------------------------------------
Sau khi các quan hý hoáy vịnh xong, đệ lên ngự lãm. Nhà vua xem đến bài của cụ Nguyễn Hàm Ninh chấm cho hay nhất, thưởng mỗi chữ là một nén vàng, nhưng cho là có ý móc moi, nên cũng phạt mỗi chữ phải đánh một trượng.
Bài thơ "Răng cắn lưỡi" được ông Thái Bạch kể lại trong tập Giai Thoại Văn Chương Việt Nam, nguyên văn như sau:
- Ngã sinh chi sơ nhữ vị sinh
Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh
Bất tư cộng hưởng chân cam vị
Hà nhân tương vong cốt nhục tình.
- Thuở trước tớ sinh, mi chưa sinh
Mi sinh sau tớ, tớ là anh
Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng
Sau nỡ quên phăng "cốt nhục "tình.
Tuy nhiên, chuyện cải hóa hay thơ văn móc máy trong thế gian nào có thiếu gì? Ấy vậy khi nói đến giới thiền gia mà làm thơ "lỡm" thì mới thật là hiếm!
Làng Ưng Liêm thuộc tỉnh Hà Nam (Bắc Việt) là một làng trù phú, nhà ngói san sát như bát úp, dân cư khá đông đúc và cũng nhiều người tân tiến. Người ta bảo kiểu đất làng Ứng Liêm "được" là vì có "nghịch thủy", bởi phía trước mặt là con sông Thanh Giang nước trong vắt, cứ về mùa đông trông suốt tận đáy. Phía sau làng là một giải hồ rộng mông mênh, nước Thanh Giang chảy xuôi, nhưng xuống hạ lưu lại chảy lộn vào hồ, nên cảnh hồ cũng rất nên thơ, nước trong leo lẻo!!! Phong cảnh ấy đáng lý phải có nhiều khách thừa lương, mỗi buổi chiều ra sông hứng gió, nhưng ngược lại, người trong làng ít ai đi dạo bờ sông, mà mỗi khi ra sông là ít ra phải có "việc cần"!!!
Con sông Thanh Giang rộng mênh mông, nước trong mà lặng gió, gió thu hây hẩy, mặt nước lăn tăn, mỗi tối trăng về, trông ra thật là "trăng nước hữu tình". Nhưng người ta đã bắc ra sông một dãy cầu cồn, nghĩa là chiếc cầu bằng tre dùng bốn năm cây tre ghép lại, dài khoảng mười thước, đóng cọc bắc tuốt ra sông, phía hạ lưu được ngăn lại bằng những mảnh lưới, thì ra dân làng đã chia nhau quyền lợi, chỉ bởi con sông có nhiều loại cá, và những chiếc cầu cốn kia là nơi người ta "tống xuống đấy" để đỡ bận lòng và lại còn là thức ăn quý báu của loài cá!!! Cũng vì thế mà mức sống dân làng trở thành trù phú, bởi có nguồn lợi nuôi cá ven sông.
Ngày nọ, một nhà Sư áo vải, người cao đến tá túc tại ngôi chùa trong làng, buổi chiều ra ngắm xem phong cảnh qua mấy cầu cốn hết sức ngạc nhiên, rồi chạy thẳng một mạch về chùa, từ đó bặt đi không bao giờ dám ra bờ sông ngắm cảnh.
Cũng bởi nhà Sư nọ có danh tiếng đôi chút, nên khi đến tá túc tại chùa Ứng Liêm thì có các thân hào, nhân sĩ ra chùa trò chuyện và thỉnh câu đạo lý.
Nhân một buổi đông đảo các vị bô lão và cả thanh niên, phụ nữ tập họp để nghe thuyết pháp. Nhà Sư sau một hồi đem giáo lý Phật đà giảng rất được mọi giới hoan nghênh và có cảm tình, thì thốt nhiên nhà Sư xoay câu chuyện thành cuộc thảo luận về xây dựng thôn xóm, giữ vệ sinh và phát huy kinh tế.
Câu chuyện mỗi giờ mỗi thêm hấp dẫn, dân làng kéo đến mỗi đông, và thường ngày nhà Sư nói chuyện là một cuộc "mết tinh" không cần cổ động.
Suốt một tuần như thế, đến ngày thứ bảy, nhà Sư chuyển sang thuyết trình về văn thơ Phật giáo Việt Nam, cuối cùng buổi thuyết pháp, nhà Sư đưa ra một trăm bao thơ trao lại các vị kỳ lão và các thanh niên có chức phận và cho biết đó là một bài thơ lưu giản vì mai đây nhà Sư có việc phải về Tiền Hải Thái Bình.
Các cụ kỳ lão và các thanh niên cứ đinh ninh cho rằng nhà Sư gởi lời cảm tạ, hoặc một bài thơ lưu giản kỷ niệm, nhưng khi dở ra thì thấy một bài thất ngôn Đường luật vô đề, nguyên văn như sau:
- Sợ bã văn chương nặng cõi lòng
Phải mang tháo tuột cả ra sông
Tưởng còn lưu luyến ngôi Vương bá
Nên mãi đi tìm thú Quận công
Thanh thủy đã đành trôi nước chảy
Hoàng kim sao nỡ đổ xuôi dòng
Chiếc cầu tế độ khen ai bắc
Khách vội qua đường... ghé cái trông!!!
Rồi họ bàn tán, đi sâu mãi vào chi tiết: Nào là nhiều người phát tài về việc nuôi cá, nhưng làm thế là một cái tội, người ngồi "bĩnh" xuống sông cho cá ăn, rồi lại đánh cá đem đi bán, thế là cái chuyện lẩn quẩn, mặc dù cá ở Ứng Liêm có béo có mập, nhưng bán thế, nuôi thế là một cái tội. Mặc khác mất cả vẻ mỹ quan của dân làng. Hơn nữa hằng năm thế nào cũng có sự tranh chấp về nạn chia ảnh hưởng khúc sông.
Trong làng có ba họ chính được chia ra từng khúc để phát huy kinh tế, nhưng vì nhân số không đồng đều và lại những lờ đôi khi bị phá nên mỗi năm ít ra là hai, ba vụ đánh nhau làm mất tình hòa khí.
Sau khi phân tích sự việc thấy rằng dưới triền sông phía dưới, không thuộc phạm vi làng nào, rất có thể quây lại để nuôi cá, vẫn có quyền lợi kinh tế, nên dân làng quyết định phá bỏ những cầu cốn ngay trước mặt làng, và cấm chỉ không cho một ai được "bĩnh" ra bờ sông nữa.
Một anh thanh niên coi chuyện đó là một chuyện thú vị còn đứng lên vác loa mà bình bài thơ, rồi anh ta lại tự giải thích:
- Ông Sư Cụ người trông thế mà móc máy đáo để, nghe thuyết pháp thì thật ra tuồng đạo đức, thế mà làm thơ thì thật thanh mà tục! Các Cụ thấy không ạ! Sợ "bã văn chương! cái chữ bã văn chương là ghê gớm lắm đó. Làng ta chả là làng văn hóa mà! Rồi đến hai câu thực:
- Tưởng còn lưu luyến ngôi Vương bá
Nên mãi đi tìm thú Quận công.
Rồi đến câu kết thúc:
- Cái cầu tế độ khen ai bắc
Khách vội qua đường... ghé cái trông!!!
Một năm sau, cũng lại chiếc áo bạc màu, chiếc xe đạp lọc cọc, nhà Sư nhân dịp đi qua Hà Nam rẽ vào Ứng liêm tá túc một đêm, khi mới đến cổng làng, một đứa bé con thoáng trông thấy đã gọi rầm lên: "Ông Sư làm thơ đã đến! Ông Sư làm thơ đã đến!" Và một lúc, không ai bảo ai, các Cụ bô lão, cũng như thanh niên đều kéo ra chùa tưởng như ngày hội.
Nhà Sư nhã nhặn nói chuyện đạo lý, sau khi các bô lão trình bày sự cải cách của dân làng, nhà Sư vui vẻ cảm ơn dân làng đã không trách mà còn thực hiện một sự đẹp đẽ như thế thật là vô cùng quí hóa.
Hôm sau nhà Sư từ biệt trước sự luyến mến của dân làng với những lời nói chân thực của các em nhi đồng: "Ông Sư làm thơ!" Và một thanh niên vừa cười vừa tiến gần mà nói: "Bạch Sư Ông! Tất nay không còn chuyện "Khách vội qua đường..." nữa chứ ạ! Mọi người đều cười hoan hỷ.