Nguy hại nếu ta thiền không đúng.

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
zelda
Bài viết: 682
Ngày: 22/08/07 09:21
Giới tính: Nam
Đến từ: HCM
Nghề nghiệp: Đi làm , đi học

Nguy hại nếu ta thiền không đúng.

Bài viết chưa xem gửi bởi zelda »

Lời đầu : Thông thường Phật Tử chúng ta nghĩ rằng thiền là có lợi . Vậy là cứ thiền sao cũng được . Điều này là quan niệm sai lầm và hoàn rất nguy hiểm nếu ta không biết cách thiền sao cho đúng .
Thực tế đã chứng minh có nhiều người thiền mà kết quả là : Thiện pháp chưa phát sinh mất luôn . Thiện pháp đã có bị thoái đọa . Bất thiện chưa sanh được sanh , bất thiện đa sanh được tăng trưởng . Đưa đến điên loạn .

Nguyên nhân gây tác hại : Người hành thiền Định nếu theo chánh pháp là do nhàm chán "danh" hoặc "sắc" . Chánh danh thì sanh lên cỏi Sắc Giới . Còn chán Sắc thì sanh lên cỏi vô sắc . Nên chúng ta có 2 loại thiền định đó là thiền Sắc Giới và Thiền Vô Sắc Giới .
Do vậy chúng ta nhận chân đây là :Chúng ta thiền vì muốn giữ tâm , kềm tâm, định tâm . Để đưa đến Vô Tham , Vô Sân , Vô Si .
Còn nếu chúng ta thiền vì Tham , Sân , Si thì kết quả xấu là cái chắc . Tham như là lên cỏi Phật , ảo tưởng cho ta đưa thấy cỏi Phật trong ảo tưởng . Tưởng chứng hay đắc gì đó riếc sanh ra điên ...v.v..
Do vậy chúng ta nên nắm cho được mục đích thiền của chúng ta là gì . Không phải vì tham "chứng đắc" . Nghĩ đến chứng đắc là nghĩ toàn tham danh , tham thần thông , tự cao tự đại . Chúng ta nên nghĩ đến định tâm giảm đi tham ái . Đây mới là mục đích của Thiền Định .

Hành giả nói chung có 6 loại tánh (carita).

1- Rāgacarita: Tánh tham dục.
2- Dosacarita: Tánh sân hận.
3- Mohacarita: Tánh si mê.
4- Vitakkacarita: Tánh suy diễn.
5- Saddhācarita: Tánh tín.
6- Buddhicarita: Tánh giác.

Trong một người có thể có nhiều tánh kể trên, song có một tánh nào đó dễ phát sanh, thường phát sanh nhiều hơn các tánh khác, nên gọi người ấy có tánh ấy.

Đề mục thiền định thích hợp và không thích hợp với mỗi tánh của hành giả

1- Tánh tham dục (rāgacarita): Người nào thường phát sanh tâm tham dục trong những đối tượng đáng hài lòng, hơn các tính khác, người ấy gọi là người có tánh tham dục.

Hành giả có tánh tham dục, nếu tiến hành thiền định trong 8 đề mục như sau:

- 4 Đề mục tứ vô lượng tâm.
- 4 Đề mục màu sắc (xanh, vàng, đỏ, trắng).

Những đề mục này làm cho tâm tham dục càng tăng trưởng, đồng thời thiền định không thể phát triển được
.


Vì vậy, 8 đề mục thiền định này không thích hợp đối với hành giả có tánh tham dục.

Hành giả có tánh tham dục nên tiến hành thiền định trong 11 đề mục như sau:

- 10 Đề mục tử thi bất tịnh.
- 1 Đề mục niẹm 32 thể trược trong thân.

Những đề mục này làm cho vắng lặng được tâm tham dục, đồng thời làm cho thiền định có thể phát triển.

Vì vậy, 11 đề mục thiền định này thích hợp với hành giả có tánh tham dục.

2- Tánh sân hận (dosacarita): Người nào thường phát sanh tâm sân hận, nóng nảy, bực bội trong những đối tượng không đáng hài lòng, hơn các tính khác, người ấy gọi là người có tánh sân han.

Hành giả có tánh sân hận, nếu tiến hành thiền định trong 11 đề mục như sau:

- 10 Đề mục tử thi bất tịnh.
- 1 Đề mục niẹm 32 thể trược trong thân.

Những đề mục này làm cho tâm sân hận càng tăng trưởng, đồng thời thiền định không thể phát triển lên được.

Vì vậy, 11 đề mục thiền định này không thích hợp đối với hành giả có tánh sân hận.

Hành giả có tánh sân hận nên tiến hành thiền định trong 8 đề mục như sau:

- 4 Đề mục tứ vô lượng tâm.
- 4 Đề mục màu sắc (xanh, vàng, đỏ, trắng).

Những đề mục này làm cho vắng lặng được tâm sân hận, đồng thời làm cho thiền định có thể phát triển.

Vì vậy, 8 đề mục thiền định này thích hợp với hành giả có tánh sân hận.

3- Tánh si mê (mohacarita): Người nào thường phát sanh tâm si mê, phóng tâm và hoài nghi trong các pháp, hơn các tính khác, người ấy gọi là người có tánh si mê.

Hành giả có tánh si mê, nếu tiến hành thiền định trong 4 đề mục như sau:

- Đề mục niệm về chết.
- Đề mục niệm về trạng thái tịch tịnh an lạc Niết Bàn.
- Đề mục quán tưởng vật thực bất tịnh.
- Đề mục quán xét phân tích tứ đại: đất, nước, lửa, gió.

Những đề mục này rất vi tế sâu sắc, khó mà thấy rõ được, thì chỉ làm cho tâm si mê càng thêm tối tăm, đồng thời thiền định không thể phát triển được.

Vì vậy, 4 đề mục thiền định này không thích hợp đối với hành giả có tánh si mê.

Hành giả có tánh si mê nên tiến hành thiền định đề mục niệm hơi thở vô – hơi thở ra rõ ràng không có gì đáng hoài nghi cả. Đề mục này có thể làm cho vắng lặng được tâm si mê, đồng thời làm cho thiền định có thể phát triển.

Vì vậy, đề mục thiền định niệm hơi thở vô – hơi thở ra này thích hợp với hành giả có tánh si mê.

4- Tánh suy diễn (vitakkacarita): Người nào thường suy diễn lung tung, nói năng đủ chuyện, làm việc gì cũng không đến nơi đến chốn…, hơn các tính khác, người ấy gọi là người có tánh suy diễn.

Hành giả có tánh suy diễn, nếu tiến hành thiền định trong 4 đề mục như sau:

- Đề mục niệm về chết.
- Đề mục niệm về trạng thái tịch tịnh an lạc Niết Bàn.
- Đề mục quán tưởng vật thực bất tịnh.
- Đề mục quán xét phân tích tứ đại: đất, nước, lửa, gió.

Những đề mục này rất vi tế sâu sắc, khó mà thấy rõ được, thì chỉ làm cho tâm suy diễn lung tung thêm, đồng thời thiền định không thể phát triển được.

Vì vậy, 4 đề mục thiền định này không thích hợp đối với hành giả có tánh suy diễn.

Hành giả có tánh suy diễn nên tiến hành thiền định đề mục niệm hơi thở vô – hơi thở ra rõ ràng không có gì đáng suy diễn nhiều. Đề mục này có thể làm cho vắng lặng được suy nghĩ mung lung, đồng thời làm cho thiền định có thể phát triển.

Vì vậy, đề mục thiền định niệm hơi thở vô – hơi thở ra này thích hợp với hành giả có tánh suy diễn.

5- Tánh tín (saddhācarita): Người nào thường có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin phước, tin tội, hơn các tính khác, người ấy gọi là người có tánh tín.

Hành giả có tánh tín nên tiến hành thiền định trong 6 đề mục như sau:

- Niệm Ân 9 Đức Phật.
- Niệm Ân 6 Đức Pháp.
- Niệm Ân 9 Đức Tăng.
- Niệm về giới trong sạch của mình.
- Niệm về sự bố thí của mình.
- Niệm về 5 pháp của chư thiên có nơi mình,

Những đề mục này rất thích hợp với hành giả có tánh tín, càng làm cho đức tin được tăng trưởng.

6- Tánh giác (buddhicarita): Người nào thường có trí tuệ quán xét các pháp vi tế sâu sắc, hơn các tính khác, người ấy gọi là người có tánh giác.

Hành giả có tánh giác nên tiến hành thiền định trong 4 đề mục như sau:

- Niệm về sự chết.
- Niệm về trạng thái tịch tịnh an lạc Niết Bàn.
- Quán tưởng về đề mục vật thực bất tịnh.
- Quán xét phân tích đề mục tứ đại: đất, nước, lửa, gió,

Những đề mục này rất vi tế, sâu sắc, thích hợp với hành giả có tánh giác, để làm cho trí tuệ tăng trưởng sâu sắc thêm nhiều.

Đề mục thiền định thích hợp cả 6 tánh

Những đề mục thiền định thích hợp cho tất cả 6 tánh hành giả như sau:

- 6 Đề mục hình tròn kasiṇa: đất, nước, lửa, gió, ánh sáng, hư không.
- 4 Đề mục vô sắc giới.

Những đề mục này thích hợp cho tất cả mọi hành giả, không phân biệt tánh nào.

Đặc biệt, đối với hành giả có tánh si mê, nếu tiến hành đề mục hình tròn kasiṇa đất,… nên làm hình tròn đường kính rộng hơn bình thường, so với các hành giả khác, để tâm trí không bị khó chịu, hay quên, phóng tâm. Và đối với hành giả có tánh suy diễn, nếu tiến hành đề mục hình tròn kasiṇa đất,… nên làm hình tròn đường kính hẹp hơn bình thường, so với các hành giả khác, để tâm an trú trong đề mục hình tròn kasiṇa dễ dàng

Về thiền tuệ, hành giả được phân loại có 2 bản tánh, gồm có 4 hạng người:

1- Hạng hành giả có tánh tham ái, trí tuệ kém.

2- Hạng hành giả có tánh tham ái, trí tuệ nhiều.

3- Hạng hành giả có tánh tà kiến, trí tuệ kém.

4- Hạng hành giả có tánh tà kiến, trí tuệ nhiều.

Nếu hành giả biết chọn đúng đối tượng thiền tuệ thích hợp với tánh và trí tuệ của mình, thì việc tiến hành thiền tuệ, ở giai đoạn ban đầu, rất thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ thiền tuệ. Đến giai đoạn giữa và giai đoạn cuối còn tùy thuộc vào căn duyên của mỗi hành giả trong kiếp quá khứ.

Trong Chú giải kinh Đại Tứ niệm xứ dạy rằng:

- Hành giả có tánh tham ái, trí tuệ kém, thì thích hợp với đối tượng "niệm thân" thuộc về sắc pháp.

Hành giả tiến hành niệm thân (sắc pháp) để thấy rõ, biết rõ thân này "bất tịnh" nên diệt được tâm tham ái nương nhờ nơi thân cho rằng: "tịnh, xinh đẹp".

- Hành giả có tánh tham ái, có trí tuệ nhiều, thì thích hợp với đối tượng "niệm thọ" thuộc danh pháp.

Hành giả tiến hành niệm thọ (danh pháp) để thấy rõ, biết rõ thọ này "khổ", mới diệt được tâm tham ái nương nhờ nơi thọ cho rằng: "lạc".

- Hành giả có tánh tà kiến, trí tuệ kém, thì thích hợp với đối tượng "niệm tâm" thuộc danh pháp.

Hành giả tiến hành niệm tâm (danh pháp) để thấy rõ, biết rõ tâm này "vô thường", nên diệt được tâm tà kiến nương nhờ nơi tâm cho rằng: "thường".

- Hành giả có tánh tà kiến, trí tuệ nhiều, thì thích hợp với đối tượng "niệm pháp" thuộc danh pháp, sắc pháp.

Hành giả tiến hành niệm pháp (danh pháp, sắc pháp) sẽ thấy rõ, biết rõ pháp này "vô ngã", nên diệt được tâm tà kiến nương nhờ nơi pháp cho rằng: "ngã".

Tuy bốn đối tượng: "thân là bất tịnh, thọ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã" chỉ đề cập đến tính chất đặc biệt của mỗi đối tượng. Nhưng thực ra, tất cả 4 đối tượng "thân, thọ, tâm, pháp" đều có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, trạng thái bất tịnh.

Nếu hành giả biết chọn đúng đối tượng thích hợp với tánh và trí tuệ của mình, thì việc tiến hành thiền tuệ rất thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ thiền tuệ, để thấy rõ, biết rõ trạng thái riêng của danh pháp, sắc pháp; sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Kết : Sự nguy hại chỉ có trong thiền Định . Còn trong thiền Tuệ dù không hợp với căng tánh chỉ bị tăng tiến chậm mà thôi . Chúng ta lưu ý tự biết căng tánh của bản thân để có thể thiền cho đúng tránh phải bị nguy hiểm do bất thiện tăng trưởng . Tốt nhất là nên gặp và trao đổi với các thiền Sư có giới hạnh và kinh nghiệm . Điều lưu ý nữa đó là hành giả phải cố gắng giữ 8 giới trong 1 tháng có các ngày quy định . Hy vọng rằng qua bài viết này Zelda giúp được cho bạn một cách nhìn mới rõ ràng và an toàn trong quá trình hành thiền .

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .


Gieo suy nghĩ, gặt hành động
Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách
Gieo tính cách, gặt số phận

Dick Lyles
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.27 khách