Những Điều Cần Hiểu Với Với Việc Tang Thương

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

hahaothien
Bài viết: 150
Ngày: 04/06/09 06:56
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam

Những Điều Cần Hiểu Với Với Việc Tang Thương

Bài viết chưa xem gửi bởi hahaothien »

Việc tang thương theo Phật Giáo và những điều rất quan trọng đối với người thân và người chết. Liên quan rất nhiều về Cận Tử Nghiệp

(Trích trong tác phẩm " Phật Giáo Nhìn Toàn Diện" - HT Piyadassi

Tang Lễ Theo Phật Giáo

Cũng như trong trường hợp lễ cưới, tang lễ của người Phật tử được cử hành đơn giản, không có chi phiền phức. Khi một người Phật tử qua đời thân nhân cung thỉnh chư tăng về nhà người chết hoặc đến nghĩa trang để hành lễ. Trước tiên mọi người đọc kinh quy y Tam Bảo (tisaranà) và thọ ngũ giới (panca sìla).

Kế đó những người thân (con cái, trong trường hợp người quá vãng là cha mẹ) dâng vải trắng đến chư tăng. Phước báu phát sanh do sự cúng dường này được hồi hướng đến người quá vãng như sau:
Idam me nàtinam hotu
Sukhità hontu nàtayo.

"Xin hồi hướng (phước báu) này đến thân nhân của tôi đã quá vãng.
Ngưỡng nguyện thân nhân tôi được an lành hạnh phúc!"

Trong khi đọc câu kinh Pali trên, con cái hay người thân trong nhà từ từ sớt nước từ một lọ nhỏ vào cái chén không cho đến lúc nước đầy tràn, một cử chỉ tượng trưng là phước báu đã được hồi hướng. Lúc ấy chư tăng đọc tụng câu kinh đặc biệt thích hợp với cơ hội này:

Aniccà vata samkhàrà -- uppàda vaya dhammino
Uppajjitvà nirujjhanti -- tesam vupasamo sukho.
"Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường,
Sanh rồi diệt, đó là bản chất thiên nhiên của chúng;
Chúng phát sanh và hoại diệt,
Thoát ra khỏi chúng là hạnh phúc tối thượng."

Sau đó là một thời Pháp ngắn nhấn mạnh về đặc tướng vô thường của vạn pháp -- rằng cái chết đến với tất cả mọi người và chấm dứt cuộc sống ngắn ngủi này.

Vào ngày thứ sáu sau khi thân nhân lâm chung, người nhà cung thỉnh một vị sư về vào một buổi chiều tối để thuyết Pháp, Thông thường, vị Pháp Sư giảng về hai thực tại của đời sống, vô thường và đau khổ, và bản chất của thảm kịch sống và chết.

Vào ngày thứ bảy, nhiều vị sư được thỉnh về nhà thọ trai (dàna) và đọc kinh hồi hướng đến người quá cố. Phần lớn các nghi thức ấy cũng được lặp lại khi đúng ba tháng.

Nếu sống trong một xứ không có Phật Giáo, không có nhà sư, thì hàng cư sĩ có thể đọc chung với nhau hai câu kinh trên và hồi hướng đến người quá cố.

Vào Lúc Lâm Chung

Có những sự hiểu biết hữu ích để giúp người ta sanh đẻ dễ dàng, nhưng không có ngành khoa học nào giúp người từ giã cõi đời, ra đi một cách thoải mái. Phật Giáo chú trọng nhiều về phần tâm linh, xem chập tư tưởng cuối cùng của người sắp lâm chung thật vô cùng quan trọng, vì nó tạo duyên cho kiếp sinh tồn sắp tới. Trong nhiều trường hợp, khi biết một người sắp chết, Ðức Phật nói lên những lời thích nghi có nhiều ý nghĩa nhằm đặt cái tâm người ấy vào khuôn khổ chân chánh.

Chỉ thoáng nhìn thấy Ðức Phật hoặc, vào thời buổi không có một vị Phật hay một vị A La Hán, hình dáng nhà sư hay một người thánh thiện cũng là niềm an ủi lớn lao cho người lâm chung. Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú có ghi chép câu chuyện sau đây: [5]

Tại Sàvatthì có người Bà la môn bẩm tánh hà tiện. Con duy nhất của ông ta tên Matthakundali. Khi đứa bé lên mười sáu thì thình lình lâm bịnh. Mẹ em rất muốn dẫn em đến nhờ lương y chẩn mạch, nhưng người cha tiếc tiền, chỉ cho đi nếu không mất chút ít tiền của gì của ông. Khi sức khỏe con quá kiệt quệ ông mới bằng lòng cho rước thầy. Nhưng thầy cũng chạy, vì bịnh tình đã trầm trọng đến mức không còn có thể chữa.

Người cha biết chắc rằng con mình sắp chết mới nghĩ thầm: "Khi con ta chết ắt có đông bạn bè và bà con quyến thuộc đến viếng và họ sẽ dòm ngó của cải trong nhà. Ta sẽ gặp khó khăn." Và ông để cho đứa con bịnh nằm trước hàng ba.

Biết tình trạng đáng thương của em bé, Ðức Phật đến viếng. Ðứa bé đang lâm chung thoáng nhìn thấy hình dáng của Ðức Bổn Sư, sáng ngời và rực rỡ tâm từ vô lượng. Một hình ảnh cao cả vĩ đại mà trước đây em chưa từng bao giờ thấy. Trong tình trạng vô cùng phỉ lạc ấy em muốn chấp tay đảnh lễ đấng Ðại Từ Ðại Bi, nhưng hai tay xuôi cứng, em không đủ sức dở lên. Với tâm trí tràn đầy kỉnh mộ và sùng kính, em chăm chăm nhìn Ðức Bổn Sư như muốn lễ Ngài. Ðức Phật giải thích; "Nó làm bấy nhiêu đó đã đủ rồi," và trở về Tịnh Xá Jetavana (Kỳ Viên). Lúc ấy thì em bé trút hơi thở cuối cùng và tái sanh vào một cõi trời (deva), cảnh giới nhàn lạc.

Một trong những phước lành của người thường niệm tâm từ (mettà bhàvanà) là không bao giờ người ấy chết với tâm loạn động (assmmmùlho kàlam karoti) [6]. Trong giờ phút lâm chung vô cùng quan trọng người Phật tử thường đến cạnh giường bịnh nhân đọc tụng Satipatthanà Sutta, Kinh Tứ Niệm Xứ [7]. Việc làm này sẽ giúp cho người bịnh tạo những tư tưởng thiện trước khi thở hơi cuối cùng. Dầu cho người bịnh không hiểu gì về ý nghĩa của lời kinh, là một Phật tử, đã có niềm tin nơi Tam Bảo (saddhà), khi nghe tới nghe lui giọng đọc tụng những câu kinh (gàthà) quen thuộc, có nhiều hy vọng rằng vị ấy sẽ thấm nhập vào trạng thái tâm thiện, hoan hỷ thưởng thức giọng kinh. Bất cứ ai giúp một người sắp lâm chung nhập vào trạng thái tâm chân chánh quả thật là người bạn thân nhất (kalyàna mitta).


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.27 khách