phổ Dũng, ông hãy nghe đây. Lại có chín mươi lăm triệu đức Phật sinh ra trong thế giới, cùng tên là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri Shakyamuni. Lúc ấy Như Lai đang là vị quốc vương, mang cúng dường hương thơm, vòng hoa, hương xoa, y phục, trang sức, hương đốt, tràng phan, và được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Như Lai hãy còn nhớ rất rõ.

Phổ Dũng, lại có chín mươi triệu đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri cùng tên là Krakatsunda. Lúc ấy Như Lai đang là một thanh niên thuộc giai cấp Bà la môn, nhiều tiền lắm của, mang hết của cải ra cúng dường chư Như Lai, với hương thơm, vòng hoa, hương xoa, y phục, trang sức và đích thân phụng sự cho từng vị Như Lai, bấy giờ được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Như Lai còn nhớ. Nhưng thời gian vẫn chưa chín mùi.

Phổ Dũng, lại có mười tám triệu Phật đà, cùng tên là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri Kanakamuni. Lúc ấy Như Lai đang là vị đại thí chủ, cúng dường tất cả các bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ấy, và được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Nhưng thời gian vẫn chưa chín mùi.

Phổ Dũng, lại có mười ba triệu Phật đà, cùng tên là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri Avabhasashri. Lúc ấy Như Lai cúng dường chư Phật ấy với y phục, trang sức, hương thơm, vòng hoa, hương xoa, chăn mền và trang trí. Cần phụng sự cúng dường ra sao, Như Lai đều chu toàn đầy đủ. Các đức Như Lai ấy giải thích rộng rãi về ý nghĩa của chánh pháp cho các đệ tử, và Như Lai lúc ấy được thọ ký trong tương lai sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Nhưng thời gian vẫn chưa chín mùi.

Phổ Dũng, lại có hai mươi lăm triệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri cùng tên là Diệu Hoa (Pushya). Lúc ấy Như Lai đang là người xuất gia, cung kính cúng dường tất cả các đấng Như Lai ấy, làm những việc tôn giả A Nan ngày nay làm cho Như Lai, không sai khác. Lúc ấy Như Lai cũng được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Nhưng Như Lai còn nhớ, thời gian lúc ấy vẫn chưa chín mùi.

Phổ Dũng, lại có mười hai triệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri cùng tên là Vipashyin. Như Lai lúc bấy giờ cúng dường các bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ấy với y phục, trang sức, hương thơm, vòng hoa, hương xoa. Các đấng Như Lai ấy cần gì, Như Lai đều chu toàn đầy đủ. Vào lúc ấy, Như Lai đang là người xuất gia, và ngay lúc ấy Như Lai còn nhớ đã được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Khi đức Phật Vipashyin cuối cùng nói về Chánh Pháp Sanghata này, Như Lai nghe qua đã hiểu. Ngay lúc ấy, trên trời mưa xuống bảy loại châu báu quí giá, cõi thế gian không còn kẻ bần cùng, và cũng ngay lúc ấy, Như Lai lại được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Từ đấy về sau, trải qua một thời gian dài Như Lai không còn nhận sự thọ ký".

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Bồ Tát Phổ Dũng hỏi: "Thưa Như Lai, thời gian ấy là gì? Duyên ấy là gì?"

Đức Thế Tôn đáp: "Phổ Dũng, ông hãy nghe đây. Một thời kỳ vô số sau ngày hôm ấy, có đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri Nhiên Đăng (Dipamkara) xuất hiện trên cõi thế gian, lúc ấy, Như Lai đang là một thanh niên thuộc giai cấp Bà la môn tên là Megha. Khi Như Lai Nhiên Đăng nhập thế, Như Lai đang tu phạm hạnh dưới dạng Bà la môn. Khi gặp Như Lai Nhiên Đăng, thanh niên ấy rải bảy nhánh hoa ưu đàm cúng dường, hồi hướng vô thượng Bồ đề. Bấy giờ Như Lai Nhiên Đăng thọ ký cho thanh niên ấy sẽ thành đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri tên Thích Ca Mâu Ni.

"Phổ Dũng, khi ấy, Như Lai ngồi trong không gian, cao bằng mười hai cây Đa la, đạt vô sinh pháp nhẫn. Như Lai nhớ rõ như mới hôm qua, Như Lai thấy rất rõ tất cả những gốc rễ điều lành mà Như Lai đã cấy trồng từ khi xuất gia tu phạm hạnh trải qua vô số kiếp, và đạt được những đức tính toàn hảo. Phổ Dũng, ngay từ thời gian ấy Như Lai đối với vô số lần trăm ngàn triệu tỷ chúng sinh, đã phát nguyện dẫn dắt từng người vào với chánh pháp, huống chi bây giờ Như Lai đã thành tựu vô thượng Bồ đề, sẽ vì chúng sinh mà tạo lợi ích lớn lao. Phổ Dũng, Như Lai sẽ dạy cho chúng sinh Phật pháp vi diệu thậm thâm. Chúng sinh có nhu cầu gì, Như Lai sẽ dạy Phật pháp phù hợp với nhu cầu ấy. Ở cõi Trời, Như Lai dùng thân Trời để dạy Phật pháp. Ở cõi Rồng, Như Lai dùng thân Rồng để dạy Phật pháp. Ở cõi Dạ xoa, Như Lai dùng thân Dạ xoa để dạy Phật pháp. Ở cõi quỷ đói, Như Lai dùng thân quỷ đói để dạy Phật pháp. Ở cõi người, Như Lai dùng thân người để dạy Phật pháp. Chúng sinh nào cần Phật dạy dỗ, Như Lai liền hiện thân Phật để dạy dỗ. Chúng sinh nào cần Bồ tát dạy dỗ, Như Lai liền hiện thân Bồ tát để dạy dỗ. Bất cứ chúng sinh cần gì, Phật hóa hiện thân ấy để dạy Phật pháp. Phổ Dũng, Như Lai dùng đủ loại sắc tướng để dẫn dắt chúng sinh.

Phổ Dũng, vì sao Như Lai lại dùng nhiều sắc tướng như vậy? Là vì để chúng sinh tích lũy nhiều loại thiện căn. Chúng sinh sẽ tu hạnh thí, tạo công đức, quên cả nghỉ ngơi để tự cứu mình, sẽ hành thiền, sẽ không quên sinh tử, thiện nghiệp nào có thể làm được, họ đều làm đủ. Nhờ nghe chánh pháp, họ sẽ nhớ lại gốc rễ điều lành đã làm trong quá khứ. Làm như vậy là để nhắm vào lợi lạc lâu dài trong cõi trời và người.

Phổ Dũng, chúng sinh ấy khi được nghe Chánh Pháp Sanghata, mọi đức tính, mọi lợi lạc, mọi thiện căn sẽ tức thì trở nên không giới hạn.

Lúc bấy giờ, chúng sinh ấy sẽ nói với nhau như sau: "Với những việc đã làm, đã thu thập, nhất định phải có một pháp hiển lộ thành tựu chánh đẳng giác, và quả lành là tâm nguyện lợi lạc chúng sinh sẽ thành thục viên mãn".

Chúng sinh tin tưởng trong sáng nơi Phật pháp, sẽ nói: "Có một Pháp hoàn toàn phù hợp với thực tướng của sự vật", từ đó mà phát sinh quả lành là đại lạc vô thượng của chánh pháp. Còn chúng sinh nào mê muội, điên rồ, nói rằng các pháp không có, và cũng không có gì siêu việt các pháp, từ đó mà phát sinh quả dữ là đọa vào ác đạo, đời đời kiếp kiếp đâm đầu vào cõi dữ. Tám kiếp chịu khổ đau địa ngục. Mười hai kiếp chịu khổ đau quỷ đói. Mười sáu kiếp sinh cõi A tu la. Chín ngàn kiếp sinh làm ác quỷ yêu tinh. Quả dữ cạn rồi lại sinh vào loài người, nhưng mười bốn ngàn kiếp sinh ra không lưỡi. Mười sáu ngàn kiếp chết trong thai mẹ. Mười hai ngàn kiếp sinh làm hòn thịt. Mười một ngàn kiếp sinh làm người mù, chịu mọi khổ đau, khiến cha mẹ nghĩ rằng: "Thật phí công sinh dưỡng, sinh ra đứa con này chẳng để làm gì, mang nặng chín tháng chỉ hoài công". Phải chịu nóng lạnh, đói khát, khổ đau bức bách. Dù có được một đứa con mà bậc cha mẹ vẫn cảm thấy tuyệt vọng, không chút niềm vui.

Phổ Dũng, chúng sinh nào từ bỏ chánh pháp, phải chịu luân hồi trong cõi địa ngục và súc sinh. Đến lúc mạng chung phải chịu đớn đau cơn hấp hối. Phổ Dũng, người nào nói rằng: "Các pháp có thật, và có người siêu việt các pháp", nhờ thiện căn đó mà sinh vào phương Bắc cõi Uttara-kurus. Hai mươi lăm ngàn kiếp sinh vào cõi trời Trayastrimsha (Tam Thập Tam), khi quả báo ấy cạn thì lại sinh vào phương Bắc cõi Uttara-kurus, sẽ không sinh từ thai mẹ, sẽ thấy một trăm ngàn thế giới, đều là cõi Sukhavati (Tịnh Độ), sẽ thấy tất cả các cõi Phật, an trú nơi ấy, tại nơi ấy thành tựu vô thượng Bồ đề.

Phổ Dũng, diệu dụng của kinh Chánh Pháp Sanghata là vậy. Chúng sinh nào tin tưởng sâu xa kinh này sẽ không bao giờ chết trong sự sợ hãi, sẽ đầy đủ đức hạnh.

Phổ Dũng, có người tự hỏi: "Như Lai ngày đêm giải thoát vô lượng chúng sinh, vậy mà số lượng chúng sinh trong cõi luân hồi vẫn không giảm. Có nhiều người giác ngộ, hoặc sinh vào cõi trời, hoặc được nguồn an lạc, vậy tại sao chúng sinh luân hồi vẫn không giảm bớt?"

Lại có những người tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể, có ý nghĩ như sau: "Chúng ta phải đến chất vấn Cồ Đàm về điều này". Tám mươi bốn ngàn Bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang cùng hàng trăm người khổ hạnh lõa thể cùng kéo đến thành Vương Xá. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn mỉm miệng cười.

Thấy vậy, đại bồ tát Di Lạc từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quỳ xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế Tôn, thưa rằng: "Thưa Thế Tôn, vì lý do gì mà Thế Tôn mỉm miệng cười? Không phải vô cớ mà đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri lại mỉm cười như vậy".

Đức Thế Tôn nói: "Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Ngày hôm nay, có một đoàn người rất đông sẽ tiến đến thành Vương Xá này".

Bồ tát Di Lạc hỏi: "Thưa Thế Tôn, ai sẽ đến đây? Trời, rồng, dạ xoa, loài người hay loài không phải người (phi nhân)?"

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Đức Thế Tôn đáp: "Di Lạc, tất cả trời, rồng, dạ xoa, loài người và loài không phải người đều sẽ đến đây ngày hôm nay. Cả tám mươi bốn ngàn Bà la môn cũng sẽ đến; chín mươi ngàn triệu tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể cũng sẽ đến đây chất vấn Như Lai. Như Lai sẽ nói pháp cho họ nghe, khiến tan biến mọi hý luận, nghi hoặc. Các vị Bà la môn sẽ phát tâm vô thượng Bồ đề, chín ngàn triệu tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể sẽ đạt quả Tu đà hoàn. Mười tám ngàn triệu Long vương sẽ đến, nghe Như Lai thuyết pháp. Nghe xong họ sẽ phát tâm vô thượng Bồ đề. Sáu mươi ngàn triệu thiên tử cõi trời thanh tịnh sẽ đến. Ba mươi ngàn triệu Thiên ma cùng tùy tùng sẽ đến. Mười hai ngàn triệu A tu la vương sẽ đến. Các vị đại vương, tất cả có năm trăm, cùng tùy tùng cũng sẽ đến nghe pháp. Tất cả sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, đều sẽ phát tâm vô thượng Bồ đề".

Nghe vậy, đại bồ tát Di Lạc mang đỉnh đầu lạy ngang chân đức Thế Tôn, theo hướng bên phải của đức Thế Tôn đi quanh ba vòng, rồi thân hình biến mất ngay nơi ấy.

Đại Bồ Tát Phổ Dũng lúc ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quỳ xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế Tôn, thưa rằng: "Thưa Thế Tôn, năm trăm vị đại vương sẽ đến đây, đại danh của họ là gì?"

Đức Thế Tôn đáp, "Phổ Dũng ông hãy nghe đây. Trong số các vị đại vương ấy có:
- Đại vương Hoan Hỷ (Nanda).
- Đại vương Diệu Hỷ (Sunanda).
- Đại vương Tối Thượng Hỷ (Upananda).
- Đại vương Nhân Tiên (Jinarsabha).
- Đại vương Tịnh Quân (Brahma-sena).
- Đại vương Phạm Ân (Brahma-ghosha).
- Đại vương Thiện Kiến (Sudarshana).
- Đại vương Thắng Quân (Jayasena).
- Đại vương Hỷ Quân (Nanda-sena).
- Đại vương Tần Bà Sa La (Bimbi-sara).
- Đại vương Ba Tư Nặc (Prasena-jit).
- Đại vương Tăng Trưởng (Virudhaka).

Các vị đại vương nói trên cùng nhiều vị khác, tất cả năm trăm vị, mỗi vị dẫn theo một trăm ngàn triệu tùy tùng. Tất cả đều hướng tới vô thượng Bồ đề, ngoại trừ đại vương Tăng Trưởng (Virudhaka)."

Ba mươi ngàn triệu Bồ tát đang đến từ phương Đông. Năm mươi ngàn triệu Bồ tát đang đến từ phương Nam. Sáu mươi ngàn triệu Bồ tát đang đến từ phương Tây. Tám mươi ngàn triệu Bồ tát đang đến từ phương Bắc. Chín mươi ngàn triệu Bồ tát đang đến từ không gian phía dưới. Một trăm ngàn triệu Bồ tát đang đến từ không gian phía trên, các vị Bồ tát này đều an trú thập địa, từ mười phương tiến về thành Vương Xá, đỉnh Linh Thứu, để hội diện cùng đức Thế Tôn. Tất cả các vị Bồ tát này đều mang tâm hướng về vô thượng Bồ đề.

Lúc ấy, Phật bảo đại Bồ tát Phổ Dũng:

- Phổ Dũng, ông hãy đến mười phương thế giới, báo với tất cả các vị Bồ tát rằng: "Hôm nay, tại thành Vương Xá, Như Lai sẽ tuyên thuyết chánh pháp, mời tất cả những ai trú trong mười phương thế giới hãy hoan hỷ tùy thuận, chắp tay đảnh lễ". Ông hãy khéo đi nhanh, rồi về đây nghe Pháp.

Nghe xong, đại Bồ tát Phổ Dũng từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn, đi quanh đức Thế Tôn ba vòng theo chiều bên phải rồi vận dụng thần thông làm cho thân hình biến mất ngay nơi ấy.

Đại Bồ tát Phổ Dũng theo lời đức Thế Tôn, đi đến mười phương thế giới báo tin cho các vị Bồ tát: "Hôm nay Như Lai sẽ nói chánh pháp nơi thành Vương Xá. Xin quí Bồ tát hãy tùy thuận hoan hỷ, cất lời tán thán lành thay, nhờ vào đó ngày hôm nay chư vị sẽ được lợi ích, thành tựu đại lạc".

Đại Bồ tát Phổ Dũng đi như vậy khắp cả mười phương thế giới, cung thỉnh vấn an mọi đấng Phật đà, báo tin cho chư Bồ tát, chỉ trong thời gian một búng tay đã trở về lại thành Vương Xá, cạnh đức Thế Tôn.

Tất cả Bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể đều về tụ họp. Các loài trời, rồng, loài người và loài không phải người, cùng năm trăm vị đại vương và tùy tùng. Ba mươi ba ngàn triệu ma vương ác hiểm cũng tụ họp cùng tùy tùng.

Lúc bấy giờ thành Vương Xá chấn động, trên trời mưa xuống bụi trầm hương thơm ngát, lại mưa xuống những đóa hoa trời, kết thành cung điện nguy nga trên chóp đỉnh đức Thế Tôn. Cũng vào lúc ấy, thiên vương Đế Thích thả sấm sét xuống trước mặt Như Lai. Bốn ngọn gió lớn nổi lên từ bốn hướng, quét sạch bụi uế trong thành. Mười phương thế giới mưa xuống những hạt nước thơm trong, rồi lại mưa xuống hoa ưu đàm, hoa sen (Padmas), hoa sen vàng (Kumudas), hoa sen trắng (Pundarikas), kết thành chiếc lọng hoa rực rỡ trên đầu chư vị trong Pháp hội, lại kết thành tám mươi bốn ngàn lầu thành bất động ngay trên đỉnh đầu đức Như Lai. Nơi tám mươi bốn ngàn lầu thành kết bằng hoa quí ấy có tám mươi bốn ngàn pháp đàn kết bằng bảy loại ngọc báu. Trên mỗi pháp đàn có một đấng Như Lai đang tuyên giảng chánh pháp. Khi ấy tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Đại Bồ tát Phổ Dũng thấy vậy chắp tay cung kính hướng về đức Thế Tôn hỏi: "Thưa Thế Tôn, vì lý do gì mà thành Vương Xá hôm nay lại có điềm lành hy hữu như vậy?"

Đức Thế Tôn nói:

- Ví dụ có lần vua xoa đầu một người tâm trí bất định, kiêu mạn, ích kỷ, xem vật gì cũng là của mình, lại rất nghèo. Người ấy đến trước cung vua, nhất định đòi vào cung. Quan quân bắt lại, đánh đập thê thảm. Ngay lúc ấy, vua nghe có người khăng khăng đòi xông vào cấm điện, nghĩ rằng người này muốn giết ta. Nghĩ vậy vua nổi giận, nói với quần thần, hãy mang hắn lên vách núi giết quách đi. Giết luôn tất cả những gì thuộc về hắn, cha mẹ, con cái, tôi tớ giúp việc. Theo lịnh vua, cả gia tộc người kia bị giết cả. Thân nhân rơi vào cảnh ngộ cực kỳ bi thảm. Phổ Dũng, tương tự như vậy, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri vừa tuyên thuyết chánh pháp cho chúng sinh. Kẻ phàm phu ấu trĩ cũng như kẻ kiêu ngạo điên rồ kia, thấy được sắc tướng bên ngoài, hình dạng, màu sắc, giới phái, dung mạo lại cho rằng đây chính là thân Phật. Người như vậy nghe càng nhiều Phật pháp thì lại càng kiêu mạn, ham nói lời vô nghĩa. Dần dà chỉ còn biết có mình, ích kỷ thiển cận, tự mình không nghe chánh pháp, lại càng không thể thuyết chánh pháp. Nếu có ai nói kinh, dù chỉ một bài kệ bốn câu, họ cũng chẳng chuyên chú nghe, chẳng cố gắng hiểu, cho rằng ta thừa biết rồi. Vì sao? Vì kiêu mạn, thấy mình học rộng nên quay lại chiêm ngưỡng trí tuệ của chính mình. Những người giao du với kẻ phàm phu ấu trĩ như vậy sẽ không sống thuận theo chánh pháp, sẽ không nghe được lời thuận với chánh pháp, vì biết nhiều nên trở nên ngạo mạn. Lại hay viết thi kệ, kinh điển, tự viết lời giới thiệu. Họ mang bất hạnh lớn đến cho người khác và cho chính mình. Họ cũng ăn đồ cúng dường của khách thập phương, ăn rồi không tiêu hóa nổi. Đến lúc gần chết, chịu nỗi sợ hãi lớn lao. Người xung quanh mới hỏi: "Ông đã dùng trí tuệ tinh xảo, dẫn dắt rất nhiều người, nay sao lại không thể an định cho chính mình?" Người ấy nói: "'Này các đạo hữu, nay tôi không thể an định cho chính mình". Khi ấy mọi người mới kinh hoàng khóc than đủ cách. Vì hành động của một người mà thân nhân quyến thuộc vô tội bị họa lây. Tương tự như vậy, những người kia khi gần chết cất tiếng khóc than, thấy mình bị trói buộc vào cõi địa ngục, vào thai súc sinh, tất cả chỉ vì lầm lẫn noi theo bạn đạo không tốt.

Vì vậy, Như Lai nói với các ông, hỡi các vị Bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, các ông đừng khinh mạn. Chim non chưa mọc cánh, chưa thể vượt trời rộng bay đến cõi Trời. Các ông cũng vậy, không thể đạt Niết Bàn. Thần lực ấy, các ông chưa có. Vì sao? Vì xét về nghiệp quả, nghiệp của các ông so với nghiệp sinh vào kiếp chim chẳng khác, thân xác chẳng bao lâu sẽ rã tan trong cái chết. Đến khi gần chết, vị giác mất cả, chỉ còn nỗi sợ hãi lớn lao, nghĩ rằng: "Vì sao ta lại bám giữ xác thân này, đã không vui được nỗi vui của trời và của người, lại không thể trú ở Niết Bàn, bám giữ thân này vô ích như vậy, rồi tương lai sẽ tái sinh cõi nào? Đâu sẽ là nơi cho ta nương tựa? Rồi ta sẽ sinh vào đâu, sẽ diệt về đâu?"

Đức Thế Tôn lại nói với những người tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể và Bà la môn: "Các ông đối với cõi Diêm phù đủ bảy loại ngọc báu này đừng bao giờ tuyệt vọng. Đừng tự loại mình ra khỏi kho tàng chánh pháp. Có gì nghi hoặc, các ông hãy hỏi Như Lai, Như Lai sẽ toàn thành mọi ước nguyện cho các ông".

Lúc bấy giờ, các vị Bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang và khổ hạnh lõa thể đứng lên từ chỗ ngồi, lấy tay áo che vai, chắp tay hỏi đức Thế Tôn: "Đức Thế Tôn ngày đêm lúc nào cũng giải thoát chúng sinh ra khỏi luân hồi không lơi nghỉ, vậy tại sao số lượng của chúng sinh trong luân hồi vẫn không tăng không giảm? Thưa Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà chúng sinh vẫn triền miên sinh diệt không hề giảm?"

Lúc ấy, đức Thế Tôn nói với đại Bồ tát Dược Quân: "Dược Quân, người ngoại đạo mặc áo giáp tinh tấn, nêu lên vấn đề hệ trọng, có khả năng xua tan phiền não, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp. Đúng thật như vậy, Dược Quân, sau này chúng sinh nhiều tuổi hay ít tuổi sẽ hiểu cảnh sinh diệt luân hồi. Dược Quân, cũng có chúng sinh nhiều tuổi, giống như người ít tuổi, mê muội chẳng biết gì.

Dược Quân, ví như có người gội đầu, mặc áo mới, bước ra đường. Ai thấy cũng khen đẹp. Lại có người cũng gội đầu, giặt áo cũ. Đầu tuy gội, nhưng áo đã cũ không đẹp. Dược Quân, người nhiều tuổi cũng như áo cũ, không thể làm đẹp cõi Diêm phù. Còn người ít tuổi thì lại hiện tướng sinh diệt".

Lúc ấy các Bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang và khổ hạnh lõa thể đứng dậy hỏi đức Thế Tôn: "Thưa Thế Tôn, trong chúng tôi, ai là người nhiều tuổi, ai là người ít tuổi?"

Đức Thế Tôn đáp: "Nhiều tuổi là chúng sinh triền miên trong cảnh khổ đau luân hồi ác đạo mà không thấy đủ, vậy các ông đều là người nhiều tuổi".

Khi ấy tất cả Bà la môn cùng các Long vương thưa với đức Thế Tôn: "Thưa Thế Tôn, chúng tôi không còn ham thích phiền não khổ đau trong luân hồi".

Những người tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang và khổ hạnh lõa thể lại nói: "Trong số những người ít tuổi, không có ai lại có khả năng trực nhận chân tướng của thực tại".

Đại Bồ tát Dược Quân lúc bấy giờ thưa cùng đức Thế Tôn: "Thưa Thế Tôn, hãy xem họ kìa. Sao tinh tấn lại khó đến như vậy".

Đức Thế Tôn nói: "Dược Quân, ông hãy lắng nghe. Bây giờ Như Lai sẽ thu nhiếp toàn bộ thế giới".

Lúc ấy, chín mươi bốn ngàn triệu người mới sinh đứng trước mặt Như Lai, không thưa, không chào, cũng không hỏi đáp gì với Như Lai, chỉ đứng yên lặng như vậy. Đại Bồ tát Dược Quân hỏi Như Lai: "Kính thưa Như Lai, vì lý do gì họ đến trước Như Lai lại không thưa không nói, không chào, không hỏi?" Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, những ai nói rằng người ít tuổi không thể trực nhận chân tướng của thực tại thì nên gặp những người ít tuổi này".

Những người ấy nói: "Thưa Thế Tôn, chúng con là người ít tuổi. Thưa Thiện Thệ, chúng con là người ít tuổi".

Đức Thế Tôn nói: "Các ông hãy trực nhận thế giới này rồi dùng thân của các ông để thị hiện phạm vi của thế giới".

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Lúc ấy, chín mươi bốn ngàn triệu người ít tuổi không rời thân mình, trụ giữa không gian, an trú thập địa. Đại Bồ tát Dược Quân cất lời tán thán: "Thưa Thế Tôn, những người này tinh tấn vượt bực, khéo đạt pháp diệt, khéo vượt sinh tử luân hồi. Thưa Thế Tôn, họ mới sinh ra hôm nay, cũng ngay trong ngày hôm nay họ được giải thoát, bước vào thập địa".

Khi ấy, các Bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể, các vị Long vương, ma vương cùng tùy thuộc, lúc đầu toan đến phá rối, bây giờ đều cất tiếng nói với đức Thế Tôn: "Thưa Thế Tôn, chúng con đến trước mặt Như Lai, nghe được chánh pháp này, sinh lòng tin tưởng trong sáng nơi Phật, Pháp. Nguyện an lạc như Như Lai an lạc, nguyện thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, trong thế giới này".

Đức Thế Tôn nói: "Tốt lắm, tốt lắm! Bất luận các ông đến gặp Như Lai như thế nào, nghe được Chánh Pháp Sanghata này rồi phát tâm vô thượng Bồ đề, nhờ gốc rễ điều lành ấy, các ông sẽ mau chóng thành tựu chánh đẳng chánh giác".

Đức Thế Tôn nói xong, tất cả người ngoại đạo tức khắc đạt vô sinh pháp nhẫn, chứng quả thập địa Bồ tát. Rồi cùng thăng lên không gian cao bằng bảy cây Đa la, dùng thần lực hóa hiện lầu thành bằng bảy loại ngọc quí, cúng dường Như Lai, thị hiện phong phú, thi triển thần thông. Họ lại hiện ở khoảng không phía trên đức Thế Tôn, rãi hoa quí lên mình Như Lai, chiêm bái Như Lai, quán thân mình là thân Phật.

Bấy giờ, hàng trăm ngàn triệu tỷ thiên tử đang đứng trên tầng không đồng loạt mang hoa báu rãi trên mình Như Lai, đọc bài kệ này:
Sa môn Cồ Đàm
Là bậc tối thắng,
Là đại phước điền,
Là đại cứu độ,
Thành tựu Tam muội,
Trí biết cùng khắp,
Tròn đầy viên mãn.
Đối với chúng sinh
Trầm luân luân hồi,
Ngài luôn vận dụng
Phương tiện thiện xảo,
Lần lượt cứu độ
Tất cả mọi loài,
Không sót một ai.
Dù chỉ một lời
Cũng đủ giải thoát
Biết bao hữu tình.

Bấy giờ đại Bồ tát Dược Quân từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quỳ xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế Tôn thưa rằng: "Thưa Thế Tôn, vì lý do gì mà những vị thiên tử này lại hát bài kệ, thị hiện thần thông, dùng lời phong phú thiết tha tán dương công hạnh của Như lai như vậy?"

Đức Phật bảo: "Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Không phải họ tán dương Như Lai mà tán dương chính bản thân họ. Rồi họ sẽ đặt thân mình làm tòa Pháp, sẽ đặt thân mình làm tòa Pháp vô thượng, sẽ từ thân mình phóng ra ánh sáng chánh pháp, sẽ được tất cả Như Lai giữ gìn cho họ thành tựu vô thượng Bồ đề, rồi chuyển pháp luân, giảng giải sâu rộng về chánh pháp thâm diệu".

Lúc ấy đại Bồ tát Dược Quân thưa với đức Thế Tôn: "Thưa Thế Tôn, mỗi ngày đêm, có biết bao nhiêu chúng sinh được giải thoát, sao đến nay luân hồi vẫn chưa cạn?"

Đức Thế tôn đáp: "Tốt lắm, Dược Quân, ông hỏi Như Lai như vậy là tốt lắm. Ông hãy nghe đây. Ví như có một phú ông, tiền rừng bạc biển. Người ấy có nhiều tiền, nhiều hạt, nhiều kho bồ, nhiều gia nô, tá điền. Lại có rất nhiều tài sản, ruộng vườn, lúa mạch, lúa mì, lúa gạo, hạt mè, hạt đậu cả trăm giống loại đều dồi dào đầy đủ. Mùa Xuân gieo hạt, sang Thu hạt chín gặt về chất vào kho. Hạt về tới kho, giống nào cất riêng giống nấy, ăn dần cho đến mùa xuân năm sau lại mang hạt ra cấy. Dược Quân, chúng sinh cũng vậy, trong quá khứ tạo được thiện nghiệp, luôn tìm phước điền để tạo thiện căn. Nhờ được thiện căn mà tinh tấn hành trì chánh pháp, khiến thiện pháp tăng thêm. Nhờ thiện pháp tăng mà thân tâm được hỉ lạc, tri túc, và nhờ đó mà trải qua hàng ngàn triệu kiếp thiện căn vẫn không bị phí uổng.

Dược Quân, Bồ tát mới phát tâm cũng vậy, nhờ phát tâm Bồ đề dũng mãnh mà thiện căn không hư hoại, nắm giữ các pháp trong dạng tinh túy nhất". Đại Bồ tát Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, Bồ tát mới phát tâm, trong mơ thường thấy gì?"

Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, Bồ tát mới phát tâm trong mơ thường thấy cảnh dữ. Vì sao? Vì Bồ tát mới phát tâm đang giải nghiệp cũ. Dược Quân, gieo ác nghiệp rồi không thể tránh khổ đau. Nhưng Bồ tát thấy cảnh dữ trong mơ thì tâm không khiếp sợ".

Dược Quân lại hỏi: "Thưa Thế Tôn, Bồ tát mới phát tâm, trong mơ thường thấy cảnh dữ gì?"
Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, Bồ tát mới phát tâm, một là mơ thấy lửa cháy, khi ấy phải nghĩ rằng, lửa này đốt tan tham dục. Dược Quân, hai là mơ thấy nước xoáy, Bồ tát mới phát tâm cũng không sợ hãi. Vì sao? Dược Quân, vì như vậy là có thể ném bỏ mọi ràng buộc đến từ vô minh, thanh tịnh ác nghiệp. Dược Quân, ba là mơ thấy cảnh tượng cực kỳ dữ dằn".

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Dược Quân hỏi: "Là cảnh gì, thưa Thế Tôn?"

Đức Thế Tôn đáp: "Thấy đầu mình bị chém. Dược Quân, lúc ấy Bồ tát mới phát tâm cũng không sợ hãi. Vì sao? Vì lúc ấy nghĩ rằng, tham, sân, si ta chặt lìa. Luân hồi sáu cõi, ta chiến thắng cả. Bồ tát mới phát tâm sẽ không bao giờ vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la, Rồng, Trời, mà chỉ sinh vào cõi Phật thanh tịnh. Dược Quân, trong tương lai, ở một thời về sau, nếu có ai có được niệm Bồ đề, phải nên thấy người ấy mang đại nguyện. Dược Quân, mặc dù người ấy sẽ bị trách móc, khinh rẻ. Dược Quân, khi ấy Bồ tát đã phát tâm Bồ đề không được sinh tâm buồn nản, chán chường".

Dược Quân, pháp Như Lai dạy nhiều vô kể. Cả trăm ngàn lần vô số kiếp Như Lai siêng tu phạm hạnh. Dược Quân, việc khó làm Như Lai đều làm cả, không vì tiền tài thế lực, không vì mưu cầu hạnh phúc thế gian, cũng không vì thần thông. Dược Quân, việc khó làm Như Lai gánh hết, chỉ để hiểu được chân tướng của thực tại. Trước khi được nghe Chánh Pháp Sanghata, Như Lai không được quả vô thượng Bồ đề. Ngay lúc được nghe Chánh Pháp Sanghata, Như Lai đạt vô thượng Bồ đề.

Vậy ông phải biết Chánh Pháp Sanghata là pháp cực kỳ sâu xa vi diệu. Dược Quân, cho dù cả trăm ngàn lần vô số kiếp cũng hiếm mà được nghe Chánh Pháp Sanghata. Dược Quân, Như Lai xuất thế là điều cực kỳ hiếm hoi. Người thọ trì Chánh Pháp Sanghata cũng cực kỳ hiếm hoi. Tất cả những ai được nghe chánh pháp này sẽ thành tựu vô thượng Bồ đề. Dược Quân, người ấy trong một trăm ngàn kiếp sẽ vượt thoát luân hồi, sẽ sinh vào cõi Phật thanh tịnh, sẽ đủ khả năng biết rõ các pháp Diệt và Đạo, biết rõ cội nguồn của chánh pháp, biết rõ thiện xứ, biết rõ và trực chứng thiện xứ, biết rõ thiện xứ và pháp diệt của thiện xứ. Dược Quân, ông có biết nói "diệt" là nghĩa gì?

Dược Quân đáp: "Thưa Thế Tôn, diệt chính là pháp xứ".

Đức Thế Tôn lại hỏi: "Pháp xứ là gì?"

Dược Quân đáp: "Thưa Thế Tôn, pháp xứ là tinh tấn, trì giới, và giới hạnh đầy đủ. Như vậy gọi là Pháp tạng, các pháp từ kho tàng chánh pháp này mà khởi sinh".

Đức Thế Tôn nói: "Hay lắm, Dược Quân. Ông trước Như Lai đáp được nghĩa này, thật là hay lắm".

Dược Quân hỏi: "Thưa Thế tôn, vì lý do gì các đấng Như Lai xuất hiện cõi thế?"

Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, người nào biết về kho tàng trí tuệ thì sẽ biết tướng hiện của Như Lai. Biết được tướng hiện của Như Lai thì biết tướng hiện của Như Lai là nơi an lạc thắng diệu. Rồi khi Như Lai xuất hiện cõi thế, người ấy sẽ thông đạt các pháp, nhờ khéo léo phương tiện mà biết rõ mọi việc thế gian và xuất thế gian, lại biết rõ về trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian".

Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, được trí tuệ rồi, làm sao chứng Niết Bàn?"

Đức Thế Tôn đáp:

- Dược Quân, biết chân tướng của Pháp thì biết được Niết Bàn. Dược Quân, tương tự như vậy, biết được chánh pháp trong dạng tinh túy nhất thì chứng ngộ đầu tiên khởi sinh. Giữ gìn chánh pháp trong tâm đúng như được nghe thì thu nhiếp được chánh pháp. Dược Quân, giống như một thương gia, đi xa làm giàu, thu góp vàng bạc của người và của mình được ngàn nén vàng. Trước khi lên đường, cha mẹ dặn dò: "Con yêu quí, mang vàng bạc của mình và của người, nhiều những ngàn nén, phải thận trọng đừng để thất thoát uổng phí đi. Kiếm được nhiều lợi, phải giữ vàng cho cẩn thận. Đó là sẽ món lợi lớn cho chúng ta, cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc". Người con đáp: "Con sẽ cẩn thận". Rồi mang vàng lên đường.

Thương gia mang vàng lên đường, chưa đầy tháng, số vàng đã phần mất phần phung phí, một nén cũng không còn. Người ấy buồn rầu lo nghĩ, trái tim đau nhức bởi mũi tên sầu muộn. Quá lo lắng xấu hổ, người ấy không tìm về lại nhà. Cha mẹ ở nhà nghe tin, trái tim đau nhức tuyệt vọng. Họ khóc vật vã, xé áo xé quần, nói rằng: "Thằng con bất hiếu! Vì nó mà cả nhà bị vạ lây! Đã không làm được gì cho cha mẹ, lại còn biến tất cả thành kẻ tôi đòi". Cha mẹ người ấy vì quá sầu khổ tuyệt vọng nên qua đời. Người con cũng vì quá sầu khổ tuyệt vọng mà qua đời. Dược Quân, tương tự như vậy, mặc dù Như Lai đã có lời giải thích, nhưng đám người kia không tin lời Như Lai, đến nỗi tự mình tách lìa chính mình ra khỏi ngọc báu chánh pháp, tuyệt vọng mà tìm cái chết, khi lìa đời trái tim đau nhức bởi mũi tên sầu muộn. Cũng như cha mẹ người kia, vì ham vàng mà khóc than vật vã, tâm thần xáo trộn tột bực, chỉ vì vàng bạc của mình và của người. Tương tự như vậy, Dược Quân, ai không tin lời Như Lai, tâm bất an, chịu đủ loại phiền não khi gần kề cái chết. Quá khứ làm được điều lành, đạt được cõi tái sinh tốt đẹp nhưng không biết tiếp tục tích lũy thiện nghiệp, để nghiệp báo cạn hết, tâm chìm trong phiền não. Bấy giờ thấy cảnh kinh hoàng cõi địa ngục, thai súc sinh và thế giới Diêm Vương, lại nghĩ, ai che chở cho tôi? Để tôi khỏi thấy cảnh địa ngục, súc sinh, quỷ đói, cõi Diêm Vương, để tôi khỏi đớn đau nơi đó". Người con lâm bịnh, thần trí mê sảng, trôi dần vào cõi chết. Cha mẹ nói:
Con yêu của cha mẹ,
Dù đau đớn tật bịnh
Là điều kinh hãi nhất
Nhưng con ơi đừng sợ
Con không thể nào chết.
Kẻ chết mới sợ bịnh
Con yêu hãy vững tin
Cho dù là tật bịnh
Hay sợ hãi tật bịnh
Rồi con sẽ thoát cả.
(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Người con đáp: "Thần thức mê mờ, thân thể nhức nhối, tứ chi đớn đau. Con thấy con đang chết. Mắt không thấy, tai không nghe, thân không cảm, tứ chi thúc đau như khúc gỗ vô tri. Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ nói cho con nghe, cái chết vẫn chưa đến đi mẹ!"

Người mẹ đáp: "Đừng nói vậy, con yêu. Con đừng làm mẹ sợ. Con chỉ sốt nóng mê sảng đó thôi".

Người con nói: "Con không cảm thấy thân con đang sốt, bịnh, hay đau. Chỉ thấy cái chết bủa vây bức bách. Ai cứu con đây? Ai sẽ là người che chở cho con?"

Cha mẹ bảo rằng: "Con trai yêu ơi, con khổ như vậy chắc là vì thần linh đang giận dữ. Hay là đến cúng tế để xin họ che chở cho con?"

Người con nói: "Xin cha mẹ giúp cho con được yên ổn. Cha mẹ hãy đi nhanh, đến đền thờ cầu khẩn nhanh nhanh".

Cha mẹ người ấy đến đền thờ, cúng hương bái thần linh. Cúng hương rồi, người giữ đền nói: "Thần linh đang nổi giận với các người. Các người phải cúng tế đúng phép thì mới được yên.
Cần phải giết một người để tế máu, con của các người sẽ khỏi bịnh". Khi ấy, cha mẹ người kia bàn với nhau: "Phải làm sao bây giờ? Chúng ta quá nghèo. Nếu thần linh không vui, con mình sẽ chết uổng, còn nếu khiến được thần linh vui, con mình sẽ được chở che. Thôi thì dù nghèo cũng nên kiếm cho ra một nạn nhân tế thần". Bàn xong họ chạy vội về nhà, có được chút gì họ bán đi cả, vét hết tiền bạc, lại đi vay thêm của người, hẹn mười ngày không trả được sẽ đến đợ thân trả nợ. Gom đủ vàng, họ liền mua một nạn nhân. Mua xong, nạn nhân ấy vẫn không biết mình sẽ thành vật tế thần. Cha mẹ người kia như cuồng như dại, không về nhà mà đi thẳng đến đền thờ, nói với người giữ đền: "Xin hãy chuẩn bị việc tế thần cho nhanh". Rồi tự tay giết nạn nhân kia, cướp đi mạng sống của người ấy. Người giữ đền đốt mỡ lên làm đồ cúng, bắt đầu lễ tế thần. Lúc ấy thần linh giáng xuống, nói rằng: "Ta sẽ thâu nhận con trai các người". Cha mẹ người ấy vui mừng nhảy nhót, nói với nhau: "Vậy là con mình tai qua nạn khỏi, dù chúng ta có phải sống kiếp tôi đòi cũng cam tâm". Nói xong bái tạ thần linh, quay trở về nhà. Tới nhà thấy ra con mình đã chết. Cha mẹ đau lòng quá độ, chết ngay tại chỗ. Dược Quân, cần phải thấy giao du với người bất thiện tai hại đến như vậy".

Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, xin cho con hỏi một điều".

Đức Thế Tôn nói, "Dược Quân, ông cứ hỏi".

Dược Quân nói: "Thưa Thế Tôn, những người kia chết rồi sinh về đâu?"

Đức Phật nói: "Thôi, Dược Quân, ông đừng hỏi việc ấy".

Dược Quân đáp: "Xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi nói cho chúng con được biết"

Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, người mẹ sinh vào địa ngục Khóc than (Hào khiếu). Người cha sinh vào địa ngục Núi đè (Chúng hợp). Người con sinh vào địa ngục Nóng (Viêm nhiệt). Người giữ ngôi đền sinh vào địa ngục A tỳ".

Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, còn nạn nhân vô tội kia, sinh vào cõi nào?"

Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, ông nên biết rằng người vô tội kia được sinh vào cõi trời Trayastrimsha (Tam Thập Tam)".

Dược Quân hỏi: "Thưa Thế tôn, nhờ nhân gì mà được sinh vào cõi trời Trayastrimsha?"

Đức Thế tôn đáp:

- Dược Quân ông hãy nghe đây. Lúc chết, lúc bị cướp đi mạng sống, người ấy nảy một niệm tin tưởng trong sáng nơi Như Lai, nói mấy chữ sau đây: "Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri". Chỉ một lần thôi. Nhờ thiện căn này mà được sinh vào cõi trời ấy, sống an lạc sáu mươi kiếp. Biết được việc trong tám mươi kiếp về trước. Sinh ra ở đâu cũng không gặp phiền não. Sinh ra là phiền não tan đi. Chúng sinh ấy không thể làm cho phiền não tận diệt.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Nghe xong, đại Bồ tát Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, phải thế nào mới có thể làm cho phiền não tận diệt?"

Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, cần phải tinh tấn vượt bực".

Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, phải tinh tấn vượt bực như thế nào?"

Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, ông hãy nghe đây: tinh tấn là tướng hiện của quả. Cái gọi là quả Tu đà hoàn, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là quả Tư đà hàm, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là quả A na hàm, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là quả A la hán, và sự tịch diệt của bậc A La Hán, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là quả Độc Giác và trí tuệ của bậc Độc Giác, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là quả Bồ tát và đại giác ngộ, là chỗ của hạnh tinh tấn. Dược Quân, tất cả những điều nói trên đều được gọi là chỗ của hạnh tinh tấn".

Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn có tướng hiện như thế nào?"

Đức Thế Tôn nói:

- Dược Quân, ví như có người trồng cây, vừa trồng xuống, cây đã đâm chồi chỉa nhánh xum xuê. Nội một ngày rễ sâu một do tuần. Lại cũng có người trồng cây, khi trồng gặp gió lớn, cây chẳng lên được chồi xanh nào. Người ấy bứng cây đi. Người kia thấy vậy lên tiếng: "Vì sao ông đào đất của tôi?" Trong lúc cả hai đang dằn co với nhau, nhà vua đi ngang, thấy có trận cãi vã liền bảo quần thần: "Gọi hai người ấy đến đây cho ta".

Quần thần vâng lời, chạy nhanh đến nói: "Đại Vương truyền gọi hai ông".

Nghe vậy, một người hoảng hốt sợ sệt, còn một người vẫn điềm tĩnh an nhiên. Cả hai đến trước mặt vua. Vua hỏi: "Vì cớ gì hai ngươi dằn co cãi vã với nhau?"

Một trong hai người đứng lên thưa: "Thưa Đại Vương, tôi không có ruộng vườn, chỉ mượn được mảnh đất này trồng cây. Trồng một ngày, cây đơm hoa kết trái, nửa sống nửa chín. Ngay ngày đó, người kia cũng đến trồng cây, nhưng trong khi trồng gặp gió lớn, cây không thể đâm chồi. Thưa Đại Vương, rễ cây của người ấy không sâu đủ một do tuần, vì vậy người ấy không vui đến kiếm chuyện sinh sự với tôi, nói rằng tất cả đều là lỗi của tôi. Xin Đại Vương xét cho, tôi hoàn toàn không có lỗi".

Khi ấy nhà vua triệu tập ba mươi triệu quần thần, phán rằng: "Các ông nói đi".

Quần thần thưa: "Tâu Đại Vương, nói điều gì?"

Vua đáp: "Các ông có bao giờ từng nghe có ai trồng cây mà trong một ngày mọc lên đủ cành đủ lá, hoa trái sum suê, nửa sống nửa chín? Các ông nói thử xem có thể có chuyện như vậy được hay không?"

Quần thần đứng dậy, tâu rằng: "Tâu Đại Vương, chuyện này là phép lạ, chúng tôi không thể biết chắc được. Phải hỏi người kia kỹ hơn".

Nhà vua quay lại hỏi người kia: "Lời ngươi nói lúc nãy có thật không?"

Người ấy đáp: "Tâu Đại Vương, toàn là sự thật".

Vua nói: "Ta chưa từng nghe qua chuyện lạ như vậy. Ngươi nói rằng cây trồng một ngày, đơm hoa kết trái, thật là chuyện khó tin".

Người ấy chắp tay đáp: "Nếu Đại Vương không tin, xin cứ hãy đến đó đích thân trồng thử".

Vua bèn ra lệnh nhốt hai người kia vào ngục, tự mình dẫn ba mươi triệu quần thần ra mảnh đất nọ, lấy cây trồng thử. Cây không nảy mầm, không ra lá, chẳng đơm hoa, không kết trái. Vua nổi giận truyền lịnh: "Mang rìu lại đây". Quần thần đưa rìu lại, vua hạ lịnh đốn ngã gốc cây xum xuê hoa trái người kia trồng. Thân cây ngã xuống, mười hai cây khác mọc lên. Vua lại bảo chặt. Mười hai cây ngã xuống, hai mươi bốn cây khác lại mọc, với đầy đủ gốc rễ hoa trái, chồi xanh mơn mởn, lấp lánh bảy thứ châu ngọc quí giá. Trên cây xuất hiện hai mươi bốn con chim mào vàng cánh ngọc, âm thanh trong suốt. Vua thấy vậy lại càng tức tối, tự tay đưa rìu bổ xuống gốc cây. Rìu phập vào thân cây, nước cam lồ tuôn ra. Bấy giờ nhà vua cảm thấy bất an, truyền lịnh: "Thả hai người kia ra khỏi ngục", quần thần dạ rang, tức tốc chạy về ngục dẫn hai người đến gặp vua.

Vua bấy giờ lên tiếng hỏi: "Ngươi trồng thứ cây gì, mà cứ đốn xuống thì lại mọc lên nhiều gấp bội, thành những hai mươi bốn cây, trong khi cây của ta chẳng ra mầm trổ lá, chẳng kết trái đơm hoa?"

Người kia thưa rằng: "Vì công đức người trồng không giống nhau".

Quần thần nghe xong, quỳ cả hai chân, nói với người kia: "Ông mới xứng là vua trị nước. Vua trước không xứng đáng". Người kia bấy giờ nói:
Phước báu Đế vương
Tôi chẳng mong cầu
Cũng không mong cầu
Tiền tài, của cải.
Chỉ tin nơi Phật.
Nguyện trở thành bậc
Tôn quí nhất trong
Các loài hai chân.
Nguyện đến được nơi
Như lai trú ở
Thanh tịnh Niết Bàn.
Nguyện đem chánh pháp
Thuyết cho các ông
Cùng đến Niết Bàn.
Người ấy xếp chân
Theo thế hoa sen,
Và thú nhận rằng:
Trong thời quá khứ,
Tôi phạm ác nghiệp,
Nên nay bị nhốt
Vào ngục của vua.
Bây giờ tại đây,
Phát tâm Bồ đề
Nguyện tan nghiệp cũ.
Lúc ấy hai mươi bốn triệu con chim mỏ ngọc kim cương xướng lên âm thanh trong vắt. Lại có ba mươi hai ngàn tòa lầu hiện ra, mỗi tòa rộng hai mươi lăm do tuần, với hai mươi lăm triệu con chim mỏ vàng mào vàng, mặt vàng, cất tiếng người nói rằng: "Đại Vương chặt cây, gây quả ác. Hai mươi bốn cây trong số một trăm triệu cây, mọc sừng sững trước mặt Đại Vương. Vì việc làm bất thiện này mà Đại Vương sẽ gặp quả bất thiện. Đại Vương có biết người trồng cây ấy là ai chăng?"

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Vua rằng:

Tôi thật không biết.
Xin nói tôi nghe
Người trồng cây ấy
Đích thật là ai?

Chim đáp:

Người ấy sẽ là
Ngọn đèn thế giới,
Xuất hiện cõi trần,
Làm người dẫn dắt
Toàn thể chúng sinh
Ra khỏi ràng buộc
Sinh tử luân hồi.

Vua hỏi:

Vậy còn người kia
Trồng cây không mọc,
Đã làm những gì
Trong thời quá khứ?
Xin chim giải thích
Tôi nghe được chăng?

Chim đáp:

Đề Bà Đạt Ma
Là tên người ấy.
Không chút căn lành,
Lấy gì cây mọc?
Ngay lúc ấy, ba mươi triệu quần thần nghe chánh pháp này đồng loạt chứng quả thập địa, được trí huệ trong suốt, còn nhà vua an trụ thập địa rồi thành tựu thiện pháp".

Bồ tát Dược Quân nghe đức Thế Tôn kể xong, hỏi rằng:"Thưa Thế Tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà ba mươi triệu quần thần đạt được trí tuệ trong suốt, an trụ thập địa?"

Đức Thế Tôn đáp: "Dược Quân, ông hãy nghe Như Lai giải thích đây".

Bấy giờ đức Thế Tôn mỉm miệng cười, từ miệng phóng ra tám mươi bốn ngàn tia sáng lớn, đủ cả trăm vạn sắc màu xen lẫn, xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, pha lê, bạc, chiếu sáng rực rỡ thế giới
vô lượng vô biên, rồi về lại cạnh đức Thế Tôn, vòng quanh ba vòng theo chiều bên phải rồi tan biến vào đỉnh đầu của Phật.

Lúc ấy đại Bồ tát Dược Quân từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quỳ xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế Tôn mà nói: "Thưa Thế Tôn, vì lý do gì Thế Tôn mỉm cười? Không phải vô cớ mà bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri lại mỉm cười".

Đức Thế Tôn nói: "Dược Quân, ông có thấy vô số người từ bốn phương đang về đây tụ họp không?"

Dược Quân đáp: "Thưa không, con không thấy".

Đức Thế Tôn nói: "Vậy ông nhìn lại cho kỹ, nhiều vô cùng tận".

Bấy giờ đại Bồ tát Dược Quân quan sát kỹ lưỡng, thấy phương Đông có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Phương Nam có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Phương Tây có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Phương Bắc có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Không gian phía dưới có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Không gian phía trên có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng.

Đại Bồ tát Dược Quân mới thưa đức Thế Tôn: "Thưa Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, xin cho con hỏi một điều".

Đức Thế Tôn đáp, "Ông có điều gì thắc mắc cứ hỏi, Như Lai sẽ vì ông mà trả lời tất cả."

Đại Bồ tát Dược Quân hỏi: "Thưa Thế Tôn, vì sao vô số thân người như vậy từ bốn phương kéo đến và ngồi lại đây? Vì sao ở giữa không gian phía trên và phía dưới lại có năm mươi ngàn triệu người kéo đến, và ngồi lại? Thưa Thế Tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà có việc như vậy?"

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách