Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

33. Thư gởi nữ sĩ Từ Phước Hiền



Tôi ăn bám Phổ Đà hơn hai mươi năm, trọn chẳng giao thiệp cùng hai chúng tại gia. Do lão hữu Chí Ngu trụ tích[66] tại Từ Nham nên thường gặp nhau trò chuyện. Gần đây, thầy Phước Nghiêm đến đây chưa đầy một tuần, thường đến chỗ tôi, nhắc đến sự trinh tháo của bà liền khởi lòng thương xót,. Nhân đấy, tôi bèn an ủi rằng: “Tuy bà ta trinh liệt đáng phong tặng, nhưng không biết đường tu ra sao? Tôi sẽ trình bày đại lược những điểm cương yếu để bà tùy phận tùy sức, dốc lòng tu tịnh nghiệp”. Thầy Nghiêm bèn lễ thỉnh khẩn thiết, nhân đó, tôi bảo :

- Phật pháp chính là pháp tâm hết thảy chúng sanh vốn có. Tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát), lục phàm (thiên, nhân, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) đều nên tuân hành. Tại gia hay xuất gia đều có thể thọ trì. Huống chi thân nữ nhiều chướng ngại, chuyện gì cũng không được tự do. Lìa quê sang tỉnh khác, dễ chuốc lấy lời chê trách, gièm xiểm, hủy nhục của người ngoài. Vì lo nghĩ đến điều ấy, [theo tôi] bà chỉ nên ở nhà trì giới niệm Phật, quyết chí cầu sanh Cực Lạc thế giới, trọn chẳng nên xa lìa quê nhà, xuất gia làm ni. Còn như nghiên cứu kinh giáo đến cùng tột, tham phỏng minh sư quyết định là phận sự của nam tử, nữ nhân chẳng nên bắt chước! Nữ nhân chỉ nên dốc lòng tu Tịnh nghiệp, chuyên trì Phật hiệu.

Nếu thật sự có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự nhiên trong đời này tự chứng Niệm Phật tam-muội, lâm chung vãng sanh Thượng Phẩm. Dẫu chưa thể tự chứng tam-muội cũng được cao dự hải hội, hầu cận Di Đà mãi mãi. Do đấy, tự chứng Vô Sanh, khôi phục tâm tánh vốn có, nên vô biên giáo hải thảy đều hiểu rõ, như gương báu đặt trên đài, muôn hình ảnh đều hiện. Sau đấy, nương vào từ lực Phật và bổn nguyện của mình chẳng lìa An Dưỡng, trở vào Sa Bà, dùng đủ mọi phương tiện độ thoát chúng sanh, mong hết thảy hữu tình cùng lên Liên Bang, đều chứng Vô Sanh, ngõ hầu chẳng phụ một phen tâm quyết liệt tu trì, đáng gọi là hoa sen trong lửa, là bậc trượng phu của nữ giới. Phàm tu Tịnh nghiệp, phải lấy quyết chí cầu sanh Tây Phương làm gốc. Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông.

Nói đến Tín thì phải biết Sa Bà là khổ, khổ không nói nổi! Cực Lạc là vui, vui không thể ví. Cái khổ trong Sa Bà là sanh, lão, bệnh, tử, yêu thương phải chia lìa, chán ghét cứ phải gặp gỡ, cầu không được, Ngũ Ấm (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) hừng hực (Ngũ Ấm hừng hực nghĩa là chúng sanh đối với năm Ấm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức khởi Hoặc tạo nghiệp, như lửa cháy bừng bừng, chẳng thể ngưng dứt. Cái khổ này thuộc về nhân chiêu cảm quả khổ, bảy thứ trước là quả khổ được chiêu cảm. Cái khổ trong Sa Bà tuy nhiều hơn cát sông Hằng, nhưng tám thứ khổ này bao gồm trọn hết không sót. Các nỗi khổ đích thân đã trải qua, nên không cần phải giải thích chi tiết).

Sự vui trong Cực Lạc nếu ước theo căn thân thì hoa sen hóa sanh, trường sanh bất tử, mang thân nam, trọn không có hình dáng nữ, chẳng nghe đến cái tên ác đạo, huống gì thật có! Ước theo khí thế giới thì vàng ròng làm đất, bảy báu làm ao, hàng cây kín trời, lầu gác trụ trên không. Nghĩ đến áo bèn có áo, nghĩ đến ăn được ăn, phàm những thứ gì mình thọ dụng không gì chẳng được như ý, nhưng những gì dùng đến đều là hóa hiện; không như cõi này phải do sức người tạo tác mới thành. Di Đà đạo sư tướng hảo, quang minh vô lượng vô biên, vừa thấy từ dung liền chứng Pháp Nhẫn. Huống hồ còn có Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh hải hội, mỗi vị đều phóng tịnh quang cùng tuyên diệu âm. Vì thế, tuy là phàm phu đầy dẫy phiền não, nghiệp lực đầy thân nhưng nếu như tín nguyện chân thành, khẩn thiết liền được Phật từ nhiếp thọ. Vừa vãng sanh, phiền não, ác nghiệp bèn bị tiêu diệt triệt để, công đức, trí huệ rốt ráo hiện tiền. Tin được như thế thì gọi là chân tín. Muốn biết tường tận nên đọc kỹ kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, những kinh này được gọi chung là Tịnh Độ Tam Kinh, chuyên giảng về duyên khởi, sự lý Tịnh Độ.

Những kinh Đại Thừa khác đều nói kèm Tịnh Độ, nhưng kinh Hoa Nghiêm là lúc Như Lai mới thành Chánh Giác vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ xứng tánh giảng thẳng vào diệu pháp Nhất Thừa. Cuối cùng Thiện Tài đồng tử tham học khắp các thiện tri thức, chứng ngang với chư Phật, bèn được Phổ Hiền Bồ Tát dạy cho mười đại nguyện vương, khiến cho Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngõ hầu viên mãn Phật quả. Trong Quán Kinh, Hạ Phẩm Hạ Sanh Ngũ Nghịch Thập Ác đủ mọi chuyện bất thiện, lúc lâm chung, tướng địa ngục hiện, có thiện tri thức dạy niệm Phật. Người ấy liền vâng lời dạy, xưng niệm Phật danh, chưa đủ mười tiếng liền thấy hóa Phật xòe tay, tiếp dẫn vãng sanh.

Kinh Đại Tập chép: “Đời Mạt Pháp ức ức người tu hành, hiếm có một kẻ đắc đạo, chỉ có niệm Phật mới thoát khỏi sanh tử”. Do vậy, biết một pháp Niệm Phật chính là đạo để thượng thánh hạ phàm cùng tu, là hạnh chung để hành của mọi người dù ngu hay trí, hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít, hiệu quả nhanh chóng. Do chuyên cậy vào Phật lực, nên lợi ích thù thắng, là đạo pháp siêu việt đường lối thông thường. Người xưa nói: “Học đạo nơi các môn khác như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật vãng sanh như căng buồm xuôi gió, thuận nước”. Có thể gọi là khéo hình dung nhất!

Nếu muốn nghiên cứu kinh A Di Đà thì có bản Yếu Giải do đại sư Ngẫu Ích soạn, lý sự đều đạt đến tột bậc, là bản chú giải bậc nhất kể từ khi Phật đã giảng kinh này. Hay khéo, xác đáng cùng cực, quả thật dẫu cổ Phật tái sanh nơi đời chú giải lại kinh này cũng không thể hay hơn được! Chớ có xem thường, hãy nên tin nhận kỹ càng. Kinh Vô Lượng Thọ có bản sớ giải của pháp sư Huệ Viễn đời Tùy, giải thích ý nghĩa theo kinh văn rất trong sáng, gãy gọn.

Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh có bản Tứ Thiếp Sớ của hòa thượng Thiện Đạo, do muốn độ khắp ba căn nên đa phần Ngài ước theo sự tướng mà phát huy. Cuối chương Thượng Phẩm Thượng Sanh, Ngài lại phát huy sự hơn - kém giữa hai cách Chuyên Tu và Tạp Tu, khiến [người đọc] sanh tín tâm kiên cố, chân thật: Dẫu Thích Ca và chư Phật hiện thân bảo bỏ pháp Tịnh Độ này, tu những pháp môn khác, cũng chẳng đổi dời ý chí đôi chút. Có thể nói lời ấy chính là kim chỉ nam cho hành giả Tịnh Độ vậy. Như Quán Kinh Sớ Diệu Tông sao của tông Thiên Thai đế lý cực viên dung, nhưng người trung hạ căn chưa thể được lợi ích. Vì thế chẳng bằng Tứ Thiếp Sớ độ khắp ba căn, lợi căn lẫn độn căn cùng được lợi ích.

Đã biết những nghĩa lý như trên vừa nói thì phải nương theo đó mà tin tưởng chắc chắn, tự mình nhận biết, tin tưởng được như thế. Nếu như mình không thấy được như thế thì cũng nên tin tưởng như thế. Ngửa tin lời Phật, trọn chẳng nên vì phàm tình suy lường không được rồi nẩy sanh mảy may nghi niệm thì mới gọi là chân tín. Đã sanh lòng tin rồi, ắt phải phát nguyện: Nguyện lìa Sa Bà như đang bị tù mong thoát khỏi lao ngục; nguyện sanh Cực Lạc như đứa con cùng quẫn mong về lại cố hương.

Nếu trước khi được sanh về Tịnh Độ, dẫu được trao ngôi vua trong cõi trời cõi người cũng nên coi đó là nhân duyên đọa lạc, trọn chẳng có một niệm mong mỏi, hâm mộ. Còn [những chuyện] như đời sau chuyển nữ thành nam, xuất gia từ tấm bé, nghe một hiểu ngàn, đắc Đại Tổng Trì, cũng nên coi như là đường tu đi vào ngõ rẽ, tâm trọn chẳng có một niệm mong mỏi. Chỉ muốn lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh liền liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, ở vào địa vị Bất Thoái, chứng Vô Sanh Nhẫn. Ngoảnh lại nhìn những chuyện làm vua trời người và xuất gia làm Tăng, không biết đến Tịnh Độ, tu các pháp môn khác, trải bao kiếp nhọc nhằn, không do đâu được giải thoát, giống như lửa đóm sánh cùng mặt trời rạng ngời, tổ kiến sánh cùng Thái Sơn, buồn bã khôn ngăn, thương xót khôn cầm! Vì thế người tu Tịnh Độ trọn chẳng thể cầu mong phước lạc nhân thiên trong đời sau và xuất gia làm Tăng v.v…

Nếu tâm có mảy may mong cầu đời sau thì chính là không chân tín, nguyện thiết, bị cách ngăn với thệ nguyện của Phật Di Đà, chẳng thể cảm ứng đạo giao, chẳng được Phật tiếp dẫn, biến diệu hạnh thù thắng chẳng thể nghĩ bàn này thành cái nhân phước báo hữu lậu nhân thiên. Huống chi lúc hưởng thụ ắt tạo ác nghiệp! Đã tạo ác nghiệp, khó tránh khỏi ác báo, như bỏ chất độc trong Đề Hồ có thể giết người. Chẳng khéo dụng tâm còn tệ hơn thế. Phải triệt để chém đứt những ý niệm ấy mới mong được lợi ích hoàn toàn nơi Tịnh Độ, toàn thân thọ dụng. Đã có chân tín, nguyện thiết, ắt phải chí tâm chấp trì sáu chữ thánh hiệu “nam mô A Di Đà Phật”, bất luận đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, mặc áo, ăn cơm, và lúc đại tiểu tiện v.v… đều chẳng lìa sáu chữ hồng danh (hoặc trì bốn chữ cũng được), ắt phải dốc toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm - Phật không hai; tâm - Phật như một. Nếu có thể niệm đâu chú tâm đó, niệm đến cùng cực, bao tình kiến mất hết, tâm không, Phật hiện, thì trong đời này tự có thể chứng được tam-muội. Đến lúc lâm chung, sanh vào Thượng Thượng Phẩm, có thể nói là đã tu trì đến cùng cực vậy.

Ngay trong sanh hoạt thường ngày, với tất cả những điều thiện nhỏ nhặt và các thiện căn như tụng kinh, lễ bái… đều đem những công đức ấy hồi hướng vãng sanh. Như thế thì hết thảy hạnh môn đều thành trợ hạnh cho Tịnh Độ, như gom các trần thành đất, tụ các dòng nước thành biển, rộng lớn sâu thẳm, ai cùng tột được! Nhưng phải phát Bồ Đề tâm, thệ nguyện độ sanh, tất cả công đức tu trì hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh bốn ân ba cõi. Giống như đổ dầu vào lửa, như mạ gặp mưa; đã kết pháp duyên sâu xa cùng hết thảy chúng sanh lại còn có thể mau thành tựu hạnh Đại Thừa thù thắng cho chính mình. Nếu không biết nghĩa này thì là kiến giải tự lợi của phàm phu, Nhị Thừa, dẫu tu diệu hạnh này, chỉ cảm được quả hèn kém.

Tuy hết thảy thời, hết thảy lúc niệm Phật đều không trở ngại, nhưng phải thường nên kiêng dè; coi tượng Phật giống như Phật sống, coi kinh Phật, lời Tổ giống như Phật, Tổ đang hướng về mình thuyết pháp, chẳng dám ôm lòng hoài nghi, khinh mạn tí nào. Dẫu hiếu tử đọc di chúc, trung thần vâng sắc chỉ cũng chẳng thể hơn được. Trong lúc bình thời niệm Phật, niệm ra tiếng hay niệm thầm tùy ý, còn lúc ngủ nghỉ hoặc đại tiểu tiện, tắm gội, rửa chân v.v…và đi qua chỗ hôi nhơ, chẳng sạch đều nên niệm thầm, chớ nên niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng là không cung kính, niệm thầm công đức cũng thế.

Tôi thường nói muốn được lợi ích nơi Phật pháp phải hướng về cung kính mà cầu. Có một phần cung kính ắt tiêu một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng được mười phần phước huệ. Nếu trọn chẳng cung kính thì dù có trồng viễn nhân, nhưng cái tội khinh nhờn chẳng thể tưởng tượng được! Nay những kẻ tại gia đọc kinh Phật đều phạm phải những bệnh ấy. Vì thế, đối trước những kẻ hữu duyên phải thường ra rả nói. Niệm Phật cần phải nhiếp tâm, niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, đều phải mỗi câu mỗi chữ phân minh rành rẽ. Lại phải lắng tai nghe kỹ, từng câu từng chữ nạp vào trong tâm. Nhĩ căn đã nhiếp thì các căn kia không cách chi rong ruổi bên ngoài, mới hòng mau đạt nhất tâm bất loạn.

Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa ấy là bậc nhất” chính là chỉ về điều này vậy. Ngài Văn Thù nói: “Quay trở lại nghe nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” cũng nhằm chỉ điều này. Chớ bảo pháp Trì Danh là thiển cận rồi bỏ bê, tu theo những pháp Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng. Phàm trong bốn cách niệm Phật chỉ có Trì Danh là khế cơ nhất. Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý Thật Tướng hiển lộ toàn thể, Tây Phương diệu cảnh triệt để phô bày trọn vẹn. Do trì danh chứng được Thật Tướng, chẳng cần quán tưởng vẫn thấy được thấu triệt Tây Phương. Một pháp Trì Danh chính là huyền môn để nhập đạo, là đường tắt để thành Phật. Người đời nay giáo lý quán pháp chẳng hiểu rõ. Nếu tu quán tưởng Thật Tướng rất có thể bị ma dựa, khéo quá hóa vụng, cầu thăng hóa đọa. Nên tu hạnh dễ hành, ắt tự cảm được quả chí diệu.

Sách Tịnh Độ Thập Yếu là do Ngẫu Ích đại sư dùng con mắt Kim Cang, từ các sách xiển dương Tịnh Độ, chọn lấy những quyển khế lý khế cơ cùng tột không còn thêm gì được nữa. Thứ nhất là Di Đà Yếu Giải do chính đại sư tự chú thích, văn uyên thâm nhưng dễ hiểu, lý viên đốn duy tâm, không còn gì tuyệt diệu hơn, hãy nên thường nghiên cứu! Còn chín tác phẩm sau không cuốn nào chẳng lý viên mãn, từ hay khéo, khế hợp thời cơ sâu xa. Tuy chưa chắc có thể hoàn toàn hiểu rõ từng cuốn, nhưng mỗi lần đọc đều giống như uống tiên đơn, lâu ngày chầy tháng xác phàm sẽ thành cốt tiên vậy! (Đây là nói ví von pháp môn mầu nhiệm, chẳng được hiểu lầm là thành tiên!).

Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chép tường tận những hạnh nguyện của Phật Di Đà khi còn tu nhân cũng như công đức khi đã chứng quả, và những chuyện tự hành hóa tha của các vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ. Kế đến chép sự tích vãng sanh của Viễn Công (tổ Huệ Viễn), Trí Giả và các đại tổ sư, thiện tri thức cho đến đầu đời Thanh và những chuyện tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, vua, quan, sĩ thứ, phụ nữ, ác nhân, súc sanh niệm Phật vãng sanh. Lại còn chọn lọc những ngôn luận thiết yếu chép vào từng truyện, ngõ hầu người đọc có căn cứ để bắt chước, không còn gì nghi ngờ, lấy cổ nhân làm thầy, tận lực tu tịnh nghiệp. So với tham phỏng tri thức lại càng chân thành, khẩn thiết hơn!

Long Thư Tịnh Độ Văn đoạn nghi khởi tín, phân môn chia loại, chia chẻ pháp môn tu trì thành từng điều cặn kẽ, là cuốn sách kỳ diệu dẫn dụ sơ cơ bậc nhất. Nếu muốn lợi khắp hết thảy, chẳng thể chẳng khởi đầu từ sách này. Ba thứ trên đây và Vô Lượng Thọ Kinh Sớ, Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, tổng cộng năm loại; trước đây, tôi đã bảo thầy Phước Nghiêm thỉnh rồi gởi qua bưu điện, không biết đã thỉnh được chưa? Nếu không, hãy hồi âm để gởi lại. Có những cuốn sách ấy, ắt biết trọn các nghĩa lý Tịnh Độ, dẫu không đọc khắp các kinh, cũng chẳng bị thiếu khuyết gì! Nếu chẳng biết pháp môn Tịnh Độ, dẫu thâm nhập Kinh Tạng, triệt ngộ tự tâm, muốn liễu sanh tử còn chẳng biết phải mất mấy đại kiếp mới hòng mãn được nguyện ấy! Thuốc A Già Đà (Phạn ngữ A Già Đà, Hán dịch là Phổ Trị (trị khắp tất cả), trị được hết thảy bệnh tật) trị được vạn bệnh. Không biết điều này, đáng đau tiếc thay! Biết nhưng không tu, hoặc tu chẳng chuyên tâm dốc lòng, càng đáng đau tiếc hơn nữa! Nữ nhân ra khỏi cửa bị trở ngại lớn. Huống chi độ dụng (chi phí hằng ngày) gian nan, càng thêm bất tiện!

Đối với việc thọ giới nếu nam tử xuất gia làm tăng thì phải vào chùa tập tành oai nghi mới biết quy củ của chốn tùng lâm, giữ đúng oai nghi của Tăng thì du phương hành cước mới trọn không bị trở ngại. Nếu không, thập phương tùng lâm không cách nào ở được! Nếu là nữ nhân, nhà cửa giàu có, tự mình làm chủ thì đến chùa thọ giới cũng không phải là không được. Còn như gia cảnh khốn cùng, cần gì phải làm như thế? Chỉ nên đối trước Phật khẩn thiết, chí thành, sám hối tội nghiệp bảy ngày, tự thệ thọ giới. Đến ngày thứ bảy, đối trước Phật xướng rằng: “Đệ tử là Phước Hiền, thề giữ năm giới, làm mãn phận Ưu Bà Di (Ưu Bà Di, Hán dịch là Cận Sự Nữ, nghĩa là đã thọ năm giới, kham vâng thờ Phật. Mãn Phận nghĩa là cả năm giới đều trì). Suốt cuộc đời không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục (nếu có vợ chồng thì nói là “không tà dâm”). Suốt cả một đời không vọng ngữ, suốt cả một đời không uống rượu”. Nói ba lần như thế, liền được đắc giới. Nhưng phải tự chí tâm thọ trì, công đức trọn chẳng hơn - kém. Chớ bảo kẻ tự thệ thọ giới chẳng đúng pháp. Điều này chính là thánh huấn của Như Lai trong kinh Phạm Võng.

Phổ Đà mùa Thu không truyền giới. Truyền giới bắt đầu vào thượng tuần tháng Giêng đến ngày Mười Chín tháng Hai là viên mãn. Nhưng tôi mong bà hãy ở yên tu trì tịnh nghiệp, chớ nên bôn ba lặn lội. Nếu vẫn chấp trước không đổi chính là không phân tốt - xấu, trở ngại sự thanh tu của chính mình, phụ lời trung thực của lão tăng. Tôi mong bà đời này thành tựu đạo nghiệp, chứ trọn chẳng ngăn trở pháp duyên của bà. Bà hãy nên suy nghĩ kỹ, tự biết lấy - bỏ ra sao. Còn như chẳng thể xuất gia toan bỏ mạng này, ý niệm ấy tuy trinh liệt, nhưng tâm ấy thật si khờ. Tăng - ni đời nay ai có thể kham làm thầy? Trụ trì am miếu cường bạo thật nhiều. Bà là phận gái, bậc thượng sĩ khó thể dạy dỗ, uốn nắn vì phải tỵ hiềm, kẻ hạ ngu bèn kiệt lực chạy theo duyên do muốn tạo nghiệp.

Bà chỉ biết xuất gia làm ni là giải thoát, không biết xuất gia làm ni là chướng ngại. Vì thế chẳng ngại phiền toái, ân cần bảo ban. Bà tưởng xả mạng là giải thoát ư? Chẳng biết thức bị nghiệp lôi đi, lại phải thọ sanh vào trong bụng ngựa cái, lừa cái cũng không biết chừng! Muốn lại có được thân người nữ, chỉ e không được may mắn lớn lao như thế! Dẫu lại được làm thân người nữ, hoặc làm thân nam, hoặc làm vua trong loài người, vua cõi trời, há dám bảo đảm gặp được Phật pháp bèn tin nhận ư? Há dám chắc còn gặp được pháp môn Tịnh Độ liễu thoát ngay trong đời này ư? Dẫu cho gặp được, sao bằng đời này nhẫn nại cố sống, báo hết liền sanh về Tây Phương chẳng hơn ư?

Từ lúc sanh ra đến nay, có ai vì bà tính toán như vậy hay chăng? Nếu vẫn không tin lời tôi tức là vong ân phụ nghĩa, cái khổ trong tương lai còn vô lượng vô biên gấp bội ngày nay. Nắm tay người ta kéo đi không được, phải là tự người ta có chịu đi thì mới tương ứng. Có nghe lọt tai hay không? Mong bà hãy tự suy xét! Cũng mong bà đem những lời này bảo cho trinh nữ Phước Liên biết.


Ấn Quang Đại Sư kinhle


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

Trong bức thơ gửi đến, thấy nói cư sĩ đang nhiếp tâm niệm Phật, lạy Kinh Pháp Hoa, và gắng trừ lỗi mà chưa được như ý, nghĩ muốn y theo phép công quá cách để tự kiểm điểm mỗi ngày. Bao nhiêu điều ấy, đủ chứng sự tu hành của cư sĩ gần đây là thiết thật vì mình, không như những kẻ tự khi dối người, phô trương bề ngoài để cầu danh dự. Như thế còn gì hay hơn, tôi xin tùy hỷ.

Phép lễ tụng trì niệm, phải lấy lòng thành kính làm chủ. Nếu thành kính cùng cực, dù ở địa vị phàm phu công đức chưa được viên mãn, nhưng kết quả cũng khó nghĩ bàn! Trái lại thì, tuy lễ tụng, xét ra khác gì múa hát, dù có bày nét khổ, vui, thương cảm, đều là giả trang vì chẳng phải tự nơi đáy lòng phát lộ. Nếu có công đức, chẳng qua là si phước ở cõi trời, người, mà chính đó là chỗ y cứ để gây nghiệp ác, gieo nên quả khổ vô lượng về sau. Nên đem điều nầy tỏ khắp với đồng bạn, khuyên nhau chơn thật tu hành để sự lợi ích được lan rộng. Cách thức lạy kinh của cư sĩ lập ra, về lý vẫn không ngại, nhưng về sự, nếu lạy suông, phải niệm: ỏNam Mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Pháp Hoa Hội Thượng Phật, Bồ Tát.õ Niệm xong cúi xuống lạy, vừa tưởng bài kệ lễ kinh:

Pháp tánh chơn không tợ hư không,

Pháp Bảo thường trụ khó nghĩ bàn!

Nơi trước Pháp Bảo hiện bóng con,

Như pháp một lòng nương kính lạy.

Lại tưởng toàn bộ kinh và chư Phật, Bồ Tát ở trong kinh đều phóng ánh sáng soi đến thân mình cùng các loài hữu tình trong pháp giới. Nếu lạy từng chữ, phải niệm: ỏNam Mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (...) tự Pháp Bảo.õ Cứ lạy chữ nào thì niệm chữ ấy, từ chữ: ỏNhư, thị, ngã, văn...õ cho đến hết bộ kinh đều niệm như thế. Nhưng phép quán tưởng chẳng phải dễ, nếu hiểu lý không rành hoặc tâm thức rối loạn, sợ e bị những việc ma. Điều cần yếu phải lấy sự chí thành cung kính làm chủ, nếu quán tưởng được thì quán, bằng không, nên đem hết lòng thành mà lạy, công đức cũng vô lượng. Theo chương trình của cư sĩ đã lập: đối trước kinh mà lạy, khi lạy xuống tưởng kệ, lúc đứng lên niệm Phật, quán Phật..., tốt hơn là nên để kinh trước bàn Phật cúng dường rồi chuyên nhất lễ Phật A Di Đà. Chớ cho rằng công đức duyên tưởng một vị Phật không rộng lớn bằng duyên tưởng nhiều vị Phật. Nên biết Phật A Di Đà là pháp giới tạng thân, bao nhiêu công đức của chư Phật trong mười phương pháp giới, nơi một đức Phật A Di Đà đều đầy đủ cả. Ví như lưới châu của trời Đế Thích, ngàn châu hiện đủ trong một hột châu, một hột châu in bóng khắp ngàn châu, mỗi châu đều dung nhiếp lẫn nhau, không dư không thiếu. Nếu bậc Đại Sĩ tu hành đã lâu, không ngại gì duyên cảnh rộng nhiều, cảnh càng nhiều tâm càng chuyên nhất. Trái lại kẻ mới học đạo, nếu duyên cảnh nhiều tâm thức sẽ rối loạn, và người chướng sâu huệ cạn có khi còn bị những việc ma. Vì lẽ ấy, Thế Tôn ta và chư Tổ đều bảo phải một lòng chuyên niệm Phật A Di Đà, đợi khi nào chứng được Tam Muội thì trăm ngàn pháp môn, không lường diệu nghĩa thảy đều đầy đủ. Người xưa nói: ỏTắm được biển cả, tức là dùng nước trăm sông; đến điện Hàm Ngươn còn hỏi Trường An chi nữa?õ Lời này có thể gọi là một tượng trưng rất đúng cho lẽ trên đây vậy.

Đến như sự dứt dữ làm lành, thành thật kiểm điểm lấy mình, tuy không chi hay hơn phép công quá cách; nhưng nếu tâm không chuyên chú nơi sự thành kính, dù mỗi ngày có ghi công chép lỗi cũng là việc suông. Sổ công quá cách ở vùng này chưa thấy có. Cứ theo chỗ hiểu của tôi, chỉ nên giữ lòng thành kính trong tất cả thời, đừng để một niệm không tốt nổi lên, khi đối đãi với người phải luôn luôn gìn lòng trung thứ. Được như thế, dù vọng niệm có thoạt khởi cũng liền tự biết, biết rồi liền trừ, tất ba nghiệp không bị lôi cuốn vào đường lầm lạc. Những kẻ tiểu nhơn bề ngoài hiền lành, trong lòng ác độc, cho rằng không ai biết mình; đâu ngờ người phàm dù không biết, song bậc tu hành đắc đạo, thấy hiểu rõ ràng. Lại, chư thiên, quỉ thần tuy chưa đắc đạo, nhưng nhờ quả báo có tha tâm thông, nên cũng hiểu biết được. Nói gì là các bậc Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và chư Phật, tha tâm đạo nhãn thấy suốt ba đời như xem nơi lòng bàn tay đó ư? Muốn không biết, chỉ có mình không biết thì được, nếu mình biết thì trời đất, quỉ thần, Phật, Bồ Tát tất rõ biết. Hiểu nghĩa này, tuy ở nơi nhà tối, chỗ vắng cũng không dám móng niệm ác. Kẻ ngoan cố nếu được biết lý trên đây cũng tự hổ thẹn, lựa người chơn tu hay sao? Như muốn bớt lỗi phải ghi nhớ điểm này, hằng đem lòng kính sợ. Nhưng đây là ước theo chỗ hiểu biết cạn cợt của tình đời mà nói, thật ra tâm ta cùng mười phương pháp giới đồng thể dung hợp, vì ta mê nên sự thấy biết chỉ cuộc ở riêng mình. Mười phương chư Phật chứng suốt tạng tâm, tất cả chúng sanh trong pháp giới khởi lòng động niệm, các Ngài đều thấy biết rõ rệt như hình tượng in bóng trong gương. Đó là vì chư Phật đã vào bản thể bình đẳng chân như, mình và người không khác.

Nếu cư sĩ rõ suốt nghĩa này, có thể tự dè dặt sợ hãi, giữ lòng kính thành, trước tiên còn gắng sức trừ vọng, lâu ngày vọng niệm sẽ tiêu mòn không khởi nữa.

Ấn Quang Đại Sư


http://www.thuvienhoasen.org/u-latho-01.htm#CSDBATHANH


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

Được thơ, biết gần đây cư sĩ tu trì thân thiết, xét mình sửa lỗi noi dấu thánh hiền, chẳng phải cầu lấy hư danh, tôi lấy làm vui đẹp! Muốn học Phật, Tổ, thoát sanh tử, những điểm đầu tiên là: hổ thẹn, sám hối, dứt dữ, làm lành, giữ trai giới và thường tự răn nhắc. Lại cần phải đạt đến chỗ thật, hết sức mà làm, bằng không thì thành sự dối ở trong giả dối. Cho nên, biết không khó, làm mới chính là khó! Nhiều bậc thông minh giữa đời, vì nói có làm không, thành thử luống qua một kiếp, uổng chơi non báu đi về tay không, thật rất đáng đau tiếc! Vọng niệm lẫy lừng là do bởi chưa chơn thiết giữ gìn chánh niệm, nếu cứ chuyên chú một cảnh thì vọng tưởng sẽ đổi thành chánh trí. Cho nên, trị đắc sách thì giặc cướp đều là con đỏ, trị thất sách tuy kẻ tâm phúc cũng hóa oan gia. Ở địa vị phàm phu, ai lại không có nghiệp hoặc? Nhưng khi bình thường nếu đề phòng trước, lúc gặp cảnh duyên, phiền não mới không bạo phát; dù phát khởi cũng có thể liền tự biết mà dứt trừ. Những cảnh làm duyên để khởi phiền não rất nhiều. Nhưng mạnh nhứt là tiền của, sắc đẹp và chuyện ngang trái bất thường. Nên biết của tiền phi nghĩa hại hơn rắn độc, thì không còn lòng tham muốn khi thấy của. Giúp đỡ người chính là xây đắp nền phước đức cho mình về sau, biết như thế, khi có ai hoạn nạn cầu cứu, không vì tiếc của không cho, mà khởi lòng phiền não. Về sắc đẹp, lúc đối trước người xinh tốt như hoa, tợ ngọc, cho đến kẻ kỹ nữ, nên tưởng đó là chị, hoặc em ruột, sanh lòng cứu độ xót thương, tất không bị sắc làm động niềm ái dục. Ở gia đình, chồng vợ phải kính nhau như khách, nên xem thê thiếp là người ơn giúp đỡ lẫn nhau và vì sự nối dõi dòng họ, mới không bị sắc dục hại mình. Đến như gặp việc ngang trái nên sanh lòng xót thương dung thứ cho kẻ không biết lỗi lầm, chớ tranh chấp hơn thua. Lại tưởng rằng: kiếp trước mình đã từng làm khổ hại người, hôm nay bị việc này là trả nợ tiền khiên; nghĩ như thế tự nhiên vui vẻ, không sanh lòng nóng giận muốn báo cừu. Song, những phương pháp trên đây là để áp dụng với kẻ sơ cơ, nếu bậc Đại Sĩ tu hành đã lâu, bao nhiêu phiền não đổi thành tạng tâm sáng suốt, muôn cảnh vẫn không thật tánh, những việc tổn hại lợi ích đều tự nơi người mà thôi.

Đến như luận về pháp môn Niệm Phật thì Tín, Nguyện, Hạnh là tông yếu. Ba món nầy đầy đủ, quyết định được vãng sanh. Về phần Tín, Nguyện, nên để tâm chú trọng, phải một lòng cầu về Tây Phương, chớ mong kiếp sau trở lại làm người hưởng sự giàu sang. Chẳng những không muốn thọ thân vua ở cõi trời, người, dù cho thân một vị cao tăng nghe một hiểu ngàn, được đại tổng trì, mở rộng pháp hóa làm lợi ích chúng sanh, cũng xem như gốc tội không khởi niệm ưa thích (vì đó là ngộ chớ chưa phải chứng, vẫn còn bị luân hồi và có thể đọa lạc). Được như thế thì tín nguyện của ta mới cảm đến Phật, và thệ nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ ta. Nên biết cõi Cực Lạc chẳng những sức phàm phu không thể đến, mà chính bậc thánh Tiểu Thừa cũng không đến được, vì nơi ấy là cảnh bất tư nghì của Đại Thừa. Bậc tiểu thánh hồi tâm về Đại Thừa mới có thể đến, còn phàm phu nếu không tín nguyện cảm Phật, dù cho có tu tất cả thắng hạnh và hạnh mầu trì danh cũng không thể vãng sanh. Cho nên, tín nguyện rất là cần yếu. Ngài Ngẫu Ích nói: ỏĐược sanh cùng chăng, toàn do tín nguyện có hay không; phẩm sen cao thấp, đều bởi trì danh sâu hoặc cạn.õ Đây là một luận án sắt, dù ngàn Phật ra đời cũng không thay đổi. Với lẽ này, nếu cư sĩ nhận chắc, mới có phần nơi cõi Tây Phương.

Như niệm Phật khó quy nhất, phải nhiếp tâm niệm kỹ. Phép nhiếp tâm không gì hơn chí thành, tha thiết, nếu không chí thành mà muốn quy nhứt ấy là điều rất khó. Đã chí thành niệm còn chưa thuần, phải lắng tai nghe. Không luận niệm thầm hay ra tiếng, đều phải niệm khởi từ nơi tâm, tiếng ra từ nơi miệng rồi lại vào tai (dù niệm thầm nơi ý vẫn có tướng miệng niệm). Tâm và miệng rành rẽ, tai nghe rõ ràng nhiếp tâm như thế, vọng niệm tự dứt. Nếu làn sóng vọng tưởng nổi trào quá mạnh, nên dùng phép Thập Niệm Ký Số đem hết tâm lực chuyên vào câu niệm Phật, thì vọng tưởng bị đàn áp không có chỗ xen hở để nổi lên. Phép này nhiếp tâm rất tuyệt diệu, thuở xưa những vị hoằng dương tông Tịnh Độ chưa nói đến là vì căn cơ người thời ấy còn sáng lẹ, không cần dùng cách này vẫn có thể niệm Phật được quy nhứt. Ấn Quang tôi vì tâm khó điều phục, nhiều phen dùng thử mới biết là hay, nguyện cùng những người độn căn đời sau y theo tu tập để được đồng sanh về Cực Lạc. Thập Niệm Ký Số là khi niệm Phật phải ghi nhớ rành rẽ từ một đến mười câu, hết mười câu liền trở lại một, cứ như thế xoay vần mãi. Nhưng phải niệm trong vòng mười câu mà thôi, không được hai hoặc ba mươi câu, lại không nên lần chuỗi, chỉ dùng tâm ghi nhớ. Nếu nhớ niệm luôn một mạch mười câu thấy khó, thì phân làm hai đoạn, từ một đến năm, từ sáu đến mười. Nếu hoặc còn thấy kém sức lại chia làm ba hơi, từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười. Cần để ý: Niệm, nhớ và nghe phải rõ ràng, vọng niệm mới không xen vào được. Dùng phép này lâu, sẽ được nhất tâm. Nên biết phép Thập Niệm Ký Số cùng phép Thập Niệm của ngài Từ Vân, về phần nhiếp vọng thì đồng, phần dụng công lại rất khác. Phép Thập Niệm tùy theo hơi người dài ngắn, không luận được bao nhiêu câu Phật, cứ một hơi kể là một niệm. Về phép này mỗi buổi sớm mai, chỉ dùng trong mười niệm mà thôi, nếu quá số ấy lâu ngày sẽ thành bị lao hơi. Phép Thập Niệm Ký Số thì niệm một câu biết một câu, mười câu biết mười câu, từ một đến mười rồi trở lại, dù cho mỗi ngày niệm cho đến mấy muôn câu cũng ghi nhớ như thế. Niệm như vậy không những trừ được vọng, lại có thể dưỡng thần, vì tùy sức tùy ý, hoặc chậm hoặc mau, không chi trở ngại. Lại, so với cách niệm lần chuỗi ghi số, phép Thập Niệm Ký Số lợi ích hơn nhiều vì lần chuỗi thân mõi nhọc, tinh thần xao động, còn cách này thì thân nhàn mà tâm an. Chỉ những khi nào làm việc, hoặc khó ký số, nên khẩn thiết niệm suông, đợi lúc xong việc lại nhiếp tâm ký số. Như thế thì vọng tưởng không còn tung hoành, tâm cảnh an trụ vào câu niệm Phật.

Đức Đại Thế Chí Bồ Tát nói: ỏNhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối luôn, được Tam Ma Địa, đây là bậc nhứt.õ Lời này với hạng lợi căn thì không cần luận, nếu kẻ độn căn như chúng ta, bỏ phép Thập Niệm Ký Số mà muốn nhiếp sáu căn, nối tịnh niệm, thật khó vô cùng! Cách niệm Phật lần chuỗi chỉ nên dùng trong những khi đi đứng, còn lúc tịnh dưỡng thần, nếu lần chuỗi thì do tay động, thần cũng không an, lâu ngày có thể sanh bịnh. Khác hơn thế, phép Thập Niệm Ký Số lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều dùng được, nhưng khi nằm chỉ nên niệm thầm, nếu ra tiếng đã không cung kính lại bị lao hơi, nên nhớ kỹ.

Cư sĩ tuổi đã năm mươi, nếu muốn được giải thoát trong hiện đời, phải chuyên chú nơi môn Tịnh Độ. Kinh Kim Cang, Pháp Hoa nên tạm gác một bên, đợi khi nào lý Tịnh Độ thông suốt, niệm Phật được nhứt tâm rồi sẽ hay. Nếu bây giờ vừa nghiên cứu vừa tu hành, e cho thời gian có hạn, trí lực không kham, bên nào chẳng thành bên nào, hai sự lợi ích cùng bị mất cả.



Ấn Quang đại sư


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

Thơ gửi Cư Sĩ Trần Tích Châu


Trong một đời thời giáo của Như Lai, các pháp môn tuy không lường không ngằn, song địa vị chứng nhập rốt lại không qua những ngôi thứ trên đây. Như bên tông Thiền chỉ ngay bản tâm, thấy tánh thành Phật, rất là tròn tắt mau lẹ; nhưng đó là ước theo pháp thân saün có, không trải qua nhân quả tu chứng mà luận, nếu y theo địa vị tu chứng thì cũng không gì khác với bên Giáo. Giữa đời mạt pháp này, bậc thiện tri thức rất ít, căn người lại hèn kém, tìm được kẻ tỏ ngộ còn khó thay, huống chi là thật chứng? Đức Như Lai biết chúng sanh nếu chỉ nương nơi sức mình rất khó được giải thoát, nên ngoài các pháp môn, lại mở riêng môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Như lòng tín nguyện được chơn thiết, dù cho kẻ phạm tội ngũ nghịch thập ác khi sắp chết tướng địa ngục hiện, có bậc thiện tri thức dạy bảo niệm Phật mười câu hoặc một đôi câu, cũng được nhờ sức từ của Phật tiếp dẫn vãng sanh, huống nữa là người tu các pháp lành không làm ác ư? Nếu là bậc tinh tu phạm hạnh, sức thiền định sâu thì phẩm sen càng cao, thấy Phật nghe pháp mau lẹ, đến như người đại triệt đại ngộ, dứt hoặc chứng chơn cũng nên hồi hướng vãng sanh, để cầu tròn chứng pháp thân, mau thành quả Phật. Các pháp môn khác, nếu nhỏ thì hạng đại căn không cần tu, lớn thì hạng tiểu căn không thể tu; chỉ có môn Tịnh Độ này trùm khắp ba căn, gồm thâu lợi độn, cao siêu như đức Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, không thể vượt ra ngoài, thấp kém như kẻ ngũ nghịch thập ác chủng tánh A Tỳ cũng được dự vào trong. Giả sử đức Như Lai không mở môn này, thì chúng sanh đời mạt pháp chẳng còn hy vọng thoát đường sanh tử. Nhưng pháp môn Tịnh Độ tuy rộng lớn như thế, mà cách tu lại rất dễ dàng. Vì cớ ấy, chẳng những phàm phu khó tin mà hàng nhị thừa cũng đa nghi, cho đến bậc quyền vị Bồ Tát hoặc còn lòng ngờ, trừ những người kiếp trước có gieo căn lành Tịnh Độ và bậc Đại Thừa Bồ Tát quả vị đã cao mới sanh được lòng tin sâu chắc. Như Thái Tử khi vừa sanh ra, tuy tài đức chưa lập, song nhờ thế lực của vua cha, nên sang trọng hơn quần thần, người đủ tín nguyện niệm Phật dù là phàm phu song chủng tánh đã hơn nhị thừa, vì biết đem tâm phàm gieo vào biển giác, thầm hiệp với đạo mầu, nhờ sức Phật mau lên bậc Bất Thối.

Muốn nói môn Tịnh Độ, nếu không so sánh lược qua sự khó dễ về tự lực của các môn khác cùng tha lực của pháp này, thì dù không nghi pháp cũng sanh ra nghi ngờ chính mình. Và nếu lòng nghi còn một mảy tơ, tất sẽ nhân nghi thành chướng, đừng nói không tu, có tu cũng chẳng được hoàn toàn thật ích. Vì thế tin là điều nên tìm cầu trước nhất. Phải tin nhận chắc cõi Ta Bà thật là khổ, cõi Cực Lạc thật vui. Sự khổ ở Ta Bà không lường không ngằn, ước lại có tám điều: sanh, già, bệnh, chết, thương xa lìa, oán gặp gỡ, cầu không toại ý, năm ấm lẫy lừng. Tám món này, dù sang như vua chúa, hèn như kẻ ăn xin cũng không tránh khỏi. Bảy thứ trước là quả cảm của đời quá khứ, một món sau là nhân khổ của đời vị lai, nhân quả dây dưa nối nhau không dứt, hết kiếp này đến kiếp khác chẳng được thoát ly. Ngũ ấm là năm món che, vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức che lấp chơn tánh như mây đen án mặt trời không cho ánh sáng hiển lộ, và đối với sáu trần khởi hoặc gây nghiệp như ngọn lửa bốc cháy nên gọi là lẫy lừng. Món thứ tám này là cội gốc của tất cả sự khổ. Người tu hành khi sức thiền định đã sâu, không chấp sáu trần, không khởi lòng ưa ghét, từ nơi điểm ấy gia công thì hoặc nghiệp sẽ lần trừ sạch, dứt hẳn nguồn sanh tử. Nhưng công phu ấy rất không dễ, trong đời mạt pháp thật khó có người làm được, nên cần phải chuyên tu tịnh nghiệp cầu sanh Cực Lạc, nhờ sức từ của Phật tiếp dẫn về Tây Phương. Đã đến cõi ấy, hóa sanh nơi hoa sen, thì không còn sự khổ về sanh; thuần tướng đồng nam, sống lâu như hư không, thân không suy biến, thì già, bệnh, chết chẳng còn nghe tên huống là có thật? Từ đó bạn cùng thánh chúng, gần với Di Đà, chim nước rừng cây diễn nói pháp mầu, tùy nơi căn tánh nghe rồi tu chứng, chừng ấy người thân còn không có, lựa là oan gia? Ở cõi Cực Lạc, tưởng ăn được ăn, tưởng mặc được mặc, cung điện lâu đài đều là châu báu tự nhiên hóa hiện, bảy điều khổ ở cõi trược đã đổi thành bảy điều vui, đến như thân thì có thần thông oai lực lớn, không rời chỗ ở, trong một niệm có thể đến khắp mười phương thế giới làm những việc cầu Phật độ sanh; tâm thì có trí huệ biện tài cao, nơi một pháp biết hết thật tướng các pháp, tuy nói việc thế gian đều hợp với lý mầu. Thế là nỗi khổ năm ấm cũng không còn, chỉ hưởng sự yên vui tịch tịnh. Cho nên trong kinh nói: ỏThế giới ấy tên là Cực Lạc, vì chúng sanh ở cõi đó không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui.õ Tóm lại, nỗi khổ ở Ta Bà tả chẳng xiết, sự vui ở Cực Lạc nói không cùng, nếu cư sĩ dứt hẳn mối nghi ngờ, tin chắc lời của Phật, mới gọi là tin sâu. Nên để ý: đừng đem trí hiểu biết của phàm phu suy độ, nhận lầm rằng: ỏBao nhiêu sự mầu lạ không thể nghĩ bàn ở Tây Phương đều thuộc về ngụ ngôn để thí dụ cho tâm pháp, chớ không phải cảnh thật.õ Nếu có sự hiểu biết lầm lạc ấy, tất sẽ mất điều lợi ích vãng sanh Tịnh Độ, mối hại này rất lớn, phải nên cẩn thận.

Đã biết Ta Bà là khổ, Cực Lạc là vui, nên phát lòng thệ nguyện thiết thật, nguyện lìa Ta Bà về Cực Lạc. Lòng nguyện ấy ví như người bị sa xuống hầm nhơ cầu mau ra khỏi, lại như kẻ ở lao ngục mong nhớ cố hương. Sự mong cầu cần phải khẩn thiết, vì sức mình không thể tự thoát khỏi, phải nhờ bậc có thế lực lớn dìu dắt. Chúng sanh ở cõi Ta Bà, đối với cảnh thuận nghịch khởi lòng tham, giận, mê, gây nghiệp giết, trộm, dâm, làm ô uế bản tâm trong sạch, ấy là hầm nhơ sâu thẳm. Đã gây nghiệp ác, tất chịu quả khổ, trải nhiều kiếp luân hồi trong sáu nẻo đó là lao ngục lâu dài. Về kiếp trước, đức A Di Đà phát bốn mươi tám lời nguyện độ sanh, trong ấy có một nguyện: ỏNếu chúng sanh nào nghe danh hiệu ta, chí tâm xưng niệm cho đến mười lần, cầu sanh về Cực Lạc, như không được vãng sanh, ta thề không thành Phật.õ Đức từ phụ tuy thệ nguyện độ sanh như thế, nhưng nếu chúng sanh không cần tiếp dẫn, Phật cũng chẳng biết làm sao? Như có người hết lòng xưng danh, cầu lìa cõi Ta Bà, đều được Phật xót thương tiếp dẫn. Đức A Di Đà oai lực rất lớn, có thể cứu vớt loài hữu tình ra khỏi hầm nhơ lao ngục ở cõi trược, đem về Cực Lạc, khiến cho vào cảnh giới Phật, đồng sự thọ dụng của Như Lai. Muốn sanh Tây Phương, trước phải tin sâu nguyện thiết. Thiếu hai điều này, dù có tu hành, cũng không thể cảm ứng với Phật, chỉ được phước báo cõi trời, người và gieo nhân giải thoát về sau mà thôi. Nếu tín nguyện đầy đủ thì muôn người vãng sanh không sót một. Ngài Vĩnh Minh đã bảo: Muôn tu, muôn người về là chỉ cho người có tín nguyện đầy đủ vậy. Đã tin sâu, nguyện thiết lại phải tu hạnh niệm Phật, dùng tín nguyện làm tiên đạo, niệm Phật làm chánh hạnh. Ba món này chính là tông yếu của pháp môn Niệm Phật, nếu thiếu một, quyết không thể vãng sanh.

Về hạnh niệm Phật, đều tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà lập, không thể chấp định một lề lối. Như thân được nhàn nhã, nên từ mai đến chiều, chiều lại mai, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, mặc áo, dùng cơm, cho đến lúc đại tiểu tiện, tất cả thời, tất cả chỗ, làm sao cho câu niệm Phật chẳng rời lòng. Như khi tắm gội sạch sẽ, y phục chỉnh tề và chỗ nơi thanh khiết thì niệm thầm hay ra tiếng đều được. Nếu lúc ngủ nghỉ, mình trần, đi đại tiểu tiện, và chỗ nơi không sạch, chỉ nên niệm thầm; chớ nói những khi không nghiêm sạch như thế chẳng nên niệm, chỉ e lúc ấy niệm không được đó thôi. Tuy rằng niệm Phật là công việc suốt đời đừng cho xen hở, nhưng mỗi buổi sớm mai phải lễ Phật, trước tụng Kinh A Di Đà qua một lần, chú vãng sanh ba lần, rồi đọc bài kệ ỏA Di Đà Phật thân sắc vàng...õ Đọc kệ xong, niệm ỏNam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đại Từ Đại Bi, A Di Đà Phật.õ Kế tiếp niệm ỏNam Mô A Di Đà Phậtõ hoặc năm trăm câu, một ngàn câu, càng nhiều càng tốt. Khi niệm nên đi nhiễu quanh bàn Phật, nếu chỗ đi nhiễu không tiện, thì quì, hoặc ngồi, hoặc đứng niệm đều được. Niệm sắp xong lại quì trước bàn Phật niệm Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Hải Chúng, mỗi thánh hiệu 3 lần, rồi đọc bài văn Tịnh Độ, phát nguyện hồi hướng vãng sanh. Đọc văn Tịnh Độ là y theo nghĩa trong văn mà phát tâm, nếu chẳng thế thì thành đọc suông, không được thật ích. Sau bài phát nguyện, niệm Tam Quy Y, lễ Phật lui ra. Đây là thời khóa buổi mai, chiều cũng như thế. Nếu muốn lạy Phật nhiều, hoặc sau khi niệm Phật, tùy ý đảnh lễ, kế tiếp chín lần xưng danh Bồ Tát, lễ chín lạy rồi phát nguyện hồi hướng; hoặc lúc công khóa xong, muốn lạy bao nhiêu cũng được. Lễ Phật phải chí thành khẩn thiết, chẳng nên lếu láo thô sơ; bồ đoàn không được quá cao, cao thì mất sự cung kính.

Như công việc đa đoan không rỗi rảnh, nên định vào buổi sáng sớm sau khi súc miệng rửa mặt, có bàn Phật thì đến trước lễ ba lạy, rồi đứng thẳng chắp tay niệm ỏNam Mô A Di Đà Phậtõ hết một hơi là một niệm. Niệm đủ mười hơi, tiếp đọc bài kệ ỏNguyện cùng người niệm Phật. Đều sanh về Cực Lạc. Thấy Phật thoát sanh tử. Như Phật độ tất cả.õ Đọc kệ xong, lễ Phật ba lạy lui ra. Nếu không bàn Phật thì chắp tay hướng về phương Tây cũng như cách thức trên mà niệm. Đây là phép Thập Niệm của ngài Từ Vân Sám Chủ lập ra cho hàng vua quan, việc chánh rối nhiều không đủ thời giờ tu tập. Tại sao phải niệm luôn hết một hơi? Vì tâm chúng sanh tán loạn lại không rảnh để chuyên niệm, niệm như thế là mượn hơi nhiếp tâm khiến cho quy nhứt. Nhưng phải tùy hơi dài ngắn không nên ép, ép thì hao hơi; lại chỉ giữ đủ mười niệm không nên hai hoặc ba mươi, nhiều cũng lao hơi. Bởi vì tán tâm niệm Phật khó được vãng sanh, phép này làm cho tâm chuyên nhất, tuy số niệm có ít nhưng công đức rất sâu, quyết định sẽ sanh về Cực Lạc. Lúc rảnh và gấp đã có cách thức, thì khi bình thường không rảnh gấp, nên châm chước mà lập phép tắc tu trì.

Lại người niệm Phật, mỗi việc phải gìn lòng trung thứ, mỗi niệm đề phòng sự lỗi lầm, biết lỗi mau cải, thấy việc nghĩa vui làm, mới hợp với Phật. Nếu chẳng thế, tất nơi lòng còn có sự chướng ngại, không hợp với tâm Phật, quyết khó cảm thông. Và, khi lễ bái, tụng Kinh Đại Thừa cùng làm tất cả việc hữu ích trong đời, đều phải hồi hướng về Tây Phương, không nên chỉ đem hạnh niệm Phật hồi hướng vãng sanh, còn bao nhiêu công đức kia để hồi hướng về phước báo thế gian. Nếu như thế là tâm không quy nhứt rất khó vãng sanh. Phải biết người chân thật niệm Phật, tuy không cầu phước báo thế gian, song cũng được sống lâu, mạnh khỏe, cửa nhà yên vui, con cháu phát đạt, tóm lại bao nhiêu phước báo ở đời đều được đầy đủ. Nếu riêng cầu phước không chịu hồi hướng vãng sanh, thì trái lại phước báo rất kém ít, có hại đến sự vãng sanh. Pháp môn Niệm Phật các Kinh Đại Thừa đều khen ngợi, Kinh Tiểu Thừa tuyệt không nói đến, người chưa thông giáo lý bác niệm Phật là Tiểu Thừa, ấy là nói càn, chớ nên nghe theo. Đến như sự cầu cơ mà cư sĩ nói, phần nhiều thuộc về loài linh quỉ dựa theo trí thức của người cầm cơ để viết ra. Trong ấy nếu bàn về việc thế gian thì có phần đúng, còn về Phật Pháp, vì không phải chỗ họ hiểu biết, nên lầm đặt ra diêu ngôn như sau quyển Kim Cang Trực Giải có phụ thêm những hiệu Tiên Thiên, Cổ Phật v.v... Ấy là lời ma rất ác, làm mất trí huệ, hại chánh kiến của người, nếu đem ra truyền bá, đã không phước còn mang tội lớn nữa.



Ấn Quang đại Sư


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

Thơ đáp anh em một vị Cư Sĩ ở Vĩnh Gia

Từ độ trọng xuân biệt nhau, không mấy chốc đã sang tiết hạ, bóng thiều quang mau lẹ, rất dễ kinh người! Mỗi khi nghĩ đến nhị vị lòng tin tuy chơn thiết, nhưng lẽ đạo chưa rõ thông, đến nỗi bỏ chỗ cao minh theo nơi thấp tối, không những mình mất chánh kiến, để cười cho bậc đại gia, mà chính như Ấn Quang này đã mang tiếng là kẻ quen biết với nhau, cũng tự thấy sanh lòng hổ thẹn! Trong bức thơ gởi đến, cư sĩ nói: Về sau có viết được quyển chi sẽ tùy thời xin phủ chánh; nhưng tôi mắt yếu thể suy, nếu vô sự tất không gần gũi nghiên bút, dù có việc phải cần đến, xét lại cũng như nhóm một đống chữ, có chỗ nào đáng xem? Tuy nhiên, e rằng luống phụ lòng nhị vị hằng mong tưởng, tôi xin đem chút canh thừa cơm hẩm sơ lược sắp bày, như không hiềm vì nặng mùi, thì cũng có thể tạm đỡ lòng, để lần lượt nếm đến món cao lương tự tánh.

Về bài Tứ Liệu Giản, nghĩa lý rất sâu xa thiết đáng, nên tìm xét kỹ, muôn lần xin chớ lấy sự giải thích cạn cợt của một vài người mà khinh thường. Nếu như thế, rất uổng phụ tấm lòng đại từ bi của ngài Vĩnh Minh, một phen cạn lời, khuyên bảo. Quyển Trì Kinh Lợi Ích Tùy Tâm Luận sở dĩ có, là vì người đời nay khi thọ trì kinh điển, phần nhiều không mảy may kính sợ. Muốn được sự thật ích trong Phật Pháp phải tìm nơi lòng kính sợ; nếu chí thành cung kính, còn có thể mau chứng quả Phật, huống nữa là địa vị thấp ư? Thiện Đạo Hòa Thượng vốn là hóa thân của đức A Di Đà, có thần thông trí huệ lớn, nhưng lối giáo hóa về tông Tịnh Độ, Ngài không chuộng nơi huyền diệu, chỉ trọng sự thiết thật bình thường. Về điểm chuyên và tạp tu của Ngài chỉ dạy, rất có lợi ích vô cùng! Chuyên tu là thân nghiệp chuyên lễ, khẩu nghiệp chuyên xưng (khi tụng kinh chú, nếu chí tâm hồi hướng vãng sanh cũng có thể gọi là chuyên xưng) ý nghiệp chuyên nhớ. Được như thế, thì muôn người tu đều vãng sanh không sót một. Tạp tu là gồm tu nhiều pháp môn khác hồi hướng Tây Phương, vì tâm không thuần nhất nên khó được lợi ích, trong trăm ngàn người chỉ hy vọng được ba bốn người vãng sanh mà thôi. Đây là lời vàng chắc thật, ngàn đời không thay đổi. Nhị vị nên y theo những lời này để tự lợi, và đem khuyên tất cả mọi người. Đến như phép trì chú chỉ được dùng làm trợ hạnh, không nên làm chánh hạnh kiêm với niệm Phật. Phép trì chú tuy không thể nghĩ bàn, nhưng phàm phu vãng sanh toàn nhờ nơi tín nguyện chơn thiết hợp với sức hoằng thệ của đức A Di Đà, đạo cảm ứng thông nhau mà được tiếp dẫn. Nếu chẳng rõ ý này cho rằng các pháp không thể nghĩ bàn, tu môn nào cũng được, tất sẽ thành không thiền, không tịnh, muôn đời chìm đắm, chừng ấy biết nương tựa cùng ai? Như xét nghĩ mình là phàm phu dẫy đầy nghiệp chướng, nếu không nhờ sức hoằng thệ của Phật, trong đời này quyết khó thoát khỏi luân hồi, mới thấy Pháp môn Tịnh Độ lực dụng hơn tất cả các giáo pháp khác.

Trì chú, tụng kinh dùng để trồng phước huệ, tiêu tội nghiệp thì được, nếu vọng ý muốn cầu thần thông, đó là bỏ gốc theo ngọn, không khéo dụng tâm. Thảng như tâm ấy cố kiết, lại thêm đạo lý không minh, giới lực không chắc, niệm bồ đề không sanh, lòng hơn thua lừng lẫy, e có ngày bị ma dựa phát cuồng! Muốn được thần thông trước phải đắc đạo; đắc đạo thì thần thông tự đủ, như không gắng sức nơi đạo, chỉ cầu thần thông, đừng nói là không được chi, dù có được cũng trở thành chướng đạo. Vì thế, chư Phật, Tổ đều nghiêm cấm không cho tu học theo đường lối ấy. Bởi người đời thường có những tâm niệm như vậy, nên tiện đây tôi cũng nói qua. Nhị vị trên nhà hãy còn lệnh thân, nên thường đem pháp môn Tịnh Độ và những sự tích cảm ứng giảng giải, khiến cho người sanh lòng vui đẹp tin làm theo. Nếu không lấy điều này báo hiếu, dù có thể làm đạo hiếu của đời, kết cuộc có ích lợi gì cho song thân đâu? Vua Võ vốn bậc thánh nhân, còn không thể cứu cha là ông Cổn hóa làm con rùa ba chân đọa vào súc loại. Xem việc này há không tỉnh ngộ, gấp cầu dẫn thần thức song thân dự hội Liên Trì, hầu gần đức Phật để người chứng được bản tánh Vô Lượng Quang Thọ ư?

Sự khổ hạnh của cư sĩ Chí Liên tuy cũng tốt, nhưng e cô chưa hiểu tông chỉ Tịnh Độ, hoặc không thể buông bỏ hết những tâm niệm chuyển nữ thành nam và mong hưởng phước báo ở cõi trời, người, thì sự lợi ích vô biên vì cái vui nhỏ thế gian mà thành ra uổng mất! Nên đem điều này giảng rõ để chí hướng cô được thêm quyết định. Vả lại, khuyên một người sanh Tịnh Độ, chính là thành tựu một chúng sanh làm Phật, và đã thành Phật tất độ vô lượng chúng sanh, công đức không ngần ấy sẽ về phần mình. Lại nữa, người tu Tịnh Độ đã đem pháp môn này khuyên bảo mọi người, đối với vợ con đâu nỡ không dìu dắt để cho kẻ trong nhà một phần lợi ích lớn hay sao? Như người trong thân quyến saün có căn lành thì còn gì hay hơn; bằng không được thế, cũng phải lần lượt un đúc khiến cho mỗi ngày càng gần với lẽ đạo. Đây mới gọi là lòng từ ái sâu rộng, nếu bỏ điều này mà gọi là từ ái thì cũng chỉ có danh không thật mà thôi. Lời tôi nói chẳng qua sơ lược một đôi điều để nêu ra phần đại khái, không đủ lấy làm khinh trọng, xin xem rõ các bộ Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục; Lạc Bang Văn Loại.... tự có chỗ nương theo, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Nỗi khổ ở Ta Bà nói không cùng, dù cho gặp thuở thanh bình, chúng sanh cũng vẫn chen chúc trong bầu nhiệt não, nhưng vì nhẫn chịu lâu ngày thành quen, nên không tự biết đó thôi. Gần đây, ở Trung Hoa thường bị nạn binh lửa, sự khổ không thể tả xiết! Nhìn ra các nước ngoài, cuộc đại chiến đã ba năm, số người chết quá nhiều mà thế chiến tranh vẫn còn thạnh, chưa biết ngày nào mới thôi. Thảm cảnh ấy do nghiệp ác của chúng sanh gây nên, cũng chính là trạng thái của kiếp đao binh mở đầu; nỗi khổ về sau, nếu nghĩ đến thật đáng kinh sợ! Mong nhị vị phát đại tâm mau cầu vãng sanh để sớm chứng đạo quả, rồi trở lại hóa độ chúng sanh nơi cõi Ta Bà này. Kinh nói: ỏBồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.õ Bồ Tát e mang ác quả nên dứt ác nhân, chúng sanh tranh tạo ác nhân, để rồi chịu ác quả. Trong khi chịu quả khổ lại không biết sám hối còn gây thêm điều dữ để đối trị, thế nên oan oan tương báo nối mãi khôn cùng, nghĩ đáng thương mà cũng đáng sợ!

Biết được lẽ này, không cầu sanh Tây Phương chưa phải là trượng phu!

Ấn Quang Đại Sư


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

1. Khắc phục dục vọng giữ gìn công phu

Trong quá trình tu học đa số người học Phật đều gặp phải một vấn đề, đó là trong tâm có thể giữ được thanh tịnh lúc niệm Phật trong Niệm Phật Ðường, nhưng vừa trở về nhà, về chỗ làm việc thì không thể nào giữ gìn công phu được. Nếu chúng ta hy vọng trong đời này có thể tu học thành tựu thì đây cũng là một vấn đề to lớn, cấp bách, cần phải giải quyết nhanh chóng. Không thể giữ gìn công phu có hai yếu tố: thứ nhất, phiền não tập khí từ vô lượng kiếp đến nay quá nặng, không có năng lực khắc phục; thứ nhì, tâm sanh tử không thiết tha. Tại sao tâm sanh tử không thiết tha? Ðối với thế gian này nhận thức chưa rõ ràng, không biết thế gian này là hư ảo. Kinh Kim Cang dạy ‘Hễ những gì có tướng đều là hư vọng’ ‘Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt, ảnh’. Trong kinh nói chân tướng sự thật, chúng ta gặp mặt trên mạng lưới internet càng dễ thể hội điều này. Chúng ta nói chuyện với nhau mặt đối mặt trên màn ảnh [máy vi tính], chuyện này cũng là mộng huyễn bọt ảnh, và cũng là một thứ hư vọng, nếu có thể từ phương diện này mà thể hội thì đã giác ngộ rồi, sau đó mới biết cho dù chúng ta đối diện với nhau thì cũng hư vọng, không chắc thật.

Những gì chắc thật có hay không? Có, nhưng chúng ta không nhìn thấy. Lúc nào mới nhìn thấy? Buông xuống tất cả những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, xả bỏ hết đến mức ‘nhất tâm bất loạn’ thì có thể nhìn thấy sự thật. Chỉ cần chúng ta đạt được nhất tâm bất loạn, cảnh giới chân thật tự nhiên sẽ hiện ra, đây gọi là ‘Nhất Chân pháp giới’ trong Phật pháp.

Nhưng cho dù công phu tu học của mình có tốt hơn nữa, định công sâu hơn, chỉ cần trong tâm còn giữ một cái ‘Nhất Chân pháp giới’ thì sẽ không thấy Nhất Chân pháp giới. Công phu đến mức Tứ Thiền Bát Ðịnh vẫn chưa thấy được Nhất Chân pháp giới vì tuy đè phục được phiền não, nhưng vọng tưởng phân biệt chưa đè phục. Ðến mức Ðịnh Thứ Chín, ra khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi tam giới, sanh đến Tứ Thánh pháp giới: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật (Phật trong thập pháp giới là Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật trong Tông Thiên Thai) thì cũng chưa thấy được tướng chân thật, nguyên nhân là vì chưa đoạn dứt vọng tưởng, chấp trước. Cần phải nỗ lực thêm nữa, dùng định huệ đoạn dứt phân biệt (Trần Sa phiền não), phá thêm một phần vô minh (tức là vọng tưởng) đến mức này mới ra khỏi thập pháp giới, thấy được tướng chân thật, mới thực sự tương ứng với cảnh giới của quả địa chư Phật Như Lai. Phải mất bao nhiêu công phu mới đến mức này? Ngày nay một chút định lực chúng ta cũng không có!

Thí dụ [hằng ngày] phòng ăn ở Cư Sĩ Lâm có gần 20 món ăn, quá nhiều món ăn để trước mặt như vậy là một sự cám dỗ, chỉ thử mỗi món một chút thôi thì cũng no quá chừng. Người niệm Phật càng ngày ăn càng mập thêm thì không phải là một chuyện tốt, chúng ta phải tự khắc phục mình, trong nhiều món đồ ăn này chỉ gắp ba bốn món thì thôi. Trong việc ăn uống phải biết chế ngự, ăn cho điều độ thì mới có thể giữ thân tâm khỏe mạnh; không chế ngự nổi thì thân tâm sẽ không khỏe mạnh. Nếu ăn đến mập béo ra thì thân thể sẽ không khỏe mạnh; nhìn thấy những món ăn này rất dễ tăng trưởng tâm tham, lại tạo nên tâm lý không khang kiện. Tu hành là phải tu trong những sự việc này.

Cho nên trong tất cả hoàn cảnh phải biết khắc phục được vọng tưởng của mình, chế ngự phân biệt, chấp trước của mình, hết thảy [những việc này] đều là Phật pháp. Nếu có thể khắc phục, chế ngự được mình thì mới có thể bảo trì [giữ gìn] được công phu; nếu không thể khắc phục được mình, thì không thể bảo trì công phu. Những đại đức thời xưa biết được tập tánh của phàm phu rất nặng, khắc phục mình rất khó, nên mới chủ trương, đề xướng ‘Y chúng kháo chúng’ (Nương dựa vào, noi theo đám đông), mới tụ hợp lại tu tập chung với nhau, đốc thúc, cảnh tỉnh, khích lệ lẫn nhau, dụng ý là ở chỗ này.


Hình ảnh


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

2. Nương nhờ vào chúng (đoàn thể) xả thế duyên

Ðạo tràng tu tập chung với nhau cần phải có đầy đủ nhân duyên, trong đó quan trọng nhất là duyên phận, là phải nhờ vào người xuất gia dẫn đầu; người xuất gia càng nhiều, lòng tin của những người đồng tu sẽ càng tăng trưởng. Vì vậy nên người xuất gia phải phát lòng từ bi, không nệ khó nhọc, lãnh chúng trong Niệm Phật Ðường. Ðạo tràng có càng nhiều người xuất gia càng tốt, đây là sự thù thắng trang nghiêm chân chánh của đạo tràng.

Cho nên huân tập ở Niệm Phật Ðường trong một thời gian dài, hy vọng là có thể bảo trì được công phu, bất kỳ ở nơi chốn nào, trong gia đình, sở làm đều có thể giữ gìn tâm thanh tịnh, niệm Phật như thế mới gọi là đạt được mục đích.

Ngày nay số người ở Niệm Phật Ðường tại Cư Sĩ Lâm càng ngày càng nhiều, xây dựng và đẩy mạnh phong trào niệm Phật. Những người đến đó niệm Phật rất đông, đến mãi không ngớt, càng ngày càng nhiều. Chúng tôi hy vọng xây dựng một đạo tràng ‘giải hành tương ứng’, mỗi ngày giảng kinh không gián đoạn, niệm Phật không gián đoạn, làm gương cho đạo tràng ở những nơi khác. Thích hợp nhất cho những vị đồng tu đã về hưu, họ buông xuống công việc làm ăn, ở đó trường kỳ tham gia niệm Phật. Những người trong gia đình vẫn còn đang đi làm thì lợi dụng thời gian rảnh rỗi đến Niệm Phật Ðường để niệm Phật. Thế nên hiện nay khí phần (không khí hoàn cảnh tu học) ở Niệm Phật Ðường vô cùng tốt đẹp, vô cùng thù thắng. Và cũng vì khí phần tốt đẹp như vậy nên rất nhiều vị đồng tu vui vẻ đi đến, đến rồi đều không muốn đi về. Nếu có thể trụ ở đạo tràng như thế này trong vòng nửa năm, một năm, ba năm thì không thể nào không thành tựu được.

Trong ‘Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục’, ‘Vãng Sanh Truyện’ chúng ta thấy rất nhiều Bồ Tát vãng sanh bất thoái, thời gian niệm Phật phần nhiều là ba năm. Do đó có thể biết trong vòng 3 năm thì có thể thành tựu. Nhưng không thể nói họ niệm Phật hết ba năm thì thọ mạng đều hết, mà vì công phu thành thục nên mới tự tại vãng sanh. Hễ những người có công phu thành thục nếu không vãng sanh mà còn lưu lại trên thế gian này chỉ có một nguyên nhân duy nhất là để độ chúng sanh. Vẫn còn một số chúng sanh có duyên với họ, họ có thể giúp đỡ cho nên lưu lại thêm một thời gian nữa. Nếu không có duyên phần đối với những người ở đó thì tại sao không đi sớm hơn? Mỗi ngày chúng ta đều mong mỏi, trông về Tây phương Cực Lạc thế giới, mỗi ngày tưởng niệm đức Phật A Di Ðà, có thể gặp Ngài sớm hơn thì tốt biết mấy, tại sao cơ duyên đến lại phải kéo thêm vài ngày? Chúng ta muốn đi nhưng đi không được, nếu có năng lực thì đã đi sớm mất rồi.

Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ, quan sát người trên thế gian này ai cũng khổ. Chúng ta cảm thấy sanh hoạt, việc làm của mình quá khổ, thật ra những người làm sự nghiệp to lớn còn khổ hơn chúng ta. Gần đây tôi xem cuồn phim ‘Chiến tranh lạnh bắt đầu và chấm dứt’, nói về những người lãnh đạo quốc gia trong nửa thế kỷ vừa qua, mỗi ngày đều phải đề phòng không cho tai họa bộc phát, đặc biệt là những tai nạn do con người gây ra, làm thế nào tìm mọi cách để tiêu trừ [tai nạn]. Họ bận tâm, lo lắng quá nhiều, cuộc sống khổ quá đi thôi. Sau khi tôi coi xong mới biết muốn làm một người lãnh đạo quốc gia, đoàn thể thiệt là không đơn giản chút nào.

Thiệt ra đời sống của những người lãnh đạo có địa vị cao, những người làm ăn buôn bán giàu có không sung sướng chi cả. Nếu bạn đã nhìn thấy rõ ràng, minh bạch thì mới biết đời sống của họ còn sánh không bằng đời sống của một người ăn xin. Người đi xin ăn khi nào bụng đói thì đi xin ăn, ăn no rồi thì hết chuyện, tùy tiện tìm một chỗ để ngủ, không có bồn chồn lo lắng, [họ] thảnh thơi tự tại biết bao! Chuyện đau khổ nhất của con người là chuyện bận tâm quá nhiều, lo lắng quá nhiều, vướng bận quá nhiều, ngày tháng đích thật không thoải mái tí nào. Nếu họ có thể học Phật thì thiệt là phước báo to lớn!

Lúc trước tôi có khuyên đại chúng, gắng sức làm việc kiếm tiền trong một năm để có đủ tiền chi tiêu cho đời sống thì nghỉ không làm việc hai năm, chuyên tâm hết lòng niệm Phật; đây là người có trí huệ, có đại phước báo. Sau hai năm tiền xài hết thì đi kiếm công việc trở lại. Nếu bạn hỏi tìm công việc làm không dễ, đến lúc đó có thể tìm được hay không? Nhất định sẽ tìm được. Tại sao vậy? Chư Phật, Bồ Tát gia trì cho bạn, bạn nên tin tưởng chư Phật, Bồ Tát. Ở thế gian này nhờ vả người ta không được, nhờ vả Phật, Bồ Tát nhất định có thể được. Nhưng bạn phải có lòng tin tuyệt đối với chư Phật, Bồ Tát, tu học đúng như lý và làm đúng như lời dạy, làm sao không thành tựu được cơ chứ! Ðây cũng là một phương pháp bảo trì tâm thanh tịnh.

Nói tóm lại nguyên tắc quan trọng nhất để giữ tâm thanh tịnh là:

Thứ nhất phải có lòng tin vững chắc muốn rời khỏi Sa Bà, cầu sanh Tịnh Ðộ, đây là chân tâm.

Thứ nhì tuyệt đối đừng bị thế gian cám dỗ, có thể buông xuống, buông xả hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Trong tất cả pháp thế gian và xuất thế gian chỉ lựa chọn một pháp mà mình cần, tuyệt đối không chọn quá nhiều, có câu rằng ‘biết đủ thì thường vui’. Tâm của bạn sẽ định, sẽ thanh tịnh; mới có thể bảo trì tâm thanh tịnh trong thời gian dài mà không mất. Ðiểm này vô cùng quan trọng. Những người tu hành thời xưa có thành tựu đều là nhờ yếu tố này. Có thể khắc phục dục vọng của mình, khắc phục vọng tưởng của mình, thiệt có thể làm đến mức nói trong kinh Kim Cang: ‘Bất thủ ư tướng, như như bất động’ (Không chấp vào tướng, như như chẳng động). Trong đời sống chỉ lấy những gì mình cần dùng là đủ, như vậy mới không bị cám dỗ, mới giữ được tâm thanh tịnh.


Hình ảnh


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

1. Dưỡng tâm còn quan trọng hơn dưỡng thân

Người xưa dạy chúng ta: ‘Buổi sáng phải ăn cho tốt, buổi trưa phải ăn cho no, buổi tối phải ăn ít’. Ðây là đạo dưỡng sinh và cũng là một nguyên tắc của sự hấp thụ dinh dưỡng. Chân chánh biết đạo dưỡng sinh nói theo nhà Phật thì phải biết ‘dưỡng tâm’, vì tâm có thể sanh ra rất nhiều pháp, tâm là pháp năng sanh, thân là pháp sở sanh, cho nên tâm thanh tịnh thì thân sẽ thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ thanh tịnh, đây là một đạo lý nhất định. Nhưng rất ít người trong thế gian hiểu được đạo lý này, vẫn ráng sức tìm cầu để bù đắp dinh dưỡng từ bên ngoài.

Người tu hành chân chánh đối với dinh dưỡng cho thân thể không tìm cầu ở bên ngoài mà hoàn toàn hướng về bên trong. Trong kinh nói người trên cõi Sắc giới trở lên dùng ‘thiền duyệt’ làm thức ăn, thiền duyệt là từ tự tánh lưu xuất, không phải cầu được từ bên ngoài. Cho nên đức Phật nói năm thứ ‘tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ’ đều có thể bỏ được. Năm thứ này được gọi là ‘ngũ cái’ (năm thứ che đậy), nó che phủ tâm tánh, trí huệ, đức năng của chúng ta, làm cho trí huệ, đức năng của chúng ta không thể hiện tiền. Năm thứ này là dục vọng, nếu sanh tâm tham đắm năm thứ này thì phiền não chỉ gia tăng mà không giảm bớt, làm sao đoạn dứt phiền não được?

Ðức Phật dạy đệ tử nhất định đừng phân biệt, chấp trước đối với thức ăn. Ngày xưa lúc đức Phật còn tại thế đi khất thực, người ta cho gì ăn nấy, vả lại chỉ cho phép đi khất thực bảy nhà, nếu 7 nhà này cho không đủ hay không cho thì phải đi về tu thiền định. Cách làm này là để giúp chúng ta khắc phục dục vọng, tâm tham, và phiền não; chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Vì chúng ta có thân thể cho nên phải [ăn uống để] hấp thụ dinh dưỡng, không thể không duy trì sự khoẻ mạnh của thân thể. Nếu thân thể không khoẻ mạnh, phải nhờ người khác săn sóc, cư ngụ trong đạo tràng cũng phải làm nhọc thường trú, như vậy không tốt. Nhưng phải hiểu đạo lý khoẻ mạnh nằm trong tâm thanh tịnh. Ðối với mình tuyệt đối phải giữ tâm cho được thanh tịnh, thanh tịnh vô vi; đối với người, với sự, với vật cần phải có tâm đại từ đại bi, vô sở bất vi (không từ khước làm bất cứ thứ gì), được vậy chúng ta mới có thể dùng hành động để phục vụ đại chúng, giúp đỡ đại chúng. Ðây đều là lời thánh nhân thế gian và xuất thế gian chỉ dạy cho chúng ta.



2. Năng và Sở đều là không, bất khả đắc (đều không thể được)

Nhưng ái tâm (tâm thương mến) là nghĩa vụ, nhất định không được chiếm lấy. Cho dù rất thương mến con cái và người thân của mình, tâm này của phàm phu cũng không thể gọi là từ bi, vì nó có chứa đựng tâm niệm khống chế, chiếm lấy ở trong. Mỗi [khi khởi lên một] tâm niệm [gì] đều muốn điều khiển, khống chế, chiếm lấy tất cả người, sự, và vật, như vậy là sai lầm. Sai ở chỗ nào? Ðức Phật dạy chúng ta: ‘năng sở giai không, liễu bất khả đắc’ (năng và sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được). Trong 600 quyển kinh Bát Nhã, ba chữ ‘bất khả đắc’ (không thể lấy được, có được) đã lập đi lập lại trên ngàn lần, đó là muốn cho chúng ta ghi nhớ kỹ càng ‘bất khả đắc’ là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có cái năng được, có cái để mình lấy được), đó đều là ngu si, vô minh.

Nếu hiểu thấu tất cả pháp đều không thể có được, năng và sở đều không thể đạt được thì bạn sẽ giải thoát. Dùng danh từ hiện nay để nói thì ‘giải thoát’ tức là tâm lý không có ràng buộc, lo lắng, bận bịu, tâm của bạn được tự tại, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lý do mọi việc gì chúng ta cũng buông xuống không được chính là vì ngu si chưa bị phá trừ, vẫn còn cho là ‘có năng đắc, có sở đắc’, trong tâm còn bị ràng buộc, còn lo âu cho nên sinh sống rất khổ sở, công phu tu học cũng không đắc lực.

Chư Phật Như lai ứng hoá trong thế gian, tất cả những việc làm, hành động đều là ‘Phật sự trong mộng, đạo tràng như bóng trăng dưới nước’. Ðạo tràng được xây dựng càng lớn, càng huy hoàng, người giác ngộ đều xem là hoa trong gương, ánh trăng dưới nước, không có chút gì chấp trước, keo tham, như vậy mới được đại tự tại, đó mới là sự hưởng thọ cao độ. Trong sanh hoạt đối với tất cả người và vật nếu có những sự thọ dụng, tuyệt đối không được khống chế, đừng có tâm niệm chiếm lấy, như vậy mới sống một đời sống của Phật, Bồ Tát; sự khác biệt của phàm phu và Phật, Bồ Tát là ở chỗ này. Phàm phu thì mỗi tâm niệm đều muốn khống chế, điều khiển người khác, mỗi tâm niệm đều muốn chiếm lấy tất cả, cho nên trong tâm cứ lo được, lo mất, âu lo phiền não vĩnh viễn không dứt, sống trong những ngày tháng như vậy rất khổ sở.

Còn chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi nhất định viên mãn hàm nhiếp ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác’. Bất cứ một điều trong 5 chữ này đều chứa đựng 4 điều kia, như vậy mới là ‘một là tất cả, tất cả là một’. Nếu tâm từ bi không thanh tịnh, không bình đẳng thì là một trong bốn loại ‘ái duyên từ bi’ nói trong Phật pháp. Ðây là từ bi của phàm phu, vẫn còn khống chế, chiếm lấy, không có bỏ hết tất cả yêu cầu, đòi hỏi, đây không phải là đại từ đại bi. ‘Ái duyên từ bi’ hướng lên trên là ‘chúng sanh duyên từ bi’, ‘pháp duyên từ bi’, lên nữa là ‘vô duyên từ bi’, đại từ đại bi tức là ‘vô duyên từ bi’. Vô duyên tức là không điều kiện, không yêu cầu đòi hỏi, không có chiếm lấy, không có khống chế, đó là đại từ đại bi của chư Phật và Pháp Thân Ðại Sĩ. ‘Vô duyên từ bi’ có đầy đủ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Nếu chúng ta dùng tâm này để xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc với sự vật, thế thì trong lúc xử sự, đối người, tiếp vật đã chứng quả rồi. Giống như ‘nhập đại giải thoát môn’ (vào cửa giải thoát to lớn) nói trong kinh Hoa Nghiêm, thế thì thành Phật rồi. Chữ đại ở đây cũng có nghĩa là Ðại thừa, cửa giải thoát nhỏ là A La Hán, bậc thánh của Tiểu Thừa.


Hình ảnh


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

Ðọc kinh nghe pháp

Chúng ta là phàm phu, nghiệp chướng, tập khí, phiền não vô cùng sâu nặng, rất khó đoạn dứt, chỉ có dùng phương pháp giác ngộ mới có thể đoạn dứt. Vì vậy cho nên đọc kinh, nghe pháp vô cùng quan trọng, một ngày cũng không thể gián đoạn. Chúng ta không phải là người có thượng căn, lợi trí (trí óc lanh lợi bén nhạy), không thể chỉ lắng nghe, học tập trong một thời gian ngắn mà có thể khai ngộ. Người trung và hạ căn muốn đạt được ích lợi ngay trong một đời, chỉ có phương pháp duy nhất là đọc kinh, nghe pháp, huân tu trong thời gian dài mới có thể khế nhập vào cảnh giới ‘nhập Phật pháp’ nói trong kinh Hoa Nghiêm. Nhập Phật pháp tức là giác ngộ, đây là đạt được lợi ích chân thật.

5. Buông xả khống chế, chiếm lấy, yêu cầu (đòi hỏi)

Tu học tức là học làm thế nào sống qua ngày, biết làm thế nào đối với mình, đối với người. Ðối với mình tuyệt đối phải thanh tịnh, từ bi, chuyên tu chuyên hoằng; đối với người nhất định phải chân thành, thanh tịnh, từ bi, phải làm được vô duyên [từ bi], không có điều kiện. Nhất định đừng có tâm niệm khống chế [bắt buộc người ta luôn luôn phải làm theo ý của mình], đừng giữ tâm niệm chiếm lấy đối với tất cả mọi người, mọi sự, mọi vật, phải buông bỏ hết tất cả yêu cầu, đòi hỏi, đây là trí huệ, đây là công đức, sánh với phước đức còn thù thắng hơn nhiều. Hy vọng mọi người đều khích lệ khuyến tấn lẫn nhau, y giáo phụng hành.

A. Chân tướng của Ðạo. Thập đức:

Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi
Nhìn thấu, Buông xả, Tự Tại, Tùy duyên, Niệm Phật




Pháp thế gian và xuất thế gian đều coi trọng ‘đạo’; ‘đạo’ rốt cuộc là gì? Truyền đạo, hoằng đạo, bạn hoằng đạo gì, nhất định phải có khái niệm rõ ràng. Chúng ta quy nạp (tổng hợp) lời giáo huấn của đức Phật, giáo học của Phật pháp thành hai chục chữ: Chân thành, Thanh tịnh, Bình Ðẳng, Chánh giác, Từ bi; Nhìn thấu, Buông xả, Tự tại, Tuỳ duyên, Niệm Phật. Ðương nhiên mỗi người quy nạp sẽ không hoàn toàn giống nhau, tuy vậy cũng như người xưa có nói: ‘Người mù sờ voi’, ai cũng đều sờ được. Bất kể sờ đến bộ phận nào đều không sai, tuy chỉ là một bộ phận của toàn thể nhưng đều có thể tiếp xúc, đạt đến mục đích. [Ai cũng] có thể chứng đến viên mãn Vô Thượng Bồ Ðề, tại vì phương hướng và mục tiêu không sai, đều thuần chánh hết. Vì vậy có rất nhiều cách nói giống những bộ phái của Ấn độ thời xưa, các tông phái của Phật giáo ở Trung quốc, hết thảy đều là Phật pháp thuần chánh. Phật pháp thuần chánh nhất định có thể giúp người ta minh tâm kiến tánh, giúp đỡ người thành tựu Vô Thượng Bồ Ðề nên đều gọi là chánh pháp. Như trong kinh Kim Cang đức Phật dạy: ‘Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp’. Ðây là điều mà chúng ta phải khẳng định trước hết để sau này không đến nỗi hoài nghi.



B. Lựa chọn pháp phải: Tinh đáng, Khế cơ, Khế lý


Chúng ta tu học Tịnh Tông, đặc biệt là người hiện nay, những kinh luận của đức Thế Tôn nhiều như biển cả, chúng ta làm sao lựa chọn? Lựa chọn phải tinh đáng: tinh là tinh hoa, tinh yếu, đáng là thích hợp, vừa đúng. Hai chữ ‘tinh đáng’ này không có tiêu chuẩn [nhất định], thế thì nguyên lý, nguyên tắc ở chỗ nào? Phải ‘khế cơ’, khế cơ tức là ‘tinh đáng’. Căn cơ của người xưa khác người thời nay, căn cơ của người Trung Quốc không giống căn cơ của người ngoại quốc. Nếu căn cơ giống nhau thì sự lựa chọn của mọi người phải giống nhau. Như vậy tại sao ở Ấn độ thì gọi là bộ phái, nhưng ở Trung quốc thì gọi là tông phái? Từ điểm này thì có thể biết mỗi người lựa chọn khác nhau, chỉ cần thích hợp với người đó là được.

Trong kinh đức Thế Tôn thường thí dụ đức Phật là vị đại y vương, tất cả các pháp mà đức Phật đã nói ví như thuốc men, chúng sanh trong chín pháp giới đều là bịnh nhân, làm thế nào để lấy, bỏ thì mới tinh đáng? Lựa thuốc nào mà chữa đúng căn bịnh thì gọi là ‘tinh đáng’. [Lựa thuốc] đúng căn bịnh, uống thuốc vào thì hết bịnh; nếu thuốc không đúng căn bịnh thì thuốc này không ‘tinh’, không thích hợp, còn có thể làm cho bịnh trở nặng thêm, hoặc người bịnh uống thuốc này bị phản ứng, chết luôn, như vậy thì thuốc này không ‘đáng’ gì cả. Bởi vậy nên quý vị phải hiểu được hai chữ ‘tinh đáng’, phải hội đủ ba điều kiện: tùy thời, tùy người, tùy chỗ, và ‘khế cơ, khế lý’ thì mới ‘tinh đáng’.

Pháp Sư Tịnh Không


Hình ảnh


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

C. Tâm Môn


1. Chân thành

Sinh sống trong thời đại ngày nay, chúng ta phải hiểu thật rõ căn cơ của chúng ta như thế nào, trong Phật pháp sâu rộng như biển cả làm thế nào lựa chọn đúng thuốc để đối trị với căn bịnh, đối trị tập khí của chúng ta, đây là nguyên tắc chính để lựa chọn; mười điều này là thuốc hay để chữa trị tất cả bịnh tật, tập khí của người thời nay.

Ðiều thứ nhất là chân thành. Người thời nay thường thường giả dối, hư ngụy. Hai chữ chân thành chính là thuốc hay cho căn bịnh này! Chúng ta là người thời nay, tâm chúng ta có chân hay không, có thành hay không? Không chân, không thành! Chúng ta cũng hư ngụy, cũng giả dối, cho nên phải lấy thuốc này chữa trị cho chúng ta trước; chữa cho chúng ta xong hết rồi thì chúng ta mới có đủ lòng tin để nói thuốc này hay lắm -- Bịnh của bạn giống y như bịnh của tôi, đại khái thì bạn cũng có thể uống thuốc này thử xem sao. Ðây là nền tảng thấp nhất. Mục đích chúng ta học Phật là muốn làm Phật; làm Phật thì đâu có lý nào làm Phật giả? Phật làm sao giả mạo được? Cũng giống như lời dạy của Thiện Ðạo đại sư: ‘Hết thảy đều phải bắt đầu từ tâm chân thật!’, trong ‘Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ’ bạn hãy coi Ngài lập đi lập lại câu này bao nhiêu lần, những gì mà cứ lập đi lập lại nhiều lần không có dụng ý gì khác ngoài [ý muốn nhấn mạnh] hy vọng khi bạn xem quyển chú giải này [nếu] không nhớ gì hết nhưng chỉ nhớ câu này thôi cũng được, đây là câu nói quan trọng nhất.

Cho dù người khác giả dối với ta, cho dù tất cả người trên thế giới này giả dối với mình, chúng ta vẫn phải chân thành đối với tất cả mọi người. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta muốn làm Phật. Tại sao họ giả dối? Tại vì họ muốn ở trong lục đạo luân hồi. Hiện nay tôi học Phật, tôi giác ngộ rồi! Giác ngộ là từ đây trở về sau tôi không còn muốn kẹt ở trong lục đạo luân hồi nữa, tôi nhất định phải vượt thoát ra khỏi lục đạo luân hồi. Lấy cái gì để vượt thoát? Lấy chân thành. Nếu bạn không ra sức từ chân thành, thì bất kể bạn tu hành ra sao, tu giỏi đến đâu, ngồi xếp bằng nhập định suốt cả năm thì cũng không hay ho chi cả, vẫn kẹt trong lục đạo luân hồi như cũ; cho dù bạn giảng kinh lưu loát tài giỏi đến mấy thì vẫn ở trong lục đạo luân hồi, điểm này rất quan trọng! Chúng ta dùng tâm chân thành đối xử với người, đừng sợ thiệt thòi, đừng sợ bị gạt. Nếu bạn sống đến một trăm tuổi, chịu thiệt thòi hay bị gạt thì nhiều lắm cũng chỉ thiệt thòi, bị gạt một trăm năm mà thôi. Thời gian một trăm năm trôi qua rất nhanh! Chỉ cần thoát ra khỏi lục đạo luân hồi thì phước báo này quá lớn, một trăm năm chịu thiệt thòi hay bị gạt này rất đáng giá, xứng đáng vô cùng!

Sau khi hiểu rõ thì tại sao bạn còn không chịu bị thiệt thòi? Tại sao không chịu bị gạt? Huống hồ bạn đều biết ‘sanh không mang đến, chết không mang đi’. Rốt cuộc thì bạn đã chịu thiệt thòi những gì? Bị gạt những gì? Người ta gạt bạn để lấy danh tiếng, lợi dưỡng của bạn, bạn chẳng đem đến những thứ danh tiếng lợi dưỡng này lúc bạn sanh ra, đến lúc bạn chết thì cũng đem theo không được. Vì vậy nếu nhìn thấy rõ ràng thì đâu có gì gọi là chịu thiệt thòi hay bị gạt nữa! Chịu thiệt thòi hay bị gạt đều là quan niệm sai lầm, đều không phải là sự thật. Thực sự thì ai chịu thiệt thòi và ai bị gạt? Những người hư dối thực sự là đã chịu thiệt thòi và bị gạt đó. Không những họ phải đi vào lục đạo luân hồi mà còn phải đọa tam ác đạo nữa. Giả sử toàn bộ tài sản trên thế giới đều là của tôi và đều bị bạn gạt hết trơn thì cũng không sao hết. Cho dù bạn lấy được hết trọi thì bạn vẫn phải đi vào sáu nẻo [luân hồi] và ba đường ác.

Pháp Sư Tịnh Không


Hình ảnh


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

2. Có thể xả, chịu buông xuống thì sẽ thoát ra khỏi luân hồi

Nếu bạn có thể xả, chịu buông xuống thì bạn sẽ thoát ra khỏi luân hồi: một khi thoát ra khỏi lục đạo luân hồi thì phạm vi hoạt động của bạn [sẽ vô cùng to lớn] sẽ là tận hư không, khắp pháp giới. Bạn muốn thoát khỏi hay không? Tại sao còn chịu kẹt mãi trong vòng luân hồi? Luân hồi chỉ có khổ, không có vui sướng gì đâu! Cõi Dục giới có đầy đủ ba thứ khổ, không cần nói rõ quý vị cũng đã biết rồi; cõi Sắc giới tuy không có Khổ khổ, nhưng còn Hành khổ và Hoại khổ (1). Lên đến cõi Vô Sắc giới không còn thân thể nữa (một số người gọi là ‘Linh Giới’), không có thân thể thì đương nhiên không có Hoại khổ, nhưng họ còn Hành khổ. Cho nên đức Phật nói tam giới đều khổ cả! Trong lục đạo đâu có vui sướng gì đâu? Sự vui bất quá chỉ là lúc bạn tạm ngưng chịu khổ trong chốc lát, làm cho bạn có cảm giác là có vui. Sự thật để trước mắt, mỗi ngày người ta ăn ba bữa, nếu không ăn một bữa thì sẽ đói và khổ liền. Từ đó có thể biết ăn một bữa cũng giống như bịnh nhân uống thuốc vậy, nếu bạn không uống thuốc thì ‘bịnh đói’ sẽ hoành hành. Trong một ngày ngắn ngủi thì đã phải ‘chữa trị’ hết mấy lần, thế thì có gì là vui đâu? Bạn vui ở chỗ nào? Người ta ngu mê như vậy, chân tướng sự thật để trước mắt mà không biết, vẫn còn mê luyến trong biển khổ!



3. Căn bản của thành đạo – chân thành, không dối mình, không có chuyện gì sợ cho người biết.

Chúng ta học Phật phải bắt đầu học từ đâu? Từ chân thành!

Ấn Quang đại sư dạy: ‘Có một phần thành kính thì được một phần lợi ích’. Không hẳn chỉ là Phật pháp, thế pháp cũng vậy, nhất định phải dùng thành kính để đối đãi với người.

Tu ‘chân thành’ bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ không tự gạt, không nói dối.

Ngày nay trên toàn thế giới cho đến pháp luật cũng đòi phải có quyền ẩn tư (riêng tư), thế mới biết người trên thế gian không có ý niệm muốn thoát ly luân hồi; không những không muốn thoát ly lục đạo, ngay cả ý muốn thoát ly Dục giới cũng không có. Tại sao vậy? Họ có tâm riêng tư! Tâm riêng tư nặng thì chấp trước ngũ dục lục trần rất mạnh mẽ, không có năng lực sanh lên cõi Sắc giới. Tâm của người trên cõi Sắc giới thanh tịnh hơn chúng ta rất nhiều, không có dục vọng nhiều như chúng ta. Tại sao bạn tham thiền không đắc được định? Vì dục vọng quá sâu đậm, vì chấp trước quá nặng nề cho nên họ tu định cũng không thể sanh đến cõi trời Sơ Thiền. Thế nên bạn mới biết sự nguy hại của quyền riêng tư là bao lớn! Ðã biết rằng sanh không mang đến, chết cũng không mang theo thì có gì đâu mà không thể công khai? Còn bí mật gì muốn dấu người ta? Những chuyện không thể nói cho người biết đều không phải là chuyện tốt. Chuyện tốt thì sao không thể nói cho người ta biết? Cho nên bạn phải hỏi học Phật bắt đầu từ đâu? Tu hành bắt đầu tu từ đâu? Ðều bắt đầu từ đây! Nếu bạn còn chuyện gì không thể nói cho người khác biết thì bạn có thể thành tựu trong Phật pháp hay không? Niệm Phật một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, thì hét bể cuống họng cũng uổng công mà thôi. Bạn niệm Phật không thể vãng sanh, tham Thiền cũng không đắc được định, càng không thể nói đến khai ngộ, nghiên [cứu] Giáo [môn] thì cũng không thể khai giải, [trên con đường] tu ‘đạo’ này bạn không có phần! Bạn chỉ kết thiện duyên với Phật pháp, trồng một chút thiện căn mà thôi, phải đợi đến đời kiếp nào mới có thể thành tựu? Xa lơ xa lắc hà! Ðời này không còn trông mong gì nữa!

Nếu chúng ta muốn thành tựu ngay trong đời này thì phải nhổ tận gốc những căn bịnh thói quen hư ngụy, giả dối; khi xử thế, đối người, tiếp vật phải dùng chân thành, chúng ta phải bắt đầu từ đây. Trước hết phải nhớ: đừng sợ chịu thiệt thòi, đừng sợ bị gạt. Trên thực tế thì bạn nhất định không có chịu thiệt thòi, không bị gạt gì cả. Nếu trong tâm không có âu sầu, không có lo lắng, nhớ nhung, thì bạn sẽ rất khoái lạc, vui vẻ! Thực sự đạt được đại tự tại (thong dong, thảnh thơi)! Bạn không có phiền não thì sau đó bạn mới có thể làm được một người ‘chân chánh, chân thường’; người ta trong thế gian không chân thường là vì không chân thật, không chân thành tức là không chánh thường.

4. Cực Lạc, Hoa Tạng, vô lượng trang nghiêm, người người đều có đầy đủ

Năm chữ Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi đều thuộc về tâm, tức là Bồ Ðề tâm trong Phật pháp. ‘Chân thành’ là thể của Bồ Ðề Tâm, bốn thứ sau là khởi dụng của Bồ Ðề tâm. Từ thể khởi dụng, dụng có nghĩa là hưởng thọ, tác dụng. Ba chữ ‘Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác’ là đề kinh của kinh Vô Lượng Thọ. Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật dạy chúng ta tổng cương lĩnh (nguyên tắc chính) của sự tu hành, đó tức là Thanh tịnh, Bình đẳng, và Giác. Nửa phần đầu của đề kinh này ‘Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm’ là quả báo. Thế nên đề kinh này có đầy đủ nhân và quả. [Hết thảy] vô lượng chỉ dùng một chữ ‘thọ’ để tượng trưng, nghĩa là không phải chỉ có vô lượng thọ mạng mà thôi, còn vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, …, hết thảy đều vô lượng, có người nào trong thế gian và xuất thế gian sánh bằng? Trang nghiêm nghĩa là hoàn hảo, tốt đẹp đến cùng cực.

Nếu nói như vậy thì quả báo này là thật hay giả? Là lý tưởng hay là phóng đại (khoa trương)? Nói cho chư vị biết hết thảy đều không phải, tánh đức vốn đã như vậy. Ðây là đức năng trong tự tánh vốn sẵn có, vốn là như vậy! Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng không phải dùng công sức của con người tạo thành, quý vị xem kinh Hoa Nghiêm nên biết Hoa Tạng thế giới của đức Phật Tỳ Lô Giá Na cũng không phải là nhân tạo, là do tánh đức tự nhiên biến hiện ra. Quý vị cũng đã xem kinh Vô Lượng Thọ rồi, ý nghĩa của tám thứ ‘tự nhiên’ nói trong kinh cũng vô cùng vô tận! Người xưa có câu: ‘Của báu vốn sẵn có trong nhà’, đó là vốn có sẵn, không phải đến từ bên ngoài. Người người đều có đầy đủ vô lượng trang nghiêm của Hoa Tạng thế giới, của Cực Lạc thế giới; chúng ta không thể nói người người đều có phần, mà phải nói người người đều đầy đủ! Nói ‘có phần’ thì cũng không ổn, không đúng lắm, vốn là đã có đầy đủ, vốn là như vậy. Hôm nay chúng ta biến thành nghèo mạt, nghèo khổ đến mức này là tại sao vậy? Là vì chúng ta không có tâm chân thành! Tất cả đều do tâm tạo, tâm của chúng ta không còn bình thường nữa, đã mê rồi, cho nên đức năng sẵn có đã biến đổi, thiệt đúng là y báo biến chuyển theo chánh báo.

Ðức Phật dạy chúng ta tu Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác thì sẽ khôi phục lại Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm. Phần lớn người trên thế gian không có phước báo này, không có cơ hội may mắn này. Phật pháp nói đến ‘duyên’, [họ] không có duyên! Hiện nay người ta dùng chữ ‘không có cơ hội’, không gặp được Phật pháp; gặp được Phật pháp là có thiện căn to lớn, có đại nhân duyên! Không gặp được Phật pháp, không thể hiểu được chân tướng sự thật; chân tướng sự thật là vô lượng trang nghiêm, là Hoa Tạng thế giới, là Cực Lạc thế giới! Nhiều người không biết dùng phương pháp gì để khôi phục lại tự tánh, đây đúng là những người đáng thương!



Hình ảnh


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Hình đại diện của người dùng
Thánh_Tri
Điều Hành Viên
Bài viết: 3851
Ngày: 21/12/07 21:02

Re: Tại gia tu Tịnh Nghiệp

Bài viết chưa xem gửi bởi Thánh_Tri »

A Di Đà Phật.

Người tại gia nhứt là thời nay mà tu Tịnh Nghiệp, một lòng niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì không gì hay hơn!

Hễ Niệm Phật thì sẽ Thành Phật. Chắc Chắn Như Vậy! Đừng Nghi!

Muốn vãng sanh Cực Lạc không gì khó, chỉ cần chuyên xưng niệm danh hiệu của đức Phật A Di Đà cầu sanh Cực Lạc là đủ.

Xưng Niệm Danh Hiệu Phật A Di Đà không cần hình thức gì, bất cứ tại đâu cũng vẫn có thể Niệm Phật.

Chỉ một câu A Di Đà Phật là đủ rồi, không cần biết gì khác, không cần làm gì khác. Bởi vì ngài phát nguyện ai muốn vãng sanh Cực Lạc, nguyện và xưng niệm danh hiệu của ngài thì ngài sẽ đến rước, nếu không ngài không thành Phật. Mà nay ngài đã thành Phật thì lời nguyện ấy chắc chắn cũng là chân thật không hư dối!

Người tu tại gia chúng mình cứ theo hai câu đối nầy mà làm trọn đời thì được:

"Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng
Lạy Phật một lạy tội diệt hằng xa"

Mỗi ngày đều niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày đều lạy A Di Đà Phật. Chắc Chắn phước sanh, tiêu nghiệp, vãng sanh, không còn nghi gì cả!

Già yếu không thể lại? Cũng chẳng cần, chỉ cần ngồi yên chú tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chắc chắn cũng sẽ vãng sanh.

Quý vị đừng nghi gì hết, đừng sợ gì hết, đừng kiếm cớ gì hết, hãy niệm phật đi và chỉ niệm phật thôi!

Nam Mô A Di Đà Phật.


"Tri Kiến Lập Tri Tức Vô Minh Bổn
Tri Kiến Vô Kiến Tư Tức Niết Bàn"

- Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Google [Bot]6 khách