Thành Phật

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
zelda
Bài viết: 682
Ngày: 22/08/07 09:21
Giới tính: Nam
Đến từ: HCM
Nghề nghiệp: Đi làm , đi học

Thành Phật

Bài viết chưa xem gửi bởi zelda »

Sau khi Ðức Bồ Tát đã cảm thắng Ác Ma Thiên, vào canh đầu đêm rằm tháng tư âm lịch, Ngài tiến hành thiền định (samathabhāvanā) với đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra (anāpānassati) tuần tự chứng đắc 4 bậc thiền sắc giới như sau:
- Ðệ nhất thiền sắc giới: Có 5 chi thiền: hướng tâm, quan sát, hỉ, lạc, định, do chế ngự được 5 pháp chướng ngại: tham dục, sân hận, buồn chán- buồn ngủ, phóng tâm- hối hận, hoài nghi.
- Ðệ nhị thiền sắc giới: Có 3 chi thiền: hỉ, lạc, định, do chế ngự được hai chi thiền: hướng tâm, quan sát.
- Ðệ tam thiền sắc giới: Có hai chi thiền: lạc, định, do chế ngự được 1 chi thiền: hỉ.
- Ðệ tứ thiền sắc giới: Có 2 chi thiền: xả, định, do chế ngự được một chi thiền là lạc, thay chi thiền xả.
Ðó là 4 bậc thiền sắc giới làm nền tảng để chứng đắc tam minh.
TAM MINH
1- Túc Mạng Minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa)
Ðức Bồ Tát có đệ tứ thiền sắc giới, định tâm trong sáng thanh tịnh, thiền tâm không lay động, làm nền tảng, Ngài hướng tâm đến chứng đắc "Túc Mạng Minh", trí tuệ nhớ rõ lại tiền kiếp, từ 1 kiếp đến hàng trăm kiếp, hàng ngàn kiếp, hàng vạn kiếp, hàng triệu kiếp, hàng triệu triệu kiếp... cho đến vô lượng kiếp không giới hạn [3].
Túc mạng minh nhớ rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sanh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba la mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ... đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.
Túc mạng minh là minh thứ nhất mà Ðức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch).
2- Thiên Nhãn Minh (Dibbacakkhuñāṇa)
Ðức Bồ Tát có đệ tứ thiền sắc giới, định tâm trong sáng thanh tịnh, thiền tâm không lay động, làm nền tảng, Ngài hướng tâm đến chứng đắc Thiên nhãn minh: là trí tuệ thấy rõ biết rõ như mắt của chư thiên, phạm thiên, có khả năng thấy rõ, biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh.
Thiên nhãn minh có 2 loại:
- Tử sanh minh: là trí tuệ thấy rõ biết rõ sự tử, sự tái sanh của tất cả chúng sinh; sau khi chết, do nghiệp nào cho quả tái sinh cảnh giới nào, khổ, lạc như thế nào...
- Vị lai kiến minh: là trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của tất cả chúng sinh.
Chư Phật dùng vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác...
Thiên nhãn minh là minh thứ nhì mà Ðức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh giữa đêm rằm tháng tư (âm lịch).
3- Lậu Tận Minh (Āsavakkhayañāṇa)
Ðức Bồ Tát dùng đệ tứ thiền sắc giới làm nền tảng, để tiến hành thiền tuệ, quán xét thập nhị duyên sanh (paṭiccasamuppāda) là đối tượng thiền tuệ của chư Bồ Tát để chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác.
Ðức Bồ Tát quán xét thập nhị duyên sanh [4] theo chiều thuận như sau:
- Do vô minh làm duyên, nên hành sanh.
(Avijjāpaccayā saṅkhārā).
- Do hành làm duyên, nên thức sanh.
(Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ).
- Do thức làm duyên, nên danh sắc sanh.
(Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ).
- Do danh sắc làm duyên, nên lục nhập sanh.
(Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ).
- Do lục nhập làm duyên, nên lục xúc sanh.
(Saḷāyatanapaccayā phasso).
- Do lục xúc làm duyên, nên lục thọ sanh.
(Phassapaccayā vedanā).
- Do lục thọ làm duyên, nên lục ái sanh.
(Vedanāpaccayā taṇhā).
- Do lục ái làm duyên, nên tứ thủ sanh.
(Taṇhāpaccayā upādānaṃ).
- Do tứ thủ làm duyên, nên nhị hữu sanh.
(Upādānapaccayā bhavo).
- Do nhị hữu làm duyên, nên tái sanh sanh.
(Bhavapaccayā jāti).
- Do tái sanh làm duyên, nên lão tử... sanh.
(Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ...).
Ðức Bồ tát quán xét thập nhị duyên sanh theo chiều thuận, chiều sanh để trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ "Sự sanh" của mỗi pháp, trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý Khổ thánh đế và Nhân sanh Khổ thánh đế hay Tập thánh đế.
Ðức Bồ Tát quán xét thập nhị nhân diệt theo chiều nghịch, chiều diệt như sau:
- Do diệt tận vô minh, nên diệt hành.
(Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho).
- Do diệt hành, nên diệt thức.
(Saṅkhāranirodhā viññaṇanirodho).
- Do diệt thức, nên diệt danh sắc.
(Viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho).
- Do diệt danh sắc, nên diệt lục nhập.
(Nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho).
- Do diệt lục nhập, nên diệt lục xúc.
(Saḷāyatananirodhā phassanirodho).
- Do diệt lục xúc, nên diệt lục thọ.
(Phassanirodhā vedanānirodho).
- Do diệt lục thọ, nên diệt lục ái.
(Vedanānirodhā taṇhānirodho).
- Do diệt lục ái, nên diệt tứ thủ.
(Taṇhānirodhā upādānanirodho).
- Do diệt tứ thủ, nên diệt nhị hữu.
(Upādānanirodhā bhavanirodho).
- Do diệt nhị hữu, nên diệt tái sanh.
(Bhavanirodhā jātinirodho).
- Do diệt tái sanh, nên diệt lão tử...
(Jātinirodhā jarāmaraṇa... nirodho).
Ðức Bồ tát quán xét thập nhị nhân diệt theo chiều nghịch, chiều diệt để trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ "Sự diệt" của mỗi pháp, trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý: Diệt khổ thánh đế và Pháp hành chứng ngộ Niết Bàn, diệt Khổ thánh đế hay Ðạo thánh đế.
Ðức Bồ tát quán xét thập nhị duyên sanh - thập nhị nhân diệt theo chiều thuận - theo chiều nghịch, chiều sanh - chiều diệt trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh - sự diệt của mỗi pháp, thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt 4 pháp trầm luân (āsava) bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ tuần tự như sau:
- Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tà kiến trầm luân (diṭṭhāsava), đồng thời các tà kiến khác.
- Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tham dục trầm luân (kāmāsava) trong ngũ trần loại thô (còn loại vi tế chưa diệt được), đồng thời các tâm tham loại thô khác.
- Bậc Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tham dục trầm luân (kāmāsava) trong ngũ trần loại vi tế không còn dư sót, đồng thời các tâm tham loại vi tế khác.
- Arahán Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 2 pháp là: kiếp trầm luân (bhavāsava) và vô minh trầm luân (avijjāsava), đồng thời diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn mọi tham ái, phiền não, ác pháp không còn dư sót. Ðặc biệt Ðức Bồ Tát diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tiền khiên tật (vāsanā) [5] từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ.
Như vậy, Ðức Bồ Tát đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng đầu tiên trên thế gian.
Do đó, Ðức Thế Tôn có danh hiệu là "Sammāsambuddha: Ðức Chánh Ðẳng Giác".
Lậu tận minh là minh thứ 3 mà Ðức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh chót của đêm rằm tháng tư (âm lịch), lúc rạng đông. Ngài đã trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác cao thượng trong toàn cõi thế giới chúng sinh, tại cội cây Assattha. Do đó, cây Assattha này gọi là Bodhirukkha [6]: cây Bồ Ðề, đối với Ðức Phật Gotama của chúng ta.
Mười ngàn thế giới chúng sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc giới Phạm thiên tột đỉnh, chư thiên, Phạm thiên vô cùng vui mừng hoan hỉ thốt lên lời:
- "Sādhu!" "Sādhu!". Lành thay! Lành thay!
- Buddho uppanno! Ðức Phật xuất hiện trên thế gian rồi!
- Dhammo uppanno! Ðức Pháp xuất hiện trên thế gian rồi!
- Saṃgho uppanno! Ðức Tăng cũng sẽ xuất hiện trên thế gian này!
Tiếng tung hô vang dội khắp toàn cõi mười ngàn thế giới chúng sinh.
Ðiều phi thường chưa từng có trên thế gian này là:
* Tất cả các loài hoa đều đua nhau nở để cúng dường Ðức Phật.
* Tất cả các loại cây ăn trái, đều cho quả ngon ngọt.
* Tất cả những người mù từ lúc đầu thai, khi sanh ra không thấy được gì, thì nay có đôi mắt sáng, có thể nhìn thấy mọi vật trên đời.
* Tất cả những người điếc từ lúc đầu thai, khi sanh ra không nghe được âm thanh gì, thì nay hai tai có thể nghe rõ mọi thứ âm thanh.
* Tất cả những người què, bại liệt từ lúc đầu thai, khi sanh ra không đi lại được, thì nay có thể đi lại dễ dàng.
* Ðặc biệt nhất, ở địa ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với 3 thế giới, dành cho những chúng sinh có tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi) hoàn toàn không tin nghiệp quả. Ở địa ngục rất tối tăm đó, dầu ánh sáng của 7 mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu thấu đến tận nơi; song ánh sáng hào quang của Ðức Phật tỏa khắp 10 ngàn thế giới, chiếu sáng đến tận địa ngục Lokantarika. Cho nên, những chúng sinh ở nơi đó có thể nhìn thấy lẫn nhau.
Toàn thể 10 ngàn thế giới, chư thiên, Phạm thiên cúng dường đến Ðức Phật bằng những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm, vật thoa thượng hạng..., và tán dương ca tụng Ân Ðức Phật bằng hằng ngàn bài kệ.
Khi ấy, Ðức Thế Tôn tự thuyết ở trong tâm bằng 2 bài kệ rằng:
153- "Anekajātisaṃsāraṃ, sandhāvissaṃ anibbisaṃ.
Gahakāram ïgavesanto, dukkhājāti punappunaṃ.
154- Gahakāraka diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi.
Sabbā te phāsukā bhaggā, gahakūtaṃ visaṅkhataṃ
Visaṅkhāraṃ gataṃ cittaṃ, taṇhānaṃ khayamajjhagā". [7]
153- Này người thợ "tham ái" xây nhà "thân",
Như Lai cố tìm ngươi mà chưa gặp,
Nên tử sanh luân hồi vô số kiếp,
Tái sanh mãi trong tam giới là khổ,
154- Này tham ái, người thợ xây nhà "thân"!
Bây giờ Như Lai đã gặp ngươi rồi!
Tất cả sườn nhà, "phiền não" của ngươi, [8]
Như Lai đã hủy hoại sạch cả rồi.
Ðỉnh nhà "vô minh", cũng bị tiêu diệt,
Ngươi không còn xây nhà Như Lai nữa.
Tâm Như Lai đã chứng ngộ Niết Bàn,
Diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái [9] ,
Như Lai đã chứng đắc A- ra- hán".
Hai bài kệ cảm ứng tự thuyết ở trong tâm, đó là Phật ngôn đầu tiên của Ðức Phật (paṭhamabuddhavacana)
Hết


Gieo suy nghĩ, gặt hành động
Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách
Gieo tính cách, gặt số phận

Dick Lyles
Hình đại diện của người dùng
yen-phuong
Bài viết: 361
Ngày: 20/06/08 06:00
Giới tính: Nữ

Re: Thành Phật

Bài viết chưa xem gửi bởi yen-phuong »

Zelda ới ời,

Cho chị hỏi nè .

Trước khi Đức Bồ tát tu chuyển qua pháp tu khổ hạnh, Ngài học Thiền Sắc giới với đạo sư Alarama Kalama, và Vô Sắc giới với đạo sư Uddaka Ramaputta . Em có biết là bao lâu không ? Một tuần, hai tuần, ... ? Cuốn "Đức Phật và Phật pháp" của Ngài Narada nói rất mơ hồ "không bao lâu" mà thôi .

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-dp&pp/dp&pp01.htm

Cám ơn em trước .

Mến,
YP :)


Ví như nước trong đại dương chỉ có một vị, đó là vị mặn, pháp và luật của Như Lai cũng thế, chỉ có một vị, đó là vị giải thoát (vimuttirasa)” Lời Đức Thế Tôn (c.566 BC - c.480 BC)
"Diễn đàn tuy ảo, nhưng nghiệp quả có thật ."
"Chỉ có người giác ngộ và kẻ chưa giác ngộ." (Tông Phái Phật Giáo - Nội Quy Chuyên Mục)
zelda
Bài viết: 682
Ngày: 22/08/07 09:21
Giới tính: Nam
Đến từ: HCM
Nghề nghiệp: Đi làm , đi học

Re: Thành Phật

Bài viết chưa xem gửi bởi zelda »

Dạ em cũng không biết nữa . Chỉ biết là trong một thời gian ngắn mà thôi .
^^


Gieo suy nghĩ, gặt hành động
Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách
Gieo tính cách, gặt số phận

Dick Lyles
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.24 khách