Pháp Sư Tịnh Không Người Truyền Bá Giáo Lý Tịnh Ðộ

Kính mời các bạn góp sức bảo tồn tất cả các tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới, tiểu sử tăng ni, và Phật tử có công trong việc hoằng truyền Phật pháp.
Nội qui chuyên mục
- Trong quá chứ ban quản trị diễn đàn đã chịu rất nhiều phiền toái, do những kẻ giả mạo chùa và đoàn thể từ thiện để kêu gọi giúp đỡ. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu tất cả các thành viên không được gởi thư kêu gọi từ thiện lên diễn đàn và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung đăng tải bởi thành viên.
BEBEBE
Bài viết: 164
Ngày: 30/06/08 19:10
Giới tính: Nam

Pháp Sư Tịnh Không Người Truyền Bá Giáo Lý Tịnh Ðộ

Bài viết chưa xem gửi bởi BEBEBE »

Chương 1

Đôi nét về Pháp Sư Tịnh Không

Pháp Sư Tịnh Không (Master Chin Kung) thế danh là Từ Nghiệp Hồng (Yae Hong Hsu), sinh năm 1927 tại huyện Lô Giang (Lujiang County), tỉnh An Huy (Anhui province), Trung Hoa. Ngài đã theo học tại trường Trung Học Ðệ Tam Cấp Quốc Gia Quế Châu (Guizhow) và Trường Trung Học Ðệ Nhất cấp Thành Phố Nam Kinh. Năm 1949, Ngài đến Ðài Loan và làm việc ở Viện Thạch Kiến (Shijian). Trong mười ba năm sau đó, Pháp Sư Tịnh Không đã dùng thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu kinh điển, lịch sử và triết học Phật Giáo dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ðông Mỹ Phương (Dong Mei Fang), Lạt Ma Tây Tạng, Trương Gia Ðại Sư (Zhang Jia) và pháp sư nổi tiếng Lý Bỉnh Nam (Bing Nan Lee), đệ tử chân truyền của Ðại sư Ấn Quang (Yin-Guang). Pháp Sư Tịnh Không là người thông thạo nhiều Kinh điển Ðại Thừa và các bộ luận của nhiều tông phái Phật giáo (PG) cũng như triết lý của Ðạo Khổng, Ðạo Lão, Ðạo Gia Tô, Ðạo Hồi và các Tôn giáo khác. Pháp sư Tịnh Không được xem là người có công phục hưng Tông Tịnh Ðộ trong hiện đại, Ngài đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, thực hành và truyền bá pháp môn Tịnh Ðộ, là một pháp môn mà Ngài đã đạt được những thành tựu lớn nhất.



Pháp Sư Tịnh Không xuất gia năm 1959 (32 tuổi) tại Chùa Lâm Tế (Linji), thuộc tỉnh Ngọc Án Sơn (Yuanshan), Ðài Bắc và được Hòa Thượng Bổn sư ban cho pháp danh là Tịnh Giác, pháp tự là Tịnh Không. Sau khi thọ Cụ Túc Giới, Ngài bắt đầu công việc hoằng pháp và truyền bá giáo lý tại Ðài Loan và ở nước ngoài. Trong hơn bốn mươi năm, Ngài đã liên tục thuyết giảng năm bộ Kinh Tịnh Ðộ, và các bộ kinh Ðại Thừa như:

1. Kinh Hoa Nghiêm

2. Kinh Pháp Hoa

3. Kinh Lăng Nghiêm

4. Kinh Viên Giác

5. Kinh Kim Cang

6. Kinh Địa Tạng

.v.v...

May mắn thay các cuộc thuyết giảng của Ngài đã được ghi lại trên hàng ngàn các loại băng cassettes, video, DVD, VCD, v.v... để phổ biến cho những ai không có duyên trực tiếp đến dự các pháp hội của Ngài. Cho đến nay, Ngài vẫn hoan hỷ đi đó đây để thuyết pháp giảng kinh một cách không mệt mỏi.

Trong sự nghiệp giảng dạy lâu dài của Ngài, Pháp Sư Tịnh Không đã giữ những chức vụ như :

-Giảng viên tại Viện Tam Tạng ở Chùa Thập Phổ (Shipu) năm 1960

-Thành viên Ủy ban Truyền Bá Giáo Lý năm 1961

-Thành viên Ủy Ban Kế Hoạch của Hội Phật Học Ðài Loan năm 1965

-Giảng Viên trưởng khóa học Phật Pháp cho sinh viên đại học thuộc Hội Phật Học Ðài Loan năm 1972

-Nghiên cứu gia Phật học tại Học Viện Trung Hoa

-Giáo sư và biên tập viên Hội Phiên dịch Kinh Luận Phật Học Ðài Loan năm 1973

-Giáo sư Ban Triết Học tại Ðại Học Văn Hóa

-Giáo Sư Khóa Học Sống Ðạo cho Gia Tô Ðông Á thuộc Ðại Học Gia Tô Phụ Nhân (Fu Ren) năm 1975

-Hiệu Trưởng Trường Trung Ðẳng Phật Học Trung Hoa năm 1977

-Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Tu Tập Tịnh Ðộ Trung Hoa năm 1979.

Tất cả những học viện nói trên đều ở Ðài Loan.

-Năm 2002, Pháp sư Tịnh Không đã được thành phố Toowomba, thuộc tiểu bang Queensland, Úc châu, truy tặng danh hiệu “Công Dân Danh Dự” về những đóng góp của Ngài cho chính sách đa văn hóa của Úc.

-Cũng trong năm 2002, Pháp sư Tịnh Không đã được Ðại Học Griffith, tiểu bang Queensland, Úc châu, đã trao bằng “Tiến Sĩ Danh Dự” để đánh dấu những thành công và đóng góp của Ngài về văn hóa và giáo dục đạo đức cho xã hội Úc trong nhiều năm qua.

Ngoài ra Ngài còn sáng lập Hội Pháp Thí Hoa Tạng (Hwa Dzan), Thư Viện Thính Thị Phật Giáo Hoa Tạng; Hội Giáo Dục Phật Giáo PG; Trung Tâm Tịnh Ðộ Học Hoa Tạng và các Trung Tâm Phật Học và Tịnh Ðộ Học khác trên khắp thế giới.

Pháp Sư Tịnh Không là người tiên phong trong việc sử dụng hệ thống truyền thanh, truyền hình vệ tinh, mạng lưới thông tin toàn cầu (Internet, http://www.amtb.org.tw hoặc http://www.amitabha.com) và những phương tiện truyền thông hiện đại khác trong việc truyền bá Chánh Pháp ở Ðài Loan và khắp thế giới. Ngài cũng bảo trợ cho công tác ấn loát và phát hành miễn phí khắp thế giới Ðại Tạng Kinh Phật Giáo (chữ Tàu), Tứ Thư Ngũ Kinh của Khổng Giáo, cũng như các sách và băng từ về PG, luân lý, đạo đức và văn hóa Trung Hoa, cùng với hơn một triệu bản in về hình ảnh của Chư Phật và Bồ Tát.

Năm 1977, Pháp Sư Tịnh Không bắt đầu thuyết giảng ở hải ngoại. Ngài đã chú trọng đến những nguyên lý của Ðại Thừa PG như giải trừ mê tín, tà kiến, giúp mọi người phân biệt rõ phải và trái, đúng và sai và giải quyết hoàn hảo mọi vấn đề. Trong nỗ lực thực hiện cộng việc này Ngài hỗ trợ thành lập hơn năm mươi Trung Tâm Tịnh Ðộ Học và Hội Phật Ðà trên khắp thế giới, bao gồm những trung tâm và hiệp hội ở Ðài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai, Bắc Mỹ, Úc, Tây Ban Nha và Anh quốc. Suốt mấy thập niên qua, Ngài đã cố vấn cho vô số tổ chức PG và xã hội.

Pháp Sư Tịnh Không đã quảng bá cho người Trung Hoa trên khắp thế giới ý thức về việc thiết lập bàn thờ tổ tiên nhằm giáo dục mọi người về lòng thành kính và danh dự, cũng như khuyến khích thực hành đạo hiếu, thành kính và báo ân đối với tổ tiên; bảo tồn đạo đức, phát huy những giá trị cổ truyền, giúp quốc gia phát triển và thịnh vượng.

Năm 1985, Pháp Sư Tịnh Không đã nhập cư Hoa Kỳ, trong thời gian sống ở đó, do những thành quả xuất sắc về liên hệ sắc tộc, công cuộc vận động hòa bình và đạo đức, vào năm 1995, Ngài đã được thành phố Dallas lẫn tiểu bang Texas phong tặng danh hiệu là Công Dân Danh Dự (Honorary Citizen).

Những năm gần đây, Ngài đã đi thuyết giảng ở nhiều trường đại học như Ðại học Quốc Gia Singapore, Ðại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, Ðại học Minnesota, Ðại học Texas và Ðại học Hawaii ở Hoa Kỳ, Ðại học Melbourne, Ðại học Bond, Ðại học Kỹ Thuật Curtin, Ðại học Monash ở Úc châu; Ðại học Fu Ren Gia Tô Giáo, Ðại học Văn Hóa Trung Hoa, Ðại học Cheng Gong và Ðại học Chong Shan ở Ðài Loan và nhiều học viện cao cấp khác. Ngài cũng nói chuyện trên các đài truyền hình, truyền thanh ở nhiều quốc gia khác.

Từ tháng 5 năm 1995, Pháp Sư Tịnh Không dạy các khóa huấn luyện giảng sư do các Hội Phật Học Singapore và Hội Phật Ðà ở Singapore bảo trợ và Ngài cũng là Giám đốc Giáo Dục của những Hội này. Trong thời gian này, Ngài đang lưu trú tại Singapore để thực hiện một loạt bài giảng về Kinh Hoa Nghiêm (Flower Adornment Sutra), Kinh Vô Lượng Thọ (Infinite Life Sutra) và Kinh Ðịa Tạng (Earth Treasure Sutra). Hiện Ngài đang thành lập Trường Cao Ðẳng Giáo Dục Phật Giáo, đây là trường đầu tiên thuộc loại hình này ở Singapore để đào tạo những người kế thừa công việc bảo tồn Phật giáo.



Chương 2

Nguồn gốc của Hội Phật Ðà



Cảm thông với sự đau khổ của chúng sanh, Phật Thích Ca đã xuất hiện ở thế gian này để truyền dạy cho chúng sinh phương pháp giải khổ và thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mục đích của Ngài giúp cho chúng sinh hiểu được chân lý để đạt đến giác ngộ. Trong thời mạt pháp, ác nghiệp của chúng ta quá nặng, tạo nhiều chướng ngại cho việc tu tập. Do thiếu trí tuệ và duyên lành, chúng ta đã gặp khó khăn trong việc tìm gặp một bậc minh sư, người có khả năng hướng dẫn mình và giảng giải chính xác lời dạy của Phật. Vì biết như vậy nên Ðức Phật đã truyền dạy một pháp môn đặc biệt cho loài người trong thời đại chúng ta, đó là pháp môn Tịnh Ðộ.

Cố học giả Phật giáo nổi tiếng Mai Nam Xương (Guang Xi Mei) từng nói: “Nếu có thể chấp nhận và đề cao giáo lý Tịnh Ðộ, không những chúng ta sẽ giải trừ những đau khổ tương lai và lại còn có thể đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại. Ai không nhất tâm thọ trì giới pháp thì sẽ không bao giờ thấu hiểu hay chứng nghiệm phúc lạc trong việc thực hành pháp môn kỳ diệu này. Tương tự, người nào không thực hành giáo lý sẽ không bao giờ chứng nghiệm sự thâm diệu của chân lý ấy. Nếu muốn truyền bá giáo lý của Ðức Phật trong thời đại này, chắc chắn chúng ta cần phải ủng hộ và xiển dương pháp môn Tịnh Ðộ”.

Về nguồn gốc, Hội Phật Ðà được Lão Cư Sĩ Hạ Liên Cư thành lập lần đầu tiên sau Thế chiến thứ 2 (tức sau năm1945), Lão Cư Sĩ Hạ Liên Cư là một giảng sư Phật học nổi tiếng, quảng bá việc học và tu tập đặc biệt về Tịnh Ðộ Tông. Pháp Sư Tịnh Không là người tiếp tục duy trì và phát triển Hội này đến ngày nay. Với hơn bốn mươi năm kinh nghiệm truyền bá PG, Pháp sư Tịnh Không đã hiểu rõ rằng Tịnh Ðộ là pháp môn tốt nhất để giúp đỡ chúng sinh giải thoát. Trong những năm gần đây, Ngài đã thuyết giảng không mệt mỏi về giáo lý này khắp thế giới, phần lớn ở Á châu, Úc châu và Bắc Mỹ.

Ngài đã thành lập Hội Giáo Dục Phật Ðà (The Corporate Body Of The Buddha Educational Foundation, 11Fl., No. 55, Hang Chow S. Rd., Sec. 1, Taipei, Taiwan, Tel: (02) 395-1198, Fax: (02) 391-3415)ø để ấn tống kinh sách miễn phí cho PG thế giới. Ước nguyện thật sự của Ngài là hỗ trợ thiết lập các Hội Phật Ðà độc lập trên khắp thế giới. Ngài kỳ vọng những tổ chức này sẽ cổ động một nền giáo dục chân chính, giảng giải Luật Nhân Quả, phát Bồ đề tâm và khuyến khích mọi người niệm hồng danh Ðức Phật A Di Ðà và nguyện cầu vãng sinh Tịnh Ðộ.

Tôn chỉ của Ngài là Phật tử đồng tu của các Hội Phật Ðà nên tu tập theo năm bộ Kinh Tịnh Ðộ:

1. Kinh Vô Lượng Thọ (Infinite Life Sutra,),

2. Kinh A Di Ðà (The Amitabha Sutra, )

3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật (The Sutra on Observing Amitabha Buddha and His Pure Land, ),

4. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Bồ Tát (Kinh Hoa Nghiêm) (Universal Worthy Bodhisattva's Conduct and Vows, ).

5. Phẩm Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông (Kinh Lăng Nghiêm) (the Foremost Attainment of Great Strength Bodhisattva through Buddha Recitation ).

Và một bộ luận: là Luận Vãng Sanh (, Vasubandhu Bodhisattva's Commentary on the Way to Reaching Pure Land) của Bồ Tát Thiên Thân)

Pháp Sư Tịnh Không cũng nhấn mạnh sự quan trọng trong việc tu tập và phát triển Chánh kiến và thực hành giới hạnh của mọi hành giả ngang qua việc áp dụng Năm cửa công đức bao gồm Sáu pháp hòa hợp, ba vô lậu học, Sáu ba la mật và Mười đại nguyện.

Cửa công đức thứ nhất là hiếu kính đối với cha mẹ, Thầy tổ và các bậc sư trưởng, từ bi không sát sinh và thực hành mười điều thiện lành; quy y Tam Bảo, trì giới và có oai nghi, tế hạnh; phát tâm Bồ đề, tin sâu giáo lý Nhân quả, tụng đọc Kinh điển Ðại Thừa và khuyến khích người khác tinh tấn tu tập để đạt được giải thoát.

Cửa công đức thứ hai là Lục hòa (six harmonies) tức là sáu pháp hòa kính, bao gồm chia xẻ cùng quan điểm và mục tiêu, giữ cùng những giới luật, cùng sống và tu hành với nhau trong hòa hợp, không tranh chấp, cùng chứng nghiệm sự an lạc trong thực hành và chia đều cho nhau phúc lợi có được.

Cửa công đức thứ ba là thực hành và phát triển ba môn vô lậu học bao gồm trì giới, thiền định và trí tuệ.

Cửa công đức thứ tư là áp dụng sáu Ba La Mật bao gồm Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ vào trong đời sống hằng ngày.

Cửa công đức thứ năm là Mười đại nguyện (Ten Great Vows): 1. Tôn trọng mọi người và xử sự một cách cẩn trọng; 2. Khen ngợi đức hạnh của người; 3. Thực hành bố thí một cách vô uý; 4. Biết hối hận những lỗi lầm của mình, vốn là những chướng ngại cản trở chúng ta thấy được chân tâm của mình và phát nguyện không tái phạm; 5. Hoan hỷ với đức hạnh của người, tuyệt đối không ganh tyï; 6. Thỉnh cầu các bậc thiện tri thức truyền bá Chánh Pháp; 7. Thỉnh cầu các bậc Minh sư ở bên cạnh mình để hướng dẫn mình tu tập; 8. Mãi mãi giữ những lời dạy của Ðức Phật ở trong tâm thức mình; 9. Sống hòa hợp với mọi hoàn cảnh và mọi người xung quanh; 10. Hồi hướng công đức có được từ những việc trên cho chúng sanh, cầu mong chúng sanh đạt được giác ngộ vô thượng.

Chúng ta nên nhất tâm niệm hồng danh Phật A Di Ðà, không nghi ngờ, không pha trộn với các pháp khác hay những ý nghĩ khác và không gián đoạn, mong siêu sinh về Tây Phương Tịnh Ðộ, rồi tái sinh ở thế gian để giúp đỡ người khác.

Chúng ta thành tâm cầu mong cho mọi người sẽ nhận ra rằng nguồn gốc của những nguyên nhân gây ra đau khổ là ở ngay trong tâm nhiễm ô của chính mình. Chúng ta sẽ tinh tấn tu tập để giải trừ những phiền não mê lầm và tà kiến theo lời dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ (Infinite Life Sutra):

“ Người đời phần đông phước mỏng, cùng tranh dành nhau những sự không cần thiết, ở tại trong chỗ cực ác tột khổ mà nhọc nhằn làm ăn để tự cung cấp. Không luận là người tôn, kẻ ti, người nghèo, kẻ giàu, trẻ già, nam nữ đều lo nghĩ về tiền tài, vất vả sầu khổ, mãi nghĩ mãi lo, không lúc nào yên. Có ruộng lo ruộng, có nhà lo nhà, có trâu ngựa, lục súc, nô tỳ, tiền của, y thực trăm ngàn thứ, lại lo trăm ngàn thứ. Toan tính, cầu lợi, lo nghĩ, buồn sợ, bỗng chốc bị trộm cướp, nước cuốn, lửa cháy, sung công, tài sản tiêu tan, thân mang tai họa, lại sầu khổ phẩn uất. Nếu tài sản không bị tiêu tan, nhưng cuối cùng vô thường kéo đến, thân chết mạng chung, tay không ra đi, không mang được món gì. Do những việc như thế nên không thể đắc đạo. Các vị phải suy nghĩ chín chắn, nên xa lìa những điều ác, chọn những điều lành rồi siêng năng thực hành. Ái dục vinh hoa là những thứ không thể bảo tồn mãi mãi, rồi sẽ ly tan, không có gì đáng để vui thích. May mắn gặp Phật tại thế, phải cần kíp tu hành, người nào có chí nguyện sanh về cõi nước An Lạc thì được trí tuệ sáng suốt, công đức thu thắng. Không nên buông lung theo dục vọng mà quên mất lời dạy trong Kinh Pháp, giới luật, để rồi phải rơi lại ở phía sau”.


Nếu đọc và làm theo lời dạy của Kinh này, công đức và trí tuệ của chúng ta sẽ phát sinh, giải trừ được ác nghiệp, sống lâu, mạnh khỏe và hạnh phúc. Thêm nữa, nếu Kinh này đã phân phát rộng rãi và được đón nhận thì mọi người sẽ trở nên hiền lành và tử tế hơn. Kinh này là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của chúng ta và thiết lập cho nền hòa bình thế giới.

Chúng ta thành lập các Hội Phật Ðà để các hành giả tu theo năm cửa công đức và hợp với lời dạy của Pháp Sư Tịnh Không để tu theo pháp môn Tịnh Ðộ và học Kinh Vô Lượng Thọ. Làm như vậy chúng ta có thể báo Phật ân đức, trả ơn Quốc Gia, ơn Cha Mẹ, ơn Thầy Tổ và chúng sinh. Chúng ta sẽ có khả năng giúp những người nào còn chịu đau khổ. Chúng ta đang có ở trước mặt một cơ hội hiếm có và quý báu chỉ có thể gặp một lần trong vô số đại kiếp. Hỡi các bạn đồng tu, chúng ta nên trưởng dưỡng đạo tâm, thanh tịnh, bình đẳng, hiểu biết và từ bi để thông suốt, xả ly, đạt được giải thoát, hợp với hoàn cảnh và quán tưởng Phật A Di Ðà, làm theo lời dạy của Ngài và nguyện cầu vãng sinh Tây Phương Tịnh Ðộ.



Chương 3

Hướng Dẫn về chính trị của các Hội Phật Ðà



Các Hội Phật Ðà khắp thế giới hoạt động độc lập với nhau. Họ thực hiện theo những nguyên tắc chính yếu “chỉ tập trung vào việc truyền bá giáo lý của Ðức Phật qua giáo dục, chứ không tham gia vào bất cứ một hoạt động nào khác”. Dù hoạt động độc lập, thành viên của hội vẫn tuân theo những điều hướng dẫn về sự không tham dự vào những sinh hoạt chính trị:

1. Không tham dự hay thảo luận về chính phủ hay chính trị, không gia nhập bất cứ dưới bất cứ hình thức nào các đảng phái chính trị và hoạt động có tính cách chính trị.

2. Không thành lập các hiệp hội hay các cuộc họp bất hợp pháp, không tổ chức những cuộc tập trung quần chúng hay biểu tình.

3. Không chứa chấp bất cứ loại hình hoạt động nào có thể làm rối loạn cho quốc gia.

4. Hỗ trợ công cuộc hợp nhất một quốc gia cũng như những hoạt động tạo sự liên hệ hòa hợp giữa các chủng tộc, tôn giáo, văn hóa và quốc gia.

5. Tham dự những cuộc hội họp như “Hội Nghị Thế Giới Về Tôn Giáo và Hòa Bình” và những hội nghị tương tự. Giới thiệu quan điểm của Pháp Sư Tịnh Không về “Phật giáo là một nền giáo dục” với các nhà lãnh đạo tôn giáo và học thuật. Không phát biểu đối kháng với bất kỳ một tổ chức nào.

6. Ủng hộ những phương tiện hòa bình trong việc giải quyết những vấn đề bất đồng sắc tộc, tôn giáo và quốc gia qua truyền thông, thương thuyết.v.v.. hay bằng bất cứ phương cách hòa bình và trung dung nào.

7. Khuyến khích mọi người hợp tác trong việc theo đuổi nền giáo dục đa văn hóa quốc tế.

8. Ủng hộ và biểu lộ lối sống tôn trọng và bảo vệ mọi sinh vật, môi trường và tài nguyên thiên nhiên, duy trì sự cân bằng sinh thái.

9. Ủng hộ những tổ chức bảo tồn, tôn vinh và dẫn dắt cho những thế hệ tương lai về truyền thống văn hóa. Thêm nữa, nên ủng hộ các sắc tộc, các tôn giáo, các quốc gia, và các cá nhân tìm đến nền tảng chung và loại bỏ mọi dị biệt để học hỏi lẫn nhau và giúp đỡ lẫn nhau.

10. Củng cố và phát triển những mối quan hệ và tình hữu nghị giữa các nhóm với nhau.



Chương 3

Hội Phật Ðà với Chế Ðộ Quản Lý Ðộc Lập



Hiện nay có hơn năm mươi Hội Phật Ðà trên khắp thế giới, tất cả đều hoạt động một cách độc lập với nhau. Pháp Sư Tịnh Không không ủng hộ việc thành lập một ban điều hành tổng quát để ban này chỉ thị cho các hội chi nhánh, hay để kiểm soát nhân sự và chính sách tài chánh của các hội. Ngược lại, Ngài thật sự kỳ vọng rằng tất cả các Hội Phật Ðà sẽ giúp đỡ và hợp tác với nhau, và luôn là pháp hữu của nhau. Ngài cũng mong ước sâu xa rằng tất cả các bạn đồng tu sẽ chú tâm vào việc tu tập chứ không chú trọng vào lý thuyết suông và tự làm gương tốt cho mọi người. Làm được như vậy chính là truyền bá Phật Pháp và giới thiệu pháp môn Tịnh Ðộ cho mọi người trên toàn thế giới. Sau đây là những hướng dẫn về chế độ quản trị cho tất cả các Hội Phật Ðà:

1. Tất cả các Hội sẽ tổ chức những hoạt động phù hợp với luật pháp và chính sách của địa phương và quốc gia.

2. Tất cả các Hội sẽ thành tâm tu tập theo lời dạy của Ðức Phật.

3. Tất cả các Hội đều độc lập, không phụ thuộc vào một tổ chức quốc tế nào.

4. Tất cả các ban giám đốc và các ban điều hành của các Hội Phật Ðà được bầu cử một cách dân chủ bởi các hội viên. Thêm nữa, công dân địa phương sẽ giữ những chức vụ này. Mọi thể thức điều hành đều làm theo tập quán địa phương.

5. Một cách tổng quát, Pháp Sư Tịnh Không được mời làm vị cố vấn thường trực cho các Hội Phật Ðà.



Chương 5
Quan Ðiểm của Pháp Sư Tịnh Không



“Thành thực, Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác ngộ, Từ bi, Sáng suốt, Xả ly, Giải thoát, Hòa hợp với hoàn cảnh và Quán tưởng Phật A Di Ðà”. Mười phẩm tính này là những quy tắc căn bản từ lời dạy của Pháp Sư Tịnh Không. Không những Ngài không hề mệt mỏi hướng dẫn mọi người đạt được những phẩm tính này, mà suốt cuộc đời Ngài đã làm gương cho họ. Từ lần thuyết pháp đầu tiên của Ngài ở Ðài Loan, đến nay Ngài đã hoằng pháp liên tục trong 40 năm. Với đại hạnh nhẫn nhục, Ngài đã giảng giải cho mọi người rằng: “Phật giáo là nền giáo dục đạo đức và hoàn hảo nhất do Ðức Phật truyền dạy cho chúng sinh trong ba cõi. Thứ hai, Phật Thích Ca là một nhà giáo dục tự nguyện và có trách nhiệm. Thứ ba, Phật giáo không phải là một tôn giáo hay triết lý, mà chính yếu là cho thế giới ngày nay”.

Ngài ủng hộ cho những ý tưởng PG là một nền giáo dục, hiếu kính tổ tiên, cha mẹ, tôn kính thầy tổ và tôn trọng những giá trị cổ truyền. Trong việc truyền bá giáo lý của Ðức Phật, Ngài đã du hành khắp thế giới, chủ yếu là ở Trung Hoa, Ðông Nam Á, Úc Châu và Bắc Mỹ. Ngài đã được nhiều người trên thế giới kính trọng và đã được các hội đoàn và cơ sở giáo dục ca ngợi. Nguyên tắc và triết lý phong phú, thâm diệu của Pháp Sư Tịnh Không được trình bày tóm tắt như sau:


Truyền bá giáo lý của Ðức Phật qua giáo dục

Thiết lập Cơ Quan giáo dục Phật Ðà:

Dưới sự hướng dẫn của Pháp Sư Tịnh Không, Hội Pháp Thí Hoa Tạng được thành lập năm 1962. Mục đích của Hội này là in ấn và phân phát miễn phí kinh điển cũng như các sách về luân lý và đạo đức. Tháng giêng năm 1985, cơ quan giáo dục Phật Ðà chính thức thành lập ở Ðài Bắc. Mục đích của cơ quan này là phát huy luân lý đạo đức và giúp mọi người phát tâm từ bi với chúng sinh. Tổ chức thực hiện việc này bằng cách phân phối miễn phí kinh sách, băng ghi âm, ghi hình cũng như bảo trợ những cuộc thuyết giảng về PG và tài trợ học bổng.

Cơ quan đã ấn hành “Ðại Tạng Kinh”, các Kinh, Luật, Luận của chư Phật tổ, Tứ Thư Ngũ Kinh của Khổng Tử, các sách phát huy luân lý đạo đức, giá trị cổ truyền Trung Hoa. Những sách này đã được phân phát khắp Á châu, Úc châu, Âu châu và Phi châu. Chỉ riêng năm 1998, đã có hơn hai trăm nhóm trên khắp thế giới nhận được kinh sách và băng từ của cơ quan. Hơn hai mươi tám ngàn thùng chứa khoảng một triệu bảy trăm ngàn Kinh sách các loại đã được phân phối.

Phật Giáo là một nền Giáo dục:

Dưới sự hướng dẫn của Pháp Sư Tịnh Không, mỗi Hội Phật Ðà mới thành lập nên xem nhiệm vụ trước hết của mình là phân phối kinh sách, băng từ và những phương tiện vật chất giúp đỡ mọi người hiểu rằng PG là một nền giáo dục, một lối sống. Pháp Sư Tịnh Không luôn nói rằng PG đã bị hiểu lầm là một tôn giáo, mà lại là một tôn giáo đa thần. Ngày nay nhiệm vụ trước hết của mỗi Phật tử chúng ta là làm sáng tỏ và hiểu rõ sự liên hệ giữa Ðức Phật và chúng ta. Chúng ta gọi Phật Thích Ca là một vị Thầy nguyên thủy của mình; Ðức Phật và chúng ta có sự liên hệ như thầy trò. Ðiều này khác với các tôn giáo có liên hệ như cha con hay có liên hệ như chủ tớ. Phật giáo là một nền giáo dục có tính nghệ thuật cao. Mỗi bức tranh hay hình tượng Phật, Bồ Tát, mỗi nghi lễ là một sự biểu trưng hoàn hảo cho những giáo lý của Ðạo Phật. Tất cả những cái đó tượng trưng cho những đặc thù thâm diệu của Phật Giáo. Khi bước vào một ngôi chùa, chúng ta sẽ thấy tượng Bồ Tát Di Lặc tôn trí ở giữa Chánh điện. Với nụ cười sảng khoái và cái bụng to, ngài biểu lộ ý tưởng cho rằng để học và thực hành Phật Pháp trước hết chúng ta phải học cách phát tâm hoan hỷ và phóng khoáng, có lòng bao dung, hiểu biết và không thiên vị đối với mọi người.

Bốn vị Hộ Pháp, bốn vị Ðại Bồ Tát và mười tám vị La Hán, cũng như nước, hương, đèn, hoa, quả, tất cả đều tượng trưng cho những lời Phật dạy. Còn việc lễ bái chư Phật, Bồ Tát, đốt nhang, quỳ lạy các Ngài để cầu tài lộc hay thăng quan tiến chức là một loại sinh hoạt mê tín và là một sự xúc phạm đến chư Phật và chư Bồ Tát. Mọi sự vật đều hiện hữu theo luật nhân quả. Nếu không hiểu giáo lý nhân quả, không làm theo lời dạy của Ðức Phật mà chỉ lễ bái một cách mù quáng thì chúng ta đã đi ngược lại với mục đích của Phật Pháp.

Trong bốn mươi năm, Pháp Sư Tịnh Không đã liên tục truyền bá chánh pháp và giải thích rằng Phật giáo là một nền giáo dục. Cư Sĩ Hạ Liên Cư đã đặt tên cho các Hội là Trung Tâm Tịnh Ðộ Học, một tên khác của các Hội Phật Ðà. Những ý tưởng này, vốn phát sinh sau thế chiến thứ hai chỉ đựợc thực hiện khi Pháp Sư trình bày ý tưởng PG là một nền giáo dục, đưa ý tưởng của Ngài Hạ Liên Cư vào cuộc sống hiện thực.

Học bổng dành cho Trung Hoa, quê hương của Pháp Sư Tịnh Không:

Pháp Sư Tịnh Không đã làm rất nhiều việc cho giáo dục nói chung. Năm 1993, Ngài đã thiết lập và tài trợ Học Bổng Hoa Tạng (Hwa Dza) ở Ðại học Bắc Kinh, Ðại học Phục Ðán (Fudan), Ðại học Liêu Ninh (Liaoling), Ðại học Phổ thông Nam Kinh và Ðệ nhất Cấp Trung Học Nam Kinh (trường cũ của Ngài Tịnh Không). Năm 1998, Pháp Sư Tịnh Không cũng thiết lập quỹ cấp Học Bổng Hiếu Kính Thành cho 30 trường học. Trong 5 năm, Ngài đã cấp học bổng cho 88 trường học khắp Trung Hoa, bao gồm 30 đại học sư phạm, 29 đại học, hai đại học y khoa, 24 trường sơ trung và ba trường tiểu học. Mỗi năm Ngài biếu tặng trên 200 ngàn Mỹ kim để tài trợ cho học bổng.

Từ việc cấp học bổng này, chúng ta có thể thấy các Ðại Học Sư phạm huấn luyện các giáo viên là những trường chính yếu được hưởng học bổng Hoa Tạng và Hiếu Kính Thành. Pháp Sư hoàn toàn đồng ý với câu nói trong Kinh Lễ rằng “giáo dục là điều kiện thiết yếu nhất để xây dựng quốc gia và lãnh đạo nhân dân”. Ngài tin rằng giáo dục là nhân tố quan trọng để quốc gia được cường thịnh. Phát triển ngành giáo dục là công việc hàng đầu để tăng tiến nền văn minh, ổn định xã hội và cải thiện đời sống. Người giáo viên có phẩm chất và đạo đức cao sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đạt được những thành quả nói trên.

Bất hạnh thay, trong xã hội ngày nay, chúng ta đang để mất đi những giá trị cổ truyền, chúng ta cần phải một lần nữa nhấn mạnh sự quan trọng của giáo dục, trong việc dạy những giá trị cổ truyền để con cháu chúng ta tự hào với nền văn hóa, di sản và tổ quốc của chúng. Thông qua giáo dục, mọi người sẽ dần dần mở mang trí óc, trở nên khoan dung với người khác, kế thừa, phát huy những phẩm chất ưu việt truyền thống và của những quốc gia khác. Như vậy tương lai của nhân loại và tổ quốc sẽ xán lạn và đầy triển vọng đều phát xuất từ nền tảng giáo dục. Giáo viên là chiếc cầu nối liền quá khứ với hiện tại và từ Tây phương đến Ðông phương. Ðể thành tựu việc này, chúng ta cần phải có sự hỗ trợ của chính phủ và các kỹ nghệ gia cũng như xã hội.

Ðào Tạo người kế thừa Phật Giáo

Sự quan trọng của người kế thừa Phật giáo:

Chủ tịch Hội Phật Giáo Trung Hoa, ông Triệu Phác Sơ (Pu Chua Zhao) đã có lời kêu gọi đơn giản mà hùng hồn tại Hội nghị Giáo Dục PG Trung Hoa ở Thượng Hải năm 1991 “Ðiều quan trọng nhất cho tương lai PG Trung Hoa là, thứ nhất, chúng ta cần đào tạo những người kế tục PG; thứ nhì, chúng ta cần đào tạo những người kế tục PG; thứ ba, chúng ta cần đào tạo những người kế tục PG”. Bài diễn văn nhiệt thành và thẳng thắn của ông đã làm cho thính giả cảm động sâu xa.

Sau buổi nói chuyện của ông, Phật tử Trung Hoa chỉ nghĩ tới và tìm cách thực hiện ý kiến của ông. Kết quả nhiệt tình đó là việc thiết lập nhiều Phật học viện mới, những cơ sở mọc lên như măng tre sau cơn mưa. Những trường này đào tạo những người kế thừa PG để chăm sóc tự viện và làm giáo viên, giảng viên, được cử tới những tự viện khắp Trung Hoa. Những người kế thừa có tài năng này sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng cho PG Trung Hoa và do lời kêu gọi của ông Triệu Phác Sơ.

Từ lâu Pháp Sư Tịnh Không đã mong ước sâu xa rằng một ngày nào đó Ngài sẽ có thể trở về Trung Hoa để hỗ trợ việc giáo dục cho đồng bào của mình. Không may là do nhiều lý do khác nhau, điều mong ước đó đã không thể thực hiện được, ngày nay hoài bảo ấy đã trở thành hiện thực, nên Pháp sư đang tập trung để hổ trợ cho Phật Giáo Trung Hoa.

Mở Khóa đào tạo giảng viên

Pháp Sư Tịnh Không được mời sang Hồng Kông thuyết giảng vào năm 1977 và Singapore năm 1987. Kết quả là việc thuyết pháp mỗi năm ở hai nơi này tạo điều kiện cho Ngài phát triển nhiều liên hệ vững chắc. Tháng năm, 1995, Hội PG Singapore và Hội Phật Ðà đã thành tâm thỉnh cầu Ngài đến thuyết pháp và mở lớp đào tạo những thuyết trình viên. Khi được biết rằng tất cả các đại đức ở khóa thứ nhất đều là đồng hương của mình, Ngài đã vui mừng, vì điều mong ước đào tạo thuyết trình viên Trung Hoa của Ngài đã trở thành hiện thực.

Sau khi khóa thứ nhất kết thúc và với sự khuyến khích và giúp đỡ của Pháp Sư Tịnh Không, chín Tỳ kheo đều vui vẻ trở về Trung Hoa. Tin tức về sự thành công của khóa đào tạo này gây nhiều quan tâm ở Trung Hoa. Kết quả là khi khóa thứ hai được thông báo, số người ghi tên tham dự nhiều hơn con số dự định. Pháp Sư Tịnh Không và ông Lý Mộc Nguyên (Bock-Guan Lee), Chủ tịch Hội Phật Ðà ở Singapore đồng ý tăng thêm số chỗ và thông báo rằng sẽ dành ưu tiên cho những người ghi tên trước. Như vậy vào năm 1996, khóa thứ hai tăng lên 30 Tăng sinh đến từ các tỉnh và thành phố khác nhau khắp Trung Hoa. Tiếp đó là khóa thứ ba mở vào tháng chín năm 1997 và khóa thứ tư mở tháng ba năm 1998. Tổng cộng các khóa đào tạo cho hơn 70 đại đức và cư sĩ từ Trung Hoa, Hoa Kỳ, Thái Lan, Phillipine và Mã Lai. Họ trở về tự viện của mình hoặc được mời đi thuyết giảng ở những nơi khác. Sự thành công trong công việc đào tạo người thuyết giảng mới hữu ích cho công cuộc truyền bá Phật Pháp, và chắc chắn hỗ trợ việc đưa tinh thần đổi mới vào PG Trung Hoa.

Mở Khóa Dạy Kinh Hoa Nghiêm:

Năm 1998, Ông Lý Mộc Nguyên cung thỉnh Pháp Sư Tịnh Không giảng Kinh Hoa Nghiêm cho Hội PG Singapore. Khi Pháp Sư Tịnh Không nhận lời mời, các hành giả khắp nơi trên thế giới đều hân hoan. Hội PG đã ủy nhiệm cho Khoa Kiến Trúc Ðại học Tong-Ji tại Thượng Hải vẽ hai tòa tháp bằng đồng, đúc ở Trung Hoa rồi chuyển tới Hội ở Singapore, nơi tôn trí hai bảo tháp này. Hai tòa tháp này được đúc bằng đồng, được xem là tháp đồng cao nhất thế giới, được làm để kỷ niệm cho những bài thuyết giảng về Kinh Hoa Nghiêm, một bộ Kinh được coi là có tư tưởng bao quát nhất trong tất cả những kinh điển PG, một giáo lý viên mãn. Chương trình thuyết pháp này sẽ chiếm một thời gian từ một năm tới mười năm. Việc giảng sâu rộng này đã chưa được hoàn thành trong hai trăm năm qua.

Hiện tại có mười hai đại đức trong khóa nghiên cứu Hoa Nghiêm. Ða số họ đã tham dự những khóa đào tạo thuyết trình viên trước đây. Bây giờ họ nghe thuyết giảng, thảo luận và ghi chú về cuốn kinh, soạn bài và thuyết pháp, viết bài cho tạp chí Giáo dục PG, học tiếng Anh và học vi tính.

Thiết Lập Trường Giáo Dục Phật Giáo:

Cuối năm 1998, Pháp Sư Tịnh Không và ông Lý Mộc Nguyên chính thức lập kế hoạch thành lập Trường Giáo Dục PG, là trường đầu tiên thuộc loại này ở Singapore. Trong thời gian này, tất cả những văn bản công trình đã được hoàn thành và được trình cho Bộ Giáo Dục để được chấp thuận. Nhiệm vụ của trường là “học làm giáo viên tốt và làm gương cho mọi người”. Nơi đó sẽ có ba lớp: lớp thứ nhất là các lớp dự bị, ba năm kế tiếp là các lớp cao cấp và ba năm cuối là các lớp hậu tốt nghiệp. Nguyên tắc, nội dung và phương pháp giảng dạy của chương trình sẽ rất khác với trường Phật học thông thường. Sinh viên sẽ học một cuốn Kinh, từng phần một. Sau khi học xong một bài với sự chấp thuận của giáo sư, sinh viên sẽ học tiếp bài kinh kế đó.

Phương pháp này tập trung vào một cuốn kinh, tạo điều kiện cho sinh viên học và nghiên cứu sâu cuốn kinh chính của họ. Sinh viên có thể dự thính các lớp dạy những kinh khác nhưng khi họ đã chọn kinh chính thức thì không được thay đổi. Không giống như những lớp khác các giáo sư sẽ giảng giải tất cả; với chương trình này, sinh viên tự nghiên cứu tài liệu học, soạn bài, thuyết trình, nghe các bạn học nhận xét và sửa chữa bài soạn của mình.

Lúc đầu bài thuyết trình chỉ dành riêng cho các bạn học. Một khi bài soạn đã được sửa chữa theo lời bình của các bạn cùng lớp, sinh viên sẽ thuyết trình chính thức với thính giả công chúng. Khi học xong mỗi học phần, giáo sư sẽ cho điểm kết quả nghiên cứu của sinh viên để quyết định họ có thể tiếp tục với học phần kế tiếp hay không.

Pháp Sư Tịnh Không hy vọng rằng phương pháp dạy theo truyền thống Trung Hoa này sẽ đào tạo một thế hệ mới những giảng viên Phật học với trình độ cao, thông thạo giáo lý, thông hiểu ý nghĩa của giáo lý, và là khuôn mẫu cho các trường Phật học khác. Cách tốt nhất để thành tựu mục tiêu ngày hôm nay là học các ngôn ngữ và các nền văn hóa khác và có khả năng ứng dụng kỹ thuật hiện đại để mang nền giáo dục PG tới mọi người trên khắp thế giới.



Phát huy sự hiểu biết nhau qua lòng chân thành

Ða tín ngưỡng, đa văn hóa :

“Thế giới có nhiều dân tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau”. Pháp Sư Tịnh Không đã đồng tình về sự quan trọng của việc liên hiệp những đoàn thể khác nhau trong nhiều năm. Ngài giải thích “chỉ bằng cách mở rộng tâm trí, với mỗi ý nghĩ dành cho người khác và cho chúng sinh khắp vũ trụ, và luôn tâm niệm rằng chúng ta là những nhà giáo dục xã hội tự nguyện có trách nhiệm, chỉ bằng cách đó quan kiến của chúng ta mới thực sự chân thành và đúng đắn.

Với chỉ một chút ý nghĩ vị kỷ hay phân biệt, chúng ta sẽ xa cách với giáo lý của Ðức Phật rồi, ý nguyện về đa văn hóa, đa chủng tộc và đa tôn giáo của chúng ta sẽ không thành sự thật. Thêm nữa, một người thực sự giác ngộ hiểu rằng tất cả là một, toàn vũ trụ là quê hương của mình, vũ trụ và mình là một thực thể trọn vẹn”. Hiểu được như vậy, những người giác ngộ đã phát tâm từ bi vô điều kiện. Ðó là cốt tủy giáo lý của Ðức Phật. Ðó là những gì Pháp Sư Tịnh Không trong mong ở những người học trò của Ngài.

Chân thành là khởi điểm của sự giao hảo:

Với sự phát triển xã hội, những tiến bộ về kỹ thuật mới đây, và sự cải thiện liên tục về mức sống, chắc chắn chúng ta giao hảo và cộng tác với những dân tộc, những đoàn thể, những tôn giáo và những quốc gia khác. Ðối đầu và võ lực không phải là cách giải quyết những vấn đề của chúng ta. Vậy chúng ta có thể tương tác một cách tốt nhất với người khác như thế nào?

Pháp Sư Tịnh Không đã nhận xét vấn đề này trong nhiều năm, một vấn đề có vẻ rất phức tạp và đòi hỏi nhiều suy tư. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, Pháp Sư Tịnh Không đã đưa ra lời giải đáp rất đơn giản và thẳng thắn: “sự chân thành” (True sincerity). Chúng ta có thể dùng sự chân thành và tâm bình đẳng để tương tác một cách thành công với mọi người “Hãy làm cho người khác những gì họ làm cho mình”. Như vậy mọi vấn đề sẽ có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Cách thức này nghe có vẻ rất đơn giản và dễ làm, nhưng khi thử ứng dụng chúng ta sẽ thấy là không dễ như mình đã nghĩ. Giải pháp của Pháp Sư Tịnh Không là “giáo dục”. Khi sử dụng giáo dục chúng ta sẽ có thể giải quyết được mọi khác biệt.

Tìm kiếm nền tảng chung trong khi vẫn tôn trọng những điểm khác biệt

Tại tiểu bang Queensland, ông Uri Themal, Giám đốc điều hành của Ða Văn Hóa Sự Vụ thuộc tiểu bang Queensland, chủ tọa những cuộc họp hàng tháng của diễn đàn đa tín ngưỡng. Các nhà lãnh đạo của những nhóm sắc tộc, những tôn giáo, và các học viện gặp nhau để trao đổi ý kiến về cách kiến tạo một xã hội hòa hợp, thịnh vượng và như ý. Pháp Sư Tịnh Không được mời nói chuyện tại hội nghị để chia xẻ ý kiến và nguyện vọng của Ngài về đề tài thảo luận. Mọi người thảo luận đề tài đi tới giải pháp khả thi và trình những điều đề nghị cho chính phủ.

Như Pháp Sư Tịnh Không đã nói, mỗi nền văn hóa, mỗi tôn giáo, mỗi chủng tộc đều có những phẩm chất đáng biểu dương. Dù phát xuất từ các nền văn hóa khác nhau, chúng ta vẫn có nhiều điểm tương đồng. Nếu dùng những điểm tương đồng này làm điểm khởi hành đi tìm nền tảng chung và dẹp sang một bên mọi sự khác biệt thì chúng ta sẽ có thể cảm nhận những điểm tốt của nhau. Như vậy chúng sẽ chân thành tôn trọng nhau và không còn muốn can thiệp vào công việc nội bộ của người khác hay giải quyết những vấn đề bằng võ lực. Như vậy, mọi tranh chấp sẽ tự nhiên tiêu tan, sẽ không còn chiến tranh nữa, và xã hội sẽ hòa bình, thịnh vượng.

Với những ý tưởng này, Pháp Sư Tịnh Không nhiệt thành mong ước thiết lập một viện đại học đa văn hóa, hay ít nhất cũng là một ban đa văn hóa ở mỗi trường đại học để bảo trợ và huấn luyện những chuyên viên truyền bá giáo lý đa văn hóa và do đó phát triển sự ổn định xã hội và hòa bình thế giới

Tôn trọng và nêu cao các truyền thống

Pháp Sư Tịnh Không thường nói rằng những phẩm chất đặc thù của các nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo giống như những bộ phận của cơ thể chúng ta, mỗi bộ phận đều có đặc tính và chức năng riêng. Thí dụ đầu và tay có tính chất và chức năng riêng của chúng. Chúng ta không thể dùng tay để nghĩ, hay dùng đầu để làm những công việc của tay.

Các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau có những phẩm tính và giá trị và độc đáo về chân, thiện, mỹ của riêng mình. Chân, thiện, mỹ của bên này không làm giảm thiểu chân, thiện, mỹ của bên kia. Chúng ta không thể cưỡng bách một người nào khác chấp nhận văn hóa của mình, lối sống hay nguyên tắc của mình. Chúng ta không nên có thành kiến cho rằng cái gì của mình cũng hơn những cái của người khác, người khác nên bỏ lối sống của họ, để theo lối sống của chúng ta. Mỗi chủng tộc đều có phẩm chất tốt của riêng mình, truyền thống của riêng mình. Tính ưu việt và những đặc trưng riêng của một dân tộc chỉ có thể có được thể hiện qua văn hóa truyền thống của họ. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải bảo tồn, tôn vinh và truyền lại cho những thế hệ sau những truyền thống tốt đẹp của mình.

Mục tiêu của chúng ta là đạt được lòng thành thực, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi và tỉnh thức. Chúng ta chỉ có thể giải quyết mọi vấn đề với tâm trí của mình, chứ không thể giải quyết bằng võ lực, bằng chiến tranh. Mọi vấn đề được giải quyết bằng từ bi đối với chúng sinh, hữu tình cũng như vô tình. Chúng ta phải biết buông bỏ ý muốn kiểm soát người khác, vì như vậy chỉ gây thêm tranh chấp, gia tăng nghiệp xấu của mình.

Không ai có thể thực sự kiểm soát người khác. Lịch sử cho chúng ta thấy nhiều thí dụ về những quốc gia cố gắng dùng võ lực kiểm soát nước khác. Khi quan sát lịch sử, chúng ta thấy nhiều chính quyền cố gắng áp đặt chế độ, giá trị, hình thức cai trị của mình lên xứ khác mà không xét gì tới lịch sử, văn hóa và truyền thống của họ, chỉ cứ muốn kiểm soát đất nước của họ. “Chính quyền theo đuổi lý tưởng công chính thì đạt được sự hỗ trợ lớn, còn chính phủ không công chính thì chỉ đạt được hỗ trợ nhỏ, nếu mục đích không công chính thì dù người dân có theo, họ cũng không thể duy trì sự kiểm soát nước khác lâu dài. Họ sẽ phải thất bại. Không ai có thể thực sự kiểm soát người khác. Những người làm như vậy sẽ phải trả giá đắt cho hành vi của mình.

Trong thế gian này có hai hạng người. Những người không biết tới truyền thống và nguốn gốc của mình. Chỉ tìm cách kiểm soát người khác, không biết rằng mình sẽ tiêu vong. Hạng người thứ hai làbiết truyền thống, gốc rễ và lịch sử của mình và biết rằng hạng người kia sẽ thất bại. Họ hiểu rằng bỏ đi những bản sắc của riêng mình hoặc áp đặt cái khác vào là những việc làm không lâu bền.

Pháp Sư Tịnh Không nói rằng “Dân tộc Trung Hoa đã trải qua năm ngàn năm lịch sử. Người ngoại quốc không hiểu được những đặc điểm của văn hóa Trung Hoa, không hiểu được sự minh triết Trung Hoa vốn đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống và văn hóa của chúng ta cũng độc đáo như truyền thống và văn hóa của những quốc gia khác. Chúng ta cần phải tôn trọng những nét khác biệt. Chúng ta cần phải bảo vệ văn hóa của mình cũng như tôn trọng văn hóa của các xứ khác, và ca tụng chân, thiện, mỹ của tất cả các dân tộc và các nền văn hóa. Như vậy chúng ta sẽ hiểu rằng sự đa dạng của tất cả nền văn hóa là sự kỳ diệu và hoàn mỹ.

Viếng thăm Hội Truyền bá Hồi Giáo ở Singapore:

Vào cuối năm 2000, lần đầu tiên Pháp Sư Tịnh Không, ông Lý Mộc Nguyên và hơn sáu mươi Tăng sĩ và cư sĩ thuộc Hội PG Singapore và Hội Phật Ðà thăm viếng tổ chức từ thiện của Hội Truyền Bá Hồi Giáo Singapore. Những tịnh tài và tịnh vật được trao cho những người cư trú trong viện dưỡng lão và viện mồ côi của Hội và có 30 học bổng được cấp cho 30 sinh viên Mã lai đang sống ở Singapore. Các tờ báo địa phương như Liên Hợp Tảo báo (Lain He Zao Bao), và Tân Dân nhật báo (Xin Min Daily) và Straits Time đều đưa tin về cuộc viếng thăm này. Mấy tuần sau khi báo chí đưa tin và phỏng vấn, cuộc viếng thăm vẫn hiện hữu trong tâm trí của người dân Singapore và chính phủ của họ đánh giá cao sự giao hảo giữa hai nhóm sắc tộc khác nhau. Sau đó Pháp Sư Tịnh Không và ông Lý Mộc Nguyên Lập kế hoạch thăm viếng các nhóm Gia Tô Giáo, Aán giáo và các tôn giáo khác, với hy vọng củng cố mối giao hảo liên tôn giáo, giúp cho sự ổn định và hòa hợp xã hội, cũng như làm gương cho người khác noi theo.



Làm Lợi ích cho xã hội với lòng từ

Từ bi: giáo lý căn bản của PG:

PG đích thực là một nền giáo dục, với mỗi ý nghĩ về phát tâm từ bi và biểu dương hòa bình. Pháp Sư Tịnh Không khuyên mọi người hãy gia tăng lòng khoan dung, mở rộng tâm trí để thương yêu mọi chúng sinh, không phải riêng gia đình và bạn bè mà còn với người xa lạ và kẻ thù, thú vật, cây cỏ cùng tất cả những loài vô tình. Lòng từ bi vô lượng này là trung tâm của niềm tin, sự hiểu biết và pháp thực hành của hành giả. Từ bi là động lực dựa trên sự hiểu biết rằng tất cả chúng ta có cùng nguồn cội và tất cả là một thực thể.

Ðức Phật giải thích Luật Nhân Quả (Law of Cause and Effect) rằng mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta đều mang lại một hệ quả. Hoàn cảnh hiện tại và mọi sự việc xảy ra cho chúng ta đều có nguyên nhân mà chúng ra đã gieo trồng trong những kiếp trước. Khi hiểu biết như vậy chúng ta sẽ đối xử với ngườikhác một cách từ bi và thành thực, vì chúng ta biết rằng, ý nghĩa và lời nói và hành vi hiện tại của mình là nguyên nhân tạo ra những hệ quả ở tương lai. Vì vậy chúng ta nên quý trọng mọi mối quan hệ mà mình gặp hàng ngày.

Theo PG thì để hai người cùng đi chung một chuyến xe bus, họ phải đã có một liên hệ nào đó với nhau trong nhiều kiếp trước. Với người thân và bạn bè, chúng ta từng có liên hệ với nhau trong hàng ngàn năm để có thể thân cận như vậy trong kiếp này. Ðiều này dạy cho chúng ta một chân lý là đừng nghĩ tới điều lợi hay bất lợi cho riêng mình và đừng quan tâm tới những chuyện nhỏ mọn. Tất cả các sinh linh đã có lần là cha mẹ của chúng ta trong quá khứ và sẽ là những vị Phật tương lai. Hiểu như vậy, chúng ta cư xử với người khác một cách hiền hòa và vui vẻ, vì chúng ta đã biết họ đã yêu họ trong những kiếp trước. Ðược gặp lại họ trong kiếp này là cơ may hiếm có. Chúng ta cần phải quý trọng những liên hệ hiện tại, và không bận tâm với những chuyện nhỏ, vốn thực sự không có gì quan trọng.

Khi đạt được sự hiểu biết như vậy, chúng ta sẽ có thể giải trừ tính vị kỷ của mình và đạt được cấp độ “ tất cả là một, một là tất cả”. Ðây là bước đầu tiên tiến tới từ bi và là điều mà Ðức Phật đã dạy cho chúng ta làm. Có ba bước căn bản mà chúng ta phải thực hiện để phát tâm từ bi đối với người khác. Thứ nhất là chúng ta có thể dùng tài sản hay sức lực của mình để giúp người khác vượt qua những lúc khó khăn của họ. Thứ hai, chúng ta có thể giới thiệu những lời Phật dạy cho người khác và giúp họ đạt được lợi ích từ PG. Thứ ba, chúng ta có thể giảng giải cho họ biết nguyên nhân nỗi khổ hiện tại của họ và họ có thể làm gì để vượt qua sự đau khổ ấy, và do đó tạo dựng đời sống hạnh phúc. Ðây là cách chúng ta phát triển lòng từ bi đích thực. Ðây là việc mà Pháp Sư Tịnh Không đã làm bao nhiêu năm nay, để tạo lợi ích cho chúng sinh và làm gương cho tất cả chúng ta.

Bốn mươi năm giảng dạy: Từ bi để làm lợi ích chúng sanh:

Trong 40 năm, Pháp Sư Tịnh Không đã truyền bá Phật Pháp, khuyến khích mọi người đối diện với cuộc đời bằng thái độ tích cực và đón chào tương lai với niềm tin và hy vọng. Hầu như tất cả mọi người thành công đều đã phải đối diện với những chướng ngại và những nghịch cảnh mà ít có người nào khác biết tới. Ngày nay người ta trông thấy những thành công và thành tựu của Ngài, rất ít người biết đến sự cô đơn và khó nhọc mà Ngài đã chịu đựng trong những năm đầu tu luyện bằng cách đi theo con đường ít ai đã trải qua. Ngài tin tưởng vững chắc rằng nhiệm vụ căn bản của các Tăng Ni là truyền bá giáo lý chân chính của Ðức Phật chứ không chỉ làm những lễ nghi tôn giáo. Ðó là thời gian Ngài rèn luyện mình, để chứng ngộ chân lý, để buông bỏ mọi tham dục và đạt được sự giải thoát tri kiến và giác ngộ.

Ngày nay chúng ta thấy Pháp Sư Tịnh Không được chào đón với những bó hoa, những tràng pháo tay và sự hỗ trợ ở bất cứ nơi nào Ngài tới. Thính giả mong mỏi chờ đợi Ngài xuất hiện, biểu bộ sự thành kính khi Ngài bước lên pháp tòa để thuyết giảng. Có ai biết rằng phía sau những nụ cười và gương mặt bình thản của Ngài là một gánh nặng trách nhiệm, khối lượng của sự quan tâm tới chúng sinh khi Ngài ra sức truyền bá giáo lý của Ðức Phật. Pháp Sư Tịnh Không luôn ý thức về những khổ đau của chúng sinh và luôn có ý nghĩ làm sao để giúp họ thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ngài cảm thấy có một nỗi buồn lớn cho tình trạng của thế gian và cảm thông với những đau khổ của muôn loài.

Sau khi di cư tới Ðài Bắc do hoàn cảnh thay đổi, Ngài hoang mang không biết sau này mình sẽ đi tới đâu. Trong thời gian khó khăn này. Ông Bà Cư Sĩ Hàn Anh (Yin Han) đã cung thỉnh Ngài tới cư ngụ tạm nơi nhà của họ. Sự cống hiến này không dành cho bản thân của Pháp Sư mà phát xuất từ sự hiểu biết và hộ trì Phật Pháp của ông bà .

Mục tiêu chính yếu của bà Hàn Anh là bảo vệ những giáo lý chân chính và bảo đảm sự liên tục của những giáo lý đó cho các thế hệ tương lai. Bà dùng mọi phương tiện có thể để tìm chỗ cho Pháp Sư Tịnh Không thuyết pháp. Bà mượn hay thuê chỗ, bất kể rộng hay hẹp, rồi khuyến khích mọi người đến nghe Ngài diễn giảng.

Pháp Sư Tịnh Không nói rằng Ngài cũng như một hạt giống, đã được Giáo sư Phương Ðông Mỹ lựa chọn, Ðại sư Trương Gia gieo trồng và được Pháp Sư Lý Bỉnh Nam vun xới và ông bà cư sĩ Hàn Anh chăm sóc. Sau khi đã làm tròn vai trò hộ pháp cho Ngài Tịnh Không đạt đến thành tựu, bà Hàn Anh được Phật A Di Ðà tiếp dẫn về Tây Phương Tịnh Ðộ vào ngày 5 tháng 3 năm 1997. Qua tấm gương của bà, chúng ta đã thấy rõ công đức và lợi ích bất khả tư nghì tích lũy từ việc hộ trì Chánh pháp. Ðiều này đã tăng thêm niềm tin của chúng ta vào tín ngưỡng, tri kiến và pháp môn tu tập của mình đồng thời tái củng cố niềm tin vào pháp môn Tịnh Ðộ của chúng ta.

Trên thế gian này thiện và ác xen lẫn với nhau. Ðiều thiện là bảo vệ Chánh pháp, điều ác là phá hoại Chánh pháp. Bà Hàn Anh là người suốt đời tranh đấu chống lại bất công, nhận ra được cái tốt đó khi bà gặp nó và bà đã vượt qua được những chướng ngại trong đời bà. Vì vậy Pháp Sư Tịnh Không sẽ mãi mãi ghi nhớ lòng tử tế của những người hộ trì cho Ngài đạt thành tựu trên bước đương hoằng Pháp. Ðể đền đáp sự tử tế này, Ngài tha thiết kêu gọi hành giả tinh tấn tu tập, kiên trì không lùi bước và làm tất cả những gì có thể để được vào được Tây Phương Tịnh Ðộ, thành Phật ngay trong kiếp này.

Thông thường khi đã có tuổi, người ta về hưu để củng cố và hưởng thú vui gia đình, hoặc xa lìa cuộc sống, nằm đợi phút giây cuối cùng. Nhưng Pháp Sư Tịnh Không dù đã qua tuổi bẩy mươi, Ngài vẫn khỏe mạnh và tiếp tục công việc của suốt đời mình, đó là gánh vác trách nhiệm giúp đỡ chúng sinh giác ngộ và giải thoát sinh tử luân hồi. Pháp Sư đã suốt đời xuất sắc nêu gương tốt ấy cho mọi người.

Tháng 11 năm 1998, Pháp Sư Tịnh Không bị cảm lạnh nặng và được khuyên nên nghỉ ngơi. Ngài sửa soạn sớm hơn thường lệ cho việc diễn thuyết và đợi những người thị giả tới đưa Ngài tới giảng đường. Trong thời gian này, Ngài tiếp tục chương trình nói chuyện hàng ngày vào buổi sáng và thường những bài thuyết pháp kéo dài hai giờ. Bất kể mắt bị sưng và những cơn ho nghiêm trọng, Ðại Sư Tịnh Không vẫn thuyết giảng với phong thái như thường thấy, nâng cao tinh thần và thu hút thính giả. Trong những bài giảng dài khi bệnh ho nặng hơn, Ngài vẫn tỏa ra dáng điệu vui vẻ. Mọi người đều cảm động và một sự im lặng kính cẩn tràn ngập giảng đường. Từ lúc đó, các đệ tử của Ngài không muốn cáo bệnh nữa và đã cố gắng nhiều hơn để noi gương bậc Pháp Sư này. Những bộ băng giảng chính của Pháp Sư Tịnh Không hiện có :

1. Kinh A Di Ðà Sớ Sao Diễn Nghĩa (350 VCD)

2. Kinh Vô Lượng Thọ (12 băng cassettes)

3. Kinh Hoa Nghiêm (180 băng cassettes)

4. Kinh Ðịa Tạng (80 VCD)

5. Kim Kim Cang Bát Nhã (203 VCD)

6. Kinh Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác (29 VCD)

Những băng giảng của Pháp Sư Tịnh Không đã được Ðạo Hữu Thanh Trí (hiện ở Sydney, Úc châu) chuyển ngữ sang tiếng Việt:

7. Kinh Kim Cang Yếu Nghĩa (5 băng video)

8. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (chương Tứ Tịnh Minh Hối) 5 băng video

9. Kinh Thập Thiện Nghiệp Ðạo (2 băng video)

10. Phật Pháp Bất ly sinh hoạt (1 băng video)

11. Mục tiêu chung cục của sự học Phật (yếu nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm) (1 băng video)

12. Tịnh Ảnh Lục (lời vàng của HT Tịnh Không) (3 băng video)

13. Liễu phàm từ huấn (Cải tạo vận mạng) (4 băng video)

Quý Phật tử muốn thỉnh các băng trên, xin liên lạc về Tu Viện Quảng Ðức, Melbourne, Úc Châu để thỉnh.
Bộ Càn Long Đại Tạng Kinh, gồm 156 tập, mỗi quyển khoảng 1000 trang, chứa đựng toàn bộ Kinh, Luật, Luận, Truyện, Sử  Phật giáo, do HT Tịnh Không ấn tống để cúng dường cho các Phật học viện trên khắp thế giới<br /><br />Tất cả những tài liệu trên và hàng ngàn kinh sách khác<br /> do Hội Giáo Dục Phật Đà (Taiwan)<br />gởi tặng Tu Viện Quảng Đức
Bộ Càn Long Đại Tạng Kinh, gồm 156 tập, mỗi quyển khoảng 1000 trang, chứa đựng toàn bộ Kinh, Luật, Luận, Truyện, Sử Phật giáo, do HT Tịnh Không ấn tống để cúng dường cho các Phật học viện trên khắp thế giới

Tất cả những tài liệu trên và hàng ngàn kinh sách khác
do Hội Giáo Dục Phật Đà (Taiwan)
gởi tặng Tu Viện Quảng Đức
httinhkhong-daitang5[1].jpg (151.26 KiB) Đã xem 2254 lần
Tập tin đính kèm
Kinh A Di Ðà Sớ Sao Diễn Nghĩa ( 350 VCD) <br />do Pháp Sư Tịnh Không giảng
Kinh A Di Ðà Sớ Sao Diễn Nghĩa ( 350 VCD)
do Pháp Sư Tịnh Không giảng
httinhkhong-adida[1].jpg (49.64 KiB) Đã xem 2239 lần
Kinh Vô Lượng Thọ (12 băng cassettes)<br />do Pháp Sư Tịnh Không giảng
Kinh Vô Lượng Thọ (12 băng cassettes)
do Pháp Sư Tịnh Không giảng
httinhkhong-voluongtho[1].jpg (50.71 KiB) Đã xem 2207 lần
Kinh Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh ( 29 VCD) do Pháp Sư Tịnh Không giảng
Kinh Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh ( 29 VCD) do Pháp Sư Tịnh Không giảng
httinhkhong-vlt[1].jpg (49.2 KiB) Đã xem 2224 lần
Kinh Kim Cang Bát Nhã (203 VCD)<br />do Pháp Sư Tịnh Không giảng
Kinh Kim Cang Bát Nhã (203 VCD)
do Pháp Sư Tịnh Không giảng
httinhkhong-kimcang[1].jpg (45.04 KiB) Đã xem 2184 lần
Kinh Hoa Nghiêm ( 180 băng cassettes)<br />do Pháp Sư Tịnh Không giảng<br /><br />Kinh Hoa Nghiêm ( 180 băng cassettes)<br />do Pháp Sư Tịnh Không giảng<br /><br />Kinh Hoa Nghiêm ( 180 băng cassettes)<br />do Pháp Sư Tịnh Không giảng
Kinh Hoa Nghiêm ( 180 băng cassettes)
do Pháp Sư Tịnh Không giảng

Kinh Hoa Nghiêm ( 180 băng cassettes)
do Pháp Sư Tịnh Không giảng

Kinh Hoa Nghiêm ( 180 băng cassettes)
do Pháp Sư Tịnh Không giảng
httinhkhong-hoanghiem[1].jpg (51.22 KiB) Đã xem 2139 lần


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.3 khách