Hãy mau học niệm Phật và cầu sanh về Tịnh Độ

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Hãy mau học niệm Phật và cầu sanh về Tịnh Độ

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

Chương Tám: Đi Vào Tịch Tĩnh



Vào ngày 4 tháng 12 năm 1994, khi Hòa Thượng được đưa vào bệnh viện vì quá kiệt sức, Ngài nói:

Tôi muốn nói với quý vị những gì cần làm sau khi tôi ra đi. Tất cả quý vị nên chuẩn bị tâm lý. Tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào. Không có gì cố định cả. Mọi người đều có lúc đến và có lúc đi. Đừng buồn. Cứ hành xử giống như quý vị hành xử lúc bình thường.

Sau khi bốn chúng đệ tử nhiều lần thỉnh cầu, Hòa Thượng trụ thế thêm sáu tháng nữa. Khi Hòa Thượng chịu đau đớn đến tột cùng vì mang nghiệp của chúng sanh (11), Ngài nói:

“Tôi sẽ không tự giúp mình dầu chỉ nhấc ngón tay trong khi tôi nằm trên giường này.

Tôi nay như hai con người. Một con người thì vẫn đi đó đây độ chúng sanh. Còn con người ở đây, tôi không để ý. Tôi sẽ không tự giúp mình.”

Ôi, thật là sự bạc phước của chúng sanh! Hòa Thượng đi vào tịch tĩnh lúc 3 giờ 15 ngày 7 tháng 6, năm 1995 (nhằm ngày 10 tháng 5, năm Ất Hợi). Vị Tổ Sư thứ chín của dòng Thiền Quy Ngưỡng đã nhập Niết Bàn, và vị kế thừa Lão Hòa Thượng Hư Vân đã trở thành một phần của lịch sử.

Có người tự hỏi tại sao là người có những thành tựu cao tột như vậy mà Hòa Thượng lại hiện tướng bệnh trước khi ra đi. Thật ra, câu trả lời rất đơn giản. Tất cả những Đại Sư nổi bật qua nhiều thế hệ đã có lý do của họ để hiện tướng nhân duyên nào đó trước khi mất. Truyện kể trong Kinh Lục Tổ, khi Lục Tổ còn sống có những người muốn giết ngài; sau khi ngài mất, có người muốn chặt đầu ngài, mang về nhà để cúng dường. Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa, ngài bị người toan đầu độc và ám hại sáu lần. Tổ Ấn Độ thứ hai mươi bốn là Tôn Giả Sư Tử bị chặt đầu do lệnh của triều đình.

Trước khi Đại Sư Huyền Trang mất, ngài bị trượt chân và té, sau đó bị bệnh phải nằm lâu ngày trên giường, ngài nói: "Tất cả những phiền não, tình cảm và ác nghiệp của tôi từ vô thủy, nhờ đức của cơn bệnh nhẹ này mà tất cả đã tiêu trừ. Do đó tôi nên vui". Thầy của ngài, Hòa Thượng Giới Hiền, là một biện luận sư, bị bệnh nặng vào lúc tuổi già và quá đau đớn đến nỗi muốn tự tử. Sau đó Bồ Tát Quán Âm đến trong giấc mơ của ngài và nói : "Hãy thành tâm sám hối, hay kiên nhẫn chịu đựng đau khổ, và hay tinh tấn xiển dương Kinh Luận, thì nghiệp chướng của ông sẽ tự nhiên được tiêu trừ".

Trước khi Hòa Thượng nhập diệt, Ngài có làm bài thơ về bệnh của mình:

Tôi thở khó sống ngày còn lại,

Buộc ràng trong nỗi khổ bệnh già.

Ngày ăn uống như dùng độc dược,

Tối nằm giường bệnh như trùng cứng,

Trong mộng lại gặp quỷ vô thường,

Tỉnh giấc nào thấy thần đến cứu.

Biết chăng mạng người một hơi thở?

Mau về chốn tự tại thanh tịnh.
(12)

Cho đến lúc nhập diệt vào ngày 7 tháng 6 năm 1995, sức khỏe của Hòa Thượng không có dấu hiệu cải thiện. Cũng không có những điềm lành hay phép lạ xảy ra. Bằng cách đó, không để lại dấu vết, Ngài ôm trọn Pháp nhân duyên: thành trụ hoại không và sanh lão bệnh tử. Suốt cuộc đời Ngài, Hòa Thượng đã chữa lành bệnh vô số chúng sanh, nhưng lại không quan tâm đến bệnh của mình. Ngài chọn cách ra đi đau đớn nhất: chết vì bệnh.

Chúng ta biết rằng Thiền Sư Mã Tổ Đạo Nhất có thần thông diệu dụng và đã cứu vô số chúng sanh. Ảnh hưởng của Ngài lan rộng khắp nước. Ngài có 84 đại đệ tử, nhưng bản thân Ngài thường luôn bị bệnh. Khi chúng ta nghĩ về tinh thần Bồ Tát của những bậc đại sư này, chúng ta phải phát lời tán thán vô tận!

Và còn có Lão Hòa Thượng Hư Vân, sống đến 120 tuổi và là một bậc anh hùng trong Thiền Tông. Cuộc đời Ngài trãi qua mười nạn, bốn mươi tám biến cố hiếm có và vô số điều kỳ diệu. Khi Ngài được 112 tuổi, Ngài bị đệ tử đem bán, bị cướp và bị Cộng Sản tra tấn. Ngài chết đi sống lại nhiều lần sau khi bị đánh đập bằng chùy sắt cho đến chảy máu và xương gân đều gãy đứt.

Đại Sư Hám Sơn, người đã để lại nhục thân bất hoại, cũng đã chịu sự tra tấn tàn bạo và chết vì cục bướu trên lưng. Hòa Thượng Quảng Khâm, một vị cao tăng trong thời đại của Ngài, cũng thị hiện bệnh vào năm 1975, và một vị Pháp Sư tại chùa của Ngài đã nói: "Hòa Thượng nói rằng Ngài sẽ thi hiện bệnh lúc mất bởi vì thế giới Ta Bà có quá nhiều đau khổ: Làm sao Ngài có thể chịu phí thì giờ được ?" Hòa Thượng Quảng Khâm nói rất đúng: "Thế giới Ta Bà có quá nhiều đau khổ: Làm sao Ngài có thể phí thì giờ ở đây được ?".

Có lần có người hỏi Hòa Thượng Quảng Khâm: "Nếu có người có sự chứng đắc rất cao trong việc tu hành, nhưng lại chết vì bệnh hoặc vì tai nạn, đó phải chăng là do định nghiệp của người đó khó có thể chuyển đổi được ?" Hòa Thượng Quảng Khâm trả lời: "Ông có thể nói định nghiệp của người đó khó chuyển đổi, nhưng ông cũng có thể thấy đó là người đó đang trả nghiệp."

Chỉ những người có tu hành chứng đắc mới gặp những đau khổ và hoạn nạn. Đúng ra là công đức tu hành của người đó đã giúp người đó trong lần này trả một lần cho hết mọi thứ." Có vài bài thơ về Hòa Thượng mà tôi nghĩ nên chia sẻ và những bài thơ này đều có ý nghĩa sâu xa, do đó tôi ghi lại đây:

Lão tăng nhàn nhã đến, không có gì làm.

Chơi trốn tìm và nằm trên giường bệnh.

Xem sự hiện hữu, quán lý không: không mà không không.

Để chẩn bệnh, tìm về nguồn: Nguồn là không nguồn.

Những dòng nầy giải thích rõ ràng về hiện tượng bệnh của Hòa Thượng. Như tôi đã nói trước đây, tất cả chư Tổ và các bậc Đại Sư đều có nhân duyên giáo hóa chúng sanh trong cõi Ta Bà. Chúng ta nên đánh giá thành tựu của một người bằng cách xem xét sự thực hành Bồ Tát Đạo suốt đời, sự từ bi cứu độ chúng sanh, và sự đóng góp cho Phật Giáo của người đó. Chúng ta không nên phán xét một người chỉ dựa vào phép lạ hay điềm lành. Sau Lễ Trà Tỳ Hòa Thượng, hơn mười ngàn xá lợi được tìm thấy (có cả xá lợi hoa và mười hai răng xá lợi), có đủ màu sắc, gồm trắng, nâu, xanh lá cây, xanh da trời, đen và tím. Có nhiều xá lợi thành hình trên xương, lóng lánh như ngọc thạch, rất hiếm. Điều nầy chứng tỏ rằng công đức không thể nghĩ bàn của Hòa Thượng từ việc thuyết pháp kinh điển hơn mười ngàn lần và suốt đời không bao giờ nói dối.

Chương Chín: Kết Luận

Tổ Bồ Đề Đạt Ma, không quản ngại xa xôi đã đưa Phật Pháp từ Ẩn Độ đến Trung Hoa, là nơi Phật Pháp được thịnh vượng. Hòa Thượng Tuyên Hóa đã phát nguyện mang Phật Pháp sang Âu Châu và Mỹ Châu, nơi đó có thể hướng dẫn nhiều chúng sanh hơn để dong thuyền về bờ Trí Tuệ bên kia. Khi Hòa Thượng ở Hoa Kỳ, Ngài phát ba đại nguyện:

1. Chú trọng đạo đức trong nền giáo dục, xiển dương giáo dục như là hành động thiện nguyện.

2. Phiên dịch kinh điển Phật Giáo sang các ngôn ngữ, và thành lập Viện Phiên Dịch.

3. Tạo thuận lợi trao đổi và đoàn kết giữa các truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa; đoàn kết Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Hòa Thượng cho rằng giáo dục cũng quan trọng như hoằng pháp. Học sinh tại Vạn Phật Thánh Thành phải học thuộc lòng "Quy Luật Học Sinh" (Đệ Tử Quy) và "Tam Tự Kinh". Hòa Thượng có thể được xem như là người đầu tiên khuyến khích việc giáo dục thiện nguyện tại Tây Phương. Ngài tích cực tìm những giáo sư thiện nguyện để củng cố những tiêu chuẩn cao cả về học vấn cũng như đạo đức. Hòa Thượng phát nguyện trông coi việc phiên dịch kinh điển Phật Giáo sang các ngôn ngữ trên thế giới khi Ngài xuất gia. Ngài có thể được xem như vì tăng thứ ba, sau ngài Huyền Trang và Jianzhen, đã phát nguyện này.

Hơn 130 bộ sách đã được phiên dịch sang Anh ngữ, và đang tiến hành việc dịch sang các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt và tiếng Nam Dương. Hòa Thượng cũng bỏ nhiều công sức để đoàn kết các truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa.

Các truyền thống Bắc tông và Nam tông đều nhằm mục đích giúp chúng sanh phát Bồ Đề Tâm, chấm dứt sanh tử, xa lìa khổ não, đạt được an lạc. Do đó, các truyền thống Bắc tông và Nam tông của Phật Giáo nên có sự cảm thông với nhau và xem cả hai đều là một. Đừng nên anh làm chuyện anh và tôi làm chuyện tôi, như thế sức mạnh Phật Giáo sẽ bị phân tán.

Bất cứ người nào tìm cách gây chia rẽ trong Phật Giáo đều không phải là đệ tử Phật. Đừng nói Đại Thừa hay Tiểu Thừa, ngay cả một thừa cũng không có! Sự ích kỷ của chúng ta, sự mong muốn làm hại người khác và chỉ giúp cho chính mình, và lòng mong muốn tán dương chính mình và lăng mạ người khác, đây là những nguyên nhân đưa đến chiến tranh.

Hòa Thượng có lần đã nói về tự trách trong việc phân chia giữa Phật Giáo Đại Thừa và Nguyên Thủy:

“Tôi cũng có lỗi trong Phật Giáo. Vì sao ? Bởi vì tôi chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi chưa thành công trong việc làm gần lại khoảng cách giữa các truyền thống Bắc tông và Nam tông. Nếu các truyền thống Bắc tông và Nam tông chối bỏ lẫn nhau và mỗi tông đều giương lên cờ của mình và chỉ dụng công trên bề mặt của sự vật, như vậy làm sao Phật Giáo có thể đoàn kết được ?”

Nhiều sự đối thoại giữa các truyền thống Phật Giáo Đại Thừa và Nguyên Thủy đã xảy ra tại Vạn Phật Thánh Thành, mở ra một trang mới trong lịch sử Phật Giáo Tây Phương.

Hòa Thượng nói Ngài một mình từ Á Châu, cách xa hàng nghìn dặm, đến Hoa Kỳ là "vùng đất xa lạ chưa có Phật Pháp gì cả", để mang Chánh Pháp sang phương Tây. Ngày nay Vạn Phật Thánh Thành đã trở thành một đạo tràng chánh ở Tây Phuơng cùng nhiều đạo tràng chi nhánh được thành lập. Hòa Thượng đã hướng dẫn các đệ tử gồm nhiều quốc tịch khác nhau để truyền bá Chánh Pháp và để cùng làm việc mang các tôn giáo lại với nhau. Hòa Thượng đã đi trên con đường dài này với những bước chân đều đặn chưa từng có. Sự mong mỏi của Hòa Thượng là tất cả chúng sanh sẽ thành Phật trước Ngài. Ngài muốn giúp tất cả chúng sanh xa lìa khổ não, đạt được an lạc, tìm lại trí tuệ chân thật, đạt được tự do, giải thoát. Trong một bài nói chuyện, Ngài nói:

Tôi chỉ là con kiến nhỏ muốn bò dưới chân tất cả các Phật tử. Tôi là con đường, tôi hy vọng tất cả chúng sanh sẽ bước lên tôi và đi từ phàm phu đến Phật quả. Nếu bất cứ đệ tử nào của tôi dọa vào địa ngục, tôi muốn thay thế họ.

Tôi nguyện rằng những kẻ thấy tôi hay nghe giọng nói của tôi, hoặc chỉ nghe đến tên tôi, sẽ nhanh chóng trở thành Phật. Tôi sẵn sàng ở lại trong thế giới Ta Bà này và đợi tất cả quý vị thành Phật.”

Sự cống hiến suốt cả đời của Hòa Thượng cho Phật Giáo rộng lớn như hư không, làm sao bài viết nầy có thể mô tả đầy đủ tất cả được ? Ngài đã để lại vô số Pháp bảo cho chúng ta, do đó từ nay chúng ta nên tinh tấn tu hành, theo Sáu Đại Tông Chỉ. Chỉ đến lúc đó chúng ta mới có thể báo đáp công lao của Hòa Thượng, và hy vọng Hòa Thượng sẽ sớm trở lại, nương theo nguyện lực của Ngài, để cứu độ chúng sanh.

 



Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

(1) - Mạnh Tử (Mạnh Kha), người đất Châu (372-289 trước Tây lịch), là một nhà hiền triết có công rất lớn trong việc làm sáng tỏ đạo Nho.

- Dương Tử (Dương Chu), người nước Vệ (khoảng 440-360 trước Tây lich); là một triết gia thời Chiến Quốc, sinh vào khoảng 440-360 trước Tây lịch; chủ trương thuyết "vị ngã"—chi lo riêng về việc mình mà không hề đếm xỉa đến thiên hạ sự, quyết gạt bỏ ngoài tại chuyện của người.

- Mặc Tử (Mặc Địch), người nước Sở, là một đại học giả thời Chiến Quốc, làm Đại Phu cho nước Tống; chủ trương thuyết kiêm ái và hòa bình; lập ra học phái Mặc Gia, lấy kiêm ái làm chủ đích.

(1*) - Trong bài phú A Phòng cung phú của Đỗ Mục có câu: “Diệt nhà Tần, chính do Tần, không phải do thiên hạ.” 族 秦 者, 秦 也, 非 天 下 也 Tộc Tần giả, Tần dã; phi thiên hạ dã. (Cổ Văn Quan Chỉ, q. 8, tr. 309.)

(2) Lão Hòa Thượng Quảng Khâm đã từng khai thị rằng: "Trên thế gian hiện nay, đích thực có những người xuất gia như thế. Họ chỉ mưu tính khuếch trương ngôi chùa của mình cho lớn, chiêu dụ tín đồ theo mình cho đông, để khoe là có khả năng trước mặt mọi người! Họ không cho phép tín đồ kính tin các vị Phật ở những chùa khác (chỉ được tin vị Phật ở chùa của họ mà thôi!); và tín đồ cũng chỉ được tin một mình họ thôi, không được tôn kính những người xuất gia khác. Hạng người cống cao ngã mạn, tự tôn tự đại này, chẳng phải vẫn còn lăn lóc trong vòng danh lợi giống như người tại gia bình thường, sống lây lất trong khổ não qua ngày đoạn tháng sao? Phật Pháp vốn chưa suy vi, chính là lòng người đang suy vi vậy!"

(3) Nguyên văn "Phụ Phật pháp ngoại đạo" [ ]: Ngoại đạo trong Phật pháp. Theo sách Chỉ Quán quyển 10 sự khác nhau của tà nhân còn có ba loại. Một là ngoại đạo ngoài Phật pháp, hai là ngoại đạo phụ vào Phật pháp, ba là học Phật pháp trở thành ngoại đạo. (Tự Điển Phật Học Hán Việt trang 1022).

(4) Nguyên văn "Nhất châm kiến huyết" [ ] : Một kim thấy máu, là thành ngữ Hoa ngữ ý nói "nói ngắn gọn đúng vào điểm chánh".

(5) Chứng kiến tâm tánh khó đổi của một số đệ tử, vào tháng 6 năm 1993 Hòa Thượng đã đau lòng cảnh giác mọi người trên khắp thế giới http://www.dharmasite.net/attention.htm

(6) Ở Trung Hoa, người ta dùng hai chữ “dược (thuốc)” và “thạch (đá)” để chỉ chung cho thuốc men. Dược thạch: còn gọi là dược thực, có ý nghĩa là món ăn chữa khỏi bệnh đói khát. Đây là một ẩn ngữ để chỉ món cháo buổi chiều của Thiền lâm.

(7) Tứ thực: Bốn cách ăn

1) Đoạn thực: Cách ăn phân chia ra thành từng đoạn, từng miếng. Cũng gọi là “đoàn thực,” cách ăn vo lại thành từng nắm.

2) Xúc thực: Cách ăn bằng sự cảm xúc đối với cảnh. Cũng gọi “lạc thực,” cách ăn bằng sự vui sướng.

3) Tư thực: Cách ăn bằng ý nghĩ. Cũng gọi là “niệm thực.”

4) Thức thực: Cách ăn bằng tri thức, lấy Thức duy trì Thể.

(8) Cà-sa. Tên gọi đầy đủ là Cà-sa-duệ; nghĩa là hoại sắc, bất chánh sắc; và là pháp y của người xuất gia tu hành theo đạo Phật. Áo này hình chữ nhật dài, do nhiều miếng vải nhỏ khâu nối với nhau nên trông như hình thửa ruộng. Có 3 thứ áo cà-sa (tam y):

1) Tăng-già-lê (samghati), cũng gọi là đại y hay tổ y; hịêp lại từ 9, 15, hoặc 25 miếng vải (cái áo tràng);

2) Uất-đà-la-tăng (uttâra-samgha), tức là thất điều y, gồm 7 miếng vải hiệp lại (cái áo giữa);

3) An-đà-hội (antarvâsaka), tức là ngũ điều y, gồm 5 miếng (cái áo trong, áo lót).

(9) Xích cà-sa. Còn gọi là xích y, xích giáng y, tức là áo cà-sa màu đỏ.

三 衣; S: tricīvara; y phục ba phần, cũng được gọi là »Nạp y« (衲 衣; s: kanthā) bộ áo vá chắp;

Y phục của một Tỉ-khâu hoặc Tỉ-khâu-ni. Phần trong (dưới) được gọi là An-đà-hội (安 陀 會; s: antaravāsaka) là một mảnh vải vá (năm mảnh vải vá lại) cuộn lại dùng làm đồ lót dưới. Phần ngoài là Uất-đa-la-tăng (鬱 多 羅 僧; s: uttarāsaṅga) cũng là một tấm vải vá dùng để khoác ngoài để đi khất thực. Phần thứ ba là Tăng-già-lê (僧 伽 梨; s: saṅgāti), một tấm vải khoác ngoài, chỉ được dùng trong những ngày lễ và được vá từ 9-25 mảnh vải nhỏ. Màu của nạp y thường là màu vàng nhưng cũng thay đổi tùy theo tông phái, theo truyền thống. Tăng, ni tại Trung Quốc thường mang màu xanh, nâu. Tại Tây Tạng người ta chuộng màu đỏ, tại Nhật màu đen. Tất cả những y phục này đều phải được may từ nhiều mảnh vải để nhấn mạnh truyền thống sống cơ hàn, vô sản của một tỉ-khâu.

(10) Câu thơ của Hòa Thượng trong bài Vũ Trụ Bạch

(11) Trong bộ sách "In Memory of The Venerable Master Hua" có nhiều câu chuyện của các đệ tử của ngài kể về nguyện thừ 12 của ngài: "Nguyện rằng một mình con sẽ nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong toàn Pháp Giới.". Trong bài viết "How does the Master cross over westerners?" của Sư Cô Hằng Lương có đoạn đề cập:

(Tạm dịch): "... Tôi nhớ một lần nọ tại Vạn Phật Thánh Thành, có một Tỳ-kheo-ni phạm lỗi lầm, và phạm giới. Cô được Hòa Thượng dạy, giống như ngài đã dạy tất cả chúng ta, là thú nhận lỗi lầm và sám hối sửa đổi. Cô quỳ trong Phật điện giữa đại chúng và đối diện Hòa Thượng, cô sám hối và sau đó Hòa Thượng ngồi trên ghế cao nhìn xuống cô và nghiêm khắc nói, "Những gì con đã làm sẽ làm cho con đọa địa ngục.” Bởi vì vị Tỳ-kheo-ni này rất tin Hòa Thượng, nên cô rất sợ hãi. Cô hỏi “Con có thể làm gì để tự cứu mình?” Hòa Thượng trả lời với nụ cười rộng nở trên gương mặt: “Ta có một cách cứu con. Ta có thể tự mình xuống địa ngục thế con và chịu quả báo cho con.Cô dĩ nhiên không chấp nhận điều đó, nhưng Hòa Thượng đã nói là ngài sẽ làm chuyện đó.

Một lần khác, một vị Tỳ-kheo-ni khác kể với tôi rằng một tối nọ cô bị bệnh rất nặng và ói mửa hoài không ngừng lại được. Cô rất tin tưởng vào Hòa Thượng do đó cô lễ lạy trước bức hình của ngài và cầu nguyện Hòa Thượng ban phước và lấy đi sự đau khổ của cô. Sau đó đột nhiên cô thấy khỏe, và tối đó cô nghỉ ngơi rất dễ chịu. Sáng hôm sau cô đến buổi lễ quy y lúc đó Hòa Thượng đang truyền Tam Quy Ngũ Giới. Sau khi truyền Tam Quy xong, ngài quay về phía người Tỳ kheo ni đó và nói "Sáng này thật là khó khăn cho tôi. Vì tối hôm qua tôi đột nhiên bệnh nặng và ói mửa suốt đêm, do đó hôm nay tôi không có sức.” Vị Tỳ-kheo-ni đó biết rất rõ ràng rằng Hòa Thượng đã gánh lấy sự đau khổ của cô.

Nhiều người tự hỏi rằng làm thế nào mà Hòa Thượng lại bệnh như vậy và tại sao ngài lại rời bỏ chúng ta qua hình thức như vậy. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã ở gần ngài nhiều năm và chúng ta biết rằng chúng ta cần báo đáp ân từ bi bao la của ngài. Và cách duy nhất để báo đáp là cố gắng tu hành hết sức mình. " ("How Buddhism Changed My Life!" trang 18).

(12) Bài thơ dùng thân thuyết pháp nhắc lẽ vô thường và khuyên quy hướng Tịnh độ này được Hòa Thượng đề cập trong chuyến hoằng pháp tại Đài Loan vào tháng 1 năm 1993, được ghi lại:

(Tạm dịch): "Bây giờ tôi muốn chia sẻ vài điều về hoàn cảnh bệnh gần đây của tôi. Nếu quý vị muốn ghi chép, tôi sẽ đọc chậm rãi. Quý vị có thể viết xuống và có thể nghiên cứu sau này. Bài này có tám câu, nhưng không thể xem là thơ chính thức. Có thể xem như là những câu văn xuôi bạch thoại.

Câu đầu nói : Tôi thở khó sống ngày còn lại. Khi hơi thở này đi ra, không chắc sẽ có hơi thở kế tiếp vào lại.

Buộc ràng trong nỗi khổ bệnh già. Tôi không phải đòi quý vị thương hại tôi. Không phải tôi nói là tôi bây giờ quá già, tất cả quý vị nên thương hại tôi – kẻ ngu si này. Các triệu chứng già bệnh không phải mới đến trong một ngày đêm mà đã phát triển dần dần, từ lúc tôi mới sanh ra. Bây giờ chân tôi không còn linh hoạt, tay nhức, lưng đau, mắt mờ, tai lãng, và răng thì lung lay. Khi bị như vậy thì thật đau khổ, không được tự do.

Ngày ăn uống như dùng độc dược. Khi đến giờ ăn, tôi không thấy thích ăn. Dầu đồ ăn ngon đến đâu, khi tôi vừa nếm thì không thích ăn. Ăn như dùng độc dược.

Tối nằm giường bệnh như trùng cứng. Khi quý vị nghe câu này, nó không làm quý vị tức cười sao? Tôi nằm trên giường bệnh, chỉ như con trùng đã chết cứng, rất giống như vậy.

Trong mộng lại gặp quỷ vô thường. Quý vị có biết các con quỷ vô thường là ai không? Tôi thường gặp chúng trong giấc mơ, nhưng chúng chưa bắt tôi. Mỗi khi chúng muốn bắt tôi thì một vị Bồ tát lại đến và nói với chúng rằng “Chưa tới lúc! Không nên bắt ông ta, ông ta đang làm việc vì chúng sanh và việc ông ta chưa làm xong.” Vừa nghe như vậy, chúng liền thả tôi ra. Chúng chỉ đến trong giấc mơ để bắt tôi, và tôi đã thấy chúng nhiều lần chứ không phải chỉ một lần. Nhưng tôi cũng thấy chư Phật và chư Bồ tát đến rất nhiều lần. Khi các con quỷ vô thường thấy chư Phật và chư Bồ tát bảo vệ tôi, thì chúng nhìn quanh, đảnh lễ và sau đó rời đi. Tôi không biết tại sao chúng lại đảnh lễ tôi.

Tỉnh giấc nào thấy thần đến cứu. Khi tôi thức dậy, khó tìm thấy một vị thần tiên nào có thể cứu tôi. Ai có thể cứu tôi? Tôi vẫn tự mình phấn đấu và chiến đấu với các quỷ vương trong lúc bệnh.

Tôi nói thật với quý vị, lần này tôi đến Đài Loan, các quỷ vương đều đợi tôi, sẵn sàng khiêu chiến với tôi. Nếu tôi không có lực lượng, tôi sẽ không dám đến Đài Loan. Ở đây có rất nhiều quỷ vương. Tất cả những quỷ vương đều tìm cách ngăn không cho tôi đến Đài Loan. Tôi nói ra điều này dầu quý vị có quan tâm nghe hay không, vì tôi đã đến Đại Loan rồi, tôi có thể sẽ tùy theo hoàn cảnh. Tôi không sợ bất cứ kẻ khiêu chiến nào.

Những con cháu quỷ vương này là ai? Là trong những Phật giáo đồ trong thời mạt pháp.

........

Biết chăng mạng người một hơi thở? Sanh mạng chỉ trong một hơi thở, quý vị có biết điều đó không? Hãy nhanh lên chuẩn bị hành trang, và

Mau về chốn tự tại thanh tịnh. Hãy mau học niệm Phật và cầu sanh về Tịnh Độ. Đó là nơi thanh tịnh nhất, không bận rộn như ở đây. Hương thơm của hoa và tiếng chim hót hoàn toàn khác biệt với thế giới của chúng ta. Do đó “Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng Mạng. Những thứ chim này, ngày đêm sáu thời, hót lên tiếng hòa nhã, tiếng ấy diễn xướng năm căn, năm lực, bảy Bồ-đề phần, tám thánh đạo phần.”. Đức Phật sau đó nói với Xá Lợi Phất rằng đừng nghĩ những chim này là súc sanh. Phật A Dì Đà tạo nên chúng bằng hóa thân để rộng tuyên Pháp âm. Chúng là chim thần, không giống như chim trong thế giới chúng ta. Những chim này có thể sống mà không cần ăn. Chúng không uống mà không khát nước. Chúng không ăn mà không cảm thấy đói. Trong khi chim thường thì sẽ nuốt chửng bất cứ sâu bọ nào mà chúng thấy, chúng lấy đi sanh mạng của sinh vật khác. Chim tại cõi Cực Lạc thì không giết hại, và người ở đó cũng vậy. Do đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán cõi Cực Lạc là nơi mà chúng sanh được thoát khỏi mọi khổ não và chỉ hưởng mọi điều vui. Bởi vì Phật Thích Ca không nói dối, chúng ta nên tin sâu chắc và đừng có chút hoài nghi nào về Thế Giới Cực Lạc." ("Talks on Dharma during the 1993 Trip to Taiwan", trang 115 - 141).

http://www.dharmasite.net/thiluan.htm#5


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.47 khách