Một thời để chỏm

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
mimosa
Bài viết: 103
Ngày: 24/08/07 10:05

Một thời để chỏm

Bài viết chưa xem gửi bởi mimosa »

Một thời để chỏm
Thích nữ An Trí

Hôm nay soạn lại chồng tập cũ, bỗng rớt ra tấm hình trắng đen đã ngả vàng. Một tấm hình ngộ nghĩnh dễ thương, khiến tôi nhớ lại ngày ấy, cái ngày mà trên đầu còn để chỏm tóc, lúc đó tôi mới chừng ở tuổi 15, cái tuổi lắm mộng mơ và nhiều vụng dại, mà cuộc sống trong chùa thì lúc nào cũng … kỷ luật và … kỷ luật, đôi lúc cũng làm cho tôi khó chịu. Bởi lẽ tuổi thơ tôi không thích gò bó và hay nghịch phá. Lúc mới vào chùa thì tôi còn nhút nhát sợ sệt. Theo thời gian, công việc hằng ngày của tôi cứ trôi qua, tôi dần dần dạn dĩ hơn trước, và lúc ấy, bản tính nghịch phá của tôi mới thật sự bộc phát.

Chùa tôi ở thuộc vùng ngoại ô thành phố, chung quanh chùa có cây ăn trái rất nhiều, nào là xoài, dừa, thanh long, mít v.v..., nhưng thầy tôi thì chẳng bao giờ cho ăn trái chín trên cây. Thầy bảo :

- Dừa để khô nấu kiểm, thanh long và xoài chín thì bẻ bán lấy tiền mua dầu ăn hoặc bột ngọt. Mít thì bẻ kho.

Ngày ngày thấy chúng lủng lẳng trên cây nhìn tôi đùa cợt, tôi tức lắm. Thế là vào một buổi trưa ngày nọ, khi thầy tôi và mọi người đang an giấc, tôi liền trèo lên cây xoài, tay cầm theo cây liềm. Vì sợ bẻ nguyên trái chín thì thầy phát hiện, nên tôi nghĩ ra sáng kiến, lấy cây liềm mổ vào, rồi đổ thừa những trái ấy bị chim ăn hoặc chuột gặm. Nhờ vậy huynh đệ chúng tôi mới có dịp mở hội bàn đào ăn một bữa no say.

Đó là những trò nghịch phá, còn cay đắng thì … ôi thôi ! Cứ 3g30 sáng là tôi phải thức dậy đóng chuông, quét dọn chánh điện, sắp kinh kệ chuẩn bị cho thời công phu khuya, vì công việc của tôi là hương đăng; 5 giờ sáng là tập thể dục, 5 giờ 30 ăn sáng, 6 giờ là phải ra đồng nhổ cỏ lúa, hoặc tưới cà, tưới bắp, tưới dưa. Vì chùa quê ruộng đất nhiều nên chúng tôi cực lắm, có khi 2 giờ sáng là phải dậy đốt đèn dầu hái đậu que cho kịp buổi chợ sáng, nhiều khi tưới đậu phộng tới 2, 3 giờ sáng vì giếng không đủ nước tưới. Vừa làm vừa phải đem chú Lăng Nghiêm ra ruộng học. Chú gì mà khó thế ? Vừa khó học lại vừa buồn ngủ, nên khi nghe sư huynh bảo chép ra rồi đốt bỏ vào trong nước uống thì học mau thuộc lắm, tôi liền làm theo, nhưng học hoài cũng vô không nổi. Bây giờ nghĩ lại tôi tự cười mình ngày đó sao mà khờ thế.

Công việc đồng áng tất bật suốt ngày đâu có thời gian mà học bài, nên có một hôm tôi bị mọi người cười quá trời vì cái tội không thuộc bài.

Số là ngày ấy kinh sách thì hiếm hoi, trường lớp thì không có nhiều như bây giờ. Huynh đệ chúng tôi được thầy cho qua chùa Huệ Quang theo Thượng tọa viện chủ bây giờ học Sa Di Luật Giải bằng Hán văn, mà gặp chữ Bắc, nên về chùa tôi cứ mãi cắm đầu vẽ chữ Nho cho kịp bài học ngày mai. Đã thế thì chớ, mỗi khi thầy giảng bài thì cứ gật đầu khen hay (ngủ gục). Hôm đó bất chợt thầy khảo bài, tên tôi được gọi đầu tiên.

- Con cho thầy biết "Hạ phong" là gì ?

Chưa kịp định thần, tôi vội vàng đứng lên đáp nhanh :

- Mô Phật thưa thầy, "hạ phong" là dưới gió (hạ là dưới, phong là gió).

Cả lớp cười ồ mà tôi thì không hiểu vì sao. Khi về chùa huynh đệ thấy tôi họ lại tiếp tục cười. Tức quá tôi mới bắt đầu học lại bài cũ và mới hiểu rằng vì sao hôm ấy mọi người lại cười mình. Thế là từ đó tôi bắt đầu chăm học Hán văn, càng học tôi càng thích thú bộ môn này.

Thể xác thì cực thế mà tinh thần nào có yên đâu. Thầy đệ tử đông quá nên không lo được cho mình. Nhiều khi muốn một vật thường thường cũng không có tiền để sắm, thèm một gói mì cũng không có tiền để mua. Vì có tiền là phải để dành đóng tiền trường học bổ túc tiếp chương trình bỏ dở. Thế là tôi phải tự lo cho mình tất cả. Đâu phải chỉ có vậy thôi ! Còn chuyện oan ức thị phi, sao mà cứ ngày càng dồn dập. Mỗi lần nghĩ tới là tôi muốn chạy về nhà ở với mẹ cho xong.

Giờ đây tôi đã trưởng thành, mới chợt hiểu ra rằng : Chính sự quyết tâm vượt qua những khó khăn của thời ấu thơ khi mới vào chùa, đã xây dựng cho tôi một tòa nhà nội tâm vững chắc khiến tôi còn ở lại với ngôi chùa làng cho đến ngày nay. Tâm tôi cởi mở hơn đối với những việc không vừa ý trong cuộc sống, và mỗi lần thấy người nào không đủ kham nhẫn chịu đựng những thử thách đến với mình trong cuộc đời tu, tôi đều thương và tìm cách trợ duyên, thầm cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho những ai đã có đủ thiện duyên xuất gia tu học, luôn giữ gìn được tâm Bồ-đề khởi phát tự buổi đầu, để vững bước tiến trên con đường giải thoát.


Hì hì người ta ký mình cũng bắt trước ký cho giống người ta:
Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai, Sự trục nhãn tiền quá, Lão tùng đầu thượng lai, Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Bản chữ Nôm:
Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa cười, Trước mặt việc đi mãi, Trên đầu già đến rồi, Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua sân trước một cành mai.
Mãn Giác 1052-1096, Thiền sư Việt Nam thời Lý

http://daitangkinhvietnam.org
http://diendan.daitangkinhvietnam.org
http://tudien.daitangkinhvietnam.org
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.13 khách