Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Nhiều người hỏi rằng trời đất từ đâu mà có. Nếu muốn biết trời đất từ đâu mà có thì phải đọc hết toàn bộ Kinh Thế Ký này đây sẽ rõ.

KINH THẾ KÝ
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

PHẨM 1: CHÂU DIÊM-PHÙ-ÐỀ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong hang Câu-lỵ, rừng Kỳ thọ, vườn Cấp cô độc, cùng với chúng Ðại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo, sau bữa ăn, tập trung trên giảng đường cùng bàn luận rằng:

“Chư Hiền! Thật chưa từng có, nay đây trời đất này do đâu mà tan hoại? Do đâu mà hình thành? Quốc độ mà chúng sanh ở là như thế nào?”

Khi ấy, Thế Tôn ở chỗ thanh vắng, bằng thiên nhĩ nghe suốt, nghe các Tỳ-kheo, sau bữa ăn, tập trung tại giảng đường, bàn luận như thế. Rồi thì, Thế Tôn rời tĩnh thất, đi đến giảng đường và ngồi xuống. Tuy đã biết nhưng Thế Tôn vẫn hỏi các Tỳ-kheo:

“Vừa rồi các thầy đang bàn luận về vấn đề gì?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Sau bữa ăn, chúng con tập trung tại pháp giảng đường bàn luận rằng: Chư Hiền! Thật chưa từng có, nay đây trời đất này do đâu mà tan hoại? do đâu mà hình thành? Quốc độ mà chúng sanh ở là như thế nào? Chúng con tập trung tại giảng đường bàn luận vấn đề như thế.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Phàm người xuất gia nên hành hai pháp: một là sự im lặng của Hiền thánh, hai là giảng luận pháp ngữ. Các thầy tập trung tại giảng đường cũng nên hành sự im lặng của Hiền thánh hoặc giảng luận Chánh pháp. Này các Tỳ-kheo! Các thầy muốn nghe Như Lai nói về việc trời đất thành, hoại và quốc độ mà chúng sanh ở chăng?”

Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn! Nay thật là phải thời. Chúng con mong ước được nghe. Thế Tôn nói xong, chúng con sẽ phụng trì!”

Phật nói:

“Này các Tỳ-kheo! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy suy nghĩ chính chắn. Ta sẽ nói cho các thầy nghe.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Như trong chỗ mà một mặt trời, mặt trăng vận hành khắp bốn thiên hạ, tỏa ánh sáng chiếu; có một ngàn thế giới như vậy. Trong ngàn thế giới có một ngàn mặt trời, mặt trăng; có một ngàn núi chúa Tu-di ; có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn đại thiên hạ, bốn ngàn biển, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn rồng, bốn ngàn rồng lớn, bốn ngàn chim cánh vàng, bốn ngàn chim cánh vàng lớn, bốn ngàn đường ác, bốn ngàn đường ác lớn, bốn ngàn vị vua, bốn ngàn vị vua lớn, bảy ngàn cây lớn, tám ngàn địa ngục lớn, mười ngàn núi lớn, ngàn Diêm-la vương, ngàn Tứ thiên vương, ngàn trời Ðao-lợi, ngàn trời DiệmDiệm-ma, ngàn trời Ðâu-suất, ngàn trời Hóa tự tại, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Phạm ; đó là tiểu thiên thế giới. Như một tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới như thế là một trung thiên thế giới. Như một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới như vậy là một tam thiên đại thiên thế giới. Phạm vi thế giới thành hoại như thế là nơi chúng sanh cư trú, gọi là một cõi Phật.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cõi đất này dày mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, biên giới vô hạn. Ðất nương trên nước. Nước sâu ba ngàn ba mươi do-tuần, biên giới vô hạn. Nước ở trên gió; gió dày sáu ngàn bốn mươi do-tuần, biên giới vô hạn.

“Này các Tỳ-kheo! Nước của biển lớn ấy sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, biên giới vô hạn. Núi chúa Tu-di, phần chìm xuống biển là tám vạn bốn ngàn do-tuần; phần trên mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do-tuần; chân núi sát đất, phần lớn là phần đất cứng chắc. Núi ấy thẳng đứng, không có lồi lõm, sanh các loại cây; cây tỏa ra các mùi hương, thơm khắp núi rừng, là nơi mà phần nhiều các Hiền thánh, các trời đại thần diệu. Móng chân núi toàn là cát vàng ròng. Bốn phía núi có bốn mô đất rắn doi ra, cao bảy trăm do-tuần, nhiều màu đan xen, được tạo thành bởi bảy báu. Bốn mô đất thoai thoải, uốn cong sát mặt biển.

“Núi chúa Tu-di có đường cấp bằng bảy báu; đường cấp ở dưới núi rộng sáu mươi do-tuần; sát hai bên đường có bảy lớp tường báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây; tường vàng thì cửa bạc, tường bạc thì cửa vàng; tường thủy tinh thì cửa lưu ly, tường lưu ly thì cửa thủy tinh; tường xích châu thì cửa mã não; tường mã não thì cửa xích châu; tường xa cừ thì cửa các báu. Còn lan can thì cây ngang vàng thì cây dọc bạc, cây ngang bạc thì cây dọc vàng; cây ngang thủy tinh thì cây dọc lưu ly, cây ngang lưu ly thì cây dọc thủy tinh; cây ngang xích châu thì cây dọc mã não, cây ngang mã não thì cây dọc xích châu; cây ngang xa cừ thì cây dọc các báu. Trên lan can ấy, có lưới báu. Ở dưới lưới vàng ấy có treo linh bạc. Dưới lưới bạc, treo linh vàng. Dưới lưới lưu ly treo linh thủy tinh. Dưới lưới thủy tinh treo linh lưu ly. Dưới lưới xích châu treo linh mã não. Dưới lưới mã não treo linh xích châu. Dưới lưới xa cừ treo linh các báu. Còn cây vàng thì rễ vàng, nhánh vàng, lá, hoa, quả bạc. Còn cây bạc thì rễ bạc, cành bạc, lá hoa quả vàng. Còn cây thủy tinh thì rễ, nhánh thủy tinh; hoa, lá, lưu ly. Còn cây lưu ly thì rễ, nhánh lưu ly; hoa, lá thủy tinh. Còn cây xích châu thì rễ, nhánh xích châu; hoa, lá mã não. Còn cây mã não thì rễ nhánh mã não; hoa, lá xích châu. Còn cây xa cừ thì rễ, nhánh xa cừ; hoa lá các báu.

“Về bảy lớp tường ấy, tường có bốn cửa; cửa có lan can. Trên bảy lớp tường đều có lầu, gác, đài, quán; bao bọc chung quanh là vườn cảnh, ao tắm, mọc các loài hoa lá báu. Cây báu sắp thành hàng. Hoa quả tốt tươi. Gió hương tỏa bốn phía làm vui lòng người. Chim le le, nhạn, uyên ương, các loại chim kỳ lạ, có hàng ngàn giống loại không kể xiết, cùng hòa âm kêu hót. Lại nữa, đường cấp ở giữa núi chúa Tu-di rộng bốn mươi do-tuần, sát hai bên đường có bảy lớp tường báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng như đường cấp ở dưới núi. Còn đường cấp ở trên rộng hai mươi do-tuần, sát hai bên đường có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim, cùng nhau ca hót, cũng như đường cấp ở giữa.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ðường cấp ở dưới có quỷ thần tên là Già-lâu-la Túc ở. Ðường cấp ở giữa có quỷ thần tên là Trì Man ở. Ðường cấp ở trên có quỷ thần tên là Hỷ Lạc ở. Bốn doi đất cao bốn vạn hai ngàn do-tuần. Ở đó có cung điện, chỗ ở của Tứ thiên vương; có bảy hàng thành, bảy hàng lan can, bảy hàng lưới, bảy hàng cây báu, các linh báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng lại như thế.

“Trên đảnh núi Tu-di có cung trời Tam thập tam, có bảy vòng thành, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng lại như thế.

“Vượt lên trời Tam thập tam một do-tuần, lại có cung trời Diệm-ma; qua khỏi cung trời Diệm-ma một do-tuần, lại có cung trời Ðâu-suất; qua khỏi cung trời Ðâu-suất một do-tuần, lại có cung trời Hóa tự tại; qua khỏi cung trời Hóa tự tại một do-tuần, lại có cung trời Tha hóa tự tại; qua khỏi trời Tha hóa tự tại một do-tuần, lại có cung trời Phạm-gia-di.

“Khoảng giữa trời Tha hóa tự tại và trời Phạm-gia-di có cung điện Ma thiên, cao rộng sáu ngàn do-tuần, có bảy lớp tường cung, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót cũng lại như thế. Qua khỏi cung trời Phạm-gia-di một do-tuần, lại có cung trời Quang âm ; qua khỏi cung trời Quang âm một do-tuần lại có cung trời Biến tịnh ; qua khỏi cung trời Biến tịnh một do-tuần, lại có cung trời Quả thật ; qua khỏi cung trời Quả thật một do-tuần, lại có cung trời Vô tưởng ; qua khỏi cung trời Vô tưởng một do-tuần, lại có cung trời Vô tạo ; qua khỏi cung trời Vô tạo một do-tuần, lại có cung trời Vô nhiệt ; qua khỏi cung trời Vô nhiệt một do-tuần, lại có cung trời Thiện hiện ; qua khỏi cung trời Thiện hiện một do-tuần, lại có cung trời Ðại thiện hiện ; qua khỏi cung trời Ðại thiện hiện một do-tuần, lại có cung trời Sắc cứu cánh, qua khỏi trời Sắc cứu cánh, trên có trời Không xứ trí, trời Thức xứ trí, trời Vô sở hữu xứ trí, trời Hữu tưởng vô tưởng xứ trí, ngang đây gọi là giới hạn của chúng sanh, thế giới chúng sanh, tất cả chúng sanh sanh, lão, bệnh, tử, thọ ấm, thọ hữu ngang đây, không vượt qua.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Phía Bắc núi Tu-di có một thiên hạ tên là Uất-đan-viết . Lãnh thổ vuông vức, ngang rộng một vạn do-tuần; mặt người cũng vuông, giống như hình đất.

“Phía Ðông núi Tu-di có một thiên hạ tên là Phất-vu-đãi ; lãnh thổ tròn trịa, ngang rộng chín ngàn do-tuần. Mặt người cũng tròn, giống như hình đất.

“Phía Tây núi Tu-di có thiên hạ tên là Câu-da-ni, địa hình như nửa mặt trăng, ngang rộng tám ngàn do-tuần; mặt người cũng vậy, giống như hình đất.

“Phía Nam núi Tu-di có thiên hạ tên là Diêm-phù-đề, đất đai phía Nam hẹp, phía Bắc rộng, ngang rộng bảy ngàn do-tuần, mặt người cũng vậy, giống như hình đất.

“Mặt Bắc núi Tu-di có ánh sáng được tạo thành do bởi vàng chiếu sáng phương Bắc. Mặt Ðông núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi bạc chiếu sáng phương Ðông. Mặt Tây núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi thủy tinh chiếu sáng phương Tây. Mặt Nam núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi lưu ly chiếu sáng phương Nam.

“Ở Uất-đan-viết có một đại thọ chúa tên gọi là Am-bà-la, vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Cõi Phất-vu-đãi có một đại thọ, tên là Gia-lam-phù, vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Cõi Câu-da-ni có một đại thọ, tên là Cân-đề, vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần; dưới cây ấy, có tảng thạch ngưu tràng, cao một do-tuần. Cõi Diêm-phù-đề có một đại thọ tên là Diêm-phù, vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Ðiểu vương cánh vàng và Long vương có cây tên là Câu-lợi-thiểm-bà-la, vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. A-tu-la vương có cây tên là Thiện-trú, vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Trời Ðao-lợi có cây tên là Trú-độ , vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần.

“Bên núi Tu-di có núi tên là Già-đà-la , cao bốn vạn hai ngàn do-tuần, ngang dọc bốn vạn hai ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, do bảy báu tạo thành; núi này cách núi Tu-di tám vạn bốn ngàn do-tuần, khoảng giữa mọc toàn hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lỵ, lau, tùng, trúc mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Khư-đà-la không xa, có núi tên là Y-sa-đà-la, cao hai vạn một ngàn do-tuần, ngang dọc hai vạn một ngàn do-tuần, hai bên rất rộng nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Khư-đà-la bốn vạn hai ngàn do-tuần, khoảng giữa mọc toàn hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lỵ; lau, tùng, trúc mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Y-sa-đà-la không xa, có núi tên là Thọ-cự-đà-la, cao một vạn hai ngàn do-tuần, ngang dọc một vạn hai ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Y-sa-đà-la hai vạn một ngàn do-tuần, khoảng giữa mọc thuần bốn loài hoa tạp; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Thọ-cự-đà-la không xa, có núi tên là Thiện kiến, cao sáu ngàn do-tuần, ngang dọc sáu ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành, cách núi Thọ-cự-đà-la một vạn hai ngàn do-tuần, khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi hương xông khắp.

“Cách núi Thiện kiến không xa, có núi tên là Mã thực, cao ba ngàn do-tuần, ngang dọc ba ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Thiện kiến sáu ngàn do-tuần, ở khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Mã thực không xa, có núi tên là Ni-dân-đà-la, cao một ngàn hai trăm do-tuần, ngang dọc một ngàn hai trăm do-tuần, bảy báu tạo thành; cách núi Mã thực ba ngàn do-tuần, ở khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Ni-dân-đà-la không xa, có núi tên là Ðiều phục, cao sáu trăm do-tuần, ngang dọc sáu trăm do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Ni-dân-đà-la một ngàn hai trăm do-tuần, khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Ðiều phục không xa, có núi tên là Kim cang vi, cao ba trăm do-tuần, ngang dọc ba trăm do-tuần; hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Ðiều phục sáu trăm do-tuần, khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương mùi thơm lan khắp.

“Cách núi Ðại kim cang không xa, có biển lớn, bờ phía Bắc của biển lớn có cây đại thọ vương tên là Diêm-phù, vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần, khoảng đất trống hai bên lại có khu rừng tên là Am-bà-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Diêm-bà, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Sa-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Ða-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Na-đa-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Nam, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Nữ , ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tán-na, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Chiên-đàn, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Khư-châu-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Ba-nại-bà-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tỳ-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Hương nại, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Lê, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là An-thạch-lưu , ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Cam, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Ha-lê-lặc, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tỳ-hê-lặc, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là A-ma-lặc, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là A-ma-lê, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Nại, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Cam-giá, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Vi, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Trúc, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Xá-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Xá-la-nghiệp, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Mộc qua, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên Ðại mộc qua, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Giải thoát hoa, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Chiêm-bà, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Bà-la-la, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tu-ma -na, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Bà-sư, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên Ða-la-lê, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Già-da, ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Bồ-đào, ngang dọc năm mươi do-tuần.

“Qua khỏi đó thì đất trống. Trong khoảng đất trống ấy lại có ao hoa, ngang dọc năm mươi do-tuần. Lại có ao hoa Bát-đầu-ma, ao hoa Câu-vật-đầu, ao hoa Phân-đà-lỵ; rắn độc đầy trong đó. Mỗi ao ngang dọc năm mươi do-tuần.

“Qua khỏi đó, đất trống. Trong khoảng đất trống ấy có biển lớn tên là Uất-thiền-na. Dưới biển này có con đường của Chuyển luân thánh vương, rộng mười hai do-tuần; sát hai bên đường có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây. Các trang hoàng chung quanh đều do bảy báu tạo thành. Khi Chuyển luân thánh vương Chuyển luân thánh vương ra đời trên cõi Diêm-phù-đề thì nước tự nhiên rút đi, đường ấy hiện ra.

“Cách biển không xa, có núi tên là Kim bích. Trong núi có tám vạn cái hang. Tám vạn tượng vương sống ở trong hang ấy. Thân chúng thuần trắng; đầu có nhiều màu; miệng có sáu ngà, giữa các răng có trám vàng.

“Qua khỏi núi Kim bích rồi, có núi tên là Tuyết sơn, ngang dọc năm trăm do-tuần, sâu năm trăm do-tuần, phía Ðông và Tây nhập vào biển. Ở giữa núi Tuyết có núi báu, cao hai mươi do-tuần.

“Doi đất núi Tuyết trồi lên một trăm do-tuần, trên đảnh núi ấy có ao A-nậu-đạt, ngang dọc năm mươi do-tuần; nước ao trong mát, lóng sạch không cáu bẩn; có bảy bậc bờ thềm, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, nhiều loại màu sắc khác lạ, do bảy báu tạo thành. Lan can thì trụ vàng, tay nắm bạc; trụ bạc, tay nắm vàng; trụ lưu ly, tay nắm thủy tinh; trụ thủy tinh, tay nắm lưu ly; trụ xích châu, tay nắm mã não; trụ mã não, tay nắm xích châu; trụ xa cừ, tay nắm bằng các báu. Lưới vàng, linh bạc; lưới bạc, linh vàng; lưới lưu ly, linh thủy tinh; lưới thủy tinh, linh lưu ly; lưới xa cừ, linh bằng bảy báu. Cây Ða-la vàng, gốc vàng, nhánh vàng, lá bạc, quả bạc; cây Ða-la bạc, gốc bạc, nhánh bạc, lá vàng, quả vàng; cây thủy tinh, gốc, nhánh thủy tinh, hoa, quả lưu ly; cây xích châu, gốc, nhánh xích châu, lá mã não, hoa, quả mã não; cây xa cừ, gốc, nhánh xa cừ, hoa, quả bằng các báu. Bên cạnh ao A-nậu-đạt có vườn cảnh, ao tắm, các hoa tích tụ, các loại cây lá hoa quả đều tốt tươi; các loại hương thơm, lan tỏa bốn phương, các loài chim lạ cùng cất tiếng hót họa nhau buồn bã. Dưới đáy ao A-nậu-đạt cát vàng đầy ắp, bốn phía ao đều có thềm bậc; bậc vàng, thềm bạc, bậc bạc, thềm vàng; bậc lưu ly, thềm thủy tinh, bậc thủy tinh, thềm lưu ly; bậc xích châu, thềm mã não, bậc mã não, thềm xích châu; bậc xa cừ, thềm bằng các báu, bao bọc chung quanh đều có lan can, có bốn loài hoa: xanh, vàng, đỏ, trắng nhiều màu đan xen; hoa như bánh xe, rễ như ổ trục xe; rễ hoa ra nhựa màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Phía Ðông ao A-nậu-đạt có sông Hằng-già, từ miệng trâu chảy ra, dẫn theo năm trăm con sông, chảy vào biển Ðông. Phía Nam ao A-nậu-đạt, có sông Tân-đầu, từ miệng sư tử chảy ra, dẫn theo năm trăm dòng sông chảy vào biển Nam. Phía Tây ao A-nậu-đạt có sông Bà-xoa, từ miệng ngựa chảy ra, dẫn theo năm trăm dòng sông nhập vào biển Tây. Phía Bắc ao A-nậu đạt có sông Tư-đà, từ miệng voi chảy ra, dẫn theo năm trăm dòng sông chảy vào biển Bắc. Trong cung A-nậu-đạt có nhà năm cột, Long vương A-nậu-đạt thường ở trong đó.”

Phật nói:

“Vì sao gọi là A-nậu-đạt? A-nậu-đạt nghĩa là gì? Các Long vương ở Diêm-phù-đề này có đủ ba hoạn nạn, chỉ có A-nậu-đạt không có ba hoạn nạn. Những gì là ba? Một là, toàn thể Long vương ở Diêm-phù-đề đều bị gió nóng, cát nóng chạm vào thân, thiêu đốt da thịt và thiêu đốt xương tủy làm cho khổ não; chỉ có Long vương A-nậu-đạt không có hoạn này. Hai là, toàn thể long cung ở Diêm-phù-đề bị gió dữ thổi mạnh, thổi vào trong cung, làm mất y báu phục sức, thân rồng lộ ra, làm cho khổ não; chỉ có Long vương A-nậu-đạt không có hoạn nạn như thế. Ba là toàn thể Long vương ở Diêm-phù-đề, khi ở trong cung vui chơi đều bị chim lớn cánh vàng bay vào cung dắt đi, hoặc mới nghĩ cách muốn bắt rồng để ăn thịt; các rồng sợ hãi, thường ôm lòng lo sầu; chỉ có Long vương A-nậu-đạt không bị hoạn này; nếu chim cánh vàng khởi niệm muốn ở thì liền mạng chung, cho nên gọi là A-nậu-đạt.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Bên phải núi Tuyết có thành tên là Tỳ-xá-ly, phía Bắc của thành ấy có bảy núi đen. Phía Bắc của bảy núi đen có núi Hương, núi ấy thường có tiếng âm nhạc, ca xướng, kỹ nhạc. Núi có hai hang, một hang tên là Trú, hang thứ hai tên là Thiện trụ, do bảy báu trời tạo thành, mềm mại thơm sạch, giống như áo trời. Diệu âm Càn-thát-bà vương cùng năm trăm Càn-thát-bà ở trong hang Trú đó. Phía Bắc hang Thiện trú có cây đại thọ vương Ta-la, tên là Thiện trụ, có bốn ngàn thọ vương vây quanh bốn phía. Dưới Thiện trụ thọ vương có tượng vương, cũng tên là Thiện trụ, ở dưới cây này, thân thể toàn trắng, bảy chỗ đầy đặn, có thể bay đi; đầu nó màu đỏ, lông có nhiều màu; sáu ngà đều thon, giữa được trám vàng, có tám ngàn voi vây quanh tùy tùng. Dưới tám ngàn thọ vương ấy, có tám ngàn voi, cũng lại như thế.

“Phía Bắc thọ vương Thiện trụ có ao tắm lớn, tên là Ma-đà-diên ; ngang dọc năm mươi do-tuần; có tám ngàn ao tắm bao bọc chung quanh, nước ao trong mát, không có cáu bẩn, được bao quanh các bờ lũy đắp bằng bảy báu. Ao có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây đều do bảy báu tạo thành: tay nắm vàng thì trụ bạc, tay nắm bạc thì trụ vàng; tay nắm thủy tinh thì trụ lưu ly, tay nắm lưu ly thì trụ thủy tinh; tay nắm xích châu thì trụ mã não, tay nắm mã não thì trụ xích châu; tay nắm xa cừ thì trụ bằng các báu; dưới lưới vàng treo linh bạc, dưới lưới bạc treo linh vàng; lưới thủy tinh treo linh lưu ly, lưới lưu ly treo linh thủy tinh; lưới xích châu treo linh mã não, lưới mã não treo linh xích châu; lưới xa cừ treo linh các báu. Cây vàng thì rễ vàng, nhánh vàng, lá hoa quả bạc; cây bạc thì rễ bạc, nhánh bạc, lá hoa quả vàng; cây thủy tinh thì rễ, nhánh thủy tinh, hoa quả lưu ly; cây lưu ly thì rễ, nhánh lưu ly, hoa quả thủy tinh; cây xích châu thì rễ, nhánh xích châu, hoa quả mã não; cây mã não thì rễ, nhánh mã não, hoa quả xích châu; cây xa cừ thì rễ nhánh xa cừ, hoa, quả các báu.

“Lại nữa, dưới đáy ao ấy, cát vàng rải khắp, bọc chung quanh ao có đường thềm cấp bằng bảy báu; thềm vàng cấp bạc, thềm bạc cấp vàng; thềm thủy tinh cấp lưu ly, thềm lưu ly cấp thủy tinh; thềm xích châu, cấp mã não, thềm mã não, cấp xích châu; thềm xa cừ, cấp các báu. Sát hai bên thềm có lan can báu. Lại trong ao ấy, sanh bốn loài hoa: xanh, vàng, đỏ, trắng nhiều màu đan xen; hoa như bánh xe, rễ như ổ trục xe. Rễ hoa ra nhựa màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Vòng quanh bốn phía ao có vườn cảnh, rừng, ao tắm, mọc đủ các loại hoa; cây cối xanh tươi, hoa quả dồi dào, vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng giống như trước. Tượng vương Thiện trụ khi nghĩ muốn dạo chơi vào ao tắm thì liền nghĩ đến tám ngàn voi khác. Khi ấy tám ngàn voi lại tự nghĩ: “Tượng vương Thiện trụ đang nghĩ đến chúng ta, chúng ta nên đến chỗ tượng vương”. Bầy voi liền đi đến đứng trước tượng vương.

“Bấy giờ, tám ngàn voi theo tượng vương Thiện trụ đến ao Ma-đà-diên. Trong bầy voi ấy, có con cầm lọng che tượng vương, có con cầm quạt báu quạt tượng vương; trong đó có con tấu xướng kỹ nhạc đi trước mở đường. Tượng vương Thiện trụ vào ao tắm rửa, tấu xướng kỹ nhạc, cùng nhau vui chơi; có con rửa vòi cho tượng vương, có con rửa miệng, gội đầu; rửa ngà, rửa tai, rửa bụng, kỳ lưng, rửa đuôi, rửa chân; trong đó có con nhổ gốc hoa rửa sạch dâng voi ăn, có con lấy bốn loại hoa rải trên voi.

“Tượng vương Thiện trụ tắm rửa, ăn uống, cùng nhau vui chơi xong, liền lên bờ, đi đến đứng ở cây Thiện trụ. Tám ngàn con voi, sau đó, mới vào ao tắm rửa, ăn uống, cùng nhau vui chơi, xong rồi trở ra, đến chỗ tượng vương.

“Khi ấy, tượng vương cùng tám ngàn voi tùy tùng sau trước, đến chỗ thọ vương Thiện trụ; trong đó có con cầm lọng che tượng vương; có con cầm quạt quạt tượng vương; trong đó có con tấu xướng kỹ nhạc đi trước mở đường. Khi tượng vương Thiện trụ đến chỗ thọ vương rồi, ngồi nằm đi đứng tùy ý, tám ngàn voi khác ở dưới các cây, tự do ngồi nằm đi đứng tùy ý. Trong rừng cây ấy, có cây chu vi tám tầm, có cây chu vi chín tầm, cho đến mười tầm, mười lăm tầm, chỉ có thọ vương Ta-la của voi chúa Thiện trụ chu vi mười sáu tầm. Khi cành lá của tám ngàn cây Ta-la rơi rụng thì có luồng gió mát thổi bay xa ra ngoài khu rừng. Lại khi tám ngàn voi đại tiểu tiện thì các quỷ Dạ-xoa hốt bỏ ngoài rừng.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Tượng vương Thiện trụ có đại thần lực, công đức như thế; tuy là loài súc sanh mà hưởng phước như vậy.”

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
Admin I
Bài viết: 210
Ngày: 16/06/07 20:05

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi Admin I »

Bài Kinh Này Đức Phật Giảng Về Sự Hình Thành Của Cõi Ta Bà Mà Thôi.

Còn Như Nói Khắp Trong Pháp Giới Thì Các Thế Giới Sanh Trụ Dị Diệt Vô Thủy Vô Chung Nhưng Tất Cả Đều Là Từ Nơi Tâm Biến Hiện.


Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, ta chỉ giảng nói về khổ và sự diệt khổ. MN. 22

Khônb bệnh lợi tối thắng, Niết-bàn lạc tối thượng, bát chánh là độc đạo. An ổn và bất tử. MN. 75.
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 2: UẤT-ÐAN-VIẾT

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Cõi Uất-đan-viết có nhiều núi. Bên cạnh các núi ấy, có các vườn cảnh, ao tắm, mọc nhiều loài hoa, cây cối mát mẻ, hoa quả dồi dào, vô số các loài chim cùng nhau hót. Lại trong các núi ấy có nhiều dòng nước; nước ấy xuôi dòng ra biển, không chảy xiết; các loại hoa phủ trên mặt nước, chảy bình lặng êm ả. Sát hai bên bờ, có nhiều cây cối, cành nhánh mềm mại, hoa quả sum suê. Ðất mọc cỏ mềm xoay về bên phải, màu như đuôi công, mùi thơm như bà-sư , mềm như áo trời. Ðất ở đó mềm; dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, dở chân lên, trở lại như cũ, mặt đất bằng như bàn tay, không có cao thấp.

“Này Tỳ-kheo! Cõi Uất-đan-viết kia bốn phía có bốn ao A-nậu-đạt; mỗi ao ngang dọc một trăm do-tuần. Nước ao lắng trong, không có cáu bẩn. Có hào cùng bậc thềm bằng bảy báu chung quanh... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau cất tiếng hót buồn bã, giống như sự trang trí của ao Ma-đà-diên không khác. Bốn ao lớn ấy, rộng mười do-tuần, nước sông xuôi dòng ra biển, không có xiết; các loại hoa phủ trên mặt nước, chảy từ từ êm ả. Sát hai bên bờ sông có nhiều cây cối, cành nhánh mềm mại, hoa quả dồi dào. Ðất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như đuôi công, hương như bà-sư, mềm mại như áo trời. Ðất đó mềm mại, dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, giở chân lên, trở lại như cũ. Ðất bằng như bàn tay, không có cao thấp. Lại đất đai kia không có ngòi rãnh, khe suối, hầm hố, gai góc, gốc cây, cũng không có muỗi mòng, rắn, rết, ong, bò cạp, cọp, beo, thú dữ. Ðất thuần châu báu, không có đất cát; âm dương điều độ, bốn mùa thuận hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, không có các sự não hoạn. Ðất đai thấm ướt, bụi dơ không dậy, như dầu bôi trên đất, không có bụi bay. Trăm thứ cây cỏ thường mọc, không có mùa Ðông rét mướt, mùa Hạ nóng bức. Cây cối tốt tươi; hoa trái xum xuê. Ðất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời. Ðất ở đó mềm mại; dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, dở chân lên lại, trở lại như cũ. Ðất bằng như bàn tay, không có chỗ cao, chỗ thấp.

“Cõi ấy thường có lúa thơm tự nhiên, chẳng gieo trồng mà tự mọc, không có vỏ trấu, như đóa hoa trắng, giống như thức ăn trời Ðao-lợi, đầy đủ các vị. Cõi ấy luôn có nồi, vạc tự nhiên; có ngọc ma-ni tên là Diệm quang được đặt dưới nồi nấu. Khi cơm chín thì ánh sáng tắt, chẳng cần lửa củi, không nhọc sức người. Cõi ấy có cây tên là Khúc cung, lá cây dày đặc chồng lên nhau theo thứ lớp, trời mưa không dột. Ðàn ông, đàn bà cư ngụ dưới cây đó. Lại có cây hương cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín, vỏ nó tự nứt, tự nhiên xuất ra các loại hương. Hoặc có cây cao sáu mươi dặm, hoặc năm mươi dặm, bốn mươi dặm; cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín, vỏ nó tự nứt, tự nhiên hương tỏa.

“Lại có cây Y cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín vỏ tự nứt ra, tuôn ra các loại y phục; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, nhỏ nhất là năm dặm, hoa quả đầy cành, tuôn ra các loại y phục. Lại có cây trang nghiêm, cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, tuôn ra các thứ đồ trang nghiêm thân thể; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi dặm, đều đầy cành hoa quả, tuôn ra đủ các đồ trang nghiêm thân thể. Lại có cây hoa man cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại tràng hoa; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi dặm, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả cũng đầy cành, xuất ra các loại tràng hoa. Lại có cây khí, cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín vỏ tự nứt ra. Xuất ra các khí cụ; hoặc có cây sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đều đầy cành, xuất ra các loại khí cụ. Lại có cây quả cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại quả; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đều đầy cành, xuất ra các loại quả. Lại có cây nhạc khí cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; quả ấy khi chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại nhạc khí, hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, đều đầy cành hoa quả, xuất ra các loại nhạc khí.

“Cõi ấy có ao tên là Thiện kiến, ngang dọc một trăm do-tuần, nước ao trong vắt, không có cáu bẩn. Các bên ao được xây lát bằng hào bảy báu. Bốn mặt quanh ao có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng giống như trước.

“Phía Bắc ao Thiện kiến có cây tên là Am-bà-la, vòng thân bảy dặm, cao một trăm dặm, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi dặm. Phía Ðông của ao Thiện kiến phát xuất sông Thiện đạo, rộng một do-tuần, nước sông chảy chậm, không có dòng xoáy, có nhiều loại hoa phủ trên mặt nước; sát hai bên bờ cây cối tốt tươi, cành nhánh mềm mại, hoa quả đầy cành; đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời; đất ở đó mềm mại, khi đạp chân xuống, đất lún bốn tấc, dở chân lên, trở lại như cũ; đất bằng như bàn tay, không có cao thấp.

“Lại nữa, trong sông ấy, có các thuyền báu. Nhân dân ở nơi ấy khi muốn vào sông tắm rửa vui chơi, cởi y phục để trên bờ. Lên thuyền ra giữa dòng; nô đùa vui vẻ xong, lên bờ gặp y phục thì mặc, lên trước mặc trước, lên sau mặc sau, chẳng tìm lại y phục cũ. Sau đó, đi đến cây hương. Cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại tạp hương để xoa trên mình. Rồi đến cây y phục. Cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại y phục, tùy ý mặc vào. Tiếp đến, đi đến cây trang nghiêm, cây cong mình xuống, những người ấy lấy các thứ trang nghiêm để tự trang sức. Xong, đến cây hoa man; cây cong mình xuống, những người ấy lấy các thứ tràng hoa, để đội trên đầu. Rồi đến cây khí, cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại khí vật báu; lấy khí vật báu xong, tiếp theo, đến cây quả, cây cong mình xuống, những người ấy hái các quả đẹp, hoặc có người ăn nuốt, có người ngậm, có người vắt nước uống. Kế tiếp, đến cây nhạc khí; cây cong mình xuống, những người ấy lấy các loại nhạc khí, chơi đàn, đánh trống và dùng âm thanh vi diệu hòa với tiếng đàn mà đi đến khu vườn, tùy ý vui chơi, hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, sau đó lại đi, không có chỗ nhất định.

“Phía Nam ao Thiện kiến, phát xuất sông Diệu thể. Phía Tây ao Thiện kiến, phát xuất sông Diệu vị. Phía Bắc ao Thiện kiến, phát xuất sông Quang ảnh, cũng giống như trên. Phía Ðông ao Thiện kiến có khu vườn tên là Thiện kiến, ngang dọc một trăm do-tuần; vòng quanh bốn bên khu vườn có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, nhiều màu đan xen bảy báu tạo thành. Bốn phía vườn ấy có bốn cửa lớn, lan can bao quanh, đều do bảy báu tạo thành; trong vườn sạch sẽ, không có gai góc, đất đai bằng phẳng, không có ngòi rãnh khe suối, hầm hố, đồi gò, cũng không có muỗi mòng, ruồi, rệp, rận, rắn rết, ong, bò cạp, hổ báo, ác thú; đất toàn các báu, không có cát, âm dương điều độ, bốn mùa thuận hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, không có các hoạn nạn; đất đai nhuận thấm, không có bụi bặm, như có dầu xoa đất, đi bụi không bốc lên, hằng trăm loài cỏ thường mọc, không có Ðông rét Hạ bức; cây cối tươi tốt, hoa quả đầy cành; đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời; đất đai mềm mại, khi đạp chân xuống, đất lún bốn tấc, dở chân lên, đất lại như cũ.

“Vườn ấy thường mọc lúa thơm tự nhiên, không có vỏ trấu, trắng như đóa hoa, đầy đủ các vị, như cơm trời Ðao-lợi. Vườn ấy thường có nồi chõ tự nhiên; có ngọc ma-ni, tên là Diệm quang đặt dưới nồi chõ; khi cơm chín, ánh sáng tắt, chẳng cần lửa củi, chẳng nhọc công người. Vườn ấy có cây tên là khúc cung, lá chồng lên nhau theo thứ lớp, trời mưa không dột. Các nam nữ ấy cư ngụ ở đó. Lại có cây hương, cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại hương, có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cho đến cao năm dặm, hoa quả đầy cành, xuất ra các loài hương... cho đến cây khí, cũng giống như trên.

“Nhân dân ở cõi ấy đến vườn ấy vui chơi giải trí, một ngày, hai ngày... cho đến bảy ngày. Vườn Thiện kiến ấy không người bảo vệ, tùy ý dạo chơi, sau đó lại đi.

“Phía Nam ao Thiện kiến có khu vườn tên là Ðại thiện kiến, phía Tây ao Thiện kiến có khu vườn tên là Ngu lạc ; phía Bắc ao Thiện kiến có khu vườn tên là Ðẳng hoa, cũng giống như thế.

“Ở cõi ấy, vào nửa đêm, cuối đêm, Long vương A-nậu-đạt thường thường vào lúc thích hợp khởi mây lành cùng khắp thế giới rồi mưa nước ngọt xuống, giống như khi vắt sữa bò; nước đủ tám vị, thấm nhuận khắp nơi; nước không đọng lại, đất không bùn lầy. Giống như thợ làm tràng hoa dùng nước rưới hoa, khiến không khô héo, thấm ướt tốt tươi. Khi ấy, ở cõi đó vào lúc gần sáng không có mây che, bầu trời trong vắt; biển nổi gió mát, trong lành hiu hiu, chạm nhẹ vào người, toàn thân sảng khoái.

“Cõi ấy trù mật, nhân dân sung túc. Nếu khi cần ăn thì dùng gạo thơm tự nhiên bỏ vào trong chõ, dùng ngọc Diệm quang để ở dưới chõ; cơm tự nhiên chín, ánh sáng ngọc tự tắt. Các người đi đến, tự do ăn cơm. Người ăn không đứng dậy thì cơm không hết; người ăn đứng dậy thì cơm cũng hết. Cơm ấy tinh khiết như đóa hoa trắng, đầy đủ mùi vị như cơm cõi trời Ðao-lợi. Người ăn cơm đó không có các bệnh, khí lực dồi dào, nhan sắc tươi vui, không có gầy còm.

“Lại ở cõi ấy, thân thể con người như nhau, hình mạo giống nhau, không thể phân biệt. Dáng người trẻ trung, như người khoảng hai mươi tuổi ở Diêm-phù-đề. Người cõi ấy, răng họ bằng đều, trắng sạch, kín sát không hở; tóc màu xanh biếc, không có cáu bẩn; tóc xõa xuống bằng tám ngón tay, ngang vai thì dừng, không dài không ngắn. Người ở cõi đó nếu khi khởi tâm dục thì nhìn chăm chăm nữ nhân rồi bỏ đi; người nữ ấy theo sau vào trong vườn. Nếu nữ nhân và người nam kia là cha, mẹ hoặc liên hệ trong cốt nhục, không phải là người nên hành dục thì cây không cong xuống che lại, thì họ tự chia tay. Nếu chẳng phải cha, mẹ và nhiều liên hệ đến cốt nhục, đúng là đối tượng hành dâm thì cây cong xuống che phủ thân họ, tùy ý hưởng lạc, một ngày, hai ngày... hoặc đến bảy ngày, khi ấy mới thôi. Người nữ ấy mang thai; bảy hoặc tám ngày thì sanh. Sanh ra con trai hay con gái, cũng mang đặt ở ngã tư đường, đầu trục lộ giao thông, bỏ đó rồi đi. Các người đi đường, đi ngang qua bên nó, đưa ngón tay cho nó mút, ngón tay chảy ra sữa ngọt, nuôi lớn thân bé. Qua bảy ngày rồi, bé ấy trưởng thành, bằng với người lớn; nam thì theo nhóm nam, nữ thì theo nhóm nữ.

“Người cõi ấy khi mạng chung, không ai khóc lóc, trang nghiêm tử thi, đặt ở ngã tư đường, bỏ đó rồi đi. Có loài chim tên là Ưu-úy thiền-già gắp tử thi ấy để ở phương khác.

“Lại nữa, người ở cõi ấy khi đại tiểu tiện, đất liền nẻ ra; đại tiểu tiện rồi, đất khép trở lại. Nhân dân cõi ấy không lệ thuộc sự tham luyến, cũng không cất chứa, thọ mạng có hạn định; chết rồi sanh lên trời. Vì sao người cõi ấy thọ mạng luôn có hạn định? Ðời trước người cõi ấy tu mười hạnh thiện, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn tuổi, chẳng hơn chẳng kém. Vì thế, người cõi ấy thọ mạng như nhau.

“Lại nữa, người sát sanh đọa vào đường ác; người không sát sanh sanh vào nẻo thiện. Kẻ trộm cắp, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt, tham lam, ganh ghét, tà kiến đều đọa vào đường ác. Người không trộm cắp, không tà dâm, không hai lưỡi, không ác khẩu, không nói dối, không nói thêu dệt, không tham lam, không ganh ghét, không tà kiến thì khi thân hoại mạng chung sanh cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn năm, chẳng hơn chẳng kém. Vì vậy, người ở cõi kia thọ mạng bằng nhau. Lại nữa, tham lam keo kiệt chẳng thường bố thí thì chết đọa đường ác; tâm thoáng không keo thường hành bố thí sanh chốn thiện. Có người bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn và bố thí cho người bần cùng, ăn xin, bệnh ghẻ, khốn khổ, cho họ y phục, thức ăn uống, xe cộ, tràng hoa, hương thơm, giường chõng, phòng xá; lại tạo lập tháp miếu, đèn đuốc cúng dường, thì người ấy khi mạng chung sanh vào cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn tuổi, chẳng hơn chẳng kém, vì vậy, người cõi kia thọ mạng bằng nhau. Vì sao gọi người Uất-đan-viết là hơn hết? Vì nhân dân cõi ấy chẳng thọ thập thiện nhưng toàn bộ hành động của họ tự nhiên hợp với thập thiện, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi lành. Vì vậy, người ở đó được khen là Uất-đan-viết hơn hết. Uất-đan-viết, ý nghĩa như thế nào? Ðối với ba cõi kia, cõi này là tối thắng, tối thượng cho nên gọi là Uất-đan-viết.

[right]CON TIẾP[/right]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 3: CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Thế gian có Chuyển luân thánh vương, thành tựu bảy báu, có bốn thần đức.

“Những gì là bảy báu mà Chuyển luân thánh vương thành tựu? Một, báu bánh xe vàng; hai, báu voi trắng; ba, báu ngựa xanh; bốn, báu thần châu; năm, báu ngọc nữ; sáu, báu cư sĩ; bảy, báu chủ binh.

“Chuyển luân thánh vương thành tựu báu bánh xe vàng như thế nào?

Nếu Chuyển luân thánh vương hiện trong cõi đất Diêm-phù-đề; khi ấy, vua Quán đảnh thuộc dòng Sát-lỵ, vào ngày rằm trăng tròn, tắm gội bằng nước thơm, rồi lên điện cao, cùng với thể nữ hưởng thụ hoan lạc. Bảo vật là bánh xe trời bằng vàng bỗng nhiên xuất hiện trước mặt. Bánh xe có ngàn căm, với màu sắc sáng chói, được làm bằng vàng trời, do thợ trời chế tạo, không phải người đời làm được. Ðường kính bánh xe là bốn trượng. Khi nhìn thấy bánh xe, Chuyển luân Thánh vương Chuyển luân thánh vương thầm nghĩ: Ta từng nghe từ các bậc tiên túc, kỳ cựu nói rằng: Nếu vua Sát-lỵ quán đảnh, vào ngày rằm lúc trăng đầy, tắm gội bằng nước thơm, lên ngồi trên Pháp điện, với thể nữ vây quanh. Bánh xe vàng tự nhiên xuất hiện trước mặt. Bánh xe có ngàn căm, với màu sắc sáng chói, được làm bằng vàng trời, do thợ trời chế tạo, không phải người đời làm được. Ðường kính bánh xe là bốn trượng. Bấy giờ được gọi là Chuyển luân thánh vương. Nay bánh xe này xuất hiện, há không phải là điều ấy chăng? Ta nay hãy thử bảo vật là bánh xe này.

“Rồi Chuyển luân vương bèn triệu tập bốn binh chủng, hướng về bảo vật bánh xe vàng, bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, lấy tay phải sờ bánh xe vàng mà nói rằng: Ngươi hãy nhắm hướng Ðông, đúng như pháp mà chuyển, chớ có trái qui tắc thông thường. Bánh xe liền chuyển về phương Ðông. Khi ấy Chuyển luân vương liền dẫn bốn binh chủng đi theo sau. Phía trước bảo vật bánh xe vàng có bốn vị thần dẫn đường. Bánh xe ngừng chỗ nào, vua đình giá chỗ đó. Bấy giờ các Tiểu quốc vương thấy Ðại vương đến, lấy bát vàng đựng đầy thóc bạc; bát bạc đựng đầy thóc vàng đi đến chỗ Ðại vương, cúi đầu bạch rằng: Lành thay, Ðại vương! Nay, ở phương Ðông này, đất đai phong phú, vui tươi, có nhiều trân bảo, nhân dân đông đúc, tâm chí nhân ái, hòa thuận, từ hiếu, trung thuận. Cúi nguyện Thánh vương hãy ở đây mà trị chính. Chúng tôi sẽ gần gũi hầu hạ, cung cấp những thứ cần dùng. Khi ấy, Chuyển luân vương nói với các Tiểu vương: Thôi, thôi! Này các hiền, các người như vậy là đã cúng dường ta rồi. Nhưng hãy theo chánh pháp mà cai trị giáo hóa, chớ để thiên lệch; không để quốc nội có hành vi phi pháp. Tự mình không sát sanh; khuyên bảo người khác không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, thêu dệt, tham lam, tật đố, tà kiến. Ðó gọi là sự cai trị của ta vậy.

“Các Tiểu vương sau khi nghe lời dạy, liền đi theo Ðại vương, tuần hành các nước. Cho đến tận cùng bờ biển phía Ðông.

“Sao đó, lần lượt đi về phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Bất cứ chỗ nào mà bánh xe lăn đến, các Quốc vương ở đó đều dâng hiến quốc thổ; cũng như các Tiểu vương ở phương Ðông vậy.

“Tất cả đất đai có trong Diêm-phù-đề này, màu mỡ, phong phú, sản xuất nhiều trân bảo, những nơi có rừng, có nước trong sạch, bánh xe đều lăn khắp; ấn định biên giới, vẽ bản đồ, Ðông Tây mười hai do-tuần, Nam Bắc mười do-tuần. Vào ban đêm, các thần ở trong đó xây dựng thành quách. Thành có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, những trang hoàng chung quanh, đều được làm bằng bảy báu. cho đến vô số các loài chim cùng họa nhau mà hót. Thành được xây xong, bánh xe vàng lại xuất hiện trong thành, qui định địa giới Ðông Tây bốn do-tuần, Nam Bắc hai do-tuần. Vào ban đêm, các thần ở trong đó xây dựng cung điện. Tường cung có bảy lớp, được làm bằng bảy báu. cho đến vô số các loài chim cùng họa nhau mà hót, như đã kể trên.

“Cung điện được dựng xong, khi ấy bảo vật bánh xe vàng trụ giữa hư không, ngay phía trước cung điện, hoàn toàn không chuyển động. Chuyển luân vương phấn khởi nói: Nay bảo vật bánh xe vàng này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.

“Ðó là sự thành tựu bánh xe vàng.

“Voi trắng được thành tựu như thế nào? Chuyển luân thánh vương, vào buổi sáng sớm, ngồi trên chánh điện. Tự nhiên voi trắng bỗng xuất hiện trước mặt. Lông của nó thuần trắng, bảy chỗ bằng phẳng, có khả năng phi hành. Ðầu của có nhiều màu; sáu ngà thon dài được cẩn bằng vàng ròng. Thấy thế vua liền nghĩ thầm: Con voi này khôn. Nếu khéo huấn luyện, có thể cưỡi. Bèn cho huấn luyện thử, đầy đủ các kỹ năng. Khi ấy, Chuyển luân vương muốn thử voi, bèn cưỡi lên nó, vào buổi sáng sớm, xuất thành, đi quanh khắp bốn biển. Cho đến giờ ăn trưa thì trở về. Chuyển luân vương phấn khởi nói: Bảo vật voi trắng này thật sự là một điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.

“Ðó là sự thành tựu báu voi.

“Thế nào là sự thành tựu ngựa xanh của Chuyển luân vương? Khi ấy, Chuyển luân thánh vương, vào buổi sáng sớm, ngồi tại chánh điện, tự nhiên bảo vật là ngựa bỗng xuất hiện trước mặt. Màu nó xanh thẫm, bờm và đuôi đỏ . Thấy thế, vua liền nghĩ thầm: Con ngựa này khôn. Nếu khéo huấn luyện, có thể cưỡi. Bèn cho huấn luyện thử, đầy đủ các kỹ năng. Khi ấy, Chuyển luân vương muốn thử ngựa, bèn cưỡi lên nó, vào buổi sáng sớm, xuất thành, đi quanh khắp bốn biển. Cho đến giờ ăn trưa thì trở về. Chuyển luân vương phấn khởi nói: Bảo vật ngựa xanh này thật sự là một điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.

“Ðó là sự thành tựu ngựa xanh.

“Báu thần châu được thành tựu như thế nào? Chuyển luân Thánh vương, vào buổi sáng sớm, ngồi trên chánh điện. Tự nhiên thần châu bỗng xuất hiện trước mặt. Màu chất trong suốt, không có tỳ vết. Sau khi thấy, vua tự nghĩ: Châu này thật tuyệt vời. Nếu có ánh sáng, có thể rọi cung nội. Rồi Chuyển luân thánh vương muốn thử hạt châu này, bèn triệu tập bốn binh chủng. Ðặt bảo châu trên cây phướn cao. Trong lúc đêm tối, cầm cây phướn xuất thành. Ánh sáng của hạt châu này rọi đến một do-tuần. Những người ở trong thành đều thức dậy làm việc, cho rằng bây giờ là ban ngày. Chuyển luân vương khi ấy phấn khởi nói: Nay thần châu này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.

“Ðó là sự thành tựu báu thần châu.

“Báu ngọc nữ được thành tựu như thế nào? Khi ấy, báu ngọc nữ bỗng nhiên xuất hiện, nhan sắc thung dung, diện mạo đoan chánh; không dài, không vắn; không thô, không nhỏ; không trắng, không đen; không cương, không nhu; mùa đông thì thân ấm, mùa hè thì thân mát. Từ các lỗ chân lông khắp mình phát ra mùi hương Chiên-đàn; miệng phát ra mùi hương của hoa Ưu-bát-la; nói năng dịu dàng; cử động khoan thai; đứng dậy trước (vua) nhưng ngồi xuống sau (vua), không mất nghi tắc. Chuyển luân thánh vương sau khi thấy, tâm không mê đắm, không chút mơ tưởng, huống hồ gần gũi. Chuyển luân vương sau khi thấy, phấn khởi mà nói: Báu ngọc nữ này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.

“Ðó là sự thành tựu báu ngọc nữ.

“Báu cư sĩ được thành tựu như thế nào? Khi ấy, người đàn ông cư sĩ bỗng nhiên tự xuất hiện; kho báu tự nhiên, tài sản vô lượng. Cư sĩ do phước báu đời trước có cặp mắt có thể nhìn thấu suốt các hầm mỏ dưới lòng đất; biết rõ hết thảy có chủ hay vô chủ. Kho nào có chủ, ông có thể giữ gìn hộ. Kho nào vô chủ, ông lấy lên cho vua tiêu dùng. Rồi thì, báu cư sĩ đi đến tâu vua: Ðại vương, cần cung cấp thứ gì, xin đừng lo lắng. Tôi tự mình có thể giải quyết.

“Khi ấy, Chuyển luân thánh vương muốn thử báu cư sĩ, bèn ra lệnh sửa soạn thuyền để du ngoạn thủy, bảo cư sĩ rằng: Ta cần bảo vật vàng, ngươi hãy đưa nhanh đến cho. Báu cư sĩ tâu rằng: Ðại vương đợi một chút; cần phải lên bờ đã. Vua lại hối thúc: Ta nay đang cần dùng. Ngươi hãy mang đến liền cho ta. Khi báu cư sĩ bị vua ra nghiêm lệnh, bèn quỳ mọp trên thuyền, dùng tay mặt thọc xuống nước. Khi ông rút tay lên thì một cái bình báu từ trong nước cũng lên theo. Giống như con sâu leo cây. Báu cư sĩ kia cũng vậy. Khi rút bàn tay lên khỏi nước thì bình báu cũng lên theo, để đầy cả thuyền. Rồi ông tâu vua: Vừa rồi vua cần bảo vật để dùng. Mà cần bao nhiêu? Chuyển luân Thánh vương Chuyển luân thánh vương khi ấy nói với cư sĩ: Thôi, thôi! Ta không cần dùng gì. Vừa rồi, ta chỉ muốn thử mà thôi. Ngươi nay như thế là đã cúng dường ta rồi. Cư sĩ nghe vua nói như vậy, liền đem bảo vật trả lại trong nước. Khi ấy, Chuyển luân Thánh vương Chuyển luân thánh vương phấn khởi nói rằng: Báu cư sĩ này thật sự là điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.

“Ðó là sự thành tựu báu cư sĩ.

“Báu chủ binh được thành tựu như thế nào? Khi ấy, báu chủ binh bỗng nhiên xuất hiện, đủ trí mưu, hùng mãnh, sách lược sáng suốt, quyết đoán; đi ngay đến chỗ vua, tâu rằng: Ðại vương, cần chinh phạt chỗ nào, xin đừng lo. Tôi có thể đảm trách. Rồi Chuyển luân thánh vương muốn thử báu chủ binh, bèn tập hợp bốn binh chủng, bảo rằng: Ngươi nay hãy điều binh. Chưa tập họp thì tập họp lại. Ðã tập họp thì giải tán. Chưa nghiêm, hãy làm cho nghiêm. Ðã nghiêm, hãy cởi mở. Chưa đi, hãy khiến đi. Ðã đi, hãy khiến dừng. Báu chủ binh nghe vua nói xong, bèn điều động bốn binh chủng, Chưa tập họp thì tập họp lại. Ðã tập họp thì giải tán. Chưa nghiêm, làm cho nghiêm. Ðã nghiêm, thì cởi mở. Chưa đi, thì khiến đi. Ðã đi, thì khiến dừng. Khi ấy Chuyển luân Thánh vương Chuyển luân thánh vương phấn khởi nói rằng: Báu chủ binh này thật sự là điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển luân thánh vương.

“Ðó là sự thành tựu báu chủ binh.

“Thế nào là bốn thần đức? Một là không ai bì kịp về tuổi thọ, không yểu số. Hai, không ai bì kịp về thân thể cường tráng, không bệnh hoạn. Ba, không ai bì kịp về nhan mạo đoan chánh. Bốn, không ai bì kịp về sự giàu có, kho tàng châu báu đầy dẫy.

“Ðó là Chuyển luân thánh vương thành tựu bảy báu và bốn thần đức.

“Vào một lúc, rất lâu về sau, Chuyển luân thánh vương ra lệnh ngự giá xuất du ở hậu viên, bèn bảo người đánh xe: Ngươi hãy đánh xe đi cho khéo. Ta muốn quan sát rõ nhân dân trong quốc thổ có an lạc, không tai họa gì chăng.

“Bấy giờ nhân dân trong nước đứng dọc các con đường, nói với người đánh xe rằng: Ông cho xe đi chậm lại. Chúng tôi muốn nhìn ngắm rõ uy nhan của Thánh vương.

“Chuyển luân thánh vương thương yêu chăm sóc nhân dân như cha yêu con. Quốc dân mến mộ vua cũng như con trông lên cha. Có những gì trân quý đều đem cống vua, tâu rằng: Xin nguyện hạ cố thọ nhận, tùy ý sử dụng. Khi ấy vua trả lời: Thôi đủ rồi, các người! Ta tự mình có đủ tài bảo. Các người hãy tự thọ dụng của mình.

“Khi Chuyển luân thánh vương cai trị Diêm-phù-đề này, cõi đất ấy bằng phẳng, không có gai góc, hầm hố, gò nổng; cũng không có muỗi mòng, ruồi nhặng, ong, bò cạp, rắn rết, sâu độc, đá cát, sạn sỏi; tất cả lặn mất. Vàng, bạc, báu ngọc hiện lên mặt đất. Bốn mùa điều hòa, không nóng, không lạnh. Ðất ấy mềm mại, không có bụi bẩn. Như đất được bôi dầu, sạch sẽ, trơn láng, không có bụi bẩn. Khi Chuyển luân Thánh vương Chuyển luân thánh vương cai trị ở đời, cõi đất cũng như vậy. Từ đất tuôn ra các dòng suối, trong sạch, không bao giờ cạn, sanh loại cỏ mềm mại, mùa đông vẫn xanh tươi. Cây cối sầm uất, hoa trái xum xuê. Ðất sanh cỏ mềm, màu như đuôi lông công, mùi hương hoa bà-sư, mềm mại như lụa trời. Khi đạp chân xuống đất; đất lõm xuống bốn tấc. Khi dở chân lên, đất trở lại như cũ, không có chỗ khuyết rỗng. Có loại lúa tẻ mọc tự nhiên, không có vỏ trấu, đủ các mùi vị. Bấy giờ có cây hương, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, trái tự nhiên nứt, tỏa ra mùi hương tự nhiên; hương thơm sực nức. Lại có cây vải, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các loại vải khác nhau. Lại có cây trang sức, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các đồ trang sức khác nhau. Lại có cây tràng hoa, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các loại tràng hoa khác nhau. Lại có cây dụng cụ, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các thứ dụng cụ khác nhau. Lại có cây nhạc cụ, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các loại nhạc cụ khác nhau.

“Khi Chuyển luân thánh vương cai trị ở đời, Long vương A-nậu-đạt , vào lúc giữa đêm và cuối đêm, nổi lên đám mây lớn dày đặc, giăng bủa khắp cả thế giới, trút xuống cơn mưa lớn. Như trong khoảng thời gian vắt sữa bò; mưa xuống thứ nước có tám vị, thấm ướt khắp nơi. Ðất không đọng nước, cũng không bùn sình, thấm nhuần, đẫm ướt, sanh trưởng các loại cỏ cây. Cũng như thợ hớt tóc, rưới nước tràng hoa, khiến hoa tươi thắm, không để héo úa. Những cơn mưa phải thời thấm nhuần cũng như vậy.

“Lại nữa, bấy giờ vào lúc giữa đêm và cuối đêm, bầu trời trong sáng, tịnh không chút mây, từ biển nổi cơn gió mát, trong sạch mát dịu, chạm đến thân thể khiến sanh khoan khoái.

“Khi Thánh vương cai trị, trong cõi Diêm-phù-đề này ngũ cốc dồi dào, nhân dân đông đúc, tài bảo phong phú, không thiếu thốn thứ gì.

“Ðương thời, Chuyển luân thánh vương trị nước bằng Chánh pháp, không có dua vạy, tu mười hành vi thiện. Lúc bấy giờ, nhân dân cũng tu chánh kiến, đủ mười hành vi thiện.

“Một thời gian lâu, rất lâu về sau, vua nhuốm bệnh nặng mà mạng chung. Cũng như một người do sung sướng mà ăn hơi nhiều, thân thể có hơi không thích hợp, cho nên mạng chung, sanh lên cõi trời. Khi ấy, báu ngọc nữ, báu cư sĩ, báu chủ binh, cùng nhân dân trong nước tấu các kỹ nhạc, làm lễ tẩn táng thân vua. Rồi báu ngọc nữ, báu cư sĩ, báu chủ binh và sĩ dân trong nước, tắm gội thân thể vua bằng nước thơm, quấn quanh bằng năm trăm tấm lụa kiếp-bối; theo thứ lớp mà quấn. Rồi khiêng thi thể vua đặt vào quan tài bằng vàng, rưới lên dầu thơm, bọc bên ngoài cỗ quách bằng sắt; rồi lại dùng một cỗ quách bằng gỗ bao ngoài bằng lớp vải. Chất các củi thơm, phủ lên nhiều lớp vải. Sau đó thì hỏa táng. Ở ngã tư đường dựng tháp bảy báu, dọc ngang một do-tuần, xen kẽ nhiều màu sắc được tạo thành bởi bảy báu. Ở bốn mặt tháp, mỗi mặt có một cửa, bao quanh bằng lan can được làm bằng bảy báu. Khoảng đất trống chung quanh bốn mặt tháp dọc ngang năm do-tuần. Có bảy lớp tường bao quanh vườn, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây. Tường bằng vàng, cửa bằng bạc; tường bằng bạc, cửa bằng vàng. Tường lưu ly, cửa thủy tinh; tường thủy tinh, cửa lưu ly. Tường xích châu, cửa mã não; tường mã não, cửa xích châu. Tường xa cừ, cửa bằng các loại báu.

“Về lan can, thanh ngang bằng vàng, thanh đứng bằng bạc; thanh ngang bằng bạc, thanh đứng bằng vàng. Thanh ngang thủy tinh, thanh đứng lưu ly; thanh ngang lưu ly, thanh đứng thủy tinh. Thanh ngang xích châu, thanh đứng mã não; thanh ngang mã não, thanh đứng xích châu. Thanh ngang bằng xa cừ, thanh đứng bằng các thứ báu khác.

“Dưới lớp lưới bằng vàng treo linh bằng bạc, dưới lưới bạc treo linh vàng. Dưới lưới lưu ly treo linh thủy tinh, dưới lưới thủy tinh treo linh lưu ly. Dưới lưới xích châu treo linh mã não, dưới lưới mã não treo linh xích châu. Dưới lưới xa cừ treo linh bằng các thứ báu khác.

“Cây bằng vàng thì lá, hoa, trái bằng bạc. Cây bạc thì lá, hoa, trái vàng. Cây lưu ly, hoa lá thủy tinh; cây thủy tinh, hoa lá lưu ly. Cây xích châu, hoa lá mã não; cây mã não, hoa lá xích châu. Cây xa cừ, hoa lá bằng các thứ báu khác.

“Bốn vách tường của vườn lại có bốn cửa, bao quanh bằng lan can. Trên tường đều có lầu các, đài báu. Bốn mặt tường có các vườn cây, suối, hồ tắm, sinh nhiều loại hoa khác nhau; cây cối sầm uất, hoa trái xum xuê, các loại hương thơm sực nức. Nhiều giống chim lạ ca hót điệu buồn. Khi tháp được dựng xong, báu ngọc nữ, báu cư sĩ, báu điển binh và sĩ dân cả nước đều đến cúng dường tháp này. Họ bố thí cho những người nghèo khốn, cần ăn thì cho ăn; cần mặc thì cho mặc. Voi, ngựa, xe cộ, các thứ cần dùng đều được chu cấp, tùy ý mà cho.

“Công đức oai thần của Chuyển luân thánh vương, sự tích là như vậy.”

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 4: ÐỊA NGỤC

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Bên ngoài của bốn châu thiên hạ này, có tám ngàn thiên hạ bao quanh. Lại có biển lớn bao quanh tám ngàn thiên hạ. Kế đó có núi Ðại Kim cang bao bọc biển lớn. Bên ngoài núi Ðại kim cang này lại có núi Ðại kim cang thứ hai. Giữa hai núi này là một cảnh giới mờ mịt, tối tăm; mặt trời, mặt trăng, các vị thần, trời dù có uy lực cũng không thể dùng ánh sáng soi chiếu đến đó được.

“Ở nơi này có tám địa ngục lớn, mỗi địa ngục lớn có mười sáu địa ngục nhỏ. Ðịa ngục lớn thứ nhất gọi là Tưởng. Thứ hai là địa ngục Hắc thằng. Thứ ba là địa ngục Ðôi áp. Thứ tư là địa ngục Khiếu hoán. Thứ năm là địa ngục Ðại khiếu hoán. Thứ sáu là địa ngục Thiêu chích . Thứ bảy là địa ngục Ðại thiêu chích . Thứ tám là địa ngục Vô gián.

“Trong địa ngục Tưởng có mười sáu ngục nhỏ ; mỗi địa ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục nhỏ thứ nhất là Hắc sa, hai là Phất thỉ, ba là Ngũ bách đinh, bốn là Cơ, năm là Khát, sáu là một Ðồng phủ, bảy là Ða đồng phủ, tám là Thạch ma, chín là Nùng huyết, mười là Lượng hỏa, mười một là Hôi hà, mười hai là Thiết hoàn, mười ba là Cân phủ, mười bốn là Sài lang, mười lăm là Kiếm thọ, mười sáu là Hàn băng.

“Vì sao gọi là địa ngục Tưởng? Vì chúng sanh ở trong đó, trên tay của chúng mọc móng sắt; móng này vừa dài vừa bén. Chúng thù hận nhau, luôn có ý tưởng độc hại, dùng móng tay cào cấu lẫn nhau, chạm tay vào chỗ nào là chỗ đó thịt rớt xuống, tưởng là đã chết; có cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sinh ra trở lại, giây lát chúng sống lại, đứng dậy, tự mình có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì sự tưởng này cho nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng này, lúc nào cũng nghĩ đến sự độc hại, phá hại lẫn nhau. Tay họ cầm một loại đao kiếm tự nhiên, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, bằm nát thân thể rớt xuống đất và họ tưởng mình đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, làm cho họ sống lại đứng dậy, tự nghĩ và nói: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta cũng nghĩ là ngươi đã sống lại. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, những chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng đó, lúc nào cũng ôm trong lòng ý tưởng độc hại; chúng quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm tự nhiên, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, thân thể rã rời dưới đất, tưởng là đã chết, nhưng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm lòng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt và tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại dao bóng dầu, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại dao nhỏ, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự mình có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Những chúng sanh ở trong đó, sau khi chịu khổ lâu, ra khỏi địa ngục Tưởng, hoảng hốt chạy càn để tự cứu mình. Nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địa ngục Hắc sa. Bấy giờ, có một cơn gió nóng dữ dội bốc lên, thổi cát đen nóng dính vào thân nó, khiến toàn thân đều đen, giống như đám mây đen. Cát nóng đốt da, hết thịt, vào tận xương. Sau đó, trong thân tội nhân có một ngọn lửa đen bộc phát, đốt cháy quanh thân rồi vào bên trong, chịu các khổ não, bị thiêu nướng, cháy nám. Vì nhân duyên tội, nên chịu khổ báo này. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ khá lâu ở trong đó, nó ra khỏi địa ngục Hắc sa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình. Nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địa ngục Phất thỉ. Trong địa ngục này có những hòn sắt là phân sôi tự nhiên đầy dẫy trước mặt, đuổi bức tội nhân phải ôm hòn sắt nóng, đốt cháy thân và tay, đến đầu và mặt tội nhân; không đâu là không bị đốt cháy; lại khiến cho tội nhân bốc hòn sắt bỏ vào miệng, đốt cháy cả môi, lưỡi, từ yết hầu đến bụng, từ trên đến dưới đều bị cháy tiêu hết. Có một loài trùng mỏ sắt ăn da thịt, tận cả xương tủy, đau đớn nhức nhối, lo sợ vô cùng. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu ở trong địa ngục Phất thỉ, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Thiết đinh. Sau khi đã vào đó, ngục tốt đánh tội nhân cho té xuống, nằm mọp trên sắt nóng, căng thẳng thân thể nó ra, dùng đinh đóng tay, đóng chân, đóng vào tim. Toàn thân bị đóng hết thảy năm trăm cái đinh. Nó đau đớn nhức nhối, kêu la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Thiết đinh, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Cơ. Ngục tốt đến hỏi: Các người đến đây muốn điều gì? Tội nhân đáp: Tôi đói quá. Tức thì ngục tốt bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra, dùng móc câu cạy miệng cho mở ra, rồi lấy hòn sắt nóng bỏ vào trong miệng, đốt cháy môi lưỡi, từ cổ cho đến bụng, chạy tuốt xuống dưới, không chỗ nào không đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Cơ, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Khát. Ngục tốt liền hỏi: Các ngươi đến đây, muốn cầu điều gì? Tội nhân đáp: Tôi khát quá. Ngục tốt liền bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhân ra, lấy nước đồng sôi rót vào trong miệng đốt cháy môi, lưỡi, từ cổ cho đến bụng, suốt từ trên xuống dưới, không chỗ nào không đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Khát, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục một Ðồng phúc. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, nắm chân tội nhân ném vào trong vạc đồng, theo nước sôi sùng sục, trồi lên hụp xuống, từ đáy đến miệng, rồi từ miệng cho đến đáy, hoặc ở giữa vạc, cả thân thể bị nấu nhừ. Cũng như nấu đậu, hạt đậu tùy theo nước sôi, trào lên lộn xuống, các hạt đậu cả trong ngoài đều được nấu nhừ. Tội nhân trồi lên sụp xuống trong vạc dầu sôi cũng như vậy. Kêu gào bi thảm, hàng vạn độc hại cùng đến; nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục một Ðồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, bất ngờ lại rơi vào địa ngục Ða đồng phúc. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, nắm chân tội nhân ném vào trong vạc đồng, theo nước sôi sùng sục, trồi lên hụp xuống, từ đáy đến miệng, rồi từ miệng cho đến đáy, hoặc ở giữa vạc, cả thân thể bị nấu nhừ. Cũng như nấu đậu, hạt đậu tùy theo nước sôi, trào lên lộn xuống, các hạt đậu cả trong ngoài đều được nấu nhừ. Tội nhân trồi lên sụp xuống trong vạc dầu sôi cũng như vậy, tùy theo nước sôi mà trồi lên sụp xuống, từ miệng vạc cho đến đáy vạc, rồi từ đáy cho đến miệng, hoặc tay chân nổi lên, hoặc lưng bụng nổi lên, hoặc đầu mặt nổi lên. Ngục tốt dùng lưỡi câu móc để trong vạc đồng khác. Nó kêu khóc thảm thiết, đau đớn nhức nhối. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Ða đồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Thạch ma. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục tốt thịnh nộ, bắt tội nhân quăng lên tảng đá nóng, căng tay chân ra, dùng đá tảng nóng lớn đè trên thân tội nhân, mài tới mài lui làm cho xương nát vụn, máu mủ chảy ra, đau đớn nhức nhối, khóc la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Thạch ma, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Nùng huyết. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Trong địa ngục này tự nhiên có máu mủ nóng sôi sục trào vọt. Tội nhân ở trong đó chạy Ðông, chạy Tây, bị máu mủ sôi nóng luộc chín toàn thân, đầu, mặt, tay, chân, tất cả đều nát nhừ. Tội nhân còn phải ăn máu mủ nóng, miệng, môi đều bị bỏng, từ cổ cho đến bụng, suốt trên xuống dưới không chỗ nào không nát nhừ, đau đớn nhức nhối, không thể chịu nổi. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Nùng huyết, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Lượng hỏa. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Trong địa ngục này có một đống lửa lớn, tự nhiên xuất hiện trước mặt, lửa cháy hừng hực. Ngục tốt hung dữ, bắt tội nhân tay cầm cái đấu bằng sắt, để đong đống lửa ấy. Khi họ đong lửa, thì lửa đốt cháy tay chân và cả toàn thân, họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Lượng hỏa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Hôi hà. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần, sâu năm trăm do-tuần. Tro sôi sùng sục, độc khí xông lên phừng phực, các dòng xoáy vỗ nhau, âm vang thật đáng sợ, từ đáy lên bên trên có gai sắt dọc ngang với mũi nhọn dài tám tấc. Bên bờ sông lại có một loại dao kiếm dài, có cả ngục tốt, sài lang. Hai bên bờ sông mọc những đao kiếm dài, nhánh, lá, hoa, trái đều là đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, cỡ tám tấc, đứng bên là những ngục tốt, sài lang. Trên bờ sông có rừng mà cây là gươm với cành, lá, hoa, trái đều là đao kiếm, mũi nhọn tám tấc. Tội nhân vào trong sông, tùy theo lượn sóng lên xuống, mà trồi lên hụp xuống. Toàn thân đều bị gai sắt đâm thủng từ trong ra ngoài, da thịt nát bét, máu mủ dầm dề, đau đớn muôn chiều, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Hôi hà, lên được trên bờ, nhưng ở trên bờ lại có nhiều gươm giáo sắc bén đâm thủng toàn thân, tay chân bị thương tổn. Bấy giờ quỷ sứ hỏi tội nhân: Các ngươi đến đây muốn cầu điều chi? Tội nhân đáp: Chúng tôi đói quá. Ngục tốt liền bắt tội nhân quăng lên sắt nóng, căng thân thể ra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhân ra, lấy nước đồng sôi rót vào, cháy bỏng môi, lưỡi, từ cổ đến bụng, suốt trên xuống dưới, không chỗ nào không rục. Lại có loài lang sói răng nanh vừa dài vừa bén đến cắn tội nhân, ăn thịt khi tội nhân đang sống. Rồi thì, tội nhân bị sông tro đun nấu, bị gai nhọn đâm thủng, bị rót nước đồng sôi vào miệng và bị sài lang ăn thịt xong, thì lại leo lên rừng kiếm; khi leo lên rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉa xuống; khi tuột xuống rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉa lên, khi tay nắm thì cụt tay, chân dẫm lên thì cụt chân; mũi nhọn đâm thủng toàn thân từ trong ra ngoài, da thịt rơi xuống, máu mủ đầm đìa, chỉ còn xương trắng, gân cốt liên kết với nhau. Bấy giờ, trên cây kiếm có một loại quạ mỏ sắt đến mổ nát đầu và xương để ăn não của tội nhân. Nó đau đớn nhức nhối kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được, lại bị trở lại địa ngục Hôi hà. Tội nhân này theo lượn sóng lên xuống, mà trồi lên sụp xuống, gươm giáo đâm thủng toàn thân trong ngoài, da thịt tan nát, máu mủ đầm đìa, chỉ còn xương trắng trôi nổi bên ngoài. Bấy giờ, có một cơn gió lạnh thổi đến làm cho da thịt phục hồi, giây lát nó đứng dậy đi, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, tội nhân lại không ngờ sa vào địa ngục Thiết hoàn. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào đây, thì tự nhiên có những hòn sắt nóng hiện ra trước mặt. Ngục quỷ cưỡng bức tội nhân nắm bắt, tay chân rã rời, toàn thân lửa đốt, đau đớn kêu la thảm, muôn vàn khổ độc dồn đến chết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Thiết hoàn, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Cân phủ. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, ngục tốt hung dữ, bắt tội nhân để trên bàn sắt nóng, dùng búa rìu bằng sắt nóng chặt thân thể, tay, chân, cắt tai, xẻo mũi, làm cho đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội chưa hết, nên họ không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Cân phủ, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân không ngờ lại sa vào địa ngục Sài lang. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có bầy lang sói tranh nhau cắn xé tội nhân, làm cho da thịt nhầy nhụa, xương gãy, thịt rơi, máu chảy đầm đìa, làm đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội cũ chưa hết, nên họ không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Sài lang, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Kiếm thọ. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có một cơn gió mãnh liệt, thổi lá cây bằng gươm dao rớt trên thân thể tội nhân, hễ chạm vào tay thì cụt tay, dính vào chân thì cụt chân, thân thể, đầu mặt không đâu là không bị thương hoại. Có một loại quạ mỏ sắt, đứng trên đầu mổ đôi mắt tội nhân, làm cho đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội cũ chưa hết, nên không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Kiếm thọ, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hàn băng. Ðịa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có một cơn gió lạnh buốt, thổi đến làm cho thân thể bị lạnh cóng, máu huyết đông đặc, da thịt nứt nẻ, rớt ra từng mảnh, làm họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Sau đó thì mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ðịa ngục lớn Hắc thằng có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Hắc thằng? Vì ở đó các ngục tốt bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân hình ra rồi dùng sợi dây sắt kéo ra cho thẳng, rồi dùng búa bằng sắt nóng xẻ theo đường sợi dây, xẻ tội nhân kia thành trăm ngàn đoạn. Giống như thợ mộc dùng dây kẻ vào cây rồi dùng búa bén theo đường mực mà bổ ra thành trăm ngàn đoạn, thì cách hành hạ tội nhân ở đây cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế nên gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân hình ra, dùng dây sắt nóng kéo ra cho thẳng, dùng cưa để cưa tội nhân. Giống như người thợ mộc dùng dây mực kẻ trên thân cây, rồi dùng cưa để cưa cây, thì cách hành hạ tội nhân ở đây cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra, dùng dây sắt nóng để trên thân tội nhân, làm cho da thịt bị thiêu đốt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng dùng vô số dây sắt nóng treo ngang, rồi bắt tội nhân đi giữa những sợi dây này, lúc đó lại có cơn gió lốc nổi lên, thổi những sợi dây sắt nóng quấn vào thân, đốt cháy da thịt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở trong địa ngục Hắc thằng buộc tội nhân mặc áo bằng dây sắt nóng, đốt cháy da thịt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Hắc thằng, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng. Sau đó thì tội nhân mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ðịa ngục lớn Ðôi áp có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Ðôi áp? Vì trong ngục đó có núi đá lớn, từng cặp đối nhau. Khi tội nhân vào giữa thì hai hòn núi tự nhiên khép lại, ép thân thể tội nhân, xương thịt nát vụn, xong rồi trở lại vị trí cũ, giống như hai thanh củi cọ vào nhau, khi cọ xong dang ra, thì cách trị tội nhân của địa ngục này cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.

“Lại nữa, ở địa ngục Ðôi áp, có voi sắt lớn, toàn thân bốc lửa, vừa kêu rống, vừa chạy đến dày xéo thân thể tội nhân, dẫm đi dẫm lại, làm cho thân thể bị nghiền nát, máu mủ tuôn chảy, đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.

“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Ðôi áp, bắt tội nhân đặt lên bàn đá mài, rồi lấy đá mài mà mài, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy dầm dề, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.

“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Ðôi áp, bắt tội nhân nằm trên tảng đá lớn, rồi lấy một tảng đá khác đè lên, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy đầm đìa, đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.

“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Ðôi áp, bắt tội nhân nằm trong các cối sắt, rồi dùng chày sắt để giã tội nhân, từ đầu đến chân, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy đầm đìa, đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðôi áp.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Ðôi áp, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thì tội nhân mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ðịa ngục lớn Khiếu hoán có mười sáu địa ngục nhỏ bao quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngục này bắt tội nhân bỏ vào trong vạc lớn, với nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng kêu la gào thét, đau đớn nhức nhối, muôn vàn độc hại. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong vò sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong nồi sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân ném vào trong nồi nhỏ, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏ lên trên cái nồi hầm, hầm đi hầm lại, khiến cho kêu gào, la thét, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân không ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhân mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ðịa ngục Ðại khiếu hoán lớn có mười sáu địa ngục nhỏ bao quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngục này bắt tội nhân bỏ vào trong nồi sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng kêu la gào thét, khóc lóc thảm thiết, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong vò sắt lớn, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhân, khiến họ đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong vạc sắt, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán bắt tội nhân bỏ vào trong nồi nhỏ, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Ðại khiếu hoán, bắt tội nhân ném lên trên chảo lớn, rồi trở qua trở lại tội nhân, khiến kêu la gào thét, kêu la lớn, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại khiếu hoán.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thì tội nhân mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ðịa ngục lớn Thiêu chích, có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh. Vì sao gọi là địa ngục lớn Thiêu chích? Vì các ngục tốt trong địa ngục đó bắt tội nhân vào trong thành sắt. Thành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong nồi hầm lớn, rồi cho nồi này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhân mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ðịa ngục Ðại thiêu chích có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Ðại thiêu chích? Vì các ngục tốt trong địa ngục này, bắt tội nhân vào trong thành sắt, rồi cho thành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vào trong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.

“Lại nữa, ở địa ngục này, thiêu nướng nhiều lần, tự nhiên có hầm lửa lớn, lửa cháy phừng phừng, hai bên bờ hầm có núi lửa lớn. Các ngục tốt ở đây bắt tội nhân ghim vào trên chĩa sắt, rồi dựng đứng trong lửa đỏ, làm cho thân thể bị thiêu nướng, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Ðại thiêu chích.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhân mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ðịa ngục lớn Vô gián, có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục lớn Vô gián? Vì các ngục tốt trong địa ngục này, bắt tội nhân lột da từ đầu đến chân, rồi dùng da ấy cột thân tội nhân vào bánh xe lửa, rồi cho xe lửa chạy đi chạy lại trên nền sắt nóng, làm cho thân thể nát tan, da thịt rời ra từng mảnh, khiến đau đớn vô cùng kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, ở địa ngục này, có thành sắt lớn, bốn mặt thành lửa cháy dữ dội, ngọn lửa từ Ðông lan sang Tây, ngọn lửa từ Tây lan sang Ðông, ngọn lửa từ Nam lan đến Bắc, ngọn lửa từ Bắc lan đến Nam, ngọn lửa từ trên lan xuống dưới, ngọn lửa từ dưới lan lên trên, lửa cháy vòng quanh, không có một chỗ nào trống. Tội nhân ở trong đây cứ chạy Ðông chạy Tây, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt cháy nám, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, ở địa ngục Vô gián này có thành bằng sắt, lửa cháy hừng hực, tội nhân bị lửa đốt thân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, tội nhân ở địa ngục Vô gián này, sau thời gian chịu khổ lâu, thì cửa mở và tội nhân liền chạy về hướng cửa mở, trong khi chạy thì các bộ phận của thân đều bốc lửa, cũng như chàng lực sĩ tay cầm bó đuốc lớn bằng cỏ, chạy ngược gió, lửa ấy cháy phừng phực, thì khi tội nhân chạy lửa cũng bộc phát như vậy. Khi chạy đến gần cửa, thì tự nhiên cửa khép lại. Tội nhân bò càng, nằm phục trên nền sắt nóng, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, như muôn thứ độc cùng kéo đến một lúc. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, tội nhân ở địa ngục Vô gián này, những gì mà mắt thấy, chỉ thấy toàn là màu ác; những gì tai nghe, toàn là âm thanh ác; những gì mũi ngửi, toàn là mùi thối ác; những gì thân xúc chạm, toàn là những sự đau đớn; những gì ý nhớ, chỉ nghĩ điều ác. Lại nữa, tội nhân ở nơi đây, trong khoảnh khắc búng tay, không có một giây phút nào là không khổ. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng lạnh và sau đó thì tội nhân mạng chung.”

Bấy giờ Ðức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Thân làm nghiệp bất thiện,
Miệng, ý cũng bất thiẹn,
Ðều vào địa ngục Tưởng,
Sợ hãi, lông dựng đứng.
Ý ác đối cha mẹ,
Phật và hàng Thanh văn,
Thì vào ngục Hắc thằng,
Khổ đau không thể tả.
Chỉ tạo ba nghiệp ác,
Không tu ba hạnh lành,
Thì vào ngục Ðôi áp,
Khổ đau nào tả được.
Ôm lòng sân độc hại,
Sát sanh máu nhơ tay,
Tạo linh tinh hạnh ác,
Vào địa ngục Khiếu hoán.
Thường tạo những tà kiến,
Bị lưới ái phủ kín;
Tạo hạnh thấp hèn này,
Vào ngục Ðại khiếu hoán.
Thường làm việc thiêu nướng,
Thiêu nướng các chúng sanh;
Sẽ vào ngục Thiêu chích,
Bị thiêu nướng luôn luôn.
Từ bỏ nghiệp thiện quả,
Quả thiện, đạo thanh tịnh;
Làm các hạnh tệ ác,
Vào ngục Ðại thiêu chích.
Tạo tác tội cực nặng,
Tất sinh nghiệp đường ác;
Vào địa ngục Vô gián,
Chịu tội không thể tả.
Ngục Tưởng và Hắc thằng,
Ðôi áp, hai Khiếu hoán;
Thiêu chích, Ðại thiêu chích,
Vô gián là thứ tám.
Tám địa ngục lớn này,
Hoàn toàn rực màu lửa;
Tai họa do ác xưa,
Có mười sáu ngục nhỏ.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Giữa hai ngọn núi Ðại kim cương kia có cơn gió lớn trỗi lên, tên là Tăng-khư. Nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châu thiên hạ và tám mươi ngàn thiên hạ khác, thì gió sẽ thổi đại địa này và các danh sơn cùng chúa Tu-di bay khỏi mặt đất từ mười dặm cho đến trăm dặm, tung lên bay liệng giữa trời; tất cả thảy đều vỡ vụn. Giống như tráng sĩ tay nắm một nắm trấu nhẹ tung lên giữa hư không. Dưới ngọn gió lớn kia, giả sử thổi vào thiên hạ này, cũng giống như vậy. Vì có hai ngọn núi Ðại kim cương ngăn chận ngọn gió ấy, nên gió không đến được. Này Tỳ-kheo, nên biết, hai ngọn núi Ðại kim cương này có rất nhiều lợi ích và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên.

“Lại nữa, gió ở khoảng giữa hai núi này nóng hừng hực; nếu như gió này thổi đến bốn châu thiên hạ, thì những chúng sanh trong đó và những núi non, biển cả, sông ngòi, cây cối, rừng rậm đều sẽ bị cháy khô. Cũng như giữa cơn nắng mùa hè, cắt một nắm cỏ non để ngay dưới mặt trời, cỏ liền khô héo, thì ngọn gió kia cũng như vậy; nếu ngọn gió đó thổi đến thế giới này, thì sức nóng đó sẽ tiêu rụi tất cả. Vì có hai ngọn núi Kim cương này ngăn chận được ngọn gió đó, nên không thể đến đây được. Các Tỳ-kheo, nên biết, ngọn núi Kim cương này có rất nhiều lợi ích và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên vậy.

“Lại nữa, gió giữa hai núi này hôi thối, bất tịnh, tanh tưởi nồng nặc; nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châu thiên hạ này, thì sẽ xông lên làm cho chúng sanh bị mù lòa. Nhưng vì có hai núi Ðại kim cương này ngăn chận nên ngọn gió ấy không thể đến được. Tỳ-kheo, nên biết, núi Kim cương này có rất nhiều lợi ích và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên vậy.

“Lại nữa, giữa hai núi này lại có mười địa ngục: một là Hậu vân, hai là Vô vân, ba là Ha ha, bốn là Nại hà, năm là Dương minh, sáu là Tu-càn-đề, bảy là Ưu-bát-la, tám là Câu-vật-đầu, chín là Phân-đà-lỵ, mười là Bát-đầu-ma. Vì sao gọi là địa ngục Hậu vân? Vì tội nhân trong ngục này tự nhiên sinh ra thân thể như đám mây dày, cho nên gọi là Hậu vân. Vì sao gọi là Vô vân? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, tự nhiên thân thể sinh ra như một cục thịt nên gọi là Vô vân. Vì sao gọi là Ha ha? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thì thân thể đau đớn, rồi rên la ối ối!, nên gọi là Ha ha. Vì sao gọi là Nại hà? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thân thể đau khổ vô cùng, không có nơi nương tựa, nên thốt lên Sao bây giờ!, nên gọi là Nại hà! Vì sao gọi là Dương minh? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thân thể, đau đớn vô cùng, muốn thốt lên lời nhưng lưỡi không cử động được, chỉ giống như dê kêu, nên gọi là Dương minh. Vì sao gọi là Tu-càn-đề? Vì trong ngục này chỉ toàn là màu đen, cũng như màu hoa Tu-càn-đề, nên gọi là Tu-càn-đề. Vì sao gọi là Ưu-bát-la? Vì trong ngục này chỉ toàn là màu xanh, như màu hoa Ưu-bát-la, nên gọi là Ưu-bát-la. Vì sao gọi là Câu-vật-đầu? Vì trong ngục này toàn là màu hồng, như màu hoa Câu-vật-đầu, nên gọi là Câu-vật-đầu. Vì sao gọi là Phân-đà-lỵ? Vì trong ngục này toàn là màu trắng, như màu hoa Phân-đà-lỵ, nên gọi là Phân-đà-lỵ. Vì sao gọi là Bát-đầu-ma? Vì trong ngục này toàn là màu đỏ, cũng như màu hoa Bát-đầu-ma, nên gọi là Bát-đầu-ma.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thí dụ như có một cái thùng có sáu mươi bốn hộc, mỗi hộc đựng đầy hạt mè và có một người cứ một trăm năm lấy đi một hột, như vậy cho đến hết. Thời gian này vẫn chưa bằng thời gian chịu tội trong địa ngục Hậu vân. Chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Hậu vân bằng một tuổi ở địa ngục Vô vân; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Vô vân bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Ha ha; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ha ha, bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Nại hà; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Nại hà, bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Dương minh; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Dương minh bằng một tuổi ở ngục Tu-càn-đề; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Tu-càn-đề, bằng một tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la, bằng một tuổi ở địa ngục Câu-vật-đầu; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Câu-vật-đầu, bằng một tuổi ở địa ngục Phân-đà-lỵ; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Phân-đà-lỵ, bằng môt tuổi ở địa ngục Bát-đầu-ma; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Bát-đầu-ma, thì gọi là một trung kiếp; hai mươi trung kiếp thì gọi là một đại kiếp.

“Trong địa ngục Bát-đầu-ma lửa cháy hừng hực, dù tội nhân còn cách ngọn lửa khoảng trăm do-tuần cũng đã bị lửa thiêu nướng; nếu cách tội nhân sáu mươi do-tuần, thì hai tai bị điếc, không còn nghe gì cả; nếu cách năm mươi do-tuần, thì đôi mắt bị mù lòa, không còn thấy gì cả. Tỳ-kheo Cù-ba-lê dùng tâm độc ác, hủy báng Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, nên sau khi mạng chung phải đọa vào địa ngục Bát-đầu-ma này.”

Bấy giờ, vị Phạm vương liền nói bài kệ:

Phàm con người ở đời,
Búa rìu từ cửa miệng;
Sở dĩ giết chết mình,
Là do lời nói độc.
Người đáng chê thì khen,
Người đáng khen thì chê;
Miệng làm theo nghiệp ác.
Thân phải chịu tội ấy.
Mánh lới cướp của cải,
Tội ấy cũng còn nhẹ;
Nếu hủy báng Thánh hiền,
Thì tội ấy rất nặng.
Vô vân, tuổi trăm ngàn,
Hậu vân, tuổi bốn mốt;
Hủy Thánh mắc tội này,
Do tâm, miệng làm ác.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Vị Phạm thiên đã nói bài kệ như vậy, đó là lời nói chân chánh, được Ðức Phật ấn khả. Vì sao? Vì nay Ta là Ðấng Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, cũng nói ý nghĩa như vậy:

Phàm con người ở đời,
Búa rìu từ cửa miệng;
Sở dĩ giết chết mình,
Là do lời nói độc.
Người đáng chê thì khen,
Người đáng khen thì chê;
Miệng làm theo nghiệp ác.
Thân phải chịu tội ấy.
Mánh lới cướp của cải,
Tội ấy cũng còn nhẹ;
Nếu hủy báng Thánh hiền,
Thì tội ấy rất nặng.
Vô vân, tuổi trăm ngàn,
Hậu vân, tuổi bốn mốt;
Hủy Thánh mắc tội này,
Do tâm, miệng làm ác”.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Về phía nNam cõi Diêm-phù-đề, trong núi Ðại kim cương có cung điện của vua Diêm-la, chỗ vua cai trị ngang dọc sáu ngàn do-tuần. Thành này có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây và vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Tại chỗ vua Diêm-la cai trị, ngày đêm ba thời đều có vạc đồng lớn, tự nhiên xuất hiện trước mặt. Nếu vạc đồng đã xuất hiện ở trong cung thì nhà vua cảm thấy sợ hãi, liền bỏ ra ngoài cung; nếu vạc đồng xuất hiện ngoài cung thì vua cảm thấy sợ hãi, liền bỏ vào trong cung. Có ngục tốt to lớn bắt vua Diêm-la nằm trên bàn sắt nóng, dùng móc sắt cạy miệng cho mở ra rồi rót nước đồng sôi vào, làm cháy bỏng môi, lưỡi từ cổ đến bụng, thông suốt xuống dưới, không chỗ nào không chín nhừ. Sau khi chịu tội xong, nhà vua cùng thể nữ vui đùa. Các vị đại thần ở đây lại cũng cùng hưởng phúc báo như vậy.”

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba vị sứ giả. Những gì là ba? Một là già, hai là bệnh, ba là chết. Nếu có chúng sanh nào thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục. Lúc này, ngục tốt dẫn tội nhân đến chỗ vua Diêm-la. Ðến nơi rồi, thưa rằng: Ðây là người Thiên sứ cho đòi. Vậy xin Ðại vương hỏi cung hắn. Vua Diêm-la hỏi người bị tội: Ngươi không thấy sứ giả thứ nhất sao? Người bị tội đáp: Tôi không thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, có thấy người nào già nua, đầu bạc, răng rụng, mắt lờ, da thịt nhăn nheo, lưng còm chống gậy, rên rỉ mà đi, hay thân thể run rẩy, vì khí lực hao mòn; ngươi có thấy người này không? Người bị tội đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao ngươi không tự nghĩ rằng mình cũng sẽ như vậy? Người kia đáp: Vì lúc đó tôi buông lung, không tự hay biết được. Vua Diêm-la nói: Ngươi buông lung không tu tập thân, miệng và ý, bỏ ác mà làm lành. Nay Ta sẽ cho ngươi biết cái khổ của sự buông lung. Vua lại nói tiếp: Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả; cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.

“Bấy giờ, vua Diêm-la cho hỏi tội nhân về vị Thiên sứ thứ nhất xong, lại hỏi về Thiên sứ thứ hai: Thế nào, nhà ngươi có thấy vị Thiên sứ thứ hai không? Ðáp rằng: Không thấy. Vua lại hỏi: Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, ngươi có thấy kẻ bị bệnh tật, khốn đốn, nằm lăn lóc trên giường, thân thể lăn lộn trên phẩn dãi hôi thối, không thể đứng dậy được; cần phải có người đút cơm cho; đau nhức từng lóng xương, nước mắt chảy, rên rỉ, không thể nói năng được; ngươi có thấy người như thế chăng? Tội nhân đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị tai hoạn như vậy? Tội nhân đáp: Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được. Vua Diêm-la nói tiếp: Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không bỏ việc ác mà làm điều lành. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung. Vua lại nói: Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.

“Khi vua Diêm-la hỏi người bị tội về Thiên sứ thứ hai xong, bấy giờ lại hỏi về Thiên sứ thứ ba: Thế nào, nhà ngươi không thấy vị Thiên sứ thứ ba chứ? Ðáp: Không thấy. Vua Diêm-la hỏi tiếp: Khi còn làm người, ngươi có thấy người chết, thân hư hoại, mạng chung, các giác quan đều bị diệt hẳn, thân thể ngay đơ cũng như cây khô, vứt bỏ ngoài gò mả để cho cầm thú ăn thịt, hoặc để trong quan tài, hoặc dùng lửa thiêu đốt chăng? Tội nhân đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị chết như người đó không khác gì? Người bị tội đáp: Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được. Vua Diêm-la nói tiếp: Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không cải đổi việc ác mà thực hành điều thiện. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung. Vua lại nói: Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội. Bấy giờ, vua Diêm-la hỏi về Thiên sứ thứ ba xong, bèn giao lại cho ngục tốt. Khi đó ngục tốt liền dẫn đến địa ngục lớn. Ðịa ngục lớn này ngang dọc một trăm do-tuần, sâu một trăm do-tuần.”

Bấy giờ Ðức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Bốn hướng có bốn cửa,
Ngõ ngách đều như nhau;
Dùng sắt làm tường ngục,
Trên che võng lưới sắt;
Dùng sắt làm nền ngục,
Tự nhiên lửa bốc cháy;
Ngang dọc trăm do-tuần,
Ðứng yên không lay động.
Lửa đen phừng phực cháy,
Dữ dội khó mà nhìn;
Có mười sáu ngục nhỏ,
Lửa cháy do ác hạnh.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Khi ấy vua Diêm-la tự nghĩ: Cchúng sanh ở thế gian, vì mê lầm không ý thức, nên thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Do đó sau khi lâm chung, ít có ai không chịu khổ này. Nếu như những chúng sanh ở thế gian, sửa đổi điều ác, sửa thân, miệng, ý để thực hành theo điều lành, thì sau khi lâm chung sẽ được an vui như hàng chư Thiên vậy. Sau khi ta lâm chung được sinh vào trong cõi người, nếu gặp được Ðức Như Lai, thì sẽ ở trong Chánh pháp, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, đem lòng tin trong sạch để tu hành Phạm hạnh thanh tịnh. Những điều cần làm đã làm xong, đã đoạn trừ sanh tử, tự mình tác chứng ngay trong hiện tại, không còn tái sinh.”

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn đọc bài kệ:

Tuy là thấy Thiên sứ,
Nhưng vẫn còn buông lung;
Người ấy thường âu lo,
Sanh vào nơi ti tiện.
Nếu người có trí tuệ,
Khi gặp thấy Thiên sứ,
Gần gũi pháp Hiền thánh,
Mà không còn buông lung.
Thấy thụ sinh mà sợ,
Do sanh, già, bệnh, chết.
Không thụ sinh, giải thoát,
Hết sanh, già, bệnh, chết.
Người đó được an ổn.
Hiện tại chứng vô vi,
Ðã vượt qua lo sợ,
Chắc chắn nhập Niết-bàn.

[right]CÒN TIẾP[/right]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 5: LONG ÐIỂU

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại rồng. Những gì là bốn? Một, sanh ra từ trứng; hai, sanh ra từ bào thai; ba, sanh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sanh ra từ hóa sinh. Ðó là bốn loại rồng.

“Có bốn loại Kim sí điểu. Những gì là bốn? Một, sinh ra từ trứng; hai, sinh ra từ bào thai; ba, sinh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sinh ra từ hóa sinh. Ðó là bốn loại Kim sí điểu.

“Ở dưới đáy nước đại dương có cung điện của vua rồng Ta-kiệt, ngang dọc là tám vạn do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Giữa hai ngọn núi chúa Tu-di cùng núi Khư-đà-la có hai cung điện của vua rồng Nan-đà và Bạt-nan-đà. Mỗi cung điện ngang dọc sáu mươi do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Bắc bờ đại dương có một cây lớn tên là Cứu-la-thiểm-ma-la. Loại cây này cả vua rồng và Kim sí điểu cũng có, gốc cây to bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, tàn cây phủ chung quanh năm mươi do-tuần. Phía Ðông của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ trứng và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ trứng. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần, tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Nam của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ thai và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ thai. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Tây của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp. Mỗi cung điện ngang dọc sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Bắc của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ hóa sinh và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ hóa sinh. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu ngàn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ trứng, nếu muốn bắt loài rồng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông của cây Cứu-la-thiểm-ma-la bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng được sinh ra từ thai, từ nơi ẩm thấp, từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ thai, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ thai muốn ăn loài rồng sinh ra từ thai, thì từ nhánh phía Nam của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ ẩm thấp, từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp muốn ăn loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng cũng sinh ra từ nơi ẩm thấp để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Ðông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa muốn ăn loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp để ăn. Khi nào Kim sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn ăn loài rồng sinh ra từ biến hóa, thì từ nhánh phía Bắc cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng một ngàn sáu trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sanh ra từ biến hóa để ăn một cách tùy ý tự tại. Ðó là loài rồng bị loài Kim sí điểu ăn thịt.

“Tuy nhiên có những loại rồng lớn mà loài Kim sí điểu không thể ăn thịt được. Ðó là: Vua rồng Ta-kiệt-la, Nan-đà, Bạt-nan-đà, Y-na-bà-la, Ðề-đầu-lại-tra, Thiện-kiến, A-lô, Ca-câu-la, Ca-tỳ-la, A-ba-la, A-nậu-đạt, Thiện-trú, Ưu-diệm-ca-bà-đầu, Ðắc-xoa-ca. Ðó là các loài vua rồng lớn không bị loài Kim sí điểu bắt ăn thịt.”

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có chúng sanh nào thọ trì giới rồng, tâm ý nghĩ đến loài rồng, đầy đủ pháp của rồng, thì sẽ sinh về trong loài rồng. Nếu có chúng sanh nào trì giới Kim sí điểu, tâm ý nghĩ đến loài Kim sí điểu, đầy đủ pháp của Kim sí điểu, thì sẽ sinh về trong loài Kim sí điểu. Hoặc có chúng sanh trì giới của thỏ, tâm ý nghĩ về loài thỏ, cắt ; đầy đủ pháp của thỏ, thì sẽ sinh vào loài thỏ, cắt. Hoặc có chúng sanh trì giới của chó, hoặc trì giới của trâu, hoặc trì giới của nai, hoặc trì giới câm, hoặc trì giới Ma-ni-bà-đà , hoặc trì giới lửa, hoặc trì giới mặt trăng, hoặc trì giới mặt trời, hoặc trì giới nước, hoặc trì giới cúng dường lửa, hoặc trì pháp khổ hạnh ô uế. Những người ấy nghĩ rằng: Ta trì pháp câm này, pháp Ma-ni-bà-đà, pháp lửa, pháp mặt trăng, mặt trời, pháp nước, pháp cúng dường lửa, các pháp khổ hạnh; ta trì công đức này là để sinh lên cõi Trời. Ðây là những thứ tà kiến.”

Phật dạy:

“Ta nói những người tà kiến này chắc chắn sẽ đi vào hai nơi: Hoặc sinh vào địa ngục, hay sinh vào hàng súc sanh. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những quan điểm như vầy: Ngã và thế gian là thường còn, đây là thật, ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian là vô thường, đây là thật, ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian vừa thường vừa là vô thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối; Ngã và thế gian là hữu biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian là vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian vừa hữu biên vừa vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Ngã và thế gian chẳng phải hữu biên cũng chẳng phải vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối; Thân tức mạng, đây là thật ngoài ra đều hư dối hoặc Thân khác mạng khác, đây là thật ngoài ra đều hư dối, hoặc Chẳng phải có mạng chẳng phải không mạng, đây là chắc thật ngoài ra đều là hư dối; hoặc Không mạng không thân, đây là thật ngoài ra đều là hư dối.

“Hoặc có người nói: Có cái chết của đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều là hư dối. Có người nói: Không có cái chết của đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều là hư dối. Hoặc có người nói: Vừa có cái chết đời khác như vậy và không có cái chết đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều hư dối. Lại có người nói: Chẳng phải có chẳng phải không cái chết đời khác như vậy, đây là thật ngoài ra đều hư dối.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những kiến giải như vầy: Thế gian là thường, đây là lời nói chắc thật ngoài ra đều hư dối, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về thân, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là thường. Những ai chủ trương là vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là vô thường. Những ai chủ trương là vừa thường vừa vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Thế gian vừa thường vừa vô thường. Những ai chủ trương rằng chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, có kiến chấp về mạng, có kiến chấp về thân, có kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường.

“Những ai chủ trương thế gian là hữu biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng là hữu biên; thân là hữu biên; thế gian là hữu biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, thì những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập vào thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã là có biên. Những người chủ trương ngã và thế gian là vô biên, những người này hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng là vô biên, thân là vô biên, thế gian là vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã và thế gian là vô biên. Những ai chủ trương thế gian này vừa hữu biên vừa vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng vừa hữu biên vừa vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã vừa hữu biên vừa vô biên. Những ai chủ trương ngã và thế gian là không phải hữu biên không phải vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: Mạng và thân chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: Ngã chẳng phải hữu biên chẳng phải là vô biên.

“Những người chủ trương mạng tức là thân, thì đối với thân này có kiến chấp về mạng; đối với thân khác, có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Mạng tức là thân. Những người chủ trương mạng khác với thân, thì đối với thân này có kiến chấp về mạng, đối với thân khác không có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Mạng khác với thân. Những ai chủ trương mạng chẳng phải có, chẳng phải không, thì đối với thân này không có kiến chấp về mạng, đối với thân khác lại có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Chẳng phải có, chẳng phải không. Những ai chủ trương không có thân, mạng, thì đối với thân này họ không có kiến chấp về mạng, cho nên nói rằng: Không có mạng, không có thân.

“Có người bảo: Có cái chết của đời khác như vậy, vì thấy hiện tại có thân mạng và đời sau cũng có thân mạng du hành, cho nên họ bảo rằng: Có cái chết đời khác như vậy. Có người bảo: Không có cái chết của đời khác như vậy, vì người này bảo đời hiện tại có mạng, nhưng đời sau không có mạng, cho nên nói rằng: Không có cái chết của đời khác như vậy. Có người bảo: Vừa có cái chết của đời khác như vậy, vừa không có cái chết của đời khác như vậy, vì người ấy bảo đời hiện tại mạng bị đoạn diệt, đời sau mạng du hành, cho nên nói rằng: Vừa có mạng của đời khác như vậy, không có mạng của đời khác như vậy. Có người bảo: Chẳng phải có, chẳng phải không cái chết của đời khác như vậy, vì người ấy bảo thân, mạng hiện tại bị đoạn diệt; thân, mạng đời sau bị đoạn diệt, cho nên bảo rằng: Chẳng phải có, chẳng phải không cái chết của đời khác như vậy.”

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lâu xa về thời quá khứ có vị vua tên là Kính Diện. Một hôm nhà vua tập họp những người mù lại một chỗ và hỏi: Này những người mù từ khi mới sinh, các ngươi có biết con voi không? Họ đáp: Tâu đại vương, chúng tôi không biết! Nhà vua lại hỏi: Các ngươi có muốn biết hình loại con voi ra sao không? Họ đáp: Muốn biết. Bấy giờ nhà vua ra lệnh cho người hầu dắt con voi đến và bảo những người mù này dùng tay của mình sờ thử. Trong đó có người sờ trúng vòi voi, thì vua nói rằng đấy là con voi; có người sờ trúng ngà voi, có người sờ trúng tai voi, có người sờ trúng đầu voi, có người sờ trúng lưng voi, có người sờ trúng bụng voi, có người sờ trúng bắp đùi voi, có người sờ trúng chân voi, có người sờ trúng bàn chân voi, có người sờ trúng đuôi voi, thì vua cứ theo chỗ sờ được của họ mà bảo: Ðó là con voi.

“Rồi vua Kính Diện liền ra lệnh dắt voi lui và hỏi những người mù: Voi giống như cái gì? Trong những người mù này, người sờ trúng vòi thì bảo voi giống như cái càng xe bị cong; người sờ trúng ngà thì bảo voi giống như cái chày; người sờ trúng tai thì bảo voi giống như cái nia; người sờ trúng đầu thì bảo voi giống như cái vạc; người sờ trúng lưng thì bảo voi giống như gò đất; người sờ trúng bụng thì bảo voi giống như bức tường; người sờ trúng bắp đùi thì bảo voi giống như gốc cây; người sờ trúng cái chân thì bảo voi giống như trụ cột; người sờ trúng bàn chân thì bảo voi giống như cái cối; người sờ trúng đuôi thì bảo voi giống như cây chổi. Họ tranh cãi nhau về việc đúng sai, người này bảo như vậy, người kia bảo không phải như vậy, vân vân và vân vân không dứt, đưa đến việc đấu tranh nhau. Lúc ấy nhà vua thấy vậy, hoan hỷ cười to. Rồi thì, vua Kính Diện nói bài tụng:

Những người mù tụ tập,
Tranh cãi tại nơi này,
Thân voi vốn một thể,
Tưởng khác sinh thị phi”.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các dị học ngoại đạo lại cũng như vậy; không biết Khổ đế, không biết Tập đế, Tận đế và Ðạo đế, sinh ra những kiến giải khác nhau, tranh chấp thị phi với nhau, họ tự cho mình là đúng, nên đưa đến mọi việc tranh tụng. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể biết như thật về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu thánh đế, những vị ấỵ sẽ tự tư duy và khéo cùng nhau hòa hợp, cùng một lãnh thọ, cùng một Thầy học, như nước với sữa, thì pháp Phật mới rực rỡ, sống an lạc lâu dài.”

Bấy giờ Ðức Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu người không biết khổ,
Không biết chỗ khổ sinh;
Lại cũng không biết khổ,
Sẽ diệt tận ở đâu;
Lại cũng không thể biết,
Con đường diệt khổ tập;
Thì mất tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng mất;
Không thể biết gốc khổ,
Nguồn sanh, già, bệnh, chết.
Nếu biết thật về khổ,
Biết nhân sinh ra khổ;
Cũng biết rõ khổ kia,
Sẽ diệt tận nơi nào;
Lại hay khéo phân biệt,
Con đường diệt khổ tập;
Thì được tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng vậy.
Người này chấm dứt được,
Cội gốc của khổ ấm;
Hết sanh, già, bệnh, chết,
Nguồn gốc của thọ, hữu.”

Này các Tỳ-kheo, cho nên các Thầy nên siêng cầu phương tiện tư duy về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ xuất yếu thánh đế.

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 6: A-TU-LUÂN

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Trong đáy nước biển lớn ở phía Bắc của núi Tu-di, có một thành của La-ha A-tu-luân, bề ngang rộng khoảng tám vạn do-tuần, thành của nó có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang điểm chung quanh đều bằng bảy thứ báu tạo thành. Chiều cao của thành là ba ngàn do-tuần, rộng hai ngàn do-tuần. Cửa thành của nó cao một ngàn do-tuần, rộng cũng một ngàn do-tuần. Thành vàng thì cửa bạc, thành bạc thì cửa vàng,. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít cũng lại như trên. Tiểu thành, chỗ ngự trị của vị vua A-tu-luân này ở ngay trong thành lớn có tên là Luân-thâu-ma-bạt-tra , dọc ngang sáu vạn do-tuần. Thành của nó gồm bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang điểm chung quang bằng bảy thứ báu tạo thành. Thành cao ba ngàn do-tuần, rộng hai ngàn do-tuần. Cửa thành của nó cao hai ngàn do-tuần, rộng một ngàn do-tuần. Thành vàng thì cửa bạc, cửa bạc thì thành vàng,. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít cũng lại như trên.

“Ở trong thành này, xây dựng riêng nhà hội nghị có tên là Thất-thi-lợi-sa, bảy lớp tường hào, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang điểm chung quanh bằng bảy thứ báu tạo thành. Nền nhà hội nghị hoàn toàn dùng bằng xa cừ; cột nhà, sà nhà hoàn toàn đều dùng bảy báu. Chu vi những trụ cột ở chính giữa một ngàn do-tuần, cao một vạn do-tuần. Ở dưới những trụ cột này có tòa Chánh pháp, dọc ngang bảy trăm do-tuần, đều dùng bảy báu chạm trổ mà thành. Nhà này có bốn cửa, được bao quanh bằng bảy lớp đình thềm lan can, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu,. cho đến, các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng lại như đã kể.

“Ở phía Bắc nhà hội nghị này có cung điện A-tu-luân, dọc ngang một vạn do-tuần. Cung điện có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu, cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng như đã kể.

“Phía Ðông nhà hội nghị này có một khu rừng vườn tên là Sa-la, dọc ngang một vạn do-tuần. Vườn có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu,. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng lại như đã kể.

“Phía Nam nhà hội nghị này có một khu vườn rừng tên là Cực diệu, dọc ngang một vạn do-tuần như vườn Sa-la.

“Phía Tây nhà hội nghị có một khu vườn rừng tên là Thiểm-ma, dọc ngang một vạn do-tuần cũng như vườn rừng Ta la.

“Phía Bắc nhà hội nghị này có một khu vườn rừng, tên là Nhạc lâm, bề ngang một vạn do-tuần cũng như vườn rừng Sa-la.

“Giữa hai khu vườn Sa-la và Cực diệu có cây Trú độ, thấp là bảy do-tuần, cao thì một trăm do-tuần, cành lá vươn ra bốn phía cỡ năm mươi do-tuần, cây có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu,. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng lại như đã kể. Lại nữa, giữa hai khu vườn Thiểm-ma và Nhạc lâm này có ao Bạt-nan-đà, nước của nó trong mát, không có cáu bẩn, hào báu bảy lớp, chung quanh cạnh thềm là bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Ở trong ao này sinh ra bốn loài hoa, lá hoa bề ngang rộng một do-tuần, hương thơm bay phảng phất cũng một do-tuần; rễ như ổ trục xe, nhựa của nó lưu xuất ra có màu trắng như sữa, vị ngọt như mật và vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo. Hơn nữa, bên cạnh ao này có bảy lớp đình thềm, bảy lớp tường cửa, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cung điện thần hạ của vua A-tu-luân, dọc ngang một vạn do-tuần, rồi chín ngàn, tám ngàn và cho đến cung điện nhỏ nhất là một ngàn do-tuần. Cung điện có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cung điện của Tiểu A-tu-luân, dọc ngang một ngàn do-tuần, rồi chín trăm, tám trăm và cho đến cung điện cực nhỏ là một trăm do-tuần. Cung điện có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc nhà hội nghị có bảy đường cấp báu dẫn vào trong cung điện; lại có đường cấp dẫn đến vườn Sa-la; có đường cấp dẫn đến vườn Cực diệu; có đường dẫn đến vườn Thiểm-ma; có đường cấp dẫn đến vườn Nhạc lâm; có đường cấp dẫn đến cây Trú độ; có đường cấp dẫn đến ao Bạt-nan-đà; có đường cấp dẫn đến cung điện đại thần; có đường cấp dẫn đến cung điện của Tiểu A-tu-luân.

“Nếu khi nào vua A-tu-luân muốn đến vườn Sa-la để ngoạn cảnh, chỉ cần nghĩ đến vua Tỳ-ma-chất-đa A-tu-luân, thì vua Tỳ-ma-chất-đa A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: vua La-ha A-tu-luân đang nghĩ đến ta. Liền tự sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng vô số người hầu kẻ hạ vây quanh theo sau, đến trước vua La-ha A-tu-luân, đứng một bên.

“Lại khi vua A-tu-luân lại nghĩ đến vua Ba-la-ha A-tu-luân, thì vua Ba-la-ha A-tu-luân nghĩ rằng: Nay vua đang nghĩ đến ta. Liền tự sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số kẻ hầu người hạ vây quanh theo sau đến đứng một bên trước vua La-ha.

“Khi vua A-tu-luân lại nghĩ đến vua Thiểm-ma A-tu-luân, thì vua Thiểm-ma A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: Hiện nay vua đang nghĩ đến ta. Liền tự sửa soạn trang bị đóng ngựa vào xe báu, cùng vô số kẻ hầu người hạ vây quanh theo sau, đến đứng một bên trước vua La-ha.

“Khi vua lại nghĩ đến đại thần của vua A-tu-luân, thì đại thần của A-tu-luân lại nghĩ rằng: Nay vua đang nghĩ đến ta. Liền tự sửa soạn trang bị đóng ngựa vào xe báu, cùng vô số kẻ hầu người hạ vây quanh theo sau, đến đứng một bên trước vua La-ha. Lúc này, vua lại nghĩ đến Tiểu A-tu-luân, thì Tiểu A-tu-luân lại nghĩ rằng: Nay vua đang nghĩ đến ta. Liền tự sửa soạn trang bị cùng mọi người đến đứng một bên trước vua La-ha.

“Lúc này, vua La-ha mình mặc áo báu, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số mọi người vây quanh trước sau đến trong rừng Sa-la, thì tự nhiên có gió thổi cửa tự mở, tự nhiên gió thổi đất sạch, tự nhiên gió thổi hoa rụng xuống đất, ngập đến đầu gối. Sau khi vua La-ha vào vườn này rồi, thì cùng nhau vui đùa từ một ngày, hai ngày,. cho đến bảy ngày. Sau khi vua đùa xong, liền trở về lại cung điện mình. Sau đó việc ngoạn cảnh đối với vườn Cực diệu, vườn Thiểm-ma, vườn Nhạc lâm, thì cũng lại như vậy. Lúc này, vua La-ha luôn luôn có năm Ðại A-tu-luân hầu cận và bảo vệ hai bên: một tên là Ðề Trì, hai tên là Hùng Lực, ba tên là Võ Di, bốn tên là Ðầu Thủ, năm tên là Tồi Phục. Năm Ðại A-tu-luân này luôn luôn hầu cận bảo vệ hai bên. Cung điện của vua La-ha này ở dưới nước biển lớn. Nước biển ở trên được duy trì bởi bốn thứ gió: một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố ; chúng giữ cho nước biển lớn, treo ngược giữa hư không, giống như mây nổi, cách cung điện A-tu-luân một vạn do-tuần, không bao giờ bị rớt. Oai thần, công đức và phước báo của vua A-tu-luân là như vậy”.

[right]CÒN TIẾP[/right]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 7: TỨ THIÊN VƯƠNG

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Cách phía Ðông Tu-di sơn vương một ngàn do-tuần có thành của Ðề-đầu-lại-tra Thiên vương, tên là Hiền thượng, dọc ngang sáu ngàn do-tuần. Thành này có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như đã kể.

“Cách phía Nam Tu-di sơn vương một ngàn do-tuần có thành của Tỳ-lâu-lặc Thiên vương, tên là Thiện kiến, dọc ngang sáu ngàn do-tuần. Thành này có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cách phía Tây Tu-di sơn vương một ngàn do-tuần có thành Tỳ-lâu-bà-xoa Thiên vương, tên là Chu-la Thiện kiến, dọc ngang sáu ngàn do-tuần. Thành có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cách phía Bắc Tu-di sơn vương một ngàn do-tuần có thành của Tỳ-sa-môn Thiên vương. Vua có ba thành: một tên là Khả úy, hai là Thiên kính, ba là Chúng quy; mỗi thành dọc ngang sáu ngàn do-tuần. Thành này có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc thành Chúng quy có vườn rừng, tên là Già-tỳ-diên-đầu, dọc ngang bốn ngàn do-tuần, tường của vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Ở quãng giữa vườn và thành có ao tên là Na-lân-ni rộng bốn mươi do-tuần. Nước của nó lắng trong không bợn nhơ. Ven hồ được lát bằng bảy báu làm thành mương nước; bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu; hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, lẫn lộn màu sắc ở trong đó, ánh sáng phản chiếu cả nửa do-tuần, hương thơm phảng phất nghe khắp cả nửa do-tuần. Vả lại rễ của nó lớn như ổ trục xe. Nhựa của nó lưu xuất ra màu trắng như sữa và có vị ngọt như mật,. cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Trừ cung điện mặt trời, mặt trăng ra, cung điện của các Tứ thiên vương, rộng độ bốn mươi do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,. cho đến có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Các cung điện này rộng bốn mươi do-tuần, hai mươi do-tuần và nhỏ nhất bề ngang rộng năm do-tuần. Từ thành Chúng quy có đường cấp báu dẫn đến thành Hiền thượng; lại có đường cấp dẫn đến thành Thiện kiến; lại có đường cấp dẫn đến thành Chu-la Thiện kiến; lại có đường cấp dẫn đến thành Khả úy, thành Thiên kính; lại có đường cấp dẫn đến vườn Già-tỳ-diên-đầu; lại có đường cấp dẫn đến ao Na-lân-ni, lại có đường cấp dẫn đến cung điện đại thần của Tứ thiên vương.

“Khi Tỳ-sa-môn Thiên vương muốn đến ngoạn cảnh tại vườn Già-tỳ-diên-đầu, thì lập tức nghĩ đến Ðề-đầu-lại-tra Thiên vương; Ðề-đầu-lại-tra Thiên vương lại nghĩ rằng: Hiện tại Tỳ-sa-môn Thiên vương đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số thần Kiền-đạp-hòa vây quanh trước sau, đến đứng một bên trước Tỳ-sa-môn Thiên vương. Khi vua Tỳ-sa-môn nghĩ đến Tỳ-lâu-lặc Thiên vương, thì Tỳ-lâu-lặc Thiên vương lại tự nghĩ rằng: Nay vua Tỳ-sa-môn đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số thần Cứu-bàn-trà vây quanh trước sau, đến đứng một bên trước Tỳ-sa-môn Thiên vương. Khi vua Tỳ-sa-môn nghĩ đến Tỳ-lâu-bà-xoa, thì Tỳ-lâu-bà-xoa lại tự nghĩ rằng: Hiện tại Tỳ-sa-môn Thiên vương đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số Long thần vây quanh trước sau, đến đứng một bên trước vua Tỳ-sa-môn. Khi vua Tỳ-sa-môn nghĩ đến đại thần của Tứ thiên vương, thì đại thần của Tứ thiên vương lại tự nghĩ rằng: Nay vua Tỳ-sa-môn đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng dẫn theo với vô số chư Thiên, đến đứng một bên trước Tỳ-sa-môn Thiên vương.

“Lúc này, Tỳ-sa-môn Thiên vương liền sửa soạn trang bị, mặc y báu, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số trăm ngàn Thiên thần đến vườn Tỳ-diên-đầu, tự nhiên có gió thổi cửa tự mở, tự nhiên có gió thổi sạch đất, tự nhiên có gió thổi hoa rụng khắp mặt đất, ngập đến đầu gối. Nhà vua ở trong vườn này cùng nhau vui đùa, từ một ngày, hai ngày,. cho đến bảy ngày; sau khi ngoạn cảnh xong trở về cung điện của mình. Vua Tỳ-sa-môn luôn luôn có năm vị đại quỷ thần hầu cận bảo vệ hai bên: một là Bát-xà-lâu, hai là Ðàn-đà-la, ba là Hê-ma-bạt-đề, bốn là Ðề-kệ-la, năm là Tu-dật-lộ-ma, năm vị quỷ thần này luôn luôn theo hầu bảo vệ. Oai thần, công đức, phước báo của vua Tỳ-sa-môn là như vậy.”

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 8: ÐAO-LỢI THIÊN

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Trên đỉnh Tu-di sơn vương có thành của trời Tam thập tam. Thành dọc ngang rộng tám vạn do-tuần; có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, phần trên rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần. Cách nhau năm trăm do-tuần là có một cái cửa; tại mỗi cửa này có năm trăm quỷ thần giữ gìn bảo vệ trời Tam thập tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bạc thì cửa vàng. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót bi thương, cũng lại như vậy.

“Trong thành lớn này lại có thành nhỏ, dọc ngang rộng sáu vạn do-tuần. Thành có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cách nhau năm trăm do-tuần, cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần; tại mỗi cửa thành có năm trăm quỷ thần thị vệ tại bên cửa, để giữ gìn trời Tam thập tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bằng bạc thì cửa bằng vàng; thành bằng thủy tinh thì cửa bằng lưu ly, thành bằng lưu ly thì cửa bằng thủy tinh; thành bằng xích châu thì cửa bằng mã não, thành bằng mã não thì cửa bằng xích châu; thành bằng xa cừ thì cửa bằng các thứ báu khác.

“Về lan can này: nếu lan can bằng vàng thì tam cấp bằng bạc, lan can bằng bạc thì tam cấp bằng vàng; lan can bằng thủy tinh thì tam cấp bằng lưu ly, lan can bằng lưu ly thì tam cấp bằng thủy tinh; lan can bằng xích châu thì tam cấp bằng mã não, lan can bằng mã não thì tam cấp bằng xích châu; lan can bằng xa cừ thì tam cấp bằng các thứ báu khác. Trên những lan can này có lưới báu; dưới lưới vàng thì treo linh bạc, dưới lưới bạc thì treo linh vàng; lưới bằng lưu ly thì treo linh bằng thủy tinh, lưới bằng thủy tinh thì treo linh bằng lưu ly; lưới bằng xích châu thì treo linh bằng mã não, lưới bằng mã não thì treo linh bằng xích châu; lưới bằng xa cừ thì treo linh bằng các thứ báu khác. Về cây vàng: nếu rễ vàng, cành vàng thì lá hoa bằng bạc ròng. Về cây bạc: nếu rễ bạc, cành bạc thì lá hoa bằng vàng ròng. Về cây thủy tinh: nếu rễ, cành bằng thủy tinh thì lá, hoa bằng lưu ly. Về cây lưu ly: nếu rễ, cành bằng lưu ly thì lá hoa bằng thủy tinh. Về cây xích châu: nếu rễ, cành bằng xích châu thì lá hoa bằng mã não. Về cây mã não: nếu rễ, cành bằng mã não thì lá hoa bằng xích châu. Về cây xa cừ: nếu rễ, cành bằng xa cừ thì lá hoa bằng các thứ báu khác.

“Về bảy lớp thành này: thành có bốn cửa, cửa có lan can. Trên bảy lớp thành đều có đền đài, lầu các bao bọc chung quanh, có vườn rừng ao tắm, sinh ra các loài hoa quý nhiều màu sắc xen lẫn nhau, cây báu thành hàng, hoa trái tốt tươi đầy dẫy, hương thơm bay phảng phất khắp nơi làm đẹp lòng mọi người. Có chim le, chim nhạn, uyên ương, cùng các loài chim kỳ lạ, vô số hàng ngàn loại, cùng nhau ca hót.

“Khoảng giữa bên ngoài thành nhỏ này có cung điện của Long vương Y-la-bát, dọc ngang rộng sáu ngàn do-tuần. Vách tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Trong thành Thiện kiến này có Thiện pháp đường, dọc ngang một trăm do-tuần; có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Nền nhà hoàn toàn bằng vàng ròng, trên mặt phủ lưu ly. Chu vi những cây cột trong nhà này là mười do-tuần, cao một trăm do-tuần, dưới những trụ cột của ngôi nhà này là nơi đặt ngự tòa của Thiên đế, bề ngang rộng độ một do-tuần, có nhiều màu sắc xen lẫn nhau được tạo thành bởi bảy thứ báu. Ngự tòa này êm ái, mềm mại như lụa trời và bên tả bên hữu, giáp hai bên tòa, có mười sáu chỗ ngồi.

“Pháp đường này có bốn cửa; chung quanh là lan can bằng bảy thứ báu. Ðường cấp của ngôi nhà này dọc ngang năm trăm do-tuần, có bảy lớp cửa ngoài, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có cung điện Ðế Thích, dọc ngang một ngàn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía đÐông ngôi nhà Thiện kiến có vườn rừng tên là Thô sáp, ngang rộng độ một ngàn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn Thô sáp có hai ụ đá do vàng trời trang sức, một gọi là Hiền, hai gọi là Thiện hiền, bề ngang mỗi ụ rộng năm mươi do-tuần, đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như vải trời.

“Phía Nam cung điện Thiện kiến có khu vườn tên là Họa lạc , ngang rộng một ngàn do-tuần; vách tường của khu vườn có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này có hai ụ đá bằng bảy thứ báu, một là Họa, hai là Thiện họa, bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.

“Phía Tây ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Tạp, ngang rộng một ngàn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong khu vườn này có hai ụ đá, một là Thiện kiến, hai là Thuận thiện kiến, do vàng trời trang sức và do bảy báu tạo thành, bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại và độ mềm mại của nó như thiên y.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Ðại hỷ, ngang rộng một ngàn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này có hai ụ đá, một gọi là Hỷ, hai gọi là Ðại hỷ, do xa cừ trang sức, ngang rộng năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.

“Ở quãng giữa vườn Thô sáp và vườn Họa nhạc có ao Nan-đà, ngang rộng một trăm do-tuần; nước của nó lắng trong, không có một chút bợn nhơ, chung quanh bên cạnh thềm là bảy lớp hào báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Bốn phía hồ này có bốn bậc thang, chung quanh lan can làm bằng bảy báu,. cho đến có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Lại nữa trong ao này lại sinh ra bốn loại hoa xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh nhạt, nhiều màu xen lẫn nhau; bóng rợp của một lá hoa này che một do-tuần; hương thơm phảng phất khắp một do-tuần; rễ của nó như ổ trục xe, nhựa của nó lưu xuất ra có màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Bốn phía ao này lại có những khu vườn.

“Giữa hai khu vườn Tạp và khu vườn Ðại hỷ có cây tên là Trú độ, chu vi độ bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá bao trùm ra bốn phía độ năm mươi do-tuần, ngoài cây có ngôi đình trống, bề ngang rộng năm trăm do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Ngoài ra các cung điện khác của Ðao-lợi thiên, ngang rộng một ngàn do-tuần, tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện này ngang rộng từ chín trăm, tám trăm cho đến nhỏ nhất là một trăm do-tuần, bờ tường cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện nhỏ, ngang rộng từ một trăm do-tuần, chín mươi, tám mươi, cho đến cực nhỏ là mười hai do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến cung điện Ðế Thích. Phía Ðông ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến khu vườn Thô sáp; lại có hai đường cấp dẫn đến vườn Họa lạc; lại có đường cấp dẫn đến trong khu vườn Tạp; lại có đường cấp dẫn đến khu vườn Ðại hỷ; lại có đường cấp dẫn đến ao Ðại hỷ ; lại có đường cấp dẫn đến cây Trú độ; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Tam thập tam thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện chư Thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Y-la-bát Long vương. Nếu khi Thiên Ðế Thích muốn du ngoạn đến trong vườn Thô sáp, liền nghĩ đến vị đại thần của trời Tam thập tam, thì đại thần Tam thập tam thiên lại tự nghĩ rằng: Hiện nay Ðế Thích đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số mọi người vây quanh trước sau đến đứng một bên trước Ðế Thích. Khi Ðế Thích nghĩ đến chư Thiên khác, thì chư Thiên nghĩ rằng: Hiện nay Ðế Thích đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, cùng với vô số chúng chư Thiên theo nhau đến đứng một bên trước Ðế Thích. Khi Ðế Thích nghĩ đến Y-la-bát Long vương, thì Y-la-bát Long vương lại tự nghĩ rằng: Hiện nay Ðế Thích đang nghĩ đến ta. Long vương liền tự biến hóa thân hình ra ba mươi ba cái đầu, mỗi cái đầu có sáu cái răng, mỗi cái răng có bảy hồ tắm, mỗi hồ tắm có bảy hoa sen lớn, mỗi hoa sen có một trăm lá, mỗi lá hoa có bảy ngọc nữ, ca nhạc, múa xướng, đánh trống, khảy đàn, vỗ nhịp ở trên đó. Sau khi vị Long vương biến hóa như vậy rồi, đi đến đứng một bên trước Ðế Thích.

“Lúc này, Thích-đề-hoàn Nhân mặc vào thân mình những đồ trang sức quý báu cùng anh lạc, ngồi trên đầu thứ nhất của Y-la-bát Long vương, kế đó, hai bên mỗi đầu còn có mười sáu vị Thiên vương ở trên đỉnh đầu Long vương này, theo thứ tự mà ngồi. Bấy giờ, Thiên Ðế Thích cùng với vô số quyến thuộc chư Thiên vây quanh đến vườn Thô sáp, tự nhiên có gió thổi cửa tự động mở, tự nhiên có gió thổi khiến cho đất sạch; tự nhiên có gió thổi làm những đóa hoa rơi khắp mặt đất và tích tụ hoa rụng lại ngập đến cả đầu gối. Lúc này Thiên Ðế Thích ngồi trên hai ụ đá Hiền và Thiện hiền theo ý thích, còn Ba mươi ba vị Thiên vương mỗi người tự theo thứ tự mà ngồi. Lại nữa, có những chư Thiên không được phép theo hầu để đến tham quan viên quán này, không được vào vườn để vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên thấy được khu vườn mà không vào được và không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên thấy được, vào được, nhưng không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên vào được, thấy được và vui đùa ngũ dục được. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành đồng nhau.

“Sau thời gian du hí trong vườn, chư Thiên đã tự vui ngũ dục, từ một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, họ đã cùng nhau vui đùa xong và mỗi người tự trở về cung điện. Khi Thiên Ðế Thích du ngoạn vườn Họa lạc, vườn Tạp, vườn Ðại hỷ cũng lại như vậy.

“Vì sao gọi là vườn Thô sáp? Vì lúc vào trong vườn này, thì thân thể trở nên thô nhám. Vì sao gọi là vườn Họa lạc? Vì lúc vào vườn này, thì thân thể tự nhiên có những sắc màu như vẽ dùng để vui đùa. Vì sao gọi là vườn Tạp? Vì thường những ngày mùng tám, ngày mười bốn, ngày mười lăm của mỗi tháng, ngoại trừ người nữ A-tu-luân, các thể nữ được thả tự do để cùng các Thiên tử ở trong vườn này cùng du hí hỗn tạp với nhau, cho nên gọi là vườn Tạp. Vì sao gọi là vườn Ðại hỷ? Vì lúc vào vườn này, thì có thể vui đùa một cách hoan hỷ, cho nên gọi là Ðại hỷ. Vì sao gọi là nhà Thiện pháp? Vì ở trên ngôi nhà này mà tư duy về pháp vi diệu, nhận lãnh cái vui thanh tịnh, cho nên gọi là nhà Thiện pháp. Vì sao gọi là cây Trú độ? Vì cây này có vị thần tên là Mạn-đà thường thường tấu nhạc để tự vui đùa, cho nên gọi là Trú độ. Lại nữa, cành nhánh của cây lớn này vươn ra bốn phía, hoa lá rậm rạp tốt tươi như đám mây báu lớn, cho nên gọi là Trú độ.

“Hai bên tả hữu của Thích Ðề-hoàn Nhân thường có mười đại Thiên tử theo sau để hầu hạ và bảo vệ đó là: một tên là Nhân-đà-la, hai tên là Cù-di, ba tên là Tỳ-lâu, bốn tên là Tỳ-lâu-bà-đề, năm tên là Ðà-la, sáu tên là Bà-la, bảy tên là Kỳ-bà, tám tên là Linh-hê-nậu, chín tên là Vật-la, mười tên là Nan-đầu. Thích Ðề-hoàn Nhân có thần lực lớn và oai đức như vậy.

Các loại hoa mọc trong nước mà người Diêm-phù-đề quý như: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-vật-đầu, Phân-đà-lỵ, Tu-càn-đầu, hương thơm của chúng thanh khiết nhẹ nhàng. Cũng vậy, các loại hoa mọc ra trên đất liền; đó là: Giải thoát hoa, Ðảm-bặc-hoa, Bà-la-đà-hoa, Tu-mạn-châu-na hoa, Bà-sư hoa, Ðồng nữ hoa. Giống như những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền, thì những hoa sinh ra ở Câu-da-ni, Uất-đan-viết, Phất-vu-đãi, Long cung, Kim sí điểu cung cũng lại như vậy. Những hoa sinh ra ở trong thủy cung của A-tu-luân: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lỵ, hương thơm của chúng nhẹ nhàng thanh khiết. Những hoa sinh ra nơi đất liền: hoa Thù-hảo, hoa Tần-phù, hoa đại Tần-phù, hoa Già-già-lợi, hoa đại Già-già-lợi, hoa Mạn-đà-la, hoa đại Mạn-đà-la. Những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền này được Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, Diễm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên yêu quý cũng lại như vậy.

“Cõi Trời có mười loại pháp; đó là: một, bay đi không hạn số; hai, bay đến không hạn số; ba, đi vô ngại; bốn, đến vô ngại; năm, thân Trời không có da, xương, gân, mạch, máu, thịt; sáu, thân không có việc đại, tiểu tiện bất tịnh; bảy, thân không mệt nhọc; tám, Thiên nữ không sinh đẻ; chín, mắt Trời không nháy; mười, thân tùy thuộc vào màu sắc của ý mình, như thích xanh thì hiện xanh, thích vàng thì vàng, đỏ, trắng và các màu khác tùy theo ý mình mà hiện. Ðó là mười pháp của chư Thiên.

“Con người có bảy màu sắc, đó là: có người màu lửa, có người màu xanh, có người màu vàng, có người màu đỏ, có người màu đen, có người màu trắng. Chư Thiên, A-tu-luân cũng có bảy màu sắc như vậy.

“Các Tỳ-kheo, ánh sáng của con đom đóm không bằng đèn, nến; ánh sáng của đèn, nến không bằng bó đuốc; ánh sáng của bó đuốc không bằng đống lửa; ánh sáng của đống lửa không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương; ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương không bằng ánh sáng của Tam thập tam thiên; ánh sáng của Tam thập tam thiên không bằng ánh sáng của Diệm-ma thiên; ánh sáng của Diệm-ma thiên không bằng ánh sáng của Ðâu-suất thiên, ánh sáng của Ðâu-suất thiên không bằng ánh sáng của Hóa tự tại thiên; ánh sáng của Hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên; ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên; ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên không bằng ánh sáng của Quang âm thiên; ánh sáng của Quang âm thiên không bằng ánh sáng của Biến tịnh thiên; ánh sáng của Biến tịnh thiên không bằng ánh sáng của Quả thật thiên; ánh sáng của Quả thật thiên không bằng ánh sáng của Vô tưởng thiên; ánh sáng của Vô tưởng thiên không bằng ánh sáng của Vô tạo thiên; ánh sáng của Vô tạo thiên không bằng ánh sáng của Vô nhiệt thiên; ánh sáng của Vô nhiệt thiên không bằng ánh sáng của Thiện kiến thiên; ánh sáng của Thiện kiến thiên không bằng ánh sáng của Ðại Thiện kiến thiên; ánh sáng của Ðại Thiện kiến thiên không bằng ánh sáng của Cứu cánh thiên; ánh sáng của Cứu cánh thiên không bằng ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên; ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của Phật. Từ ánh sáng của con đom đóm đến ánh sáng của Phật, mà kết hợp những thứ ánh sáng như vậy lại, thì cũng không bằng ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế. Cho nên, các Tỳ-kheo! Muốn tìm cầu ánh sáng, thì phải cầu ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế. Các ngươi nên như vậy mà tu hành.

“Thân người ở cõi Diêm-phù-đề cao ba khuỷu tay rưỡi; y dài bảy khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay rưỡi. Thân người ở Cù-da-ni, Phất-vu-đãi cũng cao ba khuỷu tay; y dài bảy khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay rưỡi. Thân người Uất-đan-viết cao bảy khuỷu tay; y dài mười bốn khuỷu tay, rộng bảy khuỷu tay. Thân A-tu-luân cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Tứ thiên vương cao nửa do-tuần; y dài một do-tuần, rộng nửa do-tuần, y dày nửa lạng. Thân của Ðao-lợi thiên cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Diệm-ma thiên cao hai do-tuần; y dài bốn do-tuần, rộng hai do-tuần, y dày ba lạng. Thân của Ðâu-suất thiên cao bốn do-tuần; y dài tám do-tuần, rộng bốn do-tuần, y dày một lạng rưỡi. Hóa tự tại thiên cao tám do-tuần; y dài mười sáu do-tuần, rộng tám do-tuần, y dày một lạng. Thân của Tha hóa tự tại thiên cao mười sáu do-tuần; y dài ba mươi hai do-tuần, rộng mười sáu do-tuần, y dày nửa lạng. Từ chư Thiên trở lên, mỗi nơi tùy theo thân hình của họ mà mặc y phục.

“Tuổi thọ của người Diêm-phù-đề là một trăm năm, ít ai vượt qua khỏi; mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Câu-da-ni là hai trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Phất-vu-đãi là ba trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Uất-đan-viết là một ngàn năm, không có tăng hay giảm. Tuổi thọ của ngạ quỷ là bảy vạn năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của loài rồng và Kim sí điểu là một kiếp, hoặc có giảm đi. Tuổi thọ của A-tu-luân là một ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tứ thiên vương là năm trăm năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Ðao-lợi thiên là một ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Diệm-ma thiên là hai ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Ðâu-suất thiên là bốn ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Hóa tự tại thiên là tám ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tha hóa tự tại thiên là sáu ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Phạm-ca-di thiên là một kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quang âm thiên là hai kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Biến tịnh thiên là ba kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quả thật thiên là bốn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tưởng thiên là năm trăm kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tạo thiên là một ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô nhiệt thiên là hai ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thiện kiến thiên là ba ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Ðại Thiện kiến thiên là bốn ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Sắc cứu cánh thiên là năm ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Không xứ thiên là một vạn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thức xứ thiên là hai vạn một ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Bất dụng xứ thiên là bốn vạn hai ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Hữu tưởng vô tưởng thiên là tám vạn bốn ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Trong giới hạn ấy, được gọi là chúng sanh; trong giới hạn ấy được gọi làlà tuổi thọ; trong giới hạn ấy được gọi là thế giới; trong giới hạn ấy là sự luân chuyển của tập hợp uẩn, xứ, giới, qua lại trong các cõi, sanh, già, bệnh, chết.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả chúng sanh do bốn loại thức ăn mà tồn tại. Một là đoàn tế hoạt thực. Hai là xúc thực. Ba là niệm thực. Bốn là thức thực. Những loại thức ăn này chúng sanh ăn không giống nhau. Như người cõi Diêm-phù-đề dùng các loại cơm, bún mì, cá thịt, gọi là loại đoàn thực. Y phục, tắm giặt, được gọi là tế hoạt thực. Người Câu-da-ni, Phất-vu-đãi cũng ăn các loại cơm, bún mì, cá thịt được gọi là đoàn thực; y phục, tắm giặt là tế hoạt thực. Người Uất-đan-viết thì chỉ ăn lúa gạo chín tự nhiên, đầy đủ vị trời lấy là đoàn thực; cũng lấy y phục, tắm giặt làm tế hoạt thực. Loài rồng, Kim sí điểu, thì ăn các con giải, con đà, con cá, con ba-ba lấy làm đoàn thực và tắm gội, y phục làm tế hoạt thực. A-tu-luân thì ăn đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực và lấy tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Tứ thiên vương, Ðao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên ăn loại đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực và tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Chư Thiên từ đây trở lên dùng hỷ lạc thiền định làm thức ăn.

“Những chúng sanh nào dùng xúc thực? Những chúng sanh, sinh ra từ trứng dùng xúc thực.

“Những chúng sanh nào dùng niệm thực? Có chúng sanh nhờ vào niệm thực mà được tồn tại, tăng trưởng các căn, tuổi thọ không dứt, đó là niệm thực.

“Những chúng sanh nào dùng thức thực? Những chúng sanh ở địa ngục và cõi Vô sắc thiên, những loại chúng sanh này dùng thức thực.

“Người cõi Diêm-phù-đề dùng các thứ vàng bạc, đồ quý báu, lúa gạo, lụa là, nô bộc để mưu sinh buôn bán mà tự nuôi sống. Người Câu-da-ni dùng bò, dê, châu báu để trao đổi mà nuôi sống. Người Phất-vu-đãi dùng thóc, vải, châu ngọc để trao đổi mà tự nuôi sống. Người Uất-đan-viết tuy không dùng cách trao đổi nhưng cũng mưu sinh để tự nuôi sống.

“Người cõi Diêm-phù-đề có sự mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Câu-da-ni và người Phất-vu-đãi, cũng có mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Uất-đan-viết, thì không có vấn đề hôn nhân, không có sự lấy chồng, lấy vợ của con trai và con gái. Loài rồng và Kim sí điểu cùng A-tu-luân, thì cũng có hôn nhân, có giá thú giữa con trai và con gái. Tứ thiên vương, Ðao-lợi thiên. cho đến Tha hóa tự tại thiên cũng có hôn nhân và có giá thú giữa người nam và người nữ. Chư Thiên từ đây trở lên không còn có nam và nữ.

“Người cõi Diêm-phù-đề, vì giữa nam và nữ giao hội nhau, thân và thân xúc chạm nhau, nên sanh ra âm dương. Những người Câu-da-ni, người Phất-vu-đãi, người Uất-đan-viết cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Các loài rồng, Kim sí điểu cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Loài A-tu-luân thì thân với thân gần gũi nhau phát sanh khí mà trở thành âm dương. Tứ thiên vương, Ðao-lợi thiên thì cũng lại như vậy. Diệm-ma thiên, thì gần gũi nhau mà thành âm dương. Ðâu-suất thiên thì cầm tay nhau mà thành âm dương. Hóa tự tại thiên thì nhìn kỹ nhau mà thành âm dương. Tha hóa tự tại thiên thì láy mắt nhìn nhau mà thành âm dương. Chư Thiên từ đây trở lên thì không còn dâm dục nữa.

“Nếu có chúng sanh nào, với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, thức người đời diệt mất; thức nê-lê bắt đầu sinh ra. Nhân thức nên có danh sắc. Nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, bị đọa vào trong loài súc sanh; sau đó thức người đời bị diệt; thức súc sanh bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào trong ngạ quỷ; sau đó thức người đời bị diệt, thức ngạ quỷ bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói những lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sinh vào trong cõi người; sau đó thức đời trước diệt, thức loài người bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập.

“Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh về cõi Tứ thiên vương; sau đó thức đời trước diệt; thức loài trời Tứ thiên vương bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập.

“Lúc bắt đầu sinh ở cõi Trời, hình dạng cũng giống hệt như con nít chừng hai, ba tuổi của cõi người này, tự nhiên hóa hiện, ngồi trên đầu gối Trời. Vị Trời ấy liền nói: Ðây là con ta. Do quả báo của hành vi, nên tự nhiên mà có nhận thức; liền tự nghĩ rằng: Ta do đã làm những gì, mà nay ta sinh ra nơi này? Rồi tự nhớ lại: Ðời trước ta ở nhân gian, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Vì đã làm những việc này nên nay được sanh về cõi Trời. Giả như ở đây ta mạng chung, mà sinh vào cõi nhân gian trở lại, thì phải thanh tịnh thân, khẩu, ý và siêng năng gấp đôi trong việc tu tập các hạnh lành. Sau khi sinh ra chưa lâu, hài nhi tự biết đói, thì tự nhiên trước mặt hài nhi này có đồ đựng quý, trong đó đựng thức ăn thanh tịnh của cõi Trời, tự nhiên có, đủ cả trăm mùi vị. Nếu phước báo nhiều thì thức ăn màu trắng. Nếu phước báo vừa thì thức ăn có màu xanh. Còn nếu phước báo ít thì thức ăn có màu đỏ. Ðứa trẻ này dùng tay lấy thức ăn đưa vào miệng, thức ăn tự nhiên tiêu mất, như váng sữa được chế vào trong lửa. Khi đứa trẻ ăn xong, mới tự cảm thấy khát, thì tự nhiên có đồ đựng quý, đựng đầy nước cam lồ. Nếu là người có nhiều phước báo thì nước này có màu trắng; nếu người này phước báo vừa vừa thì nước này có màu xanh; nếu là ngưới có phước báo ít thì nước này có màu đỏ. Ðứa trẻ này lấy nước uống; nước tự động tiêu mất như váng sữa được chế vào lửa vậy.

“Ðứa trẻ này sau khi ăn uống xong, thì thân thể cao lớn cũng như các chư Thiên khác, liền vào trong hồ nước mà tự mình thưởng thức sự tắm gội rửa ráy. Khi đã tự mình thưởng thức xong thì ra khỏi hồ tắm, đến dưới cây hương. Cây hương sẽ cong xuống; nó dùng tay lấy các loại hương tự thoa vào thân mình. Sau đó lại đến cây y-kiếp-bối. Cây cong xuống, nó lấy các loại y mặc vào thân mình. Tiếp đến nơi cây trang nghiêm. Cây cong xuống, nó lấy các thứ đồ trang sức, để tự trang điểm thân. Tiếp đến cây Hoa man, cây nghiêng xuống môt bên, lấy tràng hoa đội lên đầu. Tiếp đến cây đồ vật, cây nghiêng xuống một bên, để lấy các thứ đồ vật báu. Tiếp đến cây có trái, cây nghiêng xuống một bên, hái trái tự nhiên, hoặc ăn hay ngậm, hoặc lọc nước mà uống. Tiếp đến cây nhạc khí, cây nghiêng xuống một bên, lấy nhạc khí Trời, khảy lên âm thanh trong trẻo vi diệu hòa cùng lời ca. Khi đứa trẻ cõi Trời hướng đến các khu vườn, thì thấy vô số Thiên nữ đang khảy đàn đánh trống ca hát nói cười với nhau. Bấy giờ đứa trẻ cõi Trời dạo chơi thấy những cảnh như vậy, bèn sinh lòng đắm nhiễm, nhìn Ðông mà quên Tây, nhìn Tây mà quên Ðông. Lúc mà đứa trẻ này mới sinh, tự biết mà tự nghĩ rằng: Do hành vi gì mà nay ta được sinh ra nơi này? Khi đang dạo chơi xem cảnh nơi kia, thì lại quên hết ý nghĩ này. Thế rồi, liền có thể nữ theo hầu.

“Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Ðao-lợi thiên; sau đó thức đời trước diệt; thức kia bắt đầu sinh ra; nhân thức này nên có danh sắc, nhân danh sắc nên có sáu nhập. Kẻ mới bắt đầu sinh của cõi Trời kia, giống như đứa trẻ hai hay ba tuổi ở cõi Diêm-phù-đề, tự nhiên biến hiện ra ở trên đầu gối của Trời và vị Trời ấy nói: Ðây là con trai của ta. Ðây là con gái của ta. Cũng lại như đã kể trên.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Diệm-ma thiên; kẻ mới bắt đầu sinh của cõi trời kia, giống như đứa trẻ ba, bốn tuổi ở cõi Diêm-phù-đề này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Ðâu-suất thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ bốn, năm tuổi ở thế gian này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Hóa tự tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi trời này, giống như đứa trẻ năm, sáu tuổi ở thế gian này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Tha hóa tự tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ sáu, bảy tuổi ở thế gian này, cũng lại như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Mỗi nửa tháng có ba ngày trai, đó là: ngày mồng tám, ngày mười bốn và ngày mười lăm. Ðó là ba ngày trai. Vì sao trong mỗi nửa tháng lấy ngày mùng tám làm ngày trai? Vì vào ngày mồng tám của mỗi nửa tháng là ngày Tứ thiên vương thường bảo sứ giả rằng: Các ngươi nên đi khảo sát thế gian, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận với cha mẹ, có kính thuận với Sa-môn, Bà-la-môn, có tôn kính các bậc trưởng lão, có trai giới, bố thí, có cứu giúp người nghèo thiếu hay không? Sau khi sứ giả nghe những lời dạy này rồi, liền đi khảo sát khắp trong thiên hạ, để biết có người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính Sa-môn, Bà-la-môn, kính trọng các bậc trưởng lão, trì giới giữ trai, bố thí cho người nghèo thiếu. Sau khi xem xét đầy đủ rồi, thấy có những người bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, không tu trai giới, không cứu giúp người nghèo thiếu, về thưa với nhà vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian những người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng sư trưởng, tịnh tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu thì rất ít! rất ít! Sau khi Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, đáp rằng: Than ôi! nếu người thế gian, có nhiều kẻ ác, bất hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ người nghèo thiếu! thì chúng chư Thiên sẽ tổn giảm và chúng A-tu-luân sẽ tăng thêm. Trường hợp nếu sứ giả thấy ở thế gian mà có người hiếu kính mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo, thì trở về bạch với Thiên vương rằng: Ở thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu. Thì Tứ thiên vương sau khi nghe xong rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: Lành thay! Ta đã nghe những lời tốt lành, thế gian nếu có những người có thể hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm và chúng A-tu-luân sẽ giảm bớt.

“Vì sao lấy ngày mười bốn làm ngày trai? Vì ngày mười bốn là ngày mà Tứ thiên vương bảo thái tử rằng: Ngươi nên đi khảo sát khắp thiên hạ, xem xét mọi người, để biết có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không? Sau khi vâng lời dạy của vua xong, thái tử liền đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không. Khi đã quán sát tất cả rồi, nhận thấy thế gian có người không hiếu thuận mẹ cha, không kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ người nghèo thiếu, trở về thưa vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tu hành trai giới thanh tịnh, giúp đỡ những người nghèo thiếu thì rất ít! rất ít! Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, bảo rằng: Than ôi! Nếu thế gian có nhiều kẻ ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-luân sẽ tăng thêm. Nếu thái tử nhận thấy thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì liền trở về thưa vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu. Tứ thiên vương nghe xong, lòng rất vui mừng, xướng lên rằng: Lành thay! Ta nghe được những lời tốt lành, là ở thế gian nếu có những người hiếu thuận với mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm, chúng A-tu-luân sẽ giảm bớt. Cho nên ngày mười bốn là ngày trai.

“Vì sao lấy ngày mười lăm làm ngày trai? Vì ngày mười lăm là ngày Tứ thiên vương đích thân tự đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người ở trong thế gian, có hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu hay không? Nếu nhận thấy người thế gian phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không siêng trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, thì Tứ thiên vương đến điện Thiện pháp thưa với Ðế Thích: Ðại vương biết cho, chúng sanh ở thế gian phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không kính trọng sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu! Sau khi Ðế Thích và chư Thiên Ðao-lợi nghe xong lòng buồn lo không vui nói rằng: Than ôi! Nếu chúng sanh ở thế gian phần nhiều là ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp kẻ nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-luân sẽ tăng lên. Nếu Tứ thiên vương nhận thấy thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, thì trở về điện Thiện pháp tâu với Ðế Thích: Người thế gian có kẻ hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu. Sau khi Ðế Thích và chư Thiên Ðao-lợi nghe xong lòng rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: Lành thay! Nếu ở thế gian mà có kẻ hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng, chúng A-tu-luân sẽ giảm. Cho nên lấy ngày mười lăm là ngày trai giới. Vì lý do trên nên có ba ngày trai. Bấy giờ, Ðế Thích muốn cho chư Thiên càng thêm hoan hỷ hơn, liền nói bài kệ:

Thường lấy ngày mồng tám,
Mười bốn, rằm mỗi tháng,
Cải hóa, tu trai giới,
Người này đồng với Ta.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ðế Thích nói bài kệ này, không phải là khéo thọ, không phải là khéo nói; Ta cũng không ấn khả. Vì sao? Vì Ðế Thích chưa dứt hết dâm dục, sân hận, si mê, chưa thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người này chưa lìa khỏi gốc khổ. Tỳ-kheo nào của Ta, nếu lậu hoặc đã hết, được A-la-hán, những gì cần làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã được tự lợi, đã hết kết sử các hữu, bình đẳng giải thoát, thì Tỳ-kheo đó mới đáng nói bài kệ này:

Thường lấy ngày mồng tám,

Mười bốn, rằm mỗi tháng,

Vâng lời tu trai giới,

Người này đồng với Ta.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo kia nói bài kệ này mới gọi là khéo thọ, mới gọi là khéo nói, được Ta ấn khả. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia đã dứt sạch dâm dục, sân hận, si mê, đã thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người kia đã lìa khỏi gốc khổ.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả chỗ ở như nhà cửa của mọi người đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Tất cả mọi đường sá, mọi ngã tư, hàng thịt, chợ búa, cùng bãi tha ma đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Phàm các loài quỷ thần đều tùy thuộc vào chỗ nương náu mà có tên. Như nếu nương vào người thì gọi là người; nương vào thôn thì gọi là thôn; nương vào thành thì gọi là thành; nương vào nước thì gọi là nước; nương vào đất thì gọi là đất; nương vào núi thì gọi là núi, nương vào sông thì gọi là sông.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả mọi loại cây cối dù là cực nhỏ như trục xe cũng đều có quỷ thần nương tựa, không có chỗ nào là không có. Tất cả mọi người nam, người nữ khi mới bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên ủng hộ; nếu khi nào họ chết thì quỷ thần giữ gìn họ, thu nhiếp tinh khí của họ, nên người này sẽ chết ngay.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Giả như có Phạm-chí ngoại đạo hỏi rằng: Chư Hiền! Nếu như tất cả nam nữ khi bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên giữ gìn, ủng hộ; khi người kia sắp chết, quỷ thần giữ gìn ủng hộ kia sẽ thu nhiếp tinh khí họ, thì người này chết. Nhưng tại sao người hiện nay lại có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu? Nếu có người hỏi câu này, thì các Thầy nên trả lời cho họ rằng: Người thế gian hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, những người như vậy, thì trong trăm hay ngàn mới có một thần theo bảo hộ thôi. Giống như đàn bò, đàn dê, trong trăm hay ngàn con cũng chỉ có một người chăn giữ; thì việc này cũng như vậy, vì hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, nên những người như vậy, trong trăm hay ngàn người mới có một thần bảo hộ thôi. Nếu có người nào tu hành pháp thiện, chánh kiến, chánh tín, chánh hạnh, đầy đủ mười nghiệp thiện, chỉ một người như vậy, thì cũng có trăm ngàn thần bảo hộ rồi. Giống như quốc vương, đại thần của quốc vương có trăm ngàn người hộ vệ một người; thì việc này cũng như vậy, người tu hành pháp thiện, đầy đủ mười nghiệp thiện, như một người có trăm ngàn thần hộ vệ. Vì nhân duyên này cho nên, người thế gian có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu.

“Người cõi Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Câu-da-ni, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, siêng tu phạm hạnh; ba, vì dõng mãnh, nhớ dai, nên Phật ra đời ở cõi này. Do có ba điều này nên hơn người Câu-da-ni. Người Câu-da-ni có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, nhiều bò; hai, nhiều dê; ba, nhiều châu ngọc. Do có ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Phất-vu-đãi, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo ra nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, thường tu phạm hạnh; ba, dõng mãnh, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Vì ba điều này nên hơn Phất-vu-đãi. Người Phất-vu-đãi có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cõi này rất rộng; hai, cõi này rất lớn; ba, đất đai cõi này rất vi diệu. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Uất-đan-viết, đó là: một, mạnh mẽ, nhớ dai, có khả năng tạo ra hành nghiệp; hai, mạnh mẽ, nhớ dai, thường tu hành phạm hạnh; ba, mạnh mẽ, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Ðó là ba điều hơn người Uất-đan-viết. Người Uất-đan-viết có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, không bị ràng buộc lệ thuộc; hai, không có vật sở hữu của ngã; ba, tuổi thọ cố định là ngàn năm. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề. “Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên mà hơn đường ngạ quỷ. Ðường ngạ quỷ có ba điều hơn Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, người khác làm mà mình chịu. Vì ba điều này nên hơn Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên nên hơn loài rồng, Kim sí điểu. Loài rồng, Kim sí điểu lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, cung điện. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên nên hơn A-tu-luân. A-tu-luân lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cung điện cao, rộng; hai, cung điện trang nhiêm; ba, cung điện thanh tịnh. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên mà hơn Tứ thiên vương. Tứ thiên vương lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều; vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên mà hơn Ðao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên. Các hàng chư Thiên này lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Chúng sanh cõi Dục có mười hai loại, đó là :
“1. Ðịa ngục.
“2. Súc sanh.
“3. Ngạ quỷ.
“4. Người.
“5. A-tu-luân.
“6. Tứ thiên vương.
“7. Ðao-lợi thiên.
“8. Diệm-ma thiên.
“9. Ðâu-suất thiên.
“10. Hóa tự tại thiên.
“11. Tha hóa tự tại thiên.
“12. Ma thiên.

“Chúng sanh cõi Sắc có hai mươi hai loại, đó là :
“1. Phạm thân thiên.
“2. Phạm phụ thiên.
“3. Phạm chúng thiên.
“4. Ðại Phạm thiên.
“5. Quang thiên.
“6. Thiểu quang thiên.
“7. Vô lượng quang thiên.
“8. Quang âm thiên.
“9. Tịnh thiên.
“10. Thiểu tịnh thiên.
“11. Vô lượng tịnh thiên.
“12. Biến tịnh thiên.
“13. Nghiêm sức thiên.
“14. Tiểu nghiêm sức thiên.
“15. Vô lượng nghiêm sức thiên.
“16. Nghiêm thắng quả thật thiên.
“17. Vô tưởng thiên.
“18. Vô phiền thiên.
“19. Vô nhiệt thiên.
“20. Thiện kiến thiên.
“21. Ðại Thiện kiến thiên.
“22. A-ca-nị-trá thiên.

“Chúng sanh cõi Vô sắc có bốn loại, đó là :
“1. Không trí thiên.
“2. Thức trí thiên.
“3. Vô sở hữu trí thiên.
“4. Hữu tưởng vô tưởng trí thiên.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có bốn loại Ðại Thiên thần, đó là:
“1. Ðịa thần.
“2. Thủy thần.
“3. Phong thần.
“4. Hỏa thần.

Xưa kia Ðịa thần nảy sinh ra nhận thức sai lầm rằng: Trong đất không có nước, lửa và gió. Lúc đó Ta biết rõ tâm niệm của thần đất này, liền đến bảo rằng: Ngươi đang nảy sanh ra ý nghĩ: Trong đất không có nước, lửa và gió phải không? Ðịa thần đáp: Trong đất quả thực không có nước, lửa và gió. Lúc ấy Ta bảo rằng: Ngươi chớ nảy sanh ý niệm này là trong đất không có nước, lửa và gió. Vì sao? Vì trong đất có nước, lửa và gió, chỉ vì yếu tố đất nhiều nên lấy đất mà gọi tên.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc ấy Ta vì Ðịa thần mà lần lượt nói pháp, để dứt trừ nhận thức sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Ta biết rõ tâm niệm Ðịa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, Ta chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Ðịa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Ðịa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Ta rằng: Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, cho phép con được làm Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia, Thủy thần nảy sanh ác kiến, nói rằng: Trong nước không có đất, lửa và gió. Lúc ấy Ðịa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói với Thủy thần rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió phải không? Ðáp rằng: Có thật như vậy. Ðịa thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió. Vì sao? Vì trong nước có đất, lửa và gió, nhưng chỉ vì yếu tố nước nhiều quá, nên dùng yếu tố nước để gọi tên. Bấy giờ, Ðịa thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Ðịa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Thủy thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Thủy thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Ðịa thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia Hỏa thần nảy sanh ra ác kiến, nói rằng: Trong lửa không có đất, nước và gió. Lúc ấy Ðịa thần và Thủy thần biết rõ tâm niệm Hỏa thần sinh ra nhận thức này, nên cùng nói với Hỏa thần rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này phải không? Ðáp rằng: Có thật như vậy. Hai thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong lửa có đất, nước và gió, nhưng chỉ vì yếu tố lửa nhiều quá, nên dùng yếu tố lửa để gọi tên. Bấy giờ, hai vị thần Ðịa và Thủy liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy hai thần biết rõ tâm niệm Hỏa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Hỏa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Hỏa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với hai thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia Phong thần nảy sanh ra nhận thức sai lầm rằng: Trong gió không có đất, nước và lửa. Lúc ấy Ðịa thần, Thủy thần, Hỏa thần biết rõ tâm niệm Phong thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này phải không? Ðáp rằng: Có thật như vậy. Ba vị thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong gió có đất, nước và lửa, nhưng chỉ vì yếu tố gió nhiều quá, nên dùng yếu tố gió để gọi tên. Bấy giờ, ba vị thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy ba thần biết rõ tâm niệm của Phong thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Phong thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như tấm vải trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Phong thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với ba thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Mây có bốn thứ, đó là: một là màu trắng; hai là màu đen; ba là màu đỏ; bốn là màu hồng. Mây có màu trắng vì yếu tố đất đặc biệt nhiều; mây có màu đen vì yếu tố nước đặc biệt nhiều hơn; mây có màu đỏ vì yếu tố lửa đặc biệt nhiều hơn; mây có màu hồng vì yếu tố gió đặc biệt nhiều hơn. Mây cách mặt đất từ hai mươi dặm, ba mươi dặm, bốn mươi dặm. cho đến bốn ngàn dặm; ngoại trừ kiếp sơ, còn sau đó thì mây lên đến cõi Quang âm thiên. Chớp có bốn loại, đó là: Chớp ở phương Ðông gọi là thân quang; chớp ở phương Nam gọi là nan hủy; chớp ở phương Tây gọi là lưu diễm; chớp ở phương Bắc gọi là định minh. Vì sao mây ở trong hư không có hiện tượng ánh chớp này? Có lúc thân quang cùng nan hủy chạm nhau, có khi thân quang cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi thân quang cùng với định minh chạm nhau, có khi nan hủy cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi nan hủy cùng với định minh chạm nhau, có khi lưu diễm cùng với định minh chạm nhau; vì những nhân duyên này nên mây giữa hư không sinh ra ánh chớp. Và vì sao mây ở giữa hư không lại sinh ra sấm chớp? Vì ở giữa hư không có khi địa đại cùng với thủy đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với phong đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với phong đại chạm nhau; vì những nhân duyên này mà mây giữa hư không sinh ra sấm chớp.

“Có năm lý do mà các thầy tướng không thể tiên đoán và không thể biết được một cách chắc chắn về mưa nên dẫn đến việc sai lầm trong lúc đoán, đó là: một, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa; nhưng vì hỏa đại nhiều nên nó thiêu hủy mây đi, vì vậy mà không mưa. Ðó là lý do thứ nhất khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Hai, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì phong đại nổi lên, thổi mây bay tứ tán vào trong các núi, vì lý do này nên khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Ba, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng bấy giờ Ðại A-tu-luân đem phù vân đặt giữa biển cả, vì lý do này mà thầy tướng đoán sai lầm. Bốn, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì thần mây, thần mưa đang buông lung dâm loạn, nên rốt cùng không làm mưa, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai lầm. Năm, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì mọi người trong thế gian hành động buông lung phi pháp, làm hạnh bất tịnh, tham lam, keo kiệt, ghen ghét, kiến giải điên đảo, nên khiến trời không mưa xuống, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai. Ðó là năm lý do làm cho các thầy tướng không thể biết để đoán mưa một cách chắc chắn được.”

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 9: TAM TAI

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Có bốn sự kiện trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được. Bốn sự kiện, đó là: Một, ở thế gian có những thứ tai nạn khởi lên từ từ; khi thế giới này tan hoại, trung gian là một khoảng thời gian trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được. Hai, sau khi thế giới này tan hoại rồi, thì trung gian là một khoảng trống vắng mênh mông, không có thế giới; thời gian này là mịt mù trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Ba, khi trời đất mới bắt đầu khởi hướng nhắm đến sự hình thành tựu, thì khoảng thời gian này là trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Bốn, sau khi trời đất đã hoàn thành rồi, tồn tại lâu dài không hoại, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Ðó là bốn sự kiện trường cửu, không lường, không có giới hạn, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để tính toán được.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ở thế gian có ba thứ tai kiếp ; đó là: Một, tai kiếp lửa. Hai, tai kiếp nước. Ba, tai kiếp gió. Có giới hạn phía trên của ba tai kiếp. Thế nào là ba? Ðó là: một, Quang âm thiên ; hai, Biến tịnh thiên ; ba, Quả thật thiên. Khi tai kiếp lửa khởi lên, cháy lên cho đến Quang âm thiên, thì Quang âm thiên là giới hạn. Khi tai kiếp nước khởi lên, ngập cho đến Biến tịnh thiên, thì Biến tịnh thiên là giới hạn. Khi tai kiếp gió khởi lên, thổi cho đến Quả thật thiên, thì Quả thật thiên là giới hạn.

“Thế nào là tai kiếp lửa? Khi tai kiếp lửa bắt đầu sắp sửa khởi, thì con người thế gian này lúc đó đều thực hành chánh pháp, đều chánh kiến không điên đảo, đều tu thập thiện hành. Khi thực hành pháp này, có người đạt được Nhị thiền, liền có thể cất mình bay lên ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền giả! Sung sướng thay, đệ Nhị thiền không giác không quán! Sung sướng thay, đệ Nhị thiền! Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của đệ Nhị thiền không giác, không quán. Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Nhị thiền không giác, không quán. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Nhị thiền không giác, không quán, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang âm thiên.

“Lúc ấy, những chúng sanh có tội trong địa ngục, sau khi mạng chung lại được sinh vào cõi người và tu tập pháp của đệ Nhị thiền không giác, không quán, nên sau khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang âm thiên. Những chúng sanh ở trong các loài Súc sanh, Ngạ quỷ, A-tu-la, Tứ thiên vương, Ðao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm thiên, sau khi thân hoại mạng chung sanh lại cõi nhân gian; sau đó tu tập Nhị thiền không giác, không quán, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về Quang âm thiên. Vì những nhân duyên này nên đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, cho đến Phạm thiên tất cả đều diệt. Ngay lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt, sau đó súc sanh diệt; súc sanh diệt rồi thì ngạ quỷ diệt; ngạ quỷ diệt rồi thì A-tu-la diệt; A-tu-la diệt rồi thì Tứ thiên vương diệt; Tứ thiên vương diệt rồi thì Ðao-lợi thiên diệt; Ðao-lợi thiên diệt rồi thì Diệm-ma thiên diệt; Diệm-ma thiên diệt rồi thì Ðâu-suất thiên diệt; Ðâu-suất thiên diệt rồi thì Hóa tự tại thiên diệt; Hóa tự tại thiên diệt rồi thì Tha hóa tự tại thiên diệt; Tha hóa tự tại thiên diệt rồi thì Phạm thiên diệt; Phạm thiên diệt rồi thì sau đó con người diệt, không còn sót gì lại sau này. Khi con người đã diệt, không còn gì nữa, thì thế gian này sẽ hủy hoại cho đến thành là tai nạn. Sau đó trời không mưa, trăm thứ lúa thóc, cỏ cây tự nhiên chết khô.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát, vượt qua thế gian.

“Sau đó, qua một thời gian rất lâu, có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, đặt làm quỹ đạo của mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có hai mặt trời xuất hiện. Sau khi hai mặt trời xuất hiện, thì những giòng sông, ngòi, kênh, rạch nhỏ có được trên thế gian này, đều khô kiệt.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có ba mặt trời xuất hiện. Sau khi ba mặt trời xuất hiện, thì những nơi có nước nhiều như: sông Hằng, sông Da-bà-na, sông Bà-la, sông A-di-la-bà-đề, sông A-ma-khiếp, sông Tân-đà, sông Cố-xá tất cả đều khô cạn, không còn một giọt.

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ, Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có bốn mặt trời xuất hiện. Sau khi bốn mặt trời xuất hiện, thì những con suối, nguồn nước, hồ, vực, trong thế gian như ao lớn Thiện kiến, ao lớn A-nậu-đạt, ao Tứ-phương-đà-diên, ao Ưu-bát-la, ao Câu-vật-đầu, ao Phân-đà-lỵ, ao Ly; dọc ngang rộng năm mươi do-tuần, thảy đều khô cạn hết.

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó, một thời gian lâu dài, có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có năm mặt trời xuất hiện. Sau khi năm mặt trời xuất hiện, thì nước trong biển lớn bị vơi dần từ một trăm do-tuần cho đến bảy trăm do-tuần.

“Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Bấy giờ, nước biển lớn vơi dần hết chỉ còn có từ bảy trăm do-tuần, rồi sáu trăm do-tuần, rồi năm trăm do-tuần, rồi bốn trăm do-tuần, vàvà. cho đến chỉ tồn tại một trăm do-tuần. Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Bấy giờ, nước biển lớn từ từ vơi dần chỉ còn từ bảy do-tuần, rồi sáu do-tuần, rồi năm do-tuần vàvà. cho đến chỉ còn tồn tại một do-tuần.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó nước biển vơi dần chỉ còn từ bảy cây Ða-la, rồi sáu cây Ða-la, và. cho đến chỉ còn bằng một cây Ða-la.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy, nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó nước biển chuyển cạn dần từ bảy người, rồi sáu người, rồi năm người, rồi bốn người, rồi ba người, rồi hai người, rồi một người, cho đến chỉ còn từ thắt lưng, rồi đầu gối, rồi đến. mắt cá chân người.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng để cho con người chán nản và lo sợ, nên tìm đạo giải thoát độ thế gian.

“Sau đó, nước biển chỉ còn giống như sau cơn mưa xuân; cũng giống như nước trong dấu chân trâu, từ từ cạn hết, không đủ thấm ướt ngón tay người.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, dạt lên hai bờ; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có sáu mặt trời xuất hiện. Sau khi sáu mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, núi lớn, Tu-di sơn vương. đều bốc khói cháy xém, giống như thợ gốm khi bắt đầu đun đồ gốm, thì lúc sáu mặt trời xuất hiên lại cũng như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, dạt lên hai bờ; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có bảy mặt trời xuất hiện. Sau khi bảy mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu-di sơn vương. tất cả đều rực lửa. Cũng như thợ gốm khi đốt to, ngọn lửa bốc lên, lúc bảy mặt trời xuất hiên lại cũng như vậy.”

Phật bảo Tỳ t-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian. Bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu-di sơn vương. tất cả đều rực lửa. Cùng lúc, cung điện Tứ thiên vương, cung điện Ðao-lợi thiên, cung điện Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, cung điện Phạm thiên cũng đều rực lửa.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau khi bốn châu thiên hạ này. cho đến Phạm thiên, thảy đều rực lửa, gió thổi ngọn lửa đến cõi Quang âm thiên. Các Thiên tử sơ sinh khi thấy ngọn lửa này đều sanh lòng sợ hãi, nói rằng: Ối! Vật gì đây? Chư Thiên sinh trước nói với chư Thiên sinh sau rằng: Chớ sợ hãi! Lửa kia đã từng đến và dừng lại ngang đó. Vì nghĩ đến ánh lửa trước nên gọi là Quang niệm thiên.

“Khi bốn thiên hạ này,. cho đến Phạm thiên, bốc lửa, thì Tu-di sơn vương dần dần sụp lở, từ một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần. cho đến bảy trăm do-tuần.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau khi bốn châu thiên hạ này. cho đến Phạm thiên đều bị lửa đốt sạch, sau đó đại địa cùng Tu-di sơn không còn chút tro tàn nào hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.”

“Sau khi đại địa bị lửa đốt cháy sạch rồi, thì nước ở bên dưới đất cũng hết; gió ở bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Khi tai kiếp lửa khởi lên, thì trời không mưa xuống, trăm thứ lúa, cỏ, cây tự nhiên bị khô chết. Ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi! Cũng vậy, cho đến, nước ở bên dưới đất hết, gió ở bên dưới nước cũng hết; ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi!

“Ðó là tai kiếp lửa.

“Thế nào là sự phục hồi của kiếp lửa ? Sau đó rất lâu, rất lâu, có đám mây đen lớn ở giữa hư không, cho đến cõi Quang âm thiên; mưa đổ xuống khắp nơi, giọt mưa như bánh xe. Mưa như vậy trải qua vô số trăm ngàn năm, nước mưa lớn dần, cao đến vô số trăm ngàn do-tuần, cho đến cõi Quang âm thiên.

“Bấy giờ, có bốn trận gió lớn nổi lên, giữ nước này trụ lại. Những gì là bốn? Một là Trụ phong, hai là Trì phong, ba là Bất động, bốn là Kiên cố. Sau đó nước này vơi bớt một trăm ngàn do-tuần, rồi vô số trăm ngàn vạn do-tuần. Bốn mặt của nước này khởi lên trận gió lớn tên gió là Tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Phạm-ca-di. Khi nước kia vơi mãi cho đến vô số trăm ngàn vạn do-tuần, thì bốn mặt của nước này lại nổi lên gió lớn, được gọi là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Tha hóa tự tại.

“Khi nước kia vơi bớt mãi cho đến vô số ngàn vạn do-tuần, thì bốn mặt nước này nổi lên gió lớn, có gió tên là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Hóa tự tại.

“Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần, thì có gió tên là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Ðâu-suất.

“Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần, thì có gió tên là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Diệm-ma.

“Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần, thì trên nước có bọt và sâu sáu mươi vạn tám ngàn do-tuần, các biên của nó không có bờ mé. Cũng như dòng nước, suối, nguồn, hang, động ở thế gian này, trên nước của nó có bọt; thì kia cũng như vậy.

“Vì nhân duyên gì mà có núi Tu-di? Vì có cuồng phong nổi dậy, nên thổi bọt nước này tạo thành núi Tu-di, cao sáu mươi vạn tám ngàn do-tuần, dọc ngang tám vạn bốn ngàn do-tuần và do bốn báu tạo thành: vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.

“Vì nhân duyên gì mà có bốn cung điện A-tu-luân? Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, ở tại bốn mặt của núi Tu-di nổi lên cung điện lớn; mỗi cung điện dọc ngang tám vạn do-tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.

“Lại vì nhân duyên gì mà có cung điện của Tứ thiên vương? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên lưng chừng nửa núi Tu-di, độ bốn vạn hai ngàn do-tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu. Vì vậy cho nên gọi là cung điện Tứ thiên vương.

“Vì nhân duyên gì có cung điện Ðao-lợi thiên? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên tới đỉnh núi Tu-di, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.

“Lại vì nhân duyên gì mà có núi Già-đà-la? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tu-di không xa, tự nhiên hóa thành núi báu, chân núi ăn sâu vào trong đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, dọc ngang bốn vạn hai ngàn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp bên cạnh do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Già-đà-la.

“Lại vì nhân duyên gì mà có núi Y-sa? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Già-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi Y-sa, cao hai vạn một ngàn do-tuần, dọc ngang hai vạn một ngàn do-tuần, ngoài biên thì không hạn, nhiều màu sắc xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Y-sa. Sau khi cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Y-sa không xa, tự nhiên hóa thành núi Thọ-thần-đà-la , cao một vạn hai ngàn do-tuần, dọc ngang một vạn hai ngàn do-tuần, ngoài biên thì không hạn, nhiều màu xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Thọ-thần-đà-la.

“Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Thọ thần-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi A-bát-ni-lâu, cao sáu ngàn do-tuần, dọc ngang sáu ngàn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi A-bát-ni-lâu.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi A-bát-ni-lâu không xa, tự nhiên hóa thành núi Ni-lân-đà-la, cao ba ngàn do-tuần, dọc ngang ba ngàn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc tạp xen, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Ni-lân-đà-la.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Ni-lân-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi Tỳ-ni-đà , cao một ngàn hai trăm do-tuần, dọc ngang một ngàn hai trăm do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Tỳ-ni-đà.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tỳ-ni-đà không xa, tự nhiên hóa thành núi Kim cương luân, cao ba trăm do-tuần, dọc ngang ba trăm do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Kim cương luân.

“Vì sao có một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời? Một thời gian sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì bị bão thổi ngược trở lại chỗ cũ nên vì nhân duyên này mà có cung điện mặt trời và cung điện mặt trăng.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ. Vì nhân duyên này nên có bốn châu thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ.

“Sau đó, cuồng phong thổi bọt nước lớn, thì tại tứ thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ, tự nhiên biến thành núi Ðại Kim cương luân, cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, dọc ngang rộng mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, biên giới của nó thì không có hạn; kim cương rắn chắc không thể hủy hoại. Vì nhân duyên này nên có núi Ðại Kim cương luân.

“Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, có mây tự nhiên phủ đầy không trung và mưa lớn khắp nơi, những giọt nước mưa như bánh xe; nước này tràn đầy khắp nơi dìm bốn châu thiên hạ cùng núi Tu-di v. v.

“Sau đó, cuồng phong thổi đất làm thành hầm hố lớn; nước khe suối đều chảy vào hết trong đó, nhân đây mà làm thành biển. Vì nhân duyên này nên có bốn biển nước lớn. Nước biển mặn đắng có ba nhân duyên. Những gì là ba? Một, mây tự nhiên giăng khắp hư không cho đến Quang âm thiên, mưa khắp mọi nơi, tẩy rửa cung trời, rửa sạch thiên hạ; từ cung trời Phạm-ca-di, cung trời Tha hóa tự tại xuống đến cung trời Diệm-ma, bốn thiên hạ, tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương, thảy đều được tẩy rửa sạch sẽ; trong những nơi này, tất cả các thứ nước dịch bất tịnh, dơ dáy và mặn, đều trôi xuôi xuống mà vào trong biển cả hợp thành một vị, nên nước biển có vị mặn. Hai, vì xưa kia có vị Ðại tiên trì cấm chú vào nước biển, muốn cho lúc nào nó cũng mặn đắng, người không uống được, cho nên chúng mặn đắng. Ba, vì trong nước biển lớn này có nhiều loại chúng sanh cư trú, thân hình chúng to dài đến, hoặc trăm do-tuần, hai trăm do-tuần. cho đến bảy trăm do-tuần, thở hít, ăn vào mửa ra, đại tiểu tiện đều ở trong đó, nên nước biển mặn.

“Ðó là tai kiếp lửa .”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào là tai kiếp nước?

“Khi tai kiếp nước bắt đầu, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Sau khi tu tập thiện hành, có người đạt được đệ Tam thiền không có hỷ, thân họ có thể cất lên ở giữa hư không, an trụ Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền giả! Sung sướng thay, đệ Tam thiền không có hỷ! Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của Tam thiền không có hỷ. Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tam thiền không có hỷ. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tam thiền không có hỷ, nên khi thân hoại mạng chung họ được sinh về Biến tịnh thiên.

“Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp của họ đã mãn, thân hoại mạng chung tái sinh vào nhân gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tam thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, được sinh về Biến tịnh thiên. Những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương, Ðao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm thiên, Quang âm thiên sau khi thân hoại mạng chung cũng tái sinh vào cõi nhân gian; nếu họ cũng tu tập đạo của đệ Tam thiền, khi thân hoại mạng chung họ cũng sẽ được sinh về Biến tịnh thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục bị diệt tận và súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương. cho đến cõi Quang âm thiên cũng đều diệt tận. Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục biến mất, sau đó súc sanh biến mất; súc sanh biến mất rồi, thì ngạ quỷ biến mất; ngạ quỷ biến mất rồi, thì A-tu-luân biến mất; khi A-tu-luân biến mất rồi, thì Tứ thiên vương biến mất; khi Tứ thiên vương biến mất rồi, thì Ðao-lợi thiên biến mất, khi Ðao-lợi thiên biến mất rồi, thì Diệm-ma thiên biến mất; Diệm-ma thiên biến mất rồi, thì Ðâu-suất thiên biến mất; khi Ðâu-suất thiên biến mất rồi, thì Hóa tự tại thiên biến mất; khi Hóa tự tại thiên biến mất rồi, thì Tha hóa tự tại thiên biến mất; khi Tha hóa tự tại thiên biến mất rồi, thì Phạm thiên biến mất; khi Phạm thiên biến mất rồi, thì Quang âm thiên biến mất; khi Quang âm thiên biến mất, sau đó thì loài người hoàn toàn biến mất. Sau khi loài người hoàn toàn biến mất, thế gian này hủy diệt. Như thế là hoàn thành tai kiếp.

“Rất lâu sau đó, rất lâu, có đám mây đen lớn bạo khởi, trên cho đến Biến tịnh thiên, mưa khắp mọi nơi, mưa xuống hoàn toàn là nước nóng. Thứ nước này sôi sục, đun nấu thiên hạ, làm cho các cung điện cõi trời thảy đều bị tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như đặt chất béo váng sữa vào trong lửa, đều bị chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì cung điện Quang âm thiên cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, mưa này lại xâm phạm đến cung điện cõi trời Phạm-ca-di, cũng đun chảy tiêu hết, không sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì cung điện Phạm-ca-di lại cũng như vậy.

“Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến các cung điện Tha hóa tự tại thiên, Hóa tự tại thiên, Ðâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, cũng bị đun chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì các cung điện chư Thiên lại cũng như vậy.

“Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương cũng đều bị đun nấu tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, đều bị nung chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì những thứ này lại cũng như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, nước này đã đun nấu đại địa không còn sót gì nữa rồi, thì nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Sự nung chảy, tiến tận ngang đến cung điện Biến tịnh thiên này, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy mới có thể biết mà thôi!

“Từ cung điện Phạm-ca-di bị nung chảy tiêu hết. cho đến, nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy, mới có thể biết mà thôi!

“Ðó là tai họa do nước.

“Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp nước? Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Biến tịnh thiên, mưa khắp nơi, những giọt nước mưa như bánh xe. Mưa kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm như vậy, nước mưa này lớn dần dần cho đến cõi Biến tịnh thiên. Có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ đó là: một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố.

“Sau đó, nước này vơi giảm vô số trăm ngàn do-tuần, bốn mặt gió lớn nổi dậy gọi là tăng-già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang âm thiên, trang sức bằng bảy báu. Vì nhân duyên này mà có cung điện Quang âm thiên.

“Khi nước kia vơi giảm dần cho đến vô số trăm ngàn do-tuần, thì gió tăng già thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Phạm-ca-di, trang sức bằng bảy báu. Như đã kể, cho đến, nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như lúc tai họa do lửa phục hồi, đó là tai kiếp nước.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào là tai kiếp gió ? Khi tai kiếp gió bắt đầu khởi, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Khi tu tập hành vi thiện, thì có người đạt được đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh, họ ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền giả! Nên biết, sung sướng thay, đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Sung sướng thay, đệ Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! Xin vì tôi mà nói về đạo của Tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tứ thiền. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tứ thiền, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quả thật thiên.

“Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp đã mãn, thân hoại mạng chung, tái sinh vào nhân gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tứ thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, tái sinh về Quả thật thiên. Còn những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương,. cho đến Biến tịnh thiên, sau khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh vào cõi nhân gian; nếu cũng tu tập đạo của đệ Tứ thiền, khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh về Quả thật thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục được diệt tận và súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-luân, Tứ thiên vương. cho đến cõi Biến tịnh thiên cũng đều diệt tận.

“Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt tận, sau đó súc sanh diệt tận; súc sanh diệt tận rồi, thì ngạ quỷ diệt tận; khi ngạ quỷ diệt tận rồi, thì A-tu-luân diệt tận; khi A-tu-luân diệt tận rồi, thì Tứ thiên vương diệt tận; khi Tứ thiên vương diệt tận rồi. như vậy lần lượt cho đến Biến tịnh thiên diệt tận; khi Biến tịnh thiên diệt tận rồi, thì sau đó, con người bị diệt tận không còn sót. Khi con người đã bị diệt tận không còn sót, thì thế gian này bị tan hoại, thế là hoàn thành tai kiếp.

“Rất lâu, rất lâu sau đó, có gió lớn nổi lên, tên là đại tăng già,. cho đến Quả thật thiên. Gió lan khắp mọi nơi, thổi cung điện Biến tịnh thiên, Quang âm thiên, khiến cho các cung điện va chạm nhau tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, gió này thổi cung điện Phạm-ca-di thiên, Tha hóa tự tại thiên, các cung điện va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt thế gian.

“Sau đó, gió này thổi cung điện Hóa tự tại thiên, Ðâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, các cung điện này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn lại gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì những cung điện này va chạm nhau không còn gì hết cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, gió này thổi bốn thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương đem đặt giữa hư không, cao trăm ngàn do-tuần, những ngọn núi này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ tay cầm vỏ trấu nhẹ rải vào không trung, thì tứ châu thiên hạ, Tu-di, các núi này vỡ vụn, phân tán ra, cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, gió thổi đại địa; nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết. Cho nên phải biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Khi hai cung điện Biến tịnh thiên và Quang âm thiên va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, ai là người có thể tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi. Như vậy cho đến nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết, ai là người sẽ tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi.

“Ðó là tai kiếp gió.

“Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp?

“Sau một thời gian rất lâu xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Quả thật thiên. Rồi mưa xuống khắp nơi; những giọt nước mưa như bánh xe, mưa kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm, nước này lớn dần, cho đến Quả thật thiên. Lúc bấy giờ, có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ. Những gì là bốn? Một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố. Sau đó, nước này dần dần rút xuống vô số trăm ngàn do-tuần; bốn phía mặt nước gió lớn nổi dậy, gọi là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Biến tịnh thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc. Vì nhân duyên này mà có cung điện Biến tịnh thiên.

“Khi nước kia rút dần cho đến vô số trăm ngàn do-tuần, thì gió tăng già kia thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang âm thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc. cho đến nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như đã nói về tai kiếp lửa.

“Ðó là tai kiếp gió. Ðó là ba tai kiếp và là ba lần phục hồi.”

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 10: CHIẾN ÐẤU

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vào thuở xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân chiến đấu. Bấy giờ Thích Ðề-hoàn Nhân lệnh gọi chư Thiên Ðao-lợi đến bảo rằng: Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thiện pháp. Ta muốn nhìn thấy. Rồi, chư Thiên Ðao-lợi sau khi vâng lệnh Ðế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Lúc bấy giờ, A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-luân rằng: Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích Ðề-hoàn Nhân, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp. Ta muốn nhìn thấy. Rồi, các A-tu-luân sau khi vâng lệnh của A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Bấy giờ, chư Thiên cùng chúng A-tu-luân chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng và A-tu-luân bại trận. Chư Thiên Ðao-lợi bắt vua A-tu-luân trói lại với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường, cho Thiên Ðế Thích nhìn thấy. Khi ấy vua A-tu-luân thấy sự khoái lạc ở trên Trời, sanh lòng quyến luyến vui thích, liền tự nghĩ: Nơi này thù thắng, khả dĩ ở được; trở lại cung điện A-tu-luân làm gì? Khi khởi lên ý nghĩ này, thì năm nơi đang bị trói trên thân lập tức được mở ra và năm thứ dục lạc ở trên Trời hiện ra trước mắt. Nhưng nếu A-tu-luân nghĩ đến việc trở lại cung điện trước kia, thì năm nơi trên thân liền bị trói chặt trở lại và năm thứ dục lạc tự biến mất. Khi ấy những nơi bị trói buộc trên thân của A-tu-luân trở nên bền chắc hơn. Sự trói buộc của Ma còn hơn thế nữa. Chấp ta và người, là sự trói buộc của Ma. Không chấp ta và người thì sự trói buộc của Ma được cởi mở. Chấp thủ ngã là bị trói, chấp thủ ái là bị trói, tự ngã sẽ tồn tại là bị trói, tự ngã sẽ không tồn tại là bị trói; tự ngã có sắc là bị trói, tự ngã không sắc là bị trói, tự ngã vừa có sắc vừa không có sắc là bị trói, tự ngã có tưởng là bị trói, tự ngã không có tưởng là bị trói, tự ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng là bị trói; tự ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền thánh biết rằng tự ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn, nên xả bỏ ý tưởng về tự ngã mà tu vô ngã hành. Hãy quán sát tự ngã kia là một gánh nặng, là buông lung, là hữu ; sẽ tồn tại tự ngã là hữu vi, sẽ không tồn tại tự ngã là hữu vi; tự ngã có sắc là hữu vi, tự ngã không có sắc là hữu vi, tự ngã vừa có sắc vừa không có sắc là hữu vi; tự ngã có tưởng là hữu vi; tự ngã không có tưởng là hữu vi; tự ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng là hữu vi; hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền thánh biết rằng hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn, nên xả bỏ hữu vi mà thực hành vô vi hành.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vào thuở xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân chiến đấu. Bấy giờ Thích Ðề-hoàn Nhân lệnh gọi chư Thiên Ðao-lợi đến bảo rằng: Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường thiện pháp. Ta muốn nhìn thấy. Rồi, chư Thiên Ðao-lợi sau khi vâng lệnh Ðế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Lúc bấy giờ, A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-luân rằng: Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích Ðề-hoàn Nhân, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp. Ta muốn nhìn thấy.Rồi, các A-tu-luân sau khi vâng lệnh của A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Rồi thì, chư Thiên cùng chúng A-tu-luân chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng và A-tu-luân bại trận. Chư Thiên Ðao-lợi bắt vua A-tu-luân trói chặt với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường, cho Thiên Ðế Thích nhìn thấy. Lúc ấy, Thiên Ðế Thích thong thả dạo trên Thiện pháp đường. Vua A-tu-luân từ xa trông thấy Ðế Thích, tuy đang bị trói chặt với năm chỗ trói, mở miệng mắng chửi.

“Lúc đó, người hầu của Thiên đế, ở trước mặt Thiên đế liền nói kệ rằng:

Việc gì Thiên đế sợ,
Tự lộ yếu kém mình.
Bị mắng thẳng vào mặt,
Sao lặng nghe lời ác?”

“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích đáp lại người hầu bằng bài kệ rằng:

Nó cũng không sức mạnh,
Ta cũng không sợ hãi.
Việc gì, người đại trí,
Hơn thua với kẻ ngu.

“Lúc bấy giờ, người hầu lại làm bài tụng tâu Ðế Thích rằng:

Nay không bẻ đứa ngu,
E sau càng khó nhịn.
Hãy đánh nó bằng gậy,
Khiến kẻ ngu hối lỗi.

“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:

Ta thường bảo, người trí
Không tranh cùng kẻ ngu;
Nếu ngu mắng, trí im,
Thì thắng kẻ ngu này.

“Khi ấy, người hầu lại làm bài tụng tâu Ðế Thích rằng:

Thiên vương sở dĩ im,
Vì e giảm đức trí;
Nhưng kẻ ngu độn kia,
Cho vua lòng sợ hãi.
Kẻ ngu không tự lượng,
Cho có thể địch vua;
Liều chết đến xúc phạm,
Muốn vua lui như trâu.

“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:

Người ngu không tri kiến,
Bảo ta lòng sợ hãi.
Ta quán đệ nhất nghĩa:
Nhẫn nhục là tối thượng.
Ðiều xấu trong các xấu:
Trong sân lại nổi sân;
Ở trong sân không sân,
Là chiến đấu tối thượng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn.
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Thiên Ðế Thích há là người nào khác sao? Không nên có ý nghĩ như vậy. Lúc ấy, Thiên Ðế Thích chính là bản thân Ta vậy. Vào lúc bấy giờ, Ta tu tập nhẫn nhục, không hành động nóng vội, thường thường khen ngợi người hay nhẫn nhục. Nếu có người trí nào muốn hoằng dương đạo của Ta, thì phải tu tập nhẫn nhục im lặng, chớ ôm lòng phẫn hận đấu tranh.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, chư Thiên Ðao-lợi cùng A-tu-luân đánh nhau. Bấy giờ Thích Ðề-hoàn Nhân nói với A-tu-luân Chất-đa rằng: Tại sao các khanh lại ôm lòng sân hại, trang bị binh khí, đánh nhau để làm gì? Nay sẽ cùng ngươi giảng luận đạo lý, để biết rõ thắng thua. Lúc ấy, Chất-đa A-tu-luân kia nói với Ðế Thích rằng: Giả sử, nếu vất bỏ binh khí, chỉ bàn luận tranh tụng về nghĩa lý thôi, vậy thì ai biết thắng bại? Ðế Thích dạy rằng: Chỉ cần bàn luận thôi, hiện tại trong chúng của ngươi và trong chúng chư Thiên của Ta, tự có người có trí tuệ biết rằng ai thắng, ai bại. Lúc ấy, A-tu-luân nói với Ðế Thích rằng: Nhà ngươi nói kệ trước đi. Ðế Thích trả lời: Nhà ngươi là Cựu thiên, nhà ngươi nên nói trước đi. Bấy giờ, Chất-đa A-tu-luân liền vì Ðế Thích mà làm kệ:

Nay không bẻ đứa ngu,
E sau càng khó nhịn.
Hãy đánh nó bằng gậy,
Khiến kẻ ngu hối lỗi.

“Sau khi A-tu-luân nói bài kệ này xong, thì chúng A-tu-luân phấn khởi vui mừng, cao tiếng khen hay. Chỉ có chúng chư Thiên là im lặng không nói. Rồi vua của A-tu-luân nói với Ðế Thích rằng: Ðến lượt ngươi nói kệ. Bấy giờ, Ðế Thích liền nói kệ cho A-tu-luân nghe:

Ta thường bảo, người trí
Không tranh cùng kẻ ngu;
Nếu ngu mắng, trí im,
Thì thắng kẻ ngu này.

“Sau khi Thiên Ðế Thích nói bài kệ này xong, thì chư Thiên Ðao-lợi đều rất đỗi vui mừng, cất tiếng khen hay. Lúc này chúng A-tu-luân im lặng không nói. Bấy giờ, Thiên Ðế Thích nói với A-tu-luân rằng: Ðến lượt nhà ngươi nói kệ.

Lúc này, A-tu-luân lại nói kệ:

Thiên vương sở dĩ im,
Vì e giảm đức trí;
Nhưng kẻ ngu độn kia,
Cho vua lòng sợ hãi.
Kẻ ngu không tự lượng,
Cho có thể địch vua;
Liều chết đến xúc phạm,
Muốn vua lui như trâu.

“Sau khi A-tu-luân nói bài kệ này xong, thì chúng A-tu-luân nhảy nhót vui mừng, lớn tiếng khen hay. Lúc này chúng Ðao-lợi thiên im lặng không nói. Bấy giờ, A-tu-luân vương nói với Ðế Thích rằng: Ðến lượt nhà ngươi nói kệ.

Thiên Ðế Thích bèn nói kệ cho A-tu-luân nghe rằng:

Người ngu không tri kiến,
Bảo Ta lòng sợ hãi.
Ta quán đệ nhất nghĩa:
Nhẫn nhục là tối thượng.
Ðiều xấu trong các xấu:
Trong sân lại nổi sân;
Ở trong sân không sân,
Là chiến đấu tối thượng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn.
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được.

“Sau khi Thích Ðề-hoàn Nhân nói bài kệ này xong, thì chúng Ðao-lợi thiên nhảy nhót vui mừng, cất tiếng khen hay; chúng A-tu-luân thì im lặng không nói. Lúc này, chúng Trời và chúng A-tu-luân, tạm thời tự rút lui, cùng bảo nhau rằng: Những bài kệ tụng của A-tu-luân nói ra có điều xúc phạm, dấy lên sự đáp trả bằng đao kiếm, làm nảy sinh ra gốc rễ của đấu tranh và kiện tụng, nuôi lớn các oán kết, dựng lập gốc cây tam hữu. Còn những bài kệ tụng của Thiên Ðế Thích nói ra không gây xúc nhiễu, không đưa đến đao kiếm, không sinh ra tranh đấu kiện tụng, không nuôi lớn oán kết, tuyệt gốc tam hữu. Những lời nói của Thiên Ðế Thích là tốt lành; chư Thiên đã thắng, A-tu-luân đã bại.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Thiên Ðế Thích là người nào khác sao? Chớ có quan niệm này! Vì sao? Vì đó chính là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta dùng những lời nhu hòa mà thắng chúng A-tu-luân.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, khi chư Thiên lại đánh nhau với A-tu-luân lần nữa. Bấy giờ A-tu-luân thắng, chư Thiên bại. Lúc ấy, Thích Ðề-hoàn Nhân sợ hãi cưỡi xe báu ngàn căm bỏ chạy; giữa đường thấy trên cây Thiểm-bà-la có một tổ chim, trong tổ có hai con chim con, liền dùng kệ tụng bảo người điều khiển xe rằng:

Cây này có hai chim,
Người nên lui xe tránh,
Chẳng thà giặc hại ta,
Chớ thương tổn hại chim.

“Sau khi người điều khiển xe nghe Ðế Thích nói kệ, liền dừng xe và quay xe tránh chim trên cây. Khi ấy, đầu xe quay về phía A-tu-luân. Chúng A-tu-luân từ xa nhìn thấy xe báu quay đầu lại, quân của chúng bảo nhau: Giờ Thiên Ðế Thích cưỡi xe báu ngàn căm quay đầu nhắm về phía chúng ta, có lẽ muốn giao đấu trở lại. Chúng ta không thể đượng cự được! Chúng A-tu-luân liền thối lui và tan rã, nhân đây mà chư Thiên chiến thắng và A-tu-luân bại tẩu.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Ðế Thích há là người nào khác sao? Chớ có quan niệm như vậy! Vì sao? Vì chính đó là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta đối với chúng sanh phát khởi lòng thương xót. Này các Tỳ-kheo, các Thầy ở trong pháp của Ta xuất gia tu đạo, thì nên phát khởi lòng từ bi, thương xót chúng sanh.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân đánh nhau. Bấy giờ chư Thiên đắc thắng và A-tu-luân bại trận. Sau khi chiến thắng, Thiên Ðế Thích trở về cung, xây dựng một ngôi nhà đặt tên là Tối thắng, Ðông Tây dài một trăm do-tuần, Nam Bắc rộng sáu mươi do-tuần. Ngôi nhà này gồm trăm gian, trong mỗi gian có bảy đài giao lộ. Trên mỗi đài có bảy ngọc nữ; mỗi ngọc nữ có bảy người để sai. Thích Ðề-hoàn Nhân cũng không lo cung cấp các thứ trang điểm, áo chăn, đồ ăn thức uống; mà tất cả tùy theo hành vi đã tạo từ trước, mỗi người tự thọ lãnh phước báo ấy. Do chiến thắng A-tu-luân, nên nhân đây lòng sinh vui mừng mà xây dựng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng đường. Lại nữa, những ngôi nhà có được trong ngàn thế giới xem ra không có ngôi nhà nào bằng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, A-tu-luân tự nghĩ rằng: Ta có oai đức lớn, thần lực không phải ít, nhưng Ðao-lợi thiên, mặt trời, mặt trăng, chư Thiên thường ở nơi hư không, du hành tự tại trên đỉnh đầu ta. Nay ta hãy lấy mặt trời, mặt trăng này làm ngọc đeo tai, thử chúng có còn du hành tự tại được không?

“Rồi, vua A-tu-luân nổi lòng sân hận cực độ, liền nghĩ đến A-tu-luân Chùy Ðỏa ; A-tu-luân Chùy Ðỏa lại nghĩ rằng: Hiện nay, vua A-tu-luân đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A-tu-luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến A-tu-luân Xá-ma-lê. A-tu-luân Xá-ma-lê lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A-tu-luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Tỳ-ma-chất-đa A-tu-luân. Tỳ-ma-chất-đa A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A-tu-luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Ðại thần A-tu-luân; Ðại thần A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A-tu-luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến các Tiểu A-tu-luân. Các Tiểu A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cưỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A-tu-luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua A-tu-luân là La-ha liền tự mình trang bị, mình mặc áo giáp đồng báu, đóng ngựa vào các cỗ xe báu, cùng với vô số trăm ngàn chúng A-tu-luân và binh khí trang bị, vây quanh trước sau, ra khỏi chỗ ở của chúng, muốn đến đánh nhau cùng chư Thiên.

“Bấy giờ, Nan-đà Long vương và Bạt-nan-đà Long vương dùng thân mình quấn quanh núi Tu-di bảy vòng làm chấn động cả sơn cốc, trải một lớp mỏng mây mờ, lơ thơ từng giọt mưa rơi và dùng đuôi đập vào nước biển làm cho nước biển dậy sóng, dâng đến đỉnh núi Tu-di. Lúc bấy giờ, Ðao-lợi thiên liền tự nghĩ: Nay, mây mờ giăng mỏng, lơ thơ từng giọt mưa rơi, nước biển dậy sóng, lên đến tận nơi này, chắc thế nào A-tu-luân cũng muốn đến đây gây chiến, nên có những điềm lạ này chăng!

“Lúc này, nhiều vô số ức vạn binh chúng các loài rồng trong biển, đều cầm giáo mác, cung tên, đao kiếm, áo giáp đồng dày và trang bị binh khí tề chỉnh, đối đầu cùng quân binh A-tu-luân chiến đấu. Khi binh chúng các loài rồng mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu các loài rồng mà bị bại, thì các loài rồng không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Già-lâu-la báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn đánh nhau với chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh, nhưng hiện chúng đang đắc thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để chiến đấu cùng với chúng. Sau khi các quỷ thần nghe xong, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, cùng các loài rồng hợp tác chiến đấu chống lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy lui đến chỗ quỷ thần Trì Hoa báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.

“Sau khi các quỷ thần Trì Hoa nghe các loài rồng nói rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Thường Lạc báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn đánh nhau cùng chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.

“Sau khi các quỷ thần Thường Lạc nghe nói rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến Tứ thiên vương báo cáo rằng: Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng chư Thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngài nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.

“Sau khi Tứ thiên vương nghe những lời này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A-tu-luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu không thì Tứ thiên vương sẽ đến giảng đường Thiện pháp, tâu Thiên Ðế Thích và chư Thiên Ðao-lợi rằng: Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng chư Thiên. Nay chư Thiên Ðao-lợi hãy tự trang bị, chuẩn bị binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đi đánh nhau với chúng.

“Bấy giờ, Thiên Ðế Thích ra lệnh cho người hầu rằng: Ngươi đem lời nói của ta đến báo lại cho Diệm-ma thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên rằng: A-tu-luân cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay chư Thiên nên tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí để hỗ trợ ta chiến đấu.

“Bấy giờ, người hầu này vâng lệnh của Ðế Thích, liền đến Diệm-ma thiên. cho đến Tha hóa tự tại thiên, đem những lời của Ðế Thích mà báo cáo rằng: A-tu-luân cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay chư Thiên nên tự trang bị, chuẩn bị binh khí để hỗ trợ ta chiến đấu.

“Sau khi Diệm-ma thiên nghe những lời này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm ngàn Thiên chúng trước sau vây quanh, đóng binh tại phía Ðông của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Ðâu-suất nghe những lời này rồi, cũng liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm ngàn Thiên chúng, đóng binh tại phía Nam của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Hóa tự tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía tTây của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Tha hóa tự tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía Bắc của núi Tu-di.

“Khi Thiên Ðế Thích nghĩ đến ba mươi ba vị Thiên thần của Ðao-lợi thiên, thì ba mươi ba vị Thiên thần của Ðao-lợi thiên tự nghĩ rằng: Hiện tại Thiên Ðế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, cưỡi cỗ xe báu, cùng vô số chúng chư Thiên trước sau vây quanh, đến trước Thiên Ðế Thích, đứng một bên.

“Khi Thiên Ðế Thích nghĩ đến các Thiên thần khác của Ðao-lợi, thì các Thiên thần khác của Ðao-lợi liền tự nghĩ rằng: Hiện tại Ðế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số chúng chư Thiên trước sau vây quanh, đến trước Ðế Thích, đứng một bên.

“Khi Thiên Ðế Thích nghĩ đến quỷ thần Diệu Tượng, thì quỷ thần Diệu Tượng liền tự nghĩ rằng: Hiện tại Ðế Thích đã nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị. Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số Thiên chúng trước sau vây quanh, đến đứng trước Ðế Thích.

“Khi Ðế Thích nghĩ đến Long vương Thiện Trụ, thì Long vương Thiện Trụ tự nghĩ rằng: Nay Thiên Ðế Thích nghĩ đến ta, nay ta nên đến. Long vương Thiện Trụ liền đi đến đứng trước Ðế Thích.

“Lúc này, Ðế Thích liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, mình mặc áo giáp đồng báu, cưỡi trên đỉnh đầu Long vương Thiện Trụ, cùng vô số chư Thiên, quỷ thần trước sau vây quanh, tự ra khỏi thiên cung, đánh nhau với A- tu- luân. Ðồ vật trang bị như các thứ binh khí, đao kiếm, giáo, mác, cung tên, rìu, đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây tơ cột, binh khí, áo giáp đồng, tất cả đều dùng bảy báu để tạo thành. Lại dùng mũi nhọn đâm thêm vào người A- tu- luân, nhưng thân ông ta vẫn không bị thương tổn, chỉ chạm vào bên ngoài khi đâm mà thôi. Chúng A-tu-luân tay cũng cầm đao kiếm bảy báu, giáo mác, cung tên, rìu đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây cột bằng tơ và dùng mũi nhọn đâm thêm vào thân chư Thiên, nhưng cũng chỉ chạm đến bên ngoài mà thôi, không gây bất cứ thương tổn nào.

“Như vậy, dục khiến chư Thiên cùng A-tu-luân đánh nhau; do bởi nhân là dục như vậy.”

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Trời Đất Từ Đâu Mà Có

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Tiếp Theo.....

PHẨM 11: BA TRUNG KIẾP

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Có ba trung kiếp. Những gì là ba? Một là kiếp đao binh. Hai là kiếp đói kém. Ba là kiếp tật dịch.

“Thế nào là kiếp đao binh?

“Người thế gian này vốn thọ bốn vạn tuổi. Sau đó giảm xuống, thọ hai vạn tuổi. Sau đó lại giảm nữa, thọ một vạn tuổi. Lần lượt giảm, thọ một ngàn năm, năm trăm năm, ba trăm năm, hai trăm năm. Như nay con người thọ một trăm tuổi, với số ít vượt quá, mà phần nhiều là dưới. Sau đó, tuổi thọ con người giảm dần xuống còn mười tuổi. Khi đó, người nữ sinh ra chừng năm tháng là đi lấy chồng. Bấy giờ, các loại mỹ vị có được trong thế gian như bơ sữa, mật, đường thẻ, đường đen, những gì có vị ngon, tự nhiên biến mất; ngũ cốc không sinh sản, chỉ còn có loại lúa hoang mà thôi. Lúc này, các loại y phục cao cấp như gấm vóc, lụa là , kiếp-bối, sô-ma, tất cả đều không còn nữa, mà chỉ còn có loại vải dệt thô sơ bằng cỏ. Bấy giờ, mặt đất này hoàn toàn chỉ sinh gai góc, muỗi mòng, ong, bọ cạp, rắn, rết, trùng độc; còn vàng bạc, lưu ly, bảy báu, châu ngọc, tự nhiên chúng bị vùi vào đất hết và chỉ có đá, cát, các thứ xấu xí là dẫy đầy. Lúc này chúng sanh chỉ làm mười điều ác càng ngày càng tăng, không còn nghe đến danh từ mười điều thiện, cho đến không có cả danh từ thiện, huống chi là có người làm việc thiện? Bấy giờ, trong loài người ai không có hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, hay làm việc ác thì được cúng dường, được mọi người cung kính hầu hạ. Cũng như người nay ai hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, thường làm việc lành, thì được cúng dường, được mọi người cung kính hầu hạ, thì người làm việc ác kia lại cũng được cúng dường như vậy. Bây giờ, con người thân hoại mạng chung bị đọa vào trong súc sanh, cũng như con người hiện tại được sinh lên cõi trời. Lúc đó con người gặp nhau thường ôm lòng độc hại, chỉ muốn giết nhau; cũng giống như thợ săn gặp được đàn nai, chỉ muốn giết chúng, không có bất cứ một ý nghĩ thiện nào; con người lúc đó cũng như vậy, chỉ muốn giết nhau, không có một chút ý nghĩ thiện nào. Bấy giờ, mặt đất này chỉ là sông ngòi, khe suối, núi đồi, đất đống, không có chỗ đất nào bằng phẳng cả. Khi có người đi đến, tức thì kinh sợ, run rẩy, lông tóc dựng đứng.

“Bấy giờ, trong vòng bảy ngày có sự nổi lên của kiếp đao kiếm. Lúc ấy, những thứ cỏ, cây, ngói, đá mà con người cầm trong tay đều biến thành đao kiếm; những thứ đao kiếm này rất bén nhọn, đụng đến vật gì thì vật đó đều sẽ bị cắt đứt. Chúng sát hại lẫn nhau. Trong lúc này có người có trí tuệ thấy đao binh sát hại nhau nên hoảng sợ tránh vào núi rừng, hang động, khe suối, những chỗ không người. Trốn tránh trong vòng bảy ngày, tâm nghĩ miệng tự nói: Ta không hại người, người chớ hại ta. Trong vòng bảy ngày người này chỉ ăn rễ cây cỏ để tự nuôi sống mình. Qua bảy ngày, sau đó mới lại ra khỏi rừng núi. Lúc này, gặp được một người, vui mừng nói rằng: Nay gặp được người còn sống! Nay gặp được người còn sống! Cũng giống như cha mẹ vì gặp lại một người con bị thất lạc lâu ngày không thấy nhau, nên vui mừng nhảy nhót mà không thể tự kiềm chế chính mình được, thì sự kiện người này cũng như vậy, vì sự vui mừng nên nhảy nhót mà không thể tự kiềm chế được cảm xúc vui nơi chính mình. Khi ấy thì người dân trong vòng bảy ngày chỉ có khóc lóc mà thôi; cũng trong vòng bảy ngày này họ lại cùng gặp vui nên vui vẻ chúc mừng nhau. Người lúc bấy giờ khi thân hoại mạng chung đều đọa vào địa ngục. Vì sao? Vì con người ấy luôn luôn ôm lòng sân hận và phẫn nộ, họ chỉ có một tâm hại nhau mà thôi, vì không có tâm nhân từ nên gọi là kiếp đao binh.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào gọi là kiếp đói kém? Con người bấy giờ phần nhiều làm những việc phi pháp, tà kiến điên đảo, làm mười nghiệp ác. Vì làm mười nghiệp ác nên trời không mưa xuống, làm cho trăm thứ cỏ cây chết khô, ngũ cốc không thành, mà chỉ có gốc rạ mà thôi.

“Thế nào gọi là đói kém? Vì lúc bấy giờ, người dân phải thu quét những hạt thóc còn rơi rớt lại các nơi như ruộng vườn, đường sá, đầu ngõ và trong phân đất để tự sống còn, nên mới gọi là đói kém.

“Lại nữa, lúc đói kém, người bấy giờ lượm nhặt xương cốt từ những nơi như lò sát sanh, chợ búa, các đường sá và các bãi tha ma, rồi nấu nước trấp mà uống, nhờ vậy mà họ sống, nên gọi là đói xương trắng.

Lại nữa, vào kiếp đói kém, ngũ cốc được gieo trồng đều biến thành cỏ cây. Con người lúc này lấy bông nấu nước trấp để uống. Lại nữa, vào thời đói kém, bông của các loài cây cỏ rụng phủ kín cả mặt đất, lúc ấy mọi người phải đào đất lấy bông để nấu ăn, nhờ vậy mà tự tồn tại, nên gọi là đói cây cỏ. Bấy giờ, chúng sanh thân hoại mạng chung đọa vào trong ngạ quỷ. Sao vậy? Vì những người sống trong kiếp đói kém này, thường ôm lòng tham lam keo bẩn, không có lòng bố thí nhân ái, không chịu chia xẻ cùng người và không nhớ nghĩ đến những tai ách của người khác.

“Đấy là kiếp đói kém.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào là kiếp tật dịch? Người đời bấy giờ, tu hành chánh pháp, chánh kiến không điên đảo, đầy đủ thập thiện hành. Có quỷ thần thế giới phương khác đến, mà quỷ thần ở đây thì buông lung dâm loạn, không thể hộ vệ con người được. Quỷ thần thế giới khác xâm lấn, nhiễu loạn con người thế gian này, họ dùng tay đánh đập, dùng gậy quật ngã, rồi hút lấy tinh khí, khiến cho tâm người loạn lên, rồi cưỡng bức mang đi. Giống như quốc vương ra lệnh cho các tướng soái những thứ phải bảo vệ, nhưng giặc cướp ở phương khác đến xâm phạm quấy nhiễu, mà các tướng soái ở đây lại buông lung, nên nước nhà bị chúng cướp mất. Ở đây cũng vậy, những quỷ thần ở thế giới khác đến bắt giữ mọi người ở thế gian này, chúng đánh đập, quật ngã, rồi hút lấy tinh khí mọi người và cưỡng bức mang đi.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Giả sử quỷ thần ở thế gian này dù không buông lung dâm loạn, nhưng khi quỷ thần có sức mạnh lớn ở thế giới khác đến, thì quỷ thần ở thế gian này cũng phải sợ hãi mà đi trốn. Các đại quỷ thần kia bèn xâm lấn, quấy nhiễu người ở đây, đánh đập, quật ngã, hút lấy tinh khí, giết chết rồi bỏ đi. Giống như quốc vương, hay đại thần của quốc vương sai khiến các tướng soái bảo vệ nhơn dân; tuy tất cả các tướng lãnh này đều trong sạch thận trọng, không buông lung, nhưng khi các tướng soái mạnh bạo, có binh lính đông đảo kia lại đến khuấy phá thành ấp, làng xóm, mà cướp đoạt người vật. Thì ở đây lại cũng như vậy, nếu quỷ thần ở thế gian này dù không dám buông lung đi nữa, nhưng khi các quỷ thần có sức mạnh lớn ở thế giới khác đến, thì các quỷ thần thế gian này cũng sẽ sợ hãi tránh đi và những hàng quỷ thần lớn mạnh kia sẽ xâm đoạt, nhiễu hại người thế gian này; đánh đập, quật ngã, hút lấy tinh khí và giết hại mọi người rồi bỏ đi.

“Khi ấy, người dân trong kiếp tật dịch, sau khi thân hoại mạng chung đều sinh lên cõi trời. Vì sao? Vì con người lúc ấy đều hướng tâm từ bi đến nhau, thăm hỏi nhau: “Bệnh tật của bạn có giảm không? Thân thể có được an ổn không? Vì những nhân duyên này, nên họ được sinh lên cõi trời. Cho nên gọi là kiếp tật dịch.

“Đó là ba trung kiếp.”

[RIGHT]CÒN TIẾP[/RIGHT]


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.27 khách