KHÔNG HAM SẮC, ĐƯỢC QUẢ TỐT

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Dieu Tri
Bài viết: 32
Ngày: 01/11/08 07:50
Giới tính: Nữ
Đến từ: TPHCM

KHÔNG HAM SẮC, ĐƯỢC QUẢ TỐT

Bài viết chưa xem gửi bởi Dieu Tri »

(sách GƯƠNG NHÂN QUẢ - NXB TÔN GIÁO)

Hồi đời vua Vạn Lịch, triều nhà Minh, thuộc về nước Tàu, tại trường Quốc tử giám ở Kinh, có hai người học trò lớp nhứt, đều là trang mạo khôi ngô, hình dung tuấn nhã lại sanh đồng niên, đều được 17 tuổi.

Một người tên là Phan Tái An, con của quan Thượng thư tại Bộ, tánh tình quái xảo, lẹ miệng lanh lời hễ thái gái xinh, thì như ruồi thấy mật, không nỡ xa rời.

Còn một người nữa tên là Lưu Đức Tú, con của một người đàn bà góa ở trong thành, tánh tình chất phác, ít ăn ít nói, dầu gặp gái đẹp, thì như nước dội tường, không hề xao động.

Hai người học trò này tuy bề trong, tánh ý vẫn không giống nhau mà bề ngoài, cách ăn mặc và sự liên lạc nhau chẳng khác như một cặp bài trùng vậy.

Lưu Đức Tú hiềm nỗi ở nhà rộn rực, nên ra ngoài thành tìm nhà người mẹ vú nuôi chàng lúc còn nhỏ, mà xin ngụ tại một cái nhà mát, lợp tranh ở phía sau, đặng nhờ sự thanh tịnh mà đọc sách.

Còn việc ăn uống, tắm giặt thì do người mẹ vú sắm sửa, chàng cứ đến tháng trả tiền mà thôi; vì vậy nên chàng không dung tiểu đồng.

Từ khi Đức Tú ở riêng ngoài thành, thì Tái An có hơi hiu quạnh, thường tìm đến nhà mát ấy mà viếng thăm chàng luôn luôn như vậy trọn sáu tháng trường.

Mẹ vú của chàng Đức Tú, tên là Vương Mạ Mạ có một người con gái nuôi, tên Xuân Thơ, tánh nết khôn lanh, hình dung đẹp đẽ, mới 16 tuổi mà nổi tiếng tài hoa.

Lúc có chàng Đức Tú đến ngụ, thì nàng hằng liếc xem diện mạo nghe sẵn tiếng tăm, trai tài gái sắc xứng đôi, cội áo nguồn ân xúc động.

Tuy lòng của chàng Đức Tú chỉ chăm trên mặt quyển sách,

mà lòng của nàng Xuân Thơ thì chăm nơi mình chàng: nên từ việc ăn uống, quét dọn tại chỗ Đức Tú ở,

dầu bà Vương Mạ Mạ không sai biểu, thì nàng cũng cứ lệ lo làm.

Bà thấy vậy tưởng con biết thay nhọc cho già, nên không để ý tới.

Một ngày kia, chàng Đức Tú về nhà thăm mẹ ruột, bèn thuật lại hết các việc mẹ vú nuôi dưỡng ân cần và nàng Xuân Thơ hầu hạ sốt sắng.

Bà mẹ ruột của chàng bèn nói rằng:

“Người ta có lòng như thế, thì mình phải cho chút đỉnh, đặng tỏ tình kính mến – Vậy mẹ có một gói trà này rất ngon, con đem dâng cho mẹ vú uống chơi – Còn cái khăn tay này cũng tốt, vậy con đem thưởng cho Xuân Thơ”.

Chàng Đức Tú vâng lời đem hai vật ấy dâng cho bà Vương Mạ Mạ thì bà tỏ lời cảm tạ rồi lấy cái khăn trao lại cho người con gái nuôi của bà.

Việc ấy là lễ thù tạc thành thật, mà nàng Xuân Thơ lại tưởng là có tình, nên đến buổi chiều nàng qua phòng học của chàng Đức Tú mà tạ rằng: “Em rất cám ơn quí nhơn thưởng cho em vật tốt đó”.

Chàng Đức Tú đáp lại rằng: “Ấy là của mẹ ta cho, chớ không phải của ta đâu mà tạ”.

Nàng Xuân Thơ nói: “Nếu quí nhơn không khoa việc phải của em, thì Thái Thái biết đâu mà thưởng; như vậy lại càng đáng tạ quí nhơn hơn nữa”.

Đêm đó chàng Đức Tú thức mà học đến mười một giờ khuya.

Còn nàng Xuân Thơ, cũng không ngủ, một lát đem trà mời uống, một chập đem bánh mời ăn, hoặc đến lau bàn ghế, hoặc đến dọn giường mùng.

Chàng Đức Tú thấy vậy cũng cho là thường, chớ không hề nghi ngại cho nàng có tình ý chi cả.

Đúng 12 giờ khuya, chàng bèn đóng cửa và tắt đèn đi ngủ.

Khi chàng mới vừa thiu thiu, lại nghe có người ở ngoài gõ cửa;

chàng liền lên tiếng hỏi ai khua, thì nghe nàng Xuân Thơ đáp lại rằng: “Tôi đem trà đến cho quí nhơn uống”.

Chàng Đức Tú nói: “Tới giờ ta đi ngủ, nên ta không uống trà nữa”.

Nàng nói: “Tôi có một lời muốn thưa với quí nhơn, xin chớ phụ lòng kẻ thành thật”.

Chàng đáp lại: “Đêm khuya tăm tối, mà nàng là gái không chồng, còn ta là trai chưa vợ, nếu chuyện vãng thì sợ thiên hạ nghi nan”.

Nàng nói: “Xin quí nhơn hãy mở cửa ra, chỉ có hai ta, chớ ai đâu mà sợ nghi nan!”.

Chàng đáp lại: “Tuy người phàm không thấy, chớ Phật Trời thấy! Quỷ Thần thấy! Ta không dám đâu!”.

Chàng nói đến đó lại giả ngủ mà nín luôn: nàng hỏi việc gì, thì chàng không trả lời lại nữa.

Nàng Xuân Thơ thua buồn trở về đóng cửa, chong đèn ngồi nghĩ rằng: trong đời sao có người ngu ngốc như thế.

Nàng nằm xuống giường càng nghĩ càng buồn, càng buồn càng hổ, lăn qua lộn lại, trót đêm không an giấc đến chừng rạng đông mệt mỏi mới ngủ quên.

Sáng ngày, chàng Đức Tú thức dậy, không thấy nàng Xuân Thơ đem nước như mọi khi,

nên chàng phải xuống nhà dưới kiếm nước rửa mặt và uống, rồi thưa với bà Vương Mạ Mạ rằng: “Bữa nay trong mình tôi không an, nên tôi tính về nhà nghỉ ít tháng; như chiều có người nhà của tôi đến nhờ vú giao các đồ của tôi cho nó đem về”.

Bà Vương Mạ Mạ nói: “Đó là vì công tử gắng công học, nên mới sanh yếu trong mình, vậy cũng nên về nghỉ mà dưỡng sức lại”.

Khi Đức Tú ra về rồi cách một chập lậu, thì nàng Xuân Thơ thức dậy, chạy đến phòng học không thấy hình dạng của chàng, bèn trở lại hỏi mẹ, mới hay chàng đã về rồi.

Nàng càng xốn xang trong lòng, sợ chàng về thuật việc mình cho mẹ chàng hay rồi đồn đãi lần ra, thì còn mặt mũi nào mà thấy người được nữa.

Ngờ đâu Đức Tú đáng bực quân tử chẳng nói đến việc xấu của người, chỉ thưa với mẹ rằng chàng về nghỉ mà thôi.

Đây nói qua Tái An, từ khi đến lui thăm viếng Đức Tú thấy bộ nàng Xuân Thơ đẹp đẽ, thì chàng đã mơ mơ ước ước;

nhưng ngại vì trước mắt Đức Tú nên chàng chưa dám thả giọng bướm ong, chỉ lấy nhãn thần trừng qua liếc lại đôi chút mà thôi.

Còn nàng Xuân Thơ lúc đó nặng tình với chàng Đức Tú nơi lòng, nên thấy Tái An cũng như không thấy.

Ngày nay Tái An đến viếng, không gặp Đức Tú, bèn hỏi thăm bà Vương Mạ Mạ thì mới biết Đức Tú đã về nghỉ, không còn ở nơi nhà mát nữa.

Chàng rất nỗi mừng, liền nói với bà Vương Mạ Mạ rằng:

“Đức Tú đã về rồi, thì cái nhà mát bỏ không; vậy bà cho tôi ở đó đặng đọc sách; vì tôi ưa nhà ấy thanh tịnh và khoảng khát. Xin bà cũng sửa soạn cho tôi ăn dùng như Đức Tú vậy, tiền bạc tôi trả gấp cho bà”.

Bà Vương Mạ Mạ có tánh tham, nghe nói trả tiền bằng hai, thì chịu liền.

Tái An bèn về thưa với cha mẹ, chỉ nói tìm chốn thanh tịnh đặng đọc sách chung với chàng Đức Tú mà thôi, rồi dọn quần áo, sách vở và rương trắp đến ở.

Đây nói đến nàng Xuân Thơ từ khi có chàng Đức Tú ở nhà mát ấy, thì nàng không để ý đến chàng Tái An.

Nay không có Đức Tú nữa, nàng xem Tái An kỹ lưỡng rồi tự nghĩ rằng:

“Đức Tú bất quá là con của một người đàn bà góa, mà tánh lại chần chờ phách lối, không biết ơn nghĩa là gì! Còn Tái An này là con của quan lớn đương triều, giàu sang trên thế, mà chàng lại tối trai vui vẻ, học giỏi có danh; chi bằng mình mơn trớn cùng chàng, họa may thỏa lòng mơ ước”.

Nàng nghĩ vậy rồi, bèn bưng trà đến phòng học, mời chàng uống và khiêu khích rằng:

“Đức Tú ở đây sợ lạnh nên về mất, còn công tử không sợ lạnh sao?”.

Chàng Tái An nói: “Đức Tú ỷ tài tự phụ không biết dùng người, nên mới sợ lạnh, còn tôi mền mùng rất kỹ, quàn áo dinh dư, lại biết dùng người nữa, mà làm sao lạnh được”.

Chàng Tái An tuy miệng nói như vậy mà mắt liếc đưa tình, làm cho nàng Xuân Thơ mê man hồn phách, liếc trả cười duyên.

Tối lại, chàng còn đọc sách, thấy nàng đem trà đến pha rồi mời uống, thì liền xếp sách dẹp cất, không cần xem đọc chi nữa, để trò chuyện cho thỏa tình.

Lạ gì mèo đã gặp mỡ, bí sẵn chờ ong, nói năng sơ sịa ít câu, rồi đóng cửa tắt đèn nhập cuộc.

Lúc ấy nhằm tiết tháng tám, khí thu đã mát, nắng hạ vừa qua, ấp yêu một cặp uyên ương, trăng triếu hai trăng thỏ ác.

Hai đàng cùng nhau ân ái trót luôn hai tháng, nghĩa nặng tình nồng, nên chàng Tái An đâu còn kể tới sự đọc sách chi nữa.

Đến tháng mười, gặp khoa Đại ti, cha của chàng là quan Thượng thơ kêu chàng về đặng sửa soạn vào thi, vì ngài biết tài học của con, chắc thế nào cũng chiếm đặng bảng vàng.

Gần ngày thi, nửa đêm quan Thượng thơ nằm chiêm bao thấy một vị thần, cân đai tề chỉnh, đến mách bảo rằng: “Con của ngày vì làm nhiều chuyện khuy tâm tổn hao âm đức, nên kỳ thi này không thể gì đậu được”.

Quan Thượng thơ giựt mình thức dậy, ngồi nghĩ rằng: “Con mình còn nhỏ có làm điều gì đến nỗi thất đức, nên ngài chẳng đem lòng tin điềm mộng ấy”.

Đây nói đến kỳ thi, tuy chàng Tái An học hành giỏi hơn chàng Đức Tú bội phần, nhưng vì chàng thường gần gũi nàng Xuân Thơ, bỏ sách đã lâu, lại tinh thần dã dượi, nhớ trước quên sau nên vào đủ bốn trường mà văn lý của chàng tầm thường, không có chi xuất sắc.

Còn chàng Đức Tú cũng vào thi, mà văn lý luật như phun châu nhả ngọc, gấm trải thêu giăng, ai xem thấy cũng đều khen ngợi, nên đến kỳ yết bảng, thấy đề tên chàng đậu cử nhân thứ nhì còn tên Tái An không thấy ở nơi khoản nào cả.

Chừng ấy, quan Thượng thơ mới biết rằng điềm chiêm bao rất linh và kêu Tái An đến hỏi cho biết chàng có làm điều chi thất đức hay không, thì chàng cứ cãi chối hoài.

Quan Thượng thơ nổi giận, liền bắt chàng nhốt trong một cái phòng kín, không cho ra ngoài thành,

nên từ ấy chàng với nàng Xuân Thơ cách biệt hai phương, mặc sức đêm trông ngày nhớ.

Đây nói đến chàng Đức Tú khi thi đậu cử nhân, rồi trở về nhà lạy yết ông bà cha mẹ và yến đãi bà con bậu bạn trót chín mười ngày, thì có kẻ kêu đưa cháu, người mời gả con, nhưng chàng chỉ đợi nơi nào vừa ý mẹ với vâng lời.

Qua tháng hai năm sau, nhằm kỳ thi hội, Đức Tú thưa với mẹ xin phép đến ngụ tại chùa Từ Quang ở trong thành mà lo sách đèn cho yên lặng, đặng nhờ ngày giựt bảng giành cờ.

Khi chàng đến, thì thấy có một vị cử nhân, tên là Phùng Nhựt Thăng 20 tuổi, đại danh lừng lẫy, hình tướng tốt tươi, đã ngụ trước tại đó mà chờ kỳ thi hội.

Hòa thượng chùa ấy bèn dọn một cái phòng cho Đức Tú ở khít bên phòng của Nhựt Thăng, nên hai người được gần gũi mà tương đắc nhau lắm.

Ngày nọ, có một ông đạo sĩ đến chùa, tay cầm tấm chiêu bài có đề bốn chữ lớn rằng: “Chiếm nhân danh phận”.

Nhựt Thăng xem thấy, bèn nói với Đức Tú rằng:
“Sẵn có thầy bói đến đây, hai đứa ta cũng nên coi mỗi đứa một quẻ cho biết kỳ thi hội này ra sao và cậy người xem tướng nữa, đừng bỏ qua rất uổng”.

Đức Tú đáp lại rằng:

Không phải em sợ tốn tiền; duy em tự nghĩ ở đời ta sao mình vậy, kỳ thiệt công danh, phú quí, học vấn, chánh sự, triều đình, gia đường, cả thảy các việc trong thế gian, kể luôn đến cái thân người nữa, đều là vật giả dối hết; chỉ có cái tâm là thật mà thôi. Nên kinh Phật có câu rằng: “Nhứt thiết duy tâm tạo” (nghĩa là: việc gì cũng bởi tại nơi tâm sanh ra) vậy làm người nên giữ gìn cái tâm cho được chánh là đủ rồi, cần gì phải bỏ ra thật ra mà hỏi thăm cái giả làm gì”.

Đức Tú nói mấy lời ấy tuy là chánh lý, mà mới nghe qua giống như châm chích người bạn ở kế cận,

nên Nhựt Thăng, tuy ngoài miệng ngợi khen nhưng trong lòng hờn giận, rồi đi coi quẻ một mình.

Ông đạo sĩ gieo quẻ vừa xong, bèn nói với Phùng Nhựt Thăng rằng:

“Quẻ này hào văn chương của cậu vượng lắm, không có ai sánh bằng: nhưng bị hào tài phát động, khắc hào thê, tài là thê, thê là mình, mình bị thê khắc, lại hóa hồi đầu khắc, mà hai bên đều là lâm chơn không”.
Cứ y trong quẻ mà đoán ngay, thì qua cuối mùa xuân cậu và hào thê đều phải phòng lo về tánh mạng.

Còn cái tướng của cậu, tại cung Ly là nơi quan lộc hiện đương hưng vượng, đáng lẽ khoa này cậu đậu đầu. Tướng ấy cũng hiệp với quẻ kia, văn chương vượng tướng đó!

Còn tại cung Đoài là nơi thê thiếp, nó phát một cái gân sát khí mà đâm thẳng vào cung Khảm, là nơi tổ nghiệp và bổn thân của mình. Tướng ấy cũng hiệp với quẻ kia, nghĩa là tài động khắc thê”


Phùng Nhựt Thăng nghe ông đạo sĩ đoán rằng:

Thê hào phát động, thì tưởng vợ ở nhà có điều chi, cứ năm bảy ngày sai tiểu đồng về thăm một lần, nhưng vẫn nghe nói bình an luôn luôn, nên chàng cho ông đạo sĩ nói quàng.

Thuở đó, quan Thừa tướng triều Minh có một người con gái, tên là Lan Hương mới 17 tuổi sắc nước hương trời, cầm kỳ thi họa đều giỏi, mà trót năm Mậu Tí nàng cứ đau ốm hoài, hết bịnh này sanh bịnh khác thuốc thang không hiệu bùa chú không linh.

Qua tháng chạp, vợ chồng quan Thừa tướng bàn rằng:

“Mình có một đứa con, cưng như trứng mỏng, nhưng nó đau ốm mãi, chạy thuốc đủ phương mà không bớt, vậy phải đem nó vào chùa Từ Quang ngụ đỡ ít tháng, đặng cầu kinh kệ tụng trì, họa may nhờ ơn đức của Phật mà nó mạnh đặng chăng!”.

Bà Đổng Nương là mẹ vú của nàng Lan Hương nghe hai vợ chồng quan Thừa tướng tính như thế, bèn thưa rằng:

“Bẩm quan lớn! Chùa Từ Quang linh lắm, hễ ai có bịnh hoạn đến đó cầu khẩn thì chắc mạnh; nhưng có một điều gay gắt là người bịnh nếu có tà niệm thì phải thác ngay; vì đã thấy có nhiều người bị như vậy rồi nên phải cho cẩn thận.

Quan Thừa tướng đáp lại rằng: “Con ta tuy gái mà văn tài không kém trai và tự biết trọng bề danh giá; huống lại cho nhà đài các ai dám xâm khuy! Ngươi chớ lo xa mà nhọc trí!”.

Quả nhiên nàng Lan Hương đến chùa Từ Quang ở cầu kinh mới được vài ngày, thì thấy bịnh đỡ bớt nhiều.

Nàng thường khi ra vào, thấy chàng Nhựt Thăng cũng ở đó, thì trai tài gái sắc, xướng họa phú thi, ban đầu nét chữ câu văn, sau lại thả ong quến bướm.

Nàng Lan Hương hỏi thăm mới biết Nhựt Thăng đã có vợ, nên nàng nói rằng:

“Khoa hội này cha của thiếp làm Chánh chủ khảo; nếu chàng bằng lòng bỏ vợ mà kết duyên cùng thiếp, thì lo chi chức Trạng nguyên về tay người khác”.

Nhựt Thăng thấy nhan sắc của Lan Hương xinh đẹp và nghe nàng nói như thế rất vui mừng, bèn thề rằng: như chàng thi đậu, rồi thì về đuổi vợ mà cưới nàng.

Hai đàng bèn ân ái với nhau, tình nặng nghĩa nồng mà trong chùa không ai biết cả.

Nàng Lan Hương thật là một người con gái rất rộng lượng; bánh men đã muốn, chả cuốn càng ham.

Bởi thế nên khi thấy chàng Lưu Đức Tú cũng đến ngụ tại chùa đặng chờ khoa thi, và biết chàng là Cử nhân tân khoa, lại thêm trai tơ chưa vợ, thì nàng lừa lúc thanh vắng đến thả đủ lời hoa tiếng nguyệt.

Nhưng trăm lần như một, mỗi khi nàng buông lời trêu ghẹo, thì chàng Đức Tú chỉ đáp lại hai chữ “mô Phật” mà thôi.

Đây là nói đến khoa thi hội nơi trường thứ năm đã tới mà trong bốn trường thi trước lựa chọn 12 người được vào thi trước mặt vua.

Khi thi và khảo duyệt rồi, thì thấy Phùng Nhựt Thăng đậu Trạng nguyên và Lưu Đức Tú cùng bốn người khác đậu Tấn sĩ bảng đính đã xong, chỉ đợi sáng ngày minh yết.

Đêm ấy lối canh ba, vua Vạn Lịch nằm chiêm bao thấy một vị Hòa thượng y bát nghiêm trang, đến trước bệ rồng mà yết kiến.

Vua phán hỏi rằng: “Hòa thượng ở đâu mà đến đây viếng quả nhơn”.

Hòa thượng đáp lại rằng:

“Bần tăng ở chùa Từ Quang có việc cần kíp, nên đến hỏi thăm Bệ hạ một điều. Vậy khoa thi hội này, Bệ hạ muốn chọn nhân tài mà kinh ban tế thế chăng?”.

Vua đáp: “Chính như thế đó”.

Hòa thượng nói:

“Nếu vậy sao Bệ hạ cho Quỉ đậu Trạng nguyên, còn Phật không cho đậu chức ấy? Sách có chữ rằng: Phật năng cứu thế, quỷ đa nhiễu nhơn. Vậy xin Bệ hạ đổi lại cho Phật đậu Trạng nguyên, thì tốt hơn là để cho quỷ”.

Vua hỏi: “Cứ như lời ngài nói, thì Phùng Nhựt Thăng là quỷ hay sao?”.
Hòa thượng tâu:

“Sách có chữ rằng: Nhơn từ vi quỉ (nghĩa là: người thác hóa ma). Nó đã thác rồi, vậy không phải là ma hay sao?”.

Vua lại hỏi: “Còn ngài bảo Quả nhơn đổi lại để cho Phật đậu Trạng nguyên thì biết ai là Phật mà đổi?”.

Hòa thượng lại tâu:

“Người ấy đức vọng rất lớn, mỗi khi niệm câu “mô Phật”, thì đều động đến Thiên đình, người ấy ngày sau giúp nước phò vua, công nghiệp càng thêm to tát. Xin bệ hạ xem lại những quyển thi của các vị Tấn sĩ mà thấy quyển nào có ứng lộ chữ “Phật”, thì quyển của người ấy”.


Hòa thượng nói rồi, liền cỡi mây lành bay mất.

Vua Vạn Lịch giựt mình tỉnh giấc, thì mồ hôi đã ướt dầm, bèn ngội dậy suy nghĩ điềm mộng rất nên kinh tâm,

rồi sáng ngày truyền quan Cận thị soạn những quyển thi của các vị Tấn sĩ đem đến long án, đặng kiểm duyệt lại.

Nguyên khoa hội này đậu đặng Trạng nguyên và bốn vị Tấn sĩ, cộng lại là năm người.

Vua xem mấy quyển thi của bốn vị Tấn sĩ, thấy quyển của Lưu Đức Tú mỗi trương có ửng hai chữ “mô Phật”, nét vàng rất lớn,

và xem lại bài vở quả là hàng gấm trải, chữ chữ ngọc đeo, thì muốn đổi bỏ tên Phùng Nhựt Thăng mà lấy tên Lưu Đức Tú cho đậu Trạng nguyên liền khi đó.

Nhưng vua suy nghĩ thầm rằng: trong điềm mộng thấy Hòa thượng nói Phùng Nhựt Thăng đã thác rồi,

nên để đợi hỏi lại như quả thiệt, thì sẽ đổi tên cũng chẳng muộn chi.

Vua tự nghĩ như vậy, bèn xuống chiếu dạy đòi Phùng Nhựt Thăng vào yết kiến.

Quan Hoàng môn lãnh chiếu ra đi rồi trở về tâu rằng:

“Muôn tâu bệ hạ! Phùng Nhựt Thăng mới thác tại chùa Từ Quang ở trong thành, lại có con gái của quan Thừa tướng cũng mới thác tại chùa ở đó nữa. hai người phát bịnh một lượt, giây lát đều từ trần cả”.

Vua nghe tâu rất hãi kinh, liền phê vào quyển thi của Lưu Đức Tú bốn chữ “Trạng nguyên cập đệ” rồi truyền đem bảng ra yết tại ngọ môn.

Thuở ấy vua Vạn Lịch có một nàng công chúa, tên là Nguyệt Chiếu đã được 16 tuổi, hình dung yểu điệu diện mạo đoan trang, cá lặn chim sa, hoa nhường nguyệt thẹn.

Vua thấy quan Trạng, tài cao tuổi trẻ, bèn đòi vào bệ rồng mà hứa gả công chúa và hỏi rằng: “quan Trạng có tu hay không?”.

- Muôn tâu Bệ hạ! Tôi không có tu.

- Quan Trạng không tu mà có niệm Phật hay không?

- Muôn tâu Bệ hạ! Tôi cũng không có niệm Phật.

- Quan trạng có ở chùa nào hay không?

- Muôn tâu Bệ hạ! Tôi có tạm ở nơi chùa Từ Quang.

Vua Vạn Lịch nghe Lưu Đức Tú trả lời rằng có ở tại chùa Từ Quang, thì gật đầu luôn đôi ba lần và hỏi tiếp rằng:

“Quan Trạng nói rằng không tu mà ở chùa làm gì?”.

Lưu Đức Tú đáp lại rằng:

“Muôn tâu Bệ hạ! Trước khi thi hội, tôi có đến chùa ấy tìm nơi thanh tịnh mà đọc sách”.

Vua bèn hỏi nữa rằng: “Trong khi ở chùa, quan Trạng có lúc nào niệm hai chữ “mô Phật” hay không?”.

Khi nghe vua hỏi đến điều đó, thì Lưu Đức Tú mới nhớ lại lúc ở chùa Từ Quang,

mỗi lần nàng Lan Hương trêu hoa ghẹo nguyệt, thì ngài đáp lại hai tiếng “mô Phật” nên ngài bèn đem việc ấy tỏ hết đầu đuôi tự sự,

thì vua nghe rất khen ngợi.

Ngày thứ, Lưu Đức Tú vào triều lạy dưới bệ rồng mà lãnh chức Phò mã,

vua truyền cho quan Khâm thiên Giám coi ngày tốt đặng cho Trạng nguyên và công chúa động phòng hoa chúc.

Vua lại đem việc chiêm bao thấy Phật và sự đổi Trạng thay tên mà thuật hết cho các quan trong triều nghe, thì ai nấy cũng đều kính phục cả.

Đến ngày làm lễ thành hôn, thì nào là tam cung, lục viện quốc thích hoàng thân, bách lieu, văn võ,

cả thảy đều đem lễ vật chúc mừng.

Khi hoa chúc trọn ba ngày ba đêm rồi, thì vua đòi Phò mã vào triều mà phong chức Tham tri trong viện Cơ mật,

lại phong hàng Tứ phẩm cho ông bà cha mẹ của ngài là khác nữa.

Một hôm nọ, quan Trạng nguyên đến dự yến tại dinh quan Thượng thơ, thấy có bọn quan kỷ ra ca xướng.

Trong bọn đó có một nàng hình dung yểu điệu, sắc diện xinh đẹp hơn mấy nàng kia, bưng rượu dâng đến trước mặt quan Trạng,

rồi khoanh tay cúi đầu mà thưa rằng: “Hai ba tháng mà không biết ngài “Bẩm ngài! Tôi có hầu ngài còn nhớ hay không?”.

Trạng nguyên nghe nói như vậy, ngó nhìn nàng ấy một hồi mà chẳng biết là ai.

Các quan đương dự yến, thấy vậy bèn vỗ tay cười mà nói rằng: “Nếu quan Trạng không gần sắc mà sao lại có cô chiêu đãi hầu mấy tháng trời?”.

Trạng nguyên hỏi nàng ấy: “Nàng nói rằng có hầu ta hai ba tháng, vậy nàng hầu lúc nào, tên nàng là chi, và ở tại đâu?”.

Nàng ấy đáp lại rằng: “Tôi tên là Xuân Thơ, lúc quan Trạng còn ngụ học tại nhà mẹ tôi, thì tôi có hầu hạ ngài hai tháng”.

Trạng nguyên nghe nói như vậy, liền nhớ đến lúc ngài ngụ học tại một cái nhà mát lợp bằng lá của bà Vương Mạ Mạ

rồi nửa đêm vì nàng ấy đến phòng trêu hoa ghẹo nguyệt, nên ngài buộc lòng phải thôi ở chỗ đó.

Trạng nguyên thấy nàng Xuân Thơ nhập vào bọn quan kỷ như thế, bèn nói rằng: “Vì sao nàng đến nỗi này?”.

Nàng nghe hỏi đến sự ấy, thì hai hàng nước mắt tuôn rơi mà đáp lại rằng:

“Bẩm quan Trạng! Từ khi ngài thôi ngụ nơi nhà mẹ tôi, thì có Phan Tái An đến xin ở, phận tôi thì tới lui hầu hạ chàng cũng như tôi hầu hạ ngài thuở ấy vậy. Ngờ đâu chàng có lòng lang dạ thú, trở lại trêu ghẹo làm tôi phải xiêu theo ý muốn của chàng mà ân ái nhau trọn hai tháng.

Sau chàng về thi hương, nghe đồn đi thi một lượt với ngài, mà ngài đậu Cử nhân, còn chàng thì rớt;

nên quan Thượng thơ là cha chàng bắt về giam cấm làm cho tôi với chàng từ ấy phải cách biệt nhau.

Sau tôi có tiếp được một phong thơ của chàng gởi bảo tôi vào trong cửa thành, thì có người của chàng sai đến rước về hội hiệp.

Té ra thơ ấy là giả, vì người đón tôi đó là dẫn tôi đem bán cho tàu kê, nên mới ra đến nông nỗi này”.

Trạng nguyên nghe nàng Xuân Thơ tỏ hết cái hoàn cảnh của nàng như thế; thì ngài xúc động lòng nhơn,

liền nói với các quan đương dự yến đó rằng:

“Nó quả có công lao hầu hạ tôi, mà nay lại thất thân lầm người gian trá.

Vậy xin các ngài vị tình tôi mà dung cho nó khỏi hầu rượu, rồi đây tôi sẽ sai người đi đòi mẹ nó đến mà cho tiền đem chuộc nó về”.

Các quan thấy vậy, đều khen ngợi quan Trạng có lòng nhơn đức.

Trạng nguyên sau được nay bổ mai thăng, lần hồi làm đến chức Thừa tướng, giúp luôn nhà triều vua Minh,

mưa nhơn rưới khắp trong ngoài, lửa trực cháy tiêu gian nịnh và các việc triều chánh ngài đều nắm chặt trong tay.

Còn công chúa sanh được ba vị công tử đều nối dòng khoa giáp, tiếp gót điện đình, sân rồng các phụng bia danh sử ngựa kinh lân để tiểng.


I love Buddha
Bài viết: 14
Ngày: 06/11/08 01:02
Giới tính: Nam
Đến từ: Saigon

Re: KHÔNG HAM SẮC, ĐƯỢC QUẢ TỐT

Bài viết chưa xem gửi bởi I love Buddha »

chuyện này rất có ý nghĩa, 1 bài học cho những người thích lăng nhăng, có người yêu hoăc vợ chồng rồi mà còn ko nghim túc
những người giữ giới và chung thủy sẽ tốt hơn và đat kết quả cao hơn , do ko ham sắc dục


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.23 khách