Nhớ Lại Nhân Duyên "Như Thị" Với Hư Công

Kính mời các bạn góp sức bảo tồn tất cả các tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới, tiểu sử tăng ni, và Phật tử có công trong việc hoằng truyền Phật pháp.
Nội qui chuyên mục
- Trong quá chứ ban quản trị diễn đàn đã chịu rất nhiều phiền toái, do những kẻ giả mạo chùa và đoàn thể từ thiện để kêu gọi giúp đỡ. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu tất cả các thành viên không được gởi thư kêu gọi từ thiện lên diễn đàn và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung đăng tải bởi thành viên.
thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Nhớ Lại Nhân Duyên "Như Thị" Với Hư Công

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

BDH xin kính đăng một đoạn Cố Lão Hòa Thượng hồi ức nhân duyên "như thị" của Ngài với Tổ, để tưởng niệm đến Sư Phụ, đến Cố Lão Hòa Thượng trong dịp lễ giỗ này.



Tôi (Hòa Thượng Tuyên Hóa) là một sơn tăng ở vùng núi Trường Bạch, thuộc một Thiền đường ở Mặc Thủy. Từ nhỏ, tôi đã có lòng thiết tha tu đạo giải thoát. Khi được nghe về đức hiếu nghĩa của Ðại Sư Thường Nhân (người đời tôn xưng là Vương Hiếu Tử) ở Song Thành, tôi hằng ước nguyện sẽ có ngày được theo Ngài học tập giáo pháp. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều, sau khi lạy Phật xong, tôi đều lạy Cha Mẹ. Thoạt đầu, Cha Mẹ tôi rất lấy làm lạ, nhưng sau một thời gian thì ông bà hiểu ra. Ít lâu sau tôi quy y Tam Bảo và tin sâu vào Phật Pháp. Ðược một thời gian, tôi đến Song Thành thọ học với Ðại Sư Thường Nhân. Ngài dạy tôi luôn luôn nuôi dưỡng nguyện lực phát tâm xuất gia tu đạo. Sau khi Mẹ tôi qua đời, tôi lạy Hòa Thượng Thường Trí xin xuất gia, rồi dựng một cái chòi nhỏ thủ hiếu bên mộ Mẹ.
Từ lâu, được nghe tiếng Lão Hòa Thượng Hư Vân là bậc Thiện Tri Thức trong Thiền Tông, đang độ chúng ở chùa Nam Hoa, vùng Tào Khê. Tôi phát nguyện được đến đó tu tập. Tuy nhiên, đường đi khó khăn, phải vượt qua một vùng núi non hiểm trở, nên chưa thể đạt được sở nguyện. Sau, đến thời kỳ Nhật chiếm đóng (1945 - Dân quốc năm 34), đường đi có phần dễ dàng hơn. Mùa thu năm 1946, vào giữa tháng 08, tôi lên đường cùng với hai môn đệ là Quả Năng và Quả Thuấn. (Về sau Quả Năng tham phương hành cước không biết tin tức; còn Quả Thuấn tự thiêu thân cúng dường Chư Phật).
Chúng tôi hướng về Tào Khê, ước nguyện được thân cận Hòa Thượng Hư Vân. Cuộc hành trình quá gian khổ, ngày đi đêm nghỉ; có khi lại đi suốt cả đêm, cho đến khi đến được chùa Bát Nhã ở Trường Xuân. Hai vị đệ tử lưu lại chùa nầy, đợi xin thọ giới Cụ túc vào Giới đàn năm sau sẽ mở ở đây. Tôi tiếp tục đi một mình, chẳng cần mang thêm áo quần, hành lý gì cả.Khi đến Thiên tân, tôi lưu trú ở Ðại Bi Viện, nghe Lão Pháp Sư Thái Hư giảng kinh Lăng Nghiêm. Tôi gặp pháp Sư Thể Kính và cùng đi thuyền với Ngài đến chùa Chánh Giác ở Hồ Bắc. Cùng đi với chúng tôi có các Pháp Sư Thánh Chiếu, Thánh Diệu, Chiếu Ðịnh, Nguyên Tường, Nhuận Tuệ, Bổn Tri, Giác tri, Duy Linh, Linh Quán và Tịnh Giới. Nhân đó, có làm bài kệ rằng :

Ðồng chu cọng độ thập tứ tăng,
Chúng giai tôn quý ngã độc bần.
Nạp y nhất thực vô tha vật,
Phàm nhân hủy báng dữ ha sân.

Tạm dịch :

Mười bốn vị tăng cùng đi chung chuyến đò,
Thảy đều tôn quý, chỉ riêng mình thật nghèo.
Ăn một bữa, chỉ một nạp y, chẳng thêm vật gì khác nữa,
Mặc cho người khinh chê, trách cười.

Tại chùa Chánh Giác, tôi theo chúng chấp lao phục dịch, như chùi rửa phòng tăng, rửa chén bát, nấu nước, dọn vườn, quét dọn chánh điện ... Chỉ riêng thấy trong công phu hành trì thiền quán có nhiều tiến bộ.

Năm 1947, sau khi đến núi Phổ Ðà xin thọ giới Tỳ Kheo, vào mùa thu tôi đến chùa Linh Nham Sơn ở Tô Châu xin vào Phật Học Viện. Cũng trong mùa thu ấy, tôi lại đến núi Hư Thanh tham dự thiền thất suốt qua mùa đông. Tại đây tôi có duyên được tham lễ Hòa Thượng Minh Quan và Hòa thượng Liễu Thừa.

Tháng giêng năm 1948, tôi rời Thượng Hải đáp thuyền đến chùa Báo Thông ở Hồ Bắc. Khi ở trên thuyền, trong người chẳng có lấy một đồng bạc, lại gặp một người bị bại liệt. Suốt thời gian ấy, tôi trì Chú Ðại Bi, hướng sự chú nguyện gia trì cho người bệnh. Bệnh anh ta giảm thấy rõ và có thể đi lại được. Sự việc này đã đánh thức lòng tôn kính và niềm tin vào Ðạo Phật cho số hành khách ở trên thuyền. Trước khi rời thuyền, họ đã quyên góp tặng tôi 700.000 fabi. Nhờ số tiền này, tôi có thể mua vé xe lửa đi Khúc Giang. Lúc xuống ga, tôi gặp Ðại Sư Châu Dịch, người Hồ Bắc. Cùng trò chuyện với nhau mới biết ông ta cũng đang trên đường đến chùa Nam Hoa ở Quảng Ðông để theo học với Hòa Thượng Hư Vân. Tôi hỏi : " Thầy có tiền để mua vé xe lửa không ?" Thầy trả lời " Không". Tôi mua vé cho thầy. Hai chúng tôi cùng đi xe lửa đến Mã Bá. Khi xuống ga, thầy nói : " Tôi đói bụng quá !". Sau khi mua vé xe, tôi còn lại 100.000 fabi, liền biếu hết cho ông, chẳng giữ lại đồng nào.
Ðến chùa Nam Hoa, đảnh lễ Hòa Thượng Hư Vân, tôi cảm thấy mình như đứa trẻ con gặp lại Mẹ hiền ; như gã cùng tử lang thang nay tở lại quê nhà. Sau bao nhiêu năm lòng cảm phục, ngưỡng mộ, ao ước được gặp, đến lúc này mới được toại nguyện. Ban đầu, tôi được phân công làm hương đăng ở Tổ đường. Khi Pháp Sư Trí Tham đến thăm, tôi cùng Ngài bàn bạc, tâm đắc nhiều quan điểm về tinh thần tu tập. Pháp Sư lại giới thiệu với Hòa Thượng Hư Vân rằng tôi là người có năng lực, là bậc pháp khí. Lão Hòa Thượng gọi tôi lên phương trượng, khuyến khích tôi đảm nhiệm vai trò Giám học của Học Viện Giới Luật. Tôi không dám nhận. Ngài khuyến khích tôi đến ba lần. Tôi thưa: "Con đi ngàn dặm đến đây để gặp Hòa Thượng là vị Thiện Tri Thức, chỉ cầu liễu thoát sinh tử. Nếu Hòa Thượng có thể đoan chắc cho một lời thì dẫu Ngài bảo con phải nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, con quyết cũng không từ chối." Lão Hòa Thượng đáp: "Mọi người tự tu tập để giải quyết việc sinh tử của riêng mình, như người ăn tự thấy no. Nếu nói rằng tôi có thể đảm bảo cho ông thoát được sinh tử, đó là đánh lừa ông. Tôi không bao giờ làm điều đó. Tuy vậy, đối với việc tu tập, trong thì nên tập trung vào công phu quán chiếu ; ngoài thì nên làm công quả. Nhờ công phu trên cả hai phương diện Phước và Trí thì ai ai cũng sẽ được thành tựu. Không nên tu tập để mong thành một vị A-la-hán, chỉ lợi lạc cho riêng mình ; mà nên thực hành hạnh Bồ tát, tu tập vì lợi ích cho muôn loài. Hãy siêng năng làm việc phục vụ cho tăng chúng, cho Thường Trụ, và phát nguyện phụng sự cho lợi ích chúng sanh. Bằng cách đó mới có thể thánh tựu Phước Trí ; việc sinh tử cũng nhân đó mà tự liễu thoát" . Tôi lại khước từ. Lão Hòa Thượng liền bảo : " Ông từ Ðông Bắc Trung Hoa, lặn lội đến tìm tôi. Nếu không muốn nghe lời chỉ dạy thì bận tâm đến đây làm gì?" Nghe vậy, tôi bèn nhận việc.
Hàng ngày tôi thầm quan sát từng lời nói, việc làm ; từng oai nghi tế hạnh của Lão Hòa Thượng để học hỏi. Nhận thấy Ngài hoàn toàn thanh thản tự tại. Ðiều làm cho Ngài khác với mọi người là Ngài có năng lực tạo nên một mẫu mực phép tắc cho người khác bằng vào sự thực hành và ý nguyện chuyển hóa nỗi đau khổ cho mọi người ; cũng như bằng vào sự nghiêm túc trong giới luật của chính Ngài.Một hôm, trong kỳ truyền giới vào mùa xuân, khi tiếng bảng báo thức vừa vang lên, bỗng nghe có tiếng cọp gầm ; ban đầu rất gần, sau rồi xa dần. Một người bạn đồng tu bảo tôi " Ðó là tiếng gầm của con cọp đã quy y với Lão Hòa Thượng. Hiện nay nó sống trong một cái hang phía sau núi. Mỗi khi có giới đàn, nó luôn luôn đến để bảo vẹâ đạo tràng."

Sau kỳ truyền giới, Lão Hòa Thượng lặng lẽ một mình đến chùa Vân Môn, nơi Ngài đang coi sóc việc kiến thiết trùng tu.

Mùa hạ năm đó, tôi đến quận nam Thành ở Giang Tây để giảng kinh A-di-đà theo lời mời của Lão Cư Sĩ Hoàng Chú Tai. Tôi trở lại chùa Nam Hoa vào giữa tháng 8. Ðến giữa tháng 9, có một nhóm thổ phỉ vào cướp phá chùa. Họ phá cổng chùa, xông vào Học Viện Giới Luật. Tôi ra gặp họ. Họ chỉa súng vào ngực tôi muốn bắn. Tôi hỏi : " Sao các ông muốn bắn tôi?" Họ đáp : "Vì ông không chịu mở cổng chùa" Tôi đáp : " Tôi không mở cổng chùa vì các ông vào đây để cướp bóc, không phải vào cho tôi quà. Nếu ông ở vào vị thế của tôi, ông cũng chẳng dám mở. " Tên cướp bảo: " Ðưa tiền bạc ra đây " . Tôi chỉ vào nạp y, đáp: "Nhìn đây, người mặc những chiếc áo may bằng từng mảnh vải như thế này,thì lấy tiền ở đâu ra mà đưa cho bọn các ông?" . Tên thổ phỉ hỏi: "Thế thì ai có?" Tôi đáp : " Tôi là Pháp Sư ở đây, còn lại đều là học tăng. Tôi đã không có tiền thì các học tăng chắc còn nghèo hơn. Các ông có quyền lục soát phòng này và lấy bất cứ gì tùy ý."

Nghe tôi đối đáp với bọn cướp như chẳng có việc gì nghiêm trọng, Pháp Sư Hoài Nhất ở phòng bên cạnh bước ra xem tôi nói chuyện với ai. Bọn cướp liền nắm ngay lấy thầy, vặn hỏi thầy những điều như chúng đã hỏi tôi. Thầy Hoài Nhất chợt rơi nước mắt, cúi đầu xuống không dám nhìn chúng. Bọn cướp bảo: "Ðưa tiền ra đây" . Thầy Hoài Nhất nói: "Hãy đến phòng tôi mà lấy". Bọn chúng liền đến phòng thầy lấy sạch mọi thứ, để lại căn phòng trống không.

Sáng hôm sau khi vào lớp học, thấy Hoài Nhất nói với mọi người : " Trong hơn một trăm tăng sinh ở Thiền Viện Nam Hoa này, chỉ có một người thể hiện được tinh thần Vô-úy. Ðó là Pháp Sư Ðộ Luân."
Ðến giờ tôi lên lớp giảng, tôi nói: "Thầy Hoài Nhất nói chỉ có tôi là người có tinh thần Vô-úy trong chùa nam Hoa, tôi nghĩ là chưa chính xác lắm. Theo tôi biết thì ít nhất cũng có đến bốn người có tinh thần Vô-úy. Trước hết là Lục Tổ Huệ Năng. Ngài ngồi bất động trong Chánh định, chẳng bận tâm để ý điều gì, như chẳng thấy có việc gì xảy ra trong chùa cả. Người thứ hai là Tổ Sư Hám Sơn, ngồi đoan nhiên trong Thiền định với đôi mắt khép kín, hàm dưỡng nội tâm, trong ngoài đều như không lặng, nhân ngã đều như tiêu trầm. Người thứ ba là Ðan Ðiền Tổ Sư, như đang nhìn quanh dò xét mọi việc mà không nói một lời. Người thứ tư mới đến tôi, sơn tăng Ðộ Luân này, chẳng những nhìn thấy mà còn nói nữa. Tôi nói chuyện với bọn cướp làm chúng sửng sốt, nhưng tôi chẳng thấy sợ hãi chút nào." Tôi nói xong cả lớp đều bật cười.
Chẳng bao lâu, tin chùa bị cướp đến chỗ Lão Hòa Thượng Hư Vân. Ngài vội vã từ Vân Môn về ngay nam Hoa. Ngài cho triệu tập toàn thể học tăng lại. Lão Hòa Thượng, Pháp Sư Hoài Nhất và tôi làm chủ tọa buổi họp. Có hơn 30 học tăng, như : Tổ Ấn, Vân Diệu, Ngộ Vân, Tuyên Dương, Hằng Ðịnh, Ðề Huy, Ðề Quảng, Pháp Lương, Hải Long, Pháp Huệ, Vạn tâm, Chỉ Không, Pháp minh, Pháp Khai ...... Sau sự kiện tu viện bị cướp, học tăng ai cũng bối rối bất an, muốn ra đi. Lão Hòa Thượng khuyến khích Pháp Sư Hoài Nhất ở lại nhưng ông cũng từ chối. Lão Hòa Thượng muốn thuyết phục học tăng ở lại, nhưng họ không nghe. Ngài thất vọng, lòng buồn bã nói rằng: "Từ nay về sau tôi chẳng bao giờ điều hành một Phật Học Viện nào nữa cả" . Nói xong Ngài phất tay áo, đứng dậy trở về phương trượng.

Tôi rất xúc động và nguyện sẽ nhận nhiệm vụ điều hành Phật Học Viện. Sau khi thầy Hoài Nhất đi Quảng Tây, tôi trở thành người độc nhất chịu trách nhiệm về mọi khóa học ở Học Viện Giới Luật chùa Nam Hoa. Vào ngày đầu năm 1949, tôi viết một bức thư cho Lão Hòa Thượng, xin thôi nhiệm vụ Chủ nhiệm Giáo vụ của Phật Học Viện, rồi sang ở tại Tàng Kinh Các để nghiên cứu các tạng kinh. Giới đàn năm đó tôi được thỉnh làm A-xà-lê trong hàng Tam sư. Giới đàn xong, tôi cùng Lão Hòa Thượng đến chùa Ðại giám ở Thiều Quan. Rồi Hòa Thượng đề nghị tôi cùng đi với Ngài về vân Môn. Tôi thuận theo Ngài, chỉ xin được trở về Nam Hoa trước, rồi sẽ đến Vân Môn sau.

Vào thượng tuần tháng 05, tôi khởi hành đi đến chùa Ðại Giám. Ðường vùng núi quanh co, khúc khuỷu và chật hẹp, chỉ có một đường. Ðêm xuống, tôi còn cách Vân Môn khoảng 20 dặm. Vì tôi đi một mình nên khó mà đi nhanh được trên đoạn đường xa lạ đầy chướng ngại này. Bỗng dưng có ánh lửa lập lòe phía trước, tôi liền đi theo. Ðốm sáng ấy cứ giữ một khoảng cách với tôi chừng trăm bước chân. Cuối cùng khi tôi đến được chùa vân Môn thì đốm sáng tự biến mất. Nhìn quanh, tôi biết mình đã đến cổng tam quan Thiền Viện Ðại Giác. Tăng chúng đang lúc chỉ tịnh. Tôi gõ cửa bước vào, gặp ngay Hòa Thượng Hư Vân. Ngài hỏi: "Sao thầy đến trễ vậy?" . Tôi kể cho Ngài chuyện đóm lửa dẫn đường. Hòa Thượng nói: "Thật lạ kỳ! Ði qua đoạn đường núi đầy gian nan hiểm trở mà không người dẫn đường. Thật khó tưởng tượng nổi khi thầy đã tìm được lối đi trong màn đêm dày đặc. Thật là lạ!"

Sau khi xếp phòng cho tôi nghỉ xong, Lão Hòa Thượng nói: "Thầy đã là Ban Thủ (quản chúng) tại chùa nam Hoa, nay thầy hãy nhận làm Ban Thủ ở chùa vân Môn này luôn. Thầy hãy hướng dẫn tăng chúng công phu, tụng niệm, quá đường và tọa thiền."

Nhưng tôi không trụ ở Vân Môn được lâu. Tôi bị bệnh do thời khí ẩm thấp, khiến trong người rất khó chịu, tôi liền thỉnh ý Lão Hòa Thượng xin được về Quảng châu trị liệu. Ngài từ chối, bảo tôi: "Thầy chẳng nên đi. Nếu thầy đi chắc là khó trở về" .

Tôi thưa: " Ðệ tử của Lão Hòa Thượng đã quyết chí. Con nhất định xin đi chữa bệnh".

Nghe tôi thưa, Lão Hòa Thượng không ngăn được dòng nước mắt. Ngài nắm tay tôi, nói: "Nếu ông đi, chúng ta khó lòng gặp lại". Tôi nói: " Con sẽ trở về ngay khi khỏi bệnh. Xin Hòa Thượng đừng bận tâm về con."
Lão Hòa Thượng nói: "Thầy đi lần này, hãy phát tâm thừa sự Ðức Phật và Chư Lịch Ðại tổ Sư mà kiến lập Ðạo Tràng. Cơ duyên trước mắt rất xán lạn. Hãy cố gắng nỗ lực tinh thần. Tự bảo nhậm lấy mình, đừng phụ lòng mong mỏi của tôi. Xin bái biệt!"

Tôi đến Quảng Châu, rồi qua Hương Cảng, trú tại chùa Ðông Phổ Ðà, Vào tháng 7, tôi về lại Quảng Châu, ở chùa Lục Dong, Hòa Thượng Minh Quan trụ trì yêu cầu tôi làm Ðường Chủ kiêm Phó Trụ trì. Vì đã có dự tính trở về Vân Môn sau tiết Trung thu, nên tôi chỉ thuận nhận việc đến rằm tháng 8 mà thôi. Nhưng đầu tháng 8, Thiều Quan lại bị chiếm đóng, nên đường giao thông bị gián đoạn, tôi không trở về được như dự tính. Vào đêm 18 tháng 8, nhân có 2 vị cư sĩ là Tạ Khoan Huy và trần Khoan Mãn, giúp cho tôi chút tiền đi thuyền, tôi liền trở về Hồng Kông. Sau đó, tôi sang Thái Lan để nghiên cứu Phật Giáo Nam Truyền. Năm 1950, tôi trở lại Hồng Kông, ẩn cư tại Ðộng Quan Âm, sống như người câm điếc. Mỗi khi nhớ đến lời của Hòa Thương Hư Vân lúc chia tay, tôi lại hối hận. Tôi muốn quay trở về để gặp Lão Hòa Thượng, nhưng không thể nào được nữa. Thật đau lòng! Than ôi, làm sao có thể nói được?

Mùa đông năm 1951, trùng tu chùa Tây Lạc Viên. Theo lời thỉnh cầu của các vị cư sĩ La Quả Minh, Trần Quả Phát, Dương Quả Thiện, Mạch Quả Liên ... tôi giảng kinh Ðịa Tạng ở chùa Thông Thiện. Vào mùa thu năm sau, tôi lại giảng kinh Kim Cang cũng tại chùa này. Rồi lại giảng kinh A-Di-Ðà tại chùa Bảo Giác. Sau đó, tôi giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm ở chùa Tây Lạc Viên suốt 14 tháng. Rồi lại giảng kinh Ðịa Tạng tại một ngôi chùa khác.

Khi tôi kiến thiết trùng tu Từ Hưng Thiền Tự, đắp một bức tượng Lão Hòa Thượng để biểu hiện sự kính ngưỡng cao tột nhất đối với Ngài. Tôi nhận được từ Ngài bản chứng minh truyền thừa - "Chánh Pháp Nhãn Tạng - Nguồn gốc truyền thừa của Chư Phật Tổ, là pháp từ tâm ấn tâm, truyền riêng ngoài giáo điển; là Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, là pháp Chân không mà chẳng không, trên thuận ý Chư Tổ, dưới hóa độ quần sanh". Tôi được tiếp nhận ân huệ sâu thẳm ngọt ngào của Pháp nhũ, lòng càng cảm động.
Lão Hòa Thượng viết thư khuyến khích tôi siêng năng tu tạo phước đức. Tôi phát nguyện quyên góp vài ngàn đô-la để đúc tượng Phật cho Ðại Hùng Bửu Ðiện ở Chân Như Thiền Tự, núi Vân Cư. Tôi sang tận Miến Ðiện để mua vàng mạ về thếp vào tượng Phật. Lão Hòa Thượng rất hoan hỷ, viết thư tán thán. Ðiều này biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của Ngài đối với thế hệ tương lai.

Ngài rất khiêm tốn và không hề làm phiền lòng ai. Ngài sống khắc kỷ với bản thân, tỏa lòng khoan dung độ lượng với mọi người. Ðạo hạnh tinh nghiêm cao vời và lòng từ bi, bình đẳng vô lượng của Ngài đã tác động đến khắp mọi người. Ai ai cũng tin yêu và kính phục Ngài.
Trong một lá thư sau nữa, Ngài dạy tôi nên trở về núi Vân Cư. Trong lúc thiền quán, biết được Ngài đang muốn giao trách nhiệm điều hành Thiền Viện Chân Như cho tôi, nhưng do nhiều nhân duyên, tôi không thể nào làm theo lời dạy của Ngài được. Ðến bây giờ, sự ân hận trong lòng tôi vẫn chưa dứt.

Giảng Ðường Phật Giáo đươc thành lập, hàng ngày tôi bận rộn với việc giảng dạy Phật Pháp. Do vậy, không thể phân thân để làm việc ở cả hai nơi trong cùng một lúc. Tôi dự tính sẽ trở về với Lão Hòa Thượng sau khi sắp xếp công việc thỏa đáng và tìm được người giao phó công việc ở Hồng Kông.

Vào tháng 07 năm 1959, tôi nghe tin Lão Hòa Thượng bệnh nặng, ngày đêm lòng tôi vô cùng lo lắng. Tôi biết đó là điềm chẳng lành. Tôi đã lưu ý đến bức ảnh chân dung của Ngài chụp hồi năm 1958, với đôi mắt bình thản như nhìn vào chân trời xa xăm ; lông mi dài như rủ che xuống mắt Ngài. Khi tôi thấy bức chân dung này, tôi cảm động, đảnh lễ nói rằng : " Mọi khi mắt Hòa Thượng đều nhắm lúc chụp hình; nhưng lần này, đôi mắt từ ái ấy lại mở rộng nhìn mọi loài hữu tình. Ðiều này quá lạ lùng! Chắc chắn đây phải là biểu hiện của một sự thay đổi lớn lao."
Nay thì mọi việc dường như đã rõ ràng. Tôi liền thỉnh Chư Tôn Ðức Tăng đồng khai lễ tụng kinh Sám Dược Sư liên tục trong mấy ngày. Tôi cũng nhắn tin trên báo chí cho các môn đệ của Lão Hòa Thượng được biết để cùng nhau chú nguyện, mong có được sự cảm ứng nhiệm mầu.

Lúc ấy, tôi thưa trước Ðại Chúng: " Tôi e rằng đây là dịp cuối cùng chúng ta vì sức khỏe của Lão Hòa Thượng mà đảnh lễ Chư Phật, đảnh lễ Ðức Dược Sư Quang Nhu Lai." Giọng tôi trầm nặng vì quá buồn, chư Tăng Ni đều khóc thầm khi nghe những lời nói ấy.

Rồi có một bức thư từ Vân Cư báo tin: "Bệnh của Lão Hòa Thượng đã có phần thuyên giảm." Chúng tôi đều vui mừng. Khi đó, tôi liền tìm một họa sĩ để vẽ lại tiểu sử của Lão Hòa Thượng bằng tranh. Bộ tiểu sử gồm hơn 200 bức tranh bằng mực tàu, kèm theo đến vài vạn lời, trình bày đạo đức siêu tuyệt của Ngài; những hạnh nguyện, những gian khổ ngài đã trải qua, cùng năng lực ý chí tinh thần của Ngài. Công hạnh của Lão Hòa Thượng là biểu tượng mô phạm cho muôn đời ; cho những bậc phát tâm tu hạnh Thánh Hiền noi theo. Suốt cả ngàn năm mới có một mẫu mực sáng chói như Ngài.Bất hạnh thay, vào ngày 16 tháng 10, tôi nhận được điện tín báo tin Ngài đã an tường viên tịch vào lúc 1 giờ 45 phút ngày 12 tháng 10 tại Chân Như Thiền Tự, núi Vân Cư. Ngài dặn dò chúng đệ tử hãy siêng năng tu tập Giới Ðịnh Tuệ, chuyển hóa sạch tham sân si ; vì Pháp quên thân ; thương yêu, kính trọng nhau, hỗ trợ nhau trong việc truyền bá Chánh Pháp...

Khi tôi nghe tin này, không những thấy núi non sụp đổ, lòng đất chấn động, mà còn thấy cả thế giới và mọi người như biến mất; như kiếp hỏa thổi qua muôn vật. Tôi chẳng thể nói được là mình đang mơ hay tỉnh, vạn vật là ảo hay thật... Tôi thấy mình như đứa trẻ ngây ngô, như tượng đá vô tri. Sau một lúc, khi tôi hồi phục lại tri giác, mới biết là mình vừa trải qua một cơn xúc động vì đau buồn ngập tràn.

Hôm sau, 17 tháng 10, tôi mời tất cả Phật Tử, thiện tín lại để tổ chức nghi lễ truy niệm. Chúng tôi quyết định cử hành khóa lễ 21 ngày chuyên tâm niệm Phật ; tiếp theo là khóa lễ 120 ngày niệm Phật Ðại Bát Nhã. Chúng tôi hy vọng, bằng cách này, vừa truy niệm công đức Ngài, vừa phần nào báo đáp được Pháp nhũ từ bi mà Ngài đã ban cho chúng tôi.

Tôi cũng đánh điện tín báo tin cho Pháp hữu trên khắp thế giới : Phật Giáo Giảng Ðường ở San Francisco, Hội Phật Giáo ở Honololu, Hội Phật Giáo Tân-Gia-Ba, Hội Cư Sĩ Zhan Li Vu ở Canada ; và các đệ tử ở Ðài Loan, Miến Ðiện, Thái Lan, Ấn Ðộ, Tích Lan... và nhiều quốc gia khác ; trong đó có cả cư sĩ Vu Chấn Ðông, Chủ Tịch Hội Phật Giáo Hữu Nghị Thế Giới. Hơn 100 bức điện tín được gửi đi. Ðệ tử kháép nơi trên thế giới đều có điện phúc đáp, tổ chức lễ Truy niệm Hòa Thượng. Phật Giáo Hương Cảng cũng liên lạc phúc đáp bằng điện thoại. Vào ngày 18 tháng 10, các nhật báo Hương Cảng đều đưa tin rộng rãi.

Vào ngày 24 tháng 10, tôi phái hai cư sĩ đến Vân Cư để thỉnh xá lợi của Lão Hòa Thượng. Ngày 27, hai vị cư sĩ đến Chân Như Thiền Tự thỉnh được 10 viên xá lợi sáng ngời, tỏa chiếu rực rỡ ánh sáng năm màu. Về đến Giảng Ðường vào trưa ngày 28, tôi hướng dẫn Ðại chúng cúng dường hương hoa, đảnh lễ xá lợi. Ðại chúng thảy đều hoan hỷ. Tôi có cảm giác như cả gánh nặng đã cất khỏi vai mình.

Xin nguyện cho những lời này nêu lên được một chuẩn mực về đức hạnh, để người người cùng noi theo mà tiến bước về cõi Phật, nguyện không bao giờ thối chuyển trong việc phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề.


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Re: Nhớ Lại Nhân Duyên "Như Thị" Với Hư Công

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

Nhớ về Hòa Thượng: Dựng Cờ Pháp, Lập Gia PhongBài nói chuyện của Cư Sĩ Guo Shi Wei (Ngụy Quả Thời) vào ngày 12 tháng 6 năm 2000 tại Vạn Phật Điện, Vạn Phật Thánh Thành

Trích và dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số 364, tháng Chín, 2000 và số 365, tháng 10, 2000.

 

Kính thưa Hòa Thượng, kính thưa quý Thầy quý Cô, kính thưa các vị Thiện trí thức,

Tên tôi là Wei Guo Shi (Ngụy Quả Thời), để tưởng niệm Hòa Thượng Tuyên Hoá trong Pháp Hội Hoa Nghiêm này, tôi xin kể về vài câu chuyện có liên quan đến Hòa Thượng. Nếu có sai sót, mong chư vị chỉ ra cho.

 

1) Làm sao để truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ?”
Tôi nhớ một năm nọ, Hòa Thượng ngồi ở đây. Có lẽ lúc đó là trước giờ cúng Ngọ. Tôi tin rằng nhiều người trong quý vị ở đây hôm nay cũng có mặt vào lúc đó. Tôi không nhớ chính xác từng lời, nhưng Hòa Thượng hỏi về việc gì đó đại khái như: “Làm sao để truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ?”
Dĩ nhiên có nhiều người nói lên ý kiến của họ. Nhiều người nói rằng chúng ta nên in nhiều Kinh hơn nữa, nên đi ra ngoài hoằng Pháp, hoặc trùng tu lại Chùa bởi vì nó quá cũ .. có đủ loại ý kiến khác nhau được đưa ra. Hòa Thuợng tiếp tục kêu gọi thêm sự góp ý, cho đến khi có người nào đó đứng dậy và nói: “Chúng ta nên diệt bỏ tham sân si, và chuyên tu Giới, Định, Huệ.”. Hòa Thượng mỉm cười và cho ý kiến: “Hãy nói rõ thêm về vấn để đó. Còn mơ hồ quá!”. Người đó nói rằng: "Chúng ta nên không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối.” Hòa Thượng rất vui mừng và nói: “Đúng rồi đó!”
Hầu hết chúng ta theo bản năng nghĩ rằng nên in Kinh và làm những việc gì khác. Khi Hòa Thượng nói về truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ, ngài muốn nói rằng chúng ta nên khởi sự bằng cách tự mình tu tập cho thuần thục.
Điều này làm tôi nhớ đến Tôn giả A Nan. Trong Kinh Lăng Nghiêm, ngài hỏi Đức Phật là vào thời Mạt pháp nên làm thế nào để an lập đạo tràng để tu hành, vi vào thời Mạt pháp có nhiều tà sư giảng tà pháp của họ. Đức Phật vui lòng và tán dương Tôn giả A Nan đã vì chúng sanh thời Mạt pháp mà hỏi Pháp. Câu hỏi về việc làm thế nào an lập đạo tràng để tu hành cũng tương tự câu hỏi của Hòa Thượng. Đức Phật đã trả lời như sau:
“Ông thường nghe Ta tuyên thuyết ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Tỳ-nại-da. Đó là: Nhiếp tâm là giới, do Giới sanh Định, do Định phát Huệ. Đó gọi là Tam Vô-Lậu Học. A-Nan! Vì sao Ta gọi nhiếp tâm là Giới? Nếu chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không dâm dục thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương tục. Ông tu pháp Tam-muội vốn để thoát trần-lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm dâm-dục thì chẳng thể ra khỏi trần-lao. Dầu có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ dâm dục tất sẽ lạc vào Ma-đạo--thượng phẩm thì làm Ma-vương, trung phẩm thì làm ma-dân, hạ phẩm thì làm ma-nữ. Những loại ma ấy cũng có đồ chúng, tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.”
Đoạn kinh này thảo luận về bổn điều răn dạy minh bạch về tánh thanh tịnh. Hòa Thượng đã nói lại theo ngôn ngữ đương thời là: không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối.
 

2) Đạo tràng của Tổng hội Phật Giáo Pháp Giới không phải là cơ sở thương mại
Nói về vấn đề không phan duyên (1), tôi nhớ tôi một chuyện. Một lần nọ, trong một Pháp hội lớn có nhiều người đến Vạn Phật Thánh Thành tham dự, có người nào đó đứng lên và phát biểu trong giờ thọ trai.

Để tôi nói thêm một chút về bối cảnh câu chuyện. Câu chuyện này có liên quan đến báo Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải) của chúng ta. Việc lưu hành báo Vajra Bodhi Sea chưa bao giờ được tốt đẹp, mặc dầu đây là một nguyệt san hay. Tôi không biết tại sao, nhưng mỗi tháng đều có một chồng báo dư. Chúng tôi không thể ngưng không in nhiều, bởi vì có thể có người đến thỉnh cầu báo. Do đó, chúng tôi cứ in và mỗi lần in đều có những số báo dư. Nhiều người cho rằng bên ngoài có nhiều báo hay hơn. Nhưng chỉ riêng bìa báo Vajra Bodhi Sea với bài kệ chú Lăng Nghiêm cùng với chữ Chú (chữ Phạn) của Chú Lăng Nghiêm đủ để làm báo này trở thành báo thượng thặng xứng đáng với giá của nó. Tuy nhiên người ta không hiểu và liệng nó sang một bên sau khi đọc.

Một tờ báo tuyệt hảo như thế mà cứ tiếp tục dồn đống lại. Trong khoá Thất, có người đứng lên nói rằng ông ta nghĩ báo Vajra Bodhi Sea thật hay. Ông ta hy vọng mọi người sẽ ghi danh đặt báo và ông ta thông báo phí tổn mua báo dài hạn. Tôi không nhớ ông ta nói gì khác nữa. Thật ra những điều ông ta nói không có gì là sai cả. Ngay lúc đó, Hòa Thượng tình cờ đi ngang qua. Khi nghe như vậy, ngài lập tức nói lớn tiếng, "Có phải Vạn Phật Thánh Thành đang đói không? Có phải quý vị không có thức ăn để ăn nên cần nói ra những điều như vậy để tự đề xướng mình?” Ngài la người nói hồi nãy rất nặng nề.
Người đó dĩ nhiên không dám nói thêm gì cả và lẽ lặng ngồi xuống. Nhưng Hoa Thượng vẫn không buông tha ông ta. Ngài bước đến trước mặt người đó và nói "Ông có ý gì? Tại sao ông cần phải đứng lên nói những điều như vậy?” Quý vị thấy đó, đó là cách thức của Hòa Thượng!
Về đề tài không phan duyên, tôi sẽ nói thêm một câu chuyện khác xảy ra tại Kim Luân Thánh Tự. Khi trường Tiểu Học Dục Lương tại Chùa Kim Luận được thành lập vào năm 1988, ngân quỹ và phương tiện thật ít ỏi. Một số cư sĩ quyết định bán đấu giá những xâu chuỗi niệm Phật và tượng Phật của họ tại một sân thể thao rộng lớn và trống trải. Đó là vào lúc Chùa Kim Luân vẫn còn ở đường số 6. Họ cúng dường cho trường học tất cả tiền bán được. Tiền đó là do từ việc bán đầu giá những món đồ của cư sĩ, không phải đồ của Chùa. Tôi không nhớ lúc đó bán được tổng cộng là bao nhiêu, nhưng tôi biết chắc là người phụ trách đã cúng dường tất cả số tiền đó cho Chùa.
Tuy nhiên, khi Hòa Thượng biết được chuyện, ngài kêu những người đó lại và quở trách nặng nề. Ngài nói, "Quý vị ở Chùa Kim Luân có đang bị đói không? Có phải tất cả quý vị không còn thức ăn nên cần ra ngoài bán đồ phải không?” Có người hỏi, “Nhung chúng ta cũng bán sách trong tiệm sách của Chùa, có phải không?”
Hòa Thượng nói, "Chỉ chừng đó và chỉ là phương tiện. Chúng ta phải có tiệm sách vì chúng ta cần lưu thông Kinh điển. Do đó, tiệm sách chỉ là phương tiện cho Chùa." Hòa Thượng không muốn những gì khác, bởi vì khi có sự giao dịch mua bán, thì không dễ dàng chận đứng lại được.

Tôi sẽ nói về một tình trạng thực tế. Dĩ nhiên chuyện này không cần thiết là xảy ra tại Vạn Phật Thánh Thành, nhưng chính ông Bill Porter đã kể cho tôi nghe rằng khi ông ta đến Tu Viện Nam Hoa cách nay hơn mười năm, ông ta đã nói chuyện với Hòa Thượng Duy Nhân. Hòa Thượng Duy Nhân đã từng là thị giả của Hòa Thượng Hư Vân. Hòa Thượng Duy Nhân kể với ông Bill Porter rằng trước đây có những người bán nhang phía trước Tu Viện Nam Hoa. Bởi vì Tu Viện không bán nhang cho khách thăm viếng nên khách phải mua nhang từ bên ngoài. Chuyện đó có vẻ cũng vô hai, cũng không có gì đúng hoặc sai về chuyện đó. Tu Viện không biết phải làm gì đối với những người bán hàng, do đó cứ để họ tiếp tục làm ăn. Và dần dần có thêm nhiều người bán hàng bắt đầu mở tiệm ngay trước Tu Viện. Cuối cùng họ trở nên bất trị. Hòa Thượng Duy Nhân nói rằng trong những khóa Thiền thất hoặc Quán Âm thất kéo dài bảy ngày, các khách đến viếng không được đốt nhang ở trong Chùa. Do đó mỗi khi có khoá thất bảy ngày, đặc biệt là khi có Thiền Thất, việc buôn bán nhang và xâu chuỗi niệm thật khó khăn. Những người buôn bán càng lúc càng trở nên bực mình. Trong khoá Thiền, cổng trước Tu Viện Nam Hoa thường được đóng lại, mọi người vô ra đều dùng cửa hông. Câu chuyện được kể lại rằng, có một lần trong khóa Thiền, những người làm ăn buôn bán đó giận dữ đến nỗi họ phá của trước của Tu Viện. Do đó Hòa Thượng Hư Vân đã cấm người ta buôn bán tại lối ra vào của Tu Viện.
Một chuyện khác xảy ra vào năm 1989 hoặc 1990 khí Hòa Thượng đến Texas. Tôi tin rằng Hòa Thượng chỉ đến đó một lần, dĩ nhiên là vì những lý do đặc biệt (2). Vào thời đó, không có nhiều chùa chiền nên chúng tôi phải ăn bên ngoài và không ăn trong chùa. Mọi người biết rằng có những loại đũa chỉ dùng một lần rồi bỏ thường được kèm theo phần ăn. Vào lúc đó, khi Hòa Thượng ăn xong phần của ngài, ngài dùng giấy lau tay chùi sạch đôi đũa và bỏ vào túi.
Khi mọi người thấy Hòa Thượng làm như vậy, họ rất mắc cở. Làm như vậy thì trông không đẹp. Tại sao Hòa Thượng lại làm như vậy? Họ nói với ngài, "Bạch Hòa Thượng, những đôi đũa đó sau khi dùng thì có thể liêng vất đi! Chúng ta không cần giữ những đôi đũa đó!” Hòa Thượng nói, "Tôi không phí phạm như ông!”. Dĩ nhiên người đó không dám nói gì nữa. Từ lúc đó trở đi, không ai đề cập điều gì nữa. Từ ngày đó, sau mỗi bữa ăn, Hòa Thượng thường lau đôi đũa của mình và giữ lại. Không ai để ý là ngài có giữ lại đũa sau mỗi bữa ăn hay không, nhưng dường như mỗi lần họ thấy, Hòa Thượng đều giữ lại đôi đũa.
Sau khi chuyến hành trình hoàn tất và chúng tôi lên đường trở về lại tiểu bang California, chúng tôi phải đổi chuyến bay và đợi ở một phi trường chừng một tiếng rưỡi đồng hồ. Lúc đó là giờ ăn trưa. Không có đủ thì giờ để ra ngoài ăn và tại phi trường thì không có nhiều thứ để ăn. Chúng tôi phải làm gì? Một cư sĩ tình nguyện đi mua thức ăn phía bên ngoài phi trường trong khi chúng tôi chờ đợi tại phi trường. Điều này giúp giải quyết vấn đề cho mọi người. Người cứ sĩ đó rất sốt sắng và mua rất nhanh. Mọi người rất vui mừng khi người đó trở lại. Chúng tôi ngồi tại phi trường, mở hộp thức ăn trưa ra, và khám phá ra rằng vì vội vàng, người cứ sĩ đã quên lấy đũa. Ngay lúc đó, Hòa Thượng lấy ra những đôi đũa từ trong túi của ngài, "Cho con một đôi đũa nè!”, "Một đôi đũa nữa cho con nè!”. "Quả Phu, đôi đũa này cho con”. Một đôi đũa cho người này, một đôi đũa cho người kia. Khi Hòa Thượng phân phát hết các đôi đũa của ngài, mọi người ai cũng có một đôi đũa. Không quá nhiều mà cũng không quá ít!Việc này nhắc tôi nhớ đến câu chuyện trong Kinh Duy Ma khi Bồ Tát Văn Thù đưa 500 vị A La Hán đến thăm Đại sĩ Duy Ma. Không biết có phải Đại sĩ Duy Ma đã đem thức ăn từ cõi Hương Tích về để đãi các vị A La Hán này hay không? Nhưng ai ai cũng nghĩ là vị này có đủ bản lãnh để đem thức ăn hảo hạng về từ một quốc độ khác. Nếu được như thế thì đương nhiên là đem về càng nhiều càng tốt chớ! Tuy vậy, Đại sĩ Duy Ma chỉ đem thực phẩm về vừa đủ cho mọi người, mà không dư cũng không thiếu một hột. Các vị A La Hán dùng hết cả thức ăn và ai nấy cũng đều no đủ. Đây cũng là một công án thiền: “Vô khiếm vô dư” tức không thiếu cũng không dư.
Chúng ta có thể nhận thấy những việc Thánh nhân làm lúc đó hình như có vẻ hơi lạ lùng, nhưng sau đó khi nghĩ kỹ lại, chúng ta mới biết những quyết đoán của các Ngài là chính xác nhất cho mỗi trường hợp, tùy theo hoàn cảnh và nhân duyên. Cũng như Hòa Thượng chẳng tham để dành lại cho nhiều. Ngài đâu có nghĩ là sẽ để dành thêm mấy đôi đũa nữa. Không đâu! Sư phụ chỉ giữ lại cho vừa đủ dùng thôi.
Tôi không có ý gì khác khi nói những điều này. Xin đừng nghĩ rằng tôi nói về những người làm việc trong nhà bếp gây tạo nghiệp chướng khi thức ăn bị dư thừa. Chúng ta không thể so sánh với Đại sĩ Duy Ma. Tôi không có ý rằng trường học càng nghèo thì càng tốt khi tôi đề cập về câu chuyện gây quỹ cho trường học. Tôi không có ý rằng tốt nhất là trường học đừng có tiền. Tôi hoàn toàn không có ý như vậy.

Dầu sao đi nữa, sự giáo hóa của Sư Phụ là theo nhiều cách riêng biệt. Mọi người đều biết Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền đều đóng vai trò quan trọng trong Kinh Hoa Nghiêm. Nhiều vị Tổ thường dùng câu này trong các bài Pháp: "Nếu một pháp chưa không, Văn Thù mất trí huệ. Nếu vạn pháp đều không, Phổ Hiền mất cảnh giới." Làm sao giải thích điều này được? Có nghĩa rằng Bồ tát Văn Thù sẽ mất trí tuệ nếu còn một pháp chưa thấy được tánh không của nó . Do đó, hiển nhiên rằng vạn pháp đều không; không có một pháp nào cả. Đó là điều Bồ tát Văn Thù tuyên dương. Còn đối với Bồ tát Phổ Hiền thì lại có đủ cảnh giới vạn pháp. Như vậy có pháp hay không có pháp? Xin quý vị tự tham lấy!Tôi kính xin lỗi vì thời gian không còn nhiều. Tôi không khéo sắp xếp bài nói chuyện của mình. Hy vọng vào lần tới. A Di Đà Phật.

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

(1) Phan duyên: Thuật ngữ này có nhiều nghĩa như nương tựa, nhờ cậy, lợi dụng .... Theo Tự Điển Phật Học Hán Việt: Phan Duyên: Alambana (Thuật ngữ). Tâm không tự khởi lên, cần phải có cảnh sở đối rồi nương vịn vào đó mà khởi lên, giống như người già nương vịn vào cây gậy mà đứng lên, gọi là Phan duyên. Lại nữa, cái tâm lại thay đổi lúc thế này, lúc thế kia, tùy theo sự vật của thế giới bên ngoài, giống như con vượn leo cành cây, lúc ở cành này, lúc ở cành khác , nên gọi là phan duyên. Thường thấy lược bớt đi mà chỉ dùng một từ Duyên mà thôi. Tâm là Năng duyên, cảnh là Sở duyên. Kinh Lăng Già q. 1: "Phật pháp là lìa bỏ mọi thứ căn lượng tướng đều diệt hết cả". (trang 957).


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.19 khách