TÌM HIỂU NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN TRONG KINH XÀ DU-TRƯƠNG BỘ KINH

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Thích Nữ Quảng Châu

TÌM HIỂU NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN TRONG KINH XÀ DU-TRƯƠNG BỘ KINH

Bài viết chưa xem gửi bởi Thích Nữ Quảng Châu »

TÌM HIỂU NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO QUA KINH XÀ DỤ



PHẦN MỞ ĐẦU

1. LÝ DO VÀ MỤC ĐÍCH CHỌN ĐỀ TÀI

1.1 Lý do chọn đề tài

Phật Giáo là một tôn giáo có hệ thống tam tạng thánh điển vĩ đại nhất so với tất cả tôn giáo trên toàn thế giới. Dọc dài theo thời gian vô cùng, trải qua bao sự thăng trầm chuyển hóa của không gian vô tận, kinh điển Phật giáo ngày càng phổ biến.

Hệ thống tam tạng thánh điển trường tồn và phát triển bởi nó thỏa mãn hai yêu cầu:

O Thứ nhất, đoạn tận khổ đau cho con người.

O Thứ hai, đây là một hệ thống ngôn ngữ mang tính logic mọi người có thể tự đọc, hiểu và tin tưởng, không phải nghe người khác nói để rồi tin suông.

Trong tất cả các thời thuyết pháp, Đức Phật để lại rất nhiều pháp dụ. Thông qua những pháp dụ cụ thể, người hậu học có thể nắm bắt, hiểu và suy niệm một cách dễ dàng. Xuyên suốt kho tàng văn học Phật Giáo, kinh tạng là hệ thống giáo lý chuyển tải nhiều hình ảnh ví dụ nhất.

Từ kinh tạng Nikàya, Agama cho đến các bộ kinh đại thừa, ngôn ngữ ví dụ, ảnh dụ rất rõ ràng, cụ thể.

Ngôn ngữ ví dụ được Đức Phật sử dụng bày tỏ sự thật cả hai mặt: quy ước và thực tại.

Kinh Xà Dụ (Alagaddùpamasuttam -Discourse on the simile of the snake) [3,295] được xây dựng với hàng loạt ví dụ cụ thể mà sinh động, đời thường mà thâm thúy. Đức Phật nói về sự nguy hiểm của các dục, như hố than, như gậy nhọn, như miếng thịt, như khúc xương v.v… Đồng thời thông qua hình ảnh ví dụ con rắn nước đi kèm hình ảnh chiếc bè, đức Phật nêu rõ lợi ích và tai hại của thái độ học pháp và bác bỏ thái độ chấp vào các pháp đã được học.

Những ví dụ trong kinh Xà Dụ sẽ làm cho giáo pháp “… sâu kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của lý luận suông, tế nhị, chỉ những người trí mới nhận hiểu”[4], của bậc Thế Tôn giác ngộ được hiểu một cách đơn giản và dễ dàng đối với mọi người.

Những Pháp dụ trong kinh Xà Dụ là yếu tố tượng trưng cho toàn bộ hệ thống ngôn ngữ kinh điển Phật Giáo.

1.2 Mục đích chọn đề tài

Có một câu chuyện kể rằng, một ông vua bắt vị cận thần mô tả cho mọi người biết về mặt trăng khuyết mà không được dùng bất cứ hình ảnh nào ví von.

Vị cận thần này dùng đủ mọi cách để miêu tả nhưng không ai hiểu. Cuối cùng ông ta phải xin phép nhà vua mượn hình ảnh lưỡi liềm để dụ cho mặt trăng khi khuyết, mọi người hiểu ngay. Nhờ ví dụ lưỡi liềm, hình ảnh vầng trăng khuyết hiện ra rõ ràng.

Từ những ngày đầu học Phật, bắt gặp những ví dụ trong kinh điển người viết đã có suy nghĩ về cách dùng ngôn ngữ, từ đó nghĩ đến phương pháp minh họa trực quan sinh động trong phương pháp giảng dạy hiện đại, phải dùng những hình ảnh cụ thể như: Vị mặn duy nhất của nước biển là hương vị giải thoát của giáo pháp Phật Đà, nước biển mênh mông là nước mắt của chúng sanh luân hồi sinh tử từ vô thỉ kiếp: khi thương nhau xa nhau, giận nhau gần nhau, khóc vì sinh ly, tử biệt. Dòng sông thinh lặng tuôn trào được đức Phật ví như dòng sông ái dục nhận chìm bao kẻ vô minh.

Bốn sự viên dung trong kinh Niết Bàn, từ viên dung và nghĩa viên dung được xem là điều kiện cơ bản của người học Phật, điều kiện này là chỗ suy tư của người viết và cũng chính là lý do để người viết chọn đề tài Tìm Hiểu Ngôn Ngữ Kinh Điển Phật Giáo Qua Kinh Xà Dụ cho tập tiểu luận này.

2. PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

2.1 Phạm vị đề tài

Việc nghiên cứu ngôn ngữ kinh điển là một việc làm không đơn giản, đây là công việc cho những nhà chuyên môn. Với tâm nguyện học pháp, người viết với sự hiểu biết còn non nớt, giới hạn thời gian và điều kiện, dùng phương pháp phân tích, so sánh, đối chiếu, liệt kê và quy nạp chỉ mong tìm hiểu các pháp dụ được đề cập trong kinh Xà Dụ qua một số điểm dưới đây:

Giới thiệu tổng quát về ngôn ngữ ví dụ trong kinh điển Phật Giáo.

Tìm hiểu các pháp dụ trong kinh Xà Dụ.

Ý nghĩa các pháp dụ trong kinh Xà Dụ.

2.2 Phương pháp nghiên cứu

Trong tập tiểu luận này, người viết dùng phương pháp phân tích, giải thích so sánh, lẫn phương pháp liệt kê và quy Áa

3. Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA LUẬN VĂN:

Với đề tài tự chọn: “Tìm Hiểu Ngôn Ngữ Kinh Điển Phật Giáo Qua Kinh Xà Dụ”là nền tảng đầu tiên cho quá trình nghiên cứu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo sau này. Đồng thời với mong muốn từ kết quả nghiên cứu này ngõ hầu giúp những người học Phật có một tài liệu tham khảo về ngôn ngữ kinh điển nói chung và các pháp dụ trong kinh Xà Dụ nói riêng.

Trong tập luận văn này, người viết trình bày những ví dụ nhằm mục đích tu tập thực nghiệm ngõ hầu đạt đến an lạc cho tự thân và hướng dẫn tha nhân tu tập.

4. KẾT CẤU LUẬN VĂN:

Luận văn được trình bày theo phương pháp liệt kê, so sánh. Ngoài phần dẫn nhập mang tính trường quy, phần nội dung, luận văn trình bày:

Chương 1: Giới thiệu tổng quát về ngôn ngữ kinh điển Phật giáo

Chương 2: Tìm hiểu các Pháp dụ qua kinh Xà Dụ

Chương 3: Ý nghĩa các Pháp dụ trong kinh Xà Dụ

Sau đó là phần kết luận và thư mục tài liệu tham khảo.



CHƯƠNG 1: Giới thiệu tổng quát về ngôn ngữ kinh điển Phật giáo



1.1. PHÁP DỤ, NGÔN NGỮ ĐIỂN HÌNH TRONG HỆ THỐNG NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Có bao nhiêu tâm lý, có bao nhiêu chiều hướng của cảm xúc, chiều hướng tư duy khác nhau, bao nhiêu trình độ thì có bấy nhiêu ngôn ngữ dùng làm phương tiện giao tiếp, truyền đạt.

Kinh điển Phật giáo được sử dụng nhiều loại hình ngôn ngữ.

Ngôn ngữ dùng trong kinh điển tự nhiên như tính chất không màu của dòng nước lặng lẽ trôi theo dòng sông. Một số loại hình ngôn ngữ xuất hiện trong kinh tạng:

o Ngôn ngữ thiền định tư duy.

o Ngôn ngữ ly niệm, thực tại.

o Ngôn ngữ biểu tưởng, gợi cảm.

o Ngôn ngữ ví dụ, ẩn dụ.

Ví dụ là một loại hình ngôn ngữ thông dụng nhất trong kinh tạng.

Có thể nói trong hầu hết các thời thuyết pháp, đức Phật đã để lại nhiều pháp dụ, ví dụ cụ thể. Trong kho tàng văn học Phật giáo từ kinh tạng Nikaya, Agama cho đến các bộ kinh đại thừa đều hiển thị những hình ảnh ví dụ.

Ngôn ngữ ví dụ là ngôn ngữ diễn đạt về một hình ảnh cụ thể, một trường hợp cụ thể để minh hoạ cho vấn đề được nêu ra. [12, 55]

Các ví dụ được đức Phật đưa ra giữ một vai trò quan trọng trong kỹ thuật khai ngộ và đánh thức thính chúng. Những ví dụ quan trọng đến mức được dùng đặt tên cho các bản kinh:

- Kinh ví dụ tấm vải - Kinh số 7 - Trung Bộ I (Vathùpamasuttam - Discourse on the simile of the cloth).

- Kinh ví dụ cái cưa - Kinh số 21 - Trung Bộ I (Kakacùpamasuttam -Discourse on the parable of the saw).

- Kinh ví dụ con rắn - Kinh số 22 - Trung Bộ I (Alagaddùpamasuttam - Discourse on the parable of the water snake).

- Kinh ví dụ dấu chân voi - Kinh số 27, 28 - Trung Bộ I (Mahà / Cùlahathipadopamasuttam – Greater / Shorter Discourse on the simile of the elepphan’t footprint).

- Kinh ví dụ Lõi Cây số 29, 30 Trung Bộ I (Mahà / Cùlasàropamasuttam- Greater / Shorter Discourse on the simile of the pith).[3]

Ngoài ra, đức Phật sử dụng những Pháp dụ để giúp thánh chúng dễ hiểu, dễ nhớ. Đức Phật mô tả pháp qua những ví dụ cụ thể, thi thiết để soi sáng nhận thức và thực hành pháp một cách thiết thực và nhẹ nhàng.

Chúng ta không thể quên bộ kinh Bách Dụ và Pháp Cú là hai bộ kinh bao hàm những pháp dụ, ví dụ cụ thể rõ ràng nhất.

Theo các nhà nghiên cứu Phật học, ngôn ngữ của kinh Pháp Cú là ngôn ngữ ví dụ, một bộ kinh thông dụng mang tính triết lý Phật giáo chỉ nhờ vào những ví dụ.

Lời tự thuyết của Thế Tôn trong kinh Pháp Hoa như vầy:

“Sau khi đắc đạo, ngài quán sát thấy căn cơ chúng sanh quá thấp, pháp ngài chứng thì sâu xa vi diệu, khó hiểu, khó thấy, khó vào. Dù có nói ra cũng không ai hiểu được. Do đó ngài định nhập Niết bàn, không ra giáo hóa. Nhưng rồi, ngài ngẫm lại: Chư Phật quá khứ đã dùng các pháp môn phương tiện để độ sanh. Phương tiện đó trước hết là ngôn ngữ của chúng sanh.”

Nếu đức Phật dùng thuần ngôn ngữ của chư Phật (như phóng hào quang, im lặng). Chỉ có chư Phật hiểu với nhau mà thôi thì không thể truyền đạt sự thật đến chúng sanh được. Bởi vậy, đức Thế tôn phải dùng ngôn ngữ của chúng sanh để nói với chúng sanh, tùy vào sự thấy biết của chúng sanh, đó là theo chúng sanh mà nói bằng ẩn dụ, bằng truyện xưa tích cũ theo đúng kiểu một nhà sư phạm. Tất cả những ví dụ đều cố làm sáng tỏ kỹ thuật tu hành, để đạt đến tâm điểm của đạo, đó là điều đức Phật muốn nói: khổ và phương pháp thoát khổ.

Tóm lại, trong mỗi pháp thoại, đức Phật thường dùng ví dụ cụ thể để minh họa cho giáo lý của ngài.

Do vậy, Phật giáo thích hợp cho cả hai hạng người: đại chúng và tri thức. Phật giáo có sữa cho trẻ em mà cũng có thức ăn cho người khỏe mạnh. Phật giáo cung ứng một lối sống cho những hội viên của giáo hội tăng gia và một lối sống khác cho người tại gia cư sĩ. Trên tất cả, Phật giáo truyền bá con đường giác ngộ duy nhất [9,9] thông qua những ví dụ như khúc xương, miếng thịt, bó đuốc cỏ khô, cái muỗng múc canh, dấu chân chim, bò con vú mẹ, tràng hoa lài v.v…

Tâm lý chúng ta hay đi tìm những điều gì cao xa, huyền bí, để rồi vô tình quên đi đạo lý trong thực tế đời thường. Những Pháp dụ, ví dụ trong kinh tạng chúng ta đọc tụng hàng ngày là những bài học đem lại sự thực thi theo Pháp có hiệu quả nhất.

1.2. PHÁP DỤ TRONG CÁC KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Những ví dụ trong kinh tạng đại thừa mang tính chất triết lý uyên thâm thì ngược lại những ví dụ trong kinh tạng Nguyên Thủy là những hình ảnh cụ thể, bình dị trong đời thường, các ví dụ phần lớn gắn liền với những hiện tượng, sự vật, sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Kinh Pháp Cú là một bộ kinh đã sử dụng ngôn ngữ ví dụ như một thể cách đặc biệt để đánh động tâm thức cuồng si của chúng sanh, để chúng sanh thức tỉnh đi ra khỏi giấc mộng hư ảo của cuộc đời. Từ những hòn sỏi, cây lâu sậy, con chim v.v… Đức Phật gởi gắm đạo lý đến loài người qua những bài kệ:

Khi nào chưa cắt tiệt,

Tình ái giữa gái trai.

Tâm ý vẫn ràng buộc,

Như bò con vú mẹ.

(Pháp cú 214)

Ai sống ở đời này,

Ái dục được đoạn tận.

Sầu rơi khỏi người ấy,

Như giọt nước lá sen.

( Pháp Cú 215)

Hoặc :

Ai phiền não đoạn sạch,

Ăn uống không tham đắm.

Tự tại trong hành xứ,

Không, vô tướng, giải tho

Như chim giữa hư không,

Dấu chân không tìm thấy.

( Pháp Cú 93)

Người tỉnh thức chánh niệm,

Không bám vào chốn nào.

Như thiên nga rời ao,

Bỏ sau mọi trú ẩn.

(Pháp Cú 91)

Hoặc:

Người ngu dầu trọn đời,

Thân gần người có trí.

Không biết được chánh pháp,

Như muỗng với vị canh.

(Pháp Cú 64)

Người trí dầu một khắc,

Thân gần người có trí.

Biết ngay được chánh pháp,

Như lưỡi với vị canh.

(Pháp Cú 65)

Những ví dụ như: bò con vú mẹ, dấu chân chim, con thiên nga, cái muỗng múc canh, nước đọng trên lá sen. Tất cả là những ảnh tượng giáo dục con người được trình bày theo quan hệ nhân quả.

Ảnh dụ về lửa trong hệ thống kinh tạng đại thừa rất đa dạng. Ở đây có ảnh dụ của dòng sông thinh lặng mà nói tất cả:

Người say đắm ai dục,

Tự lao mình xuống dòng.

Như nhện sa vào lưới.

(Pháp Cú 347)

Dòng ái dục chảy khắp,

Như dây leo mọc tràn.

(Pháp Cú 340)

Ba mươi sáu dòng ái,

Trôi người về biển ái.

Các tư tưởng tham ái,

Cuống trôi kẻ cuồng si.

(Pháp Cú 339)

Đức Phật ẩn dụ cội nguồn ái dục của con người như dòng nước luân lưu bất tuyệt. Dòng sông ái này nhận chìm con người vào sanh tử, tái sanh. Có một lần đứng nhìn dòng sông tuôn chảy, Khổng Tử đã thốt lên rằng:

“Thế giả như tư phù, bất khả trú dạ!”

Tâm thức con người tuôn trào cũng như dòng sông. Trong một sát na nó trôi chảy từ đối tượng này sang đối tượng khác.



“Làm sao có thể hai lần tắm,

Trên một dòng sông để ngậm ngùi.”

Dòng sông ái dục là mấu chốt của trầm luân, vượt qua khỏi dòng sông này đồng nghĩa với giải thoát khỏi sanh tử luân hồi (vượt bộc lưu). Kiếp người vốn dĩ đã như vầy rồi:

“Trăm năm lòng mãi nhủ lòng,

Sự đời muôn việc như dòng nước trôiâ”

(Vạn sự, thủy lưu thủy

Bách niên, tâm ngữ tâm)

(Điều Ngự Giác Hoàng)

Mở đầu phẩm song yếu kinh Pháp Cú, Đức Phật dùng ví dụ chiếc xe lăn theo dấu chân của con vật kéo xe, và ví dụ cái bóng với hình để đưa ra hai trạng thái tâm thiện và ác :

“Tâm dẫn đầu các pháp,

Tâm là chủ tâm tạo.

Nếu nói hay hành động.

Với tâm niệm bất tịnh,

Khổ não liền theo sau,

Như xe theo bò vậy”.

“Tâm dẫn đầu các pháp,

Tâm là chủ tâm tạo.

Nếu nói hay hành động.

Với tâm niệm thanh tịnh,

An lạc liền theo sau,

Như bóng chẳng rời hình”.

(Kinh Pháp Cú kệ 1, 2)

Sự khổ đau và an lạc dù mâu thuẫn nhưng theo sát bên nhau, tồn tại song song. Nếu quả báo của khổ đau là chiếc xe theo sau ách con bò chở nặng ì ạch, nó như cục bướu nơi người lành bịnh, là khối tiền nợ thì phước báo hạnh phúc tột đỉnh cũng chỉ là cái bóng, là ráng cầu vồng. Hạnh phúc trong cõi ta bà này đâu có thật. Hai pháp dụ là những bài pháp sinh động, nhờ những pháp dụ này mà đạo lý đi vào lòng người.

Kinh Trung Bộ là hệ thống hàng loạt các ví dụ. Qua ví dụ cái cưa (kinh số 21), đức Phật nhắc nhở các tỳ kheo nhiếp phục các tâm cấu uế ngủ ngầm bên trong tâm thức của mình, đồng thời phát triển từ tâm và huệ tâm. Với ví dụ gò mối (kinh23), đức Phật nhắc lại mục tiêu đoạn trừ lậu hoặc của nếp sống chánh hạnh. Kinh bẫy mồi cảnh báo các tỳ kheo về các ma chướng ở đời và trong nội tâm, giác tỉnh và bám chắc mục tiêu giải thoát, hành giả đi suốt lộ trình thiền định cho đến định cuối cùng là diệt thọ tưởng định, phải nghiêm túc diệt trừ tham ái ở cõi dục, cõi sắc và vô sắc giới là nhiệm vụ của một tỳ kheo.

Thông qua ví dụ lõi cây Thế Tôn nhắc nhở các tỳ kheo không được tự mãn trước các thành tựu của Giới, Định, Tuệ và các tri kiến, phải nhất tâm hướng đến bất động tâm giải thoát (lõi cây) chứ không phải là danh vọng (vỏ cây) hay mục tiêu đi tìm lợi dưỡng (nhánh lá, thân cây).

Các ví dụ có công năng khai ngộ và đánh thức thính chúng. Chính vì quan trọng nên các ví dụ được dùng để đặt tên cho các bản kinh.

Những pháp dụ đơn giản mà sinh động, đời thường mà cụ thể như những sự kiện, hiện tượng xảy ra hàng ngày, gắn liền với đời sống tâm thức, tình cảm của con người.

Những ví dụ trong hệ thống kinh tạng Đại thừa mang tính chất uyên áo, triết lý không có thật, khó hiểu. Ngược lại ngôn ngữ pháp dụ trong hệ thống kinh tạng Nguyên thủy là những ví dụ cụ thể, đơn giản có thật trong đời sống hàng ngày, như những que tính minh họa cho một phép tính, sinh động dễ hiểu cho những người mới học toán.

1.3. PHÁP DỤ QUA MỘT SỐ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN

Ngược lại những ví dụ trong kinh tạng Nguyên Thủy là những hình ảnh cụ thể, bình dị trong đời thường thì các ví dụ ở kinh tạng phát triển phần lớn mang tính cách “Triết lý uyên thâm” như ví dụ “nhà lửa” (Phẩm Thí Dụ-thừ 3)[11,94]; Thí dụ “Gã cùng tử ôm châu đi làm thuê”â (Phẩm Tín Giải-thứ 4)[11,147]; ví dụ “Lầu các Tỳ Lô Xá Na” (Kinh Hoa Nghiêm) và bộ kinh Bách Dụ gồm 98 bài thí dụ được ngài Pháp Sư Tăng Già Tư Na sao lục trong kinh tạng.

Trước tiên chúng ta khảo sát những ví dụ về lửa:

Ví dụ về nhà lửa trong phẩm Thí Dụ - Kinh Pháp Hoa tượng trưng cho sự bất an, khổ não do chính dục vọng là nguyên nhân đốt cháy ba cõi (Tam giới bất an, du như hỏa trạch).

Phật dạy: Trước kia, ngài đã từng giảng dạy tất cả giáo pháp đều là phương tiện đưa đến vô thượng chánh đẳng giác. Nhưng nay để nhắc lại cho hàng tri thức hiểu được, ngài dùng ví dụ sau: [12,56]

Có một người giàu có lớn tuổi, có một căn nhà rộng nhưng lại mục nát và thú độc rất nhiều, lại thêm đang bị lửa cháy mà cửa ra chỉ có một cái nhỏ hẹp, dù nguy hiểm trước mắt, các con ông vẫn giỡn chơi, không sợ sệt và cũng không muốn chạy ra. Họ không biết lửa là gì, chết thiêu là gì. Ông dùng phương tiện nói với các con ông rằng : “Cha có đồ chơi đẹp lắm, nào là xe dê, xe hươu, xe trâu. Hãy mau ra đây, cha cho”. Các con nghe vậy kéo nhau ra khỏi nhà lửa, đến bên cha đòi đồ chơi. Ông liền cho các con một thứ xe lớn rất tốt đẹp.[10,142]

Như Lai là cha của tất cả chúng sanh. Thấy chúng sanh khổ sở trong nhà lửa cứ vui chơi, chẳng sợ sệt, chẳng nhàm chán, Như Lai mới nghĩ phương cách cứu giúp. Như Lai dù đã ra khỏi thế gian nhưng vì lòng thương tưởng nên ngài trở lại cứu chúng sanh khỏi nạn lửa sanh, già, bịnh, chết, ưu sầu, khổ não, dạy cho chúng sanh đạo vô thượng. Như Lai biết rõ chúng sanh đang bị lửa thiêu đốt, ngài dùng phương tiện nói tam thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát (xe dê, xe hươu, xe trâu). Khi ra khỏi nhà lửa tam giới rồi, Như Lai đem pháp đại thừa (ví dụ cổ xe lớn) cho họ, để họ hưởng thụ thú vui thiền định, giải thoát.

Ngôi nhà lửa ấy cũng chính là ngôi nhà tâm thức chúng ta đang trú ngụ. Nó là quá trình mãi miết cháy bởi các dục vọng, mong muốn, nhu cầu. Nếu không nhanh chóng chạy ra khỏi căn nhà đó thì sẽ bị thiêu đốt, sẽ chết tàn như tro bụi. Nhưng trớ trêu thay, loài người đang mãi mê trong cuộc vui của ngũ dục, làm sao có thể thấy được sự nguy hiểm đang vây bủa xung quanh[12,56].

Câu chuyện bà Thanh Đề, mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, khi cầm chén cơm trong tay lập tức biến thành than lửa (Kinh Báo Hiếu). Câu chuyện này được xem như là một thí dụ đặc sắc về ngọn lửa dục vọng, nó thiêu đốt hết tất cả thế giới hiện thực khách quan, biến thế giới đó thành hỏa ngục và mọi thứ cơ đồ trong thế giới đó thành than lửa. Hỏa ngục và than lửa chỉ hiện hữu đối với những ai đang bị ngọn lửa dục vọng thiêu đốt.

Ví dụ trong Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsakasuttam) như sau:

Có một con quỷ trần truồng, đói khát đang đi dọc theo sông Hằng. Cơn khát nóng bỏng đang thiêu đốt trong tâm can của nó, thúc dục nó đi tìm nước ở sông Hằng uống, khi đối diện trước sông Hằng, nó không thấy nước đâu cả, mà chỉ thấy đáy sông toàn là mặt đất khô cằn nứt nẻ. Ở đây, chính ngọn lửa dục vọng thiêu đốt con quỷ làm cho con mắt của nó xóa nhòa mọi hiện hữu. Chính nghiệp lực quá nặng nề đã biến nguồn nước trong mát của sông Hằng thành dãi đất khô cằn, nứt nẻ. [12,64]

Chỉ một chủ đề lửa nhưng vô cùng linh hoạt. Có khi lửa ví dụ cho dục vọng, có khi lửa là biểu tượng của thiền định, cũng có khi lửa tam muội là tinh thể của từ bi và trí tuệ (Kinh Lăng Nghiêm).Ví dụ đức Phật đưa ra tùy thời, tùy quốc độ, có khi:

Niết Bàn là lửa tắt đối với xứ nóng.

Nhưng Niết Bàn là đốm lửa đối với xứ lạnh.

Chúng ta biết, tâm thức vốn là cảnh giới không màu sắc, không hình thù, không có ngã thể, vô tướng. Dùng các hình tượng để nói về cái không hình tượng chỉ là một lối diễn đạt như “con thuyền đưa người sang sông”. Khi đọc kinh, nếu bị ràng buộc bởi những ảnh tượng hình thức của kinh và cho đó là cảnh giới hiện thực nghĩa là rơi vào sai lầm.

Kinh Hoa Nghiêm Phật dùng ngôn ngữ ví dụ như một ngôn ngữ biểu tượng làm phương tiện tối thắng để truyền đạt và dẫn dắt chúng sanh đi vào Niết Bàn:

“…Lầu các rộng bao la cũng đồng như hư không. Mặt đất được dát bằng vô số cẩm thạch đủ loại, ngay giữa lầu các có vô số cung điện, vô số cửa lớn, vô số cửa sổ …Thiện Tài Đồng Tử thấy mình trong hết thảy các lầu các, cũng như trong mỗi lầu các, trong cái một bao hàm tất cả, và tất cả bao hàm một. Khi thấy mình trong cảnh kỳ diệu này, với tâm trí bay lượn từ cái mầu nhiệm này sang cái mầu nhiệm nọ. Niềm vui của Thiện Tài không biết đâu là bờ bến, rời hết thảy các tưởng, trừ hết thảy các chướng, diệt hết thảy các hoặc, … Thiện Tài lại thấy một tòa lầu các đặc biệt cao rộng và trang nghiêm huy hoàng nhất, tráng lệ vô song, ở giữa hết thảy những tòa lầu các được nhìn thấy bên trong lầu các Tỳ Lô Giá Na…”[15,190]. Ví dụ lầu các Tỳ Lô Xá Na là dùng hình thức để diễn đạt về một cái không hình thức. Ví dụ về lầu các Tỳ Lô Xá Na thực chất chính là sự biểu tượng của ngôi nhà tâm thức. Người chủ của ngôi nhà là sự vận hành của tâm thức ở mỗi con người.

Ở đây dùng ngôn ngữ ví dụ nói lên một vấn đề, như dùng hình ảnh chim bồ câu trắng để nói lên khát vọng hoà bình, hình ảnh chim én lượn để báo hiệu mùa xuân đến. Ngôn ngữ này mang đầy màu sắc và hình ảnh. Qua vài dẫn dụ trên cho chúng ta thấy Pháp dụ trong kinh tạng đại thừa quả thật là vô cùng uyên thâm.

Một đời thuyết pháp, tùy theo căn cơ chúng sanh sai khác, đức Phật nói ra vô lượng pháp môn không đồng, khi nói thấp, lúc nói cao, từ dễ lần đến khó, đem gần tỷ dụ xa. Chung quy chỉ hướng về một mục đích duy nhất là làm cho chúng sanh tự giác ngộ bản tánh sáng suốt của mình.

Trong kinh Bách Dụ, đức Phật dùng những truyện xưa tích cũ để thí dụ cụ thể sự dại dột mê lầm chung của chúng sanh.

Một ngày kia, đức Phật ở thành Vương Xá, trong vườn Thước Phong Trúc, cùng với các vị đại tỳ kheo, Bồ Tát ma ha tát và Thiên Long Bát Bộ ba vạn sáu ngàn người chung hợp. Bấy giờ trong chúng hội có 500 vị phạm chí liền từ toà đứng dậy, Họ vấn nạn Thế Tôn:

- Nếu Phật chưa nhập nê hoàn, làm sao biết nê hoàn thường vui.

Đức Phật hỏi lại:

-Ta hỏi người, chúng sanh trong thiên hạ khổ hay vui?

-Bạch ngài chúng sanh rất khổ.

-Thế nào gọi rằng khổ?

-Bạch ngài tôi thấy chúng sanh khi chết đau khổ, không thể chịu được, cho i lầu các, trong cái một bao hổ.

-Người chưa chết mà biết chết là khổ.

Và Đức Phật kết luận:

-Ta thấy mười phương chư Phật không sanh không tử cho nên biết nê hoàn thường vui.

Liền khi đó 500 vị phạm chí giác ngộ, xin thọ năm giới, chứng quả Tu Đà Hoàn. Nhân đó Phật bảo các ông hãy chăm chú nghe: “Nay ta vì các ông nói các thí dụ”. Đó là duyên khởi đức Phật nói kinh Bách Dụ, với chín mươi tám trường hợp khác nhau kết cấu 98 câu chuyện khôi hài, hấp dẫn, là những bài học hữu ích đối với người đọc.

Mở đầu kinh Bách Dụ là câu chuyện “Người ngu ăn muối”:

Một người đến chơi nhà bạn, chủ nhà mời ăn cơm, anh ta chê canh lạt không ngon, chủ nhà nêm thêm muối, anh ta cảm thấy ngon và nghĩ :“Canh ngon là nhờ muối, dùng ít còn vậy, dùng nhiều chắc ngon hơn”. Nghĩ vậy, anh ta xin một chén muối và ăn không, vì quá mặn anh ta bị nôn hết thức ăn. Qua ví dụ này đức Phật muốn ví cho những người tu không biết tiết chế trong chế độ ăn uống, hoặc quá khổ hạnh, hoặc quá hưởng thụ. Đồng thời từ ví dụ người ngu ăn muối, đức Phật đề cao tinh thần trung đạo, thuật sống vừa đủ của đạo Phật.

Ví dụ một người ôm hủ cốt rồi chấp là hủ cốt người vợ thân yêu của mình. Đến lúc gặp người vợ thật cũng không chấp nhận, chỉ ôm khư khư hủ tro tàn nức nở khóc, kinh Bách Dụ dùng ví dụ này để chỉ cho những người bị thành kiến làm chủ, cố chấp, bảo thủ kiến thức của tự ngã cho là chân thật, không ai chuyển hóa được. Hạng người này gọi là “nhất xiển đề”, một trong tám nạn, những hạng người này cho dù nghe giáo pháp chân chánh cũng không chịu tin tưởng thọ trì.

Với hàng loạt ví dụ cụ thể: khát không uống nước vì cho nước nhiều làm sao uống hết. Người đàn ông bị chết một đứa con, giết thêm một đứa nữa để gánh đi chôn cho cân bằng hai bên gánh. Một người không tắt lửa mà dùng quạt, quạt cho nước nguội. [8,25]

Như đã trình bày, trong kinh tạng đại thừa, các ví dụ phần lớn mang tính triết lý uyên áo, nhằm minh họa cho sự vận hành của tâm thức. Các ví dụ được dẫn giải biểu trưng cho thế giới thanh tịnh tuyệt đối của Chân như, có khi là thế giới vọng tưởng, cuồng si của tâm thức.

Điểm đặc biệt của ngôn ngữ ví dụ trong kinh tạng phát triển là sự phô trần dòng chảy của tâm thức trong hai mặt cấu nhiễm và chân như trên bình diện chân lý, nó biểu hiện xác thực và cụ thể sự biểu hiện hai mặt tục đế và chân đế. Các thí dụ luôn luôn được xem là những biểu hiện chân xác của tâm thức. Nó mang tính siêu hình và chung chung. Nó không nhẳm chỉ đến một đối tượng đặc thù cá biệt nào.

Ngôn ngữ ví dụ là cách diễn bày thực tại, dù đó là thực tại ảo ảnh hay thực tại toàn chân. Ví dụ trong kinh tạng đại thừa đôi khi không có thật trong đời thường như dụ con quỷ, vì mang ý nghĩa biểu tượng thuộc về siêu hình của hiện tượng luận, không phải là những ảnh tượng cụ thể. Ngôn ngữ ví dụ ở đây gần giống với ngôn ngữ ẩn dụ, biểu tượng. Đôi khi là những hoạt cảnh kỳ bí lạ thường. Hẳn nhiên, người đọc không thể phủ nhận những ảnh dụ đó, nhưng để nắm bắt nó cũng không phải là đơn giản. Vấn đề này đòi hỏi ở người đọc một sự nỗ lực, chuyên chú để trực nhận.[12,62]

Trên đây là khái quát toàn bộ ngôn ngữ ví dụ trong hệ thống kinh tạng Nguyên Thủy và Đại Thừa.

Như vậy, Pháp dụ là một loại hình ngôn ngữ đặc trưng trong hệ thống ngôn ngữ kinh tạng Phật giáo.



CHƯƠNG 2 : Tìm hiểu các Pháp dụ qua kinh Xà Dụ



Như trên đã nhận định, pháp dụ được đức Phật sử dụng như một thiện xảo để truyền đạt chánh pháp.

Để thấy được biện tài vô ngại của Thế Tôn trên bình diện ngôn ngữ chúng ta lần lược đi tìm hiểu về 8 ví dụ trong kinh Xà Dụ do đức Phật sử dụng làm phương tiện giảng dạy, giúp người học pháp thấy được sự tai hại và nguy hiểm của các dục.

Tỳ kheo Arittha xưa làm nghề huấn luyện chim ưng vì tà kiến sâu đậm nên xác nhận trước mặt đức Phật: “Dục không phải là pháp chướng đạo, có thể hưởng thụ”.

Trong 3 nghiệp thì lời nói chỉ phạm khẩu nghiệp, mặc dù chỉ là mới nói, nhưng lời nói không đúng chánh pháp này sẽ tăng như cấp số nhân. Đây là ác kiến, ác kiến đồng với tà kiến, phá giới. Tà kiến của tỳ kheo Arittha là duyên khởi đức Phật nói kinh Xà Dụ.



Khách quan mà nói tỳ kheo Arittha khởi lên tà kiến như vậy bởi vì vị tỳ kheo này chưa hiểu. Thông qua 8 pháp dụ đức Phật sẽ khai ngộ cho vị ấy cũng như chúng ta thấy biết như thật các pháp.

Trong tứ Ba la di đức Phật nói dâm dục là pháp chướng đạo, vì sao vậy? Bởi vì:

2.1. DỤC NHƯ KHÚC XƯƠNG

Gọi là khúc xương thì chẳng còn gì, còn chăng là còn dính chút thịt, chút máu sót lại, bỏ đi thì tiếc. Khúc xương chỉ để những con chó gặm nhắm chứ không thể giúp no được. Khúc xương là thứ bỏ vào giỏ rác, nhưng những con chó rất khoái chí. Có những lúc ta thấy chú chó tha ở đâu về một khúc xương khô to tướng rồi ra sức gặm. Thực ra quá trình gặm, máu từ lợi tiết ra, nó cảm thấy mặn và ngộ nhận từ khúc xương nên ra sức gặm. Con chó khổ vì khúc xương chính là “bệnh tưởng” nơi con người. Sắc danh không thật, vì mỗi người quan điểm về các dục khác nhau, các dục vọng từ tâm tưởng mà ra.

Các dục được ví như khúc xương, nếu trong sự tu hành chúng ta còn tham đắm vào nó, chúng ta càng đau khổ, nhiệt não. Như người khát nước uống nước muối, càng uống càng thấy khát. Khát ở đây chính là sự khát ái.

Từ ví dụ này để thấy, trong sự tu tập, chúng ta phải xa lìa các dục, nếu còn ham muốn dục lạc thì chúng ta càng tham đắm càng nguy hiểm hơn. Như loài chó gặm khúc xương vậy.

2.2. DỤC NHƯ MIẾNG THỊT

Các dục còn được ví như miếng thịt.

Một con kên kên có được miếng thịt rồi bay lên không trung, các con chim khác bay đuổi theo giành giựt, cấu xé lẫn nhau để tranh giành miếng thịt. Con kên kên nếu không vứt bỏ ngay miếng thịt nó có thể vì miếng thịt mà chết. Tiền tài danh lợi, sắc đẹp và các dục ở đời, nếu chúng ta không biết buông xả, ngược lại cứ bám víu vào, chúng ta sẽ nhận chịu hậu quả như loài chim ăn thịt kia vì giành nhau miếng mồi mà chết, hay đau khổ gần như chết.

Miếng thịt ở đây còn mang nghĩa trong trường hợp người thợ săn dùng để đặt trong bẫy mồi. Con thú nào vì tham ăn sẽ chết vì miếng mồi ngon béo này, thử xem đàn nai sẽ như thế nào với đồ mồi gặp phải:

Chư tỳ kheo, người thợ săn bẫy mồi, khi gieo đồ mồi cho đàn nai không nghĩ rằng: “Ta gieo đồ mồi này cho đàn nai ăn, để đàn nai ấy được sống lâu, được tốt đẹp thêm và được nuôi dưỡng lâu dài hơn.” Chư tỳ kheo, người thợ săn bẫy mồi, khi gieo đồ mồi cho đàn nai nghĩ rằng: “Ta gieo đồ mồi này cho đàn nai, để đàn nai xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, chúng trở thành mê loạn, chúng trở thành phóng dật, do phóng dật chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi này”.[3,343]

Có một câu chuyện ngụ ngôn về cái bẫy khí, đó là một cái hộc bằng gỗ, có khe hở nhỏ, bên trong đựng kẹo, con khỉ muốn lấy kẹo phải bỏ tay vào cửa nhỏ để lấy, khi tay đã đầy kẹo, con khỉ không thể rút tay ra, thế là khỉ bị mắc kẹt trong đó cho đến khi gã thợ săn đến bắt đi. Con khỉ không ngờ rằng, để thoát khỏi cái bẫy, nó chỉ cần thả tay không, bỏ kẹo ra.

Những viên kẹo cũng như miếng thịt làm mồi. Cuộc đời chúng ta cũng như vậy, chúng ta bị dính mắc vì muốn thọ hưởngỉ hương vị lạc thú, không buông bỏ, chúng ta bị ràng buộc vào cái vòng lên xuống của hạnh phúc, khổ đau, hy vọng, thất vọng cuối cùng chúng ta không thể giải thoát chính mình vì các dục vọng.

2.3. DỤC NHƯ BÓ ĐUỐC CỎ KHÔ

Các dục được đứùc Phật ví dụ như bó đuốc kết bằng cỏ khô. Một người đi trong đêm cầm bó đuốc này đi ngược gió, bó đuốc thắp sáng cho người thấy đường đi trong đêm, nào ngờ đâu tàn lửa bay ngược làm cho người cầm đuốc bị phỏng tay, cháy áo, có khi tàn lửa bay vào mắt.

Ví dụ rất chính xác.

Đức Phật dùng ví dụ bó đuốc kết bằng cỏ khô chứ không phải ngọn đuốc ngày nay làm bằng vải vụn rồi tẩm dầu hỏa vào, cầm bó đuốc cỏ khô phải cẩn thận. Tiếp xúc với các dục cũng coi chừng như người cầm bó đuốc cỏ khô vậy. Có đôi lúc biết nguy hiểm nhưng vì chút vui hiện tại mà con người vẫn lao vào, như con thiêu thân lao vào ngọn đèn tự thiêu tự đốt chính mình.

2.4. DỤC NHƯ HỐ THAN HỪNG

Dục như hố than hừng đối với người bị bệnh phong, ghẻ lở.

Họ phải đi tìm củi, chất thành đống, đốt cho thành than, rồi hơ người trên lửa than để có cảm giác dễ chịu, càng hơ vết thương càng thấy dễ chịu hơn. Nhưng sau đó, khi hết hơ, nó càng đau nhức, nếu vô tình bất cẩn có khi rơi xuống hố than và vong thân.

Ví dụ này thật cụ thể, nếu chỉ là lò than, chỉ là người không bịnh tật thì chưa đúng với ý nghĩa: vui ít, khổ nhiều, não nhiều do đó sự nguy hiểm càng nhiều hơn.

Sự dễ chịu của người bị bêỉnh phong hay ghẻ lở khi hơ người trên lửa chỉ là ảo tưởng. Người thế gian ưa thích, tham đắm dục lạc, càng nhức nhối càng ham muốn vì nghĩ hạnh phúc nằm ở đâu đây, càng nhức nhối càng thích hơ lửa, như người khát uống nước muối không bao giờ đã khát, như tằm kéo kén, càn buộc càng bền. Lòng tham dục của con người như thùng không đáy:

“Ví như mưa xuống bạc vàng,

Cũng không thỏa mãn lòng tham con người.”

Cuộc sống với bao nhiêu tụ lạc ăn chơi, con người ngày càng nhiều nổi loạn, khủng hoảng về tâm lý. Nhân loại có bị loạn trí mới tìm cách giải trí. Chỉ có người bệnh hoạn mới hơ người trên lửa. Chúng ta đang ở trong biển khổ mà cho là vui, chúng ta không thấy niềm vui trong tịnh lạc, trong ốc đảo tự thân của chính mình.

Người lành mạnh cảm thấy nóng bức, khó chịu khi đến gần đống than hừng. Các bậc thánh khi thấy được sự an lạc của Niết Bàn bất tử, dục lạc đối với họ là ô nhiễm, là cục bướu, là khối nợ phải dứt bỏ.

Trong một Pháp thoại của ngài Đạt-Lai -Lat -Ma khi được hỏi:

- Tại sao ngài bỏ đi tu khi còn tuổi trẻ như vậy?

Ngài trả lời:

- Ngứa được gãi thì tốt, nhưng chi bằng tốt hơn không ngứa.

Một câu trả lời với lối văn nói bình dân, đơn giản hơn những gì đơn giản nhất trong cuộc sống mà nó hàm chứa nội dung câu nói chứng ngộ của bậc thánh tăng. Giữ giới thanh tịnh hay phòng bệnh đồng với câu trả lời này.

Người xuất gia học đạo cốt làm sao được mạnh khỏe, bình thường cả thân và tâm thì tốt hơn. Thấy được niềm vui của sự ly dục thì dục lạc của thế gian chẳng là gì.

2.5. DỤC NHƯ GIẤC MỘNG:

Đức Phật ví các dục như giấc mộng.

Trang Tử, đệ nhất tài tử trong văn học sử Trung Quốc với Nam Hoa Kinh mộng một cuộc chơi lớn:“Trang Chu mộng vi hồ điệp”

Có một lần:

Trang Chu mộng thấy mình là bướm,

Thế là phất phới bay, bướm mà !

Tự mình thích chí lắm,

Không còn biết gì Chu.

Bổng nhiên rồi thức giấc,

Thì lạ lùng chưa, lại là Chu.

Không biết giấc mơ Chu đã làm bướm,

Hay giấc mơ bướm đã làm ra Chu.

Chu và bướm ắt phải khác phận. Như vậy đã bị vật hoá,[16,71] ngay cả khi tỉnh mộng, Trang Tử cũng không rõ mình là Chu hay bướm.

Hãy xem Tản Đà tỉnh mộng:

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,

Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.

Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng,

Tiếc mộng bao nhiêu để chán đời.

Những lúc canh gà ba cốc rượu,

Vài khi canh điệp bốn phương trời.

Tìm đâu cho thấy người trong mộng,

Mộng cũ mê đường biết hỏi ai.

(Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiệu)

Không làm sao “Tìm đâu cho thấy người trong mộng” vì mộng thì đâu có thật mà tìm, mà hỏi ai!

Đức Phật ví dụ các thú vui dục lạc, các khoái khẩu, hưởng thụ ở đời có đó rồi không, qua đi nhanh như giấc mộng.

“Thế sự kỳ phân, xứ xứ hoàng lương mộng” (Trần Đình Thám)

Giấc mộng Hoàng Lương của cậu học trò mơ thấy mình làm quan, đến lúc tỉnh giấc thì nồi kê chưa chín:

“Giấc Nam Kha mộng bất bình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.”

Giấc ngủ đêm qua là tiểu mộng, một đời người là trường mộng.

Tiếng thơm, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, tiền tài trong một kiếp con người thảy đều như giấc mộng. Cho đến lúc rũ nợ, vỡ mộng là lúc nhắm mắt, xuôi tay xong kiếp người. Mỗi người mang theo cái gì? Không mang theo gì ngoài nghiệp thiện và ác chúng ta đã tạo :

Nhất đán vô thường đáo,

Phương tri mộng lý nhân.

Vạn ban tương bất khứ,

Duy hữu nghiệp tuỳ thân.

(Trích Thanh Châu tập)

(Một ngày vô thường đến,

Mới hay người trong mộng.

Muôn thứ chẳng đem theo,

Chỉ có nghiệp theo mình.)

Sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp thoáng qua. Tâm chúng ta tưởng ra và cho là thật:

“Bất ngờ giây phút thoáng nhanh,

Sát na gây cấn hóa thành chiêm bao”.

(Bùi Giáng)

Thế giới dục vọng không thật có, có những nỗi đau khổ vì dục vọng trong giấc mộng lại làm con người đau khổ hơn sự thật đời thường:

Trong tác phẩm “Hư ảo” (Ficciones) của Borges có một phế tích vòng tròn vốn xưa là một ngôi đền bị lửa hủy hoại, giờ đây chôn lắp trong rừng. Một người lạ từ phương Nam đến và ông biết “bổn phận cấp bách của mình là mộng”. Ông muốn mơ ra một đứa con trai. Hàng đêm ông mơ và từ từ sáng tạo nên một đứa con trai trưởng thành từ chất liệu của mộng ảo. Đứa con trai cuối cùng thành hình. Ông hôn nó lần đầu và bảo nó đi đến một ngôi đền khác cách nhiều dặm đường rừng. (Ông sợ nó biết, nó chỉ là ảo ảnh). Ông đã hủy đi ký ức về việc thành người của nó.

Đứa con trai đi đến ngôi đền phương bắc, chẳng bao lâu được biết như người có phép lạ, đi vào lửa mà không cháy. Tin này làm cho ông phù thủy già lo âu, chỉ có lửa là kẻ độc nhất biết ảo ảnh. Lửa không thể thiêu cháy được ảo ảnh. Đứa con trai sẽ ra sao nếu như nó biết mình chẳng qua chỉ là mảnh vụn phóng chiếu từ giấc mơ của người khác.

Sau đó, một trận hạn dài đã gây nên cháy rừng và lửa tấn công vào phế tích vòng tròn. Người phù thủy già định chạy xuống nước. Nhưng rồi ông quyết định chấp nhận cái chết, đi thẳng vào lửa. Nhưng sao lửa không thiêu cháy ông mà chỉ nhẹ nhàng mơn trớn!

Câu chuyện kết thúc với cảm giác lắng dịu, với nhục nhã và kinh hoàng. Ông hiểu rằng ông cũng chỉ là một ảo ảnh mà ai khác đã mơ ra.[16,74-75].Trang Tử tự hỏi: “Hồ Điệp chi mộng vi Chu dư?”

Người phù thủy già cũng gần như tự hỏi: “Giấc mơ của ai đã tạo ra ta”.Trang Chu đi vào trong mộng hóa bướm, đó là khoảnh khắc của riêng ông và đồng thời cũng chạm vào khoảnh khắc mộng ảo của chính chúng ta.

Basho nhập vào hồn bướm của Trang Chu trong bài Haiku:

Em là bướm ư !

Ta là giấc mộng,

Trong hồn Trang Chu.

Bản chất của thế giới là mộng ảo, các dục đựơc đức Phật ví như giấc mộng, không phải là không có, nhưng giữa hai bờ mơ –thực cho chúng ta thấy rằng vũ trụ và các dục là một trò chơi mà thôi.

Giấc mộng là những gì kỳ lạ không ăn khớp khi ngủ. Cơ chế giấc mộng tối qua và cơ chế nhớ kiếp trước hoàn toàn giống nhau vì nó không ăn khớp với sinh hoạt hiện thực. Chúng ta đang “chằm hăm” vào hiện tại, phải giải quyết với bao nhiêu chuyện cơm gạo áo tiền, bao lo toan tính toán cho tương lai, giấc mơ đêm qua bị loại trừ và tan biến ngay. Sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp đối với con người cũng tan biến như vậy. Ai chấp giữ các pháp này là chấp giữ những pháp chướng đạo.

Sự nguy hiểm của các dục đối với người tu chính là những ảo ảnh được tạo ra do lòng tham. Khi tỉnh giấc thì thấy bơ vơ, chán chường, những gì trong mộng đều không có thật, chức vị, danh lợi nào đâu thấy chỉ thấy “mình ta với ta”.

2.6. DỤC NHƯ TRÁI CÂY

Ví dụ này muốn nói trong xóm có một vườn cây đầy trái chín, không có trái rơi xuống đất. Một người đi đến và leo lên cây ăn thỏa thích. Một người khác đến muốn ăn nhưng không leo lên được. Người này dùng búa chặt cây tận gốc. Người kia vì tham ăn, nếu không nhanh leo xuống thì sẽ bị té gãy tay, gãy chân và có khi té mạnh quá sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tham ăn những trái cây mà dẫn đến nguy hiểm như vậy. Dục chính là những trái cây chín. Cũng những trái cây đó, nếu chúng ta biết cách đứng dưới gốc cây, dùng đồ hái trái, hoặc leo lên cây một cách cẩn thận, hái vừa đủ ăn rồi leo xuống thì không nguy hiểm.

Câu chuyện “Cây Khế” trong kho tàng chuyện cổ dân gian Việt Nam là một bài học “Tham thì thâm”:

Người em biết đủ, may đúng túi ba gang, được chim đại bàng chở đến đảo vàng, mang về một túi vàng an toàn không tai hại gì.

Người anh vì quá tham mang theo túi sáu gang, lại cố gom vàng đầy tất cả người, làm cho cánh đại bàng chao đảo, cuối cùng anh ta rơi xuống biển cả cùng với túi vàng nặng trĩu.

Như vậy sự nguy hiểm không phải do cây khế có trái vàng mà chính vì lòng tham của người sở hữu nó.

Dục được đức Phật ví như trái cây, vì người tu cũng phải ăn uống, ngủ nghĩ để có sức khoẻ tu học. Sự tai hại ở đây là do lòng tham của người ăn trái cây.

Dục còn được ví như trái cây trong trường hợp gây tai hại cho chính cây có trái.

Có một giai thoại về cây xoài như sau:

Một vị vua khi cưỡi ngựa qua rừng, ngài đã trông thấy một một cây xoài trĩu quả. Ngài ra lệnh cho quân hầu: “Tối nay hãy trở lại đây hái hết tất cả xoài đó cho ta.”

Quân lính ra đi và trở về tay không. Họ thưa:

- Tâu bệ hạ! Tất cả mọi quả xoài trên cây đều đã bị hái, chẳng còn gì trên cây cả.

Nhà vua cho rằng quân hầu lười biếng đã chẳng trở lại khu rừng kia, nên ngài đã thân hành cưỡi ngựa trở lại đó.

Nhà vua đã thấy: Thay vì một cây xoài tươi đẹp trĩu quả, giờ chỉ là một thân cây xác xơ đến tội nghiệp. Người ta đã bẻ cả các cành cây để hái quả. Khi nhà vua dong ngựa đi xa tí nữa, ngài gặp một cây xoài khác xanh tươi đẹp đẽ với lá cành xum xuê, nhưng không có quả trái gì trên cành, chẳng có ai đến gần cây xoài này. Vì không có trái nên cây xoài này được yên thân.

Trở về cung điện, nhà vua trao áo mão, ngai vàng lại cho các quan thần và nói:

- Các người hãy gìn giữ quốc gia này, còn ta, ta sẽ vào sống ẩn dật trong rừng kia.

Khi ta không là ai cả, không là cái gì cả, ta sẽ không sợ bị tấn công, mất mát. Ta sẽ được bình an. Cây xoài trĩu quả không một phút yên ổn, vì ai cũng muốn hái được trái của nó.

Không nổi tiếng, không đẹp đẽ, không giữ chức quyền chi. Hãy là người khiêm tốn, không có nhiều cá tính càng tốt.

Chúng ta nhớ cây xoài không trái đã được bình yên, được giữ lại những cành lá xanh tươi toả mát cho người. Cũng vậy nếu ta hành động nhưng không phô trương tự ngã, không mong muốn lợi lộc thì được bình yên. Cây xoài cho bóng mát chỉ lặng lẽ tỏa bóng mát, đâu cần ai biết đến.[19,123] Dục như trái cây được đức Phật ví dụ như vậy.

2.7. DỤC NHƯ VẬT MƯỢN CỦA NGƯỜI

Ví dụ này muốn nói vật mượn ở đây là vật mình mượn của người.

Đã là vật đi mượn của người thì không thể sở hữu, là vật mượn dùng tạm thời, người cho mượn có thể đòi bất cứ lúc nào.

Vốn tự ngã chúng ta là do giả hợp ngũ uẩn tạo ra, thân tứ đại này do tứ đại giả hợp mà thành, hơi thở là quan trọng nhất chúng ta cũng đang vay mượn của trời đất, ta hít vào là mang theo hơi thở ra của người khác.

Có cái gì là thật của ta mà không vay mượn? Lòng dục và các đối tượng dục làm sao là ngã và ngã sơ ũ?

Vật đi mượn của người ta chứ nào phải của mình mà tự hào, hãnh diện, thích thú sử dụng nó, nếu không may bị hỏng hay đánh mất phải bồi thường cho người.

Quy luật xưa nay: “mượn trâu què đền trâu lành” là sự phiền phức của vật đi mượn.

Dục như vật dụng đi mượn ở đây còn hiểu như mượn tiền của người.

Tiền tiêu trước rồi trả sau có gì lo âu bằng, trả không được thì thành khối nợ trong đời. Sống với dục vọng như cuộc đời của người đi vay, người mắc nợ.

Ông bà ta xưa nêu quan điểm : “Nhất quận công, nhì không nợ” để nói về sự hạnh phúc của người không mắc nợ.

Vướng vào nợ nần là rơi vào mạng lưới rối như mớ bòng bong.

“Getting into debt is getting into a tanglesome net” (Benjamin Fran Klin)

Với những món nợ nhỏ chỉ tạo nên người vay nợ, nhưng với những món nợ lớn tạo nên kẻ thù.

Lúc nào chúng ta biết mình sống với dục vọng là mình đang có cuộc sống của người đi vay nợ.

2.8. DỤC NHƯ LÒ THỊT

Lò thịt là nơi các con thú lần lượt bị kết liễu cuộc đời, bị mổ xẻ, sau đó làm thức ăn cho con người. Trước khi đem vào lò mổ, người ta cho gà, vịt ăn một bữa no nê thay vì nó phải tự đi kiếm ăn như hàng ngày. Con lợn cũng vậy, nó được ăn một bữa thật no để lên ký trước khi bán. Những con vật này không hề biết mình sắp bị giết, nó vẫn vui với những hạt lúa, hạt bắp, hay bữa ăn rau cám.

Lao vào kiếm tiền thật nhiều để thỏa mãn đời sống vật chất: tham nhũng, hối lộ, cướp của, giết người phải dẫn đến tù tội. Có những kẻ phải nhận án tù chung thân, thậm chí có kẻ bị kết án tử hình.

Tên tử tù trước khi nhận án, cũng được ban cho một ân huệ cuối cùng là bữa ăn đầy cao lương mỹ vị, tên tử tù hơn các con thú là không còn tâm trạng nào để ăn khi cái chết đang chờ trước mắt, lúc này hắn ta hiểu thì đã muộn rồi.

Nhân loại đang chìm đắm. Phải chịu sự vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn của các dục như con vật nuôi đang trên đường đi đến lò mổ.

Câu truyện năm giọt mật kể rằng: [5,396]

Ngày xưa có một tên tử tù vượt thoát khỏi lao ngục, chạy bán sống bán chết. Đằng sau hắn, hai con voi say đang đuổi theo, do sự tổ chức truy nã của nhà cầm quyền.

Trong cơn hốt hoảng, chẳng may hắn ta rơi tỏm xuống một cái giếng sâu ở dọc đường.

Nhưng trong cái rủi ro cũng còn được chút may mắn: Khi chưa rơi đến đáy, không biết quờ quạng vùng vẫy như thế nào mà hắn ta níu được một cái rễ cây mọc thòng xuống giếng.

Hú vía! Qua giờ phút nguy ngập ấy, hắn tưởng chừng như đã yên thân:

“Hai con voi say sẽ chẳng biết mình ở đâu mà tìm.”Những ý nghĩ ấy thoạt biến mất theo hơi thở: hai con voi say đã đến bên miệng giếng, gầm rống vang động, húc phăng tất cả những cây cỏ mọc trên miệng giếng như để thị uy.

Nếu hắn mà lên thì phải biết !

Hắn hốt hoảng quá! Nếu sợi dây đang đeo mà đứt thì hắn chắc chắn phải chết. Hắn ta tính phăng tuột lần xuống đáy giếng, may ra có chút hy vọng nào không. Nhưng bất ngờ nhìn xuống đáy giếng sâu thẳm, hắn ta thấy ba con rồng đang múa vuốt, giơ nanh, miệng phun lửa dữ, như muốn bay đến nuốt chửng hắn. Điếng hồn, hắn đành cố bám chặt sợi dây, đeo lủng lẳng giữa chừng. Nhưng có phải như vậy đã được yên thân đâu?

Ác nghiệt làm sao, kề trên miệng giếng, hai con chuột cống xù, một đen một trắng, đang đua nhau rắp cắn sợi dây. Ác nghiệt hơn nữa là bao quanh thành giếng, theo những lỗ trũng gần nhất, bốn con rắn độc bất ngờ xuất hiện, ngóc đầu, thè lưỡi toan mổ.

Những biến cố dồn dập xảy đến tới tấp làm cho hắn ta hết phương trốn tránh, ý nghĩ liều mạng lại hiện đến: Bề nào cũng không khỏi chết, thà leo ngược trở lên mặt đất, rồi bỏ chạy, dù có chết cũng còn thây. Thế là hắn ráng phăng lần leo ngược trở lên. Khốn khổ quá, phần lo sợ, phần đuối sức, mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Miệng khô, cổ cháy, hắn ngước mặt lên trời mà than rằng:

“Trời ơi! Sao nỡ hành hạ ta đến nông nỗi này!”

Càng mệt, càng thở; hơi thở càng lúc càng ngắn dần.Thở bằng mũi không kịp, hắn phải há miệng để thở phụ, trong giờ phút mạng cùng tuyệt vọng ấy, bỗng một bầy ong mật bay ngang qua làm rơi vào miệng hắn năm giọt mật…Hắn ta chíp ngay, chắp chắp thấy ngon, ngọt quá! Mê tít! Trong giây phút quên mất bao nhiêu sự nguy nan đang bao vây hắn.

Trong câu chuyện này:

Nhà cầm quyền ví dụ cho vô thường.

Hai con voi say là sanh tử.

Sợi dây là mạng căn.

Rơi vào giếng là sự thọ sanh.

Hai con chuột đen và trắng dụ cho ngày và đêm.

Ba con rồng là ba độc (tham lam, sân giận và si mê.)

Bốn con rắn: bốn đại (đất, nước, lửa và gió).

Năm giọt mật: dụ cho năm thứ dục lạc là tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ.

Chỉ vì năm giọt mật ngũ dục không đáng giá, người trong giếng có thể quên đi bao sự nguy hiểm đang bao bọc quanh mình.

Con người có thể quên bẵng đi được tất cả bao nhiêu khổ sở, đau đớn, khi người ta nhận được chút ít an ủi bằng danh lợi, tiền tài, sắc đẹp, tiếng khen, ăn ngon hay ngủ kỹ. Loài người vì tham đắm vào các dục lạc quên đi tất cả những gì khổ não, tạm bợ. Mạng sống con người không khác nào như chỉ mành treo chuông.

Sống thêm một ngày là chúng ta như những gia súc trên đường đi đến gần lò mổ thêm một bước, vì vậy đức Phật dùng ví dụ lò thịt để chỉ cho các dục.

2.9. DỤC NHƯ GẬY NHỌN

Dục được ví như cây gậy, cây gậy có đầu nhọn.

Cây gậy này dùng để chống đi đường, nhưng nếu chúng ta không cẩn thận nó có thể đâm chúng ta gây thương tích. Như con dao bén có thể dùng trong phẫu thuất để mổ xẻ cứu người, chế biến thức ăn ngược lại nó cũng rất dễ làm chúng ta đứt tay, chảy máu, gây thương tích nếu chúng ta không cẩn thận. Gậy nhọn chúng ta có thể liên hệ như cây xà-beng, một vật dụng rất cần thiết, nhưng chúng ta chỉ bất cẩn tý xíu là gây thương tích nguy hiểm.

Trong năm thứ dục lạc, sắc dục là mối đe doạ nguy hiểm nhất, trừ những bậc sống đời phạm hạnh, tu tập thiền định tiết chế và ly dục mới thoát khỏi nhờ niềm vui ly dục, ngoài ra bao thế hệ vua chúa, cường hào, thánh nhân đều bị mê đắm vì sắc dục.

Có lúc sắc đẹp còn nguy hiểm hơn cả gậy nhọn, hơn cả sóng ba đào:

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,

Sắc phi ba đào dị nịch nhân.”

(Trời mưa không phải là chìa khóa sắt mà lưu giữ chân khách,

Sắc đẹp chẳng phải là sóng ba đào mà nhận chìm bao kẻ anh hùng.)

Đức Phật dạy: “Chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất”, bởi vì:



“Trước ba quân anh là ngôi chúa thượng,

Dưới chân nàng anh là chú cừu non “

Các dục nguy hiểm như gậy nhọn, phải cẩn thận như sử dụng xà beng, càng bén càng dễ đào đất nhưng gây thương tích càng nguy hiểm nếu bất cẩn.Ví dụ này gần giống với sự nguy hiểm của con rắn và việc bắt rắn, chúng ta hãy đi tìm hiểu ví dụ con rắn tiếp theo.

2.10. VÍ DỤ VỀ CON RẮN

Tìm hiểu về con rắn, trước tiên chúng ta tìm hiểu về sự nguy hiểm của nọc độc con rắn, từ bỏ các dục cũng giống như dứt bỏ nọc độâc con rắn bằng cách đập chết con rắn, như nhổ cỏ tận gốc vậy.

Trong Kinh Tập Đức Phật đưa ra ví dụ: Đối với một tỳ kheo không còn dục vọng nào là nguyên nhân cho những trói buộc đưa đến tái sinh vị ấy từ bỏ bờ bên này, bờ bên kia sẽ giống như con rắn thoát bỏ da cũ của nó :

Với ai không có gì,

Do rừng ác sanh khởi.

Tạo nhân khiến trói buộc,

Con người vào tái sinh.

Tỳ kheo ấy từ bỏ,

Bờ này và bờ kia.

Như loài rắn thoát bỏ,

Da rắn cũ và xưa.[1,3]

Ví dụ đức Phật đưa ra về cách bắt rắn nước, để nói lên thái độ học Pháp.

Ví như một người ưa muốn rắn nước (Alagaddù), tìm cầu rắn nước, đi khắp chỗ để tìm rắn nước, người đó thấy một con rắn nước lớn, và người đó bắt con rắn ấy ở lưng hay ở đuôi, con rắn ấy có thể quay đầu lại cắn người đó nơi tay, nơi cánh tay hay một phần nào khác của cơ thể, và người đó do nhân này mà bị chết hay đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Chư tỳ kheo, vì nắm bắt con rắn một cách sai lạc.

Ví dụ này dùng để nói rõ kẻ bị mê học pháp nhưng không quan sát pháp ấy với trí tuệ. Học pháp vì chỉ muốn chỉ trích người khác, vì muốn khoái khẩu biện luận. Vì lý do đó người ấy không đạt được lợi ích của việc học pháp.

Ngược lại, một số thiện nam tử học pháp, sau khi học các pháp này, họ quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy vì ý nghĩa được người trí tuệ quán sát, nên trở thành rõ ràng. Học pháp không vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, không vì lợi ích muốn khoái khẩu biện luận, và họ đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy, vì khéo nắm giữ nên đưa họ đến hạnh phúc an lạc lâu dài. Vì sao vậy? Vì khéo nắm giữ các pháp. Người đó khéo đè con rắn với cây gậy có nạn. Sau khi khéo đè với cây gậy có nạn, người đó có thể khéo nắm giữ cổ rắn. Chư tỳ kheo! Dầu cho con rắn nước ấy có thể cuốn thân nó xung quanh tay hay cánh tay, hay một thân phần nào khác, người đó cũng không vì nhân duyên ấy đi đến chỗ chết, hay dẫn đến đau khổ gần như chết.

Vì sao vậy?

Vì khéo nắm giữ con rắn nước,[3,304] muốn bắt rắn mà không biết cách bắt thì nguy hiểm, học pháp sẽ đem đến kết quả giải thoát hay nguy hiểm như thế nào sẽ nói rõ ở chương sau.

2.11. VÍ DỤ VỀ CHIẾC BÈ

Ví dụ về chiếc bè trong kinh Xà Dụ như sau:

Như có một dòng nước từ trên núi xuống, rất sâu và rộng, chảy nhanh, có nhiều vật nổi trôi trên đó. Trên dòng nước này không có thuyền cũng không có cầu.

Giả sử có một người muốn vượt qua bờ bên kia, vì muốn qua sông, người ấy nghĩ: Dòng sông này thật sâu và rộng, ta phải dùng phương tiện gì, cách gì để vượt qua bờ kia một cách an toàn, sau khi suy nghĩ, người này thu nhặt cỏ và cây bó lại làm thành một chiếc bè.

Nhờ chiếc bè này nỗ lực chống chèo với tay chân người này qua bờ bên kia an toàn. Người ấy nghĩ: “Chiếc bè này rất lợi ích cho ta, nhờ nó ta đã từ bờ kia sang bờ này một cách an toàn. Ta sẽ vác nó trên vai hoặc đội trên đầu mà đi.” Rồi người ấy mang chiếc bè trên vai hoặc đội trên đầu mà đi.

Sau khi đưa ra ví dụ đức Phật hỏi các tỳ kheo: Người ấy làm như vậy có được lợi ích không?

Các tỳ kheo đều trả lời: không.

Tại sao không là hàm ý thông qua ví dụ này. Đức Phật chê trách thái độ của người học pháp chỉ biết nắm giữ chứ không chịu buông xả.

Mười ví dụ đã được tìm hiểu xong. Chúng ta hãy xem ý nghĩa của các Pháp dụ này ở chương tiếp theo.



CHƯƠNG 3 : Ý nghĩa các Pháp dụ trong kinh Xà Dụ



3.1. CÁC DỤC VUI ÍT KHỔ NHIỀU, NÃO NHIỀU, DO ĐÓ SỰ NGUY HIỂM CÀNG NHIỀU HƠN:

Thông qua 8 ví dụ về dục, đức Phật nhấn mạnh vị ngọt của các dục như con chó đeo đuổi khúc xương, con kên kên mê miếng thịt, như cây đầy trái chín, như niềm vui trong giấc mơ, cảm giác dễ chịu của người bệnh phong khi hơ người trên lửa v.v...

Hưởng lạc vị ngọt của ngũ dục không ai bằng thái tử Tất Đạt Đa.

Nếu không kể ra vị ngọt của các dục, ngoại đạo và hàng hậu học sẽ cho đức Phật không thực tế. Bên cạnh năm thứ dục, có đến 8.400 trần lao các khổ.

Giữa khổ và lạc khoảng cách quá xa, hơn gấp 3 lần so với cấp số cộng và cấp số nhân.

Thấy một bông hoa đẹp làm ta xao xuyến khen ngợi, rồi thấy bông hoa héo tàn chúng ta buồn bã khổ đau. Khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tạo ra cái ý thức biền biệt đẹp xấu trong ta. Căn đụng trần thì sanh ra thức, thức quậy phá ta tưng bừng chứ không phải chỉ “ba cái lăng nhăng nó quấy ta”, Như Tú Xương nói.

Các dục là sợi dây vô hình vương vào rồi thì chặt không đứt, dứt không ra, bởi vì “ dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” như những cọng ngó sen.

Đằng sau niềm vui thỏa mãn trong chốc lát, tạm thời là khổ đau, phiền não và nguy hiểm.

Còn “Người thì người của người ta, mà ta cứ gọi người là cố nhân” nên khổ nhiều, não nhiều.

Chính vì chìm đắm trong dục lạc mà chúng sanh sống say chết mộng cũng vì “tuý sanh, mộng tử”

Đức Phật nói: “Nước mắt chúng sanh nhiều như biển cả.”

Thật vậy, bao nhiêu nước mắt khóc khi thương nhau xa nhau, khi không có duyên mà gần nhau, khi sanh ly, tử biệt trong vòng luân hồi cộng lại nhiều hơn cả nước đại dương.

Nhà thơ Xuân Diệu, ông hoàng của ái tình thấy trái đất 3/4 là nước, có lúc cũng bắt chước đức Phật liên hệ đến nước mắt đời người:

“Trái đất 3/4 nước mắt,

Đi như giọt lệ giữa không trung.”

(Xuân Diệu)

Kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sanh đều do dâm dục mà có tánh mạng”.

Ái dục là nguyên nhân của khổ đau. Vì sao vậy?

Ái dục bao gồm yêu thích và ham muốn, phải lao tâm khổ tứ mới đạt được sự yêu thích, ham muốn. Càng ham muốn càng lao tâm khổ lực.

Yêu thích ham muốn không đạt được (cầu bất đắc khổ) là một trong bát khổ lớn nhất của đời người.

Nhân loại bỏ ra biết bao nhiêu công sức, đầu tư suy nghĩ và đạt được niềm vui chính đáng, nhưng có biết bao người hành động bất chánh, gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi để thỏa mãn ham muốn.

Không có đã khổ, có rồi lại còn lo âu hơn vì sợ mất. Của năm nhà mà cứ cho là ngã, ngã sở thì làm sao không lo được. Vạn pháp đều vô thường biến đổi, nếu không ai cướp của mình thì vô thường cũng cướp đi tất cả của mình trong sát na.

Điều mà loài người làm cho tạo hóa phải ngạc nhiên khi tạo ra họ, đó là, lúc nhỏ thì mong cho mau lớn, khi lớn lên thì mong cho nhỏ lại; họ phung phí sức khỏe để kiếm cho thật nhiều tiền, rồi bỏ tiền ra để phục hồi sức khỏe.

Chuyện kể rằng có một vị hoàng tử muốn mau lớn để làm vua thay cha. Một ông tiên hiện ra cho hoàng tử một cuốn chỉ, dặn rằng muốn mau lớn thì cứ việc kéo cuốn chỉ đó ra. Hoàng tử kéo cuốn chỉ thật nhanh và lớn cũng thật nhanh, được lên ngôi báu tam cung lục viện, đánh nam dẹp bắc, chiến công lừng lẫy.

Cho đến một hôm, nhà vua giật mình thấy cuốn chỉ sắp hết, vội vàng cuốn ngược lại thì không sao được nữa.

Lúc nào con người cũng lo lắng toán tính cho tương lai, nếu không hối tiếc quá khứ, để rồi chẳng sống trọn vẹn trong hiện tại:

“Một đời lận đận lo toan tính,

Mỏi gối, người đi đứng lại ngồi.”

Thấy được vị ngọt, sự nguy hiểm chúng ta phải làm sao tránh xa?

Kinh Lăng Nghiêm nói:

Nếu người không đoạn tâm dâm dục mà tu thiền định cũng như người nấu cát, đá mà muốn thành cơm. Dù trải qua nhiều kiếp chỉ gọi là cát nóng, đá nóng.Vì sao?Vì đó là giống cát, giống đá không phải là bản nhân của cơm vậy.[7,582]

Trong giới bổn tỳ kheo có một trường hợp một vị tỳ kheo ni có tà kiến giống như tỳ kheo Arittha trong kinh Xà Dụ

Vị tỳ kheo ni nói:

Tôi biết pháp Phật nói, hành dâm dục chẳng phải pháp ngăn đạo.

Cô tỳ kheo kia phải can cô này rằng:

Chị chớ nói như vậy mà chê bai đức Thế Tôn, chê bai đức Thế Tôn không tốt, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói hành dâm dục là pháp ngăn đạo.(Giới thứ 52, 54 trong 178 pháp Ba Dât Đề)[6,23]

Ngài Thanh Lương nói: “Dâm, ái, hoặc, nghiệp làm cho tưới nhuần sanh tử”

Thông qua 8 ví dụ về sự nguy hại các dục, chúng ta thấy rõ : dục lạc là tiên quyết chướng đạo:

Đa dục vi khổ,

Sanh tử bì lao

Tùng tham dục khởi,

Thiểu dục vô vi.

Thân tâm tự tại.

Nho gia khuyên hãy “quả dục” vì ái dục không thể tránh khỏi, người học Phật với tư tưởng xuất thế, không chỉ chủ trương “quả dục” mà là diệt dục vì thấy rõ các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều do đó sự nguy hiểm càng nhiều.

Muốn hết khổ chúng ta phải có thái độ học pháp như thế nào để diệt dục.

3.2.THÁI ĐỘ HỌC PHÁP

Học pháp như thế nào để mang lại kết quả an lạc?

Thái độ của tỳ kheo Arittha là đăỉc trưng tiêu biểu cho những ai học pháp mà hiểu sai pháp. Bắt rắn một cách an toàn là kết quả áp dụng đúng pháp, sau khi nghe pháp, biết tùy pháp hành trì thuần thục.

Có những lúc chúng ta có thái độ sai lầm khi học pháp nhưng nhờ những vị thầy đánh thức chúng ta.Giáo pháp là hồi chuông đánh thức chúng ta thức dậy để kịp nhìn thấy ánh nắng ban mai.

Đó là ý nghĩa của từ thức tỉnh.

Pháp là những gì đức Phật dạy.

Học pháp là quay về với tam bảo trong ta, nương tựa ba ngôi báu bên ngoài là Phật, Pháp, Tăng:

o Quy y Phật, đấng đầy đủ phước trí vẹn toàn

o Quy y Pháp, là quy y giáo pháp xa lìa các dục.

o Quy y Tăng, đoàn thể những người đại diện cho Phật hoằng truyền giáo pháp

Như Lai nói các dục chướng đạo nhất định là chướng đạo, cái gì Như Lai nói giải thoát, nhất định là giải thoát.

Như Lai có nghĩa: “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.”

Hay “Như như bất động, Lai thành chánh giác, cố danh Như Lai.”

Tỳ kheo Arittha xưa làm nghề huấn luyện chim ưng tuyên bố ngược lại.

Tỳ kheo này cho rằng, buông xả, thọ dụng hoặc chạy theo các dục không chướng đạo. Arittha không biết ly dục là chứng sơ thiền. Đưa ra sự nguy hiểm của các dục, rồi chứng minh bằng tai hại của việc không biết cách bắt rắn, để rắn cắn bị thương, có khi đau khổ gần như chết, đức Phật nêu rõ thái độ học pháp đúng đắn.

Học pháp bằng cách soi lại, nhìn lại chính mình chứ không phải chạy theo vọng tưởng của tâm thức, quên đi chân tâm vắng lặng.

Có một câu chuyện kể về Nazrudin.

Một lần ông sai đệ tử ra chợ mua một bì ớt. Người đệ tử làm theo ý ông, mang về bì ớt cho Nazrudin. Ông cầm ớt lên ăn, hết trái này qua trái nọ, chẳng bao lâu mặt ông đỏ lên, nước mắt, nước mũi chảy ràn rụa. Người đệ tử thấy vậy thưa :

- Bạch thầy, mặt thầy đã đỏ, nước mắt nước mũi thế kia, lại sặc sụa, sao thầy không ngừng ăn ớt?

Nazrudin trả lời:

-Vì ta đang chờ đợi một viên kẹo.[17,134]

Đây là bài học từ những trái ớt, chúng ta học pháp cũng thế, chỉ mong chờ những điều gì đó ở đâu xa là bình an, hạnh phúc. Trước mắt chỉ thấy khổ đau và phiền não, chúng ta quên đi công việc hiện tại, thời gian hiện tại và con người hiện tại mà chúng ta đang sống với. Nước mắt nước mũi của chúng ta cũng đang ràn rụa mà chúng ta không muốn bỏ qua những ảo tưởng, chúng ta chờ đợi vị ngọt ở dưới bì ớt chăng!?

Học pháp mà chỉ đọc, nghe bằng nhãn căn và nhĩ căn thì chẳng lợi ích gì, lắng lòng nghe pháp (lắng nghe) và khéo tác ý, đó là nghe chánh pháp bằng tâm, tích cực soi rọi quán sát lại lòng mình để tìm ra thực tại nội tâm tự thân.Thái độ học pháp đúng đắn nhất đó là phải biết tùy pháp.

Chỉ có trong giáo pháp Như Lai mới có 4 quả Sa môn chuẩn mực nhất. Sơ quả Tu Đà Hoàn là trạng thái của sự ly dục, ly bất thiện pháp. Lúc bấy giờ:

Có chi là khổ có chi vui,

Vui trong ái dục vui rồi khổ.

Khổ để tu hành khổ hoá vui,

Đã biết có vui thì có khổ.

Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui,

Mong sao giữ tánh không vui khổ,

Mới thoát ra ngoài lý khổ vui.

Trong một chừng mực nào đó chúng ta cần phải ăn uống để tồn tại, bảo đảm phước đức hiện tại và tương lai, cũng cần phải ăn uống ngủ nghĩ tiết độ để có sức khỏe tu học, ngũ dục bao gồm tài, sắc, danh, thực và thùy nếu chúng ta không ăn được hay mất ngủ, không đầy đủ sức khoẻ thì làm sao tu tập.Đây là hiện tượng bị “trục trặc kỹ thuật” trong tiến trình tu tập.

Thái độ học pháp phải biết “thiểu dục tri túc” tức là muốn ít chứ không phải là ít muốn.

3.4.TINH THẦN XẢ BỎ KHÔNG CHẤP VÀO CÁC PHÁP

Kinh Kim Cang có đoạn:

Như Lai thường thuyết:

“Nhữ đẳng tỳ kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thường ưng xả, hà huống phi pháp”

(Như Lai thường nói, tỳ kheo các ông nên biết, ta nói pháp thí dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp)

Nếu còn chấp nơi tướng (pháp, phi pháp), tức là còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu còn chấp tướng pháp thì còn ngã, nhân, chúng sanh thọ giả. [14,48-49] Nên các dục là phi pháp giữ làm gì. Chấp phi pháp là còn tướng pháp trong vòng đối đãi của bỉ, thử; ta, người. Tất cả đều là phương tiện để đạt đến cứu cánh giải thoát.

Chưa qua khỏi bờ thì chiếc bè rất quý, nương bè qua đến bờ rồi, chúng ta nên bỏ bè lại, không nên mang vác theo lên bờ.

Trong kinh A Hàm đức Phật ví dụ ở bên bờ sông có giặt cướp, muốn qua bờ sông bên kia, là chỗ an lành không tai họa. Bấy giờ, họ mới chặt 8 cành cây kết thành bè, nương chiếc bè được qua bờ bên kia, chiếc bè phải bỏ lại là điều dĩ nhiên. Tám cành cây tượng trưng cho bát chánh đạo, chánh pháp mà đức Phật dạy phải bỏ huống gì phi pháp là các dục mà cưu mang.

Tinh thần xả bỏ tức là được cá quên đơm, được chim quên ná, nếu nương ngón tay để thấy mặt trăng, khi thấy mặt trăng phải bỏ ngón tay mới nhìn rõ mặt trăng. Nếu cứ chắp giữ, vào ngón tay làm sao thấy mặt trăng, trong sự hành trì và tu tập không trú vào một kết quả nào. Chính vì vậy nên kinh Kim Cang dạy: nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ. Nếu ai ngủ quên trên đài danh vọng của mọi phước báo thì không thể đạt đến nhất thừa giáo :

“…Ngã kim bất vị tự cầu Nhơn Thiên phước báo, Thanh Văn, Duyên Giác, nãi chí Quyền thừa chư vị Bồ tát, duy ư tối thượng thừa, phát bồ đề tâm, nguyện dư pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề…”

(Hồng Danh Bửu Sám) [13,124]

Các tầng thiền cũng như vậy, nếu đạt đến sơ thiền, chấp vào hiện tại lạc trú của sơ thiền rồi ngủ quên trong thiền lạc chúng ta làm sao có được niềm vui của các tầng thiền cao hơn. Nếu không bỏ trạm xe thứ nhất, chúng ta không thể đến trạm thứ hai, nếu không từ bỏ trạm xe thứ hai, thứ ba, thứ tư…. Làm sao chúng ta đến trạm xe thứ bảy (Kinh Trạm Xe). [3,339]

Cuộc đời là dòng chảy bất tuyệt, nếu chúng ta dậm chân tại chỗ là chúng ta phủ nhận cuộc đời vì sống là đi. Mỗi sát na qua đi từng tế bào đang chết đi sống lại trong mỗi thớ thịt, đường gân, làm sao còn đeo mang theo chiếc bè bên cạnh khi lên đến bờ.

Trường hợp trái lại, có một số người chưa qua được bờ đã bỏ bè, trường hợp này nguy hiểm hơn.

Với thái độ học pháp đúng đắn chúng ta thấy được vạn pháp đều do nhân duyên hoà hợp mà sinh diệt. Con người thật sự cũng là con người của năm uẩn, dưới ánh sáng duyên khởi. Con người là hợp thể của yếu tố sinh lý, vật lý và tâm lý. Để làm nổi bật tính vô ngã, biến động, bất an, của con người và cuộc đời, đức Phật dạy:

“…Ai không chấp trước, không tham luyến, không suy tưởng, không hoan hỷ về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, người ấy thoát khỏi ác ma”[2,125].Vấn đề ở đây không phải sự hiện hữu của năm uẩn, mà sự có mặt của yếu tố chấp trước. Do vậy, biết năm uẩn thường biến đổi, nên không còn chấp trước, không luyến ái, phải rũ bỏ thì lúc đó con người cảm thấy giải thoát thanh tịnh.

Đức Phật nhiều lần khuyên con người:

“ Hãy trở về nương tựa chính mình, nương tựa pháp, không nương tựa một nơi nào khác” là như vậy.

hân lý đức Phật nói bao gồm nhị đế, đó là:

Tục đế (tương đối) và chân đế (tuyệt đối). Ngoài ra còn có “trung đạo đệ nhất nghĩa đế”. Đó là thấy được chân đế nhưng ngài vẫn dùng phương tiện để nói tục đế đây là đế thứ ba, vì muốn nhập thế để hóa độ nên ngài phải dùng ngôn ngữ ví dụ để thuyết pháp cho chúng sanh.

Sự thành công thiện xảo về cách dùng từ hay, từ đúng, từ chính xác là thanh minh, một trong ngũ minh. Sự thành công lớn nhất mà chỉ có duy nhất đức Phật đạt được, những pháp dụ trong kinh Xà Dụ là một phần cơ bản trong hệ thống ngôn ngữ kinh điển. Bản thân ngôn ngữ vốn là phương tiện, mọi khuôn mẫu được áp đặt lên nó cần được xem xét dưới góc độ tương đối của nhận thức.

Vấn đề còn lại, đòi hỏi ở người hành trì, đọc tụng ở một mức độ thể nhập, tư duy thiền định nhất định để có thể soi sáng Phật lý.

Đức Phật dạy, tất cả pháp là bất định, do đó giáo pháp của Phật cũng là bất định, tuỳ theo nhân duyên khác nhau mà nó biểu hiện khác nhau. Xưa nay: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”.

Kinh Kim Cang dạy:

Bất lập văn tự,

Giáo ngoại biệt truyền.

Trực chỉ nhân tâm,

Kiến tánh thành Phật.

Căn cơ chúng sanh còn quá thấp, nếu không dùng ngôn ngữ chúng sanh làm sao đến với chúng sanh. Chính vì ngôn ngữ đạo đoạn, bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sanh, cuối cùng đức Phật tuyên bố: “Ta chưa từng nói một lời nào”. Bởi vì đức Phật xác minh: Không thể dùng ngôn từ hữu hạn để nói về cái vô hạn, vô cùng, không thể dùng cái tầm thường để thuyết minh về cái chân thường tuyệt đối, Nhưng phải mượn ngôn ngữ loài người để diễn đạt chân lý bất diệt và vén lên bức màng vô minh của cuộc sống, mượn ngón tay chỉ mặt trăng, để trao cho loài người một thông điệp về sự thật cuộc đời.[18,3]

Bốn mươi chín năm thuyết pháp, đức Phật kết luận “Như Lai không nói một lời nào.” Đức Phật thường im lặng không trả lời những câu hỏi về “tự thể niết bàn”, về cõi “chân như” hay về một “bản thể tuyệt đối”. Ngài chỉ giảng dạy hai điều “mê” và “ngộ”, nhằm mục đích chỉ mê khai ngộ cho chúng sanh. Đức Phật thường im lặng không giảng giải biện luận những vấn đề mà các đệ tử của ngài sẽ vui thú trong tranh luận về siêu hình và sẽ xao lãng việc tinh tấn tu tập chứng ngộ.

Vả lại, theo đức Phật “Chân Như” hay “Tự thể Niết Bàn” vốn là phi ngôn ngữ, phi ý niệm làm sao có thể bàn luận.

Đức Phật, trái lại ngài quán sát căn cơ của chúng sanh, dùng ngôn ngữ chúng sanh bằng các ví dụ cụ thể chỉ cho hàng đệ tử thấy được những cái ràng buộc trong thế giới tương đối này:

Các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều do đó sự đau khổ càng nhiều hơn

Mọi pháp, phi pháp đều là phương tiện để đạt đến mục đích cuối cùng là giác ngộ, giải thoát, nếu ai còn bận tâm, chấp thủ thì không có kết quả trong việc học và hành pháp.

Nhận thức được sự im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp, chúng ta có hai hướng đặt ra trong thái độ học pháp:

Một là hướng thượng sẽ tạo ra con người và thế giới tốt đẹp.

Hai là hướng hạ thì tạo ra con người và thế giới xấu xa hư hoại.

Nhân loại hiện nay đang chìm đắm trong cảm thọ, hưởng thụ xuất phát từ những cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia. Chiến tranh là mẹ đẻ của tham dục. Hiện nay sự thách thức và sự nhiễm ô môi trường ngày càng có nguy cơ đe dọa loài người. Nguyên nhân chính là mỗi người tự nuôi dưỡng tham dục, tham vọng, không bằng lòng chính mình mà khao khát đi tìm những cảm giác mạnh. Những tụ điểm giải trí, trụy lạc đua nhau mọc lên, Loài người không còn nghĩ đến tương lai người hậu thế khả dĩ sống hay không.

Khoa học làm tăng thêm lòng dục, kiêu mạn để chống lại vô thường, nào là phương pháp lão hóa, xạ trị… nhưng làm gì cũng không tránh khỏi sự hoại diệt, chỉ kéo dài sự sống với hết khả năng mà khoa học có thể làm, loài người càng lo sợ cái chết, bởi vì khoa học càng tiến bộ bịnh tật càng hiểm nghèo.

Biển pháp mêng mông mà sức múc nước của người viết chỉ có đôi tay nhỏ bé, như người hữu duyên đi ngang qua sông Hằng, chút cát dính trên đế giày so với số cát trên dòng sông Hằng nào có nghĩa lý gì, thông qua những pháp dụ, một loại hình ngôn ngữ làm phương tiện để nhận thức yếu lý của giáo pháp. Trên cơ sở dùng ngôn ngữ ví dụ để từ viên dung, nghĩa viên dung. Ngôn ngữ không như gương, trong suốt và cố định, mà nó là lớp vỏ bọc của ý nghĩa sinh động và thay đổi rất nhiều về sắc thái, nội dung tùy theo ngữ cảnh và thời đại mà ngôn ngữ được dùng.

Những gì đức Phật nói ra vẫn không đi ngoài giáo pháp “ly dục tôn”, bởi:

“Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi.”

Những pháp dụ người viết bước đầu tìm hiểu làm phương tiện cho việc nghiên cứu toàn bộ tam tạng kinh điển về sau cũng nằm trong vòng đối đãi của giả danh như mượn chiếc bè qua khỏi dòng sông. Bởi vì các pháp vốn:

“Không tên mà lại đặt tên,

Bởi có tên nên trái lắm điều



TÀI LIỆU THAM KHẢO



[1] Thích Minh Châu - Kinh tập – ĐTKVN –VNCPHVN 1993

[2] Thích Minh Châu - Tương ưng bộ kinh III – ĐTKVN- VNCPHVN 1993

[3] Thích Minh Châu - Trung bộ kinh I – ĐTKVN –VNCPHVN 1993

[4] Thích Minh Châu - Trường bộ kinh I – ĐTKVN –VNCPHVN 1993

[5] Minh Chiếu sưu tập - Truyện cổ PGVN tập I - NXBTPHCM -1999

[6] Thích Thiện Chơn dịch giả - Nghi thức tụng tỳ kheo ni giới bổn – NXBTPHCM -1998

[7] Thích Phước Hòa dịch giả - Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ - Thiền sư Hàm Thị giải THGHPGTPHCM

[8] Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Bách Dụ - NXB Tôn Giáo - PL2544

[9] Phạm Kim Khánh biên dịch - Kinh Pháp Cú - NXB Tôn Giáo - 2004

[10] Thích Trí Quảng - Lược giảng kinh Pháp Hoa - NXBTPHCM -1999

11] Thích Trí Tịnh - Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – NXBTPHCM - 2000

[12] Thích Tâm Thiện - Tìm hiểu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo – NXBTPHCM - 2000

[13] Thích Minh Thời biên soạn, Kinh Nhật Tụng - NXB tôn giáo - PL2548

[14] Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang giảng giải - NXBTPHCM

[15] Tuệ Sĩ dịch, Thiền Luận quyển hạ - Suzuki - NXBTPHCM - 1992

[16] Nguyệt san Giác ngộ số 99, Tháng 06 năm 2004

[17] Ayyakhema, Be an island - Diệu Đạo dịch, Ốc đảo tự thân - PL2546

[18] Bhagwan Shree Rajnecsh, Pointing the way - Thích Nữ Minh Tâm dịch, Ngón tay chỉ đường.


Hình đại diện của người dùng
thienminh
Bài viết: 68
Ngày: 16/06/07 20:31

Re: TÌM HIỂU NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN TRONG KINH XÀ DU-TRƯƠNG BỘ KINH

Bài viết chưa xem gửi bởi thienminh »

Mô Phật
Thiện tai thiện tai...

Bài viết có hay cách mấy mà dài cả ... cây số như vầy, không chịu cắt ra thì đọc nhi ri chắc cũng... ngán. Cô cắt ra làm vài khúc coi bộ đọc đở mệt mắt hơn. Chia ra như phim vậy, tới đoạn nào hấp dẫn mình cắt ra cho người đọc... thèm chơi. :mrgreen:

Chúc thường xuyên đến thăm diễn đàn đừng làm ... khách nhé.


Không làm các điều ác, thường làm các điều lành, giữ thân ý trong sạch, đó là lời Phật dạy.
Nội quy sinh hoạt của diễn đàn: 1. Thân hòa cùng chung ở. 2. Khẩu hòa không tranh cãi. 3. Ý hòa cung hoan hỷ. 4. Giới hòa cùng tu tập. 5. Kiến hòa cùng giải bày. 6. Lợi hòa cùng chia sẻ. Mong mọi người sinh hoạt trong trong tinh thần lục hòa.
- Nhấn F12 để bật hay tắt chương trình gõ tiếng Việt của diễn đàn.
http://daitangkinhvietnam.org | http://tudien.daitangkinhvietnam.org | http://diendan.daitangkinhvietnam.org
Chanhientam
Bài viết: 959
Ngày: 11/09/07 15:44

Re: TÌM HIỂU NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN TRONG KINH XÀ DU-TRƯƠNG BỘ KINH

Bài viết chưa xem gửi bởi Chanhientam »

Ht cũng thấy như vậy. Một khúc cho thiên hạ đọc rồi chống con mắt lên mong chờ đọc phần hai ... Không phải không hay, nhưng mới đọc khoảng 1/6, chịu không nổi, phải kéo lên coi phần của thầy Thiền Minh nói gì ...


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.21 khách