Chuyên tu và tạp tu

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Chuyên tu và tạp tu

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Chuyên tu và Tạp tu

Đường, Sa Môn Thiện Đạo Tập Ký

1. AN TÂM: gồm có ba tâm

Hỏi: Như có người muốn cầu vãng sanh nhưng không biết nếu có đầy đủ ba tâm thì chắc chắn được vãng sanh không?

Đáp: Muốn được vãng sanh về cõi nước kia, như Quán Kinh nói: “Nếu có đầy đủ ba tâm quyết chắc vãng sanh.” Thế nào là ba tâm?

1.1. Chí thành tâm: nghĩa là thân chuyên lễ bái đức Phật A Di Đà, miệng chuyên xưng tán Phật A Di Đà, ý chuyên niệm, quán tưởng Phật A Di Đà. Ba nghiệp luôn chân thật tinh cần tu tập, như vậy gọi là chí thành tâm.

1.2. Thâm tâm: nghĩa là tín tâm chân thật, tin mình là phàm phu đầy nghiệp chướng phiền não, phước mỏng nghiệp dầy, mãi luân hồi trong ba cõi, chẳng ngày thoát ly. Nay nương nhờ bổn nguyện của Phật A Di Đà, xưng danh hiệu Phật nhẫn đến mười niệm, quyết định cũng được vãng sanh. Tin chắc như vậy trong tâm không còn chút nghi ngờ, không chút do dự, gọi là thâm (tín) tâm.

1.3. Hồi hướng phát nguyện tâm: nghĩa là khi làm tất cả các việc Thiện dù nhỏ dù lớn cũng đều phải hồi hướng vãng sanh, gọi là hồi hướng phát nguyện tâm.

Chuyên cần tu tập ba tâm trọn đủ không thiếu sót, quyết định sẽ được vãng sanh. Nếu thiếu một trong ba tâm thì sự vãng sanh khó được bảo đảm, phải nên thận trọng, muốn biết đầy đủ xin xem trong Quán Kinh (cũng gọi là Kinh Thập Lục Quán).


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Chuyên tu và tạp tu

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

2. KHỞI HẠNH: ngũ niệm môn

Thế Thân Bồ-tát Vãng Sanh Luận nói: “Nếu có người phát nguyện sanh về cõi nước Cực-lạc, phải tu ngũ niệm môn.” Ngũ niệm môn nếu đủ quyết định sanh về cõi nước kia. Những gì là ngũ niệm môn?

2.1. Thân nghiệp lễ bái môn: nghĩa là một lòng thành kính chắp tay, cúng dường hương hoa, trọn đời thân chỉ chuyên lễ bái Phật A Di Đà, đó gọi là lễ bái môn.

2.2. Khẩu nghiệp tán thán môn: nghĩa là hết lòng xưng tán tướng tốt quang minh của Phật A Di Đà; Tướng tốt quang minh của chư Thánh chúng và cảnh giới trang nghiêm của cõi nước kia, đó gọi là tán thán môn.

2.3. Ý nghiệp ức niệm quán sát môn: nghĩa là chuyên tâm nhiếp ý, quán tưởng hoặc niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tướng tốt quang minh của Thánh chúng và sự trang nghiêm của cõi nước Cực-lạc. Như trong Quán Kinh đã thuyết minh đầy đủ. Trong tất cả thời đều phải nhớ niệm, quán tưởng những việc như vậy gọi là quán sát môn.

2.4. Tác nguyện môn: nghĩa là đêm ngày chuyên tâm chánh niệm, trong tất cả các thời, tất cả mọi nơi, ba nghiệp, bốn oai nghi. Hễ làm được chút công đức chi, chẳng luận ban đầu, ở giữa hay lúc cuối đều dùng tâm chân thật hồi hướng vãng sanh về cõi Cực-lạc, đó gọi là tác nguyện môn.

2.5. Hồi hướng môn: nghĩa là tự mình tận lực làm các việc phước thiện và phát tâm tùy hỷ cho đến những loài chúng sanh trong chín cõi. Dưới từ phàm phu trên đến các bậc Thánh. Hễ họ làm được điều thiện gì mình cũng phải sanh tâm vui mừng tán thán và tùy hỷ. Xưa các đức Phật, Bồ-tát đã khởi tâm tùy hỷ như thế nào, nay ta cũng nguyện tùy hỷ như thế ấy. Đem công đức của việc tùy hỷ cùng những công đức có được hồi hướng cho mình cùng tất cả chúng sanh đều được vãng sanh về cõi Cực-lạc, đó gọi là hồi hướng môn.

Sau khi vãng sanh về cõi nước kia, có đủ sáu phép thần thông, trở lại Ta-bà, vào sanh ra tử, hóa độ chúng sanh, tận cùng thời gian, tâm không mệt mỏi, cho đến thành Phật, cũng gọi là hồi hướng môn.

Tu tập đủ năm môn này, quyết định sẽ vãng sanh. Tùy theo khả năng khởi tu các hạnh nghiệp. Dù tu hạnh nghiệp nào cũng phải cùng ba tâm (chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm) tương hợp thì chẳng luận ít nhiều đều gọi là Tịnh nghiệp chân thật, phải nên biết như vậy.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Chuyên tu và tạp tu

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

3. TÁC NGUYỆN: tứ tu
Lại phải chuyên tâm thực hành bốn pháp tu, thường nhớ nghĩ đến ba tâm, năm niệm mà hành, được vậy quyết chắc được vãng sanh. Những gì gọi là tứ tu?

3.1. Cung kính tu: nghĩa là thân cung kính lễ bái đức Phật A Di Đà cùng tất cả chư Thánh chúng, gọi là “cung kính tu”. Một lòng chuyên tu như vậy cho đến lúc lâm chung, thề chẳng đổi thay, đó gọi là “trường thời tu.”

3.2. Vô dư tu: nghĩa là một lòng xưng danh hiệu Phật A Di Đà, chuyên niệm, chuyên tưởng, chuyên lễ, chuyên tán thán Phật A Di Đà, Tây-Phương thánh chúng, ngoài ra chẳng tu tạp nghiệp chi khác, đó gọi là “vô dư tu”. Chuyên tu như vậy cho đến lúc lâm chung, thề chẳng đổi thay, gọi là “trường thời tu.”

3.3. Vô gián tu: nghĩa là chuyên cần cung kính lễ bái, xưng danh tán thán, nhớ niệm quán sát hồi hướng phát nguyện, tâm tâm liên tục, chẳng để việc chi khác xen tạp làm gián đoạn gọi là “vô gián tu”. Trong mỗi hạnh nghiệp đều tinh chuyên như vậy cho đến lâm chung, thề chẳng đổi thay gọi là “trường thời tu.”

Bồ-tát khi liểu sanh thoát tử, thấu rõ các pháp vốn giả huyễn không thật, mà làm các thiện pháp, hồi hướng cầu Phật quả, gọi là tự lợi; Hóa độ chúng sanh cùng tận kiếp vị lai, tức là lợi tha. Như nay ta bị phiền não trói buộc, chưa thoát khỏi cái khổ luân hồi, sợ đọa lạc trong ba đường ác; Do đó hãy nên tùy duyên lập hạnh tu tập. Được bao nhiêu công đức, nguyện đem tất cả thiện căn ấy hồi hướng vãng sanh cõi nước của đức Phật A Di Đà. Một khi đã được vãng sanh về cõi nước đó rồi thì chẳng chi đáng để sợ hãi nữa. Y theo tứ tu tùy duyên tu tập, tự lợi, lợi người, không chi chẳng đủ, phải nên biết như vậy.

Trong Kinh Văn Thù Bát Nhã có nói: “Người tu pháp “nhất hạnh Tam muội” nên ở một mình nơi yên tĩnh, xả bỏ loạn tưởng, tâm nghĩ đến một vị Phật, chẳng quán tướng mạo, chỉ chuyên xưng danh hiệu.”

Hỏi: Vậy tại sao không quán tưởng mà chỉ chuyên trì danh hiệu, ý đó thế nào?
Đáp: Chính vì chúng sanh nghiệp chướng ngăn che, tình trần lừng lẫy, quán cảnh vi tế, tâm chúng sanh tạp loạn, quán pháp khó thành tựu; Cho nên đấng Đại Thánh từ bi thương xót, chỉ khuyên chuyên xưng danh hiệu. Tại vì xưng danh hiệu dễ hơn, chỉ cần niệm niệm tương tục, quyết chắc được vãng sanh.

Hỏi: Như lời ngài dạy chỉ nên chuyên xưng một danh hiệu Phật, vậy tại sao cảnh hiện lại nhiều? Đây có phải là tà chánh lẫn lộn chăng hay phần nhiều do cảnh tạp hiện ra?

Đáp: Đây là pháp mà chư Phật nối nhau chứng đắc, vốn chưa từng đổi thay. Thảng như do niệm một mà thấy nhiều thì có chi trái với đạo lý? Lại như Quán Kinh khuyên hành giả tọa thiền, quán tưởng, lễ niệm v.v… hướng mặt về phương Tây là thù thắng hơn cả. Theo lẽ thông thường khi cây đã nghiêng về phương nào thì khi đổ cũng sẽ ngã về phương ấy. Nhưng nếu có sự ngăn ngại chẳng thể hướng về phương Tây lễ niệm, quán tưởng, thì chỉ cần quán tưởng mình hướng về phương Tây cũng được.

Hỏi: Tất cả chư Phật ba thân trọn đủ, bi trí vẹn toàn, chưa từng sai biệt. Vậy nay tùy phương lễ niệm, xưng niệm một danh hiệu Phật thì cũng được vãng sanh, cớ sao chỉ riêng tán thán, xưng niệm, lễ bái, cảnh Tịnh độ Di Đà ở phương Tây? Nghĩa ấy thế nào?

Đáp: Pháp mà chư Phật chứng đắc xưa nay vốn chưa từng sai biệt. Nhưng nếu nói về “Hạnh, Nguyện” nhiếp thọ chúng sanh thì chẳng thể chẳng nói đến nhân duyên. Đức Di Đà Thế Tôn, xưa đã phát thệ nguyện sâu nặng, dùng ánh quang minh của danh hiệu Phật, nhiếp hóa mười phương chúng sanh. Hễ có chúng sanh nào sanh tâm chơn tín, tha thiết phát nguyện, niệm Phật cầu sanh thì dù là người trọn đời tu tập, cho đến kẻ niệm mười câu cũng đều nhờ oai thần, nguyện lực của Phật mà được vãng sanh. Chính vì vậy mà đức Thích Ca Như-lai cùng mười phương chư Phật đều khuyên hướng Tây phương lễ niệm là thế; Chứ chẳng phải là xưng niệm danh hiệu các đức Phật khác không thể diệt trừ tội chướng. Phải nên biết như vậy.

Nếu có thể như lời chỉ dạy tu tập, niệm niệm tương tục, đến khi mạng chung, mười người thì cả mười đều quyết chắc đều được vãng sanh, trăm người thì cả trăm người đều được vãng sanh quyết không sai! Cớ vì sao vậy? Vì không bị những duyên tạp làm mất chánh niệm, cùng bổn nguyện của Phật được tương ưng, chẳng nghịch với lời giáo huấn của Phật, tùy theo lời Phật dạy. Nếu xả bỏ chuyên tu, chỉ tùy theo duyên tạp thì trăm người khó được một hai người vãng sanh, ngàn người khó được ba bốn, vì sao vậy? Vì:

Một, do tạp duyên loạn động làm mất chánh niệm.
Hai, chẳng tương ưng với bổn nguyện của Phật.
Ba, chẳng hợp với ý Kinh.
Bốn, chẳng thuận theo lời Phật dạy.
Năm, nhớ niệm không liên tục.
Sáu, ý tưởng thường bị gián đoạn.
Bảy, hướng nguyện không ân cần và tâm không tha thiết chân thật.
Tám, bị tham, sân cùng các thứ phiền não làm gián đoạn.
Chín, tâm chẳng thường tha thiết sanh tàm, quý sám hối.
Mười, chẳng tương tục nhớ niệm đền báo ân đức Phật Di Đà.
Mười một, tâm sanh khinh mạn, tuy có tu các hạnh nghiệp mà lại thường cùng với danh lợi tương ưng.
Mười hai, thường bị thị phi nhơn ngã che phủ nên chẳng thường gần gũi đồng hành thiện tri thức.
Mười ba, ưa thích duyên tạp, tự làm chướng ngại mình và người vãng sanh.

Nay tôi thấy hàng Tăng tục hạnh giải không đồng, cho nên sự chuyên tu, tạp tu có sự khác biệt. Nếu có thể chuyên tu thì mười người quyết sẽ được mười vãng sanh, tạp tu thì ngàn người chẳng được một.

Như trên đã nói rõ sự lợi và hại của việc chuyên tu, tạp tu. Ngưỡng nguyện các hành giả Tịnh nghiệp khéo tư duy tự chọn lựa. Đối với những ai đã quyết chí cầu sanh Tây phương, hãy tự gắng sức trong bốn oai nghi chuyên chú nhớ niệm Phật, đêm ngày chẳng luống. Lấy lâm chung làm kỳ hạn, xem những sự khổ của thế gian chỉ là việc nhỏ. Được vậy đến lúc mạng chung hơi thở trước vừa dứt thì niệm sau liền hóa sanh trong hoa Sen báu ở cõi Cực lạc của đức Di Đà. Đời đời kiếp kiếp thường hưởng vô vi pháp lạc, cho đến ngày thành tựu quả vị Phật, vĩnh viễn chẳng còn chịu đựng nổi khổ vào sanh ra tử nữa. Há chẳng phải là điều đáng ưa thích sao!
(Trích Thiện Đạo Toàn Tập)
Hết


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.21 khách