Bài Văn Bia của Hồ Nguyên Trừng Và Ngôi Chùa Việt Ở TQ TK15

Kính mời các bạn góp sức bảo tồn tất cả các tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới, tiểu sử tăng ni, và Phật tử có công trong việc hoằng truyền Phật pháp.
Nội qui chuyên mục
- Trong quá chứ ban quản trị diễn đàn đã chịu rất nhiều phiền toái, do những kẻ giả mạo chùa và đoàn thể từ thiện để kêu gọi giúp đỡ. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu tất cả các thành viên không được gởi thư kêu gọi từ thiện lên diễn đàn và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung đăng tải bởi thành viên.
quat_thon
Bài viết: 6
Ngày: 17/03/11 21:59
Giới tính: Nam
Đến từ: Hà Nội

Bài Văn Bia của Hồ Nguyên Trừng Và Ngôi Chùa Việt Ở TQ TK15

Bài viết chưa xem gửi bởi quat_thon »

(Nam mô A-Di-đà Phật!
Lời đầu tiên Quất Thôn tôi xin kính chào và chúc nguyện chư vị tăng ni phật tử và quý bằng hữu được bằng an mạnh khoẻ!
Nhân đây, QT xin góp một thông tin nhỏ về lịch sử văn hóa Phật giáo VN ta. Kính mong được chỉ giáo thêm!)


Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446) là con trai cả của Hồ Quý Ly. Tháng 11.1394 lần đầu tiên sử sách nhắc đến Hồ Nguyên Trừng với việc bổ nhiệm ông làm Phán tư sự dưới triều Trần Nghệ Tông.

Tháng 2 năm 1400 Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, đến tháng 12 thì tự xưng Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương. Hồ Nguyên Trừng lãnh chức Tả tướng quốc.

Cuối năm 1405, nguy cơ xâm lăng của nhà Minh ngày càng rõ rệt. Khi nghị bàn quốc sự các quan trong triều chia thành hai phái đánh và hòa. Khi ấy Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”.

Giữa năm 1406 Hồ Nguyên Trừng thống lĩnh binh mã cự 10 vạn quân Minh từ Quảng Tây đánh sang. Trận đầu ông thất bại ở khu vực Đáp Cầu - Bắc Ninh ngày nay, vì khinh quân địch ít. Sau đó ông cũng đuổi được chúng ra khỏi bờ cõi. Cuối năm 1406, đợt xâm lược mới của nhà Minh có quân số lên tới 80 vạn. Tả tướng quốc Nguyên Trừng chỉ huy một cánh quân tiên phong dọc sông Cái.

Thất bại này nối thất bại kia vì giặc mạnh lại biết dùng kế ly gián, chia rẽ họ Hồ với quân tướng và dân chúng. Giữa năm 1407, toàn bộ gia tộc họ Hồ, từ Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đến con cháu đều bị bắt sống và giải về Kim Lăng, Trung Quốc.

Vì có tài, nên sau khi bị bắt về Trung Quốc, Nguyên Trừng được tha bổng và nhậm một chức quan thuộc Công bộ, chịu trách nhiệm chế tạo hỏa súng, hỏa tiễn và thuốc súng trong Binh tượng cục (Cục chế tạo vũ khí)

Tháng sáu, năm Chính Thống thứ 10 (1445) Hồ Nguyên Trừng được thăng làm thượng thư bộ công, giữ việc nội phủ, tháng 7 năm sau mất, hưởng thọ 73 tuổi, an táng tại vùng núi phía tây Bắc Kinh, sườn núi Ngọc Đài, thôn Nam An Hà. Theo một số sách vở Trung Hoa (Minh sử cảo), triều Minh khi tế thần súng cũng thường hiến cúng Hồ Nguyên Trừng.

Hiện ở Việt Nam văn chương của Hồ Nguyên Trừng mới được biết đến qua cuốn “Nam Ông Mộng Lục” là tác phẩm ông viết trong thời gian ở Trung Quốc, với bút hiệu Nam Ông (ông già nước Nam). Trước tác gồm 31 thiên, do Hồ Huỳnh, Thượng thư bộ Lễ Minh triều đề từ năm 1440, có cả hậu tự năm 1442 của Tống Chương - cũng người gốc Việt. Hồ Huỳnh từng nhận định: "Văn họ Hồ ngắn gọn mà nghiêm trang, cẩn mật, cao nhã mà uyên bác, theo tình kể lại, theo nghĩa đặt lời... Ca ngợi sự tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể uốn nắn phong tục, biểu dương trước thuật thì siêu thoát, thanh tân, có thể nuôi dưỡng tính tình...". (Trong Thơ Văn Lý Trần tập III - 1978, có in toàn bộ Nam Ông Mộng Lục, tuy nhiên thiếu mấy một số thiên)

Nhưng tại chùa Tú Phong - một ngôi chùa do người Việt dựng tại Trung Quốc từ đời Minh ở phía Tây Bắc Kinh hiện còn một tấm bia do Hồ Nguyên Trừng soạn văn bia. Đó là tấm bia: “Sắc tứ Tú Phong tự bi”.

Hình ảnh

Một góc chùa Tú Phong và Bia


Chùa Tú Phong nằm trên núi Tú Phong thuộc thôn Nam An Hà, xã Bắc An Hà, khu Hải Điện, Bắc Kinh. Chùa do thái giám Cao Nhượng và nhà sư trụ trì người gốc Việt Nam là Trí Thâm khởi công xây dựng năm Tuyên Đức thứ 8 đời Minh (1433) đến năm Chính Thống thứ 2 đời Minh (1437) thì hoàn thành, được hoàng đế nhà Minh ban tên là Tú Phong Tự.

Ngôi chùa được dây dựng theo hướng đông, gồm ba lớp điện chính. Cuối đời Thanh chùa Tú Phong bị để hoang tàn. Đầu năm Dân quốc (1911) nhóm Lưu Trọng Lỗ, Bảo Thuỵ Thần mượn chùa và sửa chưa thêm lập toà báo Hạc Quần. Mùa xuân năm Dân quốc 14 (1925) đạo sĩ Vương Tú Chân bỏ tiền ra mua lại chùa, năm 1926 lại mua thêm các núi xung quang chùa, sau đó đổi tên chùa thành Tu Chân quán, bái Trương Nghĩa Cung làm thầy trụ trì quán này. Năm 1928, Trương Nghĩa Cung chết, Tu Chân đạo sĩ bỏ đi, Lâm Hành Quy lấy núi Tú Phong làm biệt thự đã mua chùa viện và các khu xung quanh, và lại bỏ tên quán, đổi lại thành chùa, Bảo Thuỵ Thần đề một biển cho chùa là “Tú Phong Cổ Sát”. Năm 1937 nổ ra sự kiện Mùng 7/7 ở cầu Lư Câu chùa Tú Phong trở thành căn cứ địa cho đội quân du kích Trung Quốc. Năm 1944 lập trạm tình báo Bình Tây ở chùa Tú Phong, trạm trưởng là Lương Ba. Năm 1945, lập ra Tân Văn Yếu Báo ở chùa Tú Phong, trong vòng 3 tháng phát hành khoảng 30 số, tổng biên tập là Triệu Phàm.

Có thể nói, chùa Tú Phong là một trong những ngôi chùa Việt đầu tiên của người Việt tại Hải Ngoại, và hiện còn lưu một bài văn bia do Hồ Nguyên Trừng một người Việt tài năng soạn. Xin giới thiệu nội dung bài văn bia “Sắc tứ Tú Phong tự bi” của Hồ Nguyên Trừng:

Hình ảnh
Bản rập bia Sắc Tứ Tú Phong Tự


SẮC TỨ TÚ PHONG TỰ BI


Chính nghị Đại phu, Tư trị doãn Công bộ Tả thị lang, Giao Nam – Lê Trừng soạn.
Tướng sĩ lang, Hồng Lô tự Tự ban, Quát quận – Quý Thuần thư.
Văn lâm lang, Đại Lý tự Hữu tự Hữu bình sự Thanh Nguyên – Trang Sâm triện ngạch.

Kinh đô chi tây khứ thành lục thập dư lý hữu tự viết Tú Phong, nãi thái giám Cao công Nhượng dữ trụ trì tăng Trí Thâm sở sáng dã. Thâm – Giao Nam danh tăng, tính Ngô thị, tự ấu xuất gia, khắc khổ tham học. Dĩ Tuyên Đức mậu thân lai đáo bắc kinh, ngẫu ngộ đại quốc sư ngô công thân tăng lục ti giảng kinh, Nguyệt Công, Luật Thiếp công định giác, Nghĩa Ô công, Hiển Toản công, Thắng Nạp công, Lý Thiền công, Nhẫn Tam công phổ hữu đồng hương chi nghị đắc lễ. Quán đỉnh Quảng thiện tây thiên phật tử đại pháp sư toại thụ tâm ấn, trú tích vu Dương Đài sơn Đại Giác tự. Nhật thường biến duyệt Đại tạng, cửu bất hạ sơn, giới hạnh tinh nghiêm, nhân đa khâm ngưỡng.

Nhất nhật, tán sách tự bắc khả tam lý hứa, chí vu Tú Phong sơn lộc, kiến kỳ cảnh trí thanh thắng, long hổ bàn toàn, thạch bích sàm nham hoàn ủng vu kỳ hậu, tả hữu song giản giao lưu vu kỳ tiền, thảo mộc ông uý, hoa quả mậu thịnh, ý phi phàm địa. Nãi tuần vu dã lão, viết: Kỳ củ tương truyền thử cổ bảo sát chi địa dã. Thâm bi hỉ giao tịnh, thệ dĩ khôi phục thánh cảnh. Cao công văn nhi hỷ chi, nãi dũng mãnh phát tâm, khuynh kiệt tài lực vi công đức chủ, cập dữ thái giám Trần công Ngang, trung quý Hoàng công Hùng, Nguyễn Phúc Thâm, Phạm Giác Thọ, Bùi Hỉ, Kim Toả (Đáo?), Nguyễn Giác Mục, Trịnh Trí Quảng, Châu Phổ Minh, Trương Phúc Sơn đẳng đồng xả kỷ tư, trợ sư kiến lập đạo trường, dĩ thượng chúc thánh cung vạn tuế, thiên hạ thái bình. Sư nãi vận dụng tâm tượng, bố trí quy mô, thân tự phục cần dĩ tiên đồ lữ, phong kỳ dung thực dĩ lai chúng công. Việt tự Tuyên Đức quý sửu xuân khởi tạo, chí Chính Thống đinh tỵ đông tất công, bất ngũ lục niên nhi sơn môn trác lạc, điện vũ nguy nga, đan hoạch tinh huỳnh, kim bích hoán lạn, viên tường liêu nhiễu, lang vũ huy phi, phàm thường trụ chi du ti, các hữu kỳ sở. Thái giám Trần công Ngang, Nguyễn công Tông hựu quyên gia tư ấn tạo Đại Tạng kinh văn, trang nghiêm quỹ hạp, lưu vu bản tự dĩ vĩnh kỳ truyền. Sư giai vãng phản duyệt độc lệ chúng hiệu cần, chung cổ hương đăng, thần hôn tán vịnh, dĩ bảo hộ quốc thổ, phổ tế quần sinh.

Chí Chính Thống lục niên, tam nguyệt nhị thập nhất nhật, thái giám Cao công Nhượng thực cụ tấu, khâm mông thánh ân sắc tứ danh ngạch viết: “Tú Phong Tự”, lâm lộc sinh quang, tăng tục cải quan. Trí Thâm phần hương, khể thủ ngôn viết: “Hạnh ngộ hải nội thanh bình, nhân dân phú ấp, hựu nhân chư công đồng phát thiện tâm, trợ thành Phật sát, trí mông ân tứ, vạn đại thuỳ quang, khả bất khắc thạch dĩ thị vĩnh viễn?” Nãi mệnh kỳ đồ, yết dư trưng văn. Dư viết: “Thâm sư cần lao dĩ thành phật sự, chư công tác phúc dĩ báo thượng ân, quan kỳ dụng tâm, đồng quy chí thiện, thị nghi minh minh viết:

Thần châu đoài dã; Sơn đĩnh Tú Phong;
Bàn long cứ hổ; Hấp cảnh tàng phong;
Hàm hoằng sảng lãng; Tú khí sở chung;
Giản tuyền lãnh liệt; Thảo mộc phong nhung;
Ái nhiên phúc địa; Nghiễm nhược phạn cung.
Phạn cung y hà? Hữu quy hữu chế;
Điện vũ nguy nga; Sơn môn tráng lệ;
Tượng thiết tôn nghiêm; Long thiên dực vệ.
Sáng giả y thuỳ? Trí Thâm trụ trì;
Viên kinh viên thuỷ; Tải cấu tải ky (cơ)
Đại thiện đàn việt; Trợ dĩ thành chi.
Thượng chúc thánh thọ; Hạ hựu sinh dân;
Phúc điền quảng đại; U hiển triêm ân.
Tự ký thành chỉ; Danh diệc chính chỉ;
Tứ ngạch kim thư; Sủng quang vĩ vĩ.
Duy ngã Thâm sư; Phúc tuệ kiêm bị;
Đệ nhất khai sơn; Lưu truyền hậu duệ;
Thuỳ phạm tương lai; Thuật sự kế chí;
Bách thế vu tư; Hữu long vô thế;
Tự dĩ vĩnh tồn; Minh đồng đới lệ.

Đại Minh Chính Thống bát niên, tuế thứ Quý Hợi mạnh hạ Phật đản nhật khai sơn. Trụ trì sa môn Trí Thâm lập thạch.

Cẩm y xá nhân Chu Hưng thuyên.



Dịch:

Bài văn bia ghi lại việc sắc ban biển đề Tú Phong Tự

Chính nghị Đại phu, Tư trị doãn Công bộ Tả thị lang, Lê Trừng người Giao Nam soạn.
Tướng sĩ lang, Hồng Lô tự Tự ban, Quý Thuần người Quát quận viết chữ.
Văn lâm lang, Đại Lý tự Hữu tự Hữu bình sự – Trang Sâm ở Thanh Nguyên viết chữ triện trán bia.


Từ kinh đô đi về phía tây thành hơn sáu mươi dặm, có ngôi chùa tên gọi Tú Phong, vốn do quan thái giám Cao Nhượng cùng với nhà sư trụ trì là Trí Thâm sáng lập lên. Trí Thâm là bậc danh tăng ở Giao Nam vốn người họ Ngô, từ nhỏ đã xuất gia, khắc khổ học hỏi. Năm Mậu thân niên hiệu Tuyên Đức (1428) sư đến Bắc Kinh, ngẫu nhiên gặp đại quốc sư giảng kinh ở ti Tăng lục, có các ngài Nguyệt Công, Luật Thiếp biết đến. Lại nhân các ông Nghĩa Ô, Hiển Toản, Thắng Nạp, Lý Thiền, Nhẫn Tam đều là những người có tình đồng hương mà đắc lễ. Đại pháp sư là bậc Tây thiên Phật tử có lòng quảng thiện bao trùm bèn truyền cho tâm ấn và trụ trì ở chùa Đại Giác trên núi Dương Đài. Thường ngày sư đọc hết kinh Đại Tạng, suốt thời gian dài không xuống núi, giới hạnh rất tinh nghiêm, mọi người đều kính ngưỡng.

Một hôm, sư chống gậy dạo bước lên phía bắc chùa chừng 3 dặm đến sườn núi Tú Phong, trông thấy cảnh trí đẹp đẽ, hình thế như rồng cuộn hổ nằm, vách đá chon von vây bọc quanh phía sau, bên phải bên trái hai dòng suối nối dòng ở trước mặt, cỏ cây mươn mướt, hoa quả tốt tươi, ý chẳng phải nơi phàm địa. Sư bèn hỏi thăm các bậc già lão, thì thấy bảo: các cụ già truyền lại đất này vốn là nơi chùa thiêng ngày xưa. Trí Thâm vui sướng nghẹn ngào nguyền sẽ khôi phục lại nơi đất thánh. Cao công nghe được mừng lắm, bèn ra sức phát tâm, dốc hết tiền của đứng ra làm chủ công đức, cùng với thái giám Trần Ngang, trung quý Hoàng Hùng, Nguyễn Phúc Thâm, Phạm Giác Thọ, Bùi Hỉ, Kim Toả (Đáo?), Nguyễn Giác Mục, Trịnh Trí Quảng, Châu Phổ Minh, Trương Phúc Sơn, …cùng bỏ tiền riêng giúp sư xây dựng đạo trường để cầu chúc thiên hạ thái bình, đức vua muôn tuổi.

Sư bèn dụng tâm sắp đặt, bố trí quy mô, tự mình chăm chỉ tân cần để làm gương cho môn đồ, sắp đặt tiền gạo dồi dào để thợ thuyền kéo đến. Thế là từ mùa xuân năm Quý sửu niên hiệu Tuyên Đức (1433) bắt đầu khởi tạo, đến mùa đông năm Đinh tỵ niên hiệu Chính Thống (1437) thì xong, chưa tới năm sáu năm mà sơn môn chất ngất, điện vũ nguy nga, màu son chói lọi, kim bích lung linh, tường hoa quanh co, toà ngang dãy dọc, phàm những nơi thường phải có thì chỗ nào chỗ ấy đều đầy đủ. Thái giám Trần Ngang, Nguyễn Tông lại quyên góp gia tư, để in ấn Đại Tạng kinh, đầy đủ hộp tủ nghiêm trang lưu giữ ở trong chùa để lưu truyền mãi mãi. Sư (Trí Thâm) vẫn thường qua lại xem đọc luôn luôn để khuyến khích mọi người cùng chăm chỉ học tập, chuông trống hương đèn, sớm hôm tán vịnh những mong bảo hộ quốc thổ, phổ tế quần sinh.

Đến ngày 21 tháng Ba năm Chính Thống thứ 6 (1441), thái giám Cao Nhượng thực tình dâng tấu lên hoàng đế, kính đội ơn vua ban cho biển ngạch đề tên “Tú Phong Tự”, khiến cho rừng núi cũng rạng rỡ, tăng tục đều mở mắt. Trí Thâm đốt hương dập đầu bảo: “May được gặp khi trong nước thái bình, nhân dân no ấm, lại nhân các ngài cùng phát thiện tâm mà giúp thành chùa phật, nên được ơn vua ân tứ, soi sáng muôn đời, há chẳng nên khắc bia mà lưu truyền mãi về sau ư?” Bèn sai đệ tử đến chỗ tôi nhờ viết văn bia. Tôi nói: “Sư Trí Thâm khó nhọc mong nên Phật sự, các ngài lại làm việc phúc để báo ơn vua, coi chỗ dụng tâm đều cùng đến nơi cực thiện, vậy xin viết bài minh rằng:

Đồng tây Thần Châu; Núi dựng Tú Phong
Hổ ngồi rồng cuộn; Cảnh đẹp ẩn trong;
Rộng cao sáng láng; Tú khí đúc hun;
Suối khe mát rượi; Cây cỏ tươi hồng
Thực nơi phúc địa; Tựa chốn Phạn cung;
Phạn cung thế nào? Có quy có chế;
Điện vũ nguy nga; Cổng tường tráng lệ;
Tượng phật tôn nghiêm; Thiên thần bảo vệ;
Dựng cảnh là ai? Trí Thâm trụ trì;
Nào sau nào trước; Xây đắp đủ bề;
Đàn việt lòng thiện; Giúp việc chẳng nề.
Cầu chúc thánh thọ; Phù trợ nhân dân;
Ruộng phúc to lớn; Linh hiển ra ân!
Chùa đã dựng được; Danh đã lập được;
Vua ban chữ vàng; Sủng ân chói rực;
Sư Trí Thâm ta: Kiêm gồm phúc tuệ;
Đứng đầu dựng chùa; Lưu truyền hậu duệ;
Làm gương đời sau; Thuật chuyện nối chí;
Trăm đời ở đây; Thịnh hưng vẫn để;
Còn mãi chùa này; Viết minh cổ lệ

Ngày Phật đản tháng đầu mùa hạ năm Quý Hợi niên hiệu Chính Thống năm thứ 8 (1443) triều Đại Minh. Sa môn trụ trì Trí Thâm lập bia.

Cẩm y xá nhân Chu Hưng khắc.


(Hà Nội - Tết Trung Thu năm Mậu Tí)
Lê Tiến Đạt dịch


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.14 khách