Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
(16/8/2018) (213) T8

Trong câu ‘một, hai, hay ba thứ nhẫn’, chữ Nhẫn có nghĩa là chịu đựng. Bản Ngụy dịch ghi như sau: ‘Ðệ nhất, đệ nhị, đệ tam pháp nhẫn’.
‘Pháp nhẫn’: pháp là lý đã chứng đắc, tâm an trụ nơi pháp là Nhẫn. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 9 giảng: ‘Huệ tâm an pháp thì gọi là nhẫn’.
Với những thứ ‘pháp nhẫn’ vừa được nêu trên, các nhà chú giải kinh nêu nhiều thuyết sâu hoặc cạn khác nhau. Xin nêu một thí dụ: Kinh Nhân Vương bảo có năm thứ nhẫn: Phục Nhẫn, Tín Nhẫn, Thuận Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn, và Tịch Diệt Nhẫn.
Sách Nhân Vương Tư Ký lại giảng: ‘Sơ địa, nhị địa, tam địa chứng đắc vô lậu tín thì gọi là Tín nhẫn. Tứ địa, ngũ địa, lục địa hướng đến vô sanh nên gọi là Thuận nhẫn. Thất địa, bát địa, cửu địa chẳng sanh các niệm nên gọi là Vô Sanh nhẫn.
Thập địa, Diệu Giác đắc quả Bồ Ðề nên gọi là Tịch Diệt nhẫn’.
Trong các nhà chú giải kinh thời cổ, có vị cho rằng ba thứ nhẫn được nói đến trong kinh Vô Lượng Thọ đây là Phục Nhẫn, Tín Nhẫn và Thuận Nhẫn; thậm chí có vị cho rằng ba mức thượng, trung, hạ của loại nhẫn đầu tiên (Phục nhẫn) chính là ba thứ nhẫn được kinh này nhắc đến. Hiểu như vậy nghĩa là chẳng thừa nhận việc Bồ Tát nơi phương khác nghe danh hiệu Phật liền ngay lập tức chứng đắc một thứ nhẫn, hai thứ nhẫn, cho cho đến Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Nếu dựa theo kinh văn, quả thật ‘trong ba thứ nhẫn ấy ắt phải có Vô Sanh Pháp Nhẫn’ là điều chẳng thể còn nghi ngờ chi nữa.
Nguyện thứ ba mươi bốn trong bản Ngụy dịch được ghi như sau: ‘Nếu tôi thành Phật, các loài chúng sanh trong mười phương vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các thế giới Phật nghe danh hiệu tôi mà chẳng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ Tát, các tổng trì sâu xa, thì chẳng lấy Chánh Giác’. Bản Tống dịch cũng ghi: ‘Nghe danh hiệu tôi thì ngay lập tức đắc sơ nhẫn, nhị nhẫn cho đến Vô Sanh Pháp Nhẫn, thành tựu a nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề’. Rõ ràng, pháp nhẫn thứ ba được nói trong lời nguyện này phải là Vô Sanh Pháp Nhẫn!
Hơn nữa, những câu trong sách Luận Chú như: ‘Hễ thấy đức Phật ấy thì những vị Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm (chỉ những vị Bồ Tát từ Sơ Ðịa đến Thất Ðịa) liền rốt ráo chứng được Pháp Thân bình đẳng’ (Sách còn chép: ‘Bình đẳng Pháp Thân là pháp tánh sanh thân Bồ Tát từ Bát Ðịa trở lên’) và: ‘Nghe danh hiệu chí đức của A Di Ðà Như Lai thì... rốt ráo được khẩu nghiệp bình đẳng’.
Những câu như vậy đủ chứng minh nghe danh hiệu Phật liền chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Vô Sanh Pháp Nhẫn gọi tắt là Vô Sanh Nhẫn. Chơn trí an trụ trong Thật Tướng lý thể vô sanh vô diệt nhưng chẳng động thì gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trí Ðộ Luận, quyển 5 giảng: ‘Vô Sanh Pháp Nhẫn: tin nhận, thông đạt Thật Tướng vô sanh vô diệt của các pháp một cách vô ngại bất thoái thì là Vô Sanh Nhẫn’. Trong quyển bảy mươi ba của Trí Ðộ Luận, ngài Long Thọ lại viết: ‘Vô Sanh Pháp Nhẫn là ngay cả những thứ nhỏ nhiệm còn bất khả đắc, huống là những thứ lớn lao. Ðấy là vô sanh. Ðắc pháp vô sanh này thì chẳng làm, chẳng khởi các nghiệp hạnh. Ðấy là Vô Sanh Pháp Nhẫn’.
Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 12 cũng nói: ‘Lý lặng lẽ chẳng khởi gọi là vô sanh. Huệ an trụ trong lý này thì gọi là Vô Sanh Nhẫn’. Lăng Nghiêm Kinh Trường Thủy Sớ, quyển 1 lại giảng: ‘Hiểu rõ pháp vô sanh, ấn khả quyết định thì gọi là Vô Sanh Nhẫn’.
Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển 12 còn bảo: ‘Như ngài Long Thọ nói, từ Sơ Ðịa trở lên cũng đắc vô sanh. Nếu căn cứ vào kinh Nhân Vương và kinh Dữ Ðịa thì chỉ trong Thất Ðịa, Bát Ðịa, Cửu Ðịa mới có vô sanh’. Bản Tống dịch của
kinh Vô Lượng Thọ chép rằng: ‘Nghe danh hiệu tôi, chứng Vô Sanh Nhẫn, thành tựu hết thảy thiện căn bình đẳng, trụ vô công dụng. Do lìa gia hạnh nên chẳng bao lâu sẽ đắc A-nậu Bồ Ðề’. Ngài Vọng Tây chú giải câu này như sau: ‘[Kinh] nói là đã trụ nơi vô công dụng thì đủ biết bậc Bồ Tát ấy đã chứng Bát Ðịa’. Như vậy, pháp nhẫn thứ ba trong kinh đây chính là Vô Sanh Pháp Nhẫn như kinh Nhân Vương đã nói. Theo ngài Vọng Tây, Bồ Tát ấy đã chứng địa vị Bát Ðịa.
Ngài Vọng Tây còn nói: ‘Hỏi: Vì sao do thế lực của việc nghe danh hiệu lại chứng được vô sanh? Ðáp: Là vì Phật nguyện lực vậy, như Thập Trụ Luận bảo: “Quá khứ vô số kiếp, có biển công đức danh hiệu Phật. Mỗi vị Phật trong thập
phương hiện tại thành Chánh Giác đều là từ lời phát nguyện ‘nghe danh hiệu được thành Phật’ ấy [mà được thành Phật]”.
Những luận chứng vừa dẫn trên đã trình bày Tha Lực một cách khéo léo: Người nghe danh hiệu Phật được Phật nguyện gia bị nên chứng được Vô Sanh Nhẫn, quyết định sẽ thành Phật, nhưng “nghe” không có nghĩa là chỉ nghe xuông, mà còn phải phát khởi cái hạnh như Niết Bàn Sớ, quyển 20 bảo: ‘Nếu nghe đến hai chữ Thường Trụ thì đời đời chẳng đọa. Có nhiều thứ nghe, nếu có thể suy nghĩ sâu xa, thực hành đúng như lời dạy thì đời đời chẳng bị đọa’. Ý câu trên là: Nghe xong phải suy nghĩ sâu xa và tu hành đúng như lời dạy thì đời đời mới chẳng bị đọa. Như vậy, một chữ ‘nghe’ còn hàm nghĩa ‘tin nhận’ chẳng phải là nghe lọt qua tai rồi thôi.
‘Một, hai, hay ba thứ nhẫn’ được nêu trong lời nguyện này chính là ba thứ nhẫn sẽ nói trong phẩm 15 ‘Bồ Ðề đạo tràng’: một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Sách Quán Vô Lượng Thọ Kinh Diệu Tông Sao, quyển 5 giảng như sau:
a). Âm Hưởng Nhẫn là do âm thanh, tiếng vang mà ngộ giải được chơn lý.
b). Nhu Thuận Nhẫn là huệ tâm nhu nhuyễn, thuận theo chơn lý.
c). Vô Sanh Pháp Nhẫn là chứng được thật tánh của vô sanh nhưng lìa khỏi các tướng. Ðây là chỗ cao tột nhất trong việc ngộ đạo’.
Ba thứ nhẫn này sẽ được giảng tường tận trong phẩm thứ mười lăm.


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
(20/8/2018) (223) T9

Chánh kinh:
Nguyện trí huệ quang tôi
Chiếu khắp mười phương cõi
Tiêu trừ tối tam cấu
Ðộ khắp các ách nạn,
Ðều bỏ tam đồ khổ
Diệt các tối phiền não
Mở được mắt trí huệ
Ðạt được thân quang minh
Bế tắc các đường ác
Thông đạt thiện thú môn
Vì chúng khai pháp tạng
Rộng thí báu công đức.

Giải:
Ðoạn trước nói về vô lượng thọ, đoạn này nói về vô lượng quang. Vô lượng thọ là Thể, vô lượng quang là tướng dụng. Từ công dụng của thể tướng sanh ra vô biên đức giáo hóa và lợi ích.
Trong phần Ðịnh Thiện Nghĩa của tác phẩm Quán Kinh Sớ, đại sư Thiện Ðạo đã bảo: ‘Mỗi một nguyện đều vì chúng sanh’. Bài kệ này đã thể hiện rõ cái tâm ấy. Trong hai câu: ‘Nguyện trí huệ quang của tôi chiếu khắp mười phương cõi.
chữ ‘trí huệ quang’ có hai nghĩa:
a). Một là như kinh Niết Bàn dạy: ‘Quang minh là trí huệ’. Kinh Siêu Nhật Minh Tam Muội cũng dạy: ‘Ðại trí phát ra ngoài, chiếu soi pháp giới thì gọi là quang minh’. Xin xem lại lời giải thích chi tiết về chữ ‘quang minh’ ở phần trước; ở
đây tôi chẳng nhắc lại.
b). Hai là như Ðàm Loan đại sư viết trong tác phẩm Tán A Di Ðà Phật Kệ: ‘Phật quang chiếu tan tăm tối vô minh nên Phật hiệu là Trí Huệ Quang’.

Câu đầu (tức là câu: ‘Phật quang chiếu tan tăm tối vô minh’) giống với thuyết trên; câu sau (tức là câu ‘nên Phật hiệu là Trí Huệ Quang’) ý nói Trí Huệ Quang là một trong những thánh hiệu của Phật A Di Ðà và cũng là một trong mười hai thứ quang minh của ngài.

Câu ‘nguyện trí huệ quang tôi’ trích trong bản Tống dịch, câu này được bản Ðường dịch ghi là ‘nguyện được Như Lai vô lượng quang’. Theo đó, Trí Huệ Quang là Vô Lượng Quang. Vả lại, đức Di Ðà tuy có 12 danh hiệu, nhưng thật ra trong mỗi danh hiệu đều gồm trọn các đức tánh quang minh khác. Vì vậy, ‘Trí Huệ Quang’ cũng là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Ðẳng Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang…. Vì vậy, trong câu kệ tiếp theo ngài nói: ‘Chiếu khắp mười phương cõi’. Vô lượng quang trọn khắp mười phương theo chiều ngang nên không cõi nào chẳng chiếu thấu. Hơn nữa, quang minh ấy chính là trí huệ, chiếu tan tối tăm vô minh nhơ bẩn của chúng sanh nên trong những câu kệ tiếp đó, ngài bèn nhắc lại những diệu dụng của quang minh như ‘tiêu trừ tam cấu minh’ v.v...

‘Tiêu trừ tam cấu minh, độ khắp các ách nạn’:
Tam cấu là tên gọi khác của ba độc tham, sân, si.
‘Minh’ (tăm tối) là vô tri. Luận Câu Xá bảo: ‘Do các thứ vô tri che lấp thật nghĩa và chướng ngại cái thấy đúng đắn nên gọi là Minh’.
Trong cụm chữ ‘minh tế’ (tạm dịch là “độ khắp”), Minh có nghĩa là sáng suốt, đầy đủ, đông nhiều, Tế là độ, là cứu. Sách Hội Sớ bảo ‘minh tế nghĩa là quảng tế’ nên ‘minh tế’ nghĩa là cứu độ một cách rộng lớn (vì vậy, tạm dịch là “độ khắp”).
‘Ách’ là chướng ngại, trói buộc, là khổ sở. ‘Nạn’ là khổ nạn, tai nạn, khốn khổ.
Vì vậy, hai câu kệ này có thể hiểu một cách thô thiển như sau: tiêu trừ ba độc tham sân si tăm tối, nhơ bẩn của chúng sanh, rộng cứu các thứ đau khổ và tai nạn. Các ách nạn nhiều đến vô số nên bảo là ‘các ách nạn’. Trí quang của Phật có thể cứu vớt khắp tất cả.
Sách Hội Sớ giảng: ‘Tam cấu là tham, sân, si. Ba cấu này làm ô nhiễm tâm tánh nên gọi là Cấu. Tam cấu khiến chúng sanh mù tối nên gọi là Minh, chúng là cái nhân làm ta lưu chuyển trong sanh tử. Các ách nạn là quả, tức là: sáu đường và bốn loài vậy.
Phật quang có đức tánh thanh tịnh, trí huệ, hoan hỷ chiếu rộng khắp, tiêu trừ sự tối tăm do ba chướng gây ra. Do Tập đã diệt (tiêu diệt được hết cái nhân khổ não của Tập Ðế), khổ quả bèn dứt (chấm dứt cái khổ vì lưu chuyển) nên bảo là độ khắp’.

‘Ðều bỏ tam đồ khổ, diệt các tối phiền não’ là hai câu tiếp nối ý hai câu kệ trước. Tiêu trừ ba độc thì thoát khỏi ba ác đạo. Sự khổ trong tam đồ rất nặng nề nên Ðại Thánh rủ lòng thương xót nguyện khiến chúng sanh được xa lìa. Vì vậy, trong bốn mươi tám nguyện, hai nguyện đầu tiên là ‘trong cõi nước không có ba ác đạo’ và ‘chẳng còn đọa vào ác đạo’ nữa. Câu ‘đều bỏ tam đồ khổ’ ở đây có cùng một ý nghĩa với hai nguyện trên.
‘Tối’ là thí dụ: Vô minh, phiền não che lấp nguồn tâm của chúng sanh khiến họ tối tăm, mù lòa không thấy được, nên bảo là ‘tối’. Trí huệ quang của Phật như mặt trời, Phật trí chiếu tan vô minh, phiền não, như ánh mặt trời xua tan tăm tối, nên bảo là ‘diệt các tối phiền não’.

‘Mở con mắt trí huệ, đạt được thân quang minh’: Công dụng của con mắt là để thấy nên ta thường dùng con mắt tiêu biểu cho cái Thấy. Kinh thường ví: Bát Nhã như con mắt, các độ khác như mù. Nhà Thiền thường nói: ‘Hễ tham Thiền thì phải nắm được tròng mắt của lẽ Thiền, hễ học hỏi kinh giáo thì phải nắm được con mắt của kinh giáo’ Những câu như vậy đều dùng con mắt để ví cho chánh kiến Bát Nhã.
Phẩm Ly Thế Gian của kinh Hoa Nghiêm có nói đến thập nhãn: ngoài ngũ nhãn, con mắt thứ sáu là trí nhãn vì nó thấy được các pháp. Con mắt thứ bảy là quang minh nhãn vì thấy được quang minh của Phật. Con mắt thứ tám là xuất sanh tử nhãn vì thấy được Niết Bàn. Con mắt thứ chín là vô ngại nhãn vì thấy mọi pháp vô ngại. Con mắt thứ mười là nhất thiết trí nhãn, còn gọi là phổ nhãn vì thấy được phổ môn pháp giới. ‘Mắt trí huệ’ nói trong kinh đây có thể hiểu là huệ nhãn và trí nhãn trong thập nhãn vừa nói trên, cũng có thể hiểu là ‘Như Lai trí huệ đức tướng’ mà chúng sanh sẵn có, nghĩa là Phật nhãn.
Sách Hội Sớ viết: ‘Mắt trí huệ chính là trí huệ, nghĩa là con mắt trí huệ sẵn có trong tâm chúng sanh. Do vô minh hư huyễn che lấp nên nhận lầm là tối tăm, mê muội. Trụ trong tối tăm, mê muội nên lầm tưởng Phật nhãn ở nơi khác. Phật
quang phổ chiếu khai mở con mắt sẵn có trong tâm chúng sanh, diệt tan sự tối tăm, hôn ám từ vô thủy đến nay nên bảo là ‘mở’; nghĩa là: Chúng sanh hôn ám, mù lòa, vô tri, chẳng biết mình sẵn có Phật nhãn, tự lầm nhận là mình mù tối, tưởng rằng chỉ mình Phật có Phật nhãn. Nay do Phật quang phổ chiếu mà con mắt trí huệ sẵn có trong tâm chúng sanh được mở sáng nên tiêu diệt được hôn ám, tăm tối.
Sách Tam Tạng Pháp Số, quyển 13 bảo có ba thứ ‘quang minh’ như sau:
a). Ngoại quang minh như quang minh của mặt trời, mặt trăng, châu, lửa v.v... trừ được tăm tối.
b). Pháp quang minh: diệu pháp trừ được sự tối tăm do ngu si.
c). Thân quang minh: Thân chư Phật, Bồ Tát và chư thiên có quang minh trừ được tối tăm như kinh nói: ‘Thân, đảnh đều có quang minh chói ngời’.

Nếu chỉ hiểu ‘thân quang minh’ là thân có quang minh thì chỉ là hiểu ở mức độ nông cạn. Hiểu sâu hơn, câu ‘đạt được thân quang minh’ có đến ba nghĩa:
a). Một là như kinh Thiên Thủ Ðà Ra Ni nói: ‘Nên biết kẻ ấy chính là Quang Minh Tạng vì được quang minh của hết thảy Như Lai chiếu đến’. Do Phật quang phổ chiếu nên chúng sanh cấu diệt, thiện sanh, huệ nhãn mở sáng, tịnh tâm trì niệm.
Ngay khi ấy được quang minh của mười phương Như Lai chiếu soi hộ trì, tự thân của hành giả liền thành tạng quang minh.
b). Hai là như sách Vãng Sanh Luận Chú ghi: ‘Quang minh của Phật là tướng trí huệ’ nên thân quang minh và mắt trí huệ là bất nhị. Mắt trí huệ được mở sáng nên thấy tánh rõ ràng, thành tựu thân quang minh một cách nhanh chóng.
c). Ba là như kinh Tư Ích bảo: ‘Thân Như Lai chính là tạng vô lượng quang minh’, nghĩa là nguyện tất cả chúng sanh đều do chơn thật trí huệ mà chứng được Pháp Thân Như Lai vậy.

‘Bế tắc các đường ác’: Ðường ác là như kinh Ðịa Trì nói: ‘Ði theo hạnh ác nên gọi là ác đạo’, tức là thực hành hạnh ác sẽ sa vào con đường này, còn gọi là “ác thú”, tức là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ngoài ba ác thú vừa kể trên, cũng có kinh tính cả a tu la là ác thú nên gọi là tứ ác thú. ‘Bế’ là đóng chặt, cũng có nghĩa là ngăn lấp khiến cho chúng sanh khỏi bị sa vào ác nạn ba đường ác hoặc bốn đường ác. Ðấy là cách giải thích thô thiển ý nghĩa câu ‘bế tắc các đường ác’.
Sách Hội Sớ giải thích câu này ở mức độ sâu sắc hơn như sau: lục đạo đều là ác đạo. Sách viết: ‘Lục đạo đều bị lưu chuyển nên gọi là ác đạo’.
Thuyết của Hội Sớ quả thật có kinh văn làm chứng, bản Ngụy dịch kinh này ghi: ‘Vượt ngang năm đường ác’. Do tính gộp Tu La vào trong các đường khác nên chỉ còn năm đường. Kinh bảo ‘năm đường ác’ là đúng như Hội Sớ đã hiểu: lục đạo đều là ác đạo. Vì vậy, ‘bế tắc các đường ác’ là đoạn trừ nẻo luân hồi của chúng sanh, khiến họ thoát biển sanh tử. Phẩm 32 trong hội bản cũng bảo: ‘Vượt ngang khỏi năm đường, ác đạo tự bế tắc’ (câu này tổng hợp từ hai bản Hán dịch và Ngụy dịch).


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.32 khách