Chùa Bão Đông

...Thế kỷ XV, cư dân Đại Việt di cư vào làng Hà Trung, họ sử dụng “ngôi Chùa đá” này làm nơi thờ Phật cho mình, và trong suốt một thời gian dài, “ngôi Chùa đá” này đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng xã.

Sang đầu thế kỷ XVIII, vào năm 1703, vị Tham chính Trần Đình Ân sau khi nghỉ việc nước ông về làng và đến tu thiền tại ngôi Chùa này. Từ khi về ở Chùa, ông cho sửa sang lại và ngôi Chùa không còn giữ nguyên vẻ cũ.

...Khuôn viên di tích Chùa Bão Đông có hệ thống cổng trụ làm bằng đá tương đối lớn. Từ ngoài vào cổng phải qua một hệ thống tầng đá cấp lát đá. Ở cổng vào khoảng 10m là đến nền Chùa. Khu vực nền có diện tích cỡ 120m2. Trên nền còn 2 trụ đá, có khắc chữ ba mặt theo mẫu tự Chàm cổ. Phía đầu trụ và bên thân có những lỗ sâu hình chữ nhật và hình vuông, dấu hiệu của những điểm khớp mộng.

...Chùa Bảo Đông vừa mang tính di sản về mặt thanh nhân, vừa có tính chất là di sản văn hóa của người Chăm được người Việt kế thừa và phát triển. Từ một ngôi Chùa đá nằm trong khuôn viên khu tháp Chàm cổ có giá trị về mặt kiến trúc, trong quá trình biến đổi lịch sử, Chùa đã được người Việt tiếp thu và sử dụng vào mục đích Tôn giáo của mình; rồi sau đó lại ghi thêm một dấu ấn nữa về một danh nhân có nhiều đóng góp vào sự nghiệp mở mang đất nước.

Chùa Bão Đông

Một Di Tích Văn Hoá Phật Giáo Độc Đáo ở Quảng Trị

Linh An

Trong số những di tích lịch sử văn hóa Phật giáo tồn tại trên đất Quảng trị, thì Chùa Bảo Đông nổi trội hơn hết về mặt nghệ thuật kiến trúc bằng đá cũng như giá trị về văn hóa lịch sử. Vị trí của Chùa nằm trong khuôn viên của ngôi tháp Chăm cổ, một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của bộ phận người Chăm. Ngày nay, Chùa Bảo Đông nằm ở làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Có một huyền thoại về ngôi Chùa “đá”: Để làm được ngôi Chùa, những người thợ xây dựng lúc đó phải chở một lượng đá rất lớn từ nơi khác đến. Để chuyển được lượng đá đó, họ đã lợi dụng một trận Bão Đông để đi bè bằng đường thủy. Từ đó, sau khi hoàn thành, người ta gọi là Chùa Bão Đông.

Cũng có người kể rằng: Để làm được ngôi Chùa bằng đá đó, là do một trận Bão Đông lớn đá ném một tảng đá thật khổng lồ vào làng Hà Trung, nhờ đó, làng đem bổ thành trụ, thành cột để  làm Chùa. Dân địa phương lúc đó bảo rằng đó là ngôi Chùa của người Chăm.

Thế kỷ XV, cư dân Đại Việt di cư vào làng Hà Trung, họ sử dụng “ngôi Chùa đá” này làm nơi thờ Phật cho mình, và trong suốt một thời gian dài, “ngôi Chùa đá” này đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá của làng xã.

Sang đầu thế kỷ XVIII, vào năm 1703, vị Tham chính Trần Đình Ân sau khi nghỉ việc nước ông về làng và đến tu thiền tại ngôi Chùa này. Từ khi về ở Chùa, ông cho sửa sang lại và ngôi Chùa không còn giữ nguyên vẻ cũ.

Qua thực tế, hiện trạng Chùa Bảo Đông không còn như xưa, khuôn viên di tích Chùa Bảo Đông có hệ thống cổng trụ làm bằng đá tương đối lớn. Từ ngoài vào cổng phải qua một hệ thống tầng đá cấp lát đá. Ở cổng vào khoảng 10m là đến nền Chùa. Khu vực nền có diện tích cỡ 120m2. Trên nền còn 2 trụ đá, có khắc chữ ba mặt theo mẫu tự Chàm cổ. Phía đầu trụ và bên thân có những lỗ sâu hình chữ nhật và hình vuông, dấu hiệu của những điểm khớp mộng. Ngày nay, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt luận chứng trùng tu,  xây dựng lại di tích lịch sử văn hoá Chùa bảo Đông, và Chùa được trùng tu, xây dựng hoàn thành vào cuối năm 1996, trở thành nơi sinh hoạt Tôn giáo, văn hoá của Phật tử Gio Linh.

Về nhân vật Trần Đình Ân, ông là người làng Hà Trung, xã Giao Châu, huyện Gio Linh. Vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi lớp trên, nên ông sớm gia nhập vào đội ngũ quan lại để phục vụ các chúa Nguyễn mở mang và củng cố xứ Đàng Trong. Là người có trí, trung hậu, chan hoà, độ lượng, nên được các chúa yêu mến. Đặc biệt, ông rất tâm huyết với việc mở mang đất Đàng Trong, lại là người giỏi việc binh nên uy tín không ngừng tăng lên. Quá trình thăng quan tiến chức của ông, từ một Thủ bạ dần dần lên đến Tham chính chánh đoán sự.

Tháng 8 năm Quý Mùi (1703), Trần Đình Ân thọ 78 tuổi, xin về trí sĩ. Trước sự từ biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu đặc tứ cho 10 mẫu ruộng, 10 lính hầu dùng để dưỡng lão. Đặc biệt, chúa tặng cho ông bài thơ thất ngôn. Nội dung bài thơ được khắc vào “Tứ công thần bia” dựng ở Chùa Bảo Đông.

Phiên âm:

Bình sinh từ thiện tính tinh thuần

Tán phụ ngô triều tứ thế nhân

Chính nghiệp dĩ thành từ tử phụ

Đạo tâm hằng hiện khước hồng trần

Hy hy bạc phát đồng tương hạo

Nghiễm nghiễm tiên phong diệt thán thần

Tử khứ Quảng Bình hà sở sự

Khánh sơ lục thuỷ lạc thiên châu.

Dịch là:

Suốt đời giữ thiện tính tinh thuần

Giúp đỡ triều ta trải bốn đời

Sự nghiệp đã thành tỏa dây ấn tía

Đạo tâm hằng hiện lấn cõi bụi hồng

Dáng tiên nghiêm chỉnh như (Tương Lương) nhà Hán

Nay về Quảng Bình thì làm sĩ

Non xanh nước biếc vui hưởng tình trời.

Như vậy, ta thấy Chùa Bảo Đông vừa mang tính di sản về mặt thanh nhân, vừa có tính chất là di sản văn hóa của người Chăm được người Việt kế thừa và phát triển. Từ một ngôi Chùa đá nằm trong khuôn viên khu tháp Chàm cổ có giá trị về mặt kiến trúc, trong quá trình biến đổi lịch sử, Chùa đã được người Việt tiếp thu và sử dụng vào mục đích Tôn giáo của mình; rồi sau đó lại ghi thêm một dấu ấn nữa về một danh nhân có nhiều đóng góp vào sự nghiệp mở mang đất nước. Đó là một quá trình giao lưu văn hoá, sự kết hợp trong tính cộng đồng giữa hai dân tộc Chăm- Việt.

(Trích tuần báo Giác ngộ 19/07/1997)