Khuyên người niệm phật cư sĩ Diệu Âm Úc châu

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

hieuphuctien
Bài viết: 229
Ngày: 26/06/08 18:52
Giới tính: Nam

Re: Khuyên người niệm phật cư sĩ Diệu Âm Úc châu

Bài viết chưa xem gửi bởi hieuphuctien »

Chết là một vọng tưởng. Thân hình, thể xác không phải là Ta. Nhiều người cứ lấy thân xác này là Ta cho nên sanh ra lo sợ.
(Pháp Sư Tịnh-Không).
23 - Lời khuyên song thân
Định-mệnh, Nhân-quả,
Danh-vọng!
Kính cha má,
Tất cả vạn sự sự vật không có gì thoát khỏi định luật nhân quả. Thiên cơ, định mệnh chỉ là một cách gọi khác của định luật nhân-quả mà thôi. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, chính vì vậy mà An nó tìm cách cho cha má có cơ hội bố thí làm phước để tạo thêm phước báu lót đường tương lai cho cha má. Trong những ngày về thăm, An nó tâm sự với con rằng, “...mình làm sao cho cha má an tâm không lo gì về tiền bạc, hơn nữa còn phải coi nhẹ tiền bạc. Mỗi tháng tiêu dùng nếu thiếu mình bồi đắp cho đủ, nếu dư cha má phải đem cho người ta hết, cho nhiều mình sẽ bù vào nhiều cho cha má, nếu còn dư mình trừ số tiền đó trong phần cấp dưỡng tháng sau...”. Nghĩ tới lời này mà con thương em nó, trong tất cả những người con của cha má không biết còn có ai thành tâm, thành ý hiếu thảo lo lắng cho cha má như An nữa không?
“Bổ bất túc, tổn hữu dư”, (bù chỗ thiếu, lấy phần dư) là đạo lý của Lão-học, là triết lý của dịch-học, không biết An nó học sách Thánh-Hiền từ hồi nào mà nói lên được đạo lý này. Cha má bố thí nhiều, mình nguyện cung ứng thêm cho cha má làm phước cứu giúp người. Cha má để dành lại thì coi như tiêu dùng còn dư mình phải lấy lại phần đó. An đề nghị như vậy là nó không muốn cha má tiếc tiền trong việc bố thí giúp người. Nghĩ tới ý tưởng này con mới giựt mình vì con vẫn còn có nhiều sơ sót, một đề nghị đơn giản như vậy mà chính con chưa nghĩ ra. Tư tưởng này người bình thường khó hiểu tới, nhưng người thông hiểu được đạo mới thấy chí lý, cao siêu. Có được tư tưởng thiện lương như vậy chứng tỏ được lòng hiếu thảo chân thực của một người con. Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy, “Phật đạo dẫn cho đến cùng lý chỉ là tròn hiếu đạo mà thôi”. Người có tâm chí hiếu tự nhiên cảm ứng đạo giao, Phật Trời phù hộ, trí huệ phát sinh. Người sống mà thiếu hiếu hạnh thì như trong cửa Khổng thường nói là “Thiên Địa bất dung”, “Quỷ Thần bất phục”, đã bị như vậy rồi thì làm sao mà nên thân được.
“Bổ bất túc, tổn hữu dư”, là đạo sống trung hòa. Bù chỗ thiếu để giảm phiền não, ngăn trừ cái độc “Sân”; Lấy phần dư để phát tâm rộng rải, phá trừ cái độc “Tham”. Giảm giận dữ và tham lam là mở đường của trí huệ, có trí huệ thì phá được si mê. Đoạn trừ được ba chất độc tham, sân, si là phá được cái gốc của tam đồ lục đạo, mở đầu con đường để giải thoát. Một đề nghị tuy đơn giản nhưng hàm chứa trong đó cả một đạo lý làm người thiện lành. Cho nên, có trí huệ mới thấy giá trị, có hiếu thảo mới thấy chí lý, có thấu triệt đạo lý mới thấy cao siêu.
Thưa cha má, thông thường con người cứ khư khư bảo thủ, tằn tiện cất giữ tiền bạc để làm vốn liếng, tạo sự nghiệp. Việc làm này đối với tuổi trẻ có thể cho là chuyện thường tình, nhưng nghĩ cho kỹ cũng thấy buồn cười rồi. Còn đối với người già cả mà cất giữ tiền bạc thì thật là chuyện tiếu lâm của kiếp nhân sinh! Vì sao vậy? Vì, thân người chờ đợi từng ngày một để ra đi, thì còn ham chi nữa những thứ bất tịnh này cho ô nhiễm tâm hồn? Người ta cứ nghĩ rằng không tằn tiện thì tiền sẽ hết, không thủ giữ thì mai hậu làm sao sống. Thử hỏi người già rồi mà còn có mai hậu nữa sao? Khi nằm xuống rồi có moi tiền để sống được không? Còn về chuyện phước báu trên đời, thì thực tế mình thấy thường trái ngược lại, người càng bố thí càng giàu, người càng rộng rãi càng có nhiều tiền, người ưa giúp tha nhân thì hoàn cảnh sống càng ngày càng thoải mái hơn. Bên cạnh đó người càng keo kiệt càng cô đơn cùng khổ, càng ngày càng nghèo xác xơ...!
Đó là định luật của nhân-quả, người đời thường gọi là định-mệnh, tất cả đều đã an bài rồi. Thế thì sống trên đời cần gì phải lo lắng nhiều, cần gì phải chạy mánh mung bất chánh để kiếm tiền, bon chen thủ lợi, suốt đời quần quật để tranh giành làm chi những cái gì của chính mình đã sẵn có trong định-mệnh. Người giàu là vì trong mạng họ có tiền, nghèo là vì số họ bị nghèo. Danh vọng, quyền lợi, địa vị... mỗi thứ đều do cái nhân của chính họ đã trồng từ trước, thì tại sao không chịu an tâm tu nhân để được hưởng thêm quả mới, lại cứ lo tìm quả để gây thêm cái nhân xấu mới và rồi nhận lãnh cái vận mệnh xấu trong tương lai?

Ngày về quê con có nghe kể một câu chuyện, có người có tiền của rất nhiều, có đầy một lon hột xoàn, đầy một lon vàng, mà suốt một thời gian qua không dám tiêu dùng, con cái phải khổ sở làm kiếm từng đồng để sống, trong khi đó kim cương, hột xoàn, vàng, bạc lại âm thầm chôn giấu ở sau vườn. Sau cùng, hai lon của cải không cánh mà bay mất. Của thì mất rồi, còn người thì tiếc của đâm ra ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Cho nên, người già cả mà cất giữ tiền bạc quả thật là cái họa vào thân. Câu chuyện này là một chứng minh điển hình. Rõ ràng có tiền của chưa chắc là phước, ngược lại không biết sử dụng nhiều khi trở thành họa, cái họa trong đời này có thấm thía gì đâu, cái đọa lạc khổ đau vạn kiếp về sau mới là điều ghê sợ!
Cho nên con tha thiết khuyên cha má nên biết buông tất cả những thứ đó xuống,thì mới có cơ hội vãng sanh về với Phật, còn tham luyến cất giữ thì nó sẽ là cái gông, nó cùm chân mình lại trong bể khổ luân-hồi. Ví dụ, người mất hết hai lon vàng hột xoàn bây giờ tiếc ngẩn tiếc ngơ. Họa hay phước đây?! Người hiểu đạo thì biết đây chỉ là số mệnh, hễ mệnh có nó ở, mệnh không nó đi, thì cần gì phải buồn. Thế nhưng, vì không hiểu đạo cho nên việc này trở thành phiền não vô cùng, buồn rầu vô tận! Đó chính là nghiệp chướng, là cái gông nó trói đầu mình lôi vào tam ác đạo chứ còn gì nữa.
Trong cái phước có cái họa, có phước mà không biết làm phước thì cái phước nhanh chóng biến thành họa. Ví dụ như người mất của nếu cứ tiếp tục buồn mãi, thì chẳng phải là tự mình muốn mai đây trở thành con thằn lằn, hằng ngày ôm cột nhà, tiếc của mà tắc lưỡi suốt kiếp mới đành hay sao!
Thưa cha má, người không có phước đức không thể hưởng được phước báu, dù cho của tiền có đến tận tay. Người mà không lo làm thiện thì dù bạc tỉ trong tay cũng sẽ trở thành tay trắng. Chính như con đây, có thời tiền trong tay đếm không hết, nhưng rốt cuộc có lúc đói không có tiền mua được ổ bánh mì. Tại sao vậy? Vì con không có phước đức cho nên không thể hưởng phước lộc. Hiểu điều này rồi thì buồn làm chi khi tiền tài đã mất, có buồn chăng là tự trách mình sao không chịu tu hành sớm mà thôi. Phật dạy, có phước đừng nên tiêu hết phước. Phước tiêu thì họa đến, nếu không mất tiền thì tai họa vào thân. Người đó nên hiểu rằng, lỡ có “Tổn-tài” thì được “Tiêu-tai”, đây là điều may mắn quá rồi, không vui mà còn buồn nữa sao?!
Tiền bạc là “Thông-hóa”. Thông là lưu thông, hóa là biến hóa. Có thông mới có hóa, không thông thì thành thối. Giống như nước vậy, có chảy mới trong lành, không chảy thì ối đọng, trở thành nước độc. Có tiền mà bo bo cất giữ thì tiền đó thành tiền chết, thứ tiền độc hại. Cái tính chất của tiền là lưu thông để làm lợi cho mình, cho người, làm giàu xã hội, phục vụ quốc gia. Mình không cho nó làm tròn nghĩa vụ của nó, lại âm thầm cất kỹ là làm trái ngược đạo lý, đã tự gây nên nghiệp chướng. Nghiệp chướng tăng trưởng chưa bị hiểm họa là may, còn nói chi hưởng phước. Phước đức hao mòn đến một lúc nó hết sạch, thì tự nhiên tiền tích giữ nó cũng tự động tìm cách ra đi.
Chính vì thế mà cất giữ tiền bạc là điều không tốt mà lại còn làm tiêu hao âm đức của mình là vậy. Tuổi trẻ lưu giữ tiền bạc nó ít gây nghiệp chướng hơn, vì chúng nó còn có dịp tung tiền ra để đầu tư, lập cơ xưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho người khác, nghĩa là đồng tiền được “thông-hóa”. Còn già mà cất giữ tiền bạc lại chỉ là món nợ, nợ cho đời này, nợ thêm đời sau, chứ không có chỗ giải quyết. Hơn nữa, giữ tiền thì tâm bị dính vào tiền, rất nguy cho huệ mạng. Phật dạy, người không chịu buông bỏ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) thì không tránh khỏi tam đồ ác đạo, chắc chắn hậu lai không tốt!
Đời trước có bố thí tiền, đời này được giàu có. Bố thí vui vẻ, thành thật thì tiền vào dễ dàng, tiêu xài thoải mái. Bố thí mà so đo, tính toán thì có tiền nhưng phải làm lụng vất vả. Người đã có phước đức thì dù vừa làm vừa chơi, tiền của vẫn vô như nước. Người thiếu phước đức thì có cố gắng làm quần quật suốt đời, sau cùng vẫn thành trắng tay. Cho nên, đạo hưởng phước báu chính là đạo tu nhân tích đức.
Vì vậy, tiền bạc vừa có đủ xoay xở thì nên lo bắt đầu tích công lũy đức liền, có thế mới nên sự nghiệp. Người không chịu tin định luật nhân-quả, cứ cưỡng cầu thâu đạt cái phước lợi chỉ là vọng tưởng, có của thì mất của, buôn bán thì lỗ vốn, có được gia tài coi chừng nếu không bị trộm thì cũng bệnh hoạn, không bệnh hoạn thì cũng gặp nhiều tai ương. Nghĩa là, bằng mọi cách để nó tiêu hao sản nghiệp. Nói chung lại, rốt cuộc cũng hoàn không mà thôi. Làm chết xác để hoàn trắng tay mà còn thêm họa vào thân, thì dại gì cứ chạy theo con đường đoản hậu vậy?
Dục tri tiền thế nhân
Kim sinh thụ giả thị.
Dục tri lai thế quả
Kim sinh tác giả thị.

Muốn biết cái nhân đời trước, hãy nhìn vào sự hưởng thụ trong đời này. Muốn biết cái quả sau này, hãy nhìn đời này ta đang làm gì đây. Đây là đạo lý của Nhân-Quả, không thể nào sai chạy được. Nếu biết rằng “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, một hớp nước, một miếng ăn cũng không ra khỏi định mệnh trước, thì mình sẽ an nhiên tự tại, tư thái thoát phàm, dù nghèo đến đâu ta vẫn sống an nhàn, thảnh thơi.
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”...
Tiên cảnh là đây chứ còn tìm đâu nữa, phải không thưa cha má?
Nhân đã có, thì quả ắt có. Nhân trong đời kiếp trước tạo ra quả trong đời này, thì quả báo này thuộc về hậu-báo. Con người sinh ra trên đời là tự nhiên đã thọ lấy cái quả báo của đời trước, đây gọi là định-mệnh. Nhân trong đời này tạo được quả cũng trong đời này, thì đây là quả báo hiện tiền, hay gọi là hiện-báo. Hiện-báo có thể thay đổi vận mệnh, thay đổi hoàn cảnh, đây gọi là “Tận Nhân-lực tri Thiên-mệnh”.
Như vậy, “định-mệnh” là nhân-quả, mà “đổi-định-mệnh” cũng là nhân-qua. Người xuôi theo định mệnh thì sống trọn vẹn trong cái quả báo của đời trước, người không xuôi theo định mệnh thì có thể tự cải tạo được định mệnh của mình bằng sự giúp người, làm thiện.
Ví dụ, đời nhà Minh có người tên là Hoàng-Khôn-Nghi ở tỉnh Giang-Tô, số ông khoa bảng không cao, không con, thọ mạng chỉ tới 53 tuổi. Khi gặp Vân-Cốc Thiền-Sư bày cho cách làm thiện để cải đổi vận mệnh. Ông Hoàng-Khôn-Nghi làm theo, ông phát nguyện làm hàng ngàn việc thiện, cả gia đình đều ủng hộ làm thiện. Kết quả định mệnh của ông đã chuyển hẳn, như được trường thọ, có khoa bảng, có quan nghiệp, con cái đầy đủ. Ông đổi tên thành Liễu-Phàm và bốn bài khuyến thiện của ông là “Liễu-Phàm-Tứ-Huấn” lưu lại đến ngày nay, trở thành sách gối đầu cho những ai muốn hiểu thấu về nhân-quả, cải-tạo-vận-mệnh.
Như vậy định-mệnh có thể cải tạo được. Định-mệnh chỉ là cách gọi khác của định luật nhân-quả mà thôi. Con người chỉ có thể thay đổi định-mệnh trong đạo lý nhân-quả. Nói rõ hơn, con đường chân chánh để thay đổi mệnh số là phải làm cái nhân tốt để có cái quả tốt, nhờ cái quả báo tốt mà cải đổi hoàn cảnh sinh hoạt của con người. Chính vì lý do này mới có sự khuyến khích tu hành để chuyển nghiệp, chứ không đổi được định-mệnh thì tu hành làm gì?
Thưa cha má, người thực sự hiếu thảo mới có những lời hiếu thảo. Người con hiếu thảo mà hiểu đạo nữa thì không những có lời hiếu thảo, mà còn có thêm những hành động hiếu thảo thực sự chu toàn cái đại hiếu. An nó đã hiểu được cái định luật của vũ-trụ nhân-sinh, nên mới đề nghị khuyên cha má cố gắng phát tâm bố thí, tích cực giúp người để có nhân lành, tu bồi âm đức để hưởng được quả báo an lành. Cụ thể, như hoàn cảnh của cha má ở quê thì nên giúp người trong làng xóm, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, những chuyện này tụi con sẽ cố gắng ủng hộ cho cha má.
Trong tất cả các pháp bố-thí, thì bố-thí-pháp như khuyên giải bà con tu hành, khuyên họ niệm Phật, giảng giải pháp Phật, tạo duyên cho người ta niệm Phật là thù thắng nhứt. Hãy cố gắng mở rộng tâm ra cầu mong tất cả mọi người đều niệm Phật để được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, thoát ly sanh-tử luân-hồi.
Cứ thành tâm làm thì tự nhiên Phật Trời sẽ gia hộ. Nếu chân thành thương người, gắng sức giúp ích tha nhân thì nghiệp lành sẽ lớn, nó bao phủ được nghiệp ác trong những đời kiếp trước, nhờ thế mà quả báo tốt sẽ hiện tiền giúp cha má cải tạo được định mệnh trong đời này.
Thành thật bố thí giúp người thì phá trừ được lòng tham, những thứ tiền tài, danh vọng, địa vị thế gian không còn có thể cám dỗ mình nữa. Buông xả được thì tự tại như Thánh nhân, một Thánh nhân niệm Phật thì tức khắc được về với Phật là lẽ đương nhiên. Nhiều người nhờ biết buông xả mà niệm Phật họ được vãng sanh dễ dàng, còn người không chịu buông xả thì dù có niệm Phật cũng khó mà được vãng sanh. Cho nên, phải nhìn cho thấu và buông cho trót cha má ạ. Dòng chữ bên trái trên tượng Phật là, “Khán-Phá, Phóng-Hạ, Tự-Tại, Tùy-Duyên, Niệm-Phật”. Khán-Phá là nhìn cho thấu sự thật của vũ trụ nhân sinh, hiểu rõ nhân quả; Phóng-Hạ là buông cho trót thế tục phàm tình, nhàm chán ngũ dục, lục trần, đoạn trừ tham sân si mạn, bố thí giúp người; Tự-Tại là tự do thoát tục, thư thái thanh nhàn, an nhiên vui sống; Tùy-Duyên là hòa trong hoàn cảnh sống nhưng không bị hoàn cảnh chuyển, không đắm nhiễm thế tục thường tình, không thèm can dự vào chuyện thế gian; Niệm-Phật để chuyển phàm thành Thánh, là giai đoạn chót viên thành Phật đạo. Đạo lý đang nằm trong tay, giải thoát đang có ngay trước mắt. Rõ ràng định mệnh là do tự ta chọn lấy.

Bố-thí là giúp đỡ người nghèo khó, nâng đỡ kẻ khốn cùng, giúp những nơi đáng giúp, chứ đừng cần đến cái tiếng khen tặng làm chi cho giảm cái đức của mình. Người được nhiều người bao vây khen tặng đâu thoải mái tự tại bằng kẻ nhàn cư. Người thường nhậu nhẹt say sưa, đem tiền lì xì cho nhà hàng đâu có phước thiện bằng người mua giùm vài tấm vé số của các em nhỏ lang thang ngoài đường.
Cho nên, phước-đức có âm-phước, có dương-phước. Âm-phước có âm-đức, có thiện-báo; dương-phước là dương-đức có ác-báo. Âm-phước là làm phước âm thầm không khoe khoang; dương-phước là làm phước mà thích khoe cho thiên hạ biết. Âm-phước là lòng chân thành, lương thiện. Dương-phước là lòng giả vọng, tham danh. Người âm thầm giúp đỡ người nghèo khó không cầu mong trả ơn... đó chính là lòng thương người chân thật, tâm tánh hiền hòa từ bi. Nhìn vào người đó tự nhiên thấy hiền lành, tướng hảo quang minh, thâu nhiếp sự cảm mến của thiên hạ. Đây thuộc âm-đức, chắc chắn có quả báo tốt hiện tiền, không cần cầu xin.
Ngược lại, người cứ làm một chút việc tốt thì muốn cho người ta hay, người khác khen tặng, cần nhiều tiếng vỗ tay... đây thì thiện lành ít, mà lòng cạnh tranh tham danh vọng thì nhiều, tiền bạc họ bỏ ra có khi rất nhiều nhưng âm-đức không có, không những không có đức mà còn bị tổn hại nữa là khác. Nhìn họ ta thấy nụ cười gượng gạo, tâm thái bất an... tất cả những cái đó nó phá cái sắc tướng của họ, khó có thể dấu được ai. Đây gọi là dương-phước. Dương-phước thì thiện quả đã mất mà ác báo lại hiện tiền, hậu quả thường bị người đời xem thường, tương lai quả báo không tốt.
Có lần má muốn góp tiền để xây cái nhà “Táng” hay may cái lá cờ... cho đám ma. Đóng góp vậy cũng được. Nhưng thực ra không tốt bằng má âm thầm đi giúp người nghèo khó, cho họ chén cơm, manh áo, an ủi lúc khổ, tặng họ chút tiền để mua thuốc lúc ốm đau, nhất là đi khuyên người niệm Phật... Làm cái nhà Táng để cho đám ma linh đình chỉ là cái tập quán của người Việt-Nam, trong đó nó ngụ ý đưa hồn về địa-phủ. Người tu hành hãy thành tâm khuyên người khi còn đang sống hãy niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc để thành Phật thì hay hơn, công đức này lớn vô cùng vô tận, chứ khi chết rồi làm đám tang linh đình để đưa về địa-phủ thì tốt lành gì đâu mà làm! Sống trong làng xóm, mình cần hòa với mọi người, không trái nghịch với xã hội, nhưng đường ta ta đi, chứ không đồng lòng theo họ. Đây gọi là Tùy-Duyên, tức là “Hòa mà không Đồng” vậy má ạ.

Thưa cha má, đường đời đầy bạc bẽo phũ phàng! Sự tu hành cũng nhiều chông gai cạm bẫy! Mình phải sáng suốt để tìm đường thoát ly, thoát ly thế tục, thoát ly sanh-tử luân-hồi. Phật dạy, tu hành cần phải phúc huệ song tu. Tu phúc mà không tu huệ thì bị nạn tam-thế-oán. Tu huệ mà không tu phúc thì chướng ngại trùng trùng khó bề vượt qua. Tu phúc là làm lành, lánh dữ, tu huệ là để thoát ly sanh-tử luân-hồi, viên thành đạo quả.
Ví dụ, như câu “Một lòng niệm Phật, ăn chay, làm lành”, thì niệm Phật là tu huệ, ăn chay, làm lành là tu phúc, nghĩa là phúc huệ song tu, rất tốt. Nhưng nếu ta cứ đi cầu ơn trên cho được bổ báo phước lành, thì công đức bị mất hết, chỉ còn lại cái phước báu hữu lậu mà thôi. Tu như vậy là một sự sơ suất đáng tiếc! Cũng như mình niệm: “Sau dầu đến chốn Diêm đình, linh hồn trong sạch nhẹ mình thảnh thơi”, không tốt lắm! Vì Diêm-đình thuộc về Diêm-Ma-La giới, tức là địa-ngục. Niệm địa-ngục thì dễ lạc vào địa-ngục, tới đó làm chi? Hãy niệm rằng: “Sau dầu mãn báo thân này, linh hồn trong sạch nhẹ nhàng thảnh thơi”, thì hay hơn nhiều chứ!
Cho nên, tu hành nên rất cẩn thận mới được. Phật dạy, “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”, tâm chánh là Phật, tâm tà là ma. Tà - Chánh tại tâm chứ không phải do bên ngoài. Tôn giáo chưa hẳn đâu là tà, đâu là chánh, chỉ có người sơ suất đã biến tôn giáo thành ra có tà, có chánh thì rất là nhiều. Ví dụ, như ngay trong Phật giáo, Phật dạy tu hành phải đoạn trừ lòng tham mà hầu hết người nào tới chùa cũng cầu xin phước báu, tiền tài, danh lợi... cầu tăng trưởng lòng tham. Cầu như vậy là sai lời Phật dạy không tốt chút nào cả!
Chuyện tu hành là vậy, chuyện thế sự nhân sinh còn nặng hơn nữa! Con người ai cũng thích thành hiền nhân quân tử, nhưng tư tưởng hành động lại thường đi ngược mà không hay, như ngay trong gia đình mình vẫn còn nhiều người vướng mắc vào chữ danh. Chữ danh có nhiều hình tướng lắm, có thực có hư, có thơm có thối, có thiện có ác, có chánh có tà... chứ đâu phải có danh là tốt đâu. Ấy vậy, mà nhiều người quá chú ý vào chữ danh nên mới bị nhiều phiền não. “Gẫm hay mà ngán ngao dường, có danh phải chịu trăm đường đắng cay!”. Người trước đã than như vậy mà người nay không biết tỉnh ngộ mà cứ tìm đường cay đắng mà theo.
Danh là quả báo của tài đức. Có tài thì có danh dự, có đức thì có tiếng lành. Không tài không đức mà tìm cái danh thì nhiều lắm cũng được cái hư danh, ác danh, tà danh... mà thôi chứ có hay ho gì đâu. Người biết tu hành thì cái tiếng tốt danh thơm kia cũng không động tới tâm họ, huống chi là cái danh vọng hão huyền. Trong lịch sử xưa nay có vị nào tham danh mà được thành danh đâu?!...
Cái danh nó xác định nhân phẩm của con người, nó đến một cách tự nhiên. Định luật nhân-quả xác định có tiền kiếp, có hậu lai, thì chắc chắn đời này chết đi không phải là hết. Cái thân này chết đi ta có cái thân khác để sống. Cái báo thân này tự nó đã là cái danh quả cho đời trước rồi. Nếu làm lành, làm tốt, thì mỗi lần thay đổi ta lại có cái thân tốt hơn, có hoàn cảnh sống tốt hơn, bây giờ là thân người sau này có thể là thân Đế-Vương, thân Trời, thân Phật... Nếu làm xấu, làm ác, thì mỗi lần đổi ta mang cái thân hình tồi tệ hơn, hoàn cảnh sống khổ cực hơn. Cái danh hiện tại nó xác định cái nhân phẩm của mình trong quá khứ. Vậy thì, cứ làm thiện làm lành, lo tu bồi tài đức thì dù có chạy trốn cái danh thơm nó cũng tìm tới, chứ đâu cần phải khổ nhọc đổ mồ hôi, sôi nước mắt để mua cái tiếng hão huyền hư vọng làm chi?
Ở Việt-Nam, người tham danh thường lấy câu, “vật chết để da, người ta chết để tiếng” làm châm ngôn sống. Họ cho đó là lý tưởng của người trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất. “Không danh đành nát với cỏ cây”. Nhưng thương hại thay! Họ thèm tấm da làm chi mà coi chừng đời sau đành chịu thân mang lông, đầu đội sừng, đi bốn chân, suốt đời quần quật kéo cày cho thiên hạ, rồi đến khi thân tàn ma dại thì họ trói chân mình lại, quật mình ngã xuống, banh thây mình ra lấy thịt để ăn, rồi mới lóc tấm da đem đi thuộc để làm đồ hữu dụng!...
Còn “Người chết để tiếng”, tiếng gì đây? Tục ngữ có câu, “hữu xạ tự nhiên hương”, có mùi thơm thì tự nhiên có hương thơm. Không có nhân thì chắc chắn không có quả. Không có làm thiện lành, thì chắc chắn không có quả thiện lành. Người cứ lo chạy tìm tiếng thơm, thì giống như trong kinh Lăng-Nghiêm, đức Phật ví “Như người lấy phân khô mà khắc thành hình cây chiên đàn”. Chiên đàn là một loại cây đàn hương, tự nó tiết ra mùi hương thanh thoát. Người không có cây chiên đàn mà chạy làm điều bậy bạ để tìm mùi thơm của hương chiên đàn, có phải là dại lắm hay không?!
Làm thiện là lấy cái tâm thiện lành để làm chứ không nên vì cái danh, hay vì để được khen mà làm. Người chân thành làm thiện nên lo sợ mà tránh xa lời khen tặng, phải biết trốn tránh cái danh vọng hão huyền để bảo tồn cái âm-đức của mình. Ham danh thuộc về dương-đức, dương-đức thì giả-vọng, giả-vọng thì gặp ác-báo. Rất uổng cho cái phước báu mình khổ công vun trồng sẽ tiêu sạch, vì thèm mua một ít lời khen trong chốc lát. Nếu lý luận theo ngày nay, thì người vì tham cái danh nên bỏ tiền ra mua được cái danh, có danh rồi thì sống trong sự giả dối, tâm tánh thiếu thành thật, mà còn thường cống cao ngã mạn, khinh thị thiên hạ... Tất cả những hành vi này cấy vào tâm điền biết bao nhiêu tật xấu. “Tướng tùy tâm sanh”, trong tâm có tật xấu dấu sao cho được trước trực giác của mọi người. Có nhân chủng xấu làm sao tránh được ác báo tương lai?
Thưa cha má, con nói đến chữ danh là thực tâm muốn cầu mong cảnh tỉnh một vài người còn đang mập mờ theo đuổi. Ngày nào cha má còn tại tiền thì con cháu phải biết nghe lời răn dạy cái đạo đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của cha má. Cái đạo đức làm người phải hiểu có “Nhân” có “Quả”, phải biết có “Xạ” thì mới có “Hương”. Muốn có cái “Tiếng-Thơm” phải có cái “Tâm-Thơm” trước, không lo cái tâm thiện lành mà chạy tìm cái tiếng thiện lành thì có khác gì người không có chiên-đàn mà cứ muốn ngửi mùi chiên-đàn đâu?
Con cái muốn có tiếng hiếu nghĩa thì phải lo cho tròn chữ hiếu, âm thầm từng phút, từng giây nghĩ cách sao báo đáp cho trọn ơn nghĩa sanh thành. Cụ thể, từng bữa đói no đã nấu giùm nồi cơm chưa? Từng ngày nóng lạnh đã đắp cái mền, đã thông chút gió chưa? Trong lúc cha má xỉu té có ai túc trực đỡ cha má dậy không? Đã có kế hoạch gì để phụng dưỡng chưa? Đã nghĩ cách cứu huệ-mạng của cha mẹ cho đời kiếp tương lai chưa? ... Đó mới thực sự là “Hiếu dưỡng phụ mẫu” vậy.
Xin thành tâm khuyên anh chị em, con cháu trong gia đình đừng ham chi cái danh giả tạo bên ngoài mà tổn cái đức bên trong, không tốt chút nào cả! Trong lịch sử Trung-Quốc, người đại hiếu đại thuận là vua Thuấn. Xuất thân của ông là đứa con mồ côi mẹ, bà mẹ ghẻ ác nghiệt cùng người cha ngu muội suốt đời tìm cách hãm hại ông ta. Nhưng vì nghĩ đến công ơn sanh thành mà ông quyết một lòng hiếu thuận. Sự hiếu thuận đã cảm động đến đất trời, bay xa tới tai vua Nghiêu, được vua Nghiêu truyền cho ngôi báu. Đây chính là “hữu xạ tự nhiên hương”. Thử hỏi, nếu từ đầu ông Thuấn cứ đi rao khắp nơi, kêu nhiều người tới chứng kiến là mình có hiếu nghĩa, thì liệu cái quả báo sẽ như thế nào?
Hãy nhìn coi, chung quanh chúng ta, cũng đâu thiếu gì những cảnh vì tham chút danh mà cuộc đời lao đao lận đận, rồi cuối đời âm thầm khóc trong tủi cực buồn đau! Tham danh mới bị đời xoay, thích danh mới bị kẻ dày người chê. Rời bỏ danh vọng trở về cuộc đời hiếu hạnh chắc chắn phải hay nhiều hơn chứ!

Hiếu đạo là căn bản đạo đức của con người. Tất cả anh chị em, trong gia đình muốn báo hiếu với cha má thì phải nên tìm hiểu cho tường tận cái hiếu của thế gian và cái hiếu của xuất thế gian. Trả chữ hiếu thế gian là tiểu hiếu, tròn chữ hiếu xuất thế gian là đại hiếu. Hiếu xuất thế gian là đại hiếu, vì nó đã bao hàm cả tiểu hiếu trong đó rồi, vì người hiểu đạo rồi có bao giờ lại ganh tỵ, so đo từng đồng để phụng dưỡng cho cha mẹ đâu? Người chỉ lo việc thế gian thì nhiều lắm cũng chỉ trả được tiểu hiếu của thế gian, nếu tốt thì có thể đem về một số vật chất và một ít niềm vui nào đó, trong khoảng thời gian hạn hữu khi cha mẹ tại tiền. Nếu lỡ sai lầm, coi chừng vô tình trở thành tội phạm đày đọa song thân mình vào nơi hiểm ác! Cho nên hiếu thảo cần phải hiểu đạo lý xuất thế nữa, thì sự báo hiếu sẽ được toàn vẹn cả vật chất lẫn tinh thần, giải nghiệp được cho cha mẹ trong cả quá khứ, hiện tại, và vị lai.
Thưa cha má, trước đây con từng nói, người hiếu thảo nhưng thiếu trí tuệ thì rất dễ vô tình tạo ra những sự cố đau lòng, vô ý trở thành oan-gia trái-chủ đối với người sanh thành và trở thành kẻ đại nghịch bất hiếu, vì dìm đời kiếp sau của cha mẹ mình trong ngục tối mà mình không hay! Hầu hết chuyện này hoàn toàn chỉ là sự vô tình đáng tiếc mà thôi. Hậu quả, trách tội thì không trách được, vì chỉ là sự vô tâm không hay biết, nhưng đau thương vẫn phải bị thương đau, nước mắt rơi vẫn phải rơi nước mắt!... Xin cha má nhớ lấy những điểm này để có sự hành động thích đáng, có lời di chúc rõ ràng, đề phòng oan gia trái chủ phá mình mất phần vãng sanh. Di chúc này không hẳn là tiền bạc nhà cửa, mà chính là lời răn dạy cho con cái biết tu hành hiểu đạo, biết hộ niệm vãng sanh, biết thành tâm tin Phật. Và nhất là, chính cha má phải hạ quyết tâm dũng liệt niệm Phật cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc thế giới. Cố gắng làm thêm việc thiện để hồi hướng công đức vãng sanh. Tâm chí thành, chí kính sẽ được Phật lực gia trì, phá vỡ ách nạn cho cha với má an lành thoát ly tam giới.
Riêng về anh chị em trong nhà chúng ta nên ủng hộ chương trình của An. Đây là một đề nghị hợp tình, hợp lý, có nghĩa, có khả năng thực hiện tốt nhứt. Con cái chúng mình đông như vậy chắc chắn dư sức làm việc này, hãy tự giác kẻ công, người của góp sức phụng dưỡng cha má cho thoải mái trong tuổi xế chiều này. Có thoải mái thì cha má mới yên tâm tu hành và cuối cùng cha má hưởng được cái đại phúc báu của sự thiện chung. Được như vậy, mình cứu cha má và chu toàn chữ đại hiếu làm người. Phụng dưỡng cha mẹ nhất thiết phải tùy tâm, đừng nên so đo nhiều ít. Hãy tự lấy gương soi lấy tâm hiếu của chính mình. Công đức vô lượng!

Thưa cha má, hãy buông xả để về với Phật. Cha má nghĩ coi, ông bác ở Long-Khánh biết buông xả nên chỉ cần niệm Phật một thời gian ngắn mà được vãng sanh. Còn ở đây con lo cho cha má đến như thế này mà còn sơ ý để mất phần thì đáng tiếc biết chừng nào?
Nhất định phải hưởng cho được cái đại phước báu vãng sanh. Buông xả, niệm Phật, hết báo thân này chắc chắn được về Tây-phương Cực-lạc Thế giới.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu 18/10/02).
24 - Lời khuyên song thân


Tây phương quê cũ sớm quay về
Hơi thở mạng người chớ trể mê !
Kiếp tạm có chừng nên quý tiếc
Đừng cho lỡ bước lạc sơn khê.


(Nhất Nguyên Đại Sư)
hieuphuctien
Bài viết: 229
Ngày: 26/06/08 18:52
Giới tính: Nam

Re: Khuyên người niệm phật cư sĩ Diệu Âm Úc châu

Bài viết chưa xem gửi bởi hieuphuctien »

Phật ở trong nhà,
có cầu có ứng!
Kính cha má
Thành kính niệm Phật tự nhiên sẽ được Phật lực gia trì, sự cảm ứng bất khả tư nghì. Những sự cảm ứng này nhiều khi nó hiển hiện trước mắt, hoặc âm thầm xảy ra sát bên cạnh mà mình không hay. Ví dụ, chuyến về thăm gia đình, thăm cha bệnh trong tháng Sáu vừa rồi là con đã làm một việc khá liều lĩnh, bây giờ tất cả đã xong con mới dám nói lại. Thời gian con về là lúc con đang bệnh, bác sĩ cấm con không được lái xe, không được đi xa, không được đi máy bay. Bịnh của con rất kỵ trời nắng nóng, hễ nóng lên có thể bị xỉu liền. (Nay thì đã đỡ lắm rồi). Thế mà khi vừa nghe cha ngã bịnh, vì phải cần cứu cha, con quyết định liều lĩnh bay về ngay trong thời điểm thời tiết Việt-Nam rất nóng. Chuyến đi ngắn ngủi nhưng tất cả những thủ tục bảo hiểm đều trả hết, và Ngọc chuẩn bị sẵn sàng bốc con ngược trở lại Úc bất cứ lúc nào. Vậy mà sự việc lại êm xuôi không có gì trở ngại. Cha má nhớ không, ngày đầu tiên con vừa bước chân về tới nhà thì trời chuyển mưa tầm tã, rồi suốt những ngày sau đó thời tiết dịu lại, trời tiếp tục mưa lai rai. Thật là một chuyện may mắn hiếm có, nhờ thế mà con ở lại quê được lâu.
Có thể đây là một chuyện trùng hợp, nhưng dù sao đi nữa, nhờ vậy mới giúp cho con làm tròn những gì con muốn làm khi gặp cha má. Gần hai ngày trước khi lên máy bay, hầu như con tự giam mình trong niệm Phật đường, để ngày đêm nguyện cầu đức A-di-đà Phật gia trì những việc con đang làm để cho con trả phần nào chữ hiếu. Thời tiết Việt-Nam lúc đó hạn hán, nóng bức. Nếu trời tiếp tục nóng như vậy không biết con có chịu nổi qua một ngày hay không?
“Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Phật ở ngay trong nhà, có cầu các Ngài có ứng. Người thành tâm cầu nguyện thì cầu gì cũng được, người thành kính tu hành thì khổ nạn nào cũng được cứu thoát. Sở dĩ cầu không được cảm ứng là vì cầu không như lý như pháp, khổ nạn mà không được cứu là vì ta quay lưng lại với Phật để tự mình rước lấy khổ đau. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy rằng, “Thế gian thiện nam tử, thiện nữ nhân nhược hữu cấp nạn khủng bố, đản tự quy mạng Quán-Thế-Âm Bồ-tát, vô bất đắc giải thoát gia”, nghĩa là, ở thế gian nếu có người thiện nam tín nữ nào bị tai nạn khủng bố mà tự cầu nguyện đức Quán-Thế-Âm Bồ-tát thì đều được thoát nạn. Đức Quán-Thế-Âm là vị Đẳng-Giác Bồ-tát ở cõi Tây-phương Cực-lạc Thế-giới, đứng bên trái của đức Phật A-di-đà. Người bị nạn mà thành tâm cầu Bồ-tát Quán-Thế-Âm thì được Ngài cứu thoát nạn, còn thành tâm niệm A-di-đà Phật thì Bồ-tát bảo vệ mình không bị nạn. Rõ ràng có sự khác nhau.
Thưa cha má, tu hành cần ở sự chí thành, chí kính, Ngài Ấn-Quang Đại sư nói, “một phần thành kính một phần lợi ích, mười phần thành kính mười phần lợi ích”. Lợi ích này thành tựu đạo nghiệp chứ không phải là cái lợi bình thường. “Thành tất linh”, người có lòng thành mới có được lợi ích. Con đang kiết thất niệm Phật, đạo tràng ở đây họ mở Phật thất quanh năm, mỗi lần mở mười Phật thất liên tục, mỗi Phật thất bảy ngày, nghĩa là bảy mươi ngày, bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông không gián đoạn. Có một ông già, bảy mươi tám tuổi từ Đài-Loan qua tu, ông rất yếu nhưng hằng ngày từ bốn giờ sáng cho đến chín giờ rưỡi đêm tu suốt thời khóa không bao giờ trễ nãi. Từ bốn giờ sáng là ông đã bắt đầu niệm Phật. Hằng ngày, đi kinh hành có lúc ông té vào tường nhưng rồi cũng cố gắng gượng dậy mà đi. Nhiều lần lạy Phật ông ngã lăn xuống sàn nhà, người ta tới đỡ ông lên thì ông nói, “Xiè-xiè, pũ cơ chi!”, (cảm ơn, không sao!), rồi ông lại tiếp tục lạy tiếp.
Nhìn thấy cảnh ông cụ tinh tấn tu hành mà con cảm động, ông quyết tâm xả bỏ thân này để về với Phật. Thật là dũng liệt! Gặp bất cứ người nào dù trẻ hay già ông cũng chắp tay cúi đầu thành kính chào, một lòng lễ kính không bao giờ tỏ ra ta là bậc trưởng thượng. Có nhìn thấy những cái gương này ta mới nhận ra cái giá trị của người tu hành. Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy rằng, niệm Phật nhất tâm bất loạn thì không dễ, nhưng “niệm Phật thành phiến” hay “lão thật niệm Phật” thì ai cũng có thể làm được. Lão thật niệm Phật được thì bảo đảm con đường vãng sanh. Ông già đó quyết tâm làm chuyện này. “Lão thật niệm Phật” là sao? Là người buông xả tất cả, làm như ngu ngu ngơ ngơ, bàn gì cũng không dự, hỏi gì cũng không biết... thời thời khắc khắc chỉ một lòng niệm A-di-đà Phật quyết tâm cầu về Tây-phương mà thôi.
Muốn bảo đảm chắc chắn được về Tịnh-độ trong một đời này thì phải vậy cha má ạ. Tu hành không thể ỷ lại, không thể tự mãn, đừng bao giờ tự cho là đủ mà coi chừng bị thất bại vào giờ cuối cùng. Phải tự thấy mình tu hành còn yếu mà ráng tinh tấn hơn nữa. Hãy lập thời khóa niệm Phật và giữ đúng thời khóa đó đừng giải đãi thì công phu mới thành tựu tốt được. Ban đầu lập thời khóa nhẹ một chút, sau đó tăng dần cho đến khi nào suốt ngày tâm mình gắn liền với câu Phật hiệu. Tuổi đời đã gần mãn xin cha má chớ lơ là. Ví dụ con đưa ra thời khóa mẫu:
Buổi sáng
5:00 – 7:30 thức dậy, vệ sinh, ăn sáng
7:30 – 8:00 lạy phật, nguyện vãng sanh
8:00 – 9:00 giải lao, dạo vườn cầm chuỗi niệm Phật
9:00 – 11:00 kinh hành niệm Phật
11:00 ... hồi hướng công đức, nghỉ giải lao,
12:00 – 2:00 cơm trưa, nghỉ, nằm niệm Phật...
Buổi chiều và tối cũng phải lập thời khóa để theo. Nhất định theo đúng thời khóa. Không có thời khoảng đi chơi, không có thời khóa thăm bà con. Quyết tâm xả bỏ nhân tình thế thái, quyết lòng niệm Phật để trong những tháng ngày phiêu phỏng còn lại này mình có đủ tiêu chuẩn vãng sanh.
Muốn kiết thất niệm Phật thì người hộ thất rất cần thiết. Người hộ thất giúp mình lo chuyện cơm nước, giặt giũ, tiếp khách... niệm Phật mà phải tiếp người này, nói chuyện nọ, lo chuyện kia... thì khó mà thành tựu. Vợ chồng em Thứ đang ở với cha má là một thuận lợi rất lớn cho cha má yên tâm niệm Phật....
Cha má ạ, tuổi già thân mạng như trái chín cây, thì hãy biết buông vạn duyên xuống để nhẹ đường thoát nạn. Vật chất, thế thái, nhân tình... thực sự là cái cùm đó, phải ghê sợ mà liệng nó đi. Còn ham tiếc tiền bạc, còn lo giữ cái nhà, còn quyến luyến con cháu, còn tham đắm danh vọng hão huyền... là tự mình đưa chân vào cùm vậy. Con xin kể một chuyện tiếu lâm nhưng có thực cho cha má nghĩ thử. Có một năm ở Việt-Nam bị bão lụt rất lớn. Ở nước ngoài mỗi lần nghe vậy người Việt-Nam thường đi quyên góp tiền bạc để giúp người bị nạn. Lúc đó, con có đưa tiễn một Sư Cô đem tiền quyên góp về Việt-Nam cứu trợ bão lụt, con có nghe kể lại rằng có một vị giàu có, có địa vị khá cao, gởi tặng mười lăm đô-la và hỏi cô có cấp biên nhận cho ông ta khai thuế lấy lại được không?
Thật là tiếu lâm! Là một người giàu có, tiền bạc trong tay tệ gì cũng có vài chục triệu đô-la, khi bố thí mười lăm đồng để giúp người đồng hương hoạn nạn mà còn hỏi tới cái giấy biên nhận để khai thuế, trong khi có nhiều người thất nghiệp, làm công khổ cực để kiếm từng đồng sống qua ngày, khi nghe tới cảnh đau lòng ở quê nhà họ cũng dám vét túi tặng vài trăm đô-la.
Bố thí giúp người không phải là giàu mới làm được, mà chỉ là người có tâm thiện lành mới làm được. “Vi phú bất nhân!”, thông thường người giàu ít có lòng nhân từ, rất khó tu. Càng hưởng phước báu càng xa đường đạo! Cho nên Phật dạy rằng, tu để cầu phước báu sẽ rơi vào nạn tam thế oán, sau cùng dẫn vào đường đọa lạc là vậy. Thực sự tội nghiệp cho họ! Giả như có cơ may họ tiếp xúc được với Phật pháp, hiểu được lý nhân quả, thì đỡ cho họ biết chừng nào! Nghĩ thử coi, có tiền mà thọ mạng không có thì tiền nhiều để làm gì? Bảy tám mươi năm trôi qua thì cát bụi cũng trở về với cát bụi, tiền bạc lúc đó nó nằm lộn xộn giống như đống rác bên lề đường, chứ có giúp ích gì cho linh hồn đang bị lôi theo nghiệp báo đọa lạc đâu!
Ở tại ngoại quốc này, hễ cha làm bác sĩ thì con cũng sẽ làm bác sĩ, không bác sĩ thì cũng tiến sĩ, luật sư... với trình độ đó chúng nó đâu cần tới tài sản của cha mẹ. Vậy mà không hiểu tại sao họ cứ thủ giữ tiền bạc cho thật nhiều để làm gì, mà không biết đem ra một ít để làm thiện, giúp người, cứu nạn, ấn tống kinh sách... để tu bồi thêm phước đức cho đời sau hưởng tiếp. Họ cứ an nhiên hưởng thọ và ra tay tàn phá cho hết cái phước báu trong mạng của mình, mà bất chấp cái hậu quả tệ hại ở kiếp sau. Thấy vậy mà con cảm thấy thương hại!

Thưa cha má, liên tục mấy thư liền con đều khuyên cha má hãy tích cực bố thí, giúp người. Gia đình mình không giàu, tiền bạc không nhiều, cái quả báo này đều có cái nguyên nhân của nó. Hiểu được lý nhân quả thì hãy lấy nhân quả mà chuyển. Sự chuyển biến quan trọng nhất là chuyển từ cái tâm, hễ cái tâm chân thành thì sự lý viên mãn. Một đồng đưa ra mà lòng thương người chân thực, thì quả báo sẽ tràn trề. Người có bạc tỷ cho ra hàng triệu để bố thí, nhưng tâm tánh kiêu mạn, thích khoe khoang sẽ không có quả báo tốt bằng người nghèo giúp cho người khó một chén cơm hẩm đâu cha má ạ.
Quả phước lớn hay nhỏ tùy theo tâm lượng chứ không phải số lượng. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm từ bi, rộng rãi, thì phước lượng bao trùm pháp giới, dù nghèo cũng thấy giàu, dù khó cũng thấy an vui. “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, thiện hay ác, tốt hay xấu... nằm ngay trong tâm mình chứ không đâu xa cả.
Cho nên, “tồn hảo tâm” thì tự nhiên “hành hảo sự”. Nếu còn nghĩ rằng, “nghèo quá tiền đâu mà cho”, thì cái nghèo này là tâm nghèo chứ không phải là tiền nghèo. Cái tâm mà nghèo thì dù có nhiều tiền cuộc sống vẫn phải chịu gian nan. Thế gian này đâu thiếu những trường hợp người giàu lo làm giàu thêm mà đến quên ăn mất ngủ. Đây là đạo lý “vạn pháp duy tâm”. Thế mới biết rằng Phật pháp hay quá, siêu nhân sinh, vượt thiên đạo, siêu vượt Thánh đạo nhập vào pháp giới của Phật. Giáo lý của Phật bao trùm Lý Sự viên mãn, có thể ứng dụng bất cứ mọi trường hợp, mọi căn cơ. “Một là tất cả, tất cả là một”. Hiểu được “MỘT” thì có thể hiểu “TẤT-CẢ”, đem “TẤT-CẢ” để ứng dụng vào “MỘT” chuyện thực tế hàng ngày, chứ đâu có gì là viển vông.
“Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Phật dạy muốn cầu cho khỏi nạn thì mình phải đi cứu nạn, muốn được giàu có thì phải đi bố thí tiền, muốn cho khỏe mạnh sống lâu phải từ bi hỷ xả. Biết thương người thì được người thương, biết nâng đỡ người thì được người bảo vệ... Nếu một lòng nghe lời Phật dạy mà cầu thì làm sao mà không ứng. Chỉ tội nghiệp cho chúng sanh chưa biết đạo cứ mãi lăn xả vào sự tỵ hiềm, ganh đua, vị kỷ... thì cầu làm sao cho được cảnh giới tốt trong tương lai đây?
Ở tỉnh Thiên-Tân, bên Trung-Quốc có xảy ra một câu chuyện như thế này, có một bà lão có đứa con trai tên là Tiểu-Hổ, nó ăn ở vô đạo. Con bà bị chết sớm, bà cụ già vì quá thương nhớ con, cho nên có một đêm bà cảm ứng chiêm bao biết được nơi của con mình tái sanh đang ở. Bà cụ tìm tới nơi mới hay rằng con bà đã tái sanh thành con chó và đang giữ cửa một ngôi chùa, người ta đặt tên cho nó cũng là Tiểu-Hổ.
Đây là chuyện có thực. Hòa-Thượng Tịnh-Không đã từng khuyên bà cụ nên đi phổ biến câu chuyện này ra để có thể cứu độ được nhiều người, và tu hành hồi hướng cho con chó, may ra một kiếp nào đó nó thoát nạn súc sanh. Lâu lâu, nhớ con thì bà mua vé tàu đi tới ngôi chùa đó để thăm con. Con chó thấy bà đến nó chạy tới nhảy vào lòng, người và chó ôm nhau mà nghẹn ngào rơi lệ. Mẹ là người, con là chó, thương nhau tha thiết nhưng làm sao cứu được nhau đây?! Thật là cảnh đau lòng.
Trong một cuốn sách, Thầy Thích-Chân-Tín, vị trụ trì chùa Hoằng-Pháp ở Hóc-môn, có để lại hai câu thơ:
“Nhân sinh là kiếp vô thường,
Vô thường là cảnh đoạn trường nhân sinh!”.
Hay quá, thấm thía quá! Vô-thường, đoạn-trường, là sự thực của kiếp nhân sinh! Biết vậy hãy gắng sức tu hành, phải hạ thủ công phu tu tập để vượt qua cho được tam giới lục đạo trong một báo thân này.
Thoát khỏi sanh tử luân hồi quý vô cùng, phước đức vô biên, thiện căn vô tận. Tháng 6/2002, con về thăm cha má, thì căn nhà của con ở Úc mở cửa cho mấy người đến tạm trú để niệm Phật. Họ từ Sydney tới Brisbane dự tu, bất chấp sự từ chối của Ban-Trị-Sự của Tịnh-tông-Học-Hội, vì khóa niệm Phật này người ở các nước đã đăng ký kín chỗ rồi. Họ đi liều như vậy là vì họ chứng kiến cuộc vãng sanh vào ngày 28/3/2002 của bác Nguyễn-Nhất-Quang, người Việt-Nam. Lần đầu tiên trong cuộc đời, họ chứng kiến một hiện tượng quá linh diệu, quá đỗi ngạc nhiên, quá sức cảm kích. Bác Nguyễn-Nhất-Quang, sáu mươi ba tuổi, pháp danh là Chúc-Hạ, đã vãng sanh trước mặt họ. Bác nhờ buông xả rốt ráo và niệm Phật chỉ được vài năm thôi mà viên mãn đạo quả. Lúc lâm chung có quang minh sáng ngời, hương thơm bay ra. Sau khi ra đi, người ta tiếp tục hộ niệm tám giờ, nhưng sắc diện vẫn hồng tươi, thân thể vẫn mềm mại như đang ngủ. Khi hỏa thiêu để lại rất nhiều xá lợi. Những người tới ở nhà con để tu đều là những người tham dự hộ-niệm.
Niệm Phật vãng sanh thành Phật, đây là sự thực một trăm phần trăm. Xin cha má phải tin chắc chuyện này để một đời này thôi sẽ biết thế nào là cảnh giới Tây-phương, sẽ tận mắt thấy Phật, Phật thực chứ không phải là tượng Phật. Phật dạy, người chí thành niệm Phật một lòng cầu vãng sanh về Tây-phương, thì “Giả sử đại hỏa mãn tam thiên, thừa Phật oai đức tất năng siêu”. Tất năng siêu là chắc chắn được vãng sanh. Quyết lòng trì giữ câu Phật hiệu thì dù cho lửa cháy ngập cả tam thiên đại thiên thế giới đi nữa, thì riêng mình vẫn có đường siêu thoát. Đây là lời Phật dạy. Xin cha má vững mạnh tin tưởng quyết chí mà đi, nhất định đừng chần chừ mà lỡ rơi vào cảnh đoạn trường thì đành chịu thương đau vạn kiếp.
“Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, khi lòng đã chí thành, tâm đã tha thiết thì tự nhiên có ứng, ví dụ như em Thứ đã có nhiều cảm ứng không phải thường! Em nó niệm Phật mà nghe được mùi hương thanh lạc bay ra từ quyển kinh, từ tượng Phật, có lần Phật xuất hiện an ủi... Đây là những cảm ứng không phải dễ có. Đây đều là do lòng chí thành chí kính.
Tuy nhiên, hãy nói cho em biết rằng, được cảm ứng rồi thì hãy tinh tấn niệm Phật, hãy cố giữ tâm thanh-tịnh đừng vọng động, đừng cầu mong cảm ứng tiếp nữa. Một vài lần đầu thì có thể được, chư Phật, Bồ-tát thấy người có thiện căn tinh tấn tu hành, các Ngài có thể dùng phương tiện xuất hiện để an ủi, khuyến tấn mình tu hành, thì mình phải tăng trưởng lòng tin tưởng nhiều hơn nữa vào chư Phật, vào pháp niệm Phật, giữ chắc một tâm niệm cầu sanh Tịnh-độ, chứ không phải thấy cảm ứng rồi đâm ra tự kiêu tự mãn, cho mình đã có công phu tốt, hoặc tham đắm vào những điềm lạ thì không tốt đâu! Vì sao vậy? Vì một khi đã tham đắm hoặc mơ tưởng đến chuyện cảm ứng, thì tâm không còn thanh-tịnh, lý tưởng tu hành không còn đứng đắn nữa. Một khi tâm bị dao động thì oan gia, trái chủ dễ dàng lợi dụng để lấy chơn làm giả mà phá hoại mình.
Học Phật, ta phải tin Phật, đừng nên nghi ngờ. Ở quê, có người nghi ngờ hỏi rằng, Phật có vạn đức, vạn năng sao các Ngài không đem hết chúng sanh về Tây-phương có gọn hơn không? Xin thưa rằng, đâu có đơn giản như vậy. Phật có khả năng cứu độ tất cả chúng sanh, nhưng vì chúng sanh không muốn được cứu, chẳng lẽ Phật phải bắt cóc chúng sanh liệng lên đó sao. Làm vậy có khác gì biến cõi Tịnh-độ thành nhà tù, làm sao còn gọi là Thanh-Lương Cực-lạc được nữa.
Trong kinh Phật có câu, “Sanh-Phật bình-đẳng”, sanh là chúng sanh, chúng sanh và Phật bình đẳng nhau. Lý đạo này rất cao, diễn tả những pháp giới bình đẳng giữa chúng sanh và Phật, tuy hai mà một, tuy một mà hai. “Tuy hai mà một” vì chúng sanh có Phật tánh, có thể thành Phật. “Tuy một mà hai” vì chúng sanh bổn lai là Phật, nhưng vì Phật tánh bị chướng ngại mà xa lìa cảnh giới Phật, để chịu đọa lạc trầm luân.
“Sanh - Phật bình-đẳng”, chúng sanh và Phật là hai lực lượng có sức mạnh vô biên như nhau. Phật thì thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ. Chúng sanh thì tham lam, sân giận, si mê. Phật thì giải thoát rốt ráo, chúng sanh thì đọa lạc triền miên, hai cái năng lực này có sức mạnh vô biên nhưng ngược nhau. Bình-đẳng là hiểu theo nghĩa cái tâm tự do hành động. Để dễ hiểu, con vẽ đồ hình dưới đây:
Chúng sanh
Phật
Hình 1: Sanh Phật bình đẳng.
Phật là đấng giác ngộ, có thể đưa chúng sanh tới chỗ sáng suốt, trí-huệ. Chúng sanh thì mê muội dẫn dắt con người vào nơi lầm lạc, tối tăm. Một tâm hồn nương theo Phật thì nhập vào cảnh giới giải thoát gọi là được “Cứu độ”. Ngược lại, nếu ham thích phàm tục, chạy theo thế gian thì bị lôi vào vòng chúng sanh, gọi là “Đọa lạc”. Như vậy, một người được cứu độ hay không là tùy theo cái tâm nó hành động, nói theo nhà Phật gọi là “Duyên”. Tâm duyên với chúng sanh thì thành chúng sanh, tâm duyên với Phật thì thành Phật. Cho nên niệm Phật thì thành Phật, không niệm Phật thì thành phàm phu. Đây là đạo lý “vạn pháp duy tâm”. Cái tâm quyết định tương lai của một người.
Chúng sanh
Hình 2: Tâm duyên...
Từ trong vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay cái tâm của chúng ta chìm sâu trong vòng chúng sanh, đã trải qua nhiều cảnh giới khác nhau rồi, như bị đọa lạc ở địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh, làm người hoặc cũng đã trải qua vài cảnh giới của các cõi trời rồi mà chúng ta không hay.
Tất cả những cảnh giới đó, so với cảnh giới của Phật, đều là chúng sanh cả. Một thần thức trải qua một lần nhập thai, thọ thai, xuất thai thì đều quên tất cả những gì của quá khứ, thành ra chúng ta không biết sợ, cứ tiếp tục mê muội tạo thêm nghiệp chướng mới. Giả như ta biết rõ kiếp quá khứ, chắc chắn không ai còn dám sống hồ đồ nữa đâu. Trong kinh Phật nói, các vị chứng quả A-la-hán, biết được năm trăm kiếp quá khứ, các Ngài thấy những kiếp bị đọa địa ngục mà sợ đến đổ mồ hôi máu. Thật không phải đơn giản!
Tâm của chúng ta vừa có Phật tánh, vừa có chúng sanh tánh, gia nhập vào vòng chúng sanh thì bình đẳng với chúng sanh, gia nhập với Phật thì bình đẳng với Phật. Như vậy, cái “Tâm” cũng là một lực lượng tự do, bình đẳng. Vì tâm của chúng ta bị vọng tưởng, không có định cho nên rất dễ bị cái duyên nó chuyển. Cái duyên mạnh nhất là duyên chúng sanh, làm cho tâm chúng ta dễ tham đắm vào đó để tiếp tục trôi lăn trong luân hồi khó được giải thoát. Thật là khổ!
Ở quê trong những ngày trời mưa, đêm đến thường có loài mối có cánh, bay vào ánh đèn để chết. Chúng cũng là chúng sanh đó. Đời sống của chúng rất ngắn ngủi, mới nở ra ban chiều, chui lên khỏi lớp lá mục, chờ trời tối bay vào nhà đâm đầu vào lửa. Đời sống chỉ trải qua vài tiếng đồng hồ thế mà chúng cũng tranh giành, đánh nhau đến rụng cánh, sứt chân, trước khi tự sát. Cảnh giới của chúng sanh là vậy đó. Con người sống bảy, tám mươi tuổi tưởng là dài lắm, nhưng so với pháp thân Phật thì chẳng khác gì một giấc nghỉ trưa. Ví dụ, như đem thế gian này so sánh với cung trời Đâu-Suất thôi cũng đủ thấy cách biệt rồi.
Một vị Đẳng Giác Bồ-tát trước khi xuống trần thị hiện thành Phật, các Ngài tới tu tại nội viện Đâu-Suất Thiên, ở đó tuổi thọ trung bình bốn ngàn tuổi, một ngày dài bằng bốn trăm năm ở thế gian. Tính ra 100 năm ở thế gian này chỉ bằng 1/4 ngày ở đó. Khi ta bắt đầu sinh ra thì các Ngài bắt đầu đi dạo vườn xem hoa, các Ngài chưa kịp trở vào nhà thì chúng ta đã mãn đời rồi. Thế mà loài người tranh từng miếng ăn, miếng uống, giành từng chút danh vọng hão huyền. Thấy vậy các Ngài mới thương hại cho con người sao cứ mãi mê muội trong cảnh đoạn trường mà không chịu tìm lối thoát thân?
Thưa cha má, hiểu được nhân sinh là vậy thì mau mau tìm về cảnh Phật là trí huệ nhất. Vạn pháp duy tâm, chỉ cần đem cái tâm xả bỏ thế gian, thì ta ra khỏi thế gian. Niệm Phật, tâm ta duyên với Phật, thì ta về với Phật. Người nào biết xả bỏ thế tình, coi nhẹ tiền bạc, xa lìa danh vọng... niệm Phật thì được siêu vượt tam giới đi về Tây-phương Cực-lạc trong một đời này mà thôi. Chúng con đã cố gắng quét dọn sạch sẽ chông gai cho con đường tu hành của cha má phẳng lặng, yên ổn, thì cha má hãy quyết đi, đừng chần chờ lưỡng lự mà lỡ lọt lại đời sau, liệu còn có cơ duyên nào thù thắng tương tự để đi nữa không?

Bố-thí, giúp người, cứ tùy duyên không ai bắt buộc, nhưng đây là cách tu phước và thực hành sự buông-xả. Bố-thí phá trừ tham, giúp người nghèo khó, dù nhỏ nhưng cũng an ủi họ được phần nào. Nhìn thấy người ta vui mình cũng vui, mỗi ngày có được một chút nguồn hạnh phúc như vậy, lâu dần tâm mình sẽ từ bi hỷ xả và sau cùng mình buông xả được thế tục, tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng. Đây là tiên triệu của sự giải thoát vậy.
Còn phần con cái, anh chị em nên nghĩ đến chuyện lớn, chuyện giải thoát huệ-mạng của đấng sanh thành rất là quan trọng. Chúng ta phải cố gắng làm, nhất thiết không thể đem huệ-mạng của người sanh đẻ ra mình để đổi lấy vài cái danh hão huyền, vài cái lợi phù phiếm, vô tình hại chết đời cha má qua hàng vạn kiếp, mà mình bị mang tội ác truyền đời khó rửa sạch. Có thể anh chị em chưa hiểu thấu được cảnh giới, chưa rõ về luân hồi nhân quả, cho nên không lo sợ chuyện này, chứ thực sự đây là sự thật.
Hãy tin Phật, hãy làm theo lời Phật dạy, hãy có tâm chân thành cung kính đối với Phật, thì sẽ có duyên lành để hiểu ra chân lý. Phụng dưỡng phụ mẫu là tánh đức đầu tiên của Phật dạy. Người biết phụng dưỡng cha mẹ chắc sẽ được Phật gia trì, nghèo cũng thành giàu, khổ cũng thành sướng, làm ăn khó cũng thành dễ... Thiện nhân thiện báo, cái thiện lớn nhất của con cái là phải biết sắp xếp sự phụng dưỡng, biết niệm Phật hộ niệm cho cha má được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc vậy.
Buông bỏ thế tình thì thế tình sẽ buông bỏ. Xa lìa trần lao thì trần lao sẽ xa lìa. Từ đó, khổ ải, phiền não, từ từ nó buông mình ra. Ta sẽ thảnh thơi, an lạc, niệm Phật, vui trong nguồn đạo.
Nam-mô A-di-đà Phật,
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu ngày 22/11/02).


Tây phương quê cũ sớm quay về
Hơi thở mạng người chớ trể mê !
Kiếp tạm có chừng nên quý tiếc
Đừng cho lỡ bước lạc sơn khê.


(Nhất Nguyên Đại Sư)
hieuphuctien
Bài viết: 229
Ngày: 26/06/08 18:52
Giới tính: Nam

Re: Khuyên người niệm phật cư sĩ Diệu Âm Úc châu

Bài viết chưa xem gửi bởi hieuphuctien »

25 - Lời khuyên song thân
Sự gia trì!
Cha má kính thương,
Con vừa mới hay được tin là em Chương, con cô Sáu ở Bình-Dương, thay mặt Cô Sáu cùng tất cả anh chị em trong gia đình, xuống Sài-Gòn gặp An để bàn việc cấp dưỡng cho cha má để cha má an tâm tu hành. Nghe được tin này, con vô cùng cảm động và thật sự tán thán công đức của Cô và tất cả các em. Có lẽ đây là niềm an ủi rất lớn cho cha má trong tuổi về già. Hay được việc các em ở Bình-Dương đã phát tâm cúng dường cho cậu mợ Hai an tâm niệm Phật, con lại nghĩ đến một điều khá hay!
Trong thư trước, con nói đến “Phật tại môn trung, hữu cầu tất ứng”. Con viết vừa xong thư đó thì thì hay được tin này. Sự ứng cảm của Phật, Bồ-tát đa hình, đa dạng, vô hình, hữu hình, hiện thực, vô thực... khó có thể lường biết được. Đây là một phước đức mà chỉ có người thực tâm tu hành mới cảm thọ được. Thưa cha má, cái phước từ đâu mà có? Từ câu Phật hiệu mà có. Chư Tổ dạy rằng, một lòng nhất tâm niệm Phật, thì một câu Nam-mô A-di-đà Phật có thể phá được tám mươi ức kiếp nghiệp chướng trọng tội. Nói cách khác, một câu chí tâm niệm Phật có một công đức, phước báu, lớn bằng tám mươi ức kiếp làm lành. Đây là một công đức mà chư Phật gọi là “bất khả tư nghì”, nghĩa là không thể bàn luận được, không thể giải thích được. Ngài Phổ-Hiền Bồ-tát, trong kinh Niệm-Phật-Ba-La-Mật nói, “Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật vốn đầy đủ vô lượng, vô biên, hằng sa công đức...”. Trong nhiều kinh điển, Phật nói danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật là “Vạn đức hồng danh”. Đã gọi là vô lượng vô biên rồi thì nó không có giới hạn. Đã không có giới hạn thì làm sao mà giải thích. Chư Phật, chư Bồ-tát đều tán thán như vậy, trong khi con người vốn đã thiếu phước đức mà không tin lời Phật dạy thì bao giờ mới có phần thiện lợi.
Người niệm Phật có hai mươi lăm vị Bồ-tát ngày đêm hộ trì. Các vị Bồ-tát hộ trì người niệm Phật từ ngày phát tâm cho đến ngày vãng sanh bất thối thành Phật, nếu sự phát tâm này không thối chuyển. Một khi các Ngài đã gia trì thì người niệm Phật tự nhiên thấy vạn sự chung quanh hình như có một sự sắp đặt ổn thỏa, thuận lợi mà mình không hay biết. Chính vì đạo lý này cho nên con mới dám mạnh dạn khuyên cha má cứ phát tâm niệm Phật đi, còn tất cả mọi chuyện hãy để Phật A-di-đà lo liệu. Người có phước đức thì giữ vững lòng tin, thẳng đường tiến bước mà thành đạt đạo quả. Người nào kém phước đức thì cứ chạy lòng vòng, lộn xộn theo sự thường tình của thế tục, tự lấy sự mê vọng gói kín huệ mạng của mình rồi lăn vào lò lửa. Giải thoát hay đọa lạc thực sự là có biết đón nhận sự gia trì của Bồ-tát hay không.
Bồ-tát ở đâu? Xin thưa, ở bất cứ mọi nơi mọi chốn, vô hình hữu hình, người thân kẻ lạ, người xa kẻ gần... Trong bài kệ tán thán A-di-đà Phật có câu: “Quang trung hóa Phật vô số ức, hóa Bồ-tát chúng diệc vô biên”. Trong ánh sáng của Phật hóa ra vô số Phật để tiếp dẫn chúng sanh, cũng trong ánh sáng đó lại hóa ra vô số vô biên Bồ-tát để bảo hộ người niệm Phật an toàn cho đến ngày gặp được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây-phương. Như vậy, người niệm Phật đâu phải chỉ có hai mươi lăm vị Bồ-tát bảo vệ, mà được vô số Bồ-tát bảo vệ mà mình không hay.
Bồ-tát sao mà nhiều vậy? Nếu thực tâm niệm Phật thì một ngày nào đó cha má sẽ hiểu thấu suốt vấn đề này, giờ đây hãy nhìn thẳng vào hiện tượng thực tế chung quanh để lý giải phần nào. Bồ-tát thì bảo hộ, oan gia thì phá hoại, tất cả đang diễn ra hằng ngày. Người không tu Phật đạo thì con cái, gia đình, vợ chồng, người thân, hàng xóm... đều trở thành oan gia trái chủ. Người có học Phật, hiểu đạo, thì tất cả oan gia, trái chủ đều có thể trở thành những vị có tâm Bồ-tát hộ pháp cho mình. Đây là sự thật.
Phật dạy, “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, hiện tượng xảy ra chung quanh chính là cái gương phản chiếu những gì chúng ta đang làm. Nếu cái tâm biết tu hành thì hoàn cảnh chung quanh sẽ là đạo tràng tu tập. Ngược lại, nếu cái tâm tham đắm trần tục thì hoàn cảnh chung quanh là một trường thị phi, tranh đấu không ngừng. Cái tâm niệm Phật thì người chung quanh là Bồ-tát hộ pháp, cái tâm phàm phu thì người chung quanh sẽ là kẻ ác hiểm, siểm ngụy. Hoàn cảnh, môi trường, tâm thái con người, sự sinh hoạt chung quanh... đều hình thành giống như những gì trong tâm của mình đang nghĩ tưởng tới mà thôi.
Điều này mới nói thì nghe mơ hồ, viển vông, nhưng nếu quán xét thật kỹ thì chúng ta mới thấy chí lý. Ví dụ, người hiền thì được nhiều người hiền tiếp cận, gọi là “Đồng khí tương cầu” người ác tự động lánh xa. Người ác thì chỉ tụ tập với người ác, gọi là “Đồng ác tương đảng”, người hiền lương họ tự động tránh xa. Cùng chung một môi trường nhưng có nhiều cảnh giới khác nhau, người ưa ăn nhậu thì kết bạn với giới nhậu nhẹt, cả ngày say sưa, nói năng xô bồ, bất chấp tôn ti, thượng hạ. Người tu đạo thì kết bạn với hàng tu nhân, lo trau dồi trí đức, sống cuộc đời an nhiên tự tại, tâm thái an vui, thanh tịnh.
Cho nên, cảnh giới sống là sự hình thành bởi chính cái tâm địa của mình. Cùng trong một môi trường nhưng hoàn cảnh xấu hay tốt tùy theo chính cái tâm của người đó, xấu thì sống với cảnh giới xấu, tốt thì sống trong cảnh giới tốt. Phật dạy, tất cả vạn sự vạn vật đều do tâm tưởng hiển hiện ra, gọi là “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Đây rõ ràng là sự thật chứ đâu có gì là viển vông. Từ sinh hoạt gần gũi như xã hội, đời sống, tâm lý... cho đến sơn hà, đại địa, vũ trụ, hư không, pháp giới... cũng cùng một đạo lý. Vì tâm trí của con người quá nhỏ hẹp nên không nhìn thấy thấu mà thôi!

Vì sao người không biết đạo thì tất cả người thân kẻ sơ, người thương kẻ ghét, con cháu trong gia đình... đều sẽ trở thành oan gia trái chu? Vì họ đang sống để chờ một ngày nào đó, khi mình lâm chung, sẽ nhận mình vào tam đồ ác đạo, nhất là người thân yêu. Cái nguyên nhân chính là vì không hiểu đạo, không biết cách cứu độ, chỉ biết những hành động đày đọa người mình thương. Ví dụ, lúc người thân đang lâm chung thì kêu réo, khóc than, níu kéo, gây đau đớn, không nỡ để người thân an lành ra đi... Họ có giữ được chăng? Nhưng kết quả của những hành động này chỉ là đem “Oan hồn” người thân yêu của mình ném vào cảnh giới khổ hải mà không hay! Thê thảm thay, càng thương yêu thì càng khóc lớn, càng quý mến thì càng kéo níu mạnh, càng thân thiết thì càng gây đau đớn nhiều!... Một ngàn người trên thế gian, có lẽ có tới chín trăm chín mươi chín người lúc lâm chung bị cái tai họa này. Có nơi, người thân mới tắt hơi, thần thức đang chới với chưa biết nghĩ sao, thì đã chịu cái nạn bị liệng vào nhà xác, bị bác sĩ mổ banh ruột ra để khám nghiệm, bị cột chân cột tay cho dễ tẩm liệm...
Kết quả của hành động phũ phàng này làm cho người ra đi quá buồn tủi, hoặc bị hành xác quá đau đớn làm cho tâm nổi sân giận đến cực độ, kết quả là thần thức bị chiêu cảm thẳng vào địa ngục. Thế gian này đã có biết bao nhiêu trường hợp đau thương như vậy! Còn biết bao nhiêu hình thức khác nữa để làm cho người thân yêu bị khổ đau. Chúng sanh trên thế gian này từ trước tới giờ vô lượng vô biên, kiểm lại có được mấy ai thoát khỏi bàn tay đày dọa của người thân yêu? Vậy thì thử hỏi, nếu không học Phật, có người thân nào mà không trở thành oan gia trái chủ của người thân đâu?!...
Còn người tu hành, thì biến “oan-gia, trái-chủ” thành Bồ-tát hộ pháp. Vì người hiểu được Phật đạo, biết niệm Phật, thì biết định luật nhân quả, hiểu rõ sanh tử luân hồi, nhờ vậy mà biết làm lành lánh dữ, biết bố thí giúp người, biết khuyên người tu hành, biết chọn đường “Tịnh-Nghiệp” để đi, biết chuẩn bị ngày vãng sanh. Họ khuyên người thân niệm Phật, họ dạy con cháu hộ niệm, họ khuyến khích bà con, làng xóm tu hành... thì đâu còn oan gia, trái chủ nữa. Nói chung, họ biết tu cái nhân tốt, thì quả báo chắc chắn sẽ tốt. Người ác lánh xa, người hiền tụ về, người thân hiểu đạo, tất cả đều trở thành một đội ngũ bảo dưỡng họ lúc sống được an lạc, bảo vệ lúc lâm chung được an toàn vãng sanh, chung quanh đều là những người có tâm Bồ-tát hộ pháp.
Rõ ràng, một tâm hồn thiện lành thì biến hoàn cảnh, con người chung quanh đều thiện lành. “Nhất thiết Pháp tùng tâm tưởng sanh”, phải chăng đã hiển bày rõ rệt. Đạo lý của Phật thật sự cao siêu mầu nhiệm, nhưng lại có thể đem ứng dụng trong bất cứ một trường hợp cụ thể nào. Đạo Phật đâu có phải chỉ là thứ triết lý viển vông!
Người chân thành niệm Phật cầu sanh Cực-lạc thì tự nhiên hưởng được một đại phước báu, và cái đại lợi sau cùng là sự vãng sanh. Sự gia trì của chư Phật, chư Bồ-tát vô hình nhưng có thực, đa dạng nhưng cụ thể. Chỉ cần có lòng tin, thành tâm, thanh tịnh, thì sự gia trì hiện ra trong từng hơi thở, nâng đỡ từng bước chân đi. Cứ suy gẫm cho thật kỹ thì thấy liền.
Ngày xưa, khi con chưa biết gì về đạo Phật, con có đầy những tật xấu, đầy cả những tính ác như: săn bắn, bắt chim, tranh cãi, háo thắng, ham danh, tham tài, sân giận... đến khi hiểu được giáo lý của Phật rồi thì bây giờ những thứ đó nhất thiết con không thèm cầu nữa. Khi không tu hành thì lời nói của mình không đáng giá một xu, khi thành tâm niệm Phật thì một câu nói đơn giản cũng có thể tạo ra ân đức cứu người, đi tới đâu cũng có thể gieo duyên lành tới đó. Tại sao vậy? Vì Phật lực gia trì trong từng hơi thở, từng bước chân đi mà!
Khi cha má không tu học Phật thì phiền não trùng trùng, tâm trí rối bời, lo lắng hết chuyện này đến chuyện khác, nhưng có giải quyết được gì đâu? Còn từ ngày cha má tin Phật, bắt đầu niệm Phật thì sao? Đám ruộng đang làm cũng không cần làm nữa, con heo đang nuôi cũng thả ra đi, tiền bạc muốn lo thì con cái nó lo tính toán cung cấp... Rồi bây giờ, cả một gia đình của một người em gái, những đứa cháu kêu bằng cậu ở rất xa, cũng tự nguyện tham gia bảo trợ không cần một điều kiện, chỉ cần làm sao cho cậu mợ yên tâm tu tịnh. Rõ ràng người thành tâm tu hành thì tự nhiên có cảm ứng. Có cảm ứng tức là có chư Phật, Bồ-tát gia trì, và mình đang ở trên con đường thành đạo vậy.
Thưa cha má, sự cảm ứng này từ đâu ra vậy? Con xin thưa rõ rằng, từ câu niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” đó. Nếu cha má quyết lòng xả bỏ trần lao, vui theo đường đạo, con nghĩ rằng sự cảm ứng này càng ngày càng lan rộng, sẽ cảm hóa thêm nhiều người. Ngược lại, nếu như cha má lại quay trở về con đường thế tục, tự mãn trước niềm tin kính của cháu con, hãnh diện trước những lời tâng bốc của thế gian, thì cái phước báu này sẽ không còn tồn tại nữa đâu. Nghĩa là, lại phải tiếp tục nuôi heo, nuôi gà để tạo thêm nghiệp sát, phải trân mình ra cày cấy thửa ruộng để kiếm vài thúng thóc mà chờ ngày ngã quỵ bên vũng sình lầy. Rồi đau ốm, rồi nghèo nàn, rồi bù đầu vào những việc phải chẳng, thị phi, rồi đêm đêm than vắn thở dài, rồi thấy cảnh đời sao toàn là đau khổ!... Nếu biết rằng tất cả vạn sự đều do tâm của mình mà ra, thì phước và họa đều ở trong tay. “Phước họa tự lâm môn”, nó đến để đáp ứng cái tâm niệm của mình mà thôi chứ có gì xa lạ đâu.
Thấy như vậy, cha má nghĩ thử, mình nên chọn con đường nào đây? Chọn con đường trần tục để trầm luân trong tam đồ ác đạo, nghiệp chướng trùng trùng, phiền não vô tận, quả nạn chập chùng? Hay chọn con đường an nhàn thanh tịnh, tự tại, an vui với đạo để giải thoát? Giải thoát cho chính mình, giải thoát cho bà con cả dòng họ, cho cửu huyền thất tổ, cho chúng sanh...
Phàm khi làm điều gì hợp theo “Tánh Đức” thì hợp với lẽ đạo, tự nhiên được chư Phật Bồ-tát gia trì. Ngược lại, điều gì hợp theo “Sắc Tướng” thì hợp với phàm tục, xa lìa lẽ đạo, chư vị Bồ-tát lánh xa. Con xin đưa ra hai sự việc điển hình làm ví dụ.
Một là, đề nghị của em An, các con cấp dưỡng đầy đủ cho cha má, thiếu cấp thêm, dư phải đem bố thí. Đây là một đề nghị hợp theo đạo hiếu, họp với lòng nhân, hợp với hạnh Bồ-tát, hợp cho cha má tu hành, hợp với con cái đáp đền chữ hiếu. Về mặt thế gian thì con cái phụng dưỡng cụ thể, không viển vông, cha má sẽ an tâm khỏi lo về chuyện sanh sống. Về mặt xuất thế thì vẹn toàn, vừa tạo duyên cho cha má tu hành, lập hạnh buông xả, tạo phước đức làm tư lương lót đường vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, còn con cái thì thực hành được điều quan trọng trong đệ nhứt phước của Phật đưa ra, đó là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Vì lời đề nghị này hợp với Phật pháp, cho nên được chư Bồ-tát gia trì. Riêng con thì chấp nhận không cần tính toán. Đến nay thì các em ở Bình-Dương nghe vậy, cũng nhào vô yểm trợ. Sự hỗ trợ này, xét ra, đâu phải là lòng bố thí người nghèo khó, mà chính là sự cảm ứng của lòng chân thành tu hành đó. Được cái phước này, cha má phải vững lòng tin hơn nữa vào pháp Phật.
Trong gia đình, giả sử có người nào không tin thì xin cha má cũng đừng lo, nên lấy câu “Tùy duyên tiêu túc nghiệp, thiết mạc tạo tân ương” làm tiêu chuẩn, nghĩa là gặp cơ duyên dù xấu hay tốt cũng quyết lòng làm tiêu mòn nghiệp chướng cho ta, cho người. Ai nghe theo thì tốt, không nghe theo thì để tùy duyên của họ, riêng chính mình phải buông bỏ hết không thèm tạo thêm nợ trần mới nữa. Cách giải quyết là, cứ một lòng nhất hướng chuyên niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, dần dần cái tánh đức của cha má sẽ cảm hóa lòng người. Hơn nữa hãy tin rằng các vị Thiên-Long, Bát-Bộ, Bồ-tát Hộ-Pháp họ đủ sức lo liệu. Cái chính yếu vẫn là cha má phải thực tâm niệm Phật cầu về Tây-phương, phải rũ sạch bụi trần, an nhiên tự tại, an vui tịnh dưỡng tuổi già trong đường chánh đạo là được mà thôi.
Hai là, những hành động báo hiếu sôi nổi trong nhân gian, gây tiếng tăm cho nở mặt với thiên hạ. Đây là hình thức hoàn toàn chạy theo sắc tướng thế gian, tham luyến danh vọng, không hợp với tánh đức thanh tịnh, không hợp với người tu hành, chắc chắn sẽ bị chư Hộ-Pháp bỏ rơi. Dù các Ngài không bao giờ làm hại mình, nhưng tự mình phải lo lấy, tự gây nghiệp chướng tự thọ nghiệp báo. “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm đang tham đắm thế tục thì chắc chắn khó có thể tránh khỏi tam đồ, lục đạo.
Những cách làm này thường thấy ở những giới trung lưu, thượng lưu có tiền có phước báu, hoặc những kẻ thích danh, ham lợi. Vì không hiểu đạo cho nên vô tình dễ trở thành oan gia, giết chết người thân trong ác đạo bởi những hành động phàm tục thường tình như khóc than, kêu réo, níu kéo... Tệ hơn nữa, vì có tiền, quá ham danh, quá mê muội, nhiều người còn đi tìm bọn người than vay khóc mướn tới làm cho thật ồn ào náo nhiệt, để quyết lòng đày người thân yêu của mình tới tận cùng địa ngục mới thôi. Thật đáng thương!
Cha má ạ, phải tin lời Phật, phải thành kính lạy Phật, phải biết quay về với Phật để cầu giải thoát. Thật rất thương hại cho những ai đang xa lìa Phật pháp. Thời mạt pháp này, chúng sanh đau khổ lắm, lý tưởng sống nghèo nàn, hầu hết đều lăn xả vào vũng bùn tội lỗi tạo nghiệp, nhận cái vô thường làm mục đích, lấy hành động tạo nghiệp chướng làm nguồn vui, để chờ ngày lãnh nạn!
Tại sao có người không tin vào Phật pháp? Lý luận thì nhiều quá, nào là khoa học, triết học, văn học, tư tưởng, kiến giải... Nhưng thực ra, tất cả đều bắt nguồn từ nghiệp chướng quá sâu nặng, đã kết tập lâu đời lâu kiếp làm chướng ngại cho đường tiến hóa của tâm linh. Phật dạy rằng, “Ác kiêu giải đãi cập tà kiến, nan tín Như-Lai vi diệu Pháp”, đây là lý do chính. Nghĩa là, nếu không phải là ác, thì cũng là kiêu gạo, không kiêu ngạo thì người lười biếng, người chạy theo tri thức thế gian. Như cha má đã biết, Phật dạy rằng, có ba hạng người niệm Phật không thể vãng sanh, một là tham đắm phước báu nhân thiên, hai là phân biệt chấp thủ, ba là người thế trí biện thông. Phạm vào ba trường hợp này thì oan uổng cuộc đời cho họ, mãi mãi bị trầm luân trong vòng đọa lạc, nếu không tỉnh ngộ khó có ngày thoát thân.
Tham đắm phước báu nhân thiên thuộc về ác tham. Tiêu chuẩn của thiện là ngũ giới, thập thiện, trong đó tham, sân, si là cái gốc tam đồ ác đạo. Tu thiện thì tốt, nhưng làm thiện để cầu phước báu lại rơi vào cái họa khác, họa tam thế oán, càng có phước báu càng khó tu, càng dễ làm nên tội lỗi và sau cùng bị nạn rất nặng. Cho nên, bố thí giúp người thì có thể phá được cái tham thô thiển, nhưng coi chừng lại vướng vào cái tham vi tế. Cái tham thô thiển dễ thấy, dễ bỏ, còn cái tham vi tế thì nằm sâu trong tâm, nó dấu kín dưới nhiều danh xưng hay đẹp khó ai biết được, nhiều khi chính đương sự cũng bị gạt luôn, cho nên rất khó tránh. Đây chính là chủng tử của đọa lạc làm mất vãng sanh. Vì thế, người ham danh vọng, ham được tiếng khen trong xã hội... thường có cái tâm tà vạy nhiều hơn kẻ lỗ mãng, cái nghiệp chướng của họ lớn hơn và quả cũng báo xấu hơn! Cha má tuổi già gần ngày ra đi, muốn được thoát nạn thì bắt buộc phải buông nó xuống.
Vì vậy, tu hành không phải chỉ là làm thiện. Người đời, vì hiểu chưa thấu cái đạo lý sâu xa này thành ra thường nhầm lẫn, cứ nói rằng ăn ở hiền lành, không giết hại ai là đủ rồi, đâu cần gì phải tu hành, đâu cần gì phải niệm Phật. Không ngờ, hầu hết họ đang đi theo con đường sai lạc mà không hay. Cha má đang tu hành để quyết thành Phật thì phải chú ý chuyện này. Đời này Chánh - Tà rất khó phân minh. Phật dạy, chúng sanh trong thời mạt pháp muốn thoát nạn phải nhớ, “y pháp bất y nhân, y ý bất y ngữ, y liễu pháp bất y bất liễu pháp...”. Nghĩa là, thấy người ta làm sai, mặc họ! Mình cứ y theo pháp Phật tu hành. Ai nói hay nói giỏi, kệ họ! Mình cứ theo ý Phật hành trì.
“Liễu pháp” là pháp giải thoát viên mãn thành Phật, siêu thoát tam giới lục đạo, còn “bất liễu pháp” là những giáo thuyết nửa vời, mới nhìn thì hay, nhưng xét kỹ thì rốt cuộc không đi tới đâu cả. Ví dụ như nhân đạo, thiên đạo, là tu làm lành, lánh dữ, đây là tốt. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, chứ không phải là mục đích tối hậu, vì tất cả đều là bất liễu pháp. Vì sao? Vì đây là thiện nghiệp cầu phước, chứ không phải là tịnh nghiệp giải thoát.
“Thiện nghiệp” là làm lành để hưởng phước, “Tịnh nghiệp” là làm lành để đắc đạo, vãng sanh bất thối thành Phật. Người tu hành phải hiểu chính xác, rõ ràng vấn đề, để nhất định một đời này siêu việt tam giới, thoát ly sinh tử. Tu thiện nghiệp không giải thoát được, tốt thì có phước trong đời này hoặc đời sau, không tốt thì ngay đời này được chút ít tiếng khen hão huyền, rồi sau cùng tiêu tan, nhưng tất cả rốt cuộc cũng theo đường luân hồi. Tu tịnh nghiệp mới được thoát nạn. Có nhiều chứng minh cụ thể như cụ Triệu-Vinh-Phương 1999, ông Trần-Quang-Việt 2001, ông Nguyễn-Nhất-Quang (Việt-Nam) 2002. Gần hơn nữa là ông bác ở Long-Khánh, chỉ cần đọc mấy cái thư, làm theo đúng như vậy, một thời gian ngắn được vãng sanh. Những người tu đúng theo tịnh nghiệp thì “vạn người tu, vạn người đắc”, không tu theo tịnh nghiệp vạn người tu khó tìm một người đắc. Đây là sự thật.
Thưa cha má, cùng một cách tu, nhưng biết tu thì giải thoát, không biết tu thì còn phải chịu trầm luân. Phật dạy, người tham cầu phước báu Nhân-Thiên không thể vãng sanh. Phước báu Nhân là tu “Nhân đạo”, có chỗ gọi là “Thế đạo”, cầu công danh lợi lộc, thành hiền nhân quân tử. Phước báu Thiên là tu “Thiên đạo”, cầu thành Tiên, thành Thần, sinh lên Trời để hưởng phước báu. Ghép chung lại gọi là tu cầu phước báu nhân thiên hay “Nhân-Thiên thừa”. Tu phước báu nhân-thiên tốt hơn người không tu, nhưng về lâu dài thì bị tai họa của tam thế oán. Tại sao vậy? Phật dạy, vì đây chính là phép tu bất liễu giáo, một giáo nghĩa không toàn vẹn, khuyên người làm lành rồi thả họ giữa đường, mông lung vô định hướng, trước bao nhiêu cạm bẫy hiểm nghèo của thời mạt pháp. Mong cầu phước là ý nguyện muốn ở trong tam giới, lục đạo. “Nhất thiết duy tâm tạo”, nguyện ở lại trong lục đạo thì bắt buộc phải chịu sanh-tử luân-hồi. Cho nên người tu nhân đạo, thiên đạo không thể được vãng sanh là vì lý do này. Cho nên, tu hành cần phải có trí huệ mới phân biệt được lợi hại. Nếu mập mờ thì rất dễ lạc đường, thành ra tu hành suốt đời, suốt kiếp, rốt cuộc cũng hoàn không.
Phật dạy “Bế tắc chư ác đạo, thông đạt thiện thú môn”. Thông đạt thiện thú môn là tu thiện, bế tắc chư ác đạo là đóng cửa ba đường ác, đóng tham, sân, si. Phải đóng ác đạo thì tu thiện mới thật là thiện. Không đóng ác đạo thì tu thiện, nếu sơ ý, có thể biến thành ác quả. Ví dụ, làm thiện thì tốt, phước thiện tự nhiên có, còn làm thiện để cầu hưởng phước là không tốt, vì vô tình đã mở đường ác vi tế trong tâm. Người đời không thông đạo lý này, cứ thấy tu thiện thì tưởng là hay, nhưng đâu ngờ có thiện môn nhưng khai mở lòng tham vi tế, vô tình “thiện môn” là cái mồi đặt trong cái bẫy “ác đạo” mà không hay!
Nói như vậy không có nghĩa bác bỏ sự làm lành. Ngược lại, chúng ta phải tu thiện nhiều hơn nữa, nhưng xin đừng ngừng lại đây. Ví dụ, như con đang ngày đêm khuyên cha má tu hành để làm tròn đạo hiếu, đây là tu thiện. Nhưng, nếu có cái tâm niệm rằng, ngày nay ta làm cho có hiếu với cha mẹ để ngày sau được con cái trả hiếu, thì tất cả công việc con làm biến thành phước báu hữu lậu của nhân thiên, nói gọn hơn là tu Thiện-Nghiệp, tu Nhân-Thiên.
Chính cái tâm tham cầu đã biến hẳn cái thể tính của pháp tu hành. Con cái sau này có trả hiếu hay không chẳng quan hệ gì lắm đối với việc mình đang làm, chúng nó đến theo cái nghiệp riêng của chúng nó: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Ngược lại, việc làm giống nhau, nhưng con chỉ có tâm cứu cha má, làm tròn chữ hiếu. Con không cầu mong được đền đáp cho đời này, đời sau. Bao nhiêu công đức có được, thành tâm hồi hướng về Tây-phương, hồi hướng cho tất cả chúng sanh, ai có duyên sẽ hưởng, con chỉ cầu được vãng sanh về Tây-phương... thì con đang tu Tịnh-Nghiệp. Tu tịnh-nghiệp là tu tâm thanh tịnh, tâm lượng rộng rãi, mong cho rất nhiều người cùng được có duyên tu hành, có cơ hội giải thoát. Cho nên, không những con làm mà còn vận động tất cả mọi người đều lo tròn hiếu thảo, con thành tâm muốn tất cả mọi người đều được thiện lành, được vãng sanh. Như vậy thiện nghiệp hay tịnh nghiệp chỉ căn cứ vào tâm tưởng. “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, cùng một việc làm, cùng một công sức nhưng kết quả lại khác nhau.
Để cho sự việc cụ thể hơn nữa, cha má đi giúp đỡ người nghèo khó cũng nên tùy duyên, cái chính là niệm Phật. Giúp người, nếu trong tâm cứ nghĩ để tìm phước, để đời sau khỏi khổ, thích cho thiên hạ biết việc mình làm... thì cha má không thể vãng sanh, dù cho có tu tám chín chục năm, tu suốt đời... cũng phải trở lại trong tam đồ, lục đạo. Vì sao? Phật dạy, “tất cả do tâm mình tạo ra”, tâm niệm đang ở trong lục đạo luân hồi thì phải ở trong luân hồi, chắc chắn không thể thoát ly được. Tâm duyên chúng sanh thì phải nhập vào vòng chúng sanh, “Sanh Phật bình đẳng”, tự ta chọn lựa, tâm mình đã chọn cảnh giới lục đạo thì Phật cũng không cứu được. Phật dạy, người tham phước nhân thiên không thể vãng sanh. Nói cách khác, tu “Thế-đạo” và “Thiên-đạo”không được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới, chắc chắn phải bị lọt lại trong tam đồ lục đạo để chịu nạn.
Ngược lại, cha má phát tâm bố-thí vì lòng từ bi thương người, không thèm để ý đến tiếng khen, không cầu phước. Một bát cơm một câu A-di-đà Phật, một đồng bạc một câu A-di-đà Phật, tâm tâm niệm niệm đều muốn gieo duyên niệm Phật cho tất cả mọi người. Có cơ hội thì khuyên người niệm Phật, không có cơ hội thì ngày đêm niệm Phật cầu sanh Cực-lạc. Đem tất cả những công đức đó hồi hướng về Tây-phương để lót đường vãng sanh. Làm như vậy, gọi là tu tịnh-nghiệp, chắc chắn được vãng sanh. Một đời này thôi siêu vượt tam-giới, thoát ly sanh-tử luân-hồi, chờ ngày thành Phật tại Tây-phương Cực-lạc quốc.

Điểm thứ hai, người phân biệt, chấp thủ không được vãng sanh. Đây thuộc về kiêu mạn. Trong ba độc tham, sân, si thì đây thuộc về độc tố ngu si, vì ngu si nên mới tự cao, ngã mạn, khinh người. Kiêu căng, ngã mạn là do tư tưởng cạn cợt, tâm địa hẹp hòi. Người không mở tâm lượng, ích kỷ, hẹp hòi, mình niệm Phật mà không muốn người khác niệm... cũng không thể vãng sanh.
Điểm cuối cùng, người vì quá thông minh, hiểu biết chuyện thế gian quá nhiều cũng là một trở ngại lớn cho đường tu đạo. Đây thuộc về vọng-tưởng, hầu hết kiến thức thế gian thuộc về hữu lậu, căn cứ trên hiện tượng vô thường, hữu hạn, không thể thấu suốt chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Chấp vào kiến thức thế gian, gọi là thế trí biện thông, khó hiểu thấu cảnh giới của Phật thành ra vô minh, không tin Phật. Người thông minh mà biết thức ngộ thì rất dễ khai ngộ Phật pháp. Đáng tiếc, con số này rất hiếm!
Thưa cha má, học Phật rất dễ mà cũng rất khó. Khó hay dễ đều ở chỗ có lòng tin hay không. Tin Phật khó lắm! Chỉ có người đã trồng được đầy đủ thiện căn, phước đức, từ vô lượng kiếp đến nay rồi, cơ duyên thành Phật nay đã đủ rồi, mới có thể tin được. Cha má đã gặp được pháp môn niệm Phật, đã phát tâm niệm Phật, thì nên tự biết rằng chính mình đã có cái thiện căn phước đức này, đừng sơ ý bỏ mất cơ hội.
Những năm trước đây, cứ mỗi lần con về quê thì có ông Mười ghé thăm. Lần này con về thì ông Mười vĩnh viễn không còn tới thăm nữa! Ông Mười lội ngang qua sông, bị dòng nước cuốn trôi và nhận thân xác của ông tận dưới đáy rạn cây. Tội nghiệp quá! Nếu lúc đó ông vớ được một chiếc phao thì may mắn biết bao!
Cha má ạ, con người suốt trọn cuộc đời thả trôi huệ mạng theo dòng đời chuyển dịch, thì có khác gì họ đang hụp lặn trong dòng nghiệp lực cuồn cuộn, để chờ ngày bị dìm chết đâu! Cha má tuổi xế chiều mà gặp được pháp niệm Phật thì đây là một cơ duyên quá may mắn, giống như người sắp sửa chìm đã vớ được chiếc phao. Nhất định phải bám chặt chiếc phao đó, đây là cơ hội duy nhất để thoát nạn.
Niệm được câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật” thì có cơ hội được vãng sanh, nhưng phải nhớ hãy liệng tất cả những gì còn mang trên lưng, trên vai, trên cổ xuống. Tiền bạc, danh vọng, nhà cửa, sự nghiệp... chỉ là giả tướng, chỉ là số không. Ân tình, nhơn nghĩa, con cái, họ hàng... chỉ là nghiệp duyên, sinh vì nghiệp, tử theo nghiệp, để tiếp tục trả cái kiếp vô thường nhân sinh. Vậy thì, phải biết buông bỏ tất cả để được nhẹ nhàng giải thoát, có tự giải thoát được mới cứu được mình, cứu được họ. Nếu còn quyến luyến thì gánh nặng này sẽ trì kéo mình lại, làm cho lật phao, phải buông tay, đành chịu chết chìm trong dòng nghiệp chướng.
Phải sáng suốt nhận rõ đâu là lợi, đâu là hại, đừng hy sinh vô ích mà hại mình, hại luôn người thân yêu cha má ạ. Sự vãng sanh của cha má là một đại phúc báu cho chính cha má, cho con cái, là niềm hy vọng cứu độ rất lớn cho cả một đại gia tộc, cho vô số chúng sanh nữa chứ không phải thường đâu.
Cho nên, phải quyết lòng tin tưởng, quyết định buông xả, quyết tâm niệm Phật, quyết chí cầu sanh Tịnh-độ cha má ạ.
A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu, 9/12/02).
đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đồng sanh nước Cực Lạc.
- Hết tập một -


Tây phương quê cũ sớm quay về
Hơi thở mạng người chớ trể mê !
Kiếp tạm có chừng nên quý tiếc
Đừng cho lỡ bước lạc sơn khê.


(Nhất Nguyên Đại Sư)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Google [Bot]7 khách