Về con đường thành tựu Phật quả hay bồ tát đạo

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
whale
Bài viết: 350
Ngày: 23/09/09 02:04
Giới tính: Nam

Về con đường thành tựu Phật quả hay bồ tát đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi whale »

Trên đây là một vài ý kiến nhận xét của tôi về con đường thành tựu Phật quả của chư vị Bồ tát và các khía cạnh có liên quan thông qua tam tạng nikaya;để tránh tranh luận và kích động;tôi sẽ không trả lời bất kỳ bài post nào của ai trong topic này;tất cả những vấn đề khúc mắc có thể sẽ được tôi phân tích và mọi tư tưởng trong này được xem là chịu trách nhiệm cá nhân của chính mình.


whale
Bài viết: 350
Ngày: 23/09/09 02:04
Giới tính: Nam

Re: Về con đường thành tựu Phật quả hay bồ tát đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi whale »

Trước hết;kinh tạng Pali khẳng định rằng có một con đường dẫn đến thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác;tức là con đường của Bồ-tát;không có Bồ-tát đạo thì cũng không có quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác;đó cũng là nhân quả tất yếu;và không có một vị đệ tử nào có thể đắc được quả vị Toàn Giác.

Do đó những ý kiến cho rằng quả Alahán cũng là quả vị Toàn Giác thì điều đó sai;mà chỉ có điều này xảy ra-sự đắc quả Alahán xảy ra đồng thời với quả vị Toàn tri;tức là thời điểm đắc mà Bồ tát đắc quả Alahán cũng là đắc luôn quả vị Toàn tri;phân tích rõ hơn-sự đắc quả Alahán của một cá nhân đồng nghĩa với sự dứt sạch lậu hoặc;và khi vị Bồ tát dứt sạch lậu hoặc để trở thành Như Lai;thì quả vị;địa vị ngưu vương;chánh đẳng chánh giác cũng được thiết lập;nên kinh thường nói "Như Lai xuất hiện ở đời là vị Alahán;Chánh Đẳng Chánh Giác...) Còn đối với vị Độc Giác Phật thì thời điểm đắc quả Alahán(thời điểm đoạn tận lậu hoặc) cũng chính là thời điểm đắc quả vị Độc Giác Phật.Đối với các đệ tử thì thời điểm đắc quả Alahán chỉ xác nhận rằng vị ấy là Alahán;mặc dù các vị đệ tử này cũng có thể có một số đặc điểm nổi bật của riêng họ nhưng họ xếp dưới hai quả vị Toàn tri và Độc Giác vì những lý do sau:

1.Quả vị Toàn tri và Độc giác chỉ có thể xuất hiện trong thời kỳ giáo pháp của Đấng Như Lai thời quá khứ bị "tuyệt chủng";và trong thời đại mà giáo pháp của đấng Thập Lực còn được lưu truyền thì không có bất cứ một vị Chánh Đẳng Chánh Giác nào ra đời:

"10. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Trong một Thế giới, hai vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, không trước không sau, xuất hiện một lần, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Trong một Thế giới, chỉ có một vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, sự kiện này có xảy ra." (kinh Tăng Chi Bộ-chương 2 pháp)


whale
Bài viết: 350
Ngày: 23/09/09 02:04
Giới tính: Nam

Re: Về con đường thành tựu Phật quả hay bồ tát đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi whale »

2. Chỉ chúng sinh nào trên con đường đi đến Phật quả mới xứng đáng chính danh là Bồ-tát (Bodhisatta);còn những người đang đi trên con đường chứng ngộ quả Alahán dưới giáo pháp của Như Lai cùng những đời sống tiền kiếp của họ và những vị là tiền kiếp của các vị Độc Giác Phật cũng không gọi là Bồ-tát(một cách chính danh).Tôi không chấp nhận một sự mở rộng dễ dãi khái niệm Bồ-tát vì nó rất có thể gây hiểu nhầm;sự mở rộng này;lấy ví dụ trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp nổi tiếng của Hòa Thượng Narada;ngài có đề cập:

"This term is generally applied to anyone who is striving for Enlightenment, but, in the strictest sense of the term, should be applied only to those who are destined to become supremely Enlightened Ones. [3]

Danh từ này thường được dùng để chỉ bất luận ai, cố gắng thành đạt tuệ giác, nhưng theo đúng nghĩa của nó, Bodhisatta là người đã có lập lời chú nguyện đi theo con đường Chánh Đẳng Chánh Giác và đã có được thọ ký [3]."


Không;trong toàn bộ kinh điển Pali;danh từ Bodhisatta chỉ dùng cho các tiền kiếp của các đức Phật.Trong Jakata;Buddhavamsa và Cariyapitaka không có vị đệ tử Như Lai nào mà tiền kiếp được gọi là Bodhisatta;nếu quả thật Đức Phật chấp nhận một lối gọi Bodhisatta có thể mở rộng cho các đệ tử hay các phật tử bình thường thì điều này đã xuất hiện trong tam tạng Pali;nhưng Đức Phật chỉ dùng nó để mô tả về chính mình trước khi giác ngộ và mô tả về các vị Phật khác trước khi chứng Chánh Đẳng Giác (như bồ tát Vipassi). Một số người tự coi là thuộc phái Nam Tông(sự thật thì Phật pháp chân chính không có tông phái) thừa nhận rằng có ba hạnh bồ tát khác nhau là bồ tát thanh văn;bồ tát độc giác và bồ tát chánh đẳng giác tùy theo ước nguyện và quả chứng tương lai của họ;rất có thể các quan niệm này xuất phát từ các chú giải kinh Phật xuất hiện sau này chứ không xuất hiện trong tam tạng chính thống.

Chẳng hạn nếu ngài Sariputta những kiếp trước là một vị Bồ tát theo hạnh thanh văn thì đáng lẽ trong Jakata;hoặc trong các kinh khác Đức Phật khi kể về tiền kiếp phải nói rằng "Này các tỳ kheo;Sariputta trong quá khứ;khi còn là Bồ tát..." hoặc chẳng hạn quãng đời tìm đạo rồi học đạo của Upatissa và Kolita với vị giáo chủ ngoại đạo Sanjana cũng phải coi là thời kỳ Bồ-tát thanh văn.Tuy nhiên chẳng hề tìm thấy một đoạn văn nào ngài Sariputta và Moggalana lại nhắc về thời kỳ đó như là Bồ tát thanh văn cả.

Do vậy;chỉ có một giả thiết hợp lý khả dĩ;là chỉ có một hạng Bồ tát là Bồ tát hướng đến quả Chánh Đẳng Giác;còn những người tầm cầu giác ngộ khác chỉ là tầm cầu giác ngộ thôi.Sự phân chia thành 3 hạng bồ tát :thanh văn;độc giác và bồ tát chánh đẳng giác chỉ xuất hiện về sau trong các tập chú giải;và ko đúng với tinh thần nguyên thủy của Đức Phật.


tqh009
Bài viết: 343
Ngày: 27/01/10 22:35
Giới tính: Nam
Đến từ: Giac ngo

Re: Về con đường thành tựu Phật quả hay bồ tát đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi tqh009 »

Nghiên cứu về quả quá nhiếu sẽ giúp tôi trở thành một chuyên viên trồng cây ăn quả hay một nông dân thực thụ.


whale
Bài viết: 350
Ngày: 23/09/09 02:04
Giới tính: Nam

Re: Về con đường thành tựu Phật quả hay bồ tát đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi whale »

3.Đức Phật tối thượng: tất cả các bộ phái đều thừa nhận đức Phật là tối thượng;là vô thượng sĩ;điều này có thể coi là niềm tin cơ bản của Phật tử.Do vậy con đường Bồ tát chân chính là con đường vĩ đại nhất;nếu bạn có nguyện vọng trở thành một vị Phật thì bạn có thể giữ nguyện vọng đó hoặc không;hoặc bạn không chú nguyện thành một vị Phật nhưng bạn vẫn ngưỡng mộ những đức tính của vị Bồ tát và noi theo gương đó;thì những hành vi của bạn vẫn sẽ gieo được nhân lành.Tuy nhiên;nếu có nguyện vọng và để không cho nguyện vọng đó trở thành cuồng vọng hay thất vọng;bạn cần tránh những hiểu lầm về con đường Bồ tát đạo và những gì mà vị Bồ tát thực hành;mà được ghi lại trong các tập kinh tiểu bộ như Phật sử;Hạnh tạng và Jataka.

Một số người tự nhận là theo Bồ-tát thừa;ráng cứu độ chúng sinh và nguyện thành tựu Phật quả nhưng lại có những hành vi không xứng đáng với chính danh Bồ-tát;một vị Bồ tát không nên có những hành vi gây chia rẽ trong cộng đồng và đức tính luôn đem lại hòa hợp sẽ tạo quả tốt trong tương lai:

19. Này các Tỷ-kheo, Như Lai trong bất cứ đời trước nào... đời trước làm Người, từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì chỗ này không đi nói chỗ kia để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Ngài sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ đã hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, nói lời đưa đến hòa hợp. Do tác động, chất chứa, tích tụ, tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi thiện thú, Thiên giới, cõi đời này... Ngài sau khi tạ thế từ chỗ kia sanh lại tại chỗ này với hai tướng Ðại Trượng phu: có bốn mươi răng, và giữa răng không có kẻ hở.

Bạn nên tránh những sự kỳ thị nam tông bắc tông;đại thừa và tiểu thừa;những kỳ thị này cũng chẳng khác gì những kỳ thị kiểu như kỳ thị vùng miền của những tư tưởng địa phương chủ nghĩa;kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giàu nghèo;bước vào đạo Phật hãy bước qua sự kỳ thị.Tiêu chí chân chính nhất để bạn kính phục hay không;đặt niềm tin hay không là đạo đức của mỗi cá nhân;là trí tuệ của họ liên quan đến những gì có thể đem lại giải thoát.Dù là phàm hay thánh-nếu giới uẩn của họ hơn bạn hãy học hỏi họ ở giới uẩn;nếu định uẩn của họ hơn bạn hãy học họ ở định uẩn;nếu tuệ uẩn;giải thoát uẩn;giải thoát tri kiến uẩn của họ hơn bạn;hãy học hỏi những điều đó để mình được đầy đủ hơn.Phật giáo chân chính không có tông phái;không có nam bắc.Và những danh từ thế tục chỉ là danh từ thế tục.Điều quan trọng bạn phải nhìn nhận được cái gì là tà cái gì là chánh;cái gì đem lại đau khổ và cái gì đem lại hạnh phúc lâu dài.


whale
Bài viết: 350
Ngày: 23/09/09 02:04
Giới tính: Nam

Re: Về con đường thành tựu Phật quả hay bồ tát đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi whale »

(tiếp)
Quả thật;Như Lai là vị Pháp Chủ;ngài có danh tiếng hơn các vị đệ tử nhiều;uy tín và khả năng giáo hóa của ngài cũng cao hơn;ngài cũng có một số năng lực mà các vị đệ tử khác không có.Trong đạo vô ngại giải: 6 năng lực đó là:

68.Indriyaparopariyattañāṇaṃ.
Hiểu rõ về sự cân bằng các quyền

69.Sattānaṃ āsayānusaye ñāṇaṃ.
Hiểu rõ về các tùy miên;xu hướng của chúng sinh

70.Yamakapāṭihīre ñāṇaṃ.
Hiểu rõ về năng lực song thông

71.Mahākaruṇāsamāpattiyā ñāṇaṃ.
Hiểu rõ về lòng đại bi

72.Sabbaññutaññāṇaṃ.
Trí toàn giác hay nhất thiết trí

73.Anāvaraṇañāṇaṃ.
Trí không ngăn ngại.


Rõ ràng là năng lực của Như Lai hơn các vị đệ tử về nhiều phương diện nhưng ko phải là Đức Phật đoạn tận nhiều lậu hoặc hơn các đệ tử.Tất cả các bậc Thánh A la hán đệ tử;Độc Giác Phật cũng đều lậu tận.Và xét về khía cạnh tẩy sạch tùy miên và nhiễm ô;sự thoát khỏi khối khổ ách;thì sự giải thoát của bậc A la hán đệ tử và Độc Giác Phật chẳng có gì là không rốt ráo;tất cả họ vĩnh viễn không còn tái sinh.

Tuệ lực của Độc Giác Phật và Bậc Thánh A la hán đệ tử cũng như ảnh hưởng và uy tín của họ không bằng Thế Tôn;Bậc A la hán ;Chánh Đẳng Giác.Nhưng họ cũng là những bậc đáng được xây tháp cúng dường(cùng với Chuyển Luân Thánh Vương-cũng là bậc đáng được xây tháp cúng dường);bạn đi theo con đường của Bồ tát thì bạn không nên xem nhẹ họ bằng những tư tưởng như là hạng "nhị thừa tiêu nha bại chủng" hay là "tiểu thừa hạ liệt".Không không và không;họ là những người đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người;là những báu vật của thế giới;những tấm gương sáng chói về đức hạnh;là những người góp phần duy trì chánh pháp được tồn tại lâu dài.Thời đại mạt pháp là thời đại đến chữ thiện còn không còn huống hồ là việc thiện;nên bây giờ không phải là thời mạt pháp;vì vẫn còn rất nhiều người tu tập pháp thiện.Thậm chí nếu trong khoảnh khắc một cái búng tay;có người trì giới;hay tu từ tâm thì cũng là góp phần vào duy trì chánh Pháp;chánh Pháp còn cũng như bậc Đạo Sư còn vậy.

Bồ tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama cũng cúng dường rất nhiều các vị Độc Giác;A la hán đệ tử trong quá khứ.Và khi đã thành Pháp Chủ;ngài cũng đặc biệt quý trọng chư thánh Tăng;thường xuyên khen ngợi họ với các vị đồng phạm hạnh để họ có thể sách tấn lẫn nhau.

Nếu bạn có cái nhìn sai lệch về các vị A la hán;hay Độc Giác Phật;hãy thay đổi;chấp giữ những tư tưởng sai lầm sẽ cản trở bạn trên con đường đạt Toàn giác.Những người hơn người khác thật sự vừa tự tin hơn lại vừa khiêm tốn hơn;và chỉ khi nào bạn đạt được lậu tận(tức là chứng quả A la hán) thì bạn mới đạt được một trong 4 vô sở úy.Còn chưa đạt được 1 trong 4 vô sở úy thì bạn chưa thể "rống riếng rống con sư tử"về Chánh Pháp đâu.Không phải ở địa vị Ngưu Vương mà lại ngạo mạn và hủy báng thì rất có thể trở thành tay sai của Ma Vương.Đây là điểm rất nên cẩn trọng;vì mục đích chân chính của Quả vị Toàn giác không phải là danh tiếng;quyền lực hay lợi dưỡng;không phải vì tiếng khen;hay không phải vì để có nhiều đệ tử.

Phật sử (Buddhavamsa) chép:

Kiṃ me ekena tiṇṇena - purisena thāmadassinā

sabbaññutaṃ pāpuṇitvā - santāressaṃ sadevake. (55)

Ta có được gì khi là người biết được sức mạnh (của bản thân) lại vượt qua chỉ một mình? Ta nên thành tựu quả vị Toàn Tri và giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua.


Đó mới chính là mục đích của Toàn tri.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.15 khách