Thực tập yêu thương mọi lúc

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Thực tập yêu thương mọi lúc

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

Tình thương là gì? Làm thế nào để yêu thương đậm sâu? Trên đời này thực sự có tình yêu đích thực không? Người trẻ hay hỏi, cô ấy có thương mình không, anh ấy có thương mình không, ba mẹ có thương mình không hay bạn bè có thực lòng với mình không. Ấy vậy họ ít khi tự hỏi, mình có thiệt thương cô ấy hay anh ấy không, mình có thiệt thương ba mẹ không, mình có thiệt thực lòng với bạn bè không. Tình thương đích thực là thứ tình cảm đẹp đẽ, ban phát hạnh phúc đến đối tượng, hiểu rõ khổ đau của đối tượng, vui với cái vui của đối tượng và thiết tha với đối tượng đó một cách chân thành tột cùng. Thương người thì phải làm cho người vui như có mặt cho họ, lắng nghe họ và khuyến khích họ vượt qua thử thách. Thương người thì phải biết người đang buồn điều gì, mong muốn điều gì và có nỗi khổ niềm đau nào. Thương người thì phải hạnh phúc khi người hạnh phúc, hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình. Thương người thì phải đối xử với người thành thật, không suy tính, không đắn đo, không kỳ thị. Khi yêu thương hết lòng, mình không đặt điều kiện, không đòi hỏi quá đáng và không thấy mình là người ban phát yêu thương. Ranh giới giữa thương và ghét rất mỏng manh. Có người thương nhiều lắm nhưng khi ghét rồi là ghét cả tông môn họ hàng, nên cái thương lúc ban đầu hơi có vấn đề. Tình thương không có mặt của sự chiếm hữu vì như vậy là lợi dụng tình thương, người càng ngày càng xa cách. Mình phải biết hy sinh, đức tính hy sinh vượt thắng mọi đòi hỏi, nếu có chăng đó chỉ là sự chia sẻ để các bên hiểu nhau và nhờ thế thương nhau hơn.

Bản chất của con người là tình thương và nhờ có tình thương, họ mới sống được, bằng không họ không thể lớn lên, không thể trưởng thành. Sở dĩ người mạnh mẽ vì tình thương đang trào dâng mãnh liệt. Thương quá mức bị cho là yếu đuối, không phải vậy, thương nhiều hay ít không quan trọng, có thương là hay lắm rồi, không biết thương mới đáng trách. Tình thương không phải là phong trào hay mốt mà là quyền lợi. Mình có quyền thương người này người kia nhưng phải thương như thế nào cho đúng, để mình có hạnh phúc và người kia cũng có hạnh phúc. Nhiều chàng trai hay khoe khoang là mình có nhiều người yêu hay được nhiều cô theo đuổi, các cô cũng vậy. Hoặc nhiều thanh thiếu niên cặp bồ cặp bạn để chứng minh mình có người yêu với người khác, cũng biết lo biết lắng, cũng suy nghĩ mộng mơ. Cái gì đến nhanh thì cũng qua nhanh, nếu có kéo dài cũng là sự tạm bợ. Con người bị ràng buộc bởi nghĩa vụ và trách nhiệm mà không chịu nhìn nhận đó là quyền lợi. Hai vợ chồng mới cưới, vợ có nghĩa vụ và trách nhiệm với chồng, chồng cũng vậy, nếu ai vi phạm, xem như lỗi đạo của nhau. Người chồng than phải đi làm kiếm tiền, phải chăm lo sự nghiệp, phải xây dựng nhà cửa. Người vợ than phải quán xuyến chuyện nhà, phải nuôi dạy con cái, phải chăm sóc gia đình. Nói chung đủ thứ chuyện. Đứa con cũng than, được cho là có nghĩa vụ và trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Nói nghĩa vụ và trách nhiệm nghe sao nặng nề quá, giống như vật cản đường, đè lên đôi vai gầy gò của con người. Cần thay đổi thái độ, vợ chồng hay đứa con phải thay đổi thái độ. Chồng chăm sóc vợ và gia đình là quyền lợi của anh chồng, anh đang chăm sóc hạnh phúc của chính anh, nói như vậy để anh thực hiện quyền lợi hết lòng. Vợ chăm sóc chồng và gia đình là quyền lợi của chị, chị đang chăm sóc hạnh phúc của chính chị, nói như vậy để chị thực hiện quyền lợi hết lòng. Đứa con chăm sóc cha mẹ là quyền lợi của đứa con, đứa con đang chăm sóc hạnh phúc của chính mình, nói như vậy để đứa con thực hiện quyền lợi hết lòng. Biểu hiện của tình thương là xem nghĩa vụ và trách nhiệm là quyền lợi, tức là chấm dứt việc đòi hỏi người khác thương mình vì muốn người khác thương mình, trước hết mình phải thương họ mà làm gì khi thương họ, thực hiện các quyền lợi đã nói ở trên.

Biết thương mới biết tu nên tập thương rồi hãy tập tu. Không biết thương mà đi tu là phá chùa. Ai cũng biết thương yêu nên ai cũng biết tu tập. Vậy có ai mời mình tu tập thì đừng có từ chối, vì nếu từ chối, chứng tỏ mình không biết thương yêu. Một anh chàng nói, từ khi chia tay cô ấy, tôi mới thương cô ấy nhiều hơn. Thật dại dột khi nói như thế vì lúc thương người mình không chịu nói, không chịu đầu tư, không chịu thương. Đến khi người đi rồi, mình mới nói, người đâu có nghe được, mình mới thấy người quý giá như thế nào. Ví dụ khác, khi cha mẹ còn sống không lo báo hiếu, cứ tưởng cha mẹ sống đời với mình. Lúc cha mẹ đột ngột đi rồi, ngồi than, phải chi thế này thế nọ. Tình thương trong mình hời hợt vậy đó, mình cứ lo chạy chỗ này chạy chỗ kia nhưng mấy chỗ đó không hề có mặt người thương. Cái ngu dại giết chết người thương, để người ấy héo hon, buồn tẻ, đến lúc chịu không nổi, người bỏ đi, mình mới giật mình, trời ơi bấy lâu mình cần người ấy mà mình không biết, bây giờ người đi rồi, mình mới hối tiếc vì đã bỏ mặc người quá lâu. Mình chạy theo sự nghiệp, bằng cấp, dự án, bóng hình khác trong khi người ấy chính là sự nghiệp, bằng cấp, dự án của mình. Tình thương là cả một sự nghiệp. Nếu sự nghiệp thành công mà tình thương sụp đổ, mình chỉ là một kẻ thất bại nặng nề. Hãy để tình thương biểu hiện trên gương mặt, trong trái tim và bằng nụ cười. Mình hay ngụy biện, tôi lo sự nghiệp là lo cho cô, lo cho gia đình này, lo cho cha mẹ, lo cho mấy đứa con. Gia đình cần cơm ăn áo mặc lắm chứ, nhưng họ vẫn cần mình hơn. Mình vẫn lo cho sự nghiệp, nhưng lo thế nào để người thương vẫn hiện tiền, không có “delete” họ.

Tu là đi vào cuộc đời để tu, không phải trốn tránh đời theo kiểu chuyện tình Lan và Điệp như người vẫn lầm tưởng. Đức Phật dạy chỉ có tu nơi thế gian, mới thành công và ngay thế gian, ngài tu thành Phật. Câu nói phiền não tức bồ đề được hiểu như vậy, tức là nhờ phiền não mới thấy được bồ đề hay hạnh phúc nằm ngay trong khổ đau. Đạo Phật đi vào cuộc đời là một thứ đạo Phật ứng dụng, nhìn rõ nỗi khổ niềm đau của đời và áp dụng các giáo lý các pháp môn Phật giáo để thực tập và chuyển hóa khổ đau. Người biết tu là người sống trong đời hay nhất, còn dù sống trong đời mà không tu thì như kẻ đi lang thang, ảo hóa đời mình. Tu trong chùa dễ lắm, ra chợ tu mới khó, người nào ở trong chợ tu được là giỏi. Giống như thiền tập, nơi vắng vẻ yên tịnh, hành giả có nhiều thuận lợi, nhưng ở nơi ồn ào, náo nhiệt, vẫn tỉnh thức vẫn chánh niệm, hành giả có sự tiến bộ. Giác ngộ là giác ngộ về sự thật của cuộc đời, nếu không đi vào đời, làm sao hiểu đời, làm sao quán chiếu sự sống. Mang yêu thương về đời, về với sự sống vì đời thiếu thốn tình thương vô cùng. Sở dĩ con người đến với nhau vì cô đơn quá lâu, thiếu thốn tình thương và không có con đường nào để đi. Đi vào cuộc đời để chấp nhận nó, không phải ghét bỏ hay phủ nhận. Cuộc đời được thiết kế bằng những chặng đường phải đi qua và dĩ nhiên sống ở chặng đường nào cũng thấy hạnh phúc, không phải đến cuối cuộc đời mới hạnh phúc. Đi vào cuộc đời tu tập làm gia tăng tính vững chãi với ước nguyện giải thoát và độ đời. Mục đích của người tu là đạt quả vị giải thoát, đạt an vui tuyệt đối, sau đó tìm cơ hội độ đời, giúp người này người kia tu tập. Người tu không tu cho riêng người, còn tu cho người khác, muốn giúp được người khác, phải tu cái đã, chưa thực tập được gì đã đòi độ đời, e rằng sẽ đi sai đường. Nhờ đi vào cuộc đời, người hiểu rõ đời cần gì, sử dụng các phương tiện thích hợp giúp chúng sinh thực tập hạnh phúc, chuyển hoá khổ đau.

Biểu hiện cao quý nhất của tình thương là thực tập nó. Nói rất hay, viết rất giỏi nhưng thực tập èo uột thì tình thương đó chỉ là lớp vỏ trấu bên ngoài. Tình thương là bản chất của người, tuy nhiên, tình thương phải thực tập bởi vì không thực tập, không làm mới sẽ mai một, sẽ tàn phai. Hai vợ chồng sống với nhau nhiều năm phải biết cách làm mới tình thương, bằng không họ sẽ mau chán vì tình thương bị bào mòn. Vợ chồng già còn đem ra toà li dị, nói chi đến vợ chồng trẻ, bởi họ không đầu tư cho tình thương, họ chỉ đầu tư cho vật chất, sự nghiệp, cho những thứ không phải là tình thương. Đây không là lý thuyết suông, đem ra viết sách hay trưng bày trong tủ kiếng, vì càng nói nhiều, người càng không có thời gian để yêu thương. Một số người lo ngồi tranh cãi các học thuyết, quan điểm hay ý kiến nhưng ít khi chịu thừa nhận rằng, làm như thế rất mất thì giờ. Thì giờ được dùng để có mặt cho nhau, chăm sóc nhau, thay đổi những điều cần thiết. Ngồi tranh cãi chẳng làm được gì mà còn đánh mất tình huynh đệ nếu không biết cách nói chuyện và chia sẻ. Tình thương cũng cần sáng tạo, không phải cứ rập khuôn theo sách vở hay lời khuyên của bác sĩ tâm lý. Có anh chàng sinh viên đại học Bách Khoa thì phải, chuyện xảy ra lâu quá tôi không nhớ nữa. Anh đã xếp một vòng tròn hình trái tim trước sân trường và bày tỏ tình cảm với một cô gái cùng trường. Cô gái sung sướng trước cử chỉ của anh, hạnh phúc không phải là vì nhìn thấy hình trái tim mà hiểu được công lao anh sưu tập hoa, ngồi xếp và muốn mang hạnh phúc đến cho cô. Thực tập tình thương không khó, thương thì không ngại gì nữa, thương thì vẫn cứ thương thôi. Nhìn vào những điều dễ thương của bản thân, xem mình có những tố chất dễ thương nào, tận dụng điều đó mà hiến tặng cho người khác. Ngày xưa tôi có người bạn cùng lớp có nụ cười rất đẹp, bạn ấy biết mình có nụ cười đẹp nên lúc nào cũng cười, chưa làm gì hết, chỉ mới cười thôi, mọi thứ đã trở nên dễ chịu. Tình thương là vậy, là nụ cười, là hỏi han, là chăm sóc, là giữ gìn, là trân quý, là tôn trọng, là sống vì người khác.

Hãy đi vào tình thương, đừng đi vòng quanh, đừng dậm chân tại chỗ. Nhiều người ngồi đo lường tình thương của người khác, phán xét họ, trong khi quên mất mình, quên đánh giá mình. Người trẻ làm việc cật lực để có đủ tài chính đi vòng quanh thế giới và xem đó là nhu cầu bức thiết chứng minh cho tính biết hưởng thụ của mình. Tôi đã chứng kiến một nhóm người ngồi trầm trồ khen ngợi một bạn ngồi kể mình đến nước này nước kia. Đi một ngày đàng học một sàng khôn là vậy, nhưng dù có đi vòng quanh thế giới cũng vẫn chỉ là đi vòng quanh, chưa bao giờ mình thực sự đi sâu vào lòng thế giới. Ngay cả việc sinh sống tại đước bản địa 10 năm, 20 năm hay cả đời, chưa chắc đã hiểu hết tính tình của đất nước đó. Đi 100 quốc gia nhưng không hiểu quốc gia nào, nếu có chỉ là hiểu hời hợt, hiểu theo kiểu phán xét và khoe khoang thì cái hiểu đó còn thô thiển và nhỏ mọn. Có lần đi trên chuyến bay, tình cờ tôi nghe một bạn trẻ ngồi chỉ trích nước của mình và nói chỉ muốn ở nước ngoài, không muốn về nước nữa. Bạn ấy không hiểu rằng đất nước bạn ấy ra sao là có sự đóng góp của bạn ấy, nếu muốn đất nước tốt đẹp, bạn ấy phải tốt đẹp đã. Chê bai đất nước mình, cũng là chê bai chính mình thôi. Nếu bạn ấy không thay đổi, đi đến nước khác ở, một thời gian sau bạn ấy sẽ chán rất mau và nhiều khi đem những điều không đẹp đến nơi ở mới. Đi đến đâu cũng là sự trở về, về ngay từng bước chân. Tình thương cũng vậy, nếu người đến Việt Nam, người mang tình thương đến Việt Nam, đến Nhật Bản, đem tình thương đến Nhật Bản. Tình thương mọi lúc mọi nơi, không phải đến chỗ này thì thương, chỗ kia thì ghét. Cái chỗ đâu bắt người phải thương hay ghét. Bởi người đi vòng quanh nên ngồi trên tàu siêu tốc, tình thương vẫn nhỏ bé và đi nhiều cách mấy, người vẫn đứng tại chỗ, chưa tiến triển gì thêm được.

Năng lượng của yêu thương rất mạnh, đập tan đau khổ rất mau, chữa lành vết thương rất nhanh và hàn gắn sự sức mẻ rất siêu tuyệt. Người bạn đang buồn, cảm thông với nỗi đau, mình ôm lấy đôi bờ vai của bạn hay nắm lấy bàn tay của bạn, người bạn cảm thấy nhẹ nhàng đi phần nào. Đứa con đang khóc, người mẹ chạy tới ôm lấy, sự có mặt của mẹ giúp bé bớt khóc và cảm thấy an tâm hơn. Ông ngoại vừa mất, bà ngoại đau khổ rất nhiều, mấy đứa con và mấy đứa cháu cùng nhau an ủi, khuyến khích, bà bớt đau vì thấy con cháu tề tựu quanh mình. Một đứa bạn ngồi tâm sự với vẻ mặt buồn rầu, số tao sao hẩm hiu, chẳng ai thương tao. Đứa bạn ngồi kế bên, còn tao nữa chi, có tao thương mày nè. Chỉ mới nói thế, người bạn đau khổ đã thấy nhẹ nhõm phần nào và ánh mắt sáng lên. Cậu bạn nói thêm, mày rảnh không, chiều nay đi tập bóng chày hay đá banh gì không. Người bạn đau khổ mừng vui thêm nữa, ít nhất cũng có một người bạn và người đó đồng ý có mặt cho mình trong buổi tập bóng. Người có tình thương năng lượng rất mạnh, bẻ gãy nòng súng, ngăn chặn cả trận cuồng phong, làm chùn bước cả cơn giông bão, người hung dữ nhất cũng trở nên hiền lành. Bài kệ Im Lặng Sấm Sét nói lên tình thương vô biên, phá tan hận thù, đem lại trời xanh mây trắng, không còn mưa gió bão bùng gì nữa, nếu có cũng không làm gì được. Cái im lặng này là sự im lặng của những tham đắm bên trong, không cho nó tấn công và làm mất mát tình thương. Công việc hàng ngày có thể bận rộn nhưng hãy chăm lo cho sức khỏe tình thương và trị liệu tình thương của mình. Tình thương có không ít căn bệnh nên sức khỏe lúc thăng lúc trầm. Thân thể bào mòn và tan rã, tình thương phải tỷ lệ nghịch với nó. Tuổi càng cao, tình thương phải càng lớn, Tuổi cao, tình thương nhỏ lại, có khác gì trẻ nít. Mấy đứa nhỏ nhiều khi biết yêu thương nhiều hơn người lớn. Bé Mai Xuân Trường, mới năm tuổi, con của cô giáo Võ Thị Mến, đã biết chăm sóc mẹ, hiếu thảo với mẹ, điều mà không ít người lớn không thể làm nổi.

Mang yêu thương về, người trở nên giàu có, không bay nhảy nữa. Mang về không phải là đi đâu đó đem về mà tình thương có sẵn trong mình, làm cho nó nảy mầm, phát triển và ra hoa kết trái. Khi tình thương ngự trị và hiện tiền, mình là gì cũng không sợ và đi đâu cũng thấy an toàn. Hãy cho nhiều hơn nhận, tức là ban phát tình thương, nhiều hơn thâu tóm tình thương, giống như hãy là người phụng sự, nhiều hơn là người hưởng thụ. Khái niệm trưởng thành của con người là trưởng thành về tình thương, biết thương, biết yêu. Ngày xưa, một vị sa di chỉ mới bảy tuổi đã biết tu tập, thậm chí đạt đạo quả A la hán, đơn giản vì vị sa di ấy biết quán chiếu sự sống, biết yêu thương tuyệt đối. Tình thương tuyệt đối là thứ tình thương không có mong cầu, không phân biệt đối tượng và cho dù người đối xử thế nào, dễ thương hay không dễ thương, nhiệm vụ của người cũng chỉ là thương thôi. Đến lúc nào đó, cái gì mình cũng thương được, cái gì mình cũng trân quý được, mình trở thành tình thương không sai. Nói đến đức Phật là nói đến từ bi, nói đến tình thương, không nói về điều gì khác. Khi ai kia nhắc đến mình là nhắc đến tình thương, sự thực tập của mình phần nào đúng đắn. Nếu nhắc đến mình là nhắc đến sự tham đắm, giận dữ, ích kỷ, bon chen…, sự thực tập của mình đã mai một và hình như chẳng thực tập được gì.

[Mục lục] [Xem tiếp]
[Blog Minh Thạnh - Yahoo 360 plus]
[Sách - Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại]

http://sachminhthanh.wordpress.com/2009 ... i-ben-kia/


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Vũ Khúc
Bài viết: 35
Ngày: 14/11/09 23:17
Giới tính: Nam
Đến từ: Việt Nam

Re: Thực tập yêu thương mọi lúc

Bài viết chưa xem gửi bởi Vũ Khúc »

Giữa biển đời mênh mông
Gặp nhau trong bất định
Tan hợp vô thường tính
Ngày mai ta là ai

Chẳng có ai là ta
Chẳng của ai riêng mãi
Cho nhau sông từ ái
Trả nhau biển yêu thương

Ngày mai có đôi đường
Tình thương còn đọng mãi
Nhớ nhau chớ ngoảng lại
Niệm câu A Di Đà


CHÂN PHÁP VÔ
Bài viết: 23
Ngày: 03/08/09 09:41
Giới tính: Nam
Đến từ: srv

Re: Thực tập yêu thương mọi lúc

Bài viết chưa xem gửi bởi CHÂN PHÁP VÔ »

...
Hiểu và thương
Có hiểu mới có thương,
Hiểu càng sâu thương càng nhiều,
Thương càng nhiều, hiểu càng sâu.
Hiểu sâu thương lớn!
...
(Sưu tầm từ Làng mai)


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.24 khách