TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TỊCH TRÀNG

Kính mời các bạn góp sức bảo tồn tất cả các tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới, tiểu sử tăng ni, và Phật tử có công trong việc hoằng truyền Phật pháp.
Nội qui chuyên mục
- Trong quá chứ ban quản trị diễn đàn đã chịu rất nhiều phiền toái, do những kẻ giả mạo chùa và đoàn thể từ thiện để kêu gọi giúp đỡ. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu tất cả các thành viên không được gởi thư kêu gọi từ thiện lên diễn đàn và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung đăng tải bởi thành viên.
Hình đại diện của người dùng
QT2009
Bài viết: 22
Ngày: 30/04/09 19:56
Giới tính: Nữ
Đến từ: CANADA

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TỊCH TRÀNG

Bài viết chưa xem gửi bởi QT2009 »

Hình ảnh
Hòa thượng họ Hồ, húy Thăng, pháp danh Tâm Thanh, hiệu Tịch Tràng. Ngài sanh năm Kỷ Dậu (1909), tại làng Lỗ Giáng, xã Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ Hồ Tưởng - thường gọi là cụ Cửu Đẩu - tinh thông nho học, làm quan Cửu phẩm Văn Giai; thân mẫu là cụ Phạm Thị Liên.

Thời thơ ấu, Ngài được song thân chăm lo giáo dưỡng rất chu đáo, đặc biệt là quan tâm đến vấn đề học vấn, nhờ vậy năm 20 tuổi Ngài thi đỗ bằng Thành Chung và được bổ nhiệm dạy học tại trường Pháp-Việt ở Tây Hồ (nay là trường PTCS Trưng Vương, Tp. Đà Nẵng). Ngoài thời giờ dạy học ra, Ngài còn tinh chuyên nghiên cứu giáo lý nhà Phật và am hiểu một cách tường tận. Khi phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung do Quốc sư Phước Huệ khởi xướng Ngài đến chùa Trúc Lâm (Huế) xin thọ Tam quy, Ngũ giới với Hòa thượng Giác Tiên, được Hòa thượng cho Pháp danh là Tâm Thanh. Vốn được thấm nhuần giáo lý nhà Phật, nhận thức được sự mong manh giả tạm của kiếp nhân sinh... Nên đến năm Mậu Dần (1938), Ngài lặng lẽ từ giã gia đình, quyết chí xuất gia cầu Đạo. Trên đường du phương học đạo, Ngài qua Cao Miên (Campuchia), tại đây Ngài được hội kiến Hòa thượng Thích Quảng Đức, thật là một cơ duyên hy hữu khiến Ngài hoan hỷ phấn chấn vô cùng.

Năm 1939, khi nghe tin Thiền sư Minh Tịnh (húy Nhẫn Tế) vừa du học từ Tây Tạng về, Ngài liền tìm đến chùa Thiên Chơn tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để xin thọ giáo với Thiền sư, được Thiền sư ấn chứng và ban cho Ngài pháp hiệu là Tịch Tràng. Đồng liêu với Ngài là 3 vị sư huynh: Viên Chiếu, Tịch Chiếu và Thường Chiếu.

Năm 1941, Hòa thượng Quảng Đức thường về chùa Thiên Chơn đàm đạo với Thiền sư Minh Tịnh. Tại đây Hòa thượng gặp Ngài, biết là pháp khí có thể làm rường cột cho Phật Pháp mai sau nên mời Ngài về Vạn giã, tỉnh Khánh hòa để đảm nhận trọng trách Trú trì ngôi Tổ đình Linh sơn mà Hòa thượng đang gánh vác. Nhận ủy thác của Hòa thượng Quảng Đức, Ngài về Tổ đình Linh sơn để chu toàn sứ mệnh “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”, “ Kế thế truyền đăng tục diệm”. Nơi đây non nước hữu tình, cảnh Phật trang nghiêm khiến lòng xúc động nên Ngài cảm khái bài thơ sau đây:


«Ngàn năm mới gặp cảnh chùa này,
Cây che tàng lọng giữa trời xây.
Cảm ứng Từ Bi thương mấy độ,
Thỏa lòng mong ước bấy lâu nay.
Am tranh khuya sớm nhang đèn, lạy,
Dưa muối chiều hôm dạ thảo ngay.
Kinh Kha sông Dịch không quay lại,
Phăng dấu tìm trâu đáp nghĩa Thầy».


Cuối năm 1945, chiến tranh Việt-Pháp lại bùng nổ, làm cho nhân dân hết sức thống khổ lầm than. Do đó, dân làng khắp nơi trong quận quy tụ về xung quanh chùa để nương tựa. Nhờ sự hộ trì của Tam Bảo, cũng như đức độ của Ngài mà mọi người được yên ổn. Dần dần Ngài đã cảm hóa họ phát tâm thọ trì Tam quy, Ngũ giới trở thành Phật tử tại gia- hộ trì Tam Bảo.

Năm 1954, Ngài khởi công xây dựng Ngôi Chánh điện (do Hòa Thượng Thích Quảng Đức trú trì đời thứ 6 Tổ đình Linh sơn đặt viên đá đầu tiên). Đến năm 1956 công trình xây dựng Ngôi Chánh điện được hoàn thành và Ngài đã tổ chức lễ khánh thành rất trọng thể. Sau đó, Ngài tiếp tục xây dựng Đông lang và Tây lang. Công cuộc kiến thiết ngôi Tổ đình đến đây tạm hoàn tất. Từ đó, Ngài tập trung vào vấn đề tu tập và tiếp Tăng độ Chúng. Hằng ngày ngoài sáu thời lễ bái ra, Ngài còn dạy cho Tăng chúng tu học. Mỗi năm đến mùa An cư-Kiết hạ, chư Tăng khắp nơi quy tụ về trụ xứ nầy tu học rất đông dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Năm 1960, sự kỳ thị Tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm khiến cho tăng ni và tín đồ vô cùng điêu đứng khổ sở. Bản thân ngài cũng bị tay sai của nhà cầm quyền đương thời đe dọa, ám hại... nhưng đức độ của Ngài không những tự mình tránh khỏi tai họa, ngược lại còn cảm hóa họ trở về quy hướng Tam bảo. Vì thế, uy đức của Ngài ngày càng vang rộng. Trước đó cũng như trong thời gian này, còn có quí Ngài như: Hòa thượng Thích Hưng Từ, Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ, Hòa thượng Thích Viên Giác, Hòa thượng Thích Chơn Không, Hòa Thượng Thích Giải An, Hòa thượng Thích Trí Châu ... ở các tỉnh Miền ngoài vào để cùng Ngài hoằng dương Phật Pháp tại nơi đây.

Năm 1964, khi GHPGVNTN ra đời Ngài được cử làm Chánh Đại Diện GHPHVNTN quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, và được lưu nhiệm cho đến ngày Ngài Viên tịch.

Năm 1970, Ngài được Hòa thượng Thích Trí Thủ mời thỉnh giảng lớp Chuyên Khoa Phật học tại Phật học Viện Trung Phần Hải Đức-Nha Trang.

Năm 1972, Ngài mở Giới đàn Sa Di, Bồ Tát tại gia và Thập Thiện, dưới sự chứng minh kiêm Hòa thượng Đường đầu là thượng Trí hạ Thủ.

Năm 1973, Đại Giới Đàn Phước Huệ tại Chùa Hải Đức-Nha Trang, Ngài được cung thỉnh làm Đệ Tam Tôn Chứng.

Về sau, tuy tuổi già sức yếu nhưng hằng ngày Ngài vẫn hướng dẫn cho Tăng Chúng hành trì trong các thời khóa lễ. Ngoài ra, mỗi ngày Ngài còn lễ sám Hồng Danh Vạn Phật và luôn luôn khi đi đứng, lúc nằm ngồi Ngài đều niệm Phật, tràng hạt không rời tay.

Sứ mệnh thành, hạnh nguyện mãn. Trước khi từ biệt cõi trần để vào cõi Niết Bàn Tịch Tịnh, Ngài gọi đồ chúng lại dạy lời cuối cùng được thể hiện bằng bài kệ như sau:


«Hơn, thua, phải, trái biết bao là!
Xét nét tu hành giữ lấy ta,
Tâm để rỗng không, thường nhẫn nhục,
Muôn phiền não chướng cũng tiêu ma».

Sau đó, Ngài an nhiên thâu thần thị tịch. Thượng tọa Tuệ Sĩ cảm khích ân đức của Ngài mà viết câu đối kính điếu đầy thiền vị như sau:


仰 之 高 奚 生 歟 滅 歟 彷 彿 空 堂 瘦 鶴
-«Ngưỡng chi cao hề sanh dư diệt dư phưởng phất không đường sấu hạc»;
垂 之 切 矣 戒 也 訓 也 俳 佪 暮 影 遺 音
-«Thùy chi thiết hỷ giới dã huấn dã bồi hồi mộ ảnh di âm».


Tạm dịch:
Trông lên cao hề! Sống ư, chết ư? Thấp thoáng hạc gầy nơi cửa Phật.
Nhìn lại gần hề! Răn chăng, dạy chăng? Ngậm ngùi giọng cũ lúc hoàng hôn.

Ngài an nhiên thị tịch vào lúc 12 giờ, ngày 24 tháng 5 năm Bính Thìn (1976), hưởng thọ 68 tuổi.



http://www.todinhlinhson.com/tdlsky_6.htm
Sửa lần cuối bởi QT2009 vào ngày 01/05/09 18:56 với 3 lần sửa.


Hình đại diện của người dùng
QT2009
Bài viết: 22
Ngày: 30/04/09 19:56
Giới tính: Nữ
Đến từ: CANADA

Re: NHỚ THẦY

Bài viết chưa xem gửi bởi QT2009 »

NHỚ THẦY

Mãn hạ năm ấy, Thầy G. Tuệ an cư ở chùa Linh Sơn (Nha Trang) về. Thầy cho tôi biết: “Chùa Linh Sơn có Thượng tọa trụ trì bao dung đức độ lắm! Và ngoài giờ học phổ thông ra, ở chùa có dạy thêm nội điển nữa, do quý Thầy ở Vịện Cao Đẳng Phật Học về phụ trách. Tôi đã thưa Thượng tọa xin cho chú ở rồi đấy, nếu thích chú xin thầy mình vô đó học”. Nghe sư huynh nói vậy, dòng máu du tử của tôi lại chạy rần rần trong huyết quản. Vả lại, miền thùy dương cát trắng ấy có một sức hấp dẫn lạ kỳ. Nơi có không biết bao nhiêu là cảnh tượng kỳ vĩ: Kim thân Phật Tổ trên đồi Trại Thủy, Tháp Bà với Thiên Y A Na nhiều huyền thoại và bãi biển dài thơ mộng đẹp nhất đất nước…

Tôi từ giã quê hương sương mù, đến miền thùy dương thơ mộng ấy vào một buổi sáng mùa thu, có chú G.Viên đi cùng. Tôi cứ ngỡ chùa Linh Sơn tọa lạc tại thành phố Nha Trang, hóa ra không phải, cách Nha Trang trên sáu mươi cây số, thuộc huyện Vạn Ninh. Chùa nhằm trên bờ sông Hiền Lương (tên thôn cũng là tên của dòng sông) con sông thật hiền lành bình thản y như cái tên đặt cho nó. Mỗi lúc thủy triều dâng, nước sông trong veo in rõ bóng chùa với hàng cây bạch đàn đứng trầm ngâm bên cạnh. Chùa là ngôi tổ đình, do một vị Hòa thượng ngừơi Quảng Nam vào khai sơn, cách đây vào khỏang hai trăm năm, rất cổ kính trang nghiêm. Vườn chùa trồng trên trăm cây dừa đã cho trái. Xoài, cam, ổi, mít, me…mỗi loại khỏang năm mươi gốc. Ruộng chùa trên mười mẫu, cho Phật tử làm rẽ, chùa có máy điện, tóm lại ta có thể xếp vào hàng chùa giàu. Tuy nhiên vì chúng Tăng đông quá, nên cháo rau hai buổi mới đủ ăn. Ngày tôi vào đó Tăng chúng đã trên bốn mươi vị rồi, tấm lòng của Thượng tọa trụ trì thật độ lượng vô biên, ai tới xin ở đều chấp nhận hết, nhưng với điều kiện là phải tu học, không được lơ láo qua ngày đọan tháng. Ngày đó tôi đang sức lớn, mà ăn cháo ngày hai lần, mỗi lần một lưng bát. Buổi trưa được ăn cơm nhưng với tiêu chuẩn, thành thử đói dập dồn, tay chân cứ bủn rủn hoài. Mỗi khi chùa có kỵ giỗ, ngồi nhìn mâm ăn như mèo nhìn mỡ, nuốt nước miếng ừng ực, rồi đến khi ăn, mạnh điệu nào nấy gắp, chỉ tích tắc là xong. Thì ra, đói ra ma no ra Bụt, đừng đòi hỏi ở người, bao tử lúc nào cũng lép xẹp những từ đẹp đẽ thanh cao.

Thượng tọa ăn ngày chỉ có bữa trưa, nhưng không cho dọn riêng. Người ăn chung với quý Thầy Tỳ Kheo, cũng chừng ấy thức ăn. Nhà bếp có dọn thêm đĩa thức ăn nào đặc biệt, thượng tọa cũng chỉ gắp vài miếng rồi chuyển cho quý Thầy. Ăn uống đã ít lại đạm bạc, song Thựơng tọa tụng kinh bái sám suốt ngày. Người tu theo pháp môn Tịnh Độ, lúc nào xâu chuỗi cũng cầm tay, lâm râm niệm danh hiệu Phật A Di Đà một cách miên mật và Ngừơi ngủ nghỉ cũng ít nữa, ba giờ sáng đã thức dậy hành trì. Mỗi lần chúng điệu cãi cọ xích mích nhau, Thượng tọa nghe được đến hòa giải, quở trách nhẹ nhàng: “Sao không niệm Phật đi? Đời người chỉ trong hơi thở, có gì đâu mà tranh cãi hơn thua. Tư lương của các chú đã có gì chưa? Chỉ có sinh tử là việc lớn, ngoài ra mọi việc đều nhỏ nhen. Đừng để tâm trí ta vướng bận vào những chuyện nhỏ nhen trong cuộc sống hằng ngày”, Thượng tọa ăn mặc rất giản dị, và muốn môn đệ cũng giản dị như mình. Một hôm chiếc áo nhật bình màu khói hương của tôi bị vấy mủ chuối, tôi đem ra giếng ngồi tẩy. Thượng tọa đi ngang qua thấy vậy dừng lại hỏi:

- G.Tâm làm cái chi đó?
Tôi trả lời:

- Dạ, bạch Thượng tọa, con tẩy cái áo bị vấy mủ chuối.

- Chi chi kệ nó, tẩy làm gì, mặc vậy quí hơn. Đệ tử Phật vốn xưng là bần đạo mà, mặc đẹp mặc tốt người ta đổi chữ bần thành chữ phú sao?

Thượng tọa nói xong nở nụ cười y hệt Ngài Ca Diếp.

Người luôn lo lắng đến sự học của chúng Tăng, hằng nghĩ đến tương lai đạo pháp, nên sở học của mình có bao nhiêu đem truyền ra trao lại hết. Khi biết đệ tử học đã hết chữ nghĩa của mình rồi thì gởi đến các viện Phật học cao cấp để học thêm. Trước khi đi tu, Thượng tọa là giáo sư dạy Pháp văn nổi tiếng, vậy mà không khi nào nói chuyện xen đệm tiếng Tây vô. Có một lần Thầy Chánh Huệ viết một đọan Pháp văn trên bảng, Thượng tọa thấy vậy đứng xem, biểu thầy Chánh Huệ đưa viên phấn rồi Thượng tọa sửa lại mấy chữ và giảng giải. Mà thầy Chánh Huệ thuộc vào hạng khá môn Pháp văn nhất trong các Thầy ở chùa Linh Sơn, bữa đó ai nấy đều ngạc nhiên thích thú.

Ngoài những giờ dạy cho quý Thầy, quý chú lớn Thượng tọa còn dạy một tuần mấy buổi chữ Hán cho mấy điệu nhỏ. Tóc Thượng tọa bấy giờ đã bạc nhiều, mắt lại yếu phải mang kính lão, ngồi cầm quản bút lông viết thiếp cho mấy điệu đồ, còn điệu nào chưa có thiếp thì lại bàn Thầy chõ mắt vào dòm đợi. Sống vào thời buổi viết tòan bút sắt, mà còn có lớp học bút lông như vậy thấy cũng hay hay, trông giống lớp học thời xưa quá! Có điều lớp học này thỏai mái hơn, Thầy không có roi như cụ đồ và trong lớp cũng không có anh trưởng tràng nào để Thầy sai quất mông mấy chú học dốt cả.

Tiền bạc Phật tử cúng dường hoặc bán trái cây trong vườn chùa, Thượng tọa kéo học bàn bỏ vào không hề biết là bao nhiêu, rồi khi có học Tăng ở nơi xa đi lỡ đường ghé lại, lúc ra đi Thượng tọa đều cầm tiền giúi vào tay, cho mà cứ sợ “Người” không nhận. Lúc nào cũng nhắn nhủ dặn dò: “Ừ, đi học đâu thì đi, học cho giỏi rồi về đây ở với Thầy cho vui”

Ngày cuối cùng của cuộc đời, Thầy biết trước, ân cần phó chúc mọi chuyện xong mỉm cười mà hóa. Tử đệ kéo hộc bàn ra để lấy tiền lo đám, hộc rỗng không chẳng có một đồng. Cuộc đời Thầy thể hiện trọn vẹn nếp sống “bần đạo”, bản thân Thầy thì tam thường bất túc như thế, nhưng tấm lòng vì nhân thế lại hữu dư.

Mùa xuân vừa rồi Sư huynh G.Tuệ và tôi trên đường hành hương có ghé lại Tổ đình Linh Sơn, đảnh lễ giác linh Thượng tọa. Ngôi Tổ đình vừa mới trùng tu thật nguy nga tráng lệ. Tôi có hỏi Thầy trụ trì Thiện Dương: “Tiền ở đâu mà Thầy trùng tu chùa to lớn dữ vậy?”.Thầy mỉm cười trả lời: “Tiền của quý Thầy ngày xưa đã từng học nơi đây, giờ tuy tản lạc khắp nơi, có người ở cách xa trọn nửa trái đất như Canada, Washington, Cali…nhưng vẫn luôn hướng về cái nôi êm ái tình thương “Linh Sơn ngày ấy”, nơi mà một thời đã khai tâm mở trí cho họ”. Tôi ra thắp nhang nơi tháp mộ của Người, ngồi bên tháp rêu phong, vôi vữa đã lở ra từng mảng, đường nét đơn sơ giản dị như cuộc đời giản dị của Thầy, lòng chợt bâng khuâng nhớ thương thầy vô hạn. Tôi tự hỏi: “Động cơ nào đã thôi thúc Thầy nguyên là một vị giáo sư Pháp văn ưu tú con nhà quý tộc ở xứ Quảng, lại cắt ngang con đường công danh sự nghiệp, để vào đây nối bước theo chân Tổ mà nối đuốc đưa mọi người qua khỏi bóng đêm vô minh dày đặc và biến nơi đây thành một quê hương tâm linh cho tất cả ngưỡng vọng hướng về”. Câu hỏi tự nêu chưa có câu trả lời, thì không hiểu sao tự dưng tôi lại nhớ đến bàn tay trái của Thầy chỉ còn bốn ngón, một ngón đã đốt cúng dường mười phương chư Phật trong ngày Thầy thọ đại giới, và rõ thêm một chút nữa là vì sao ngày xưa Thầy hay nhắc đến Hòa thượng Quảng Đức cũng đã có những năm tháng Trụ trì ở nơi đây.

Hoà thượng Quảng Đức thung dung bất động ngồi trong lửa đỏ như ngồi trên hoa sen (để bảo vệ chân lý). Còn Thầy điềm nhiên khoái hoạt khi đốt tay cúng dường Tam Bảo. Thì ra sức mạnh tinh thần, sự tĩnh tại vô úy ở nội tâm của Người trước đã truyền lại cho Người sau và đột nhiên tôi tìm ra câu trả lời thích đáng: “Thầy đã nối tiếp một cách rạng rỡ dòng giống của Phật chỉ bằng sức mạnh niềm tin không gì lay chuyển nổi và tình thương vô biên đối với con người – vạn hữu”.



Thích Giác Tâm
PLEIKU
http://www.todinhlinhson.com/tdlsky_9.htm
Sửa lần cuối bởi QT2009 vào ngày 01/05/09 18:57 với 2 lần sửa.


Hình đại diện của người dùng
QT2009
Bài viết: 22
Ngày: 30/04/09 19:56
Giới tính: Nữ
Đến từ: CANADA

Re: TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TỊCH TRÀNG

Bài viết chưa xem gửi bởi QT2009 »

TÂM TÌNH LINH SƠN


Một hôm, tôi đọc được bài “Nhớ thầy” trên tờ báo Giác Ngộ số 67 ra ngày 1.10.1993 sự kiện thật bất ngờ khiến tôi hết sức xúc động, khi nhìn thấy đạo hiệu Bổn sư của mình được xưng tán. Tôi băng khoăn tự hỏi ai là tác giả và vội nhìn cuối bài, tôi biết được tác giả cũng là một tu sĩ và từng y chỉ với Người. Thật ra, trong hàng đệ tử của Người ít ai dám viết về Thầy, vì sinh thời thầy không thích những việc như thế.


Bạch Thầy! khi xem bài “Nhớ Thầy”, cả một thời thơ ấu tu học với hình ảnh lung linh hiện ra trong tâm trí con, con hồi hộp xúc động và niềm xúc động như muốn bóp nghẹt con tim, khiến con không thể nào không viết những đều con biết về thầy, xin thầy tha thứ cho con, như những ngày xưa, thầy đã từng tha thứ con còn là một chú tiểu tinh nghịch và vụng về. Quê hương thầy tận miền Trung xa xôi (QNĐN) đó là cửa ngõ VN đầu tiên tiếp xúc với văn minh Tây phương. Do vậy, thầy là người vừa thâm nho vừa tinh thông Pháp ngữ. Trước khi xuất gia thầy dạy Pháp văn tại trường trung học Đà Nẵng. Ngoài việc dạy học, thầy dồn hết tâm trí vào việc nghiên cứu Phật Pháp và theo học hàm thụ các lớp Phật học tại Huế.

Thế rồi, nhân duyên đến, thầy nhất định ra đi, bỏ lại sau lưng công danh sự nghiệp, Thầy băng rừng lội suối vượt đèo sang Lào, trở xuống Cao Miên để tìm thầy học đạo và cuối cùng theo dòng Cửu Long giang xuôi về miền Nam thì gặp được minh sư là ngài Minh Tịnh hiệu Nhẫn Tế, Người vừa từ Tây Tạng trở về, đã được đức Đạt Lai Lạt Ma thọ ký. Vậy thầy cùng ba huynh đệ được trao truyền giáo pháp với pháp hiệu: Tịch Chiếu, Viên Chiếu, Thường Chiếu, Tịch Tràng.

Hiện nay Hòa Thượng Tịch Chiếu kế thừa sự nghiệp của sư tổ Minh Tịnh, trụ trì chùa Tây Tạng tỉnh Bình Dương.

Hòa thượng Thường Chiếu trụ trì chùa Huệ Lâm tại Bà chiểu, Bình Thạnh. Ngài sống ẩn dật, rất ít khi ra khỏi chùa, không cần biết thế giới bên ngoài, chưa có một đệ tử và dường như đang đợi một vị nào đó?

Còn Hòa thượng Viên Chiếu là một du Tăng, Ngài sống ba y với một bình bát, để hoằng hóa các tỉnh miền Trung, lên núi Ninh Hòa tu tập rồi hóa thân tại đó. Hay tin ấy, dân làng lấy đá tảng xây mộ cho thầy. Thường ngày dân làng lên núi đốn củi, tìm trầm hay ghé hang đá để dừng chân nghỉ ngơi, viếng mộ thắp nhang cho thầy cầu gia hộ bình an.

Thầy tôi, Hòa thượng Tịch Tràng đã đắc Pháp với Ngài Minh Tịnh trong thời gian tu tập tại chùa Thiên Chơn, Bình Dương, cùng với ba huynh đệ trên. Khi ấy Bồ Tát Quảng Đức trên đường hoằng hóa đã Bình Dương và thường thăm viếng ngài MinhTịnh. Bồ Tát Quảng Đức gặp thầy chúng tôi biết ngay là pháp khí, có thể làm rường cột cho phật pháp.

Nhân đấy, Bồ Tát Quảng Đức có nhã ý mời thầy chúng tôi về Vạn Giã, Khánh Hòa để trụ trì ngôi chùa Linh Sơn mà Ngài đương nhiệm trụ trì. Nơi ấy là quê hương môn phái xuất thân của Bồ Tát. Thầy được Bồ Tát Quảng Đức truyền trao Tổ đình Linh Sơn, một trong 31 ngôi chùa do ngài trùng tu và khai sơn. Giữa thời kỳ chiến tranh Việt Pháp khốc liệt nhất, tình thế rất phức tạp, thầy phải đối mặt với hai thế lực chính trị.

Quân đội Pháp bảo thầy là Việt minh, người đã trả lời họ “thầy chỉ là một tu sĩ Phật giáo lấy đức Từ Bi giáo hóa chúng sanh, chứ không tham gia một thế lực chính trị nào”. Từ đó, thầy hóa độ quân Pháp và họ không đến phá chùa và bắt bớ dân lành quanh vùng. Đêm đến khi quân Pháp rút thì Việt minh về làng xin lương thực, những lần chùa còn khoai sắn thì không sao, nhưng hôm nào chùa không còn gì để cho, kể cả cọng rau hạt muối, thì Việt Minh chụp mũ cho thầy là Việt gian. Nhưng rồi đức độ của thầy, vào những lần giao tranh họ bị quân Pháp lùng bắt, thì cửa Từ Bi là nơi an ổn nhất cho họ nương thân, nên họ cũng không khó dễ thầy nữa. Thầy sống tiêu biểu cho hòa bình đã khéo léo dung hòa quan điểm của hai thế lực hầu cứu giúp dân lành. Nếu ai vướng phải vòng oan ức thì thầy đích thân đến nơi để can thiệp và xin tha cho. Chiến tranh tuy ác nghiệt, không tha mạng sống của ai, nhưng riêng thầy tên đạn không dám phạm đến. Vào một ngày nọ, khi thầy đang cúng ngọ tại chánh điện, hai vị Phật tử đứng hai bên. Bỗng đâu một trái “Mọt chê” rớt xuống xuyên qua mái chùa, nhưng trái đạn không nổ mà nằm yên trên trần nhà, chính quân Pháp đã vào lấy trái đạn đó mang đi. Sự huyền diệu của phép Phật khiến cho quân Pháp khiếp vía bái phục, chúng đã chứng kiến sự việc linh thiêng ấy. (Hiện nay dấu tích vẫn còn trên mái chùa cũ tuy đã được vá lại). Chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, sự yên lành trả lại cho dân làng và chùa chiền nên chư Tăng và Phật tử rủ nhau về tu học càng ngày càng đông. Vì vậy, thầy mời Hòa thượng Viên Giác về làm giáo thọ để dạy Tăng chúng tại tổ đình. Sau đó, ngài Viên Giác về khai sơn chùa Giác Hải tại núi Ông Sư, cách chùa Linh Sơn 3 km về hướng Nam. Nhờ vậy, chùa Giác Hải đã trở thành một tòng lâm thắng cảnh. Nơi ấy, Hòa thượng Viên Giác tiếp tăng độ chúng rất đông.

Đức độ khoan dung của thầy thật vô biên, tất cả những ai dù quá khứ thế nào, khi muốn quay về tu tập thầy sẵn sàng dung nạp. Có những vị bổn sư của họ không sao cải hóa đã phải từ chối, nhưng khi về với thầy thì họ hòan tòan thay đổi. Bởi vậy, trước năm 1975 Linh Sơn là nơi quy tụ chư Tăng từ Quảng trị đến Cà Mau không phân biệt sơn môn hay địa phương nào, cũng có thể ở để tu học được. Khi thầy dạy một chú tiểu có lỗi, không bao giờ dùng roi vọt hay nặng lời, chỉ nhìn nét mặt đầy Từ Bi nhân hậu khả kính của thầy là các chú tiểu ăn năn hối cải. Lúc tôi còn là chú tiểu thường mắc phải những lỗi lầm nhưng chưa bao giờ bị thầy quở trách. Một buổi sáng nọ, tôi bưng mâm cơm lên hầu thầy, khi bước lên bậc thềm nhà Tăng, tôi vướn chân vấp té, mâm cơm hất tung xuống đất; sự sợ hãi khiến tôi không nhúc nhích được. Thầy đang ngồi bên trong nhìn ra thấy, người từ từ đứng lên đến đỡ tôi dậy và dẫn vào phòng, xoa dầu cho tôi và hỏi: “Con có sao không? Con bị đau ở đâu?” Nghe những lời này nỗi sợ hãi và đau đớn của tôi tan biến. Tôi ngước lên nhìn thầy: Ôi một gương mặt đầy lo lắng và nhân hậu! Thầy dạy: “Lần sau đi cẩn thận từng bước nghe con!”

Lòng từ bi không chỉ đối với loài người mà là với tất cả chúng sanh. Có lần, thầy cầm con dao chặt cành sứ, trên cành cao có tổ kiến vàng, vỡ rơi xuống khắp người thầy, tôi vội vàng chạy lại hai tay phủi lia lịa, nhưng thầy quay lại bảo: “Con đừng phủi mạnh nó chết”. Rồi thầy cởi áo treo trên cành cây, nhẹ tay bắt từng con thả lại trên cành, thấy vậy tôi cũng bắt chước làm theo, kiến nhiều quá, nên khi chưa kịp bắt, chúng tha hồ cắn thầy đủ nơi: đầu, cổ, má, vai… nhưng thầy vẫn đứng yên chịu đựng, quay lại mà nói: “Đó là lỗi tại thầy, vì thầy vô tình phá nhà của chúng, làm cho dòng họ nó tan vỡ, khiếp sợ”. Cuộc sống của thầy thật giản dị, từ ăn mặc xềnh xòang cho đến giao tế, thầy đối mọi người đều bình đẳng không phân biệt sang hèn. Nhiều lần tôi chứng kiến, thầy tiếp xúc các vị Quận trưởng, Tỉnh trưởng hay các vị chức sắc trong chánh quyền, cũng với chiếc áo nâu cũ kỹ, với những tách trà đơn sơ; một người nông dân chân lấm tay bùn, hoặc một em bé tung tăng trong vườn chùa lượm me hoặc những cụ già lụm khụm đến thọ Bát, thầy đối xử rất trân trọng và niềm nở. Đấy là hình ảnh thầy đã sống bình đẳng trên tinh thần “Phật tính”

Thầy lo đời sống của chúng tăng từng bữa ăn, giấc ngủ. Thầy cùng ăn cơm với chúng, trong bữa ăn thật trang nghiêm, chánh niệm, không nói chuyện, không có tiếng khua nhẹ của chén đũa. Nhất là, thầy rất quan tâm lo lắng việc tu học của các chú tiểu. Thầy trực tiếp hướng dẫn dạy các chú vào mỗi chiều.

Về phần tu tập, thầy hướng dẫn đại chúng các khóa lễ tu theo Pháp môn Tịnh độ. Nhằm ngày vía Phật và Bồ Tát, thầy hướng dẫn chúng tưởng niệm và đảnh lễ 100 lần danh hiệu nhân ngày vía ấy. Như ngày vía Phật A Di Đà khi đảnh lễ vía xong, thầy cho chúng luân phiên niệm danh hiệu Phật suốt ngày cho đến khóa lễ Tịnh độ tối. Với sức khỏe tuổi gần 70, nhưng thầy tu hành tinh tấn đến nỗi chúng tăng trai trẻ ít ai làm theo nổi. Ngoài ra, những khóa lễ thọ trì riêng, từ ba giờ khuya thầy lạy Vạn Phật cho đến bảy giờ sáng, thì giờ còn lại thầy luôn luôn niệm Phật, tràng hạt không rời khỏi tay. Thầy đã hòan thành sứ mạng trong những ngày cuối cùng.

Hạnh nguỵên đã mãn, với sức khỏe càng ngày càng yếu dần Hòa thượng biết sẽ ra đi, nên gọi đồ chúng lại và giao phó trách nhiệm cho từng vị. Lời dạy cuối cùng của Hòa thượng để lại bốn câu kệ cho đệ tử y theo đó mà tu hành:

“Hơn thua phải trái biết bao là
Xét nét tu hành giữ lấy ta
Tâm để rỗng không thường nhẫn nhục
Muôn phiền não chướng cũng tiêu ma.”


Trước khi ra đi, thầy không cho đệ tử xây tháp nhưng vì để tưởng nhớ ân sâu giáo dưỡng của thầy nên đệ tử mới xây tháp để thờ, tháp ấy thật đơn sơ và bình dị như cuộc đời thầy. Trên bàn thờ hai câu đối thờ thầy, do Thượng tọa Tuệ Sỹ Viện Cao Đẳng Phật Học Nha Trang kính điếu như sau:
仰 之 高 奚 生 歟 滅 歟 彷 彿 空 堂 瘦 鶴
-«Ngưỡng chi cao hề sanh dư diệt dư phưởng phất không đường sấu hạc»;
垂 之 切 矣 戒 也 訓 也 俳 佪 暮 影 遺 音
-«Thùy chi thiết hỷ giới dã huấn dã bồi hồi mộ ảnh di âm».

Những hình ảnh, âm thanh ấy phảng phất khi chiều về, con không làm sao cầm nổi nước mắt, rươm rướm ướt lệ, chỉ cúi xuống quay cuồng về quá khứ. Bạch thầy! viết về những dòng này, cả khung trời cũ hiện ra trước mắt con. Ngôi chùa cổ kính hùng vĩ bên bờ sông Hiền Lương với vườn cây ăn trái rung rinh, bởi những tiếng xình xịch vọng tới từ phía xe lửa Nam Bắc. Cánh đồng lúa bát ngát còn đọng sương trên lá trải dài theo mãi tận ánh hòang hôn tắt nắng sau dãy núi xa xa. Những hàng dừa cằn cỗi cao vút trơ gan cùng tuế nguyệt, nghiêng mình dưới ao sen như chờ đợi người về. Vào mùa sen nở rộ, thoang thỏang xa bay mùi hương quyện theo gió tràn ngập cả lòng người. Nhất là, hình ảnh của thầy lúc nào cũng in mãi trong tâm con, hào quang của thầy soi sáng cuộc đời con đang đi, hướng dẫn con ra khỏi mê mờ mà sự tu học tự ngã chưa giải thóat được. Con nhớ thầy, nhớ công ơn dạy dỗ đã trao truyền cho con mạch mạng giải thóat, từng hơi thở, từng giấc ngủ dại khờ. Con nguyện xin trọn đời nối theo bước chân thầy đã đi.

Như vậy, Tổ đình Linh Sơn đã hun đúc những bậc vệ úy nối tiếp nhau làm vẻ vang cho Đạo pháp và Dân tộc. Vạn ninh là quê hương của Bồ Tát Quảng Đức, Tổ đình Linh Sơn là nơi xuất thân tu học của Bồ tát. Ngài đã trầm mình trong ngọn lửa bảo vệ Phật pháp trường tồn cho đến hôm nay và mãi mãi…Người được thừa kế sự nghiệp Tổ đình từ Bồ tát Quảng Đức truyền trao là Hòa thượng Tịch Tràng, bổn sư của chúng tôi; thầy đã phát nguyện đốt ngón tay út cúng dường chư Phật trên ngọn lửa, ngồi không lay động trong thời gian 2 giờ rưỡi. Thầy vẫn điềm nhiên ngồi thọ trì kinh Pháp Hoa, lực vô úy của thầy thật dõng mãnh.

Cũng tại căn phòng ấy, thầy Minh Hưng đã nhập thát 6 tháng thọ trì Kinh Pháp Hoa và viết kinh Pháp Hoa và Địa Tạng bằng chữ hán với bút lông chính máu của thầy làm mực. Hai bộ kinh được đóng hộp hiện thờ tại chùa. Hiện nay, sư huynh Thiện Dương đang trụ trì Tổ đình với tinh thần kế thừa đã phát nguyện trùng tu ngôi Tổ đình ngày càng trang nghiêm hơn. Với ý chí sắt đá và sức người, từ hai bàn tay trắng sư huynh không ngại gian lao để vượt rừng đốn cây xẻ gỗ, xuống biển hốt đá về xây chùa. Nơi đây, dân quê nghèo vật chất nhưng tinh thần rộng lớn có thừa, họ đóng góp hết sức mình cho Đạo. Đứng trước ngôi Tam Bảo đang thi công dang dở, ai cũng ngạc nhiên với sự thành tựu ngoài khả năng ấy, đó là sự trùng tu lại một di tích lịch sử lâu đời hùng vĩ nhất nhì trong tỉnh Khánh Hòa.


Thích Thiện Hiền.
http://www.todinhlinhson.com/tdlsky_10.htm


Hình đại diện của người dùng
QT2009
Bài viết: 22
Ngày: 30/04/09 19:56
Giới tính: Nữ
Đến từ: CANADA

Re: TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TỊCH TRÀNG

Bài viết chưa xem gửi bởi QT2009 »

NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM

Trong gần năm niên khóa 1970-1975 tôi làm Giám học và dạy học tại Trường Bồ Đề Vạn Ninh, thỉnh thoảng rảnh rỗi tôi vào chùa Linh Sơn thăm qúi thầy và các chú học ở trường. Cảnh trí chùa rất thanh tịnh, chùa nhìn ra con sông có chiếc cầu xe lửa vững chắc bắc nhịp nối hai bờ. Nước sông trôi êm đềm giữa đôi bờ cát bên lỡ, bên bồi, bên bồi luôn ở phía trước mặt cổng Tam quan, có lùm bụi lưa thưa che chắn một màu xanh dịu mát cạnh hàng cây rũ bóng vào mùa hè và xào xạc trong mùa gió bấc. Tôi không phải nhà thơ cũng không phải người họa sĩ nhưng cũng vẽ lên được bức tranh của lòng mình với lời thơ man mác cạnh chiếc cầu buồn thiu trong chiến tranh thiếu hẳn tiếng rì rầm của những đoàn tàu qua lại nhưng sớm chiều luôn ngân vọng tiếng chuông chùa Linh Sơn dịu vợi thiết tha trước nỗi đau cắt xé lòng mà cuộc chiến để lại bao thứ hờn căm, hận thù giữa anh em với nhau. Bức tranh lòng trong tôi cứ hiện rõ ra khi đứng trên bãi bồi lúc chiều về, lúc chùa Linh Sơn tĩnh mịch hơn bao giờ hết. Nếu không bị mòng muổi không có sự rình rập thù hận trong tiếng đại bác ban đêm thì ngồi ở đây tĩnh tọa con người sẽ minh mẫn, thư thái biết bao! Có lẽ thầy Trí Châu chọn ngôi chùa này làm nơi tu tập thiền định là đúng y xứ lắm. Hồi ấy, tôi thường đọc sách thiền và tập tành điều hòa hơi thở, đáng ra cái sân trong tôi giảm đi thì phải đằng này thì ngược lại, tôi hay nỗi nóng khi học sinh ngỗ nghịch, phá phách hay thiếu chăm chỉ…Bởi thế, tôi được học sinh trao cho biệt danh “Kim khùng”, không những tôi không bực tức mà lấy đó để soi lại con người của mình soi lại gương mặt sân si gớm ghiếc ấy. Biết nóng giận là chẳng tốt lành gì chính nó thiêu rụi nhiều căn lành song nghiệp sân khó bề thóat xác dù tôi có lấy việc ngồi thiền hằng đêm như để đối trị nhưng hiệu quả đạt được chẳng là bao. Tôi tìm đến thầy Trí Châu để tìm hiểu học hỏi. Hằng ngày thầy ngồi thiền hai lần, mỗi lần năm tiếng đồng hồ, chỉ ăn một bữa ngọ. Gần như thầy có đủ mọi nhân duyên trong tu tập thiền định của mình. Thầy có giọng nói sang sảng rất khỏe, nước da sáng, đôi mắt tinh anh có thần, phong thái của một thiền sư hiện ra rất rõ. Tôi cảm thấy được gần thầy là một niềm vui tinh thần, như tìm được một bậc minh sư. Tôi được thầy tiếp chuyện và trao cho những kinh nghiệm ngồi thiền. Thầy còn cho tôi mượn cuốn vở ghi chép kinh nghiệm tu thiền của thầy. Nói chung thầy động viên tôi bước đầu phải thật tinh tấn để vượt qua mọi chướng ngại tự thân, phải có thời gian và tu đúng phương pháp…Tôi gần gũi chùa Linh Sơn, thầy Trí Châu, Thượng tọa Trụ trì và các chú cũng chính từ bao hạnh tu bàn bạc giữa cuộc sống này…Và ở Vạn Ninh hồi ấy, có lẽ chùa Linh Sơn là nơi tu hành nghiêm túc nhất. Giữa chiến tranh, ở một vùng xôi đậu, ngôi chùa vẫn được bình yên mới hay đức độ của vị Trụ trì là lớn lắm…

Càng gần gũi càng hiểu sâu nếp sống tôi càng nhận ra đức độ của vị Trụ trì. Ngài rất kính nể và rất quí thầy Trí Châu. Thật ra, thầy Trí Châu chẳng có nhu cầu gì ngoài áo đủ mặc, cơm một bữa nhưng như thế không có nghĩa là không nhu cầu và ít nhất, giản đơn nhất cũng được Thượng tọa và chúng điệu chăm lo một cách trân trọng. Dù vậy, tôi vẫn nghe chúng điệu bảo thầy Trí Châu nóng lắm hay quát tháo những chuyện không đâu. Thì ra tôi đồng bệnh như thầy nên không lấy gì ngạc nhiên về chủng tử nóng giận kia. “Đồng bệnh tương lân” mà! Có lần tôi hỏi thầy: “làm sao để đừng nóng giận”? Thầy cười và bảo: “Cái ta chưa thấy rõ và nhàm chán cái thân bất tịnh thì còn sân giận”…

Thế rồi, một ngày nọ cái “Ta” của thầy bộc phát từ tấm lòng từ của thầy: sau khi xả thiền, thầy ra ngoài thấy các chú hương đăng cắt mấy cành hoa đào để cắm vào bình cúng Phật, thầy liền bảo: “Trồng hoa thì để cho nó sống chứ cắt làm gì? Phật đâu có cần mấy ông cắt nó để cúng?”. Thế là thầy bước đến đưa chân đá đỗ hết mấy chậu cây đặt trước thềm chùa, có chậu bễ tan tành, có chậu lăn lóc giữa sân…Thấy vậy, trong chùa ai cũng thất kinh, bực bội nhưng riêng vị Trụ trì, ngài Tịch Tràng biết rõ cái tính của thầy hay nổi nóng vô cớ nên không một lời than phiền còn bảo các chú vui vẻ dọn dẹp… Như vậy, thì ai thật tu hơn ai? Và giữa hai vị thầy ai là người nhìn thấy rõ cái thân bất tịnh này?! Thực tế đã trả lời.

Tôi nghe việc này từ các chú học ở trường Bồ Đề…Tôi giựt mình tự hỏi: Có phải thầy Trí Châu tu thiền càng cao, nội tâm càng bị dồn ép, dồn nén đến độ “tẩu hỏa nhập ma” chăng? Vậy muốn thật sự tu chứng phải làm sao đây? Phải chăng: “Phàm cái gì có hình tướng thì đều hư vọng – Vạn duyên buông hết, một niệm không sanh?”

Đã trên ba mươi bể dâu, vật đổi sao dời, Ngài Tịch Tràng và thầy Trí Châu cũng đã qúa vãng, nhưng chùa Linh Sơn đã trở thành một phạm vũ trang nghiêm huy hòang và chiếc cầu xe lửa rì rầm những đòan tàu qua lại, còn giòng nước vẫn làm công việc bên bồi, bên lỡ trước mặt chùa rồi hòa mình vào nước triều mặn nồng tình biển cả. Biển là chỗ về của trăm sông ngàn suối và biết đâu chùa Linh Sơn cũng là chỗ về của người con Phật mười phương trong đó tình người xứ Vạn thấm đượm vị nồng ân đức của Thầy Tổ không phải là ít. Riêng tôi hình ảnh xâu chuỗi mười tám hạt trên tay Ngài Tịch Tràng như hằn sâu trong trí nhớ, cái khác với thầy Trí Châu là ở chỗ đó. Thôi thì ở trời Âu Mỹ này, dừng chân lưu lạc nơi chùa Cổ Lâm thuôc thành phố Seattle, tinh cần niệm Phật mà sống, mà cầu mong sao làm được dòng sông nhỏ trôi qua trước chùa như con sông Hiền Lương trước chùa Linh Sơn vậy.
Sau cùng xin cám ơn Phước Thắng đã trao cho tôi nén hương thật quí để đốt lên tưởng niêm nhân ngày húy kỵ của Ngài.


Seattle 10.2004
Nguyên Kim
http://www.todinhlinhson.com/tdlsky_13.htm


Hình đại diện của người dùng
QT2009
Bài viết: 22
Ngày: 30/04/09 19:56
Giới tính: Nữ
Đến từ: CANADA

Re: TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TỊCH TRÀNG

Bài viết chưa xem gửi bởi QT2009 »

LINH SƠN NGHÌN NĂM VƯỜN MÂY TRẮNG

Mùa hè 1969, tôi mới học lớp Đệ tứ mà đã bắt đầu tập sống lang thang rồi. Khi cha tôi qua đời thì tôi đang rong rêu ở Nha Trang. Nhận được điện tín của người bạn từ Đà Nẵng gởi vào, tôi vội vã quy hồi cố quận.

Trên đường về, tôi làm một bài thơ, trong đó có mấy câu:
Ngày cha mất tôi không về kịp
Thắp nén nhang tưởng niệm trước mộ phần
Gẫm một kiếp người như áng phù vân
Không hiểu được đây là hư hay thực?


Hồi đó, tôi mới 16 tuổi, nên rất đỗi bàng hòang, thảng thốt trước lẽ sinh và tử, hư và thực, có và không…Vì thế, về quê để tang cha xong, tôi lại lên đường phiêu bạt, không phương hướng.
Đi và đi và đi mãi như một tên cuồng sĩ. Khi thì ở Huế, Quy Nhơn, Pleiku, Ban Ma Thuột, Đơn Dương, Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc, lúc thì ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Long Khánh, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang… Đi đến đâu, tôi cũng xin lưu trú ở chùa vài hôm, có khi cả tuần, nửa tháng, rồi lại lang thang, tiếp tục cuộc lữ phiêu bồng, vô mục đích.

Chính nhờ ở chùa nhiều mà tôi có dịp tiếp xúc với Thiền học. Tôi đọc miên man, choáng váng, xuất thần theo Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Nhất Hạnh, Thanh Từ, Phạm Công Thiện, Huyền Giác, Hòang Bá, Lâm Tế, Huệ Năng, Bồ Đề Đạt Ma, Susuki, Vivekananda, Krishnamurti… và một ngày hốt nhiên, tôi chợt thấp thóang thấy được một cõi đi về.

Thế là đang chơi giữa vô thường, bất chợt tôi chuyển một hướng say, trút bụi giang hồ xuống bờ biển Nha Trang và dừng gót phiêu linh nơi chùa cổ Linh Sơn, ở Hiền Lương, Vạn Giã.

Ra đi đã đuổi mộng tình
Chút thân bèo bọt vô minh bềnh bồng
Nỗi đời lệ chảy trăm sông
Về đâu giữa chốn bụi hồng hoang mê?


Mang câu hỏi sinh tử ấy, tôi lặn lội đến gõ cửa thiền. Duyên lành may mắn, nhờ ông anh Thiện Tánh giới thiệu, tôi xin xuất gia với thầy Tịch Tràng. Một vị thầy đạo cao đức trọng mà ánh mắt, nụ cười bao dung, độ lượng đã âm thầm nhiếp dẫn kẻ phong trần lạc lối này về với bến bờ an vui miên viễn của tâm hồn.

Linh Sơn, chùa nằm yên tĩnh, tịch mịch bên dòng sông bồng bềnh mây nước, soi bóng thùy đương giữa trời thơ đất mộng. Quanh năm rợp bóng dừa xanh ngát và lồng lộng gió nắng ngàn khơi đại hải, từ cửa biển Vạn Giã thổi vào.

Dào dạt lòng thơ lai láng bồi hồi, tôi ném cái ngã điên rồ của mình xuống dòng sông trước cổng tam quan. Tôi bắt đầu thực tập Thiền tông dưới sự hướng dẫn vô vi, vừa đơn sơ giản dị vừa ẩn mật khôn dò của bậc đạo sư thâm hậu. Thực sự Thầy dùng cách mặc như lôi, im lặng sấm sét, bằng ánh mắt thấu thị, chan chứa từ bi, để dắt dìu kẻ sơ cơ nhập diệu cõi miền sâu thẳm tâm linh, từ từ tự khám phá, tự lãnh hội, tự đáo bỉ ngạn và hoát nhiên thưởng thức được hương vị cô liêu, thuần nhiên thanh tịnh ở ngay giữa lòng mình

Hình ảnh thanh thản, đạm bạc, im lặng trầm hùng, cung cách khiêm hạ, từ tốn, rộng lượng, bao dung cùng với nụ cười luôn luôn hoa hỷ là ấn tượng nổi bật nơi vị thầy khả kính mà bất cứ ai cũng đều cảm nhận được như vậy.

Thầy ứng cơ tiếp vật nhẹ ngàng, vô sự như nước chảy mây bay, chẳng có chi là quan trọng cả, chẳng có gì là ghê gớm lắm, chẳng hữu tâm chẳng vô tâm, hòa cùng tất cả bước trầm nhiên qua.
Trùng trùng duyên khởi thôi mà
Bến bờ tâm ngát trổ Hoa Nghiêm vàng
Lý và sự bước hòa chan
Ra vào vô ngại giữa ngàn đục trong.


Nghìn phương vẫn một phương lòng. Lòng không muôn việc cũng không chi phiền. Đó là bước đi kỳ cùng theo thể điệu tiêu dao, trên cung bậc thượng thừa, niêm hoa vi tiếu của thầy.

Mây trắng nghìn năm còn bàng bạc trên đỉnh núi Linh Sơn, vẫn còn đó muôn thở, đóa hoa của Đức Phật đưa lên và Ca Diếp mỉm cười. Ôi từ đình Linh Sơn xưa đến Tổ đình Linh Sơn nay, vẫn con đường Mây Trắng đó, vẫn bất tuyệt thiên thu một nụ cười.

Nụ cười tiếp nối những nụ cười. Mở ra những phương trời bát ngát, những con đường huyền mộng không đến không đi. Không đến chẳng mang theo gì, cũng như vậy đó, ra đi nhẹ ngàng, sá chi đâu chuyện thế gian. Mà lưu dấu vết son vàng viễn vông?

Mây trôi nước chảy gió lồng
Từ hư không đến thì không hư về
Vạch cho đời thấy lòng quê
Để thênh thang bước vượt lề tử sinh


Cho đến bây giờ, tôi mới thấu hiểu hết nụ cười vô ngã, nụ cười không chấp mà Thầy âm thầm nhiếp dẫn, cảm hóa chúng ta và tôi vội:

Quỳ xuống đó với lòng thành chánh niệm
Lạy ơn Thầy một thuở mở khai tâm
Là muôn thuở thấy ra rồi lối ngõ
Bước đi về thanh thản hát nghìn năm.



Tâm Nhiên
http://www.todinhlinhson.com/tdlsky_17.htm


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.23 khách